Lê Vân - Yêu và sống - Chương 03

3

Diễn với Đời

Một
trong hai người đàn ông có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời tôi là bố.
Phải chăng đó cũng là lẽ tự nhiên. Bởi bố chính là người khác giới đầu
tiên tôi được tiếp xúc. Nếu những hồi ức về mẹ cứ ào ạt tràn về với bao
xót thương chia sẻ thì với bố, hầu như chẳng đọng lại điều gì ngoài một
sự trách móc âm thầm.

Sinh ra trong một gia đình chính gốc Hà Nội,
có sáu anh chị em, chỉ riêng bố được trời phú cho cái duyên sân khấu.
Với khả năng thể hiện thành công sự đa dạng của các loại vai diễn từ hài
kịch đến bi kịch, ông sớm nổi tiếng, tạo nên một cải tên được nhiều
người nhớ và hâm mộ trong giới sân khấu Việt Nam. Với 50 năm lao động
nghệ thuật, không thể phủ nhận bề dày những đóng góp của ông cho sân
khấu kịch nói Việt Nam. Nhưng tiếc thay, ông chưa từng đóng tốt một vai
không kém quan trọng trong đời một con người, đó là vai Người Chồng,
Người Cha trong gia đình. Kiếp nghệ sĩ của ông đã khép lại, lạ thay,
cũng giống như những gì ông mang đến cho đời, nghĩa là, một kết cục thật
bi - hài!

Bố trong mắt tôi - bé gái, tôi - thiếu nữ và bây giờ,
tôi - thiếu phụ… vẫn thế, vẫn không một ấn tượng tốt đẹp. Cả một đời
nghệ sĩ, bố chưa hề mang về cho mẹ tôi được một tháng lương tượng trưng.
Cứ đến cuối tháng, khi cái nghĩa vụ làm chồng làm cha ấy bị “sao lãng”,
mẹ lại bảo khẽ các con: “Nhắc bố đưa tiền ăn cho mẹ”. Và những lúc túng
quẫn quá, giận dữ bốc lên, mẹ gọi bố là “thằng hèn”. Một thằng đàn ông
mà không nuôi nổi vợ con thì chỉ là một thằng hèn!

Với đời, bố là
người nổi tiếng, tài hoa. Đặc biệt, bố rất có duyên trong mắt phái đẹp,
những con thiêu thân lao vào bố không cần tính toán, chỉ cần dâng hiến.
Hết người đàn bà này đến người đàn bà khác. Cứ thế, bố đắm chìm trong
những cuộc tình triền miên từ trẻ cho đến tận bây giờ…

Nhiều năm
dài, hình ảnh bố bôi đậm nét vào tâm trí tôi cái quan niệm rất méo mó
một chiều về người khác giới. Không có người đàn ông nào tốt đẹp trên
đời. Đàn ông chỉ là những kẻ sẵn sàng đuổi theo thú vui của mình mà quên
vợ quên con. Càng lớn, tôi càng phát hiện ra: còn có rất nhiều người
đàn ông như bố. Xin lỗi các đấng mày râu, đơn giản là, dù các vị có tài
đến giời, có nổi tiếng đến giời thì ít nhất, đầu tiên, các vị cũng phải
có trách nhiệm với gia đình đã, bằng không, xin đừng có gia đình nữa. Ừ
thì anh có thể bạc tình với vợ, nhưng còn trách nhiệm với con? Nhiều
người đàn bà giả mù, tặc lưỡi cho qua đời mình bằng một giao kèo nhiều
tinh thần hi sinh nhưng cũng không ít ngu xuẩn rằng: miễn ông chu toàn
nuôi con ăn học, tôi sẵn sàng chấp nhận sự ngoại tình của ông. Không
hiểu từ đâu, từ bao giờ mà mà cái sự “ngậm bồ hòn làm ngọt”, biết chịu
nhục, biết hi sinh lại trở thành những phẩm chất luôn được ca tụng ở đàn
bà xứ Việt.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra các cuộc cãi
vã thường xuyên giữa bố mẹ chỉ vì tính trăng hoa bồ bịch và thói vô
trách nhiệm của bố. Bố có bao giờ biết nỗi đau của đứa con gái nhỏ là
tôi? Một nhân chứng bất đắc dĩ của những màn diễn bi - hài trên sân khấu
cuộc đời của hai người. Tôi chỉ biết nhắm mắt, bịt chặt tai để khỏi
nghe thấy những từ thóa mạ trong cuộc cãi nhau: “Đồ đểu, đồ đểu, đồ đểu!
Con người đểu và cuộc đời này cũng đểu. Đểu tuốt!”.

