Sắc lá Momiji - Chương 11

Em
đã bật khóc. Em đã không sao ngăn nổi dòng nước mắt đẫm ướt trên khóe
mắt. Trời ơi! Anh đã đứng trên tầng hai của ngôi nhà trọ nhỏ trên núi
nằm ngay bên cạnh đầm Ddokko ấy và lặng lẽ dõi theo bóng hai mẹ con đi
qua đó ư?! Không chỉ thế, anh còn đứng lặng bên khung cửa sổ hàng mấy
giờ đồng hồ để đợi hai mẹ con em quay trở lại trên con đường có những
tia nắng xuyên qua kẽ lá dọc đầm Ddokko ấy nữa chứ! Em thật không thể
ngờ nổi. Em chưa biết mình sẽ viết điều gì ở lá thư này. Chưa kịp nghĩ
xem mình sẽ viết gì, vậy mà cứ nhìn lên trang giấy viết thư là nước mắt
em lại chực trào ra. Aki trông thật đủ đầy, khỏe khoắn. Sao anh lại viết
như thế? Phải chăng so với những người vợ của mọi gia đình bình thường
khác ngoài xã hội, có thể nói là em dư dật hơn, trên người cũng chẳng có
chỗ nào gọi là xấu cả. Nhưng, anh đã không viết là trông Aki thật hạnh
phúc. Em hiểu rõ anh đã cố tình không viết như vậy. Khi ấy, anh đã quan
sát em rất kỹ càng đúng không? Chính bởi thế mà anh đã đứng lặng bên
khung cửa sổ hàng mấy giờ đồng hồ để đợi và nhìn em, bởi biết đâu em sẽ
lại quay trở về trên con đường trước cửa ngôi nhà trọ nhỏ trên núi đó.
Chắc chắn đúng là thế rồi. Em cứ thế vừa đọc thư anh mà nước mắt lưng
tròng. Đến đoạn anh kể về câu chuyện lạ lùng đó của mình, em đã vô cùng
bàng hoàng. Khi đọc xong, đầu óc em choáng váng, em đã phải ngồi im một
lúc lâu cho tâm trí tỉnh táo trở lại. Sau đó, em đọc lại một lần nữa
những dòng thư anh kể về những gì mình đã cảm thấy, đã nhìn thấy khi ở
trong trạng thái chết. Em đã đọc chỗ đó không biết bao nhiêu lần. Có lẽ,
những điều đó vượt quá tầm hiểu biết của em. Anh đã dùng cụm từ “cái ác và cái thiện do chính tôi gây nên”, nhưng bản thân em cũng không hiểu ý nghĩa của từ cái ác và cái thiện ấy. Tóm lại, từ cái ác mà
anh nói đó là gì vậy? Đầu óc em không sao lý giải nổi ý nghĩa của từ
đó. Em chỉ hiểu rằng anh không viết ra những điều giả dối mà anh không
hề nhìn thấy, đó là những gì mà anh đã thực sự trải qua. Song, em thấy
lúng túng, không biết phải viết thư hồi âm cho những điều anh đã viết
thế nào đây. Hay là em không nên đề cập đến những nội dung anh đã viết
trong thư thì hơn. Lúc này, em nghĩ mình cần phải cất giữ trong lòng
những điều đó, như là một câu chuyện kỳ lạ mà anh chỉ hé lộ cho riêng
mình em biết mà thôi. Em rất biết ơn anh vì anh đã đọc hai lá thư rất
dài của em, rồi lại còn gửi cả thư hồi âm đến cho em nữa. Chắc chắn lần
này, anh cũng sẽ lại viết thư hồi âm cho em nữa phải không? Đó vẫn là
linh cảm quen thuộc của em. Nghĩ đến việc anh lại đọc những trang thư em
viết, rồi sẽ tiếp tục viết thư gửi cho em, em cảm thấy điều gì đó như
niềm hạnh phúc đến trong lòng, rồi phấp phỏng, những cảm giác mang hơi
hướng trái luân thường đạo lý. Chắc anh lại mỉm cười chua chát chứ gì?
Nhưng, sự trao đổi thư từ qua lại giữa chúng ta (trong trường hợp anh
vẫn viết thư hồi âm cho em) rồi đến một lúc nào đó sẽ phải kết thúc. Em
biết rõ điều đó mà.

