Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh - Chương 14
CHƯƠNG 14
Lời thú nhận của Anne
Buổi tối thứ hai trước buổi picnic, bà Marilla từ phòng mình
đi xuống với vẻ mặt lo lắng.
“Anne,” bà nói với cô bé nhỏ đang vừa bóc vỏ đậu bên chiếc
bàn sạch như ly như lau vừa lẩm bẩm hát “Nelly ở Thung Lũng Cây Phỉ’ với niềm
say mê và biểu cảm y như Diana dạy, “con có thấy cái cài áo thạch anh tím của
ta đâu không? Ta nghĩ ta đã cài nó vào cái gối cắm kim khi từ nhà thờ về tối
qua, nhưng ta không tìm thấy nó đâu cả.”
“Con… con thấy nó hồi chiều khi bác đến Hội Cứu trợ,” Anne
nói, hơi chậm rãi. “Lúc đi ngang qua cửa phòng bác con nhìn thấy nó nằm trên
gối cắm kim, cho nên con đã vào phòng để ngắm nó.”
“Con có chạm vào nó không?” bà Marilla hỏi giọng nghiêm
nghị.
“Có..ó..o..o ạ..a..ạ,” Anne thú nhận. “Con đã cầm lên cài
vào váy của con để xem nó trông như thế nào.”
“Con không có quyền làm mấy chuyện như vậy. Một bé gái mà
tọc mạch thế là rất hư. Thứ nhất, lẽ ra con không nên vào phòng ta, và thứ hai,
lẽ ra con không được chạm vào một cái cài áo không thuộc về con. Con để nó ở
đâu rồi?”
“Ồ, con để nó trở lại trên bàn. Con cầm nó không đến một
phút. Thật sự, con không có ý tọc mạch đâu, bác Marilla. Con đã không nghĩ rằng
vào phòng và cài thử chiếc áo là sai; nhưng giờ con biết rồi và con sẽ không
bao giờ tái phạm nữa. Con có một đức tính tốt. Con không bao giờ làm việc xấu
hai lần.”
“Con đã không đặt nó trở lại,” bà Marilla nói. “Trên bàn
không hề thấy bóng dáng cái cài áo. Hẳn là con đem nó ra ngoài hay làm gì đó
rồi, Anne.”
“Con đã để lại nó lại mà,” Anne nói nhanh – hơi xấc xược,
theo cách nghĩ của Marilla. “Con chỉ không nhớ được là đã để nó lên gối cắm kim
hay trên cái khay sứ. Nhưng con hoàn toàn chắc chắn là con đã để nó lại.”
“Ta sẽ đi xem lại,” bà Marilla nói, quyết định sẽ tỏ ra công
bằng. “Nếu con đã đặt cái cài áo lại thì nó chỉ ở đó thôi. Nếu không thì có
nghĩa là con không đặt trả lại, thế thôi!”
Bà Marilla về phòng tìm kiếm khắp nơi, không chỉ trên bàn mà
lục tung tất cả những chỗ bà cho rằng chiếc gim cài áo có thể ẩn náu. Không tài
nào tìm được chiếc cài áo nên bà quay lại bếp.
“Anne, cái cài áo mất rồi. Chính con đã thú nhận con là
người cuối cùng cầm nó. Nào, con đã làm gì với nó? Nói thật với ta một lần đi
nào. Có phải con đem nó ra ngoài rồi làm mất rồi không?”
“Không, con không làm vậy,” Anne nói nghiêm trang, nhìn
thẳng vào đôi mắt giận dữ của bà Marilla. “Con chưa bao giờ đem cái cài áo ra
khỏi phòng bác và đó là sự thật, cho dù có vì thế mà con bị đưa tới đoạn đầu
đài đi chăng nữa – tuy nhiên con không chắc đoạn đầu đài là cái gì. Vậy đó, bác
Marrilla.”
Chữ “vậy đó” của Anne chỉ nhằm nhấn mạnh sự quả quyết của
con bé, nhưng bà Marilla lại xem đó là biểu hiện của sự thách thức.
