Những đứa con của nửa đêm - Phần III - Chương 27 - Phần 1

Chương 27: Dưới
bóng Thánh đường

Không
nghi ngờ gì nữa: đang có một sự tăng tốc. Rắc roạc rộp - trong khi mặt đường
nứt toác dưới cái nóng ghê người, tôi cũng đang bị đẩy nhanh tới chỗ tan rã.
Thứ-gặm-mòn-xương (một thứ, như tôi thường xuyên phải giải thích với quá nhiều
đàn bà ở quanh mình, vượt xa khả năng nhận biết, chưa nói đến cứu
chữa, của các thầy thuốc) sẽ chẳng thể bị kìm hãm bao lâu nữa; mà chuyện
chưa kể thì còn quá nhiều... Cậu Mustapha đang lớn dần bên trong tôi, và
cái bĩu môi của Parvati-phù-thủy; một lọn tóc của người anh hùng đang
chờ đợi sau cánh gà; và một cơn trở dạ kéo dài mười ba ngày, và lịch sử
đồng dạng với kiểu tóc của một thủ tướng; sắp có sự phản bội, và trốn vé, và
mùi (phảng phất theo những cơn gió trĩu nặng tiếng rên rỉcủa những góa
phụ) thứ gì đó đang bị rán trên chảo sắt... thế nên, tôi cũng buộc
phải tăng tốc, phải bứt phá về đích; trước khi ký ức của tôi vỡ vụn,
không mong gì sắp xếp lại được, tôi phải ưỡn ngực chạm đích. (Mặc dù
đã có, đã có những chỗ mơ hồ, khiếm khuyết; và đôi khi cần phải ứng
tác.)

Hai
mươi sáu lọ ngâm ảm đạm xếp hàng trên giá; hai mươi sáu công thức pha trộn đặc
biệt, mối lọ có một nhãn định danh riêng, được viết ngay ngắn với những
hàng chữ quen thuộc: chẳng hạn “Cuộc Hành Quân Của Lọ Gia Vị”, hay “Alpha
và Omega”, hay “Cây dùi cui của Trung tá Sabarmati”. Hai mươi sáu cái
lọ lanh canh rất hùng hồn mỗi khi đoàn tàu hỏa vàng-và-nâu chạy qua; trên bàn
tôi, năm cái lọ rỗng leng keng đầy khẩn thiết, nhắc nhở tôi về nhiệm vụ
chưa hoàn thành. Nhưng giờ tôi không thể lần lữa bên những
chiếc lọ rỗng không; đêm là thời khắc của ngôn từ,
và chutney xanh phải đợi đến lượt mình.

...
Padma tư lự: “Ôi, ông này, Kashmir tháng Tám chắc là
đẹp lắm, trong lúc ở đây nóng như thiêu!” Tôi buộc phải quở
trách bạn đồng hành phúng-phính-nhưng-cơ-bắp này vì để tâm trí vơ vẩn
tận đâu; và buộc phải thừa nhận Padma Bibi của chúng ta, con người nhẫn nại
khoan dung khéo vỗ về, bắt đầu cư xử giống một bà vợ Ấn Độ đích thực. (Còn
tôi, với nết xa cách và chỉ mải việc mình, giống một ông chồng?) Gần đây,
bất chấp thái độ lãnh đạm phó mặc số mệnh của tôi trước các vết nứt đang lan
rộng, tôi đã ngửi thấy, trong hơi thở của Padma, giấc mơ về một kịch bản
tương lai khác (nhưng bất khả); phớt lờ cái kết cục bất khả tiêu trừ của những
rạn nứt trong nội thể tôi, cô bắt đầu tỏa ra mùi hương ngọt đắng của
hy-vọng-hôn-nhân. Bông sen-phân của tôi, người lâu nay vẫn vững vàng trước
những cái nhếch môi dè bỉu của đội ngũ lao động nữ bắp tay phủ lông
tơ; người đã đặt việc chung sống với tôi ra ngoài và lên trên mọi chuẩn mực xã
hội, có vẻ đã quy hàng khát vọng được chính danh... tóm lại, dù
không đả động gì đến chủ đề này, cô vẫn chờ đợi tôi biến cô thành một người
đàn bà đoan chính. Mùi hương hy vọng u sầu ngấm vào những lời lẽ quan hoài vô
tư nhất của cô - chậm chí ngay lúc này, khi cô, “Ông này, sao không
kết thúc vụ viết lách này rồi nghỉ ngơi; về Kashmir, cho thanh tĩnh
một thời gian - và ông có thể đem Padma của ông theo, để cô ta
có thể chăm nom...?” Đằng sau giấc mơ chớm nở về kỳ nghỉ
Kashmir ấy (cũng từng là giấc mơ của Jehangir, đại
đế Mughal; của Ilse Lubin tội nghiệp bị lãng quên; và có lẽ của
chính Jesus Christ), tôi đánh hơi thấy sự hiện diện của một giấc mơ
khác; cóđiều cả hai đều sẽ không thể thành hiện thực. Bởi vì giờ đây
những vết nứt, những vết nứt và luôn là những vết nứt, đang thu hẹp
tương lai của tôi tới một dấu chấm hết duy nhất và tất yếu; và cả
Padma cũng sẽ phải ngồi ghế sau để tôi cố thế kết thúc câu chuyện của mình.

