Venise và những cuộc tình Gondola - Phần 01 chương 01 - 02 - 03
PHÁP
Paris ơi, Bonjour!
Lần
đầu đến Paris năm 1998, tôi hơi thất vọng vì trước đó hình dung kinh
thành ánh sáng phải hoa lệ lắm. Học tiếng Pháp từ nhỏ với những giáo
trình luôn ca ngợi Paris, tôi đắm chìm trong niềm mơ ước được một lần
đặt chân lên thủ đô xinh đẹp của đất nước mang hình lục giác. Paris với
đồi Monmartre, giáo đường Sacré Coeur, tháp Eiffel, công viên
Luxembourg, đại lộ Champs Élysée, Khải Hoàn Môn… tất cả đều được mô tả
thật lộng lẫy, lãng mạn và không một tì vết. Thế nhưng khi lần đầu được
chiêm ngưỡng dung nhan Paris, tôi biết mình đã quá giàu trí tưởng tượng.
Người vô gia cư trong gió rét
Paris vẫn
đẹp với những gì người ta hay nhắc đến, Paris vẫn hoa lệ rực rỡ ánh đèn
màu, Paris vẫn sang trọng với những cửa hàng cao cấp, nhưng tôi không
thấy được cái hồn của thành phố có số khách du lịch thuộc loại cao nhất
thế giới này. Những thành phố ít nổi tiếng hơn của Pháp lại được tôi yêu
thích hơn, như Avignon, Alix en Provence, Grenoble… Đặc biệt có nơi
hoàn toàn tỉnh lẻ nhưng tôi thấy xúc động khi đứng trước một cửa sổ gỗ
màu xanh nhẹ nhàng hay những con đường lát đá thật duyên dáng. Có lẽ tôi
đòi hỏi quá cao khi muốn Paris phải thật hoàn hảo, nên đã thất vọng khi
nhìn thấy những người vô gia cư tái mình trong gió rét, những đoạn xe
điện ngầm chen chúc, những con đường đầy rác, sông Senie đục ngầu và cả
những “bãi mìn” của lũ chó cưng rải rác khắp nơi.
Hai năm sau, may
mắn lại đến với tôi khi được quay lại nước Pháp. Lần này do không còn
ảo tưởng về những thành phố Châu Âu, tôi vui mừng được gặp lại Paris với
tháp Eiffel chơi vơi, nhà thờ Đức Bà cổ kính, bảo tàng Louvre đa dạng.
BàMichèle, một người bạn thân thiết dù lớn hơn tôi đến bốn chục tuổi, đã
nhiệt tình đón tôi về nhà, đưa tôi đi dạo đây đó, vào những con hẻm nhỏ
vô danh, đến những tiệm ăn trong góc khuất. Lạ lùng thay, tôi bắt đầu
thấy yêu Paris khi tiếp cận với cuộc sống thật ở đây.
Khi đi du
học ở Bỉ, tôi đã buồn vơ vẩn mỗi khi nhớ về Paris, lòng thường hay nuối
tiếc mình không được học ở đây. Tuy nhiên, tôi tự biết mình không thể
chịu đựng nổi cuộc sống ở Paris nếu phải sống dài hạn. Tôi ngại phải di
chuyển rất xa trong thế giới dưới hầm của hệ thống xe điện ngầm, tôi
không thích cuộc sống đất đỏ, tôi không ưa cảnh chen chúc. Thỉnh thoảng
trong những kỳ nghỉ, tôi vẫn từ Bỉ đáp xe lửa hay xe đò về thăm lại
Paris, xúc động nhìn người bạn già của mình đứng đón trong làn gió rét
tê tái rồi cũng chính bà đưa tôi lên xe quay lại Bỉ trong ánh mắt yêu
thương và cái vẫy tay không muốn rời. Từ đó, tôi nhận ra Paris còn những
người lớn tuổi cô đơn thật đáng yêu, như Michèle mà sau này tôi nhận
làm mẹ tinh thần.
