Venise và những cuộc tình Gondola - Phần 01 chương 12 - 13 - 14

Đến Provence nhớ Alphonse Daudet

Hồi còn
là sinh viên văn chương Pháp, tôi thích Alphonse Daudet và Saint
Exupéry. Hai tác giả này có lối hành văn dễ đọc (dành cho người nước
ngoài học tiếng Pháp), kết cấu truyện giản dị và có những triết lý sống
nhẹ nhàng. Đặc biệt đọc Alphonse Daudet, tôi như thấy cuộc sống hiền hòa
của nông thôn Pháp trước mắt mình, những chàng mục đồng, cối xay gió,
bầy cừu mũm mĩm, chú dê con ham chơi… (tập truyện ngắn Lettres de mon
moulin). Và một nhân vật khác là thợ săn sư tử Tartarin xứ Tarascon
(truyện dài Tartarin de Tarascon).

Alphonse Daudet và người Provence

Khi
đến Pháp lần đầu, được đặt chân ở vùng Provence, tôi nhất quyết phải
tìm đến những địa danh trong truyện của Alphonse Daudet. Nhà văn sinh ở
thành phố Nimes vào năm 1840, sau khi lên Paris làm việc rồi có dịp
về Provence, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm lấy bối cảnh vùng
miền Nam nước Pháp tươi đẹp này. Có thể nói Provence nhờ Alphonse Daudet
mà nổi danh, nhưng cũng nên nói ngược lại, chính nhờ vùng Provence tràn
ánh mặt trời và con người hồn hậu của miền đất này đã làm tài năng
Alphonse Daudet thăng hoa.

Trong suốt mùa hè năm 1866, các truyện
ngắn của ông được đăng nhiều kỳ liên tiếp trên báo L ‘Evènement, tính
cách ngộ nghĩnh của người Provence thế là được độc giả khám phá dưới
ngòi bút hài hước của Daudet. Họ thật đáng yêu dù bị châm biếm là “ngây
thơ cụ”, khôn vặt, thích huênh hoang, khoái “nổ” và có chất giọng “quái
dị như ngậm mặt trời trong họng”. Dạo đọc các tác phẩm của Daudet, tôi
luôn tò mò muốn gặp một người Provence xem có khôi hài đến thế không.
Sau này tôi quen khá nhiều người Provence và thăm thú cũng khá nhiều nơi
vùng Provence. Quả Daudet tả không sai, họ rất hồn hậu dù hay khoe
khoang, đặc biệt chất giọng “ngậm mặt trời” rất khó nghe nhưng cực kỳ
vui tai. Ai mới học tiếng Pháp chắc nghe “điếc con ráy”.

Người Provence có
tính hào sảng giống người Nam bộ của ta, họ hiếu khách và rộng rãi,
sống vui vẻ để tận hưởng những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời. Ít khi
tôi nghe họ càm ràm chuyện cơm áo gạo tiền hay ca cẩm về những vấn đề
chính trị-xã hội. Họ không thích người Paris vốn lúc nào mặt cũng cau
có, đụng một chút là đình công và biểu tình. Chơi với người Provence,
bạn sẽ luôn thoải mái; và sống trong nhà người Provence bạn cứ tưởng là
trong nhà mình. Không có bất kỳ sự khách sáo hay kiểu cách nào.

Thư từ cối xay gió

Nơi
đầu tiên tôi muốn thăm khi đến Provence là chiếc cối xay gió
Fontvielle. Sáng hôm đó trời rất đẹp, ve sầu kêu vang tai, chịFrance lái
xe đưa tôi đến thăm cối xay gió, nay đã là bảo tàng của nhà văn Daudet.
Nghe thì “xôm tụ” nhưng đến nơi mới thấy cối xay gió bé tẹo, đúng là
chỉ dùng xay bột trong thế kỷ thứ 19. Cối xay tuy vậy được trùng tu cẩn
thận, khách có thể leo lên chót vót trên cao, chạm vào hệ thống cối xay,
cánh quạt, máng nước, bánh xe…

Khách du lịch khắp nơi vì yêu
Daudet và tập truyện Thư từ cối xay gió nên tìm đến với cối xay gió
Fontvielle khá nhiều. Họ còn muốn thấy tận mắt con dê của
ông Seguin (một nhân vật trong tác phẩm của Daudet) và có khi phòng Du
Lịch Provence cho cột một con dê xinh xinh quanh quẩn bên cối xay gió
cho khách tha hồ trầm trồ. Họ như cảm nhận được các nhân vật dễ thương
của Daudet vẫn còn đây, xuyên bao thế kỷ, vượt mọi cách trở giữa hiện
thực và trí tưởng tượng. Tôi thấm thía, văn học từ đời sống mà thành,
nhưng cũng chính văn học đã trở lại với cuộc đời thông qua ngòi bút hồn
nhiên của một nhà văn tài năng.

