Vân Trung Ca - Ngoại truyện
Ngoại truyện:
Thượng Quan Tiểu Muội - Một đời dài đằng đẵng.
Khi Tranh Nhi chải đầu cho Thượng
Quan Tiểu Muội, Tiểu Muội nhìn gương thấy có một sợi tóc bạc, nàng nhẹ nhàng rẽ
búi tóc ra, nhổ đi sợi tóc bạc. Tranh Nhi trong lòng đau xót muốn rơi lệ, kỳ
thật nương nương tuổi cũng chưa già, so với tuổi của mấy phi tử trong cung cũng
không hơn là bao nhiêu, nhưng nương nương…
Lục Thuận tiến vào bẩm tấu, nói
rằng các vị nương nương tới thỉnh an nàng. Nàng nhẹ nhàng phất phất tay, Lục
Thuận liền xoay người đi ra ngoài, cũng chẳng cần lấy lý do, trực tiếp lệnh cho
nương nương các cung đều trở về hết. Nàng cười nghĩ, Lục Thuận cũng già rồi,
nói cũng chẳng buồn nói, đã không còn cởi mở nhiệt tình như trước đây.
Bởi vì hoàng đế tôn kính, thái tử
hiếu thuận, địa vị của nàng ở hậu cung không gì lay chuyển được, bất luận là
phi tử được sủng ái hay là phi tử không được sủng ái, đều muốn tới làm thân với
nàng, nhưng những người thực sự được gặp nàng một lần đích xác là đếm trên đầu
ngón tay, có phi tử tới khi sinh hạ hoàng tử, cũng không biết Thái hoàng thái
hậu trông như thế nào.
“Bà lão trong Trường Nhạc cung
kia.” dần dần biến thành chuyện được thì thầm rỉ tai nhau trong đêm khuya ở Vị
Ương Cung. Có người nói nàng do thân thể tàn tật, cho nên cho dù Tiên đế không
có phi tần nào khác, chỉ sủng ái có hoàng hậu, nàng cũng không thể sinh con,
sau khi Hoắc Thành Quân bị phế hậu cũng nói tới chuyện này sinh động y như thật
vậy, còn khẳng định rằng chỉ sợ là trong huyết mạch Hoắc gia có bệnh. Có người
nói nàng là thạch nữ*, căn bản không thể nhận mưa móc của đế vương, có người
nói nàng kỳ thật vẫn là tấm thân xử nữ, năm đó Tiên hoàng có một nữ nhân bí
mật, là do e sợ Thượng Quan Kiệt và Hoắc Quang, cho nên không dám lập cô gái
kia làm phi. Có người nói nàng nhát gan yếu đuối, gặp chuyện chỉ biết khóc, bảo
sao nghe vậy. Có người nói nàng lãnh đạm vô tình, người trong gia tộc đã chết
hết cả, mà một giọt nước mắt cũng chưa rơi xuống…
*Mặc
dù không muốn nhưng vẫn phải giải thích: “Thạch nữ” là cách gọi của dân gian,
dành cho những người phụ nữ không có âm đạo hoặc dị tật âm đạo.
Khi nàng nghe được mấy lời này, lúc
nào cũng muốn cười, thời gian đúng là một thứ đáng sợ, nó làm cho thiếu nữ tóc
đen đã thành đầu bạc, nam nhi lưng thẳng biến thành cong, làm cho tất cả mọi
thứ đều biến dạng, sai sự thật. Thế nhưng, thời gian không làm phai mờ đi kí ức
của nàng, năm tháng dài đằng đẵng trong Trường Nhạc cung tĩnh mịch, nàng có thể
chậm rãi nhớ lại.
