Venise và những cuộc tình Gondola - Phần 11 chương 4 - 5

Oxford của những tòa tháp trong mơ

Tôi
đến Oxford vào một ngày đầu xuân, khi thành phố của những tòa tháp trong
mơ đang rộ nở những sắc hoa rực rỡ và các ngôi trường cổ kính phủ cỏ
xanh mượt mà. Từ nhà ga tôi khập khiễng kéo cái va-li đã… bay mất một
bánh xe tìm đường về Guest House trên đường Iffley. Nhìn trên bản đồ con
đường này không xa nhà ga, dường như chỉ đi vài ba bước là đến. Thế
nhưng lò dò cả tiếng đồng hồ tôi mới lết nổi đến nhà. Chỉ kịp quăng hành
lý vào góc phòng bé tí như dành cho búp bê, tôi hào hứng trở ngược ra
trung tâm vì dọc đường đi bao nhiêu cảnh thần tiên đã hút mất hồn tôi
rồi.

Tôi dừng bước bên cầu Magdelen bắc ngang dòng sông Cherwell
thơ mộng. Hàng liễu rủ xanh xanh xinh đẹp hai bên sông bình yên. Những
con vịt xám gọi bầy, đôi thiên nga rũ đôi cánh trắng và vươn chiếc cổ
kiêu kỳ soi mình xuống dòng sông phẳng lặng. Một gia đình trẻ dắt con đi
dạo trong khung cảnh nên thơ. Thế nhưng cũng trên sông Cherwell, vào
một buổi trưa ấm áp trong vườn hoa của Magdelen’s College, tôi lại thấy
không khí hoàn toàn sôi động. Đám sinh viên hồn nhiên thuê xuồng chèo mê
mệt. Nhìn họ cật lực chèo chèo chống chống mà xuồng chẳng tiến được bao
nhiêu, thậm chí còn xoay vòng vòng đến chóng mặt, tôi không nhịn được
cười. Cách đó không xa, trên thảm cỏ xanh êm ái, những anh chàng sinh
viên cơ bắp đang hào hứng chơi bóng đá, những ngọn tháp xung quanh dường
như cũng hồi hộp mỗi khi bóng chui lọt lưới làm các cầu thủ nhà ta buột
miệng “shit”. Thì ra sinh viên Oxford cũng biết… văng tục.

Đã
đến Oxford bạn không thể bỏ quên trường Đại học vì đây là linh hồn của
thành phố. Trường Oxford bao gồm đến ba mươi chín ngôi trường độc lập
khác nhau gọi là “college”. Mỗi college trông cổ kính và đẹp cầu kỳ như
những tòa lâu đài với những cánh cổng bằng gỗ được chạm khắc công phu và
những ngọn tháp vươn cao quyền quý. Sinh viên và cả giáo sư chạy xe đạp
luồn lách vào những con đường hẹp hay những con hẻm nhỏ lót đá di
chuyển từ college này sang college kia. Kìa là một cô nàng có hàng tá
sách dày cộp trên rổ xe, phía sau lưng lại đang đèo… một bé gái chừng ba
tuổi. Hẳn cô đang làm luận án tiến sĩ, thời gian nghiên cứu sinh dài
quá nên phải tranh thủ có con luôn?

Ở Oxford, bạn có thể đụng mặt
các tiến sĩ tương lai khắp mọi nơi, ai cũng đang bận rộn với những ý
tưởng của riêng mình. Có người đang gặm bánh mì, có người đang vác chiếc
xe đạp xẹp bánh trên vai, có người lại đang lẩm nhẩm rì rầm gì đó trong
miệng. Tôi đã lẻn vào một college trong giờ thì, thấy đám sinh viên
ngồi trên hai cái bàn gỗ dài trong gian phòng đá cổ kính. Ngồi sát nhưng
chẳng ai thèm liếc ngang liếc dọc “cọp dê” bài nhau. Nhìn không khí thi
cử của người ta, tôi ước chi mình cũng… được làm sinh viên Oxford. Một
anh bạn đồng nghiệp người Anh của tôi cho biết anh sinh trưởng ngay ở
Oxford, bản thân học hành cũng “ghê gớm” lắm nhưng chịu thua không lọt
được vào trường Đại học xếp hàng top ten uy tín nhất thế giới này. Giờ
đã là tiến sĩ của trường khác nhưng anh vẫn chưa nguôi “hận”. Thế mới
biết được làm sinh viên Oxford mới kiêu hãnh làm sao. Kiêu hãnh như
những ngọn tháp vút lên của những college tồn tại từ thế kỷ thứ mười
hai. Oxford là trường Đại học dạy bằng tiếng Anh cổ nhất thế giới, thế
nhưng ẩn trong lớp bề ngoài phủ rêu phong thời gian ấy là một bộ máy
giáo dục vận hành một cách cực kỳ hiện đại. Thật chưa ở đâu tôi thấy rõ
sự giao thoa và hỗ trợ nhau tuyệt vời giữa xưa và nay, giữa quá khứ và
hiện tại một cách mạnh mẽ và hiệu quả đến vậy.

