12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 14

QUY LUẬT 12

YÊU QUÝ MỌI NGƯỜI BẤT CHẤP NHỮNG KHIẾM KHUYẾT Ở HỌ, VÀ YÊU CẢ MỘT CHÚ MÈO NỮA

… HOẶC CHÓ CŨNG ĐƯỢC

TÔI SẼ BẮT ĐẦU CHƯƠNG NÀY bằng cách nói thẳng rằng tôi có một chú chó, thuộc giống Eskimo Mỹ, một trong nhiều biến thể của giống chó spitz. Chúng từng được biết đến là giống chó spitz của Đức, cho đến khi Thế chiến I cấm thừa nhận bất kỳ thứ gì tốt có nguồn gốc từ Đức. Giống chó Eskimo Mỹ là một trong những giống đẹp nhất, với khuôn mặt nhọn kiểu chó sói cổ điển, đôi tai dựng thẳng, bộ lông dày và dài, cùng một chiếc đuôi xoăn tít. Chúng còn rất thông minh nữa. Chú chó của chúng tôi tên là Sikko (theo con gái tôi, người đã đặt cái tên này, thì Sikko nghĩa là “băng” trong tiếng Eskimo), học làm trò rất nhanh và vẫn có thể làm trò ngay cả khi đã già. Gần đây, tôi đã dạy nó một trò mới khi nó bước sang tuổi 13. Chàng ta đã biết cách bắt tay bằng một chân và giữ thăng bằng một món đồ ăn trên mũi của mình. Tôi đã dạy cách làm cả hai trò cùng lúc, nhưng dường như chàng ta không thích thú lắm.

Chúng tôi mua Sikko cho cô con gái bé bỏng Mikhaila khi con bé lên mười. Nó từng là một chú cún đáng yêu với chiếc mũi bé tí hon, đôi tai nhỏ nhắn, khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt to tròn cùng những cử động vụng về - những nét đáng yêu này đã tự động khơi dậy hành động quan tâm từ con người, cả nam lẫn nữ. Mikhaila chính là trường hợp điển hình, vốn cũng bận rộn với việc chăm sóc những con thằn lằn Úc (thằn lằn cổ diềm), tắc kè, trăn hoàng gia, tắc kè hoa, kỳ đà và chú thỏ giống Flanders khổng lồ tên là George, dài đến hơn 80cm và nặng hơn 9 cân. George gặm nhấm tất cả mọi thứ trong nhà và thường xuyên bỏ trốn (trong nỗi kinh hoàng của những ai chợt trông thấy hình dáng to lớn không tưởng của chú, giữa những khu vườn bé xíu của họ ở trung tâm thành phố). Con bé đã nuôi tất cả các loài động vật này vì con bé bị dị ứng với nhiều loại vật nuôi điển hình hơn - ngoại trừ Sikko, con chó có một lợi thế cộng thêm là khả năng gây dị ứng thấp.

Sikko gom góp được 50 biệt danh (chúng tôi đếm thật đấy) khác nhau dựa trên những sắc thái biểu cảm phong phú của nó; phản ánh tình cảm yêu thương mà nó nhận được và đôi khi là cả sự thất vọng của chúng tôi đối với những thói quen xấu của nó. “Scumdog” có lẽ là cái tên tôi yêu thích nhất, nhưng tôi cũng dành sự tôn trọng lớn cho những cái tên như Rathound, Furball và Suck-dog. Bọn trẻ lại thường sử dụng cái tên “Sneak và Squeak” (tức “Lén lút và Ỏm tỏi”), nhưng kèm theo còn có Snooky, Ugdog và Snorfalopogus (phải thừa nhận là chúng thật kinh khủng). Snorbs là biệt danh mà Mikhaila đang chọn. Con bé dùng cái tên đó để chào nó sau thời gian dài không gặp nhau. Để đạt hiệu ứng trọn vẹn, bạn phải thốt ra cái tên ấy ở quãng cao với giọng điệu ngạc nhiên.

Hóa ra Sikko còn có cả một hashtag[66] riêng trên Instagram: #JudgementalSikko - #KẻphánxétSikko.

Tôi đang mô tả chú chó của mình thay vì viết trực tiếp về lũ mèo, vì tôi không muốn sa vào một hiện tượng gọi là “nhận diện nhóm thiểu số”, do nhà tâm lý học xã hội Henri Tajfel đề xướng. Tajfel đã mời các đối tượng nghiên cứu vào phòng thí nghiệm của ông và để họ ngồi trước một màn hình, rồi chiếu vài dấu chấm trên đó. Các đối tượng được ông yêu cầu ước lượng tổng số người. Sau đó, ông phân loại các đối tượng thành nhiều nhóm - ước tính cao với ước tính thấp, chính xác với không chính xác - rồi ông xếp họ vào các nhóm tương ứng với kết quả của từng người. Sau đó, ông yêu cầu thành viên của mọi nhóm chia tiền cho nhau.

Tajfel phát hiện ra rằng, các đối tượng nghiên cứu của ông thể hiện sự ưu ái đặc biệt dành cho những thành viên trong nhóm của chính họ, chứ không chấp nhận chiến lược phân phối quân bình và trao thưởng cao vượt trội cho những người mà họ vừa mới nhận diện được. Các nhà nghiên cứu khác cũng cử người đến các nhóm khác, sử dụng những chiến lược còn tùy tiện hơn như trò tung đồng xu. Điều đó cũng chẳng ích gì, ngay cả khi các đối tượng được thông tin về cách thành lập nhóm. Mọi người vẫn thiên vị những người ở cùng nhóm với họ hơn.

Các nghiên cứu của Tajfel đã chứng minh được hai điều: Thứ nhất, con người có tính xã hội; thứ hai, con người cũng có tính phản xã hội. Con người có tính xã hội vì họ thích các thành viên trong nhóm của mình. Con người có tính phản xã hội vì họ không thích các thành viên của nhóm khác. Nguyên nhân chính xác của điều này đã trở thành một chủ đề tranh luận dai dẳng. Tôi nghĩ rằng nó có thể là một giải pháp cho một vấn đề tối ưu hóa phức tạp. Ví dụ, những vấn đề như thế phát sinh khi có đến hai hoặc nhiều yếu tố quan trọng, nhưng không thể tối ưu hóa cái nào mà không loại trừ những cái kia. Chẳng hạn, một vấn đề thuộc loại này phát sinh là vì sự ác cảm giữa hợp tác với cạnh tranh, bởi cả hai đều là điều đáng mong đợi về mặt xã hội lẫn tâm lý. Hợp tác là vì sự an toàn, an ninh và tình hữu nghị. Cạnh tranh là vì sự phát triển cá nhân và vị thế. Nhưng nếu một nhóm cho trước quá nhỏ, thì nó sẽ chẳng có quyền lực hay thanh thế nào để chống đỡ từ các nhóm khác. Do vậy, trở thành thành viên của nhóm nhỏ cũng chẳng ích lợi gì. Ngược lại, nếu nhóm quá lớn thì xác suất bạn leo đến vị trí thứ nhì hoặc thứ nhất sẽ bị giảm đi. Thế nên, bạn sẽ rất khó dẫn đầu. Có lẽ con người xác định mình thuộc về nhóm nào bằng cách tung đồng xu là vì họ thực sự muốn tổ chức và bảo vệ bản thân, nhưng vẫn có một xác suất hợp lý để leo lên thang phân cấp thống trị. Sau đó, họ sẽ ủng hộ nhóm của mình để giúp nó phát triển mạnh mẽ hơn - và leo lên thứ gì đó đang đổ xuống không phải là chiến lược hữu ích.

