19. Không Viết Được Là Giỏi

KHÔNG VIẾT ĐƯỢC LÀ GIỎI

Đọc đầu đề này chắc chắn nhiều bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên.

Tại sao ở cõi đời này lại có cái sự kỳ khôi ấy ?

Nhưng không, các bạn hãy bình tĩnh để cùng thưởng thức chuyện sau đây :

Một buổi sáng nọ, sau khi mãn triều vua Tự-Đức họp các ngài mũ cao áo rộng để bàn chuyện văn thơ, chuyện văn thơ phù phiếm trong khi cả nước đang nhao lên vì vận mạng quốc gia chông chênh như trứng để đầu gậy, trước sự đe dọa của bọn thực dân xâm lược Pháp.

Nhà vua cùng các quan bàn chuyện, từ chuyện Tam Hoàng Ngũ Đế, chuyện Hán, Đường, Tống, Nguyên đến các chuyện văn thơ Lý-Bạch, Đỗ-Phủ… đều được đem ra thảo luận, rất mực sổi nổi. Trái lại, chuyện nước mình cả vua lẫn quan đều ù ù cạc cạc, nhất là tình hình lúc đó, các họng đại bác của giặc Tây từ ngoài biển cứ găm vào gần mãi.

Muốn thử học lực các quan, nhà vua đọc hai bài ám tả không đầu đề, bài thứ nhất gồm 4 câu thơ sau :

Lâm vũ lâm ly lý lý đường,

Minh minh bỉnh chúc chiếu âm dương,

Trì khu thượng hạ công danh quán,

Khứ thủ ly bì đắc kỷ cương.

霖雨淋漓李俚塘

冥冥秉燭照陰陽

馳驅上下攻盈貫

去首離皮得幾綱

Bài thứ hai cũng 4 câu :

Tiêu hà tá hán khởi ư phong,

Sấn nhập trùng vi nhiễu trướng trung,

Bất luận huân tiêu phàn khoái lực,

Hốt văn hàn tín tự tiêu không.

蕉荷借漢起於風

趁入重圍繞帳中

不論薫燒樊燴力

忽聞寒信自消空

Để tỏ tài mẫn tiệp, các quan già trẻ thi nhau viết lấy viết để. Sẵn cái đầu óc quá quen thuộc với các bộ sử Trung-quốc, ngài nào ngài ấy cũng tưởng bài thứ nhất có nghĩa đại khái : « Nhà Lý-Đường gặp lúc như mưa dầm đen tối, những bầy tôi cầm máy âm dương soi sáng, và những người dong ruổi đó đây đánh dẹp bọn Danh, Quán, trừ đầu trừ da hỏi được mấy kẻ ? »

Và bài thứ hai : « Ông Tiêu-Hà giúp nhà Hán ở đất Phong, không cần sức mạnh của Phàn-Khoái, chỉ nhờ tài Hàn-Tín là xong hết mọi việc. »

Với những thành ngữ nhan nhản trong hai bài như « Lý Đường, Danh, Quán, Tiêu-hà, Hàn-Tín, Phàn-Khoái », thôi đích thị nếu không phải nói về sự tích nhà Đường, nhà Hán, còn chi chi vào đó ?

Tuy vậy, trong số các ngài, cũng có nhiều tay thấy đột ngột, sinh nghi tự nghĩ : « Chẳng lẽ nhà vua lại đọc ám tả dễ thế này » ý hẳn còn mánh lới gì nữa ?… Vì thế có cụ vừa bóp trán suy nghĩ vừa viết, và có cụ không viết.

Nhà vua ngồi trên sập ngự vừa đọc vừa mỉm cười. Nhưng nào biết cười ai ? Phải chăng là cười những ngài không viết được chữ nào ?

Viết xong, các quan đệ lên. Lúc đó, những ngài viết được mới chết điếng người ra, không dè, tất cả đều sai bét sai be…

Ở bài thứ nhất, chữ « lý lý đường » là trong vườn mận, « âm dương » là tiếng kêu, « danh quán » là sâu chuỗi, không phải là nhà Lý-Đường, máy âm máy dương, tên Danh tên Quán…

Tức nó là bài thơ « soi ếch » nếu đem dịch nôm có nghĩa :

Vườn mận đêm mưa nước nhợt nhầy,

Thắp đèn soi khắp chỗ kêu đây,

Bắt trên bắt dưới sâu từng chuỗi,

Chặt thủ lột da mấy chã đầy.