Đểu tuốt. Đểu tuốt. Đểu tuốt.

Với
con mắt trẻ thơ, tôi luôn đứng về phía mẹ. Bây giờ, khi đã trưởng
thành, tôi lại cảm nhận một nỗi đau khác lớn hơn, sâu thẳm hơn, đó là
nỗi đau của bố, của một nghệ sĩ tài ba nhưng không nuôi nổi bản thân
mình đừng nói gì đến nuôi nổi vợ con.Đó là nỗi đau của kẻ bị đẩy ra khỏi
ngôi nhà của mình để rồi trở thành kẻ đi thuê nhà suốt đời! Cả đời ông
chẳng biết luồn cúi, xoay xở, xin xỏ ai ngoài việc đi làm trò cười mua
vui cho thiên hạ cả trên sân khấu lẫn bên bàn nhậu. Cho quên đời. Tài
năng của ông không mảy may mang lại no ấm cho vợ con gia đình. Và ông
cảm thấy mình là người vô dụng trong nhà. Nỗi bất lực ấy, ông trút ra
trong một câu tự giễu mình: “Ra đường thiên hạ quí tao như Vàng. Ở nhà
chúng mày coi tao như Cứt”.

Bây giờ vẫn thế, bước chân ra khỏi
nhà, ông vụt trở thành con người khác hẳn. Linh hoạt, trẻ trung, hào hoa
và cả phóng khoáng nữa. Thiên hạ lúc nào cũng yêu chiều ông, quí mến
ông, một nghệ sĩ duyên dáng tếu táo bên bàn nhậu.

Thiếu ông, cuộc
nhậu dường như kém vui. Ở nhà chỉ xưng mày tao với con, nhưng khi có
người ngoài, lập tức ông trở thành một người cha khả kính, bố bố con con
cực kỳ ngọt ngào độ lượng, khiến chính tôi cũng cảm thấy một nỗi ngượng
ngùng sâu thẳm. Sự biến cải đột ngột ấy ở ông khiến tôi đôi lúc tự hỏi:
Có hai con người rất khác nhau trong một con người là bố mình ư? Đâu là
con người thật, đâu là con người giả? Hay đấy vẫn chỉ là Diễn với Đời?


thể tôi đã thiển cận, đã có lỗi khi vẫn âm thầm trách móc bố mình,
nhưng tôi không thể nào nói khác sự thật lòng mình được. Không hiểu từ
đâu đó trong sâu thẳm, bằng sự nhậy cảm nào đó, bố có hiểu cho tôi một
điều rằng tôi không thể nào buông một lời nói tình cảm với bố được. Nói
ra như thế sẽ là giả tạo. Có một cái gì đó cứ ngăn tôi lại. Cho nên tốt
nhất là tôi tránh đi. Tôi muốn mang lại cho bố một tuổi già không cô
đơn, và ấm cúng bên con cháu. Tôi nói với bố: “Bố có tự do của bố. Bố
muốn mời ai đến chơi tùy bố. Khi nào trái nắng trở trời, cần bất cứ điều
gì đã có con bên cạnh”. Tất cả con cháu họ hàng, các anh chị con các
bác đều công nhận: “Vân nó làm được như thế là đã xứng đáng với trách
nhiệm của một người con cả trong gia đình rồi”. Chỉ riêng cái sự thực
rằng tôi không yêu bố thì tôi giữ nguyên lại trong lòng mình. Sau đây,
khi bố biết được tâm sự thật tình cảm của tôi như thế, chắc rằng bố cũng
không thể trách con gái, bởi dù sao, tôi cũng đã nói thật. Tôi là vậy -
không yêu thì không thể nói là yêu. Ngược lại, bố có yêu tôi không? Tôi
chẳng bao giờ biết được bởi cũng chẳng bao giờ bố gần gũi, thổ lộ để
tôi có thể hiểu được tận cùng. Nhưng chí ít, tôi cũng chia sẻ được với
ông nỗi đau lớn lao hơn nhiều - nỗi đau đời.

Với phận làm con, tự
đáy lòng mình, tôi muốn được xin lỗi bố vì tất cả những mặc cảm mẻo mó
về bố trong tôi. Và tôi thầm nghĩ: Chắc gì mình đã hiểu về bố.

