Hoài bão và tình yêu - Chương 04
Cuối cùng, bữa cơm nặng nề cũng kết thúc. An lui
cui rửa bát rồi chú tâm sắp xếp đồ để hai anh chàng nói chuyện. Thực ra cô rất
muốn biết anh ta gặp cô lúc nào mà có ấn tượng về cô như vậy. Nhưng nghĩ đến
chuyện món canh, cô không dám mở miệng. Khi Quân vừa về khỏi, Dũng đã lao
ngay vào đứng cạnh An tra hỏi:
“Chị thấy sếp em thế nào?”.
“Không tệ”.
“Thế thôi á. Chị không thấy anh ấy rất đẹp trai
sao?”.
“Cũng tạm”.
“Đẹp trai ư, thiên hạ thiếu gì” An thầm nghĩ.
“Anh ấy rất phong độ?”.
“Cũng có vẻ”.
Hai chị em họ luôn đối đáp như vậy, kém nhau một
tuổi, họ vừa như chị em, vừa như hai người bạn.
“Chứ không phải chị bị anh ấy làm cho mê mẩn đến
nỗi quên đường thành muối đó hả?”. Nhìn Dũng cười hí hí, An thấy cáu tiết.
Dũng tiếp lời: “Em định giới thiệu anh ấy cho
chị, nhưng không ngờ chị lại gây ấn tượng “mạnh” như vậy”
An khẽ nhíu mày: “Nếu cậu biết anh ta đã nhìn
tôi với ánh mắt đáng sợ thế nào thì cậu có còn nói anh ta tử tế, hào hoa nữa
không??” Quả thật, ấn tượng của cô về Quân cũng rất “mạnh”.
Cô vỗ vỗ vai em trai: “Hóa ra cậu định trở thành
“ông mối” cho chị đấy à? Rất tiếc, đẹp trai ư, cũng chỉ để ngắm mà thôi”. Nói
đoạn đi nhanh ra ghế bật tivi, bỏ lại thằng em phía sau.
Dũng chưa chịu kết thúc cuộc tranh luận: “Mà
thôi, anh Quân lúc nào cũng có hàng tá viên kim cương lấp lánh xung quanh, ngó
đến hòn đá cuội là chị thì người ta lại đánh giá thấp anh ấy”. Dùng lời lẽ để
khích bác cô chị là cách mà cậu thường dùng.
“Coi như điếc, coi như câm”. An lờ đi, tiếp tục
xem tivi.
“Em chỉ đánh giá khách quan thôi mà. Nói chung
không nên làm chị bị tổn thương sau này. Dũng tiếp tục trêu An. “Em sẽ giới
thiệu cho chị mấy anh khác rất được ở công ty”.
Không hiểu tâm trạng của những người bị ép đi
xem mặt thế nào? Còn cô, mới chỉ trong tình trạng “giới thiệu” mà nghe hai từ
đó đã dị ứng khắp người. Ở với Lan, cứ dăm bữa nửa tháng, sau một bài ca lên
lớp về tình trạng “độc thân” không có dấu hiệu kết thúc của cô, lại đòi cho cô
làm quen một anh chàng “rất được” nào đó. Giờ ở với Dũng, mới ngày đầu tiên,
cậu em cô cũng mắc virus “mai mối”. Điều đó làm cô thấy mình giống một con bé u
sầu, ủ rột vì đói khát tình cảm. Trong khi, cô hoàn toàn thoải mái với cuộc
sống “độc thân”. Sở thích và đam mê của cô quá nhiều. Thời gian cô dành cho nó
còn chẳng đủ, hơi sức đâu mà quan tâm mấy chuyện tình cảm. Dĩ nhiên, không thể
không có đôi lúc “yếu lòng”, những khi mưa to nắng cháy, Lan có Vũ đưa đón, còn
cô lủi thủi đến trường. Dẫu vậy, nó cũng chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, không
lưu lại quá lâu trong tâm trí cô.
“Thế tiêu chuẩn “rất được” của cậu là thế nào?”.