Hôm
nay, em cảm thấy rất xúc động, nên vẫn chưa tìm được từ ngữ nào để viết
và cũng chưa biết nên bắt đầu viết từ cái gì. Vậy thì, có lẽ em nên để
một vài ngày nữa, khi tâm tư lắng xuống rồi mới cầm bút viết tiếp thì
hơn. Nhưng, bởi nhận được thư hồi âm của anh từ hôm qua, nên em nóng
lòng muốn gửi ngay thư cho anh. Mấy hôm trước, chồng em đi công tác ở
Mỹ, nên em có thể dành nhiều thời gian hơn cho riêng mình. Từ hôm anh ấy
về, em lại quay trở về với những công việc bận rộn thường ngày của một
người nội trợ trong gia đình. Thêm nữa, sáng nay, sau khi chồng em rời
nhà đi làm, bé Kiotaka cứ ở lì trong phòng và không muốn đến trường. Khi
em hỏi lý do tại sao, thằng bé chỉ trề môi, rồi nằm co người trên
giường với vẻ mặt tủi thân giống như mọi lần, rồi im không hé răng nói
lời nào. Chắc chắn là thằng bé lại có chuyện gì ở trường rồi. Thằng bé
không diễn đạt được đầy đủ những điều mình muốn nói, nên mỗi khi có
chuyện gì, nó lại làm nũng mẹ bằng cách như thế. Khi em nghiêm mặt mắng
thằng bé, thì bố em trong chiếc áo vét vừa khoác vào người, đang ngồi
chờ xe công ty đến đón nói chen vào rằng, nếu nó không muốn đến trường
thì thôi, không đến cũng được chứ sao, hãy để cho thằng bé làm như nó
muốn. Lần nào cũng vậy. Giữa bố và em có sự bất đồng quan điểm về việc
này. Bố thì cho rằng, thằng bé với một cơ thể như vậy, tại sao lại không
chiều nó hơn một chút. Còn em thì thấy, chính vì là một đứa trẻ như
vậy, nên tuyệt đối không được để cho bé khóc lóc than thân trách phận,
hay quá nuông chiều thằng bé.

Lúc
cả nhà phát hiện ra việc bé Kiotaka bị khuyết tật bẩm sinh là khi thằng
bé mới chỉ được một tuổi ba tháng. Thằng bé không biết ngồi, cũng chẳng
thấy bò gì cả. Nét mặt ít thay đổi. Phản ứng của nó với tiếng động và
mọi thứ xung quanh cũng rất chậm. Chừng nửa năm trước đó, em cũng đã có
cảm nhận rằng đứa trẻ này hơi lạ, có cái gì đó không bình thường, nhưng
em rất sợ linh cảm ấy của mình là đúng, nên cứ chần chừ kéo dài thêm
thời gian, không muốn đưa thằng bé đến bệnh viện khám. Em có đọc một
cuốn sách hướng dẫn về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, ở đó người ta có ghi
là, có những em bé mới năm tháng tuổi đã biết ngồi, nhưng cũng có những
bé hơn tám tháng mà vẫn chưa ngồi được, nên em đinh ninh rằng chắc chắn
là Kiotaka biết ngồi chậm hơn nhiều so với những đứa trẻ khác rồi.
Nhưng, khi thấy con trai mình đã một tuổi ba tháng mà vẫn chưa biết
ngồi, em không thể không khỏi lo lắng. Bác sĩ thông báo rằng: “Bắp thịt
của thằng bé cứng đờ như thế này khiến tôi có cảm giác cháu bị một chứng
bệnh nhẹ nào đó, nhưng kết quả khám đã cho thấy cháu bị chứng bại não
bẩm sinh”. Em không nhớ nổi vào cái hôm nhận được cái tin đó, mình đã ôm
con, rồi đi đường nào và bằng cách nào để về đến nhà.

