12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 15

ĐOẠN KẾT

MÌNH SẼ LÀM GÌ VỚI CHIẾC BÚT ÁNH SÁNG MỚI TINH NÀY ĐÂY?

Cuối năm 2016, tôi đến miền Bắc California để gặp một người bạn kiêm cộng sự kinh doanh. Chúng tôi đã dành cả buổi tối để cùng nhau suy nghĩ và trò chuyện. Thế rồi, người bạn tôi lấy ra từ áo khoác ra một chiếc bút và ghi chú vài điều. Chiếc bút được trang bị đèn LED với chùm tia sáng phía trên đầu để việc viết lách trong bóng tối được dễ dàng hơn. “Chỉ là một món đồ tiện ích mà thôi”, tôi thầm nghĩ. Nhưng sau đó, một luồng suy nghĩ đầy ẩn ý nảy sinh, khiến tôi sững sờ khá lâu trước ý tưởng về một chiếc bút ánh sáng. Có điều gì đó biểu trưng và siêu hình ở nó. Xét cho cùng, đa phần chúng ta luôn ở trong bóng tối. Chúng ta có thể sử dụng thứ gì đó được viết với ánh sáng để dẫn lối cho mình trên suốt hành trình. Trong lúc ngồi và trò chuyện, tôi ngỏ ý muốn dành chút thời gian viết lách và hỏi liệu bạn tôi có thể tặng tôi chiếc bút ấy như một món quà không. Tôi đã vui mừng khôn xiết khi anh ấy trao nó cho tôi. Giờ tôi có thể viết những lời được soi tỏ trong bóng tối! Tất nhiên, quan trọng là tôi phải sử dụng nó đúng đắn. Thế nên, tôi đã dặn lòng với tất cả sự nghiêm túc: “Mình sẽ làm gì với chiếc bút ánh sáng mới tinh này đây?” Có hai câu trong Tân Ước liên quan đến việc này khiến tôi suy ngẫm rất nhiều:

Hãy xin rồi sẽ được; hãy tìm rồi sẽ gặp; hãy gõ rồi cửa sẽ mở. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở cho. (Ma-thi-ơ 7:7-7:8)

Thoạt trông, đây không là gì ngoài một câu thánh kinh về phép màu nhiệm của lời cầu nguyện, với ý cầu xin sự ban ơn từ Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế, dù là bất cứ điều gì hay bất cứ ai mà Ngài hóa thân chăng nữa, không chỉ đơn thuần là Đấng ban phát nguyện ước. Khi Chúa Giê-su bị Quỷ dữ cám dỗ trong sa mạc - như chúng ta đã biết trong Quy luật 7 (Theo đuổi những điều ý nghĩa [chứ không phải có lợi]) - ngay chính Chúa Giê-su cũng không muốn cầu xin ân huệ từ chính Cha Người; không những thế, khi từng ngày trôi qua, lời khẩn cầu của những con người tuyệt vọng vẫn không được hồi đáp. Nhưng có lẽ là vì những câu hỏi mà họ bao hàm không được diễn đạt đúng cách. Có lẽ việc yêu cầu Thượng Đế phá vỡ các định luật vật lý mỗi khi chúng ta ngã xuống vệ đường hoặc phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng là không thỏa đáng. Có lẽ trong những trường hợp ấy, bạn không thể cầm đèn chạy trước ô tô và đơn giản cầu cho vấn đề của mình được giải quyết một màu nhiệm. Thay vì thế, có lẽ bạn nên hỏi bản thân mình phải làm gì ngay lúc này để gia tăng quyết tâm, củng cố tinh thần và tìm kiếm sức mạnh để đi tiếp. Và có lẽ thay vì thế, bạn có thể xin Ngài cho mình nhìn ra chân lý.

Trong cuộc hôn nhân gần 30 năm của chúng tôi, đã nhiều lần tôi và vợ gặp bất đồng - đôi khi là bất đồng sâu sắc. Sự đồng lòng giữa chúng tôi dường như đổ vỡ ở mức độ nào đó ghê gớm không tưởng và chúng tôi không thể dễ dàng giải quyết sự đổ vỡ ấy chỉ bằng lời nói. Thay vì thế, chúng tôi bị mắc kẹt trong một cuộc cãi vã đầy kích động, giận dữ và lo lắng. Chúng tôi đã thỏa thuận rằng khi những trường hợp như thế phát sinh, chúng tôi nên tách nhau ra, đơn giản là cô ấy ở một phòng còn tôi ở phòng khác. Điều này thường khá khó khăn, vì thật khó để tách nhau ra giữa tranh cãi hăng máu, khi cơn giận làm nảy sinh ham muốn đánh bại và chiến thắng đối phương. Nhưng dù sao như thế vẫn có vẻ tốt hơn là mạo hiểm với những hậu quả của cuộc cãi vã đang có nguy cơ tuột khỏi tầm kiểm soát.

Lúc ở một mình và cố bình tâm lại, chúng tôi đều tự vấn mình cùng một câu hỏi: Mỗi người chúng ta đã làm gì để góp phần dẫn đến tình huống tranh cãi hôm nay? Dù việc ấy nhỏ hay xa xôi như thế nào… thì mỗi người cũng đều mắc lỗi. Sau đó, chúng tôi sẽ cùng họp lại và chia sẻ kết quả tự vấn: Này, anh/em biết mình đã sai ở chỗ này…

Vấn đề của việc tự vấn bản thân một câu hỏi như thế nghĩa là bạn phải thật sự muốn biết câu trả lời. Và vấn đề của việc này là bạn sẽ không thích câu trả lời ấy. Khi đang cãi nhau với ai đó, bạn sẽ muốn mình đúng và muốn đối phương phải sai. Thêm nữa, sẽ thỏa mãn hơn nhiều khi sau đó, đối phương phải hy sinh thứ gì đó và thay đổi chứ không phải bạn. Nếu bạn sai và phải thay đổi, thì bạn cần phải suy xét lại bản thân - những ký ức của bạn trong quá khứ, lối xử sự ở hiện tại và những dự định của bạn trong tương lai. Sau đó, bạn phải quyết tâm cải thiện, tìm ra cách thực hiện điều đó. Rồi bạn phải thực sự thực hiện nó. Thật mệt mỏi làm sao. Bạn sẽ phải thực hành nhiều lần để diễn giải được các nhận thức mới và biến hành động mới thành thói quen. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn không chịu nhận ra, thừa nhận và dốc sức. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn ngó lơ sự thật và vẫn cố tình mù quáng.

Nhưng điểm mấu chốt là bạn phải quyết định xem mình muốn là người đúng hay muốn được yên bình. Bạn phải quyết định xem liệu có nên khăng khăng bảo vệ sự đúng đắn tuyệt đối trong quan điểm của mình, hay sẽ lắng nghe và thương lượng. Bạn sẽ không giữ được hòa khí nếu là người đúng. Bạn chỉ cần được đúng, trong khi bạn đời của bạn phải sai - nghĩa là bị đánh bại và là người sai. Nếu bạn làm điều đó 10 nghìn lần, thì cuộc hôn nhân của bạn sẽ chấm dứt (hoặc bạn sẽ ước như thế). Để chọn phương án thay thế - tìm kiếm sự yên bình - bạn phải quyết định rằng mình muốn câu trả lời hơn là muốn mình đúng. Đó là cách giúp bạn thoát khỏi nhà tù của những định kiến ngoan cố. Đó là điều kiện tiên quyết để đàm phán. Điều này hoàn toàn tuân theo nguyên tắc của Quy luật 2 (Đối xử với bản thân như thể đó là người mà bạn có trách nhiệm giúp đỡ).

Hai vợ chồng tôi đã nhận ra rằng nếu bạn tự hỏi mình câu hỏi trên và thực tình mong muốn câu trả lời (bất kể nó đáng hổ thẹn, tệ hại và xấu hổ thế nào chăng nữa), thì ký ức về một điều gì đó ngu ngốc và sai trái mà bạn từng làm, trong một quá khứ không xa cho lắm sẽ trỗi dậy từ sâu thẳm tâm trí bạn. Sau đó, bạn có thể quay lại với người bạn đời của mình và thổ lộ vì sao sao mình lại ngốc đến vậy, rồi bạn xin lỗi (một cách chân thành); và đối phương cũng có thể làm điều tương tự với bạn, rồi xin lỗi bạn (một cách chân thành); và rồi hai kẻ ngốc các bạn sẽ có thể trò chuyện lại với nhau. Có lẽ đó mới là lời cầu nguyện đúng đắn: câu hỏi là: “Mình đã làm gì sai và giờ mình có thể làm gì để khiến mọi thứ ít nhất trở nên đúng đắn hơn đôi chút?” Nhưng bạn phải mở rộng con tim mình với sự thật tồi tệ. Bạn phải chấp nhận điều mình không muốn nghe. Khi bạn quyết định học hỏi từ sai lầm của bản thân để sửa chữa chúng, bạn sẽ mở ra một đường dây liên lạc với nguồn suy nghĩ thỏa đáng. Có lẽ đó cũng là sự tự vấn lương tâm. Có lẽ đó cũng là lời đối thoại với Thượng Đế theo cách nào đó.

