Trăm năm cô đơn - Chương 06 - Phần 2
Những ai biết gốc gác
của cậu ta qua cuộc đấu khẩu này thảy đều nghĩ rằng cậu ta đã hiểu. Thực ra cậu
ta vẫn không hay biết gì về gốc gác của mình. Pila Tecnêra, bà mẹ cậu ta, người
từng làm cho cậu ta nổi máu dê ở trong phòng làm ảnh, là một sự thèm khát không
thể cưỡng lại nổi đối với cậu ta, cũng như thuở ban đầu đối với Hôsê Accađiô và
sau đó đối với Aurêlianô. Mặc dù thị đã để mất đi vẻ duyên dáng và tiếng cười
phấn kích trước đây, cậu ta vẫn tìm kiếm thị và đã gặp thị trong mùi khói khen
khét phả ra từ thân xác thị. Nhưng trước ngày nổ ra chiến sự, có một buổi trưa
thị đến trường muộn hơn cả để tìm thằng con út của mình thì Accađiô đang đợi thị
tại phòng nghỉ và sau này là phòng giam. Trong lúc đứa trẻ đang nô đùa ở ngoài
sân, cậu ta nằm trên võng chờ đợi thị mà người cứ run bắn lên vì thêm khát và
biết rằng thị sẽ qua đây. Thị đến thật. Accađiô cầm lấy cổ tay thị định lôi lên
võng với mình.
“Chịu thôi! Chịu thôi!”
Pila Tecnêra run rẩy sợ hãi nói. “Cậu không biết rằng tôi cũng muốn chiều cậu lắm
chứ. Nhưng có Thượng đế làm chứng cho: tôi không thể thỏa mãn cậu được”.
Với sức mạnh cha truyền,
Accađiô đã quàng tay ôm lấy thắt lưng thị và cảm thấy trời đất ngả nghiêng khi
chạm phải da thịt thị. “Thôi đi, đừng có mà làm bộ ta đây….” Cậu ta nói. “Cuối
cùng cả bàn dân thiên hạ ai cũng biết tỏng mình làm điếm rồi”.
Pila Tecnêra cố quất
nỗi nhục nhã mà số phận bi thảm đã dành cho mình.
- Bọn trẻ con sẽ biết
mất. - Thị nói. - Tốt hơn hết là đêm nay cậu hãy để ngỏ cửa.
Đêm ấy, nằm trên võng
người cứ nóng ran như có lửa tràm, Accađiô đợi thị. Cậu ta không ngủ để chờ đợi
mà dõi theo tiếng trong đêm khuya và tiếng vạc ăn đêm. Càng đợi cậu ta càng vô
vọng và nghĩ rằng mình đã bị “một quả lừa”. Đương lúc sự thèm khát ngày một nguội dần và lúc
cơn giận dữ ngày một bốc lửa, thì bỗng nhiên cửa mở. Sau đó mấy tháng, đứng trước
họng súng của đội hành hình, Accađiô đã làm sống lại trong ký ức mình những bước
chân chệnh choạng đi trong phòng học, những cú va chạm ghế băng, rồi cuối cùng
một bóng hình nổi đậm trong phòng mờ tối và tiếng đập thình thình của một con
tim vốn không phải là của mình. Cậu ta chìa tay ra và bắt gặp một bàn tay khác
đeo hai chiếc nhẫn trên cùng một ngón tay của một người sắp chết chìm trong
bóng tối. Cậu ta cảm thấy máu mình chảy giần giật trên các huyết quản, nỗi bất
hạnh của mình đang đập rối loạn và cảm thấy bàn tay mình, với đường đời bị thần
chết chém ngang trên gò ngón tay cái, sâm sấp ướt mồ hôi. Vậy là cậu ta hiểu
ngay rằng người đàn bà ấy không phải là người mình đợi chờ, bởi vì người đàn bà
ấy không phả ra mùi khen khét mà phả ra mùi brigiăngtin, bởi vì người đàn bà ấy
có bộ vú chũm cau, có cái mòng đóc cứng và tròn như hạt bồ đào và thân thể người
ấy run run vẻ hoảng loạn của người chưa từng trải mùi đời. Người ấy là một cô
gái trinh và có cái tên đến là khó tin: Santa Sôphia đê la Piêđat[22].