Ngày
nay, báo chí đang bàn tán về khả năng tái xuất chính trường
của Indira Gandhi; nhưng lúc tôi quay về Ấn Độ, náu mình trong
chiếc giỏ liễu gai, “Quý Bà” đang đắm mình trong tột đỉnh vinh quang. Ngày nay,
có thể chúng ta đều đã quên, tự nguyện chìm đắm trong vùng mây mù nguy hại của
bệnh mất trí nhớ; nhưng tôi vẫn nhớ, và sẽ ghi chép lại, tôi đã - bà ta
đã - chuyện đã xảy ra như thế nào mà... – không, tôi không được nói
ra, tôi phải kể tất cả theo trình tự, đến khi không còn lựa chọn nào
khác ngoài việc tiết lộ... Ngày 16 tháng Mười hai năm 1971, tôi bổ nhào ra giữa
một đất nước Ấn Độ nơi đảng Tân Quốc đại của bà Gandhi nắm hơn hai
phần ba số ghế trong Quốc hội.

Trong
chiếc giỏ tàng hình, nhận thức về bất công đã biến thành giận
dữ, và một số thứ khác nữa - không chỉ biến đổi vì cơn thịnh
nộ, trong tôi còn trào dâng cảm giác đau xót của nỗi cảm thông với
một đất nước không chỉ là chị em song sinh mà còn dính liền với tôi
(một cách hình tượng) ở hông, khiến điều gì xảy ra với người này, cũng xảy
đến với người kia. Nếu tôi, mũi thò lò mặt nhọ vân vân, vì thế mà gặp lắm
gian truân, thì em cũng vậy, người em tiểu lục địa sinh đôi của tôi;
và giờ đây khi đã tự cho mình quyền lựa chọn một tương lai tốt đẹp
hơn, tôi quyết rằng đất nước này phải được chia sẻ điều đó. Tôi nghĩ rằng
khi bổ nhào ra giữa bụi bặm, bóng thánh đường và tiếng reo hò thích thú,
tôi đã mang sẵn trong lòng một quyết tâm cứu nước.

(Nhưng
còn những vết rạn nứt... liệu tôi, khi ấy, đã kịp nhận
ra rằng tình yêu tôi dành cho Jamila Ca sĩ đã, theo một nghĩa
nào đó, sai lầm? Liệu tôi đã kịp hiểu ra mình đã cứ thế trút lên
vai cô sự sùng bái mà giờ đây tôi nhận chức rõ là một tình yêu hướng thượng,
quảng đại dành cho đất nước? Tới lúc nào tôi mới nhận ra, rằng những tình
cảm loạn luân đích thực của tôi là dành cho người em gái song sinh
thật sự, cho chính Ấn Độ, chứ không phải cho ngữ xướng ca vô loài đã nhẫn
tâm trút bỏ tôi, như một bộ da rắn dùng rồi, và vứt tôi vào cái thùng rác ẩn dụ
là đời lính? Lúc nào lúc nào lúc nào?... Thừa nhận thất bại, tôi buộc phải
ghi lại rằng, tôi không thể nhớ chính xác.)

