Hoài bão và tình yêu - Chương 05

An và Diệp Chi đã hẹn gặp TS. Trịnh Anh mấy lần
mà không được, vì thầy bận quá.  Tuy là
một giáo viên trẻ, mới từ Pháp trở về nước ba năm nhưng Trịnh Anh đã giữ
vai trò phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của Viện
cô. An nghe tiếng tăm của thầy truyền tụng trong khoa thì đem lòng ngưỡng mộ và
bắt đầu hình dung. Sẽ là một ông thầy với khuôn mặt lạnh lùng, đeo cặp kính cận
năm điốp, hay là một ông thầy đẹp trai, nụ cười "chết người", hóm
hỉnh, hài hước như một vài thầy giáo hotboy mà báo chí đưa tin gần đây?. Nếu là
hai trường hợp này, An sẽ bỏ cuộc từ sớm. Trường hợp thứ nhất ư? Áp lực chồng
chất áp lực, mà cô không muốn thời sinh viên của mình kết thúc như vậy. Còn
trường hợp thứ hai? Sẽ là phân tâm nối tiếp phân tâm, cũng thê thảm không kém
trường hợp thứ nhất.

An đã được thầy gửi cho một số đề tài thầy đang
theo đuổi để lựa chọn. An rất vui khi nhìn thấy một đề tài về biến nạp gen vào
thực vật. Trong một tháng qua, cô cũng đã bắt đầu tìm hiểu những thứ liên quan
về nó.

Hôm nay là ngày có hẹn gặp thầy, An rất háo hức.
Trung tâm nghiên cứu mở cửa lúc 8h, cô đã rục rịch ra khỏi nhà từ 7h. Lạ thay,
hôm nay chuyến xe bus cô đợi lại mất hút ở đâu. “Có lẽ là tắc đường”. 7h35, An
bắt đầu sốt ruột. Ngay ngày đầu tiên gặp thầy đã đến trễ thì không hay. Hơn nữa,
thầy bận như vậy, đã hẹn là phải đến đúng giờ.

Đột nhiên một chiếc SH đỗ phịch lại. Vừa thấy An
ngước mặt lên Quân đã nói: “Nhìn dáng điệu của em đang có việc gấp hả? Lên xe
đi, anh đưa em đến trường”.

An huơ huơ tay: “Em với anh không cùng đường, em
chờ xe bus cũng được”.

“Hôm nay anh có việc đi qua đó. Yên tâm, anh
không bắt cóc em đâu mà sợ”. Quân nói, tay đã đưa chiếc mũ bảo hiểm ra phía
trước.

An nóng hết người bởi những ánh mắt ghen tị của
các cô gái xung quanh và chắc chắn cũng không ít kẻ đang nghĩ thầm: “Sướng thế
mà còn tỏ bộ kiêu”. Cô đành miễn cưỡng đỡ chiếc mũ trên tay Quân, rồi trèo lên
xe, cảm giác thật chẳng dễ chịu chút nào. Anh phóng xe rất nhanh, tốc độ khiến
cô không khỏi bàng hoàng nhưng phải công nhận là anh ta xử lý tình huống rất khéo.

Người cung Sư Tử có một đặc điểm rất hay. Bình
thường, họ có phong thái của chúa tể sơn lâm. Một khi hình tượng bị sụp đổ, lại
nhút nhát còn hơn cả thỏ.

Khi An ngồi sau xe Quân, lại liên tưởng ngay đến
những chuyện hôm trước. Lúc thì thấy mình là con gà rù trong nồi canh, lúc lại
thấy mình như quả gấc cầm ngược sách. Bao lời muốn nói để tạo bầu không khí vui
vẻ cứ tắc trong cổ họng.

Thấy An im lặng, Quân hơi quay người lại, gợi
chuyện:

“Em chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp phải không?”.

“Vâng, hôm nay em lên gặp thầy hướng dẫn”.

“Em định theo hướng nào?”.

“Kĩ thuật di truyền ạ”.

