Tuổi thiếu niên kỳ lạ - Chương 09

 

Của tôi cũng là của bạn

Bạn bè phải đi đến một sự thỏa thuận. Bạn khoan dung với bản chất con người của tôi và tôi khoan dung với bản chất con người của bạn.

Pam Brown

Trông Judy chẳng có vẻ gì là một người bạn phù hợp với tôi. Chúng tôi cân nặng xấp xỉ bằng nhau, chỉ có điều cô ấy cao hơn tôi… 13cm. Suốt thời niên thiếu, Judy có rất nhiều người theo đuổi, được về nhà khuya hơn, có công việc bán thời gian ngon lành hơn (Judy khai gian tuổi và trở thành một trong những nhân viên bán nước hoa hảo hạng của một cửa hiệu ở khu mua sắm Brooklyn; còn tôi nhận quần áo bẩn ở tiệm giặt ủi của ba tôi). Những thứ mà tôi phải đánh vật một cách khổ sở mới hoàn thành được – như môn Toán, tiếng Tây Ban Nha,… thì Judy chỉ cần học một là đã biết mười một cách xuất sắc.

Sau khi tốt nghiệp trung học, cả hai chúng tôi đều theo học ở Đại học Brooklyn. Ngày ngày, chúng tôi đi đi về về cùng nhau cho đến ngày hai đứa đều tốt nghiệp cử nhân khoa giáo dục sơ cấp. Vào một ngày tháng chạp giá lạnh, chúng tôi hẹn nhau đi khám sức khỏe để bổ sung vào hồ sơ xét bổ nhiệm giáo viên. Chúng tôi đi tàu điện đến Phòng Giáo dục và đứng vào hàng người nối đuôi dài dằng dặc tưởng như bất tận. Dòng người xếp hàng làm tôi liên tưởng đến trại lính. Cả trăm sinh viên xếp thành hàng một, đi từ phòng khám này sang phòng khám khác để được đóng dấu vào tờ đơn xin việc.

Qua được nửa cái ngày dài lê thê ấy, bọn sinh viên chúng tôi láo nháo đứng nghỉ tạm tại nhà vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh, rửa mặt mũi, thoa lại chút son – son của tôi màu hồng nhạt, còn của Judy là màu quýt nóng – chúng tôi lại vội vàng xếp hàng.

“ Ai có tên từ A đến F, theo tôi”, một bà vạm vỡ la oang oác. Có vẻ như nghề tay trái vào ngày nghỉ cuối tuần của bà là đóng vai cai ngục trong mấy bộ phim hình sự hay sao ấy. Tuyệt thật! Forman và Finkel, chúng tôi vui mừng lật đật đi theo bà trở lại cái phòng vệ sinh mà chúng tôi mới từ trong đó ra. Rồi bà đưa cho mỗi đứa một cái ly giấy.

- Lấy nước tiểu cho vào đây, vui lòng làm nhanh lên. Lịch làm việc sít sao lắm đấy, đừng có mà lề mề.

Điều cuối cùng tôi muốn làm trên đời này, ngay bây giờ, là lề mề câu giờ. Tôi mới vừa từ phòng vệ sinh ra cách đây chưa đầy năm phút, làm sao tôi có thể lấy nước tiểu được nữa cơ chứ? Judy và tôi vào ngồi trong hai gian vệ sinh kề nhau. Không tới năm giây sau, tôi đã nghe thấy Judy hoàn thành nhiệm vụ. Thế là tôi lại càng thêm sốt ruột. Tôi thì thào:

- Bồ làm thế nào mà nhanh vậy?

Tôi nghe Judy cười khúc khích:

- Dễ thôi mà. Tụi mình mau mau ra đi. Cái bà hắc xì dầu ấy làm mình sợ quá.

Rồi tôi nghe thấy tiếng giật nước dội cầu.