Chính trong tâm thế ấy, với một vài tờ giấy trước mặt mình, tôi đã ghi ra câu hỏi cho bản thân: Mình sẽ làm gì với chiếc bút ánh sáng mới tinh này đây? Tôi đã hỏi như thể tôi thực sự muốn có được câu trả lời. Tôi đã chờ đợi một câu trả lời. Tôi đã dựng nên một cuộc đối thoại giữa hai yếu tố khác nhau trong tôi. Tôi đang thực tâm suy nghĩ - hoặc lắng nghe, theo ý niệm được mô tả ở Quy luật 9 (Tin rằng người mà bạn đang lắng nghe biết điều gì đó mà bạn không biết). Quy luật ấy có thể áp dụng rất tốt cho cả bạn lẫn người khác. Tất nhiên, tôi đã đặt câu hỏi này - và tất nhiên cũng chính tôi đã trả lời nó. Nhưng hai yếu tố “tôi” ấy không phải là một. Tôi không biết câu trả lời sẽ là gì. Tôi đang chờ đợi nó xuất hiện trong rạp phim tưởng tượng của mình. Tôi đang đợi những lời nói phát ra từ hư không. Làm thế nào một người có thể nghĩ ra điều gì đó khiến chính anh ta ngạc nhiên? Làm thế nào anh ta có thể không biết mình nghĩ gì? Những suy nghĩ mới mẻ đến từ đâu? Ai hoặc cái gì đã nghĩ ra chúng?

Trên tất thảy, kể từ khi tôi được tặng một chiếc Bút Ánh sáng - có thể giúp tôi viết ra Câu từ Sáng tỏ trong đêm tối - tôi đã muốn làm điều tốt nhất có thể với nó. Do vậy, tôi đã đặt một câu hỏi thích đáng - và hầu như ngay lập tức, một câu trả lời tự hiện ra: Viết ra những từ mà ngươi muốn khắc ghi vào tâm hồn. Tôi đã viết ra điều đó. Khá ổn đấy chứ - phải thừa nhận là có chút ủy mị - nhưng thế này đúng với trò chơi hơn. Rồi tôi đánh cược thêm. Tôi quyết định tự hỏi bản thân những câu khó nhất mà tôi có thể nghĩ ra và chờ đợi câu trả lời cho chúng. Xét cho cùng, nếu bạn có chiếc Bút Ánh sáng, bạn nên dùng nó để trả lời những Câu hỏi Khó. Sau đây là câu đầu tiên: Mình nên làm gì vào ngày mai? Câu trả lời xuất hiện: Làm điều tốt nhất có thể trong khoảng thời gian nhanh nhất. Điều đó cũng đáng hài lòng đấy chứ - kết hợp một mục tiêu đầy tham vọng với những đòi hỏi về hiệu quả tối đa. Một thử thách xứng đáng. Câu hỏi thứ hai cũng theo tinh thần ấy: Mình sẽ làm gì vào năm sau? Hãy cố bảo đảm rằng những điều tốt mình làm được sẽ chỉ có thể bị “qua mặt” bởi điều tốt mà mình sẽ làm vào năm kế tiếp. Câu này cũng có vẻ cứng rắn - phần mở rộng tốt đẹp của những tham vọng được nêu chi tiết trong câu trả lời trước. Tôi đã kể cho một người bạn rằng mình đang thử một thí nghiệm nghiêm túc trong viết lách với chiếc bút mà anh ta đã tặng tôi. Tôi đã hỏi anh ấy liệu mình có thể đọc lớn thành lời những gì mình đã sáng tác cho đến bây giờ không. Những câu hỏi - và câu trả lời - như đánh trúng vào tâm trí của anh ta. Thật tốt! Đó chính là lực đẩy để tôi tiếp tục.

Câu hỏi tiếp theo đã kết thúc phần đầu tiên: Mình sẽ làm gì với đời mình? Hãy hướng đến Thiên Đường và tập trung vào hôm nay. A ha! tôi hiểu ý nghĩa của câu này. Đó là điều mà Geppetto đã làm khi ông nguyện ước với những vì sao, trong bộ phim Pinocchio của Disney. Người thợ điêu khắc gỗ già nua đã nheo đôi mắt nhìn vì sao lấp lánh như kim cương ngự trên bầu trời cao tít, xa khỏi thế giới trần tục của con người với những nỗi băn khoăn ngày qua ngày và bày tỏ khao khát sâu kín nhất trong ông: Con rối gỗ mà ông tạo ra có thể cử động mà không cần được điều khiển bằng dây và biến thành một đứa bé trai thực sự. Đó cũng là thông điệp chính của “Bài giảng trên núi”, như chúng ta đã thấy ở Quy luật 4 (So sánh bản thân với chính bạn ngày hôm qua, chứ không phải người nào khác hôm nay) và xứng đáng được lặp lại ở đây:

Còn về quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy xem loài hoa huệ mọc lên thế nào; nó chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ. Song ta phán cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo như một hoa nào trong giống ấy. Hỡi kẻ ít đức tin, nếu loài cỏ ngoài đồng là loài nay còn sống mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho mặc thể ấy thay, huống chi là các ngươi! Vậy nên các ngươi đừng kiếm đồ ăn đồ uống đồ mặc, cũng đừng có lòng lo lắng. Vì mọi sự đó, các dân ngoại ở thế gian vẫn thường tìm và Cha các ngươi biết các ngươi cần dùng mọi sự đó rồi. Nhưng thà các ngươi hãy tìm kiếm vương quốc của Đức Chúa Trời và sự công tâm của Ngài, rồi mọi sự đó sẽ được cho thêm. (Ma-thi-ơ 6:28-6:33)

Toàn bộ điều đó có nghĩa là gì? Là hãy định hướng bản thân đi đúng hướng. Sau đó - và chỉ sau đó - hãy tập trung vào từng ngày. Hướng mắt đến những điều Chân-Thiện-Mỹ rồi tập trung tỉ mỉ, cẩn thận vào các mối quan tâm ở từng thời điểm. Hãy không ngừng nhắm đến Thiên đường trong khi ta đang làm việc cần mẫn trên Cõi trần. Trên tinh thần ấy, hãy tập trung hoàn toàn cho tương lai trong khi vẫn tập trung hoàn toàn cho hiện tại. Và rồi bạn sẽ có cơ hội tốt nhất để hoàn thiện cả hai.

Sau đó, tôi quay lại dành thời gian cho những mối quan hệ với mọi người, viết chúng ra và đọc cho bạn tôi nghe những câu hỏi cũng như câu trả lời: Mình sẽ làm gì với vợ mình? Đối xử với cô ấy như thể cô ấy là Đức Mẹ của Thiên Chúa, để cô ấy có thể sinh ra một anh hùng cứu thế. Mình sẽ làm gì với con gái mình? Đứng phía sau con bé, lắng nghe nó, bảo vệ nó, mài giũa tinh thần nó và để con bé biết rằng sẽ chẳng sao nếu nó muốn làm mẹ. Mình sẽ làm gì với cha mẹ mình? Thực hiện những hành động nhằm bù đắp cho những khổ đau mà họ đã phải chịu đựng. Mình sẽ làm gì với con trai mình? Cổ vũ thằng bé trở thành người Con trai chân chính của Thượng Đế.

