Venise và những cuộc tình Gondola - Phần 11 chương 1 - 2 - 3
ANH
Guildford: xứ thần tiên của Alice
Tôi
đến Guildford vào một sáng mùa xuân với nắng pha lê màu vàng óng như
mật, khi những bông hoa dại e ấp đang dần lộ nhú trong tiết trời ấm áp
và bầu trời dịu dàng trong vắt trên cao. Người tài xế taxi đón tôi từ
phi trường Heathrow thân thiện trò chuyện và giới thiệu đôi nét về nơi
tôi sắp đến tu nghiệp. Guildford là thị trấn (town), không phải thành
phố (city), nằm cách Luân Đôn chỉ hai mươi phút xe lửa và nếu đi bằng xe
hơi giờ cao điểm, bạn sẽ mất tối đa một tiếng đồng hồ. Dù đã đến nhiều
thị trấn bình yên ở các nước châu Âu khác, Guildford của Anh hiện ra quá
trong lành và giản dị. Chỉ với hai ngày cuối tuần ngắn ngủi tôi đã khám
phá hết Guildford, nhưng bình tĩnh sống cùng Guildford cả tháng trời
tôi mới nhận ra thị trấn này thân quen và níu lòng lữ khách thật mãnh
liệt không nơi nào bằng.
Từ khách sạn Travelodge tôi thường thích
đi bộ thong thả mỗi sáng đến sở làm dù công ty có đề nghị cho taxi rước.
Tôi muốn nhìn phố xá nhỏ xinh trong tiết trời lành lạnh dễ chịu, ngang
những cây cầu be bé bắc ngang những con kênh xanh liễu rủ buông mành và
chầm chậm dấn bước dưới ánh vàng lung linh của nắng xuân. Công ty tôi
làm nằm trên đường One Onslow, ngay trung tâm, nhìn từ bên ngoài đó là
một tòa nhà cổ với gạch nung màu hồng đặc trưng Anh nhưng bên trong là
một cao ốc văn phòng vô cùng hiện đại. Từ trên những tầng cao của công
ty, tôi vẫn thường ngồi nhìn xuống những góc đường Guildford. Trên tay
là ly trà sữa bốc khói, tôi thấy lòng thật bình yên khi dân tình ngoài
kia cũng đang ung dung tự tại. Những ngày đầu làm việc, tôi ngỡ ngàng
nhận ra đúng giờ là mọi người về hết, không có chuyện dây dưa thêm giờ
như công ty ở Việt Nam. Bù lại, các đồng nghiệp Anh làm việc với năng
suất rất cao, hiệu quả đáng kể và tác phong chuyên nghiệp tuyệt đối.
Ở
Anh, các trung tâm mua sắm cũng đóng cửa rất sớm, khi tôi tan sở lúc
năm giờ rưỡi, các cửa hàng cũng nhất loạt dừng hoạt động. Vì thế, muốn
shopping, cô bạn đồng nghiệp Emma thường rủ tôi đi trong giờ ăn trưa.
Công ty nằm sát khu mua sắm, vài bước chân đã lọt vào mê hồn trận những
cửa hàng lớn nhỏ với đầy đủ mọi chủng loại. Con phố chính High Street
với những ngôi nhà hẹp theo kiến trúc đặc trưng Anh luôn tấp nập vì các
cửa hàng nằm san sát hai bên. Trẻ con thích dừng lại ngoài đường đùa
giỡn thay vì cùng phụ huynh vào các cửa hàng. Bọn chúng vô tư cởi hết áo
khoác vì tiết tiết ấm sực, rồi đột ngột rùng mình hắt hơi khi một làn
gió xuân lướt qua. Trên phố High Street, điểm nhấn duyên dáng là chiếc
đồng hồ vuông của tòa thị chính vươn tay ra vẫy chào mọi người. The
Angel Hotel có lối kiến trúc là lạ, bảng tên chính thì khiêm tốn đến mức
không nhìn thấy nhưng hàng chữ “Posting house” và “Livery stables” lại
bắt mắt mọi người. Đó là quán trọ cuối cùng còn sót lại của thời xưa,
khi chuyến xe ngựa từ Luân Đôn đi ngang qua tìm chỗ dừng chân, để lại
thư từ giao dịch rồi lại lên đường cho kịp cuộc hành trình.
