Venise và những cuộc tình Gondola - Phần 01 chương 07 - 08 - 09

Mont Saint Michel: Nơi giấc mơ đã biến thành hiện thực

Trong
nhà tôi có một tấm poster hình một hòn đảo nhỏ nổi lên ngoài khơi. Trên
đảo, nhà cửa mọc vòng quanh và trên đỉnh là ngọn tháp nhà thờ vút cao
tuyệt đẹp. Tấm poster treo đã úa trên một cánh tủ, từ thời nào chẳng rõ.
Mỗi khi có dịp ngắm gần, tôi lại nôn nao tự hỏi “Biết đến bao giờ mình
mới có dịp đến đây?”

Mont Saint Michel là đâu?

Trong lần
xuất ngoại đầu tiên, tôi đến Pháp và được đưa đến học ở trung tâm ngoại
ngữ CIEL. Và ngay weekend đầu tiên, trường tổ chức cho sinh viên đi chơi
ở “Mont Saint Michel”. Tôi không biết địa danh này có gì hấp dẫn, nhưng
cứ đăng ký vì tôi được đi miễn phí. Buổi sáng hôm đó trời mưa lất phất,
lạnh tê tái dù đang hè.

Tôi ngồi gần một chàng Tây Ban Nha cực kỳ
“bảnh”. Sau vài câu chào hỏi làm quen, Maurico vui vẻ cho tôi… dựa vào
vai đánh một giấc. Hai đứa hồn nhiên chụm vào nhau ngủ gà gật mãi cho
đến khi nghe dân tình xôn xao: “Đến rồi! Đến rồi! Đẹp quá!”. Tôi choàng
tỉnh nhìn thẳng ra kính xe trước mắt, hòn đảo nhỏ có ngọn tháp nhà thờ
vút cao hiện ra như một giấc mơ. Mont Saint Michel đây sao? Đó chính là
tấm poster cũ kỹ treo trong nhà khiến tôi luôn ao ước được một lần đặt
chân đến. Quá phấn khích như tình cờ gặp một người thân giữa chốn xa lạ,
tôi chỉ còn biết rên lên “Trời ơi!” rồi ngã phịch xuống ghế. Maurico
bật cười, nhìn tôi ra vẻ thấu hiểu nhưng tôi chắc không ai có thể chia
sẻ với mình niềm hân hoan này.

Thủy triều với tốc độ phi mã

Xe
tiến đến Mont Saint Michel bằng một con đường xây trên cát. Thủy triều
đang xuống làm lộ rõ hòn đảo nhỏ nằm trơ trụi trên cát xám mênh mông.
Người hướng dẫn cho chúng tôi biết hòn đảo nằm trên vùng cát không chắc
chắn, xung quanh có những bãi cát lún khá nguy hiểm. Sơ suất có thể bị
nuốt chửng xuống cát như chơi. Và khi thủy triều lên với vận tốc phi mã,
nước biển bao phủ hoàn toàn con đường xe đang chạy, làm Mont Saint
Michel cô lập với thế giới trong phút chốc. Đã có nhiều trường hợp khách
du lịch không quan tâm đến giờ báo động, bị tử nạn vì trực thăng cứu
trợ đến không kịp. Chúng tôi hãi hùng “Ghê quá!” nhưng đã được trấn an
con số khách phải về với Chúa khi đến đây là cực hiếm. Tuy vậy, Mont
Saint Michel được xem là độc nhất vô nhị trên thế giới với địa hình nguy
hiểm này. Hằng năm, vào một thời điểm nào đó thuận lợi, người ta còn tổ
chức cho người thi chạy đua với thủy triều. Và chưa bao giờ con người
chiến thắng được tốc độ nhanh như ngựa phi nước đại của thủy triều nơi
đây.

