Venise và những cuộc tình Gondola - Phần 01 chương 10 - 11

Rennes: thành phố của những quảng trường

Năm 2000 tôi đến Rennes tu nghiệp trong tòa soạn Ouest France,
tờ nhật báo có số phát hành cao nhất nước Pháp (800.000 bản). Tôi trọ
trong cư xá dành cho giới trẻ đi làm gần trung tâm thành phố (Foyer des
Jeunes Travailleurs). Cư xá cho người trẻ, tức là nơi có những tiện nghi
tối thiểu nhất: phòng rộng chưa tới ba mét vuông, đủ để một chiếc
giường đơn, một cái bàn và một phòng tắm. Nhà bếp, phòng ăn, phòng xem
ti-vi, phòng khách, tất cả đều dùng chung. Khái niệm trẻ ở những nước
châu Âu có nghĩa là năng động, tự do, khỏe mạnh và… nghèo. Tôi rõ ràng
vẫn còn trẻ nhưng hình như chỉ giống được thanh niên người ta ở khoản
nghèo nên đành ở trong cư xá này.

Trong suốt ba tháng trời
ở Rennes, tôi rất ghét ở nhà, cảm thấy mình như đang ở tù và căn phòng
tí hon đó làm tôi ngộp thở. Trong cái rủi có cái may, tôi rong chơi nát
các con đường, tôi window-shopping khắp các cửa hàng lớn nhỏ, tôi bắt xe
bus đến những vùng làng mạc và các cánh rừng ngoại ô. Và không biết từ
lúc nào, ác cảm ban đầu ở một thành phố xa lạ đã nhường cho những tình
cảm thân thương. Những cơn gió thu làm trút bao lá vàng, những hạt mưa
làm mờ cả phố xá, những quảng trường nhỏ xinh, những căn nhà cổ bằng gỗ
nâu trầm mặc, những ngọn giáo đường, tiếng chuông ngân vang…

Sông La Vilaine

Rennes là
thủ phủ của vùng Bretagne, là một trong mười thành phố phát triển và
đông dân nhất nước Pháp. Thế nhưng đến Rennes, tôi không có cảm giác
chộn rộn, đông đúc, náo nhiệt. Thành phố giữ lại cho mình vẻ tự chủ,
năng động nhưng chừng mực, bận rộn mà thong thả, sầm uất mà bình yên. Để
tiết kiệm tiền đi xe bus, sáng sáng tôi cầm dù, thong dong rảo bước một
đoạn đường dài ba mươi phút trong tiết trời thu Bretagne. Có ngày mưa,
có ngày trời xám xịt và có ngày hiếm hoi với những dải nắng vàng. Tôi
băng qua một chiếc cầu, những con đường huyết mạch, để tiến vào trung
tâm. Thành phố vào các giờ cao điểm cũng kẹt xe ít nhiều nhưng vẻ bình
lặng của Rennes vẫn là điều đáng mơ ước so với những thành phố lớn khác ở
Pháp.

Tòa soạn báo Ouest France là một ngôi nhà cổ, nằm trên
đường Pré Botté, ngay giữa trung tâm Rennes. Tòa soạn cũng là một trong
những địa điểm tham quan du lịch vì báo Ouest France là niềm tự hào của
thành phố vốn rất mê báo chí. Con sông La Vilaine chảy vắt qua thành phố
thật êm đềm, những dãy nhà hai bên bờ kè đều tăm tắp, những bồn hoa
được chăm chút cẩn thận trang hoàng cho con sông thêm duyên dáng. Sông
chia thành phố ra hai bên bờ nam với những hoạt động nghệ thuật. Song
song với bờ kè của sông Vilaine là những dãy phố được cắt ngang bởi
những quảng trường và những tòa nhà cổ. Từ ngay những ngày đầu ở Rennes,
tôi đã không khi nào đi lạc dù thành phố khá rộng. Các con phố cứ đan
xen nhau như hình bàn cờ, đi đâu rồi cũng qui về những quảng trường, và
sau đó là bờ sông La Vilaine.

Những quảng trường độc đáo.

