Những đứa con của nửa đêm - Phần III - Chương 27 - Phần 2
Và cho dù tôi, ra sức lấy lòng, “Xin chào, Mợ Sonia yêu quý,” và toét miệng cười bẽn lẽn trước hình thù khuất-sau-lưới-thép của một nhan sắc Iran bắt đầu nhăn nheo ở mợ tôi, bà tiếp tục, “Saleem, phải không? Rồi, tao nhớ mày rồi. Thằng ranh con hỗn xược. Lúc nào cũng nghĩ lớn lên mày sẽ thành Chúa này kia. Mà tại sao? Một bức thư ngu xuẩn chắc hẳn do trợ lý thứ mười lăm của phủ Thủ tướng gửi cho.” Từ buổi gặp đầu tiên ấy lẽ ra tôi phải dự báo được các kế hoạch của mình sẽ tiêu ma; lẽ ra tôi phải đánh hơi thấy, từ bà mợ điên khùng, mùi sặc sụa không nguôi của lòng đố kỵ Công chức, điều sẽ phá hoại mọi nỗ lực của tôi nhằm xác lập vị thế trên đời. Tôi được nhận một lá thư, bà ta thì không; điều đó làm chúng tôi thành kẻ thù truyền kiếp. Nhưng có một cánh cửa, rộng mở; thoang thoảng mùi quần áo sạch và nhà tắm vòi sen; và tôi, cảm kích trước những ân huệ nhỏ nhặt, không xét thấy những mùi hương chết người từ mợ tôi.
Cậu tôi Mustapha Aziz, mà bộ ria một-thời-vuốt-sáp-đầy-kiêu-hãnh không bao giờ hồi phục sau cơn bão bụi gây tê liệt của việc phá hủy Điền trang Methwold, đã bị bỏ qua khi xét để bạt Giám đốc Sở không dưới bốn mươi bảy lần, và cuối cùng đã tìm thấy niềm an ủi cho sự thiếu năng lực của mình trong việc đánh đập lũ con, và lèm bèm hằng đêm về việc mình rõ ràng là nạn nhân của định kiến bài-Hồi-giáo, trong lòng trung thành đầy mâu thuẫn nhưng tuyệt đối với Chính phủ đương thời, và trong nỗi ám ảnh về khoa phả hệ, sở thích duy nhất của cậu, mà máu đam mê còn lớn hơn khát vọng chứng minh mình là hậu duệ của các Đại đế Mughal của cha tôi năm xưa. Trong niềm an ủi đầu tiên ông nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của vợ, bà Sonia (tên thời con gái Khosrovani) nửa Iran và khao-khát-làm-phụ-nữ-thượng-lưu, người xác thực đã hóa điên vì một cuộc sống trong đó bà buộc phải sắm vai “che tàn bợ đít” cho bốn mươi bảy bà vợ khác nhau và nối tiếp nhau của những nhân vật số một, những người trước đó đã bị bà rẻ rúng với thái độ khệnh khạng bề trên khi họ còn là vợ nhân vật số ba; dưới sự hội đồng tẩm quất của cậu mợ tôi, đám em họ tôi giờ đã bị tẩn tơi bời thành một đống nhão nhoét đến nỗi tôi chịu không nhớ nổi số lượng, giới tính, tầm vóc hay đường nét của chúng nữa; nhân cách của chúng, tất nhiên, từ lâu đã không còn tồn tại. Tại nhà cậu Mustapha, tôi ngồi im lặng giữa lũ em bị tán nhuyễn, nghe màn độc thoại hằng đêm và không ngừng tự mâu thuẫn của ông, quay ngoắt từ cay cú vì không được đề bạt sang trung thành mù quáng kiểu chó cưng với mỗi hành động của Thủ tướng. Nếu Indira Gandhi đề nghị cậu tự sát, Mustapha Aziz chắc sẽ quy việc này cho sự thành kiến với người đạo Hồi nhưng lại bênh vực nhãn quan lãnh đạo của đề nghị ấy, và, tất nhiên, sẽ thực hiện nhiệm vụ mà chẳng dám (thậm chí không tưởng đến) phản kháng.