An rời mắt khỏi màn hình, hỏi một cách hờ hững.
“À thì, ngoại hình chỉ cần tạm được, không đến
nỗi sứt môi lồi rốn, cao hơn chị một chút, chủ yếu có thể kiếm tiền nuôi sống
bản thân và gia đình, ngày cho chị ăn ba bữa đầy đủ, thi thoảng đưa vợ con đi
du lịch, không có hành vi bạo lực, uống rượu say biết tự lên giường đi ngủ”.
Những điều này thật hợp ý An, có điều, cách diễn
đạt của em cô mới phong phú làm sao. “Không sứt môi lồi rốn”, nó còn cụm từ nào
sinh động hơn nữa không. “Cao hơn chị một chút”, tôi mới chỉ có 1m59, chẳng nhẽ
anh ta cao 1m 59,5 cũng được sao, “ngày cho chị ăn ba bữa” sao mà nghe giống
lợn công nghiệp quá.
An quay hẳn người lại, chống cằm nhìn cậu em:
“Nghe tiêu chuẩn cũng đủ biết cậu là người siêu thực tế. Sau này, khi tuyển vợ,
cậu chỉ cần đeo một tấm biển đề: “Cần tuyển một nữ, thấp hơn tôi một cái đầu,
nuôi con khỏe, đẻ con ngoan, không ăn quà vặt, không ngồi lê đôi mách, gia đình
không có tiền sử bệnh tim...”.
“Em mà phải làm thế sao. Em chỉ là nhìn người mà
đưa ra tiêu chuẩn thôi. Vợ em ấy à, không xinh như hoa hậu cũng phải hạng siêu
mẫu. Chỉ riêng ở công ty, chẳng qua em ít tuổi chứ fan hâm mộ em chỉ thua mỗi
anh Quân thôi”.
“Ồ, vậy vinh dự lựa chọn con dâu kia sẽ thuộc về
mẹ và chị cơ đấy”.
Dũng vui vẻ gật đầu: “Dễ thế lắm. Chị cứ mãi cô
đơn thế này thì trong tiêu chí của mẹ sẽ phải thêm “có thể sống hòa hợp với chị
gái của chồng” mất”.
“Nói thẳng ra là “bà cô” chứ gì. Rất không may
chị lại thích hai từ đó. Em biết đấy, càng già người ta càng khó tính. Chị
không đảm bảo sẽ đối xử hòa thuận với vợ em đâu”.
“Cảm ơn chị đã báo trước. Thực ra, em đã dự định
sau khi lấy vợ sẽ nuôi một con becgie chỉ để canh chừng mỗi khi chị đến chơi”.
“Haha, vậy chị thật vinh dự là người đầu tiên
tặng em becgie ấy một quả mướp nướng. An đứng dậy, đi vào nhà vệ sinh”.
“Ặc, chị nhìn hiền lành thế mà tâm địa thật xấu
xa”. Dũng nói với theo.
Ló mặt ra ở cửa, An ném cho cậu em một nụ cười
lém lỉnh: “Hì hì, em không phải là người đầu tiên nói câu đó đâu”.
Thực ra, nói An không có ấn tượng về Quân là
không đúng. Anh ta đẹp trai, rất đẹp trai là đằng khác, không công nhận điều
này thì chứng tỏ mắt thẩm mỹ của An có vấn đề. Bích mà có mặt ở đây, không chạy
lại xin chữ ký thì hơi phí. Mắt sáng, mũi cao, khuôn mặt cân đối, góc cạnh,
đúng với hình mẫu về mỹ nam trong lòng chị em phụ nữ mà An vẫn đọc trong các
cuốn tiểu thuyết.
Có điều, chẳng hiểu Dũng nghĩ gì mà đòi giới
thiệu cho cô với Quân. Không phải cô tự ti mà là cô biết điều gì phù hợp với
mình. Anh ta đẹp trai, phong độ, lại giỏi giang như thế, đuổi con gái đi chẳng
hết. Cô chỉ là một con bé sinh viên xinh không ra xinh, giỏi không ra giỏi,
không nữ tính mà cũng chẳng cá tính. Nếu cứ tự nhiên mà phát triển có thế còn
là hàng xóm tốt của nhau.
