Trăm năm cô đơn - Chương 07 - Phần 1

Chương
7

Chiến tranh kết thúc
vào tháng năm. Hai tuần trước khi chính phủ ra thông cáo chính thức và trong một
lời tuyên bố huênh hoang, họ đã hứa, sẽ trừng trị không thương tiếc đối với những
người cầm đầu cuộc khởi nghĩa. Chính lúc ấy đại tá Aurêlianô Buênđya bị bắt làm
tù binh ngay trong lúc chàng đóng giả thày mo Anhđiêng sắp vượt qua được biên
giới phía tây đất nước. Trong số hai mươi mốt người theo chàng trong chiến
tranh có mười bốn người chết trận, sáu người bị thương và chỉ còn lại độc một
người ở bên chàng trong thất bại cuối cùng. Người đó là đại tá Hêrinênđô Mackêt.
Qua một sắc lệnh đặc biệt, tin chàng bị bắt được công bố ở làng Macônđô.

“Nó còn sống… -
Ucsula báo tin cho chồng mình. “Chúng ta cầu mong rằng kẻ thù của nó có lòng độ
lượng”. Sau ba ngày khóc lóc một buổi chiều nọ đang khuấy nồi kẹo sữa trên bếp
lửa, bà nghe rõ mồn một tiếng con trai mình ngay ở bên tai. “Đó là thằng
Aurêlianô!” Bm

à gào toáng lên trong
lúc chạy ra gốc cây đẻ để báo tin cho chồng: “Tôi không biết điềm báo như thế
nào nhưng nó sống và chúng ta được thấy nó ngay thôi mà”. Bà cho điềm báo ấy là
sự thật. Bà sai lau sàn nhà và xếp đặt lại giường tủ bàn ghế. Một tuần sau, một
nguồn tin không xuất xứ, không dựa vào sắc lệnh, đã đau lòng khẳng định điềm
báo ấy. Đại tá Aurêlianô Buênđya bị kết án tử hình, và bản án sẽ được thi hành ở
làng Macônđô để uy hiếp dân chúng. Vào lúc bảy giờ hai mươi phút sáng một ngày
thứ hai nọ, Amaranta đang mặc quần áo cho Aurêlianô Hôsê thì nghe từ xa vẳng đến
tiếng ồn ào và một hồi kèn cornêt lanh lảnh rợn người, và sau đó một phút
Ucsula đẩy cửa phòng bước vào. “Người ta giải nó về” bà bảo thế. Quân lính cứ
phải vất vả dùng báng súng nện vào đám đông lộn xộn. Ucsula và Amaranta chạy tới
đầu phố, rẽ đám đông và thế là nhìn thấy Aurêlianô Buênđya. Chàng giống như một
gã ăn mày: quần áo rách tả tơi, râu tóc rối bù, đi chân đất, hai tay bị trói giật
cánh khuỷu với chiếc thừng cột vào đầu yên con ngựa do viên sĩ quan đang cưỡi.
Cùng với chàng, bọn lính còn giải theo đại tá Hêrinênđô Mackêt, cũng lôi thôi
rách rưới và thảm hại như chàng. Hai người không hề buồn. Nom họ dường như đang
hồi hộp trước công chúng gào thét chửi bới đám lính đồi bại nhất hạng.

- Ối con ơi! - trong
khung cảnh ồn ào tiếng gào thét, Ucsula gọi con mình và bà tát vào mặt tên lính
định ngăn mình lại.

Con ngựa của viên sĩ
quan nhẩy cẫng lên. Lúc này, đại tá Aurêlianô Buênđya mới dừng chân, run rẩy và
tránh hai cánh tay mẹ dang ra định ôm mình và dõi vào mắt bà một cái nhìn
nghiêm khắc:

- Xin mẹ hãy về nhà
đi. - Chàng nói. - Mẹ hãy xin phép nhà chức trách mà đến thăm con ở trại giam.

