Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh - Chương 15 - Phần 01
CHƯƠNG 15 - PHẦN 1
Vụ
rắc rối ở trường học
“Thật là một ngày
tuyệt vời!” Anne nói, hít một hơi sâu. “Chẳng phải chỉ cần được sống trong một
ngày thế này thì đã tốt lắm sao? Mình thấy thương cho những người chưa được
sinh ra vì đã bỏ lỡ mất nó. Họ có thể có những ngày đẹp, dĩ nhiên, nhưng không
bao giờ có được ngày hôm nay. Và còn tuyệt hơn vì có một con đường đến trường
đáng yêu thế này, đúng không?”
“Tốt hơn đi đường
vòng nhiều; đường đó quá nóng và bụi bặm,” Diana nói một cách thực tế, ngó vào
giỏ thức ăn trưa và tính nhẩm liệu chia ba chiếc bánh nướng mâm xôi hấp dẫn
ngon lành trong đó ra cho mười bé gái thì mỗi đứa sẽ được mấy miếng.
Những bé gái ở
trường Avonlea luôn chia sẻ bữa trưa với nhau, ai mà ăn ba cái bánh nướng mâm
xôi một mình hoặc thậm chí chỉ chia với bạn thân nhất thôi thì cũng sẽ mãi mãi
bị gán mác “xấu tính khủng khiếp”. Nhưng nếu chia đều bánh cho mười cô bé thì
bạn chỉ còn đủ hưởng hương hoa thôi.
Con đường Anne và
Diana đi học từng là một con đường đẹp. Anne nghĩ những buổi
đi bộ đến trường hoặc về nhà cùng Diana không thể nào cải thiện hơn được, cho
dù bằng trí tưởng tượng. Đi loanh quanh bằng đường chính sẽ rất kém lãng mạn;
còn đi trên con đường Tình Nhân, hồ Liễu, thung lũng Tím và đường Bạch Dương
thì lại lãng mạn hơn bất cứ thứ gì khác.
Đường Tình Nhân
chạy xuyên qua vườn cây ăn trái ở Chái Nhà Xanh, trải dài lên rừng cho đến tận
cuối nông trại nhà Cuthbert. Đó là con đường lùa bò về chuồng và đến mùa đông
thì chở củi về nhà. Anne đã gọi nó là con đường Tinh Nhân khi con bé mới ở Chái
Nhà Xanh chưa được tròn một tháng.
“Không phải vì
từng có đôi tình nhân nào thật sự bước qua đó,” con bé giải thích cho bà
Marilla, “mà vì Diana và con đã đọc một cuốn sách tuyệt diệu, trong đó có một
con đường Tình Nhân. Nên chúng con cũng muốn có một con đường như thế. Mà đó
cũng là một cái tên rất đẹp, bác có nghĩ vậy không? Quá lãng mạn! Chúng con có
thể tưởng tượng những đôi tình nhân đang dạo bước trên đó. Con thích con đường
vì ở đó, con có nói to những suy nghĩ của mình thì cũng không bị ai gọi là khùng”
Buổi sáng, Anne
khởi hành một mình, đi theo đường Tình Nhân xuống tận con suối. Ở đây, Diana
gặp con bé rồi hai đứa tiếp tục đi lên con đường dưới vòm lá phong dày đặc -
“Phong thật là một loài cây thân thiện,” Anne nói, “chúng luôn xào xạc và thầm
thì với ta” - cho đến khi tới cây cầu gỗ. Rồi chúng rời đường đi xuyên qua sân
sau nhà ông Barry và qua hồ Liễu. Bên kia hồ Liễu là thung lũng Tím - một đốm
xanh nhỏ trong bóng râm của khu rừng rộng lớn nhà ông Andrew Bell. “Dĩ nhiên
hiện nay ở đó không có bông hoa tím nào,” Anne nói với bà Marilla, “nhưng Diana
nói đến mùa xuân sẽ có cả triệu bông. Ôi, bác Marilla, bác có thể tưởng tượng
mình nhìn thấy chúng không? Quả thực nó khiến con thấy nghẹt thở. Con đặt tên
nơi đó là thung lũng Tím. Diana nói chưa bao giờ thấy con gặp khó khăn khi đặt
những cái tên lạ lùng cho mọi nơi. Cũng tốt khi giỏi một thứ gì đó, phải không
ạ? Nhưng Diana đã đặt tên cho đường Bạch Dương thông thường. Ai cũng có thể
nghĩ ra một cái tên như vậy. Nhưng đường Bạch Dương là một trong những nơi đẹp
nhất thế giới, bác Marilla ạ.”