Chiều
tối, em cứ thế ngồi khoanh chân bên cạnh chiếc cũi trẻ con, ôm chặt bé
Kiotaka trong lòng, mắt thẫn thờ vô định nhìn xuống tấm thảm cho đến khi
chị Ikuko bước vào phòng với vẻ mặt lo lắng. Khi ấy, vây quanh em là sự
xáo trộn và nỗi chua xót đến khôn cùng. Em đã mất hết lý trí. Nhưng hết
đêm, khi tỉnh dậy thay bỉm cho con, một ý nghĩ ập đến với em. Mình
không làm điều gì xấu cả. Vậy, tại sao mình lại phải gặp điều bất hạnh
này chứ? Rồi em nhìn khuôn mặt chồng mình lúc anh ấy đang ngủ. Một suy
nghĩ bất ngờ vụt thoáng qua trong tâm trí em. Nếu như con mình được sinh
ra bởi mình và anh Arima Yasuaki, có lẽ Kiotaka sẽ là một đứa trẻ hoàn
toàn khỏe mạnh và hoàn thiện. Thật là một ý nghĩ đáng sợ. Em đã có ý
nghĩ coi thường chồng mình ư? Nhưng đúng là em đã nghĩ điều đó một cách
nghiêm túc. Kiotaka là đứa trẻ được sinh ra bởi em và anh Katsunuma
Soichiro. Nếu mình không kết hôn với người đàn ông này, có lẽ mình sẽ
không sinh ra một đứa trẻ như Kiotaka đâu. Tất cả là tại anh, là tại
người đàn ông có tên Arima Yasuaki. Người ấy đã làm mình phải sinh ra
một đứa trẻ đáng thương là Kiotaka này đây. Em nghĩ rằng, chắc chắn lúc
đó, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn nhỏ, nét mặt em trông hệt như một
con quỷ vậy. Mình sẽ không tha thứ. Suốt đời này mình sẽ không tha thứ
cho con người có tên Arima Yasuaki kia đâu. Em gào thét trong lòng, tại
anh, tại anh cả. Kiotaka càng lớn, căn bệnh bẩm sinh của bé càng bắt đầu
lộ rõ trước mắt mọi người trong gia đình. Và, cùng với điều đó, nỗi căm
hờn của em đối với anh cũng ngày càng quyết liệt và khắc sâu hơn.

Ôi!
Em đang ở trong tâm trạng vô cùng xúc động. Tay em run rẩy, đầu ngón
tay cũng mất hết sức lực rồi. Nỗi xúc động khi đọc lá thư của anh và nỗi
xúc động của những ngày trước, khi em ôm nỗi hận với anh đến mức chính
em cũng cảm thấy sợ ấy, đan xen chồng chất vào nhau, khiến em không còn
biết được cái gì là cái gì nữa. Mong anh hãy tha lỗi cho em. Có lẽ đêm
nay em nên dừng bút ở đây thôi. Dù anh không viết thư hồi âm, em sẽ vẫn
gửi tiếp thư cho anh. Lúc này, nước mắt em lại trào ra. Tại sao đêm nay,
nước mắt em lại rơi nhiều đến thế này kia chứ...? Có chuyện gì vậy
chứ...?

Chào anh.

Ngày 3 tháng 8

Katsunuma Aki

Chào em!