Các
quảng trường ở Rennes rộng vừa phải, khá nhiều cho một thành phố, cứ
vài dãy nhà là lại gặp một quảng trường chào đón nồng nhiệt. Tuyệt vời
nhất là quảng trường Tòa Thị Chính, và dĩ nhiên Tòa Thị Chính nầm ngay
đấy là tâm điểm của phong cách kiến trúc cổ. Tòa nhà hành chính này được
xây từ năm 1720 bằng đá granit với tháp đồng hồ nằm ngạo nghễ bên trên.
Đối diện với tòa thị chính là Nhà hát thành phố, cũng có lối kiến trúc
cổ Gothic. Xung quanh quảng trường là vài quầy hàng rong duyên dáng
trong các xe đẩy nhỏ xinh bán trái maron nướng, hạt dẻ luộc, kem đủ màu,
bong bóng bay lơ lửng… Những chiếc ghế đá đặt trật tự ven đó là nơi cho
mọi người hẹn hò. Tôi cũng hẹn vài người bạn mới quen tại đây vào những
sáng chủ nhật để cùng nhau đi bát phố. Ngước lên nhìn đồng hồ xem giờ
rồi thong thả mua vài hạt dẻ thơm thơm cùng ăn.

Quảng trường Cộng
Hòa với tòa nhà thương mại được xây từ thế kỷ mười chín cũng ấn tượng
không kém, trải rộng, hoành tráng và sang trọng. Quảng trường Hoche cách
đấy không xa là nơi dành cho giới sinh viên bởi trường Đại học Rennes,
trung tâm hội nghị, văn phòng du lịch và nhà ăn sinh viên nằm kề sát.
Cùng với một cô bé sinh viên báo chí thực tập trong tòa soạn, mỗi trưa
chúng tôi đi bộ đến đây, ăn suất cơm sinh viên được nhà nước trợ giá,
quá rẻ mà lại no nê, đủ chất và sạch sẽ. Chẳng ai hỏi thẻ sinh viên hay
bất kỳ giấy tờ gì, nhất là trông mặt tôi còn non hơn cả sinh viên năm
nhất. Rennes cũng được xem là thành phố đại học với các trường công uy
tín và tổng cộng khoảng sáu chục ngàn sinh viên.

Mỗi chiều sau giờ
làm việc, tôi thích lang thang đến quảng trường Des Lices, nơi có khu
chợ thức ăn tươi, hoa quả, cá sống… Chợ có mái che này cũng là một khu
vực cổ, được xây từ năm 1871, rộng rãi, quy củ và vệ sinh. Cũng tại
quảng trường này, mỗi sáng thứ bảy người ta còn họp chợ ngoài trời, bán
đủ thứ hàng đa dạng, từ quần áo, thức ăn, rau củ, đến các thức ăn nóng
trong những xe kéo. Chợ có quy mô lớn nhất thành phố Rennes và các tỉnh
lân cận nên mỗi sáng thứ bảy cảnh mua bán diễn ra rất tấp nập và nhộn
nhịp.

Gần đấy, quảng trường Champ du Jacquet tuy nhỏ nhưng lại là
một trong những nơi độc đáo của thành phố với những ngôi nhà cổ bằng gỗ
nâu, mặt tiền nhà được trang trí bằng những thanh gỗ kẻ sọc dọc ngang lạ
mắt, cao tối đa ba tầng, có mái bằng đá ardoise đen. Những căn nhà gỗ
là vết tích còn sót lại của một thành phố vốn được rừng bao quanh. Kiến
trúc cổ của những căn nhà từ thế kỷ thứ mười bảy này đã bị một trận hỏa
hoạn thiêu rụi và phá hủy hơn chín trăm căn nhà vào ngày 23-12-1720. Vì
thế, những ngôi nhà cổ còn sót lại này đều là di tích lịch sử và văn
hóa, ngày nay được dùng làm nhà hàng sang trọng. Sát bên, quảng trường
Raillier du Baty cũng còn vài căn nhà gỗ sọc, các quán nước nằm tràn ra
ngoài trời, nhạc trẻ rộn ràng trong quán vang ra náo nức.

