Sắc lá Momiji - Chương 12
Về đến nhà, tôi cởi hết quần áo, rồi cứ thế trần như nhộng đổ
vật xuống chiếc chăn mà Reiko đã trải cho tôi. Tôi nói cô ấy bật hộ máy
lạnh vì nóng quá. Cô ấy bảo, đang bị say mà ngấm hơi lạnh của điều hòa
vào sẽ rất độc đấy, rồi xả nước vào bồn rửa mặt, lấy đá từ trong tủ lạnh
ra pha vào làm nước lạnh, nhúng khăn bông vào đó, vắt khô và bắt đầu
lau toàn bộ người cho tôi. Reiko chẳng mở miệng lời nào, cứ thế dùng
chiếc khăn lạnh từ từ lau khắp người tôi, từ trán, mặt, đằng sau tai,
gáy, từ phần ngực xuống bụng, rồi phần lưng. Sau khi lau hết một lượt,
Reiko cứ thế ngồi khoanh chân nhìn xuống cơ thể trần truồng của tôi.
Đoạn, cô lấy đầu ngón tay mân mê vết thương ở cổ và vết thương ở ngực
của tôi. Tôi chưa từng kể cho Reiko nghe về những thương tích ấy trên cơ
thể mình. Reiko cũng chẳng có ý định hỏi tôi về những vết thương đó,
khiến tôi cũng phải thấy chờn. Và hôm ấy, lần đầu tiên cô ấy điềm nhiên
dùng đầu ngón tay mình sờ vào vết thương của tôi như vậy. Lúc cô ấy lau
người cho tôi, tôi cảm thấy rất dễ chịu, nhưng khi lau xong, tôi lại
thấy người nóng rực lên, hơn hẳn lúc trước. Tôi nói cô ấy lau thêm một
lần nữa cho tôi đi, vì tôi thấy dễ chịu lắm. Reiko lại tiếp tục làm cho
tôi giống như ban nãy. Rồi tôi bảo với Reiko khi cô ấy vẫn đang mải miết
lau người cho tôi, rằng khuya quá rồi, em hãy đi ngủ đi. Kim đồng hồ đã
chỉ vào con số hai. Bảy giờ cô ấy sẽ phải dậy chuẩn bị bữa sáng, rồi
tám rưỡi sẽ ra khỏi nhà. “Mai em không thể đi làm được...”. Reiko trả
lời với giọng buồn buồn, rồi lại chăm chăm nhìn vào vết thương trên cổ
tôi. Cô ấy bảo mình còn thừa rất nhiều ngày nghỉ phép, nên có nghỉ hai,
ba ngày cũng không hề hấn gì. Nhưng, tôi nhận ra rằng trừ những ngày
nghỉ cố định ra, đây là lần đầu tiên Reiko nghỉ làm ở nhà kể từ khi sống
cùng tôi. Cho dù có được nghỉ phép ăn lương cô ấy cũng chưa từng nghỉ
bao giờ. Bởi vậy, tôi nghĩ, chắc hẳn những lời nói cạn tình của mình khi
nãy đã khiến Reiko cảm thấy đau lòng lắm. Tôi lại một lần nữa nói với
Reiko rằng, chúng ta chia tay nhau thôi, và nhắm mắt lại. Tôi vừa nhắm
mắt vừa bâng quơ nghĩ, biết đâu đêm nay Reiko cũng sẽ lại làm cái việc
giống như việc Yukako đã làm với tôi. Điều đó là lạ lùng ư? So với mười
năm trước, tôi đã thay đổi đến thế này rồi, nhưng rốt cuộc, tôi vẫn chỉ
đang làm những điều giống như của mười năm trước mà thôi. Tôi đã nghĩ
như vậy. Không hiểu sao tôi thấy lòng mình thanh thản, yên bình. Reiko
tắt hết đèn trong phòng, thay bồ quần áo ngủ, trải chăn của mình xuống
bên cạnh tôi, rồi nằm sấp xuống, chỉ hướng mỗi khuôn mặt về phía tôi.
Bằng một giọng thầm thì ban đầu rất khó nghe, rồi dần dà thành chất
giọng trầm ấm, cô ấy bắt đầu kể cho tôi nghe một câu chuyện như thế này.