“Ta tin là con
đang nói xạo, Anne,” bà cao giọng. “Ta biết như vậy. Giờ thì đừng có nói gì cho
tới khi con sẵn sàng cho ta biết toàn bộ sự thật. Về phòng và ở yên đó đến
chừng nào con chịu thú nhận.”
“Con có thể mang
đậu theo không?” Anne ngoan ngoãn hỏi.
“Không, ta sẽ tự
bóc. Làm như ta nói đi.”
Sau khi Anne đi,
Marilla bắt tay hoàn tất các công việc buổi tối với tâm trạng rất phiền muộn.
Bà lo lắng cho cái cài áo quý giá của mình. Nếu Anne làm mất rồi thì sao? Và
đứa trẻ đó mới hư đốn làm sao chứ khi cứ cố chối bay chối biến chuyện đã lấy
nó, trong khi ai cũng có thể thấy rõ chính con bé đã làm hết! Lại còn cái vẻ
mặt ngây thơ ấy nữa chứ!
“Mình không biết
mình muốn tin vào cái gì đây,” bà Marilla thầm nghĩ trong lúc bóc vỏ đậu một
cách bồn chồn… “Dĩ nhiên, mình không cho là con bé cố ý ăn trộm hay chuyện gì
tương tự. Chỉ là nó lấy để chơi hoặc để kích thích trí tưởng tượng thôi. Hẳn
con bé đã lấy nó, rõ ràng rồi, vì theo nó kể, cho đến lúc mình về nhà tối nay,
trừ nó ra, chẳng có ma nào vào phòng đó. Mà cái cài áo lại bị mất, còn gì chắc
chắn hơn nữa. Mình đoán con bé làm mất nhưng không chịu nhận vì sợ bị phạt. Cứ
nghĩ đến chuyện nó nói dối là mình lại thấy thật khó chịu. Chuyện này còn tệ
hơn cả cái tính khí nóng nảy của nó nữa. Thật là một trách nhiệm đáng sợ khi
phải chứa trong nhà một đứa trẻ mà mình không tin tưởng được. Gian xảo và không
đáng tin – đó là những gì con bé thể hiện. Phải nói là mình cảm thấy chuyện đó
còn tệ hơn chuyện cái cài áo. Chỉ cần con bé nói thật thì mình cũng có thấy
phiền lòng quá đâu.”
Suốt cả buổi tối
cứ ngơi tay lúc nào là bà Marilla lại lục tìm cái cài áo nhưng không thấy.
Chuyến viếng thăm chái Đông trước khi đi ngủ cũng không thu được kết quả gì.
Anne cứ khăng khăng không chịu nhận là nó biết về cái cài áo, nhưng bà Marilla
chỉ càng tin chắc rằng con bé biết.
Sáng hôm sau bà
thuật lại mọi chuyện cho ông Matthew biết. Ông Matthew vừa bối rối vừa lúng
túng; tuy không dễ dàng đánh mất niềm tin dành cho Anne nhưng ông phải thừa
nhận rằng hoàn cảnh đang chống lại con bé.
“Em chắc là nó
không rơi ra sau bàn chứ?” đó là ý kiến duy nhất ông có thể đưa ra.
“Em đã di chuyển
bàn, lôi các ngăn kéo ra rồi sục sạo từng góc từng rãnh,” bà Marilla khẳng
định. “Cái cài áo mất rồi, con bé đã lấy nó và nói dối chuyện đó. Đây là một sự
thật đơn giản, tồi tệ, Matthew Cuthbert, chúng ta phải đối diện với nó.”
“Vậy bây giờ em
định làm gì?” ông Matthew hỏi buồn bã, thầm thở phào vì bà Marilla chứ không
phải ông phải giải quyết tình hình. Lần này ông không muốn can thiệp chút nào.
“Con bé sẽ phải ở
trong phòng đến khi nào nó chịu thú nhận,” bà Marilla nói chắc chắn, nhớ đến
thành công của phương pháp này trong trường hợp trước. “Rồi chúng ta sẽ thấy.
Có lẽ chúng ta sẽ tìm được cái cài áo nếu con bé chịu nói là đã đem nó đi đâu;
nhưng dù sao đi nữa con bé cũng phải bị phạt nặng, Matthew à.”