Những con phố nhỏ xinh và các viện bảo tàng

Cùng
với những quảng trường, các con phố nhỏ xinh lót đá dành cho người đi
bộ là nơi tôi ngày ngày dạo bước trong tiết trời thu lành lạnh. Tôi
thích nhất phố Saint Michel còn được người dân ở Rennes gọi là “Phố
khát” (Rue de la soif). Phố dành để giải quyết nhu cầu được uống của
người đang khát với dày đặc các quán nước trái cây, quán bia, quán cà
phê, quán kem… Những ngày trời ấm với chút nắng vàng, các dãy ghế được
bày tràn ra vỉa hè và con phố trở thành địa điểm hẹn hò. Mọi người nói
cười xôm tụ, uống tràn bọt những ly bia và tươi tắn cùng ngắm khách bộ
hành qua lại. Những cô cậu sinh viên sau giờ học cùng tấp vào, tạo cho
con phố vẻ trẻ trung thật đáng yêu.

Phố Nationale lại là nơi tôi
có thể shopping với những cửa tiệm bán đĩa nhạc, sách vở và quần áo thời
trang. Tiệm nào cũng được tôi đến viếng nhiều lần và vì thế, hàng hạ
giá bị tôi lùng sục không thoát nổi. Tất cả những hiệu nổi tiếng của
Pháp và châu Âu đều có mặt tại Rennes nên tôi tha hồ chọn lựa. Chọn chán
rồi không mua cũng chẳng sao hoặc mua rồi đem trả cũng vẫn được. Phố
Saint Georges và Gambetta thì cho tôi khung cảnh thiên nhiên tươi vui
với hồ bơi Saint Georges, dinh Saint Georges trải rộng vương giả và vườn
hoa lộng lẫy bên ngoài.

Ở bờ nam con sông Vilaine là các bảo tàng
nghệ thuật thuộc hàng quốc gia mở cửa chào đón khách quanh năm. Nào là
bảo tàng nghệ thuật tranh tượng, bảo tàng vùng Bretagne, bảo tàng truyền
hình, bảo tàng trình diễn… Các bảo tàng đón khách miễn phí và là nơi tổ
chức những sự kiện văn hóa cho thành phố như lễ hội âm nhạc, lễ hội
“Thành phố đêm”, lễ hội du lịch… Trong mấy tháng lưu lại Rennes, tôi may
mắn dự các lễ hội này, mọi người từ già đến trẻ đều cùng tham gia hào
hứng và vui chơi trong trật tự. Các quán giải khát mở cửa thâu đêm, các
ban nhạc cống hiến trọn vẹn cho khán giả tại khắp các quảng trường trong
thành phố.

Công viên Thabor và rừng ven thành phố

Nhắc
đến Rennes, người ta không thể bỏ quên một địa điểm thân thương và trong
lành. Đó là công viên Thabor rộng lớn với các loại cây cổ thụ, cây cảnh
và hoa phong phú nhiều chủng loại. Những ngày nắng ấm công viên tràn
ngập các em bé tung tăng nô đùa, những gia đình trải đồ cùng ăn picnic,
các ông bà già chống gậy dạo vòng quanh. Muốn đi xa hơn thì
rừng Rennes bao quanh thành phố là nơi người ta có thể dạo chơi vào
những ngày cuối tuần. Rừng tuy nhỏ và nằm gần thành phố đông dân cư
nhưng do ý thức bảo tồn thiên nhiên cao, rừng vẫn có các con thú trú
ngụ. Thảng hoặc những chiếc xe bus chạy ngang qua những con đường mòn
cắt ngang rừng, người ta vui mừng thấy những chú sóc chuyền mình trên
cao, những con nai ngơ ngác ngước mắt nhìn ra và cả một gia đình nhím
nối đuôi nhau đi.

Thành phố Rennes hiện đại mà cổ kính, công
nghiệp mà hòa mình với thiên nhiên, phát triển mà vẫn tôn trọng những
giá trị truyền thống. Truyện ngắn Một mùa thu ở Rennes (trong tập Bồ câu
chung mái vòm) được tôi viết trong một đêm nhớ Rennes cùng những cơn
mưa mờ phố. Sau đợt tu nghiệp đó, khi đi du học ở Bỉ, tôi đã kiên trì
ngồi xe lửa cả ngày trời để quay lại Rennes nhiều lần thăm bạn bè. Thành
phố luôn giữ lại những gì tốt đẹp nhất và vẫn không ngừng tiến lên phía
trước.

 

Saint Rémy de Provence dưới ánh mặt trời

Tôi
đến ngôi làng Saint Rémy vào một buổi sáng mùa hè đẹp trời. Nắng chiếu
vàng óng ả xuyên qua những kẽ lá. Xe chạy ngang qua một cánh đồng hoa
hướng dương đẹp rực rỡ, những con ve sầu râm ran ca, gió dịu mát làm
tung bay những sợi tóc.