Về phả hệ: cậu Mustapha dành tất cả thờỉ gian rỗi để lấp đầy những cuốn sổ ghi chép dày khự bằng những cây gia tộc hình nhện, không ngừng đào sâu nghiên cứu và lưu danh sử sách hậu duệ kỳ dị của các đại gia tộc trên cả nước; nhưng một hôm, trong thời gian tôi ở đây, mợ Sonia được biết về một rishi[10] từ Hardwar, người nghe đồn đã ba trăm chín mươi lăm tuổi, và thuộc lòng phả hệ của mọi gia tộc Bà la môn trên cả nước. “Đến cả cái đấy anh cũng chỉ vềnhì!” bà rít lên với cậu tôi. Sự tồn tại của vị rishitừ Hardwar dã hoàn tất quá trình rơi vào điên loạn của bà, khiến sự bạo hành của bà với lũcon gia tăng đến mức cả nhà phải sống thường trực trong nỗi lo xảy ra án mạng, và cuối cùng cậu Mustapha buộc phải cho nhốt bà lại, bởi sự quá đáng của bà làm ông khó xử trong công việc.
[10] Ẩn giả Hindu.
Đấy, như vậy, là gia đình mà tôi đã tìm đến. Sự hiện diện của họ ở Delhi trở nên, trong mắt tôi, như một sự báng bổ với quá khứ của tôi; tại một thành phố mà, với tôi, hồn ma Ahmed và Amina thời trẻ ngự trị vĩnh hằng, con Ruồi gớm ghiếc ấy đang bò lên đất thiêng.
Nhưng điều không bao giờ có thế xác minh được là, những năm sau này, nỗi ám ảnh về phả hệ của cậu tôi sẽ được tuyển mộ phục vụ một chính quyền đang bên bờ, vực sụp đổ dưới bùa phép song hành của quyền lực và thuật chiêm tinh; bởi vậy điều xảy ra ở Quán trọ Góa phụ có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có sự giúp đỡ của ông... nhưng không, tôi cũng là tên phản bội; tôi không kết tội; tôi chỉ muốn nói rằng đã có lần tôi nhìn thấy, trong đống sổ phả hệ của ông, một cặp tài liệu màu đen bằng da dán nhãn TỐI MẬT, đề tên KẾ HOẠCH M.C.C.
Cái kết đang đến gần, và chẳng thể bị né tránh bao lâu nữa; nhưng trong lúc sarkar của Indira, như chính quyền của cha bà, ngày ngày đều tham vấn những kẻ bàng môn tà đạo; trong lúc lũ thầy bói Benarsi[11] góp phần viết nên lịch sử Ấn Độ, tôi phải đi lạc đề sang những hồi ức riêng tư, đau đớn; bởi chính tại nhà cậu Mustapha mà tôi biết tin, xác thực, về cái chết của gia đình tôi trong cuộc chiến năm 65; và còn về sự mất tích, chỉ vài ngày trước khi tôi xuất hiện, của giọng hát Pakistan nổi tiếngJamila Ca sĩ.
[11] Một thành phố thuộc bang Uttar Pradesh bên bờ sông Hằng.
Khi bà mợ điên khùng biết tôi đã chiến đấu trong hàng ngũ phe địch, bà nhất định không cho tôi ăn nữa (cả nhà đang ăn tối), và rít lên, “Chúa ơi, mày thật là gan cùng mình, biết không hả? Mày không có não để nghĩ à? Mày mò đến nhà một Cán bộ Nhà nước Cấp cao - một tên tội phạm chiến tranh sổng chuồng, Allah! Mày tính làm cậu mày mất việc à? Mày muốn đẩy cả nhà tao ra đường à? Mày phải biết nhục chứ! Đi - Đi, cút đi, hay tốt hơn là để tao kêu cảnh sát đến gô cổ mày lại! Đi mà làm tù binh chiến tranh, việc gì đến chúng tao, mày còn chẳng phải con đẻ của bà chị đã quá cố của chúng tao...”
Hai tiếng sét, nối nhau giáng xuống: Saleem lo sợ cho an toàn của mình, đồng thời biết sự thật không thể trốn tránh về cái chết của mẹ gã, biết rằng gã đang ở vào thế yếu hơn là gã tưởng, bởi việc công nhận gã chưa được thực hiện ở phần này của gia đình gã; Sonia, biết rõ lời thú tội của Mary Pereira, có thể làm bất cứ điều gì!... Và tôi, lẩy bẩy, “Mẹ cháu? Quá cố?” Và giờ cậu Mustapha, có lẽ cảm thấy vợ mình đã quá lời, gượng gạo nói, “Không sao cả, Saleem, tất nhiên cháu phải ở lại - nó phải ở lại, mình ạ, còn cách nào khác đâu? - thằng bé tội nghiệp còn chẳng biết...”