Bà
em mất vào năm bảy lăm tuổi. Khi ấy em mười tám. Em nhớ lúc đó em gái
kế dưới em mới chuẩn bị đi học mẫu giáo. Em cũng nhớ đám tang bà diễn ra
vào ngày mưa, rất lạnh. Khác với chị gái hay em trai mình, em yêu và
quấn bà nhiều lắm, đến mức lúc nào cũng bị các cô bác hàng xóm chọc vì
chuyện này, và không hiểu sao em cảm giác bà cũng cực kỳ yêu em. Bà lúc
nào cũng giấu bàn tay trái của mình vào gấu áo nếu như bà mặc áo kimono,
còn lúc bà đeo tạp dề, bà lại nhét nó vào túi áo. Bởi từ khi sinh ra,
bàn tay ấy của bà đã không có ngón út anh ạ. Bàn tay trái của bà có hình
thù kỳ dị hiếm thấy bẩm sinh với ngón tay chỉ có mỗi bốn ngón thôi.Vì
vậy, ngay từ khi còn bé, bà đã thường xuyên bị đám trẻ hàng xóm chọc
ghẹo. Bà sinh hạ được năm người con trai, nhưng có tới bốn người trong
số đó đã bị mất bởi chiến tranh. Bốn người con hầu như đã từ trận cùng
một lúc ở những nơi khác nhau: Miến Điện, Saipan,
đảo Leyte, Philippines. Và tất cả đều vào thời điểm chỉ còn một tháng
nữa thôi là chiến tranh sẽ kết thúc. Bà vẫn thường để đứa cháu gái bé
bỏng là em ngồi trước mặt mình rồi tâm sự cho em nghe rằng, bà đã khóc
nhiều như thế nào khi những tấm giấy báo tử của những người con trai cứ
hết ngày này đến ngày khác tới tấp bay về. Bà có tâm tình kể với em bất
cứ chuyện gì đi chăng nữa, thì cuối cùng, phần kết cũng lại là về những
câu chuyện đó. Có thể hồi bé, so với các chị em khác trong nhà, em là
đứa trẻ biết kiên nhẫn lắng nghe chuyện người khác nói với mình chăng.
Cho dù bà có kể đi kể lại bao nhiêu lần một nội dung câu chuyện đi chăng
nữa, em cũng không hề một lần biểu lộ nét mặt khó chịu, cứ thế khe khẽ
vân vê cái dái tai bằng ngón cái và ngón út, lắng nghe câu chuyện của bà
không biết chán. Động tác vân vê dái tai là cái tật của em suốt từ khi
còn nhỏ, bởi vậy, lúc nào một bên tai của em cũng đỏ lựng và nóng rực
lên vì tụ máu. Ngay cả bây giờ, đôi lúc khi làm việc, em vẫn vừa một tay
ấn nút máy, một tay mân mê dái tai, rồi chợt nhận ra nên vội vã rụt tay
lại.
Khi kể xong chuyện, bà thường chìa cho em xem bàn tay trái
kỳ dị của mình. Rồi bà bảo, những người chỉ huy đã ngồi ở những nơi an
toàn, cách xa nơi chiến trường và đẩy những người khác đi tham chiến,
trong kiếp sau, chắc chắn không ai được đầu thai lại làm người đâu. Họ
sẽ đầu thai làm những con vật bị loài người xa lánh, thành con rắn, con
giun, con rết cho mà xem. Cho dù họa hoằn có những kẻ lại được đầu thai
làm người, chắc chắn kẻ đó sẽ phải đền tội tương xứng với tội lỗi mình
đã gây nên. Tội lỗi ấy là việc họ đã đẩy những người khác đến với cái
chết. Với tội lỗi ấy, kẻ đó sẽ phải sống một quãng đời bất hạnh và đoản
mệnh. Khuôn mặt bà khi nói những điều đó bao giờ cũng căng ra, ngay cả
trí óc trẻ con non nớt của em cũng cảm nhận thấy sự quả quyết trên nét
mặt đó. Bà em luôn tin một điều rằng con người chết đi, rồi đến một ngày
nào đó, nhất định người ta sẽ lại được đầu thai sang một kiếp khác. Để
chứng minh cho điều đó, bà chỉ cho cô cháu gái bé bỏng những ngón tay
trái chỉ có bốn ngón bẩm sinh của bà. Bà bảo, nào, cháu hãy nhìn ngón
tay xấu xí này đi. Cho đến bây giờ em cũng không hiểu được rằng, tại sao
sau khi nói những chuyện ấy, bà lại cứ bắt em phải nhìn chằm chằm vào
bàn tay kỳ dị của mình, nhưng bà đã nói rằng những ngón tay này đã làm
bà để ý tới một việc.