Rời cối xay gió, chị France tiếp
tục lái xe đưa tôi đến Tarascon, nơi có tòa lâu đài trứ danh của chàng
thợ săn Tartarin luôn hăm hở tìm được sư tử oai hùng.

Chàng thợ săn Tartarin xứ Tartascon

Tôi
đọc Chàng thợ săn Tartarin xứ Tarascon bằng tiếng Việt do ba tôi mua
tặng năm tám tuổi. Khi đó tôi chưa thấy hết cái khôi hài và châm biếm mà
Daudet gởi gắm. Nhưng sau này, khi đã là sinh viên và đọc tác phẩm bằng
nguyên tác tiếng Pháp, nhân vật Tartarin hiện ra quá buồn cười và cái
vùng Tarascon cũng sở hữu nhiều nhân vật ngộ nghĩnh quá.

Thành phố
Tarascon ngày nay vẫn còn lưu giữ những giá trị văn học, truyền thuyết
và cổ tích của mình. Trong những thế kỷ đầu, nơi đây là cái nôi của văn
học và kịch nghệ. Thành phố Tarascon có một nhân vật truyền thuyết, gọi
là con Tarasque, một quái vật dữ dằn sống dưới sông Rhône. Nhưng nữ
thánh Marthe đã dùng tài trí và sự dũng cảm của mình để cảm hóa một cách
tài tình con Tarasque này. Ngày nay, khách đến Tarascon vẫn còn thấy
đền thờ nữ thánh Marthe nằm gần lâu đài của lãnh chúa René, và cả tượng
của con quái vật Tarasque trong như một “con rùa biến thái”, rất ngộ
nghĩnh.

Thành phố Tarascon nhờ nhà văn Alphonse Daudet, còn có
thêm một nhân vật tưởng tượng khác, đó là chàng Tartarin. Lâu đài
Tarascon nằm bên dòng sông Rhône là một dạng lâu đài - pháo đài (château
fort). Lâu đài to “vật vã”, trông “khủng bố” và không được nên thơ tí
nào. Dạng lâu đài - pháo đài này khi xưa được xây với mục đích chống lại
quân thù nên rất kiên cố, có hào nước bao quanh, có cầu gỗ rút lên khi
cần cô lập với quân địch và có nhiều bệ đặt súng ống. Mặc dù sặc mùi
chiến trận, lâu đài Tarascon là một trong những nơi được bảo trì tốt
nhất và được xem là khá đẹp do nằm ở ngay bên dòng Rhône xanh ngát. Lâu
đài ngày nay được dùng làm bảo tàng trưng bày về nhân vật Tartarin với
bức tượng sáp của ông, bộ lông con sư tử và những vũ khí săn bắn cổ xưa,
mô phỏng theo truyện của Alphonse Daudet. Khách du lịch đến thăm quan
lâu đài Tartascon khá đông, coi như vừa được khám phá thế nào là một lâu
đài - pháo đài, thế nào là Tartarin khoái “nổ văng miếng”. Tôi leo lên
tầng cao nhất của lâu đài, đứng ngay chỗ ngày xưa các chiến binh đặt vũ
khí chĩa ra ngoài thành. Mặc dù vậy, tôi không có cảm giác chiến trận
bởi trước mắt tôi là dòng sông Rhône xanh ngát đầy bình yên.

Đến Provence nhớ
Alphonse Daudet, tôi còn nhớ thêm nhà văn Marcel Pagnol với các tác
phẩm lâu đài của mẹ tôi và vinh quang của cha tôi, cũng lấy bối cảnh
vùng miền nam nước Pháp ngập ánh mặt trời này. Người Pháp yêu văn chương
và trân trọng các tác giả. Và vì thế, kho tàng văn học thế giới có một
phần đóng góp thật đồ sộ của văn học Pháp.

 

Gordes: ngôi làng ấm áp

Tôi
đến Gordes, một trong những ngôi làng độc đáo nhất nước Pháp vào một
ngày hè nắng vàng rực rỡ. Marie-Christine và cô con gái nuôi gốc
Việt Nam khi đó mới bốn tuổi đã dành cho tôi nhiều ưu ái khi chở tôi đến
đây. Gordes quá tuyệt, từ xa ngôi làng nép mình thu lại thật gọn trên
một ngọn đồi. Những ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng đá, nằm theo một
trật tự xoắn ốc, phía trên đỉnh đồi là lâu đài cổ, nay trở thành tòa thị
chính.

