Sắc lá Momiji - Chương 10
Ngày
hôm ấy. Cái ngày xảy ra sự việc của mười năm về trước. Tôi sẽ cố gắng
viết một cách chính xác nhất bằng tất cả những gì còn lưu lại trong ký
ức của tôi.
Sau
khi sắp đặt xong mọi công việc ở công ty, tôi đến Kyoto bằng xe ô tô
của công ty đang đợi sẵn ngoài cửa. Một trường đại học dân lập
ở Kyoto kỷ niệm mấy trăm năm thành lập trường có kế hoạch xây thư viện
và một nhà lưu niệm. Một vài công ty xây dựng đến đó để giới thiệu về
công ty mình. Đó không phải đầu việc mà công ty thấy nhất thiết phải
giành được. Nhưng, cơ sở xây dựng Tanigawa đã đưa ra một bản báo giá
khác hẳn với thực tế, và cho thấy động thái dứt khoát sẽ quyết không để
mối thầu này rơi về tay công ty xây dựng Hoshijima. Bởi vậy, bố em yêu
cầu tôi bằng một lời lẽ ngắn gọn như mọi khi, nhưng đầy uy quyền: “Hãy
đến lấy bằng được gói thầu đó về đây”. Với vai trò là người phụ trách
chính, tôi tiếp cận được với hiệu trưởng nhà trường và chủ tịch hội đồng
quản trị thông qua một người quen làm giáo sư đại học. Tôi đưa ra lời
đề nghị hãy tạm thời chưa bàn đến công việc, mà thong thả ghé vào một
nơi nào đó yên tĩnh trước đã. Phía họ tỏ ý đồng tình với ý đó của tôi,
nên chúng tôi quyết định sẽ chiêu đãi họ tại nhà hàng Nhật Bản có tên là
Jukumura ở Gion. Mấy thầy ở trường đại học say khướt ở quán Jukumura,
cả thầy hiệu trưởng và thầy chủ tịch hội đồng quản trị cũng đều cao
tuổi, nên chúng tôi hủy tiệc rượu kế tiếp ngay sau lúc đó, lấy xe ô tô
đưa các thầy về tận nhà. Bữa tiệc rượu kế tiếp chúng tôi định làm ở nhà
hàng Aruru, nên đã đặt từ trước. Tôi cho xe dừng lại, ra bốt điện thoại
công cộng ở đầu đường thông báo với nhà hàng Aruru về việc kế hoạch của
chúng tôi có chút thay đổi, nên chúng tôi không đến đó được nữa. Nếu là
mọi khi, tôi đã chuyển sang xe taxi, rồi đi đến nhà nghỉ có tên Kionoya ở
Arashiyama. Và tôi sẽ ở đó chờ Yukako đến sau khi nàng kết thúc công
việc. Nhưng, khi nghe điện thoại, Yukako bảo rằng tối nay nàng không
muốn đến. Tôi hỏi nàng lý do tại sao, nàng chỉ im lặng. Tôi hiểu ý ngay.