Đúng vậy. Không
chỉ Anne mà bất cứ ai khác cũng sẽ nghĩ thế khi rảo bước trên con đường này.
Đây là một con đường nhỏ hẹp quanh co, uốn khúc chạy xuống ngọn đồi trải dài
xuyên qua khu rừng nhà ông Bell, nơi ánh sáng xuyên qua những tán lá xanh biếc
hoàn hảo như tâm một viên kim cương. Dọc hai bên đường là những cây bạch dương
non thân trắng mảnh dẻ, cành lá yểu điệu; dương xỉ, hoa sao, hoa lan chuông dại
và những bụi cây sương vàng trái đỏ tươi mọc sin sít; bầu không khí ở đó lúc
nào cũng rộn ràng phấn khích, tiếng chim líu lo ríu rít, tiếng gió rừng thầm
thì và cười đùa trong tán cây trên đầu. Thỉnh thoảng bạn có thể nhìn thấy một
con thỏ nhảy qua đường nếu bạn chịu im lặng - một điều mà năm thì mười họa Anne
và Diana mới thực hiện được. Dưới thung lũng, con đường mòn đổ ra đường chính
rồi chạy thẳng lên đồi vân sam đến trường.
Trường Avonlea là
một tòa nhà sơn trắng, mái hiên thấp và cửa sổ rộng, bên trong trang bị những
chiếc bàn kiểu cũ có ngăn kéo chắc chắn thoải mái, mặt bàn khắc chi chít các
chữ cái và ký hiệu của ba thế hệ học trò. Ngôi trường nằm cách xa đường cái,
sau lưng là rừng linh sam mờ tối và con suối nơi sáng sáng bọn trẻ thường ngâm
bình sữa của mình xuống để giữ lạnh và giữ được vị ngọt cho tới giờ trưa.
Bà Marilla nhìn
Anne cất bước đến trường ngày mồng một tháng chín với nhiều lo lắng thầm kín.
Anne là một bé gái khá kì quặc. Nó có thể hòa nhập với những đứa trẻ khác bằng
cách nào đây? Và có cái quái gì có thể giữ nó im tiếng suốt giờ học?
Tuy vậy, mọi
chuyện diễn ra tốt đẹp hơn những gì bà lo sợ. Tối hôm đó Anne về nhà trong tâm
trạng vô cùng phấn chấn.
“Con nghĩ con sẽ
thích trường học ở đây.” Con bé thông báo. “Nhưng con không đánh giá cao thầy
giáo đâu. Thầy ấy cứ vân vê ria mép suốt và nhìn chằm chằm Prissy Andrews.
Prissy lớn rồi, bác biết mà. Chị ấy mười sáu rồi và đang học để năm sau thi vào
Học viện Queen ở Charlottetown. Tillie Boulter bảo thầy chết mê
chết mệt chị ấy. Chị ấy có nước da đẹp, mái tóc nâu lượn sóng và dáng
vẻ thật thanh nhã. Chị ấy ngồi ở chiếc ghế dài cuối lớp và thầy cũng ngồi đó,
hầu hết thời gian - để giảng bài cho chị, thầy nói vậy. Nhưng Ruby Gillis nói
nó thấy thầy viết gì đó trên bảng của chị ấy và khi đọc nó thì Prissy mặt
đỏ như gấc và khúc khích cười, Ruby Gillis nói nó không tin chuyện đó có gì
liên quan đến bài học cả.”
“Anne Shirley,
đừng để ta nghe thấy con nói kiểu đó về thầy giáo mình lần nữa,” bà Marilla nói
nghiêm khắc. “Con không đến trường để chỉ trích thầy giáo. Ta nghĩ ông ấy có
thể dạy con điều gì đó và nhiệm vụ của con là học. Và ta muốn
con hiểu ngay rằng con đừng có về nhà kể này kể nọ về thầy nữa. Ta không khuyến
khích điều đó. Ta hy vọng con sẽ ngoan ngoãn.”
