Năm tháng vội vã - Phần VI - Chương 01 - 02
Phần
6. Li biệt
Phương
Hồi nói: “Tạm biệt… chúng mình tạm biệt”.
1
Tết năm 2005, tôi và Phương Hồi
cùng về nước.
Sau khi đặt chân lên Bắc Kinh,
chúng tôi đều hít một hơi thật sâu. Nhìn Phương Hồi đứng bên cạnh, tôi cũng thấy
vui vui. Không biết tại sao, được đứng bên cạnh cô ở đây, tôi cảm thấy rất tuyệt
vời. Cô cũng nhìn tôi, đôi mắt đẹp cũng để lộ ánh nhìn đó, sau đó chúng tôi liền
nhìn nhau cười.
Tôi đã gặp mẹ Phương Hồi ở sân bay.
Vừa nhìn đã biết ngay bà Từ Yến Tân là một người phụ nữ sắc sảo, cách ăn mặc,
trang điểm từ đầu đến chân không thể chê ở điểm nào, nhìn có vẻ rất ghê gớm. Vừa
gặp mặt, bà đã liếc tôi bằng ánh mắt rất đặc biệt, nhìn thì có vẻ như đang nói
chuyện bâng quơ, nhưng thực ra là đang dò hỏi gốc gác của tôi. Tôi trả lời rất
thoải mái, không để lộ sơ hở gì, mặc dù cuộc nói chuyện không thực sự vui vẻ,
nhưng tôi cũng không để ý gì nhiều. Còn Phương Hồi đi bên cạnh lại có vẻ không
tự nhiên cho lắm, cô kéo mẹ mình nói: “Mẹ, mẹ đừng làm như đang điều tra hộ khẩu
thế chứ? Gì mà nhà ở đâu, bố mẹ làm gì, nghe ớn quá…”.
“Cái con bé này! Mẹ chỉ chuyện trò
sơ sơ với Trương Nam, đâu có nghiêm trọng như mày nói đâu!”. Bà Từ Yến Tân cười
nói.
Hiếm khi thấy Phương Hồi bênh tôi
như vậy, tôi liền trả lời rất hào hứng: “Không sao, nói chuyện với cô rất vui
mà!”.
“Đúng vậy! Trương Nam, đi về cùng
cô và Phương Hồi nhé, cô sẽ đưa cháu về nhà”. Bà Từ Yến Tân nói.
“Dạ thôi cô ạ! Cháu tự về cũng tiện
lắm mà!”. Tôi vội từ chối, mặc dù miệng thì khen, nhưng ở bên cạnh mẹ Phương Hồi,
tôi vẫn cảm thấy khó xử.
“Thế thôi vậy! Có thời gian cháu đến
nhà cô chơi nhé!”. Bà Từ Yến Tân mỉm cười nói.
“Vâng! Phương Hồi, anh về trước
nhé! Mẩu giấy anh đưa cho em trên máy bay đừng để mất đấy, có số điện thoại nhà
anh, có việc gì cứ alô cho anh! Cháu chào cô ạ!”. Tôi vẫy tay nói.
“Vâng, bye bye anh!”. Phương Hồi
nhìn mẩu giấy trong túi, gật đầu nói.
Sau khi tôi đi, Phương Hồi và mẹ cô
lấy xe về nhà, trên đường đi hai người không nói với nhau câu nào, bà Từ Yến
Tân liếc con gái một cái rồi nói: “Sao vậy? Ai làm gì mày đâu? Bao nhiêu lâu mới
được về nhà mà mặt mày lại xị ra như cái bị thế?”.
“Không có chuyện gì đâu mẹ”. Phương
Hồi tiếp tục quay mặt ra ngoài cửa sổ.
“Giận mẹ hỏi Trương Nam à?”.
“Không ạ”.
“Các con lớn bằng ngần này tuổi rồi,
từ nước ngoài về cùng nhau, ở bên đó cũng ở gần nhau, dĩ nhiên là mẹ phải hỏi rồi!
Mẹ không thích một ngày nào đó đột nhiên có điện thoại tới, nhảy ra một thằng
nói là người yêu của con! Cuối cùng đòi ra nước ngoài sống cho bằng được! Hiện
tại con đã sang Australia rồi, lần sau còn muốn đi đâu nữa? Kiếp này định không
về nữa hả?”.
