Cô nàng mộ bên - Phần 4 - Chương 34 - 35 - 36

34. Benny

Xuân
qua, hè năm thứ ba cũng đến. Désirée ở nhà phần lớn thời gian, chúng tôi chỉ sử
dụng xe hơi khi thật cần thiết. Nils đã hết quấy khóc và trở thành cậu bé dễ
thương nhất thế giới, điều đó cho phép Désirée phụ giúp tôi rất nhiều tại chuồng
bò. Cô ấy chỉ việc đặt thằng bé vào lồng cấp thức ăn của một chuồng bê không sử
dụng, nó sẽ ngồi yên ở đó, mút ngón tay hoặc bập bẹ nói trong suốt quá trình
vắt sữa.

Arvid
đã ngoan hơn. Trước đây thằng bé rất ghen tỵ với đứa em. Trong suốt mùa đông,
chúng tôi đã phải canh chừng để nó không đến gần chiếc nôi của Nils. Nó liên
tục lén lại gần thằng em cùng với đủ thứ đồ vật sắc nhọn. Désirée đã tập thói
quen giơ Nils lên cao khi Arvid tiến đến với một nụ cười giả tạo và một món đồ
gây thương tích nào đó sau lưng. Ngay khi chúng tôi xao nhãng việc trông chừng
là tiếng thét lại vang lên từ trong chiếc nôi của Nils. Chúng tôi lao bổ đến
nơi và trông thấy thằng Arvid đứng đó, môi dưới run run thất vọng. “Nhéo chút
xíu thôi mà?” nó nói một cách tiếc nuối.

Tôi
gần như thông cảm với thằng bé. Những cảm xúc giận hờn cũng rộn lên trong lòng
tôi khi thằng Nils to mồm độc chiếm Désirée. Có những lúc tôi và Arvid lủi thủi
vào ngồi trong bếp để tự an ủi bằng mấy lát bánh mì, hệt như hai anh chàng cầu
hôn bị khước từ dù đã bày ra đủ trò vui.

Sau
mùa xuân, Arvid bắt đầu bám lấy tôi như hình với bóng, thằng bé đã gần hai tuổi
và là một quý ngài thận trọng. Désirée lúc nào cũng sợ thằng bé bị nghiền nát
bởi một cái máy móc nào đó. Khi tôi đề nghị buộc thằng bé vào một sợi dây ở
trong sân, Désirée gườm tôi với con mắt hình viên đạn, nên tôi phải xây cho
Arvid một cái hộp cát nhỏ có rào quây xung quanh và di động được. Như thế ban
ngày thằng bé sẽ ở gần tôi trong những lúc tôi sửa chữa máy móc còn Désirée vắt
sữa bò. Tôi cũng có thể dẫn nó ra đồng cỏ khi phải sửa hàng rào. Câu nói đầu
tiên của thằng bé mà tôi hiểu được là “coi-ừng-điện”, vì chúng tôi luôn miệng
bảo nó phải chú ý các sợi dây điện.

Khi
bắt đầu đợt cày ải mùa xuân thì cảnh vui thú điền viên đương nhiên cũng chấm
dứt. Đó là thời điểm mà nông dân chúng tôi phải ngồi máy kéo gần như hai tư
trên hai tư và chẳng làm được gì sau khi lê bước về nhà trên đôi chân tê dại.
Désirée cũng rất mệt mỏi với hai đứa con và công việc vắt sữa. Khi chúng tôi
bắt đầu thả bò ăn ngoài đồng, thỉnh thoảng lũ bê bị xổng ra, chủ yếu là ban
đêm. Chúng kêu rống lên và sục sạo quanh nhà khiến tôi phải đánh thức Désirée
dậy rồi cùng nhau đưa chúng về bãi chăn thả. Đôi mắt cô ấy lờ đờ vì mệt mỏi,
khuôn mặt sưng lên vì ngái ngủ, và trên má vẫn còn hằn dấu cái tai bị gối ép
vào. Tôi còn nhớ cô ấy đã nói: “Thật chẳng khác nào đi lấy anh tù khổ sai và bị
xích chân vào mái chèo...”.