Xưa và nay

Mont Saint Michel trong tiếng Pháp có nghĩa
là núi thánh Michel. Thế nhưng đến đây người ta không thấy núi mà là
đảo. Và đã từ 1300 năm nay, hòn đảo này được biết đến với tên gọi Mont
Saint Michel. Theo thống kê của bộ Du lịch Pháp, sau tháp Eiffel và cung
điện Versaille, Mont Saint Michel là điểm đến thu hút khách du lịch
nước ngoài nhất. Nhưng cá nhân tôi lại đánh giá ngược lại, Mont Saint
Michel phải chiếm vị trí số một, kế đến là điện Versaille và sau cùng
mới là tháp Eiffel.

Tồn tại suốt 13 thế kỷ, hòn đảo độc đáo này
vốn chỉ là một nhà thờ hiu quạnh. Năm 708, đức cha Aubert cho xây một
nhà thờ nhỏ trên hòn đảo trơ trọi giữa biển. Quá trình xây dựng được kéo
dài cả năm trời và liền ngay sau đó, với truyền thuyết thánh Michel
hiện về báo mộng, nhà thờ có số lượng khách hành hương ngày càng đông
đúc. Để phục vụ lượng khách này, xung quanh nhà thờ được xây thêm những
căn nhà nhỏ dùng làm quán trọ, tiệm ăn, quán nước. Dần dần, một thị trấn
nhỏ hình thành, nằm bao bọc nhà thờ và hòn đảo, được mọi người gọi là
Mont Saint Michel. Ngày xưa có thể khách đến đây với mục đích hành
hương, cầu nguyện, tìm những khoảnh khắc yên tĩnh để có một cuộc sống
tâm linh phong phú. Nhưng ngày nay, tôi e rằng chẳng còn ai đến đây với
cùng một mục đích. Bởi đơn giản, Mont Saint Michel không còn là chốn
bình an, tịch mịch để nuôi dưỡng đức tin. Từng dòng người lũ lượt kéo
đến rầm rập khắp mười hai tháng trong năm, chẳng khi nào ngơi nghỉ. Và
trong thời Cách mạng Pháp, Mont Saint Michel đã biến thành nhà tù khổng
lồ. Cảnh chém giết và tiếng than oán đã tồn tại trong căn nhà của Chúa.
Hòn đảo nhỏ được xây một bức tường thành bao quanh, có cả hai khẩu thần
công án ngự. Dọc đường leo lên nhà thờ trên đỉnh núi là những khách sạn
nhỏ, những nhà hàng, tiệm bán quà lưu niệm, cờ phướn, áo T-shirt. Mont
Saint Michel không thoát khỏi cảnh bị du lịch xâm chiếm. An ủi một điều,
nơi đây được quy hoạch chuyên nghiệp nên không đến mức xô bồ. Trên hòn
đảo tí hon có đầy đủ viện bảo tàng, bưu điện, trạm xá… Mọi thứ xem ra
rất tiện nghi và thoải mái. Trong cảnh này, hỏi mấy ai còn tâm trí để
cầu nguyện, thế mà các tu sĩ dòng ẩn tu Bénédictin vẫn trú ngụ tại đây
làm nhiệm vụ phụng sự Chúa suốt hơn mười thế kỷ qua.

Trứng chiên và thịt cừu ướp sẵn muối


không phải tu sĩ, tôi tận hưởng không khí hội hè của Mont Saint Michel
một cách vui vẻ. Tháng tám là lúc cao điểm đón khách du lịch, ước lượng
có đến 20.000 khách mỗi ngày. Tôi đứng trên sân thượng của nhà thờ nhìn
xuống bãi cát mênh mông bên dưới, tưởng tượng một cách khó khăn cảnh
thủy triều lên vùn vụt rồi cô lập Mont Saint Michel giữa biển sâu. Hiện
tại biển rút ra xa ngút mắt, không thấy được dù chỉ một màu xanh thân
thuộc. Maurico và vài người bạn trải khăn ra mời tôi cùng ngồi xuống ăn
trưa. Chúng tôi đem theo bánh mì, táo, nước ép, kẹo chocolat. Vừa ăn vừa
trò chuyện và hát vài bài dân ca của mỗi nước. Tôi thầm cám ơn Chúa đã
gởi tôi đến đây dù tôi chưa một lần cầu nguyện. Hẳn người thấu hiểu giấc
mơ được một lần đặt chân đến Mont Saint Michel của tôi trong suốt thời
thơ ấu mỗi khi ngắm bức poster cũ kỹ. Và vào lúc bất ngờ nhất, tôi lại
được đến đây. Cuộc sống thật kỳ diệu!

