Cô nàng mộ bên - Phần 5 - Chương 40 - 41 - 42 - 43
40. Benny
Tuyết. Thứ tuyết quái quỷ khiến tôi chửi rủa mỗi
ngày, khi nó rơi dày đến nỗi tôi phải dậy từ năm giờ sáng để quét dọn lối vào
chuồng bò, mở đường cho xe chở sữa.
Tuyết là phao cứu sinh của Arvid. Có lẽ thằng bé đã
chạy ra khỏi cửa, đuổi theo chiếc máy kéo và gọi tên bố. Bố nó đang nghe đài
phát thanh nhờ cái loa gắn trong mũ bảo hộ. Và bố lùi xe. Ông bố buồn ngủ díp
mắt, vừa nhanh vừa ẩu, nhưng vẫn chắc chắn không có gì ở phía sau. Chỉ có điều
gương chiếu hậu không thể phát hiện những đứa bé thấp hơn một mét được.
Arvid đã bị chiếc máy kéo vùi vào lớp tuyết xốp.
Những chiếc xương non nớt của thằng bé bị gãy dưới lực ép. Nếu là người lớn thì
nó đã chết. Thằng bé bị gãy ba xương sườn, thủng một lá phổi và nứt xương chậu.
Chỉ có thế. Và tất cả sẽ bình phục trong hai tháng, theo lời bác sĩ. Quả đúng
như vậy.
Nhưng cần nhiều thời gian hơn để chữa lành những gì
Désirée và tôi đã gây ra cho nhau.
Désirée ở lại bệnh viện. Cùng với thằng Nils, tất
nhiên rồi. Tôi lấy xe chạy về nhà. Lúc đó là bốn giờ chiều, thời gian vắt sữa
buổi tối. Désirée thậm chí không buồn nhìn khi tôi bỏ đi, và cứ thế đi thẳng
đến phòng đợi với thằng Nils trên tay. Bộ phận hành chính đã cho cô mượn một
chiếc áo blu.
- Về lấy quần áo cho tôi. – Cô ta nói gọn lỏn. – Cả
tiền nữa.
Violet và Bengt-Göran lao bổ ra khỏi nhà khi tôi
lái xe ngang qua, và tôi đã kể lại mọi chuyện cho họ nghe. Chiếc xe cấp cứu vừa
mới đánh vòng trước cửa nhà hai người. Một trong số những người trên xe đã cho
vợ chồng Bengt-Göran biết chúng tôi sẽ trả giá đắt vì báo động giả.
Tôi mặc kệ. Cho đến khi tôi nhìn thấy cái mũ của
Arvid dưới sàn nhà. Thằng bé không thích đội mũ trùm đầu. Lúc nào nó cũng bỏ mũ
ra sau khi đội cho phải phép. Tôi nằm dài trên ghế xalông và thẫn thờ nhìn lên
trần nhà. Nước mắt chảy ướt tai tôi.
Vài tiếng sau tôi tỉnh giấc khi bị ai đó lay mạnh.
Tôi không biết mình đang ở đâu nữa.
-
Benny? Benny? - Bengt-Göran gọi tôi.
-
Sáng… sáng rồi à? Lũ bò? Arvid! – Tôi gào lên.
-
Bình tĩnh nào. – Cậu ta nói. – Tớ đã vắt sữa đàn bò rồi, sáng mai tôi cũng sẽ
lo liệu cho bọn chúng. Còn cậu, đi đến bệnh viện xem tình hình thằng Arvid thế
nào. Mau lên!
Tôi
làm theo lời cậu ta. Arvid nằm trong căn phòng chăm sóc đặc biệt của khoa nhi.
Désirée ngủ trên một chiếc ghế bên cạnh thằng bé, trên người đắp một cái chăn
bệnh viện màu vàng. Tôi chẳng thấy Nils đâu cả, nhưng nghe thấy một tiếng reo
trong hành lang. Chắc ai đó đã trông thằng bé sau khi thấy mẹ nó ngủ như chết
rồi.
Tôi
khẽ chạm vào tay Désirée. Cô ấy mở mắt nhưng không nói gì. Tôi không tài nào
đọc được biểu hiện trên khuôn mặt Désirée.
-
Nó sẽ qua khỏi! – Tôi thì thầm.
-
Nếu nó không qua được, tôi chết đi còn hơn. – Désirée nói. – Anh cũng nên làm
thế!
