Venise và những cuộc tình Gondola - Phần 01 chương 04 - 05 - 06
Paris và giấc mơ shopping
Ai cũng
biết Paris không những là kinh thành ánh sáng, là kinh đô thời trang, là
trung tâm giải trí, mà Paris còn là thiên đường mua sắm.
Biết
vậy, nên lần đầu đến Paris năm 1998, tôi lận túi vài ngàn francs Pháp
(chừng vài triệu đồng). Người quen ở Việt Nam giao cho tôi “sứ mệnh”
phải tha về nào dầu thơm, mỹ phẩm, áo quần, giày dép. Hỡi ơi! Liếc sơ
vào những cửa kính trong veo ở các khu thương mại nổi tiếng (đường Saint
Honoré, đại lộ Haussman, đường Montaigne, đường Champs Elysée), tôi gần
ngất xỉu vì giá tiền vượt quá sức tưởng tượng của một con bé “nghèo mà
chảnh”. Khi nghe tôi rên, những người bạn Pháp cười ngất: “Paris chỉ là
thiên đường mua sắm cho giới quý tộc châu Âu, giới nghệ sỹ
Hollywood hoặc khách du lịch Nhật Bổn! Họ “chơi” hàng hiệu của Cartier,
Louis Vuiton, Channel. Còn dân Paris chính hiệu cũng không sờ nổi vào
những món hàng cực kỳ xa xỉ đó đâu!”
TaTi muôn năm
Năm 2000
tôi quay lại Paris. Không dám bén mảng đến mấy khu sang trọng nữa, tôi
mon men đến những quận nghèo của người nhập cư, dân da đen, người Pháp
có mức sống trung bình. Theo sự hướng dẫn của một người Paris, tôi đặt
chân lần đầu đến “đại bản doanh” của “thiên đường mua sắm giới trung
bình” ở khu Barbès. Đó chính là TaTi. Một cái tên nghe dễ thương như
người ta gọi con nít. Tôi không quan tâm về lịch sử kinh doanh hàng giá
rẻ của TaTi cũng như TaTi vì sao lại có thể bán với giá “như cho”. Tôi
chỉ biết mờ mắt nhào vô chụp đủ thứ nào quần áo, dầu thơm, mỹ phẩm, hàng
trang trí… Sau lần “ra quân” thắng lợi, tôi tay xách nách mang đem hàng
đựng trong những cái túi màu hồng nhạt kẻ ca-rô, một màu hồng đặc trưng
của TaTi từ mấy chục năm nay về. Tuy nhiên, sự đời, tiền nào của đó,
sau một thời gian “bình tĩnh lại”, tôi nhận thấy hàng của TaTi có chất
lượng không mấy cao. Vậy nhưng, bạn đừng ngạc nhiên nếu những lần sau
quay lại Paris, tôi vẫn tiếp tục bị “hấp lực” của TaTi lôi đến khu
Barbés.
Dân Paris có câu “Hàng hiệu dành cho khách du lịch, TaTi
dành cho ta!” Nếu trước kia chỉ có giới nhà nghèo mới lui tới TaTi thì
những năm sau này, nhất là khi thất nghiệp và lạm phát tăng, đa phần dân
Paris đều mua hàng của TaTi và chuỗi cửa hàng TaTi ngày càng bành
trướng ra khắp các tỉnh khác. Công bằng mà nói, ở TaTi, nếu đừng choáng
váng ham rẻ quơ tùm lum mà chịu khó chọn lựa tùy mặt hàng, bạn có thể
mua rất nhiều đồ có chất lượng với các giá quá sức bèo. Tôi có thể ví
dụ, một chai dầu thơm 200ml, “made in France” đàng hoàng, giá chỉ từ năm
đến bảy Euros. Cũng một chai dầu thơm cùng dung tích đó, hàng hiệu
“Chanel N5” hay “Christian Dior” bán trong Galeries Lafayette (đại bản
doanh hàng hiệu ở Paris), giá trên một trăm Euros. Sở dĩ dầu thơm trong
TaTi rẻ vì sản phẩm làm từ những xí nghiệp ở các tỉnh, chưa có thương
hiệu, chưa tốn ngân sách làm marketing. Còn bao bì và mùi hương hoàn
toàn có thể cạnh tranh với đồ xịn. Ngoài những sản phẩm có chất lượng
nhưng chưa có tên tuổi, TaTi còn bán đồ hiệu hẳn hoi, loại hàng cần giải
quyết tồn kho hoặc màu sắc hơi lỗi thời. Quần áo, mỹ phẩm, hàng gia
dụng, đồ chơi… tha hồ cho bạn chọn, chỉ từ vài Euros cho đến mười mấy
Euros là hết mức. Bà bạn Paris của tôi tự hào cho biết bà là chuyên gia
đi lùng hàng xịn ở TaTi. Cũng cái gương hình mặt trời, ở TaTi chỉ bán
năm Euros, nhưng tại một cửa hàng trang trí nội thất khác, giá là ba
mươi Euros.
