12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 13

QUY LUẬT 11

ĐỪNG NGĂN CẢN CON BẠN ĐÓN NHẬN THỬ THÁCH

NGUY HIỂM VÀ SỰ TINH THÔNG

CÓ MỘT THỜI, BỌN TRẺ hay trượt ván ở sân khu phía tây hội trường Sidney Smith, thuộc Đại học Toronto nơi tôi làm việc. Tôi hay đứng tại đấy và xem chúng chơi đùa. Ở đây, có những bậc cấp bê-tông cứng, rộng và nông, dẫn từ đường lớn đến cổng chính. Đi kèm theo đó là những tay vịn tròn bằng sắt, đường kính khoảng hơn 6cm và dài độ 6 mét. Những đứa trẻ hiếu động, thường là những cậu bé, sẽ lùi lại khoảng 14 mét từ bậc cấp trên cùng. Sau đó, chúng đặt một chân lên ván trượt và lấy đà tăng tốc. Ngay trước khi va chạm với tay vịn, chúng sẽ cúi xuống, nắm lấy tấm ván bằng một tay và nhảy lên trên tay vịn. Rồi chúng trượt dọc theo chiều dài tay vịn, đẩy mình hướng xuống và tiếp đất - đôi khi rất điệu nghệ trên tấm ván, đôi khi lại ngã lăn quay đau đớn. Dù thế nào, chúng vẫn sẽ trượt lại sớm thôi.

Vài người sẽ nói điều này là ngu ngốc. Có lẽ là thế thật. Nhưng đó cũng là lòng can đảm. Tôi đã thầm nghĩ lũ nhóc này thật tuyệt vời. Tôi nghĩ chúng xứng đáng nhận được một cái vỗ lưng kèm theo một lời khen ngợi thật lòng. Dĩ nhiên, trò này rất nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm mới là vấn đề. Chúng muốn chiến thắng sự nguy hiểm. Chúng sẽ an toàn hơn nếu có thiết bị bảo hộ khi chơi, nhưng các thiết bị này sẽ phá hỏng trò chơi. Lũ trẻ sẽ không cố luyện tập để an toàn. Chúng cố gắng luyện tập để trở nên thành thục - và chính sự thành thục này mới thực sự giúp mọi người an toàn.

Tôi không dám làm những việc mà lũ trẻ ấy đang làm. Thực ra là tôi không thể. Tôi chắc chắn không thể leo lên cần trục tháp trong xây dựng như một tay bạt mạng thời hiện đại nổi như cồn trên Youtube (và tất nhiên là cả những công nhân làm việc với cần trục tháp nữa). Tôi không thích độ cao, tuy độ cao 7.500 mét của máy bay cao thế mà không làm tôi ngại. Tôi đã từng vài lần lái một chiếc tàu lượn bằng sợi carbon - thậm chí còn làm một cú lượn đầu búa với nó - và chuyện đó vẫn ổn, mặc dù đòi hỏi khá nhiều điều kiện về thể chất lẫn tinh thần. (Để thực hiện cú lộn đầu búa, bạn phải lái tàu lượn bay lên thẳng đứng, đến khi trọng lực tác động khiến nó đứng yên. Rồi nó rơi ngược về sau, lộn hình xoắn ốc cho đến khi nó lật nhào và chúi mũi thẳng xuống, rồi bạn kết thúc cú lộn. Hoặc sau đó thì… không còn có sau đó nữa.) Nhưng tôi không thể trượt ván - đặc biệt là trên tay vịn - và tôi cũng không thể leo lên cần trục.

Hội trường Sidney Smith đối diện với một con đường khác ở phía đông. Trớ trêu thay, dọc trên con đường St. George ấy, trường đại học đã cho xây một loạt những khối bê-tông cứng, sắc cạnh dốc xuống dọc theo lối đi. Lũ trẻ cũng hay ra đó và trượt ván dọc theo các cạnh của khối bê-tông, như chúng vẫn làm với khu vực bê-tông xung quanh bức tượng điêu khắc cạnh tòa nhà. Nhưng chẳng được bao lâu. Những ngàm sắt nhỏ được gọi là “thanh chặn” (skatestopper) đã nhanh chóng xuất hiện, mỗi ngàm như thế cách nhau tầm 1-2 mét dọc theo các cạnh này. Lần đầu tiến nhìn thấy chúng, tôi chợt nhớ đến một sự kiện diễn ra tại Toronto vài năm về trước. Hai tuần trước khi cấp tiểu học nhập học, tất cả trang thiết bị sân chơi trên toàn thành phố đều biến mất. Điều luật quản lý chúng đã thay đổi, vì người ta lo rằng chúng không an toàn. Các sân chơi được gấp rút tháo dỡ; mặc dù chúng đủ an toàn, được miễn trừ chi phí bảo hiểm và do phụ huynh chi trả (mới gần đây). Điều này có nghĩa sẽ không có sân chơi nào trong hơn một năm tới. Trong suốt thời gian này, tôi thường thấy chán nhưng lại rất ngưỡng mộ lũ trẻ rượt đuổi nhau trên sân thượng của trường học địa phương. Hoặc chơi như thế, hoặc chúng sẽ lăn trên cát với bọn mèo và những đứa nhóc ít có máu mạo hiểm hơn.

Tôi dùng từ “đủ an toàn” cho sân chơi đã bị tháo dỡ ấy, vì khi sân chơi được thiết kế quá an toàn, trẻ em hoặc sẽ ngưng chơi ở đó, hoặc sẽ bắt đầu bày ra những trò ngoài dự tính. Trẻ em cần sân chơi đủ nguy hiểm để duy trì tính thử thách. Con người, bao gồm cả trẻ em (xét cho cùng thì chúng cũng là con người) không tìm cách giảm thiểu rủi ro. Mà họ tìm cách tối ưu hóa nó. Họ lái xe, đi bộ, yêu đương và vui chơi để đạt được những điều họ khao khát; nhưng đồng thời họ cũng tự thúc đẩy bản thân thêm đôi chút để tiếp tục tiến bộ. Vì thế, nếu mọi thứ quá an toàn, thì con người (bao gồm cả trẻ em) sẽ bắt đầu tìm cách khiến chúng nguy hiểm trở lại.

Khi không bị ngăn trở - và được ủng hộ - chúng ta luôn thích sống mạo hiểm hơn. Tại đó, chúng ta có thể vừa tự tin về kinh nghiệm của mình, vừa có thể đối mặt với sự hỗn loạn để giúp ta phát triển. Vì lẽ đó, ta tự động tận hưởng thách thức mà chẳng cần phải đắn đo (vài người trong chúng ta tận hưởng nhiều hơn người khác). Chúng ta cảm thấy tràn trề sinh lực và hào hứng khi nỗ lực tối ưu hóa thành tích trong tương lai, trong khi vẫn chơi đùa ở hiện tại. Nếu không, ta sẽ trầy trật quẩn quanh, lười biếng, thiếu ý thức, non nớt và lơ đễnh. Khi được bảo bọc quá mức, chúng ta sẽ thất bại khi điều gì đó nguy hiểm, khó lường và đầy cơ hội bất ngờ xuất hiện, như một lẽ đương nhiên không tránh khỏi.

Những “thanh chắn” trông chẳng hấp dẫn gì. Lẽ ra cảnh quan xung quanh bức tượng gần đó đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi những tay lướt ván chuyên cần trước khi nó trông như bây giờ - gắn đầy kim loại như vòng cổ của một chú cún con. Những chậu cây lớn gắn đầy những thanh bảo hộ kim loại dọc theo miệng bồn, với khoảng cách bất hợp lý. Thêm vào đó là những vết mài mòn do những tay trượt ván gây ra, góp phần tạo ấn tượng đáng buồn cho một thiết kế tồi tàn, của sự oán giận và những suy nghĩ muộn màng được thực thi quá tệ. Khu vực này đáng lẽ phải rất đẹp với bức tượng điêu khắc và cây xanh tô điểm, nhưng nay lại mang dáng vẻ chung của một khu công nghiệp/nhà giam/trại tâm thần/trại khổ sai, theo kiểu những người xây dựng lẫn quan chức đều không thích hoặc không tin tưởng những người mà họ phụng sự.