...
Saleem ngồi hấp háy mắt giữa đám bụi, dưới bóng một thánh đường. Một người
khổng lồ đứng bên gã, cười toét miệng, hỏi, “À há, đội trưởng, chuyến đi
ổn hỉ?“ Còn Parvati, mắt mở to đầy phấn khích, rót nước từ chiếc lotah[1] vào
đôi môi nứt nẻ mặn chát của gã... Cảm giác! Cái buốt giá của nước giữ lạnh
trong surahi[2] bằng đất nung, cái nứt nẻ bỏng rát của đôi môi
khôhéo, chất bạc và thanh kim thạch siết trong lòng tay... “Tôi cảm thấy
rồi!” Saleem reo lên với đám đông thân thiện vây quanh.

[1]
Một kiểu ca nước, thường làm bằng đồng.

[2] Bình
đựng nước cổ cao.

Lúc ấy
là thời điểm buổi chiều được gọi là chaya[3], khi bóng
của Thánh đường Thứ Sáu cao chót vót bằng gạch đỏ và cẩm thạch vắt ngang
những căn lều hỗn loạn của khu ổ chuột chen chúc dưới chân nó,
với những mái tôn xiêu vẹo tạo thành một không khí nóng hầm hập, đến mức không
thể ở nổi trong những túp lều xập xệ này trừ lúc chaya và ban đêm… nhưng
lúc này các nghệ sĩ ảo thuật và uốn dẻo và tung hứng và các fakir đều
tập hợp dưới bóng râm quanh cột ống khói khổng lồ đơn độc nọ để chào
đón người mới đến. “Tôi cảm thấy rồi!” tôi reo lên, và rồi Picture
Singh, “Tốt rồi, đội trưởng - nói xem, chú cảm thấy sao hỉ? - khi được
sinh ra lần nữa, như một đứa trẻ sơ sinh, lăn ra từ giỏ của Parvati?” Tôi
có thể ngửi thấy mùi kinh ngạc ở Picture Singh; anh rõ ràng là sửng sốt
trước xảo thuật của Parvati, có điều, là dân trong nghề thực thụ, anh không
tưởng đến chuyện hỏi xem cô làm điều đó như thế nào. Nhờ vậy mà
Parvati-phù-thủy, người sử dụng pháp lực vô biên của mình đưa tôi đến nơi an
toàn, đã thoát khỏi bị phát hiện; và cũng còn vì, như về sau tôi khám phá
ra, ghetto của giới ảo thuật không tin, với sự quả quyết tuyệt đối
của những kẻ sống-bằng-nghề-ảo-thuật, sự tồn tại của pháp thuật. Thế
nên Picture Singh bảo tôi, với vẻ kinh ngạc, “Anh thề, đội trưởng - ở
trong giỏ chú rất nhẹ, như trẻ sơ sinh!” - Nhưng anh không bao giờ hình
dung ra được, tình trạng không trọng lượng của tôi tuyệt không hề là
xảo thuật.

[3] Nghĩa
là bóng râm.

“Ê
này, sahib cu tí,” Picture Singh kêu lên, “Chú thấy sao hỉ, đội
trưởng cu tí? Hay là anh kiệu chú lên vai cho chú ợ hơi nhé?” - Và giờ Parvati,
khoan dung: “Cái anh này, baba, hơn tí là đùa nhảm.” Cô cười rạng rỡ với tất cả
mọi người có mặt... nhưng ngay lúc đó, một việc bất tường xảy ra. Một giọng đàn
bà rít lên từ phía sau nhóm ảo thuật gia: “Ai-o-ai-o! Ai-o-o!” Đám đông ngạc
nhiên tách ra và một bà già vọt qua lao thẳng vào Saleem; làm tôi buộc phải tự
vệ trước một màn múa chảo, cho đến khi Picture Singh, kinh hãi, túm lấy
cánh tay múa chảo của bà già, rồi gầm gừ, “Này, đội trưởng gái, làm nhộn cái gì
thế?” Và bà già, dai dẳng: “Ai-o-ai-o!”

“Resham
Bibi,” Parvati nói, khó chịu, “Kiến bò trong não bà à?” Và Picture
Singh, “Chúng ta có khách, đội trưởng gái ạ - cậu ấy biết làm thế nào khi
bà cứ rầm rĩ lên? Arre, im nào, Resham, đội trưởng đây là chỗ bạn bè với
Parvati của chúng ta đấy! Đừng gào rú trước mặt cậu ấy nữa!”

“Ai-o-ai-o!
Điềm gở đến rồi! Ngươi sang xứ lạ và đem nó về đây! Ai-oooo!”

