Quỷ cái vận đồ Prada - Chương 12-P3

Sau khi Miranda quay về văn phòng được mấy tuần, Emily được
bà đưa danh sách các nhà tạo mốt mà bà muốn xem catalog : những người thuộc diện
xét chọn vội cuống lên để nộp sách cho bà, trong khi ảnh chụp thời trang đôi
khi còn chưa kịp rửa chứ chưa nói đến chuyện tút sửa và tập hợp thành sách sưu
tập mẫu. Trong lúc đó toàn bộ nhân sự của Runway đứng nghiêm sẵn sàng đợi bộ
catalog. Đứng đầu dĩ nhiên là Nigel, với nhiệm vụ thẩm định chung và chọn đồ
riêng cho Miranda. Nếu cần, ông lấy thêm một người ở bộ phận phụ kiện giúp ông
chọn giày và túi tương thích, đôi khi cả một biên tập viên thời trang cử đến để
thống nhất kết luận, nhất là khi có hàng trọng lượng hơn như măng tô lông thú
hay áo dài dạ hội. Khi các ban phòng đã tập hợp tất cả những hàng được đặt
thành một tổng thể thuyết phục thì thợ may riêng của Miranda đóng đô tại Runway
mấy ngày liền để sửa những gì cần thiết. Không ai lấy được đồ ra nữa vì Jeffy
đã dọn toàn bộ kho quần áo để Miranda và thợ may chiếm toàn bộ phòng. Lần thử
áo đầu tiên, tình cờ tôi đi qua và nghe Nigel rống lên: “MIRANDA PRIESTLY! VỨT
NGAY CÁI GIẺ RÁCH ẤY XUỐNG! MẶC ĐỒ ĐÓ BÀ TRÔNG NHƯ CON NGỢM, NHƯ MỘT CON CAVE RẺ
TIỀN!” Tôi dán tai vào cánh cửa để nghe – liều vô cùng vì cửa có thể bật ra bất
cứ lúc nào – cốt chỉ để chứng kiến cảnh bà ta hạ nhục Nigel theo kiểu rất riêng
không ai bắt chước được. Thay vào đó, tôi không nghe thấy gì ngoài lời làu bàu
đồng ý và tiếng quần áo sột soạt kéo qua đầu.

Đến giờ thì tôi đã phục vụ Miranda được một thời gian, dường
như niềm hân hạnh được đặt quần áo mới cho bà sẽ chuyển sang tôi. Mỗi năm bốn lần,
chính xác như máy đồng hồ, bà giở xem các catalog hàng mẫu, tựa như chúng chỉ
in ra cho riêng bà, và chọn đồ bộ của Alexander McQueen và quần của Balenciaga như
người ta chọn rau ở siêu thị. Một mảnh giấy vàng dính vào chiếc quần vải thun cắt
bó của Fendi, một mảnh nữa vào giữa bộ đồ của Chanel, mảnh thứ ba với chữ
“KHÔNG” to đùng dán đè lên chiếc áo quây bằng lụa. Cứ thế tiếp tục, trang này
qua trang khác, mảnh giấy này tiếp mảnh giấy kia, cho đến khi toàn bộ trang phục
cho mùa tới được bà chọn xong, trực tiếp từ sàn diễn – nhiều thứ thậm chí còn
chưa may xong.

Tôi đã quan sát Emily khi fax đơn đặt hàng cho Miranda đến
các nhà tạo mốt khác nhau. Cột để điền cỡ và màu bao giờ cũng để trống. Ai biết
giá trị Manolo của mình thì cũng phải biết Miranda ưa loại nào. Nhưng chỉ chọn
đúng cỡ thì chưa xong – khi mọi thứ chuyển tới Runway, chúng đều phải cắt ngắn
hay chiết bớt để trông như đồ may đo. Khi toàn bộ trang phục đã đặt, gửi đến,
chữa lại cho vừa khít và được lái xe riêng chở bằng Limousine đến nhà thì
Miranda mới nhả đồ của mùa cũ ra: lúc văn phòng chất đầy túi rác đựng đồ Yves,
Celine và Helmut Lang. Đồ cũ nhất từ bốn đến sáu tháng, giỏi lắm mới được mặc một,
hai lần hoặc chưa bao giờ đụng đến người, và tất cả đều thời trang kinh khủng đến
nỗi đôi khi cũng chưa có mà mua ở đa số các cửa hàng. Nhưng đối với Miranda, nếu
đó là đồ của mùa trước thì chúng chỉ có giá trị như đồ ăn thiu.