“À, ừ em sẽ
phải phạt con bé,” ông Matthew nói, với lấy chiếc mũ. “Anh không liên quan gì
hết, nhớ không. Em đã bảo anh để mặc em mà.”
Bà Marilla cảm
thấy bị mọi người bỏ rơi. Bà không thể đến chỗ bà Lynde xin lời khuyên. Bà mang
theo bộ mặt vô cùng nghiêm trọng lên chái Đông, rồi rời đó với bộ mặt thậm chí
còn nghiêm trọng hơn. Anne vẫn kiên quyết không thú nhận. Con bé khăng khăng
khẳng định mình không lấy cái cài áo. Rõ ràng con bé đã khóc và bà Marilla đột
nhiên cảm thấy một nỗi thương xót mà bà phải lạnh lùng dằn xuống. Đến tối thì
Marilla, theo cách nói của bà, đã “ra đòn quyết định,”
“Con sẽ ở trong
phòng đến chừng nào chịu thú nhận, Anne. Con có thể quyết định chuyện đó,” bà
nói kiên quyết.
“Nhưng ngày mai
là picnic rồi, bác Marilla,” Anne kêu lên. “Bác sẽ không bắt con ở nhà chứ? Bác
sẽ cho con ra đó vào một buổi chiều, đúng không ạ? Rồi sau đó con sẽ vui
vẻ ở đây đến chừng nào bác muốn. Nhưng con phải đi
picnic.”
“Con sẽ không đi
picnic hay đi bất cứ đâu cho tới khi nào con chịu thú nhận, Anne.”
“Ôi, bác
Marilla,” Anne thở hổn hển.
Nhưng bà Marilla
đã đi ra và sập cửa lại.
Bình minh ngày
thứ tư trong trẻo như thể tiết trời cũng tuyệt đối ủng hộ buổi picnic. Chim hót
quanh Chái Nhà Xanh; những bông loa kèn Madonna trong vườn tỏa hương nương theo
làn gió vô hình len qua từng khe cửa, từng khung cửa sổ, nấn ná khắp hành lang
và mọi căn phòng như những lời chúc phúc. Những cây bạch dương trong thung lũng
vẫy bàn tay vui vẻ như chờ đợi lời chào thường lệ từ chái Đông của Anne. Nhưng
Anne không ở cửa sổ. Khi đem bữa sáng lên bà Marilla thấy con bé đang ngồi
nghiêm trang trên giường, nhợt nhạt và kiên quyết, môi mím chặt còn cặp mắt
trắng dã.
“Bác Marilla, con
sẵn sàng thú nhận rồi.”
“Ái chà!” Bà
Marilla đặt cái khay xuống. Một lần nữa phương pháp của bà đã thành công; nhưng
thành công này đối với bà lại rất cay đắng. “Để xem con nói gì nào, Anne.”
“Con đã lấy cái
cài áo thạch anh tím,” Anne nói, giống như trả bài học thuộc lòng. “Con đã lấy
nó đúng như bác nói. Khi mới vào phòng thì con không có ý định lấy nó.
Nhưng bác Marilla, khi con cài nó lên váy, nó trông đẹp đến mức con bị nhấn
chìm trong sự cám dỗ không cưỡng lại được. Con tưởng tượng sẽ tuyệt vời đến thế
nào nếu con đem nó đến Vùng Đất Hoang Lười Nhác và đóng vai tiểu thư Cordelia
Fitzgerald. Sẽ dễ tưởng tượng mình là tiểu thư Cordelia hơn nếu con có một cái
cài áo thật bằng thạch anh tím. Diana và con đã làm vòng cổ bằng hoa tầm xuân
nhưng hoa tầm xuân thì sao so được với thạch anh tím? Nên con đã lấy cái cài
áo. Con nghĩ mình có thể trả nó lại trước khi bác về. Con đã đi đường tắt để
rút ngắn thời gian. Khi qua cây cầu trên Hồ Nước Lấp Lánh con lấy cái cài áo ra
để nhìn một cái. Chao ôi, nó mới lấp lánh làm sao dưới ánh mặt trời. Và rồi,
khi con cúi người qua thành cầu, nó trượt khỏi tay con… thế là.. rơi xuống…
xuống… xuống, lấp lánh ánh tím, và chìm sâu dưới Hồ Nước Lấp Lánh. Đó là lời
thú nhận tốt nhất của con, bác Marilla.”