“Mẹ nói đến chuyện đó làm gì?”.
Phương Hồi bực bội la lớn.
“Thì mẹ lo cho mày thôi!”. Bà Từ Yến
Tân nói: “Mẹ là mẹ mày! Mày không lo nhưng mẹ lo! Mày đi rồi, thoải mái rồi. Cuối
cùng thì chỉ để mẹ thu dọn chiến trường mà thôi”.
“Không nói đến chuyện này nữa được
không mẹ, con năn nỉ mẹ đấy”. Miệng Phương Hồi đã chu lên.
“Thôi được rồi, sao vẫn hệt như
ngày xưa vậy! Động một tí là cáu, giống hệt tính ba mày!”. Nhìn sắc mặt khó coi
của con gái, bà Từ Yến Tân cũng không muốn nói thêm nữa, bà đưa cho cô một chai
nước và nói: “Cô Trương giúp việc cũ về quê trông cháu rồi, cô giúp việc mới là
người Sơn Đông, mẹ sợ con ăn không hợp đồ ăn cô ấy nấu nên đã đặt chỗ ở nhà
hàng bên Hậu Hải, phòng riêng chỗ ngồi riêng, toàn bộ là món ăn Bắc Kinh. Mẹ
đoán con sang đó ăn cũng không hợp, coi này, gầy như que củi rồi!”.
“Ba con đâu?”. Phương Hồi đã bình
tĩnh trở lại, uống ngụm nước rồi hỏi.
“Sang Việt Nam rồi. Nói là có vụ
làm ăn gì đó, không đi không được. Hừ, mới dính tí chút làm ăn mà đã đứng ngồi
không yên, con gái về cũng chẳng buồn ngó. Hồi xưa bà nội mày còn trách mẹ không
lo toan cho gia đình, mày cũng gần với ba mày chẳng chịu gần mẹ, bây giờ coi
đó, rốt cuộc là ai lo cho mày nhiều hơn!”.
Phương Hồi dựa vào cửa sổ nhắm mắt
lại, cô không để ý lắm đến lời phàn nàn của mẹ, thành phố Bắc Kinh quen thuộc
bên ngoài khiến đầu óc cô rối bời.
Vừa về đến Bắc Kinh là tôi tha hồ
nhảy nhót, hai ba ngày lại tụ tập ăn uống với đám bạn bè thân, gần như không có
ngày nào ở nhà. Tôi sợ Phương Hồi không tìm được mình nên vừa về đến nhà là hỏi
ba mẹ tôi có ai gọi điện thoại cho tôi không, câu trả lời không phải là cái mà
tôi mong muốn. Tôi hiểu rất rõ rằng, mặc dù tôi rất nhớ Phương Hồi, nhưng chắc
chẳng có lúc nào cô nhớ đến tôi. Cảm giác này thực sự rất chán nản, nhưng đối với
Phương Hồi, tôi thực sự cũng không biết phải làm thế nào.
Trong lúc đang vô cùng tuyệt vọng
thì tôi nhận được điện thoại của Phương Hồi. Giọng ở đầu bên kia điện thoại có
vẻ do dự hỏi tôi có đi cùng cô đến Vương Phủ Tỉnh mua ít đồ được không. Lúc đầu
tôi còn định làm cao, nhưng vừa nghe thấy giọng nói mất tự tin đó của cô, lập tức
đồng ý luôn mà không suy nghĩ gì nữa. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở nhà thờ Vương Phủ
Tỉnh, lúc cúp máy tôi nói “anh đợi em ở cổng nhà thờ”, giọng tôi rất thiết tha.
Đây cũng là chủ ý của tôi, biết làm thế nào được, bản tính của con trai Bắc
Kinh là như vậy, với con gái lúc nào cũng muốn phải được lợi về mình.
Hôm đó Phương Hồi mặc một chiếc áo
lông vũ trắng, từ xa thấy áo trắng như tuyết, mắt tôi liền sáng lên, nhìn cô chằm
chằm.
“Anh
nhìn gì vậy! Không quen à!”. Phương Hồi khua tay trước mắt tôi, được về nhà nghỉ
dưỡng một thời gian, nhìn sắc mặt của cô khá hơn nhiều so với đợt ở Australia.
