Lê Vân - Yêu và sống - Chương 07
7
Sau bữa tiệc, màn con hát bắt đầu…
Tôi trở thành người của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam bắt đầu từ gợi ý của bà giám đốc Nhà hát, cô Thúy Quỳnh.
Sau
khi tốt nghiệp trường múa, cô em út Lê Vy “được” phân ngay về nhà hát
Opera Balet “bác học”. Chứng kiến 11 năm mòn mỏi của tôi, Vy bảo: “Trăm
sự em nhờ chị, muốn về đâu thì về nhưng hãy xin cho em đừng phải về cái
đoàn của chị”. Mà cái nhà hát “lò luyện” đó chỉ chọn toàn học sinh giỏi
thôi đấy!
Vậy là, lần đầu tiên, tôi bước chân vào Nhà hát ca múa
nhạc Việt Nam là để xin việc cho Vy. Tôi nói: “Cô có thể nhận Vy không
vì cháu đã mòn mỏi ở cái Nhà hát balet đó rồi”. Bà giám đốc suy nghĩ,
đắn đo, rồi đột ngột đặt vấn đề: “Cô thấy thế này, cô muốn xin Vân về
đây, nhà hát chưa có solit đúng nghĩa, nhà hát đang thực sự cần solit”.
Phải chăng vì lúc đó Vy mới ra trường, nom còn rất “tăm tối” chẳng le
lói hi vọng gì nhiều, nên bà giám đốc tiếp tục:
“Thôi, để Vy về
bên ca múa nhạc nhẹ. Vân về bên cô là ca múa nhạc dân tộc. Ngày xưa,
cùng là một đoàn ca múa nhạc Trung ương, nhưng có hai đội dân tộc và
hiện đại, nay tách ra thành hai nhà hát, hai cơ cấu khác hẳn nhau”.
Lời
đề nghị của bà giám đốc quả là bất ngờ, tuy nhiên lại làm tôi nảy sinh ý
nghĩ có lẽ đó cũng là ý hay. Nhất là lại được người ta mời mình về cho
nên mình sẽ có một vị thế nào đấy, chắc chắn là mình phải được ưu ái
rồi! Còn mình, có lẽ đã đến lúc dừng bên balet thôi, chẳng có tương lai
gì, suốt ngày tập hùng hục, diễn chẳng có người xem, nghèo rớt mùng tơi,
lương không đủ ăn sáng. Quan trọng hợn, tự tôi biết, dù cũng đã hết
lòng với nó nhưng tôi không thể cố gắng hơn được nữa, bởi sức khỏe của
tôi có hạn.
Múa có nhiều sắc thái, mỗi nghệ sĩ múa thiên về một
thế mạnh riêng. Với sức khỏe hạn chế, nhiều khi tôi không thể đáp ứng
được những đòi hỏi cao hơn của kỹ thuật múa balet, không thể thực hiện
được một số động tác kỹ thuật cần thiết. Tôi chỉ đảm bảo được những
trích đoạn ngắn. Nếu diễn cả vở, coi như “bơi” luôn, thở ra đằng tai,
thậm chí mất luôn trí nhớ. Đóng phim tôi không cần nhắc lời mà múa thì
nhiều khi cứ phải hỏi, bây giờ ra múa là đoạn nào, được nhắc xong lại
phải ào ra sân khấu, lại khôi phục được trí nhớ, lại múa theo nhạc. Vào
trong lại phải hỏi. Vì đã khổ luyện bên balet, sang bên múa dân gian,
với tôi như là được đi chơi vậy!
Tuy nhiên, tôi suy nghĩ rất cẩn
thận: có nên chuyển hay không? Nếu chuyển thì phải chuyển ngay lúc này,
khi người ta đang cần mới quí. Khi tôi gật đầu đồng ý, bên Balet lại
không cho đi. Họ bảo, cô ấy cũng là solit của đoàn chúng tôi. Lúc này,
bà giám đốc phải lấy cớ vừa nhậm chức giám đốc, lại mới tách nhà hát, cô
muốn có người cùng bắt tay gây dựng Nhà hát, buộc người ta phải tạo
điều kiện. Lập tức, có một cái trát xuống, bộ quyết định “điều chuyển
công tác đồng chí Lê Vân về Nhà hát ca múa nhạc dân tộc”. Bên Balet đành
phải tuân lệnh. Trước khi đồng ý chuyển về, tôi đã mở ngoặc với ban
giám đốc một điều kiện: “Nếu được mời đi làm phim, mong đoàn vẫn tạo
điều kiện cho tôi cộng tác với bên phim”. Và họ đồng ý.