Vẻ xấu xí rành rành, đập ngay vào “mắt” của giải pháp, đã biến những lý do để việc thực thi nó trở thành một lời nói dối.

THÀNH CÔNG VÀ NỖI OÁN GIẬN

Nếu bạn tìm đọc về những nhà tâm lý học chuyên sâu - như Freud và Jung, cũng như tiền bối của họ là Friedrich Nietzsche - thì bạn sẽ học được rằng luôn có mặt tối trong mọi sự. Freud đào sâu ý nghĩa ngầm ẩn, tiềm tàng của những giấc mơ, mà theo ý ông là thường nhằm biểu lộ một mong muốn hư hỏng nào đó. Jung tin rằng mọi hành vi chuẩn mực trong xã hội đều gắn liền với con quỷ song sinh của nó - tức cái bóng vô thức của nó. Còn Nietzsche nghiên cứu vai trò của cái mà ông gọi là sự oán giận trong việc thúc đẩy những hành động có bề ngoài ích kỷ - và tất cả thường đều được biểu lộ công khai.

Vì người ấy bị chi phối bởi sự trả thù - mà theo tôi chính là chiếc cầu dẫn lối đến hy vọng cao cả nhất và cung cầu vồng sau những cơn bão dai dẳng. Cũng như loài nhện đen Tarantula vậy. Họ nói với nhau rằng: “Những điều mà công lý cho ta thấy đích xác là một thế giới ngập tràn bão tố của sự báo thù.” “Chúng ta báo thù và lạm dụng những gì mà chúng ta sẽ không động đến khi còn công bình” - giống như lời thề tận đáy lòng của con nhện đen vậy. “Và ‘ước nguyện bình đẳng từ đó trở thành danh xưng của đức hạnh; và chúng ta có quyền được thét lên phản đối nếu có điều gì đi ngược lại!” Những nhà tuyên truyền về sự bình đẳng, những kẻ cuồng bạo trong chúng ta cứ gào thét đòi bình đẳng: Thế là khát vọng thầm kín nhất của ta - trở thành bạo chúa - sẽ giấu mình trong ngôn từ cao thượng.

Nhà tiểu luận có một không hai người Anh, George Orwell, hiểu rất rõ điều này. Vào năm 1937, ông đã viết tác phẩm The Road to Wigan Pier (tạm dịch: Con đường đến bến Wigan), chỉ trích gay gắt các nhà chủ nghĩa xã hội thương lưu tại Anh (mặc dù chúng cũng ám chỉ ông, một người theo chủ nghĩa xã hội). Trong nửa đầu cuốn sách, Orwwell khắc họa hoàn cảnh khốn khổ của những thợ mỏ người Anh vào thập niên 1930:

Vài nha sĩ bảo tôi rằng trong các vùng công nghiệp, người trên 30 tuổi mà vẫn còn răng thì thật là bất thường. Ở Wigan, nhiều người có ý kiến rằng tốt nhất nên nhổ bỏ hết răng càng sớm càng tốt. ‘Răng chỉ đem đến khổ đau - một phụ nữ nói với tôi như thế.

Một công nhân mỏ ở bến Wigan cần phải đi bộ - bò thì đúng hơn nếu xét theo chiều cao của giàn kèo - khoảng ba dặm dưới lòng đất tối tăm, chịu va đầu rách lưng chỉ để hoàn thành ca làm việc bảy tiếng rưỡi đồng hồ cực nhọc. Sau đó, họ phải bò trở ra. “Nó sánh ngang với việc phải leo lên một ngọn núi trước và sau ngày làm việc”- Orwell khẳng định. Khoảng thời gian này không được trả công một đồng nào.

Orwell viết Con đường đến bến Wigan cho hội Left Book Club - một nhóm hoạt động xã hội chuyên xuất bản một tuyển tập hằng tháng. Sau khi đọc hết nửa đầu cuốn sách, mô tả trực tiếp hoàn cảnh cá nhân của các thợ mỏ, ta thật không khỏi thương xót cho những người lao động nghèo. Chỉ có quái vật mới không mềm lòng trước ghi chép về những mảnh đời mà Orwell diễn tả:

Cách đây không lâu, điều kiện trong hầm mỏ thậm chí còn tôi tệ hơn bây giờ. Vẫn còn những bà lão có tuổi trẻ gắn liền với công việc dưới lòng đất, dùng cả tứ chi để bò và kéo lê những ống than. Họ vẫn làm việc này ngay cả khi đang mang thai.

Tuy vậy, ở nửa sau cuốn sách, Orwell lại chuyển hướng sang một vấn đề khác: Sự không được ưa chuộng tương đối của xã hội chủ nghĩa tại Anh vào thời điểm đó, bất chấp tình trạng bất bình đẳng rõ ràng và đau đớn đầy rẫy khắp nơi. Ông kết luận rằng các kiểu cải cách xã hội của những kẻ ăn mặc chỉn chu với triết lý trên bàn giấy đều đáng khinh và rẻ tiền, luôn tự xem mình là nạn nhân và thường không hề yêu thương người nghèo như họ tuyên bố. Thay vào đó, họ chỉ ghét lũ nhà giàu. Họ ngụy trang sự oán giận và ghen ghét bằng lòng mộ đạo, thánh thiện và tự cho mình là đúng. Những điều vô thức - hoặc nhân danh công lý xã hội - thường xuất hiện ở phe cánh tả - mà đến nay cũng không thay đổi mấy. Chính vì Freud, Jung, Nietzsche - và Orwell - mà tôi luôn tự hỏi: “Vậy các vị đang chống lại điều gì?”, và lúc nào tôi nghe ai đó nói dõng dạc: “Tôi ủng hộ điều này!” Câu hỏi có vẻ đặc biệt chính đáng nếu người nói đó cũng chính là người phàn nàn, chỉ trích hoặc cố gắng thay đổi hành vi của kẻ khác.

Tôi tin rằng Jung chính là người đã đưa ra một tuyên bố nguy hại nhất về phân tâm học: Nếu bạn không hiểu tại sao một người làm điều gì đó, thì hãy nhìn vào hậu quả - và suy ra động cơ. Đây được xem là chiếc dao mổ trong tâm lý học. Nó không phải lúc nào cũng là công cụ thích hợp. Nó có thể cắt quá sâu hoặc sai chỗ. Có lẽ nó chỉ là lựa chọn cuối cùng. Tuy nhiên, có những lúc mà sử dụng nó sẽ khai sáng cho ta.

Giả sử, nếu hậu quả của việc gắn những “thanh chặn” trên các chậu cây và chân tượng để làm cho những nam thanh thiếu niên cảm thấy không vui, và khiến không một ai mảy may quan tâm đến vẻ đẹp mỹ học mang chủ nghĩa thô mộc, thì đó chính là mục tiêu của chúng. Khi ai đó khẳng định hành động của họ xuất phát từ những nguyên tắc cao cả nhất nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho người khác, thì chẳng có lý do gì để cho rằng động cơ ấy là chân thành. Những người có động cơ khiến mọi thứ tốt đẹp hơn thường chẳng quan tâm đến chuyện thay đổi người khác - hoặc nếu có thì cũng là vì họ nhận trách nhiệm tạo ra những thay đổi ấy cho chính họ (và trước nhất). Đằng sau việc tạo ra những luật lệ ngăn cấm bọn trẻ trượt ván trình diễn kỹ năng điêu luyện, nguy hiểm và can đảm, tôi nhận thấy hành động của một linh hồn hiểm độc và chống đối nhân loại sâu sắc.

ĐÔI ĐIỀU VỀ CHRIS

Bạn tôi, Chris, người mà tôi đã nhắc đến trong các chương trước, từng bị một linh hồn xấu nhập vào - dẫn đến sức khỏe tinh thần của cậu ta bị tổn hại nghiêm trọng. Một phần những điều xâm chiếm cậu ta đến từ cảm giác tội lỗi. Cậu từng học tiểu học và trung học cơ sở tại nhiều thị trấn, trên tận những vùng thảo nguyên mênh mông băng giá của Alberta, trước khi đến Fairview (nơi tôi nhắc đến trong chương trước). Đánh nhau với lũ trẻ địa phương là một phần trải nghiệm quá đỗi bình thường của cậu ấy trong những lần chuyển nhà. Cũng không quá khi nói rằng những đứa trẻ ở đây nhìn chung đều hung dữ hơn mấy đứa nhóc da trắng, hoặc có thể do chúng dễ tự ái hơn (nhưng chúng có lý do riêng của mình). Tôi biết được điều đó dựa trên kinh nghiệm bản thân.