Buổi chiều, lúc trở xuống
phía chân đảo chuẩn bị ra xe về, chúng tôi đi ngang những nhà hàng đặc
sản. Anh hướng dẫn chỉ quán ăn “La mère Poulard” (Mẹ Poulard) nói trong
này có món trứng chiên “Omelette à la mère Poulard” (trứng
chiên theo kiểu mẹ Poulard) rất đặc biệt. Quán tồn tại đã hơn một thế kỷ
nay và vẫn trung thành với món trứng chiên trong chảo gang độc đáo
khiến khách du lịch luôn phải ghé vào. Tôi không thích tốn tiền chỉ để
ăn một món trứng chiên nên chắc lưỡi bỏ qua. Anh hướng dẫn lại tiếp tục
marketing cho một đặc sản của Mont Saint Michel, đó là thịt cừu ướp sẵn
muối (mouton de pré-salé). Những con cừu được nuôi dưới chân đảo, ăn cỏ
ngập mặn bởi nước biển, thịt chúng xem như được ướp sẵn muối, săn chắc
và đậm đà. Món này chỉ có ở Mont Saint Michel, ai đến đây cũng nên nếm
thử cho biết. Tôi lại chắc lưỡi “Không thích thịt cừu” dù cũng muốn nếm
lắm. Thôi thì dịp khác, khi được quay về lại Mont Saint Michel, tôi sẽ
ăn luôn cả hai món trứng chiên và cừu ướp muối.

Xe dần chạy xe,
hòn đảo Mont Saint Michel lùi khuất sau đường chân trời. Tôi sẽ đính vào
tấm poster cũ kỹ ở nhà bức ảnh mình chụp nơi đây. Một minh chứng tuyệt
vời: Mont Saint Michel, nơi giấc mơ đã biến thành hiện thực.

 

Thành phố Ý ở Pháp: Nimes

Nimes
là thành phố nằm ở miền Nam nước Pháp nhưng nếu bạn bị bịt mắt đưa đến
nơi, bạn sẽ nghĩ mình đang ở Ý. Vì thế, nếu một ngày nào đó bạn đến châu
Âu mà không kịp thời giờ để đi nhiều nước, hãy nghe lời khuyên của tôi:
đến Nimes và sẽ không hối hận!

Vết tích La Mã ở khắp nơi

Nimes là
nơi người La Mã để lại nhiều vết tích với khá nhiều công trình xây
dựng. Thành phố trông vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa nhỏ nhắn vừa rộng
rãi. Đường phố được phủ cây xanh rợp mát, các khu đi bộ rất yên bình,
người dân cũng mang phong cách Ý. Có nghĩa là thích hội hè, thích thong
dong và khá thân thiện.

Trong số những vết tích sót lại, đặc biệt
nhất là đấu trường có hình tròn không khác gì với đấu trường La Mã
Colosseum tại Rome. Đấu trường này có diện tích chỉ bằng một phần ba
ở Rome nhưng cũng đủ thu hút khách du lịch khắp nơi tìm về. Ngày nay,
ngoài việc bán vé cho khách vào xem một di sản văn hóa, đấu trường
ở Nimes còn được dùng làm sân khấu ngoài trời. Các ca sĩ tổ chức
liveshow thường chọn địa điểm này vì vị trí trung tâm nằm lọt ở giữa. Có
điều, chắc các ca sĩ phải lưu ý trang trí mái tóc thật đẹp, vì khán giả
sẽ nhìn thấy đỉnh đầu người biểu diễn.