“Anh
đang nghĩ lời thoại! Anh cảm thấy nếu không nói gì đó thì thật có lỗi với cảnh
tượng trước mắt!”. Tôi trêu cô.
“Thôi
đi anh!”. Phương Hồi liền trều môi, một mình bước về phía trước.
Tôi
liền cười và bước theo cô, có lẽ là do tôi hay tưởng bở, tôi luôn có cảm giác rằng
sau khi ở cùng tôi một thời gian, Phương Hồi đã thay đổi được một chút. Cô
không còn lạnh lùng, ngang ngạnh như hồi đầu, ví dụ cô không còn chỉ mặc đồ có
gam màu lạnh nữa, thỉnh thoảng cũng thể hiện ra vẻ nữ tính.
Hôm
đó tôi đi loanh quanh với cô rất lâu, không những mua đồ mà Phương Hồi còn cắt
tóc sau khi được tôi xúi giục. Nhìn vẻ luống cuống của cô khi ngồi trên ghế rất
đáng yêu, lúc cắt tóc mái, lông mi chớp liên tục, khiến tôi chỉ muốn bước đến
thơm một cái. Tôi ngồi bên cạnh nhìn cô chăm chú mà không hề cảm thấy thời gian
trôi qua chậm. Anh chàng cắt tóc cho cô liền khen tôi với Phương Hồi: “Người
yêu chị tâm lí quá, rất kiên nhẫn!”. Phương Hồi ngượng quá mặt đỏ bừng, nhưng
tôi lại rất khoái chí, bèn nói với cậu ta: “Anh không vội đâu, em cứ cắt bình
tĩnh, cắt đẹp cho người yêu anh là được!”. Anh chàng lại khen một hồi nữa,
Phương Hồi trợn mắt nhìn tôi, nhưng tôi vẫn rất vui vẻ.
Lúc
ra khỏi tiệm cắt tóc trời đã tối, đèn đường đều đã bật sáng, mái tóc mới của
Phương Hồi khiến cô rất nhỏ nhắn, ôm vào khuôn mặt, nhìn như học sinh cấp ba.
“Có
đẹp không anh? Nhìn kì quái lắm hả...”. Phương Hồi nghịch tóc mái, rụt rè hỏi
tôi.
“Đẹp
lắm! Rất đẹp! Tự nhiên anh lại thấy tự ti đi!”. Tôi cười nói.
“Anh
chỉ nói linh tinh! Em cắt tóc, anh có gì đáng phải tự ti chứ?”. Phương Hồi nheo
mắt nhìn tôi.
“Hiện
tại nhìn hai đứa mình thấy không còn ở cùng lứa tuổi nữa, chắc bây giờ không
còn ai đoán em là người yêu của anh nữa. Haizz, khó hiểu thật!”. Tôi giả vờ nói
với vẻ chán nản.
“Ghét
quá!”. Mặt Phương Hồi đỏ bừng lên, cô quay đầu bước đi hai bước rồi nói: “Anh
chỉ thích đùa thôi”.
Tôi
đứng yên tại chỗ, đột nhiên cô đứng khựng lại, giữa màn đêm, bóng cô nhìn rất
nhẹ nhàng, yếu đuối, ánh đèn lấp lánh trên đầu, nhìn như có phần trong suốt, dường
như chớp mắt là sẽ biến mất và chắc chắn tôi không muốn cô biến mất trước mắt
tôi như vậy.
“Phương
Hồi, anh không đùa đâu!”. Tôi gọi với theo bóng cô, có lẽ là do bị ức chế quá
lâu, sau khi nói ra, tôi cảm thấy như trút được một gánh nặng.
Phương
Hồi hơi ngửa đầu lên, sau đó từ từ ngồi thụp xuống.
Trước
đó tôi tưởng rằng cô xấu hổ, nhưng sau đó càng nhìn càng thấy bất thường, bờ
vai cô rung lên, rõ ràng như đang khóc. Tôi liền vội chạy đến, kéo cô hỏi sốt sắng:
“Em sao vậy? Anh nói gì sai à? Em đừng giận nhé! Từ sau anh sẽ không nói thế nữa!”.