Rồi họ nói ra.
Tôi bỗng nhận ra, giữa lòng con Ruồi điên dại này, rằng tôi nợ những người đã khuất một cơ số tang kỳ; sau khi biết về kết cục của cha và mẹ tôi và bác Alia và mợ Pia và dì Emerald, của ông em họ Zafar với quận chúa xứ Kif của gã, của Mẹ Bề trên và vợ chồng bà cô họ xa Zohra, tôi quyết định dành bốn trăm ngày tiếp theo đểthương khóc họ, cho đúng phép và phải đạo: mười tang kỳ, mỗi kỳ bốn mươi ngày. Và rồi, và rồi, còn chuyện về Jamila Ca Sĩ…
Em đã biết tin tôi mất tích trong chiến loạn ở Bangladesh; em người luôn thể hiện tình yêu khi quá muộn, có lẽ đã hơi phát điên vì cái tin này. Jamila, Giọng hát của Pakistan, Họa mi của Đức tin, đả ra mặt phản đối giới cầm quyền mới của một Pakistan bị cắt xén, nhậy ăn và chiến tranh chia cắt; trong khi Ngài Bhutto tuyên bố trước Hội đồng Bảo an, “Chúng tôi sẽ xây dựng một Pakistan mới! Một Pakistan tốt đẹp hơn! Đất nước tôi đang lắng nghe tôi!” em gái tôi công khai lên án ông ta; em, thuần khiết nhất trong những kẻ thuần khiết, yêu nước nhất trong những người yêu nước, đã nổi loạn khi nghe tin tôi chết. (Đó, ít ra, là cách nhìn của tôi; tất cả những gì tôi nghe được từ cậu tôi thuần túy là thông tin; ông thu thập chúng qua đường ngoại giao, một kênh tin tức không đi vào phán đoán tâm lý.) Hai ngày sau bài phê phán những kẻ châm ngòi chiến tranh, em tôi đã biến mất khỏi mặt đất. Cậu Mustapha cố gắng vỗ về tôi: “Nhiều chuyện rất tồi tệ đang xảy ra ngoài đó, Saleem; lúc nào cũng có người mất tích; ta phải tính đến tình huống xấu nhất.”
Không! Không không không! Padma: cậu tôi nhầm! Jamila không mất tích trong tay Chính quyền; vì đúng vào đêm đó, tôi mơ thấy em, dưới bóng tối của đêm đen và sự che giấu của một tấm khăn bình thường, không phải cái áo choàng kim tuyến ai thấy là nhận ra ngay của Bác Puffs, mà một tấm burqa đen bình dị, lên máy bay chạy trốn khỏi thủ đô; và đây là em, hạ cánh xuống Karachi, không bị xét hỏi không bị bắt giữ hoàn toàn tự do, em bắt taxi đi sâu vào lòng thành phố, và kia là một tòa nhà kín cổng cao tường với ô cửa lật mà qua đó, đã có thời, lâu lắm rồi, tôi nhận bánh mì, thứ bánh mì men nở vốn là điểm yếu của em tôi; em gõ cửa xin vào, các nữ tu mở cửa trong lúc em nài xin tị nạn, phải, kia là em, đã vào trong an toàn, cửa chốt lại sau lưng em, đánh đổi một dạng vô hình lấy một dạng vô hình khác, ngày nay đã có một Mẹ Bề trên khác, vì Jamila Ca sĩ người từng, hồi còn là con Khỉ Đồng, dan díu với Thiên Chúa giáo, đã tìm thấy an toàn nơi nương náu sự bình yên ở dòng tu kín Santa Ignacia... phải, em ở đó, an toàn, không biến mất, không rơi vào tay bọn cảnh sát chuyên đấm đá bỏ đói tù nhân, mà an nghỉ, không phải dưới một nấm mồ vô danh bên bờ sông Ấn, mà vẫn sống, nướng bánh mì, vàhát ngọt ngào cho các nữ tu kín; tôi biết, tôi biết, tôi biết. Làm sao tôi biết? Một người anh biết; thế thôi.
Trách nhiệm, lại một lần nữa công kích tôi: vì không thể phủ nhận - sự sụp đổ của Jamila, như thường lệ, hoàn toàn là lỗi của tôi.