Nét
mặt hoang mang của các nhà ảo thuật nhìn từ Resham Bibi sang
tôi - bởi mặc dù là một cộng đồng phủ nhận sự siêu nhiên, họ là
nghệ sĩ, và, như mọi người hành nghề biểu diễn, họ ngấm ngầm tin vào
vận số, vào may rủi... “Chính ông vừa bảo,” Resham Bibi rít
lên, “hắnđược sinh ra hai lần, và thậm chí không phải từ đàn bà!
Giờ thì hoang tàn, bệnh dịch và chết chóc sẽ giáng xuống. Ta ngần này
tuổi rồi, ta biết. Arre baba,” bà ta sầu thảm quay sang tôi, “Hãy rủ lòng
thương; đi đi - mau đi!” Tiếng xì xầm nổi lên - “Phải rồi, Resham Bibi
biết rõ những chuyện ngày xưa” - nhưng Picture Singhnổi cáu. “Đội
trưởng đây là thượng khách của ta,” anh quát, “Cậu ấy sẽ ở lại nhà ta bao
lâu tùy thích. Các người xì xào cái gì? Đây không phải là chỗ kể chuyện
hoang đường.”

Lần
đầu tiên lưu lại ghetto của giới ảo thuật của Saleem Sinai
chỉ kéo dài vài ngày; nhưng trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy, một số
chuyện xảy ra đã làm dịu đi nỗi sợ mà ai-o-ai-o đã khơi lên. Sự thật trần
trụi, không màu mè là, hồi ấy, các ảo thuật gia và nghệ sĩ trong ghetto
bắt đầu đạt những đỉnh cao mới - các nghệ sĩ tung hứng giữ được một ngàn lẻ một
trái bóng trên không cùng lúc; đệ tử nhập môn của một fakir lạc bước vào
một thảm than hồng, rồi thản nhiên bước qua, như thể cô đã học được bản
tính của sư phụ bằng cách thẩm thấu; và tôi nghe nói trò ảo thuật dây thừng[4] đã
thành công. Đồng thời, cảnh sát không thực hiện được đợt càn quét hằng tháng
vào ghetto, điều trong ký ức của mọi người chưa từng xảy ra; và
khu trại liên tục có khách viếng thăm, người hầu của các nhà giàu, đặt hàng sự
phục vụ của một hay nhiều nghệ sĩ trong chương trình văn nghệ của
đêm gala này nọ... trên thực tế, có vẻ như Resham Bibi lần
này đã đoán nhầm, và tôi nhanh chóng trở nên nổi tiếng tại ghetto. Tôi
được đặt tên là Saleem Kismeti, Saleem May mắn; Parvati được chúc mừng, vì
đã mang tôi về khu ổ chuột. Và cuối cùng, Picture Singh đưa
Resham Bibi đến xin lỗi.

[4] Một
tiết mục ảo thuật kinh điển của Ấn Độ, trong
đó nhà ảo thuật phù phép cho một sợi dây thừng
vươn thẳng lên trời, sau đó một cậu bé phụ
tá sẽ leo lên rồi biến mất.

“Sin ỗi,”
Resham móm mém nói rồi bỏ chạy; Picture Singh thêm, “Già rồi khổ thế đấy;
nãoxơ và trí nhớ lộn tùng phèo hết cả. Đội trưởng, đây ai cũng bảo
chú là vận may của chúng tôi; nhưng chú có định ra đi sớm không?” -
Và Parvati, đôi mắt tròn xoe nín lặng nhìn tôi như van nài đừng đừng đừng;
nhưng tôi buộc phải trả lời bằng câu khẳng định.