Hàng hiệu giá bình dân
Ngoài TaTi, Paris cũng có
những hiệu quần áo dành cho giới trẻ như Jennifer, H&M, Pimky… với
giá rất phải chăng. Gặp ngay cao điểm mùa “solde” (đại hạ giá), tôi có
thể “vớt” một cái áo đầm rất độc đáo chỉ với bốn Euros trong H&M
hoặc một cái áo thun giá hai Euros trong Jennifer.
Nếu bạn đừng
nghĩ rằng mỹ phẩm nhất thiết phải đắt tiền, đến Paris, hãy vào Yves
Rocher. Chuỗi cửa hàng Yves Rocher được rải đều khắp nơi, từ nhà ga, hầm
xe điện ngầm đến cả những khu sang trọng. Yves Rocher của Pháp giống
“The Body Shop” của Anh ở chỗ giá cả trung bình dành cho đại đa số.
Những ai có thu nhập vừa phải mà lại có nhu cầu dùng hàng chất lượng,
đều là khách hàng thân tín của Yves Rocher. Dân châu Âu do thời tiết
thay đổi quanh năm nên rất cần dùng các loại kem dưỡng da, kem chăm sóc
những vùng nhạy cảm và nước hoa. Yves Rocher đảm bảo một game hàng phong
phú, bao bì dễ thương và giá cả hợp lý (khác với Nivea chỉ bán trong
siêu thị, bao bì cố định và có mỗi một mặt hàng kem dưỡng da). Ngoài ra,
Yves Rocher rất năng động trong kinh doanh, thường có những đợt khuyến
mãi rất hấp dẫn. Lần nào đến Paris tôi cũng gom về một mớ nào son phấn,
dầu gội, kem dưỡng… Và dĩ nhiên, khuyến mãi thứ gì tôi mua thứ ấy nên
một cây viết chì kẻ mắt chỉ còn hai Euros, một thỏi son chỉ còn năm
Euros, một hộp kem dưỡng da chỉ còn bảy Euros.
Mỗi khung kính mở ra một giấc mơ shopping
Lần
đi Paris mới đây của tôi rơi vào dịp cuối năm, gần Giáng Sinh nên bà
con shopping rất khiếp. Tôi đến đại lộ Haussemann có cửa hàng Printemps
và Galaries Lafayette, một tòa nhà cổ có mái vòm tuyệt đẹp để… chụp
hình. Ban đêm, tòa nhà được trang trí đèn cực kỳ sống động. Tôi dán mắt
vào những cửa kính bên ngoài, tha hồ ngắm những con búp bê, những con
rối được thiết kế nhún nhảy theo tiếng nhạc vui tai. Mỗi một khung cửa
kính là một điệu nhạc khác, những con búp bê khác, đang ăn tối, đang dự
sinh nhật, đang chơi thể thao… Vô cùng dễ thương! Chỉ có vào dịp Giáng
Sinh này các cửa kính mới được trang trí như thế. Chẳng trách trẻ con
xúm đen không chịu đi.