Khi học tiểu học, tôi có một đứa bạn chí cốt tên Rene Heck[60], một đứa con lai thổ dân Métis. Chúng tôi thân với nhau nhờ vào một hoàn cảnh phức tạp. Rene và tôi khác biệt rất lớn về văn hóa. Quần áo của cậu bẩn hơn tôi. Thái độ cùng lời nói cũng thô lỗ hơn. Do học nhảy lớp nên trông tôi nhỏ hơn độ tuổi. Rene là đứa to con, thông minh, bảnh trai và cũng rất cứng cựa. Chúng tôi học cùng nhau vào năm lớp sáu, trong một lớp do bố tôi dạy. Trong giờ học, bố tôi bắt gặp Rene nhai kẹo cao su. “Rene”, ông bảo. “Nhả kẹo ra nào. Trông em như con bò vậy.” “Ha ha. Bò Rene”, tôi thầm cười nhạo. Rene có thể là bò thật, nhưng tai cậu ta rất thính. “Peterson, tan học mày chết với tao”, Rene bật lại.

Sáng sớm hôm ấy, Rene và tôi đã hẹn nhau xem phim vào buổi tối, ở rạp phim Gem trong vùng. Cái rạp như kiểu sắp sụp đến nơi. Dù sao thì thời khắc còn lại của ngày hôm ấy cũng trôi qua đầy vội vã và bức bối, giống như có mối đe dọa và nỗi đau rình rập. Rene dư sức cho tôi một trận nhừ tử. Tan học, tôi dùng hết tốc lực vồ lấy chiếc xe đạp dựng ngoài trường, nhưng Rene đã bắt tôi ngay tại trận. Chúng tôi chạy vòng quanh chiếc xe, Rene một bên và tôi một bên. Chúng tôi như các nhân vật trong bộ phim hài ngắn “Cớm Keystone” vậy. Miễn là tôi cứ tiếp tục chạy vòng quanh như thế thì Rene chẳng thể nào tóm được tôi. Nhưng sách lược ấy không thể hiệu quả mãi. Tôi hét to xin lỗi, nhưng cậu chẳng đoái hoài. Lòng tự tôn của cậu bị xúc phạm và chỉ muốn tôi trả giá.

Tôi cúi mình núp sau vài chiếc xe đạp, mắt vẫn chú ý quan sát Rene. “Rene, tao xin lỗi vì kêu mày là bò. Đừng đánh nhau nữa”, tôi hét. Cậu ta bắt đầu áp sát tôi. Tôi nói tiếp: “Rene, tao rất xin lỗi mày vì đã nói thế. Thật đấy. Tao vẫn muốn cùng mày xem phim.” Đây không chỉ là một chiến thuật, mà quả là tôi có ý như thế. Nếu không thì mọi chuyện tiếp theo đã không diễn ra. Rene ngừng lại, nhìn chằm chằm vào tôi. Rồi cậu ta bật khóc và chạy mất. Đó là câu chuyện vắn tắt về tình bạn giữa một đứa trẻ bản xứ và một đứa da trắng trong một thị trấn nhỏ nghèo nàn. Chúng tôi đã không bao giờ đi xem phim cùng nhau.

Khi anh bạn Chris của tôi gặp trường hợp tương tự với những đứa trẻ bản xứ, cậu ta sẽ không đánh lại. Chris không hề cho rằng việc tự vệ là chính đáng về mặt đạo đức, nên cậu ta cứ chịu trận. Sau này, cậu viết trong thư rằng: “Chúng ta đã chiếm đất của họ. Thế là sai. Nên họ tức giận là điều hiển nhiên.” Thời gian trôi qua, Chris từng bước tách mình khỏi thế giới. Đó một phần là do lỗi của cậu ấy. Cậu dần hình thành sự oán ghét đối với cánh đàn ông và những việc họ làm. Cậu ta cho rằng việc đi học, đi làm hay có bạn gái là một phần của quá trình thuộc địa hóa Bắc Mỹ, hay tình trạng bế tắc hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh, để rồi bòn rút cả hành tinh. Chris đọc vài quyển kinh Phật và cảm thấy rằng việc phủ nhận Hữu thể của bản thân mình chính là một hành động đạo đức cần thiết giữa tình hình thế giới lúc bấy giờ. Cậu tin rằng điều này cũng nên được áp dụng với những người khác.

Khi tôi còn là sinh viên đại học, có một khoảng thời gian Chris là bạn cùng phòng với tôi. Một đêm nọ, chúng tôi cùng nhau đến một quầy bar địa phương. Sau đó, chúng tôi đi bộ về nhà. Chris bắt đầu đập vỡ kính chiếu hậu của những chiếc xe hơi đỗ ven đường, từng chiếc một. Tôi nói: “Dừng lại đi, Chris. Cậu khiến chủ những chiếc xe này khổ sở thì ích gì chứ?” Chris nói rằng, những người đó đều là một phần trong hoạt động cuồng tín của nhân loại, hủy hoại mọi thứ và họ xứng đáng với những gì mình nhận được. Tôi tiếp lời rằng việc trả thù những người đang sống một cuộc sống bình thường này sẽ chẳng giúp ích gì cả.

Nhiều năm sau, khi tôi đã vào cao học tại Montreal, Chris đã xuất hiện trong một lần viếng thăm. Nhưng giờ cậu ta không có mục tiêu và lạc lối. Chris hỏi tôi có thể giúp cậu ta không và sau đó cậu dọn vào ở cùng tôi. Thời điểm đó tôi đã kết hôn và sống với vợ tôi Tammy, cùng con gái một tuổi của chúng tôi, Mikhaila. Chris cũng từng là bạn của Tammy thời còn ở Fairview (và nuôi hy vọng rằng mối quan hệ ấy sẽ trên mức tình bạn). Tình huống ngày càng phức tạp hơn - nhưng hoàn toàn không theo kiểu mà bạn có thể đang nghĩ đâu. Ban đầu, Chris ghét đàn ông, nhưng cuối cùng cậu lại quay ra ghét phụ nữ. Cậu ta từng muốn có được họ, nhưng lại từ bỏ học hành, sự nghiệp và khát vọng của mình. Cậu ta nghiện thuốc nặng và thất nghiệp. Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi chẳng có cô nào thích cậu. Càng như vậy, Chris lại càng chua xót hơn. Tôi cố thuyết phục rằng con đường cậu ta chọn chỉ khiến tương lai bị hủy hoại thêm. Cậu ấy cần khiêm nhường hơn đôi chút và tìm lại cuộc sống.

Một tối nọ, đến lượt Chris nấu ăn. Khi vợ tôi về, căn hộ ngập trong khói. Bánh hamburger cháy khét trong chảo. Trong khi đó, Chris đang khom người sửa lại thứ gì đó long ra từ chân bếp lò. Vợ tôi biết ngay trò của cậu ta. Cô ấy biết cậu ta cố tình làm cháy bữa tối. Chris ghét phải nấu ăn. Cậu ta oán hận vai trò của phụ nữ (dù mọi người đã phân chia công việc nhà một cách hợp lý, ngay cả cậu ta cũng biết rõ). Cậu ta sửa bếp lò cốt để tạo ra một cái cớ hợp lý, thậm chí đáng tin cho việc làm cháy thức ăn. Khi bị vợ tôi chỉ ra, cậu ta ra vẻ là người bị hại, nhưng lại phát rồ và cực kỳ nguy hiểm. Phần nào đó trong cậu - và không phải phần tốt đẹp - khiến cậu tin rằng mình thông minh hơn bất cứ ai. Nên việc bị cô ấy nhìn ra mánh lới của mình cũng giống như một đòn giáng thẳng vào lòng kiêu hãnh của cậu ta. Quả là một tình huống tồi tệ.