Bà Marilla một
lần nữa cảm thấy cơn giận sôi trào trong tim. Đứa nhỏ này đã lấy đi rồi làm mất
chiếc áo thạch anh tím quý giá của bà, thế mà bây giờ nó còn ngồi đây bình thản
kể lại từng chi tiết mà không có chút xíu dấu vết ăn năn hay hối hận nào.
“Anne, thật kinh
khủng,” bà nói, cố gắng giữ giọng bình tĩnh. “Con đúng là con bé hư nhất ta
từng biết.”
“Vâng, con đoán
là vậy,” Anne bình thản đồng tình. “Và con biết con sẽ bị phạt. Trách nhiệm của
bác là trừng phạt con, bác Marilla. Bác có thể làm điều đó ngay không ạ, vì con
muốn đi picnic trong tâm trạng hoàn toàn thoải mái.”
“Picnic à, thật
tình! Hôm nay, con sẽ không đi picnic gì cả, Anne Shirley. Đó sẽ là hình phạt
của con. Và nó còn không tệ bằng một nửa những gì con gây ra đâu.”
“Không đi
picnic!” Anne đứng bật dậy chộp lấy tay Marilla. “Nhưng bác đã hứa là
con có thể đi mà! Ôi bác Marilla, con phải đi picnic. Đó là lý do khiến con thú
nhận. Bác muốn phạt con như thế nào cũng được. Ôi, bác Marilla, xin bác cho con
đi picnic đi mà. Cứ thử nghĩ đến món kem mà xem! Còn cơ hội nào cho con được
nếm một cây kem nữa đâu.”
Bà Marilla lạnh
lùng gỡ bàn tay của Anne đang túm chặt tay bà.
“Con không cần
năn nỉ, Anne. Con không được đi picnic và đó là quyết định cuối cùng. Không,
đừng có nói gì nữa.”
Anne nhận ra
không thể lay chuyển được bà Marilla. Con bé đan tay chặt vào nhau, thét lên một
tiếng xé tai rồi vùi mặt xuống giường, khóc quằn quại trong nỗi thất vọng và
tuyệt vọng cùng cực.
“Vì Chúa!” bà
Marilla thở hổn hển, vội vã rời khỏi phòng. “Mình tin là con bé điên rồi. Không
đứa trẻ tỉnh táo nào lại cư xử như vậy. Nếu không thì đúng là con bé hư khủng
khiếp. Ôi trời, mình e rằng ngay từ đầu Rachel đã đúng. Nhưng mình đã bắt tay
vào việc rồi và sẽ không nhìn lại quá khứ làm gì.”
Đó là một buổi
sáng ảm đạm. Bà Marilla vùi đầu vào công việc, lau chùi hiên và kệ để sữa khi
không còn việc gì khác để làm. Cả mấy cái kệ lẫn hành lang đều không cần phải
lau chùi – nhưng bà Marilla vẫn làm. Rồi bà ra sân cào cỏ.
Đến bữa trưa, bà
lên cầu thang gọi Anne. Một khuôn mặt đầm đìa nước mắt trông vô cùng bi thảm
xuất hiện trên cầu thang.
“Xuống ăn trưa đi,
Anne.”
“Con không muốn
ăn gì cả, bác Marilla,” Anne sụt sùi. “Con không thể ăn nỗi thứ gì. Tim con đã
tan vỡ mất rồi. Một ngày nào đó bác sẽ hối tiếc vì đã làm tan vỡ trái tim con,
con tin như vậy, bác Marilla, nhưng con tha thứ cho bác. Đến lúc đó xin bác hãy
nhớ rằng con đã tha thứ cho bác. Nhưng bác đừng bảo con ăn gì cả, đặc biệt là
thịt heo luộc và rau. Thịt heo luộc và rau quá thiếu lãng mạn khi ai đó đang
đau đớn.”
