Bãi bờ hoang lạnh, chương 14
… Im lặng một chút. Tiếng ly tách va nhau một chút. Một trăm phần trăm, năm mươi phần trăm được bắn ra bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, tiếng Nga rồi tiếng một cây dàn ghi ta khẽ bật rung… Họ ngâm, họ đọc, họ hét, thậm chí họ nấc lên những tiếng những câu, những chữ rối mù loạn xạ khiến ông chủ tịch trẻ tuổi nghe câu được cau mất chẳng hiểu mô tê gì hết! Nhưng anh cũng thấy nhẹ cả người. Vậy là họ đang trở lại là họ chứ cứ như lúc nãy thì quả tình căng quá! Anh thấy nhột nhạt, rôm sẩy nổi khắp người… Đấy! Họ lại đang khen nhau, chê nhau, đòi cáo chung nhau, bảo nhau tạnh đi, câm đi, bẻ bút đi…! Mèng đốc ơi! Ông cha bà mẹ ơi! Cái gì mà rặt những nở phồng, trắng nõn, phản biện vầng trăng, con tim hoạch định, biển trắng xương hông, em đi tôi đi, tất cả đi vào một giọt, đi ra từ một giọt… Rồi lại còn cái gì mà bầu trời kinh nguyệt, vũ trụ bào thai như ở nhà hộ sinh ấy? Họ đang làm thơ về sinh đẻ có kế hoạch chắc? Nghe tiếp coi: Nó đấy, con ma quá khứ hủ hoá với bầy quỷ tương lai… Con lạc đà hất bướu lưng xuống đít… Sa mạc… xa xa xa… Rắc! Bướu lưng. Chủ tịch Lân phì cười, chút nữa nếu không kịp bụm tay vào miệng thì anh đã phá lên cười khùng khục rồi. Cái bướu lưng là cái bướu lưng, làm thế quái nào mà lại hất xuống đít được. Ba cái ông văn nghệ này túc cười quá! Thôi, thế còn hơn họ cử ra rả nói chính trị nghe ghê cả người? Cũng may là mình đã biết họ, kính trọng họ, hiểu họ là người nói to nhưng nhỏ bụng nên không có chuyện gì chứ phải tay khác thì mệt đấy. Khổ? Thì ra nhìn họ nhởn nhơ, tên tuổi ngời ngời vậy nhưng cũng khổ! Đọc thơ mà cũng khóc, đang ăn lại lăn ra cười, cãi nhau đấy, hôn nhau đấy… Thương lắm! Cứ như một bầy con nít vừa quậy phá, vừa nhõng nhẽo om xòm nhưng đám người lớn chả ai chịu đoái hoài tới! - Em nói thật anh Hoài đừng giận nhá? - Giọng cô gái - Thơ anh lúc này nghe lỡ làng sao ấy. - Nghệ thuật phải lỡ làng để cho người đọc còn suy tưởng tiếp nữa chứ, chả lẽ cứ tuồn tuột ra như vợ chồng già ấy à? - Thi Hoài cãi. - Không? Em nói cái lỡ làng khác, cái lỡ làng về nghề kia. Thơ anh không còn cái sâu lắng ngày xưa mà cũng chưa tới được cái tiết tấu hiện đại bây giờ. Nó nằm tai tái ở khoảng giữa, giống như… - Giống như - Cái giọng tưng tưng chém ngang - Giống như áo quần cái nào cái đó đã rơi tụt xuống tận đất rồi mà cái thằng chó ấy vẫn không chịu xông lên? - Nói năng mất dạy? - Tiếng con gái ré lên nhưng rõ ràng nghe được cả sự khoái sướng phảng phất bên trong. - Tao là một thằng khốn nạn! - Tiếng Thi Hoài nói rưng rức sau một hồi im lặng - Tao đang phải lòng gái! - Hô hô há há! Thi Hoài mà cũng bị gái cho phải lòng ư? Nghe uy mua quá thể. Một tên hung thủ cả đời săn gái bây giờ lại nghe bị gái săn thì… Mác-két quá! Tớ đếch tin. - Tiếc rằng đó lại là sự thật? - Tiếng nói của tên hung thủ nhão oải