Nghĩ vậy thôi, chứ ấn tượng về cô khắc họa trong
lòng Quân “sâu sắc” quá rồi, sau này có muốn phát triển tự nhiên cũng khó. Nhìn
mình trong gương, An khẽ thở dài một tiếng. Mới xa kí túc thân yêu một ngày, đã
gặp chuyện xui xẻo rồi.
………………..
Từ cuối năm thứ tư, những sinh viên có ý định
theo hướng nghiên cứu đã cập rập tìm giáo viên hướng dẫn cho mình.
Khi thi vào đại học, bạn bè của
An chỉ nghĩ đơn giản rằng: “sau này tớ sẽ là bác sĩ”, “sau này tớ làm kĩ sư”. Còn An lúc ấy nói: “Tớ muốn là chuyên gia công
nghệ sinh học”.
Nhưng sau bốn năm học, cô hỏi lại mình
rằng: “Mình sẽ là chuyên gia trong lĩnh vực gì?”. Sinh học phân tử, di truyền,
tế bào gốc…Ý nghĩ đó đã xuất hiện trong đầu An từ năm thứ ba, rồi cho rằng nó
còn quá sớm cũng không chú ý nữa. Cho đến bây giờ, khi sắp sửa phải lựa chọn
thực sự một hướng đi cho mình, cô mới bối rối.
Công nghệ sinh học quá rộng lớn. Đâu mới
thực sự là con đường mà cô muốn đi?
Đã bao lần cô tự hỏi: “Mình sẽ làm gì? Sẽ như
thế nào?”. Và trong những lúc chán chường, những loay hoay, vùng vẫy ấy, An vẫn
không thể thoát ra những giấc mơ về hoa dù chưa biết mình nên bắt đầu từ đâu.
Dường như nó đã ăn sâu vào tiềm thức của cô tự lúc nào.
Trong trí nhớ của An, hình ảnh ngôi nhà nhỏ
nhắn nằm lọt trong vườn cây xanh mát, có cổng vào được trồng loa kèn, thược
dược, cạnh bể nước là một hàng violet, có
một vườn trồng rau xen kẽ hoa, mãi mãi là kí ức đẹp nhất của tuổi thơ. Cô thích
cảm giác sáng sáng cùng ông nội tưới nước cho cây, bám chân bố ra vườn cúc,
cùng mẹ bắt sâu cho rau hay mỗi khi tạnh mưa chạy ra ngửi hương violet. Có một
loài hoa cho đến giờ An không biết tên nhưng cô vẫn rất nhớ. Thân cây nhỏ, ít
lá, bò trên mặt đất. Các loài hoa khác thường có cánh hoa mịn màng, riêng loài
hoa này không có cánh, nhìn như những cục bông màu tím, sờ vào răm ráp. Trẻ con
thường thích những gì nhỏ nhắn, xinh xắn. An cũng vậy.
Khi còn nhỏ, thích cái gì thì sẽ say mê cái
ấy. Cô bé An ngoài giờ học, chơi chuyền, nhảy dây, trốn tìm với các bạn, phần
lớn thời gian là ở vườn hoa. Chiến tích “lẫy lừng” mà cô nhớ nhất là sau khi
nhìn bố thao tác trên cây hồng xiêm, cô đã bắt chước chiết thành công một cành
violet. Loài violet ngày ấy không giống violet vẫn bán ở hàng hoa bây giờ,
chúng có lá dài hơn, nhìn như lưỡi kiếm, thân cứng hơn, hoa nhỏ hơn, chỉ cần
vẩy nước sẽ có mùi thơm rất dễ chịu.