Bà Marilla giận
dữ trở lại bếp và trút toàn bộ câu chuyện khổ sở đó lên đầu Matthew, người đàn
ông tội nghiệp giờ đang bị giằng xé giữa ý thức về sự công bằng và nỗi thương
cảm vô lý dành cho Anne.
“À ừ, Marilla,
con bé không nên lấy cái cài áo hay bịa câu chuyện đó,” ông thừa nhận, buồn bã
săm soi cái đĩa chất đầy món thịt và rau kém lãng mạn của ông như thể ông cũng
nghĩ giống Anne, rằng món ăn này không hợp chút nào với cơn khủng hoảng cảm
xúc, “nhưng nó còn bé quá – một đứa bé thú vị biết bao. Em không nghĩ là không
cho con bé đi picnic trong khi nó háo hức đến thế thì có phần hơi thô bạo à?”
“Matthew
Cuthbert, anh làm em ngạc nhiên đấy. Em nghĩ anh bỏ qua cho con bé dễ dàng quá.
Mà nó có vẻ còn chẳng hề nhận ra nó hư như thế nào nữa – đó là điều làm em lo
nhất. Nếu con bé thật sự biết lỗi thì đã không tệ như thế rồi. Mà hình như anh cũng
không nhận ra điều đó; anh lúc nào chẳng bao biện cho con bé – em biết mà.”
“À ừ, con bé còn
nhỏ thế,” ông Matthew yếu ớt nhắc lại. “Và nên bao dung với nó hơn, Marilla. Em
cũng biết là nó có được giáo dục gì đâu.”
“Vậy đấy, bây giờ
thì nó có rồi đấy,” bà Marilla bẻ lại. Câu bắt bẻ đó làm ông Matthew im lặng dù
nó không thuyết phục được ông. Bữa trưa thật nặng nề. Người duy nhất
thấy sự vui vẻ là Jerry Buote, cậu bé làm thuê, và bà Marilla cảm thấy sự vui
vẻ của thằng bé như sỉ nhục bà.
Sau khi rửa sạch bát đĩa và cho gà ăn, bà Marilla chợt nhớ
ra chiều thứ hai lúc từ Hội Phụ nữ về, bà đã để ý thấy có một vết rách nhỏ trên
chiếc khăn choàng đăng ten đen đẹp nhất của mình khi bà cởi nó ra. Bà nên đi vá
nó lại.
Chiếc khăn đựng trong một chiếc hộp cất trong rương. Lúc bà
Marilla lấy nó ra, ánh nắng xuyên qua đám dây leo dày dặc ngoài cửa sổ rọi lên
vật gì đó gài trên chiếc khăn choàng – một vật gì đó sáng lấp lánh ánh tím. Bà
vội chộp lấy nó. Đó là chiếc cài áo thạch anh tím, lủng lẳng trên tấm khăn nhờ
chiếc móc gài của chính nó.
“Lạy Chúa,” bà Marilla thất thần nói, “Thế này nghĩa là gì?
Chiếc cài áo của mình vẫn nguyên vẹn ở đây mà mình cứ nghĩ nó đã chìm xuống đáy
hồ Barry rồi. Vì cớ gì mà con bé lại nói rằng đã lấy và làm mất nó? Mình đã nhớ
ra, chiều thứ hai lúc cởi khăn ra mình đã đặt nó lên bàn một lúc. Mình đoán
chiếc cài áo đã vướng vào khăn bằng cách nào đó. Vậy đấy.”
Bà Marilla tới chái Đông với cái cài áo trong tay. Anne đã
khóc hết nước mắt và giờ đang ngồi buồn bã bên cửa sổ.
“Anne Shirley,” bà Marilla nghiêm trang nói. “Ta vừa tìm
thấy cái cài áo của ta móc trên chiếc khăn đăng ten đen. Giờ ta muốn biết câu
chuyện huyên thuyên con kể sáng nay nghĩa là sao?”
“Thì bác nói bác sẽ giữ con lại đây cho đến chừng nào con
thú nhận,” Anne mệt mỏi quay lại, “thế nên con quyết định thú nhận vì con quá
thích đi picnic. Con đã nghĩ ra một lời thú nhận tối qua sau khi lên giường và
cố gắng làm cho nó thú vị hết mức. Và con nhắc đi nhắc lại mãi để khỏi quên.