Pila Tecnêra trả cho cô năm mươi đồng pêsô, một nửa số tiền thị đã
ki cóp trong cả cuộc đời, để cô làm cái việc đang làm. Accađiô từng nhìn thấy
cô nhiều lần trong lúc trông nom cửa hiệu thực phẩm của cha mẹ, và chưa bao giờ
cậu để mắt tới cô bởi vì cô chưa thực sự ở tuổi thanh xuân. Song kể từ ngày đó
trở đi, cậu ta như một con mèo cứ rúc vào nách cô gái. Cô đến trường vào giờ
nghỉ trưa trong sự đồng lõa của cha mẹ mình vốn là những người đã được Pila
Tecnêra cho nốt số tiền ki cóp được. Về sau này, khi quân chính phủ tống khứ bọn
họ ra khỏi trường học, thì hai người làm tình với nhau giữa những thùng bơ và
những tải ngô trong kho hàng. Trong thời kỳ Accađiô được phong làm Quan Tổng trấn
coi các vấn đề quân sự và dân sự ở làng Macônđô, họ đã có chung một đứa con
gái.
[22] Nghĩa là: bà
Thánh Sôphia của lòng hiếu thảo.
Những người thân duy
nhất biết chuyện là Hôsê Accađiô và Rêbêca. Họ là những người mà Accađiô lúc đó
giữ được các quan hệ mật thiết không chỉ dựa trên tình ruột thịt mà cả trên sự
đồng lõa. Cái ách vợ chồng buộc Hôsê Accađiô hoàn toàn phải quy phục. Tính cách
cứng rắn của Rêbêca, cái bụng háo ăn của cô sự tham lam vô độ của cô, đã hút cạn
sức lực cường tráng của người chồng, buộc anh vốn là kẻ lười nhác và trai lơ phải
trở thành một con vật khổng lồ chịu thương chịu khó làm lụng.
Anh có một ngôi nhà sạch
sẽ và gọn gàng ngăn nắp. Cứ mỗi bận sáng dậy, Rêbêca mở toang cửa và gió từ
nghĩa địa qua các cửa sổ ùa vào rồi lại cuốn ra ngoài theo cửa canh để lại hơi
diêm sinh của người chết làm cho những bức tường bệch bạc ra và khiến cho những
bàn, tủ, giường xám đen lại. Cơn đói đất, tiếng kêu lộc cộc, lộc cộc, lộc
cộc của hai bộ hài cốt của cha mẹ cô, sự nôn nóng của cô trước thái độ
quá ư điềm tĩnh của Piêtrô Crêspi đã lùi vào dĩ vãng. Cả ngày cô ngồi thêu bên
cửa sổ, xa lạ trước mọi dư âm của chiến tranh. Cho tới khi các nồi sành bắt đầu
rung lên trong chạn, cô mới đứng dậy đi hâm lại thức ăn. Cô làm việc ấy trước
lúc xuất hiện những con chó bê bết lấm bùn hay khịt mũi đánh hơi và người đàn
ông vâm váp đi ủng có đinh thúc ngựa, khoác khẩu súng hỏa mai hai nòng: “Người
này có lúc vai vác một chú nai, còn hầu như lúc nào cũng mang về một xâu thỏ hoặc
vịt trời… Có một buổi chiều nọ, đúng vào dịp nắm quyền, Accađiô bỗng dưng đến
thăm họ. Tất khi ra khỏi nhà, bọn họ không nhìn thấy cậu nhưng cậu đã biểu lộ một
tình cảm nồng nhiệt và thân thiết đến mức vợ chồng họ đã mời cậu ở lại cùng nếm
món thịt thú rừng vừa được xào nấu.