Đôi
mắt Phương Hồi lộ rõ vẻ ngơ ngác, cô nhìn về phía sau lưng tôi. Và thế là tôi
cũng ngoảnh đầu lại, màn hình lớn ở đường đi bộ đang chiếu bài hát Niềm tin của
Trương Tín Triết, khi ông hoàng của những bản tình ca nhìn đã có nét già nua
hát đến câu “anh yêu em là nguồn sức mạnh đến từ linh hồn đến từ sự sống, ở nơi
xa xôi đó, phải chăng em cũng đang nghe thấy tiếng gọi của anh, yêu là một niềm
tin đưa em trở về với anh”, nước mắt Phương Hồi liền lăn lã chã xuống tay tôi
như chuỗi hạt đứt dây.
Nước
mắt bị gió đêm thổi tới, lòng bàn tay tôi lạnh ngắt, giây phút đó đột nhiên tôi
có cảm giác rằng, tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ có được cô gái này.
2
Tôi
không thể ngờ rằng lại có một ngày tôi được nghe Phương Hồi kể về chuyện cũ của
cô tại Bắc Kinh, lúc đầu tôi vẫn tưởng rằng sau khi quay về Bắc Kinh, chắc chắn
chúng tôi sẽ làm lại từ đầu, nhưng nhìn Phương Hồi đang thẫn thờ mà nước mắt
lưng tròng, mọi thứ đã hóa thành bong bóng xà phòng.
“Em
khóc gì vậy, lại nhớ đến cậu ấy à?”. Tôi hỏi cô.
Phương
Hồi lặng lẽ gật đầu, tôi hít một hơi thật sâu và nói: “Cũng không thể nhớ mãi
như thế được!”.
Phương
Hồi nhìn hàng đồ uống socola nóng trước mặt, hơi nóng bốc lên nghi ngút, giọng
cô từ đó vọng lại, nghe rất hư vô.
“Trương
Nam, em xin lỗi, hiện tại em vẫn chưa thể”.
“Em
có thể kể cho anh biết sau đó thế nào được không? Sau đó thế nào?”. Tôi hỏi với
vẻ rất không cam tâm.
“Sau
đó ạ...”. Miệng Phương Hồi nở một nụ cười chua chát, tôi thấy cô dần dần bình
tĩnh trở lại và đắm mình trong những năm tháng đó.
Mùa
hè năm Phương Hồi học lớp mười một, lần đầu tiên cô được gặp mẹ Trần Tầm - bà
Trương Hiểu Hoa.
Trước
đó cô cũng đã từng được xem ảnh, chỉ có điều ảnh chỉ là ảnh, khi gặp trực tiếp
vẫn khiến cô cảm thấy luống cuống. Lúc đầu cô không định gặp bà Trương Hiểu
Hoa, cô đã đòi về từ lâu, nhưng Trần Tầm cứ kéo cô chơi cái nọ, nghịch cái kia,
lằng nhằng một hồi lâu thì nghe thấy tiếng chìa khóa mở cửa.
Dường
như cả ba người đều có vẻ mất tự nhiên, Trần Tầm là người đầu tiên phá vỡ bầu
không khí căng thẳng.
“Mẹ,
đây là Phương Hồi bạn cùng lớp với con, bọn con đang đọ kết quả bài tập hè!”.
Trần Tầm giới thiệu.
“Cháu...
chào cô ạ”. Phương Hồi không dám ngẩng đầu lên.
“Ừ,
chào Phương Hồi, trước đây cô có nghe Trần Tầm nhắc đến cháu, cháu vẽ tranh đẹp
lắm đúng không?”. Bà Trương Hiểu Hoa liền mỉm cười nói: “Bối Bối, sao không lấy
kem mời Phương Hồi ăn con?”.
Đột
nhiên bị nhắc đến tên ở nhà, Trần Tầm có vẻ ngại ngùng, Phương Hồi cúi đầu cười
nói: “Dạ thôi cô ạ, cháu chuẩn bị về đây ạ”.
“Vội
thế cháu, đến giờ ăn cơm rồi, ở lại ăn cơm với cô nhé!”. Bà Trương Hiểu Hoa nhiệt
tình mời.