Lúc ấy, nó chỉ là sở thích đơn thuần của
một cô bé. Càng lớn lên, An càng say mê tìm hiểu hoa. Một số bạn cấp 3 gọi An
là “Hoa nữ” bởi các vật dụng của cô đều có hình hoa lá. Lên đại học, An vẫn
không từ bỏ thói quen này. Ở hành lang trước cửa phòng cô, trên lan can, dưới
đất đặt rất nhiều chậu hoa, cây cảnh. Đằng sau ban công cũng có một số cây
xương rồng. Nếu không phải An sợ ảnh hưởng đến các bạn thì phòng 309 đã sớm
biến thành một vườn hoa thu nhỏ rồi. Bạn bè đến chơi, chẳng cần hỏi An ở vị trí
nào cũng đoán ra được cái giường đầu tiên bên phải từ cửa vào là của cô. Trước
bàn học lúc nào cũng có một bình hoa, chăn, gối, bút đều có hoa lá, hoa giả
treo trước cửa sổ thay cho chuông gió. Dường như, không có những thứ đó, cuộc
sống của cô sẽ rất nhạt nhẽo.
Sau khi học xong môn di truyền, có những
kiến thức về chọn giống, lai tạo, đột biến, tiếp cận với những thông tin mới
trong đó có các thành tựu về hoa, An dần định hướng con đường cho mình.
Có điều, nếu theo hướng đó, cô sẽ phải gặp
rất nhiều khó khăn bởi trong Viện không có giáo viên nào làm về hoa. Đề tài về
thực vật cũng chỉ có duy nhất thầy Trịnh Anh.
Hai tuần trước, cô đã gọi điện cho thầy Trịnh
Anh xin làm đồ án tốt nghiệp. Thầy nói đi công tác nước ngoài mấy tuần nên cô
có hơn một tháng nghỉ ngơi chờ thầy về. Trong nhóm bạn đại học, Chi cũng có ý
định theo thầy Trịnh Anh. Hai đứa hẹn nhau cuối tháng bảy thì lên gặp thầy.
Ngay hôm sau khi dọn dẹp nhà cửa gọn gàng xong,
An bắt xe về quê. Thủy và Bích cũng đang ở quê. An hôm thì chạy sang nhà Bích,
hôm thì chạy sang nhà Thủy. Ba đứa tuy cùng học cấp ba nhưng nhà cách nhau đến
30km. Thủy ở đầu tận cùng Kim Bảng, Bích ở Phủ Lý, An ở cuối Thanh Liêm. Nhà An
giờ không còn cấy nữa, còn nhà Thủy đang vào vụ mùa. Có hôm An và Bích đến
chơi, Thủy đang ngoài đồng, An cũng xắn quần xuống cấy cùng. Bích không biết
cấy, đứng trên bờ làm công tác hậu cần, nấu cơm, lo nước cho những người dưới
ruộng.
25/7 là sinh nhật An, hôm sau cô cũng lên Hà
Nội. Bích và Thủy gọi cô lên Phủ Lý. Ba đứa quay lại trường chuyên Hà Nam, nay
đổi tên là trường Biên Hòa, nhin những ghế đá mà mình hay ngồi, những gốc cây
mà ngày xưa cả bọn túm lại nhảy dây, lòng ngậm ngùi. Đang vào hè, trường vắng
tanh.
Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới ngày nào, có
một cô bé tên An đứng nép dưới cổng trường tránh mưa. Cô bé Thủy nhẹ nhàng bảo:
“Bạn ở đâu? Mình và bạn cùng về”. Đó là ngày đầu tiên nhập trường.
Mới ngày nào, một cô bé tên Bích ngồi dưới gốc
bàng trước cửa lớp 10 chuyên văn, vẽ chi chit những bộ quần áo lên tờ A4. An và
Thủy đi qua, nhoẻn miệng cười: “Bạn vẽ đẹp quá”.
Những ngày tháng đó, thật vô tư, thật hồn nhiên.
Nhìn những bức ảnh, xem lại những trang nhật ký, ước sao mình có thể quay lại
quãng thời gian ngây thơ ấy. Không phải lo lắng về cuộc sống, không phải đau
khổ vì tình cảm.
Thủy nói: “Tao đang chờ xét tuyển vào trường cấp
ba gần nhà”.
