Tuổi thiếu niên kỳ lạ - Chương 10

 

Tia nắng qua đám mây

Tình bạn là một điều ngọt ngào, một thứ thuốc chữa lành vết thương, một cánh chim hạnh phúc.

Shelbey Shelley

Không
khí trong xe ngột ngạt nặng nề khiến tôi căng thẳng đến nỗi không thể
nói gì được, và có lẽ bạn cũng vậy. Chuyến đi như kéo dài vô tận. Thỉnh
thoảng chúng tôi nhìn nhau, cố rặn một nụ cười, nhưng chỉ thành mấy cái
nhếch môi miễn cưỡng.

Không biết bạn đang nghĩ gì, còn tâm trí tôi
thì ngập tràn kỉ niệm. Nhớ lại ngày đầu tiên đi học, lúc nào tôi cũng
có cảm giác bị rọi đèn vào mặt và trên trán tôi rành rành ba chữ “học
sinh mới”. Chỉ có bạn dịu dàng nhìn tôi, nắm lấy tay tôi và nói: “Đi
nào. Mình sẽ tìm lớp giúp bạn”.

Có lúc tôi để trượt một cú ném
bóng trong một trận đấu bóng rổ dành cho lớp sáu nên đội tôi thua đậm.
Tôi rất giận mình và thấy có lỗi, như thể tôi đã đem buồn bã cho cả thế
giới vậy. Bỗng nhiên bàn tay bạn đặt trên vai tôi cho một cảm giác ấm áp
vỗ về. Khi tôi ngước lên, nhìn vẻ mặt sầu thảm của tôi, mắt bạn cũng
ngân ngấn nước. Bạn ôm lấy tôi và kể cho tôi nghe chuyện bạn tự làm mình
ngã bằng cây gậy trong một trận cầu. Chẳng mấy chốc tiếng cười của hai
đứa đã lau sạch những giọt sầu trên mi mắt tô

Bạn đã ở bên tôi khi
tôi chia tay người bạn trai đầu tiên. Khi nhấc điện thoại lên, tôi
nghẹn ngào không thốt nên lời vì nước mắt cứ chặn ngay cổ họng. Tôi nhói
đau như thể có ai đó đã lấy mất trái tim mình. Bạn đã ôm tôi, và tôi
níu lấy bạn như thể bạn là tài sản duy nhất mà tôi còn lại trên thế giới
này. Nhưng tôi biết, mọi thứ rồi sẽ ổn, vì tôi có bạn.

Khi thoát
ra khỏi cơn mê của ký ức, tôi nhận thấy cuộc hành trình của chúng tôi
sắp đến hồi kết thúc. Chỉ một tiếng nữa thôi. Bạn bắt đầu lấy ngón tay
trỏ xoắn lọn tóc của mình, thói quen bạn vẫn làm mỗi khi xúc động. Tôi
nhìn thấy một giọt nước mắt lăn xuống má bạn. Nó lăn chậm như thể chiếc
xe phải đi hết chặng đường của mình thì giọt nước mắt mới đến được cằm
của bạn.

Khi xe vào trong khu ký túc xá đại học rộng bao la, cơn
mưa xuất hiện lúc nào chẳng rõ nay đang tạnh dần. Chúng tôi tìm được lối
đến khu nhà bạn được cấp, dỡ đồ đạc của bạn xuống và đứng bên cạnh xe
để nói lời từ biệt. Nhưng tôi không thể nói được lời nào. Chúng tôi nhìn
nhau, nước mắt lăn dài, ôm nhau thật chặt và hôn lên má nhau thật lâu
thay lời tạm biệt. Tôi trèo lên xe và thắt dây an toàn.

Bạn ngồi
bệt trên cỏ và nhìn theo chiếc xe khuất dần khỏi lối chạy vào ký túc xá.
Tôi nhìn chăm chăm bóng dáng bạn nhỏ dần qua tấm kính chiếu hậu. Tôi
nhìn mãi cho đến lúc chiếc xe cua sang góc đường khác và những khối nhà
che khuất tầm nhìn của tôi, không cho nhìn thấy người chị em thân thiết
nữa. Tôi ngước nhìn bầu trời và qua đám mây còn sót lại, tôi nhìn thấy
một tia nắng duy nhất rọi xuống. Mọi việc rồi sẽ ổn thôi.

SARAH WOOD

 

Một cánh tay cho

Nhiều
người muốn cùng đi với bạn trên chiếc xe limousine, nhưng những gì bạn
muốn là có một người cùng đi xe buýt với bạn khi chiếc limousine của bạn
bị hỏng.