Vì Oxford tuy cổ
kính nhưng dân tình đa phần là sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới
nên thành phố nhất định không thể già nua. Ngược lại, Oxford trẻ trung
vô cùng với đầy đủ các câu lạc bộ giải trí sôi động, các trung tâm thể
thao hiện đại, các cửa hàng thời trang phong phú, các quán ăn đủ mọi thể
loại thật ngon miệng. Ở khu shopping trên phố Cornmarket, tôi tìm thấy
đủ các cửa hàng nổi tiếng chẳng khác nào ở thủ đô phồn hoa Luân Đôn.
Trong cửa hàng “Debenhams” trên phố George, tôi còn may mắn tậu được một
bộ áo váy công sở đại hạ giá đến mức “gần như cho không” vì… kích cỡ
nhỏ quá chẳng ai mặc vừa. Nhưng cũng tại “Debenhams” ở các thành phố
khác, bộ váy áo đó không được bán với giá bèo như vậy dù cũng đang trong
đợt giảm giá. Vì thế, khi đã chia tay Oxford, ngoài những college đẹp
kiêu hãnh, những tháp chuông giáo đường bình yên, những cô cậu sinh viên
đạp xe loanh quanh trong khu phố cổ ra, tôi nhớ nhất là… cửa hàng
“Debenhams” của mình. Cuốn “Oxford thương yêu” ra đời như một nhu cầu
được “níu giữ” chút thời gian ngắn ngủi tôi ở với thành phố đặc biệt
này, và quả Oxford luôn mãi trong tim tôi.

 

Không học nổi ở Cambridge

Khi
đến Anh, ngoài thủ đô Luân Đôn, hai thành phố Cambridge và Oxford là
nơi được du khách tìm đến nhiều nhất. Được biết đến như các thành phố
Đại học nói tiếng Anh cổ xưa nhất châu Âu. Và lẽ dĩ nhiên, đây cũng là
một trong những nơi cổ kính nhất nước Anh. Nhiều người hỏi
tôi Cambridge và Oxford nơi nào thú vị hơn. Dù đã viết cuốn truyện
“Oxford thương yêu”, nhưng câu trả lời thật không quá đắn đo: Cambridge!

Giống
như Oxford, Cambridge cũng có những ngôi trường colleges cổ kính trực
thuộc Đại học Cambridge, cũng có những tòa tháp vươn cao quyền quí, cũng
có những giáo đường mái vòm và những cánh cửa gỗ được chạm khắc uy
nghi. Vậy điều gì làm Cambridge trở nên khác biệt và thú vị hơn?

Cambridge cách
Luân Đôn về phía bắc khoảng 80km và được các thị trấn yên bình bao
quanh. Vì thế, bản thân Cambridge cũng rất yên tĩnh, bình an và có lượng
cây xanh phủ rợp rất trong lành.Cambridge còn có nhiều khoảng không
dành cho công viên, các kênh đào thả những loại thủy cầm, các thảm cỏ
xanh rì được cắt xén chăm chút. Ngoài ra, dòng sông Cam thanh mảnh uốn
mình chảy lượn quanh các colleges chính là linh hồn giúp thành phố toát
lên vẻ êm đềm. So với Oxford, Cambridge mềm mại, gần gũi và lãng mạn hơn
rất nhiều.