Những ngày
đầu bước chân về nhà hát mới, tôi ngơ ngác lạc lõng trước một môi
trường xa lạ có phần thực dụng. Đâu rồi tình thương yêu chia sẻ của chị
em bên nhà hát cũ? Nghèo mà yên ả, bình an. Cuộc sống mới nơi đây nhiều
phần phức tạp và phũ phàng. Sự ghen ghét đố kỵ luôn rình rập. Người ta
dèm pha nhau nhiều hơn là tôn trọng nhau. Để giành giật lợi lộc cho
mình, họ có thể vô thức hoặc cố ý làm tổn thương người khác. Bây giờ,
thú thật rằng, đã có lúc tôi hoang mang lo sợ, tâm hồn tôi ngột ngạt và
dễ bị tổn thương.
Phải chăng đây là một quyết định sai lầm? Hay là
đi thôi, đi khỏi nơi đây. Không khi nơi đây khiến tôi ngộp thở choáng
váng. Nhưng mà đi đâu? Đến với điện ảnh, đến với cánh cửa luôn rộng mở
đón tôi? Có lẽ ở đó đỡ phức tạp hơn chăng?…
Tôi không biết nữa,
bời với điện ảnh, tôi mới chỉ luôn là khách mời… Và rồi tôi quyết định
đến gặp ban lãnh đạo, những nghệ sĩ kỳ cựu của nhà hát để xin thôi không
làm việc ở đây nữa. Với những lời khuyên đầy kinh nghiệm và chân tình,
họ đã khiến tối ở lại nhà hát, tiếp tục đối mặt với thực tế trần trụi,
chờ thời gian để mọi người hiểu con người mình và bằng chuyên môn của
mình thuyết phục mọi sự đố kỵ ghen ghét. Họ khuyên rằng: “Vân ơi, Vân
phải hiểu rằng ở nơi nào cũng gặp đầy rẫy sự phức tạp của nó. Hãy trả
lời bằng chính chuyên môn của mình”. Cho đến giờ, họ vẫn như là những
người bạn lớn tuổi của tôi, những tấm lòng chân tình như vậy thật đáng
quí biết bao.
Tôi là dân múa balet, trong nghề biết nhau cả, nhưng
khi chuyển sang múa dân tộc, liền “được” coi là lính mới. Tuy múa balet
và múa dân tộc là hai lĩnh vực khác nhau nhưng tôi chẳng ngại vì trong
trường tôi được đào tạo cả hai. Chỉ có điều, để giữ được kỹ thuật biểu
diễn, các diễn viên balet không thể lười biếng mà phải luyện tập hàng
ngày với một cường độ tự tu dưỡng cao. Ngược lại, bên múa dân tộc, nhiều
năm liền họ cũng chẳng cần luyện tập tu dưỡng cá nhân, vẫn múa được nhờ
những tiết mục biểu diễn dễ dãi, chỉ cần giống như những con búp bê
xinh xinh trong một “lớp mẫu giáo lớn”.
Suốt chặng đường làm nghệ
thuật của mình, dù chẳng bao giờ giành giật, bon chen với ai, tôi vẫn có
những vai diễn tốt nhất, vẫn được khán giả và giới chuyên môn công
nhận.
Chính vì vậy, vô tình, tôi trở thành tâm điểm của sự ganh
ghét, đố kỵ. Một số người ra sức rèm pha nói xấu. Tôi cũng chẳng cần
thanh minh, vì tôi tin tưởng rằng, bằng chuyên môn và cách sống của
mình, người ta sẽ phải nghĩ lại và thôi không ganh ghét nữa. Và đúng
thật, cuối cùng, họ đã phải công nhận năng lực và tinh thần lao động có
trách nhiệm của tôi. Từ đó, dù chẳng tranh giành, chẳng nịnh bợ, bao giờ
tôi cũng được vào vị trí số một của những đoàn nghệ thuật đi nước ngoài
biểu diễn. Và khi điều đó đã là hiển nhiên, chẳng ai còn kèn cựa với vị
trí của tôi nữa, họ quay sang kèn cựa với người khác. Đời là thế!