Ngoài đấu trường, “Căn nhà
vuông” (La maison carrée) cũng là một vết tích La Mã độc đáo. Đây là
một ngôi đền của người La Mã cổ đại, đền hình chữ nhật (không hiểu sao
lại gọi là “căn nhà vuông”?) với nhiều cột tròn, mang khuynh hướng Hy
Lạp. Ngôi đền này cho đến nay vẫn được xem là ngôi đền cổ đại duy nhất
còn nguyên vẹn trên thế giới. Đối diện với “Căn nhà vuông” là “Hình
vuông nghệ thuật” (le carrée d’ art). Đây là quần thể thư viện gồm thư
viện sách với hàng nghìn loại sách cổ, thư viện âm thanh, thư viện phim
ảnh, bảo tàng nghệ thuật đương đại. Và lẽ dĩ nhiên, ở Nimes bạn sẽ gặp
rất nhiều giới đam mê nghệ thuật, gồm các giáo sư, các chuyên gia và cả
sinh viên. Trông ai cũng rất “art”.

Ngoài ra, ở Nimes tôi đặc biệt
thích “công viên bồn nước” (Les jardins de la fontaine). Không hiểu sao
chỉ có một công viên mà trong tiếng Pháp lại gọi là “les jardins” (số
nhiều). Tôi đoán mò rằng vì công viên rộng quá, có thể trong quá khứ gồm
nhiều công viên nhỏ gộp lại chăng. Công viên này rợp một màu xanh yên
bình, mang dáng dấp vừa Ý vừa Pháp, vừa cổ kính vừa hiện đại, rất xinh
đẹp và lãng mạn.

Cầu sông Gard

Nhắc đến Nimes người ta nhớ
ngay đến cầu sông Gard mà ngày nay mọi người gọi tắt là cầu Gard (Le
pont du Gard). Dù chiếc cầu này không nằm trong thành phố nhưng ta có
thể thấy một hồ nước rộng với đường kính khoảng sáu mét, thuộc hệ thống
dẫn nước của cầu Gard. Vậy để biết cầu Gard nằm ở đâu, chúng ta chỉ việc
đi ngược ra ngoại ô thành phố. Chiếc cầu trứ danh này nằm ở hướng
Đông-Bắc.

Từ xa, cầu Gard hiện lên rất ấn tượng với 49 mét chiều
cao và 274 mét chiều dài. Có rất nhiều khách du lịch đến thăm cầu Gard
vì đây là một di sản văn hóa còn tồn tại nguyên vẹn. Dù cầu này được xây
dựng với mục đích cụ thể là dẫn nước tưới tiêu, vẻ đẹp đơn giản của cầu
thật dễ chịu với những mái vòm đều tăm tắp nằm trên ba tầng khác nhau.
Tầng thứ nhất là trụ cầu có sáu mái vòm, tầng thứ hai có mười một mái
vòm. Tầng thứ ba có tất cả ba mươi lăm mái vòm nhỏ. Những mái vòm này
được xây với công dụng che cho các máng nước được sạch sẽ, tránh bụi và
tránh bị ánh mặt trời làm bốc hơi. Những khối đá dùng để xây cầu thật vĩ
đại và hoàn toàn không giống trét vôi, trông chúng xù xì, thô nhám
nhưng thật gần gũi và thân thiện. Cầu được bắc qua sông Gard nhưng mục
đích không phải để đi qua sông vì thực chất, chỉ có một đoạn cong của
sông là nằm lọt giữa một “mái vòm” của cầu. Để đi từ bờ này sang bờ kia,
đôi khi chỉ cần lấy đà từ xa rồi nhảy qua cũng được. Cầu Gard cho đến
ngày nay vẫn để lại cho hậu thế những tò mò thú vị. Tò mò để rồi phải
khâm phục là người xưa đã có những phép tính toán và quy trình xây dựng
quá khoa học. Mãi từ thế kỷ thứ mười chín trước Công nguyên mà cầu Gard
đã được xây để phục vụ cho 50.000 người với trung bình 409 lít
nước/ngày/người.