Chúng tôi đi ngang bến thuyền, nơi các sinh viên đăng
ký làm người chèo thuyền đưa du khách lững lờ dạo qua các colleges xinh
đẹp như King’s College, Trinity’ College, Saint John’s College. Được
biết những người chèo thuyền toàn là các nghiên cứu sinh, những tiến sĩ
tương lai, các du học sinh xuất sắc, chúng tôi thấy ái ngại không dám
xuống thuyền. Phần vì… cũng muốn tiết kiệm do giá cả bên Anh cực đắt,
chúng tôi tự hài lòng khi đi bộ thong dong dọc theo dòng sông Cam. Ở
Cambridge, sinh viên quốc tế chiếm đến 30% dân số nên bạn tha hồ bắt gặp
những cô cậu trẻ măng tay ôm sách, tay cầm ổ bánh mì gặm vô tư. Các
sinh viên châu Á khá đông, và thỉnh thoảng gặp vài người da màu. Điều
này ở Oxford khá hiếm, có thể vì người gốc Á thích vẻ lãng mạn
của Cambridge hơn chăng? Riêng tôi, nếu được chọn, tôi thích
đến Oxford học tập hơn. Đơn giản vì Cambridge quá thơ mộng, thật quá mà
tập trung dùi mài kinh sử được.

Người chủ Guest House nơi chúng
tôi trọ rất biết cách làm vui lòng khách, ông nói cười cởi mở, chẳng có
vẻ gì là “phớt tỉnh Ănglê”. Khi tình cờ xuống bếp, tôi thấy ông có một
laptop xịn đang chạy chương trình gì đó rất “trí tuệ”. Ông cho hay mình
là kỹ sư vi tính, làm việc tại nhà nên có thể giúp vợ trông coi Guest
House. Căn bếp rất sạch, sáng bóng và có một trật tự sắp xếp cao. Chả
trách căn nhà ông ở chỉ có một lầu, chiều dài 20 mét, chiều ngang 4 mét
những được “quy hoạch” để có đến 6 phòng ngủ cho thuê, một phòng khách
kiêm phòng ăn, bếp và chỗ sinh hoạt riêng tư cho gia đình. Chúng tôi rất
thích ở Guest House vì so với khách sạn, giá không rẻ hơn nhưng không
khí lại thân mật hơn, sạch sẽ và ở gần trung tâm thành phố. Các Guest
House khi được post lên Internet đều được du lịch địa phương cấp phép
nên tuy quy mô hộ gia đình, họ làm ăn rất chuyên nghiệp và uy tín. Những
thành phố cổ nhờ vào lượng Guest House mà không phải xây thêm khách sạn
to lớn làm mất cảnh quan mà vẫn có thể đón được một lượng du khách
không nhỏ.

Ngày hôm sau, nghe theo lời khuyên của ông chủ nhà,
chúng tôi quyết định… ngồi thuyền dạo dọc sông Cam. Những ngôi trường cổ
xưa vươn mình vừa uy nghi vừa gần gũi. Những con ngỗng trắng và vịt xám
được thả bơi trong một vùng lau sậy trong lành. Ngang qua chiếc Cầu
Than Thở (Bridge of Sigh) chúng tôi nêu thắc mắc với người chèo thuyền:
Vì sao các thành phố cổ ở châu Âu hay có dạng cầu này? Venise,
Bercelone, Oxford, Cambridge… mỗi nơi có một Bride of Sigh khác nhau
nhưng cũng chung một đặc điểm: chúng ta đừng đi bên trên mà nên đi phía
dưới cầu để ngước mắt nhìn ngước lên mà than thở rằng: “Ôi chao là
đẹp!”. Bridge of Sigh ở Oxford bắc ngang… một con phố nhỏ. Nhưng
ở Cambridge, cầu được bắc ngang sông Cam đàng hoàng. Khi thuyền lững lờ
nhẹ nhàng trôi qua, chúng tôi được khuyên hãy ước một điều. Đã ước thì
một điều hay mười điều thì cũng thế, chẳng nên hà tiện. Vì thế tôi tha
hồ ước, những điều ước lãng mạn như dòng sông Cam nhỏ xinh nhưng cũng
rất vững chắc, như những ngôi trường sừng sững của Cambridge.

Nếu
như thuyền chỉ dành để đãi khách du lịch (đãi nhưng phải trả tiền), thì
xe đạp là phương tiện thông dụng cho dân Cambridge. Có đến 25% người dân
của thành phố này đạp xe đến sở làm hoặc đi học hàng ngày. Đường phố ở
đây nhỏ xinh, được đạp xe loanh quanh giữa những ngôi trường cổ kính,
những vườn hoa, những thảm cỏ nhung mượt mà là một cái thú. Ngoài ra,
thành phố còn ưu tiên quy hoạch đường dành riêng cho xe đạp để khuyến
khích mọi người bảo vệ môi trường.