Tồi sống tại nhà Mustapha Aziz bốn trăm hai mươi ngày... Saleem bận khóc thương muộn những người đã khuất; nhưng chớ nghĩ dù chỉ một giây rằng tai tôi điếc! Đừng tưởng rằng tôi không nghe thấy những điều tiếng quanh mình, những cuộc cãi cọ triền miên của cậu mợ tôi (một điều có lẽ đã giúp ông đi đến quyết định gửi bà vào nhà thương điên): Sonia Aziz la thét, “Thằng bhangi[12] - thằng ranh bẩn thỉu đê tiện ấy, nó còn chẳng phải cháu ông, tôi chẳng hiểu ông bị làm sao, ta nên tống thẳng cổ nó ra đường!” Mustapha, nhỏ nhẹ, đáp: “Thằng bé tội nghiệp đang tan nát cõi lòng, làm sao mình nỡ, bà chỉ cần để ý là thấy, đầu óc nó có vấn đề, nó chịu đựng quá nhiều điều tồi tệ.” Đầu óc có vấn đề! Một điều thật kinh khủng, khi thốt ra từ miệng họ - một gia đình mà, nếu đặt cạnh họ, một bộ lạc ăn thịt người lí lố còn có vẻ điềm đạm và văn minh hơn! Tại sao tôi lại chịu nổi điều này? Bởi vì tôi là kẻ đang ôm một giấc mơ. Nhưng trong bốn trăm hai mươi ngày, đó là một giấc mơ không thành hiện thực.
[12] Kẻ nghiện hút (bhang nghĩa là thuốc phiện) và thuộc đẳng cấp thấp hèn.
Ria ủ rũ, cao-nhưng-còng, một số hai mãn kiếp: cậu Mustapha tôi không phải là cậu Haniftôi. Ông bây giờ là kẻ đứng đầu gia đình, người duy nhất của thế hệ ông sống sót sau vụ thảm sát 1965; nhưng ông chẳng giúp được gì tôi... Tôi đối mặt ông trong phòng làm việc chất đầy phả hệ của ông vào một tối rét căm và giải thích - bằng thái độ nghiêm túc đúng mực và cử chỉ khiêm cung song kiên quyết – về sứ mệnh lịch sử của tôi phải cứu vớt cả dân tộc khỏi định mệnh; nhưng ông thở dài và đáp, “Nghe này, Saleem, cháu muốn ta làm gì? Ta giữ cháu lại đây; cháu ăn cơm nhà ta và không làm gì cả như vậy cũng không sao, cháu đến từ nhà người chị quá cố của ta, ta phải trông nom cháu - cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi đã; từ từ ta sẽ tính. Cháu muốn một chân thư ký hay gì đấy, chắc ta sẽ thu xếp được; nhưng mấy giấc mơ Chúa-mới-biết ấy thì bỏ đi. Đất nước đang ở trong những bàn tay đáng tin cậy. Indiraji đang thực hiện nhiều cải cách cấp tiến - cải cách ruộng đất, tái cơ cấu thuế, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình - cháu có thể tin ở bà và sarkar của bà.” Dạy bảo tôi, Padma! Như thể tôi là một thằng ngô ngọng! Ôi hổ thẹn thay, nỗi hổ thẹn ô nhục vì bị những kẻ đần lên mặt dạy đời!
Ở mỗi ngã rẽ tôi đều vấp phải khó khăn; một nhà tiên tri giữa chốn man di, như Maslama, như ibn Sinani! Dù tôi nỗ lực đến đâu, sa mạc vẫn là phần số của tôi. Ôi sự vô dụng hôi hám của những ông cậu xu nịnh! Ôi tham vọng bị xiềng xích bởi những họ hàng bợ đỡ mãn kiếp về nhì! Việc cậu tôi từ chối yêu cầu khẩn thiết được đề bạt của tôi đã gây hậu quả nghiêm trọng: ông càng ca tụng Indira của ông thì tôi càng ghét cay ghét đắng bà ta. Kỳ thực, ông đang chuẩn bị cho tôi trở về với ghetto của giới ảo thuật, và cho... cho mụ ta… mụ Góa phụ.
Ghen tị: chính thế đấy. Sự ghen tị lớn lao từ bà mợ điên khùng, như thuốc độc rỉ vào tai cậu tôi, ngăn ông làm bất cứ điều gì để giúp tôi khởi đầu sự nghiệp mà tôi đã chọn. Số phận của vĩ nhân vĩnh viễn do lũ tiểu nhân định đoạt. Và còn cả: lũ tiểu phụ nhân điên khùng.