Chỉ đến khi uống cà
phê Accađiô mới nói rõ mục đích mình đến chơi: cậu đã nhận được một lá đơn tố
cáo Hôsê Accađiô. Lá đơn nói rằng Hôsê Accađiô cày sân mình và cày lấn sang đất
đai lân cận, phá đổ rào và lùa bò của mình vào chuồng người khác, dùng sức mạnh
chiếm đoạt những trang trại trù mật nhất ở xung quanh. Đối với những người nông
dân không bị tước đoạt vì ruộng đất của họ xấu, y buộc họ phải đóng thuế. Vào
thứ bảy hàng tuần y dùng chó săn và khẩu súng hỏa mai hai nòng để thu thuế. Y
không phản đối những lời ấy. Y khẳng định quyền lợi của mình trên những đất đai
chiếm đoạt được từng bị Hôsê Accađiô Buênđya phân chia từ thời lập làng và tin
tưởng có thể chứng minh rằng cha mình đã điên rồ từ thời ấy, bởi vì cụ đã đem
phân phát của cải trên thực tế thuộc về gia đình mình. Đó là một lý lẽ không cần
thiết bởi vì Accađiô đến đây không phải để phân xử đúng sai mà chỉ đơn thuần mặc
cả thôi.
Về phần mình, cậu lập
ra một văn phòng luật sư trông coi của cải tư hữu sẽ cấp cho Hôsê Accađiô các
văn tự để y hợp pháp hoá những đất đai chiếm đoạt được và ngược lại y phải để
cho chính quyền địa phương được quyền thu thuế. Hai người thỏa thuận với nhau.
Những năm sau này khi đại tá Aurêlianô Buênđya kiểm tra các văn tự ruộng đất,
chàng đã thấy rằng tất cả đất đai kể từ sân nhà Hôsê Accađiô cho tới tận chân
trời kể cả nghĩa địa của làng đều thuộc quyền sở hữu của ông anh mình; và rằng
trong mười một tháng nắm quyền bính, Accađiô đã thu không chỉ tiền thuế mà còn
cả tiền của nhân dân muốn được chôn cất người thân của mình trên điền sản của
Hôsê Accađiô.
Vài tháng sau Ucsula
mới biết cái việc đã trở thành quyền lực công khai, bởi vì dân chúng giấu không
cho bà biết để khỏi khiến bà đau khổ thêm. Bà bắt đầu nghi ngờ cậu ta. “Accađiô
đang xây một ngôi nhà.” Bà tự hào khẳng định với chồng mình trong lúc cố nhét
vào miệng ông một thìa canh bí. Tuy nhiên, bất giác bà lại thở dài: “Không hiểu
vì sao tôi cảm thấy không yên lòng đối với tất cả những việc như thế”. Và sau
này khi bà biết rằng Accađiô không những đã xây xong nhà mà còn mua sắm giường
tủ bàn ghế sản xuất ở Viên thì bà càng khẳng định cậu ta đang biển thủ công quỹ,
điều trước đây bà đã hồ nghi.
“Mày là nỗi nhục của
dòng họ nhà tao.” Bà chửi cậu ta như thế vào lúc kết thúc lễ mixa một ngày chủ
nhật, khi bà thấy cậu đang chơi bài trong ngôi nhà mới. Accađiô không đếm xỉa tới
lời bà. Chỉ đến lúc ấy Ucsula mới biết cậu ta đã có một đứa con gái sáu tháng
và rằng Santa Sôphia đê la Piêđat, người cậu ta cùng chung sống không làm lễ cưới,
lại một lần nữa đang có thai.
