Venise và những cuộc tình Gondola - Phần 11 chương 6 - 7

Straford-upon-Avon bị thời gian bỏ quên

Người
Anh thật biết cách làm du lịch và có đầu óc Marketing khá tốt. Quê
hương của Shakespeare nằm ở thị trấn Straford-upon-Avon là một ví dụ.
Thị trấn nhỏ xinh nằm bên dòng sông cũng nhỏ xinh không kém, ấy vậy mà
hàng ngày hút đến hàng trăm khách du lịch. Mọi người đến đây để thăm
“bất động sản” của dòng họ Shakespeare để lại. Nói vui như thế, vì trong
tour du lịch, khách chỉ đi theo sơ đồ đến những địa điểm thuộc về
Shakespeare. Nhưng tôi không hề hối hận đặt chân đến quê hương “cụ
Shakespeare”, vì sao nhỉ?

Thị trấn bình yên

Xét về mặt
“peaceful”, Straford nằm bên dòng sông Avon hiền hòa là một trong những
thị trấn bình yên nhất mà tôi đã ghé qua. Ven rìa thị trấn vẫn còn là
những cánh đồng trải dài một màu xanh rợp mắt, ẩn hiện trong những khóm
cây là những ngôi nhà cổ xinh xinh. Và dòng sông phẳng lặng với đàn thủy
cầm lững lờ soi bóng chảy vắt ngang đã vẽ nên một bức tranh phong cảnh
tuyệt đẹp. Tôi cứ ngỡ mình lạc vào nước Anh của mấy thế kỷ trước, khi
người ta sống chan hòa cùng thiên nhiên và chẳng mảy may quan tâm đến…
tình hình tài chính bất ổn ở phố Wall, giá vàng dựng đứng chóng mặt hay
khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Quả thật, chiếc cầu đá xưa lơ xưa lắc bắc
ngang sông càng làm không khí “trung cổ” thêm sống động.

Những con
người sống ở thị trấn bị thời gian bỏ quên này hình như cũng thuộc về
quá khứ, họ chậm rãi đọc báo trên những băng ghế gỗ, ngồi trong bóng râm
của hàng cổ thụ và ung dung tự tại ngắm khách du lịch đang há mồm ra
thán phục cảnh “thiên đường là đây”. Phố xá ở Straford cũng thuộc về
thời xưa cũ, không một bóng xe hơi và lát toàn đá xanh bóng loáng. Thị
trấn chia nhỏ các khu rạch ròi như một bàn cờ, đã tồn tại suốt 800 năm
nay kể từ những ngày đầu xóm nhỏ thôn quê được quy hoạch thành một thị
trấn.

Bất động sản của dòng họ Shakespeare

Theo tài liệu du
lịch ghi lại, cụ thân sinh ra chàng trai yêu văn thơ là một nhà buôn “có
máu mặt”, chuyên về các loại hàng bức thiết của cuộc sống như ngũ cốc,
vải vóc, len dạ… Phi thương bất phú, nhờ giàu có, cụ ông trở thành thị
trưởng Straford vào nằm 1568. Chàng lãng tử đa tình Shakespeare thế là
xuất thân từ giai cấp “con nhà giàu”, chàng kết hôn với Anne Hathaway,
một cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” và cho ra đời ba người con. Bỏ lại
sau lưng Straford buồn thiu để dấn thân vào những đoàn kịch danh tiếng ở
Luân Đôn, Shakespeare ra đi vào năm 1588. Để rồi khi chồn chân mỏi gối
sau bao nhiêu thị phi trốn kịch trường, “lão kịch tác gia” quay đầu về
cố hương năm 1612 và mất vào năm 1616 khi tròn 52 tuổi. Tôi dùng từ tròn
vì ông mất đúng vào ngày sinh nhật của mình, ngày 23-4. Thi hài ông
được chôn tại nhà thờ Holy Trinity, nằm sát bên bờ sông Avon hiền hòa.
Hiện tại Straford còn lưu dấu khá nhiều “bất động sản” của dòng họ
Shakespeare và đều được đưa vào tour du lịch. Trước tiên là “Shakespeare
Birth place”, ngôi nhà đại văn hào đã oe oe cất tiếng khóc chào đời.
Nhà này được trung tu cực tốt và đã biến thành một bảo tàng về
Shakespeare, nằm trên phố Henley ngay trung tâm thị trấn.