Có một người đàn ông ngày ngày vẫn ghé chỗ nàng. Ông ta là một người
đàn ông trông rất phong độ, quãng chừng năm hai, năm ba gì đó, là giám
đốc một bệnh viện lớn. Từ ba tháng trước, ông ta đã liên tục đến tán
tỉnh và hứa hẹn sẽ cho nàng một cửa hàng. Khi nghe Yukako hỏi ý kiến về
chuyện đó, tôi đã trả lời nàng rằng nếu cả cuộc đời này, nàng sống trong
thế giới của nghề mua vui, giải trí, thì điều đó có lẽ cũng là hay. Tôi
thật sự nghĩ như vậy. Tôi không nghĩ là quan hệ của mình và Yukako sẽ
tiếp tục kéo dài, và nói gì thì nói, tôi cũng cho rằng mình cũng nên
chấm dứt mối quan hệ này càng sớm càng tốt. Nhưng mặt khác, tôi vẫn tiếp
tục ghì chặt trong lòng sự mê mẩn đối với Yukako. Tôi bảo: “Hôm nay em
lại gặp người đàn ông ấy à?”. Yukako không đáp lại lời nào. Tôi hiểu
nàng có ý định đó. Tất cả, dĩ nhiên là quyền của Yukako. Tôi không có
quyền can thiệp vào. Thế nhưng cảm giác ghen tuông là một điều thật kỳ
lạ. Tôi nói với nàng bằng một giọng sẵng khác hẳn mọi ngày, rằng tôi vẫn
sẽ đợi nàng ở nhà nghỉ Kionoya, rồi dập máy đánh phụp. Sau khi cho xe
công ty về, tôi vẫy một chiếc taxi và đi đến Arashiyama. Tôi có cảm giác
là Yukako sẽ chẳng đến đâu, nhưng tôi vẫn cứ ở đó chờ đợi nàng. Khoảng
ba giờ sáng, Yukako bước vào phòng. Nàng cứ thế im lặng, vào phòng tắm,
xả vòi hoa sen một lúc lâu. Kionoya là một nhà nghỉ kiểu cũ, nhưng họ
cũng thiết kế những căn phòng có nhà tắm kiểu Âu để phục vụ những khách
trọ như chúng tôi. Nhìn khuôn mặt Yukako khi nàng mặc chiếc áo choàng
tắm yukata(6),
ngồi bên cạnh tôi, tôi thoáng giật mình. Yukako, người con gái với mái
tóc ướt sũng vắt ngang vai vào buổi chiều tà ở Maizuru ấy, của cái thời
học sinh trung học, đang ở đây. Tôi đăm đăm nhìn nàng. Khẽ mở hai vạt
khép hờ của chiếc áo yukata, tôi luồn tay vào ngực Yukako, rồi tiếp tục
lần chạm vào sâu tận cùng bên trong cơ thể nàng. Khi ấy, vẫn ngồi bên
cạnh tôi, bất ngờ nàng co rụt người lại về phía sau. Bao giờ nàng cũng
chiều theo những ham muốn của tôi, nhưng đêm đó, nàng kiên quyết chống
cự. Tôi hỏi: “Em đã ngủ với hắn phải không?”. Yukako nói: “Xin lỗi anh”.
Rồi nàng nhìn tôi với ánh mắt quyết liệt. “Ngày mai, anh sẽ lại về lúc
em còn đang ngủ đúng không?”. Tôi và Yukako lặng yên nhìn nhau hồi lâu.
“Bao giờ anh cũng về như thế còn gì. Anh trở về với gia đình của anh. Có
bao giờ anh về nhà của em đâu cơ chứ...”. Yukako cúi gằm mặt và nói như
vậy. “Ông ta cũng thế, cũng phải trở về nhà của mình đấy chứ”. Nghe tôi
nói vậy, Yukako khẽ gật đầu trong khi mặt vẫn cúi gằm. Tôi đã dửng dưng
với nàng đến mức chính mình cũng phải thấy kinh ngạc. Tôi định sẽ chia
tay nàng ở đây. Tôi bật dậy, ghì siết Yukako. Tôi có cảm giác từ xưa tới
giờ, lúc nào Yukako cũng là một cô gái đẹp, mang một vẻ duyên dáng
riêng, khá chẳn mọi người, nhưng có lẽ chính điều đó đã đem đến cho nàng
những bất hạnh chăng. “Em hãy khéo lợi dụng, để ông ấy đưa tiền cho em.
Ông ấy là người giàu có mà. Làm thế sẽ có lợi nhiều hơn là quan hệ với
thằng đàn ông chẳng có gì trong tay. Rồi khi có một cửa hàng riêng của
mình, em hãy cố gắng làm cho nó sinh lời nhé”. Tôi nói như vậy, rồi thổ
lộ với nàng nỗi lòng chân thành của mình rằng, bản thân tôi chẳng làm
được gì cho em, nhưng tôi đã thấy thích em rất nhiều kể từ cái ngày tôi
gặp em lần đầu tiên ở Maizuru. Em đã cho tôi biết thế nào là tình yêu.