“Hay
là ở lại nhà tớ ăn cơm, không phải cậu nói tối nay ba cậu không về nhà đó
sao?”. Trần Tầm ngoái đầu lại hỏi cô.
“Thôi...”.
Phương Hồi chưa nói hết thì bị bà Trương Hiểu Hoa ngắt lời.
“Nhà
không có người hả? Thế thì càng không để cháu về được! Cháu đừng ngại, cứ ở đây
ăn cơm đi!”.
“Dạ
cháu cảm ơn cô”. Phương Hồi hậm hực liếc Trần Tầm một cái rồi đành nhận lời.
“Cháu
đừng khách khí!”. Bà Trương Hiểu Hoa vừa đeo tạp dề vừa nói: “Tiện thể hai đứa
giúp cô một việc, đi mua ít tỏi. Bối Bối, con vào lấy ít tiền trong ngăn kéo ở
tủ đầu giường, xem xem Phương Hồi thích ăn gì thì mua về ăn nhé”.
Trần
Tầm không đợi Phương Hồi từ chối mà vâng dạ ngay, cậu vào lấy tiền rồi cùng
Phương Hồi ra siêu thị gần nhà.
Hai
đứa vừa chọn đồ vừa nói chuyện, Phương Hồi liền trách cậu: “Cậu cũng tệ thật,
sao cứ bắt tớ ở lại ăn cơm cho bằng được? Ngại chết đi được!”.
“Sợ
gì chứ, hồi xưa đám Đường Hải Băng, Ngô Đình Đình thường xuyên đến nhà tớ ăn
cơm chực. Cậu về thì cũng chỉ có một mình, ăn gì chứ?”. Trần Tầm liền giải
thích.
“Tớ
không giống bọn họ, từ nhỏ đã quen cậu, tớ không quen ba mẹ cậu lắm, về nhà nấu
bát mì tôm là được, đỡ lách cách”. Phương Hồi bình thản nói.
“Thế
đâu có được! Mì tôm chẳng béo bổ gì!”. Trần Tầm phát hiện ra mình đã lỡ lời bèn
vội lảng sang chuyện khác: “Mẹ tớ nấu ăn ngon lắm, chắc chắn cậu sẽ thích, lần
sau sẽ muốn đến tiếp!”.
“Thôi
đi! Cứ làm như tớ háu ăn như cậu ấy”. Phương Hồi bật cười.
Thấy
cô cười, Trần Tầm cũng yên tâm hơn. Hai đứa loanh quanh một hồi, mua không ít đồ
ăn vặt như socola, bim bim...
Về
đến nhà cơm canh đã gần nấu xong, ba Trần Tầm không có nhà, ba người ngồi ăn
quanh chiếc bàn nhỏ. Bà Trương Hiểu Hoa liên tục gắp thức ăn cho Phương Hồi và
cười hỏi cô: “Có phải lớp mấy đứa vừa mới chia xong đúng không? Cháu chọn ngành
xã hội hay ngành tự nhiên?”.
“Dạ
ngành tự nhiên ạ, cháu và Trần Tầm vẫn cùng lớp ạ”. Phương Hồi đưa bát đón lấy
thức ăn và trả lời.
“Ừ,
học ngành tự nhiên thì tốt, lúc điền nguyện vọng có nhiều sự lựa chọn. Con gái
ít người học giỏi các môn tự nhiên, chắc chắn cháu học rất giỏi, bình thường
cháu nhớ giúp Trần Tầm nhé, chịu khó giảng bài cho bạn với”.
“Bạn
ấy học các môn tự nhiên giỏi hơn cháu ạ”.
“Mẹ
nghe thấy chưa?”. Trần Tầm ngẩng đầu lên nói với vẻ rất tự hào.
“Cái
đó cũng chỉ là dựa vào mấy trò thông minh vặt mà thôi! Trần Tầm học không chắc
đâu!”. Bà Trương Hiểu Hoa lườm con trai một cái rồi quay sang nói với Phương Hồi:
“Trần Tầm vẫn còn ham chơi lắm! Ngay từ nhỏ đã có tính bộp chộp, không ham học,
ngày nào cũng chơi với mấy đứa bạn hàng xóm, trước khi vào lớp một, lúc nào
cũng thích xé sách vở để gấp nọ gấp kia!”.
“Mẹ!