Tôn vinh vợ mình như Đức Mẹ nghĩa là bạn đang lưu tâm và hỗ trợ vai trò làm mẹ thiêng liêng của cô ấy (không chỉ với con cái mình, nhưng tương tự như thế). Một xã hội quên đi điều này thì không thể tồn tại. Dường như tôi nên lấy một ví dụ quan trọng duy nhất, xét trên tầm quan trọng của vai trò người mẹ trong việc xây dựng lòng tin. Có lẽ tầm quan trọng của những bổn phận làm mẹ của họ, cũng như mối quan hệ giữa họ với con cái mình, không được nhấn mạnh đúng mức; có lẽ điều mà những phụ nữ ấy làm trên danh nghĩa người mẹ của họ đã không được người chồng, người cha và cả xã hội quan tâm đúng mức. Một phụ nữ sẽ sinh ra đứa con thế nào nếu họ được đối xử đúng mực, tôn trọng và tử tế? Xét cho cùng, định mệnh của thế giới nằm ở mỗi đứa trẻ sơ sinh - nhỏ bé, mong manh và dễ bị đe dọa - nhưng sẽ đến lúc, chúng có thể thốt ra những lời nói và làm những hành động duy trì thế cân bằng vĩnh cửu, tinh tế giữa hỗn loạn và trật tự.

Đứng đằng sau con gái mình nghĩa là động viên con bé trong mọi việc mà nó muốn được ta khích lệ, nhưng phải kèm theo đó là sự đề cao đúng nghĩa dành cho nét nữ tính của con bé: Thừa nhận tầm quan trọng của việc lập gia đình và sinh con, cũng như bỏ qua những cám dỗ làm tổn hại hoặc giảm giá trị của điều đó, khi so sánh nó với việc chinh phục tham vọng cá nhân hay sự nghiệp. Không phải vô cớ mà Đức Mẹ và Chúa Hài đồng là một hình ảnh thiêng liêng - như chúng ta đã bàn. Những xã hội thôi tôn vinh hình ảnh ấy - không còn xem mối quan hệ này có tầm quan trọng căn bản và siêu việt - cũng sẽ tàn lụi.

Hành động nhằm bù đắp cho nỗi đau của cha mẹ là ghi nhớ tất cả những hy sinh mà những thế hệ đi trước (không chỉ cha mẹ bạn) đã làm cho bạn trong suốt hành trình khủng khiếp của quá khứ. Việc làm này cũng là biết ơn tất cả những tiến bộ đã được tạo ra nhờ thế và sau cùng là hành động đúng theo sự ghi nhớ và lòng biết ơn ấy. Vô vàn con người đã hy sinh để chúng ta có được ngày hôm nay. Trong nhiều trường hợp, họ thực sự đã ngã xuống - nên chúng ta phải hành động với sự tôn trọng dành cho sự thật ấy.

Cổ vũ con trai mình trở thành người Con trai chân chính của Thượng Đế nghĩa là trên hết, tôi muốn thằng bé làm điều đúng đắn, còn tôi sẽ cố gắng hỗ trợ con khi thằng bé thực hiện điều này. Tôi nghĩ đó là một phần của thông điệp hy sinh: Xem trọng và ủng hộ lòng tận tâm của con trai bạn vào những điều tốt đẹp trên tất thảy (bao gồm cả quá trình phát triển, sự an toàn và cả cuộc đời thằng bé trên cõi đời này).

Tôi tiếp tục đặt các câu hỏi. Những câu trả lời đến trong tích tắc. Mình sẽ làm gì với một người dưng? Mời anh ta vào nhà và đối xử với anh ấy như huynh đệ, để anh ta có thể trở thành một vị huynh đệ thực sự. Đó là để mở rộng vòng tay tin tưởng đến với một ai đó, để phần tốt nhất của người ấy có thể bước đến và hồi đáp. Đó là bản tuyên ngôn về lòng hiếu khách thiêng liêng, khiến cho cuộc sống giữa những người chưa biết nhau trở nên khả dĩ. Mình sẽ làm gì với một linh hồn sa ngã? Chìa ra một bàn tay chân thành và thận trọng, nhưng không để lún chung vào bùn lầy. Đây là bản tóm lược đầy đủ về những gì chúng ta đã bàn đến trong Quy luật 3 (Kết bạn với những ai mong muốn điều tốt đẹp nhất cho bạn). Đó là một lời huấn thị nhằm tránh việc “đàn gẩy tai trâu”, cũng như ngụy trang cho thói xấu bằng đức hạnh. Mình nên làm gì với thế giới này? Hành xử như thể Hữu thể là điều đáng giá hơn Hư vô. Hãy hành động để bạn không trở nên cay độc và sa ngã bởi bi kịch của sự tồn tại. Đó là bản chất của Quy luật 1 (Đứng thẳng hiên ngang): Tự nguyện đối mặt với sự bất định của thế giới, bằng cả niềm tin lẫn lòng quả cảm.

Mình nên giáo dục môn đệ thế nào? Chia sẻ với họ những điều mình thực lòng xem là quan trọng. Đó chính là những gì được thể hiện trong Quy luật 8 (Hãy nói sự thật - hoặc chí ít cũng đừng nói dối). Thế nghĩa là nhắm đến sự khôn ngoan, đúc kết sự khôn ngoan ấy thành lời lẽ và cất lên những lời ấy lên như thể chúng rất quan trọng, với nỗi lòng trăn trở và lưu tâm đúng nghĩa. Tất cả điều đó đều liên quan tới câu hỏi (và câu trả lời) tiếp theo: Mình sẽ làm gì với một đất nước bị chia cắt? Cùng nhau hàn gắn nó lại bằng những chân ngôn cẩn trọng. Tầm quan trọng của điều này (nếu có) đã trở nên rõ ràng hơn trong vài năm qua: Chúng ta đang chia cắt, phân cực và trôi dạt về miền hỗn loạn. Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta lại cần nói lên sự thật như mình thấy nếu muốn tránh khỏi tai ương: Không phải các lý lẽ biện minh cho hệ tư tưởng của chúng ta, không phải những mưu toan thúc đẩy tham vọng của chúng ta đi xa hơn; mà chính những sự thật bình dị, thuần túy của sự tồn tại đã tiết lộ cho người khác trông thấy và suy ngẫm, để chúng ta có thể tìm thấy nền tảng chung và cùng nhau tiến lên.

Con nên làm gì cho Ngài đây, hỡi Đức Chúa Cha của con ơi? Hãy hy sinh tất cả những gì con nắm giữ vì một sự hoàn hảo vĩ đại hơn. Hãy để cho gỗ chết được cháy rụi, rồi sự sinh trưởng mới sẽ đầy khắp. Đây chính là bài học đau xót từ Cain và Abel, được mô tả chi tiết trong cuộc thảo luận về ý nghĩa xung quanh Quy luật 7. Mình nên làm gì với một kẻ dối trá? Hãy để hắn nói hết rồi tự hắn sẽ tiết lộ bản thân mình. Quy luật 9 một lần nữa lại liên quan ở đây, như một phần khác trong Tân Ước:

Các ngươi nhờ quả trái của chúng mà nhận biết được chúng. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. Hễ cây nào chẳng sanh trái tốt, thì phải đốn mà đốt đi. Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái của chúng mà nhận biết được. (Ma-thi-ơ 7:16-7:20)

Sự mục nát cần phải được vạch trần trước khi sự lành mạnh được đặt vào đúng chỗ, như tôi đã đề cập trong phần phát triển ý của Quy luật 7 - và toàn bộ điều này thật thích đáng để hiểu và làm theo câu hỏi cũng như câu trả lời sau đây: Làm sao mình đối diện với một người đã giác ngộ? Thay thế anh ta bằng một người thực sự tìm kiếm sự giác ngộ. Chẳng có ai được khai sáng cả. Chỉ có một người đang tìm kiếm sự khai sáng xa hơn. Hữu thể Đúng đắn là một quá trình, chứ không phải một trạng thái; là một hành trình, chứ không phải một đích đến. Đó là sự chuyển hóa liên tục của những gì bạn biết, thông qua đối mặt những gì bạn không biết, chứ không phải bấu víu một cách tuyệt vọng vào những điều chắc chắn - vốn dĩ mãi mãi không bao giờ đủ trong mọi trường hợp. Điều này giải thích cho tầm quan trọng của Quy luật 4. Luôn luôn đặt người mà bạn sẽ trở thành lên trên con người hiện tại của bạn. Điều đó đồng nghĩa bạn cần phải nhận ra và chấp nhận sự thiếu sót của mình, để từ đó có thể liên tục khắc phục chúng. Tất nhiên, điều này thật gian khổ - nhưng vẫn thật xứng đáng.