Tôi không thể đền đáp lại được cho em, nhưng, để thay cho việc đó, tôi
sẽ cố gắng không bao giờ còn xuất hiện trước mặt em nữa. Trong tôi khi
ấy tồn tại hai con tim. Nỗi ghen tuông trào lên như bọt nước, và cả sự
an tâm. Sự an tâm một cách ích kỷ, rằng với tình thế này, tôi có thể
chia tay nàng mà không gặp chút rắc rối nào, đã làm cho tôi có được một
thái độ độ lượng, cao thượng đến lạ. Chúng tôi đắp chăn lên người và
nhắm mắt lại, nhưng không sao chợp mắt được. Rồi tôi ngủ lúc nào không
hay. Cảm giác nhói đau và nóng rực ở đâu đó bên ngực phải khiến tôi mở
mắt ra. Khi ấy, tôi thấy Yukako ngồi bên cạnh tôi, đang nheo nheo đôi
mắt thuôn dài. Rồi nàng đè lên người tôi. Vào đúng giây phút ấy, tôi
thấy đau xé ruột như thể một cái kẹp bằng sắt đâm vào cổ mình vậy, khiến
tôi đứng dậy đẩy Yukako ra theo phản xa. Có cái gì đó nhơn nhớt chảy
quanh ngực và cổ tôi, và tôi nhìn thấy máu loang trên tấm chăn. Tôi nhìn
Yukako trong giây lát, nhưng rồi ngay lập tức, mọi thứ tối sầm lại và
tôi chẳng hay biết gì nữa. Theo lời cảnh sát, sau khi đâm tôi xong,
Yukako đã tự rạch vào cổ mình. Vết rạch khoảng bảy centimet, từ phần
dưới tai cho đến sát cằm. Độ sâu của vết rạch đó là gần ba centimet ở
vùng tai, được đâm với một lực rất mạnh. Nhưng trong quá trình dùng dao
để tự rạch, sức nàng có lẽ cũng dần yếu đi. Bởi vậy, càng về gần phía
cằm, vết rạch càng nông dần, và ở chỗ cuối cùng, vết rạch chỉ có có độ
sâu là hai milimet mà thôi. Yukako đã ngã gục vào hốc tường. Viên cảnh
sát bảo rằng chính điều đó đã cứu được tôi. Vào cái lúc Yukako ngã
xuống, cánh tay trái của nàng chạm vào ống nghe của chiếc điện thoại gọi
quầy lễ tân. Chính vì thế, chuông ở quầy lễ tân réo lên liên tiếp. Ông
chủ nhà nghỉ đang ngủ ở phòng của mình. Ở quầy lễ tân chỉ có một nhân
viên trẻ tuổi, nhưng chẳng may người này lại đang làm việc ở phòng tắm
tít phía trong nên không nghe thấy tiếng chuông. Sau khi xem xét kỹ
chiếc bình nước nóng bị hỏng, anh ta quay lại quầy lễ tân. Họ bảo rằng
khoảng hai mươi phút đồng hồ đã trôi qua, nên có lẽ ít nhất anh nhân
viên ấy đã không để ý đến tiếng chuông điện thoại chừng mươi, mười lăm
phút gì đấy. Đó là theo sự suy diễn của cảnh sát. Nếu anh nhân viên đó
còn tiếp tục công việc của mình lâu hơn chút nữa, chắc chắn tôi cũng đã
chết rồi. Anh nhân viên nhấc điện thoại lên khi tiếng chuông vẫn reo và
cất tiếng, nhưng đầu dây bên kia không hề có tiếng đáp lại. Nhưng, rõ
ràng là ống nghe điện thoại ở đó đã được nhấc ra mà. Thấy lạ, anh ta gõ
cửa phòng chúng tôi. Không có tiếng trả lời. Điện thoại của quầy lễ tân
vẫn tiếp tục réo. Vì thế, anh ta dùng chìa khóa của căn phòng ấy để mở
cửa vào phòng. Tôi nghe mọi người kể lại rằng lúc ấy, Yukako đã hoàn
toàn tắt thở, nhưng tôi vẫn còn đang thở, mạch vẫn đập. Lúc ấy cả khu
nhà nghỉ xôn xao, rồi khi tôi được đưa đến bệnh viện, tôi không hề hay
biết gì cả. Tuy nhiên, khi đó bản thân con người tôi đã ở trong một
trạng thái vô cùng kỳ lạ.