Bích nói: “Tao muốn đi du lịch một thời gian,
sau đó về đi làm ở công ty của bác, có vốn sẽ kinh doanh quần áo. Tao không
muốn nhờ vả bố mẹ”.
An nói: “Chúng ta cùng cố gắng nhé. Nhớ thường
xuyên nhắn tin động viên tao. Tao sắp bước vào cuộc chiến cuối cùng rồi”.
Bích vỗ vai An bảo: “Tận dụng cơ hội giảm béo,
lột xác thành thiên nga đi nhé”.
Thủy cầm tay An bảo: “Rồi dẫn về ra mắt bọn tao
một anh chàng đẹp trai”.
An hét ầm lên: “Chúng mày chết hết đi”.
Hai cô nàng cùng hô: “Chạy thôi, heo điên muốn
cắn người”. Tiếng cười rộn ràng cả một góc sân trường. Bác bảo vệ ngồi trong
phòng gác, đôi mắt già nua cũng lấp lánh nụ cười. “Ngày xưa, mình cũng có thời
hồn nhiên như thế”.
Nắm tay nhau đi thăm lại những con phố, công
viên Nam Cao, chợ Bầu,…đã từng cùng nhau đi mỗi giờ tan trường, chúng đã thay
da đổi thịt. Phủ Lý phát triển thật nhanh. Nhưng sâu trong kí ức của các cô,
hàng cây ấy vẫn xanh tươi như vậy, quán bánh rán vẫn nằm ở chỗ đó, nụ cười của
bác bán sách không già đi theo năm tháng.
Chia tay nhé một thời học trò tươi đẹp. Một cánh
cửa đóng lại, một cánh cửa mới sẽ mở ra. Con người ta phải luôn tiến về phía
trước. Gia đình, bạn bè, thầy cô, mái trường – thứ hành trang đẹp đẽ nhất mang
tên “kỉ niệm” sẽ giúp họ tự tin vững bước.
Cuối tháng bảy, An lên Hà Nội. Trên vai một
balô, tay cầm hai đùm sách nặng, là thành quá vơ vét của cô khi đến nhà Bích và
Thủy.
Bước xuống khỏi xe bus, An khó nhọc cầm hai túi
sách. Đang định rẽ vào ngõ thì một chiếc xe con sang trọng chắn ngay lối. Người
bước trên xe xuống không ai khác chính là Quân. Có vẻ anh ta vừa đi làm một
việc gì đó rất quan trọng, cô thấy người trong xe đang gật đầu đáp lại lời tạm
biệt của anh là một người đàn ông rất bệ vệ. Đường vào ngõ nhà cô đi bộ ít nhất
cũng phải 3 phút. Quân đã nhìn thấy cô, trong tình huống này thật không cách
nào trốn được. Ngay khi chiếc xe vừa đi khỏi, anh cười tươi chào cô. An chỉ còn
cách cười đáp lại trong đau khổ, cô sẽ phải đi bộ cùng anh ta.
“Anh có thể giúp em”. Quân đưa tay ra đỡ lấy một
túi sách từ tay An.
“Vâng may quá, nó quả thật rất nặng”.
“Hôm dọn nhà giúp em, anh thấy phòng em rất
nhiều sách. Em rất ham học”.
“Hihi, nếu nói em ham đọc truyện thì em xin nhận”.
An thật thà.
“Vậy chỗ này đều là truyện?”.
“Ồ, cũng không hẳn. Em vừa mượn được một số sách
tiếng anh”.
“Em có ý định học thêm tiếng anh à?”. Quân cười,
giọng nói và điệu bộ hết sức nhẹ nhàng.
“Anh ta cũng không đáng ghét như mình tưởng”. An
nghĩ và cảm thấy tự nhiên hơn khi nói chuyện với Quân. Nhưng thực sự cô rất tò
mò muốn biết những gì mà cô thắc mắc suốt từ hôm trước.
“Em đã có ý định học ở đâu chưa? Nếu không, anh
có thể giới thiệu cho em vài địa chỉ. Học phí phải chăng và quan trọng là chất
lượng rất ổn”.