Vài câu hỏi đáp tiếp sẽ tạo nên một nhóm khăng khít khác, lần này lại tập trung vào sự vô ơn: Mình nên làm gì khi xem thường những gì mình đang có? Hãy nhớ đến những người không có gì và cố mà biết ơn. Hãy trân trọng những gì ở ngay trước mắt bạn. Hãy xét đến Quy luật 12 - nó khá mỉa mai đấy - (Yêu quý mọi người bất chấp những khiếm khuyết của họ). Và cũng hãy xét đến việc sự tiến bộ của bạn sẽ bị chặn lại, không phải vì bạn thiếu cơ hội, mà vì bạn đã quá ngạo mạn để tận dụng được tất cả những gì bạn có trong tay. Đó chính là Quy luật 6 (Đặt ngôi nhà bạn trong một trật tự hoàn hảo trước khi chỉ trích thế giới).

Gần đây tôi có trò chuyện với một chàng trai trẻ về những điều này. Cậu ấy hầu như chưa từng sống xa gia đình hoặc rời khỏi quê hương - nhưng đã làm một chuyến hành trình đến Toronto để dự một buổi thuyết giảng của tôi và gặp tôi tại nhà tôi. Cậu ấy đã tự cô lập bản thân rất khắc nghiệt suốt một quãng đời ngắn ngủi từ khi sinh ra đến nay và bị nỗi lo lắng xâm chiếm vô cùng. Khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, cậu còn không thể nói nên lời. Nhưng đến năm ngoái, cậu đã quyết định phải làm gì đó để giải quyết vấn đề. Cậu bắt đầu bằng cách nhận một công việc tầm thường là rửa chén. Cậu quyết định làm thật tốt thay vì khinh thường công việc ấy. Cậu đủ thông minh để cảm thấy chua chát vì thế giới không nhận ra tài năng của cậu, nhưng cậu chấp nhận sự thật với lòng khiêm tốn chân thành, rằng bất kỳ cơ hội cậu tìm thấy cũng đều là điềm báo đích thực của trí tuệ. Hiện cậu đang tự kiếm sống nuôi thân, vẫn tốt hơn là sống ở nhà. Giờ cậu cũng tích được chút tiền. Chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng thế vẫn còn hơn không. Và chính cậu đã kiếm ra nó. Giờ cậu đang đương đầu với xã hội ngoài kia và được lợi từ sự cọ xát sắp đến.

Tri nhân giả trí, tự tri giả mình.

Thắng nhan giả lực, tự thắng giả cường.

Tri túc giả phú, cường hành giả hữu chí.

Bất thất kì sở giả cửu, tử nhi bất vong giả thọ.

(Đạo đức kinh)

Dịch nghĩa:

Kẻ biết người là khôn, kẻ biết mình là sáng.

Thắng được người là mạnh, thắng được mình là cường.

Kẻ biết đủ thì có của, kẻ siêng năng thì có chí.

Không rời đạo thì lâu bền, chết vững đạo thì trường thọ.

Miễn là vị khách tuy còn lo sợ nhưng đã lột xác và quyết tâm tiếp tục bước trên con đường hiện tại của mình, thì chẳng bao lâu cậu ta sẽ tích lũy được tài năng và đạt thành tựu. Nhưng điều này chỉ đến khi cậu thừa nhận vị thế thấp kém của bản thân và đủ lòng biết ơn để bước một bước nhỏ không kém nhằm thoát khỏi nó. Lựa chọn ấy vẫn tốt hơn nhiều với mỏi mòn chờ đợi phép màu xuất hiện. Và tốt hơn rất nhiều so việc tiếp tục tồn tại trong sự tự phụ, bất động, từ chối thay đổi, trong khi lũ quỷ của một cuộc đời phẫn nộ, oán hận và không đáng sống cứ bủa vây.

Mình nên làm gì khi lòng tham nuốt chửng mình? Hãy nhớ rằng cho đi quả thực tốt hơn nhận lại. Thế giới là một diễn đàn chia sẻ và giao dịch (một lần nữa, xin xem lại Quy luật 7), chứ không phải một kho tàng để cướp bóc. Cho đi nghĩa là làm những gì bạn có thể làm để khiến mọi thứ tốt đẹp hơn. Cái thiện trong con người sẽ đáp lại điều ấy, ủng hộ nó, mô phỏng nó, nhân rộng nó, đền đáp nó và khích lệ nó; nhờ vậy mọi thứ sẽ tốt hơn và tiến về phía trước.

Mình nên làm gì khi tự tay hủy hoại dòng sông của chính mình? Tìm kiếm nguồn nước sạch và để nó rửa sạch Cõi trần. Tôi nhận thấy câu hỏi này, cũng như câu trả lời của nó, đặc biệt khó ngờ. Dường như câu hỏi liên quan nhiều nhất với Quy luật 6. Có lẽ những vấn đề về môi trường không thể xử lý tốt nhất trên khía cạnh kỹ thuật. Giải thích về mặt tâm lý có thể lại phù hợp nhất. Có lẽ tốt nhất ta nên xem xét chúng trên phương diện tâm lý. Con người càng hiểu đúng về bản thân mình, họ sẽ càng có trách nhiệm với thế giới xung quanh và giải quyết được càng nhiều vấn đề hơn. Thành ngữ có câu: Tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng. Và chiến thắng giặc ngoài còn dễ dàng hơn tranh đấu với thù trong. Có thể vấn đề môi trường là thiêng liêng bậc nhất. Nhưng nếu đặt mình vào đúng trật tự, thì có lẽ chúng ta cũng sẽ làm được điều tương tự với thế giới này. Tất nhiên thôi, một nhà tâm lý học còn nghĩ được gì khác nữa cơ chứ?

Nhóm tiếp theo lại liên quan đến phản ứng với khủng hoảng và sự kiệt quệ:

Mình nên làm gì khi kẻ thù của mình thành công? Nhắm đến mục tiêu cao hơn chút nữa và biết ơn vì bài học này. Quay lại với kinh Ma-thi-ơ: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, dù cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời” (5:43- 5:45). Lời này có ý nghĩa gì? Là hãy học hỏi từ thành công của kẻ thù; hãy lắng nghe (Quy luật 9) những chỉ trích từ họ, để bạn có thể góp nhặt bất kỳ mảnh trí tuệ nào từ sự chống đối của họ, rồi hợp nhất lại để khiến mình tốt lên; hãy chấp nhận thế giới vì hoài bão của bạn, nơi những kẻ đối đầu bạn vẫn thấy ánh mặt trời, tỉnh giấc và thành công, để những điều tốt hơn mà bạn đang nhắm đến cũng sẽ dẫn lối cho họ.

Mình nên làm gì khi đã mệt mỏi và bất nhẫn? Hãy trân trọng nắm lấy bàn tay đang dang rộng về phía bạn. Câu này hàm ẩn hai tầng nghĩa khác nhau. Đầu tiên, đây là một lời huấn thị, rằng bạn phải lưu ý đến hiện thực của những giới hạn trong mỗi cá thể. Thứ hai, hãy chấp nhận và biết ơn sự giúp đỡ từ những người xung quanh - gia đình, bạn bè, người quen cũng như người lạ. Kiệt sức và bất lực là điều không thể tránh khỏi. Ta có quá nhiều việc cần làm nhưng lại có quá ít thời gian để thực hiện. Nhưng chúng ta không phải cố gắng trong đơn độc và phân chia trách nhiệm, nỗ lực hợp tác, cũng như chia sẻ công lao từ công việc hiệu quả, ý nghĩa được hoàn thành chỉ mang đến điều tốt đẹp mà thôi.

Mình nên làm gì khi già đi từng ngày? Đánh đổi tiềm năng tuổi trẻ để nhận lấy thành quả của sự trưởng thành. Điều này khiến ta nhớ lại những gì đã bàn về tình bạn trong Quy luật 3, cũng như câu chuyện về phiên tòa và cái chết của Socrates, có thể được tóm tắt như sau: Một cuộc đời được sống trọn vẹn sẽ bù đắp cho những giới hạn của nó. Cậu thanh niên trẻ không có gì lại nắm trong tay những khả năng đạt được thành tựu vượt lên những thế hệ trước. Và ta cũng không rõ đây có nhất thiết là một thỏa thuận tồi hay không. William Butler Yeats[68] từng viết: “Một người già với tấm thân tàn úa./Chiếc áo tả tơi khoác lên tấm thân còi cọc./Trừ tâm hồn vỗ nhịp và hát vang/Bài ca vĩnh cửu trong thân xác phàm nhân…”

Mình nên làm gì trước cái chết trẻ của con mình? Ôm lấy những người thân thương và chữa lành nỗi đau của họ. Mạnh mẽ trước cái chết là điều cần thiết, bởi trong sự sống đã bao hàm cái chết. Vì lý do này mà tôi thường bảo học trò mình rằng: Hãy trở thành người mà khi tất cả đang chìm trong đau khổ và tuyệt vọng trong đám tang của cha các em, thì các em chính là chỗ dựa của họ. Có một khát vọng xứng đáng và cao quý: đó là sức mạnh khi đối diện với nghịch cảnh. Điều đó hoàn toàn khác với mong ước sống một cuộc đời an bình, không rắc rối.