Tôi
xin lấy đầu ra bảo đảm là cô ấy nói nghiêm túc.
-
Anh quả quyết rằng đó là lỗi của tôi. – Désirée nói. – Anh cho rằng tôi đã mặc
quần áo rồi để nó ra khỏi nhà trong khi anh lái máy kéo. Anh tin tôi là kẻ như
thế. Anh đã bảo tôi là người mẹ bỏ đi!
-
Em thì cho rằng anh cán phải thằng bé chỉ vì ẩu tả. Em nói anh không bao giờ
chịu để ý.
Rõ
ràng là những điều hai chúng tôi đã nói vẫn còn nguyên đó, tựa như được đóng
dấu vào vỏ não vậy.
-
Désirée, giờ là lúc chúng ta cần phải ủng hộ nhau! – Nói rồi tôi quỳ xuống phía
trước cái ghế và vòng tay ôm lấy cô ấy.
-
Phải. – Désirée đáp, nhưng gỡ tay tôi ta. – Phải đi tìm thằng Nils đã!
Arvid
đang ngủ. Thằng bé thở một cách nặng nhọc, rõ ràng vì lá phổi bị thủng. Nước mắt
tôi rơi lã chã xuống bàn tay của Arvid, làm nó khẽ cựa mình.
Tôi
đi tìm bà y tá trực đêm. Đó là người tử tế nhất tôi từng gặp trong đời. Tôi chỉ
muốn ôm lấy bà ấy thật chặt, nhưng may là tôi đã không làm. Bà ta không hề nói
một tiếng nào về việc tôi đã cán phải con mình, chỉ hứa sẽ đưa vào phòng một
cái giường phụ cho Désirée và Nils. Tôi có thể nằm nghỉ trên một chiếc cáng
trong phòng chứa dụng cụ.
Désirée
lưu lại một tuần trong khu phòng trọ dành cho bệnh nhân và gia đình. Ban ngày
cô ấy ngồi bên Arvid, với thằng Nils đặt trong lòng hoặc dưới đất. Tôi liên tục
gọi điện vào điện thoại di động của Désirée, nhưng cô ấy không bao giờ nghe
máy. Hầu như ngày nào tôi cũng tạt qua, im lặng ngồi với mấy mẹ con một chút.
Désirée không nói gì hết. Tôi nghĩ cô ấy bị suy sụp tinh thần, và tôi tin bà y
tá trực đêm cũng vậy. Bà đã đặt hẹn với bác sĩ tâm lý cho Désirée, nhưng
cô ấy từ chối rời khỏi Arvid dù chỉ một phút.
Cuối
cùng, Arvid đã được bác sĩ cho phép xuất viện. Thằng bé có thể tự đi được, với
cái dáng lập cập chẳng khác nào một ông già. Ngược lại, miệng của nó hoạt động
liến thoắng.
-
Bây giờ mình đến nhà trẻ được không ạ? – Thằng bé nói. – Đi mà, bố, đi mà! Con
phải kể lại chuyện này cho Lina! Bạn ấy bị xe đạp đâm phải mà tưởng đã ghê lắm
đấy!
Tôi
bật cười.
Désirée
khóc nức nở.
41. Désirée
Có
một điều Benny không biết khi tai nạn xảy ra. Tôi đã lại có bầu. Thằng Nils mới
được một tuổi, Arvis lên hai, vậy mà tôi đã lại có bầu. Ngay đến lợn nái cũng
không bị bắt đẻ dày đến như thế.
Tôi
chỉ mới biết chuyện đó vài ngày trước vụ tai nạn. Không cần đến que thử thai –
tôi dư biết các dấu hiệu như căng ngực, buồn nôn khi ngửi thấy một số mùi và
tình trạng mệt mỏi. Nhưng tôi chưa có dịp thông báo cho Benny. Nils liên tục bị
đau tai, còn tôi như sống trong một màn sương mờ mịt chẳng thấy tương lai.
Làm
sao tôi lại dính bầu cơ chứ?
Tôi
tin chuyện đã xảy ra vào đêm Giáng sinh. Chuyện chăn gối của chúng tôi đã trở
nên khá phập phù với sự hiện diện của hai đứa trẻ trong nhà. Chúng tôi phải từ
bỏ những màn dạo đầu kéo dài, vì biết bất cứ lúc nào cũng có thể bị cắt ngang
do thằng Arvid muốn đi vệ sinh, ngay cả khi thằng bé không thông báo thì trong
đầu chúng tôi vẫn luôn nghĩ tới chuyện đó. Cả hai chúng tôi đều muốn cán đích
nhanh chừng nào tốt chừng ấy.