Chàng nhìn Amaranta đang
đứng cách chàng hai bước chân ở sau lưng Ucsula, mỉm cười với cô, hỏi: “Tay em
làm sao thế kia?” Amaranta giơ bàn tay cuốn băng đen lên. “Bị bỏng.” Cô trả lời và kéo
Ucsula về phía sau để khỏi bị ngựa giẫm phải. Bọn lính bắn súng chỉ thiên. Đội
quân canh gác đặc nhiệm vây lấy hai tù nhân và phi ngựa kéo họ về trại lính.

Buổi chiều ngày hôm ấy,
Ucsula đến trại giam thăm đại tá Aurêlianô Buênđya. Bà đã định thông qua đông Apôlina
Môscôtê để xin phép vào thăm nhưng ngài đã bị những quân nhân độc tài tước hết
quyền lực. Cha xứ Nicanô đang bị cơn sốt đau gan đánh gục. Cha mẹ của đại tá
Hênnêncô Mackêt, người không bị kết án tử hình, cố tình đến thăm con trai nhưng
họ đã bị bọn lính lấy báng súng nện cho rồi đuổi đi. Trước nỗi vô vọng tìm kiếm
những người trung gian giúp mình, hơn nữa lại tự nhủ lòng rằng đằng nào con
trai mình cũng sẽ bị bắn vào sáng sớm hôm sau, cho nên Ucsula gói một gói đồ
dùng định mang cho chàng, rồi một mình bà đi thẳng đến trại lính.

- Tôi là mẹ của đại
tá Aurêlianô Buênđya, - bà tự giới thiệu.

Bọn lính gác chặn bà
lại. “Muốn thế nào thì thế, tôi cứ vào.” Ucsula bảo bọn chúng. “Nếu như các người
được lệnh bắn, hãy bắt đầu cùng một thể đi”. Bà ẩy một tên lính sang bên, bước
vào lớp học cũ nơi một tốp lính để trần đang hì hục lau súng. Một viên sĩ quan
mặc quân phục dã chiến, da hồng hào đeo một đôi kính mắt dày như đít chai, cử
chỉ khoan thai, đã ra lệnh cho bọn lính gác rút đi.

- Tôi là mẹ của đại
tá Aurêlianô Buênđya, - Ucsula nhắc lại.

- Bà muốn nói rằng, -
viên sĩ quan, với nụ cười đáng yêu sửa lại bà, - bà là bà mẹ đẻ ra ngài
Aurêlianô Buênđya.

Trong cách nói nhỏ nhẹ
của viên sĩ quan, Ucsula nhận ra ngữ điệu mềm mại của dân vùng cao nguyên, những
người đỏm đáng.

- Thưa ngài, đúng như
ngài nói. - Bà thành thực thú nhận. - Ngài sẵn lòng cho tôi vào thăm nó chứ.

Đã có lệnh cấp trên
không cho phép bất kỳ một ai đến thăm các tù nhân bị án tử hình. Nhưng viên sĩ
quan này đã dám chịu trách nhiệm về việc cho bà vào thăm con trai trong vòng mười
lăm phút. Ucsula giở cho viên sĩ quan xem các thứ bà đựng trong gói: một bộ quần
áo sạch để thay, đôi ủng con trai bà đi trong ngày làm lễ cưới, và kẹo sữa được
để đành ngay từ cái hôm bà nhận điềm báo. Bà gặp đại tá Aurêlianô Buênđya trong
phòng giam, nằm dài trên chiếc giường một, dang rộng hai cánh tay vì nách chàng
sưng vù lên. Người ta đã cho phép chàng cạo râu. Bộ ria rậm vểnh lên xoăn lại
càng tô đậm hơn đôi gò má cao của chàng. Dường như Ucsula thấy rằng con trai
mình da xanh hơn lúc ra đi, cao hơn và cô đơn hơn bao giờ hết. Chàng đã biết tường
tận mọi chuyện xảy ra ở nhà mình: Piêtrô Crêspi tự tử, Accađiô hống hách và bị
hành hình, Hôsê Accađiô Buênđya ngày một yếu đi dưới bóng cây dẻ. Chàng biết rằng
Amaranta đã quyết định suốt đời ở vậy để nuôi dạy Aurêlianô Hôsê và biết rằng đứa
bé này rất ngoan, hơn nữa lại thông minh, học đọc và viết vào ngay lúc nó học
nói. Kể từ lúc bước vào phòng giam, Ucsula cảm thấy mình bị khống chế bởi sự
trưởng thành của con trai, bởi vẻ làm chủ của nó, bởi ánh hào quang quyền thế
toả sáng trên làn da nó. Bà ngạc nhiên thấy chàng rõ mọi chuyện. “Mẹ đã biết rồi
đấy, con đoán rất tài mà.” Chàng nói đùa. Rồi với vẻ nghiêm trang chàng nói
thêm: “Sáng nay, khi họ giải con đi, con có cảm giác tất cả mọi chuyện này đã xảy
ra.”