Dù sao đi nữa, chính nhờ khám phá về các điều kiện tối thiểu của Tajfel mà tôi đã bắt đầu một chương liên quan đến mèo, với phần mô tả về chú chó của mình. Nếu không, việc tôi chỉ đề cập đến mèo trong tiêu đề cũng đủ khiến những người yêu chó chống lại tôi, chỉ vì tôi không bao gồm loài vật có nanh này vào trong nhóm các loài cần được âu yếm cưng nựng. Và vì tôi cũng thích chó nên không có lý do gì tôi phải chịu đựng cái nghiệp ấy. Thế nên, nếu bạn muốn âu yếm một chú chó khi bắt gặp chú trên đường, thì bạn không cần phải cảm thấy ghét tôi. Thay vì thế, bạn hãy yên tâm vì đó cũng là một hành động mà tôi rất ủng hộ. Tôi cũng muốn xin lỗi tất cả những người yêu mèo hiện đang cảm thấy bị xem nhẹ, vì họ đang hy vọng được đọc một câu chuyện về mèo, nhưng rốt cuộc chỉ toàn chuyện liên quan đến chó. Nhưng có lẽ họ sẽ hài lòng vì tôi dám đảm bảo rằng mèo sẽ minh họa tốt hơn cho luận điểm mà tôi muốn nói và tôi nhất định sẽ bàn về chúng. Tuy nhiên, trước tiên chúng ta hãy nói về những chuyện khác đã.

NỖI ĐAU VÀ NHỮNG HẠN CHẾ CỦA HỮU THẾ

Như chúng ta đã bàn, quan điểm cho rằng “đời là bể khổ” là một nguyên lý trong mọi giáo lý tôn giáo lớn. Các Phật tử đã trực tiếp khẳng định điều này. Tín đồ Ki-tô giáo minh họa nó bằng cây thánh giá. Người Do Thái tưởng nhớ bao nỗi đau mà họ phải gánh chịu suốt hàng thế kỷ. Những cách lý luận chung này đều là đặc trưng của các tôn giáo lớn, vì con người vốn dĩ mong manh. Chúng ta đều có thể bị tổn thương, thậm chí bị hủy hoại cả về thể xác lẫn tinh thần; và chúng ta đều phải chịu sự tàn phá của tuổi tác và mất mát. Đây là một tập hợp những thực tế ảm đạm và âu cũng hợp lý khi chúng ta tự hỏi làm thế nào mình có thể mơ đến sự thịnh vượng và hạnh phúc (hoặc đôi khi chỉ là mong muốn được tồn tại) trong những hoàn cảnh như thế.

Gần đây, tôi có trò chuyện với một khách hàng nữ. Chồng cô ấy đã chiến đấu trước căn bệnh ung thư quái ác trong suốt năm năm trời. Cả hai người đều đã rất xuất sắc và dũng cảm trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, anh ấy vẫn phải chịu sự giày vò của khả năng di căn đáng sợ từ căn bệnh này và còn rất ít thời gian sống. Có lẽ điều khó khăn nhất với chúng ta là phải nghe tin khủng khiếp này giữa lúc ta còn đang trong trạng thái sau hồi phục yếu ớt, diễn ra khi ta đã đối diện thành công với nhiều tin xấu trước đó. Thật chẳng công bằng chút nào khi bi kịch lại rơi xuống đúng lúc này. Đó là thứ sẽ khiến bạn mất đi niềm tin với hy vọng của chính mình. Thông thường, thế là đủ để gây nên một nỗi tổn thương đúng nghĩa. Tôi và vị khách hàng nữ này đã thảo luận về một số vấn đề mang tính triết học và trừu tượng và một số thì cụ thể hơn. Tôi đã chia sẻ với cô những suy nghĩ mà tôi hình thành về nguyên nhân gây nên tính dễ tổn thương ở con người.

Khi con trai của tôi, Julian, lên ba tuổi, nó cực kỳ đáng yêu. Giờ nó đã hơn khi ấy 20 tuổi rồi, nhưng vẫn đáng yêu như thế (một lời khen mà tôi chắc chắn nó sẽ rất thích thú khi đọc được). Nhờ thằng bé mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều về sự mong manh của trẻ con. Một đứa trẻ ba tuổi rất dễ bị làm hại. Những con chó có thể cắn nó. Xe hơi có thể đâm vào nó. Những đứa trẻ xấu tính có thể xô ngã nó. Và nó cũng có thể bị ốm (và thỉnh thoảng cũng bị ốm thật). Julian dễ bị sốt cao và đôi khi còn mê sảng. Lắm lúc, tôi đã phải tắm cùng và trấn an nó khi thằng bé đang bắt đầu sinh ra ảo giác, hay thậm chí đánh tôi trong cơn mê sảng. Hiếm có điều gì khiến ta khó chấp nhận những hạn chế cơ bản trong sự tồn tại của con người hơn là một đứa trẻ bị ốm.

Mikhaila lớn hơn Julian một năm và vài tháng tuổi; con bé cũng có những vấn đề riêng. Khi con bé lên hai, tôi từng nhấc bổng nó lên vai và kiệu đi lòng vòng. Bọn trẻ thích trò này lắm. Tuy nhiên, sau khi tôi đặt con bé xuống đất và không vác đi nữa, thì y như rằng nó sẽ ngồi bệt xuống và khóc. Thế nên tôi không còn chơi trò này nữa. Vấn đề tưởng chừng như đã xong, nhưng dường như vẫn có một ngoại lệ rất nhỏ. Vợ tôi, Tammy bảo rằng có điều gì đó không ổn với tướng đi của Mikhaila. Mặc dù tôi chẳng thấy gì, nhưng cô ấy vẫn cho rằng việc này có thể liên quan đến phản ứng của con bé khi thường xuyên ngồi trên vai tôi.

Mikhaila là một đứa trẻ hoạt bát và rất dễ gần. Một ngày nọ, khi con bé được 14 tháng tuổi, tôi đã đưa hai mẹ con và ông bà đến Cape Cod, nơi chúng tôi đang sống tại Boston. Khi đến nơi, Tammy và bố mẹ vợ đi trước và để tôi cùng Mikhaila lại trong xe. Chúng tôi ngồi ở băng trước. Con bé nằm dưới ánh mặt trời và cứ bi bô nói. Tôi bèn cúi người đến gần để nghe thử xem con nói gì. Tôi đã học để nghe xem con bé nói gì.

“Vui quá, vui quá đi, vui quá đi.”

Con gái tôi đáng yêu thế đấy.

Nhưng khi lên sáu, con bé bắt đầu ủ rũ. Phải chật vật lắm chúng tôi mới đưa được con ra khỏi giường vào mỗi sáng. Con bé mặc quần áo rất chậm. Mỗi khi đi đâu đó, nó luôn tụt lại phía sau. Con bé than thở rằng chân nó bị đau và giày không vừa nữa. Chúng tôi đã mua cho Mikhaila mười đôi giày khác nhau, nhưng cũng chẳng ích gì. Khi ở trường, con bé luôn tươi tỉnh và cư xử đúng mực. Nhưng khi về nhà và thấy mẹ, nó lại òa lên khóc.

Khi ấy, chúng tôi vừa chuyển từ Boston đến Toronto và cho rằng những thay đổi trên là do áp lực từ việc chuyển nhà. Nhưng mọi chuyện chẳng tốt hơn tí nào. Mikhaila bắt đầu bước từng bước một mỗi khi lên xuống cầu thang. Con bé bắt đầu di chuyển như một người lớn tuổi hơn. Con bé phàn nàn khi tôi nắm tay nó. (Một lần nọ sau đó rất lâu, nó hỏi tôi: “Bố ơi, khi bố chơi trò “công kênh” với con khi con còn bé ấy, có phải nó đã khiến chân con đau không?” Nhưng khi bạn biết thì đã quá muộn…)

Một bác sĩ tại phòng khám đa khoa địa phương bảo chúng tôi rằng: “Thỉnh thoảng, trẻ bị đau khi đang phát triển. Đó là điều bình thường. Nhưng anh chị có thể cân nhắc đưa cháu đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu.” Thế là chúng tôi đưa con bé đi khám. Nhà vật lý trị liệu cố gắng xoay gót chân của Mikhaila. Nhưng nó không nhúc nhích. Chuyện này thật không ổn. Bác sĩ nói với chúng tôi: “Rất tiếc, con gái anh chị đã mắc bệnh viêm thấp khớp vị thành niên rồi.” Đây không phải điều chúng tôi muốn nghe. Tôi và vợ đâm ra không thích vị bác sĩ ấy. Chúng tôi đành quay lại phòng khám đa khoa. Tại đây, một bác sĩ khác bảo chúng tôi đưa Mikhaila đến Bệnh viện Nhi. Bác sĩ này bảo rằng: “Hãy đưa con bé đến phòng cấp cứu. Bằng cách đó, anh có thể nhanh chóng gặp được một bác sĩ chuyên khoa thấp khớp.” Vậy là Mikhaila bị viêm khớp thật. Vị bác sĩ mang tin không vui này đến cho chúng tôi đã đúng. Những 37 khớp xương bị ảnh hưởng. Con bé mắc chứng viêm đa khớp tự phát nghiêm trọng ở trẻ vị thành niên (JIA). Nguyên nhân là gì? Không rõ. Tiên lượng ra sao? Nhiều khớp phải được thay thế sớm.