Nhưng
hôm Giáng sinh thì cả hai thằng đều lăn quay ra ngủ từ lúc chín giờ tối, do quá
mệt. Tôi vào giường trong một chiếc áo ngủ khiêu gợi bằng ren màu đỏ đặt mua
qua bưu điện. Đó là món quà Giáng sinh của Benny. Lần đầu tiên kể từ khi tôi
cai sữa, mắt anh tròn xoe như hai hòn bi. Và sự nhiệt tình của anh có sức lây
lan cực mạnh. Giả sử ông già Noel có đích thân chui ống khói vào nhà cùng với
túi quà và đàn tuần lộc thì bọn tôi cũng chẳng hay biết. Chúng tôi cũng quên
sạch sẽ tất cả những thứ thuộc về kiến thức tránh thai. Quên hoàn toàn.
Trong
những ngày Arvid nằm bệnh viện, tôi đã cất chuyện đó vào một góc kín trong đầu,
như thể đó là một mối đe dọa, một phần cũng vì Benny. Trong giai đoạn đó tôi
không thực sự tỉnh táo, nếu không, chắc tôi đã tha thứ cho Benny. Nhưng các cảm
xúc của tôi cứ trơ lì ra, những cơn buồn nôn và sự mệt mỏi kiệt quệ chỉ càng
làm tình hình tồi tệ thêm. Tôi đã phải đấu tranh rất dữ dội để không nói thẳng
vào mặt Benny tôi căm hờn anh ta đến mức nào. Mỗi khi số điện thoại của anh ta
hiện lên trên màn hình di động, một làn sóng ghê tởm lại tràn qua người tôi, từ
đầu đến chân. Benny đê tiện! Tôi không bắt máy.
Anh
ta vẫn đến bệnh viện, nhưng chỉ nhìn thấy chiếc áo khoác của anh ta trong hành
lang là bụng tôi đã quặn lên rồi. Khi Arvid được xuất viện, khi tôi nhận ra
chúng tôi đã giữ được mạng sống của thằng bé và mọi thứ “bình thường” trở lại,
tôi như bị bóng tối chụp xuống đầu. Tôi đã bật khóc nức nở.
Tôi
phải quyết định thôi.
Liệu
tôi có đủ sức lực để đẻ thêm một đứa thứ ba, gần với hai đứa lớn đến thế? Nhất
là khi cần phải chuyên tâm chăm sóc Arvid trong giai đoạn phục hồi, còn Nils
thì cứ đau tai liên tục? Chưa kể tôi phải đi làm toàn thời gian ở thư viện và
phụ giúp Benny mỗi dịp cuối tuần? Một cái thai nặng nề và mệt nhọc giữa mùa hè,
cộng với cả núi công việc ở nông trại và hai đứa con còn quá bé?
Tôi
không thể hỏi ý kiến Benny. Tôi biết trước anh ta sẽ nói gì. Mỗi khi tôi lo sợ
bị dính bầu, anh ta luôn nói:
“Thêm
một đứa thì càng hay chứ sao! Trong nhà anh, trẻ con luôn được chào đón! Việc
nhà nông cần nhiều lao động mà!”
Nói
thì hay lắm!
Không,
tôi chỉ muốn hét lên, không thể có thêm một đứa con nữa khi chúng tôi còn chưa
đáp ứng được yêu cầu của hai đứa hiện tại. Tôi muốn chăm sóc thật tốt thằng
Arvid mà tôi suýt đánh mất. Và nếu Rowan là “nhà anh”, thì nhà tôi đâu? Tôi tồn
tại phải chăng chỉ để đẻ thêm người lao động cho nông trại của anh? Bọn trẻ
cũng cần người chăm sóc chứ, trong khi tôi chỉ có hai tay.