“Ồ, đó là một lĩnh vực khó và đóng vai trò then
chốt của CNSH hiện đại phải không?”

“Ơ, dạ vâng. Anh có vẻ am hiểu nhỉ?”.

“Em gái anh cũng học ngành này mà”.

Nhắc đến em gái Quân, hình như An chưa gặp bao
giờ. Cô hỏi:

“Em ấy không ở với anh ạ?”

Quân cười: “Nó đang nghỉ hè, cuối tháng 8 mới
lên”.

An chợt nhớ mùa hè những năm trước. Tầm này, có
lẽ cô đang vắt vẻo trên cây bẻ nhãn hoặc đang bơi thuyền trên sông.

“Em đã tìm được lớp học thêm tiếng Anh chưa?”.
Quân hỏi.

“Bạn em mới giới thiệu cho một nơi khá ổn ạ”.

“Thế thì tốt. Em nên đầu tư thời gian nhiều vào,
rất có ích cho sau này”.

Xe của họ đã ngoặt vào cổng trường Bách Khoa.
Trung tâm nghiên cứu chỉ cách đó không xa.

“Cho em xuống đây được rồi, anh Quân”. An chỉ về
phía lề đường trước mặt.

Nhìn quy mô hoành tráng của trung tâm, Quân
không khỏi trầm trồ: “Em nghiên cứu ở đây?”

“Dạ vâng, cảm ơn anh, anh đi đi kẻo muộn”.

 An vừa đưa mũ bảo hiểm cho Quân, vừa khe
khẽ cúi đầu, một cử chỉ quen thuộc khi cô muốn thể hiện sự cảm kích với ai đó.
“An, An” cách đó không xa, Diệp Chi đang gọi cô. An giơ  hai ngón tay lên,
làm động tác vẫy vẫy.

“Bạn em đang chờ. Anh đi đây”.

An nở nụ cười thật tươi, định chờ cho anh đi
khỏi rồi sẽ vào. Trước khi xe  nổ máy, Quân lại ngước lên, khóe môi cũng
hơi cong, khiến cô chột dạ:

“À, theo anh, em nên giảm béo đi. Đèo em đằng
sau, xe của anh nhấn ga hết cỡ cũng chỉ đạt tốc độ 80 km/h”. Lời vừa dứt là
phóng xe đi thẳng.

An đứng như trời trồng một chỗ. “Anh được lắm”.
Kẻ có thể khiến cô đang từ ngọn tre mà đáp ngay xuống ngọn cỏ - chỉ có thể là
anh ta.

Trong nội thành đâu có cho phép đi với tốc độ
cao như vậy. Anh ta coi mình là con heo tạ chắc?. “Này, anh chàng đẹp trai nào
mà khiến mày đứng ngây ra thế hả?”.

Chi vỗ vỗ vai bạn. An xị mặt không nói gì, cô
kéo tay Chi đi nhanh lên phòng thí nghiệm. Trung tâm nghiên cứu của Viện CNSH -
TP nằm ở tầng hai và ba của một tòa nhà mười tầng. Ngoài thư viện ra, thì An và
Chi chưa bao giờ vào một kiến trúc hiện đại thế này, nên mới đi đến tiền sảnh
đã cảm thấy có chút áp lực. Chi vốn xông xáo là thế mà lần này liên tục bám tay
An: "Mày, tao hồi hộp quá".

Bước vào trong, nhìn thấy ba bảo vệ ngồi bên bàn
gác, áp lực càng tăng cao. Hai đứa còn đang lơ nga lơ ngơ tìm cầu thang thì một
chú bảo vệ gọi:

“Hai cô bé đi đâu đây?”.

“Cháu chào chú, bọn cháu có hẹn với thầy Trịnh
Anh ở phòng 307 ạ”.

“Chú?”. Một anh trông trẻ nhất cười.

“Anh mới có 30 tuồi thôi, em gọi thế sao anh lấy
vợ được”. "Chú" bảo vệ nói.