Rốt cuộc, làm thế nào Thượng Đế có thể tạo nên một thế giới tồn tại một chuyện như thế này? - nhất là lại xảy đến với một cô bé vô tội và vui tươi? Đó là một câu hỏi tuyệt đối căn bản, từ những người tin lẫn không tin ở Ngài. Đó là vấn đề đã được nêu (cũng như bao vấn đề nan giải khác) trong cuốn Anh em nhà Karamazov, cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Dostoevsky mà chúng ta đã bàn đến trong Quy luật 7. Dostoevsky biểu lộ sự hoài nghi của ông đối với tính đúng đắn của Hữu thể thông qua nhân vật Ivan, người anh trai - nếu bạn còn nhớ - có tài ăn nói, điển trai, tinh tế (và cũng là đối thủ đáng gờm nhất) của thầy tu tập sự Alyosha. “Không phải anh chối bỏ Thượng Đế. Cậu hãy hiểu lấy điều này”, Ivan nói. “Anh chỉ không chấp nhận thế giới mà Ngài đã tạo nên, một thế giới của riêng Ngài. Anh không thể đồng tình với nó.”

Ivan kể cho Alyosha câu chuyện về một cô bé nọ, bị cha mẹ trừng phạt bằng cách khóa cửa nhà nhốt cô trong cảnh lạnh giá bên ngoài (một câu chuyện mà Dostoevsky đã chọn lọc từ một tờ báo thời bấy giờ). “Cậu có thể chỉ nhìn thấy hai kẻ khốn nạn ấy đang ngủ chập chờn, trong khi đứa con gái kêu khóc cả đêm?”, Ivan nói. “Và hãy hình dung đứa trẻ bé nhỏ kia: Ta không thể biết được điều gì đang xảy ra với cô bé, trái tim đập liên hồi trong lồng ngực nhỏ lạnh giá, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, cầu xin ‘Đức Chúa Giê-su nhân từ’ hãy giải thoát cô bé khỏi nơi khủng khiếp ấy!… Alyosha này: Nếu bằng cách nào đó cậu sẽ thề nguyện rằng thế giới cuối cùng rồi cũng sẽ có được sự bình yên hoàn toàn và tuyệt đối - nhưng với chỉ một điều kiện là cậu sẽ hành hạ một đứa bé con cho đến chết - giống như cô bé đang đóng băng ngoài kia… cậu sẽ làm thế chứ?” Alyosha ngần ngại: “Không, em sẽ không làm thế.” Cậu ấy sẽ không làm những điều mà Thượng Đế dường như cho phép cậu được tự do làm.

Tôi chợt nhận ra đôi điều liên quan đến chuyện này từ nhiều năm trước, về bé Julian lúc ba tuổi (mọi người còn nhớ cậu bé chứ? :)). Tôi nghĩ: “Mình yêu con trai mình. Thằng bé mới ba tuổi đầu, đáng yêu, nhỏ nhắn và luôn vui vẻ. Nhưng mình cũng sợ cho nó lắm, vì nó có thể bị thương. Nếu có quyền năng thay đổi điều ấy, mình có thể làm gì đây?” Tôi từng nghĩ: “Nó có thể cao đến 6 mét thay vì chỉ 1 mét. Không ai có thể đẩy ngã nó. Cơ thể nó có thể làm bằng titan thay vì bằng xương thịt. Rồi nếu có vài đứa nhóc xấc láo hất tung chiếc xe tải đồ chơi của nó lên, nó sẽ không thèm bận tâm. Thằng bé sẽ có một bộ não được nâng cấp như máy tính. Và ngay cả khi nó chẳng may bị thương, các bộ phận trên cơ thể nó cũng có thể được thay thế ngay lập tức. Thế là xong!” Nhưng không - xong thế nào được - và không chỉ vì đây là những chuyện bất khả thi. Vũ trang cho Julian bằng cách nhân tạo cũng chẳng khác nào hủy hoại thằng bé. Thay vì là một đứa bé ba tuổi, thằng bé sẽ là một con robot lạnh lùng, sắt đá. Đó không phải là Julian. Đó là một con quái vật. Qua những suy nghĩ như thế, tôi đã dần nhận ra rằng tình yêu thương thực sự đối với một người không thể tách rời khỏi những mặt hạn chế của chính người ấy. Julian sẽ không còn nhỏ bé, đáng yêu và dễ mến nếu nó không chịu đau ốm, mất mát, đau khổ và lo lắng. Chính vì yêu thằng bé rất nhiều, mà tôi đã quyết định rằng nó hãy cứ như thế, bất chấp sự mong manh của nó.

Nhưng đối với con gái tôi thì khó khăn hơn. Khi căn bệnh của con bé cứ tiếp diễn, tôi bắt đầu cõng con bé trên lưng (không phải trên vai tôi nữa) mỗi khi đi ra ngoài. Con bé bắt đầu uống thuốc naproxen và methotrexate - một tác nhân hóa trị liệu cực mạnh. Con bé được tiêm vài liều cortisol (ở cổ tay, vai, mắt cá, khuỷu tay, đầu gối, hông, ngón tay, ngón chân và dây chằng), tất cả đều được gây tê. Cách này chỉ giúp ích tạm thời và con bé vẫn yếu dần đi. Một hôm, Tammy đưa Mikhaila đến vườn thú. Cô ấy đẩy con bé đi dạo quanh trên chiếc xe lăn.

Đó là một ngày chẳng vui vẻ gì.

Bác sỹ chuyên khoa thấp khớp đề nghị cho con bé dùng prednisone, một loại thuốc corticosteroid từ lâu đã được dùng để chống viêm. Nhưng prednisone có rất nhiều tác dụng phụ, mà nhẹ nhất là khiến khuôn mặt bị sưng phù. Không rõ điều này có tốt hơn bị viêm khớp không, nhất là với một bé gái. Thật may (nếu đây là từ chính xác), bác sĩ đã kể với chúng tôi một loại thuốc mới. Nó đã từng được sử dụng nhưng chỉ ở người lớn. Vì thế mà Mikhaila trở thành đứa trẻ Canada đầu tiên được dùng etanercept, một loại “chế phẩm sinh học” đặc biệt dành riêng cho các bệnh tự miễn. Trong vài lần tiêm đầu tiên, Tammy vô tình cho lượng thuốc cao gấp mười lần lượng được khuyến cáo. Và “bùm!”, Mikhaila đã được chữa khỏi. Vài tuần sau chuyến đi thăm vườn thú, con bé đã chạy nhảy tung tăng và chơi cho một giải bóng đá thiếu nhi. Tammy vui mừng đến nỗi đã dành cả mùa hè chỉ để nhìn con chạy nhảy vui đùa.

Hai vợ chồng tôi muốn Mikhaila tự kiểm soát cuộc sống của mình nhiều nhất có thể. Con bé luôn có động lực mạnh mẽ với tiền bạc. Một hôm, chúng tôi thấy con bé ngồi ngoài phố, xung quanh là những cuốn sách thời thơ ấu. Con bé đang bán chúng cho người qua đường. Buổi tối hôm ấy, tôi đặt con bé ngồi xuống cạnh mình và nói rằng tôi sẽ cho nó 50 đô-la nếu nó có thể tự tiêm thuốc cho mình. Khi ấy, Mikhaila mới tám tuổi. Con bé đã vật lộn trong suốt 35 phút để giữ mũi kim sát đùi. Và nó đã làm được. Lần tiếp theo, tôi trả 20 đô-la, nhưng chỉ cho con bé mười phút. Sau đó là mười đô-la và năm phút. Chúng tôi đã giữ mức 10 đô-la khá lâu. Đó quả là một “món hời”.

