Hoài bão và tình yêu - Chương 07
Hôm sau là ngày đầu tiên của học kì mới.
An bước xuống cầu thang, Kim Anh đang đứng ở
dưới. Vừa nhìn thấy cô, con bé há hốc mồm: “Chị An, trông chị xinh quá”.
Hôm nay, An mặc một chiếc áo sơ mi trắng với
những đường viền may rất khéo ở cổ, quần kaki cách điệu. Mái tóc bồng bềnh đã
dài đến chấm vai.
“Cảm ơn em. Chờ anh Quân hả?”.
Vừa hay lúc đó, Quân cũng đi từ nhà để xe đến,
trông thấy An anh sững sờ vài giây rồi mỉm cười: “An cũng đi học bây giờ à?”
An khẽ cúi đầu, chào hai người rồi đi ra bến xe
bus. Hình như cô không biết hôm nay mình rất đẹp. Ở với Dũng, cô cũng một phần
nào bị ảnh hưởng. Dũng đã đi làm, giao tiếp với bên ngoài nhiều, cậu khá khắt
khe về trang phục, không còn là một chú bé mẹ mua gì mặc nấy như trước kia nữa.
Đồ đi làm, đi học riêng, đồ chơi thể thao riêng, đồ ở nhà riêng. An cũng dần
thay đổi. Cô cũng bắt đầu ý thức về việc sắp tốt nghiệp, đi làm nên chú tâm hơn
đến hình thức bên ngoài. Những chiếc áo phông rộng thùng thình chỉ mặc đi chơi,
đồ đi học được thế chỗ bằng áo sơ mi vừa cá tính vừa duyên dáng, tóc cũng nuôi
dài hơn, giầy thể thao được xếp vào một góc, thay bằng xăngđan hoặc giày nữ.
Lan đã vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy cô ngày hôm qua. Bao nhiêu năm tháng đào
tạo không bằng 2 tháng An ở với em trai. Một mùa hè nóng chảy mỡ cùng lịch học
tập khá căng khiến An gày sọp đi trông thấy. Những đường nét mà khi còn mập mạp
chỉ đáng yêu thì nay trở nên vô cùng duyên dáng.
Vì lẽ đó, lúc An bước vào lớp, không lấy gì làm
ngạc nhiên khi hơn chục con người đang cười nói ầm ĩ tự nhiên im bặt, mắt và
mồm đều mở to hơn bình thường.
Linh lắp bắp: “Mới có hai tháng không gặp, mày
thành mĩ nhân khi nào thế An?”
Thuấn cười hề hề rồi lại chẹp chẹp làm An sởn
gai ốc.
An giả lả: “Các huynh quá khen”.
“Chuyện, người ta có đôi có cặp phải khác chứ?”
Chi cười nhăn nhở, quay sang An nhấn mạnh: “An nhỉ?”.
Lập tức bao nhiêu con mắt lại đổ dồn về hai cô.
Chuyện tình yêu tình báo của An luôn khiến mọi người hứng thú.
Thuấn làm bộ nghiêm trọng, một tay che miệng,
thì thào: “Thật a a á?”.
“Thật chứ sao không, lâm li lắm, sướt mướt lắm,
chàng gọi Hà An, Hà An nàng bẽn lẽn: Xuân Phong, Xuân Phong, nổi hết cả da gà”.
“Eo ôi, eo ôi, thế cơ á”.
Bao cái miệng ngoác ra, mặt An tối thui.
“Sao sánh được với một số người: Em ăn thịt gà
nhé? Ứ ừ, em ăn cá cơ, ngọt muốn chảy nước miếng, Chi nhở?”.
An nhại giọng, cố kéo dài hết mức có thể. Chi
đang ngoác miệng cười đến tận mang tai, nghe thấy thế liền trợn mắt, nhe răng,
lộ nguyên hình một con…sư tử cái.
“Ui sợ quá. Anh Hòa mà nhìn thấy mày thế này sẽ
chạy mất dép đấy. Á, á, đau”.