Cô đơn giữa Paris
Vào cuối năm 2005, tôi
có dịp quay lại châu Âu, ghé vào thủ đô nước Pháp thăm lại bà
mẹ Paris của mình. Chúng tôi quấn quýt bên nhau, cùng nhau đi dạo khắp
nơi để được cảm nhận Paris thật gần. Khi từ trụ sở tập đoàn
Sanofi-Aventis mà tôi đang làm việc trở về, tôi đã ngỡ ngàng nhìn thấy
một bà lão gần chín mươi tuổi sống một mình trên một chiếc xà lan có
mui. Bà cụ nói mình là Ma-đàm Petit, chồng chết nhiều năm, không con
cái, không người thân, không ai quan tâm chăm sóc. Bà âm thầm chống chọi
với sự cô đơn, với cái rét mùa đông, với cái nóng mùa hè, với tiếng
động bất an trong đêm khuya, với những cơn bệnh không tên của người biết
mình đã gần về với Chúa. Vài ngày một lần bà già phải leo từ xà lan ra
đường phố để mua thức ăn. Có những ngày mực nước xuống thấp hơn con
đường, bà loay hoay mãi không leo ra được, đành buồn rầu ngồi chờ không
biết chừng nào mới có thể thoát ra. Tôi không hiểu nổi tại một khu phố
với nhiều tòa nhà cao tầng của hàng trăm công ty, tại con sông Seine trứ
danh vắt ngang Paris, tại một thu đo của đất nước đề cao những giá trị
con người lại có một Ma-đàm Petit tồn tại như thế. Tôi cố thuyết phục bà
già leo lên bờ đến tạm trú tại một nhà dường lão nào đó, song bà cự
tuyệt: “Cả đời tôi sống và làm việc trên chiếc xà lan này, tôi đã chuyên
chở ngũ cốc cùng ông nhà tôi. Tôi không đi đâu hết. Rồi tôi sẽ chết ở
đây, có thể lâu lắm người ta mới tìm ra, nhưng tôi không có sự lựa chọn
nào khác.”
Cứ như một cái duyên không dứt, thỉnh thoảng tôi lại
quay về Paris trong những dịp công tác. Tôi đi Paris nhiều đến nỗi những
người bạn Pháp ở các tỉnh phải đùa rằng “Mày thành Parisienne rồi!”
(dân Paris). Tôi thích Paris chẳng phải là vì Paris là kinh thành ánh
sáng mà để ru lòng mình nơi đây có một cuộc sống vô cùng phong phú, với
những kiếp người thật trái ngược nhau, với những cảnh tượng vô cùng đối
lập. Song đó mới là một cuộc đời đúng nghĩa, với những ai muốn bon chen
sẽ có nhiều cơ hội, những ai thích dừng lại vẫn tồn tại giữa cuộc sống
đang trôi. Paris là nơi luôn quyến rũ người ta đến, để rồi đã một lần
ghé qua sẽ chẳng thể nào dứt nổi lòng ham muốn được quay lại. Và tôi
biết rằng mình đã trót yêu Paris, như yêu bà mẹ Michèle của mình và
những cụ già đơn côi như Ma-đàm Petit. Paris ơi, bonjour!
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng
Lần
đầu cần đi xe điện ngầm ở Paris, tôi lóng ngóng phải hỏi người đi đường
đâu là trạm. Mua vé rồi mà còn không biết cách đút nó vào máy. Thấy tội
tôi quá, một người tốt bụng dừng lại chỉ cách. Lọt vào bên trong đường
hầm, tôi lại tiếp tục hỏi thăm đường vì chẳng biết phải đi theo hướng
nào trong vô số các hướng rẽ như chân rết. Người ta dẫn tôi đến trước
cái bản đồ nhìn rắc rối hơn cả tơ nhện, làm tôi chóng mặt suýt té xỉu.
Vậy mà loay hoay, cứ vừa đi vừa hỏi, cuối cùng tôi cũng đến trạm chót
sau khi đổi không biết bao nhiêu tuyến. Và rồi mùi mồ hôi người, mùi
chen lấn, mùi nghi kỵ làm tôi ác cảm vô cùng với xe điện ngầm Paris. Vậy
mà giờ đây tôi lại thích phương tiện này và rành cách đi xe điện ngầm
ở Parisđến mức thường đứng lại chỉ cách cho những người Pháp từ các tỉnh
lên kinh thành.
“Mestro, boulot, dodo”
Không phải ngẫu
nhiên mà dân Paris có câu “Mestro, boulot, dodo” (Xe điện ngầm, công
việc, ngủ) để giễu cuộc sống đơn điệu của mình. Ở cái xứ này, có tiền
cũng không ngồi xe hơi sang trọng được, phải chui xuống métro nếu không
muốn kẹt xe cả giờ đồng hồ. Có lần tôi tháp tùng một bác sĩ trẻ
Việt Nam có chút “vai vế” đi dự hội nghị ở Paris. Khi nghe tôi thông báo
sẽ di chuyển bằng metro, anh chàng có vẻ rất sốc, một mực đòi đi taxi.