Hôm sau, Tammy và tôi tản bộ đến công viên địa phương. Chúng tôi cần ra ngoài căn hộ dù nhiệt độ bên ngoài đang là âm 35 độ. Trời rét đậm, ẩm ướt và mù sương. Gió hôm ấy rét buốt. Thời tiết thật khắc nghiệt. Tammy bộc bạch rằng sống với Chris vậy là đã quá lắm rồi. Chúng tôi vào công viên. Những cành cây đâm xuyên qua màn sương xám ẩm ướt. Trên cây có một con sóc đen, lông đuôi trụi lủi, đu người trên cành cây trụi lá. Thân nó run lên từng hồi rần rật, cố chống lại cái rét buốt của cơn gió. Chúng làm gì bên ngoài trong cái lạnh này? Mùa này chúng phải đang ngủ đông mới đúng chứ. Chúng chỉ ra ngoài kiếm ăn lúc thời tiết ấm áp thôi chứ. Sau đó, chúng tôi thấy rất nhiều con nữa. Hết con này đến con khác. Sóc ở khắp công viên, con nào cũng trụi lông một phần ở đuôi và cơ thể. Tất cả đều chống chọi với cơn gió trên cành, run rẩy và đông cứng trong cái lạnh giá chết người. Xung quanh chẳng có lấy một ai. Điều này thật khó tin, không thể giải thích được. Nhưng mọi thứ thật trùng hợp. Chúng tôi như đang trên sân khấu của một vở kịch đầy hoài nghi được Thượng Đế đạo diễn. Sau đó không lâu, Tammy đã dắt con gái chúng tôi đi đâu đó vài ngày.

Gần lễ Giáng sinh cùng năm ấy, em trai tôi cùng cô vợ mới cưới ghé thăm chúng tôi từ miền Tây Canada. Em tôi cũng quen biết Chris. Họ đều mặc quần áo ấm, chuẩn bị đi dạo quanh khu trung tâm Montreal. Chris mặc áo khoác đông dài, tối màu. Cậu đội mũ len dệt kim đen không vành và kéo phủ cả đầu. Áo khoác, quần và bốt đều tuyền đen. Cậu ta cao gầy và trông hơi gù. Tôi đùa: “Chris ạ, trông cậu hệt như tên sát nhân hàng loạt vậy.” Chúng tôi cười ha ha. Rồi ba chúng tôi đi bộ về. Chris có vẻ bực bội. Hệt như có người lạ xâm nhập lãnh thổ của cậu ta vậy. Nhìn một cặp đôi khác đang hạnh phúc như xát muối vào những vết thương của cậu ta vậy.

Chúng tôi đã có một bữa tối khá ngon. Chúng tôi cùng trò chuyện và kết thúc buổi tối. Nhưng tôi vẫn không ngủ được. Có điều gì đó không đúng. Tôi có một linh cảm. Đến 4 giờ sáng thì tôi không chịu được nữa. Tôi bò ra khỏi giường, khẽ gõ cửa phòng Chris rồi cứ thế mà bước vào, chẳng đợi cho phép. Đúng như tôi đoán, cậu ta vẫn thức và nằm trên giường, nhìn trân trân lên trần nhà. Tôi ngồi xuống cạnh cậu ấy. Tôi hiểu cậu rất rõ. Tôi tìm cách xoa dịu cơn thịnh nộ muốn giết người của cậu. Sau đó, tôi trở lại giường và thiếp đi. Sáng hôm sau, em trai kéo tôi dậy và muốn nói chuyện. Chúng tôi ngồi xuống. Cậu ấy hỏi: “Chuyện quái gì xảy ra tối qua vậy? Em chẳng ngủ được chút nào. Có chuyện gì à?” Tôi bảo rằng Chris không được khỏe. Tôi đã không nói với em mình rằng cậu ấy thật may mắn vì vẫn còn sống - và chúng tôi cũng thế. “Linh hồn của Cain” đã ghé qua nhà chúng tôi, nhưng chúng tôi đều bình an vô sự.

Có lẽ tôi đã ngửi được mùi gì đó khang khác tối qua khi cái chết cận kề. Chris toát ra một mùi rất gắt. Cậu ta tắm thường xuyên, nhưng khăn tắm và tấm ga giường cũng ám thứ mùi ấy. Không cách nào xóa sạch được. Đây là sản phẩm do tâm trí và thể xác không hài hòa với nhau. Tôi có quen một nhân viên công tác xã hội cũng biết Chris. Cô nói với tôi rằng cô quá quen với mùi đó rồi. Mọi người nơi cô làm việc đều biết đến nó, dù họ chỉ thì thầm bàn tán. Họ gọi đó là mùi “thất nghiệp”.

Sau khi hoàn thành các bài nghiên cứu cho chương trình sau tiến sĩ, tôi cùng Tammy chuyển từ Montreal đến Boston sống. Vợ chồng tôi sinh đứa thứ hai. Thỉnh thoảng, tôi và Chris vẫn nói chuyện qua điện thoại. Cậu ta có ghé thăm nhà một lần. Mọi chuyện đã suôn sẻ. Cậu ấy đã kiếm được việc làm trong cửa hàng sửa chữa xe hơi. Cậu ấy đang cố gắng cải thiện tình hình tốt lên. Cậu ta ổn ở thời điểm ấy. Nhưng không được bao lâu. Sau đó, tôi không còn gặp cậu ở Boston lần nào nữa. Đến gần mười năm sau - vào một đêm trước sinh nhật lần thứ 40 của cậu - cậu ấy mới gọi lại cho tôi. Khi ấy, gia đình tôi đã chuyển đến Toronto. Cậu ấy có vài tin mới. Câu chuyện mà cậu viết sắp được xuất bản trong tuyển tập của một tờ báo nhỏ nhưng chính thống. Cậu ấy muốn báo tôi biết. Cậu đã viết vài câu chuyện ngắn hay và tôi đã đọc hết chúng. Chúng tôi đã thảo luận rất lâu về chúng. Chris còn là một tay nhiếp ảnh cừ khôi. Cậu có cái nhìn tốt và sáng tạo. Hôm sau, Chris lái cái xe tải nhỏ cũ kỹ - cũng chính là con quái thú nham nhở từ Fairview - đâm vào bụi rậm. Cậu ta đã nối một ống nhựa từ ống xả vào buồng lái của xe. Tôi có thể mường tượng được hình ảnh của cậu ấy, qua tấm kính chắn gió vỡ nát, đang ngồi hút thuốc và chờ đợi. Người ta phát hiện thi thể cậu vài tuần sau đó. Tôi gọi điện cho bố cậu. Ông nghẹn ngào: “Đứa con trai yêu quý của tôi.”

Gần đây, tôi được mời phát biểu một bài diễn thuyết TEDx tại trường đại học bên cạnh. Có một vị giáo sư diễn thuyết trước. Ông được mời chia sẻ về công trình của mình - một công trình kỹ thuật tuyệt vời - với các màn hình máy tính thông minh (giống như màn hình cảm ứng của máy tính, nhưng có thể đặt khắp mọi nơi). Nhưng ông lại kể về mối đe dọa mà con người gây ra cho sự sống còn của hành tinh này. Giống như Chris - và bao người khác - ông có tư tưởng chống đối con người từ trong bản chất. Ông ta không dấn sâu vào con đường đấy như bạn tôi, nhưng cả hai đều bị linh hồn đáng sợ ấy cổ vũ.

Ông đứng trước màn hình đang trình chiếu vô số hình ảnh của một nhà máy công nghệ cao có bề rộng hàng dãy nhà của Trung Quốc. Hàng trăm nhân công lẳng lặng mặc đồ trắng đứng sau các dây chuyển lắp ráp, gắn mảnh A vào mảnh B như những con robot vô tri, vô giác. Ông nói với khán giả - đa phần là những thanh niên sáng láng - về quyết định chỉ sinh một con của ông và vợ mình. Ông nói đó cũng là điều mà mọi người đều nên cân nhắc, nếu muốn tự xem mình là người có đạo đức. Tôi cho rằng quyết định ấy đáng được cân nhắc hợp lý - nhưng chỉ trong trường hợp cụ thể của ông ta thôi (thậm chí ít hơn một đứa lại tốt hơn). Nhiều sinh viên Trung Quốc tham gia tỏ vẻ lãnh đạm trước màn giảng đạo của ông ta. Có lẽ họ nghĩ về bố mẹ mình đã trốn thoát khỏi cuộc Cách mạng Văn hóa và chính sách “một con”. Có lẽ họ nghĩ sự cải thiện to lớn trong mức sống và tự do là nhờ vào các nhà máy tương tự. Vài người đã nói rất nhiều về điều đó trong phần đặt câu hỏi.