Nhà
hát này có một cách làm việc kỳ lạ theo kiểu cứ có hợp đồng biểu diễn
là nhận. Họ không cần biết ai mời diễn, diễn ở đâu, có tôn trọng nghệ sĩ
hay không? Họ thường xuyên nhận hợp đồng diễn cho những phái đoàn này
phái đoàn kia. Diễn viên nghệ sĩ phải biểu diễn trong khi người ta ăn
uống trò chuyện. Tôi cực kỳ phản đối cách nhận hợp đồng như thế. Diễn ở
những chỗ như thế làm gì có sân khấu, chỉ có một khoảng trống được chừa
ra cho diễn viên múa, gần như là sát ngay với bàn ăn của khán giả. Đáng
ra, ít nhất cũng phải có một cái bục cao lên thể hiện sự tôn trọng diễn
viên.
Đôi khi khán giả bận ăn uống chứ đâu cần nhìn, đâu cần nghe.
Đứng trên phương diện nghề nghiệp, đó là một cách tổ chức biểu diễn rất
xúc phạm nghệ sĩ.
Nói đến chuyện này, tôi lại nhớ đến người chồng
cũ, chàng lãng tử Việt kiều, và càng hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao tôi
không thể sống cùng anh. Vào thời điểm cả nước bung ra làm kinh tế tư
nhân, trong Nam, phong trào các nghệ sĩ tên tuổi tận dụng sự nổi tiếng
để kiếm tiền phát triển ghê lắm. Anh cũng hùa theo, thúc giục tôi làm
nhà hàng. Tôi từ chối và rất tỉnh táo, phân tích: “Tiền thì ai cũng cần
nhưng không phải là cái đích cuối cùng. Làm sao em có thể làm được việc
ấy. Em như thế này, tự nhiên lại phải ra tiếp khách, buộc phải có mặt,
buộc phải giao tiếp. Bởi người ta có quí mình người ta mới đến? Em không
làm được việc ấy. Cả đời em đã nhục nhã vì nhà hát cứ nhận những hợp
đồng diễn nơi tiệc tùng, ngay đến cả vào những nơi sang trọng nhất, diễn
cho những đoàn khách quan trọng nhất, em vẫn thấy nhục! Phải vật vờ chờ
người ta ăn uống xong xuôi rồi, bắt đầu sang đến màn xem con hát. Làm
gì có sân khẩu. Thế thì có phục vụ cho ai cũng vẫn nhục!”.
Không
thể nào nói hết được sự khó chịu, ngượng ngùng với nỗi nhục của người
nghệ sĩ phải đi biểu diễn cho các cuộc tiệc tùng ăn uống. Tiếc là ngay
cả đến chồng mình cũng không thể hiểu được nỗi đau của mình, cá tính con
người mình. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng không thể vì kiếm tiền mà sẵn
sàng phải lấy lòng khách. Họ gọi là tôi phải ra tận bàn, phải nịnh nọt
chiều chuộng khách, thậm chí họ bắt tôi uống tôi cũng phải uống, bắt múa
hát phải múa hát, nếu không lần sau họ không đến nữa! Làm sao tôi có
thể đi mở nhà hàng để phục vụ cho đam rượu bia nhậu nhẹt ấy! Kiếm tiền
như thế, làm sao có thể giữ được lòng tự trọng. Vô hình chung, đồng tiền
làm con người ta phải hạ thấp phẩm giá.
Tôi sẽ không còn là Lê Vân thích thì nói thích, không thích là nói không thích.
Tôi
biết, đối mặt với cuộc sống trần trụi, không phải ai cũng có điều kiện
giữ gìn tư cách nghề nghiệp. Nhiều em sinh viện nhạc viện, học piano,
sau bao nhiêu năm khổ luyện nước trong nước ngoài, cuối cùng, vì kiếm
sống phải đi chơi đàn ở khách sạn, quán rượu quầy bar, đỡ gánh nặng gia
đình, nhưng rồi với lòng tự trọng, các em cũng phải bỏ. Ở nơi ấy, người
ta có nghe nhạc mình chơi đâu, người ta còn mải ăn uống, trò chuyện với
nhau. Người tử tế cứ nghĩ đơn giản: khi nghệ thuật chân chính cất lên
thì tất cả phải im lặng. Im lặng lắng nghe, im lặng thưởng thức. Nhưng
thực tế, người ta vừa ăn uống vừa xem… “nghệ thuật”. Nghệ thuật như thế
thì rẻ tiền quá! Đáng thương quá! Nhiều nghệ sĩ chân chính thà nghèo còn
hơn bị nhục. Nếu muốn có tí nhạc vui lúc ăn uống thì mở đài ra chứ việc
gì phải gọi nghệ sĩ đến đàn? Cho nên có hai thứ nghệ thuật, nghệ thuật
chân chính và nghệ thuật trong nháy nháy.