Những
ngày cuối tuần tôi thích lang thang vào trung tâm bằng ngã khác: đi dọc
theo sông Wey. Chẳng có ai đi cùng tôi trên con đường ven sông này. Tôi
nghe chim hót bên tai, những chú vịt con quẫy đạp trong nước, những đóa
hoa dại rung rung trong làn gió xuân và hàng liễu rủ xanh rờn ngút mắt.
Thảng hoặc một chiếc tàu nhỏ lững lờ trôi êm đềm. Tôi tự hỏi còn cảnh
tượng nào thanh bình hơn và ngỡ ngàng nhận ra mình đang đứng trong công
viên, nơi có tượng cô bé Alice và con thỏ trắng hay hốt hoảng: “Tôi trễ
rồi!”. Quả tôi đang lạc vào xứ thần tiên giống nhà văn Lewis Carroll năm
nào. Nhà văn thực chất là giáo sư dạy toán của Đại học Oxford, tại
Christ Church College, năm 1868 khi đến Guildford, ông đã chọn nơi đây
làm quê hương, đã cho ra đời “Alice lạc vào xứ thần tiên” và sống suốt
quãng đời ba mươi năm còn lại của mình. Tôi ước gì cũng được ở lại
Guildford trong một căn nhà cổ be bé, sống cuộc đời không bon chen và…
viết văn trong khung cảnh thần tiên, được tha hồ tưởng tượng về một con
thỏ trắng ngộ nghĩnh, về những lọ thuốc kỳ lạ làm người ta khổng lồ hoặc
trở nên tí hon.
Những lúc phải đi Luân Đôn, dù thủ đô tráng lệ,
nhiều công trình kiến trúc và vô số những hoạt động giải trí, tôi vẫn
nóng lòng lấy xe lửa vào cuối ngày để được về với Guildford, về với
khách sạn Travelodge đơn sơ mà tưởng rằng mình đang về nhà. Về với những
góc đường thân quen, với dòng sông phẳng lặng, với những dãy nhà cổ đỏ
hồng sắc gạch và với những bông hoa dại rung rinh trong gió.
Thăm nhà Sherlock Holmes
Những
ai từng đọc truyện trinh thám Sherlock Holmes đều biết rõ địa chỉ 221b
phố Baker, Luân Đôn. Đây là ngôi nhà của vị thám tử cực kỳ thông minh và
người bạn cùng chia nhà, bác sĩ Watson. Trong hầu hết các truyện,
Sherlock Holmes đã tiếp các thân chủ tại nhà và đây là địa điểm để cảnh
sát Scotland Yard tìm đến cầu cứu khi bó tay trước một vụ án kỳ quặc nào
đó. Tuy truyện ngắn đầu tiên được Sir Arthur Conan Doyle trình làng vào
năm 1887, đến nay nghe đồn vẫn còn rất nhiều khách du lịch nước ngoài
mỗi khi đến Luân Đôn đều “ngây thơ” tìm đến địa chỉ này hòng gặp mặt vị
thám tử danh tiếng. Và, tôi là một trong những du khách ngây thơ đó.
Mới
bảy giờ rưỡi sáng (theo giờ giấc sinh hoạt ở Luân Đôn là sớm lắm), tôi
đã hăm hở tìm đến phố Baker và có mặt trước con số 221b. Buồn cười làm
sao, trước tôi đã có một hàng người, toàn dân da trắng mắt xanh cũng
đang bồn chồn chực chờ đến giờ được vào diện kiến Sherlock Holmes. Hẳn
họ cũng mang nhiều tâm trạng vì vướng víu vào một vụ án mạng kỳ bí nào
đó? Trước cửa nhà, trên bức tường gạch có treo tấm bảng tròn màu xanh
“221b, Sherlock Holmes, thám tử, 1881-1908”. Vậy là thôi rồi, năm nay đã
2007, làm sao còn gặp được nhà thám tử mà xin tham vấn?