Năm ấy, lần đầu tiên bước vào Vị
Ương Cung, nàng sáu tuổi. Nàng vẫn còn nhớ rõ mũ phượng nặng trĩu trên đầu
khiến cho nàng đi đường cũng nghiêng nghiêng ngả ngả. Nơi nơi là âm nhạc vui
tươi rộn rã, nhưng nàng sợ hãi tới mức thầm muốn khóc, ngóng trông sau khi tất
cả kết thúc, mẫu thân sẽ nhanh chóng tới đón nàng trở về. Nàng nghe được mọi
người cao giọng gọi “Hoàng thượng”, nhưng nàng vẫn không nhìn thấy người đi tới
đây, nàng nhịn không được lén nhấc khăn trùm đầu đỏ trên đầu lên, đưa mắt nhìn
chung quanh tìm hoàng thượng, chỉ nhìn thấy phía xa xa có một bóng dáng, người
ấy như thể đang ngầm chịu đựng bi ai và phẫn nộ, nàng ngẩn ngơ, như thể đã làm
sai chuyện gì, nhanh chóng buông khăn trùm xuống, giấu đi thấp thỏm lo âu ở
dưới mũ phượng.
Trong tiếng xướng từ của tán giả,
nàng vừa vụng về dập đầu hành lễ, vừa nghĩ tới những lời mà mẫu thân đã nói.
“Mẹ, hoàng hậu là gì vậy?”
Mẫu thân đang đẩy xích đu, đưa nàng
lên thật cao, nàng cười khanh khách. Trong tiếng cười của mình, nàng nghe thấy
mẫu thân nói:
“Hoàng hậu chính là thê tử của
hoàng đế, hoàng đế chính là phu quân của hoàng hậu.”
“Vậy thê tử là gì?”
“Thê tử chính là người cả đời muốn
ở chung với phu quân.”
“Phu quân là gì?”
“Phu quân chính là người muốn ở
chung cả đời với thê tử.”
Nàng mất hứng nói: “Vậy là con phải
ở chung với hoàng đế cả đời sao? Như thế không được đâu, mẹ, con muốn cả đời ở
cùng một chỗ với mẹ cơ.”
Sau một lúc lâu, mẫu thân vẫn không
nói gì, chỉ đẩy xích đu cho nàng, nàng quay đầu lại nhìn, thấy trong mắt mẫu
thân hình như có lệ…
Nàng ở dưới mũ phượng cân nhắc,
người này chính là người mình phải ở chung cả đời sao? Hắn giống như là không
vui ấy! Nhưng mà ngươi đã không vui, vậy thì ta đi về nhà!
Nhưng mẫu thân vẫn không tới đón
nàng về nhà, nàng ở lại một mình trong Tiêu Phòng Điện.
Thời điểm bảy tuổi, ở trên Thần
Minh đài, hắn lần đầu tiên bế nàng lên, cùng nàng tìm kiếm nhà của nàng. Nàng
tựa vào lồng ngực hắn, vừa cố gắng tìm cha mẹ, vừa mơ hồ nghĩ, mẹ nói hắn và
mình cả đời phải ở cùng nhau? Cả đời ở cùng nhau…
Hắn trầm mặc tới một câu cũng không
nói, chỉ lẳng lặng ôm lấy nàng, nhưng hoảng hốt và sợ hãi của nàng dường như
đều phai nhạt.
Sau đó, nàng phát hiện hắn rất
thích tới Thần Minh đài, chỉ là hắn nhìn xa xa về hướng Tây, mà nàng thì nhìn
xa xa về hướng Bắc. Khi nàng ngẫu nhiên gặp được hắn, hắn sẽ vẫn bế nàng lên,
để cho nàng nhìn về phương Bắc, tuy rằng hắn và nàng đều biết, mặc kệ là phía
Tây, hay là phía Bắc, kỳ thật đều không thể nhìn thấy gì.
Năm ấy tám tuổi, nàng lần đầu tiên
nghe thấy cung nhân hát:
“Hoàng hạc phi hề hạ kiến chương
Vũ túc túc hề hành thương thương.
Kim vi y hề cúc vi thường.
Xiệp điệp hà hạnh
Xuất nhập kiêm gia.