Quả có thế, trong lúc
dân chúng gào thét giận dữ bên mình, chàng đã tập trung suy nghĩ và ngạc nhiên
trước vẻ già cỗi của làng trong vòng một năm qua. Những cây hạnh đào xoè những
tàu lá rách mướp. Các ngôi nhà, đã quét vôi xanh, rồi quét vôi đỏ sau đó lại
quét vôi xanh, bắt đầu mang một màu sắc khó gọi được tên.

- Con đang đợi gì
nào? - Ucsula thở dài. - Thời gian đang trôi đi.

- Đúng thế, -
Aurêlianô thừa nhận. - Nhưng không nhiều đâu mẹ ạ.

Dưới hình thức này,
chuyến thăm viếng từng chờ đợi khá lâu, từng được cả hai chuẩn bị những câu hỏi
và dự kiến cả những câu trả lời, lại một lần nữa trở thành cuộc nói chuyện thường
ngày. Khi người lính gác báo buổi nói chuyện đã hết giờ được phép, Aurêlianô lật
chiếu lấy ra một cuốn giấy nhờn mồ hôi. Đó là những vần thơ của chàng. Một số
là những bài thơ chàng viết lúc yêu Rêmêđiôt và đã mang theo khi ra đi và một số
là những bài thơ chàng viết trong những lúc nghỉ ngơi sau trận đánh lòng đầy
hoang mang. “Mẹ hãy hứa với con là không để cho ai đọc chúng đi.” Chàng nói, “ngay
đêm nay mẹ hãy đốt chúng trong lò nướng bánh nhé”. Ucsula hứa với chàng, rồi bà
sửa soạn hôn tạm biệt chàng.

- Mẹ mang cho con một
khẩu súng lục đấy, - bà nói thầm.

Đại tá Aurêlianô
Buênđya ngó quanh thấy tên lính gác không ở đấy. “Chẳng ích gì cho con đâu mẹ ạ.”
Chàng nói khẽ. “Thôi được, mẹ cứ để lại đấy, kẻo chúng lại khám mẹ lúc đi ra.”

Ucsula rút từ trong yếm
ngực ra một khẩu súng lục và chàng giấu nó dưới chiếu. “Bây giờ thì không cần
phải tiễn biệt.” Chàng bình thản nói. “Mẹ chẳng cần phải van xin ai và cũng chẳng
cần phải hạ mình trước ai. Mẹ cứ coi như là chúng đã bắn chết con từ lâu rồi”.
Ucsula bậm môi lại để khỏi bật ra tiếng khóc.

- Con hãy chườm gạch
nóng vào những vết tấy sưng trong nách đi. - Bà nói.

Bà quay nửa vòng rồi
ra khỏi xà lim. Đại tá Aurêlianô Buênđya đứng yên vẻ suy tư cho đến khi cửa
đóng lại. Sau đó chàng nằm xuống giường dang rộng hai cánh tay: Ngay từ lúc bước
vào tuổi thiếu niên, khi bắt đầu nhận thức được những điềm báo của mình, chàng
đã nghĩ rằng cái chết phải được báo trước trong một dấu hiệu dứt khoát, không
thể nhầm lẫn, và cũng không thể thay đổi được nhưng chẳng còn mấy giờ nữa chàng
sẽ phải chết mà chưa có một dấu hiệu nào đến với mình.