An vừa la lên thì thầy giáo đã bước vào lớp.
Đằng sau, Vũ buông miệng phán: “Đàn cá sấu lớp mình lớn nhanh quá!”.
Môn học đầu tiên là Cơ sở thiết kế nhà máy. Bên
trên, thầy đang thao thao bất tuyệt: “Khi xây dựng dự án, chúng ta cũng cần
phải tìm hiểu nhu cầu của xã hội về sản phẩm, phải có giải pháp cụ thể về
nguyên liệu…”. An chăm chú ghi chép, lâu lắm cô mới có cảm hứng học hăng say
thế này.
“Giả dụ muốn xây dựng một lò mổ heo sạch…”. Vừa
nghe đến “heo”, An hơi giật mình. Đằng sau, tên nào đó chọc chọc bút vào lưng
cô, khúc khích cười: “Heo đây thầy ạ”.
“Hà Nôi mỗi ngày tiêu thụ khoảng hai tấn thịt
heo, mỗi con heo có trọng lượng 75- 95kg…”
Linh quay xuống cười nhăn nhở: “Heo lớp mình
chưa đủ tuổi”. Cả bọn bặm môi nhịn cười, An xị mặt.
An cảm thấy hôm nay mấy đứa bạn nhìn cô chăm chú
và hơi lâu hơn mức bình thường. “Không lẽ mình từ vịt bầu biến thành thiên
nga”. Cảm giác vừa khó chịu lại vừa dễ chịu. “Có lẽ Lan đúng, thay đổi để làm
mới bản thân cũng tốt”. An nghĩ.
Buổi học đầu tiên các thầy cô cũng chỉ đến lớp
làm quen, 10h đã hết tiết. Trong khi các bạn đi uống nước hàn huyên sau mấy
tháng xa cách thì An có việc phải lên phòng thí nghiệm. Phong đã có mặt ở đây.
Cậu cũng thích đề tài số bốn nên cùng nhóm với An, dưới sự hướng dẫn của anh
Hòa.
Là người có kinh nghiệm nhiều hơn, An giúp đỡ
Phong rất nhiệt tình. Xem ra, An và Phong rất hợp nhau. Cả hai đều ôn hòa,
không quá sôi nổi cũng không quá trầm lắng. Khi người này nói thì người kia
nghe, khi cần thì kẻ tung người hứng, rất ư hòa hợp. Càng nói chuyện, lại càng
khám phá nhiều sở thích chung. Chỉ riêng khoản sách truyện cũng có thể khiến họ
bàn luận cả ngày.
“Hà An, cậu ăn cơm đi này”.
Phong đưa hộp cơm cho An, buổi trưa thỉnh thoảng
họ phải ở lại phòng thí nghiệm.
“Sao cứ Hà An, Hà An thế, khách sáo quá, gọi tớ
là An thôi”.
“Tớ thấy tên đó rất hay. Nếu cậu không thích thì
gọi là An An vậy. An An”. Phong lặp lại.
“Cách gọi thật ngọt ngào” An mỉm cười gật đầu.
Họ cứ người hỏi người đáp, câu chuyện luôn diễn ra rất thú vị.
“Cậu thích thực vật, sao không học ở đại học
nông nghiệp?”. An ngạc nhiên khi nghe Phong nói.
Phong mỉm cười, mắt có vẻ hơi xa xăm : “Sở thích
là một chuyện, theo đuổi nó là một chuyện khác. Bố muốn tớ nối nghiệp, là một
bác sĩ. Với bố mẹ tớ, con trai mà theo hướng nông nghiệp thật chẳng phù hợp
chút nào. Tớ được học CNSH cũng đã là một kì tích rồi”.
Bố mẹ An luôn cho phép cô làm bất cứ điều gì mà
cô cho là phù hợp với mình. An không phải trải qua những cảm giác như thế.
Nhưng cô biết, khổ sở thế nào khi phải quay lưng với những gì mình yêu thích.