Trong khung cảnh thần tiên hạ giới đó, cảm
hứng cho truyện ngắn Diên vĩ Provence (trong tập Bồ câu chung mái vòm)
đã hình thành. Saint Rémy được bầu chọn là một trong những ngôi làng đẹp
nhất nước Pháp, nằm ở vùng Provence ấm áp đầy ánh mặt trời. Ngôi làng
đặc trưng của Provence nói riêng và của miền Nam nước Pháp nói chung,
được khách du lịch tìm đến bởi nhiều lý do.

Van Gogh và hoa diên vĩ

Với
riêng tôi, lý do đầu tiên do tôi muốn tận mắt xem cảnh vật trong tranh
của Van Gogh ngoài đời thật. Này là bức hoa hướng dương, này là các bức
tranh với toàn màu vàng làm chủ đạo vẽ các nông dân đang vụ mùa, này là
các bức phong cảnh với những cánh đồng lúa mì trĩu hạt, này là những ngõ
nhỏ, những chiếc cửa sổ xanh, những viên đá lát đường xám của ngôi làng
Saint Rémy. Và quả thật, tôi đã không thất vọng nếu không muốn nói là
cảnh thật còn đẹp hơn gấp mấy lần.

Nắng mặt trời là một “đặc sản”
làm nên màu vàng óng ả của ngôi làng nhỏ, nắng chiếu vào những cánh cửa
màu xanh da trời, vào dàn dây leo xanh rợp bám dày những bức tường đá
cổ, vào những chậu hoa rực rỡ luôn có lũ bướm lượn lờ bên trên. Vì ngôi
làng luôn có nắng mặt trời dù vào mùa đông, vẻ cổ kính không hiện lên
qua những nét rêu phong. Chính những ngôi nhà nhỏ bằng đá vôi vàng,
những cửa sổ xanh xanh, những ngõ nhỏ uốn lượn, những bồn phun nước gắn
vào tường là linh hồn của ngôi làng Saint Rémy. Vẻ thanh bình, ấm áp,
đẹp rộn ràng của làng đã giữ chân người họa sĩ tài hoa Van Gogh ở lại.
Ông đắm mình trong ánh nắng vùng Provence, chìm vào những cánh đồng hoa
hướng dương, những bông lúa mì thơm lựng, trong tiếng ca hát của ve sầu.
Và trên hết, ông được dân làng, những người nông dân mộc mạc, nhiệt
tình, hào phóng và tốt bụng chở che.

Trong suốt thời gian lưu lại
Saint Rémy (từ 8-5-1889 đến 16-5-1890), Van Gogh đã vẽ hơn 150 bức tranh
nhiều thể loại. Những người nông dân là đối tượng được họa sĩ quan tâm
nhiều nhất. Những con người hồn hậu của miền Nam nước Pháp trong tranh
ông hiện ra thật gần gũi, họ hăng say lao động trên cánh đồng, họ rạp
mình gặt lúa mì, họ cày bừa cùng những chú ngựa, họ nghỉ ngơi bên đống
rơm vàng… Phong cảnh làng Saint Rémy với những bức tường phủ đầy dây
leo, những ngõ nhỏ thanh vắng, những bậu cửa sổ xanh, những bông hoa
hướng dương, những chú ve sầu… tất cả đều toát lên vẻ thanh bình, giản
dị mà vô cùng quyến rũ. Đây là thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của họa sĩ
dù rằng ông đang chịu đựng căn bệnh trầm cảm và phải trú trong bệnh
viện để sáng tác. Sau khi rời Saint Rémy, chỉ hai tháng sau là Van Gogh
qua đời. Hiện nay làng vẫn còn giữ vài bức nổi tiếng trong loạt tranh
này của ông và luôn xem ông là đứa con của Saint Rémy de Provence.

Những khu chợ rực rỡ


do thứ hai Saint Rémy hút khách là những khu chợ thật đặc trưng
vùng Provence. Chợ được họp đông nhất vào thứ tư hàng tuần, chiếm một
diện tích khá rộng trong quảng trường của làng, trong các ngõ hẹp, trong
những góc khuất. Nhắc đến chợ, người Việt Nam thường có cảm giác bẩn và
sặc mùi. Nhưng chợ ở Saint Rémy không những sạch sẽ, đầy màu sắc mà còn
thơm tho nữa.