Liệu vị giáo sư đó có cân nhắc lại quan điểm của mình không, nếu ông ta biết những ý kiến của mình sẽ dẫn đến đâu? Tôi muốn trả lời là có, nhưng không tin lắm. Tôi nghĩ có lẽ ông đã biết nhưng không chịu chấp nhận. Tệ hơn, có lẽ ông ta biết rõ nhưng lại chẳng màng đến; hoặc đã biết - nhưng vẫn tự nguyện đâm đầu vào đó bất chấp hậu quả.

NHỮNG THẨM PHÁN TỰ XƯNG CỦA LOÀI NGƯỜI

Cách đây không lâu, Trái Đất dường như là nơi rộng lớn vô tận so với số người sinh sống trên đó. Chỉ đến cuối thập niên 1800, nhà sinh vật học lỗi lạc Thomas Huxley (1825-1895) - một người bảo vệ trung thành học thuyết tiến hóa Darwin và cũng là ông nội của Aldous Huxley - mới tuyên bố với Nghị viện Anh rằng nhân loại không thể nào khai thác cạn kiệt đại dương được. Sức mạnh sinh sôi của đại dương đơn giản là quá vĩ đại, như ông có thể xác định, ngay cả khi đã so với lối sống ăn thịt dữ dội nhất của loài người. Nhưng chỉ trong chưa đến 50 năm, cuốn sách Silent spring (tạm dịch: Mùa xuân câm lặng) của Rachel Carson đã làm nổ ra phong trào về môi trường. Chỉ 50 năm! Có là gì đâu! Thậm chí chẳng phải là hôm qua.

Chúng ta chỉ vừa mới phát triển các công cụ và công nghệ mang tính khái niệm, cho phép ta hiểu được mạng lưới của sự sống, dù chưa hoàn hảo. Vì thế, chúng ta xứng đáng nhận được chút cảm thông cho sự tổn thương giả định từ hành vi phá hoại của mình. Đôi khi chúng ta không biết làm gì tốt hơn. Đôi khi chúng ta lại biết rất rõ, nhưng chưa lập ra được bất kỳ giải pháp thực tiễn nào. Xét cho cùng, cuộc sống không hề đơn giản với loài người, thậm chí ngay lúc này - và chỉ mới vài thập kỷ trước đây, đa số loài người phải lâm vào cảnh chết đói, bệnh tật và mù chữ. Dù giàu có (mọi người ngày càng giàu lên ở khắp nơi), chúng ta chỉ sống được vài thập kỷ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả trong hiện tại, chỉ một gia đình may mắn hiếm hoi mới không có thành viên nào mắc bệnh hiểm nghèo - nhưng sau cùng ai cũng phải đối mặt với vấn đề này. Chúng ta làm mọi điều có thể để đưa mọi chuyện theo hướng tốt nhất, bằng sự mong manh dễ vỡ của mình và hành tinh này luôn khắc nghiệt với chúng ta hơn chúng ta đối với nó. Chúng ta có thể cho phép bản thân mềm yếu đôi chút.

Dẫu sao, loài người chúng ta vẫn là sinh vật cực kỳ đáng kinh ngạc. Không có loài nào sánh ngang với chúng ta và không rõ chúng ta có giới hạn thực sự nào không. Những điều đang xảy ra trong thực tại từng tưởng như bất khả thi đối với loài người trong quá khứ gần đây, khi chúng ta vừa thức tỉnh về những trách nhiệm to lớn ở cấp độ hành tinh này. Vài tuần trước khi viết những dòng này, tôi tình cờ xem được hai đoạn phim ngắn liên tiếp trên Youtube. Một đoạn nói về một vận động viên đoạt huy chương vàng môn nhảy sào năm 1956; đoạn còn lại nói về vận động viên nhận huy chương bạc môn nhảy sào tại Olympics năm 2012. Nhưng hai đoạn phim trông không giống như cùng một môn thể thao - hoặc tả hai người cùng một loài. Điều McKayla Maroney[61] thể hiện trong năm 2012 từng được xem là “siêu nhân” trong thập niên 1950. Parkour, môn thể thao xuất phát từ khóa đào tạo vượt chướng ngại vật của quân đội Pháp, cũng tuyệt vời như chạy tự do vậy.

Tôi đã xem nhiều tuyển tập phim về parkour và không thể giấu nổi sự ngưỡng mộ. Vài đứa trẻ nhảy qua những tòa nhà ba tầng lầu mà không hề thương tích. Nó nguy hiểm - nhưng tuyệt vời. Những người leo cần trục tháp cũng dũng cảm không thể tin được. Những người chạy xe đạp trên địa hình hiểm trở, trượt ván tuyết tự do, lướt những con sóng cao đến 15 mét và trượt ván cũng dũng cảm như thế.

Còn những thanh niên xả súng tại trường Trung học Columbine, mà chúng ta đã bàn trong chương trước, đã tự cho họ là những vị thẩm phán của nhân loại - giống như vị giáo sư trong chương trình TEDx, dù chúng cực đoan hơn rất nhiều; giống như Chris, người bạn quá cố của tôi. Đối với Eric Harris, kẻ có học thức hơn trong hai tên sát nhân, hắn cho rằng nhân loại là giống loài sa ngã và mục ruỗng. Một khi thành kiến như thế được chấp nhận, mọi logic bên trong hẳn nhiên sẽ biểu thị nó ra. Nếu vấn đề ở đây là bệnh dịch như David Attenborough đã từng lên tiếng, hay ung thư như Hội La Mã (Club of Rome)[62] từng phát biểu, thì người xóa sổ được nó sẽ được xem là anh hùng, là vị cứu tinh đích thực của cả hành tinh. Một đấng cứu thế đúng nghĩa phải tuân theo logic đạo đức nghiêm ngặt của chính mình và quên cả bản thân. Đây là điều mà những kẻ giết người hàng loạt, bị thôi thúc bởi nỗi oán hận gần như vô hạn, thường làm. Ngay cả Hữu thể của họ cũng không thể bênh vực cho sự tồn tại của nhân loại. Thực ra, họ tự giết mình đơn thuần để chứng minh cho sự thuần khiết của cam kết hủy diệt. Không ai trong thế giới hiện đại có thể bày tỏ ý kiến rằng sự tồn tại của loài người sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi không có người Do Thái, người da đen, người Hồi giáo hay người Anh mà không bị phản đối. Vậy vì sao lại đúng khi cho rằng hành tinh này sẽ tốt đẹp hơn nếu có ít người sống trên đó hơn? Tôi không khỏi mường tượng ra một khuôn mặt xương xẩu, nhếch mép cười hân hoan trước một khả năng tận thế, giấu mặt sau những tuyên bố như thế. Và vì sao những người thường kiên quyết chống lại định kiến lại hay tự cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm tố giác nhân loại đến vậy?

Tôi đã từng thấy các sinh viên đại học, đặc biệt là sinh viên ngành nhân văn, thực sự suy sụp về sức khỏe tinh thần khi các em bị đày đọa bởi triết lý của những người bảo vệ hành tinh này, chỉ vì họ đã tồn tại như những thành viên của nhân loại. Tôi nghĩ điều này còn tệ hơn đối với những người trẻ. Vì khi được thừa hưởng đặc quyền từ chế độ gia trưởng, những thành tựu của họ luôn bị xem là có sẵn. Nếu là người ủng hộ tiềm năng của một thứ văn hóa cưỡng bức, họ sẽ là đối tượng bị tình nghi về tấn công tình dục. Tham vọng khiến họ cướp bóc hành tinh này. Họ không được chào đón. Ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học, họ tụt hậu trong học tập. Khi con trai tôi được 14 tuổi, chúng tôi đã bàn về điểm số của thằng bé. Thằng bé nói rằng nó đã làm rất tốt đối với một đứa con trai. Nhưng tôi đòi hỏi nhiều hơn. Nó đáp rằng mọi người đều biết con gái thường học giỏi hơn con trai trong trường. Giọng điệu của nó thể hiện sự bất ngờ trước sự ngờ nghệch của tôi về điều gì đó hiển nhiên. Khi viết đến dòng này, tôi đã nhận được ấn bản mới nhất của tờ The Economist. Các bạn biết bài đăng trang bìa là gì không? “The Weaker Sex” (Phái yếu) nghĩa là nam giới. Trong các trường đại học hiện đại, nữ giới chiếm hơn 50% số sinh viên và hơn 2/3 ngành học.