Tôi
đã đọc bức thư với những nét chữ run run của em, nét chữ bình thường
vốn rất đẹp, vậy mà càng về cuối thư, những nét chữ ấy lại càng trở nên
thật rời rạc và méo mó. Đọc xong thư, tôi vẫn ngồi tại quầy bar của một
quán rượu nhỏ ở phía sau nhà ga, nơi đã suốt một thời gian dài tôi không
hề lui tới, rồi cứ thế một mình nhâm nhi ly rượu tới tận khi quán đóng
cửa. Đã lâu rồi tôi mới lại ngồi uống rượu như vậy. Vừa uống rượu, tôi
vừa nghĩ ngợi với một tâm trạng nặng nề rất lạ, xen lẫn những suy tư tự
trách bản thân. Phải rồi, kẻ đã đem đến cho em đứa trẻ với căn bệnh
khuyết tật bẩm sinh đó chính là tôi. Rồi, tôi cứ thế đắm chìm trong
những suy nghĩ u ám, rằng cái ngày tôi vô tình ghé qua quầy chăn ga gối
đệm ở tầng sáu chỗ cửa hàng bách hóa tại Kyoto, ồ không, quay ngược dòng
thêm chút nữa đi, cái ngày tôi đặt chân xuống nhà ga Đông Maizuru để
đến làm con nuôi vợ chồng cô chú Ogata sau khi bố mẹ mình qua đời, hồi
tôi mới là cậu bé học sinh trung học, phải chăng đều có mối liên hệ với
số mệnh của mình. Đúng vậy. Đúng như lời em nói. Mọi thứ là tại tôi. Tội
lỗi ấy, bản thân tôi đã và đang phải gánh chịu trong mười năm qua. Tâm
tư tôi cứ miên man theo những ý nghĩ ấy, nên chẳng để ý tới việc mình cứ
thế nốc cạn không biết bao nhiêu ly whisky rồi nữa. Người chủ quán cũng
cùng độ tuổi với tôi thi thoảng lại đến bên cạnh tôi bắt chuyện, nhưng
tôi chẳng hề đáp lại một câu nào, chỉ mải miết nhìn vào thứ chất lỏng
đựng trong ly rượu ấy. Những người khách đến quán rượu này thường là
những tên du côn làm việc tại cửa hàng pachinko(7) gần
đó, đó là những công nhân bất mãn làm việc tại một nhà máy nhỏ của
thành phố, là những kẻ vô công rồi nghề không có việc làm ổn định,
thường xuyên lởn vởn ở nơi có các cuộc đua xe đạp hay cuộc đua thuyền
hòng kiếm lời ngay tại chỗ đó mà thôi. Thi thoảng, cũng có lác đác đôi
ba người trông tử tế đến uống rượu tại đây, khiến tôi cũng thấy thầm
thán phục. Những người ấy cứ vừa tự nhiên nhả khói thuốc lá vừa đến tán
tỉnh, ve vãn cô vợ trẻ của ông chủ quán (họ giấu không muốn cho khách
biết điều này đâu, nhưng chỉ thoáng nhìn là tôi nhận ra ngay), rồi đùa
đùa cợt cợt, tung ra nhưng tràng cười hô hó, hầu hết lũ bọn họ như chẳng
muốn về, say sưa ở đó cho đến khi quán đóng cửa mới thôi.

7. Pachinko:
Là cửa hàng trò chơi đánh bạc, cực kì phổ biến ở Nhật Bản. Máy pachinko
hiện đại là sự kết hợp giữa máy bắn bi (pinball machine) và máy bán
hàng tự động (slot machine). Trò chơi pachinko mang lại cho người chơi
những giây phút hồi hộp thú vị, góp phần làm giảm stress cho họ.