Ngày thứ bốn trăm mười tám tôi ở đây, bầu không khí tại ngôi nhà điên có một thay đổi. Có một người đến ăn tối: một người có cái bụng núng nính, cái đầu thon lại ở đỉnh, phủ những lọn tóc bóng dầu, cái miệng dày thịt như môi âm hộ đàn bà. Tôi nghĩ mình nhận ra hắn qua những bức ảnh trên báo. Quay sang một trong những đứa em không giới tính không tuổi tác không diện mạo, tôi tò mò hỏi, “Này em, có phải Sanjay Gandhi đấy không?” Nhưng sinh vật bị nghiền mịn ấy đã bị hủy diệt triệt để đến mức không còn năng lực trả lời... có phải không nhỉ? Khi ấy, tôi chưa biết điều tôi sắp ghi lại đây: có một số nhân vật cao cấp của cái chính phủ kỳ khôi ấy (và một số con trai không chức danh của thủ tướng) đã có khả năng tự nhân bản... chỉ vài năm sau, hàng đàn hàng lũ Sanjay sẽ lúc nhúc khắp Ấn Độ! Trách nào mà cái vương triều kỳ quái ấy chẳng muốn áp đặt kiểm soát sinh đẻ lên tất cả chúng tôi… có thể như vậy, và cũng có thể không; nhưng ai đó đã biến mất vào thư phòng cùng Mustapha Aziz; và đêm đó - tôi nhìn lén - xuất hiện một cặp tài liệu bìa da đen khóa kín, trên đó chữ TỐI MẬT và KẾ HOẠCH M.C.C.; và sáng hôm sau ánh mắt cậu Mustapha nhìn tôi có chiều khác lạ, với vẻ gần như sợ hãi, hoặc là cái nhìn đặc biệt chán ghét mà giới Công chức dành riêng cho những kẻ bị thất sủng với chính quyền. Đáng lẽ tôi phải biết ngay điều gì đang chờ đợi tôi; song khi hồi cố thì mọi chuyện đều có vẻ đơn giản. Bây giờ hồi cố đến với tôi khi đã quá muộn, khi tôi đã bị đày ra vùng ngoại vi của lịch sử, khi các mối liên hệ giữa vận mệnh của tôi và của đất nước này đã vĩnh viễn bị cắt đứt... để tránh cái nhìn không thể giải thích của cậu tôi, tôi đi ra vườn; và nhìn thấy Parvati-phù-thủy.
Cô ngồi trên vỉa hè với cái giỏ tàng hình đặt bên người; vừa thấy tôi ánh mắt cô liền sáng lên đầy trách cứ. “Cậu bảo sẽ quay lại, nhưng chả thấy đâu, nên tớ,” cô lắp bắp. Tôi cúi gằm mặt. “Tớ bận để tang,” tôi gượng gạo đáp, và cô, “Nhưng lẽ ra cậu vẫn có thể - lạy Chúa, Saleem, cậu không hiểu đâu, ở khu trại tớ không thể thổ lộ với ai về ma thuật thật sự của tớ, không bao giờ, kể cả với Picture Singh người tớ coi như cha, tớ phải nín nhịn và nín nhịn, vì họ không tin vào những điều như thế, và tớ tự nhủ, Có Saleem đây rồi, giờ ít ra mình cũng có một người bạn, chúng mình có thể trò chuyện, có thể ở bên nhau, chúng mình đều đã trải qua, đều đã biết... và, ôi trời, biết nói sao nhỉ, Saleem, cậu chẳng quan tâm, cậu có được cái cậu cần rồi thì cậu bỏ đi thẳng, tớ chẳng là gì với cậu hết, tớ biết...”
