18. Khi Cụ Nghè Tân Đèn

KHI CỤ NGHÈ TÂN ĐẾN…

Cụ Nguyễn-Quý-Tân người làng Thượng-cốc, huyện Gia-lộc, tỉnh Hải-dương (Bắc-Việt). Cụ đỗ tiến-sĩ năm Thiệu-trị thứ 2, nên đời thường gọi là Nghè Tân.

Cụ là một nhà Nho, có tính liêm khiết và hay hài hước thường giả dạng học trò đi thử các quan lại. Vì thế, tiếng đồn khắp nơi, ai ai cũng kiêng sợ, đến ngày nay cũng còn có khá nhiều những giai thoại về Cụ.

Tục truyền khi Cụ được nhà vua giao cho việc đi thanh-tra quan lại miền Bắc để tâu riêng về Thiên-tử biết, có một bữa Cụ đi tới bờ sông nọ, thấy quan sở tại đang ngồi dự xem cuộc đua thuyền, Cụ lân la đến gần, lấy điếu của quan hút, rồi giả vờ lỡ tay làm rớt cho vỡ để chọc giận quan chơi. Quan hạch hỏi cụ xưng là học trò xin quan lượng thứ. Quan bắt phải tức cảnh làm một bài thơ, không xong sẽ đánh đòn. Cụ đọc rằng :

Ô hô thiên ! Ô hô thiên !

Thiên-tử thăng hà vị bán niên

Giang-sơn thảo mộc do hàm lệ

Thái-thú giang biên độc trại thuyền.

嗚呼天嗚呼天

天子升遐未半年

江山草木皆漢淚

太守江邊獨賽船

Nghĩa là : trời ơi trời, trời ơi trời, vua mất chửa nửa năm trời, núi sông cây cỏ đều ngậm ngùi, vậy mà quan thái-thú riêng lấy đua thuyền để làm vui.

Quan nghe xong tái mặt đi, năn nỉ hỏi tên họ. Cụ cho biết là Nghè Tân. Quan sợ quá phải lạy van xin lỗi và lập tức giải tán cuộc đua thuyền.

Câu chuyện này nghe thật là hay. Nhưng theo thiển ý đó là câu chuyện « tam sao thất bản » hay « râu ông nọ cắm càm bà kia » vì xét bên Trung-quốc về đời nhà Minh, trước ông nghè Tân ba trăm năm đã có chuyện nhà văn Dương-Nhất-Thanh cũng thế mà đem bài thơ ra so chỉ thấy khác vài chữ, một đằng nguyên văn của Dương là : « Khổ tai, khổ tai, thị ngã thiên, Thiên hoàng án giá vị dư niên, Giang sơn thảo mộc do hàm lệ, Thái-thú giang biên khán độ thuyền ». Còn một đằng của cụ nghè Tân thì như trên đã nói.

Vì thế, chúng tôi quả quyết cho câu chuyện trên là do sự lầm lẫn của người đời xưa mà ra. Còn chính về Cụ, có thể tin được là giai thoại sau này.

Cũng theo tục truyền :

Một ông tổng-đốc mới từ đường trong ra nhậm chức cai trị một tỉnh nọ. Để thử đức độ quan, một hôm cụ Nghè thơ thẩn ở trước cổng công đường, thấy anh thợ cối gánh đồ đạc vào dinh đóng cối cho bà lớn, ông xin theo vào làm. Anh thợ thương cảnh học trò nghèo cho đi. Ông cởi khăn áo dài ra bỏ vào bồ, rồi mặc quần áo nâu cộc, quẩy gánh cho anh thợ đi vào.

Hai người làm hì hục từ sáng đến trưa mà bà lớn vẫn không cho được bát nước để uống. Đói bụng quá anh thợ bỏ đi tắm để rồi sẽ ra quán ăn cơm. Trông lên công đường thấy vắng người, cụ Nghè liền đi lên, lấy dùi đục gối đầu, và vén quần lên nằm cởi trần tréo khoeo trên sập. Lính hầu trông thấy vào bẩm quan tổng-đốc. Quan nổi giận sai bắt vào tư dinh hạch hỏi, cụ xưng là học trò nghèo, theo anh thợ làm giúp, không biết đây là chỗ công đường. Nghe nói, quan đang ăn bỏ đũa xuống chỉ lên bức tranh treo vẽ một con quạ và một trăm con sẻ bảo : Nếu quả thật học trò, phải vịnh ngay một bài thơ để đề vào tranh đó, nói sao cho đủ số 101 con mà cấm không được dùng chữ ô (quạ) và chữ sẻ. Hễ được thì tha, không sẽ nghiêm phạt vì tội vô lễ dám nằm lên sập của quan ở công đường.