Sau vài năm, Mikhaila hoàn toàn không còn triệu chứng nào nữa. Bác sĩ chuyên khoa khớp đề nghị chúng tôi bắt đầu tập cho con bé ngưng dùng thuốc. Một số đứa trẻ khỏi hẳn chứng JIA khi đến tuổi dậy thì. Không ai biết tại sao. Con bé bắt đầu uống methotrexate dưới dạng viên thay vì tiêm như trước. Mọi thứ êm đẹp khoảng bốn năm. Rồi một ngày nọ, khuỷu tay của con bé bắt đầu đau. Chúng tôi đưa con trở lại bệnh viện. Trợ lý của bác sĩ cho biết: “Cháu chỉ còn một khớp xương bị viêm.” Nhưng “chỉ còn” là không đúng. “Hai” không nhiều hơn “một” bao nhiêu, nhưng “một” lại lớn hơn “không có gì” gấp bội. “Một” đồng nghĩa con bé đã không thoát khỏi chứng viêm khớp của mình, dù đã từng có lúc khỏi. Tin ấy đã khiến con bé suy sụp trong cả tháng trời, nhưng nó vẫn đến lớp khiêu vũ và chơi bóng với bạn bè trên con đường trước nhà.

Đến tháng Chín tiếp theo, khi Mikhaila bắt đầu vào lớp 11, vị bác sĩ chuyên khoa ấy lại có thêm vài tin không vui. Ảnh chụp MRI cho thấy khớp háng ở phần hông đã bị hủy hoại. Cô ấy bảo Mikhaila rằng: “Hông của cháu phải được thay trước năm 30 tuổi.” Phải chăng tổn thương đã xảy ra trước cả lúc etanercept phát huy được phép màu của nó? Chúng tôi không biết nữa. Đó là một tin cực xấu. Vài tuần sau, khi Mikhaila đang chơi khúc côn cầu trong phòng thể dục ở trường trung học, hông con bé bỗng dưng cứng đờ. Con bé phải tập tễnh lê ra khỏi sân. Cơn đau càng lúc càng dữ dội. Bác sĩ cho biết: “Một số xương đùi của cháu dường như không còn hoạt dộng. Cháu không cần thay hông khi 30 tuổi nữa, mà là ngay bây giờ.”

Khi tôi ngồi nói chuyện vời khách hàng - người đã trao đổi với tôi về căn bệnh đang trầm kha hơn của chồng cô - chúng tôi đã bàn về sự mong manh của cuộc sống, thảm họa của sự tồn tại và nhận thức về thuyết hư vô sinh ra bởi bóng ma chết chóc. Tôi bắt đầu với những suy nghĩ về con trai của mình. Rồi cô ấy hỏi, như bất kỳ ai ở vào hoàn cảnh của cô: “Vì sao lại là chồng tôi? Vì sao lại là tôi? Vì sao lại thế này?” Nhận thức của tôi về mối liên kết chặt chẽ giữa tính dễ bị tổn thương và Hữu thể là câu trả lời tốt nhất của tôi dành cho cô ấy. Tôi kể cho cô nghe một câu chuyện Do Thái cổ, mà tôi tin là một phần của lời bình giải trong kinh Torah[67]. Nó bắt đầu với một câu hỏi, tựa như một công án của Thiền tông. Hãy tưởng tượng Hữu thể là một đấng toàn trí, toàn tại và toàn năng. Vậy Hữu thể đó thiếu điếu gì? Câu trả lời ư? Chính là giới hạn.

Nếu bạn luôn có trong tay tất cả mọi thứ và ở mọi nơi, thì bạn sẽ không có nơi nào để đi và cũng chẳng còn gì để trở thành. Mọi thứ đang có vốn dĩ đang có; và mọi thứ đã có thì cũng đã diễn ra rồi. Và chính vì lý do này mà câu chuyện cứ tiếp tục, rồi Thượng Đế tạo ra loài người. Không có giới hạn, sẽ không có câu chuyện. Không câu chuyện, sẽ không có Hữu thể. Ý tưởng đó đã giúp tôi đối mặt với bản chất mong manh tồi tệ của Hữu thể. Nó cũng giúp ích cho khách hàng của tôi. Tôi không muốn phóng đại tầm quan trọng của điều này. Tôi cũng không muốn tuyên bố rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Cô ấy vẫn phải đối diện với căn bệnh ung thư của chồng mình, cũng như tôi phải đối mặt với căn bệnh khủng khiếp của con gái. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự tồn tại và những giới hạn có mối liên hệ không thể tách rời.

Bánh xe ba mươi tai họa,

cái bầu giữa trống, nó nhờ nó quay.

Bát kia lấy đất dựng gầy,

nhờ lòng bát rỗng, mới hay đựng đồ.

Làm nhà trổ cửa nhỏ, to,

nhờ cửa mở trống,

cái nhà mới quang.

Hữu hình để chở, để mang,

vô hình mới thực chính tang “cái dùng”.

Nhận thức về điều này đã xuất hiện trong khoảng thời gian gần đây, trong thế giới văn hóa đương đại, trong suốt quá trình phát triển của một biểu tượng văn hóa thuộc hãng DC Comics: Superman (Siêu Nhân). Siêu Nhân được Jerry Siegel và Joe Shuster sáng tạo vào năm 1938. Ban đầu, anh có thể dịch chuyển xe hơi, tàu hỏa và thậm chí cả những con tàu lớn. Anh ta có thể chạy nhanh hơn cả đầu máy xe lửa. Siêu Nhân có thể “nhảy vọt qua các tòa nhà cao tầng chỉ với một cú nhảy”. Tuy nhiên, trong suốt bốn thập kỷ phát triển tiếp theo, sức mạnh của Siêu Nhân bắt đầu được mở rộng. Vào cuối thập niên 1960, anh có thể bay nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Anh có siêu thính giác và tầm nhìn X-quang. Đôi mắt của Siêu Nhân có thể phóng ra tia nhiệt. Anh có thể đóng băng đồ vật và tạo ra các cơn bão bằng hơi thở của mình. Anh ta có thể dịch chuyển cả hành tinh. Các vụ nổ hạt nhân không làm anh hề hấn gì. Hay nếu bằng cách nào đó mà anh bị thương, anh có thể chữa lành vết thương ấy ngay lập tức. Siêu Nhân dần trở nên bất khả xâm phạm.

Rồi một điều lạ lùng xảy ra. Anh trở nên nhàm chán. Càng có nhiều năng lực siêu nhiên, người ta lại càng khó nghĩ ra những chuyện thú vị để anh làm. DC đã vượt qua vấn đề này lần đầu tiên vào thập niên 1940. Siêu Nhân trở nên suy yếu bởi bức xạ do đá kryptonite tạo ra, một tàn tích vật chất từ hành tinh bị tàn phá của anh. Sau cùng, có đến hơn 20 biến thể xuất hiện. Kryptonite Xanh lá làm suy yếu Siêu Nhân. Nó thậm chí có thể giết chết anh nếu đủ liều lượng. Kryptonit Đỏ khiến anh hành xử kỳ quặc. Kryptonite Xanh-Đỏ khiến anh bị đột biến (Siêu Nhân đã từng mọc thêm một con mắt thứ ba ở sau đầu).

Những thủ thuật khác là hết sức cần thiết để giúp câu chuyện về Siêu Nhân vẫn hấp dẫn. Vào năm 1976, anh được dự trù để chiến đấu chống lại spiderman (Người Nhện). Đó là màn siêu anh hùng kết hợp đầu tiên giữa Marvel Comics mới nổi của Stan Lee - với những nhân vật ít lý tưởng hơn - và DC - tác giả của Siêu Nhân và Batman (Người Dơi). Nhưng Marvel phải gia tăng sức mạnh của Người Nhện trong trận đấu để đảm bảo tính hợp lý. Điều đó đã phá vỡ các luật chơi. Người Nhện là Người Nhện vì anh ta có sức mạnh của một con nhện. Nếu bất ngờ được ban cho quyền năng khác, anh ta sẽ không còn là Người Nhện nữa. Và cốt truyện sụp đổ.