6. Yukata: là một loại kimono
mỏng mặc mùa hè, thường làm bằng vải mát như cotton. Trước đây, hầu hết
các loại yukata là pyjamas (quần áo ngủ) trong nhà trọ theo phong cách
cổ xưa của Nhật. Gần đây, yukata được thiết kế với nhiều kiểu màu sắc,
họa tiết hoặc phụ kiện đi kèm rất phong phú.
Tôi
nghĩ rằng mình đã chìm vào hôn mê suốt một thời gian dài. Tôi thấy
người cứ dần dần giá lạnh. Đó không phải là cái lạnh nửa vời. Đó là cái
lạnh khiến người tôi đông cứng lại, toàn thân phát ra những âm thanh rắc
rắc. Trong cơn giá lạnh khiếp đảm ấy, tôi đã quay trở về với quá khứ
của bản thân mình. Ngoài cách nói ấy ra, tôi không thể tìm được lời nào
khác thích hợp hơn. Những việc trước kia tôi đã gây nên, những điều
trước kia tôi vẫn hằng ôm giữ trong lòng hiện lên thành rất nhiều hình
ảnh cứ dần quay ngược trở lại với một tốc độ chóng mặt. Chúng hiện lên
với tốc độ nhanh như chớp, nhưng tất cả đều được tái hiện lại trong tôi
bằng những hình ảnh sống động. Vây trùm khắp người là cơn giá lạnh khác
lạ, và tôi đang xem toàn bộ hình ảnh đó. Trong lúc ấy, tôi nghe thấy
tiếng ai đó. Tôi còn nhớ rất rõ. Người đó nói: “Chắc là không cứu được
rồi”. Chẳng bao lâu sau, những hình ảnh nối tiếp nhau ấy giảm dần tốc
độ, cùng lúc đó một nỗi thương đau mà tôi khó diễn tả thành lời ập đến
trong tôi. Những hình ảnh đã hiện ra ấy chỉ toàn là những thứ nào đó
được lôi ra từ những hành vi mà tôi đã gây nên và từ những suy nghĩ của
tôi, rồi lại quẳng tôi vào chúng. Những thứ nào đó ấy là cái ác và cái thiện mà tôi đã gây nên. Ngoài những từ ấy ra, tôi không thể tìm ra được từ nào khác. Đó không phải là cái ác và cái thiện theo
đạo lý đơn thuần. Có thể nói thế này cũng không sai: Chất độc và chất
tinh khiết đối nghịch với chất độc ấy đã dần thấm vào sinh mệnh giờ
đây được phân tách rõ ràng và bám riết lấy tôi. Song, khi ấy, tôi lại
nhìn thấy được hình bóng của chính mình đang chớm chạm tới cái chết. Có
một bản thân nữa của tôi đang tồn tại. Bản thân ấy của tôi cứ thế đứng
nhìn chính bản thân mình đang bị bắt phải trả giá cho cái ác và cái
thiện mà mình đã gây nên trong cơn đau đớn vật vã. Chắc mọi người sẽ lại
bảo đấy chẳng qua chỉ là một giấc mơ thôi chứ. Không, tôi không hề mơ.
Tại sao ư? Bởi chắc chắn tôi đã nhìn hình ảnh của mình khi đang được
phẫu thuật trong phòng mổ của bệnh viện từ một nơi xa xa kia mà. Tôi còn
nhớ nguyên si những lời bác sĩ nói. Sau khi bình phục, tôi đã thử hỏi
bác sĩ xem, có phải khi ở phòng mổ, bác sĩ đã nói thế này, thế kia hay
không? Bác sĩ đã vô cùng kinh ngạc, nghiêng đầu hỏi lại tôi: “Anh đã
nghe thấy hết thật ư?”. Không phải tôi nghe thấy đâu. Từ một nơi khác,
tôi đã nhìn thấy rõ ràng toàn bộ quang cảnh trong phòng mổ, từ bác sĩ, y
tá, cho đến ti tỉ các loại dụng cụ. Người đã nghe những lời bác sĩ nói
không phải là tôi, kẻ đang nằm trên bàn mổ, mà là một bản thân khác của
tôi, kẻ đang ở cách đó một quãng xa xa và đang dõi theo bản thân mình
đang dần đi vào cõi chết. Thế nhưng, kẻ đang rên rỉ trong cơn đau đớn
vật vã không phải là bản thân tôi đang nằm trên bàn mổ, mà là bản thân