Mình nên làm gì trong thời khắc nghiệt ngã tiếp theo? Tập trung mọi sự chú ý vào bước đi kế tiếp. Cơn hồng thủy đang đến. Cơn hồng thủy sẽ luôn đến. Tận thế vẫn luôn chờ đợi chúng ta. Đó là lý do câu chuyện về Noah mang tính nguyên bản. Mọi thứ sẽ sụp đổ - chúng ta đã nhấn mạnh điều đó khi bàn về Quy luật 10 (Nhận thức chính xác về bản thân và thế giới quanh mình) - và phần trọng tâm cốt lõi cũng thế. Khi mọi thứ trở nên hỗn loạn và bất định, tất cả những gì còn lại để dẫn lối bạn chính là nhân cách mà bạn đã xây dựng cho bản thân từ trước, bằng cách nhắm đến mục tiêu cao hơn và tập trung cho thời khắc hiện tại. Nếu không làm được, bạn sẽ thất bại trong thời khắc khủng hoảng và rồi Thượng Đế sẽ dang tay giúp bạn.

Nhóm cuối cùng bao hàm những điều mà tôi xem là khó khăn nhất trong mọi câu hỏi mà tôi đã trả lời vào đêm ấy. Có lẽ cái chết của một đứa trẻ chính là tai họa tàn khốc nhất. Nhiều mối quan hệ sẽ sụp đổ sau một bi kịch như thế. Nhưng sự tan vỡ trước nỗi kinh hoàng không phải là không thể tránh nổi, dù ai cũng hiểu. Tôi đã từng gặp những người có thể siết chặt những mối ràng buộc với những người ở lại trong gia đình khi một người thân thiết với họ ra đi. Tôi đã chứng kiến họ tìm đến những người ở lại, nỗ lực gấp đôi để kết nối và hỗ trợ họ. Nhờ thế mà tất cả có thể giành lại phần nào những gì đã bị cái chết xé tan nát. Thế nên, chúng ta phải biết thương xót trong tiếng khóc than. Chúng ta phải xích lại gần nhau để đối mặt với bi kịch của sự tồn tại. Gia đình chúng ta có thể là căn phòng khách với chiếc lò sưởi ấm áp, đón chào và luôn đỏ lửa, trong khi bên ngoài là bão tuyết đang gầm thét.

Những hiểu biết được nâng tầm về sự mong manh và khả tử do cái chết sinh ra có thể rất đáng sợ, cay đắng và rời rạc. Nhưng chúng cũng có thể giúp bạn thức tỉnh. Chúng có thể nhắc nhở những ai đang đau khổ rằng đừng xem mọi người yêu thương mình là lẽ đương nhiên. Có lần, tôi làm vài phép tính giật mình về cha mẹ tôi, nay đang thọ khoảng 80 tuổi. Đây là một ví dụ số học đáng buồn mà chúng ta đã gặp ở Quy luật 5 (Đừng để con bạn làm những điều khiến bạn không ưa chúng) - và tôi đã lướt qua hết các phương trình để giữ mình luôn tỉnh táo. Tôi gặp cha mẹ khoảng hai lần mỗi năm. Chúng tôi thường dành khoảng vài tuần ở bên nhau. Chúng tôi cũng trò chuyện qua điện thoại giữa những lần ghé thăm. Nhưng quãng đời còn lại của những người trong độ tuổi 80 chỉ chưa đến mười năm. Tức là tôi chỉ có thể được gặp cha mẹ mình, nếu may mắn, chưa đến 20 lần nữa. Thật kinh khủng khi nhận ra điều này. Nhưng nhờ thế mà tôi đã thôi xem những cơ hội ấy là chuyện hiển nhiên.

Nhóm những câu hỏi đáp tiếp theo xoay quanh việc phát triển nhân cách. Mình phải nói gì với một người huynh đệ không có đức tin? “Vua của kẻ đọa đày”[69] chính là một thẩm phán đáng thương của Hữu thể. Đây là niềm tin mạnh mẽ của tôi về cách chữa lành thế giới tốt nhất - ước mơ của một kẻ khéo tay, nếu nó có thật - chính là để chữa lành bản thân, như chúng ta đã bàn luận trong Quy luật 6. Mọi thứ khác đều chỉ là tự mãn. Mọi giải pháp khác đều có nguy cơ gây hại, bắt nguồn từ sự vô tri và thiếu kỹ năng của bạn. Nhưng không sao cả. Có rất nhiều cách để làm điều đó, ở vị trí của bạn. Xét cho cùng, những khiếm khuyết cá nhân cụ thể ở bạn đều gây bất lợi cho thế giới. Những tội lỗi có ý thức và tự nguyện của bạn (vì không còn từ nào khác tốt hơn) khiến mọi thứ tồi tệ hơn chúng đáng ra phải vậy. Phần trì trệ, trơ ì và yếm thế trong bạn sẽ loại bỏ phần có thể giúp bạn học cách chế ngự khổ đau và mang lại bình yên. Điều đó không tốt chút nào. Có vô số những nguyên nhân dẫn đến cảnh tuyệt vọng trên thế giới, khiến ta trở nên giận dữ, oán hận và tìm cách trả thù.

Thất bại trong việc hy sinh đúng cách, thất bại trong việc hé lộ con người mình, thất bại trong việc sống theo và nói ra điều thật - tất cả sẽ khiến bạn yếu kém đi. Trong trạng thái yếu đuối ấy, bạn sẽ không thể vươn mình trên thế giới này và cũng sẽ không làm lợi gì cho bản thân hay người khác. Bạn sẽ vấp ngã và đau khổ một cách ngu xuẩn. Điều đó sẽ hủy hoại tâm hồn bạn. Sao có thể khác được chứ? Cuộc sống khi suôn sẻ nhất cũng đã đủ khó khăn. Nhưng khi nó xấu đi thì thế nào? Và thông qua những kinh nghiệm đau đớn, tôi đã học được rằng không gì tệ hơn khi thực tế này trở nên tồi tệ hơn được. Điều này giải thích vì sao Địa Ngục lại là cái hố không đáy, vì sao Địa Ngục lại gắn với những tội lỗi đã nhắc đến ở trên. Trong những tình cảnh thê thảm nhất, những đau khổ tồi tệ mà một tâm hồn bất hạnh phải gánh chịu, dưới sự phán xét của bản thân, có thể bị quy cho những sai lầm mà họ ý thức được khi phạm phải trong quá khứ: những hành vi phản bội, lừa dối, độc ác, bất cẩn, hèn nhát và phổ biến nhất trong tất cả, cố ý mù quáng. Dằn vặt trong đau khổ và hiểu rằng bản thân bạn chính là nguồn cơn: Đó chính là Địa Ngục. Và một khi đã ở trong Địa Ngục, người ta rất dễ nguyền rủa Hữu thể. Chẳng có gì lạ cả. Nhưng nó không hề chính đáng. Và đó là lý do “Vua của kẻ đọa đày” lại là một thẩm phán đáng thương của Hữu thể.

Làm sao để xây dựng bản thân thành một người mà bạn có thể trông cậy trong những thời khắc tốt đẹp nhất và tồi tệ nhất - trong thời bình lẫn thời chiến? Làm sao để xây dựng một nhân cách sẽ không kéo bạn vào đau đớn và thống khổ khi chìm trong Địa Ngục? Câu hỏi và câu trả lời cứ tiếp tục tuôn ra, bằng cách này hay cách khác và đều ăn khớp với những quy luật mà tôi đã vạch ra trong cuốn sách này:

Mình nên làm gì để củng cố tâm hồn mình? Đừng nói dối, hoặc làm những điều bạn khinh thường.

Mình nên làm gì để thân xác này trở nên cao quý? Chỉ dùng chúng để phục vụ tâm hồn mình.