***

Thời
gian giúp cải thiện mối quan hệ bố con, nhưng sâu thẳm bên trong tôi
thấy càng ngày càng xa. Tôi không thể quên được lần vượt cạn thứ hai, có
bố bên cạnh mà cũng như không, vẫn cứ một thân một mình. Bác sĩ tính
ngày tháng nói tôi khoảng tháng nữa mới sinh. Anh ấy lên kế hoạch về
trước một tuần để đưa tôi đi sinh, rồi ở lại với ba mẹ con thêm một tuần
nữa. Ngờ đâu, khoảng 8 giờ sáng hôm ấy, một ngày cuối tuần, tôi dắt con
trai Avi cùng bác Dần ra ngõ ăn sáng. Tay vẫn cắp cái rá, tôi định
tranh thủ ra chợ mua rau. Đang lưỡng lự nhìn quanh không biết ăn gì,
bánh cuốn hay là bún ốc nhỉ? Bỗng thấy ục một cái. Một lượng nước ấm xối
ra ở phía dưới. Linh cảm thấy điều bất thường, tôi bảo bác giúp việc cứ
cho cháu ăn tiếp, tôi về nhà ngay xem có chuyện gì không. Về đến nhà,
vào toilet, thấy bao nhiêu là nước. Vẫn kịp nghĩ phải hết sức bình tĩnh.
Bằng mọi cách phải vào bệnh viện nhanh nhất. Tôi điện thoại báo cho bác
sĩ là tôi cần được cấp cứu vì ối vỡ rồi. Xin bác sĩ hãy chờ. Quay ra,
vơ vội áo quần tiền nong giấy tờ. Trời rét mướt. Mưa phùn lạnh. Chợt nhớ
lần trước đi khám cấp cứu thằng bé lớn, họ giữ lại luôn khi chưa kịp ăn
gì khiến tôi bị đói suốt cả một ngày đêm. Lần này, đến cổng bệnh viện,
dứt khoát là tôi phải nhớ mua mấy hộp sữa và cái bánh mỳ để phòng thân
vì tôi chẳng có ai cả.

Lại nghĩ gọi tắc xi thì phải đi bộ từ trong
ngõ ra, rồi tắc xi không được phép đi ngược chiều, nó lại phải đi vòng
lên đường Bưởi cũng rất mất thời gian. Có lẽ gọi bác xe ôm hàng xóm là
tốt nhất, cứ việc ngồi lên xe từ trong ngõ đi ra. Con trai tôi ăn sáng
về. Tôi nước mắt ngắn dài chia tay với thằng bé ba tuổi. Không biết đi
có được về không? Có mệnh hệ gì không? Trời âm u ám xịt làm tình cảnh
càng thê lương, cứ như thể là chia tay nhau để đi vào chỗ chết. Đúng lúc
ấy bố tôi xuất hiện.

Bố vừa ngủ dậy. Ông dừng đứng lại ở bậc thềm
nhà, nhìn tôi tay xách nách mang đứng cách đó vài bước chân. Thế mà,
hình như bố không nhìn thấy gì. Bố cứ đứng giữa bậc thềm, nhìn mọi người
bằng đôi mắt đục ngầu, vô cảm. Hoàn toàn vô cảm như một người dưng. Tôi
thèm nghe bố hỏi một câu “Con ơi, con làm sao thế? Để bố chở con đi.
Hay bố đi cùng, để nhỡ chẳng may có xảy ra chuyện gì khẩn thiết, còn có
người thân của gia đình ứng giúp”. Nhưng khốn khổ thay, bố đã không có
một lời hỏi thăm nào chứ đừng nói đến chuyện chở đi. Bố chỉ đứng đấy
nhìn trân trân với ánh mắt đục ngầu, ngái ngủ.

Tất cả rơi vào im
lặng, tôi nghe lòng mình đau rát như xát muối. Đã thế, tôi sẵn sàng đi
đẻ một mình! Tôi bảo bác xe ôm chở đi luôn, hai hàng nước mắt theo tôi
suốt dọc đường từ nhà đến bệnh viện…

Sau khi một mình chiến đấu
với cơn vượt cạn không người thân thích, lúc đã mẹ tròn con vuông, tôi
báo về nhà cho bác Dần mang bé Avi vào. Chiều, cô Khanh vào thăm trách
sao không báo, lỡ có chuyện gì thì còn có người nhà lo cho. Tôi cay đắng
nghĩ đến bố, nên chỉ bảo: “Báo làm sao kịp, lúc ấy mà báo cho cô, rồi
lại phải đợi cô đến mới đưa đi thì làm sao kịp. Cái nào là quan trọng
hơn? Tốt nhất là vào viện càng nhanh càng tốt”. Tôi không nhắc gì đến
thái độ của bố.