“Dạ, bọn em cũng nghĩ anh chỉ từng ấy tuổi thôi,
thậm chí còn ít hơn, nhưng vì quen miệng nên vậy. Mong anh thông cảm nhé”. Chi
nhanh mồm nhanh miệng.

Bác bảo vệ lớn tuổi hơn thì bật cười thành
tiếng, sau đó ôn hòa nói: “Hai cô bé cho kiểm tra thẻ sinh viên hoặc chứng minh
thư nhé”.

An và Chi nhanh nhẹn tìm trong cặp, may mà hai
cô lúc nào cũng mang theo.

“Hà An, Diệp Chi. Được rồi, các cháu lên đi. Nếu
sau này làm việc ở đây thì phải làm thẻ của trung tâm nhé”. Bác bảo vệ nhắc.

An và Chi đều "Vâng ạ, cảm ơn bác. Hôm nay
bọn cháu cũng lên xin làm thực tập ạ".

"Chú" bảo vệ kia thì nhắc: “Đi qua đây
nhớ chào là anh nghe chưa?”.

Mọi người cùng cười. Hai cô nàng lém lỉnh:
"Vâng, em chào anh", rồi đi về hướng cầu thang. Anh bảo vệ trẻ nhất
gọi với theo: "Thang máy hướng này".

Hai cô nàng ngượng ngùng nhìn nhau: "Đúng
là hai con gà, nơi hiện đại thế này thì nên đi thang máy chứ".

Thang máy dừng lại ở tầng ba. Hành lang rộng,
tính ra cũng phải gần gấp đôi những giảng đường An đã học. Một tấm bảng được
xây nổi trên tường, đề "Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao,
Viện công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm", có logo Bách Khoa. Dọc
hành lang đặt rất nhiều chậu cây xanh.

Chi lấy điện thoại ra đưa cho An: "Này,
chộp cho tao vài kiểu. Tranh thủ lúc lớp mình chưa ai lên đây, khoe ảnh cho nó
độc".

“Ý kiến hay”. An hưởng ứng.

Ngó trước ngó sau không có ai, Chi yên tâm tạo
dáng. Một tay làm động tác vén tóc, một tay nâng cành cây, ánh mắt nhu mì, đôi
môi mỉm cười duyên dáng. Đã quen với những tư thế "khó đỡ" của bọn
bạn, giờ nhìn biểu cảm xuất thần thế này của Chi, An thấy tay mình run run. Nếu
tóc nàng ta dài thêm tí nữa, khuôn mặt dịu dàng thêm tí nữa, cành cây biến
thành bình huệ, sẽ y chang cô gái trong bức họa của Tô Ngọc Vân.

Trong lúc An đang dạt dào cảm hứng nghệ thuật,
Chi đang diễn xuất nhập thần, thì "choang" một tiếng, hai cô nàng
giật bắn mình. Nhìn lại đằng sau, một anh chàng mặc áo blue, đeo kính cận,
trông khá điển trai đang đứng ngây ra một chỗ, sau khi nhìn xuống chân mình mới
vội vội vàng vàng ngồi xuống. Dưới đất có rất nhiều mảnh thủy tinh vỡ. An và
Chi nhanh nhẹn chạy lại.

“Có sao không anh?”. Chi hỏi.

Anh chàng nhìn Chi thì ánh mắt có phần bối rối,
nhưng cái miệng rất nhanh nở nụ cười: "Không sao, anh bất cẩn một chút.
May mà chỉ có hai bình tam giác thôi. Hai em đừng động vào, để anh đi lấy
chổi".

Nhìn phòng anh ta đi vào, có đề 307, An và Chi
lại nhìn nhau: "Anh ấy là sinh viên của thầy Trịnh Anh à". Hai cô vẫn
ngồi cạnh đống thủy tinh vỡ.