An buồn rầu nói:
“Tớ thi vào Bách Khoa chỉ đơn giản vì thích môi
trường ở đây. Vào rồi mới biết, họ chỉ đào tạo kĩ sư công nghiệp. Tớ đã từng
chới với vì không rõ mình sẽ đi theo hướng nào. Tớ rất thích hoa và nghĩ rằng
mình sẽ theo đuổi nó. Thật chẳng dễ chút nào. Mà thực ra, ở nước mình có mấy
trường đào tạo chuyên nghiệp về hoa và cây trồng đâu. Hơn nữa, với những gì tớ
biết về hoa, thật khó để thực hiện ước mơ đó”.
“Ừ, việc trồng hoa ở nước mình có từ rất lâu
nhưng còn khá manh mún. Sao cậu không vào Đà Lạt một chuyến nhỉ?”.
“Một ý kiến hay. Thực ra, tớ muốn sau khi tốt
nghiệp, sẽ vào đó tham quan. Còn nếu để lấy nó làm kế sinh nhai thì không thể
ngày một ngày hai được. Cậu biết không, tớ đã phải mất rất nhiều thời gian để
cân bằng bản thân, nếu cậu nhìn tớ bây giờ sẽ không nghĩ tớ từng stress kinh
khủng thế nào vì bị mất phương hướng. Sinh học quả là rộng lớn”.
“Tớ cũng vậy, nhưng giờ tớ hài lòng với những gì
tớ có”.
“Tớ hiểu ý cậu, nên bằng lòng với những gì mình có
và… quyết tâm thực hiện những gì mình mong muốn. Thực hiện một ước mơ không
phải một chốc một lát, biết đâu đến một giai đoạn nào đó, ta mới biết nó không
phù hợp với mình. Dù sao, tớ cũng sẽ cố gắng”.
Phong mỉm cười, cậu thích tính cách đó của An.
Cậu giơ ngón trỏ lên: “Nào, cùng cố gắng!!”
An nhìn ra khoảng không bên ngoài cửa sổ. Đối
với một sinh viên năm cuối, con đường đi cũng sẽ mênh mông, bao la như kia. Bản
thân An luôn hiểu rõ “Ước mơ sẽ mãi chỉ là mơ ước” nếu mình không chịu hành
động. Biết đâu, trong khi theo đuổi những đam mê của mình, cô sẽ tìm được con
đường đi đúng đắn cho riêng mình.
Sự xuất hiện của Hòa, Dung, và gần đây là Phong
đã thổi một luồng gió mới khiến không gian có phần cứng nhắc của phòng thí
nghiệm không ngớt tiếng cười. Và cụm từ “Phi đội chém gió 307” ra đời.
Hòa lớn tuổi nhất, lại có nhiều năm kinh nghiệm
nên được cả phòng gọi là anh Cả. Kế đến là Dung một hình mẫu thân thiện, cởi mở
và chăm chỉ. Chính nhờ các bậc tiền bối tận tình bảo ban mà những thế hệ sinh
viên kế cận như An luôn cảm thấy rất thoải mái khi được làm việc cùng. An nhớ
lại những ngày đầu mới lên lab mà thấy khác nhau một trời một vực. Cô và Chi
quả quyết nếu phòng mình mà như quãng thời gian đó thì có lẽ hai cô đã không
trụ nổi một tháng chứ đừng nói hăng say làm việc như bây giờ.
Gần 2h chiều, điện thoại của An đổ chuông. Linh
gọi.
“An à, mày có ở phòng thí nghiệm không? Xuống
giải cứu cho tao”.
Linh sang bên này dùng nhờ thiết bị. Cô đã gọi
xin phép thầy Trịnh Anh nhưng lại quên không mang thẻ sinh viên, bị bảo vệ giữ
lại.