Năm thì mười họa tôi cũng kiếm được thứ mặc vừa, một chiếc
áo quây hay áo khoác ngoại cỡ, nhưng nói chung không có nhiều triển vọng vì mọi
thứ đều cỡ 32. Thường là chúng tôi phân phát đồ này đến người quen có con gái
dưới 12 tuổi là những người duy nhất khả dĩ mặc vừa. Tôi tưởng tượng ra cảnh những
đứa bé gái với thân hình con trai vung vinh đi lại trong chiếc váy Prada hay áo
hai dây quyến rũ của Dolce & Gabbana. Nếu thấy được một thứ gì thực sự thời
thượng thì tôi giải phóng nó khỏi túi rác và cất xuống dưới bàn, đợi đến khi
lén lút đem ra được khỏi văn phòng. Chỉ cần đảo nhanh vài lần vào trang eBay
hay tạt vào mấy cửa hàng đồ cũ sang trọng ở đại lộ Madison là tôi đã cải thiện
đồng lương còm của mình được chút đỉnh rồi. Không phải là ăn trộm, tôi nghĩ thế,
mà là sử dụng tài sản được giao phó một cách có ích.

Miranda còn gọi điện sáu cuộc nữa giữa sáu và chín giờ tối –
đối với bà thì nửa đêm là ba giờ sáng – để sai nối máy với một số người đã đến
Paris từ lâu. Tôi hờ hững thi hành, không có gì trục trặc lớn, rồi xếp đồ đạc để
chuồn nhanh trước khi điện thoại réo chuông. Mãi đến khi mệt mỏi khoác măng tô
lên người, tôi mới chợt thấy mảnh giấy mà tôi đã dán cạnh màn hình để không thể
quên được – nhưng rồi vẫn cứ quên: “GỌI ĐIỆN CHO A, 3.30 CHIỀU”. Đầu óc tôi chợt
chao đảo, kính áp tròng đã từ lâu khô quắt lại thành hai miếng thủy tinh nhỏ tí
cứng quèo, và bây giờ còn thêm tiếng mạch đập thình thịch trong đầu. Không phải
đau nhói, chỉ là cảm giác khó ở ngột ngạt không rõ ở đâu, nhưng lờ mờ, nghiệt
ngã, ngày càng rõ hơn cho đến khi nó thương hại khiến tôi ngất xỉu đi hay làm vỡ
bung đầu ra. Mê muội vì những cuộc điện thoại xuyên lục địa và cuống cuồng lo sợ
mà tôi quên dành ba mươi giây để làm cái việc Alex nhờ. Đơn giản là quên bẵng
đi một việc dễ dàng như gọi lại cho một người chua bao giờ cần đến mình chuyện
gì cả.

Tôi ngồi xuống bên bàn trong văn phòng quạnh quẽ và tối đèn
và cầm lấy ống nghe còn nhớp dính mồ hôi bởi cuộc nói chuyện với Miranda cách
đây ít phút. Điện thoại ở nhà Alex rung chuông rất lâu rồi bật sang ghi âm,
nhưng gọi di động thì Alex bắt điện ngay.

“Chào em.” Anh nhìn số máy hiện lên và biết tôi gọi. “Hôm
nay ra sao?”

“Như mọi hôm thôi, không quan trọng. Alex, em muốn xin lỗi
là lúc ba rưỡi không gọi lại cho anh. Em không nên bắt đầu giải thích thì hơn, ở
đây như một trại điên, bà ấy liên tục gọi điện và…”

“Thôi được rồi, không có gì ghê gớm cả. Em này, hiện tại
không tiện lắm. Mai em gọi anh được không?” Có vẻ như anh không tập trung, giọng
anh nghe xa lắc như gọi từ bốt điện thoại công cộng ở một làng ven biển đầu kia
thế giới.