Oprah Winfrey

Tiếng
chuông cửa dưới nhà lại reng. Tôi cố gắng đi ra cửa, đầu óc vẫn còn lừ
đừ choáng váng do thuốc Vicodin gây ra. Cái còi mở cửa chính trong khu
chung cư phức hợp còn cách tôi vài bước. Mỗi một cử động nhỏ cũng làm
tôi đau đớn. Quá yếu không thể nhấc được cánh tay còn lành lặn lên, tôi
đành tựa vào cái còi. Nó cứ kêu u u. Đâu đó sâu trong tiềm thức, tôi mơ
hồ nghe những bước chân vội vã chạy lên cầu thang, cánh cửa căn hộ tôi
mở ra và một mái tóc vàng xuất hiện.

“Ổn không cưng?”, cái đầu
vàng mỉm cười khi cô dịu dàng choàng tay quanh người tôi và dẫn tôi trở
lại chiếc trường kỷ. LàVictoria hay Anna?

Tôi chẳng thể nào nhận
ra ai. Từ khi tôi gặp tai nạn và phải chịu phẫu thuật, mọi thứ đều trở
nên mờ mịt. Tôi mơ hồ nhớ hình như khách khứa cứ lũ lượt đến căn hộ của
tôi không ngừng, nhưng mãi về sau, khi sức khỏe đã khá hơn, tôi mới biết
mấy người bạn đã thay phiên nhau đến chăm sóc tôi.

Trước hôm
Giáng sinh mấy ngày, trên đường đến chỗ trượt tuyết, chiếc xe Jeep của
chúng tôi đâm sầm vào tảng băng đen thui và lộn mấy vòng. Hi hữu thay,
tất cả chúng tôi – một cặp vợ chồng người bạn mới cưới, con chó của hai
bạn ấy và tôi – vẫn sống sót sau tai nạn. Không ai bị thương tích gì cả,
trừ một cánh tay trái bị gãy – cánh tay của tôi.

Sau bao lần được
máy bay trực thăng cứu hộ đưa đi, bao lần nhập viện và một cuộc phẫu
thuật kéo dài, cuối cùng tôi cũng đã có được cơ hội hồi phục hoàn toàn,
nhưng sẽ rất lâu.

Trở lại San Francisco, với vô số đinh vít trong
cánh tay và vẫn phải dùng đến lượng lớn thuốc giảm đau, tôi về căn hộ mà
tôi đang ở chung với Stacey, một cô gái rất dễ thương mà tôi mới quen
biết. Tôi mới chuyển đến sống chung với cô ấy chưa bao lâu (theo lời
giới thiệu của bạn của một người bạn), và dù bắt đầu mến nhau nhưng cuộc
sống của cả hai đều bận rộn khiến chúng tôi chẳng có thời gian gặp gỡ
nhau lâu. Ngoài Stacey, tôi không cho bạn bè, hay người thân biết tai
nạn của mình, vì tôi không muốn họ phải lo lắng.

Trong trạng thái
mơ mơ hồ hồ, tôi nhận biết chút ít rằng, ngay khi tôi về đến nhà, cô ấy
hiểu rõ tình trạng thương tật của tôi – và với kỹ năng chuyên nghiệp
được đào tạo để ứng phó với thảm họa, cô ấy đã xử trí hết sức nhanh nhẹn
và thuần thục.

Stacey nói với David, anh bạn bác sĩ đã đưa tôi từ
bệnh viện về nhà và là người duy nhất biết được chuyện không may của
tôi: “Chị ấy sẽ ở trong phòng của tôi. Giường của tôi cao hơn giường của
chị ấy, như thế sẽ dễ đưa ra đưa vào hơn”.

Đầu óc choáng váng
khiến tôi không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra, cũng không còn sức
để đồng ý hay phản đối, tôi để mặc cho họ đưa vào phòng Stacey và đỡ vào
nằm trên giường của cô ấy. Tôi lại thiếp đi.

Về sau tôi có nghe
kể là Stacey đã mời David ngồi lại để hỏi anh ấy về tình trạng sức khỏe
và cách săn sóc tôi, bắt David phải gọi điện cho những người thân của
tôi để họ liên lạc với cô ấy. Stacey cũng gọi cho tất cả bạn bè của tôi
mà cô ấy tìm thấy số ghi trong cuốn sổ nhỏ để cạnh điện thoại. Trong
vòng đôi ba ngày, Stacey đã sắp xếp kế hoạch nuôi bệnh rất nhanh gọn và
hiệu quả.