Đến thập niên 1980, Siêu Nhân đã gặp khó từ thiết bị đầu cuối deus ex machina - tiếng Latin nghĩa là “vị thần từ cỗ máy”. Thuật ngữ này mô tả việc giải cứu anh hùng đang bị gặp nguy, xuất phát từ những vở kịch Hy Lạp và La Mã cổ đại, với sự xuất hiện bất ngờ và kỳ diệu của một vị thần toàn năng. Cho đến tận ngày nay, trong những câu chuyện dở tệ, nhân vật gặp rắc rối có thể được cứu thoát; hoặc một âm mưu thất bại được bù lại bằng bởi chút ma thuật vô lý; hoặc những chiêu trò khác không khớp với kỳ vọng của người đọc. Ví dụ, đôi khi Marvel Comics cũng cứu vãn một câu chuyện đang đi xuống theo cách này. Chẳng hạn như Lifeguard, một nhân vật X-Man (Dị Nhân), là người có thể phát triển bất kỳ năng lực nào cần thiết để cứu mạng người. Rất tiện khi có anh ta ở bên. Các ví dụ tương tự cũng đầy rẫy trong văn hóa đại chúng. Điển hình, ở cuối tác phẩm The Stand (tạm dịch: Đối đầu) của tác giả Stephen King, chính Thượng Đế đã tiêu diệt tất cả nhân vật tà ác trong cuốn tiểu thuyết. Toàn bộ mùa thứ chín (1985-1986) của bộ phim truyền hình “giờ vàng” Dallas sau này được lật mở như một giấc mơ. Người hâm mộ phản đối những điều này và họ làm thế là chính đáng. Họ đã bị lường gạt. Những người đang theo dõi một câu chuyện sẵn sàng tạm gác lại sự hoài nghi, miễn là những hạn chế ấy giúp câu chuyện có thể mạch lạc và nhất quán hơn. Về phần các tác giả, họ đồng ý tiếp tục đi theo những quyết định ban đầu của mình. Khi các tác giả gian lận, người hâm mộ sẽ khó chịu. Họ muốn ném thẳng cuốn sách vào lò sưởi hay vớ lấy một viên gạch mà ném thẳng vào ti-vi.

Và điều đó đã trở thành vấn đề của Siêu Nhân: Anh phát triển năng lực cực hạn đến mức có thể “thần thánh hóa” trong bất cứ chuyện gì, bất cứ lúc nào. Kết quả là vào thập niên 1980, thương hiệu nhượng quyền này đã hấp hối. Họa sĩ kiêm tác giả John Byrne đã thành công trong việc làm mới lại Siêu Nhân, bằng cách giữ nguyên tiểu sử nhưng lại tước đi rất nhiều quyền năng mới của anh. Anh không còn có thể nâng cả một hành tinh hay coi khinh một quả bom nhiệt hạch nữa. Anh cũng bị phụ thuộc sức mạnh vào ánh sáng mặt trời, như một phiên bản trái ngược của ma cà rồng. Anh cũng có thêm một số hạn chế hợp lý. Một siêu anh hùng có thể làm bất cứ điều gì sẽ không còn là anh hùng nữa. Anh ta chẳng có gì đặc biệt, nên cũng chẳng là gì cả. Anh ta không có gì để nỗ lực chống lại, nên cũng không còn đáng ngưỡng mộ. Bất kỳ điều hợp lý nào cũng dường như cần giới hạn. Có lẽ vì Hữu thể cũng cần được Trở thành, cũng như một sự tồn tại tĩnh đơn thuần - và trở thành nghĩa là trở thành thứ gì đó tốt hơn, hoặc chí ít cũng khác đi. Và đó là điều khả thi duy nhất của một thứ bị giới hạn.

Công bằng thôi!

Còn những đau khổ do các giới hạn ấy mang lại thì sao? Có lẽ những giới hạn cần có của Hữu thể là quá cực đoan, đến mức toàn bộ công trình nên bị loại bỏ. Dostoevsky thể hiện quan điểm này rất rõ bằng tiếng nói của nhân vật chính trong tập Bút ký dưới hầm: “Thế đấy, ta có thể nói bất cứ điều gì về lịch sử thế giới - nghĩa là bất cứ điều gì cũng như mọi thứ mà một kẻ có trí tưởng tượng bệnh hoạn nhất có thể nghĩ đến. Điều duy nhất mà ta không thể nói được là nó hợp lẽ. Vừa cất tiếng là từ đó tắc ngay trong cổ họng.” Quỷ Mephistopheles (ác quỷ trong tác phẩm Faust) của Goethe là kẻ thù của Hữu thể, đã thay Goethe dứt khoát tuyên bố chống lại tạo vật của Thượng Đế trong Faust, như ta đã thấy. Nhiều năm sau, Goethe viết tiếp Faust - Phần II. Ông đã cho Ác quỷ nhắc lại tôn chỉ của nó theo hình thức khác với phần I đôi chút, chỉ để củng cố quan điểm ấy:

Mọi thứ qua đi như Rỗng tuếch, quá khứ với hư vô hợp làm một!

Điều gì quan trọng với nỗi khổ công sáng tạo vô tận của ta

Khi, bất chợt, sự lãng quên chấm dứt mọi khúc mắc?

“Nó là chuyện cũ” - Câu đố nên được hiểu thế nào đây?

Thật tốt nếu mọi thứ chưa từng bắt đầu,

Song, cốt lõi mọi sự, là tồn tại để sở hữu:

Ta thà có sự Trống rỗng Vĩnh cửu còn hơn.

Bất kỳ ai cũng hiểu được những lời này khi một giấc mơ sụp đổ, hôn nhân tan vỡ hoặc một thành viên trong gia đình bị quật ngã vì một căn bệnh nghiêm trọng. Sao thực tại lại được kiến tạo đến mức không chịu đựng nổi như thế? Sao có thể như thế cơ chứ?

Có lẽ, như các thanh niên trong vụ việc Columbine đã nói (xem lại Quy luật 6), mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn nếu chẳng có gì. Thậm chí, có lẽ sẽ tốt hơn nếu Hữu thể không hề tồn tại. Nhưng những ai đồng tình với kết luận đầu tiên đều đang đùa giỡn với ham muốn tự sát. Còn những người đồng tình với kết luận sau thì cũng đồng tình với điều gì đó khủng khiếp hơn, một thứ gì đó thực sự tàn ác. Họ luôn nung nấu ý nghĩ hủy diệt tất cả mọi thứ. Họ đang đùa giỡn với tội diệt chủng - và còn tệ hơn thế. Ngay cả những vùng tối nhất vẫn có các ngõ ngách tối tăm hơn. Và điều thực sự kinh khiếp là những kết luận ấy đều dễ hiểu được, thậm chí là không thể tránh khỏi - tuy hành động thì vẫn có thể tránh. Ví dụ, một người biết suy nghĩ sẽ nghĩ gì khi đối diện với một đứa trẻ đang đau khổ? Phải chăng chính những người biết suy nghĩ, giàu lòng trắc ẩn mới để những suy nghĩ ấy xâm chiếm tâm trí mình? Làm thế nào một Thượng Đế tốt lành lại cho phép một thế giới như thế tồn tại?

Chúng có thể logic. Chúng có thể dễ hiểu. Nhưng người ta lại nắm bắt những kết luận như thế một cách tệ hại. Hành động được thực hiện nhằm ăn khớp với chúng (nếu không phải là chính suy nghĩ) chắc chắn sẽ khiến cho tình huống đã xấu càng thêm tồi tệ. Chán ghét cuộc sống, xem thường cuộc sống - ngay cả với nỗi đau có thực mà cuộc sống gây ra - chỉ khiến cuộc sống thêm tồi tệ, tồi tệ đến mức không chịu nổi. Không có sự phản đối đúng nghĩa nào ở đó. Không có điều gì tốt lành ở đó, mà chỉ có khao khát sinh ra đau khổ, vì chính nỗi đau ấy mà thôi. Đó là bản chất của cái ác. Những người có lối suy nghĩ này là người vừa bước một chân ra khỏi sự hỗn loạn toàn diện. Đôi khi họ chỉ thiếu công cụ mà thôi.