Một
sự im lặng khủng khiếp bao trùm lên mọi thứ khi chúng tôi về nhà. Nhiều lần tôi
mở miệng định bàn chuyện đó với Benny, nhưng rồi lại thôi. Vì tôi biết anh sẽ
lại ca bài ca con cá. Chúng tôi đã từng tranh luận với nhau về chuyện đó. “Anh
biết không Benny, chăm sóc trẻ con mệt mỏi lắm, em không biết liệu mình có đủ
sức hay không nữa!”, “Xời, càng đông càng vui chứ sao! Chỉ là thêm một cái đĩa
ăn thôi mà! Còn quần áo thì chúng ta có hàng đống, nệm ghế xe hơi cũng còn chưa
cũ, có gì mà phải lo?”
Nếu
tôi còn ngần ngừ thì Benny sẽ bồi thêm: “Này, em đặt sự nghiệp lên trên tất cả
hay sao? Hay em cảm thấy chúng ta đi xem opera quá ít?”
Tôi
cảm thấy bất công đến nỗi chỉ muốn túm tóc anh ta mà gí xuống sàn bếp. Nhưng
thật tình mà nói, không phải lúc nào công việc nhà cửa cũng nặng nề. Nhất là
những buổi tối muộn, khi Benny mệt mỏi bước vào nhà, tai còn ong ong tiếng máy
kéo. Những lúc ấy anh ta sẽ thấy tôi sung sướng như trên thiên đường. Hai thằng
bé con đã ngủ, mùi thức ăn thơm phức, mọi thứ bình yên, bếp núc gọn ghẽ, máy
rửa bát vận hành trong tiếng khuấy nước êm ái. Benny có thể tắm rửa rồi duỗi
người trên ghế xalông với tờ báo và lon bia trong tay. Tờ báo mà tôi chẳng bao
giờ có thời gian để đọc trừ những lúc ở thư viện, lon bia mà tôi phải khệ nệ
khuân về nhà trong những túi hàng nặng trĩu… Khi anh đọc đến trang thể thao thì
tôi đã kịp tống quần áo vào máy giặt, lấy chúng ra và đem phơi. Thỉnh thoảng,
khi anh đọc đến mục ô chữ ở trang cuối cùng thì tôi ngồi xuống bên cạnh và sửa
lại vài món quần áo cho con. Nếu không tôi sẽ vào bếp chuẩn bị thức ăn cho bữa
trưa hôm sau.
Benny
chẳng bao giờ hiểu được. Anh không biết tôi làm việc quần quật như thế nào, vì
“công việc nội trợ” chỉ thể hiện rõ ràng khi đã được làm xong.
Khi
hai đứa con cùng khóc một lượt và tất cả mọi chuyện nháo nhào, khi tôi về đến
nhà trong tình trạng thở không ra hơi, với chiếc xe đẩy được lắp thêm ghế phụ,
các túi hàng đầy ứ, đầu đau như búa bổ và bữa ăn phải xong xuôi trong vòng nửa
giờ… những khi đó anh đâu có mặt. Khi tôi chẳng kịp cởi áo khoác để lao thẳng
vào bếp, khi tôi không có cả thời gian để đi vệ sinh vì phải chăm cho bọn trẻ
trước… những khi đó anh cũng chẳng bao giờ xuất hiện.
Anh
có hiểu đâu. Vậy thì việc gì phải làm nặng thêm trách nhiệm của mình?
Thế
là tôi đặt hẹn để bỏ thai.
42. Benny
Désirée
đi làm về muộn hơn thường lệ, và tôi lập tức nhận ra có chuyện không ổn. Cô ấy
xanh xao hơn bình thường và có vẻ xa vắng, thậm chí không buồn nhìn tôi.
Ngày
hôm đó tôi đã dính đủ thứ chuyện phiền phức. Đầu tiên là bị cô giáo ở nhà trẻ
mắng một trận vì tất và găng tay của hai thằng con không thêu tên. Không lẽ họ
nghĩ tôi có thể vừa vắt sữa vừa thêu tất cho con chắc?
“Cô
đi mà nhắc vợ tôi ấy!”. Tôi đã rít lên như thế, rồi tống hai thằng bé sang nhà
Violet. Tôi buộc phải làm vậy vì không thể trông bọn trẻ trong chuồng bò được.
Désirée chỉ thông báo ngắn gọn là sẽ về muộn rồi cúp máy trước khi tôi kịp hỏi
lý do. Violet không chịu nhận hai thằng bé, vì Nils đang chảy nước mũi xanh và
có thể lây bệnh cho Kurt-Ingvar, nhưng tôi làm như không nghe thấy gì. Tôi
nhanh chóng lái xe về cho kịp giờ vắt sữa. Trời lạnh đến nỗi rơm rác bị đóng
băng và tôi phải dùng đến cuốc để dọn phân trong chuồng bò. Tôi vào trong bếp
với tâm trạng khá bực bội. Tôi không thèm tháo ủng, cốt để chọc tức người khác.