... Thực ra chẳng có lý do cụ thể nào để bà
phải để ý đến như vậy đâu cháu ạ. Sau khi cả bốn người con bị bắt đi
lính ra chiến trường đều lần lượt tử trận tại vùng đất phương nam xa
xôi, chiến tranh ngay lập tức kết thúc. Rồi một năm trôi qua, bà sắp
tròn năm mươi mốt tuổi. Vừa đi bộ trên một khu phố ở Osaka nóng nực với
ngổn ngang những đống hoang tàn, đổ nát, bà vừa nghĩ, tại sao những đứa
con trai của mình lại phải chết khi chưa đầy ba mươi tuổi chứ? Thế rồi
bà chợt nghĩ, có lẽ mình sẽ được gặp lại những đứa con đã mất của mình ở
một nơi nào đó chăng, mà không, nhất định là mình sẽ được gặp lại
chúng. Không phải ở kiếp sau, mà là kiếp này, có khi mình sẽ được gặp
lại ba đứa trong số những đứa con trai đáng thượng đó của mình đấy. Nghĩ
vậy, bà cảm nhận thấy niềm vui sướng khó diễn tả nên lời, rồi nước mắt
trào ra, và bà cũng cảm nhận thấy nỗi đau buồn khó diễn tả nên lời, rồi
nước mắt lại trào ra. Bà rút bàn tay chỉ có bốn ngón của mình ra khỏi
túi quần, thử che ánh mặt trời. Bà cứ thế đứng yên, ngắm nhìn bàn tay
xấu xí ấy một lúc thật lâu. Nó xấu và đáng sợ đến mức bà phải rùng mình.
Song, bàn tay chỉ có bốn ngón bẩm sinh giống như một cái khối xấu xí và
đáng sợ ấy không hiểu sao lại cho bà biết rằng, nhất định, bà sẽ được
một lần nữa gặp lại những người con của bà trên cõi đời này.
Những
điều đó lúc nào bà cũng nói đi nói lại cho em nghe. Đối với em, nó như
những câu chuyện cổ tích, em cứ thế khoanh tròn hai chân, ngồi đối diện
trước mặt bà, vừa mê mải vân vê dái tai vừa lắng nghe những lời bà nói
cho đến khi nào bà thấy mệt và ngưng lời. Em nghe và bao giờ cũng nhận
thấy có một điều rất kỳ lạ. Rõ ràng là bà có bốn người con trai đã tử
trận bởi chiến tranh, vậy mà tại sao con số những người con trai mà bà
vẫn hằng tin sẽ có ngày được gặp lại không phải là bốn, mà chỉ là ba
người thôi vậy nhỉ? Nhưng, thường thường, em không hề đả động đến điều
đó, chỉ im lặng nghe bà nói thôi. Khi kết thúc câu chuyện, như thể một
câu kết quen thuộc, bao giờ bà cũng dặn dò em rằng: “Cướp đi một là hành
động xấu xa nhất. Việc giết đi không chỉ của người khác, mà cả sinh
mệnh của chính bản thân mình cũng đều như nhau. Trên cõi đời này, có rất
nhiều điều xấu xa, nhiều điều chúng ta không được phép làm. Nhưng, hai
hành động này là xấu xa nhất, là đáng sợ nhất đấy cháu ạ. Tại sao bà lại
nói những điều ấy? Em đã hiểu được điều này vài năm sau đó, khi em lên
cấp ba”. Đó là lúc trước khi bà mất một thời gian ngắn. Bà đã bảo với em
là bốn người con trai của bà, tất cả đều bị chết trận, nhưng thực ra
không phải như vậy. Bố cho em biết bà đã nói dối về chỉ một người trong
số đó. Ba người kia đúng là đã chết trận, nhưng người con trai thứ hai
tên là Kensuke, người đã đến Miến Điện, khi chứng kiến cảnh đồng đội
mình lần lượt bị chết vì đói và sốt rét, một ngày nọ, đã đi sâu trong