Mình nên làm gì với những câu hỏi nan giải nhất? Xem chúng như một cánh cổng dẫn lối đến một lối sống khác.

Mình nên làm gì khi thương cảm một người tội nghiệp? Cố gắng trở thành tấm gương đúng đắn để nâng đỡ trái tim tan vỡ của anh ta.

Mình nên làm gì khi bị đám đông hùng hậu lôi kéo? Đứng thẳng hiên ngang và nói lên những sự thật đau đớn của chính mình.

Tất cả chỉ có thế. Tôi vẫn đang giữ chiếc Bút Ánh sáng. Tôi đã không viết gì với nó từ dạo ấy. Có thể tôi sẽ viết lại nếu có cảm hứng thúc đẩy và có điều gì đó dâng lên từ thẳm sâu bên trong. Nhưng dù tôi không viết, nó vẫn giúp tôi tìm ngôn từ thích hợp để đóng lại cuốn sách này.

Tôi mong rằng những gì mình đã viết sẽ tỏ ra hữu dụng với bạn. Tôi mong nó sẽ hé mở cho bạn những điều mà bạn biết rằng mình không biết rằng mình đã biết. Tôi hy vọng những trí tuệ cổ xưa mình nhắc đến sẽ mang lại sức mạnh cho bạn. Tôi hy vọng nó sẽ thắp lên ánh sáng trong bạn. Tôi hy vọng bạn sẽ đứng thẳng hiên ngang, sống vì gia đình và mang hòa bình cũng như sự phồn thịnh đến với cộng đồng. Tôi hi vọng, như Quy luật 11 (Đừng ngăn cản con bạn đón nhận thử thách) đã nhắc đến, rằng bạn sẽ động viên và khích lệ những người cần đến sự quan tâm của bạn, thay vì bảo bọc đến mức khiến họ yếu ớt.

Cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bạn, và mong rằng bạn cũng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến mọi người.

Bạn sẽ viết gì với chiếc bút ánh sáng của mình?

LỜI CẢM ƠN

TÔI ĐÃ TRẢI QUA MỘT QUÃNG THỜI GIAN BẬN RỘN khi viết cuốn sách này. Tuy nhiên, tôi cũng nhận được nhiều chia sẻ từ những người đáng tin, tài giỏi và có thể trông cậy bên cạnh. Tạ ơn Chúa vì điều đó. Tôi đặc biệt muốn gửi lời cảm ơn đến người vợ yêu thương của mình, Tammy. Cô ấy là người bạn đời tuyệt vời và cũng là người bạn chí cốt của tôi trong gần 50 năm qua. Cô ấy là một người tuyệt đối chân thành, kiên định, luôn động viên và hỗ trợ tôi. Tammy luôn biết sắp xếp và kiên nhẫn trong suốt những năm tôi viết sách; dù có đang gặp phải vấn đề cấp bách hay quan trọng thế nào đi chăng nữa, cô ấy vẫn sát cánh cùng tôi mặc cho bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống. Con gái bé bỏng của tôi, Mikhaila, và con trai yêu quý, Julian, cũng như hai vị sinh thành của tôi, Walter và Beverley, đã luôn bên cạnh tôi, luôn quan tâm chăm sóc, cùng tôi thảo luận những vấn đề phức tạp, giúp tôi sắp xếp những suy nghĩ, câu từ và hành động. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến anh rể của mình, Jim Keller, một kiến trúc sư vi mạch máy tính kiệt xuất, cùng chị gái Bonnie đáng tin cậy và ưa mạo hiểm. Tình bạn của Wodek Szemberg và Estera Bekier cũng là điều vô giá đối với tôi trong suốt nhiều năm, trên nhiều phương diện, cùng với đó là sự hỗ trợ âm thầm và tinh tế của Giáo sư William Cunningham. Tiến sĩ Norman Doidge đã làm vượt mức bổn phận biên soạn và chỉnh sửa lời tựa cho cuốn sách, vượt xa những nỗ lực mà tôi mong đợi ban đầu. Cả gia đình tôi vô cùng trân trọng tình bằng hữu và sự ân cần mà vợ anh, Karen, không ngừng mang đến. Tôi đã rất vui khi được hợp tác với Craig Pyette, biên tập viên của tôi tại nhà xuất bản Random House, Canada. Sự chú tâm kỹ lưỡng của Craig dành cho từng chi tiết, cùng khả năng ghìm lại những cơn bùng nổ đam mê (và đôi khi là cả cáu giận) thái quá trong nhiều bản thảo của tôi - bằng tài ngoại giao tuyệt vời - đã tạo nên một cuốn sách cân đối và chừng mực hơn rất nhiều.

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tiểu thuyết gia, biên kịch và cũng là một người bạn của tôi, Gregg Hurwitz, vì đã sử dụng rất nhiều quy luật cuộc đời trong cuốn sách này để viết Orphan X - cuốn sách bán chạy của anh, trước cả khi cuốn sách của tôi được viết. Đây quả là một lời tán dương và chỉ báo tuyệt vời cho giá trị tiềm năng và sức hấp dẫn đại chúng của các quy luật. Gregg cũng tình nguyện trở thành một biên tập viên và nhà bình giải tỉ mỉ, tận tâm, cực kỳ sắc bén và châm biếm hài hước trong khi tôi viết và chỉnh sửa cuốn sách. Anh đã giúp tôi cắt bỏ những đoạn dài dòng không cần thiết (ít nhất là một số) và giữ nguyên lối kể tường thuật. Gregg cũng đã giới thiệu Ethan van Scriver, người mang đến những bản minh họa đẹp đẽ ở phần mở đầu từng chương. Và tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ethan, cũng như ngả mũ trước anh, chủ nhân của những bức vẽ đã góp thêm chút nhẹ nhàng, phá cách và ấm áp cần thiết. Nếu không có chúng, cuốn sách của tôi có lẽ sẽ trở thành một quyển kỳ thư rất đỗi tăm tối.

Cuối cùng, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Sally Harding, người đại diện của tôi, cùng những người tử tế mà cô làm việc cùng tại CookeMcDermid. Nếu không có Sally, có lẽ cuốn sách này đã không bao giờ được hoàn thành.

Chú Thích

[1] Một tỉnh miền Tây Canada. (BT)

[2] Nguyên gốc là Musical chairs, những người tham gia sẽ đi vòng quanh một dãy ghế (thiếu một ghế) cho đến khi nhạc dừng lại, rồi người nào không giành được ghề để ngồi vào sẽ phải rời khỏi trò chơi. (BT)

Các chú thích do nhóm biên tập Saigon Books thực hiện trong quyển sách này sẽ có ghi chú (BT) phía sau. Những chú thích còn lại đều là của tác giả.

[3] Đây là chương trình do tác giả Jordan B. Peterson tự biên soạn, bao gồm một loạt các bài tập trực tuyến yêu cầu người thực hiện viết ra những trải nghiệm để khám phá quá khứ, hiện tại lẫn tương lai của mình. (BT)

[4] Oedipus là một vị vua huyền thoại của Thebes. Một người anh hùng có số phận bi thảm trong thần thoại Hy Lạp. Oedipus đã thực hiện lời tiên tri dành cho mình rằng, ông sẽ hạ sát cha mình và kết hôn với mẹ mình, Oedipus sống trong sự đau khổ đến khi ông lìa đời. (BT)

[5] Những người sinh trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 cho đến đầu thập niên 2000, còn gọi là Thế hệ Y. (BT)

[6] Biểu tượng âm dương chính là phần thứ hai của Thái cực đồ - sâu sắc hơn và bao gồm năm phần - một sơ đồ mô tả sự hình thành thái cực lẫn sự phân tách của nó để tạo nên cái vô tận của thế gian mà ta quan sát. Khái niệm này được bàn luận chi tiết hơn trong Quy luật 2 ở đoạn sau và một số phần khác trong sách.