Tôi từng khâm phục, ngưỡng mộ Judy nhiều thứ – mái tóc đen dày, hay khả năng nhớ lời bài hát chỉ sau một lần nghe, và kinh nghiệm tình trường – nhưng không gì đọ lại được sự nể phục của tôi dành cho khả năng đi vệ sinh theo yêu cầu của cô ấy.

Tôi rên rỉ:

- Mình chẳng thể nào đi được, làm sao mà một người vừa mới đi xong lại có thể còn dư chút gì để làm mẫu chứ?

Tôi cố pha trò, nhưng không cảm thấy có gì đáng cười.

Tiếng bà ”cai ngục” lại oang oang:

- Gặp tôi tại cầu thang, chúng ta sẽ đến phòng nghiệm để thử máu trong ba phút nữa.

Tôi bắt đầu toát mồ hôi, thì thào với Judy ở phòng bên:

- Cứ đi đi, đừng đợi mình. Mình không muốn bồ lỡ việc vì mình đâu.

Judy cũng thì thầm:

- Mình sẽ không đi mà không có bồ. Bình tĩnh đi. Chẳng sao đâu. Mình sẽ hiến cho bồ một quả thận nếu bồ cần; bồ không nghĩ là mình có thể chia bớt nước tiểu của mình sao? Đưa cái ly của bồ qua bên dưới khe cửa đi. Mình sẽ chia bớt nó cho bồ.

Tôi đưa ly qua, và Judy sớt một nửa cho tôi. Cả hai đứa nhanh chóng chạy ra khỏi phòng vệ sinh và đưa ly của mình cho một bà đang đứng gác ở cửa.

Nhẹ cả người, tôi ôm chặt lấy Judy khi hai đứa tiếp tục đi về phía cầu thang.

- Mình rất sẵn lòng đền bù cho bồ bằng cách chia máu mình cho bồ để xét nghiệm - Tôi nói thế và ước mong mình có thể làm điều đó cho bạn.

Judy chỉ mỉm cười:

- Dù gì thì cũng đừng vội phấn khởi quá. Biết đâu họ sẽ thông báo cho bồ biết là có chất albumin trong nước tiểu của bọn mình. Mình có thể bị bệnh tiểu đường di truyền từ mẹ, và chất albumin cũng có thể tố cáo cuộc sống lăng nhăng của mình. Quên nó đi.

Albumin? Một bức thư sẽ gửi đến nhà tôi, và thông báo cho ba mẹ tôi biết rằng nước tiểu của tôi có chất albumin ư? Albumin tố cáo mọi chuyện lăng nhăng ư? Rồi mẹ tôi sẽ bắt tôi đi khám phụ khoa? Thôi chết, cuộc đời tôi tiêu rồi!

Tôi thắc mắc lo lắng suốt cả tuần sau đó. Rồi tuần kế tiếp, cuối cùng tôi nhận được một thông báo rằng tôi được công nhận là một giáo viên - của thành phố New York - hoàn toàn khỏe mạnh (không có một chút albumin nào trong nước tiểu). Có người từng nói, đánh giá một tình bạn thật sự là khi tài năng và sự cẩn trọng của mỗi người trở thành tài sản chung của cả hai. Quả thật, Judy và tôi đã trải nghiệm chân lí ấy với nghĩa rộng hơn một chút.

MARCIA BYALICK

 