Nhưng liệu có phương án thay thế chặt chẽ nào cho những nỗi kinh hoàng hiển nhiên của sự tồn tại? Liệu Hữu thể - với những con muỗi gây bệnh sốt rét, trẻ con phải đi lính và những căn bệnh thoái hóa thần kinh - có thực sự đáng để ta bênh vực? Tôi không chắc mình có thể đưa ra một câu trả lời phù hợp cho câu hỏi như thế vào thế kỷ XIX, trước khi những nỗi kinh hoàng của chế độ chuyên chế ở thế kỷ XX đày đọa khổ sở hàng triệu người. Tôi không chắc liệu ta có thể hiểu được vì sao những nỗi hoài nghi như thế là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, nếu không có sự thật về nạn Diệt chủng Do Thái, những cuộc thanh lọc của chủ nghĩa Stalin và bước Đại Nhảy vọt của Mao Trạch Đông. Và tôi cũng không nghĩ ta có thể trả lời câu hỏi này bằng cách suy nghĩ. Suy nghĩ chắc chắn sẽ kéo ta xuống vực thẳm. Nó đã không hiệu nghiệm với Tolstoy. Nó thậm chí cũng không hiệu nghiệm với Nietzsche, người được cho là đã suy nghĩ rõ ràng về điều đó hơn bất cứ ai trong lịch sử. Nhưng nếu ta không thể trông cậy vào suy nghĩ ở tình huống khó khăn nhất, thì ta còn lại gì đây? Xét cho cùng, suy nghĩ là thành tựu cao nhất của con người, phải thế không?

Có lẽ là không.

Có điều gì đó thay thế được cho suy nghĩ, bất chấp sức mạnh tuyệt vời đích thực của nó. Khi sự tồn tại tự hiển lộ như một điều gì đó không thể tha thứ được, thì suy nghĩ sẽ tự sụp đổ. Trong những tình huống như thế - từ thẳm sâu bên trong - chính sự nhận biết, chứ không phải suy nghĩ, mới mang lại kết quả. Có lẽ bạn nên bắt đầu bằng lưu ý đến điều này: Khi đem lòng yêu một ai đó, bạn sẽ bất chấp những hạn chế của họ. Bạn yêu họ chính vì những hạn chế của họ. Tất nhiên, điều này khá phức tạp. Bạn không cần yêu lấy mọi thiếu sót ở đối phương, mà chỉ đơn thuần chấp nhận mà thôi. Bạn không nên ngừng cố gắng khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn, hoặc cứ mặc kệ mọi đau khổ. Nhưng dường như có những giới hạn trên con đường phát triển phía trước mà chúng ta có thể không muốn đi, vì sợ phải hy sinh nhân tính của mình. Tất nhiên, ta có thể buông một câu: “Hữu thể cũng cần có mặt hạn chế”, rồi sống một cuộc đời vui vẻ, khi mặt trời vẫn tỏa nắng, khi cha ta khỏi hẳn bệnh Alzheimer, khi con cái ta luôn khỏe mạnh và cuộc hôn nhân của ta ngập tràn hạnh phúc. Nhưng nếu mọi chuyện không như ý muốn thì sao?

SỰ RẠN NỨT VÀ NỖI ĐAU

Mikhaila đã thức trắng nhiều đêm liền mỗi khi cơn đau kéo đến. Khi ông của con bé đến thăm, ông đã cho nó vài viên Tylenol 3 có chứa chất giảm đau codeine. Sau đó con bé mới ngủ được. Nhưng chẳng được bao lâu. Bác sĩ chuyên khoa thấp khớp của chúng tôi, người có công làm thuyên giảm bệnh tình của Mikhaila, đã chạm đến giới hạn của lòng can đảm nơi cô khi đối mặt với cơn đau của con bé. Cô ấy đã từng kê thuốc giảm đau có cho một cô gái trẻ, rồi khiến cô này đâm nghiện. Vị bác sĩ ấy đã thề sẽ không bao giờ lặp lại việc đó. Cô ấy hỏi: “Cháu đã dùng thử thuốc giảm đau ibuprofen chưa?” Mikhaila nhận ra rằng bác sĩ không phải là người biết hết mọi thứ. Ibuprofen đối với con bé chỉ như một mẩu bánh mì bé tí dành cho một kẻ sắp chết đói.

Chúng tôi trò chuyện với một vị bác sĩ mới. Ông ấy chăm chú lắng nghe. Rồi ông bắt đầu giúp Mikhaila. Đầu tiên, ông kê cho con bé thuốc T3, cùng loại thuốc mà ông con bé đã chia sẻ chút ít. Thật dũng cảm. Các bác sĩ phải đối mặt với rất nhiều áp lực để không phải kê những loại thuốc giảm đau gây nghiện - chí ít là cho trẻ em. Nhưng chúng đã hiệu quả. Nhưng chẳng bao lâu, chỉ Tylenol thôi thì không đủ. Con bé bắt đầu dùng Oxycontin, một loại thuốc giảm đau mang tiếng xấu là heroin dạng nhẹ. Nó kiểm soát được cơn đau của con bé, nhưng lại gây ra những vấn đề khác. Tammy dẫn Mikhaila ra ngoài dùng bữa trưa, sau một tuần dùng thuốc. Có lẽ con bé đã bị say. Con bé bắt đầu nói lắp. Đầu con bé gà gật. Không ổn chút nào.

Chị dâu của tôi là một y tá chuyên chăm sóc giảm đau. Chị ấy nghĩ rằng chúng tôi có thể dùng thêm Ritalin, một loại thuốc kích thích thường được dùng cho trẻ em hiếu động, cùng với Oxycontin. Thuốc Ritalin đã giúp Mikhaila lấy lại sự tỉnh táo và còn có một số tác dụng kiềm chế cơn đau (rất tốt nếu bạn từng đối mặt với cơn đau khó chữa của ai đó). Nhưng cơn đau của con bé ngày càng trầm trọng hơn. Nó bắt đầu suy sụp. Khi hông của con bé một lần nữa cứng lại, lần này là trong tàu điện ngầm vào một ngày mà chiếc thang cuốn không hoạt động. Bạn trai của con bé phải bế nó lên cầu thang. Con bé bắt taxi về nhà. Tàu điện ngầm đã không còn là phương tiện giao thông đáng tin cậy với con bé nữa. Đến tháng Ba, chúng tôi mua cho Mikhaila một chiếc xe máy 50 phân khối. Thật nguy hiểm nếu để con bé lái nó. Nhưng để nó mất đi tất cả tự do cũng nguy hiểm không kém. Chúng tôi đã chọn mối nguy hiểm thứ nhất. Con bé đã đỗ bài kiểm tra dành cho người học lái xe, thế là nó được lái thử xe cả ngày. Sau đó, con bé được cho thêm vài tháng để tiến bộ hơn, cho đến khi nhận bằng lái vĩnh viễn.

Vào tháng Năm, hông của con bé đã được thay. Bác sĩ phẫu thuật thậm chí có thể điều chỉnh lại độ chênh chừng nửa phân bẩm sinh giữa hai chân của con bé. Và xương cũng đã không bị “chết”. Nó chỉ là một cái bóng nhỏ trên ảnh chụp X-quang. Dì và bà đến thăm con bé. Chúng tôi đã có vài ngày dễ chịu hơn. Nhưng ngay sau phẫu thuật, Mikhaila liền được đưa vào trung tâm phục hồi chức năng dành cho người lớn. Con bé là bệnh nhân trẻ nhất ở đó trong khoảng 60 năm trở lại đây. Người bạn cùng phòng lớn tuổi của con bé rất dễ bị kích động và không chịu tắt đèn ngay cả vào ban đêm. Bà lão ấy không thể tự đi đến nhà vệ sinh, mà phải sử dụng một cái bô. Bà ấy không thể chịu được việc cửa phòng bị đóng. Nhưng phòng này lại nằm ngay cạnh phòng y tá, nơi luôn có tiếng chuông báo động réo liên tục và tiếng người nói chuyện ồn ào. Con bé chẳng thể ngủ ở đó, trong khi nó rất cần ngủ. Không ai được phép đến thăm sau 7 giờ tối. Vị bác sĩ trị liệu - lý do khiến con bé được xếp ở phòng ấy - lại đang nghỉ phép. Người duy nhất giúp con bé là bác lao công, đã tình nguyện đưa con bé đến khu nhiều giường khi con bé báo với y tá trực rằng nó không thể ngủ ở đó được. Chính cô y tá này đã bật cười khi biết căn phòng mà Mikhaila được chỉ định lưu lại.