“Thật ra con
ngoan mà.” Anne nói thoải mái. “Cũng không tệ như bác tưởng tượng đâu. Con ngồi
chung với Diana. Chỗ của tụi con ngay sát cửa sổ và tụi con có thể nhìn xuống
Hồ Nước Lấp Lánh.Có rất nhiều bạn gái dễ thương trong trường và chúng con đã
được chơi đùa hết sức vui vẻ vào giờ cơm trưa. Thật tuyệt khi có nhiều bạn để
chơi. Nhưng dĩ nhiên con thích Diana nhất và sẽ luôn luôn như vậy. Con ngưỡng
mộ Diana. Con bị các bạn khác bỏ xa tít tấp. Tất cả đều học sách lớp
năm, con thì mới ở lớp bốn thôi. Con cảm thấy như một nỗi sỉ nhục. Nhưng không
bạn nào có trí tưởng tượng như con, con đã sớm nhận ra điều đó. Hôm nay chúng
con có tiết tập đọc, địa lý, lịch sử Canada và chính tả. Thầy Phillips nói khả
năng đánh vần của con thật đáng xấu hổ và thầy ấy giơ bảng của con lên cho mọi
người cùng thấy bị sửa chằng chịt hết cả. Con thấy mất mặt quá, bác Marilla à;
thầy ấy có thể lịch sự hơn với một người lạ mà, con nghĩ vậy. Ruby Gillis cho
con một trái táo còn Sophia Sloane cho con mượn một tấm thiệp hồng đáng yêu với
dòng chữ “Mình có thể thăm nhà bạn không”. Sáng mai con sẽ trả lại bạn ấy.
Tillie Boulter cho con đeo chuỗi hạt của bạn ấy suốt buổi chiều. Con có thể lấy
vài hạt cườm trên cái gối cắm kim cũ trong gác xép để làm cho mình một cái nhẫn
không ạ? Ôi, bác Marilla, Jane Andrews cho con biết Minnie MacPherson nói với
bạn ấy rằng Minnie nghe Prissy Andrews nói với Sara Gillis là con có cái mũi
rất dễ thương. Bác Marilla, đây là lời khen đầu tiên con nhận được trong đời và
bác không thể tưởng tượng được chuyện đó khiến con có cảm giác lạ lùng như thế
nào đâu. Bác Marilla, con có một cái mũi xinh thật không? Con biết bác sẽ nói
con nghe sự thật.”
“Mũi của con cũng
được,” Marilla nói ngắn gọn. Thật lòng thì bà nghĩ cái mũi của Anne xinh đáo để
nhưng bà không hề có ý nói cho con bé nghe như vậy.
Đó là chuyện từ
ba tuần trước và cho đến nay mọi việc vẫn suôn sẻ. Còn bây giờ, trong buổi sáng
tháng chín đẹp trời này, Anne và Diana đang tung tăng thả bộ xuống đường Bạch
Dương, chúng là hai trong số những bé gái hạnh phúc nhất Avonlea.
“Mình đoán hôm
nay Gilbert Blythe sẽ đi học,” Diana nói. “Cậu ấy đã đi thăm họ hàng ở New
Brunswick cả mùa hè và chỉ mới vừa về tối thứ bảy. Cậu ấy đẹp trai kinh
khủng, Anne à. Và cậu ấy cứ chọc ghẹo lũ con gái mãi. Cậu ấy đúng là
làm bọn mình sống khổ sống sở.”
Giọng Diana cho
thấy rõ ràng cô bé thích được sống khổ sống sở hơn.
“Gilbert Blythe?
Anne nói. “Chẳng phải tên cậu ta được viết trên tường hành lang cạnh tên Julia
Bell và hai chữ “Chú ý” to tướng sao?”
“Phải,” Diana
nói, hất đầu, “nhưng mình chắc chắn cậu ấy không thích Julia Bell lắm đâu. Mình
nghe cậu ấy bảo cậu ấy được học bảng cửu chương là nhờ đám tàn nhang của Julia
đấy.”
“Ôi, đừng nói về
tàn nhang với mình,” Anne nài nỉ. “Chẳng thú vị gì khi mình có nhiều thế này.