Tự cố phỉ bạc,
Sửu nhĩ gia tường*.”
*Bài
thơ này tên chính xác là Hoàng hạc ca, được Chiêu Đế sáng tác vào năm 8 tuổi,
nhân dịp hoàng hạc bay xuống hồ Thái Dịch. Theo truyền thuyết của Trung Quốc,
hoàng hạc là một loài chim quý, rất hiếm thấy, do đó hiện tượng hoàng hạc bay
xuống này thể hiện điềm lành cho đất nước. Thật xin lỗi mọi người, bài này mình
không hiểu hết nên không dám dịch, sợ rằng dịch bậy xong có ai đó phải đội mồ
sống dậy thì chết.
Cung nữ bên cạnh nói với nàng, đây
là thơ hoàng đế làm theo lời thỉnh cầu của đại thần, ý thơ nàng vẫn chưa hiểu
rõ được toàn bộ, nhưng nàng biết, bài thơ này không phải viết về điềm lành gì
hết, mà là hoàng đế làm vì chính hắn. Bởi vì nàng cũng từng vô số lần đứng ở
bên hồ Thái Dịch, nhìn những con chim tự do tự tại, tưởng tượng rằng mình là
một con chim, có thể tự do bay ra khỏi Vị Ương Cung. Trong tiếng ca của cung
nữ, nàng bỗng nhiên hiểu được ẩn sâu trong ánh mắt hắn là bi thương, hóa ra hắn
cũng hiểu nàng, hắn tuy rằng trầm mặc xa cách, nhưng hắn hiểu được hết thảy mọi
điều trong lòng nàng.
Nàng dần dần trưởng thành, hắn đối
với nàng càng ngày càng lãnh đạm. Ngẫu nhiên, khi nàng tình cờ gặp hắn một cách
rất đáng ngờ ở Thần Minh đài, hắn nhìn thấy nàng, sẽ lập tức xoay người rời đi,
dưới bóng lưng hờ hững của hắn ẩn chứa mỏi mệt có giấu cũng không được, nàng
biết trong Vị Ương Cung, Thần Minh đài là nơi duy nhất chỉ thuộc về hắn. Bởi vì
hiểu được, cho nên nàng ngừng bước. Nàng không tới Thần Minh đài nữa, vào buổi
tối sẽ chỉ đi tản bộ xa xa dưới bầu trời đầy sao, yên lặng nghe tiếng tiêu
khoan thai, quanh quẩn giữa những lan can ngọc, hành lang đỏ thắm…
Nàng làm sao có thể rời khỏi chỗ
này?
Tất cả vui sướng và kí ức cả đời
này của nàng đều ở chỗ này, phụ mẫu nàng, huynh đệ của nàng, người thân trong
gia tộc cũng đều ở trong tòa thành trì này, tới tiết Thanh minh, trước tiên
nàng sẽ đi tế bái cha mẹ, rồi đi tế bái tổ phụ, ngoại tổ phụ, thúc thúc, cữu cữu,
nàng sẽ ở trước mộ của đệ đệ, đốt cho đệ đệ bức tranh vẽ ngựa mà nàng tự tay
vẽ, cũng sẽ đốt hoa lụa ở trước mộ của Lan cô cô, đốt một chiếc khăn lụa ở
trước mộ của dì Thành Quân.
Quan trọng hơn là nơi này có hắn,
nàng có thể ngồi trên Thần Minh đài suốt một ngày, có thể tới hồ Thái Dịch ngắm
hoàng hạc, còn có thể tới Bình lăng ngắm mặt trời mọc. Trong tòa cung điện này,
không chỗ nào là không có hình bóng hắn. Hơn nữa, những kí ức này chỉ thuộc về
nàng, cho dù tỷ ấy có tóc đen tựa mây, có vui vẻ tựa tiếng ca cũng vĩnh viễn
không có khả năng có được. Nếu có được là một loại hạnh phúc, như vậy hồi ức
của nàng cũng là hạnh phúc.