Một điều bản thân tôi thấy thú vị là cầu Gard
không bắc sang sông theo một góc 90 độ như những chiếc cầu khác mà lại
nằm chếch sang một bên. Nước dưới sông chảy theo lối uốn cong, không
chảy thẳng. Vào mùa hè, khách du lịch tràn xuống các mé sông hai bên
trải khăn ra ngồi hóng mát. Cảnh tượng thanh bình, vô cùng khoan khoái.

Chiếc
cầu ngày nay phục vụ cho nền du lịch chứ không còn làm nhiệm vụ dẫn
nước nhưng tôi vẫn nhìn thấy những ánh mắt trìu mắt dành cho nó. Cầu quá
đẹp, một cách giản dị mà gần gũi. Tôi đi chầm chậm dọc theo suốt chiều
dài của cầu hai lượt rồi lên xe quay về. Sau này về Việt Nam và đọc một
cuốn sách về 100 di tích thế giới, tôi mới biết cầu Gard nằm trong danh
sách này. Chiếc cầu mộc mạc mà ấn tượng sẽ không bao giờ phai trong tim
tôi.

 

Locronan: xứ cổ của công chúa Da Lừa

Tôi
đến Locronan vào một sáng mùa hè cùng Sophie, một giáo viên tiểu học
người thành phố Brest. Sophie cho biết Locronan là một trong những thị
trấn đẹp nhất nước Pháp nói chung và nhất Bretagne nói riêng. Hàng năm,
nơi đây đón một lượng khách du lịch nội địa lẫn quốc tế khổng lồ. Sophie
đã từng thăm Việt Nam nên cô cho tôi một so sánh “Locronan giống Hội An
vậy đó!”.

Công chúa Da Lừa

Sau khi đỗ xe, Sophie cùng tôi
đi bộ vào thị trấn. Gió mùa hè của vùng Bretagne vẫn lành lạnh, nắng
nhạt màu vàng chanh và những đóa hoa cẩm tú cầu lộng lẫy làm tôi choáng
ngợp. Và kìa, Locronan hiện ra dần dần theo mỗi bước chân tôi gõ nhịp
lên những viên đá lót đường trơn bóng. Những viên đá này đã tồn tại từ
thế kỷ thứ mười sáu, sau mấy trăm năm được biết bao đôi chân bước qua,
bao cuộc đời in dấu lên đó, đá trở nên lún ngày càng sâu và bóng loáng
thật độc đáo. Những căn nhà theo lối kiến trúc Phục Hưng bằng đá granit
xám, mái ngói đen tuyền phủ rêu phong, dây leo xanh rờn bám chặt vào
tường và trên bậu cửa sổ mọc đầy hoa. Nhà chỉ cao từ một đến hai tầng,
hoàn toàn bằng đá granit, cửa bằng gỗ dày cũ kỹ. Thị trấn trông cổ xưa
như ta chưa hề sống vào thời đại văn minh, như ta đang ở nước Pháp cùng
với người đẹp Angelique, lãng tử D’Artagnan, hoặc thậm chí trong câu
chuyện cổ tích Công chúa Da Lừa.