Tôi hiện đang ở Cambridge vào
tháng tư, khi mùa xuân yêu kiều đang trải chiếc áo hoa xinh đẹp và nắng
vàng đang lung linh gợi cảm. Vào mùa này ai không đạp xe thật là phí
phạm nên có rất nhiều những nam thanh nữ tú và cả các ông giáo sư hói
đầu đáng kính đang nhấn kèn xe “reng, reng” thong dong lướt xe đạp trên
phố nhỏ. Xe đạp ở Cambridge có những chiếc thật buồn cười, bé tẹo và lùn
tè như dành cho trẻ con nhưng lại đang được mấy anh chàng sinh viên cao
ngồng đạp hăng hái. Xe đạp được dựng trong sân trường, khóa bên các
hàng rào, cột vào các cột đèn như những tài sản không mấy giá trị. Nhưng
đừng lầm, theo thống kê của sở cảnh sát, hàng năm vào thời điểm này,
tức là vào lúc Cambridge đang đầu xuân, có cả trăm chiếc xe bị “thó”
hoặc bị gỡ phụ tùng trơ trụi chỉ còn cái bánh xe bị xích lại. Ngoài ra
dân sinh viên còn biết rõ nhiều xe đã bị “làm thịt” mà chủ nhân cũng
chẳng buồn báo cảnh sát. Bất quá rình chiếc nào dễ “chôm” thì trả thù
lại cho đỡ tức vậy. Trong những con hẻm giữa các colleges, chúng tôi
thấy nhiều bảng hiệu sửa xe đạp, tân trang hoặc tháo ráp lại những chiếc
xe mới. Và cũng như nhiều ngành nghề thời vụ khác ở Cambridge, các “thợ
sửa xe đạp” này hoàn toàn là các thạc sĩ và tiến sĩ tương lai.

Đâu
đó trong một cuốn sách người ta nói rằng Cambridge có nghĩa là thành
phố của những chiếc cầu bắc ngang sông Cam. Và tôi cũng biết
rằng Cambridge còn là thành phố của tri thức, của lãng mạn, của sự trong
lành…

Birmingham không bảo thủ

Tôi nghe danh Birmingham đã lâu từ một người “đặc biệt” du học ở đây.

Birmingham
là một trong những thành phố lớn nhất nước Anh và đây là cái nôi của
cuộc Cách mạng công nghiệp với “nick name” như “Phân xưởng của thế giới”
hay “Thành phố ngàn nghề”. Từ Birming-ham, các tuyến đường sắt, đường
bộ túa ra các khu vực lân cận và là cầu nối cho nhiều thành phố xung
quanh. Vì lẽ đó, Birmingham còn nổi tiếng với “Spaghetti junction”. Đây
là nơi các cầu vượt được xây dựng thành từng tầng chồng chất lên nhau.
Nhìn từ trên cao, những chiếc cầu vượt - xa lộ này đan xen một cách rối
rắm, chẳng khác nào một đĩa mì Ý spaghetti.

Thành phố đa văn hóa


tôi đã cùng người “đặc biệt” của mình vượt qua “dĩa mì spaghetti” ấy để
tiến vào thành phố Birmingham vào một ngày đầu xuân tuyệt đẹp. Với tôi
đây là lần đầu, ấn tượng chưa có gì “kinh khủng” khi xe đò chạy “xăm
xăm” vào thành phố. Nhưng với “đối tác” đang ngồi kế bên, đây là thời
điểm khá xúc động, sau năm năm chia tay, anh đang quay về với những kỷ
niệm thời du học với thành phố yêu dấu đã cưu mang trong lúc xa quê
hương. Từng dãy phố, từng con đường, từng công trình kiến trúc được anh
thì thầm gọi tên. Thật khó tin, sao anh lại có thể nhớ rõ sau bao năm
cách biệt.

Công bằng mà nói, Birmingham… xấu quá! Đơn giản bởi đây
là thành phố công nghiệp, chẳng thể so sánh với Oxford kiêu kỳ,
Cambridge lãng mạn hay London phồn hoa. Nhưng cũng công bằng mà
nói, Birmingham có một sức hút mãnh liệt từ sự sống động, năng nổ và tốc
độ thay đổi rất nhanh. Thành phố mang dáng dấp của một môi trường đa
quốc gia, đa chủng tộc và dĩ nhiên là đa văn hóa. Ngoài phố, tôi gặp rất
nhiều người không-da-trắng, họ là người da đen (châu Phi), da tái tái
(Bắc Phi), da có màu cà phê sữa (người gốc thổ dân trên các đảo Nam Thái
Bình Dương, thuộc địa cũ của Anh), da ngăm ngăm (Ấn Độ, Indonesia) và
đặc biệt là khá nhiều người da vàng. Những người gốc Á này cũng đến từ
khắp nơi, không hoàn toàn là người Trung Quốc. Họ mỉm cười thân thiện
với tôi như một lời chào từ những người cùng chủng tộc. Có vài người
đứng bán quà rong và bong bóng đủ màu ở khu trung tâm. Họ chỉ đường cho
tôi bằng tiếng Hoa, “xí xố xí xố” vô cùng nhiệt tình.