Mẹ đừng nói linh tinh nữa!”. Trần Tầm nói với vẻ ngượng ngùng.
“Mẹ
đâu có nói linh tinh? Không phải con toàn mang đi để gấp bàn gấp ghế, chơi đồ
hàng với Đình Đình còn gì? Dương Tình dẫn mẹ đến xem, mẹ vẫn còn nhớ như in
mà!”. Bà Trương Hiểu Hoa cười mắng con trai.
“Mẹ!”.
Trần Tầm liếc trộm Phương Hồi rồi la lớn.
“Hồi
đó nhỏ, lớn lên chắc chắn sẽ không thế nữa ạ”. Phương Hồi nhìn xuống dưới nói.
“Ừ,
bây giờ thì biết nghĩ hơn rồi”. Bà Trương Hiểu Hoa vỗ vai con trai nói: “Bình
thường hai đứa nhớ theo dõi nhắc nhở nhau, cố gắng thi được vào trường đại học
nổi tiếng!”.
“No vấn đề mẹ ạ!”. Trần Tầm gắp một
miếng thức ăn và trả lời với vẻ rất tự tin.
Ăn cơm xong, Phương Hồi xin phép ra
về, bà Trương Hiểu Hoa tiễn cô ra cửa, sau đó lại đưa cho cô một túi đồ ăn vặt,
cười tủm tỉm mời cô lần sau lại đến nhà chơi, đồng thời dặn dò Trần Tầm nhớ phải
đưa bạn lên xe. Phương Hồi rất biết ơn bà, cô cảm thấy bà rất hiền lành, là một
người mẹ dịu dàng, không giống với bà Từ Yến Tân, không hề tỏ ra ghê gớm. Trần
Tầm cũng rất vui, hai đứa lén nắm tay nhau trên đường, mặc dù đã chuẩn bị lên lớp
mười hai, nhưng cả hai đều không thấy sợ. Vì chúng đều tin rằng, cho dù đến lúc
nào, chắc chắn cũng sẽ luôn ở bên nhau.
Hôm đi đăng kí cho học kì mới,
Phương Hồi đến hơi muộn.
Trước đó một hôm bọn họ cùng Lâm
Gia Mạt đi tiễn Tô Khải, vì phải tập bóng nên Triệu Diệp không đi, nhưng mọi
người đều hiểu, đây chỉ là một cái cớ để thoái thác mà thôi. Lâm Gia Mạt không
hề tỏ ra buồn bã, đúng như những gì đã cam đoan, từ đầu đến cuối cô đều mỉm cười,
mỉm cười ăn cơm, mỉm cười mua vé tiễn, mỉm cười vẫy tay chào tạm biệt Tô Khải.
Trong khi Tô Khải lại có vẻ lưu luyến, dặn đi dặn lại cô, nào là phải yên tâm học
hành, chú ý sức khỏe, thường xuyên liên lạc gì đó.
Trần Tầm đã dành riêng cho họ một
chút thời gian, kéo Phương Hồi và Kiều Nhiên sang một bên. Trước lúc tàu chạy,
trời lất phất mưa, Lâm Gia Mạt không tránh mưa mà đứng yên nhìn tàu chuyển
bánh. Trần Tầm giơ áo lên che cho Phương Hồi đến mái che để tránh mưa. Cậu quay
đầu nhìn Lâm Gia Mạt, sau đó lại chạy lại, kéo tay cô nói: “Đứng dưới mưa sẽ
không nhìn thấy cậu khóc hả? Đừng có tự lừa dối mình, lừa dối người khác nữa”.
Lâm Gia Mạt liền lau mặt, giọng khản
đi nói: “Chỉ có cậu là thông minh! Ra oai gì chứ!”.
“Đừng nói linh tinh nữa! Mau lên!”.
Trần Tầm giơ áo lên nói: “Tớ sắp ướt như chuột lột rồi! Sang thu rồi, trời lạnh
lắm!”.
Lâm Gia Mạt liền cười và trú dưới
áo Trần Tầm, ra sức kéo áo cậu nói: “Ghé sát vào đi! Cánh tay tớ ướt hết rồi!”.
“Hê! Không phải vừa nãy cậu giả vờ
làm hòn vọng phu đó sao!”. Trần Trầm trợn mắt nhìn cô, nhưng vẫn ghé sát vào
cô.