Rõ ràng, mình là người
của Nhà hát Quốc gia, biểu diễn là phải có sân khấu, phải có khoảng cách
tối thiểu giữa người diễn và người xem. Anh đi thưởng thức tôi chứ
không phải đi giải trí tôi! Mua vui giải trí lại khác. Tôi biểu diễn
nghệ thuật, anh phải mua vé thì mới được vào xem tôi. Nhưng nhiều khi,
vì là người của nhà hát, tôi vẫn buộc phải đi diễn những sô diễn nhục
nhã. Thôi thì cứ cúi gằm xuống mà diễn cho xong. Tính cách của tôi như
thế sao lại cứ bảo tôi đi mở nhà hàng! Mở bar rượu cà phê!
Như đã
nói, tôi không thể làm kinh tế bằng cách phơi mặt ra với đời như mở nhà
hàng, quán bar hay kinh doanh shop quần áo, dịch vụ. Tôi không thể hầu
hạ ai được, không thể ào ào ngồi vào bàn vào quán với người ta được. Tôi
nghèo thì nghèo, tôi quyết không kiếm tiền bằng cách ấy.
Khi mua
được mảnh đất tuy ở sâu trong ngõ ngách nhưng khá rộng, tôi đã nghĩ ra
cách xây những căn hộ nhỏ riêng biệt, trước là để cả gia đình ở, sau là
để cho thuê. Hồi đó, để làm mô hình này, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều.
Với những căn hộ trong ngõ nhỏ, với vườn cây ăn trái, hoa lá mọc tự
nhiên, chim chóc kéo đến hót véo von. Thật yên tĩnh dễ chịu để nghỉ
ngơi. Người Nhật rất thích thuê nhà kiểu này.
Đây là một cách làm
kinh tế vừa phải, lịch sự và phù hợp với hoàn cảnh của tôi. Chí ít, tôi
có thể tạm xa lánh được những cái ô trọc phũ phàng của cuộc mưu sinh,
vẫn giữ được thanh danh đạo đức, không phải cầu cạnh ai. Và may mắn nhất
là không phải đối mặt với đời. Không đánh mất mình. Với cách này, tôi
đã có một khoản thu nhập hàng tháng đủ để mang lại tự do cho bản thân
mình.
Từ đấy trở đi, với tôi, nghệ thuật chỉ còn là làm khi mình hứng thú.
Khi
không còn lo về miếng cơm manh áo hàng ngày, con người ta mới thực sự
được “cởi trói”. Tôi đã mang lại tự do cho tâm hồn và nhân cách của
chính mình. Như mẹ tôi đã tự hào nói: “Cả ba đứa con tôi đều đã tự đi
lên bằng chính đôi chân mình”. Tôi làm chủ cuộc đời của mình hơn chứ
không thụ động cả nể như trước. Với một kịch bản điện ảnh, một vai diễn
được mời, tôi biết cân nhắc, liệu mình có thể hoàn thành tốt được nhân
vật này không? Với người đạo diễn này, mình có thể làm việc, hòa đồng
trong cách thể hiện không? Rồi tôi mới dám nhận lời hay từ chối.
Với
nghệ thuật múa cũng vậy, nó cho tôi cảm giác như là đôi cánh thiên nga
được tự do cất lên trên bầu trời xanh trong. Tôi không còn phải phụ
thuộc vào bổng lộc của những đợt đi biểu diễn nước ngoài. Không còn phải
để ý bao giờ mình được lên lương? Không cả muốn được bình xét lao động
tiên tiến loại A để được thưởng cao. Không. Tôi không đi tìm kiếm vật
chất, không phải bắt đầu công việc bằng chữ tiền bao nhiêu? Mà tôi đi
tìm cho tôi đạo diễn nào có thể giúp tôi cất cánh cùng thiên nga. Nhạc
sĩ nào giúp tâm hồn tôi được bay bổng lãng mạn. Họa sĩ nào sẽ cùng tôi
sáng tạo?
Ôi, tự do. Tự do. Tôi hiểu rõ giá trị của hai chữ tự do trong đời người nghệ sĩ.