"Lạ thật, hành lang rộng thế này, lại không
có rào cản gì cả, sao mà tự dưng lại đánh vỡ bình tam giác nhỉ?". An bắt
đầu xâu chuỗi các sự kiện. Nàng Chi tạo dáng biểu cảm, anh chàng tình cờ đi
qua. "Haha, lẽ nào...".

“Này, mày có xem "Sắc đẹp ngàn cân"
bao giờ chưa?” An huých huých tay bạn.

Chi rướn mày: "Xem rồi, thì sao?".

“Mày có nhớ đoạn anh chàng giao cơm nhìn thấy nữ
chính ở gara ô tô không?”.

“Ừ, sao nữa?”.

“Tao nghĩ anh chàng kia lúc nãy nhìn thấy mày
cũng như anh giao cơm nhìn thấy nữ chính ấy”.

An nói xong bỏ mặc Chi ngồi đấy chạy nhanh ra
cửa phòng 307. Chi sau vài giây mới kịp hiểu, đứng bật dậy, tư thế hùng hổ
chuẩn bị đuổi theo, thì lúc đó anh chàng kia bước ra, nàng ta ngại ngùng hạ
ngay khí thế.

“Anh để em giúp cho”.

An buồn cười mà không dám cười, cũng chạy lại
giúp một tay. Anh chàng mặc áo blue thì đứng bên cạnh cầm túi rác.

“Cảm ơn các em”. Anh ta cười ôn hòa, nhìn rất
thân thiện.

“Không có gì ạ”. Chi đáp.

An thì hỏi: "Anh là sinh viên của thầy
Trịnh Anh à?".

“Không, anh làm việc ở phòng của thầy. Hai em
lên gặp thầy à?”

“Dạ vâng, chúng em lên xin làm đồ án”. An nói.

“Chào mừng hai em đến với phòng 307, anh tên là
Hòa”.

“Em là An”.

“Còn em là Chi”.

Nghe đến tên "Chi", An cảm thấy mắt
anh Hòa chợt lóe lên. Có lẽ cô quá nhạy cảm rồi chăng?. Nhưng nghĩ lại một màn
vừa nãy, liệu anh chàng này có phải bị chị Chi nhà ta hớp mất hồn rồi không?.

“Các em đi qua cửa đằng kia vào phòng thầy, cửa
đằng này là vào phòng thí nghiệm”. Anh Hòa dặn.

“Vâng, cảm ơn anh ạ. Chào anh nhé”.

Hai cô nàng đi đến trước cửa phòng thầy, Chi
nhìn An, An nhìn Chi.

“Được rồi, để tao”.

Chi hít vào một hơi, rồi nhẹ nhàng gõ cửa.

“Mời vào”. Bên trong có tiếng đáp.

Cửa mở, An và Chi bước vào. Bên phải là một chị
đang ngồi đánh máy, nhìn khoảng hơn 30 tuổi, có lẽ là thư ký của thầy. Chính
giữa là một người đang cúi đầu đọc tài liệu, có lẽ là thầy. Khi "thần
tượng" ngẩng đầu lên, An ngỡ ngàng. Thầy khác xa với tưởng tượng của cô về
một ông thầy lạnh lùng, uyên bác. Ngược lại, trông thầy gần gũi không khác ông
anh họ của cô là mấy, giản dị, thư sinh và nụ cười thì “tỏa nắng”.

“Hai em là Diệp Chi và Hà An phải không?. Ngồi
đi”. Thầy đứng dậy, chỉ tay về hai chiếc ghế cạnh bàn làm việc.

Hai cô ngồi xuống, hồi hộp quan sát xung quanh.
Phòng làm việc của thầy không tính là to, cũng không tính là nhỏ, khá vừa vặn, gọn
gàng. Căn phòng này ngăn cách với phòng thí nghiệm bên cạnh qua lớp tường bằng
kính. An nhìn thấy anh Hòa đang đứng tìm gì đó cạnh tủ hóa chất. Hai ba người
mặc áo  blue cũng đang tất bật công việc
của mình.