Saleem,
ngày nay, tin chắc rằng gã đã trả lời, “Có”; rằng cũng vào buổi sáng hôm ấy,
vẫn mặc tấm áo choàng lùng thùng, vẫn không rời cái ống nhổ bạc, gã cất bước ra
đi, mà không nhìn lại cô gái dõi theo gã với ánh mắt rớm ướt những trách
móc; rằng, vội vàng sải bước qua các nghệ sĩ tung hứng đang tập luyện, qua
những hàng bánh kẹo phả vào mũi gã thứ mùi quyến rũ của rasgulla, qua các bác
thợ cạo lấy mười paisa một lần cạo mặt, qua bước chân tha thẩn vật vờ của những
bà cụ và tiếng léo nhéo giọng Mỹ của lũ nhóc đánh giày đang bu lấy từng
đoàn xe du khách Nhật mặc đồng phục xanh giống hệt nhau và đội khăn xếp
màu nghệ nhìn chả ăn nhập gì do những gã hướng dẫn viên xun xoe một cách
tinh quái vấn cho, qua những dãy bậc thang cao ngất dẫn lên Thánh đường Thứ
Sáu, qua những lái buôn ý tưởng và tinh dầu và mô hình của Qutb Minar[5] bằng
thạch-cao-Ba-lê và ngựa đồ chơi phết sơn và gà chưa cắt tiết cánh vỗ phành
phạch, qua những lời mời chọi gà và chơi bài, gã bước ra
khỏi ghetto của giới ảo thuật và thấy mình đang đứng tại Faiz
Bazar, đối diện bức tường trải dài bất tận của Thành Đỏ, nơi từ trên thành
lũy của nó một Thủ tướng đã từng tuyên bố độc lập, và dưới bóng của nó một
người đàn bà đã gặp một người chủ hộp vạn hoa, một anh chàng Dilli-dekho người
dẫn bà đi vào những ngõ hẹp để nghe tiên đoán về tương lai của con trai
bà, giữa bầy chồn và kền kền và các bệnh nhân gãy xương tay bó lá; rằng, nói
ngắn gọn, gã rẽ phải và đi khỏi Thành Cổ hướng về những cung điện màu
hường do những kẻ chinh phục da hồng xây dựng đã lâu: từ bỏ những cứu tinh của
mình, tôi đi bộ đến New Delhi.

[5] Ngọn
tháp thánh đường (minaret) cao nhất Ấn Độ, được UNESCO trao danh
hiệu Di sản Thế giới.