Một câu nói đáng giá

Ôi, lời đề nghị ấy làm tôi xấu hổ quá! Nhưng đây lại là Sue, bạn thân nhất, rất đáng tin cậy của tôi! Sue gọi điện nói với tôi rằng nó đang sắp xếp một cuộc hẹn để tôi gặp một người mà tôi không quen, làm sao đây? Hẹn hò với một tên nào đó lạ hoắc? Nhỏ này có mất trí không vậy? Hai đứa lúc bấy giờ đang là học sinh lớp mười một, Sue và tôi đã đã chơi với nhau rất thân từ hồi học lớp một lận. Chúng tôi đã lớn lên bên nhau, không giấu nhau bất kỳ chuyện gì, vui thì cùng vui, buồn thì cùng buồn. Có phải nhỏ ấy muốn kết thúc tình bạn của hai đứa tại đây và ngay bây giờ không? Sue có điên mới nghĩ đến chuyện đi mai mối tôi với ai đó, thậm chí nó còn chẳng biết mặt mũi tên này ra sao nữa, vậy mà bây giờ lại cứ khăng khăng muốn hai đứa đi chơi Disneyland cùng với hai tên con trai lạ hoắc nào đó. Và buổi hẹn ấy là tối nay. Thật là điên hết sức! Cho nên tôi nhất định sẽ không đi chơi với một tên con trai lạ nào hết, vì tôi hoàn toàn không thích vướng vào cái tên đó ở Disneyland suốt mấy tiếng đồng hồ. Thay vì đến khu vui chơi, tại sao Sue không nghĩ đến chuyện đi xem phim nhỉ? Ít nhất nếu cả bọn đi xem phim, trong rạp tối thui (hả?), tôi sẽ không phải nói chuyện với hắn hoặc nhìn hắn.

Sue và tôi đã cãi nhau một trận kịch liệt vì chuyện đó. Nó khăng khăng muốn tôi đến chỗ hẹn tối nay, còn tôi thì nhất quyết không hẹn hò gì cả. Sue nói tôi thật cứng đầu – có một chuyện nhỏ như con thỏ thôi mà cũng xem to như con voi vậy. Sue nói nếu tôi không đi thì nó cũng không thể đi. Ủa, đi hay không là tùy nó chứ, mắc mớ gì đến tôi! Hai đứa tôi cứ cãi qua cãi lại như thế, chẳng đứa nào chịu nhường đứa nào.

Tôi quyết định kể chuyện đó cho mẹ nghe. Tôi biết mẹ sẽ đứng về phía tôi và ủng hộ tôi như mọi khi. Nhưng lạ quá, lần này mẹ lại bảo tôi nên đi. Tôi không thể tin được tai mình. Bạn có muốn biết lý do tại sao lần này mẹ tôi đứng về phía Sue không? Mẹ giải thích rằng: vì tôi thật sự thích đi Disneyland chơi, và vì Sue cũng đi nên mẹ nghĩ tôi sẽ rất vui, vì Sue và tôi lúc nào cũng vui vẻ khi ở bên nhau kia mà. Có hay không có hai tên con trai lạ kia cũng đâu có vấn đề gì! Có lý. Và rồi sau cuộc hò hẹn ấy, hai đứa chúng tôi có thể trò chuyện trên điện thoại hàng giờ, và kể đi kể lại mãi những gì xảy ra trong chuyến đi chơi ấy. Mà xét cho cùng, hai đứa cũng chỉ đi chơi trong một tối ngắn ngủi thôi ấy mà. Mẹ còn nói với tôi: “Con chỉ đi Disneyland chơi thôi chứ có phải cưới anh chàng đó luôn đâu!”

Một câu nói đáng giá! Không những tôi đã đi chơi Disneyland trong lần hẹn hò đầu tiên ấy, mà bốn năm sau tôi còn kết hôn với chính “tên con trai lạ” đó! Và bây giờ, ba mươi năm sau, người hẹn hò mà tôi không biết mặt, Frank, và tôi cùng với ba đứa con trai của chúng tôi vẫn thường đem câu nói ngày xưa của mẹ ra trêu chọc. Tôi vẫn là bạn thân nhất của Sue – bây giờ còn hơn là bạn nữa, chúng tôi như thể là chị em ruột vậy. Chúng tôi vẫn kể cho nhau nghe những bí mật, cùng nhau hồi tưởng về kỉ niệm, và Sue vẫn chê tôi là kẻ cứng đầu. Giờ thì chúng tôi cũng đã biết ai mới là kẻ cứng đầu nhất – chắc chắn không phải là tôi! Sue bao giờ bỏ cuộc cho đến khi có được thứ bạn ấy muốn. Và sau bao nhiêu năm tháng, Sue vẫn hoạnh họe tôi về việc ngày xưa ngay từ đầu đã không chịu đến chỗ hẹn hò để gặp “người chưa từng biết mặt” ấy. Ai mà biết được mọi việc sẽ hóa ra thế này cơ chứ? Cám ơn Sue.