Rồi tôi nhìn thấy Désirée đang ngồi trên băng ghế gỗ, hai bàn tay dặt trên đầu
gối, mắt nhìn thẳng trước mặt. Trên bếp chẳng hề có thức ăn, thậm chí cô ấy còn
chưa đi đón bọn trẻ ở nhà Violet. Tôi mở miệng định văng tục.
Nhưng
rồi tôi ngậm miệng lại và nhìn cô ấy một lúc.
-
Trời ơi, có chuyện gì vậy, Désirée? Đã xảy ra chuyện gì vậy?
Cô
ấy làm như không nghe thấy câu hỏi của tôi và dùng tay miết mãi một nếp gấp của
khăn trải bàn, trong khi không rời mắt khỏi bóng tối bên ngoài cửa sổ.
-
Em phải đi đón bọn trẻ chứ? Anh còn việc phải làm mà! Cứ tưởng được ăn lót dạ
chút gì đó. Hôm nay chẳng ai tập chân cho Arvid, tất găng của bọn trẻ cũng
không thêu tên, làm sao anh làm tất cả chuyện đó được?
Tai
tôi chỉ nghe thấy tiếng gió thổi.
Désirée
từ từ quay đầu về phía tôi như một con búp bê máy.
-
Thế thì, không có thêm con càng tốt chứ sao! – Cô nói với giọng uể oải.
-
Không có thêm con, ý em là sao?
Thế
là Désirée kể lại sự việc với tôi trong nước mắt. Tôi không biết phải nói gì
nên đành im lặng. Tôi chẳng tự hào gì về chuyện đó, thật đấy. Nhưng mà chết
tiệt, có phải lỗi của tôi đâu? Xét cho cùng, tôi có ép cô ấy làm chuyện đó đâu?
-
Em biết là anh muốn chúng ta có nhiều con mà. – Cuối cùng tôi khẽ lên tiếng.
Désirée
liếc nhìn tôi bằng ánh mắt khiến tôi chỉ muốn núp sau băng ghế gỗ. Sau đó cô ấy
đi thẳng lên gác ngủ, bỏ lại tôi ngồi trơ ra đó. Rồi Violet gọi điện, bực tức
vì không ai đến đón hai đứa trẻ. Tôi bảo là Désirée bị ốm, và Bengt-Göran đưa
bọn trẻ về bằng máy kéo.
Tôi
làm cho bọn trẻ một ít ngũ cốc ăn liền, thay quần áo rồi cho chúng đi ngủ. Mấy
chuyện đó mất thời gian kinh khủng. Tôi chẳng kịp xử lý ống cấp nước bị đóng
băng trong chuồng bò. Lũ bò không thể chịu đựng được nữa. Chúng không có nước
uống. Tôi cứ phải đi tới đi lui để đổ nước cho chúng, và từ bữa sáng đến giờ
chưa có gì vào bụng. Mười một giờ khuya, tôi lên ngủ và thấy Désirée đang nằm
ngửa, mắt nhìn lên trần nhà. Cô không nói, và tôi cũng im lặng vì chẳng có gì
để nói.
Sau
này, tôi thường nghĩ đến buổi tối hôm đó và lấy làm tiếc là mình đã không thử
lên tiếng. Dường như có thứ gì đó đã bị hỏng, thứ gì đó nhỏ thôi, nhưng mỗi lần
chúng tôi cố sửa thì nó lại càng hỏng thêm. Désirée đã cố gắng kể tôi nghe
chuyện đó hai, ba lần. Cô ấy miêu tả cách người ta làm, những lời xì xầm trong
khi cô ấy nằm trên băng ca, đại loại như “Phá thai nữa kìa!”. Tôi nghe mà chẳng
thể phản ứng lại, dường như một công tắc nào đó trong đầu tôi đã bị ngắt, khiến
tôi chỉ biết im lặng. Tôi có cảm giác Désirée muốn đổ lỗi cho tôi, nhưng tôi
không gánh nổi. Cô ấy cũng vậy.