“Vâng, cảm ơn anh. Chắc em phải cần anh giúp đỡ
nhiều”.
Thoáng thấy cái vẻ tần ngần muốn hỏi gì đó của
An, Quân mỉm cười: “Có vẻ em đang thắc mắc tại sao anh lại biết em hả?”.
An sửng sốt: “Anh ta đọc được ý nghĩ của mình”.
Cô khe khẽ gật đầu.
“Anh gặp em một vài lần, ở rất nhiều nơi khác
nhau. Quả thật, em rất… ấn tượng”.
“Ấn tượng, ấn tượng gì?”An hơi bối rối.
“Hôm anh gặp em trong trường, anh nhìn em chỉ là
vì thấy em quen quen và chỗ em ngồi là nơi trước đây anh hay đọc sách”.
“Chỉ đơn giản thế thôi ư?”An ngẫm nghĩ, tai vẫn
dỏng lên nghe Quân nói.
“Em có trí nhớ khá tốt đấy, anh tưởng hôm đó em
chăm chú đọc sách lắm”. Giọng Quân bắt đầu hơi châm chọc.
“Ồ, thực ra vì ánh mắt anh rất… đặc biệt” . An
không dám dùng từ “đáng sợ”. Nói chính xác là có thể đốt hết lông trên người
cô!
“Thật vậy ư?”.
An cười nhạt trong lòng: “Anh cũng biết giả bộ
thật. Nếu không phải anh cố ý thì làm sao mà ánh mắt lại đáng sợ thế được”.
Họ đã lên đến tầng hai, cô nhận túi sách, cúi
đầu chào anh, cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần. An vừa quay đi, Quân liền buông lời: “Nhân
tiện, cho anh cảm ơn em món canh hôm trước. Nó cũng rất “ấn tượng” đấy”.
Cô quay phắt người lại, con người đáng ghét kia
đã đi khuất khỏi cầu thang. Quả thật, cô đã xem thường anh ta.
Còn Quân, nghĩ đến cảnh An đang đứng nuốt giận
mà không làm gì được, lại thấy rất hài lòng. Thật khó nhận xét cô gái này là
người như thế nào. Nữ tính, dịu dàng? Lần đầu gặp An, ấn tượng của anh là như
vậy. Vô tư, hay cười hay nói, biết chia sẻ là lần gặp thứ hai. Mạnh mẽ, không
dễ khuất phục là lần thứ ba. Gộp tất cả những lần trước, có thể thấy trong cái
vỏ bọc điềm đạm của cô là một cá tính mạnh mẽ và sôi nổi, ít bị ngoại cảnh chi
phối. Còn hôm trước, ấn tượng của anh lại hoàn toàn khác hẳn. An nói năng chừng
mực, có vẻ niềm nở đấy mà như rất xa cách. Xem ra, cô gái này thật khó
đoán.
Chưa hết khó chịu sau chuyến đi, lại bị một kẻ
khác động đến lòng tự ái, hai tay đều
xách đồ, An bực mình đạp tung cánh cửa phòng. Dũng đang buôn điện thoại với em
nào đó, thét “á” lên một tiếng, tưởng phòng mình có cướp.
“Ừ ừ, nói chuyện với em sau. Bà chị anh vừa lên
cơn”.
An quắc mắt nhìn lại. Dũng lau mồ hôi trán rồi
nói: “Chị đừng dọa em thế chứ, em không muốn bị suy tim”.
An tính cách bẩm sinh hiền hòa, thấy dáng điệu
hổ báo của mình không tự nhiên, liền cười một cái, thay đổi nét mặt. Một tay
chống hông, một tay chìa ra, cô nói: “Đưa đây”.
“Đưa cái gì?”.
“Quà”.
“Hic, vừa lên đã đòi quà. Hôm qua em quên không
gọi điện chúc mừng”. Sorry.
Vừa giải thích, Dũng vừa với tay lên tủ lấy một
cái bọc xinh xắn.
“Đây. Chúc mừng sinh nhật muộn của chị”.