Trước
đây, tôi đã từng viết điều này trong thư về Seo Yukako rồi thì phải.
Sau khi tôi bị ném xuống biển ở Maizuru vào tầm tháng Mười một, rồi
Yukako cũng lao xuống biển bám theo tôi, tôi và Yukako đã đi về nhà nàng
trong tình trạng ướt như chuột lột. Khi chúng tôi thay xong quần áo,
ngồi đối mặt nhau trong căn phòng của Yukako trên tầng hai với cái lò
sưởi điện đặt giữa hai đứa, với động tác lả lơi mà người ta không thể
nghĩ được rằng đó là của một cô bé thiếu nữ mười bốn tuổi, má nàng dần
kề sát vào má tôi, môi nàng dần chạm vào môi tôi. Sau khi kể lại như
vậy, chắc chắn tôi đã đưa thêm một từ này vào đoạn tường thuật đó. Tôi
đã viết, có thể nói, ở độ tuổi mười bốn, những hành động không chút chần
chừ trước mặt một cậu con trai ấy của nàng thể hiện cái nghiệp mà
Seo Yukako mang. Trong khi tâm trí bắt đầu chuếnh choáng bởi hơi men,
tôi đã nhớ đến nội dung đoạn thư mình đã viết ấy. Vừa viết, tôi vừa tự
hỏi, vậy thì cái nghiệp ấy là gì nhỉ. Tôi đã miên man nghĩ ngợi
hồi lâu. Đâu đó trong tâm trí tôi lại cảm nhận thấy những đụng chạm cơ
thể của Yukako. Trong lúc đang lâng lâng ấy, tôi có cảm giác mình bắt
đầu lờ mờ biết được thế nào là hình thù của cái vật nào đó cứ
bám riết lấy và không có ý định đi xa khỏi chính mình khi đang ở trong
trạng thái chết ấy. Có phải tất cả những hành động tôi đã gây nên, và
không chỉ có thế, ngay cả những điều chưa hiển hiện thành hành động, và
những tinh thể của lòng hận thù, của nỗi tức giận, của tình thương yêu,
của sự ngốc nghếch mà tôi vẫn hằng ôm ấp trong lòng mình đã được khắc
tạc vào sinh mệnh một cách rõ nét, biến thành những tì vết
không bao giờ xóa tan đi được rồi phang vào tôi khi tôi đang lưu lạc
sang cõi chết. Và, tôi có cảm giác, bằng việc hồi tưởng lại những hình
ảnh của Yukako, tại đâu đó, cái suy nghĩ ấy sẽ dần đi đến để kết nối với
từ cái nghiệp, cái từ mà trong một tích tắc đã đi qua tâm trí
tôi. Dù rằng không biết được tại sao chúng lại kết nối với nhau, tôi vẫn
đinh ninh rằng chúng sẽ kết nối với nhau tại một điểm nào đó. Nhưng,
tôi dần trở nên say mèm. Ánh sáng lờ mờ màu tím nhạt của ngọn đèn cũ ở
quán rượu và những chai rượu whisky được xếp cạnh nhau thành một dãy hòa
lẫn vào nhau, rồi quay tít thò lò. Và tôi cảm thấy khó thở. Tôi không
rõ bao thời gian đã trôi qua. Có ai đó vỗ vỗ vào vai tôi từ đằng sau.
Tôi cố sức nhìn vào người đó với cái đầu nặng trĩu. Một người phụ nữ
đang đứng ở đó. Reiko, cô gái hiện sống cùng tôi,tôi hấy sốt ruột nên
đến đón tôi về. Hình như Reiko đang trả tiền cho ông chủ quán rượu. Tôi
lảo đảo mở cửa ra khỏi quán, và bắt đầu bước đi. Một con chó đứng bên vệ
đường. Tôi nghĩ mình còn thấp hèn hơn cả con chó kia. Lèo tèo một vài
người vừa xuống khỏi chuyến tàu cuối cùng đi vượt lên trên tôi, rồi từng
người, từng người một mất hút theo các lối về của mình. Tôi nghĩ, ai
trong số họ cũng đều hơn tôi cả. Hình ảnh của em và cậu con trai mà tôi
đã trộm nhìn từ tầng hai của quán trọ nhỏ trên núi ở đầm Ddokko tại Zao
lại hiện lên, và tôi thấy, mình đúng là cái thằng đàn ông hệt như một
đôi giày rách nát bị người ta quăng ra cống vậy. Reiko cứ thế lầm lũi đi
một quãng đằng sau tôi. Tôi say khướt đến mức lưỡi cứng đờ, tuy nhiên,
không hẳn tôi đã mất hết ý thức. Nhưng, trong khi đi bộ như vậy, tôi
thấy tức ngực, bèn dừng lại bên vệ đường gí mũi xuống mặt đường, nôn hết
thức ăn trong dạ dày ra. Reiko lấy tay xoa nhẹ lưng tôi và bảo, về đến
nhà em sẽ lau người cho anh bằng khăn mặt nhúng nước lạnh nhé. Tôi bảo
với Reiko rằng, tôi ghét cô, rồi đẩy người cô ấy ra, tiếp tục tuôn ra
những lời lẽ hằn học. Tôi hiểu việc tận tụy vì cái thằng đàn ông này
khiến cô thấy vui. Cô đến quán rượu đón tôi về với vẻ mặt lo lắng, rồi