Tiếp đến
là “Nash’s house”, ngôi nhà của Nash. Nash là cháu rể, kết hôn với cháu
ngoại của Shakespeare. Ngôi nhà cũng đã biến thành bảo tàng với các vật
dụng cổ xưa còn lưu dấu thời hoàng kim, mức sống vương giả và đẳng cấp
“đại gia” của dòng họ này. Trong vườn còn ghi rõ đây thực chất là nhà
của Shakespeare, khi ông rời Luân Đôn về quê nghỉ hưu, ông đã sống những
ngày cuối đời và đã mất tại đây. Vì thế, Nash’s house còn được gọi là
“New Place”. Kế đến là “Hall’s Croft”, trang trại của Croft. Chủ nhân là
con gái của Shakespeare và trang trại cũng biến thành bảo tàng với khối
lượng vật dụng tuyệt đẹp bên trong. Ngoài ra còn “Anne Hathaway’s
Cottage (trang trại của Anne Hathaway) và “Mary Arden’s house” (nhà của
Mary Arden). Hai nơi này nằm ngoài rìa thị trấn, trông dân dã hơn với
các mái vòm bằng rơm trộn đất. Tất cả đều thuộc gia đình Shakespeare. Và
toàn bộ nhóm bất động sản này đều nói lên dòng họ Shakespeare thật giàu
có, hàng “đại gia” chứ không phải chuyện vừa. Đặc biệt, người dân nơi
đây xem ra vô cùng trân trọng và tôn kính Shakespeare.

Những ngôi nhà gỗ viền đen


Straford, tôi còn chiêm ngưỡng thêm những ngôi nhà xinh xắn độc đáo
khác. Đó là dạng nhà bằng gỗ, có những sọc đen trang trí trông như một
anh chàng mặc bộ “pyjama” kẻ sọc đỏm dáng. Dạng nhà này thường gặp ở các
thành phố nằm sát rừng, có nguồn gỗ phong phú để hỗ trợ các công trình
xây dựng. Tôi đã thấy loại nhà này ở Rennes (Pháp). Người Pháp gọi kiến
trúc này là “maison à colombages”, còn người Anh gọi là “half-timbered
house”, tức là nhà gỗ viền. Trong dãy nhà gỗ viền đen trên phố High
Street, khách sạn Shakespeare trông nổi bật nhất. Và sát đó, ngôi nhà có
bảng tên “Harvard’s house” cũng là nơi được khách du lịch tìm đến. Hiện
nay nhà thuộc tài sản của trường Đại học Harvard. Đây là nơi mục sư
John Harvard, vốn tốt nghiệp Đại học Cambridge, đã từng cư ngụ trước khi
sang Mỹ sinh sống và thành lập trường Đại học danh tiếng mang tên mình.
Trường này nằm trong thành phố Cambridge, bang Massachusetts.

Cách
“Harvard’s house” không xa là… ngân hàng HSBC. Sở dĩ tôi nhắc đến ngân
hàng này vì nó được tọa lạc tại một ngôi nhà màu đỏ hồng, cổ xưa mà hiện
đại. Và vì rất nhiều người lầm rằng HSBC (The Hong-kong and Shanghai
Banking Corporation) là ngân hàng của Hong-kong hoặc Trung Quốc. Thực
chất, HSBC là của Anh, có trụ sở chính đặt tại Luân Đôn và ngân hàng này
có mặt ở khắp các thành phố lớn nhỏ của Anh, chỗ nào có vị trí đắc địa
nhất thì HSBC đều xí phần. Sát bên HSBC là những tên tuổi fast-food, nằm
“tế nhị” trong những ngôi nhà gỗ viền đen như Pizza Hut, Mc Donal… Khu
shopping center cũng được “ẩn mình” trong dãy nhà gỗ. Điều này khiến
Straford không bị “phô” vì cuộc sống hiện đại đã tràn tới. Ngồi ăn chiếc
pizza nóng, uống coca lạnh và ngắm phố nhỏ Straford một chiều xuân, tôi
thầm cám ơn Shakespeare. Sự nổi tiếng của đại văn hào đã kéo tôi đến
với thị trấn hiền lành bên dòng Avon xinh đẹp.