“Cảm ơn chú em”.
Đôi mắt An vẽ lên một vòng cung, đôi môi hình
trái tim vẽ lên một nụ cười, cô cầm lấy lắc lắc. Một vật hình chữ nhật, cứng,
hơi nặng. Hình như là sách. Nghĩ đến “sách”, hai mắt An sáng lên. Cô chạy ra
ghế ngồi bóc quà. “Oa, đúng bộ mình đang muốn mua”. An reo lên. Nhìn thấy tên
tác giả Alexander Dumas và tên truyện “Bá tước Môngtơ Crixsô” mình mong ước, cô
rơm rớm cảm động.
“Đúng là không ai hiểu chị bằng em”. An giơ ngón
tay cái về phía em trai.
Dũng hất cằm một cách điệu nghệ: “Ôi, còn phải
nói".
Sau một giây đặt cái cằm về vị trí cũ mới nói
tiếp: “Hôm qua em mới để ý, hóa ra biển số xe của anh Quân trùng với ngày sinh
của chị”. Rồi cười thâm thúy: “Hắc hắc, người ta gọi cái này là “có duyên”
đấy”.
An đang cười, nghe thấy hai chữ “có duyên” thì
sầm mặt lại. “2507” hình như trước đây có nhìn thấy chỗ nào đó rồi.
“Xe anh ta loại gì?”
“SH”. Dũng vừa nói vừa đi hạ túi vợt cầu lông
xuống.
“Ặc”.
“Sao thế?”.
Trí nhớ An quay trở lại buổi chiều cách đây hơn một tháng.
Hôm đó lúc sang đường thì có một xe SH đi qua, người
thanh niên trên xe ngoái lại nhìn. Sau đó, khi đến quán bia An cũng thấy chiếc
xe này dựng ở trước hiên. Tại sao lúc đi đường anh ta nhìn cô thì An không rõ.
Còn nếu anh ta đã ở trong cùng quán bia thì chắc chắn đã thấy bộ dạng thê thảm
của cô.
Theo như miêu tả của mấy nhân chứng trong phòng
thì hôm đó, nếu cô và Lan, tóc rũ rượi thêm một chút nữa, cười, khóc quái dị
thêm một chút nữa rất có thể người ta nghĩ là bệnh nhân vừa trốn trại. “Mày hôm
đó rất giống một con gà rù bị điên”. Hạnh nói. Đã "rù" lại còn
"bị điên", thật là thê thảm.
An có một
cái tật, cứ hồi hộp, cứ bối rối là mặt đỏ tưng bừng. Trong lúc thần trí đang
hỗn loạn thì Quân đi xuống.
“Dũng đi đánh cầu lông chưa?”.
“Em đang chuẩn bị đi đây”.
An nhìn thấy Quân thì tim đập càng nhanh, mặt đã
biến thành quả gấc, không có cách nào khác, đành đưa quyển sách đang cầm lên
giả vờ đọc. An ngồi ở góc khuất, lúc nãy Quân vẫn chưa nhìn thấy cô. Tâm trạng
bất an. Quyển sách dầy như thế mà cứ cảm
giác có hai ánh mắt đang xuyên thủng nó.
“Đi thôi, An ở nhà nhé”. Quân nói, trong giọng
có ý cười.
Biết chắc anh ta đã đi ra đến cửa, An mới làm ra
bộ giật mình: “Vâng vâng, anh đi ạ”.
Dũng ngoái lại nhìn chị gái, ánh mắt phức tạp.
Đưa một tay lên che miệng, cậu thì thầm: “Chị à, lúc nãy cầm ngược sách rồi”.
“…”
Mặt An lúc này, là sự kết hợp hoàn hảo của gấc
chín và đít nồi, đen rồi đỏ, đỏ rồi đen. “Tại sao, tại sao?”. Hình tượng 23 năm
xây dựng, mà chỉ sau mấy lần gặp anh chàng tên Quân kia, sụp đổ không còn dấu
vết.