Tôi
còn những lo lắng riêng của mình. Cứ mỗi lần lùi máy kéo là bụng tôi lại lo
ngay ngáy. Thật là không thể chịu nổi, khi trong đợt cày ải mùa xuân tôi cứ
liên tục nhìn về phía sau như thế. Vào tháng năm, Désirée xin nghỉ phép hai
tuần. Cô ấy đưa bọn trẻ vào thành phố đến nhà Märta. Thế càng hay, nếu có đụng
phải ai đó trong khi lùi máy kéo thì cũng không phải người nhà mình. Một thằng
bé hàng xóm sang giúp tôi, và Bengt-Göran vẫn sung sức như thường lệ.
Tôi
lại cảm thấy mình như một gã độc thân. Còn tệ hơn thế. Bây giờ, tôi đã biết
mình thiếu thứ gì.
43. Désirée
Nếu có ai nói chuyện đó vào ngày chúng tôi cưới nhau, chắc tôi đã bật cười. Rằng Benny và tôi…
Rằng hai chúng tôi đã trở thành hai kẻ hoàn toàn xa lạ.
Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua bao nhiêu là khó khăn, nhảy qua cả đống hố sâu và leo qua hàng loạt rào cản. Chúng tôi biết nhau quá rõ, đã có hai đứa trẻ rất yêu thương nhau. Chúng tôi đã suýt nữa chia tay hẳn, để rồi nhận ra cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì khi sống thiếu nhau kia mà?
Bây giờ chúng tôi có thể ngồi trơ ra trên ghế xalông khi bọn trẻ đã ngủ và lơ đãng xem các chương trình tivi. Ít nhất chúng cũng thỏa mãn một trong hai chúng tôi - tôi thờ ơ theo dõi các trận khúc côn cầu trên băng và các cuộc đua xe hơi của Benny, trong khi anh hừ mũi với tất cả những chương trình còn lại. Cuối cùng, một trong hai chúng tôi sẽ ngáp dài và đánh răng đi ngủ. Chúng tôi vẫn còn làm tình, nhưng sáng hôm sau chỉ trao nhau những cái ôm vụng về và ngắn ngủi nếu tình cờ nằm lấn sang phía giường của nhau.
Giờ đây việc trải qua những buổi tối thứ Sáu vui vẻ đọc Chuyện nông trại đã trở thành dĩ vãng. Chúng tôi không tài nào tìm ra chuyện để nói với nhau nữa. Tôi có cảm giác đã nghe hết các mẩu chuyện trong làng, những lời phàn nàn dai dẳng về sai lầm của chính phủ và Liên minh châu Âu khiến tôi mệt mỏi. Tôi gần như lên cơn dị ứng mỗi khi anh nhắc đến hai chữ “nông dân”. Nông dân luôn là người phải nhận hậu quả. Làm nông dân thật khốn khổ. Thế còn Hội Nông dân, họ làm gì kia chứ?... Anh không sai, thật ra tôi khó chịu vì anh cứ xem tôi như một cái thùng rác để trút mọi bực dọc không thể rũ bỏ mà chẳng buồn hỏi xem tôi có muốn lắng nghe hay không. Anh tự cho mình cái quyền đó. Thế đấy.
Benny nói rất nhiều về khả năng sinh lãi đã sút giảm xuống đến mức chẳng bao lâu nữa mọi thứ sẽ hỏng bét. Nhưng anh không tin vào sự thật ấy. Làm sao anh có thể tự cho phép mình tin điều đó kia chứ? Còn tôi thì ngược lại, tôi tin rằng sau hai mươi năm nữa Thụy Điển sẽ chẳng còn người nông dân nào. Nhưng tôi không bao giờ nói thẳng như thế. Không thể được.
Một đôi lần hiếm hoi khi tôi cố gắng phàn nàn để tìm chút đồng cảm cho công việc của mình, chẳng hạn như về mối bất hòa với Liliane. Lúc đó Benny ngáp dài, đưa mắt đọc trang thể thao và lẩm bẩm: “Em chỉ việc nói chuyện với chị ta là xong!”
Vậy nên mỗi khi cần nói chuyện tôi lại gọi điện cho Märta. Những lúc đó Benny thường đi ngang qua và rít lên khó chịu: “Em còn nói chuyện lâu không đấy? Nhỡ có người cần gọi đến thì sao?”. Anh ta nghĩ tôi nên ngoan ngoãn ngồi vào một góc xalông để nghe những lời ca thán của anh ta, thay vì tám chuyện qua điện thoại.