Sau một màn hỏi han tình hình học tập, nguyện
vọng của An và Chi, thầy Trịnh Anh bắt đầu nói về những đề tài đang làm. Hai cô
chỉ ngồi nghe, để thầy “bắn” từ đầu đến cuối. Thầy nói nhiều, tốc độ bắn cũng
thật đáng ngưỡng mộ. “Hơn súng liên thanh” An nghĩ thầm. Hai đứa ngồi hết gật
đầu lại “Vâng, dạ”,  tựa hồ như không nói được câu nào. Nhưng cách truyền
đạt của thầy khiến An thấy rất thú vị. Nhìn phong thái, sự nhiệt huyết trong
lời nói của thầy, An cảm thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn.

“Những đề tài tôi gửi, các em đã xem qua chưa?”.

An nói trước: “Dạ rồi ạ, em mong muốn được làm
đề tài số bốn. Một tháng vừa rồi, em cũng đã tìm hiểu đề tài này ạ”.

Chi đáp: “Em thì rất thích đề tài số hai ạ”.

“Rất tốt, vậy mai các em sẽ bắt đầu làm việc ở
phòng thí nghiệm luôn nhé. Có gì không hiểu cứ hỏi chị Hoài”. Rồi thầy quay
sang nói với chị bên cạnh: "Chị Hoài giúp đỡ các em nhé".

Chị Hoài mỉm cười: “Sẵn sàng”.

“Trong khoảng hai tuần, các em chỉ làm quen với
phòng thí nghiệm và quan sát các anh chị làm. Đồng thời, các em tự viết hướng
nghiên cứu về đề tài của mình. Sau đó, tôi sẽ ghép nhóm cho các em”. Thầy Trịnh
Anh nói.

Ngay ngày hôm sau, An và Chi bắt đầu việc làm
quen với phòng thí nghiệm. Với những sinh viên như An, để có thể tự mình độc
lập làm một đề tài, phải trải qua một quá trình học việc nghiêm túc. Thầy Trịnh
Anh không yêu cầu các cô có mặt thường xuyên ở đó nhưng phải sắp xếp thời gian
hợp lý để sau này không ảnh hưởng đến việc học trên lớp. Thời gian đầu, An rất
chăm chỉ. Cô học tiếng anh buổi tối nên ngày nào cũng thấy cô và Diệp Chi trên
phòng thí nghiệm. Thầy Trịnh Anh không trực tiếp hướng dẫn, ngay từ hôm đầu đã
giao các cô cho những anh chị học cao học. Nhiệm vụ của hai cô lúc này chỉ là
quan sát và học các kĩ thuật, chưa được phép làm gì cả.

Đây là một trung tâm thí nghiệm mới nên máy móc
rất hiện đại, tân tiến. An và Diệp Chi nhìn những thiết bị bóng loáng, lại nghe
các bậc tiền bối dọa toàn đáng giá tiền tỉ thì không dám động đến, chỉ đứng lẩm
nhẩm các thông số ghi trên máy. Không khí làm việc nghiêm túc trong phòng thí
nghiệm cộng thêm người nào biết việc người đấy khiến hai cô cũng không dám cười
đùa như mọi khi.

Công việc của những kẻ học việc thực ra chẳng có
gì. Chỉ đứng xem các anh chị khóa trên thao tác, có gì không hiểu thì hỏi và
ghi chép lại. Những kiến thức cô học được trên lớp có đôi chút khác với thí
nghiệm thực tế. An biết rõ làm thí nghiệm đòi hỏi sự tỉ mẩn và chuyên tâm nhưng
nhìn sự tỉ mỉ của các anh chị, cô khẽ chột dạ: “Không biết một đứa hậu đậu như
mình có thể làm được không?”. Đặc biệt, đối với kĩ thuật gen, đối tượng nghiên
cứu ở cấp độ phân tử , hóa chất tính bằng µmol thì càng phải đòi hỏi sự chính
xác cao độ. Thỉnh thoảng, cô cũng được các anh chị giao cho vài việc lặt vặt
như pha hóa chất hay rửa ống nghiệm. Cứ quan sát mà không được thực hành cộng
thêm thái độ không mấy niềm nở của các anh chị trong phòng nên An cũng thấy có
đôi lúc ngán ngẩm. Cô tự hỏi: “Liệu làm nghiên cứu ai cũng khô khan thế sao?”.
Mỗi lần như thế Diệp Chi lại đập nhẹ nhẹ vào vai cô tỏ ý: “Cố lên, chiến hữu”.