Có lẽ tôi là người cố chấp, nhưng cảm thấy khó có
thể quên đi buổi sáng hôm đó. Tôi đâu phải là người không biết điều, vẫn
phụng dưỡng bố, chăm sóc bố như thế, mà lúc mình lâm nguy, sao bố lại
có thể vô cảm đến như vậy? Sau chuyện này, tôi thấy càng ngày càng xa
cách hơn với bố. Phụng dưỡng là bổn phận, còn tình yêu chắc không có.
Không thể có. Về phía bố, có thể bố có lý do nào dấy trong cách hành xử
của mình, nhưng theo tôi, bố chẳng có lý do nào cả để bào chữa cho thói
vô tình. Sau này tôi cử nghĩ mãi, không hiểu vào hoàn cảnh tương tự,
những người cha khác sẽ hành động như thế nào? Bố là người gần mình nhất
mà còn vô cảm như thế thì báo cho những người khác làm gì? Có khi lại
phải đau đớn hơn, bẽ bàng hơn?

***

Là nghệ sĩ, là người
trong giới nghệ thuật, nhưng quan trọng hơn, bố là một người chồng, một
người cha. Bằng những quan sát tuy còn rất non nớt của một đứa con gái
mới chục tuổi đầu, trong tôi đã hình thành nên một ý nghĩ, mới đầu mơ hồ
nhưng ngày càng rõ rệt, và đúc kết lại thành một lời thề: Không bao giờ
yêu và lấy làm chồng một người “nghệ sĩ” kiểu như bố, thậm chỉ, không
bao giờ lấy người làm nghệ thuật. Tôi ước mong người đàn ông của mình
phải biết thương yêu tôi, cùng tôi chia xẻ ngọt bùi, đắng cay, cùng tôi
nuôi dạy con cái và giữ gìn tổ ấm gia đình. Có quá không những ước mơ
giản dị ấy? Có quá không những khao khát rất đỗi đời thường ấy? Chắc là
không, có phải không hỡi những người vợ, người mẹ, người đàn bà trên thế
gian này?

Sớm nổi tiếng, sớm được những người mến mộ tìm đến với
mình, bố tôi hình như chỉ quen được tận hưởng và đón nhận. Ông đón nhận
sự chiều chuộng của mọi người như điều đương nhiên phải thế. Nhưng trong
cách cư xử của ông với bạn bè, với những người thân trong gia đình, tôi
có cảm giác ở ông thiếu hẳn đi cái ân tình, sự chia sẻ. Ông không biết
cho mà chỉ quen nhận. Ông không biết đến niềm vui hạnh phúc của người
biết mang niềm vui hạnh phúc cho kẻ khác. Ông quen được quan tâm chăm
sóc đến nỗi quên cả việc đôi khi cũng cần phải biết chăm sóc lại người
khác. Sự ích kỷ chăng? Có thể. Sự vô cảm chăng? Nhiều phần đúng hơn. Lẽ
nào ông Trời vì đã cho ông cái duyên tài mang đến cho đời niềm vui mà
lại lấy đi của ông cái niềm hạnh phúc biết chia sẻ, ân cần với những
người thân yêu ruột thịt?

***

Bố có thể rất nổi tiếng trong
thiên hạ, tiếc là, bố chưa bao giờ “nổi” trong mắt tôi. Phải thành thật
mà nói như thế cho dù bố có giận. Cũng có thể vì tôi là đồng nghiệp của
bố, nên tôi có cái nhìn khắt khe hơn. Hay bởi vì, những cái chưa được
của bố là quá lớn?

Kết quả một đời làm nghệ thuật của bố là danh
hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và hai bàn tay trắng. Bố về hưu, cả đời mới chắt
chiu dành dụm được một chút hòng lo cho phần hậu sự đời mình, ai ngờ lại
bị kẻ trộm nẫng sạch.

Ngẫm lại cuộc đời của bố, phải chăng cái sự
thật tay trắng lại hoàn trắng tay là kết cục tất yếu của một kiếp người
mang nghiệp Diễn với Đời!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3