Một lần nọ có một người
đàn bà đẹp lộng lẫy bước vào doanh trại Tucurinca, xin phép những người lính
gác cho phép mình vào thăm chàng. Bọn họ để cho cô gái đi vào bởi họ đã quen
thói cuồng tín của một số bà mẹ vẫn thường cho con gái mình đến phòng ngủ của
các chiến binh nổi tiếng nhất, theo đúng như lời những người này nói ra, để cải
tạo nòi giống. Đêm ấy đại tá Aurêlianô Buênđya vừa làm xong bài thơ nói về người
đàn ông lạc lối trong mưa thì cũng là lúc cô gái bước vào phòng. Chàng quay
lưng lại phía cô ta để đặt tờ giấy ấy vào ngăn kéo có khoá, là nơi chàng vẫn cất
giữ các bài thơ của mình. Thế là chàng cảm thấy thần chết. Chàng vớ lấy khẩu
súng trong ngăn kéo mà không hề quay mặt lại.

- Làm ơn, chớ có mà bắn!
- Chàng nói.

Khi chàng quay lại, với
bàn tay lăm lăm khẩu súng sắp nhả đạn, thì cô gái đã hạ súng xuống, luống cuống
không biết làm gì. Bằng cách này chàng đã thoát được bốn trong số mười một trận
phục kích. Trái lại có một kẻ không bao giờ lùng bắt được đã đột nhập vào doanh
trại quân cách mạng đâm chết đại tá Măcgơriphicô Visban, người bạn chí cốt của
chàng, lúc đó đang nằm run trên giường đợi ra mồ hôi hạ cơn sốt. Chỉ cách mấy
mét thôi, trong lúc ngủ trên chiếc võng mắc cùng phòng, chàng không hay biết
gì. Những cố gắng của chàng nhằm hệ thống hoá lại các điềm báo đều trở nên vô
ích. Bỗng nhiên, những điềm báo cùng hiển hiện một lúc trong ánh chớp rực sáng
trì thông minh siêu việt, nhưng không thể nắm bắt được vì chúng giống như một
niềm tin tuyệt đối nhưng thoáng qua. Có những lúc chúng rất hiển nhiên đến mức
khi chúng đã ứng nghiệm rồi chàng mới coi là những điềm báo. Một vài lần khác
chúng hiện ra rõ ràng nhưng lại không được ứng nghiệm. Thường thì chúng chỉ là
những cú đấm bất chợt, thô thiển của sự mê tín. Nhưng khi người ta tuyên án tử
hình và khi người ta yêu cầu chàng bày tỏ những nguyện vọng cuối cùng của mình
thì chàng không gặp một trở ngại nhỏ nào để khẳng định điềm báo mà chàng nhận
ra trong câu trả lời của mình:

- Tôi yêu cầu bản án
được thi hành ở Macônđô. - Chàng
nói.

Viên chánh án khó chịu.

- Buênđya, anh chớ
mong thoát chết. - Ngài nói với chàng. - Đó chẳng qua là một thủ đoạn kéo dài
thời gian thôi.

- Hình như các ngài
không muốn thi hành bản án này ở Macônđô. - Ngài đại tá nói - nhưng đó là nguyện
vọng cuối cùng của tôi.

Kể từ đó chàng không
nhận được điềm báo nữa. Hôm Ucsula đến thăm chàng trong nhà tù, sau khi suy
nghĩ lao lung, chàng đã đi đến kết luận: có thể lần này cái chết sẽ không được
báo trước vì nó không phụ thuộc vào số phận mà phụ thuộc vào ý nguyện của những
tên đao phủ. Đêm ấy chàng thức trắng vật vã với hai nách tấy mủ đau nhức nhối.
Nhưng trước lúc trời rạng sáng, chàng nghe rõ những bước chân ngoài hành lang.

“Chúng đến.” Chàng
nói với chính mình và bỗng nhiên chàng nghĩ tới Hôsê Accađiô Buênđya, người lúc
đó trong buổi sáng sớm buồn thảm ngồi dưới gốc cây dẻ cũng đang nghĩ tới chàng.