Dân Paris ví von mỗi khung kính mở ra một
giấc mơ shopping. Vì thế trẻ con nuôi mộng mua sắm từ rất sớm, tạo ra
một xã hội tiêu thụ cao. Ba mẹ chúng dân trung bình nên không dắt díu
nhau vào bên trong làm gì. Bởi Galaries Lafayette chỉ dành cho
ParisHilton, Victoria Beckham, công chúa Caroline xứ Monaco… những nhân
vật tiêu tiền không xót cho việc mua sắm. Hãy thử tưởng tượng, thương
hiệu đồ lót Aubade ở Sài Gòn được bán trên đường Đồng Khởi với giá cực
đắt thì tại Galaries Lafayette, hàng này bị đổ thành một nhúm thảm hại.
Ngoài ra, nơi đây còn là “thánh địa” cho khách du lịch Nhật, gần đây là
Hàn Quốc rồi Trung Quốc. Và theo đánh giá của cá nhân tôi, sắp tới là
khách du lịch Việt Nam, tầng lớp nhà giàu mới do kinh doanh địa ốc và
chơi chứng khoán. Vì chính mắt tôi trông thấy những du khách Việt tỉnh
bơ bốc từng nắm tiền toàn tờ một trăm Euros để mua hàng tại Galaries
Lafayette. Thương thay cho dân Paris vẫn thường ganh tị chặc lưỡi “Dịch
da vàng!” khi thấy từng đoàn khách du lịch châu Á hùng hổ vác cả chục
cái túi hàng hiệu từ đây đi ra!
Hãy để Paris làm bạn mơ mộng với
túi xách Louis Vuiton, với nước hoa Chanel No.5, với áo váy Yves Saint
Lauren và mỹ phẩm Lancôme. Riêng tôi, dẫu mai sau có thành triệu phú
(tiền Euros), tôi chẳng ngại ngùng chi mà rằng: “TaTi muôn năm!”.
Paris đêm về
Paris được
mệnh danh là kinh thành ánh sáng. Ánh sáng của văn minh, của nghệ
thuật, của cái đẹp toàn mỹ. Điều này cũng có thể hiểu một cách đơn giản
nếu bạn ở Paris khi đêm về. Thành phố được thắp sáng một cách rực rỡ
nhưng chừng mực, đủ để làm nên một Paris by night sang trọng và lấp
lánh. Những công trình kiến trúc được chiếu sáng theo một hệ thống đèn
có tính toán, làm toát lên những góc cạnh huy hoàng trên cái nền đêm đen
vô cùng quyến rũ. Này là Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame), này là giáo đường
Thánh Tâm (Sacré Couer), này là Khải Hoàn Môn (L’arc de Triomphe), và
còn tháp Eiffel nữa… bấy nhiêu đó đủ để bạn thấy yêu Paris khi màn đêm
buông xuống. Rồi đại lộ Champs-Elysée triệu ánh đèn vàng, lóng lánh trên
những hàng cây chạy dọc hai bên đường. Những bồn phun nước trên các
quảng trường cũng được chiếu sáng, lung linh nhảy múa theo từng giọt
nước tung trào. Ở khu ăn chơi Moulin Rouge, hàng vạn ánh đèn màu mặc sức
tung hoành cổ vũ cho thế giới vũ hội.
Làm việc trong đêm
Thế
nhưng Paris về đêm không chỉ có đèn, có nhạc, có tiếng cười của những
du khách thập phương. Paris ôm trong lòng những góc khuất, những ngõ
nhỏ, những con người đang âm thầm sống và lao động dưới ánh đèn đêm. Tôi
không muốn bị lụy hóa khi đề cập đến giới ăn sương, đám lang thang hay
những thân phận nằm ngoài rìa xã hội mà thành phố lớn nào cũng có. Tôi
chỉ muốn nhắc đến những con người phải làm việc về đêm như các cảnh sát
đường phố, những phục vụ bàn của các quán cà phê vỉa hè, những công nhân
vệ sinh, những người bán hàng rong… Họ sống lương thiện và cần cù, có
phần chất phác và dễ thương hơn những đồng nghiệp của họ làm việc ca ban
ngày.