***
Năm
nào Bộ văn hóa thông tin cũng tổ chức Liên hoan ca múa nhạc chuyên
nghiệp toàn quốc, mục đích là để đánh thức, vực dậy cái tinh thần sáng
tạo của những nghệ sĩ đang sống mòn sống mỏi. Năm 1995 cũng vậy. Liên
hoan diễn ra tưng bừng thành phố Cần Thơ với những cơn mưa huy chương
vàng huy chương bạc rộn rã hoan hỉ. Tiệc tan, người ta ngồi lại với nhau
chuyện phiếm về “mặt trái của những tấm huy chương”, ai cũng hiểu, đã
có liên hoan là có sự chia chác giải thưởng theo kiểu mặt trận. Ngay
những người trong ban tổ chức liên hoan, những người chấm giải, cầm cân
nảy mực quyết định số phận của diễn viên cũng không phải là những người
có đủ tài và đủ tâm khiến người ta tâm phục khẩu phục. Giải thưởng được
trao theo kiểu ban ơn, chia phần chứ không theo tài năng sáng tạo. Mọi
thứ đều là hình thức và giả dối.
Thủa ấy, tôi đã bị sốc khi tình
cờ biết ra cái sự thật đó. Tôi cứ thắc mắc: tại sao lại thế. Người có
tài thì phải được công nhận chứ. Tại sao lại bảo, năm ngoái anh hay chị
đã được giải rồi, đoàn anh hay đoàn chị đã được công nhận rồi, năm nay
để nhường giải này cho đoàn khác, cho người khác. Tôi không thể chấp
nhận được cách đánh giá sự nỗ lực vươn lên sáng tạo của người diễn viên
theo kiểu chia phần như vậy. Có tài là có tài. Mỗi một cuộc thi, người
dự thi đến liên hoan với một tác phẩm mới, một nỗ lực mới trong 12 tháng
qua, người ta phải được khuyến khích, phải được công nhận chứ! Những
cái ngoắt ngéo, ngang tắt như thế là không sòng phẳng. Chưa kể đến việc,
nếu muốn giải thưởng, muốn được chia phần, anh có thể vận động, mua
bán, xin xỏ. Để khi rời liên hoan ra về, anh còn có chút vui vẻ, chút gì
đó mang về. Nếu không năm sau, anh sẽ chẳng có hứng thú gì mà tham gia
cả.
Thường diễn ra cách trao giải vàng giải bạc cho cá nhân tập
thể là thế này. Đoàn Trung ương, con chim đầu đàn, bao giờ cũng phải có
giải. Đoàn trung ương mà dám phủi mặt à? Liên hoan ở địa phương nào là
địa phương ấy nhất định phải có giải rồi. Tổ chức tiệc tùng ở đó mà lại
không nỡ cho người ta một hai cái vàng bạc thì là muối mặt ư? Thế là
phải cho giải. Rồi người này người kia, là cây đa cây đề cống hiến bao
năm gây dựng phong trào, không lẽ về hưu trắng tay chẳng có danh hiệu gì
kỷ niệm cho một đời làm nghệ thuật? Thành thử, giải thưởng không phải
để tôn vinh người tài tôn vinh những giá trị thực của lao động sáng tạo,
Liên hoan hằng năm là nơi để trả nợ, là dịp để ban ơn…
Sự thật
là, những người quản lý, các cấp lãnh đạo tổ chức sự kiện này chỉ để gây
phong trào; hi vọng hâm nóng tâm lý sáng tạo của những đoàn ca múa
nhạc, những diễn viên đang hấp hối. Trước chỉ bán tín bán nghi, nhưng
khi ngộ ra được sự thật hiển nhiên này, tôi đã chủ động lên gặp ban giám
đốc xin không tham gia hội diễn. Tôi muốn tự loại mình ra khỏi cái đám
đông tranh đua giành giật giải thưởng ấy. Tôi tỉnh táo và thanh thản rút
ra khỏi cuộc chơi không công bằng.
***
Gần đây, gặp lại
người chồng cũ, không hiểu sao chàng lãng tử ngày nào giờ vẫn còn khuyến
khích tôi mở nhà hàng. Vẫn bảo: “Bà dại lắm, chịu khó một chút thì kiếm
ra khối tiền”. Thế là tôi gắt lên: “Tôi không muốn kiếm tiền nữa. Kiếm
thế đủ ăn rồi, tại sao lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cách kiếm tiền?”
Kỳ
lạ thật, đến chàng, người sống kề cận mình bao nhiêu năm trời như người
tình, như bạn bè, thế mà còn không hiểu mình, vẫn cứ muốn dùng mình như
một miếng mồi, vậy thì còn trách được ai? Chao ôi là cái lẽ đời!
Sau bữa tiệc, màn con hát bắt đầu.