Tại
sao? Tại sao, sau khi hắt hủi một cách vô ơn nỗi buồn nhớ quá khứ của
Parvati-phù-thủy, tôi ngoảnh mặt với cái cũ và lên đường đến với cái mới? Tại
sao, sau suốt nhiều năm tìm thấy nơi cô một đồng minh trung thành nhất ở các
hội nghị về đêm trong tâm trí tôi, tôi lại rời bỏ cô nhẹ tênh đến thế
vào buổi sáng? Đấu tranh với những khoảng trống rạn nứt về quá khứ, tôi
chỉ có thể nhớ nổi hai lý do; nhưng không dám chắc cái nào là chủ yếu, hay là
còn một cái thứ ba... trước hết, dù sao đi nữa, tôi đã đánh
giá toàn diện tình hình. Saleem sau khi phân tích cơ hội của mình,
không thể không tự thừa nhận rằng chẳng có gì tốt đẹp hết. Tôi không
có hộ chiếu; xét về pháp lý là dân nhập cư bất hợp pháp (đã từng
là người di cư hợp pháp); trại P.O.W. đang chờ tôi ở khắp nơi.
Và cho dù có gác tình trạng bại-binh-chạy-trốn của tôi sang một bên,
thì danh sách những bất lợi của tôi vẫn rất ghê gớm: tôi không
có tiền hay quần áo; không bằng cấp - chưa hoàn tất
bậc học và cũng chẳng nổi trội gì trong những học phần tôi đã trải
qua; tôi làm sao để theo đuổi kế hoạch tham vọng là cứu quốc khi không có
lấy một mái nhà trên đầu hay một gia đình để bảo vệ ủng hộ hỗ trợ...
tôi bỗng nhận ra, như sét đánh bên tai, rằng mình đã nhầm;
rằng ở đây, chính tại thành phố này, tôi có họ hàng - và
không chỉ họ hàng bình thường, mà họ hàng có thế lực! Cậu tôi
Mustapha Aziz, một Công Chức cấp cao, người lần cuối tôi
nghe nhắc đến đã là nhân vật số hai ở Sở của cậu; còn có người
bảo hộ nào phù hợp hơn cho tham vọng Cứu thế của tôi? Dưới mái nhà cậu,
tôi có thế tạo dựng quan hệ và có quần áo mới; có sự bảo trợ
của cậu, tôi sẽ được bổ dụng vào Chính quyền, và, trong
quá trình tìm hiểu nội tình chính phủ, chắc chắn tôi sẽ tìm thấy
chìa khóa cho sự nghiệp cứu quốc; và tôi sẽ được các Bộ trưởng lắng nghe,
có thể tôi còn xưng hô bằng tên[6] với con người vĩ
đại...! Chính vào lúc bị viễn cảnh huy hoàng ấy chế ngự tôi đã bảo
Parvati-phù-thủy, “Tớ phải đi; nhiều đại sự đang diễn ra!” Và, nhìn thấy
sự tổn thương trên hai gò má đột nhiên bừng đỏ, bèn an ủi cô: “Tớ sẽ đến thăm
cậu thường xuyên. Thường xuyên thường xuyên.” Nhưng cô không thấy được an ủi...
lý tưởng cao đẹp, như vậy, là một động cơ khiến tôi ruồng bỏ những người
đã giúp đỡ tôi; nhưng chẳng phải còn một động cơ khác nhỏ mọn hơn, thấp
kèm hơn, riêng tư hơn sao? Có đấy. Parvati đã bí mật dắt tôi ra một
góc sau một căn lán dựng bằng tôn-và-gỗ-phế-thải; nơi gián đẻ
trứng, nợi chuột làm tình, nơi ruồi ngốn ngấu phân chó, cô siết chặt cổ
tay tôi và trở nên bừng sáng ở mắt và xuýt xoa ở lưỡi; nấp trong đoạn ruột già
thối rữa của ghetto, cô thú nhận rằng tôi không phải đứa trẻ nửa đêm
đầu tiên tao ngộ với cô! Và giờ là câu chuyện về đoàn diễu
hành ở Dacca, khi các ảo thuật gia sánh bước bên các
anh hùng; kia là Parvati nhìn lên một chiếc xe tăng, kia là mắt-Parvati
bắt gặp một cặp đầu gối khủng bố, linh hoạt như tay... cặp đầu gối
kiêu hãnh gồ lên dưới bộ quân phục hồ cứng; kia là Parvati kêu lên,
“Ơ này! Ơ này...” và rồi cái tên không thế nói ra, cái tên của tội
lỗi của tôi, của kẻ đáng lẽ sẽ sống cuộc đời của tôi nếu không
có một tội ác trong nhà hộ sinh; Parvati và Shiva, Shiva và
Parvati, mà vận mệnh thần thánh của hai cái tên đã định cho họ gặp nhau, được hội
ngộ đúng vào thời khắc chiến thắng. “Anh hùng đấy!” cô xuýt xoa tự hào đằng sau
căn lán. “Họ sẽ cho cậu ấy làm quan to này kia!” Và bây giờ, thứ
gì được rút ra từ nếp y phục xác xơ của cô? Thứ gì từng kiêu
hãnh mọc trên đầu một anh hùng và nay nép vào bầu ngực nàng pháp sư?
“Tớ xin và cậu ấy cho,” Parvati-phù-thủy nói, đoạn chìa cho tôi lọn
tóc của hắn.

[6]
Trong tiếng Anh, khi giao
tiếp lịch sự, người ta
gọi nhau là ông/bà + họ. Còn nếu là chỗ bạn bè
thân mật thì gọi nhau bằng tên.

Tôi
có bỏ chạy khỏi lọn tóc định mệnh ấy? Saleem, sợ phải tái ngộ với bản
thể đối lập của mình, kẻ đã bị gã từ-rất-lâu cấm cửa ở những cuộc họp
nửa đêm, có đào tẩu vào vòng tay của cái gia đình mà cuộc sống tiện nghi
đã bị tước mất khỏi tay người hùng thời chiến? Vậy là vì lý tưởng hay tội lỗi?
Tôi không chắc chắn nữa; tôi chỉ ghi lại những gì nhớ được, ấy là việc
Parvati-phù-thủy thì thầm, “Biết đâu cậu ấy sẽ trở lại khi rảnh rỗi; lúc ấy ta
sẽ có ba người!” Và cả một câu nữa, lặp đi lặp lại: “Những đứa trẻ của nửa đêm,
yaar... oách đấy chứ, hả?” Parvati-phù-thủy khiến tôi nhớ lại những điều tôi đã
cố gạt bỏ khỏi tâm trí; và tôi rời bỏ cô, đến nhà Mustapha Aziz.