Hàng hóa phần lớn là các sản vật của vùng. Tôi
thích nhất là chợ bán vải. Thứ vải vùng Provence với những họa tiết xinh
xắn như trái ô-liu, hoa hướng dương, ve sầu, mướp đỏ… Màu vải thật đa
dạng nhưng luôn là sắc nóng như vàng tươi (màu hoa hướng dương), xanh
nõn (màu ô-liu), đỏ hồng (màu mướp đỏ), tím hoa cà (màu hoa oải hương)…
Vải được dệt giống như cotton nhưng cứng hơn và bền hơn rất nhiều. Người
ta mua thứ vải này về làm khăn trải bàn, khăn ăn, màn cửa và đặc biệt
là để may váy xòe. Váy thường có ba tầng, mỗi tầng là một mô-tip khác
nhau nhưng đều rất hài hòa. Chiếc váy xòe sặc sỡ màu nắng
của Provence cũng đặc biệt như chiếc váy kẻ sọc xếp pli của Scotland.
Tôi mua cho mình hai chiếc và về sau này dù ở Việt Nam hay đi nước
ngoài, mỗi lần tôi diện vào đều có người nhận ra: “À, Provence!”.

Ngoài
chợ vải, tôi còn mê chợ hương liệu với các loại nước hoa và xà bông
thiên nhiên. Loại hương được khách du lịch chọn lựa nhiều nhất là oải
hương (lavande). Gốc của từ “lavande” là động từ “laver”, tức là giặt
rửa. Hoa oải hương được dân Provencedùng làm nước xả vải cho quần áo,
chăn mền, màn cửa sau khi giặt. Vì thế, trong nhà thường có được mùi
hương thiên nhiên. Xuất thân “bình dân”, giúp việc cho các bà nội trợ là
thế, nhưng ngày nay hoa oải hương được dùng làm hương liệu sản xuất
nước hoa, các loại dầu ướp trong tủ, các loại hương trong các sản phẩm
gia dụng. Cũng cần nói thêm hoa oải hương tuy được yêu thích, nhưng đây
không phải là một mùi hương sang trọng, kiểu giống như lại của
Việt Nam mà thôi. Hoa oải hương cũng không có kiểu dáng đặc biệt, chỉ
như những nhánh lúa trĩu hạt màu tím hoa cà, mọc dày cả cánh đồng
vùng Provence. Trong khu chợ ở Saint Rémy, hoa oải hương được tuốt ra
bán thành từng vốc. Hoặc hoa được bỏ vào trong túi bằng loại
vải Provence, cột nơ lại, dành cho khách du lịch mua về ướp trong tủ
quần áo. Các túi vải nho nhỏ bằng bàn tay chứa hoa oải hương là một món
quà không thể thiếu khi mọi người tìm đến chợ. Mùi hương có thể lưu lại
khá lâu, chừng vài ba tháng và có khả năng thu hút côn trùng, nên dân
Provence khuyên khách du lịch chỉ nên bỏ túi hoa vào trong tủ đóng kín
và đừng nên bày ra ở những chỗ trước gió như bậu cửa sổ, lan can, hành
lang.

Chợ rau củ cũng là một nơi thu hút khách du lịch đến chụp
hình vì nơi đây rất rực rỡ. Ngoài ra, dân địa phương cũng đến rất đông
do rau củ khá tươi và trông vô cùng đẹp mắt. Rau củ chợ Saint Rémy không
chỉ dùng để ăn mà còn để trang trí. Này là những trái ớt chuông màu
vàng rực, đỏ thắm, xanh mượt. Này là những quả cà chua đỏ hồng, căng
tròn, bóng bẩy. Này là những quả cà tím dài duyên dáng, mập mạp, láng
mướt. Này là những trái dưa leo xanh sẫm, chắc nịch, cuống cong lên
khiêu khích… Đặc biệt, gian hàng các loại trái mướp Provence luôn là tâm
điểm của khu chợ. Mướp Provence có kiểu dáng rất ngộ nghĩnh dùng làm
trang trí rất ấn tượng. Có trái mập mạp và cổ uốn cong lên trông chẳng
khác gì một con thiên nga màu vàng rực, đỏ thắm hoặc trắng hồng. Có trái
tròn dẹp và phồng cao như trái bí rợ nhưng “phốp pháp” hơn. Có trái
hình bầu dục, có trái hình ống, có trái hình trái tim. Mướp Provencekhi
ăn có mùi vị thơm ngon, giông giống bí rợ lẫn với mướp hoặc với cà tím.
Người ta thường hay nấu súp, xay nát ra, chẳng cần phải nêm gì ngoài tí
muối. Dù súp được nấu chay, không thịt, cũng chẳng có bột ngọt, nhưng vị
ngọt thiên nhiên của mướp thật tinh khiết, thơm tho và hấp dẫn. Tuy
nhiên không phải loại mướp nào cũng để ăn vì nhiều khi
người Provence chỉ mua về để trang trí. Họ chất các loại mướp hình dạng
và màu sắc khác nhau vào một rổ mây, đặt lên bàn khách hoặc trong phòng
bếp. Bức tranh phồn thịnh và thanh bình đã hiện ra vô cùng thuyết phục.