Hồi mới sang Paris lần đầu, tôi rất muốn được một mình lấy
xe điện ngầm ra trung tâm bách bộ xem Paris by night. Những người Việt
kiều thấy thế vội ngăn bằng cả tá vụ án về đêm. Nào là “hiếp dâm trong
xe bus”, “bị đâm trong nhà vệ sinh công cộng”, “bị cắt cổ trong khu vắng
người”. Quá “rét”, tôi không dám đi đâu ngoài những trung tâm shopping
đèn hoa rực rỡ. Nhưng chỉ cần dừng chân trên vỉa hè đại lộ Champs Élysée
xinh đẹp, tôi đã tiếp cận với những anh chàng da đen bán hàng rong. Họ
trải tấm nhựa ra đường, bày lên đó những hình nhân nhảy múa, những móc
khóa hình tháp Eiffel, những chiếc áo thun in dòng chữ “J’aime Paris”
(Tôi yêu Paris). Tôi đã đòi mua vài móc khóa rồi trả giá kỳ kèo làm cô
Việt kiều đi chung nhăn mặt xấu hổ “Ở Paris mà nó mặc cả như đi chợ Cầu
Muối!”. Vậy mà thành công. Để rồi sau phút giây hí hửng vì mua được món
hời, tôi ân hận khi thoáng nhìn thấy ánh mắt buồn thăm thẳm của người
bán hàng da đen. Hẳn anh đã kỳ vọng tôi hào phóng như một du khách Nhật
rồi đành bán giá thật bèo, đủ để kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày ở cái
nơi đắt đỏ thế này. Không hiểu sao cũng cùng món hàng đó, cùng địa điểm
đó, nhưng khi màn đêm buông xuống, hàng tự động rớt giá, người bán có
cái chộn rộn khó tả, người mua cũng bần thần làm sao.
Thân thiện đêm về
Những
năm sau quay lại Paris, tôi không còn thời giờ dạo phố đêm mà chỉ tranh
thủ lúc ăn tối để ngắm Paris dưới ánh đèn và lại gặp những người làm
việc theo ca ba. Những nhân viên cảnh sát cười toét miệng hỏi tôi đến từ
đâu rồi vui vẻ đứng “tám chuyện” đến mức quên nhiệm vụ. Một người giao
hàng chạy xe tay ga đang tranh thủ phóng lên vỉa hè và lạng lách giữa
những quán cà phê. Tôi nhanh tay chộp được tấm hình rồi cả cười chọc
dân Paris cũng chẳng văn minh gì mấy. Cảnh sát thanh minh về đêm ai cũng
làm việc một cách dễ dãi hơn, mà cô nàng chạy xe trên vỉa hè đó cũng
phải mưu sinh vất vả, chắc giao hàng gấp nên mới phạm luật giao thông.
Rồi
một lần tôi có thời giờ nên dừng chân trước một quán cà phê vỉa hè và
ngồi xuống gọi nước. Chàng phục vụ trẻ tuổi cho tôi biết ngồi ngoài vỉa
hè giá mắc hơn ngồi trong nhà, nhưng chàng sẽ dối ông chủ, chỉ tính tiền
cho tôi bằng giá bên trong. Buồn cười vì ở Việt Nam mình thường ngồi
vỉa hè là nghèo hèn, ngồi phòng máy lạnh nhìn phố qua cửa kính mới là
sang, tôi cũng cảm ơn anh chàng phục vụ rối rít và giữ chân chàng ở lại
để “tán tỉnh” vài câu. “Chàng” còn trẻ quá, mới mười tám mà thôi, đi làm
ban đêm để dành tiền vào đại học.
