17. Văn Bình Lai Bắc Cụ

VĂN-BÌNH LAI BẮC CỤ

Trong bài trước, chúng tôi đã hiến quý bạn về câu chuyện thơ Đường của ông Thủ-khoa Nghĩa, một nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam.

Sau đây là một giai thoại nữa về ông.

Khi soạn xong vở Kim-Thạch Kỳ-Duyên, danh tiếng ông nổi lên như cồn.

Một ông tú tài ở Gia-định tên gọi Văn-Bình nghe danh muốn tìm gặp mặt để xem con người ông thế nào và tài học ra sao. Có phải giỏi thật không, hay học tài thi phận, gặp may mà ông trúng đặng Thủ-khoa, có ai tá gà (làm giùm) cho mới xong được vở tuồng, được diễn tại triều-đình và được vua ngự lãm.

Ông tú-tài Văn-Bình vốn người tự cao, cho tài học của mình không thua gì các quan Cử, quan Nghè, nhưng bởi tại hòn đất, mồ mả không phát, nên ông thi chỉ đậu tú tài. Ông quả quyết rằng ông Thủ-khoa Nghĩa chưa hẳn đã hơn ông và không phải tài cao học rộng như nhiều người ca tụng.

Một bữa nọ, nhân được rảnh rang, ông mới đề huề lưng túi gió trăng, xuống Cần-thơ, tìm vào Bình-thủy để gặp ông Thủ-khoa.

Ông Thủ-khoa khi đó đã cáo quan về nhà.

Suốt mấy bữa ròng đi nhọc mệt, và trong bụng đã sắp sẵn những ý kiến để đem chuông đi đấm với người, ông Tú tin tưởng đã nắm chắc thắng lợi trong tay như Hàn-Tín ra quân và Khổng-Minh xuất trận.

Khi tới giữa làng Long-tuyền, quận Bình-thủy, thấy một ông già đang ngồi đan rổ ở ngoài đường, ông ghé lại : Thưa bác, tôi muốn hỏi thăm đến nhà ông Thủ-khoa Nghĩa, bác làm ơn chỉ giùm.

Ông già đan rổ hỏi : Ông là ai, ở đâu mà kiếm ông Thủ-khoa ?

- Dạ, tôi là tú tài Văn-Bình ở Gia-định, chắc bác đã biết tiếng, nay nghe ông Thủ-khoa, muốn đến xem ông thế nào có thật giỏi hay không ?

- À, thế ra ông là tú tài Văn-Bình, xin lỗi tôi không biết, vậy xin mời ông hãy ghé tạm vào nhà nghỉ uống nước đã, rồi tôi sẽ cho cháu đưa đi. Nhà ông Thủ-khoa cũng còn hơi xa chút.

Hai người cùng đi vào.

Ông già đan rổ mời ông tú tài Văn-Bình ngồi uống trà và lễ phép thưa : Tôi cũng thích văn chương lắm vừa nói, ông vừa chỉ vào những câu đối trong nhà. Đây là những câu của ông Thủ-khoa đó. Ông ấy thích làm dài, còn tôi thì lại khác, chỉ thích chữ một thôi, và thỉnh thoảng cùng họp anh em lại để làm đối đáp chơi.

Thấy ông già thích văn chương, ông tú tài liền đỡ lời : Nếu thế thì hay lắm, nhất kiến như kiến vậy, ông với tôi hãy thử cùng nhau ta làm xem thế nào ?

Ông già đan rổ nói : Nhưng tôi chỉ làm có chữ một. Chúng tôi học ít nên anh em chơi bời thường cứ một người ra rồi một người đối lại chớ không có làm dài, vì chúng tôi đâu phải là được như ông Thủ-khoa.

Ông tú tài đáp : Không sao, anh em mình chơi cho biết mà, ông hãy cứ ra đi, rồi tôi sẽ đối lại cho vui.

Hớp xong chén nước trà, ông già đan rổ mở đầu : Võ.

Ông tú tài Văn-Bình đối : Văn.

Ông già đan rổ lại ra : Trắc.

Ông Văn-Bình lại đối : Bình.

Ông già đan rổ ra : Vãng.

Ông Văn-Bình đối : Lai.

Ông già đan rổ lại ra : Nam.

Ông Văn-Bình lại đối : Bắc.

Ông già đan rổ ra : Cô.

Ông Văn-Bình đối : Cụ.

Chữ nào chữ ấy, đối nhau nghe chan chát.

Tới đây, ông già đan rổ nói : Thôi chúng ta hãy ngừng và ráp lại xem sao.

Những chữ của ông già đan rổ ghép lại trở thành câu :

Võ trắc vãng nam cô 武仄往南姑

Đối lại, câu của ông tú tài là :

Văn Bình lai bắc cụ. 文平來北具

Đọc lại câu đối, ông tú tài Văn-Bình mới giựt mình như chết điếng người ra. Té mới bị xỏ ngọt mà không hay. Ông thẹn đỏ mặt, rồi đứng dậy mà rằng : Dạ, xin lỗi cụ, cụ là cụ Thủ-khoa rồi. Tú này xin phục tài, cụ chỉ giáo cho. Từ rầy trở đi không dám vuốt râu cọp nữa.

Ông Thủ-khoa cười xòa, và hai người bắt đầu đàm luận thật sự về câu chuyện văn chương.

Nguyên câu « Võ trắc vãng nam cô » của ông Thủ-khoa thì không có nghĩa gì. Nhưng câu của ông Tú thì thật là khó chơi, mà chính là tự miệng mình thốt ra : Văn Bình lai bắc cụ.

Ai muốn hiểu nghĩa nó ra sao, xin cứ đọc lái hai chữ sau chót thì thấy rõ và hiểu thêm về cái tài văn-chương cũng như cái kế chủ động của ông Thủ-khoa Bùi-Hữu-Nghĩa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3