16. Những Cái Dở Của Thơ Đường
NHỮNG CÁI DỞ CỦA THƠ ĐƯỜNG
Nói đến ông thủ khoa Bùi-Hữu-Nghĩa, đồng bào miền Nam thật không mấy người là không biết vì :
Thứ nhất, ông là một nhà thơ nổi tiếng vô luận là thơ chữ Nôm hay chữ Hán, lối nào ông làm cũng rất hay.
Thứ hai, ông là tác giả vở tuồng Kim-Thạch Kỳ-Duyên, một vở tuồng trước đây mấy chục năm là một kiệt tác về ngành sân khấu ở trong Nam, khi ra đời lại được diễn tại kinh thành Huế và được vua Tự-Đức ngự lãm.
Thứ ba, ông lại là một vị thủ-khoa, đỗ thủ khoa đầu tiên ở Gia-định.
Ông là người làng Long-tuyền, quận Bình-thủy, tỉnh Cần-thơ, sinh năm 1807 và mất năm 1872. Hiện nay ở làng này còn mộ ông, và đồng bào còn nhớ nhiều những giai thoại về ông, nhất là những thơ đời Thịnh Đường mà ông đã tìm cách chế giễu, khiến cho ai nấy cũng phục tài, ngay cả đến những ông « con trời » giỏi chữ xưa nay, tự hào văn chương nước mình được đứng vào hàng số « dách » ở Đông-phương.
Thấy người mình cũng như người Tàu, ai nấy đều cho các thi phẩm đời Đường là những bài tuyệt tác. Một bữa kia, nhân lúc nói chuyện về văn-chương ông mới khui ra.
- Này đây nhé, bà con mình đừng tưởng thơ Đường bài nào cũng giá trị cả đâu. Có những cái rất dở, song tại mình không để ý nên không biết đó thôi. Như bài :
Cửu hạn phùng cam vũ,
Tha hương ngộ cố tri.
Động phòng hoa chúc dạ,
Kim bảng quải danh thì.
Tỷ dụ bốn câu thơ này, ông Thủ-khoa Nghĩa nói-ai cũng cho là hay, nhưng không thấy cái dở của nó.
Nắng lâu gặp mưa rào,
Đi xa gặp bạn cũ,
Đêm động phòng hoa chúc,
Lúc đi thi đỗ đạt.
Như vậy đâu có gì gọi là thú, mà phải thêm vào mỗi câu hai chữ nữa :
Thập niên cửu hạn phùng cam vũ.
Thiên lý tha hương ngộ cố tri.
Hòa-thượng động phòng hoa-chúc dạ.
Nột nho kim bảng quải danh thì.
十年久旱逢甘雨
千里他鄉遇故知
和尚洞房花燭夜
訥儒金榜掛名時
Nghĩa là :
Nắng lâu cả mười năm mới gặp trận mưa rào.
Đi xa nghìn dặm, gặp được bạn cố tri.
Thày chùa mà được đêm động phòng hoa chúc.
Học trò dốt mà đi thi lại đỗ.
Như thế mới gọi là thú là sung sướng. Còn trái lại, muốn gọi là khổ là bực tức thì nên đổi lại và đọc như thế này :
Diêm điền cửu hạn phùng cam vũ,
Đào trái tha hương ngộ cố tri.
Yểm hoạn động phòng hoa chúc dạ,
Cừu nhân kim bảng quải danh thì.
鹽田久旱逢甘雨
逃債他鄉遇故知
奄宦洞房花燭夜
仇人金榜掛名時
Nghĩa là :
Ruộng muối nắng lâu mà gặp trận mưa rào.
Đi trốn nợ sang làng khác lại gặp người quen.
Anh chàng bị thiến (hay lại cái lại đực) mà được đêm động phòng hoa-chúc.
Kẻ ghét mình mà nó đi thi lại đỗ đạt.
Và những câu sau này cũng của thời Thịnh Đường ông cho là vô lý, là tầm bậy vì để dư chữ mà không biết :
Thanh-minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.
Tá vấn tửu gia hà xứ thị ?
Mục đồng dao chỉ Hạnh-hoa thôn.
清明時節雨紛紛
路上行人欲斷魂
借問酒家何處是
牧童遙指杏花村
Bốn câu này có nghĩa là :
Tiết thanh mình trời mưa phùn phới phới,
Người đi trên đường rét lạnh cả hồn vía,
Ướm hỏi nhà bán rượu ở đâu ?
Em bé chăn trâu chỉ ở thôn Hạnh-hoa.
Ông Thủ-khoa giải thích :
- Trời mưa phùn phơi phới là tiết thanh minh rồi, vậy làm gì còn dùng hai chữ « thanh-minh » nữa cho dư. Đó là câu thứ nhất.
- Câu thứ hai, người đi là đi trên đường, chớ đi xuống sông sao, mà để hai chữ lộ thượng (trên đường).
- Câu thứ ba, nhà bán rượu ở đâu, như thế đủ rồi, cần gì phải để chữ tá vấn (ướm hỏi).
- Câu thứ tư, ai trả lời mà không được, việc gì cứ phải là em bé chăn trâu (mục đồng).
Phải bỏ những chữ thừa ấy đi và đọc như thế này :
Thời tiết vũ phân phân,
Hành nhân dục đoạn hồn.
Tửu gia hà xứ thị ?
Dao chỉ Hạnh-hoa thôn.
Với cách chỉ trích như trên đây, chúng ta chưa hẳn đã tán thành với ông Thủ-khoa Bùi-Hữu-Nghĩa. Nhưng chắc chắn rằng ông không phải mù quáng khi nhắc đến các bài Đường-thi như một số Nho-gia khác, cái gì của họ Lý họ Đỗ cũng cho là tuyệt, là thần thánh tất cả. Và đây phải chăng chỉ là chuyện vui đùa của một nhà Nho-học mà thôi.