Nhưng mình vẫn nghĩ viết lên tường mấy cái lưu ý về con trai và con gái là
chuyện ngu ngốc nhất trần đời. Mình muốn coi thử có ai dám viết tên mình lên đó
với một đứa con trai không. Dĩ nhiên,” Anne vội vã thêm vào, “sẽ chẳng ai làm
thế cả.”
Anne thở dài. Con
bé không muốn tên mình bị viết lên đó. Nhưng cũng hơi xấu hổ khi biết rằng sẽ
không có nguy cơ xảy ra chuyện đó.
“Nói nhảm,” Diana
nói, cô bé có đôi mắt đen láy và bím tóc óng ả đã làm tan vỡ trái tim nhiều cậu
học trò Avonlea đến nỗi tên cô được viết lên tường hành lang trong khoảng nửa
tá cái lưu ý như thế, nói. “Đó chỉ là một trò đùa thôi. Và đừng có quá chắc
chắn là tên cậu sẽ không bao giờ bị ghi lên. Charlie Sloan chết mê chết
mệt cậu rồi. Cậu ta nói vớ mẹ - mẹ cậu ta đấy nhá -
rằng cậu là cô gái thông minh nhất trường. Cái đó còn hay hơn xinh đẹp ấy chứ,”
“Không, chẳng hay
ho tí nào,” Anne nói, yểu điệu hết mức. “Mình thà xinh đẹp còn hơn thông minh.
Và mình ghét Charlie Sloane. Mình không thể chịu đựng nổi một tên con trai mắt
lồi. Nếu ai viết tên mình cạnh tên cậu ta thì mình sẽ không bao giờ bỏ
qua đâu, Diana Barry. Nhưng đứng đầu lớp thì thật là tuyệt.”
“Tới đây, cậu sẽ
học chung lớp với Gilbert.” Diana nói, “nói cho cậu biết là cậu ấy từng đứng
đầu lớp đấy. Cậu ấy mới học sách tập bốn thôi mặc dù gần mười bốn tuổi rồi. Bốn
năm trước bố Gilbert bị ốm nên phải chuyển tới Alberta dưỡng bệnh và
Gilbert đi cùng ông ấy. Họ ở đó ba năm và Gil hiếm khi đến trường cho tới khi
họ trở về. Cậu sẽ không dễ dàng đứng đầu lớp nữa đâu, Anne.”
“Mình rất mừng,”
Anne nói nhanh. “Mình không thể thật sự hãnh diện vì đứng đầu một đám nhóc chỉ
chín mười tuổi. Hôm qua mình đã tham gia đánh vần từ ‘sục sôi’. Josie Pye đánh
vần đầu tiên và, cậu nhớ nhé, cô ta đã liếc trộm sách. Thầy Phillips không nhìn
thấy - thầy còn mải ngắm Prissy Andrews - nhưng mình thì thấy. Mình lườm cô ả
một nhát sắc như dao và cô ta đỏ mặt như gấc, rốt cuộc cũng đánh vần sai luôn.”
“Lũ con gái nhà
Pye đó cứ chơi trò gian lận mãi.” Diana nói giận dữ khi hai con bé leo qua hàng
rào đường cái. “Hôm qua Gertie Pye đã đến suối và bỏ chai sữa của nó vào chỗ
mình. Cậu có bao giờ làm thế không? Bây giờ mình không thèm nói chuyện với con
nhỏ đó nữa.”
Khi thầy Phillips
đến cuối lớp nghe bài tiếng Latin của Prissy Andrews, Diana thì thầm với Anne,
“Người ngồi bên phải cậu ở dãy ghế bên kia chính là Gilbert Blythe đấy, Anne. Cứ
nhìn đi xem cậu có còn nghĩ cậu ấy không đẹp trai nữa không.”
Anne nhìn theo.