Ở quảng trường nhà thờ, khu trung
tâm Locronan với chiếc giếng cổ bằng đá càng làm người ta thấy mình quả
đang trở về với quá khứ của nước Pháp thế kỷ thứ mười sáu. Nơi đây xưa
kia là nguồn cung cấp nước cho cả thị trấn, ngày ngày những thiếu nữ
vùng Bretagne đeo tạp dề viền đan-ten, đội mũ rộng vành, chân mang guốc
gỗ lót rơm, đeo đôi thùng nước đến đây tắm giặt. Những chiếc xe ngựa chở
du khách dạo một vòng quanh ngôi làng bé nhỏ, tiếng vó ngựa chầm chậm
như nhắc mọi người nhớ đến một thời yên tĩnh nhưng cũng không kém phần
khó khăn như trong các phim vua chúa và những “người nông dân nổi dậy”.
Locronan nhiều phen cũng là một phim trường với đầy đủ tòa thị chính,
nhà thờ, tiệm bánh mì, tiệm rượu, tiệm tạp hóa vẫn in dấu rêu phong. Các
bảng hiệu vẫn được treo theo lối cổ, đung đưa trong gió, khiêm tốn
chẳng một hình ảnh quảng cáo nào. Các bộ phim vào thời xưa như
Angelique, Hoàng hậu Margot, Ba người ngự lâm pháo thủ… đều được quay
lại đây.

Bánh crêpe và rượu trái cây cidre

Trong cuộc sống
văn minh ngày nay, Locronan ý thức được vai trò bảo tồn kiến trúc cổ nên
người dân không bao giờ cho phép bản thân được phá hủy nét cổ xưa. Tại
Tòa Thị Chính, bảng tên “Mairie” vẫn nhuốm màu thời gian với các chậu
hoa màu hồng phấn êm đềm bao quanh ngôi nhà xám. Tiệm bánh mì, nhà hàng,
quán cà phê và các shop quà lưu niệm cũng thế, mọi thứ đều in dấu rêu
xanh và các vết mốc trắng trên nền đá granit đen. Đến Locronan, chẳng du
khách nào muốn từ chối bước vào tiệm “Crêperie”. Đó là tiệm ăn chuyên
bán bánh crêpe, đặc sản vùng Bretagne. Cô phục vụ đưa tôi tấm thực đơn
chỉ vỏn vẹn vài ba loại crêpe. Muốn ăn mặn thì kẹp với jambon, thịt
nguội xông khói, trứng, xúc xích. Muốn ăn ngọt thì dùng với mứt trái cây
(confiture) và chocolat. Thế thôi! Vậy mà người Bretagne vô cùng tự hào
với đặc sản này của mình. Ngoài ra nơi đây không phục vụ các thức uống
hiện đại như nước ngọt có gaz và các loại rượu bia công nghiệp. Bạn chỉ
có thể gọi nước trái cây lên men, rượu loại tự nấu đựng trong bình bằng
đất nung và… nước lọc. Bởi đơn giản thật “vô duyên” khi thấy một lon
Coca trong khung cảnh hoàn toàn cổ xưa này.

Đã đến Locronan ăn
bánh crêpe, du khách cũng sẽ gọi rượu trái cây lên men gọi là “cidre”.
Cidre làm từ nho, táo, lê… Tuy là rượu trái cây nhưng không cẩn thận vẫn
say túy lúy. Bánh crêpe gần giống như bánh xèo của mình, chỉ có bột mì
đen tráng ra trên chảo rộng, bỏ thịt nguội, bơ, phó mát hoặc mứt vào,
xếp lại, cho ra đĩa và ăn. Khách có thể đứng xem đầu bếp tráng bánh,
khói bốc lên nghi ngút thơm lừng và… nuốt nước bọt. Công bằng mà nói, ăn
crêpe mau ngán vì chẳng có rau sống kèm theo như bánh xèo, chẳng có
nước chấm cũng không có tí ớt cay cay. Nhưng nếu vừa ăn bánh vừa “chiêu”
mấy ngụm rượu trái cây thơm nồng nàn, nhìn qua cửa sổ ngắm Locronan cổ
kính, không say trong lòng mới là lạ.