Thật ra
dù ngây thơ đến đâu, khi đứng trước ngôi nhà 221b phố Barker, ai cũng
thấy đây là một địa chỉ giả, số nhà thật của nó phải là 239. Điều thú vị
hơn là vào thời sáng tác ra loạt truyện về Sherlock Holmes, tác giả
Conan Doyle đã hoàn toàn bịa ra địa chỉ này vì vào thời đó, con phố
Baker chỉ có đến… một trăm nóc nhà. Phố Baker trong các phim truyền hình
làm về Sherlock Holmes trông âm u và kỳ bí rất trinh thám. Trong thực
tế, tôi đang đứng trên phố Baker rộng rãi, sáng sủa và rất tấp nập. Vào
những năm 1930, phố Baker được mở rộng và nối dài ra, dãy nhà từ số 219
đến 229 được sở hữu bởi công ty Abbey National. Và nói không ngoa, quả
trên đời này có rất nhiều người ngây thơ thứ thiệt, hàng đống thư hâm mộ
và cả thư xin “gỡ rối tơ lòng” từ nhiều nơi trên thế giới hàng năm cứ
gởi tấp nập đến cho Sherlock Holmes làm công ty Abbey National nhận mệt
xỉu. Điều đáng nói tiếp theo là Abbey National cũng “chịu chơi” cho treo
tấm hình của Sherlock Holmes và Watson lên làm bộ như hai người này đã
dọn nhà đến số 221b thật. Năm 1999, công ty này tài trợ cho dựng bức
tượng bằng đồng của Sherlock Holmes theo sự mô tả của Conan Doyle. Bức
tượng hiện đứng ở phố Baker, ngay trước chỗ xuống hầm xe điện ngầm phố
Baker.
Ngôi nhà 221b ngày nay được chia làm hai bên, một bên được
xem như là nhà thật của Sherlock Holmes, bên kia là bảo tàng về Sherlock
Holmes. Căn nhà này được trang trí trông giống như kiến trúc nhà ở Luân
Đôn vào những năm 1815, theo sự mô tả trong loạt truyện trinh thám. Bảo
tàng được mở cửa đón du khách từ năm 1990 và hàng ngày đều có rất nhiều
“thân chủ” tìm đến với nguyên vẹn cảm giác tò mò và hồi hộp. Bên trong
bảo tàng là bức tượng bằng sáp của Sherlock Holmes, những vật dụng và
các bức tranh mô tả lại những sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời vị
thám tử. Tất cả những điều này, dĩ nhiên, đều được bịa ra dựa vào 56
truyện ngắn và bốn tiểu thuyết nổi tiếng của Conan Doyle về Sherlock
Holmes. Ngoài ra còn có các bộ sưu tập về sách Sherlock Holmes được xuất
bản từ nhiều thời kỳ.
Dù biết Sherlock Holmes chỉ là một nhân vật
hoàn toàn trong trí tưởng tượng của Conan Doyle và căn nhà số 221b phố
Baker cũng là sản phẩm một trăm phần trăm giả tạo, du khách khắp nơi
trên thế giới nói chung và bản thân tôi nói riêng đều có lý do để tìm
đến với căn nhà này. Chúng tôi không ngây thơ, cũng không ảo tưởng được
diện kiến vị thám thử đại tài, thậm chí ngày nay, với sự phát triển vượt
bậc của khoa học trong việc truy tìm thủ phạm, các phương pháp thủ công
và cách suy luận theo lô-gic của Sherlock Holmes đã thật sự lỗi thời.
Riêng tôi khi đến 221b phố Baker, tôi muốn tận mắt chứng kiến một nhân
vật trong truyện đã được yêu mến ra sao, đã sống qua bao năm tháng cùng
thời gian bất tận, đã làm hết thế hệ này đến thế hệ kia say mê như thế
nào. Bức tượng bằng đồng sừng sững của Sherlock Holmes trên phố Baker
càng làm người ta tin rằng vị thám tử này vốn đã thật sự hiện hữu trên
trần gian. Cảm ơn Sir Conan Doyle đã cho chúng ta một con người tài đức
vẹn toàn bước ra từ những trang sách vô cùng sống động.