“À, vâng, nhưng mọi việc okay cả chứ? Anh muốn nói nhanh
nhanh cho em biết anh định nói gì lúc chiều à? Em thực sự lo là có chuyện không
ổn.”

Anh im lặng một lát rồi nói: “Nhưng thật ra anh không thấy
em có vẻ lo lắng. Anh nhờ em một lần duy nhất là gọi cho anh vào một giờ thuận
tiện cho anh – chưa kể là sếp em đang ở nước ngoài – nhưng em không làm được
trước sáu tiếng. Không thực sự là dấu hiệu cho thấy em quan tâm, đúng không?”
Giọng anh không có chút mỉa mai hay chê trách, anh chỉ tổng hợp các sự kiện.

Tôi cuốn dây điện thoại quanh ngón tay đến khi nghẽn máu, khớp
xương lồi lên và đầu ngón tay trắng bợt, lưỡi tôi chợt có vị mặn: tôi đã cắn
môi đến bật máu.

“Không, không phải em quên,” tôi nói dối để tránh lời cáo trạng
chưa nói ra, “em chỉ không rỗi lấy một giây, và không muốn vừa nhấc máy lên gọi
đã bị cắt ngay. Em muốn nói là bà ấy gọi em chiều nay tối thiểu hai chục lần, lần
nào cũng có chuyện khẩn cả. Emily về nhà lúc năm giờ và để em lại một mình với
chiếc điện thoại. Miranda thì gọi điện không nghỉ lấy một phút. Cứ mỗi lần em định
gọi cho anh thì bà ấy lại xuất hiện ở máy kia. Em, anh biết đấy…”

Những lời xin lỗi như bắn súng máy nghe rất thảm hại, ngay cả
với tôi, nhưng tôi không ngừng lại được. Alex biết rõ cũng như chính tôi ở chỗ
đơn giản là tôi quên bẵng việc này. Không phải vì anh không quan trọng trong
tôi, mà vì tất cả những gì không liên quan tới Miranda đột nhiên vô nghĩa khi
tôi vào đến văn phòng. Ở khía cạnh nào đó, bản thân tôi cũng không hiểu nổi. Lại
càng không thể giải thích cho người ngoài, nói gì đến chuyện hy vọng họ sẽ
thông cảm là thế giới này ngoài chẳng còn gì quan trọng nữa. Đặc biệt phức tạp
khi đó chính là chuyện mà tôi ghét nhất, huống hồ là những người quan trọng nhất
đời tôi.

“Này, anh phải quay ra chỗ Joey và hai đứa bạn nó kẻo chúng
nó phá tan nhà cửa ra mất.”

“Joey? Anh đang ở Larchmont à? Bình thường anh có phải trông
nó vào thứ Tư đâu ? Mọi việc ổn cả chứ? ” Hy vọng với câu hỏi thăm mà tôi nghĩ
là thân thiện này sẽ đánh lạc hướng anh khỏi chuyện rành rành là sáu tiếng liền
tôi không nghĩ đến gì khác ngoài công việc của mình. Anh sẽ kể cho tôi nghe là
mẹ anh bận gì đó ở chỗ làm, hoặc phải đi họp phụ huynh, và người trông trẻ mọi
hôm không thể đến được, Alex không có thói than phiền, nhưng ít nhất cũng kể
cho tôi nghe chuyện gì xảy ra.

“Ổn cả, ổn cả, mẹ anh chỉ phải đi họp gấp, Andy, bây giờ anh
không thể nói lâu hơn. Anh chỉ định báo cho em một tin mừng, nhưng em không gọi
lại,” anh nói không chút biểu cảm.

Dây điện thoại thắt chặt quanh ngón giữa và ngón trỏ đến nỗi
máu đập thình thịch. “Em xin lỗi,” tôi không nói được gì hơn. Đúng, anh nói
đúng, tôi thật vô cảm khi quên gọi lại cho anh, nhưng bây giờ thì tôi quá mệt mỏi
để nghĩ ra chiến lược tự vệ phức tạp nào khác. “Alex, em xin anh, đừng làm thế.
Anh có biết là từ bao lâu rồi không có ai đem lại cho em một tin mừng trong điện
thoại không? Anh nói đi!” Tôi biết là anh không thể từ chối một lời đề nghị hợp
lý như thế, và quả nhiên.