Giấc mơ trong lành
Mới
đây nhất tôi sang Paris khi thành phố đang phát động mọi người dùng xe
đạp để bảo vệ môi trường và nhất là để “chấp” các loại xe công cộng
thường xuyên biểu tình. Dân Paris giờ sắm xe đạp để đi làm, hoặc nếu
không có chỗ để xe do phải sống trong những căn hộ chật hẹp, họ đành
thuê xe. Và dịch vụ cho thuê xe cũng làm ăn vào ban đêm để phục vụ khách
du lịch. Trước cửa khách sạn “Hotel de Lourve” chỗ tôi trọ, một dãy xe
đạp dạ quang sáng rực trong đêm đã hút tôi đến gần. Trốn dạ tiệc “Gala
diner” của công ty, tôi thuê một chiếc xe đạp, rồi chạy vòng quanh quảng
trường gần đó ngắm Paris đêm. Này là “Comedie francaise”, nhà hát kịch
Pháp, có một hàng người đang xếp hàng chờ mua vé vào xem. Này là viện
bảo tàng Lourve lấp lánh từ những kim tự tháp bằng kính và dãy cột đèn
đường cổ xưa. Này là quảng trường Concorde có bồn phun nước lãng mạn
được chiếu sáng rất chừng mực. Này là một trạm xe điện ngầm được trang
trí bằng những bóng đèn xanh đỏ hình vương miện rất ngộ nghĩnh. Khi tôi
quay về chỗ thuê xe, tôi bị lố giờ nhưng cô bé cho thuê thân tình nói
không tính thêm. Cô này thật hiền và có vẻ thẹn thùng khi tôi khen có
cặp mắt đẹp. Cô đến từ Roumani, tìm được việc làm ban đêm này để mưu
sinh và có tiền gởi về nước giúp gia đình.
Những mảnh đời
của Paris đêm, những con người mộc mạc dễ thương, những nhân công góp
phần làm Paris thêm duyên dáng. Và khi những ánh đèn trên cao dần phụt
tắt, nhường những tia nắng yếu ớt của một ngày mới đang e dè chiếu sáng,
họ mệt mỏi lên xe điện ngầm của chuyến đầu tiên về nhà. Cầu cho họ có
một giấc ngủ bù bình yên, và những giấc mơ trong lành. Paris by night
của tôi là thế, tràn ngập ánh sáng, và tràn ngập tình thân hữu với những
con người lao động trong đêm.
Brest sấm sét
Nếu
ai hỏi trong số các thành phố tôi qua ở gần hai mươi nước Á-Âu, tôi yêu
nơi nào nhất. Tôi sẽ không suy nghĩ lâu mà rằng:Brest! Bạn có
biết Brest là ở đâu, thuộc nước nào và tại sao lại làBrest? Tôi cũng
luôn tự hỏi, sao không là Paris hoa lệ, là La Mã cổ kính, là Luân Đôn
ngựa xe tấp nập, là Oxford với những tòa tháp trong mơ, là Liège nơi tôi
trải qua một năm ròng du học?
Brest hầu như vô danh, tôi chỉ nghe
đến Brest khi ngày nhỏ đọc truyện tranh Tintin (nguyên bản tiếng Pháp),
thấy ông thuyền trưởng Haddock hay quạu quọ thốt lên: “Tonnerre de
Brest!” (tạm dịch “Brest sấm sét!”) khi gặp xui xẻo. Và một lần tình cờ
đọc được đâu đó câu tục ngữ: “On ne passe jamais par Brest, il fault y
avoir une raison d’y aller” (tạm dịch: “Người ta không bao giờ
đến Brest, phải có lý do gì mới đến đó!”)
Bến cảng thân thiện
Vậy
mà lần đầu tiên trong đời được xuất ngoại, lúc tôi hồi hộp được đặt
chân đến Paris trứ danh thì người ta cho tôi đến cái xứ “sấm sét”
đó. Brest nằm tuốt luốt ở miền Tây Bắc nước Pháp, thuộc
vùng Bretagne xinh đẹp, đi máy bay từ Paris cũng mất hơn một tiếng đồng
hồ. Tôi chắc lưỡi: “Thôi thì hy vọng gặp được vài chàng thủy thủ đẹp
trai ở phố cảng này vậy!”. Ấy thế mà hôm đầu đến Brest lại là ngày chủ
nhật của tháng bảy, thời điểm dân Tây hè nhau đi nghỉ mát hàng loạt. Phố
xá im lìm buồn, gió phe phẩy trên những luống hoa cẩm tú cầu
(hortensia), không một bóng người, chẳng một tiếng động. Tôi tự hỏi:
“Phải thành phố ma?”