 

Đến Warwick xem lâu đài ma

Tôi
chưa từng thấy ma trong đời, nhưng nếu hỏi tôi có tin ma hiện hữu hay
không thì tôi nghĩ là có. Người Việt mình tin có ma đã đành, đến Anh mới
biết dân sứ sương mù còn tin sái cổ hơn. Ở Anh hiện tại có rất nhiều
tour du lịch đi xem ma trong các lâu đài cổ của những vùng hoang vắng
nằm ở phương Bắc. Người ta biết cách kích thích trí tưởng tượng khách du
lịch, đến mức treo bảng ai dám ngủ một đêm trong căn phòng ma thì được
thưởng tiền. Trong thời gian ở Anh, tôi không có thời giờ để đi lên
phương Bắc xem ma, những cũng kịp tranh thủ đến Warwick, một thị trấn
nhỏ vùng Trung du, đến lâu đài Warwick thăm hồn ma của Sir Greville.

Lâu đài Warwick

Từ
Birmingham sôi động, chúng tôi lấy xe lửa chừng một tiếng thì
tới Warwick. Thị trấn này hiện ra âm u, thâm trầm và yên ắng. Một bà già
ở nhà ga nhìn chúng tôi bí hiểm, hỏi gọn lỏn “Đến lâu đài xem ma phải
không?” rồi nắm tay tôi lôi theo để chỉ đường. Tay bà lạnh, gương mặt
nhăn nhúm rất ma quái, khi bà cười để lộ cái miệng chẳng còn một cái
răng. Nhưng đang ba giờ trưa, không lý gì ma hiện ra giữa ban ngày, nên
chúng tôi cười hì hì lại với bà. Bà lão sao khi chỉ đường cũng chuồn lẹ.
Không quên chúc chúng tôi gặp được hồn ma của Sir Greville.

Lâu
đài Warwick to lớn, cao ngạo nghễ, từ xa đã nhìn thấy những ngọn tháp
thâm trầm. Thật ra phải gọi đó là pháo đài bởi kiến trúc không có tí
lãng mạn nào, ngược lại, nơi đây được xây dựng để phòng thủ với những
bức tường đá dày, kín đáo để mai phục kẻ thù. Bỏ ra mười tám bảng Anh để
chui vô lâu đài Warwick, chúng tôi không hy vọng chỉ được xem ma mà còn
muốn nhìn thấy nhiều điều độc đáo khác. Lâu đài Warwick có lịch sử kéo
dài hơn 1000 năm. Lâu đài được xây từ thời nội chiến Anh, qua hàng bao
thế kỷ, trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh. Lâu đài đến nay
vẫn đứng sừng sững, bên trong những bức tường thành cao chót vót là hàng
ngàn thánh tích, di vật, các bộ giáp sát để ra chiến trường và các loại
vũ khí đa dạng. Lâu đài cũng có thể được gọi là bảo tàng, những loại vũ
khí, áo giáp được trưng bày khắp nơi. Ngoài ra, các tượng sáp diễn lại
cảnh các công nương, bá tước đang sinh hoạt trong các phòng cũng khiến
khách hình dung được một thời lịch sử. Đặc biệt, cảnh tra tấn bằng những
dụng cụ dã man, cảnh hành hình trong ngục tối, trong hầm sâu với những
thân người nhễ nhại máu chưa gì đã khiến tôi rùng mình.