tôi đang dõi theo hình ảnh ấy của mình. Ở trên, tôi có viết rằng bản
thân ấy của tôi cứ thế đứng nhìn chính bản thân mình đang bị bắt phải
trả giá cho cái ác và cái thiện mà mình đã gây nên
trong cơn đau đớn vật vã. Điều đó là không đúng. Giờ đây, vừa viết những
dòng thư này, vừa lần giở lại kỹ càng từng dòng ký ức, tôi mới thấy kẻ
đang bị bắt phải trả giá cho cái ác và cái thiện của
mình đã gây nên, hoặc giả tôi có không gây nên chăng nữa thì vẫn hằng ôm
giữ trong lòng mình kẻ đang bị dằn vặt bởi những nỗi đớn đau, cảm giác
trơ trọi đến điên cuồng, và bởi những ăn năn không rõ hình hài, kẻ đó
chính là một bản thân khác của tôi, cái hình ảnh đang dõi theo chính bản
thân mình trong giây phút hấp hối. Chắc chắn là khi ấy, chỉ một tích
tắc nữa thôi là tôi đã chết đi rồi. Nếu thế thì, một bản thân nữa của
tôi là gì vậy? Liệu đấy có phải là của chính tôi, đã tách khỏi thể xác
của tôi hay không nhỉ?!
Một
lúc sau, tôi chợt thấy người ấm lại, nỗi đau đớn, cảm giác trơ trọi và
cả những ăn năn vụt tan đi, một bản thân khác của tôi cũng biến mất. Mọi
thứ cho đến khi tôi phục hồi lại ý thức chỉ toàn là bóng đen. Tôi chẳng
thể nhớ nổi một cái gì. Vẳng bên tai tôi có tiếng gọi: Arima, Arima, và
trong những hình ảnh chập chờn, tôi lờ mờ nhìn thấy khuôn mặt của một
người phụ nữ trung niên dáng chừng là một y tá. Thế rồi hồi lâu sau đó,
em bước vào. Tôi nhớ không nhầm là em đã nói điều gì đó với tôi. Nhưng
tôi không nhớ câu nói đó của em. Sau đó, hình như tôi lại chìm vào giấc
ngủ. Ai đó có thể tin hay không tin, nhưng những điều này chính là sự
thật mà mười năm trước tôi đã từng trải qua đấy. Cho đến hôm nay, tôi
chưa hề kể với bất kỳ ai về những trải nghiệm kỳ lạ này. Tôi đã thầm
định suốt cuộc đời này sẽ chẳng nói cho ai biết. Nhưng, vào cái lúc bắt
gặp những lời này em viết trong thư, rằng: “Sự sống và cái chết, có
chăng cũng như nhau mà thôi”, tôi đã chìm ngập trong sự phấn khích lạ
thường và những suy tư miên man. Cái suy nghĩ cho rằng, toàn bộ sinh mệnh sẽ
hoàn toàn biến đi và mất hết bởi chính cái chết có lẽ chỉ là một ảo
giác to lớn của con người mà thôi. Tôi không nghĩ như vậy. Bởi việc tôi
sống lại đã khiến cho một bản thân khác của tôi, cái bản thân đang dõi
theo tôi ấy, mất đi. Song, giả sử tôi chết đi, cái bản thân khác ấy của
tôi sẽ ra sao? Có chẳng nó sẽ biến thành một sinh mệnh chẳng có thể xác cũng chẳng có tâm hồn, và tan hòa vào trong vũ trụ này. Và nữa, tôi sẽ vẫn mang theo cái ác và cái thiện mà
mình đã gây nên, rồi sống trong những ngày tháng với nỗi đau đớn vô
tận. Tôi muốn nhắc lại rằng, những điều tôi đã nhìn thấy hoàn toàn không
phải là một giấc mơ. Không chỉ thế, thậm chí tôi còn cho rằng có lẽ nó
cũng không phải thực tại của cái gọi là sinh mệnh. Khi mới bắt
đầu viết những dòng kể cho em nghe những điều này, tôi đã có lời mở đầu
rằng “tôi sẽ không thêm vào bất cứ kết luận hay chút suy diễn nào của
bản thân mình.” Song, không thể phủ nhận rằng tôi vẫn phải đưa vào những
lời giải thích mà ít nhiều cũng dựa vào những suy diễn của cá nhân tôi.