trả hết tiền rượu trong khi đây không khiến, lẽo đẽo đi cách một quãng
đằng sau, làm ra vẻ cao thượng, chẳng hỏi lời nào. Cô định diễn cái gì
nữa trong vở kịch của riêng mình cô đây? Tôi nôn như thế là cô hài lòng
lắm phải không? Vuốt ve lưng tôi, rồi lại còn bảo về nhà em sẽ lau người
cho anh bằng khăn lạnh... Cô nói thế để thể hiện cho tôi thấy sự dịu
dàng của tấm lòng trinh trắng và nhân hậu của mình phải không? Nhưng,
tôi ghét cô. Tôi chẳng thấy yêu gì cô cả. Có chia tay ngay bây giờ, tôi
cũng chẳng thấy đau khổ chút gì đâu. Như một cô học trò chẳng làm gì sai
trái, bỗng nhiên bị thầy giáo khiển trách vì một lý do không đâu. Reiko
đờ người ra nhìn tôi với khuôn mặt phảng phất vẻ thơ ngây xen lẫn sự
hụt hẫng. Rồi, cô ấy nói với giọng dửng dưng: “Em đâu có cần anh phải
cười em đâu mà...”. Được, chúng ta chia tay nhé. Từ mai tôi sẽ ra khỏi
nhà cô. Thật lạ, tôi lại vội vàng đáp trả cô ấy như thế. Reiko năm nay
hai mươi tám tuổi, quen tôi từ một năm trước đây. Với Reiko, tôi là
người đàn ông đầu tiên. Người con gái mà mãi đến năm hai bảy tuổi vẫn
chưa biết tí tị nào về đàn ông này sau khi tốt nghiệp cấp ba, đã đi làm
tại một siêu thị lớn. Cho đến bây giờ, trừ những ngày nghỉ ra, hằng ngày
cô ấy vẫn đứng ở quầy thu ngân, chít vào máy giá tiền và mã số của các
loại hàng hóa khách mua. Gần mười năm, cô ấy chỉ có lặp đi lặp lại mỗi
một công việc như vậy. Nếu nói về sở thích bây giờ của cô ấy, đó không
phải việc say mê nấu nướng, hay dự định tiết kiệm tiền để đi du
lịchHawaii, đảo Guam, cũng không phải là tiền tiêu vào việc mua sắm quần
áo. Nó chỉ đơn giản là việc mua cơm hộp bento(8) vào
những ngày nghỉ cố định hằng tuần của mình, ngày thứ Năm, rồi nài kéo
tôi đi picnic cùng với cô ấy. Vẻ trong trắng toát lên từ thân hình nhỏ
nhắn, làn da trắng mịn như da em bé, cặp mắt hai mí tròn lanh lợi khiến
cô ấy giống như một cô bé thiếu nữ đang độ tuổi dậy thì. Cô ấy chẳng mấy
khi thốt ra những câu nói thừa không cần thiết. Đôi khi sự lầm lì ít
nói của cô ấy lại làm tôi thấy khó chịu. Và nếu có thể bảo ít nói cũng
là một ưu điểm, thì cùng với vẻ trong trắng kia, vốn liếng của cô ấy chỉ
có mỗi hai ưu điểm này mà thôi. Cô là con thứ hai trong một gia đình có
sáu chị em. Cô chị cả hiện đang làm ở một nơi nào đó với mức lương
tháng ít ỏi và đã có gia đình. Hai cậu em trai sau khi tốt nghiệp cấp
ba, chẳng học lên tiếp, cũng chẳng đi làm ở đâu cả, vài tháng liền chẳng
thấy mò về nhà, họa có về thì chúng cũng chỉ cuỗm trộm tiền của bố mẹ
rồi lại trốn đi, nên gia đình chẳng trông mong cậy nhờ được gì vào hai
cậu đó. Còn hai cô em nữa đều đang học cấp ba, nhưng hai cô nàng chẳng
mấy khi đến trường, suốt cả ngày hầu như chỉ lo bôi son trát phấn lòe
loẹt và lảng vảng ở các khu phố thương mại sầm uất. Ông bố làm nghề thợ
mộc, nhưng từ khi ông bị đau hông lúc làm việc, cơ thể ông đã không còn
khả năng lao động trực tiếp được nữa. Việc đó đã xảy ra khoảng mười hai,
mười ba năm nay rồi. Kể từ đó, thu nhập của gia đình bị ngưng lại, mọi
chi tiêu trong nhà chỉ còn trông chờ vào mức lương rẻ mạt của người mẹ
làm việc ở một nhà máy trong thành phố và số tiền ít ỏi do người chị cả
cùng Reiko hằng tháng gửi về. Tất cả những điều này là do Reiko kể cho
tôi nghe, chứ tôi chưa hề một lần nào gặp bố mẹ, hay chị và các em trai,
em gái của cô ấy.

8. Bento (Có thể được gọi
là “cơm hộp Nhật Bản”): Là một suất ăn được làm để mang đi ăn khi không
ở nhà, rất phổ biến trong nghệ thuật ẩm thực của Nhật Bản. bento rất
được người Nhật Bản ưa chuộng, kể cả trẻ em lẫn người lớn. Người ta mang
nó tới trường, nơi làm việc, trong các cuộc dã ngoại...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3