Câu chuyện của Sir Fulke Greville

Từ
thời người Norman xâm lược cho đến thời chiến tranh kéo dài hàng trăm
năm với người Pháp, lâu đài Warwick đóng vai trò quan trọng trong lịch
sử và là ngôi nhà của các bá tước hùng mạnh xứ Warwick. Từ năm 1604, lâu
đài được vua James Đệ Nhất cấp cho Sir Fulke Greville. Lâu đài khi đó
đang ở trong tình trạng siêu vẹo, đổ nát và Sir Greville phải bỏ ra hàng
núi tiền để sửa chữa, trùng tu lại. Ông cũng biến lâu đài từ chỗ sặc
mùi binh đao thành nơi trú ngụ bình yên. Việc sửa chữa kéo dài đến năm
1617, vừa kịp để đón vua James Đệ Nhất đến thăm. Sir Greville cho xây
thêm một tòa tháp ở phía Nam của lâu đài để làm cổng bảo vệ khi có kẻ
thù đến bằng hướng bờ sông. Sir Greville cũng dọn về tòa tháp này để ở
hẳn.

Mặc dù Sir Greville được xem là một hiệp sĩ rất rộng lượng,
ông lại có một kết cục bi thảm. Vào năm 1628, trong một cuộc họp ở Luân
Đôn, Sir Greville đã tranh cãi rất căng thẳng với Ralph Haywood. Haywood
từng là một người hầu của Sir Greville và hắn đã thuyết phục mọi người
rằng Sir Greville không xứng đáng để nhận nhiều quyền lợi đến thế. Trong
lúc tranh cãi, hắn rút dao đâm Sir Greville và sau đó khi ý thức được
việc làm điên rồ, hắn tự đâm mình để tự tử. Sir Greville chưa chết ngay
mà bị thương và được đưa về lâu đài Warwick. Ông hấp hối tại lâu đài của
mình. Với vết thương quá nặng, ông chết một tháng sau đó.

Hồn ma hiện trên bức chân dung

Hồn
ma của Sir Fulke Greville được xem là không siêu thoát vì ông ra đi
không bình yên. Tương truyền ông nghĩ mình lẽ ra nên chết dưới tay kẻ
thù hơn là bị chính người hầu của mình sát hại. Thế là cho đến tận ngày
nay, hồn ma của ông vẫn còn lẩn quẩn trong tòa tháp ông ngụ trước khi
chết ở lâu đài Warwick. Theo lời của những nhân viên trông coi lâu đài,
hồn ma của ông hiện ra trên bức chân dung treo ở lò sưởi trong thư viện
và đi lòng vòng quanh các căn phòng. Những người quản lý lâu đài ngày
nay rất có óc sáng tạo, họ tổ chức các tour tìm gặp ma vào mùa Tảo mộ
(Halloween Ghost Tour), các tour đi săn trong khuôn viên lâu đài, các lễ
hội hóa trang theo dòng lịch sử, các buổi dã ngoại dành cho trẻ em với
các hoạt cảnh theo cổ tích… Lâu đài còn khuyến mãi giá vé vào cổng dành
cho cả năm là hai mươi bốn bảng Anh. Với nhiều hoạt động như thế, hồn ma
nào còn trú nổi trong lâu đài Warwick đây? Tuy vậy, nếu bảo tôi “qua
đêm” trên giường Sir Greville thì tôi cũng không có gan vì dù sao, tòa
lâu đài cũng rộng khủng khiếp và luôn có vẻ gì đó rất “ám khí”. Thôi thì
chẳng mong ở lại tòa tháp để diện kiến Sir Greville nên trời vừa sụp
tối là chúng tôi đã vội lên đường rảo bước ra ga, về với Birmingham sầm
uất.

Người Anh xem ra giàu trí tưởng tượng và biết cách marketing
các tour du lịch hơn hẳn dân láng giềng Pháp, Đức, Bỉ… xung quanh. Dù
rằng lâu đài hoang hay pháo đài với những truyền thuyết xác người chất
cao như núi nước nào cũng có. Chuyến đến thăm lâu đài ma Warwick là một
kỷ niệm vui, dù rằng thực lòng tôi không mong gặp hồn ma của Sir
Greville. Bạn biết không, bức chân dung treo ở lò sưởi trong thư viện
cho thấy ông không hề đẹp trai. Giá hồn ma ấy đẹp lồng lộng như hoàng tử
William thì cũng đáng. Tôi sẽ trốn lại trong tòa tháp một đêm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3