Cũng may là có anh Hòa và chị Dung rất nhiệt
tình. Những ngày đầu, hai anh chị đã dẫn hai cô đi một vòng chỉ dẫn cách sử
dụng các loại máy móc và cách tìm các loại hóa chất trên ngăn. An nhận thấy,
trước mặt anh Hòa, Chi nữ tính hơn. Còn anh Hòa, trước mặt Chi, cũng cười nhiều
hơn.

Thầy Trịnh Anh ngồi ở phòng làm việc bên cạnh,
khách ra khách vào liên tục. Những lúc không có khách lại thấy thầy ghi
chép,  nghe điện thoại hoặc chạy sang phòng thí nghiệm hướng dẫn sinh
viên.  An nhìn thầy mà ngao ngán: “Con người của công việc”. Phòng làm
việc của thầy nối liền với phòng thí nghiệm, chỉ ngăn cách nhau bằng lớp cửa
kính nên ngồi từ phòng bên này có thể quan sát phòng bên kia dễ dàng.

Đôi lần, ngó thấy bọn Chi, An ngồi thu lu một
góc nhàn rỗi, thầy lại quay sang bảo chị Hoài thư ký sang giao việc vặt cho hai
đứa.

An cũng không ít lần bị quở mắng vì cái thói bất
cẩn của mình. Có một lần, cô cùng Diệp Chi được giao pha gel để điện di. Cô
theo thói quen vẫn làm trong các bài thí nghiệm ở lớp, cân Agarose (gel) trên
giấy bạc, đang định đổ vào cốc thì chị Hoài nhìn thấy. Chị cầm vội lấy tờ giấy
bạc, trừng mắt hỏi làm An muốn dựng tóc gáy: “Cô đã dùng cồn lau sạch giấy
chưa? Cô có biết nguyên tắc cân những hóa chất tinh khiết không?”.

Thấy An lí nhí nói: “Dạ, chưa ạ”, chị lại càng
nạt to hơn: “Cô có biết 100g Agar tinh khiết đáng giá bao tiền không? Nhìn xem,
cô làm thế này, vừa làm nhiễm tạp, vừa lãng phí hóa chất. Nếu điện di mà bản
gel bị đục thì có nhìn rõ không? Bây giờ cô gạt những phần ở phía trên tờ giấy
rồi cân ngay vào cốc cho tôi”.

Trước khi bỏ đi, chị còn chép miệng: “Thật không
làm được việc gì cho ra hồn”.

An nghe anh Hòa thì thầm: “100g giá hơn 1 triệu
đấy em ạ” thì lạnh cả sống lưng. Cô thầm trách mình bất cẩn và lãng phí.

Có một điều mà An và Chi cùng công nhận:
"Không nên đánh đồng bề ngoài với thái độ làm việc của một người".
Thầy Trịnh Anh bình thường nhìn rất hiền, vui tính, nhưng khi bắt tay vào công
việc thì yêu cầu rất cao, rất nghiêm khắc.

Lần đầu tiên hai cô nhìn thấy thầy nổi nóng là
lúc một chị học cao học pha ethidium bromide mà không mặc áo blue,  chỉ đeo găng tay nilon: "Em có biết hóa chất
này độc hại thế nào không?. Nếu để nó rơi vào người, thì hậu quả sẽ thế nào?.
Lần sau em còn tái phạm, tôi sẽ không hướng dẫn em nữa". Thái độ của thầy
vô cùng gay gắt làm chị ấy sợ xanh mặt.