BARBARA LOMONACO

 

Từ biệt một người không nổi tiếng

Than khóc đau buồn không thể làm ta quên... mà chỉ làm ta suy sụp. Mỗi phút giây buộc lại cần phải được tháo ra, những thứ có giá trị vĩnh hằng sẽ lộ ra từ đám bụi che phủ.

Margery Allingham

Tang lễ của Teri, bạn tôi, được cử hành vào một ngày thật đẹp. Mặt trời rực rỡ chiếu khắp nơi khi chúng tôi bước vào nhà thờ, một làn gió nhẹ mơn man tà váy trang báo nào ở mục xã hội.

Nhưng nếu bạn sống ở thị trấn nhỏ bé South Jersey của chúng tôi bất kể là bao lâu, bạn ắt phải biết đến Teri. Chị luôn giang rộng tay chào đón những người mới đến, và những người cô đơn cũng như những người đang thất vọng thường được chị an ủi trong vòng tay trìu mến của mình.

Nếu bạn sống ở phía đông của thị trấn, bạn có thể ngắm ngôi nhà nơi góc phố yên tĩnh, căn nhà có cái xích đu bằng bánh xe, và trên bãi cỏ thường có người phụ nữ nhỏ nhắn luôn được bầy trẻ nhỏ vây quanh.

Teri có sáu người con và tám đứa cháu nội ngoại. Vào thời buổi này, hiếm có gia đình nào đông vui như thế lắm. Vì vậy mà Teri nổi tiếng, một phần vì có con đàn cháu đống, phần nữa là vì đám con cháu rất đáng yêu: mỗi đứa một vẻ, thú vị, hài hước và luôn tươi cười.

Hơn 20 năm qua, vợ chồng tôi sống cùng một góc phố với nhà Teri và lũ trẻ của chị. Lúc mới chuyển nhà đến đây, chính Teri đã chủ động đến chào chúng tôi và giúp chúng tôi làm quen với những gia đình khác trong khu phố.

Giỏi kết giao là món quà của Teri tặng cho mọi người. Trong một thế giới đầy mánh lới phô trương, chị có lối sống riêng của mình. Trong xã hội chỉ biết đánh giá con người bằng nghề nghiệp, thì Teri không có một vị trí xã hội nào nổi bật. Chẳng có gì cả trừ phi bạn quan tâm đến tài sản mà chị ấy có: sự trung thực, tình yêu và thiện tâm.

Teri là người phụ nữ thông minh, sâu sắc, tinh tế và lôi cuốn. Sự nghiệp thành công nhất của chị là mái ấm gia đình. Chị rất khôn ngoan, nhưng chẳng khi nào tự nhận điều đó. Và nếu cho rằng chuyện đó chẳng đáng bận tâm, thì bạn sẽ không dành nhiều thời gian cho Therese Marie đâu (cái tên ba mẹ đặt cho chị lúc mới chào đời nhưng ít ai biết đến).

Teri của chúng tôi chẳng cần có ngọn đuốc nào để giúp được tỏa sáng.

Không một cuộc trò chuyện nào với người bạn - người hàng xóm láng giềng đáng yêu này mà không khắc sâu trong tôi một ý tưởng mới mẻ nào đó. Không một bữa tiệc nào của chị mà không để lại cho tôi suy nghĩ khi rời khỏi đó. Tại sao bữa tiệc này lại đặc biệt hơn những nơi khác? Không chỉ là thức ăn ngon, cũng không phải là được đáp ứng những yêu cầu. Trong ngôi nhà này, những gì bạn dễ dàng cảm nhận được là một niềm vui thích không thể giải thích được. Chị ấy như thể là một hóa thân của tự do và niềm vui, một tính cách trẻ con trong vóc dáng người lớn. Trẻ nhỏ yêu quý chị, và người lớn cũng thế.