Mềm mại những ngôi nhà đá

Đến gần hơn, Gordes hiện
ra như một giấc mơ. Những ngôi nhà đá với các huyền thoại ngàn năm tuổi,
những con hẻm nhỏ hẹp, những vách đá cheo leo, những giàn hoa rực màu
nắng bám chặt những bức tường… Những ngôi nhà ở Gordes không chỉ xây
bằng đá, mà chúng còn được sinh ra từ đá do bàn tay công phu của con
người đẽo gọt nên.

Vào làng, không một chiếc xe hơi nào được tiếp
nhận. Mọi người di chuyển bằng những bậc thang, những dốc đá, những hẻm
hẹp. Tất cả những cánh cửa đều làm bằng gỗ, hoặc có màu tự nhiên thâm
trầm, hoặc được dân làng sơn màu xanh, màu đặc trưng của miền Nam nước
Pháp. Xen giữa những ngôi nhà cao bằng đá là cây cối xanh um và những
bông hoa rực rỡ sắc màu vì luôn được mặt trời yêu thương sưởi ấm quanh
năm.

Tôi đi bộ thong thả để ngắm nhìn thật gần từng viên đá của
những dãy nhà, bước chậm từng bậc thang bón loáng màu thời gian, nghe
trong gió tiếng những chú ong vo ve và hít căng lồng ngực hương mùa hè
thơm lành. Cuộc sống ở Gordes theo tôi hình dung chỉ toàn những phút
giây bình lặng. Hoặc người ta có thể toan tính ở ngoài nhưng một khi
bước chân về làng, chỉ cần vài phút đi bộ về tổ ấm, cuộc sống thật tươi
đẹp biết bao. Thật khó tưởng tưởng ai đó sở hữu ngôi nhà tạc từ vách đá
cheo leo này lại có một cuộc đời giông bão. Hãy đứng nhìn xuống thung
lũng xanh rì phía dưới, bắc ghế ngồi giữa những dây leo đầy hoa, nghe
tiếng ong bướm trò chuyện râm ran và để làn da trần được mơn trớn dưới
ánh nắng ấm áp. Thiên nhiên và con người như hòa quyện vào nhau, đá và
hoa, nắng và gió. Thật lạ, tại ngôi làng bằng đá, tôi thấy lòng mềm mại.
Cảm giác lâng lâng khó tả nên lời.

Những căn chòi đá xếp


hơi mệt vì leo cao, tôi cũng chẳng hề phàn nàn khi lên đến đỉnh làng
Gordes, nơi tòa thị chính là một lâu đài đá nằm chênh vênh cùng thời
gian. Lên đến vị trí này, đã thấy khá nhiều shop bán hàng lưu niệm và
quán giải khát. Nhưng thật tuyệt, mọi thứ đều được quy hoạch sao cho
cuộc sống hiện đại và công nghiệp du lịch không làm ảnh hưởng đến hồn đá
nơi đây. Khách thập phương cũng thật biết điều, chẳng ai ăn to nói lớn,
vứt rác lung tung hay có những hành động phi văn hóa.

Marie
Christine đề nghị mua kem cho tôi ăn, nhìn vào bảng giá, tôi chỉ món nào
rẻ nhất làm cô bật cười. Cô bé Titi bốn tuổi cũng thật ngoan, nó nhí
nhảnh ngồi trên đùi tôi mút kem dâu. Chúng tôi thong thả ăn kem lạnh,
nhìn xuống thung lũng xanh ngắt bên dưới ước gì có đôi cánh chao liệng
như chim. Nhưng không nên quá lười biếng, ăn kem xong chúng tôi lại tiếp
tục đi xuống đồi bằng con đường khác. Cũng xuyên qua làng, cũng len lỏi
vào những con hẻm nhỏ, cũng có bướm và hoa. Nhưng cảnh vật có sự đổi
khác, không hề rập khuôn và nhàm chán.