Con bé có cơ hội tốt để làm vậy, vì Gilbert Blythe quá mải mê vào việc lén ghim
bím tóc vàng dài của Ruby Gillis, ngồi ngay trước mặt cậu ta, vào lưng ghế. Cậu
ta có dáng người cao, tóc nâu xoăn, đôi mắt hạt dẻ láu cá, miệng luôn nhoẻn một
nụ cười chòng ghẹo. Ngay lúc đó Ruby Gillis đứng dậy phát biểu ý kiến; con bé
ngã bổ chửng xuống ghế với một tiếng thét nhỏ, tin rằng tóc mình đã bị giật đứt
đến tận chân tóc. Mọi con mắt đổ dồn về phía con bé trong lúc thầy Phillips
quắc mắt nghiêm khắc đến nỗi Ruby bật khóc. Gillbert đã rút chiếc đinh ghim ra
khỏi tầm nhìn và chăm chú theo dõi bài lịch sử với bộ mặt nghiêm chỉnh nhất
trần đời, nhưng khi sự xáo động lắng xuống, cậu ta nhìn Anne và nháy mắt với
một vẻ hài hước khó tả.
“Mình nghĩ
Gilbert Blythe của cậu đẹp trai thật,” Anne thành thực bảo Diana. “Nhưng
mình thấy hắn rất trơ tráo. Nháy mắt với một đứa con gái lạ mặt đâu phải là
kiểu cách lịch sự.”
Nhưng đến tận chiều hôm sau mọi chuyện mới thật sự bắt đầu.
Thầy Phillips đang ở cuối lớp giảng bài đại số cho Prissy
Andrews, số học sinh còn lại thoải mái làm việc riêng, ăn táo xanh, thầm thì,
vẽ tranh lên bảng cá nhân, vung vẩy dọc lối đi mấy con dế bị buộc dây. Gillbert
Blythe đang cố gắng làm Anne Shirley nhìn mình và thất bại triệt để, vì lúc đó
con bé hoàn toàn quên bẵng sự tồn tại của không chỉ Gillbert Blythe mà tất cả
học sinh trường Avonlea. Cằm chống lên tay, mắt dán vào ánh xanh trên chỗ Hồ
Nước Lấp Lánh nhìn từ cửa sổ phía Tây,
con bé đang trôi xa về miền mơ mộng diệu kỳ nào đó và không nghe mà cũng không
nhìn thấy gì ngoài những hình ảnh tưởng tượng tuyệt vời của mình.
Gilbert Blythe không quen với việc cố tình lôi kéo sự chú ý
của con gái mà lại gặp thất bại. Lẽ ra nó phải nhìn cậu chứ,
cái con bé Shirley tóc đỏ với chiếc cằm nhọn nhỏ và đôi mắt to không giống mắt
bất cứ cô bé nào trong trường Avonlea.
Gilbert vươn người qua lối đi, túm đuôi bím tóc dài đỏ của
Anne kéo ra khoảng một tầm tay rồi nói bằng giọng thầm thì chói tai: “Cà rốt! Cà rốt!”
Vậy là Anne nhìn
cậu ta căm hờn!
Con bé không chỉ
nhìn suông. Nó bật dậy, bao nhiêu mơ mộng tuyệt vời tiêu tan không thể nào cứu
vãn. Con bé ném cho Gilbert một cái nhìn đầy phẫn nộ và từ đôi mắt ấy, những
tia lửa giận dữ đã nhanh chóng tắt ngúm trong những giọt nước mắt cũng không
kém phần giận dữ.
“Đồ con trai thô
lỗ, đáng ghét!” con bé thốt lên thật lực. “Sao mày dám!”
Và rồi - bụp!
Anne đập cái bảng của mình lên đầu Gilbert khiến nó gãy làm đôi - cái bảng chứ
không phải đầu.
Trường Avonlea
lúc nào cũng thích xem mấy màn hay. Và đây đúng là một màn đặc biệt đáng coi.
Tất cả mọi người đều “Ồ” lên bằng một giọng thích thú cực độ. Diana há hốc
miệng. Ruby Gillis, vốn rất dễ bị khích động, òa khóc. Tommy Sloane để đàn dế
của mình bỏ trốn hết trong khi còn đang mải há hốc miệng nhìn hoạt cảnh này.
Thầy Phillips sải
bước xuống giữa lớp và đặt mạnh tay lên vai Anne.
“Anne Shirley,
thế này nghĩa là sao hả?” ông nói giận dữ.
Anne không trả
lời. Đúng là quá đáng khi trông chờ con bé sẽ nói trước cả trường rằng mình bị
gọi là “cà rốt”. Gilbert chính là người can đảm lên tiếng trước.
“Là lỗi của con,
thưa thầy Phillips. Con đã chọc bạn ấy.”