Chúng
tôi cũng có những khoảnh khắc đẹp, chẳng hạn như cái ngày cả nhà đi dạo trong
ánh hoàng hôn và lên kế hoạch cải tạo nông trại, hợp lý hóa công việc để có thể
đạt được giờ giấc làm việc nhân đạo hơn. Trong một giai đoạn ngắn, Désirée đọc
phần hai của tờ Nhà nông với sự háo hức của một người mới bắt
đầu, và cô ấy đã nhắm đến con robot vắt sữa Lely, chiếc máy vắt sữa dạng vòng
cho phép vắt ba cữ mỗi hai mươi tư tiếng. Khi tôi cho Désirée biết chi phí lắp
đặt, cô ấy im lặng một lát, rồi tưởng tượng ra chúng tôi là nhà tổ chức các
chuyến du lịch dã ngoại cho các chủ doanh nghiệp bị quá tải vì công việc... Và
sau khi đọc thấy giá mua sắt phế liệu theo cân đang rất hời, cô ấy nhìn quanh
cái sân của chúng tôi, nói một cách hả hê: “Anh có thấy không Benny, chúng mình
đang ngồi trên mỏ vàng...”.

Lần
nào tôi cũng buộc phải kiềm chế sự nhiệt tình của Désirée. Ai sẽ mở doanh
nghiệp du lịch dã ngoại? Không lẽ là cô ấy, với đứa con còn chưa dứt vú mẹ? Tay
thương lái sắt phế liệu nào lần mò đến tận đây để phân loại mấy món đồ phế thải
ít ỏi của tôi? Và chừng nào giá sữa còn bất ổn theo kiểu tụt dốc không phanh,
chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư máy móc mới. Rốt cuộc,
Désirée đã chịu thua và thôi không đề nghị gì nữa. Cô ấy cũng ngừng đọc phần
hai của tờ Nhà nông. Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ nếu để mặc cho
Désirée mơ mộng thì biết đâu cô ấy đã quan tâm hơn tới nông trại. Tôi nhận ra
mọi việc dần dần trở thành một lối mòn đơn điệu đối với Désirée. Cô ấy không
nhắc đến robot vắt sữa, chỉ giới hạn mình trong việc coi sóc mảnh vườn rau
thơm, với hai đứa con bên cạnh. Thỉnh thoảng cô ấy đưa bọn trẻ đi tắm hồ. Những
hôm trời không mưa thì tôi phải đi cắt cỏ, hoặc đem cỏ khô vào cất.

Nhưng
có lần cả nhà chúng tôi đã đi tắm hồ dưới cơn mưa như trút, vì Désirée khăng
khăng đòi đi. Đằng nào thì tôi cũng chẳng thể làm lụng được gì trong điều kiện
thời tiết như thế. Mẹ tôi chưa bao giờ làm chuyện tương tự, nhưng nó là một
trải nghiệm ấn tượng, tôi phải công nhận như thế. Désirée đã đọc cho chúng tôi
nghe một bài thơ dưới cơn mưa. Trời hôm ấy tịnh không một ngọn gió, chúng tôi
trông thấy từng hạt mưa chạm vào mặt nước. Hai thằng bé con ngồi trong một túp
lều dã chiến bằng bạt nhựa và tròn xoe mắt quan sát mọi thứ xung quanh.

Đó
là kỷ niệm mùa hè đáng nhớ đối với tôi. Còn nếu hỏi Désirée, chắc chắn cô ấy sẽ
nhắc đến cái hôm chúng tôi đi hội chợ nông nghiệp và quay về với các tay nắm
mới cho hàng rào điện. Désirée lén mua cho tôi một đĩa DVD quay cảnh những
chiếc máy kéo đồ sộ công suất 400 tự chế với động cơ V8 gầm rú trên nền nhạc
độc đáo. Cô ấy bật cười chế nhạo khi tôi vội vàng mở đĩa lên xem ngay khi chúng
tôi vừa về đến nhà: “Anh vồ vập cứ như là xem phim đen ấy! Khi nào trục trặc
trong chuyện chăn gối thì bật cái đĩa Giant Swede này lên nhé!”

Tôi
nghĩ nhìn chung, cả nhà chúng tôi mệt nhoài nhưng hạnh phúc vào mùa hè năm đó.
Chúng tôi khỏe mạnh, Nils thì không khóc quấy do co thắt ruột hoặc viêm tai và
ngủ ngon lành hằng đêm. Désirée cũng không cần phải đi làm trên thành phố, và
thời tiết thì đúng kiểu mùa hè. Tôi nhớ Désirée chỉ nổi nóng một lần duy nhất.
Đó là khi hai tay chủ ngựa cần mua cỏ khô lái chiếc xe BMW màu xanh đen vào sân
và trông thấy cô ấy bước ra từ chuồng bò. Lúc đó tôi đang làm đồng xa.