Nhà thờ chật cứng người trong buổi lễ tưởng nhớ người bạn thân yêu quý của tôi. Rất lâu sau khi buổi lễ kết thúc, chúng tôi cứ mãi lần chần bên ngoài nhà thờ, nhớ lại bài điếu văn ca ngợi mẹ do một người con trai của chị đọc. Chúng tôi suy nghĩ về những việc chị đã làm, mỗi giây phút tự nhiên trở nên có ý nghĩa làm sao. Con đường cái trong thị trấn chúng tôi hóa thành một biển người đang di chuyển, mỗi người đều âm thầm nhớ lại kỉ niệm của riêng mình về Teri.

Ai nấy đều cảm thấy mất mát, và sửng sốt tột cùng khi nghe tin Teri lìa trần. Thần chết đã rình rập để bắt Teri đi trong chỉ vài ngày chứ chẳng phải tính bằng tuần hay bằng tháng. Một số đã người không kịp về giã biệt chị.

Nhiều người trong chúng tôi vẫn nắm chặt tấm thiếp tưởng niệm nho nhỏ được phát trong nhà thờ. Trên tấm thiếp có in lời cầu nguyện của Thánh Francis of Assisi: “Nơi nào có lòng hận thù, hãy để tôi tỏ bày tình yêu thương. Nơi nào có muộn phiền, hãy để tôi tỏ bày niềm vui”. Đấy chính là phẩm chất của Teri.

Vào buổi sáng chan hòa ánh nắng ấy, khi mà tất cả những người thân thiết đều khó nói lời chia biệt thì xa xa, xe cộ vẫn qua lại, người người đi mua sắm, thế giới vẫn lo toan những công việc của nó; còn bên ngoài nhà thờ, chúng tôi tụ tập đông đến nỗi chẳng thể nào nhúc nhích được.

Một số người đến bên chồng Teri, - người bạn đời đã chung sống với chị năm mươi mốt năm - để chia sẻ nỗi đau khổ mà anh ấy đang phải gánh chịu.

Một số người đến bên sáu người con của Teri, những người vừa mới phải nói lời vĩnh biệt khó khăn nhất trong đời.

Sau tang lễ, trên đường về nhà, chúng tôi chạy xe trong im lặng, đi ngang qua nhà của Teri. Không còn đám trẻ con, không còn những chiếc xe đạp dựa vào nhau nơi bờ rào, và lần đầu tiên trong bao nhiêu năm, trên chiếc xích đu không có bóng dáng ai.

SALLY FRIEDMAN

 

Món quà búp bê

Người bạn thân nhất của tôi là người khơi dậy phần tốt đẹp nhất trong tôi.

Henry Ford

Lauri và tôi làm bạn với nhau từ lúc hai đứa chúng tôi mới bốn tuổi. “Lúc ấy tôi bốn tuổi rưỡi”, tôi có thể nghe thấy Lauri chỉnh lại như thế, không bao giờ cô tôi bỏ lỡ cơ hội nhắc cho tôi nhớ là cô lớn hơn tôi… sáu tháng. Khi biết hai đứa có quan hệ họ hàng với nhau (Lauri là cô họ của tôi), chúng tôi càng thêm gắn bó.

Tuy nhiên tình bạn ấy lại có một khởi đầu xét ở mặt nào đó thì có hơi trắc trở một chút, một chuyện liên quan đến một dấu vết để lại vĩnh viễn trên con búp bê Baby Drowsy yêu quý của tôi. Tôi khóc sướt mướt cả mấy ngày sau khi Lauri ra sức “tân trang” lại Drowsy. “Bà” cô của tôi cố tẩy vết mực bằng đủ loại chất tẩy rửa khác nhau có sẵn trong nhà, và rủi thay, những thứ hóa chất này cuối cùng còn làm tróc đi một phần nước sơn và đôi mắt mơ ngủ của Drowsy, để lại cho “bé” một vết nhăn không thể xóa trên mặt. Nhưng không hiểu sao tình bạn của chúng tôi vẫn vượt qua được trở ngại ấy và ngày càng thêm thắm thiết.