Trong thế giới hiện đại, nam giới đang phải chịu đựng. Họ bất tuân hơn - theo nghĩa tiêu cực, hoặc độc lập hơn - theo nghĩa tích cực - so với nữ giới. Và họ phải chịu đựng điều này trong suốt sự nghiệp học tập trước khi vào đại học của mình. Họ khó đồng thuận hơn (sự đồng thuận là nét tính cách gắn với lòng trắc ẩn, đồng cảm và tránh né mâu thuẫn) cũng như ít mắc chứng lo âu và trầm cảm, ít nhất là sau khi cả hai giới đến tuổi dậy thì. Nam giới quan tâm đến sự vật, còn nữ giới thiên vẽ con người. Bất ngờ là những khác biệt này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các yếu tố sinh học, thể hiện rõ nhất trong xã hội Bắc Âu nơi bình đẳng giới được thúc đẩy mạnh mẽ nhất: Điều này đối lập với kỳ vọng của những người luôn lớn tiếng khẳng định rằng giới tính chính là khái niệm định ra xã hội. Không hề. Cũng không cần tranh cãi vì đã có dữ liệu rồi.

Nam giới thích cạnh tranh và họ không thích phải vâng lời, đặc biệt ở tuổi niên thiếu. Trong thời gian đó, họ bị thôi thúc phải thoát khỏi gia đình và tạo dựng cho mình một cuộc sống độc lập. Hầu như chẳng có sự khác biệt nào giữa việc ấy với sự thách thức quyền uy. Các trường học được thành lập vào cuối thập niên 1800, vốn đề cao sự phục tùng, sẽ không nương tay với hành vi khiêu khích và liều lĩnh, bất chấp điều đó thể hiện sự cứng cỏi và tài năng ở một cậu bé (hay cô bé). Các yếu tố khác đóng vai trò lý giải cho sự xuống dốc của những bé trai. Ví dụ, các bé gái sẽ chơi trò của con trai, nhưng các cậu trai lại khá miễn cưỡng khi chơi trò con gái. Điều này một phần vì việc một cô bé giành chiến thắng khi đấu với một cậu bé là điều đáng ngưỡng mộ. Và dù cô bé có thua cũng chẳng sao. Nhưng một cậu bé đấu với một cô bé thì không ổn chút nào - và thậm chí còn tệ hơn nữa khi bị một cô bé đánh bại. Hãy hình dung một cậu bé và một cô bé cùng chín tuổi tham gia một cuộc thi đấu. Chỉ cần tham gia thôi thì cậu bé đã bị hoài nghi rồi. Nếu cậu bé thắng thì thật đáng khinh. Nếu cậu bé thua thì đời cậu cũng xem như xong. Thua một đứa con gái, thật thế ư?

Các cô gái có thể giành chiến thắng bằng cách chiến thắng trong thứ bậc của chính họ - tức giỏi giang ở những việc mà con gái xem trọng, ở việc “là con gái”. Họ có thể góp phần cho thắng lợi này bằng cách chiến thắng trong thứ bậc của cánh đàn ông. Tuy nhiên, con trai chỉ có thể thắng khi giành chiến thắng trong thứ bậc của mình. Họ sẽ đánh mất địa vị trong mắt cả nữ lẫn nam khi giỏi giang những việc mà con gái xem trọng. Nó sẽ tước đi danh tiếng của họ trong đám con trai và cũng mất đi sự hấp dẫn trong mắt con gái. Các cô gái không bị hấp dẫn bởi những chàng trai là bạn của họ, dù có thể quý mến họ, bất kể sự “quý mến” ấy mang ý nghĩa gì. Nữ giới luôn bị thu hút bởi những chàng trai giành chiến thắng trong cuộc chiến địa vị với những đứa trai khác. Nhưng nếu bạn là nam, bạn không thể thẳng tay hạ gục một đứa con gái như khi đánh bại một đứa con trai khác. Con trai không thể (và sẽ không) thực sự chơi trò cạnh tranh với các cô gái. Họ không rõ mình có thể thắng bằng cách nào. Khi cuộc chơi biến thành trò chơi của con gái, các chàng trai thường sẽ bỏ đi. Liệu các trường đại học - đặc biệt là trường nhân văn - có trở thành cuộc chơi của con gái không? Chúng ta có muốn thế không?

Tình hình tại các trường đại học (và các cơ sở giáo dục nói chung) rắc rối hơn nhiều so với số liệu thống kê cơ bản chỉ ra. Nếu loại bớt các chương trình gọi là STEM (science - khoa học, technology - công nghệ, engineering - kỹ thuật và mathematics - toán học; và cả tâm lý học) thì tỷ lệ nam/nữ thậm chí còn chênh lệch hơn. Gần 80% sinh viên chuyên ngành y tế, quản trị công, tâm lý học và giáo dục, tức chiếm 1/4 tổng số ngành nghề, đều là nữ. Sự cách biệt này vẫn đang gia tăng nhanh chóng. Với tốc độ trên, trong vòng 15 năm tới đây, sẽ có rất ít nam sinh ở hầu hết các ngành đại học. Đây không phải là tin vui cho nam giới, thậm chí còn là thảm họa. Nhưng cũng không phải tin vui cho nữ giới.

SỰ NGHIỆP VÀ HÔN NHÂN

Phụ nữ tại các trường viện ở bậc học cao hơn, với nữ giới thống trị, đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp mối quan hệ hẹn hò của họ, dù chỉ trong khoảng thời gian vừa phải. Hậu quả là họ phải tìm cách hài lòng với “tình một đêm” (nếu có ham muốn), thậm chí là “tình một đêm” liên tiếp. Có thể đây là một bước tiến về tự do giới tính, nhưng tôi khá hoài nghi. Tôi nghĩ điều này thật tồi tệ với nữ giới. Một mối quan hệ yêu đương ổn định là điều rất được trông đợi với cả nam lẫn nữ. Nhưng đối với phụ nữ, đó lại thường là điều họ khát khao nhất. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, từ năm 1997 đến 2012, số lượng phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 34 cho rằng “một cuộc hôn nhân thành công là một trong những điều quan trọng nhất trong đời” đã tăng từ 28% lên 37% (tăng hơn 30%[63]). Còn số nam thanh niên có nhận định tương tự đã giảm 15% trong cùng giai đoạn (từ 35% xuống 29%). Trong thời gian đó, tỷ lệ người trên 18 tuổi lập gia đình tiếp tục giảm đi, từ 3/4 vào năm 1960 xuống còn 1/2 ở hiện tại. Cuối cùng, trong số những người trưởng thành chưa kết hôn ở độ tuổi từ 30 đến 59, số nam giới nói rằng họ không bao giờ muốn kết hôn cao gấp ba lần nữ giới (27% so với 8%).

Dù sao đi nữa, ai có quyền quyết định rằng sự nghiệp quan trọng hơn tình yêu và gia đình? Liệu có đáng đánh đổi 80 tiếng làm việc mỗi tuần tại một công ty luật cao cấp cho kiểu thành công ấy không? Và nếu xứng đáng thì tại sao? Một số ít người (một lần nữa, chủ yếu là cánh đàn ông có mức độ đồng thuận thấp) cực kỳ ưa cạnh tranh và muốn chiến thắng bằng mọi giá. Chỉ một số ít người trong thâm tâm cảm thấy công việc thú vị. Nhưng hầu hết mọi người không cảm thấy thế và sẽ không như thế. Tiền bạc có vẻ cũng không cải thiện đời sống của con người hơn, một khi người ta đã có đủ tiền để tránh bị giục thanh toán hóa đơn. Hơn nữa, hầu hết phụ nữ có tài và thu nhập cao đều có bạn đời cũng có tài và thu nhập cao - và điều này có ý nghĩa hơn với họ. Dữ liệu của Pew cũng chỉ ra rằng một người phối ngẫu có công việc đáng mơ ước sẽ là đối tượng ưu tiên cao của của gần 80% phụ nữ chưa từng kết hôn nhưng đang tìm đối tượng (nhưng con số này ở nam giới chưa đến 50%).