Liverpool của người không mê The Beatles
Nhắc
đến Liverpool, những ai mê The Beatles đều háo hức được đặt chân đến
thăm thành phố này. Nhưng tôi không nằm trong số đó. Tôi cũng thích
những chàng trai vàng, nhưng giờ người thì “đi về nơi xa lắm”, người thì
“quá đát” rồi. Vì thế, tôi không thật sự mê Paul McCartney, John
Lennon, Ringo Starr và George Harrison. Khi tôi sang Anh, những thành
phố ưu tiên đến thăm không có Liverpool. Thế nhưng vào phút chót, tôi
quyết định cứ đến, vì dù sao đây cũng là một trong những thành phố quan
trọng nhất nước Anh. Một người bạn đang học Master ở University of
Liverpool viết email khẳng định: “Đến đi, sẽ không hối hận đâu!”.
Thế
nhưng vừa xuống bến xe khách và ngồi taxi đến khách sạn, tôi đã thấy
không ổn. Khách sạn này tôi đặt qua mạng internet, thông tin cho biết ở
rất gần trung tâm, chỉ mười phút đi xe bus hoặc hai mươi phút đi bộ là
đến. Vậy mà taxi chạy miệt mài, vào một con đường sát bến cảng, cảnh vật
hoang phế, những kho bãi xám bụi, những cỗ máy sản xuất thẫm màu dầu
nhớt. Không một chiếc xe, chẳng một bóng người. Sau khoảng gần nửa
tiếng, taxi dừng trước một nhà trọ nhỏ đóng cửa im ỉm. Tôi tha hồ gào
thét cũng chẳng thấy ai ra “welcome”. Đứng chỏng chơ ở cái sân vắng lặng
đến rợn người đó, tôi hối hận vì đã đọc hết tác phẩm trinh thám của nữ
văn sĩ Agatha Christie. Hẳn bà cũng đã xây dựng những vụ án dựa trên cái
nền tội phạm ở những nơi hoang phế này. Giờ muốn đón taxi quay trở
ngược lại trung tâm thành phố là không tưởng. Lẽ nào số phận tôi lại “an
bài” ở một thành phố xa lạ?
Cuối cùng, một bà nào đó chạy xe hơi
đến và cũng dộng cửa dữ dội rất muốn vào. Bà nói mình không phải là
khách mà là chủ(?!). Kêu gào mãi chẳng ai ra, bà nảy ra sáng kiến mở cửa
sổ trèo vào rồi đi ra mở cửa lớn cho tôi. Nhân viên lễ tân của họ đang…
đánh một giấc ngủ trưa bí tỉ. Hẳn cô nàng dân phố cảng đã làm vài chục
vại bia? Tôi nhanh chóng bỏ đồ vào phòng rồi ra trung tâm thành phố. Cô
receptionist sau phút bị bà chủ “băm vằm”, mặt bí xị chỉ đường cho tôi.
Chắc cô không nhiệt tình hoặc tôi nghe ù cạc thế nào, càng đi tôi càng
lạc. May mà tôi không đi ngược lại con đường sát bến cảng hoang vắng,
tôi chọn đường phía trong, có lác đác vài người đi bộ và những chiếc xe
hơi phả khói mù mịt. Mới vào khoảng hai giờ trưa, lại là một ngày trong
tuần, thế nhưng phố xá không đông đúc, cảnh vật vô cùng yên tĩnh. Chắc
là tôi rơi vào một ngày nghỉ lễ nào đó của Anh chăng?