Từ ký túc xá Lanredec, tôi và Quỳnh, cô bạn
thân, rụt rè lú mặt ra đường rồi lò dò một chập ra được đến bến cảng
trong làn gió hè tê tái (mùa hè nhưng trời vẫn lạnh, chừng 20 độ). Ở bến
cảng có những con tàu đang neo nhấp nhô, một tốp những người đàn ông tụ
tập câu cá xôm tụ. Chúng tôi mừng rỡ nói với nhau: “Thành phố có
người!” rồi nhí nhảnh đứng tạo dáng chụp hình đủ kiểu. Chắc hành động
của chúng tôi không giống ai nên thu hút ngay tức khắc sự chú ý của tốp
đàn ông đang câu cá. Họ nhào đến thân thiện cười và mở miệng làm quen
bằng tiếng Anh lốp bốp. Khi biết chúng tôi nói được tiếng Pháp và đến từ
Việt Nam, họ bạo dạn hẳn lên. Một ông xung phong chụp cho hai đưa những
kiểu hình với nền phía sau là những cánh buồm trắng căng tròn trong
gió, là những con hải âu chao liệng trên trời xanh, là sóng biển đang rì
rào tung bọt vào cầu cảng. Một ông khác chạy tìm mấy cái thùng gỗ rồi
cởi áo khoác phủ lên cho chúng tôi ngồi xuống. Một ông “sồn sồn” đem
tặng những con cá tươi rói vừa câu. Bạn tôi xua tay: “Cám ơn, nhưng
chúng tôi ở ký túc xá, lại không biết làm cá!”. Vậy là ông ta nhanh nhẹn
ra lệnh cho một thằng bé đem cá xuống cầu cảng moi ruột sạch sẽ để
chúng tôi có thể đem về chế biến liền. Ông tự tiếp thị: “Tôi còn độc
thân!”. Tôi hỏi lại: “Độc thân lần thứ mấy?”. Cả hội cười ồ còn ông tỉnh
bơ: “Cô em ghê thật!”.
Hí hửng đem mấy con cá và lời hẹn hò
“Chiều chiều ra cảng chơi!”, chúng tôi quay về ký túc xá rồi lại háo hức
thám thính Brest theo hướng khác. Những con phố rực rỡ sắc hoa làm
chúng tôi choáng ngợp. Người ta treo hoa hồng lơ lửng trên tường đá và
trồng những bụi cẩm tú cầu đủ màu sắc trước cửa nhà. Ngất ngây trước vẻ
đẹp này, chúng tôi len lén… mở cửa rào chui vào chụp hình loạn xạ. Một
đoạn phố khác lại thơ mộng vô cùng với những dây leo đỏ rực phủ kín
những bức tường đá xám. “Đây là thành phố hoa! - chúng tôi gào lên -
Không phải thành phố ma!”.
Xa quê hương ngộ cố tri
Hôm sau
thứ hai đầu tuần, chúng tôi ra xe bus đi học ở trường CIEL (Centre
International d ‘Etudes de Langues). Đây là ngôi trường chuyên dạy ngôn
ngữ cho con nhà giàu châu Âu. Toàn con em trong những gia đình “trâm anh
thế phiệt” từ các nước Bắc Âu, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Anh, Ý… cắp cặp vào
lớp. Họ phải đóng tiền học hè rất đắt nên khi biết hai đứa Việt Nam được
“học chùa” một tháng thì lấy làm ganh tị. Chúng tôi nhanh chóng kết bạn
với một cô bé xinh xắn Thụy Sĩ mười sáu tuổi, một chàng Tây Ban Nha
bảnh tỏn và một cô bạn bốc lửa người Thụy Điển. Từ đó, nhóm chúng tôi
liên tục hẹn nhau ở Tòa Thị Chính có vòi phun nước đẻ la cà đây đó.