Thẹn quá hóa giận, loại cảm giác mới mẻ này
không dễ chịu chút nào. Muốn hét lên một tiếng để giải tỏa bức bối, nhưng ý
thức của An chưa hoàn toàn tê liệt, không muốn mới chuyển đến đã bị hàng xóm kỳ
thị, chỉ có thể trút lên chiếc ghế vô tội.
Một lúc, An hạ quyết tâm. Ở đây còn dài, tiếp
xúc còn nhiều, cơ hội trả thù còn vô số. Có lẽ, tí nữa cô phải đi mua một bộ
phi tiêu, chụp trộm một bức ảnh cái người tên Quân kia, phóng to ra rồi dán
ngoài ban công mới được.
Nói đến ban công, An vội chạy ra. Nhìn khung
cảnh trước mặt, không dám tin vào mắt mình nữa. Những giỏ hoa mà An để tạm dưới
đất đã được treo lên khung thép. Một cái
giàn không biết làm từ bao giờ có treo bốn giỏ lan. Dưới đất, những bình cây,
những chậu hoa cô trồng từ hồi còn trong kí túc vẫn nguyên vẹn, thậm chí xanh
tốt. An phát hiện ra có một chậu hồng và hai giỏ hoa leo mới.
Cả một ban công 4 m2, giờ như một
vườn hoa thu nhỏ, hoa leo trên khung thép, hoa treo trên giàn, hoa bò dưới mặt
đất. Đây đích thị là sản phẩm của Dũng. Em trai tuy lối sinh hoạt luộm thuộm,
thích khiêu chiến với cô, nhưng là một người sống rất tình cảm. Khi cô về quê,
đã không quên chăm sóc vườn hoa nhỏ này, lại còn mua về thêm mấy chậu hoa nữa.
Nghĩ đến điều này, An thấy lòng thật ấm áp.
An ngồi thụp xuống, ngắm nghía những bình cây
trồng trong nước. Khi ở kí túc, mỗi lần đi chơi, thấy cây gì hay hay là cô mang
về. Không có điều kiện để chăm chút, cô chỉ cắm tạm vào những hộp nhựa, giờ
kiểm tra thấy chúng đã ra rễ rất đẹp.
“Hôm nào
phải mua vài bình thủy tinh về thay mới được”. Cây điểm sao sẽ được trồng kết
hợp với trúc phú quý để bên bàn học, vạn niên thanh và thường xuyên đằng sẽ để
trên bậu cửa sổ, trầu bà sẽ cho vào một cái hộp nhựa treo trên khung thép. Chỉ nghĩ đến cảnh sáng sáng chào đón mình là
những ánh nắng lấp lánh bên bình cây với làn nước trong và cành cây xanh, An đã
thấy vui khôn tả.
Cái ban công này cứ như thiết kế để dành riêng
cho cô vậy. Nó nằm hơi chếch hướng đông, ánh nắng buổi sáng sẽ giúp cây phát
triển tốt. Quanh ban công có xây một khung thép, rất lý tưởng để treo những cây
thân leo. Bệ lan can lại để thừa ra khá rộng, có thể thoải mái ngồi ngắm cảnh.
Có điều, ông trời không cho ai cái gì quá hoàn
hảo. Trước ở kí túc, sống trong tình yêu thương chan hòa của các chị em
thì không có không gian riêng. Giờ có
không gian cho riêng mình thì lại xuất hiện một tên hàng xóm "nguy
hiểm".
An cũng chưa biết sau này nên đối diện với anh
ta thế nào. Quân thân thiết với Dũng, lại là hàng xóm nhà cô. Lẽ tất nhiên,
việc gặp mặt thường xuyên là điều không tránh khỏi. Với ấn tượng giữa cô và
Quân có thể dẫn đến hai chiều hướng. Một là, trở nên thân thiết hơn. Hai là,
ghét nhau ra mặt. An không biết mình sẽ rơi vào trường hợp nào. Dù sao cũng mới
tiếp xúc, chưa hiểu rõ con người anh ta ra sao. Sau này, gió thổi chiều nào thì
xoay theo chiều ấy vậy.