“Nương nương?” Tranh Nhi lo lắng
gọi nhỏ, nương nương lại đang ngẩn người rồi.
Tiểu Muội cười thật có lỗi, phất
tay để Tranh Nhi lui xuống, không để ý mà buông sợi tóc bạc trong tay xuống,
nàng đứng dậy đi tới phía trước cửa sổ, đẩy cửa sổ ra, trên bầu trời xanh, một
đàn chim nhạn đang bay theo hàng lối chỉnh tề về phương Nam. Nơi mà đàn nhạn
này bay tới là nơi như thế nào? Hoàng đế đại ca, hiện tại chàng hẳn là biết rõ.
Đại ca, thiếp biết chàng rốt cuộc
cũng được tự do, chàng đã theo cô gái như vân tựa ca kia bay ra khỏi nơi này,
tỷ ấy sẽ đi khắp thiên sơn vạn thủy, hoàn thành những chuyện mà chàng muốn làm.
Nhưng đối với thiếp, ở trong tòa cung điện này, ở nơi nào chỗ nào, ở bên hồ
Thái Dịch, hay trên Thần Minh đài, giữa những hành lang uốn khúc của cung điện,
giống như chỉ cần một nháy mắt, là có thể nhìn thấy chàng từ từ đi tới chỗ
thiếp. Khi đêm khuya, chỉ cần thiếp tập trung lắng nghe, vẫn có thể nghe được
của tiếng tiêu của chàng như cũ.
Ý chỉ chàng để lại cho thiếp, thiếp
sợ là vĩnh viễn sẽ không dùng đến. Thiếp biết bên ngoài là một thế giới rộng
lớn, chính là thiên địa bao la, nhưng đã không có hình bóng của chàng, thì đối
với thiếp có quan hệ gì đâu? Hoa đó có tươi đẹp, cây đó có đẹp tới bao nhiêu,
cảnh trí kia có thần kỳ tới bao nhiêu, nam nhân ở đó có tốt tới bao nhiêu, cũng
không phải là điều thiếp muốn, thiếp chỉ muốn ở tại chỗ này, giữ gìn hồi ức của
thiếp và chàng, một đời dài đằng đẵng.
…………………………………..
Lịch sử:
Thượng
Quan Tiểu Muội là vị Thái hoàng thái hậu trẻ nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sau
khi Chiêu Đế băng hà, bà sống cuộc đời bình lặng của mình trong Trường Nhạc
cung. Năm 52 tuổi, bà lâm bệnh rồi qua đời, được an táng tại Bình lăng, cách
lăng mộ của Chiêu Đế khoảng 600m về phía Đông Nam.
……………………………………..
Các bạn thân mến, vậy là Vân Trung
Ca đã kết thúc rồi. Có thể nhiều bạn còn muốn đọc thêm, muốn biết xem sau đó
Vân Ca thế nào, Mạnh Giác có chết thật không?… Nhưng như bức thư tác giả đã
viết lần trước, chuyện Vân Ca có sống tốt không cô ấy cũng không dám nói lớn
tiếng, còn kết thúc của Mạnh Giác thì tác giả suýt bị một đám người trong Jades
“truy sát” ấy. Thế nên vì sự “quá đáng” của tác giả, mọi chuyện tiếp theo các
bạn tự tưởng tượng vậy.
Tới đây, lời mình muốn nói là cám
ơn. Cám ơn tác giả Đồng Hoa đã viết nên một câu chuyện tuyệt vời tới như vậy.