Dấu ấn “da vàng”

Tôi
không có một thống kê nào về tỷ lệ người gốc nước ngoài sống
ở Birmingham. Có thể người gốc Á chưa phải chiếm số đông, nhưng một điều
chắc chắn là sức ảnh hưởng của cộng đồng này thật đáng kể. Quả vậy,
những công trình mang dáng dấp Á châu khá dày đặc trong thành phố. Cổng
chào của Birmingham có mái che theo lối kiến trúc Trung Hoa. Thật buồn
cười cho một thành phố lớn của Anh. Những giao lộ lớn cũng có những công
trình sơn màu đỏ, yểu điệu với những đường cong rặt chất Á Đông. Các
chùa chiền cũng khá nhiều và đương nhiên là có dáng vẻ của một vùng đất
xa xăm. Ngoài ra, các siêu thị bán đồ châu Á cũng được xây dựng theo
kiến trúc Trung Hoa với những mái ngói vút cong, vòm cổng hình bán
nguyệt và mọi thứ đều có màu đỏ tượng trưng cho may mắn. Ở một nhà ga
trong thành phố, kiến trúc châu Á cũng hiện diện rõ rệt qua những chiếc
cổng được trang trí như mái chùa. Xem ra, cộng đồng da vàng rất chịu khó
hòa nhập vào cuộc sống ở Birmingham và muốn để lại dấu ấn của mình
thông qua các công trình công cộng. Hẳn họ phải góp tiền hoặc tài trợ
cho những công trình xã hội. Và dĩ nhiên, Birmingham cũng “welcome” điều
này, thành phố dang tay rộng lòng đón nhận những tinh hoa từ các nền
văn hóa khác đem lại, thật thân thiện và gần gũi.

Tất cả những dòng kênh đều chảy

Thật
ra, Birmingham không xấu như tôi vội nhận xét. Khi ra trung tâm thành
phố dạo chơi sáng chủ nhật, tôi ngỡ ngàng nhận ra Birmingham quá duyên
dáng và độc đáo với hệ thống kênh đào vô cùng phong phú. Lẽ ra người ta
nên đặt cho thành phố này biệt danh “Venise phương Bắc”. Tuy nhiên,
“nick name” này đã được gán cho Amsterdam (Hà Lan) và Brugge (Bỉ) mất
rồi. Lịch sử thành phố ghi nhận, từ những năm 1760, một hệ thống kênh
rạch phức tạp đã được xây dựng trên một diện rộng, xuyên
qua Birmingham và vùng “Black Country” kế đó. Hệ thống kênh rạch này đã
giúp người dân vận chuyển hàng hóa. Họ mua nguyên phụ liệu thô về sản
xuất và chở ra khắp nơi các sản phẩm hoàn thành. Vào những năm 1820,
thành phố cho trùng tu và mở rộng thêm nhiều con kênh nữa. Và kinh ngạc
làm sao, tôi được biết Birmingham có tổng chiều dài của các con kênh là
60km, hơn hẳn Venise của Ý (chỉ có 41km).

Ngày nay, hệ thống kênh
rạch này khá đẹp mắt, tuy không lãng mạn như Venise hay điệu đàng như
Amsterdam, các con kênh của Birming-ham cũng được chăm chút khá cẩn thận
với những chiếc cầu duyên dáng bắc ngang, đàn thủy cầm thả rong dịu
dàng và những chiếc thuyền con rong ruổi lại qua. Thành phố tận dụng hệ
thống kênh rạch dày đặc cho việc đi lại của người dân thêm dễ dàng, họ
có thể dùng thuyền như xe bus trên bộ để đi lại trong nội thành và như
xe đò để đi ra các vùng phụ cận. Tất cả các con kênh đều được sử dụng và
trân trọng như nhau. Tất cả những dòng kênh đều chảy…