Không cảm thấy sợ,
cũng không thấy nhớ nhung, chàng chỉ cảm thấy điên ruột rằng cải chết nhân tạo
này đã không để cho mình tận mắt nhìn thấy kết quả cuối cùng của biết bao công
việc còn bỏ dở. Cánh cửa mở, một tên lính gác bước vào phòng mang cho chàng một
tách cà phê. Ngày hôm sau vào đúng giờ này, chàng vẫn sống trong cảm giác ấy,
cáu tiết vì hai nách đau, và mọi chuyện lại xảy ra đúng như thế. Ngày thứ năm,
chàng cũng chia sẻ niềm vui ăn kẹo sữa với những tên lính gác, chàng mặc bộ quần
áo sạch hơi chật so với người chàng, và đi đôi ủng màu vécni. Ngày thứ sáu bọn
họ vẫn chưa bắn chàng.

Thực ra bọn họ không
dám thi hành bản án. Lòng bất phục tùng của dân chúng đã buộc các nhà chức
trách quân sự phải nghĩ rằng việc bắn đại tá Aurêlianô Buênđya sẽ gây ra những
hậu quả chính trị nghiêm trọng không chỉ ở Macônđô mà còn ở toàn vùng đầm lầy,
do đó bọn họ phải xin ý kiến các nhà chức trách trên tỉnh. Đêm thứ bảy, đại uý
Rôkê Cacnixêrô cùng một số sĩ quan đến quán bác Catarinô. Chỉ có một người đàn
bà, hầu như bị bắt buộc, đã dám đón ngài về phòng mình. “Các chị em không ai
dám ngủ với người đàn ông mà họ biết là sẽ chết.” Cô gái thú nhận với ngài. “Không
ai biết sự thể sẽ như thế nào nhưng cả dân làng đi đến đâu cũng nói rằng viên
sĩ quan bắn đại tá Aurêlianô Buênđya cũng như tất cả binh lính trong đội hành
hình ấy sớm hay muộn từng người từng người một đều sẽ bị giết chết, dù cho họ
trốn chạy tới tận cùng trời cuối đất”. Đại uý Rôkê Cacnixêrô đem chuyện đó nói
với một số sĩ quan, và những người này lại thưa lên cấp trên. Ngày chủ nhật, mặc
dù không một ai đã chứng minh được thực rõ ràng, mặc dù không một hành động
quân sự nào có thể làm đảo lộn không khí trầm mặc đến nặng nề trong những ngày ấy,
cả làng đều biết rõ rằng các sĩ quan tìm mọi cách để thoái thác nhiệm vụ thi
hành bản án. Ngày thứ hai trong một bức điện tín ghi rõ lệnh chính thức: “Vụ
hành hình cần phải được thi hành trong hai mươi bốn giờ kể từ khi nhận điện”.
Đêm ấy các sĩ quan nhét bảy lá phiếu ghi tên mình vào một chiếc mũ kê pi, và số
phận hẩm hiu của đại uý Rôkê Cacnixêrô đã run rủi ngài bốc trúng lá phiếu của
người phải thi hành bản án: “Đã là vận rủi thì không tránh được.” với nỗi cay đắng
chết lặng trong lòng ngài nói. “Đã sinh ra đời làm con một con điếm thì ta sẽ
chết như con một con điếm…”. Vào lúc năm giờ sáng, bằng hình thức bốc thăm ngài
thành lập đội hành hình, rồi tập hợp bọn họ lại ở trong sân trại, và đánh thức
kẻ từ tù dậy bằng câu nói có tính cách tiền định:

- Đi thôi, Buênđya. -
Ngài giục chàng, - giờ của chúng ta đã điểm.

- À, ra là thế đấy. -
Ngài đại tá nói. - Ta đang mơ thấy mình bị những vết tấy làm nổ tung ra.