Vì gia đình tôi sống cách tôi đến cả vài ngàn dặm, nên
Stacey và các bạn tôi đã phân công nhau chăm sóc tôi, làm cách nào để
bên cạnh tôi luôn luôn có người túc trực.

Stacey lãnh hầu hết ca sáng và ca tối. Cô ấy cũng lo việc đi chợ, nấu nướng, giặt giũ, và cứ cách ngày lại tắm cho tôi.

Bạn
nào làm nghề tự do sẽ ghé ngang qua và lo cho tôi cả ngày; những người
khác sẽ nấu ăn hoặc đưa tôi ra ngoài hít thở không khí trong lành, hoặc
đơn giản chỉ là ngồi với tôi cho có bạn.

Tuy thế nhưng phần lớn
thời gian là Stacey ở với tôi. Cô ấy cứ loay hoay sắp xếp lịch nghỉ ngơi
giải trí của cô ấy sao cho bạn bè đến chơi thường xuyên hơn; hoặc nếu
như cả bọn có đi chơi thì cô ấy cũng lên kế hoạch đi xem phim để tôi
cũng có thể cùng đi với họ. Tôi cực kỳ biết ơn cô ấy, mặc dù nhiều khi
tôi cảm thấy áy náy vì phải nhờ một người hoàn toàn xa lạ giúp mình
những việc đơn giản nhất. Chẳng biết do đâu mà tôi không còn ngại ngùng
nữa. Là chị cả trong gia đình có bốn anh chị em nên Stacey đã quen với
việc chăm sóc người khác. Từ đó Stacey và tôi thân nhau khi phát hiện ra
chúng tôi có nhiều điểm chung – cùng tuổi, cùng trình độ, các mối quan
tâm và các giá trị sống. Chúng tôi cũng thật sự quý mến bạn bè của nhau,
vì thế đối với cả hai chúng tôi, việc kết giao là một sự trao đổi tình
cảm thú vị chứ không phải gượng ép.

Sau khi hoàn toàn bình phục,
cuộc sống của tôi đã khác đi rất nhiều so với trước khi gặp tai nạn. Tôi
đã thay đổi nghề nghiệp, và giờ đây tôi dành nhiều thời gian hơn cho
bạn bè – đặc biệt là Stacey. Dù tai nạn vừa qua có lấy đi của tôi rất
nhiều thứ, nhưng cũng giúp tôi biết chọn lựa những điều ưu tiên trong
cuộc sống và đem lại cho tôi một người bạn tuyệt vời, là người đã trở
thành viên đá đặt nền móng cho một cuộc đời mới của tôi.

MONIKA SZAMKO

 

Không cần gặp mặt vẫn bên nhau

Nhiều
người cho rằng chúng ta phải thường xuyên gặp mặt nhau thì mới trở
thành bạn bè thân được. Tôi hoàn toàn không đồng ý quan điểm này. Bạn
thân của tôi là ba cô gái vô cùng dễ thương, tôi quen biết họ được vài
năm, nhưng chưa bao giờ gặp mặt họ. Ba người sống ba nơi trên nước Mỹ,
một người ở California tràn đầy nắng ấm, một người ở bang Texas rộng
lớn, còn người thứ ba thì ở Illinois. Chúng tôi tình cờ quen biết nhau
trên mạng, hình thành mối quan hệ khắng khít qua thư điện tử, và chia sẻ
tâm tư tình cảm qua điện thoại, thư tay, và những mẩu tin nhắn.

Đầu
tiên là Kathy. Tôi quen cách đây khoảng 5 năm. Lúc đó Kathy vừa đọc
được một truyện ngắn của tôi đăng lên mạng. Câu chuyện tôi viết rất
giống với chuyện đời thực của Kathy nên sau khi đọc xong, bạn ấy quyết
định phải viết thư cho tôi. Chúng tôi tự giới thiệu ngắn gọn về mình và
từ đó trở thành bạn thân của nhau. Giống như tôi, Kathy cũng là một cây
bút trẻ. Chúng tôi chia sẻ với nhau mọi thành công, bày tỏ những quan
tâm lo lắng về chuyện viết lách và khóc lóc với nhau mỗi khi bài viết bị
từ chối.

Khi có tin vui, không chần chờ, tôi viết thư báo ngay
cho Kathy biết. Đến khi bài viết gặp trở ngại, tôi vội vàng gọi điện tâm
sự với Kathy. Tôi biết bạn ấy sẽ an ủi tôi bằng giọng nói dịu dàng và
những nhận xét đầy khích lệ. Nếu như cách ngày mà không nhận được cái
mail nào của người kia là chúng tôi lại phập phồng lo lắng.