Tôi không thể có cách nào khiến Benny quan tâm đến những thứ thuộc lĩnh vực văn hóa mà tôi đã đọc, nghe, hoặc xem. Lúc nào anh ta cũng đóng vai chàng nông dân quê mùa, lơ nhơ chẳng biết gì trong lĩnh vực văn hóa.
Thỉnh thoảng Violet mang sang cho tôi một chồng tạp chí cũ mà cô ta đã đọc xong. Đó là cách cô ta cảm ơn tôi thỉnh thoảng tặng cho thằng bé Kurt-Ingvar mấy quyển sách thiếu nhi. Trong các mục tư vấn bạn đọc, không ít các bà vợ đã phàn nàn tương tự như tôi về chồng mình. Mấy ông chồng toàn nói chuyện của mình, trong khi các bà vợ phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Khi các bà cố gắng đề cập đến chuyện của mình thì các ông vội vàng đi sửa xe. Nhưng tôi không muốn thấy mình trở thành một phần của mô hình xã hội thông thường. Benny và tôi, chúng tôi là những người duy nhất cơ mà!
Vào tháng Chín, chúng tôi đã quyết định phải xốc lại tình hình. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều đang chìm vào một cuộc khủng hoảng cô đơn và quá xa cách nhau. Chúng tôi quyết định hai vợ chồng sẽ đi nghỉ trong bốn ngày, sau đợt cày ải mùa thu. Nils sang ở với Bengt-Göran và Violet, trong khi Arvid được gửi gắm cho Märta và Magnus. Benny đã vội vàng vào thành phố đặt một chuyến du lịch giá rẻ đến Costa del Sol để làm tôi bất ngờ. Chắc anh thấy cái tên “Bãi biển ngập nắng” tỏ ra rất hứa hẹn. Tuy vậy, ở châu Âu vào cuối tháng Mười thì mặt trời thường xuyên lỗi hẹn. Trời mưa như trút nước trong hai ngày đầu. Hai ngày còn lại sương mù dày đặc. Dẫu vậy chúng tôi vẫn cố gắng đi dạo trên bãi biển trong trang phục mùa hè và nhúng mấy ngón chân xuống nước. Những người dân Tây Ban Nha co ro quấn mình trong áo gió nhìn chúng tôi bằng đôi mắt đầy lo ngại. Trong mắt tôi, Costa del Sol là một nơi rất buồn tẻ, nhạt nhẽo và bị khai thác quá mức sau ngần ấy năm làm du lịch.
Buổi tối cuối cùng trong khu nhà nghỉ, chúng tôi ngồi với nhau, trước mặt là hai chiếc cốc có trang trí cây dù bé tẹo. Chúng tôi là hai khách hàng duy nhất cứng đầu ra ngoài sân của quán cà phê để ngồi. Đột nhiên trời đổ mưa rào. Mái tóc của Benny bị ướt, và tôi bất giác đưa tay vén mớ tóc trên trán anh. Tôi đã không nhận ra anh mất đi khá nhiều sợi tóc trong năm vừa rồi.
- Thế đấy, Désirée! Ngoài những chuyện khác, gã chồng của em còn đang hói dần nữa! – Anh nói với một giọng buồn bã tới mức khiến tôi cảm thấy mủi lòng.
- Em thích đàn ông tóc thưa mà! – Tôi tuyên bố. – Hói dần là do thừa testosterone, em nghe nói chuyện đó rất thường gặp ở những người cực kỳ nam tính!
Benny nhìn tôi nghi ngờ.
- Việc hôn cái sọ bóng loáng của một người đàn ông, – tôi khăng khăng, - rất là kích thích, thật đấy!
Một nụ cười ranh mãnh xuất hiện trên gương mặt anh.
- Anh dám cá là em luôn nói câu đó với mọi anh chàng!
Hai chúng tôi nhìn nhau rồi cười vang. Cơn mưa càng nặng hạt hơn. Món đồ uống của chúng tôi bị nước mưa hòa loãng và cả hai đứa ướt như chuột lột. Rồi chúng tôi quay về khách sạn, trút bỏ bộ quần áo ướt sũng, cùng nhau chui vào buồng tắm, và làm tình thật lâu, như trước kia.
Tôi đã có bầu Klara trong lần ấy.