Ucsula định bụng viết
thư cho đại tá Aurêlianô Buênđya, dù chàng ở đâu đi nữa, để chàng tỏ tường mọi
chuyện trong nhà ngoài ngõ. Nhưng các sự kiện ồn ào lúc đó không chỉ cản trở mọi
ý định của bà mà còn khiến cho bà ân hận vì đã lượm lặt được chúng. Chiến
tranh, cho đến lúc ấy vẫn chỉ là một từ để chỉ một hoàn cảnh trống trải và trì
đọng, đã được cụ thể hóa trong một thực tại bi thương. Vào cuối tháng hai có một
bà già tóc bạc cưỡi trên lưng một chú ngựa thồ chổi đã đến làng Macônđô. Nom bà
quá ư hiền lành đến mức các đội tuần tra đã để bà vào làng mà không xét hỏi,
như đã từng không xét hỏi những người bán hàng rong thường vẫn qua lại các làng
quanh vùng đồng lầy. Bà đi thẳng đến trại lính, Accađiô tiếp bà ngay ở nơi trước
đây là lớp học và hiện nay là lán nghỉ của quân lính trong đó những chiếc võng
được cuộn lại và treo trên những chiếc móc, những ba lô chồng chất lên nhau ở
các xó, và súng trường, súng cacbin, súng săn ngổn ngang khắp sàn nhà. Bà già
giơ tay chào theo kiểu nhà binh trước khi tự giới thiệu mình:
- Tôi là đại tá
Grêgori Stêvensơn.
Ngài mang tới các tin
dữ. Những ổ đề kháng cuối cùng của phe Tự do, theo như lời ngài nói, đang bị
tiêu diệt. Đại tá Aurêlianô Buênđya người đang bị quân đội Bảo hoàng truy kích ở
ngoại vi thành phố Riôacha, đã giao cho ngài sứ mạng đến nói chuyện với
Accađiô, khuyên cậu cần phải nộp lại quảng trường cho quân chính phủ bằng cách
đặt điều kiện họ phải hứa danh dự đảm bảo tính mạng và tài sản cho những người
Tự do.
Accađiô với đôi mắt
nghi ngờ dò xét vị sứ giả kỳ dị ấy, người có thể nhầm lẫn với một bà già hoảng
sợ đang chạy trốn.
- Vậy xin hỏi chẳng
hay ngài có mang theo giấy tờ không? - cậu hỏi.
- Rất tiếc, - vị sứ
giả trả lời. - Tôi không mang theo. Dễ hiểu rằng trong điều kiện hiện nay thật
khó mang theo trong người bất kỳ một thứ gì khiến người ta khả nghi.
Trong khi nói, ngài
rút trong yếm ngực ra một con cá vàng và đặt nó lên bàn. “Tôi tin rằng với thứ
này đã đủ lắm rồi.” ngài nói. Accađiô xác nhận rằng đó là một trong những con
cá vàng được đại tá Aurêlianô Buênđya làm ra. Nhưng một người nào đó đã mua nó
trước lúc nổ ra chiến tranh hoặc đã ăn cắp được và thế là nó không còn giá trị
của tờ giấy thông thành. Lúc này, vị sứ giả buộc lòng phải vi phạm bí mật quân
sự để lộ chân tướng của mình. Ngài kể rằng mình có nhiệm vụ đi về Curaxao để
chiêu mộ tất cả những người bị lưu đày của toàn bộ vùng Caribê, tìm mua cho đủ
vũ khí và quân trang quân dụng để mưu tính một cuộc đổ bộ vào cuối năm nay. Mặc
dù tin tưởng kế hoạch ấy nhưng đại tá Aurêlianô Buênđya không đồng ý cho rằng
trong thời điểm ấy nên tiến hành những hoạt động xả thân vô ích. Nhưng Accađiô
là kẻ nhẫn tâm. Cậu đã bỏ tù vị sứ giả để tiến hành công việc xác nhận gốc gác
của ngài và quyết định sẽ bảo vệ quảng trường đến hơi thở cuối cùng.