Dưới chân đồi, vẫn thuộc
địa phận làng Gordes, là một ngôi làng nhỏ khác có tên Bories. Nơi đây
có những căn chòi hoàn toàn bằng đá. Trông ngộ nghĩnh như những ngôi nhà
mái tròn, thấp bé của người Esquimo. Nhưng thay vì được xếp lại bằng
những tảng băng, những căn chòi này được xếp bằng đá, thuần túy không có
chút vật liệu công nghiệp nào. Những viên đá được chọn lựa theo những
kích thước thích hợp tùy vào độ cao của căn chòi, hoặc được mài giũa sao
cho chúng nằm khít bên nhau, gắn kết và tồn tại qua mấy chục thế kỷ.
Những căn chòi đá này ngày nay không ai ngụ vì thật không thoải mái
trong một nơi nhỏ bé, nhưng số lượng du khách ghé đến chiêm ngưỡng hàng
ngày rất đông đúc.

Yêu thương và trân trọng

Tổ tiên đã dày
công tọa nên một ngôi làng xinh đẹp hàng ngàn năm tuổi tuyệt vời, người
dân Gordes càng biết trân trọng và tận hưởng gia tài vô giá để lại cho
mình. Họ đặc biệt yêu nơi chốn của mình và ra sức giữ gìn ngôi làng tổ
tiên theo một cách riêng, sao cho hàng năm lượng khách du lịch tăng lên
mà vẫn giữ được nét thiên nhiên của làng. Họ làm được điều đó nhờ biết
hướng dẫn cho khách cùng trân trọng di sản: các tấm bảng chỉ đường ghi
rõ ràng, những dòng chữ dặn dò hãy giữ yên tĩnh, các nhà vệ sinh công
cộng luôn sạch sẽ, các thùng rác đặt tế nhị dọc lối đi… Ngoài ra, dân
làng còn đi rảo khắp nơi nhằm giúp đỡ khách và tiện thể dò xem có ai gây
tác hại gì đến Gordes.

Nhờ cách làm du lịch bài bản và lịch sự,
khách đến với ngôi làng đặc trưng vùng Provence của miền Nam nước Pháp
hầu hết đều có thái độ tôn trọng. Họ là những nhóm gia đình, đoàn thể,
học sinh từ các nước châu Âu lân cận hay nước Mỹ xa xôi. Hoặc cũng có
khi là một đôi vợ chồng mới cưới trên chiếc xe rong ruổi hưởng tuần
trăng mật. Và họ cũng có thể chỉ là một cô gái Việt Nam như tôi, một
sáng mùa hè đi thưởng ngoạn.

 

Trên cầu Avignon

Hồi nhỏ học tiếng Pháp, tôi được dạy bài dân ca Trên cầu Avignon (Sur
le pont d’Avignon) với tiết tấu rất vui nhộn. Bài hát tả cảnh người dân
cùng khiêu vũ trên cầu rất thân thiện và chan hòa. Sau này có dịp đi
Pháp, tôi quyết chí đến Avignon để tự mình nhảy nhót trên chiếc cầu này.
Đến nơi, tôi bất ngờ nhận ra, chiếc cầu chỉ là một phần rất nhỏ trong
tổng thể thành phố Avignon thật xinh đẹp.

Tường thành bao quanh

Thành
phố Avignon nằm ở miền nam nước Pháp, nắng quanh năm dù vào mùa đông
nhiệt độ xuống thấp và có cả tuyết rơi. Nơi đây đặc biệt nổi tiếng với
cơn gió mistral nhưng dù đã đến Avignon ba lần, chưa lần nào tôi chứng
kiến sự “lộng hành” của gió như nhiều người trải qua. Bao quanh thành
phố là một bức tường thành tuyệt đẹp, cao chừng hai mươi mét, được chạm
trổ bên trên thật công phu. Bức tường thành như muốn chứng tỏ chút uy
quyền Avignon là nơi các giáo hoàng trú ngụ. Gia đình Alain - Pascale
người quen của tôi ở ngay tại trung tâm thành phố. Alain vốn sinh ra và
lớn lên tại Avignon. Alain rất tự hào dắt tôi đi tham quan thành phố
nhiều công trình hoành tráng và xinh đẹp của mình. Ngôi nhà của ông nằm
sát bên một góc tường thành đã được xây từ ngàn năm nay. Lối đi trên
tường thành được lót đá cổ xưa, đi dạo thong dong trên đó thật thú vị.
Vào ngày hè đẹp trời, khách du lịch mua tour để leo lên chiếc xe lửa mui
trần thiết kế nhỏ xinh rong ruổi khắp tường thành.