Lúc An xuống đến nơi, Linh đang nói chuyện rất
thoải mái với "chú" bảo vệ lần trước. Nguyên tắc là nguyên tắc, mấy
anh bảo vệ rất dễ tính, nhưng không có đủ giấy tờ hoặc người đảm bảo sẽ không
cho ai vào.
Lúc vào thang máy, Linh nói: "Bên này
nghiêm ngặt nhỉ?"
An gật đầu rồi nói: "Mày đến đúng lúc tao
phải làm mẫu. Chi thì chắc đang ở phòng vi sinh. Yên tâm, phòng tao rất hiếu
khách, sẽ cắt cử anh chàng đẹp trai nhất phòng hướng dẫn cho mày".
Người An nói đến là Phong. Linh lúc đầu nghe An nói
"anh chàng đẹp trai nhất phòng" thì bán tín bán nghi. Lúc gặp, thấy
Phong không những đẹp trai mà còn rất thân thiện. Cậu dẫn cô đến những thiết bị
cần dùng, hướng dẫn cách làm. Một số thao tác khó thì cậu làm giúp. Linh nghĩ:
"Có lẽ đây là anh chàng mà Chi gán ghép với An. An với cậu ấy rất xứng
đôi".
Còn
An lúc ấy đang thực hiện quy trình PCR. Lúc làm xong, cô định chạy ra chỗ bọn
Linh xem thế nào, nhìn qua lớp tường kính, thấy Phong đang hướng dẫn Linh phá
tế bào. Phong cao hơn Linh một cái đầu, hai người đều có khuôn mặt sáng, tính
cách dễ gần, đứng cạnh nhau, thật đẹp đôi.
An
lẩm bẩm: “Phong là gió, linh là chuông, phong linh là chuông gió, có ý nghĩa
hóa giải hung khí và mang lại điều an lành. Ngay cả cái tên cũng thật hòa hợp”.
Cảm giác muốn làm bà mối lại trỗi dậy, trong phút chốc An quên luôn nỗi khổ đối
với đôi Lan – Vũ.
“Mặc
dù tôi đang ế nhưng nhìn thấy bạn tôi ế tôi còn sốt ruột hơn”. Gì chứ, người
đẹp trai hiếm, người tốt bụng hiếm, người vừa đẹp trai, vừa tốt bụng như Phong
lại càng hiếm. Nhân vật như vậy không thể để tuột vào tay người ngoài được.
Linh chịu khó, biết quan tâm, chăm sóc người khác, là túyp phụ nữ của gia đình.
Phong là con nhà gia giáo, thích ổn định, không thích xô bồ. Quá hoàn hảo, quá
đẹp đôi. Cứ như là sinh ra dành cho nhau vậy.
"Vụ này phải bình tĩnh, bí mật, không nên
để Chi biết, sẽ làm loạn lên" . Với tính cách của Linh và Phong, nếu gán
ghép quá lộ liễu, e rằng sẽ ngượng ngùng mà hỏng chuyện.
Vẽ
một vài ý tưởng trong đầu, An phấn khích quá cuời to ba tiếng “hahaha”. Ngay
lập tức, ba bốn ánh mắt hình viên đạn đồng loạt hướng đến cái bia đỡ tên An.
“An
à, em làm mấy con vi khuẩn của chị sợ, sắp nhẩy ra khỏi đĩa Petri đây này”. Chị
Dung nhắc.
“An
kia, mày làm tao đâm thủng giếng điện di rồi”. Chi tru tréo.
Linh
thì hỏi nhỏ Phong: “Nó thỉnh thoảng lại phát bệnh thế hả cậu?”.
Còn
cô nàng tên An kia do vui quá nên nghe tai nọ lọt sang tai kia mất rồi.
Lúc Linh chào cả phòng ra về, An chạy lại, mặt rất nghiêm túc bảo: “Đề tài của
mày cần dùng nhiều thiết bị trên này, nên xin giấy phép làm luôn ở phòng tao
đi, đỡ mất công đi lại”.