Không cần phải đợi chờ
lâu. Những tin tức về sự thất bại của phái Tự do ngày một xác thực hơn. Trong một
buổi nửa đêm về sáng vào cuối tháng ba trời đổ những trận mưa sớm, không khí
yên tĩnh nặng nề của những tuần trước đây bỗng nhiên tan biến cùng với tiếng
kèn cornêt rùng rợn và tiếng nổ dữ dội của một quả pháo đã làm sập đổ tháp
chuông nhà thờ. Trên thực tế, ý nguyện kháng cự của Accađiô là một ý nghĩ điên
rồ. Cậu chỉ có trong tay không quá năm mươi người vũ trang kém cỏi với cơ số đạn
không quá hai mươi viên mỗi cây súng. Nhưng trong số những người kháng chiến,
những học trò cũ của cậu từng náo nức trước những lời tuyên bố hoa mỹ đang quyết
chí chiến đấu đến phút cuối cùng vì một sự nghiệp đã phá sản. Trong khung cảnh
những tiếng ủng chạy nháo nhác, những mệnh lệnh mâu thuẫn trái ngược nhau, những
tiếng đại bác làm rung chuyển mặt đất, những tiếng súng nổ loạn xạ, và những hồi
kèn cornêt không có ý nghĩa, ngài đại tá bị giam Stêvensơn xin được nói chuyện
với Accađiô. “Hãy tránh cho ta nỗi nhục phải chết trong nhà tù mặc nguyên quần
áo đàn bà đi.” ngài nói với cậu. “Nếu ta phải chết thì ta sẽ chết trong chiến đấu”.
Accađiô ra lệnh phát cho ngài một cây súng với hai mươi viên đạn, và để cho
ngài cùng năm người nữa bảo vệ trại lính, trong khi đó, cùng với bộ chỉ huy của
mình cậu ta đi lên tuyến đầu của trận đề kháng. Những chướng ngại vật bị phá vỡ
và những người chiến đấu bảo vệ làng phải chiến đấu trong một cuộc đọ súng
không cân sức trên các đường phố. Đầu tiên họ dùng súng trường chiến đấu cho tới
khi hết đạn, sau đó dùng súng lục chống lại súng trường và cuối cùng đánh giáp
lá cà. Trước sự thất bại sắp xảy ra, một số chị em phụ nữ, người cầm gậy kẻ cầm
dao thái thịt, cùng đổ ra đường. Trong khung cảnh hỗn độn ấy, Accađiô bắt gặp
Amaranta mặc áo ngủ, tay cầm hai khẩu súng lục cũ kỹ của Hôsê Accađiô Buênđya,
đang hoảng hốt tìm cậu. Accađiô liền đưa khẩu súng của mình cho một viên sĩ
quan vừa bị mất súng trong trận chiến đấu, rồi cùng với Amaranta lẩn vào một
con đường cạnh đó để đưa cô về nhà. Ucsula đứng ở cửa ra vào, đang đợi chờ, bất
chấp những tiếng súng nổ đì đùng và một viên đạn lạc khoét một cái lỗ trên bức
tường mặt tiền của ngôi nhà ngay cạnh. Mưa tạnh hẳn nhưng đường cái ngầu bùn
như bọt xà phòng và người ta phải dò tìm khoảng cách trong bóng tối Accađiô để
Amaranta ở lại với Ucsula, và định bụng chiến đấu mặt đối mặt với hai lính
chính phủ từ một góc phố đang đi vào lùng sục. Những khẩu súng lục để quá lâu
trong ngăn kéo khô dầu không nổ đạn được. Lấy thân mình che cho Accađiô, Ucsula
định kéo cậu về tận nhà mình.
- Về ngay! Vì Thượng
đế hãy về nhà ngay - bà thét cậu ta. - Hãy bỏ thói điên khùng đi nào.
Bọn lính nhả đạn về
phía họ.
- Bà già hãy buông
người kia ra, - một tên lính thét. - Nếu không chúng tôi sẽ không chịu trách
nhiệm trước cái chết của bà.
Accađiô đẩy Ucsula về
phía nhà, còn mình giơ tay đầu hàng.