Dù tôi giải thích đi taxi kẹt xe cũng không làm anh ta cảm thấy đỡ bị
xúc phạm. Đến tối khi cùng các đoàn khách nước khác đi dự tiệc, mọi
người di chuyển bằng xe du lịch năm mươi chỗ, lúc này anh mới thấm cái
khổ của nạn kẹt xe và ước chi chui phứt xuống hầm metro cho nhanh, chẳng
cần ngắm Paris by night gì nữa.
Ngồi metro thì anh nhà giàu cũng
bằng vai phải lứa với cô nàng thất nghiệp. Chẳng ai lên mặt được với ai.
Trong hầm xe ngột ngạt cũng có lắm phận người, nhiều giai cấp, mọi màu
da. Trên métro đạo chích dày đặc mà những đôi tình nhân hôn hít nhau
nóng bỏng cũng không ít. Kẻ hiền người dữ, kẻ xấu người tốt. Bạn muốn
chộn rộn lo lắng cũng được mà bình tĩnh ngẹo đầu lim dim cũng chẳng sao.
Tình người trong metro
Một
lần đã rất khuya, tôi lấy metro chuyến chót trong ngày ra ngoại thành.
Lơ ngơ thế nào tôi đi ngược hướng. Đến lúc phát hiện ra thì đã đi quá
xa. Tôi nhảy xuống đổi lại hướng trong cái nhìn lo lắng của một người
hành khách ăn mặc có vẻ nghèo nàn. Ông sợ tôi đứng chờ một mình trong
đêm khuya không an toàn và cũng không chắc giờ này còn metro nên cùng
tôi xuống theo. Nhìn tôi lên xe rồi ông mới an tâm quay lại đi hướng của
mình. Tôi biết ông phải cuốc bộ về nhà vì chẳng còn chuyến xe khuya nào
nữa. Dù tôi có nói ngàn lần câu cảm ơn cũng không thấy đủ cho hành động
này của ông, một người xa lạ chỉ tình cờ gặp nhau trên métro. Lần khác
tôi làm rơi vé, khi đi ra khỏi hầm tôi không thoát ra được, một anh
chàng da đen đứng lại chuyền vào cho tôi thẻ đi metro theo tháng của
anh. Tôi chỉ việc gí cái thẻ đó vào cửa tự động thì thoát ra được. Tôi
đang hí hửng chợt tái mặt vì một đám cảnh sát đang đứng ngáng đường kiểm
tra. Hẳn họ thấy cảnh gian lận này nhưng rồi không hiểu sao lại phất
tay bảo tôi đi. Ngoái đầu nhìn lại tôi thấy mặt ai cũng hiền, đa số đều
da màu, họ cười với tôi thân thiện làm tôi thấy đời dễ thương quá đỗi.
Taxi Paris
Cũng
đôi khi tôi chọn đi xe bus ở Paris nếu tuyến đường không kẹt xe lắm,
tranh thủ ngắm phố phường và xem cảnh vật thay đổi theo thời tiết. Các
trạm xe bus không dày đặc bằng trạm metro nên thường xuống bến rồi tôi
phải đi bộ thêm một đoạn khá xa mới đến được nơi cần đến. Và thỉnh
thoảng tôi cũng lấy taxi, đặc biệt là khi… được công ty hoàn tiện lại
sau mỗi đợt công tác. Thường thì tôi chỉ đi taxi ra phi trường vì hành
lý cồng kềnh. Các bác tài thích trò chuyện, hỏi han, nên đoạn đường được
rút ngắn lại. Đi taxi ởParis được xem là sang vì chi phí rất đắt. Người
có thu nhập thấp có khi cả đời chưa biết mùi taxi là gì. Dù là ra phi
trường hay có hành lý cồng kềnh đến đâu cũng mặc, phải đi xe bus hoặc
métro hết. Bản thân tôi khi còn sinh viên cũng thế, chẳng dại chi tiêu
cho cuốc taxi đắt hơn mấy chục lần so với các phương tiện công cộng
khác. Tôi có một anh bạn Parisienne chính gốc, khi sang làm việc ở Sài
Gòn anh tranh thủ đi taxi cho thỏa và còn bảo tôi chụp hình anh từ taxi
bước xuống. Anh gởi tấm hình đó sang Paris để chứng minh “sự sang trọng”
của mình làm nhiều người phải…ganh tị.