[7] Tôi sử dụng thuật ngữ Hữu thể/Being (với chữ “H” viết hoa) vì đã tiếp xúc với tư tưởng của triết gia người Đức thế kỷ XX Martin Heidegger. Heidegger cố tách biệt giữa thực tại, được cho là khách quan, với tổng thể trải nghiệm của con người (mà theo ông là “Hữu thể”)- Hữu thể (với chữ “H” viết hoa) chính là điều mà mỗi chúng ta trải nghiệm một cách chủ quan, cá nhân và đơn lẻ, cũng như những gì mỗi chúng ta trải nghiệm cùng nhau. Chúng bao gồm cả cảm xúc, động lực, giấc mơ, tầm nhìn và sự mặc khải, cũng như những suy nghĩ riêng tư hay nhận thức của ta. Cuối cùng, Hữu thể còn là những điều tồn tại thông qua hành động, vì thế bản chất của chúng ở tầm trung chính là kết quả từ những quyết định và lựa chọn của chúng ta - những thứ được định hình dựa trên ý chí tự do theo giả thuyết của chúng ta. Do được xây dựng theo cách đó, nên Hữu thể (1) không phải thứ mà ta có thể dễ dàng và trực tiếp rút gọn thành vật chất hay vật thể, mà (2) là thứ mà hầu hết mọi người nhất định sẽ có định nghĩa riêng, như Heidegger đã thai nghén suốt nhiều thập kỷ mới biểu thị được nó.

[8] Hoóc-môn nằm ở thần kinh trung ương, có chức năng điều chỉnh tâm trạng, điều chỉnh cảm xúc ở cả con người và động vật. (BT)

[9] Chất dẫn truyền thần kinh điều tiết hành động cho cơ thể và hệ thần kinh. (BT)

[10] Một loại thuốc có chứa Fluoxetine, chuyên dùng để trị bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng bức. (BT)

[11] Một mánh khóe được các chính trị gia thường sử dụng trong các cuộc vận động bầu cử. Họ sẽ bề đứa trẻ lên và hôn hòng nhận được nhiều lá phiếu thuận hơn từ phái nữ. (BT)

[12] Chỉ khoảng thời gian từ năm 1837 đến 1901, khi Nữ hoàng Victoria cai trị Vương quốc Anh. (BT)

[13] Một đại dịch (bệnh dịch hạch) xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV, được cho là giết chết 1/3 dân số châu Âu thời ấy và nằm trong số những đại dịch kinh khủng nhất lịch sử loài người. (BT)

[14] Chất cacbonhydrat thường có nhiều trong tinh bột, một vài loại rau củ, nhất là các loại rễ củ và hoa quả. (BT)

[15] Luật này thể hiện rõ cách thức làm việc của một công ty thất bại. Nó phát biểu rằng 50% khối lượng công việc được hoàn thành chỉ do một số ít nhân viên của công ty. Cụ thể là căn bậc hai của tổng số nhân viên mới hoàn thành được 50% lượng công việc. (BT)

[16] Còn được gọi là luật 80/20, tức là trong nhiều sự kiện, khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gầy ra. Điển hình trong kinh doanh là 80% doanh thu là từ 20% số khách hàng. (BT)

[17] Nhân vật người lùn trong tác phẩm nổi tiếng được chuyển thể thành phim điện ảnh The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn). (BT)

[18] Về vấn đề này, thật thú vị khi Thái cực đồ năm phần (đã được đề cập ở Chương 1 về nguồn gốc của biểu tượng âm/dương) thể hiện vũ trụ bắt nguồn trước tiên từ một thể thống nhất không phân biệt, sau đó chia thành âm và dương (hỗn loạn/trật tự, tính nữ/tính nam), rồi tiếp đến trở thành ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) và rồi mới đến “vạn vật”. Ngôi sao David (hỗn loạn/trật tự, tính nữ/tính nam) cũng nêu cùng quan điểm về bốn yếu tố cơ bản: lửa, khí, nước và đất (từ những yếu tố này mà hình thành nên vạn vật). Một ngôi sao sáu cạnh tương tự cũng được người Hindu sử dụng. Tam giác hướng xuống tượng trưng cho Shakti, tính nữ; tam giác hướng lên tượng trưng cho Shiva, tính nam. Hai phần này còn được gọi là om và hrim trong tiếng Phạn. Quả là những ví dụ ấn tượng về sự tương đồng khái niệm.

[19] Hoặc, trong một cách diễn giải khác, Ngài đã phần chia cá thể lưỡng tính ban đầu thành hai phần nam và nữ. Theo lối suy nghĩ này, Chúa Giê-su, hay “Adam thu hai’, cũng là một người Nam nguyên bản trước khi có sự phân chia giới tính. Ý nghĩa biểu trưng của điều này phải dược làm rõ đối với những người luôn dõi theo phần tranh luận cho đến lúc này.

[20] Nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, và là một nhà bác học thông thạo nhiều lĩnh vực đã đóng góp vào vật lý lượng tử, kinh tế, khoa học máy tính, giải tích, động lực học chất lưu, thống kê và nhiều lĩnh vực toán học khác. Ông cũng là nhà tiên phong của máy tính kỹ thuật số hiện đại. (BT)

[21] Grace Kelly là nữ minh tinh điện ảnh người Mỹ. Sau này bà trở thành vương phi của Công quốc Monaco sau khi kết hôn với Thân vương Rainier III của Monaco. (BT)

[22] Kerstin Anita Marianne Ekberg là một nữ diễn viên Thụy Điển nổi tiếng hoạt động trong các bộ phim của Mỹ và châu Âu ở thập niên 1950 và 1960. (BT)

[23] Monica Anna Maria Bellucci là một diễn viên kiêm người mẫu thời trang người Ý. (BT)

[24] Chỉ tình trạng mắc tội ngay từ khi sinh ra của tất cả mọi người, xuất phát từ sự sa ngã của Adam do ăn trái cấm trong Vườn Địa đàng. (BT)

[25] Sự Sa đọa đầu tiên của Adam và Eve do ăn trái cấm, sau đó họ bị trục xuất khỏi Thiên Đường. (BT)

[26] Danh xưng khác của Chúa Giê-su. (BT)

[27] Tên của nhân vật người cha trong loạt phim hoạt hình Simpson. (BT)

[28] Serotonin là chất truyền dẫn thần kinh có khả năng làm sản sinh những cảm xúc hưng phấn, tích cực cho con người. (BT)

[29] Jimmy Page là thành viên nhóm nhạc rock huyền thoại Led Zeppelin của Anh, ông cũng được tôn vinh là tay ghi-ta vĩ đại nhất mọi thời đại. (BT)

[30] John Anthony “Jack” White là một nhạc sĩ, ca sĩ kiêm sáng tác nhạc, nhà sản xuất thu âm và diễn viên người Mỹ. Anh được biết đến là ca sĩ và ghi-ta chính của ban nhạc The White Stripes. (BT)

[31] Chỉ những bộ phim có kinh phí thấp, dàn diễn viên kém nổi và ít được mong chờ từ giới chuyên môn. (BT)

[32] Theo Kinh Thánh, ông là tổ phụ của người Do Thái và người Ả Rập. Người đã mặc cả với Thượng Đế để cứu cả thành Sodom khỏi sự trừng phạt của Ngài. (BT)

[33] Người thợ đồng hồ đã chế tác ra chú bé người gỗ Pinocchio trong bộ phim cùng tên của hãng Disney. (BT)

[34] Trại giam “tử thần” thời Đức Quốc xã, nơi hàng triệu nạn nhân Do Thái đã bị giết trong phòng hơi ngạt. (BT)

[35] Trong Mười Điều răn của Chúa, có đến tám điều bắt đầu bằng cụm từ “Ngươi không được”. (BT)

[36] Tôi xin nêu ra ở đây và cũng sẽ nhắc lại nhiều lần nữa trong suốt cuốn sách này, về kinh nghiệm khám chữa lâm sàng của tôi (mà tôi đã gom nhặt được trong sự nghiệp của mình). Tôi đã cố gắng giữ cho tinh thần của những câu chuyện ấy được nguyên vẹn, trong khi lược bỏ một số chi tiết để bảo vệ tính riêng tư của những người liên quan. Hy vọng tôi đã cân đối được chuyện này.

[37] Thuyết Dao cạo Occam giải thích: Nếu có hai nguyên lý đều có thể giải thích những thực tế quan sát được, thì hãy áp dụng nguyên lý đơn giản hơn cho đến khi phát hiện chứng cứ nhiều hơn. Những cách giải thích hiện tượng giản đơn nhất luôn chính xác hơn cách giải thích phức tạp. (BT)

[38] Thuốc giảm đau nhóm opiate là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp có các tính chất giống như morphine tác động lên các thụ thể opioid. Ngoài giảm đau, opiate còn có tác dụng gây mê, giảm ho và chống tiêu chảy. (BT)

[39] Peter Pan là nhân vật trong tác phẩm cùng tên của nhà văn James Matthew Barrie. Cậu là một thiếu niên 12 tuổi có khả năng bay lượn, sống ở vùng đất Neverland, luôn chối bỏ “sự trưởng thành” và không chịu lớn lên. (BT)

[40] Và đây đều là sự thật được ghi chép lại, dù thực sự có một Đấng Toàn năng trên “Trời” hay không.