Kể từ sau lần đó, không biết bao lần tôi đã cho rằng, một bản thân khác
của tôi ấy chính là linh hồn mà thế gian vẫn thường nói. Tôi
cũng không rõ cái linh hồn ấy là một thứ như thế nào, nó có phải là một
thể tồn tại thực hay không? Song, tôi tuyệt nhiên không cảm thấy rằng
cái đã dõi theo bản thân tôi khi đang chớm chạm tới cái chết, mà không,
khi đang vào giờ phút hấp hối kia là linh hồn của bản thân mình. Thảng hoặc đó là linh hồn,
có chăng chúng ta sẽ buộc phải nghĩ rằng loài người chúng ta luôn bị
cái linh hồn kia chi phối các hoạt động thể xác và hoạt động tâm hồn
ngay cả khi chúng ta đang ở trong trạng thái sống bình thường. Và nếu
vậy, cả sự vận động của quả tim, cả sự lưu thông của máu, cả sự bài tiết
của tới mấy trăm loại hormon, cả sự hoạt động của những bộ phận nội
tạng, không chỉ có thế, cả sự biến đổi bất tận không ngừng nghỉ của trái
tim, tất cả đều bị điều khiển bởi cái linh hồn ấy. Nhưng, em
hãy thử nghĩ mà xem. Chúng ta không phải như vậy. Cơ thể chúng ta tự
mình vận động, chúng ta tự cười, tự khóc, tự cáu giận. Rõ ràng là cái sinh mệnh ấy của chúng ta không hề vừa sống vừa bị kiểm soát bởi cái gọi là linh hồn phải không em. Tôi còn nghĩ là, một bản thân nữa của tôi, thứ chỉ ẩn nấp bên trong cái ác và cái thiện do
chính tôi đã gây nên, rồi bị dằn vặt bởi những nỗi đau đớn vô tận, thứ
vừa chết lại vừa tồn tại, đó không phải là bóng ma mơ hồ vẫn được gọi
là linh hồn, mà nó chính là sinh mệnh vừa làm cho con
người tôi cảm nhận được sự cáu giận, nỗi buồn phiền, niềm vui, cơn đau
đớn, vừa dẫn dắt các hoạt động thể xác với các hoạt động tâm hồn phức
tạp và tinh vi. Nó không phải cái gì đó như là linh hồn. Nó không gì khác chính là một sinh mệnh mà
ta không thể nào miêu tả được bằng màu sắc, bằng hình thù, hay bằng từ
ngữ. Vào những ngày cơ thể đang dần dần bình phục, tôi đã nghĩ như vậy
trong khi đứng bên bậu cửa sổ ngắm những dấu hiệu của thiên nhiên báo
hiệu một mùa xuân đang về.
Tôi
không thể nào quên chuyện lạ lùng mà tôi đã từng trải qua này. Bởi thế
tôi cảm thấy sợ sống. Tôi đã không chết trong vụ việc đó. Song, chắc
chắn một ngày nào đó sẽ đến lúc tôi phải đón nhận cái chết. Tôi sẽ được
người ta cho vào trong quan tài, được đưa đến nhà hỏa táng, và sẽ biến
thành cát bụi. Tôi sẽ biến mất khỏi thế gian này không để lại chút dấu
vết. Thế nhưng, cái sinh mệnh của tôi ấy vẫn sẽ bị vây bọc bởi cái ác và cái thiện mà
tôi đã đèo bòng, sẽ không hề tiêu tan mà cứ thể hiển hiện mãi thôi. Nó
khiến toàn thân tôi run rẩy. Mùi cơ thể của Yukako, cái thân xác của
người tôi đã ghì chặt trong vòng tay mình vào cái đêm cuối cùng ấy lại
dội về. Cử chỉ gật đầu ngoan ngoãn như một đứa trẻ của Yukako trước mỗi
lời nói của tôi lại thoáng hiện lên trước mắt tôi. Chính tôi đã giết
nàng. Ý nghĩ đó ăn sâu, cắm rễ trong tâm trí tôi, không hề mất đi mà vẫn
tiếp tục đeo đẳng tôi cho đến hôm nay. Thế nhưng, tôi, kẻ đã nhìn thấy sinh mệnh của
bản thân mình, phải thay đổi ý nghĩ ấy, phải sống theo một cách khác
với cách sống từ trước cho đến bây giờ. Suy nghĩ đó cũng đã xuất hiện
trong tôi cùng với quá trình vết thương dần dần hồi phục. Tôi cũng hiểu
được là mình đã làm vợ mình tổn thương, đã khiến vợ mình phải đau xót
đến thế nào. Sau khi vụ việc xảy ra, tình yêu đối với người vợ ấy của
mình, ngược lại, ngày càng trở nên thiết tha, đắm sâu hơn trước. Và cùng
với đó, cả tình thương dường như đã bị trói chặt với Yukako, người đã
không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, cũng ngày càng dâng cao.