Cụ nghè bẩm : Thơ thì trong bụng tôi lúc nào cũng sẵn nhưng phải có rượu mới ra được.

Quan sai lính rót rượu cho uống bảo đem bút mực ra.

Uống xong chung rượu thứ nhất, cụ hạ bút viết : Nhất chích (một con) 一隻

Quan rót thêm chung nữa, cụ viết : Nhất chích.

Chung nữa, cụ viết thêm : Hựu nhất chích (lại một con). 又一隻

Quan lấy làm ngạc nhiên, nhưng cũng cứ đợi để xem sao, và rót cho chung nữa. Cụ uống xong chung thứ tư này viết thêm : Tam tứ ngũ lục thất bát chích 三四五六七八隻 (3, 4, 5, 6, 7, 8 con).

Viết xong, nói : Dạ bẩm quan lớn đã đủ một trăm lẻ một con rồi đó…

Quan giận, trừng mắt hỏi : Như thế là 101 rồi ư, bộ anh cho ta không biết chữ biết nghĩa gì sao ?

Cụ khoan thai đáp : Nhất chích, nhất chích hựu nhất chích là 3 con rồi nhé-bẩm thưa quan lớn-tam tứ là 12 con, ngũ lục là 30, thất bát là 56 con, 56 cộng với 30 với 12 và với 3 chẳng phải 101 con là gì ?

Quan nghe ra lẽ, bảo : Được rồi, nhưng phải làm sao cho ra bức tranh treo nhà của quan Tổng-đốc chứ ?

Quan vừa nói vừa rót thêm rượu. Cụ uống cạn chung rồi viết :

Hà ô chi thiểu, hà điểu chi đa ?

何烏之少何鳥之多 (sao quạ thì ít, sao chim thì nhiều).

Thực tận nhân gian thiên vạn thạch

食盡人間千萬石 (ăn hết của đời nghìn muôn thạch).

Câu cuối cùng cụ có ý xoi móc quan. Nhưng quan phải khen là tuyệt hay và hỏi : Anh người hay chữ thế, đã đi thi mấy khoa rồi mà còn long đong vậy ?

Cụ khoanh tay, lễ phép thưa : Dạ bẩm quan lớn, tôi học còn kém lắm mới đỗ tiến-sĩ thôi, lại vì mắc tính thanh liêm nên bị nhà vua ghét bắt đi thanh tra các quan lại Bắc-hà. Hôm nay đến đây nghe bà lớn bắt thợ đóng cối gấp nên phải theo vào đóng giúp để kiếm buổi cơm trưa…

Nghe nói quan sợ toát mồ hôi, vội vàng từ trên sập nhảy xuống xin lỗi cụ và lạy lấy lạy để. Nhưng cụ chỉ cười ha hả rồi vừa bước đi thẳng vừa dặn với lại rằng : Thôi chào quan,quan hãy gắng sao cho được lòng dân đi, chớ đừng khinh thị người nghèo kẻ khó nữa.

Câu chuyện xảy ra, trên từ ông lớn bà lớn, dưới đến các chú lính hầu, đều tái xanh mặt lại, và từ đó trở đi, không còn dám giữ thái độ hống hách như xưa.

Nghe kể lại, ai nấy đều phục tài văn chương cụ Nghè Tân. Kể đáng phục thật, nhưng cái tài văn chương ấy theo ý tôi không đáng phục bằng cái việc đi làm thanh-tra của cụ. Cái việc này giả sử có thật mới chính là quan hệ và đem lại thiết thực cho đời, một việc làm để chận đứng tánh nết tham ô của một số quan lại mà không cần phải dùng đến những hình phạt kia nọ. Phải đời đời cứ kế tiếp có những người như thế thì đám dân lành cũng bớt khổ vậy thay !…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3