[41] Delphi là ngôi đền linh thiêng thời Hy Lạp cổ đại, thờ phụng Thần Apollo và cũng là nơi xuất phát của những lời sấm truyền của nữ tiên tri Pythia. (BT)

[42] Tên gọi khác của quỷ Satan, là biểu tượng của sự kiêu ngạo. (BT)

[43] Thảm sát Mỹ Lai là một tội ác chiến tranh của Lục quân Hoa Kỳ gây ra trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. (BT)

[44] Nếu tiếp tục hướng nhận xét này, thì sự thật là từ “Set” cũng là tiền thân theo từ nguyên của “Satan”. Xem thêm Murdock, D.M. (2009). Christ in Egypt: the Horus- Ịesus connection (tạm dịch: Chúa Giê-su ở Ai Cập: Mối quan hệ giữa Horus và Giê- su). Seattle, WA: Stellar House, trang 75.

[45] Một vài người có thể coi điều này phần nào phi thực tế, dựa trên thực tại vật chất rõ ràng, cụ thể và nỗi thống khổ đúng nghĩa gắn với sự thiếu thốn. Một lần nữa tôi xin đề xuất cuốn Quần đảo ngục tù của Solzhenitsyn, hàm chứa hàng hoạt những tranh luận đặc biệt sâu sắc về hành vi đạo đức mẫu mực cũng như tầm quan trọng được nâng lên của chúng, thay vì giảm đi trong những hoàn cảnh ham muốn và đau khổ cùng cực.

[46] Ở thời điểm Marx đưa ra tuyên bố này, thuốc phiện vẫn chưa bị lên án bởi tác dụng gây nghiện của nó, mà chỉ là thứ thuốc mê giúp con người khuây khỏa trước những đau khổ. (BT)

[47] Tòa án Nuremberg năm 1947 đã thông qua một bộ nguyên tắc cùng tên. Các thí nghiệm y khoa được thực hiện bởi các bác sĩ Đức bị truy tố trong phiên này đã dẫn đến sự ra đời của Bộ luật Nuremberg để kiểm soát các thử nghiệm tương lai liên quan đến con người. (BT)

[48] Diane Arbus là một nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ chuyên chụp ảnh về những bệnh nhân tâm thần, quái đản, dị dạng. (BT)

[49] Hieronymus Bosch được mệnh danh là “họa sĩ của quỷ”, chuyên vẽ những tác phẩm bi quan, trừu tượng, châm biếm về đạo đức, tôn giáo và các châm ngôn. (BT)

[50] John Mil ton là thi sĩ lỗi lạc chuyên viết nhiều tác phẩm về chính trị, triết học và tôn giáo, nổi bật nhất là thiên sử thi tôn giáo “Thiên Đường đã mất”. (BT)

[51] Triết gia và nhà thần học người Đan Mạch thế kỷ XIX. Phần lớn nội dung các tác phẩm của Kierkegaard tập chú vào các vấn đề tôn giáo như bản chất của đức tin, định chế của giáo hội, đạo đức và thần học Ki-tô. (BT)

[52] Ở đây, một lần nữa, tôi xin giấu bớt một vài chi tiết trong trường hợp này để đảm bảo quyền riêng tư trong khi vẫn cố giữ nguyên ý chính trong các sự việc.

[53] Chiến lược trò chuyện với các cá nhân không chỉ mang tính sống còn trong việc truyền tải thông điệp, mà còn là thần dược cho nỗi sợ nói trước công chúng. Không ai muốn bị hàng trăm đôi mắt không thần thiện và phán xét nhìn chằm chằm. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có thể nói chuyện với một người đang chú ý. Vì vậy, nếu bạn phải thực hiện một bài phát biểu (lại một cụm từ khủng khiếp nữa) thì hãy cứ làm thế. Hãy trò chuyện với từng cá nhân trong số khán giả - và không cần phải trốn tránh: Không đứng phía sau bục giảng, không cụp mắt xuống, không nói quá nhỏ hay lẩm bẩm, không xin lỗi vì sự kém xuất sắc hay thiếu chuẩn bị, không trốn sau những ý kiến không phải của bạn và không trốn sau những điều sáo rỗng.

[54] Chỉ những nước đang phát triển tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin. (BT)

[55] Đây là lý do tại sao trên thực tế, chúng ta lại tiêu tốn nhiều thời gian hơn so với giả định ban đầu nhằm tạo nên những con robot tự vận hành trên thế giới. Vấn đề nhận thức thực ra khó khăn hơn so với việc chúng ta lập tức tiếp cận những nhận thức của mình mà không tốn chút công sức, từ đó dẫn lối cho ta suy luận. Thực ra, vấn đề nhận thức khó khăn đến mức chúng hầu như đình lại một cách nghiêm trọng những tiến bộ ban đầu của trí thông minh nhân tạo (theo quan điểm thời ấy), khi chúng ta khám phá ra rằng một nguyên do trừu tượng, kỳ quặc thậm chí không thể giải quyết nổi những vấn đề có thực, đơn giản trên thế giới. Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, các nhà tiên phong như Rodney Brooks đã cho rằng cơ thể đang hoạt động là điều kiện tiên quyết cần thiết để phân tích thế giới này thành những phần có thể kiểm soát được và cuộc cách mạng AI (trí thông minh nhân tạo) đã giành lại lòng tin và động lực cho nó.

[56] Adrenaline là hoóc-môn tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản sinh ra khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, khiến cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm. (BT)

[57] Cortisol là hoóc-môn chống áp lực, một phản ứng bảo vệ tự nhiên diễn ra khi ta nhận thức được mối đe dọa hoặc nguy hiểm. (BT)

[58] Bản ghi âm hiện có tại Peterson, J.B. (2002). Slaying the Dragon Within Us. Bài giảng do TVO phát sóng nguyên gốc tại đường dẫn: https://www.youtube.com/ watch?v=REjUkEj10_0.

[59] Theo Kinh Thánh, Noah là người đã đóng chiếc thuyền vĩ đại chở muông thú và gia đình tránh khỏi cơn đại hồng thủy trút xuống trấn gian từ Thượng Đế. (BT)

[60] Tên và các chi tiết khác đã được thay đổi vì mục đích bảo mật riêng tư.

[61] Vận động viên thể dục dụng cụ từng giành huy chương bạc môn nhảy ngựa và huy chương vàng đồng đội tại kỳ Olympic 2012. (BT)

[62] Lời phát biểu của David Attenborough và Hội La Mã đều đề cập đến vấn đề nhân loại là “một loại bệnh dịch” và “Trái đất đang bị ung thư, và bệnh ung thư chính là con người”. (BT)

[63] (37-28)/28 = 9/28 = 32%; (35-29)/35 = 6/35 = 17%.

[64] Phức cảm Oedipus là dục vọng vô ý thức của đứa con đối với bố hoặc mẹ khác giới tính của mình, hoặc ngược lại, do tình trạng quá yêu chiều hay phụ thuộc mà ra. (BT)

[65] Vận động viên thể dục thể hình, diễn viên điện ảnh nổi tiếng và là Thống đốc California trong giai đoạn 2003-2011. (BT)

[66] Là một từ hoặc một chuỗi các ký tự liên tiếp nhau được đặt sau dấu thăng (hashtag - #), được dùng để nhóm nhiều thông tin cùng nội dung hoặc chủ đề đăng trên các trang mạng xã hội lại với nhau. (BT)

[67] Kinh Torah của Do Thái giáo hay còn gọi là Ngũ Thư bao gồm năm sách đầu tiên của Kinh Cựu Ước của Ki-tô giáo: Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký và Phục truyền Luật lệ ký. (BT)

[68] Nhà soạn kịch người Ireland đoạt giải Nobel Văn học năm 1923. Ông sinh ra giữa thời đại mà Ireland bắt đầu bùng nổ phong trào yêu nước, đỉnh cao là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc 1919-1923. Thời đại này đã mang lại động lực cho sáng tác cho ông. (BT)

[69] Phỏng theo tên của bộ phim King of the Damned (1935), kể về một người tù đứng lên chống lại chính quyền vì chế độ hà khắc mà anh phải chịu trong cảnh tù đày. (BT)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3