Riêng tôi, dù có đến nước
khác, đi métro sạch sẽ hơn (như Singapore chẳng hạn), tôi vẫn thấy métro
ở Paris có một cái hồn riêng, rất thực, nhưng nói không ngoa, cũng rất
mộng, như chính cuộc đời này.
Paris của những khu vườn văn thơ
Những ai yêu văn chương lãng mạn Pháp đều biết đến tác phẩm Ngày tựu trường của
Anatole France. Ngay từ khi còn là một cô bé, tôi đã ao ước được một
lần đặt chân đến khu vườn Luxembourg thơ mộng. Và rồi khi đã là sinh
viên văn chương Pháp, tôi tự dịch những câu thơ ấy theo cách riêng của
mình: “Tôi sẽ kể bạn nghe, mỗi năm tôi đều nhớ lại, bầu trời xáo động
vào thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn, và những chiếc lá
dần úa vàng trên những vòm cây đang run rẩy. Tôi sẽ kể bạn nghe, khi
tôi đi ngang qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, cảnh vật
man mác buồn nhưng đẹp hơn bao giờ hết, bởi vì, đó là khi, lá cây rơi
từng chiếc từng chiếc, sà trên đôi vai trắng muốt của những bức tượng.
Tôi đã thấy gì trong khu vườn đó? Một chú bé vai đeo cặp sách, tay đút
trong túi, chú tung tăng đến trường như con sẻ nhỏ. Nhưng bạn ơi, chú bé
ấy, thật ra chỉ tồn tại trong tâm trí tôi mà thôi, vì, chú chỉ là một
bóng hình, bóng hình của chính tôi hai mươi năm về trước…
Luxembourg của Anatole France
Lần
đầu đến Paris, tôi không mong được đưa đi thăm những kỳ quan nổi tiếng
mà một mực đòi dẫn đến khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó thật ra là một
công viên khá rộng lớn, vào mùa hè nắng nhảy nhót trên những luống hoa
sặc sỡ và du khách dập dìu nói cười rộn rã. Chẳng còn đâu cái man mác
buồn của một chiều thu, không chiếc lá vàng nào nhẹ nhàng đậu xuống
những bức tượng trắng phau cô quạnh. Nhưng rồi tôi tự nhủ, nếu mình cũng
đi ngang vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, làm sao mình đủ
sức… cạnh tranh lại những vần thơ Anatole France. Vậy thì bạn ơi, tôi
sẽ kể bạn nghe về vườn Luxembourg của những ngày hè sôi động vậy. Du
khách từ khắp nơi trên thế giới đang hài lòng ngồi sưởi nắng trên những
chiếc ghế dựa sau những giờ phút dạo chơi trong khu Latin và những công
trình kiến trúc bao quanh đó, họ ngắm những bức tượng của những vị thần
Hy Lạp, của các bà hoàng Pháp xa xưa, của nhạc sĩ Beethoven hay nhà thơ
Baudelaire. Những đứa trẻ đang bu quanh cái hồ tròn với những chiếc tàu
cánh buồm nhỏ xinh đủ mọi kiểu dáng. Chúng cũng thích đến chỗ múa rối
vui nhộn và cười rộn lên vào những đoạn cao trào. Những người lớn tuổi
chọn kiosque có dàn nhạc giao hưởng rồi nghiêm túc ngồi lắng nghe cho
đến nốt nhạc cuối cùng.
Vườn Tuileries trưa hè
Ngoài Luxembourg, Paris còn
vườn Tuileries, xem ra rộng lớn hơn và cổ xưa nhất kinh thành ánh sáng.
Vườn Tuileries nằm trải dài giữa quảng trường Concorde sang trọng và
điện Louvre duyên dáng, giữa con sông Seine nổi tiếng và đường Rivoli
sầm uất. Xem ra tôi yêu Luxembourg vì trót mê Anatole France, nhưng lòng
lại thật sự rung động với vườn Tuileries. Khu vườn này có nhiều loại
cây từ rất lâu đời, thời Catherine de Medecis, bà đã cho trồng cây để
tạo nên vườn Tuileries vào năm 1564. Cũng trong năm đó, điện Tuileries
nằm ngay trong vườn cũng được khởi công. Vườn Tuileries cũng có những
bức tượng điêu khắc sắc sảo, du khách có thể ngồi nhàn hạ trên những
chiếc ghế đặt xung quanh cái hồ rộng ngắm những cánh buồm be bé lững lờ
trôi. Sau khi ăn trưa, tôi chọn một góc khuất và… ngả lưng tìm chút giấc
ngủ. Nhưng thật ra chẳng ai có thể ngủ ngay giữa lòng Paris, còn biết
bao nhiêu nơi cần thăm thú.