Rêbêca Buênđya, kể từ
khi biết tin Aurêlianô sẽ bị bắn, thường xuyên thức dậy từ lúc ba giờ sáng. Bà
ngồi im trong phòng tối mà dõi nhìn bức tường nghĩa địa qua cửa sổ hé mở, trong
lúc đó cái giường bà ngồi cứ rung lên theo nhịp tiếng ngáy của Hôsê Accađiô. Cả
tuần bà kiên nhẫn ngồi đợi như trước đây đợi thư Piêtrô Crêspi. “Chúng sẽ không
bắn chú ấy ở đây đâu.” Hôsê Accađiô nói với bà. “Chúng sẽ bắn chú ấy ở ngay
trong trại giam vào lúc nửa đêm để không ai biết ai là kẻ chỉ huy đội hành hình
và rồi chúng sẽ chôn chú ấy ở ngay đấy”. Tuy vậy, Rêbêca vẫn tiếp tục chờ đợi. “Bọn
chúng ngu muội đến mức nhất định chúng sẽ bắn chú ấy ở đây.” Bà nói. Bà quá tin
mình đến mức bà đã chuẩn bị sẵn cách mở cửa và cách giơ tay chào vĩnh biệt
chàng. “Chúng sẽ không dẫn chú ấy đi theo đường cái đâu, - ông vẫn một mực
khuyên, - bởi vì chúng chỉ có sáu tên lính yếu bóng vía trong khi thừa biết rằng
dân chúng đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì”. Không nghe cái lôgic của chồng mình,
bà vẫn ngồi bên cửa sổ nhìn ra bức tường nghĩa địa.

- Rồi mình sẽ thấy
chúng là những kẻ ngu dại như thế đấy, - bà nói.

Vào lúc năm giờ sáng
ngày thứ ba, Hôsê Accađiô đã uống xong cà phê và thả đàn chó săn ra thì cũng là
lúc Rêbêca đóng cửa lại và cố sức vịn thành một đầu giường để khỏi ngã. “Chúng
đã dẫn chú ấy ra đấy rồi.” Bà thở dài. “Ôi chú ấy đẹp làm sao”.

Hôsê Accađiô thò đầu
qua cửa sổ, nhìn thảy chàng run rẩy trong ánh bình minh, mặc bộ quần áo vốn là
quần áo của ông khi còn trẻ. Chàng đã đứng quay lưng vào tường, hai tay chống nạnh
vì hai nách sưng tấy không để cho chàng buông thõng tay xuống. “Rõ thật là nực
cười.” Đại tá Aurêlianô Buênđya lẩm bẩm. “Rõ thật là nực cười đến mức phải dùng
tới sáu thằng đàn ông bệnh hoạn để giết một người tay không vũ khí”. Chàng cứ
nhắc đi nhắc lại mãi với biết bao nỗi giận dữ đến mức dường như chàng đang sôi
tiết, và đại uý Rôkê Cacnixêrô cũng thấy mủi lòng vì ngài nghĩ rằng đại tá đang
cầu Chúa. Khi đội hành hình chĩa súng vào chàng thì nỗi giận dữ của chàng đã vật
chất hoá thành một chất nhầy có vị đắng đọng lại ở lưỡi ru chàng ngủ và buộc
chàng nhắm mắt lại. Thế là lúc ấy ánh sáng huy hoàng của buổi bình minh biến mất,
và chàng lại nhìn thấy chính mình còn rất nhóc con mặc quần cũn cỡn với chiếc
nơ thắt nơi cổ, và chàng nhìn thấy tha mình trong một buổi chiều rực rỡ dẫn
mình vào trong rạp và chàng nhìn tảng nước đá. Khi nghe thấy tiếng thét, chàng
nghĩ ngay rằng đó là mệnh lệnh cuối cùng cho đội hành hình. Chàng mở choàng mắt.
Với sự tò mò lạnh gáy, chàng đợi những viên đạn cắm phập vào mình nhưng chỉ thấy
đại uý Rôkê Cacnixêrô đang giơ hai tay lên, và thấy Hôsê Accađiô đang vượt qua
đường cái lăm lăm khẩu súng săn sẵn sàng nhả đạn.

- Xin đừng bắn. - Viên đại uý nói với Hôsê
Accađiô - Ngài
đã tới theo lệnh phán truyền của đấng Toàn năng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3