Diana
là người bạn thứ hai tôi gặp trên mạng. Chúng tôi cũng đã kết bạn với
nhau được vài năm. Diana viết thư cho tôi sau khi đọc được một truyện
của tôi đăng trên mạng. Diana đã gửi quà khi các cháu gọi tôi bằng dì ra
đời. Bạn ấy không khi nào quên chúc mừng sinh nhật tôi hay bất kỳ ngày
lễ nào trong năm. Biết tôi thích phong linh, Diana đã đưa vào bộ sưu tập
của tôi rất nhiều kiểu phong linh. Cứ mỗi khi nghe tiếng phong linh reo
vui trong gió nhẹ, tôi lại nghĩ đến Diana.

Sau khi mẹ tôi phẫu
thuật tim, Diana thường gọi điện hỏi thăm và động viên tôi. Hai năm sau
đến lượt tôi bị phẫu thuật, Diana lại thường xuyên gọi điện cho tôi
nhiều hơn. Suốt sáu tuần hậu phẫu, hầu như ngày nào tôi cũng nhận được
một tấm thiệp của Diana. Ngày hôm nay không có thiệp thì ngày hôm sau sẽ
có đến hai tấm trong thùng thư của tôi. Tôi nâng niu tình yêu mà Diana
gửi gắm vào những tấm thiệp đó và giữ gìn không thiếu một tấm nào. Diana
thương tôi nhiều nên tìm mọi cách làm cho tôi mỉm cười ngay cả trong
lúc tôi cảm thấy đau đớn nhất.

Anne là người bạn gái thứ ba tôi
quen trên mạng. Anne cũng đọc được một trong những truyện ngắn tôi đã
xuất bản và đã làm quen tôi, giống như Kathy và Diana. Anne còn là một
nhà văn nên cũng hiểu được những thăng trầm mà tôi gặp phải khi theo
đuổi nghiệp viết lách. Anne và tôi thường gọi điện cho nhau, có khi nói
chuyện với nhau suốt cả buổi chiều.

Hai đứa tôi thường thảo luận
về những vấn đề quan trọng đối với con gái, những giá trị tinh thần cùng
những rắc rối thường xảy ra trong gia đình. Tâm hồn tôi ngày càng trở
nên phong phú và thăng hoa nhờ tình bạn của Anne.

Bạn bè không
nhất thiết phải là những người có thể gặp mặt nhau. Chúng ta có thể
không được ôm bạn bè của mình hay lau nước mắt cho họ. Chúng ta có thể
không được ngồi bên nhau và cùng nhau uống tách cà phê hoặc đi mua sắm
với nhau cho đến khi mệt lử. Nhưng tất cả những cái “không” đó không thể
ngăn chúng ta có được những người bạn thân tuyệt vời. Nhưng tuyệt nhất
là một ngày nào đó, tôi có thể gặp gỡ ba người bạn gái trên mạng của
tôi, và chúng tôi đành phải nhờ đến công nghệ hiện đại để nuôi dưỡng
tình bạn chờ đến ngày thực sự gặp được nhau.

Tôi rất biết ơn những
truyện ngắn đã thu hút sự chú ý của ba người bạn trên mạng của tôi. Tôi
rất biết ơn Internet đã tạo cơ hội cho tôi gặp được ba người bạn –
những người đã giúp cho cuộc sống của tôi mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn.
Nhưng tôi không tin là tình bạn của chúng tôi có thể tốt hơn nếu chúng
tôi sống gần nhau hơn. Một người bạn thật sự sẽ luôn có mặt khi bạn cần
đến họ. Và các bạn của tôi đã luôn làm điều đó. Tôi chỉ cần lên mạng
hoặc quay số điện thoại khi cần đến bất kỳ ai trong ba người bạn ấy. Do
mối quan hệ độc đáo ấy, tôi tin rằng kể cả những người bạn chưa từng gặp
cũng có thể và sẽ mãi mãi là bạn thân của chúng ta.

NANCY B. GIBBS

 

Cuộc họp mặt bày tỏ ước muốn

Chọn bạn kĩ càng thì ít khi phải thay đổi bạn.