rừng, rồi treo cổ tự tử. Trong giấy báo tử, đơn vị đã không thông báo
như vậy, nhưng bà đã được một người đồng đội về phục viên từ Miến Điện
kể lại. Người đàn ông ấy để bộ hài cốt của bác Kensuke vào một cái hộp
giấy nhỏ hình vuông, và mang đến cho bà cả kỷ vật của bác ấy, gồm một
cái gương và một cuốn sổ tay nhào nát. Mặt bà tái nhợt đi khi nghe
chuyện bác Kensuke, rằng bác ấy không phải chết vì bom đạn của địch nơi
chiến trường, mà bởi tự sát. Cuốn sổ tay của bác ấy chỉ ghi lại có mỗi
một câu này: “Tôi không phải là một người hạnh phúc”. Vào ngày làm đám
tang cho bà, sau khi thực hiện xong lễ rải tro, em và mẹ cứ phải chạy đi
chạy lại từ căn bếp chật chội ra ngoài sân để dọn bữa cỗ nhỏ cho những
người bà con từ xa đến. Em chợt nhớ đến những câu chuyện mà hồi nhỏ bà
thường nói cho em nghe. Và, em đã nghĩ như thế này. Liệu rằng khi còn
sống, có khi nào bà cảm thấy, tại đâu đó, mình đã gặp lại những người
con trai được đầu thai thành một kiếp khác hay không? Bà vẫn hằng tin
rằng, trên cõi đời này, nhất định bà sẽ được gặp lại họ. Vậy thì, bà đã
được gặp lại những người con trai ấy của mình chưa nhỉ? Em vừa bê rượu
và bia ra đám cỗ, vừa nghĩ, bà có chết đi mà chưa từng được cảm nhận
thấy điều đó hay không nhỉ. Thế nhưng, thật lạ là vừa băn khoăn như vậy,
em vừa có cảm giác rằng chắc hẳn khi còn sống, tại đâu đó, bà đã gặp
những người con trai đã mất tích của mình rồi. Liệu có khoảnh khắc nào
bà và con trai bà đã giáp mặt nhau tại đâu đó, dù rằng chỉ là một tích
tắc, dù rằng bà đã không hề hay biết rằng người này chính là người con
trai đã mất của mình, và dù rằng cả người ấy cũng không hề hay biết bà
chính là người mẹ trước kia của mình. Em nghĩ vậy với tâm tư ngập tràn
một xúc cảm mạnh mẽ, buồn vui lẫn lộn, và suýt nữa em bật khóc. Chắc
chắn là những mỏi mệt của đêm thức coi thi thể bà, và tang lễ của ngày
hôm sau đã khiến cõi lòng em có những nỗi xúc động khác lạ. Và em đã
hiểu được ý nghĩa của việc bà đã không nói con số của những người con
trai mà nhất định bà sẽ được gặp lại trên cõi đời này là bốn, mà chỉ là
ba người mà thôi. Bà đã cho rằng, dứt khoát bà sẽ không thể gặp được
người con trai đã tự sát có tên là Kensuke. Bởi bà tin rằng, Kensuke đã
tự kết thúc cuộc đời mình, nên bác ấy sẽ không được đầu thai làm người
nữa. Em có cảm giác rằng mình đã hiểu nỗi lòng của bà. Cả bốn người con
trai ấy, tất cả đều đúng là con của bà. Tất cả đều là những đứa con yêu
quý của bà. Họ đã ra đi chiến đấu và không một ai quay về. Song, phải
chăng trong số bốn người con ấy, người con trai mà bà thực sự mong được
gặp nhất là Kensuke, người đã chết không phải bởi tử trận, mà bởi người
đó đã tự treo cổ nơi rừng thẳm Miến Điện. Có phải, suốt cả cuộc đời, bà
đã ôm chặt vào lòng người con trai tội nghiệp, đáng thương ấy, cậu bé có
tên Kensuke đó chăng?