Trong hai cô cháu, Lauri là kẻ nổi loạn – là người luôn có thể biến bất kỳ một cuộc hẹn đi chơi nào của hai gia đình thành một chuyến phiêu lưu. Lauri là đứa con gái đầu tiên trong lớp chúng tôi dám trang điểm khi đến trường. Cô nghĩ màu phấn mắt xanh lá mạ (mượn được của người gái) rất hợp với đường ren màu xanh lá của bộ đồng phục (không đẹp chút nào) của chúng tôi. Rủi cho Lauri là xơ Maria, hiệu trưởng trường Công giáo của chúng tôi, lại không chấp nhận ý tưởng táo bạo ấy. Với nhận thức muộn màng sau đó (có thể là vì giờ đây Lauri cũng có con gái), Lauri thừa nhận là trang điểm khi mới học lớp ba là quá sớm.

Tôi luôn tin là Lauri giỏi nghĩ ra các trò tinh quái và cũng giỏi chịu đựng những hậu quả đến ngay sau đó. Như lúc cô làm chúng tôi bị đuổi ra khỏi đội Nữ Hướng đạo sinh nhi đồng. Ừ theo nghĩa đen thì hai đứa không bị đuổi, nhưng khi người hướng dẫn yêu cầu mẹ chúng tôi năm sau đừng gửi chúng tôi đến nữa thì rõ ràng đó là một lời khước từ thẳng thừng còn gì (!). Tôi thật sự chẳng thể hiểu được lý do tại sao. Có lẽ vì chuyện Lauri ngã xuống một con suối khi hai chúng tôi đang nhặt rác, và thay vì giúp Lauri, tôi phá lên cười ngặt nghẽo cho đến khi tôi cũng ướt hết áo quần. Hay có lẽ đó là lúc chúng tôi đến thăm nông trại bò sữa. Chính Lauri là người gây ra nhiều rắc rối đến nỗi làm cho một bạn trong đội Hướng đạo sinh trượt ngã vào đống phân bò. Khi nhớ lại tôi vẫn phải ôm bụng cười bò trước những trò tinh quái của cô ấy, nhưng đố ai có thể nhịn cười khi Lauri có mặt đấy. Lúc nào mắt cô ấy hấp háy và miệng mủm mỉm cười tức là trong đầu cô ấy đang nghĩ ra trò quái quỷ tuyệt vời nào đó có thể gây rắc rối cho chúng tôi, nhưng những trò ấy chắc chắn sẽ “đáng đồng tiền bát gạo” dù sau đó thế nào cô ấy cũng bị phạt.

Nhưng những ngày thơ ấu nghịch ngợm, vô lo, trôi qua quá nhanh, mở ra con đường đến thời trưởng thành. Qua bao lần tôi gặp khó khăn, đối mặt với thách thức, Lauri đã trở thành một phần đời không thể thiếu của tôi. Mặc dù học khác trường nhưng hai cô cháu vẫn luôn có mặt bên nhau trong mọi “bi kịch” có thể xảy ra của thời niên thiếu. Từ chuyện uốn tóc bị hư cho đến chuyện thất tình, chỉ với một cú điện thoại là Lauri đến ngay bên tôi để lắng nghe, để chia sẻ và cho lời khuyên trong khi tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề chứ không bao giờ vội vàng phán xét. Chúng tôi cùng nhau ăn mừng chiến thắng và an ủi nhau những lần thất bại bằng một cốc kem xirô bồ đào hay một cái bánh pizza nấm.