“Cậu ghé sát vào tớ như vậy không sợ
Phương Hồi ghen à!”. Lâm Gia Mạt cười ranh mãnh hỏi.
“Tôi xin chị! Chị ghé sát vào tôi
đó chứ! Phương Hồi nhà tôi không phải là người nhỏ nhen như vậy đâu!”. Mặc dù
miệng thì nói vậy, nhưng ánh mắt Trần Tầm vẫn liếc về phía Phương Hồi.
Lúc đó Phương Hồi đã xuống dưới,
đang đứng cạnh Kiều Nhiên, tay che đầu chạy xuống cầu thang, nhìn từ xa, bóng
hai người như nhập vào làm một.
Mấy đứa đều bị ướt, buổi chiều
Phương Hồi liền hắt xì hơi nên về nhà sớm cùng Lâm Gia Mạt. Trần Tầm đến nhà Kiều
Nhiên, ba mẹ cậu đều đi nước ngoài, ở nhà không có ai quản, hai đứa hào hứng
chơi game khá lâu. Trần Tầm nghĩ bụng ngày hôm sau đến trường báo danh chắc
cũng không có vấn đề gì liền ở lại nhà Kiều Nhiên, vừa chơi vừa trò chuyện, mãi
đến nửa đêm mới ngủ.
Vì bị cảm nên ngày hôm sau Phương Hồi
mới đến muộn, cô bước đi trên hành lang vô cùng yên tĩnh mà lòng thấy thấp thỏm
không yên, bèn vội ngó vào cửa sổ xem. Vừa nhìn là thấy lo, bạn bè đang ngồi học
rất nghiêm túc. Phương Hồi vội chạy đến cửa lớp tự nhiên A, bấm bụng hô: “Thưa
cô em đến rồi ạ”.
Ánh mắt của bạn bè trong lớp liền đổ
dồn về phía Phương Hồi, căng thẳng quá cô liền cúi đầu xuống, cô giáo đứng trên
bục giảng lạnh lùng giở sổ điểm ra hỏi: “Cô là Phương Hồi đúng không?”.
“Dạ vâng ạ”. Phương Hồi gật đầu.
“Trong lớp chỉ có một mình cô là
con gái không đến báo danh!”. Cô giáo cau mày nói: “Cô vào ngồi ở ghế trống đằng
kia đi! Tại sao ngày đầu tiên của năm lớp mười hai đã đến muộn hả? Trần Tầm và
Kiều Nhiên cũng ở lớp (1) cũ của cô đúng không? Cô Hầu không thông báo với các
cô cậu hay sao mà lớp chỉ còn thiếu ba cô cậu thôi? Lớp cuối cấp rồi mà còn chểnh
mảng như vậy à? Với thái độ như các cô các cậu, liệu có thi được trường điểm
không? Có phải hiện giờ Bộ giáo dục đều đề cao “giảm tải” nên các cô các cậu
không lo nữa đúng không? Tôi nói cho các cô các cậu biết nhé, “giảm tải” cũng
không đến lượt các cô các cậu, chỉ cần vẫn còn thi đại học thì các cô các cậu đều
không thể nhàn nhã đủng đỉnh được. Đến lúc đó không đủ điểm nguyện vọng một, ai
còn quan tâm đến cái “giảm tải” hay không “giảm tải” hả? Với tôi, thi đại học
là quan trọng hơn cả!”.
Từ nhỏ đến lớn Phương Hồi chưa bao
giờ bị thầy cô mắng như tát nước vào mặt như vậy, lúc đó thực sự chỉ muốn có lỗ
nẻ để chui xuống. Cô không mang vở, ngồi trong giờ học mà như ngồi trên đống lửa,
chuông vừa réo hết tiết, cô liền chạy ngay ra cửa, cầm thẻ điện thoại 201 gọi
cho Trần Tầm và Kiều Nhiên.
“A lô...”. Một hồi lâu điện thoại mới
thông máy, lúc nghe máy Kiều Nhiên Nhiên vẫn còn đang mắt nhắm mắt mở.
“Hai
cậu mau đến đi! Hôm nay vào học chính thức rồi!”. Phương Hồi sốt sắng nói.