Hai
người đàn ông lên giọng hỏi như thể Désirée không tồn tại:

- Không có ai ở đây à?

- Sao lại không? Có tôi đây. - Cô ấy đã đáp như
thế, với một chút ngạc nhiên.

- À, tôi muốn hỏi là... ông chủ ấy?

- Tôi là một trong hai chủ sở hữu.

- Thế à? Nhưng có ai làm việc ở đây không?

Lúc đó cô ấy bắt đầu nổi khùng.

- Thì tôi đây! Tôi vừa mới vắt sữa mà!

- À, ừ... nhưng mà ý tôi là... ông chủ cơ!

Họ phải cám ơn ngôi sao may mắn vì đã toàn mạng rời
khỏi nông trại. Lúc đó Désirée đang cầm cái chĩa ba trong tay.

35. Désirée

Có những lúc tôi tự nhủ mình sắp phát điên nếu
không có được vài giờ cho riêng mình!

Mấy bà vợ trong làng hay bảo là đẻ hai đứa gần nhau
sẽ rất có lợi. Chúng có thể chơi cùng nhau, các giai đoạn phát triển cũng tương
đồng với nhau. Lúc đầu thì mệt, nhưng về sau sẽ nhẹ nhàng! Một số bà biết là
mọi việc sẽ khó khăn, nhưng vẫn sẵn lòng chấp nhận. Còn tôi á, nếu mà tôi biết
chuyện, sẽ mệt mỏi như thế, thằng Nils sẽ chẳng có mặt trên cõi đời này.

May
quá, tôi đã không biết!

Chỉ
mỗi việc tha lôi hai đứa đã đủ mệt rồi! Cả hai đều không thể đi bộ lâu được,
nên tôi phải đặt Nils ngồi trong cái xe nôi cũ và Arvid trên một cái ghế lắp
thêm bên trên. Điều khiển một cỗ xe kéo với bốn con ngựa hăng máu còn dễ hơn ấy
chứ! Arvid cứ nghiêng hết bên nọ lại đến bên kia, thỉnh thoảng lại véo thằng
em, trong khi Nils thì muốn đứng lên và tìm cách thoát ra khỏi cái nôi. Chưa kể
đến số lượng lớn tã lót đi vào và đi ra khỏi chiếc xe! Vào khoảng cuối hè thì
Arvid cho thấy dấu hiệu không cần mặc tã nữa, nhưng rồi thằng bé cho tôi một vố
khá đau. Lần đó khi tôi mặc cho nó một chiếc quần mới, nó quên đi vệ sinh. Nó
rất xấu hổ khi bị tôi phát hiện, lại còn táo tợn đổ thừa cho Nils ị vào quần
mình.

Nhưng
thách thức lớn nhất đối với tôi là không lúc nào được rời mắt khỏi bọn trẻ. Lúc
nào cũng phải biết chúng đang ở đâu. Chỉ cần thấy im im là y như rằng một trong
hai thằng đang bày trò quậy phá. Những khi đi vệ sinh, tôi phải đưa cả hai đứa
theo, ngay cả khi những màn trêu chọc em của Arvid đã chấm dứt.

Benny
thì tỏ ra vô tư hơn nhiều. Một lần, sau khi từ chuồng bò về, tôi thấy anh ấy
chúi mũi đọc báo trong khi Arvid đã trèo lên bàn ngay cạnh đó và lấy thìa xúc
đường trong lọ ra ăn. Nils thì ở dưới gầm bàn, thằng bé đang lặng lẽ nhá một
sợi dây điện bằng mấy cái răng cửa sắc bén của nó... Khi tôi cằn nhằn, Benny
chỉ vừa cười vừa bảo tôi thôi đi, rồi kể một câu chuyện hài ngớ ngẩn. Một ông
hàng xóm, cũng là nông dân, đi dạo bằng xe đạp cùng một đứa trong đàn con đông
đảo của mình. Ông ta đặt nó ngồi trên cái giá đèo hàng phía sau yên xe. Khi một
người quen đi ngang qua và hỏi tuổi của thằng bé, ông ta nhìn con mình và đáp:
“Hơn ba tuổi rồi đấy!”, “Không thể nào, nó phải nhỏ hơn chứ!”... Người kia đáp.
Ông bố lại nhìn thằng con và nói: “Chết rồi, tôi chở nhầm thằng bé mới sinh năm
ngoái!”. Benny cười ngặt nghẽo, nhưng tôi thì thấy chẳng có gì đáng cười, vì
câu chuyện đó quá đúng.