Vincenne thơ mộng
Mỗi lần quay
lại Paris, tôi đều náo nức tìm đến với những khu vườn tĩnh lặng. Chẳng
cần Luxembourg của Anatole France hay Tuileries rộng lớn với bao nhiêu
du khách giữa trung tâm kinh thành, tôi thích nhất khu rừng nhỏ
Vincenne. Người ta không gọi là vườn vì cây cối ở đây mọc tự nhiên,
không có những pho tượng trầm mặc cũng chẳng có vòi phun nước lộng lẫy.
Vincenne có một cái hồ thiên nhiên nho nhỏ với nào là thiên nga, vịt
xám, le le. Người bạn tôi sống gần đấy có cái thú đem vụn bánh mì ra
phân phát cho chúng. Tôi thấy lòng vô cùng bình an được ngắm đàn thủy
cầm tung tăng bơi lội và những cụ già cùng trẻ nhỏ hào phóng vung tay
ban phát thức ăn. Những con quạ, chim chóc và cả các chú sóc bé bỏng từ
trên các nhánh cây cũng sà xuống nũng nịu đòi quà.
Paris còn biết
bao khu vườn và công viên xinh đẹp nằm rải rác khắp nơi. Những khoảng
xanh tĩnh lặng ấy được người dân Paris hào phóng dành tặng thật nhiều
diện tích. Vào những ngày nắng ấm, họ không ở trong những căn hộ bé tí
chật chội của mình mà ùa cả vào những nơi có cây xanh, trên tay một cuốn
sách, ai cũng chăm chú vừa nghe chim hót vừa trải lòng vào những dòng
văn thơ. Tôi đã hiểu vì sao người Pháp là một trong những dân tộc yêu
văn chương nhất thế giới. Hẳn Anatole France không thể có được bài thơ
Ngày tựu trường tuyệt đến thế nếu ông không đi qua vườnLuxembourg vào
một chiều đầu thu. Và hẳn tôi không thể có được cảm xúc trào dâng mỗi
khi được quay lại Paris nếu kinh thành ánh sáng thiếu đi những khu vườn.
Những khu vườn văn thơ…
Những chiếc cầu thành Ba-lê
Thuở còn mộng mơ, tôi thích bài Le pont Mirabeau của
văn hào Guillaume Apolinaire (1880-1918) vì những câu thơ lãng mạn
“Sous le pont Mirabeau coule la Seine - Vienne la nuit, sonne l’heure -
Les jours s’en vont je demeure” (tạm dịch: “Dưới cầu Mirabeau trôi dòng
Seine - Đêm cứ đến, giờ cứ điểm - Tháng ngày cứ trôi, tôi vẫn còn đây”).
Bài thơ này tả chiếc cầu Mirabeau ở Paris và dòng sông Seine êm đềm.
Tác giả hẳn đang đứng trên cầu nhìn dòng sông trôi, nghĩ đến mối tình đã
qua của mình, thời gian cứ thế cuốn cuộc tình đi, chỉ còn mình ta ở
lại.
Cầu Mirabeau
Sông Seine được người Pháp gọi là “La
Seine” (giống cái), ý nói dòng sông mềm mại, lãng mạn, gợi cảm như người
phụ nữ. Và cô nàng Parisienne này chảy vắt qua thành Ba-lê trứ danh với
ba mươi hai chiếc cầu. Khi đến Paris lần đầu, tôi hơi thất vọng thấy
“dòng Seine” không được kiều diễm như mong đợi, song vẫn nuôi hy vọng
tìm đến cầu Mirabeau xem thế nào. Một ông người Pariskhi đó thắc mắc
“Sao trong vô vàn những chiếc cầu ở Paris cô lại chọn Mirabeau?”, khi
biết lý do, ông nhún vai “Đúng là văn thơ chỉ làm thi vị hóa thêm cuộc
đời”. Khi đặt những bước chân đầu tiên lên cầu Mirabeau, tôi thấy ông
này quá khắt khe. Vì Mirabeau không hẳn là chiếc cầu đẹp nhất thành
Ba-lê nhưng nó cũng xứng đáng được nhà thơ Guillaume Apolinaire chọn. Và
tôi chắc rằng chẳng có nhà thơ nào ở Sài Gòn có thể làm nên những câu
thơ như “Dưới cầu Bông trôi dòng kênh Nhiêu Lộc” hay “Dưới cầu Chà Và
trôi dòng sông Sài Gòn”. Quả thật, chẳng có một chiếc cầu nào ở
Việt Nam mình có thể sánh bằng cầu Mirabeau nói riêng và những chiếc cầu
khác nói chung ở thành Ba-lê.