Ở bài thứ hai, chữ « tiêu hà » là tàu chuối, lá sen. Phong là gió, Hán là nó, Hàn Tín là tin lạnh, hơi lạnh, Phàn-Khoái là hun đốt, không phải ông Tiêu-Hà, đất Phong, nhà Hán, ông Hàn-Tín, ngươi Phàn-Khoái.

Tức nó là bài thơ « con muỗi » nếu đem dịch Nôm, có nghĩa là :

Bẹ chuối đài sen nổi cánh bay,

Chui vào màn trướng đốt vo vay,

Chẳng cần phải tốn công hun đốt,

Hơi lạnh đòi cơn tẩu tán ngay.

Các ngài nào hạ bút thao thao, bấy giờ mới đỏ mặt lên như Quan-Công uống rượu. Và nhà vua khi chấm mới xếp làm 3 hạng : Hạng kém là hạng nghe đọc hạ bút viết liền. Hạng khá là hạng suy nghĩ rồi mới viết. Còn hạng giỏi là hạng bỏ trắng không viết chữ nào.

Các quan ai nấy đều phục tài chơi chữ của nhà vua. Chơi khăm đến thế, quả không ngờ !

Đó câu chuyện « Không viết được là giỏi » vậy đó.

Kẻ nhắc chuyện này thầm nghĩ cũng phục tài văn chương của vua Tự-Đức như các cụ đương triều đã phục. Nhưng không thích, vì chẳng thấy gì khả dĩ gọi là giúp ích cho quốc gia, dân tộc đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng mà vua với các quan đều là những kẻ gánh trách nhiệm.

Than ôi !

Giá phỏng nhà vua giỏi thời vụ, cũng như giỏi văn-chương, biết thử tài thực dụng của các đình thần lúc đó như thử tài văn-chương thì đâu đến nỗi sau này phải ta thán não nề :

Vũ tướng tiêu sầu duy hữu tửu

Văn thần thoái lỗ cánh vô thi.

武將消愁惟有酒

文臣退虜更無詩

Nghĩa là các tướng vũ chỉ biết uống rượu giải buồn, còn các quan văn bảo làm thơ phá giặc, thì chẳng ai nghĩ được bài nào. Khá tiếc lắm vậy thay !

TRÊN CHÓ, DƯỚI CHÓ, TẤT CẢ ĐỀU CHÓ…

Tục ngữ Việt-nam có câu nói : « Làm người thì khó, làm chó thì dễ ». Tại sao ?

Lý rất giản dị, vì làm người thì phải giữ tư cách người đối với người, phải sao cho đừng bị tiếng là tham ăn tục uống, là giành nhau cướp nhau, là ra cúi vào luồn, là bán nước buôn dân, là phản bạn lừa thầy, là bất trung bất hiếu, bất thuận bất hòa, bất liêm bất tín, bất trung, bất sỉ, v.v… một trăm một ngàn thứ đồi tệ khác nữa. Còn làm chó thì cóc cần, thấy thơm cũng lùa, gặp dơ cũng đớp, thịt cũng nhai, xương cũng gặm, lỗ nào cũng chui, nơi nào cũng liếm…

Bởi chó là như vậy, nên nhà văn Lương-Khải-Siêu ở Trung-hoa trước đây cũng đã không ngần ngại bình phẩm cái tập đoàn thống trị cuối đời Mãn Thanh là những tên vua chó, quan chó, triều-đình chó (cẩu quân, cẩu quan, cẩu triều-đình).

Ai nghe lời bình phẩm này cũng lấy làm khoái chí, nhất là những ai có đầu óc cách mạng, có tinh thần xã hội.

Nhưng đó là chuyện bên Trung-quốc. Còn bên Việt-Nam này thì sao ?

Xin thưa cũng có những chuyện tương tự, và nghe còn lý thú hơn nữa, vì cũng lấy chó để chỉ vào những kẻ thuộc giai tầng tổ bố, thí dụ Cao-Bá-Quát và ông Ích-Khiêm ở cuối đời nhà Nguyễn.