Sau này, khi làm việc thường xuyên với ethidium
bromide, biết được tác hại của nó, An mới hiểu điều thầy nói là rất đúng, còn
chị kia quá chủ quan.

Vào cuối mỗi tuần, các nhóm đều báo cáo kết quả
làm việc cho thầy, An và Chi cũng ngồi nghe và ghi chép. Nhóm làm tốt, thầy đánh
giá rất cao. Nhóm làm sai, ngoài việc chỉ ra những điểm chưa đúng, thầy cũng
nhận xét cách làm việc của từng người. Có anh bị thầy mắng, mặt cúi gằm xuống
bàn.

Trong thời gian này, An và Chi cũng viết hướng
nghiên cứu đề tài để hiểu mình phải làm những gì và sự giúp đỡ của các “bậc
tiền bối” sẽ khiến họ hoàn thiện khả năng thực nghiệm trước khi có thể bắt tay
làm việc độc lập.

Trong vòng hai tuần, thầy  Trịnh Anh yêu cầu hai cô viết xong bản báo
cáo chi tiết cho đề tài. Ngoài những kiến thức đã học, An và Chi phải tìm hiểu
thêm rất nhiều, kể cả cách trình bày. Mọi việc quả là không dễ dàng. “ Đường
đến thành công đâu chỉ toàn hoa hồng”. Cô và Chi thường cắm rễ trên thư viện.

Thói quen ngủ nướng của An bắt đầu biến mất,
thay vào đó là lối sinh hoạt khoa học hơn. Sáng 6h dậy đi chợ, sau đó đến phòng
thí nghiệm, trưa về nhà nấu cơm, chiều đến thư viện, một tuần ba buổi tối học
thêm tiếng anh.

Từ hôm chuyển đến cư xá, An chưa bao giờ lên
phòng Quân. Chỉ có anh hay xuống phòng cô chơi hoặc thi thoảng An gặp Quân ở
cầu thang. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy anh là cô lại liên tưởng đến một con gà
gật gù trong nồi canh mặn chát. Quân thì có vẻ khoái cái vẻ mặt tẽn tò của cô.
Cuộc nói chuyện của họ thường bắt đầu rất bình thường cho đến khi cô không đề
phòng, thể nào anh cũng nói vài câu gì đó khiến cô chẳng kịp phản công.

An đáng thương sau vài lần bị anh chọc cho tơi
tả đã biết cách phòng thủ hơn. Nhưng đối phó với anh quả là không dễ. Từ trước
đến nay, cô đã không giỏi đối đáp người khác. Và, một sự thật mà cô chỉ có thể
khẳng định một cách chua xót, anh ta quá đẹp trai. Cô không tránh khỏi việc bị
đơ trong vài giây mỗi khi anh cười. 

Thế cho nên, trước một đối thủ đáng gờm như vậy,
nếu mình không có đủ vũ khí để chống lại, thì tốt nhất là tránh, tránh càng xa
càng tốt. Cô tìm mọi cách để không gặp mặt anh và nếu chẳng may có gặp thì cũng
chỉ ậm ừ vài câu rồi bận việc nọ việc kia chạy mất. Dù sao, anh ta cũng là sếp
của em trai cô. Cô không muốn Dũng nghĩ rằng cô không biết cách cư xử.

Cũng may cho An, Quân là một người bận rộn, thời
gian anh có nhà không nhiều. Còn cô cũng bù đầu bù cổ với đề tài và việc học
tiếng anh. Tất nhiên, An vẫn không quên thực hiện ước mơ của mình. Cô tiện dụng
tất cả các vị trí trong nhà để bày hoa, từ hoa thủy canh, hoa nhựa đến hoa trồng
trong chậu. Ai mới đến, thoạt nhìn cứ tưởng đây là một vườn hoa thu nhỏ. Có
lần, Quân xuống chơi, anh cười cười bảo Dũng: “Có vẻ em quá nuông chiều chị
mình rồi”.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3