Khi tôi bị đau tim, Lauri đã ngay lập tức có mặt bên tôi. Ngày tôi mất đi đứa con gái sơ sinh ba tuần tuổi, Lauri đã nắm chặt tay tôi, lau nước mắt cho tôi, cô cũng cảm thấy đau khổ nhiều như tôi vậy.

Năm ngoái, khi bố Lauri qua đời sau một thời gian dài chống chọi căn bệnh ung thư, dù có sống cách đó đến cả 1.440 km, tôi vẫn biết mình phải có mặt bên Lauri. Dù gì thì lúc tuổi thơ tôi đã ở nhà cô còn nhiều hơn là ở nhà tôi. Bố mẹ của cô thương yêu tôi giống như bố mẹ tôi vậy. Vì thế tôi đã đến viếng ông tôi với ý định là mình phải mạnh mẽ, phải là chỗ dựa cho cô, vì cô đã từng làm như thế trong những lúc tôi buồn đau, nhưng vẫn chính Lauri là người đã vòng tay ôm lấy tôi khi tôi nức nở bên quan tài của ông, và tiếp thêm sức mạnh cho tôi từ nguồn sức mạnh vô tận của cô. Cô tôi luôn nghĩ đến người khác như vậy đấy.

Trong lần trở về nhà này, Lauri đã tặng tôi một món quà đặc biệt. “Không biết sao cứ mỗi lần nhìn thấy cái này là cô lại nghĩ đến cháu”, cô cười. Tôi dường như vẫn có thể thấy được tia sáng lấp lánh của một thời trẻ nhỏ trong đôi mắt cô, nụ cười mà tôi vẫn hằng nhớ thương lại xuất hiện trên gương mặt khi cô trao cho tôi gói quà. “Cô định gửi nó qua đường bưu điện cho cháu, nhưng…”, cô ngừng nói khi tôi mở hộp quà ra. Tôi không thể tin vào mắt mình được. Bên trong chiếc hộp là một con búp bê Baby Drowsy mới toanh. Tôi âu yếm nhìn thật lâu chiếc váy đầm màu trắng chấm hồng của “bé”, tay tôi nhẹ nhàng vuốt mái tóc vàng óng mượt như tơ, và lập tức tôi như sống lại thời thơ ấu năm 1975. “Ở đâu… ở đâu cô có…?”, tôi khẽ lắp bắp, mắt tôi giờ đây đã nhòa lệ nhưng vẫn không thể rời khỏi gương mặt phúng phính dễ thương của con búp bê.

“Mattel đã bán con búp bê này như mấy con búp bê cũ. Cháu có thấy mình quá già để chơi búp bê không?” - Cô trêu tôi, ngay lập tức nước mắt của tôi đã biến thành nụ cười. Tôi quệt nước mắt đáp lại: “Vâng, cháu thấy mình già đi. Nhưng cháu có thể tưởng tượng được cô phải cảm thấy ra sao khi cô hơn cháu sáu tháng!” Tôi nói thêm, cuối cùng thì tôi cũng đã tóm được cơ hội khai thác chuyện mình nhỏ tuổi hơn sau chừng ấy năm. Cả hai chúng tôi đã cùng sẻ chia nụ cười sảng khoái với nhau trong những lúc khó khăn, nhưng như tôi đã nói, cô ấy luôn biết làm cho người khác cười.

Cuộc sống sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi những người như Lauri. Đó là người mà khi bạn nhấc điện thoại lên và gọi cho họ, dù đã lâu các bạn không liên lạc với nhau, bạn vẫn có cảm tưởng như các bạn vừa mới tạm biệt nhau – cứ như thể các bạn mới gọi điện cho nhau cách đó một tiếng. Tình bạn của Lauri thật sự là một món quà ý nghĩa đối với tôi – còn quý giá hơn gấp vạn lần con búp bê Baby Drowsy mà cô tặng tôi – mà tôi mãi mãi trân trọng nâng niu.

JODI L. SEVERSON

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3