Cám ơn các dịch giả của các bài thơ, từ, sách mà mình đã mượn tạm (mà không xin
phép) trong quá trình chuyển ngữ. Cảm ơn công nghệ tìm kiếm siêu việt của
Google, cảm ơn rất nhiều người đã đóng góp thông tin cho Wikipedia, cám ơn kho
dữ liệu khổng lồ trên Baidu, cám ơn tác giả của Quick Translator. Cám ơn các
bạn tamman, qtn2x, trinhhuong88 của TVE đã giúp mình kiểm tra và check lỗi
trong rất nhiều chương, cám ơn ss Nonchalance đã rất nhiệt tình tìm giúp em chú
thích, cám ơn rất nhiều bạn trong TVE (mình xin phép không nêu tên cụ thể nhưng
nick và các bài viết của các bạn mình đều nhớ) và các bạn khác đã luôn cổ vũ, động
viên mình đi hết chặng đường. Cảm ơn rất nhiều bạn đã viết bài review trên
Webtretho, các bạn ở các blog khác và trên facebook đã giới thiệu truyện và dẫn
link.
Hết màn cảm ơn rồi thì tới màn “thú
tội”, màn này các bạn đọc ở TVE thấy nhiều rồi còn ở blog của mình thì chưa
thấy, vì rằng mình bê bản đã sửa lỗi về đây. Tuy nhiên lỗi sau đây là biết rồi
mà cố tình không sửa nên hết truyện rồi mình phải thú nhận. Các bạn đọc trước
hẳn là sẽ đọc được các cụm từ như Đại Tư Mã phủ, Giải Ưu công chúa, Muối sắt hội
nghị… tất nhiên những cụm từ thế này không sai nghĩa, chỉ sai ngữ pháp, sau khi
mình tỉnh ngộ đã sửa lại là Phủ Đại Tư Mã, công chúa Giải Ưu (mà vẫn giữ nguyên
Bình Dương công chúa và Ngạc Ấp công chúa đấy), Hội nghị muối sắt…Vấn đề là còn
vô số cụm từ khác mình biết sai mà vẫn “đâm lao thì phải theo lao”, đó là:
Trường Nhạc cung, Tuyên Thất Điện, Vị Ương cung, Thanh Lương điện, Thần Minh
đài, Chiêu Thai cung, Kiến Chương cung…Đọc tới đây chắc nhiều bạn thắc mắc, sai
ở chỗ nào? Xin thưa rằng, sai ở vị trí từ đấy ạ. Tiếng Việt chúng ta nói rằng
cung điện mùa hè, điện Cần Chánh, điện Thái Hòa… chứ không phải là Mùa hè cung
điện, Cần Chánh điện, Thái Hòa điện… Thế nên cái đám ở trên kia đúng ra phải
là: cung Trường Nhạc, điện Tuyên Thất, cung Vị Ương, điện Thanh Lương, đài Thần
Minh, cung Chiêu Thai, cung Kiến Chương… Tuy nhiên mình ngộ ra đạo lý này quá
muộn, lúc đó thì đã quen với mấy tên này rồi (và các bạn đọc cũng thế), tự dưng
thấy là đổi lại thì kỳ kỳ sao ấy, nên quyết sai tới cùng luôn.
Tiếp đến là từ Hằng Nga, Trung Quốc
có hai từ là Hằng Nga và Thường Nga, mình cũng không biết cụ thể khác nhau như
thế nào, tuy nhiên tác giả dùng từ Thường Nga, mà mình thấy từ này lạ hoắc, nên
tự ý dùng từ Hằng Nga cho nó quen. Tới khi làm tới quyển Trung, thấy tác giả
dùng từ Thương Long (từ cổ) chứ không phải Thanh Long như bây giờ vẫn gọi, chú
ý thêm thì thấy rằng tác giả chú ý tiểu tiết vô cùng, nhiều lúc dùng từ cũng là
từ cổ thời đó dùng, mình mới tá hỏa, sửa thành Hằng Nga là sai rồi, cơ mà vẫn
“theo lao” tiếp.
Đấy là hai lỗi sai mà mình cố ý
không sửa, còn lại thì mình tự tìm thấy lỗi sai, tự lén lút sửa, tự ỉm đi
(haha), các bạn mà không biết coi như không có nhé.
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
freezeheart_6200 – kaitoukiddo1412 – Diên Vĩ
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)