Khi đến độ tuổi 30, hầu hết các nữ luật sư hàng đầu sẽ rút khỏi sự nghiệp đầy áp lực của họ. Chỉ 15% đồng sự sở hữu tại 200 công ty luật lớn nhất Hoa Kỳ là phụ nữ. Con số này không thay đổi nhiều trong 15 năm qua, dù có rất nhiều nữ trợ lý và nữ luật sư. Không phải vì các công ty luật không muốn giữ nhân viên nữ và để họ thành công. Mà vì ở đây có sự thiếu hụt “mãn tính” về nguồn nhân lực xuất sắc, ở bất kể giới tính nào, và các công ty luật đang giữ họ lại trong tuyệt vọng.

Những phụ nữ sau khi nghỉ việc muốn có một công việc - và một cuộc sống - cho phép họ có thêm thời gian. Sau khi học xong trường luật và làm việc trong vài năm đầu, họ đã hình thành những sở thích khác. Đây là vấn đề phổ biến tại các công ty lớn (tuy không phải điều mà họ thoải mái thể hiện ra ngoài, dù là nam hay nữ). Mới đây, tôi đã xem bài giảng của một nữ giáo sư tại Đại học McGill, trong một gian phòng đầy những đồng sự nữ hoặc sắp là đồng sự tại các hãng luật. Bà nói rằng vấn đề thiếu cơ sở vật chất giữ trẻ và “định nghĩa của nam giới về thành công” đã cản trở quá trình thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ, khiến họ phải nghỉ việc. Tôi quen biết hầu hết các chị em trong phòng. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau rất lâu. Tôi biết họ cũng không thấy rằng tất cả những chuyện này là vấn đề. Họ có người trông trẻ, đủ khả năng thuê người trông trẻ. Họ cũng đã thuê ngoài những nghĩa vụ và nhu cầu làm việc nhà. Họ cũng rất hiểu rằng thị trường quyết định thành công, chứ không phải do các đồng nghiệp nam. Nếu bạn kiếm được 650 đô-la/giờ tại Toronto với với tư cách một luật sư hàng đầu và khách hàng của bạn tại Nhật gọi cho bạn vào lúc 4 giờ sáng Chủ Nhật, thì bạn sẽ phải trả lời điện thoại ngay lập tức, ngay cả khi vừa mới thiếp đi sau khi cho con bú. Bạn phải trả lời vì có rất nhiều luật sư đầy tham vọng tại New York sẵn lòng trả lời thay bạn nếu bạn không làm - và đó là lý do thị trường quyết định công việc.

Sự thiếu hụt nguồn cung nam giới có trình độ đại học dẫn đến số phụ nữ muốn kết hôn và hẹn hò gia tăng khốc liệt. Thứ nhất, phụ nữ có khuynh hướng kết hôn với đối phương ngang tầm hoặc “trên cơ” họ về kinh tế. Họ chuộng bạn đời có vị thế ngang tầm hoặc cao hơn họ. Điều này cũng đúng tại nhiều nền văn hóa. Nhưng nó lại không đúng với nam giới, những người hoàn toàn sẵn lòng kết hôn với đối tượng có địa vị ngang bằng hoặc thấp hơn họ (theo số liệu Pew chỉ ra), dù họ cũng phần nào chuộng đối tượng trẻ tuổi hơn. Khuynh hướng ngày càng thiếu hụt tầng lớp trung lưu đang gia tăng khi các phụ nữ có cuộc sống khá giả kết hôn ngày càng nhiều với đàn ông cũng khá giả. Vì lẽ đó và vì sự giảm sút công việc sản xuất lương cao ở nam giới (tại Mỹ, cứ sáu đàn ông trong độ tuổi lao động thì lại có một người thất nghiệp), nên hôn nhân giờ đây dần dần chỉ dành cho người giàu. Tôi không khỏi cảm thấy buồn cười, theo một cách mỉa mai. Thể chế gia trưởng vốn đè nặng trong hôn nhân giờ lại trở thành thứ xa xỉ. Tại sao người giàu lại tự ngược đãi mình như thế?

Tại sao phụ nữ lại muốn có một người bạn đời có công việc và tốt hơn cả là có địa vị cao hơn mình? Nguyên nhân không nhỏ là do phụ nữ trở nên dễ bị tổn thương hơn khi họ có con. Họ cần một ai đó có khả năng chu cấp cho mình và con khi cần thiết. Đó là một hành động đền bù hoàn toàn hợp lý, tuy nó cũng có thể có cơ sở sinh học. Vì sao một người phụ nữ quyết định chịu trách nhiệm về một hoặc nhiều đứa con lại cần sự chăm sóc từ một người trưởng thành khác? Vì một gã đàn ông thất nghiệp là hạng người chẳng ai thèm muốn - còn làm mẹ đơn thân thì không phải là lựa chọn đáng ao ước. Con cái trong một gia đình thiếu vắng người cha có khả năng sống nghèo khổ cao gấp bốn lần. Điều ấy đồng nghĩa mẹ của chúng cũng nghèo. Trẻ em không cha cũng có nguy cơ lạm dụng ma túy và rượu bia cao hơn. Trẻ em sống chung với cha mẹ ruột có hôn nhân bền vững sẽ ít có nguy cơ lo lắng, trầm cảm và quậy phá hơn so với trẻ em chỉ sống với cha hoặc mẹ ruột, hoặc không ai cả. Trẻ em ở các gia đình có phụ huynh đơn thân cũng có khả năng tự sát cao gấp đôi.

Sự chuyển hướng mạnh mẽ về công tác chỉnh đốn chính trị tại các trường đại học lại càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Những tiếng nói chống lại sự áp bức ngày càng lớn hơn, và tỷ lệ thuận với mức độ gia tăng bình đẳng của các trường - thậm chí nay còn ngày càng thiên về chống lại nam giới. Có cả những ngành đại học công khai sự thù địch đối với nam giới. Đó là những ngành học bị chi phối bởi những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại/tân Marx, tuyên bố đích danh rằng nền văn hóa phương Tây là một cấu trúc đàn áp, do đàn ông da trắng tạo ra nhằm thống trị và bài trừ phụ nữ (cùng những nhóm người chọn lọc khác); và nó thành công chỉ nhờ thống trị và bài trừ.

CHẾ ĐỘ GIA TRƯỞNG: TRỢ GIÚP HAY TRỞ NGẠI?

Tất nhiên, văn hóa là một cơ cấu đàn áp. Luôn luôn là thế. Đó là một thực tế cơ bản và phổ quát còn tồn tại. Một bạo vương là chân lý biểu trưng; là hằng số nguyên mẫu. Những gì chúng ta thừa hưởng từ quá khứ đã lỗi thời và cố ý bị ngó lơ. Chúng là một bóng ma, một cỗ máy và một con quái vật. Nó phải được cứu rỗi, sửa chữa và canh chừng bằng sự chú tâm cùng với nỗ lực của những người đang sống. Nó nghiền nát và rèn chúng ta thành những hình dạng được xã hội chấp nhận, khiến ta lãng phí tiềm năng to lớn của bản thân. Nhưng nó cũng mang lại lợi ích lớn lao. Mỗi lời chúng ta nói là một món quà từ tổ tiên. Mỗi suy nghĩ trong đầu chúng ta đã được ai đó thông minh hơn nghĩ ra từ trước. Cơ sở hạ tầng chất lượng cao quanh chúng ta, đặc biệt là ở phương Tây, là món quà từ tổ tiên: Các hệ thống chính trị và kinh tế tương đối không quá bại hoại, công nghệ, của cải, tuổi thọ, sự xa xỉ và cơ hội. Một mặt, văn hóa lấy đi nhiều thứ, nhưng tại những nơi may mắn, nó còn mang đến nhiều hơn. Lối tư duy cho rằng văn hóa chỉ mang tính đàn áp là thiển cận, vô ơn và nguy hiểm. Ý tôi không phải là không nên xem văn hóa là đối tượng chỉ trích (vì tôi hy vọng nội dung của cuốn sách này đã thể hiện rõ điều ấy cho đến lúc này).