Tôi
không thích giao bọn trẻ cho Benny quá lâu. Một hôm, anh ấy nói chuyện nhởn nha
qua điện thoại với ai đó, hình như là người giao cỏ khô. Phía sau lưng Benny,
thằng Nils đang tự tìm cách leo lên cầu thang dốc đứng. Thằng bé đã lên đến bậc
thứ mười hai và rất mừng rỡ với thành tích của mình. Tôi hét tướng lên và lao
đến vừa kịp lúc để đỡ lấy Nils khi nó ngã ngửa ra sau. Không buồn quay lại,
Benny mắng tôi: “Yên nào, em không thấy anh đang nghe điện thoại à!”.

Khi
bị tôi xách tai, anh ta còn dám cả gan biện bạch. Theo anh, lúc nào tôi cũng
làm quá lên và không bao giờ tin tưởng ở trách nhiệm của anh đối với bọn trẻ.

-
Giao phó cho anh thì chúng ta phải đẻ ít nhất mười đứa ấy! - Tôi sụt sịt.

-
Sao vậy?

-
Để trừ hao những đứa bị mất đi.

-
Phỉ phui cái mồm! - Benny nói khẽ. - Đã có chuyện gì đâu!

Vào
khoảng giữa thu, khi tôi bắt đầu cho hai thằng bé đi nhà trẻ, tôi nhận ra một
điều. Khi bọn trẻ dơ dáy, hoặc quần áo lấm lem, tôi luôn là người bị mang
tiếng, mặc dù chính Benny là người đã để bọn trẻ trong tình trạng như thế.
Trong những dịp hiếm hoi mà anh nhận nhiệm vụ đưa hai đứa ra ngoài, anh không
bao giờ để ý để tứ gì hết. Nhiều lần tôi ê cả mặt, không biết phải chui vào đâu
nữa, khi nhận ra anh cứ thế đưa con đi sau khi chúng lăn lê bò toài trong
chuồng bò. Nếu chúng tôi đi đến một cửa hàng trong thành phố và bọn trẻ bắt đầu
khóc mếu thì mọi người lập tức nhìn vào tôi chứ không phải Benny. Tự dưng tất
cả trách nhiệm đều đổ xuống đầu tôi trong mọi tình huống. Thế đấy!

Nghe
thì có vẻ tôi hay ôn khó kể khổ, và đúng là bọn trẻ làm tôi kiệt sức thật sự,
nhưng từ trong thâm tâm tôi luôn tự nhủ chính con cái đã mang lại ý nghĩa cho
cuộc sống của mình. Chúng khiến tôi cười suốt! Tôi thuộc dạng bà mẹ hổ báo. Ai
dại dột thử đụng đến hai đứa bé mà xem, tôi chẳng ngoạm vào cẳng chân cho biết
thân.

Ngày
tôi quay lại thư viện là giữa tháng Mười một. Tôi đã đưa hai thằng bé đến nhà
trẻ và đi vào thành phố trên chiếc xe hơi trống vắng một cách lạ lùng. Tôi còn
nhớ cảm giác sung sướng khi bước đi giữa các kệ sách một cách lặng lẽ, không
cần phải quay nhìn xung quanh như một con cú để xác định vị trí. Tôi ngồi đọc
báo trong giờ nghỉ trưa, tự do đi vệ sinh một mình, ăn trưa cùng với các đồng
nghiệp và thả cửa buôn chuyện mà không bị quấy rầy...

Tóm
lại là, chẳng có gì căng thẳng hơn việc làm cha mẹ của hai thằng con ít tuổi. À
không, có thể nghề kiểm soát không lưu sẽ căng hơn. Với tất cả những đám mây mù
và khoảng không ken đầy những chiếc phản lực. Nhưng ngay cả các nhân viên không
lưu cũng được về nhà nghỉ ngơi trong vài tiếng.