“Có gì kinh khủng lắm đâu. Anh tổ chức xong mọi thứ cho cuộc
họp mặt bạn cũ đầu tiên của chúng mình.”

“Gì cơ? Thật hả? Chúng mình sẽ đi?” Thỉnh thoảng tôi vẫn hay
hỏi anh – một cách hờ hững và qua loa, như tôi cố ra vẻ thế - liệu chúng tôi có
cùng nhau đến cuộc họp mặt cựu sinh viên, nhưng Alex không trả lời chắc chắn, một
chuyện khá lạ, và không muốn quyết định rõ. Tuy hãy còn quá sớm để lập kế hoạch,
nhưng khách sạn và nhà hàng ở Providence thường bị đặt chỗ hết trước vài tháng.
Cuối cùng, trước đây vài tuần tôi quên đề tài này đi và nghĩ rồi cũng sẽ tìm được
chỗ nào đó. Còn Alex hẳn nhiên là nhận ra tôi cực kỳ muốn cùng anh đến đó, và
đã lo hết mọi chuyện.

“Ừ, chuyện xong hết rồi. Mình có một chiếc xe thuê, một chiếc
jeep nhé, anh đã đặt một phòng ở Biltmore.”

“Biltmore! Anh không đùa đấy chứ? Anh lấy được phòng ở
Biltmore? Không thể tin nổi.”

“Em vẫn hay nói em muốn ở đấy một lần mà, thế là anh thử. Thậm
chí anh còn đặt một bàn lớn cho mười người ăn sáng ở Al Forno. Anh và em có thể
cùng lúc mời các bạn mình đến.”

“Không thể tin nổi. Anh đã lo mọi thứ xong cả rồi?”

“Tất nhiên. Anh cũng muốn kể cho em và chứng kiến em nhảy
cẫng lên ra sao, nhưng em chắc là quá bận bịu nên không gọi lại được.”

“Alex, em vui quá đi mất. Em không biết phải nói gì,
và không thể tin là anh đã tổ chức xong mọi thứ. Tha lỗi cho em lúc
nãy, nhưng em chỉ muốn tháng Mười đến ngay thôi. Mình sẽ có một kỳ
cuối tuần tuyệt vời, đó là công của anh.”

Chúng tôi còn nói mấy phút nữa, và khi đặt máy thì
anh không có vẻ bực mình nữa. Bù lại thì tôi không muốn động đậy tay
chân vì mệt. Kết quả của mọi nỗ lực để dàn hòa với anh, để tìm
lời thuyết phục anh rằng không phải vì coi thường anh mà tôi không gọi
điện, song cũng để tỏ lòng hàm ơn và vui sướng. Tôi không nhớ đã ra
đến ô tô ra sao và có thân thiện chào hỏi Mr. Fisher ở tiền sảnh hay
không. Tôi kiệt quệ đến tận xương tủy, kiệt quệ đến nỗi lại thấy
lòng mình gần như thanh thản, và nhẹ cả người khi thấy cửa phòng
Lily đã đóng, không thấy cả vệt đèn dưới cửa. Tôi ngẫm nghĩ có nên
gọi đồ ăn, nhưng nghĩ đến chuyện đi tìm thực đơn và điện thoại đã
thấy ớn – lại một bữa ăn bị bỏ qua.

Thay vì ăn, tôi ngồi phệt xuống ban công sứt sẹo bê
tông và không bàn ghế, ngon lành rít một điếu thuốc. Tôi không còn đủ
sức mà phả khói ra, cứ để nó tự bay khỏi miệng. Một lúc sau có
tiếng mở cửa và Lily loẹt quẹt ra hành lang. Tôi nhanh tay tắt đèn và
ngồi trong bóng tối. Nói luôn mồm mười lăm tiếng liền, thế là đủ
rồi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3