Đêm đó mợ Sonia điên khùng của tôi, chỉ còn vài ngày nữa là bị giam trong một chiếc áo tâm thần[13] (chuyện này bị lên báo, một mẩu tin nhỏ ở trang trong; Sở của cậu tôi chắc khá khó chịu), lên một cơn kích động dữ dội của chứng điên trầm trọng và xông vào phòng ngủ mà, nửa giờ trước, một-người-có-đôi-mắt-to-tròn đã trèo vào qua ô cửa sổ ở tầng trệt; bà phát hiện ra tôi trên giường cùng Parvati-phù-thủy, và sau đó cậu Mustapha không còn hứng thú với việc chứa chấp tôi nữa, nói, “Mày là nòi bhangi, mày sẽ là quân đê tiện đến hết đời”; vào ngày thứ bốn trăm hai mươi, tôi rời nhà cậu tôi, bị đoạn tuyệt mọi liên hệ gia đình, rốt cuộc đã trở về với di sản thực sự của nghèo khổ và bần hàn mà tội ác của Mary Pereira lừa mất của tôi đã quá lâu. Parvati-phù-thủy chờ tôi trên vỉa hè; tôi không nói cho cô biết rằng trong chừng mực nào đó tôi mừng vì bị mợ tôi làm gián đoạn, vì khi hôn cô trong bóng tối của cái đêm bất chính ấy, tôi thấy mặt cô biến đổi, trở thành gương mặt của một tình yêu cấm kỵ; những đường nét ma quái của Jamila Ca sĩ đã thay thế nét mặt của cô gái phù thủy; Jamila người đang (tôi biết mà!) an toàn ẩn náu trong tu viện tại Karachi đột nhiên cũng ở đây, có điều em đã trải qua một biến hóa đen tối. Em đã bắt đầu mục rữa, mụn nhọt và lở loét khủng khiếp của tình yêu cấm kỵ đang lan trên mặt em; như có lần hồn ma của Joe D’Cosca đã mục rữa vì bệnh hủi ma quái của cảm giác tội lỗi, giờ đây loài hoa loạn luân ôi rữa đang nở trên bộ mặt hồn ma của em tôi, và tôi không thể làm điều đó, không thể hôn hít vuốt ve nhìn ngắm khuôn mặt quỷ hồn không thể nào chịu nổi này, tôi đang sắp sửa quay ngoắt đi với một tiếng thét của nỗi hổ thẹn và hoài nhớ tuyệt vọng thì Sonia Aziz xông vào cùng ánh đèn điện và rú lên.
[13] Loại áo có tay rất dài, dùng để buộc chéo ra sau lưng nhằm kiềm chế bệnh nhân tâm thần.
Về phần Mustapha, thật ra, tai tiếng của tôi với Parvati, trong mắt ông, chẳng qua chỉ là một cái cớ hữu ích để rũ bỏ tôi; nhưng điều này vẫn là nghi vấn, bởi chiếc cặp màu đen bị khóa tôi chỉ có thể căn cứ vào một ánh nhìn trong mắt ông, một mùi sợ hãi, ba chữ cái đầu trên một cái nhãn - bởi sau này, khi mọi chuyện đã kết thúc, một người đàn bà thất bại và đứa con trai môi-âm-thần đá khóa cửa phòng trong hai ngày đế đốt tài liệu; và làm sao chúng ta biết được trong số đó có-hay-không một hồ sơ dán nhãn M.C.C.?
Dầu sao, tôi cũng chả muốn ở lại. Gia đình: một ý niệm bị phóng đại. Chớ nghĩ tôi buồn! Đừng tưởng dù chỉ một giây rằng cổ họng tôi nghẹn lại khi bị trục xuất khỏi ngôi nhà ơn phước cuối cùng mở cửa đón tôi! Nói thật nhé – tinh thần tôi rất phấn khởi khi ra đi... có thể ở tôi có gì đó không tự nhiên, có chút thiếu hụt căn bản của phản xạ cảm xúc; nhưng tâm trí tôi trước giờ luôn hướng đến những điều cao cả hơn. Cho nên tôi mới bền bỉ. Đánh tôi: tôi bật dậy. (Nhưng phản kháng cũng chẳng ích gì trước những vết nứt).
Tóm lại: vứt bỏ niềm hy vọng ngây thơ trước kia về việc được đề bạt công chức, tôi quay vềkhu ổ chuột của giới ảo thuật và chaya của Thánh đường Thứ Sáu. Học theo đức Cồ Đàm, Buddha đầu tiên và chân chính, tôi từ bỏ đời nhung lụa làm một kẻ hành khất dấn thân vàocõi thế. Hôm ấy là 23 tháng Hai năm 1973; các mỏ than và thị trường bột mì đang được quốc hữu hóa, giá dầu bắt đầu tăng phi mã, và sẽ gấp bốn sau một năm, và trong đảng Cộng sản Ấn Độ, chia rẽ phe Moscow của Dange và C.P.I.(M.) của Namboodiripad đã trở nên không thể hàn gắn; và tôi, Saleem Sinai, như Ấn Độ, vừa tròn hai mươi lăm tuổi, sáu tháng, tám ngày.