Benjamin Franklin

Suốt
mùa đông của năm học lớp mười một, tôi đã đếm từng ngày, mong đến kỳ
nghỉ hè. Dù có đếm kiểu gì thì tôi vẫn phải mặc đồng phục để đến trường,
vẫn phải thử máu, chích thuốc, ăn sáng, chạy ra khỏi cửa và vội vàng
đến lớp cho kịp tiết học đầu tiên trong ngày. Đó là một năm đầy khó khăn
và nhiều thách thức đối với tôi, cũng như với bất cứ đứa trẻ nào khác ở
một ngôi trường mới. Tôi còn phải chịu đựng những cuộc kiểm tra theo
dõi chứng tiểu đường và học cùng với những người bạn có vấn đề về sức
khỏe. Dù vậy tôi vẫn phải cố đến lớp học bốn tiết một ngày và gặp thầy
cô giáo phụ đạo tại nhà hai lần một tuần. Lúc nào tôi cũng chỉ có học và
học.

Giờ phút tuyệt vời nhất trong ngày là giờ học hợp xướng, vì
lúc đó tôi cảm thấy mình được tôn trọng hơn. Phân nửa đám con gái trong
lớp đồng ca là những người khỏe mạnh; nửa còn lại là những đứa có những
nhu cầu đặc biệt. Dù hình dáng và khả năng của chúng tôi có khác nhau
nhưng chúng tôi cùng giống nhau ở chỗ đều thích son bóng, quần áo mới –
và dĩ nhiên là cả ca hát nữa.

Một ngày nọ, các tiết học của chúng
tôi được rút ngắn bớt so với ngày thường, vì thế học sinh toàn trường có
thể tập trung trong khán phòng để tham dự Cuộc họp mặt bày tỏ ước muốn.
Lập tức tôi muốn được trở lại trường trung học Công giáo mà tôi đã học
năm lớp mười. Tôi ước chi ngôi trường đó đừng phải đóng cửa.


trước đây chưa từng tham dự một cuộc họp mặt bày tỏ ước muốn nào như
thế, nên tôi không biết phải làm gì cả. Tôi nghĩ mình cứ ngồi đó và chờ
cho nó kết thúc thôi. Cuộc họp mặt bắt đầu bằng những lời thông báo của
Ban tổ chức, sau đó là tiết mục “ước ao”. Các học sinh từng người một
được Ban tổ chức gọi lên trên bục để các bạn tự nêu lên ước muốn của
mình. Người ước có xe hơi; kẻ ước có một chú cún để nuôi và cứ thế… Thật
là một cuộc họp mặt dớ dẩn! Tôi nghĩ.

Chẳng mấy chốc mọi ánh mắt
đều dồn về Elizabeth, một bạn nữ trong lớp đồng ca của tôi. Con nhỏ ấy
sẽ ước gì nhỉ? Tôi thắc mắc. Đối với một cô gái có những nhu cầu đặc
biệt như nhỏ, chắc chắn nhỏ phải có nhiều thứ để mơ lắm!

Elizabeth
đi từng bước đến trước cái micro. Giọng không run tí nào, nhỏ bắt đầu
nói: “Điều ước hôm nay của tôi là có thể tặng cho Jenna Mitchel một món
quà trước toàn trường”.

Jenna Mitchel ư? Là tôi! Trái tim tôi bắt đầu đập loạn xạ.

Chỉ vài giây sau, một thông báo vang lên: “Mời Jenna Mitchel lên đây để gặp Elizabeth”.

Không
suy nghĩ được gì, tôi đứng lên và hồi hộp đi từng bước một tiến lên sân
khấu. Trước sự chứng kiến của toàn trường, tôi mỉm cười với Elizabeth,
rồi đứng cạnh nhỏ ấy.

Elizabeth bắt đầu bài phát biểu rất ngắn của
mình mà có lẽ nhỏ đã phải tập đi tập lại nhiều lần trước gương: “Tôi
muốn cám ơn Jenna vì bạn ấy đã là bạn thân của tôi ở ngôi trường này, và
tôi muốn được tặng bạn ấy chiếc vòng đeo cổ này”.

Elizabeth trao
cho tôi một chiếc hộp nhỏ bọc giấy vàng óng có thắt một sợi dây nơ cùng
màu. Trong lúc các bạn bên dưới nhìn chúng tôi, tôi xúc động lí nhí nói
lời cám ơn Elizabethvà run run ôm lấy nhỏ.

Mắt ngân ngấn nước, tôi
quay lại chỗ ngồi của mình. Thế rồi tôi nhận ra, tôi đã có bạn ở ngôi
trường mới này. Thậm chí còn có một “nhỏ bạn thân” nữa chứ – một người
hiểu tôi, một người biết rõ thế nào là những nhu cầu đặc biệt và cũng là
người cũng thích ca hát, giống như tôi.

JENNA MITCHEL

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3