Cuối
cùng là chợ hoa và các món hàng lưu niệm. Nếu như hoa oải hương chỉ
được bày bán trong khu chợ hương liệu, hoa hướng dương là tâm điểm cho
sự hãnh diện của người Provence. Hoa hướng dương được trồng cả cánh đồng
để lấy hạt, ép dầu và cả xuất khẩu hoa sang các nước Bắc Âu giá lạnh.
Hướng dương ở đây vàng rực rỡ, to tròn và tươi thắm. Trong truyền thuyết
Hy Lạp - La Mã cổ đại, nữ thần Clytie say mê thần mặt trời Apollon
nhưng không được ông để mắt tới. Vì nữ thần cứ mãi đứng ngước nhìn mặt
trời (tức Apollon) quá lâu, chân bà biến thành rễ quấn chặt vào lòng đất
và khuôn mặt kiều diễm của bà trở thành một bông hoa. Tích hoa hướng
dương vì thế được các thiếu nữ si tình rất thích và thương mua đem về
trang trí. Một bình hoa hướng dương vàng rực rỡ luôn làm cho nhà cửa trở
nên sinh động ấm áp và đầy ánh sáng.

Một “đặc sản” khác của Saint
Rémy de Provence là ve sầu. Mùa hè ve ca hát nỉ non thâu đêm suốt sáng
không bao giờ dừng. Các đoàn làm phim đến đây quay phải thu âm trong
phòng vì thu tiếng trực tiếp luôn vướng giọng ca của ve. Chợ Saint Rémy
bán những con ve sầu bằng sứ màu vàng, to gấp… mấy ngàn lần con ve thật,
dùng để treo trên tường, trang trí trong vườn hoặc làm chậu hoa dây
leo. Ve còn được thể hiện qua các loại trang sức, mặt dây chuyền, nút
cài áo… tha hồ cho khách chọn.

Vùng Provence nói chung và làng
Saint Rémy nói riêng còn là một trong những lãnh thổ lưu dấu La Mã khá
nhiều. Trước ngõ vào làng còn có Khải Hoàn Môn và Cột Chiến Thắng sừng
sững qua mấy ngàn năm lịch sử. Kiến trúc của những ngôi giáo đường, các
ngôi nhà nhỏ, các bồn phun nước vẫn mang đậm phong cách thời Trung Cổ và
Phục Hưng. Bảo tàng lịch sử vùng Provence cũng là nơi đến nếu du khách
muốn khám phá hết vẻ kỳ thú của xứ sở tràn ngập ánh mặt trời. Ngoài ra,
các galerie nghệ thuật với các loại tranh phong cảnh, tượng các nhân vật
trong thần thoại Hy Lạp, đồ gốm nung… rất đáng cho mọi người thưởng
thức. Tôi muốn mua một bức tranh chép từ Hoa diên vĩ của Van Gogh nhưng
ngại cồng kềnh nên cuối cùng chỉ mua… một bưu thiếp in tác phẩm này. Đóa
hướng dương vàng màu nắng luôn làm tôi háo hức mong được dịp quay lại
Saint Rémy de Provence, với những cửa sổ xanh, với mùi hoa oải hương,
với tiếng hát của ve sầu “Thương - quá - thương! Thương - quá - thương!
Thương - quá - thương…”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3