“Cũng
không hẳn, trên C4 thiết bị cũng đủ, chỉ có khi nào đông quá mà đến giờ xử lý
mẫu, bọn tao mới cần nhờ bên này hỗ trợ”.
Lúc
Linh về rồi, An lại quay sang Phong nói: “May quá, có cậu giúp, không để bạn tớ
đơn phương độc mã với đống máy móc thì tội”.
Phong
cười: “Có gì đâu, bạn của An cũng là bạn của tớ mà”.
“Ừ,
lần sau cậu cứ thế phát huy nhé”. An được đằng chân lân đằng đầu.
Chi
đứng sau cười gian ba tiếng: "Khiếp quá, nghe cứ như tiền của chồng cũng
là tiền của vợ ấy. An à, người ta để ý mày rồi đấy".
Trong
bụng nghĩ thế, ngoài miệng mới bảo rằng: "Vậy sao tớ cũng là bạn nó mà
nhờ rửa hộ ống nghiệm cậu không
rửa?".
Phong
nhún vai: "Tớ cũng muốn giúp, nhưng sợ có người hiểu nhầm". Rồi quay
sang An: "Đúng không?".
An
gật đầu không chớp mắt: "Đúng vậy", rồi nhanh chóng kéo Phong chạy ra
ngoài tránh "bão".
Chi
biết hai đứa bạn đang trêu mình, bản tính sư tử trỗi dậy. Anh Hòa lại đột ngột
đi ra từ phòng PCR. Cô nàng gườm gườm nhìn bọn An đang nhe răng cười ở ngoài
cửa một cái, sau đó quay người lại, khí thế hổ gầm cũng xoay chuyển 180 độ
thành mèo con.
Nếu
tin vào giả thuyết “khắc tinh”, thì anh Hòa có phải sinh ra là để dành cho Chi
không?
.........................
Việc Kim Anh là em gái Quân càng khiến cho mối
quan hệ của phòng 205 và 302 thêm thân thiết. Thời gian đầu, ngoại trừ những
lúc An đi học và ở phòng thí nghiệm, mỗi ngày Kim Anh đều chạy xuống phòng cô
ít nhất là một lần
An thì sáng đi học, chiều ở phòng thí nghiệm nên
bữa trưa cô ăn ở trường hoặc hôm nào dậy sớm thì nấu cơm mang đi. Quân cũng
thường xuyên không ăn cơm nhà. Anh là con người của công việc. Kim Anh nhờ thế
mà thả sức tung hoành, hơn nữa lại nấu ăn vụng nên khi ở nhà một mình chỉ ăn
uống linh tinh cho qua bữa. Thấy vậy, ban đầu, An mời con bé xuống ăn tối. Một
bữa, hai bữa, lâu dần hai phòng góp gạo thổi cơm chung từ lúc nào. Phần lớn là
ở phòng của chị em Dũng và phần nhiều không có mặt Quân. Thi thoảng Quân đi
công tác, Kim Anh lại ôm gối xuống ngủ cùng An. Vài bận hai chị em mải xem
phim, An cũng ngủ quên luôn ở phòng Quân. Cuối tuần, nếu không phải về quê, hai
phòng sẽ ăn cơm chung, có thể ở phòng 205 hoặc 302. Quan hệ giữa An và Quân vì
thế cũng bớt căng thẳng hơn. Chỉ có điều An vẫn luôn đặt anh vào “phần tử cần đề
phòng”.
Thủy đang chờ kết quả thi công chức. Còn Bích,
thật bất ngờ, chú của hắn là giám đốc chi nhánh tập đoàn VNT của Quân và Dũng, dĩ
nhiên cũng đầu quân ở đó. Môi trường làm việc mới, có rất nhiều thứ thú vị,
cũng có rất nhiều điều bức xúc, cô nàng thường xuyên gọi điện tâm sự với An.
Thủy bảo: “Giờ tao ở xa rồi, nó đành dồn hết “tình yêu
thương” cho mày thôi”.