Đúng
lúc ấy, bố của em, Hoshijima Terutaka, bóng gió nói với tôi về việc ly
hôn. Việc này bố em nói gần nói xa, hơn thế, lại còn dai dẳng một cách
kỳ lạ. Nếu như, tôi không chạm trán với sự việc kỳ lạ ấy, chỉ cần em tha
thứ, có lẽ tôi sẽ cúi đầu xin bố cho cả hai đứa được làm lại từ đầu
cuộc sống vợ chồng của mình. Nhưng, suy nghĩ rằng mình phải thay đổi,
phải sống theo một cách khác với cách sống từ trước cho đến tận bây giờ
đã làm tôi lay động. Vào buổi tối nhận được quyết định xuất viện, tôi
đặt dấu chấm hết cho con tim đã bị xáo trộn trong mấy ngày trời, bằng
quyết định sẽ ly hôn với em. Tôi đã có dự định sẽ đến với một cuộc đời
mới.
Đúng
là tôi đã thay đổi. Tôi đã thử sống theo lối sống khác với lối sống từ
trước đến giờ của mình, rồi thành một thằng đàn ông ngập sâu trong bùn
lầy, biến thành một kẻ hốc hác không chốn náu nương, lê gót trong ngày
tháng của cuộc sống hư hao. Dù gì đi nữa, vào lúc tôi đang dõi theo con
chuột dần dần bị chú mèo ăn thịt trong căn phòng ở một quán trọn nhỏ
trên núi tại Zao, thì em đang ngồi trên chiếc ghế băng ở khu vườn thược
dược cách đó không xa và cùng cậu con trai khuyết tật của mình ngắm
những vì sao trên bầu trời đêm. Biết đâu cả tôi, cả hai mẹ con em, tuy
rằng đang ở những chỗ khác nhau, và đang ngắm nhìn những quang cảnh khác
nhau, nhưng thực ra, chúng ta lại đang nhìn thấy một thứ giống nhau.
Quả là kỳ lạ phải không em? Và, đời người sao quá muôn nỗi bi ai. Không,
lẽ ra tôi không nên viết như thế. Tôi dừng lá thư này ở đây thôi. Nếu
tiếp tục viết nữa, có lẽ tôi sẽ ghi vào đây những điều không nên nói ra
mất. Mong em hãy chú ý giữ gìn sức khỏe. Bị khiến xui bởi cái từ mang ý
nghĩa thâm sâu mà em tình cờ cảm nhận được từ âm nhạc Mozart, tôi đã
trót viết ra đây những điều mà tôi đã thầm định suốt cả đời này, sẽ
không hé lộ với bất kỳ ai. Có lẽ tôi đã viết lung tung ra đây những suy
nghĩ chủ quan của riêng mình. Xin em hãy cứ coi nó như một câu chuyện
làm quà của thằng đàn ông khốn khổ đã từng suýt bị chết bởi bàn tay của
một cô gái quán bar thôi nhé.
Tạm biệt em.
Ngày 31 tháng 7
Arima Yasuaki
Tái
bút: Tôi nghĩ, mình không thể dùng cái tên Arima Yasuaki để gửi thư cho
em bởi em đã có một gia đình mới, nên tôi đã giả một cái tên con gái ở
phần người gửi ngoài phong bì. Tôi nghĩ nhìn nét chữ là em sẽ nhận ra
ngay đấy chính là tôi thôi mà.
Anh Arima Yasuaki!