Nhưng rồi “không chơi lại” đám teenagers nhà giàu này vì tụi nó toàn rủ
vào các bar và nhà hàng, hai bà chị Việt Nam đành tìm cớ tách ra.
Một
lần, hai đứa đang cúp cua lang thang trên đường thì một bà gọi lại hỏi
bằng tiếng Pháp: “Các cháu người Việt Nam hả?”. Chúng tôi mừng run gặp
được đồng hương. Chưa bao giờ trong đời tôi thấm thía câu “Xa quê hương
ngộ cố tri” như vậy. Bà Đậu hẹn cuối tuần mời chúng tôi đến nhà đãi tiệc
và giới thiệu với những cô chú Việt kiều khác. Giờ đây, đã đi khá nhiều
nơi, đã gặp một số đồng hương, nhưng với tôi, Việt kiều tại Brest là
nhiệt tình và đáng kính nhất. Sau khi biết bà Đậu “nhặt” chúng tôi trên
đường, các cô chú Việt kiều thay phiên nhau chở chúng tôi đi chơi và đem
về nhà đãi ăn tưng bừng khói lửa.
Lễ hội “thứ năm ở cảng”
Brest còn
là nơi diễn ra lễ hội “Jeudi du port” (Thứ năm ở cảng) vào mỗi thứ năm
hàng tuần trong mấy tháng hè. Hằng năm cứ vào thời điểm này, dân Pháp và
cả các nước châu Âu khác đều tụ về cùng dự. Đã gọi là lễ hội nên bến
cảng ngập tràn tiếng nhạc, những màn văn nghệ tạp kỹ, các vũ công và
khán giả đều ngất ngây trong những giai điệu ngày hè tha thiết. Mùi thơm
quyến rũ của bánh crêpe Bretagne, đặc sản ở đây, bốc lên tra tấn hai
đứa tôi vốn giàu tâm hồn ăn uống nhưng lại nghèo tiền bạc. Bánh crêpe
được chế biến giống bánh xèo, bột đổ ra, rắc ở giữa phô-mai, jăm-bông,
trứng, xúc xích… Hoặc nếu muốn ăn ngọt, bạn sẽ được nhét vào bánh crêpe
mật ong, chocolate, mứt trái cây…
Thường sau mỗi tối thứ năm “xả
láng” với lễ hội, sáng thứ sáu Brest thật yên bình. Chúng tôi lại lang
thang dạo quanh thành phố, này là cầu Recouvrance, này là pháo đài bằng
đá, này là tháp Tanguy… Người dân Brest sao mà thân thiện quá, ai cũng
cười tươi và nhiệt tình hỏi “Các bạn có cần gì không?” khi thấy chúng
tôi cầm bản đồ trên tay. Ngay cả cảnh sát mà cũng dễ thương, thân mật
chỉ dẫn cách gia hạn visa để có thể ở lại Pháp chơi thêm. Nhớ Brest, tôi
viết truyện “Tú cầu vùng Breatagne” (trong tuyển tập Bồ câu chung mái
vòm) với hy vọng có dịp được quay về.
Sau lần đầu tiên
đến Brest năm 1998 đó, quả thật tôi đã quay lại vài năm sau và… vài năm
sau nữa. Brest hầu như không thay đổi. Vẫn những con phố rực hồng sắc
hoa, vẫn những đóa cẩm tú cầu rung rinh trong gió, vẫn đây tháp Tanguy,
vẫn đó bến cảng hiền hòa cùng những người câu cá và đàn hải âu chao
liệng trên không. Chưa bao giờ tôi gặp được một chàng thủy thủ đẹp trai
bước ra từ một con tàu với cánh buồm đỏ thắm. Nhưng tôi sẽ không bao giờ
hối tiếc, bởi ở Brest, tôi đã luôn tìm được lý do để quay về. Và bởi
vì, chừng nào tôi chưa thôi thắc mắc tại sao thuyền trưởng Haddlock lại
nói “Brest sấm sét!”, Brest vẫn hoài là nơi tôi yêu quí nhất trên đời.