Tôi bắt xe
bus, nói muốn vào trung tâm. Cuối cùng tôi cũng toại nguyện. Trung
tâm Liverpool đón tôi với những tòa nhà hoành tráng như mọi thành phố
lớn khác ở châu Âu. Cũng tòa thị chính, tòa án, nhà hát… Có điều
ở Liverpool, các công trình kiến trúc trông xám xịt, hẳn vì ảnh hưởng
khói ô nhiễm của thành phố công nghiệp. Tuy mang một màu sắc không tươi
thắm, nhưng tôi không cảm thấy Liverpool buồn bã, bởi các dòng người
đang dần dần đông đúc lên trong các khu mua sắm sầm uất.
Tôi cầm
bản đồ lò dò đến Albert Dock, đây là cầu cảng nổi tiếng với những con
tàu đang neo đậu và những cánh chim trắng. Các sách hướng dẫn du lịch
đều cho Albert Dock là nơi thu hút khách nhiều nhất vì nơi đây là khu
phức hợp văn hóa, ẩm thực và mua sắm. Bảo tàng hàng hải và bảo tàng lớn
nhất châu Âu về thể loại này. Tôi chỉ đi ngang qua mà không ghé vào. Còn
một “bảo tàng” nữa, được viếng thăm rất đông, đó chính là The Beatles
Story. Nơi đây sẽ cung cấp cho bạn tất cả thông tin liên quan đến ban
nhạc. Fab Four (Fabulous Four - Bộ tứ siêu tuyệt vời) này giúp quê
hương Liverpool làm du lịch nhờ vào Fab Tour. Đây là tour du lịch dành
cho các khách muốn tìm về quá khứ của The Beatles. Tôi không mê họ nhưng
cũng cầm bản đồ lang thang đến quán bar Cavern Club, nơi bốn chàng trai
lần đầu chơi nhạc vào đầu những năm 60. Penny Lane và Strawberry Field
cũng được người ta dạo qua, vì hai con phố này là tựa của những ca khúc
bất hủ.
Chồn chân mỏi gối, tôi vào quán Mc Donal nghỉ mệt. Một bà
già rất đẹp lão lò dò đến ngồi kế bên, nhờ tôi… đọc giùm toa thuốc trước
khi bà kịp uống nhầm. Nghe giọng nước ngoài, bà thân thiện hỏi tôi đến
từ đâu rồi tự nhiên vuốt mặt khen: “You are so lovely!” (Cháu dễ thương
quá!). Tôi chỉ còn biết toét ra cười hết cỡ và biết rằng mình
đến Liverpool mà không hối hận. Quả thật dân phố cảng rất cởi mở và sẵn
sàng chỉ đường nếu thấy ai đó cầm bản đồ lọng cọng trên tay. Suy cho
cùng thành phố của họ có gì đâu ngoài ban nhạc The Beatles, đội
bóng Liverpool, Albert Dock và lòng hiếu khách. Bà già khoe thành phố
năm 2007 kỷ niệm 800 năm thành lập và năm 2008 được trở thành thủ đô văn
hóa châu Âu. Bà còn tâm sự một tràng dài về nữ hoàng Anh, rằng bà rất
yêu nữ hoàng và thích vẻ đẹp quyến rũ của hoàng tử William. Và khi tôi
đứng lên nói tạm biệt, bà cầm tay tôi trìu mến: “Nếu còn trẻ hơn một
chút, bà sẽ tìm đường sang Việt Nam thăm cháu”.
Ngày rời phố
cảng Liverpool, người phục vụ trong quán trọ thức sớm làm đồ ăn sáng,
nhiệt ình gọi taxi cho tôi ra bến xe và luôn miệng mong tôi có dịp quay
lại. Ấn tượng rùng rợn về một vùng hoang vắng trong các tiểu thuyết
trinh thám hôm mới đến vụt tan biến. Tôi gởi lời chào bà chủ, chào luôn
cô tiếp tân có giấc ngủ trưa say kỷ lục. Ông phục vụ vẫn còn đeo tạp dề
xách va-li giùm tôi lên xe và đứng vẫy tay ngút mắt. Tôi lại đi qua con
đường sát bên cảng, cảnh vật hoang phế, những kho bãi xám bụi, những cỗ
máy sản xuất thẫm màu dầu nhớt. Mọi thứ dưới ánh ban mai chợt trở nên ấm
áp vô cùng.