Sau đó ít lâu, tiếng
súng ngừng bặt và chuông nhà thờ bắt đầu đổ hồi. Cuộc đề kháng đã bị đè bẹp
trong không đầy nửa giờ.
Không một người nào của
Accađiô sống sót sau trận tấn công, nhưng trước khi chết bọn họ đều bị dẫn diễu
qua trước mặt ba trăm lính chính phủ. Pháo đài bị tiêu diệt sau cùng là trại
lính.
Trước khi nó bị tấn
công, đại tá bị giam Grêgôriô Stêvensơn, đã thả hết các tù nhân, ra lệnh cho những
người dưới quyền ra ngoài đường chiến đấu. Sự thay đổi vị trí chiến đấu đến là
linh hoạt của ngài, cũng như đường đạn chính xác của hai mươi viên đạn được
ngài bắn đi từ các cửa sổ khác nhau đã đem lại cái cảm giác trại lính được
phòng thủ rất tốt, và những kẻ tấn công đã phải dùng đại bác để câu vào phá sập
nó. Viên đại uý chỉ huy cuộc chiến đấu phải ngạc nhiên trước quang cảnh những mảng
tường nhà rơi đổ ngổn ngang, chỉ có một người đàn ông mặc độc một chiếc quần
đùi đã chết và một khẩu súng hết đạn được một cánh tay bị chặt lìa khỏi thân
xác ôm lấy. Người ấy có bộ tóc dầy cộm uốn súng ôm lấy vai và trên cổ đeo một sợi
dây mang con cá vàng. Vào lúc lấy mũi ủng lật ngửa để nhìn cho rõ mặt người ấy,
viên đại uý giật mình hoảng sợ: “Đồ cứt đái.” Ông ta thốt lên. Một số sĩ quan
khác cũng ào tới.
- Các vị hãy nhìn
xem, cái con người này đến từ đâu vậy? - viên đại uý nói với họ. - Đó là
Grêgôriô Stêvensơn.
Vào lúc rạng sáng,
Accađiô bị bắn ở trước bức tường nghĩa địa sau khi hội đồng quân sự họp khẩn cấp.
Trong hai giờ cuối cùng của đời mình, cậu vẫn chưa hiểu nổi vì sao cái nỗi sợ
chết từng dằn vặt mình ngay từ thuở thơ ấu đã biến mất. Với vẻ bình thản lạnh
lùng, không hề bận tâm tới việc chứng tỏ lòng dũng cảm mới nảy sinh, cậu nghe
những lời luận tội dài dòng.
Cậu nghĩ tới Ucsula
mà giờ này có lẽ bà đang cùng uống cà phê với Hôsê Accađiô Buênđya dưới bóng
cây dẻ. Cậu nghĩ tới đứa con gái tám tháng vẫn chưa được đặt tên và tới đứa trẻ
sẽ ra đời vào tháng tám tới. cậu nghĩ tới Santa Sôphia đê la Piêđat đêm qua đã
ướp thịt một con hươu cho bữa cơm trưa ngày thứ bảy, nhớ mái tóc dài buông xõa
xuống hai vai cô, nhớ những hàng mi dài của cô giống như những bờ mi được làm
giả. Cậu nghĩ tới những người của mình không mảy may thương tiếc. Trong lẽ công
bằng cần phải trang trải với cuộc đời, cậu bắt đầu hiểu được trên thực tế cậu
yêu biết nhường nào những người cậu từng căm ghét. Ngài chủ tịch hội đồng quân
sự bắt đầu bài phát biểu cuối cùng của mình trước lúc Accađiô chợt nhớ rằng đã
qua đi hai giờ đồng hồ rồi. “Mặc dù các chức vụ được giao cho y không có gì
đáng kể. - Ngài chủ tịch nói. - Nhưng với thái độ hung hăng vô trách nhiệm và độc
ác y đã đẩy những người dưới quyền của mình tới những cái chết vô ích thì điều
đó cũng đủ để khép y vào tội tử hình”… Tại trường học rạn nứt vốn là nơi lần đầu
tiên cảm nhận sự chắc chắn của quyền lực, cách mấy mét thì tới phòng học mà lần
đầu tiên biết đến thứ tình yêu ngỡ ngàng, Accađiô bắt gặp hình thức nực cười của
thẩn chết. Trên thực tế, đối với cậu lúc này, cái có tầm quan trọng không phải
là cái chết mà là sự sống và bởi thế, cái cảm giác mà cậu cảm nhận khi người ta
tuyên án tử hình mình không phải là cái cảm giác sợ hãi mà là cái cảm giác nhớ
nhung. Cậu vẫn im lặng cho tới khi được hỏi nguyện vọng cuối cùng của mình là
gì.