Cung điện các giáo hoàng (Palais des Papes)

Cung
điện các giáo hoàng là linh hồn của Avignon. Tòa lâu đài lộng lẫy kéo
dài thành một quần thể rộng lớn, là nơi các giáo hoàn nói riêng và giới
tăng lữ nói chung trú ngụ và phụng sự Chúa. Đặc biệt, vào đầu thế kỷ thứ
14, khi có xung đột tôn giáo giữa Ý và Pháp, vua Philippe Le Bel của
Pháp đã làm áp lực, “bắt cóc” nguyên cả giáo hội từ Ý phải về Avignon và
mãi đến 70 năm sau mới được dời về lại Ý. Do đó,
ngoài Vatican, Avignon là nơi duy nhất trên thế giới chứng kiến bảy đời
giáo hoàng sống, làm việc và “về với Chúa”. Vốn dĩ giới tăng lữ rất được
xem trọng nên các giáo hoàng đã cho xây cung điện tại Avignon thật
hoành tráng. Nhờ vậy, dân Avignon càng tự hào hơn về thành phố của mình,
bởi nơi đây có đến hai di sản văn hóa thế giới, gồm cung điện các giáo
hoàng và cầu Avignon.

Cầu Avignon

“Trên cầu Avignon, chúng
ta khiêu vũ. Trên cầu Avignon, chúng ta cùng nhảy theo vòng tròn. Những
quí ông nhảy như thế này, Những quí bà nhảy như thế này…”. Đó là lời bài
dân ca vui nhộn những ai học tiếng Pháp đều phải biết. Và nhờ bài dân
ca này, cây cầu Avignon trở thành một đại sứ quảng bá cho quê hương
mình.

Hổi nhỏ, tôi cứ thắc mắc “nhảy như thế này” là nhảy như thế
nào? Không một cô giáo nào giải thích được, cuối cùng, có ai đó nói bừa:
“Ở Avignon người ta nhảy theo một kiểu riêng, khi nào lớn có dịp
đến Avignon con sẽ thấy!”. Thế rồi giờ đây, đứng trên cây cầu Avignon,
tôi cứ ngỡ mình đang là một cô bé mười tuổi. Nhưng nhảy nhót trên cầu đã
là chuyện của những thế kỷ trước. Alain bật cười khi thấy tôi ngơ ngẩn
đứng trên cầu nhìn xuống sông sâu.

Chiếc cầu trứ danh được xây
dựng từ thế kỷ thứ 15 với 22 nhịp nay đã không còn. Trải qua những trận
lũ lụt, sông Rhône đã cuốn phăng một đoạn cầu dài để rồi giờ đây,
cầu Avignon chỉ còn vỏn vẹn bốn nhịp ít ỏi. Tuy vậy, bề ngang của cầu
vẫn còn rất dày và một đoạn cầu ngắn ngủi đó cũng khiến UNESCO chọn làm
di sản văn hóa thế giới. Ngày nay, tuy cầu không còn làm nhiệm vụ bắc
ngang sông nhưng một đoạn cầu vẫn còn rất bề thế, khách du lịch tha hồ
đứng trên đó chụp hình thoải mái. Cầu Avignon xuất hiện rất nhiều trên
những tấm bưu thiếp và cũng nhờ mua bưu thiếp, tôi phát hiện rằng cầu có
tên thật là Saint Benezet.

Thành phố nghệ thuật

Những ai
làm trong lĩnh vực kịch nghệ hẳn luôn mong được đến Avignon vào dịp
festival sân khấu quốc tế hằng năm tổ chức vào cuối hè. Khắp nơi không
khí kịch nghệ tưng bừng với các tấm bích chương, cớ phướn, những buổi
kịch diễn ngoài trời và trong các sân khấu. Các loại hình kịch trên thế
giới đều được quy tụ và năm nào Việt Nam mình cũng được mời tham dự.
Alain khoe với tôi ông từng xem “tuồng”, “chèo”, “múa rối nước”, “múa
cung đình” tại Avignon. Ông tự hào nói rằng có thể tại Việt Nam tôi
không còn dịp xem những loại hình sân khấu này, nhưng ông lại được mục
sở thị tại Avignon. “Đây là thành phố nghệ thuậ mà!”, Alain gật gù khoái
chí, “cả thế giới đều đến Avignon và đắm mình vào nghệ thuật kỳ ảo”.


đã đến Avignon những ba lần, tôi biết rằng mình sẽ không ngần ngại lại
ghé qua nếu có dịp. Thành phố quá xinh đẹp, cổ kính nhưng luôn có hơi
thở đương đại. Và nhất là, ở đó tôi có gia đình thân thiện của
Alain-Pascale luôn mở rộng cửa đón chào.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3