Sophie hỏi tôi có ngon không
mà chưa kịp trả lời thì chính cô đã đưa ngón tay ra dấu “number one”,
vẻ mặt dương dương tự đắc lắm. Không đến mức “number one” nhưng chẳng
muốn làm mích lòng người Bretagne, tôi giơ hai ngón tay ra dấu “victory”
chiến thắng lên. Sophie cười hí hửng. Cô không biết tôi muốn nói
“number two”. Tôi hứa “Lần sau nếu lại qua Việt Nam, tôi sẽ làm bánh
xèo, một loại bánh crêpe Việt đãi cô!”. Khi đó nếu Sophie chê bánh xèo
Việt Nam cũng chỉ “number two” thì đáng đời tôi.

Tiếng Celtique và đăng-ten (dentelle)

Tại
quảng trường lớn ở Locrotan, ngoài vài cửa hàng bán quà lưu niệm, các
tiệm “crêperie” bánh bánh crêpe, tiệm “cidrerie” bán rượu trái cây ra,
thư viện tiếng Celtique với dòng chữ “Librairie Celtique” tưởng chẳng có
gì thu hút lại được nhiều người bước vào. Celtique là thứ tiếng dân
tộc, ngôn ngữ cổ của người Bretagne cho đến nay vẫn có một số người già
sử dụng. Thậm chí, dù bị cho là “tứ ngữ”, người ta vẫn duy trì Celtique
với một vẻ tự hào kỳ lạ.

Tại Locronan nói riêng và
vùng Bretagne nói chung, các câu lạc bộ người nói tiếng Celtique vẫn
hoạt động và các sự kiện ngôn ngữ của những câu lạc bộ này rất rình
rang. Thư viện tiếng Celtique tại Locronan ngày nay tuy mang dáng vẻ du
lịch nhiều hơn, nhưng các cuốn sách cổ, các loại sách học vỡ lòng, các
tấm bưu thiếp in thứ ngôn ngữ này vẫn được trưng bày rất đẹp mắt như
muốn nước Pháp hiện đại hãy luôn trân trọng nó.

Nằm kế bên các
cuốn sách cổ với ngôn ngữ Celtique là những sản phẩm thủ công cổ truyền
của vùng Bretagne. Những chiếc dù trắng bằng đăng-ten, khăn trải bàn
thêu, rèm cửa sổ, gối, áo… tất cả đều được làm bằng tay, công phu, trắng
tinh khiết và mềm mại như thứ vải ren của những công nương, tiểu thư
sống đời nhung lụa. Ngày nay, với cuộc sống hiện đại và các sản phẩm
công nghiệp tiện lợi, thứ đăng-ten Bretagne bày bán tại Locronan quả là
một món quà đắt giá cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Đóa tú cầu Bretagne


Tiếng chuông nhà thờ Saint Ronan đổ từng hồi chuông ngân nga. Chúng tôi
tiếp tục tham quan thị trấn bé nhỏ. Thấy tôi nhào vô… nghĩa trang chụp
tới tấp, Sophie bật cười nắc nẻ. Chưa bao giở trong đời tôi thấy nghĩa
trang nào tuyệt đẹp như nơi đây. Các ngôi mộ đều bằng đá xưa cổ, hoa mọc
dày đặc, sắc sảo, các ngọn thánh giá được chạm trổ công phu kiểu dáng
đa dạng. Được chết tại nơi đây mới sung sướng làm sao. Những bồn hoa cẩm
tú cầu đủ màu như những chiếc bánh kem phồng lên đồ sộ trong khung cảnh
cổ kính này càng làm Locronan mang một dáng vẻ đặc biệt: cổ nhưng không
cũ, yên tĩnh nhưng vẫn sống động, đẹp dịu dàng, đơn giản mà vẫn kiêu
sa.

Rời Locronan sau một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, Sophie hài
lòng vì đã hướng dẫn cho tôi đến thăm một nơi tuyệt vời. Vẻ mộc mạc
nhưng kiêu hãnh của cô thật đặc trưng cho tính cách ngườiBretagne. Như
đóa cẩm tú cầu đang rung rinh trong gió kia, đẹp, đẹp và đẹp.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3