Câu đầu tiên Bích thường hỏi An là: “Mày đang làm gì đấy?”.
Nếu là 7h sáng, An sẽ trả lời: ‘Tao đang đi chợ”, buổi
chiều: “Tao đang nấu cơm”, buổi tối: “Tao đang rửa bát” hoặc “Tao đang giặt
quần áo”. Mấy lần gọi điện đều nghe được đáp án như vậy, Bích bực mình quát:
“Mày lấy chồng rồi à?”.
Hồi mới chuyển đến, vì bận học nên bữa cơm của
hai chị em An chỉ đơn giản, qua loa. Từ khi Kim Anh lên, việc học cũng dần ổn
định, An chú ý hơn đến chất lượng bữa ăn. Kim Anh tuy không biết nấu ăn nhưng
khá chăm chỉ, có ý thức. Nếu An chưa về, sẽ tự giác đi chợ, chuẩn bị sẵn nguyên
liệu. An có cảm giác họ giống như một gia đình, mình là người chị phải có trách
nhiệm chăm sóc hai đứa em nhỏ.
Từ khi An chuyển đến, Quân yên tâm hơn về Kim
Anh. Ăn uống đã có An lo, học hành cũng có An hướng dẫn, mặc dù sinh viên năm
thứ tư không mấy vất vả. Cả dòng họ mong chờ mãi mới được một đứa cháu gái nên
ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác rất cưng chiều Kim Anh. Từ nhỏ con bé đã không
phải động tay động chân vào việc gì.
Cũng may, Kim Anh gặp An muộn vài năm, chứ nếu
quen biết cô từ năm thứ 2 thì không nhiễm thói đọc truyện quên ăn cũng mê xem
phim quên ngủ. Tất nhiên, một cá nhân có nhiều sở thích như An thì từ bỏ một
hai cái cũng chẳng ảnh hưởng gì. Và sức ảnh hưởng của cô với Kim Anh cũng không
phải là ít.
Có lần, Quân phải làm việc tới khuya. Lúc chuẩn
bị đi ngủ, thấy Kim Anh vẫn đang đeo tai nghe xem phim. Trước khi ông anh kịp ra
lệnh tắt đèn đi ngủ, con bé đã cười hì hì giải thích: “Chị An bảo phim này lấy
của chị ấy một lít nước mắt nên em xem thử”.
Lần khác, Kim Anh lôi về một đống lỉnh kỉnh nào
bình thủy tinh, nào cây cảnh, nào dung dịch thủy canh. Quân nhìn cô em đầy vẻ
ngạc nhiên: “Em làm cái gì thế?”. Nếu anh không nhầm thì Kim Anh đang định
trồng cây trong nước “Con em mình mà cũng quan tâm tới mấy cái này sao?”. Anh
bán tín bán nghi.
“Em thấy chị An trồng cây thủy canh đẹp nên bắt
chước”.
Và không cho ông anh kịp nêu ý kiến, con bé liến
thoắng: “Rồi anh sẽ thấy, căn phòng của chúng ta sẽ bừng sáng thế nào. Một bình
nước trong, một cành cây xanh, thật đơn giản mà vẫn đầy tính nghệ thuật”.
Quân không nén được cười: “Đây là lời của em hay
là giọng điệu của An vậy?”.
“Hì hì, nghe chị An nói vài câu em mới mở mang
tầm mắt về cái gọi là tác phẩm “nghệ thuật trong suốt”. Em thích hoa, cây
cảnh nhưng không biết trồng, chị An bảo trồng cây trong nước là dễ nhất. Mình
không chỉ ngắm được thân, cành, lá của nó mà còn thấy được bộ rễ cây nhé’.
Kim Anh nói đầy hứng thú, cứ như thể rất am hiều
về nghệ thuật cây cảnh.
“Rễ cây thì có gì đẹp”.
Quân nhớ phòng An có vài bình thủy canh, nhưng
ngoài vẻ gần gũi và thanh nhã mà chúng mang lại thì anh không thấy có gì đặc
biệt.