Chúng
ta không ý thức được hết những phiền phức khi quyết định có con, nhưng như thế
càng tốt. Vì chúng ta cũng không biết mình có thể yêu thương trẻ con đến mức
phi thường như vậy. Chúng ta không hề chuẩn bị cho điều đó. Nhờ có bọn trẻ,
cuộc sống bỗng trở nên trọn vẹn và ý nghĩa.

36. Benny

Thế
đấy, một sáng đẹp trời cô ấy đã lên đường trên chiếc Volvo.

Tất
nhiên tôi biết chuyện đó trước sau gì cũng xảy ra. Désirée đã tìm được chỗ cho
hai thằng bé ở nhà trẻ, mua cho bọn chúng quần áo mới, chuẩn bị hai chiếc túi
nhỏ đựng đồ để thay. Cô ấy cũng mua đồ dùng cho mình, và lần đầu tiên sau nhiều
tháng đã đi đến tiệm làm đầu.

Nhưng
dẫu sao thì Désirée đã ở nhà trong một khoảng thời gian thật dài. Hai năm ròng,
ngoại trừ vài tháng gián đoạn hồi năm ngoái. Cô ấy để lại một khoảng trống
khủng khiếp.

Chẳng
còn những bữa sáng chờ sẵn tại bàn khi tôi từ chuồng bò về. Không còn cảnh hai
đứa bé quanh quẩn dưới chân tìm cách trèo vào lòng tôi. Ngôi nhà cũng lạnh lẽo
nữa. Désirée không có thời gian để bật lò sưởi buổi sáng vì còn phải mặc quần
áo cho hai thằng bé rồi đưa đi nhà trẻ. Thế là tôi ngồi một mình trong giá
lạnh, nhấm nháp cốc cà phê hòa tan pha bằng nước nóng trong vòi, y như trước
đây. Y như trong những năm tháng độc thân sau khi mẹ mất và trước khi chung
sống với Désirée, à không, Anita chứ.


thì, bây giờ tôi có thể đọc báo buổi sáng mà chẳng bị ai quấy rầy. Còn vào buổi
chiều, mọi thứ sẽ quay lại với nhịp độ bình thường khi ba mẹ con quay về và căn
nhà sống động trở lại. Nhưng vào ban ngày thì mọi thứ quạnh quẽ chưa từng thấy.

Hồi
trước ngày nào tôi cũng sang nhà Bengt-Göran tán phét cả tiếng đồng hồ. Nhưng
từ khi có Kurt-Ingvar, tôi ngày càng ít sang bên đó. Violet làm việc chủ yếu
vào buổi tối, nên hoặc cô ấy ngủ, hoặc là canh me như một con rồng nằm ổ.
Violet không thích có mùi bò trong nhà, mà tôi thì chẳng muốn tắm rửa thay quần
áo chỉ để tạt qua nhà hàng xóm. Khi ngủ Violet cũng không thích bị làm ồn.
Những lần hiếm hoi sang bên đó, tôi chỉ ngồi trên máy kéo chờ Bengt-Göran ra
khỏi nhà, rồi hai chúng tôi trao đổi vài câu vớ vẩn. Cho đến khi Kurt-Ingvar
xuất hiện và Bengt-Göran nở nụ cười tươi rói. Cậu ta thậm chí không nhận thấy
khi tôi ra về.

Tiếc
nhất là không có ai ở nông trại để sai khiến. Như thế tôi sẽ đỡ cô đơn hơn! Có
lần tôi đã thử làm thế. Thông qua tổ chức Nhà nông trẻ, tôi đã đón một cậu
thanh niên vào thực tập. Cậu ta đến từ Latvia và ăn ở luôn tại nông trại. Thật
ra cậu ta là dược sĩ. Cậu ta nhận công việc này chỉ vì muốn đi đó đây và kiếm
một ít “tiền phương tây”. Cậu ta rất lóng ngóng và chỉ biết tiếng Anh thông qua
các bài hát của ban nhạc ABBA, nên việc trao đổi giữa chúng tôi cũng khá hạn chế.
Tôi đã buộc phải nấu cháo phục vụ bữa sáng cho cậu ta. Hai chúng tôi làm gì
được thưởng thức bữa sáng thịnh soạn của Désirée. Tôi cảm thấy hơi kỳ cục khi
phải chăm sóc cho một cậu trai. Tôi đã cố thuyết phục Désirée chuẩn bị một vài
thứ ăn sáng trước khi đi làm, nhưng cô ấy chỉ nhìn tôi như một sinh vật ngoài
hành tinh. Cứ như thế được một tháng thì cậu thanh niên kiếm được công việc
dược tá tại Hambourg, và tôi không bao giờ lặp lại trải nghiệm đó nữa.