ra như sắp xuống xề - Thật như lon bia đang dốc thẳng vào cổ họng mày kia kìa… Nàng luôn luôn chấp chới như canh bướm ma bay ở phía trước, nàng không có thật mặc dù nàng đầy mình đàng điếm. Chính nàng đã ăn rỗng thơ tao. Trước nàng, trước con quỷ Mêphitsto ấy, tao thấy mọi thứ đều nhạt thếch. Thơ phú mẹ gì khi nàng luôn luôn ở cách tao một ngàn năm ánh sáng. Chao ôi! Giá các người được một lần nhìn thấy nàng trong nắng sớm mai chân trần chạy trên cát trắng, một lần được nhìn thấy nàng toàn thân trong suốt dưới làn nước xanh một lần thôi, thì các người mới hiểu được tôi, mới thấy thi phú văn chương và tất cả những tiều rối rắm nhức óc trong cõi đời chả là cái gì suất. Nàng là đa chiều, đa nghĩa và đa thanh. Nàng đồng nghĩa với cái ác và cái thiện, cái xấu xa và cái cao đẹp, cái… - Cái đểu! - Giọng con gái hồi nãy - Khen một người đàn bà nút lưỡi trước một người đàn bà là đểu! Là không lịch lãm, là vô học. - Nhưng cô có phải là đàn bà đâu - Giọng đàn ông khàn khàn. - Mất dạy! - Ruột gan bắt đầu rộn rạo lên rồi đấy. Làm sao cho tụi tao được giáp mặt thần tượng của mi một loáng? Chắc là phải trẻ đẹp mê hồn? - Ba mươi lăm tuổi? - Câu nói dòng xuống như một tiếng chuông chiều. Im lặng một lát rồi cái giọng khàn khàn lại phá ra: - Thế thì không hiểu nổi thật. Thi Hoài ơi! Mới ra biển có ít lâu mà ông hoàn toàn hư đốn mất rồi. Bây giờ ở thành phố, bọn đàn ông năm, sáu mươi tuổi không thể nào yêu nổi những con đàn bà trên hai mươi nữa. Họ bảo nhau ngồi nói chuyện với loại tuổi này cứ thấy mình lấc cấc làm sao ấy, họ phải yêu các con bé dưới hai mươi thì chuyện trò mới hạp! Vậy mà ông… Ba mươi lăm! Tình sử trái mùa này đến phải được vào Ghi nét mất thôi. - Có một cách - Giọng tưng hửng lên tiếng - Đó là cưỡng bức. Biết Mác-két đang viết một cuốn sách mang chủ đề gì không?… Đã lắm? Trong công viên thủ đô của nước ấy, có một cô gái bị một kẻ lạ mặt cưỡng hiếp tàn bạo, thế rồi cô ta không những không đau buồn, không đi tố cáo mà như một ám ảnh khôn nguôi, cứ suốt đời đi tìm kẻ làm nhục mình. Cô ta không thể yêu được ai khác, làm tình với một ai khác. Thế đấy. - Phịa! Hoàn toàn phịa! Mác-két nào viết bậy bạ thế. Đi tìm kẻ cưỡng hiếp mình để yêu! Bố bậy! - Tiếng con gái phản đối quyết liệt. - Đối với nàng, không một ai có thể thô bạo được - Tiếng Thi Hoài vẫn đều đều như tụng kinh - Nàng mỏng manh đến nỗi chỉ cần nói to một tiếng cũng có thể làm nàng tan biển đi. Chao ôi! Không có nàng trong tôi có cả một biển thơ vỗ sóng lấp lánh, chợt thấy nàng thôi là tan tành khô héo như bọt xà phòng… - Ối giời ơi! Thằng này khùng! Nó nút lưỡi ca ngợi con đàn bà quá xề ấy một chập là chỉ để biện minh cho thứ thơ ba chỉ của nó thôi. - Em vừa loé lên một nhận xét: Các bố đàn ông tắc tinh cũng giống như các bố đàn ông tắc viết, họ sẽ trở thành kinh dị không chịu nổi. Ông Thi Hoài nhà thơ vang