Nhưng cuối cùng thì bác cũng không cho con đi picnic, nên những cố gắng của con
đành uổng phí rồi.”
Dù không muốn bà Marilla cũng phải bật cười. Nhưng rồi bà
cảm thấy day dứt lương tâm.
“Anne, con thật
là quá quắt! Nhưng ta đã sai… giờ thì ta thấy rồi. Lẽ ra ta không nên nghi ngờ
lời con vì từ trước đến nay chưa bao giờ thấy con dựng chuyện. Dĩ nhiên, con
cũng không đúng khi nhận một tội mình không làm – làm như vậy cũng rất tệ.
Nhưng ta đã ép con phải làm vậy. Vậy nếu con tha thứ cho ta, Anne, ta cũng sẽ
tha thứ cho con và chúng ta dàn hòa. Bây giờ hãy chuẩn bị sẵn sàng cho buổi
picnic đi.”
Anne bật dậy như
tên lửa.
“Ôi bác Marilla,
chẳng phải đã quá trễ sao?”
“Không, mới hai
giờ thôi. Họ chỉ mới tập hợp xong, khoảng một tiếng nữa mới uống trà. Rửa mặt,
chải đầu và mặc cái váy kẻ ca rô của con đi. Ta sẽ xếp đầy giỏ đồ ăn cho con.
Nhà có rất nhiều bánh nướng. Ta sẽ bảo Jerry đóng cương con ngựa hung đưa con
xuống bãi cắm trại.”
“Ôi, bác
Marilla,” Anne kêu lên, bay đến bồn rửa mặt. “Năm phút trước con thấy khổ sở
đến nỗi con ước chi mình chưa từng được sinh ra trên đời, còn bây giờ có cho
đổi chỗ với một thiên thần con cũng không chịu.”
Buổi tối hôm đó
vô cùng hạnh phúc, cô bé Anne mệt mỏi rã rời trở về Chái Nhà Xanh trong một tâm
trạng mãn nguyện khó tả.
“Ôi, bác Marilla,
con đã có một quãng thời gian ngon tuyệt. Ngon tuyệt diệu là một từ con mới học
được hôm nay. Con nghe thấy Mary Alice Bell dùng nó. Chẳng phải nó rất biểu cảm
sao? Mọi thứ đều đáng yêu. Chúng con có một bữa trà tuyệt vời và rồi ông Harmon
Andrews lái thuyền đưa chúng con đi một vòng trên Hồ Nước Lấp Lánh – mỗi lần
sáu đứa. Jane Andrews xém rớt xuống nước. Bạn ấy vươn mình ra hái sen và nếu
ông Andrews không kịp thời chụp dây thắt lưng của cậu ấy thì hẳn bạn ấy đã rơi
xuống nước và có khi bị chết đuối rồi. Con ước gì đó là con. Xém chết đuối hẳn
là một kỷ niệm lãng mạn vô cùng. Nó sẽ là một câu chuyện ly kỳ. Và chúng con
được ăn kem. Con không biết dùng từ nào để mô tả kem. Bác Marilla, con bảo đảm
với bác nó thật phi phàm.”
Tối đó khi ngồi
đan, bà Marilla đã kể toàn bộ câu chuyện cho ông Matthew nghe.
“Em thừa nhận
mình đã sai lầm,” bà thẳng thắn kết luận, “nhưng em cũng học được một bài học.
Em đã phải bật cười khi nghĩ đến “Lời thú tội” của Anne, mặc dù em nghĩ mình
không nên làm thế vì nó đúng là lời nói dối. Về mặt nào đó, nghe nó có vẻ không
tệ như những lời nói dối khác, và dù sao em cũng phải chịu trách nhiệm chuyện
này. Đứa trẻ đó có vài khía cạnh rất khó hiểu. Nhưng em tin rồi sau này nó sẽ
ổn cả thôi. Và một điều chắc chắn, có con bé đó trong nhà thì chẳng ai còn thấy
buồn chán gì nữa.”