Đôi
khi tôi đùa bỡn với ý tưởng đẻ thêm đứa nữa để Désirée phải ở nhà tiếp. Tuy
nhiên, sau một chút vui vẻ vào đêm Giáng sinh, cô ấy đã lồng lộn lên vì sợ có
bầu, và tôi gần như không thể tiếp cận Désirée những khi cô ấy cảm thấy rủi ro.
Nhưng dẫu có cho Désirée mang bầu thì cũng chẳng kéo dài được bao lâu, chỉ sau
một thời gian ngắn là cô ấy sẽ đi làm trở lại. Ba đứa trong bốn năm á… nhỡ đâu
đứa thứ ba này cũng mắc chứng quấy khóc thì tôi tiêu đời.

Tôi
biết hiện tại chúng tôi đang phụ thuộc vào số tiền Désirée kiếm được. Cô ấy đã
đi làm toàn thời gian để chúng tôi có thể giải quyết dứt điểm món nợ trời ơi
với Liên minh châu Âu.

Không,
tốt nhất là tìm cách nào đó để Désirée có một công việc làm tại nhà. Một vài
lần tôi đã đưa ra ý tưởng đó một cách khéo léo. Cô ấy có thể làm công việc bán
mỹ phẩm tại gia giống như Violet, hoặc là may vá quần áo, đại loại thế. Làm
nhiều việc lặt vặt cũng có thể kiếm được kha khá tiền. Cần phải có đầu óc sáng
tạo khi ta là nhà nông hiện đại chứ! Dì Gun-Britt nhận thêu tại nhà, công việc
tuy không được trả nhiều tiền, nhưng lại không mất nhiều phí tổn. Thỉnh thoảng
dì cũng làm bánh và nấu thức ăn cho một quán trọ.

Nhưng
mỗi khi tôi tìm cách gieo những ý tưởng đó vào đầu Désirée, cô ấy toàn nhìn tôi
như nhìn sinh vật ngoài hành tinh.

Cũng
có khi Désirée kết thúc công việc sớm, trước giờ vắt sữa. Những hôm như thế cô
ấy đi làm bằng xe buýt vì giờ giấc thuận tiện. Thỉnh thoảng tôi đánh chiếc
Subaru đến đón cô ấy, nhưng tôi mau chóng hối tiếc về điều đó. Lúc đậu xe trước
cửa thư viện và quan sát qua lớp kính, tôi thường nhìn Désirée và các đồng
nghiệp, cũng như những người đến mượn sách. Tôi thấy lo ngại một cách lạ lùng
khi quan sát cô ấy như thế, vì Désirée tỏ ra rất vui vẻ, cô ấy nói cười, di
chuyển một cách nhanh nhẹn. Đó là chưa nói đến vẻ ngoài của Désirée. Chỉ cần cố
gắng một chút thì cô ấy cũng khá hấp dẫn. Ở nhà cô ấy chẳng bao giờ làm như
vậy! Tại thư viện, Désirée giống như cá gặp nước. Hồi đầu, khi đi làm về, cô ấy
có thể nói hàng mấy tiếng đồng hồ về những dự án sắp bắt đầu thực hiện cùng
Olof, liên hoan phim thiếu nhi và căn nhà cổ tích gì đó. Nhưng về sau cô ấy
thôi không kể nữa. Tôi chẳng bao giờ tỏ ra hào hứng, lúc nào tôi cũng hình dung
ra hình ảnh gã tóc hoa râm chết tiệt đó và vợ mình chụm đầu bàn bạc với nhau.


khi cô ấy rên xiết vì mức lương bèo bọt của thủ thư, tôi chỉ muốn nổi điên. Với
công việc lật giở mấy trang giấy, mỗi giờ cô ấy kiếm được gấp đôi so với những
gì tôi phải nai lưng ra tích cóp ở nông trại.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3