Yêu văn nghệ và yêu Nữ hoàng

Chúng
tôi may mắn đến Birmingham nhân dịp người dân cả nước đang có nhiều
hoạt động mừng sinh nhật Nữ hoàng. Tại quảng trường trung tâm, từng nhóm
các nghệ sĩ nghiệp dư quây quần múa hát vui nhộn. Tôi cũng hòa vào ngồi
chung với hàng trăm khán giả, kế bên là một chiếc xe nôi có chú bé mập
mạp nhún người theo tiếng nhạc. Thật lòng mà nói, trình độ biểu diễn của
họ không có gì đặc sắc, nhưng lòng nhiệt tình và sự đam mê của những
nghệ sĩ nghiệp dư này thể hiện thật rõ rệt. Họ mặc trang phục truyền
thống, tập dượt công phu nhiều tháng trời, thậm chí còn phải kiêng ăn để
có được vóc dáng thon thả. Đa phần họ đều ở độ tuổi về hưu, tóc điểm
bạc nhưng dáng dấp vẫn cố hết sức giữ cho gọn gàng. Các ông cao dong
dỏng, nhảy múa những điệu dân gian rất thong thả, khoan thai, ra chiều
“gentleman” lắm. Các bà điệu đàng hơn, hay cười với khán giả và xúng
xính trong những chiếc đầm phùng xòe. Nhóm các em thiếu nhi càng náo
nhiệt, tuy trong lúc diễn các em hay lúng túng vì quên bài, nhưng sự hồn
nhiên đã làm các nghệ sĩ nhí trở nên thật đáng yêu.

Thành phố không bảo thủ

Người
ta nói dân Anh bảo thủ không phải là không có lý do. Nhưng
tại Birmingham, tính bảo thủ dường như rất nhạt nhòa. Nếu như những
thành phố khác giữ nguyên các kiến trúc công cộng trong nhiều thập
kỷ, Birmingham sẵn sàng xóa bỏ những cái không còn hiệu quả và nhanh
chóng cho xây những tòa nhà hiện đại thế vào. “Đối tác” của tôi luôn
miệng ngạc nhiên: “Cái này mới! Cái này hồi đó chưa có! Cái này lạ
quá!”. Này là khu chợ Tàu được mở rộng diện tích kinh doanh. Kia là
shopping center BullRing mới xây nằm thật hoành tráng, sát bên một công
trình cổ xưa giữa trung tâm thành phố. Và ấn tượng nhất là “The new
Selfridges building”, một trung tâm mua sắm có thiết kế lạ lùng, mới mọc
lên. Tòa nhà có phân nửa diện tích trông khác hoàn toàn với nửa kia:
dát những “hột nút áo” khổng lồ, kín bưng không một cửa sổ và hình thù
“cong cong ẹo ẹo” ngộ nghĩnh.

Thành phố Đại học

Birmingham còn
nổi tiếng là thành phố Đại học. Và cũng vì lẽ đó, “đối tác” của tôi mới
đến du học và năm năm sau có dịp nhảy chân sáo dắt tôi quay về “thăm
trường xưa lối cũ”. Anh rất tự hào về ngôi trường của mình: Đại
học Birmingham.

Đây là một trong ba trường lớn của thành phố, cùng
với Đại học Aston và Đại học Central England. Đại học Birmingham không
hề giống những ngôi trường cổ kính ở Oxford hay Cambridge, trường này có
kiến trúc hiện đại, to “khủng bố” với một tháp đồng hồ cao chót vót và
mừng rằng không đến nỗi xấu xí. Trường có khuôn viên rộng rãi phủ xanh
bằng các loại cây cỏ. Mùa xuân hoa nở rợp trường thật ấn tượng. Này là
hoa đào hồng, này là hoa đào trắng, này là hoa huệ vàng… Tuy có kiến
trúc hiện đại, Đại học Birmingham lại có lịch sử đến trên 100 năm. Ký
túc xá nằm sát bên thì rõ ràng là mỗi năm được nới rộng thêm đáng kể.
Vậy mà cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên từ khắp nơi đến học.
Xung quanh trường là những khu phố được người dân dành cho sinh viên
thuê. “Đối tác” dắt tôi tìm thăm lại “nhà cũ”, một căn nhà be bé, có ba
phòng ngủ và một căn bếp. Nhà hiện chưa có ai thuê nên đang treo bảng
“To let” trước cửa. Những kỷ niệm của một thời đèn sách ùa về, vất vả mà
tràn ngập hân hoan…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3