“Ồ, nó có giá trị thưởng thức cao lắm anh ạ. Rễ
cây vốn muôn hình muôn vẻ, màu sắc cũng nhiều, lại còn thay đổi theo thời gian
phát triển của cây. Ngắm nó qua làn nước trong thì quả là tuyệt vời. Đặt cạnh
một bóng đèn màu nữa thì thôi rồi”. Kim Anh xuýt xoa. “Thế người ta mới trồng
trong bình thủy tinh chứ”.
Quân không còn gì để nói. Nhìn cô em ngồi tỉ mẩn
cắt cành, rửa sạch rồi cho vào bình chăm chút, anh nghĩ có khi nào căn phòng
này cũng sẽ biến thành một vườn thực vật như nhà An không.
Lại một hôm, Quân đi làm về, vừa đói vừa mệt,
đang định mở tủ lạnh lấy nước uống, Kim Anh đã nhanh nhẹn đưa cho anh một cốc
nhựa đựng thứ gì đó như sữa chua.
“Sản phẩm lên men từ nước đậu đấy, anh ăn thử đi”.
Kim Anh nằn nì.
“Vừa học môn này, định cho anh làm chuột bạch
luôn à?”.
“Cái này chị An làm nhiều lần rồi, em thấy dễ
nên làm thử”.
“Chị An, chị An”. Quân bắt đầu để tâm. Không
ngày nào về nhà mà không nghe Kim Anh nhắc đến. Cô gái này quả là có năng lực
cải tạo những phần tử khó bảo như em gái anh. Một câu chị An, hai câu chị An,
không biết sau vài tháng nó có nhớ là còn một ông anh đáng kính này không nữa.
Tuy nhiên, sự cải tạo này là tốt và Quân nên cảm ơn An vì điều đó.
Nhiều
lần khi Quân xuống nói chuyện với Dũng, thấy An đang chăm chú đọc sách, sách
dày, sách mỏng xếp chồng trước mặt. Một tay đặt lên mép sách, một tay khẽ vén
tóc mái, chống lên bàn. Khuôn mặt An lúc này trông thật tĩnh lặng, có nét gì đó
cương nghị. “Cô bé luôn đọc sách như vậy” Quân mỉm cười.
Tối thứ bảy, Quân rảnh nên hai nhà tổ chức ăn
cơm chung. Vẫn như thường lệ, Dũng và Kim Anh chỉ lăng xăng mua bia, mua nước
ngọt, việc nấu ăn dành cho ông anh, bà chị.
An có sở trường về các món canh nhất là mấy món
canh cá rô, canh hến nấu chua. Phong cách ẩm thực của cô thì cũng thật đa dạng,
có những món không hiểu do cô nghĩ ra hay học tập ở đâu. Quân rất thích món
trứng trộn rau mơ nướng, cả món trứng cá trưng cuộn rau thơm, dân dã mà lại rất
ngon. Cũng không rõ từ khi nào, anh mong chờ những bữa cơm như thế này. Có lẽ,
việc ăn nhà hàng thường xuyên khiến anh phát chán và thèm những món ăn thanh
đạm.
Nấu ăn cùng nhau một thời gian, những món ăn là
sở trường của Quân, An dần học được cách nấu. Thậm chí, anh thích ăn gì, khẩu
vị thế nào, cô cũng biết. Lúc người này làm đầu bếp chính thì người kia phụ
bếp. Tuy hai người khi bắt tay vào công việc chuyên tâm là thế, kiệm lời là
thế, ấy vậy mà đứng cạnh nhau lại giống một cặp đôi hạnh phúc, cô vợ nấu canh,
anh chồng xào thịt, chồng âu yếm nhìn vợ thái rau, vợ tấm tắc khen chồng biết
nhiều món lạ. Hình ảnh đó trong mắt người ngoài thật dễ gây hiểu lầm, còn bản
thân người trong cuộc lại không mảy may hay biết.