Lẽ ra con bé phải ở đó trong vòng sáu tuần, nhưng rồi chỉ mất ba ngày. Khi bác sĩ trị liệu trở về sau kỳ nghỉ, Mikhaila đã leo được lên cầu thang của trung tâm phục hồi và lập tức thực hiện thành thạo các bài tập tăng cường. Trong khi con bé đang tập luyện, chúng tôi đã trang bị các tay vịn cần thiết trong nhà. Sau đó, chúng tôi đưa con bé về nhà. Con bé đã chịu đựng tốt mọi cơn đau và phẫu thuật. Còn cái trung tâm phục hồi chức năng kinh hoàng ấy ư? Nó chỉ tạo ra thêm các triệu chứng căng thẳng hậu chấn thương mà thôi.

Mikhaila đã đăng ký khóa học lái xe mô-tô chính thức vào tháng Sáu, để có thể tiếp tục lái chiếc xe máy của mình một cách hợp pháp. Tất cả chúng tôi đều lo sợ trước sự tất yếu này. Nếu nó chẳng may bị ngã thì sao? Nếu nó gặp tai nạn thì sao? Ngày đầu tiên, Mikhaila đã luyện tập trên một chiếc mô-tô thật sự. Chiếc xe khá nặng. Con bé đã làm ngã nó vài lần. Con bé trông thấy một người mới tập lái khác ngã nhào và lăn tròn ngang bãi đỗ xe nơi khóa học diễn ra. Vào buổi sáng ngày thứ hai của khóa học, con bé sợ phải quay lại. Nó không muốn rời khỏi giường. Chúng tôi trò chuyện một lúc lâu và cùng quyết định rằng chí ít con bé nên cùng Tammy lái xe quay lại địa điểm huấn luyện. Nếu con bé không xoay xở được, nó có thể ngồi trong xe đến khi buổi học kết thúc. Trên đường đi, sự can đảm của con bé đã quay lại. Khi con bé cầm trên tay tấm bằng lái, mọi người có mặt đã đứng cả dậy và vỗ tay chúc mừng.

Sau đó, mắt cá chân phải của con bé bị phân hủy. Các bác sĩ muốn nối những chiếc xương lớn bị ảnh hưởng làm một. Nhưng cách này sẽ gây ảnh hưởng đến những xương khác nhỏ hơn trên chân con bé - giờ chúng phải chịu thêm áp lực - khiến nó cũng hỏng theo. Có lẽ đó không phải là điều không thể chịu nổi khi ta 80 tuổi (tuy rằng lúc ấy ta chẳng thể đi dã ngoại nữa). Nhưng đó không phải giải pháp khi bạn còn đang tuổi thiếu niên. Chúng tôi cương quyết đòi thay chân nhân tạo, mặc dù kỹ thuật này vẫn còn mới mẻ. Có cả một danh sách kéo dài tận ba năm của những người đang chờ đợi. Đơn giản là chúng tôi không làm chủ được chuyện ấy. Mắt cá chân bị hủy hoại khiến con bé còn đau hơn cái hông yếu ớt trước đây. Một đêm nọ, con bé tỏ vẻ không bình thường và hành xử vô lý. Tôi không thể trấn an nó. Tôi biết con bé đã chạm đến ngưỡng chịu đựng của mình. Nếu chỉ gọi đó là căng thẳng thì thà đừng nói gì cả còn hơn.

Sau đó, chúng tôi đã bỏ ra hàng tuần, hàng tháng trời tuyệt vọng tìm kiếm mọi thiết bị thay thế khác, cố gắng đánh giá khả năng phù hợp của chúng. Chúng tôi tìm khắp nơi một cuộc phẫu thuật nhanh hơn: Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Costa Rica và Florida. Chúng tôi liên hệ với Sở Y tế Tỉnh Ontario. Họ rất nhiệt tình giúp đỡ. Họ sắp xếp một chuyên gia phụ trách cả nước tại Vancouver. Mắt cá chân của Mikhaila được thay thế vào tháng Mười một. Sau phẫu thuật, con bé đã phải chịu đau đớn tột cùng. Bàn chân con bé bị đặt sai vị trí. Cái khuôn đã ép da lại với xương. Phòng khám không chịu cung cấp đủ Oxycontin để giúp nó kiểm soát cơn đau. Con bé đã tạo dựng cho mình khả năng chịu đựng cao nhờ những lần sử dụng trước đó.

Khi con bé trở về nhà nhờ đã ít đau đớn hơn, Mikhaila bắt đầu giảm lượng thuốc giảm đau. Con bé ghét Oxycontin, bất chấp công dụng hiển nhiên của nó. Con bé bảo nó khiến cuộc sống con bé trở nên u ám. Có lẽ đây là điều tốt trong nhiều hoàn cảnh. Con bé đã ngưng sử dụng nó sớm nhất có thể. Con bé đã phải trải qua hàng tháng trời cai thuốc, với mồ hôi ướt đẫm và cảm giác tê rần trên da mỗi đêm (như thể có một đàn kiến đang bò lên bò xuống da nó). Con bé chẳng thể cảm nhận niềm vui nữa. Đó là một tác dụng khác của quá trình cai thuốc giảm đau.

Trong suốt khoảng thời gian này, chúng tôi như bị đày đọa. Những đòi hỏi của cuộc sống thường ngày không ngưng lại chỉ vì bạn bị tai ương nhấn chìm. Bạn vẫn phải làm những việc mình luôn làm. Thế bạn phải xoay xở ra sao? Sau đây là vài điều mà chúng tôi đã học được:

Hãy dành ra chút thời gian để trò chuyện và suy nghĩ về bệnh tình hay những khủng hoảng khác, cũng như làm sao kiểm soát chúng mỗi ngày. Nếu không thì đừng nói hay nghĩ gì về nó cả. Nếu bạn không giới hạn tác động của nó, bạn sẽ kiệt sức và mọi thứ chẳng đi đến đâu cả. Làm thế chẳng ích lợi gì. Hãy bảo toàn sức mạnh. Bạn đang trong một cuộc chiến, chứ không phải một trận chiến, và cuộc chiến thì bao gồm nhiều trận chiến khác nhau. Bạn phải đảm bảo mình luôn mẫn tiệp để vượt qua tất cả. Khi những lo lắng liên quan đến cuộc khủng hoảng phát sinh tại những thời điểm khác, hãy tự nhủ rằng bạn sẽ suy nghĩ thấu đáo về chúng trong một khoảng thời gian đã dự trù. Điều này thường hiệu quả. Các phần não gây ra cảm giác lo lắng thường quan tâm hơn đến thực tế là phải có một kế hoạch, thay vì những chi tiết của kế hoạch ấy. Đừng sắp xếp thời gian suy nghĩ vào buổi chiều hoặc buổi đêm. Nếu thế, bạn sẽ không thể ngủ được. Và nếu bạn không ngủ được, tất cả mọi thứ sẽ nhanh chóng xuống dốc.