Cầu Mirabeau được xây xong vào năm
1896 bằng kim loại có dáng vẻ mềm mại. Cầu được trang trí bằng bốn biểu
tượng: Thành phố Paris, Thần Thương Mại, Hàng Hải và Sự Sung Túc.
Cầu Neuf
Tuy
vậy, công bằn mà nói, cầu Mirabeau không phải là chiếc cầu đẹp nhất nếu
so sánh với cầu Neuf hay cầu Alexandre Đệ Tam. Cầu Neuf có nghĩa là cầu
Mới. Thế nhưng đây là chiếc cầu cổ xưa nhất Paris, được xây từ năm 1578
dưới thời vua Henri Đệ Tam, nhưng do nhiều lý do khách quan, mãi đến
thời vua Henri Đệ Tứ cầu mới được hoàn thành vào năm 1694. Trên cầu
Neuf, tượng vua Henri Đệ Tứ đang cưỡi ngựa bằng đồng là một trong những
pho tượng cổ xưa và thu hút du khách nhất Paris. Dưới những bệ cầu, hai
bên hành lang và tại các chốt nghỉ chân là vô số những tượng của các vị
thần được điêu khắc công phu. Chiếc cầu quả xứng đáng là một trong những
cây cầu đẹp nhất kinh thành ánh sáng. Nhất là khi cầu Neuf bắt ngang
đảo Cité (Ile de la Cité), hòn đảo tí hon xinh xinh nằm giữa dòng Seine.
Nếu là một du khách lần đầu đếnParis, bạn nên đến ngay cầu Neuf vì nơi
đây bạn sẽ có những góc chụp hình rất lý tưởng để thu vào ống kính
một Paris hoa lệ.
Cầu Alexandre Đệ Tam
Cầu Alexandre Đệ Tam
theo đánh giá của cá nhân tôi, là chiếc cầu đẹp nhất thành Ba-lê. Cầu
được khởi công từ năm 1896 và hoàn thành năm 1900. Với mục đích sử dụng
làm giảm thiểu lưu thông ở nhà ga Invalides nhưng khi xây dựng, cầu
Alexandre Đệ Tam lại đặc biệt đề cao tính mỹ thuật. Cầu được đánh giá là
di sản văn hóa và là di tích lịch sử từ năm 1975. Với những họa tiết
trang trí rất hoàng gia của cuối thế kỷ mười chín, cầu Alexandre Đệ Tam
được chăm chút từng chi tiết nhỏ do nhiều nghệ nhân dày công sáng tạo
nên. Ở trên các bệ cao mười bảy mét là những bức tượng bằng đồng được
dát vàng lấp lánh. Ở phía dưới thân cầu, ngoài dãy cột đèn chính là các
cột đèn lớn có những thiên thần bao quanh đẹp rực rỡ. Ngoài ra tại các
thành cầu, là những bức phù điêu vô cùng sắc sảo. Cầu Alexandre Đệ Tam
được xem là chiếc cầu rộng nhất thành Paris.
Paris còn vô số những
chiếc cầu lớn nhỏ khác mà nếu có thời giờ bạn có thể lượn lờ đi từ bờ
đông sang bờ tây và ngược lại hết năm này sang năm khác cũng chẳng bao
giờ thấy chán. Cầu nhỏ (Petit Pont) và cầu Notre Dame cũng là những
chiếc cầu đẹp, dù không hoành tráng bằng Alexandre Đệ Tam nhưng do chúng
bắt sang đảo Cité nên vị trí của chúng rất lý tưởng để ngắm Paris.
Paris
nếu không có những chiếc cầu, hoặc Paris mà không “trôi dòng Seine”
thật chẳng còn là Paris, một Paris của thi ca, của tình yêu, của cái đẹp
toàn bích và lãng mạn. Vì thế, dù chẳng còn ở tuổi mộng mơ, tôi vẫn
không nguôi giấc mơ quay lại thành Ba-lê, để được ngâm nga “Dưới cầu
Mirabeau trôi dòng Seine - Đêm cứ đến, giờ cứ điểm - Tháng ngày cứ trôi,
tôi vẫn còn đây”