Lần
tiếp xúc cuối cùng thê thảm của tôi với sự thân mật tàn nhẫn của cuộc sống gia
đình chỉ để lại những mảnh vụn; tuy nhiên, do tất cả phải được ghi chép để
rồi ngâm ủ, tôi sẽ cố gắng chắp nối thành một câu chuyện... vậy thì,
để bắt đầu, tôi xin báo cáo rằng, cậu Mustapha tôi sống tại
một bungalow kiểu Công chức tiện nghi một cách nhạt nhẽo trên một
mảnh vườn chỉn chu kiểu Công chức ở ngay trên đường Rajpath giữa
trung tâm thành phố của Lutyens[7]; tôi đi dọc
con-đường-từng-là-Đại-lộ-Hoàng-đế, hít thở vôvàn mùi vị của phố phường, phả ra
từ Khu Bách hóa Thủ công và ống xả xe tuktuk; hương bồ đề và
tuyết tùng trộn với mùi ma quái của mồ ma các toàn quyền và memsahib[8] đi
găng tay, với cả mùi hơi người khen khét của các begum giàu xổi và dân vô gia
cư. Đây là tấm bảng tỉ số bầu cử, nơi (trong trận-chiến-quyền-lực đầu tiên
giữa Indira và Morarji Desai) người dân đã bu quanh, chờ
đợi kết quả, háo hức hỏi nhau: “Con trai hay con gái?”... giữa cổ và kim, giữa
Cổng Ấn Độ và Văn phòng Chính phủ, tâm trí tôi chen chúc suy nghĩ về hai
đế chế (Mughal và Anh) đã tiêu vong và về lịch sử của
chính tôi - bởi vì đây là thành phố của lời tuyên bố công khai, của quái
vật nhiều đầu, và của một bàn tay trên trời rơi xuống - tôi quyết tâm dấn bước,
người bốc mùi, như mọi thứ xung quanh, lên tận trời xanh. Và cuối cùng,
sau khi rẽ trái về phía đường Dupleix, tôi dừng lại trước một khu
vườn vô danh có tường thấp và hàng rào ô rô bao quanh; ở góc vưòn tôi
thấy một tấm biển đu đưa trong gió, như đã một lần những tấm biến từng nở hoa
trong các khu vườn ở Điền trang Methwold; nhưng tiếng vọng này của quá khứ
lại kể một câu chuyện khác. Không phải BÁN NHÀ, với hai nguyên âm bất tường
cùng bốn phụ âm định mệnh; bông hoa gỗ trong vườn của cậu tôi nở ra
một thông báo kỳ quái: Ngài Mustapha Aziz và Ruồi.

[7] Edwin
Lutyens, kiến trúc sư người Anh, người thiết kế hầu hết các kiến trúc
quan trọng của New Delhitrong thời kỳ thuộc Anh vào những năm 1920-1930.
Nhà của Mustapha có lẽ nằm ở Khu Bungalow Lutyens, một
quần thể rộng gồm những dãy nhà xây kiểu bungalow dành cho viên chức
của chính quyền. Rajpath là Đại lộ Hoàng gia ở Delhi, nơi
tổ chức các cuộc diễu hành quan trọng của thành phố.

[8] Cách
xưng hô kính trọng của thời kỳ thuộc Anh, dành cho những phụ
nữ da trắng đã lập gia đình.

Không
hề biết chữ cuối cùng là lối viết tắt khô khan, quen thuộc của
cậu tôi đối với danh từ gây xúc động rộn ràng “gia đình”[9], tôi
rơi vào tình trạng hoang mang vì tấm biển gật gù; tuy nhiên, sau khi
đã ở nhà cậu một thời gian rất ngắn, tôi bắt đầu thấy nó hoàn
hoàn hợp lý, vì gia đình của Mustapha Aziz, quả thật, cũng
bị đập bẹp, tầm thường, giống-côn-trùng như con Ruồi bị rút gọn một cách
bí hiếm nọ.

[9] Gia đình
trong tiếng Anh là Family, nếu cắt bỏ ba chữ ami thì còn Fly nghĩa
là con ruồi.

Những lời lẽ
nào đã chào đón tôi khi, có chúthồi hộp, tối ấn chuông,
lòng tràn trề hy vọng bắtđầu một sự nghiệp mới? Bộ mặt nào đã xuất
hiện sau cánh cổng bịt lưới thép và cau lại trongmột cơn
ngạc nhiên giận dữ? Padma: tôi nhận được sự
chào đón của vợ cậu Mustapha, từ bà mợ điên Sonia, với câu cảm
thán: “Ptui! Allah! Thằng này hôi khiếp!”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3