Thay đổi đơn vị thời gian mà bạn sử dụng để đóng khung cuộc sống. Khi mặt trời còn tỏa nắng và mọi thứ đều tốt đẹp, khi hoa lá đâm chồi nảy lộc, bạn có thể lập kế hoạch cho tháng tới, năm tới hay thậm chí năm năm tới. Thậm chí bạn có thể mơ về cả thập kỷ phía trước. Nhưng bạn không thể làm điều đó khi vẫn còn vướng bận ở hiện tại. “Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” - Ma-thi-ơ 6:34. Nó thường được diễn giải là “sống cho hiện tại, đừng bận tâm đến ngày mai”. Nhưng câu này không có nghĩa như thế. Lời huấn thị ấy phải được diễn giải trong bối cảnh “Bài giảng trên núi”, mà nó là một phần không thể thiếu. Bài giảng ấy đã đúc kết mười câu “Thou-shalt-not - Ngươi không được” trong Mười Điều răn Moses thành một chỉ thị “Thou-shalt - Ngươi phải” duy nhất. Chúa Giê-su ra lệnh cho những người theo Người phải đặt đức tin vào Vương quốc Thiên Đường của Thượng Đế, cũng như tin vào chân lý. Đó là một quyết định sáng suốt để tin vào bản chất tốt đẹp cốt yếu của Hữu thể. Đó là một hành động dũng cảm. Hãy đặt mục tiêu cao, giống như người cha Geppetto của Pinocchio. Hãy ngắm một vì sao và ước nguyện, rồi hành động thích đáng theo mục tiêu ấy. Một khi đã gắn kết với thiên đường, bạn có thể tập trung cả ngày. Hãy cẩn thận. Hãy sắp xếp những điều bạn có thể kiểm soát sao cho đúng trật tự. Hãy chỉnh đốn lại những gì còn hỗn loạn và khiến cho những điều vốn đã tốt càng tốt đẹp hơn. Bạn có thể xoay xở được nếu cẩn trọng. Ai cũng cừ khôi cả. Ai cũng có thể sống sót qua rất nhiều đau khổ và mất mát. Nhưng để kiên trì như thế, họ phải thấy được cái thiện trong Hữu thể. Nếu mất đi điều đó, họ sẽ hoàn toàn lạc lối.

LẠI LÀ CHÓ - NHƯNG SAU CÙNG SẼ ĐẾN MÈO

Chó cũng giống như người. Chúng là bạn tốt và đồng minh của con người. Chúng mang tính xã hội, có sự phân cấp và được thuần hóa. Chúng vẫn luôn vui vẻ dù ở vị trí thấp nhất trong gia đình. Chúng đáp lại sự quan tâm mà chúng nhận được bằng lòng trung thành, sự ngưỡng mộ và tình yêu thương của mình. Chó thật tuyệt vời.

Nhưng mèo cũng có những đặc điểm riêng ở giống loài của chúng. Chúng không mang tính xã hội hay phân chia cấp bậc (ngoại trừ được chuyển giao). Chúng chỉ được thuần hóa một nửa. Chúng không làm trò vui. Chúng thân thiện theo cách riêng của mình. Loài chó dễ bảo, nhưng loài mèo có thể tự ra quyết định. Mèo có vẻ chỉ sẵn lòng tiếp xúc với loài người vì những lý do khác thường của riêng chúng. Đối với tôi, mèo là hiện thân của tự nhiên, của Hữu thể trong hình hài thuần túy nhất. Hơn nữa, chúng là dạng Hữu thể biết quan sát và chấp nhận con người.

Khi bạn bắt gặp một chú mèo trên đường, nhiều tình huống có thể xảy ra. Chẳng hạn, nếu tôi nhìn thấy một chú mèo từ xa, phần nghịch ngợm trong tôi muốn làm nó giật mình bằng một tiếng khì thật lớn - âm thanh tạo ra bằng cách đưa hàm trên cắn lên môi dưới. Điều này sẽ khiến chú mèo hoảng sợ xù hết cả lông lên và nép sang một bên, thế nên trông nó to lớn hơn. Lẽ ra tôi không nên cười cợt những chú mèo như thế, nhưng không tài nào kìm được. Thực ra, hành động giật mình là một trong những điểm tốt nhất ở chúng (kèm theo đó là biểu hiện bất mãn và xấu hổ ngay lập tức về phản ứng thái quá của bản thân). Nhưng nếu kiểm soát hành vi của mình đúng đắn, tôi sẽ ngồi xổm xuống và gọi chú mèo lại gần để âu yếm nó. Đôi khi nó sẽ bỏ chạy. Đôi khi nó sẽ hoàn toàn phớt lờ tôi, bởi nó là một con mèo. Nhưng có lúc, chú mèo sẽ tiến về phía tôi, dụi cái đầu tròn xinh xắn lên bàn tay tôi đang chờ sẵn và tỏ vẻ thích thú. Đôi lúc, nó còn lăn mình qua lại và uốn cong lưng trên nền bê-tông bẩn (tuy những chú mèo tạo tư thế ấy thường sẽ ngoạm và cào ngay cả một bàn tay thân thiện chìa ra).

Đối diện con đường nơi tôi sống có cô mèo tên là Gừng. Gừng là một cô mèo Xiêm xinh xắn, điềm đạm và ung dung. Cô mèo có thứ hạng thấp trong thang chấm điểm tính cách về loạn thần kinh, tức chỉ số thể hiện nỗi lo lắng, sợ hãi và đau đớn cảm xúc. Gừng không bận tâm trước lũ chó. Chú chó Sikko nhà tôi là bạn của cô mèo này. Thỉnh thoảng, khi bạn gọi Gừng - hay có lúc cô mèo tự nguyện - Gừng sẽ lon ton băng qua đường, đuôi dựng cao và cong lại đôi chút ở cuối. Sau đó, cô mèo sẽ cuộn tròn lưng trước mặt Sikko và chú chó sẽ vẫy đuôi vui mừng. Sau đó, nếu cô mèo cảm thấy thích thú, nó sẽ ghé thăm nhà bạn trong chốc lát. Một sự bất chợt đáng mến. Hệt như thêm chút nắng nhẹ điểm tô vào một ngày đẹp trời, hay chút nghỉ ngơi cho một ngày âm u.

Nếu bạn chú ý kỹ, thì ngay cả trong một ngày không vui, bạn vẫn đủ may mắn để bắt gặp những cơ hội nhỏ như thế. Có thể bạn sẽ thấy một cô bé đang nhảy múa trên đường trong bộ trang phục ba-lê. Có thể bạn sẽ có một cốc cà phê ngon trong một quán cà phê phục vụ khách tận tình. Có thể bạn sẽ bỏ ra 10 hoặc 20 phút làm trò ngớ ngẩn nào đó khiến bạn thư giãn, hoặc nhắc bạn nhớ rằng mình vẫn có thể cười vào cảnh lố bịch của sự tồn tại. Riêng tôi, tôi thích xem phim Gia đình Simpson ở tốc độ nhanh hơn bình thường 1 lần rưỡi. Tôi sẽ cười ngặt nghẽo suốt 2/3 thời gian xem phim.

Và có thể khi bạn đang đi dạo và đầu óc đang quay cuồng, thì lại có một chú mèo xuất hiện; và nếu chú ý đến nó, bạn sẽ nhận được một lời nhắc nhở rằng chỉ cần 15 giây, sự kỳ diệu của Hữu thể cũng có thể bù đắp cho những đau khổ tất yếu gắn liền với nó.

Hãy yêu quý mọi người bất chấp những khiếm khuyết ở họ, và yêu cả một chú mèo nữa.

Tái bút: Ngay sau khi tôi viết chương này, bác sĩ phẫu thuật của Mikhaila đã bảo rằng sẽ phải bỏ mắt cá giả của con bé đi, vì mắt cá của con bé đã liền lại. Họ đã lên lịch phẫu thuật cắt bỏ. Con bé đã chịu đau đớn trong tám năm trời kể từ ca phẫu thuật thay thế và khả năng di chuyển vẫn bị suy giảm đáng kể, dù tình trạng đã tốt hơn nhiều so với lúc trước. Bốn ngày sau, con bé tình cờ gặp một nhà vật lý trị liệu mới. Ông ấy là một người cao lớn, mạnh mẽ và tận tâm. Ông chuyên điều trị mắt cá chân tại London thuộc Anh. Ông đặt hai tay quanh mắt cá chân của con bé và ấn vào trong 40 giây, trong khi Mikhaila di chuyển chân tới lui. Một chiếc xương nằm sai chỗ đã trượt về đúng vị trí. Và cơn đau biến mất. Con bé tuy chưa bao giờ khóc trước mặt một y bác sĩ nào, nhưng lần này nó đã òa lên nức nở. Đầu gối con bé đã duỗi thẳng ra. Giờ đây, con bé có thể đi bộ qua quãng đường dài và dạo chơi trên chính đôi chân mình. Phần cơ bắp chân bị tổn thương đang phát triển trở lại. Con bé đã mềm dẻo hơn nhiều so với khi còn dùng khớp giả. Năm nay, nó đã kết hôn và hạ sinh một bé gái tên là Elizabeth, đặt theo tên người mẹ vợ đã quá cố của tôi.

Mọi thứ đều tốt đẹp. Cho đến lúc này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3