“Hả?
Không phải hôm nay chỉ báo danh đó sao? Toi rồi! Trần Tầm, dậy mau!”. Kiều
Nhiên la lớn.
“Tớ
cũng vừa mới biết, đã học hết một tiết toán rồi! À phải, các cậu đừng quên mang
sách nhé!”. Phương Hồi nhắc bọn họ.
“Ừ
ừ, bọn tớ đến ngay đây! Bye bye nhé!”. Kiều Nhiên vội cúp máy.
Nói
là nhanh nhưng mười hai giờ trưa hai đứa mới có mặt ở trường. Không nằm ngoài dự
đoán, buổi trưa bọn họ đã bị cô chủ nhiệm mới là cô Lí quạt cho một trận.
Phương Hồi đợi bọn họ ở cửa phòng của khối, đúng lúc cô Hầu từ trong bước ra,
cô chưa có nhiều kinh nghiệm, không chủ nhiệm được lớp tự nhiên A nên được phân
sang chủ nhiệm lớp B.
“Tôi
thấy các em giỏi thật đấy! Bây giờ đã là mấy giờ rồi? Cũng không biết nghĩ đến
học hành!”. Cô Hầu cau mày nói: “Trước đó tôi còn giới thiệu Trần Tầm làm lớp
trưởng với cô Lí nữa, thật làm tôi mất mặt quá!”.
“Bọn
em không biết hôm nay vào học luôn, không phải chương trình thời sự nói hè
không mở lớp học thêm đó sao ạ”. Phương Hồi ấm ức nói.
“Đây
không phải là lớp học thêm mà gọi là khai giảng sớm!”. Cô Hầu trợn mắt mắng.
“Thế...
các bạn ấy không sao chứ ạ?”. Phương Hồi rụt rè hỏi.
“Cô
Lí đang phê bình, cũng chỉ có những cô giáo nghiêm như cô Lí mới quản nổi các
em! Tôi thì chịu rồi!”.
Cô
Hầu nói mấy câu rồi đi, Phương Hồi lại đợi thêm lúc nữa, Trần Tầm và Kiều Nhiên
mới xị mặt đi ra.
“Sao
rồi?”. Phương Hồi vội bước đến hỏi.
“Còn
sao được nữa, bị quạt cho một trận thôi!”. Trần Tầm gườm gườm trả lời.
“Tớ
đã bảo các cậu là phải nhanh lên mà! Sao giờ này mới đến?”.
“Cậu
hỏi cậu ấy í!”. Kiều Nhiên hậm hực lườm Trần Tầm một cái.
“Tớ
cũng không muốn thế mà!”. Trần Tầm ấm ức nhìn Phương Hồi rồi kể: “Bọn tớ ra khỏi
nhà thì đã muộn, nhà cậu ấy có cái xe máy, tớ bảo thôi đi cái này kiểu gì cũng
nhanh hơn xe đạp. Bọn tớ đang lao như bay trên đường Bình An thì đằng sau có một
chiếc moto đuổi riết, tớ nghĩ thằng cha này lắm chuyện thật, giờ này mà dám đọ
tốc độ với ông, thế là giục Kiều Nhiên tăng tốc, tớ cũng không ngoái đầu lại,
ai ngờ là mấy chú công an! Hic! Xe bị tịch thu, lại còn bị phạt nữa! Hai thằng
tớ chạy từ đường Bình An về đây! Kiều Nhiên, thôi cậu cũng đừng buồn, m.kiếp,
chuyện này đúng là số mình là số con rệp chứ không trách gì chính phủ được!”.
“Giờ
mà cậu còn đùa được à!”. Phương Hồi thở dài nói: “Kiều Nhiên cậu còn vào hùa với
cậu ấy nữa à!”.
“Ai
mà ngăn được cậu ấy!”. Kiều Nhiên nói với vẻ bó tay.
“Bà
chằn này cũng kinh khủng quá! Vừa vào năm học mới đã chửi mình như hát hay, vạn
sự khởi đầu không thuận lợi!”. Trần Tầm giơ ngón tay lên về phía văn phòng của
khối.
“Cứ
đợi đó! Bọn mình tha hồ mà hưởng!”. Kiều Nhiên lắc đầu nói.