- Hãy nói với vợ tôi.
- Cậu trả lời với giọng nói sang sảng, - rằng đặt tên cho con gái tôi là Ucsula.
- Cậu nghĩ rồi khẳng định: đúng là Ucsula tên của bà nội. Và hãy nói với vợ tôi
rằng nếu đứa trẻ sắp ra đời là con trai thì đặt tên là Hôsê Accađiô nhưng không
phải lấy tên của ông bác mà là tên của ông nội nó.
Trước lúc người ta
mang cậu tới bức tường ở nghĩa địa, cha xứ Nicanô định rửa tội cho cậu. “Tôi
không có gì phải ân hận cả.” Accađiô nói, và làm theo lệnh của đội hành hình
sau khi uống hết tách cà phê đen. Người chỉ huy đội hành hình, một người chuyên
thi hành các bản án tử hình, có tên rất đúng với nghề của mình: đại uý Rôkê
Cacnixêrô[23].
Trên con đường đi tới nghĩa địa, dưới trời mưa lất phất, Accađiô nhận thấy rằng
một ngày thứ tư rạng sáng đang loé lên ở chân trời. Nỗi nhớ nhụng hoà tan trong
sương mờ và để lại một sự tò mò khủng khiếp.
[23] Nghĩa là Rô
kê - Tên đồ tể.
Chỉ đến khi người ta
ra lệnh cho cậu dựa lưng vào tường, Accađiô mới nhìn thấy Rêbêca với mái tóc ướt,
mặc bộ váy áo hoa màu hồng đang mở toang cửa nhà. Cậu cố lòng thầm khấn để
Rêbêca nhận ra mình. Quả nhiên, vừa lúc ấy Rêbêca nhìn ra bức tường nghĩa địa
và bỗng đứng đần ra vẻ hoảng hốt. Hầu như cô mới chỉ kịp ra hiệu để chào từ biệt
Accađiô. Accađiô đã đáp lại cũng bằng điệu bộ tương tự. Giữa lúc ấy những họng
súng bốc khói nhả đạn vào Accađiô và cậu nghe rõ ràng từng lời từng lời một bản
nhã ca được cụ Menkyađêt ngâm và cảm thấy những bước chân chệnh choạng của
Santa Sôphia đê la Piêđat, cô thiếu nữ trinh tiết, vang trong phòng học và cảm
thấy trên mũi mình có cái lạnh cứng của nước đá, cái mà cậu đã chú ý tới khi thấy
nó trong hốc mũi của tử thi Rêmêđiôt. “À, con c… - cậu vừa kịp nghĩ ra. - Ta
quên mất không nói rằng nếu sinh con gái hãy đặt tên là Rêmêđiôt”. Vậy là lúc ấy,
cậu đã cảm thấy nỗi sợ hãi từng tra tấn mình suốt cả cuộc đời. Viên đại uý ra lệnh
nổ súng. Hầu như Accađiô vừa kịp ưỡn ngực và ngẩng đầu lên mà không hiểu từ đâu
chảy ra một dòng nước đằng đặc nóng bỏng đang thiêu đốt các cơ bắp mình:
- Đồ dê cụ! - Cậu thét - Đảng Tự do
muôn năm!