bóng một thời của thế hệ trẻ, con người lý tưởng của đám choai choai nhẹ dạ và của mấy mẹ hồi xuân sồn sồn đã từng sáng tạo ra thuyết Hãy lôi người đàn bà qua con hào giới tính lúc này tắc cả tinh lẫn viết. Vì thế ông mới hăng máu rủa sả đến thế. Ông đang dồn toả cả hai năng lượng không được giải toả ấy vào chính trường. - Bravô! Kim Tuyến thông minh quá! Cho hôn một cái nào! - Bỏ ra! Mồm với miệng… Toàn mỡ! - Tao nghiệm ra - Thi Hoài như sắp khóc - Gieo gì gặt ấy, luật bù trừ không của riêng ai. Phải chăng tao đã làm cho khá nhiều người đàn bà phải uất giận đau khổ để bây giờ, tao phải lãnh đủ tất cả những khổ đau uất giận ấy ngàn triệu lần do chính một người trong số họ gây ra. - Tội nghiệp chưa? Nhưng chớ đâm đầu xuống biển nhé! Cá nó cũng không chịu rỉa cái xác tanh tưởi sặc mùi hôi nách và thuốc lào của mày đâu. - Em ở đâu trong trập trùng sóng lạnh… Em là ai trong thập đau buồn… Một tiếng chuông gieo hồn tôi xuống vực… Tiếng đọc thơ của Thi Hoài dầm dề nước mắt, thi thoảng lại tiếm nhịp bằng những cái nấc cụt phảng phất hương vị thực phẩm. Trong bóng tồi, tò mò và thích chí như một đứa trẻ, chủ tịch thị trấn chốc chốc lại bật cười một mình. Độc thân, thời gian dài rộng, ai có khả năng thức đêm tuyệt vời, anh sẽ còn đứng đó mà nghe lỏm lữa nếu lúc đó không có một bóng người chệnh choạng lách cửa đi a rối dạng chân… làm một dòng xuống cát rồ rồ… - Khỉ khô! Toàn mùi bia là bia! - Chủ tịch Lân kín đáo bỏ đi với một chút nuối tiếc trẻ thơ, cả một chút áy náy về những con người tài hoa đang bấn loạn tâm thần, đang lên cơn tự xé thịt mình chấm muối tiêu mà nhai. Khổ! Thì ra cái tay nhà thơ này thương bà Dung thật à? Khổ! Thương là khổ thấy bà chứ báu nõn gì. Nhưng có lẽ, khi nào có dịp cũng tìm cách nhắc khéo tay này một tí. Bãi biển này không an toàn lắm đâu, muốn làm gì thì làm, muốn đọc thơ, muốn nhậu nhẹt hay muốn yêu đương mèo chuột đến sáng đêm cũng được, tha hồ nhưng cái chuyện chính trị chính em, lật người này hất người nọ kia thì nói nhỏ thôi, đừng nói đến càng tốt… Anh chợt đưa lưỡi liếm môi… Ngọt quá! Cái vị hôn của cô ấy để lại trên miệng mình ngọt quá? Ngọt đến tận bây giờ. Và anh biết chắc rằng nó sẽ còn ngọt khá lâu cái vị ngọt mà lần đầu tiên anh được nếm sau khi đã hôn hàng mươi người con gái trước đó. - Nghe nói ở thành phố họ đang xét giải thưởng thơ thời kỳ kháng chiến? Xét gì? Biết gì mà xét? Hay là lại thằng ngu xét thằng giỏi? Thằng nào khéo nịnh, khéo ăn cánh thì vào? Tớ là tớ tẩy chay, tớ phủ nhận. Điều này có giá trị ngay cả khi họ đưa tớ vào giải. Cùng với tiếng hú vang lên bất thần trên đỉnh núi, giọng nói của Thi Hoài lần cuối cùng lọt vào tai ông chủ tịch trẻ tuổi.
CHƯƠNG 14
Càng gần đến tuần trăng, người ta càng thấy cô hoạ sĩ ít xuống biển hơn. Trước đó, hầu như không ngày nào cô vắng bóng, có ngày ra biển tới hai lần sáng và chiều.