Tục truyền vào thời Tự-Đức, một hôm có hai vị quan triều cãi nhau, rồi đánh nhau đá nhau. Việc đến tai vua, vua sai triệu vào hỏi duyên cớ, hai người đổ lỗi lẫn cho nhau, và tâu có mặt Cao-Bá-Quát, vua liền đòi Quát vào khai chứng. Ông Quát làm sớ tâu :

Bất tri lý hà ? 不知理何

Lưỡng tương đấu khẩu. 兩相門口

Bỉ viết cẩu, 彼曰狗

Thử diệc viết cẩu. 此亦曰狗

Bỉ thử giai cẩu, 彼此皆狗

Dĩ tương đấu ẩu, 以相鬥毆

Nguy tai nguy tai. 危哉危哉

Thần cụ thần tẩu. 臣懼臣走

Nghĩa là :

Chẳng biết lý sao ?

Hai bên cãi nhau.

Bên này bảo chó,

Bên kia cũng chó.

Hai bên đều chó,

Rồi họ đánh nhau,

Nguy thay nguy thay,

Thần sợ thần chạy…

Tờ sớ tâu này chẳng biết đúng không nhưng đã khiến cho người nghe được lấy làm sung sướng khi thấy có người đã thừa cơ để bảo mấy lão quan là chó, là chó ngay ở trước mặt vua mà không sợ quở phạt vì cái tội khi quân thất lễ.

Còn ông Ích-Khiêm (người làng Phong-Lệ, phủ Điện-Bàn, tỉnh Quảng-Nam, sinh năm 1840 mất năm 1890, thi đỗ cử nhân, nhưng làm quan võ đến chức Phủ Sứ) thì tục truyền ông ghét các quan văn võ triều đình lắm, vì dưới mắt ông, tất cả đều là lũ hại, nên phải đi mượn quân nhà Thanh sang đánh Pháp, đánh đã không được còn làm khổ dân chúng khắp nơi, do đó ông cho là thất sách và có thơ châm biếm :

Áo chúa cơm vua đã bấy lâu,

Đến khi có giặc phải thuê Tàu.

Từng phen võng giá men chân nhảy,

Đến bước chông gai thấy mặt đâu ?

Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp,

Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu, 9

Ai ơi hãy chống trời Nam lại,

Kẻo nữa dân ta đến cạo đầu. 10

Kể cũng là những nhát búa văn nghệ, đập thẳng vào đầu những kẻ lúc bình thì ăn trên ngồi chốc, cố xơi cố bám rồi lúc thấy nguy thì nhanh chân lánh mặt. Song đến câu chuyện sau đây mới thật mỉa mai cay cú cho những hạng người vừa nói trên.

Cũng theo tục tuyền, để chửi vào lũ mặt dày mày dạn ấy một bữa nọ ở kinh-đô Huế ông thiết tiệc mời các quan đại thần văn võ đến xực. Các quan đến đông lắm. Bàn trên cỗ dưới khi ăn toàn thịt chó cả, có người không ăn được, hỏi món khác, ông Khiêm xoa tay cười đáp lại : Xin lỗi, trên chó dưới chó, tất cả đều chó, thành không có gì nữa.

Các quan biết ông chơi xỏ, nhưng vẫn ngậm cay ngậm đắng để muối mặt mà ăn.

Tưởng đâu chỉ thế. Ai dè tiệc xong, gọi nước mãi, không thấy quân hầu đưa lên (vì chủ nhà đã dặn trước) chủ nhân lại lên tiếng quát tháo : Nước đâu, nước đâu ? Tụi bay định để chúng tao khô cổ chết phải không ?

- Dạ !

Một tên lính hầu đi lên : Bẩm quan lớn, nước chưa được !

Ông Ích Khiêm nổi nóng hét om sòm : Đồ chó chết, chó chết, chỉ biết vục đầu ăn, không lo nước non gì. Các quan nghe hét ai nấy đều tím mặt cả lại vì biết bị chơi cú cay nữa. Nhưng cay thì cay rán chịu, người ta mắng chửi người nhà người ta mà.

Ấy thế mà khốn nạn chưa, bị nhiếc đến thế, rồi mà sau trước các quan lớn nhỏ, cha con bè lũ vẫn tật nào nết ấy, tức thay !

Nghe chuyện này, có người bảo ông Ích-Khiêm chơi quá sỗ sàng, nhưng theo tôi thì thấy còn lịch sự nhiều lắm vì đối với những hạng người ấy phải đem nọc ra mà đánh như Trương-Dực-Đức đánh Đốc-Bưu xưa ở đời Tam-quốc mới tạm là đáng vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3