Đồng thời, hãy xét đến sự áp bức: Bất kỳ thứ bậc nào củng tạo ra kẻ thắng và người thua. Và tất nhiên, kẻ thắng rất có thể sẽ biện minh cho hệ thống cấp bậc, còn kẻ thua sẽ chỉ trích nó. Tuy nhiên, (1) việc cùng nhau theo đuổi bất kỳ mục tiêu đáng giá nào sẽ tạo nên một hệ thống cấp bậc (vì sẽ có người giỏi hơn hoặc kém hơn trong quá trình theo đuổi mục tiêu ấy, dù cho cái đích ấy có là gì và (2) chính sự theo đuổi mục tiêu sẽ mang lại ý nghĩa bền vững cho cuộc sống. Việc chúng ta trải nghiệm hầu như mọi cung bậc cảm xúc khiến cuộc sống trở nên sâu sắc và đáng sống hơn, cũng là kết quả của việc hướng đến những khát vọng và giá trị sâu sắc. Cái giá không thể tránh khỏi mà chúng ta phải trả cho sự tham gia ấy chính là sự khai sinh các cấp bậc về thành công. Do vậy, bình đẳng tuyệt đối đòi hỏi ta hy sinh chính giá trị ấy - và rồi sẽ không còn gì đáng để sống nữa. Thay vì thế, chúng ta có thể biết ơn mà ghi nhận rằng một nền văn hóa phức tạp, tinh tế sẽ tạo ra nhiều cuộc chơi và cho phép nhiều người thành công, rằng một nền văn hóa có cấu trúc hợp lý sẽ cho phép các cá nhân tạo thành nó tham gia và giành chiến thắng bằng nhiều cách thức khác nhau.

Cũng thật ngoan cố khi xem văn hóa là sản phẩm của đàn ông. Văn hóa là một nam nhân mang tính biểu trưng, nguyên mẫu và thần thoại. Đó một phần cũng là lý do mà “chế độ gia trưởng” lại dễ được tiếp thu đến thế. Nhưng chắc chắn văn hóa phải là sản phẩm của nhân loại, chứ không phải của riêng đàn ông (chứ đừng nói là riêng đàn ông da trắng, dù họ đã đóng góp khá nhiều). Văn hóa châu Âu chỉ thống trị, ở mức hầu như thống trị tất cả, trong khoảng 400 năm. Tính trên quy mô thời gian tiến hóa của văn hóa - trải dài tối thiểu hàng nghìn năm - thì khoảng thời gian như thế không hề đáng kể. Hơn nữa, ngay cả khi phụ nữ chẳng đóng góp gì đáng kể cho mảng nghệ thuật, văn học và khoa học trước thập niên 1960 và cuộc cách mạng nữ quyền (tôi không tin điều này), thì vai trò của họ trong việc nuôi dạy con cái và làm việc trong các nông trại vẫn là phương tiện nuôi lớn những cậu bé và giải phóng cho cánh mày râu - chỉ một số ít đàn ông - để nhân loại có thể nhân rộng và phát triển.

Sau đây là một giả thuyết thay thế khác: Trong suốt tiến trình lịch sử, cả đàn ông lẫn phụ nữ đã phải đấu tranh cật lực để giải phóng bản thân khỏi bóng đen khủng khiếp bao trùm của sự thiếu thốn và nhu cầu thiết yếu. Phụ nữ thường gặp bất lợi trong cuộc đấu tranh ấy, vì họ có tất cả những điểm yếu ở nam giới, cộng thêm gánh nặng sinh sản và thua kém về sức mạnh thể chất. Thêm vào đó là điều kiện vệ sinh, nỗi thống khổ, bệnh tật, đói nghèo, sự tàn bạo và vô minh đặc trưng ở cuộc sống của hai giới (ngay cả khi người dân phương Tây phải sống dưới mức 1 đô-la/ngày, tính theo đơn vị tiền tệ ngày nay), phụ nữ trước thế kỷ XX trên thực tế còn phải chịu đựng sự bất tiện ghê gớm trong kỳ kinh nguyệt, khả năng mang thai không mong muốn rất cao, nguy cơ tử vong hoặc thương tổn nghiêm trọng trong quá trình sinh nở, cũng như gánh nặng khi có quá nhiều con nhỏ. Có lẽ đây là lý do đủ cho sự khác biệt hợp pháp và thực tiễn trong cách đối đãi với nam giới và nữ giới, đặc trưng ở hầu hết các xã hội trước những cuộc cách mạng công nghệ gần đây, bao gồm cả phát minh ra thuốc tránh thai. Chí ít thì những điều ấy nên được kể đến, trước khi việc đàn ông đàn áp phụ nữ được chấp nhận như chuyện hiển nhiên.

Đối với tôi, cái gọi là sự áp bức của chế độ gia trưởng là một nỗ lực chung không hoàn chỉnh của nam giới lẫn nữ giới, kéo dài hàng thiên niên kỷ nhằm giải phóng nhau khỏi sự thiếu thốn, bệnh tật và nô dịch. Trường hợp gần đây của Arunachalam Muruganantham là một ví dụ hữu ích. Người đàn ông này - “ông vua băng vệ sinh” của Ấn Độ - không vui vì vợ ông đã phải sử dụng những miếng giẻ bẩn thỉu trong kỳ kinh nguyệt của bà. Bà nói rằng bà phải lựa chọn hoặc là những miếng băng vệ sinh đắt tiền, hoặc là sữa cho cả gia đình. Theo lời kể của hàng xóm, ông đã trải qua 14 năm tiếp theo điên cuồng cố gắng xử lý vấn đề. Thậm chí cả vợ và mẹ ông đã sớm từ mặt ông vì quá khiếp hãi nỗi ám ảnh của ông. Khi không còn tình nguyện viên nữ nào để thử sản phẩm, ông đã tự đeo một bọc máu lợn để thay thế. Tôi không thể hiểu hành vi này sẽ cải thiện danh tiếng hay địa vị của ông ra sao. Nhưng những miếng băng vệ sinh giá rẻ của ông được sản xuất ngay tại địa phương và phân phối trên khắp Ấn Độ, do các hội tự lực mà phụ nữ điều hành lập ra. Người dùng của ông đã được trải nghiệm sự tự do mà họ chưa từng trải qua. Năm 2014, người đàn ông từng nghỉ ngang trung học ấy đã được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tôi không muốn xem lợi ích cá nhân là động lực chủ yếu của Muruganantham. Liệu ông có phải một phần của chế độ gia trưởng không?

Năm 1847, James Young Simpson đã sử dụng thuốc ê-te để gây tê cho một phụ nữ bị biến dạng xương chậu khi sinh con. Sau đó, ông chuyển sang dùng thuốc chloroform có hiệu quả tốt hơn. Đứa trẻ đầu tiên được sinh ra nhờ tác dụng của ê-tê được đặt tên là “Anaesthesia - Gây tê”. Vào năm 1853, chloroform được ưa chuộng đến mức Nữ hoàng Victoria đã sử dụng nó trong khi hạ sinh người con thứ bảy. Đáng chú ý là ngay sau đó, lựa chọn sinh con không đau xuất hiện khắp nơi. Một số người cảnh báo về nguy cơ làm trái đi lời tuyên bố của Thượng Đế dành cho phụ nữ trong Sáng thế ký 3:16: “Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con.” Một số người còn phản đối việc sử dụng nó ở nam giới: Đàn ông trẻ, khỏe mạnh, can đảm đơn giản là không cần gây tê. Nhưng lời phản đối không có tác dụng. Việc sử dụng thuốc gây tê đã lan rộng với tốc độ cực nhanh (và nhanh hơn nhiều so với ngày nay). Ngay cả các giáo sĩ nổi danh cũng ủng hộ công dụng của nó.

Chiếc tampon (băng vệ sinh dạng ống) thực tiễn đầu tiên - Tampax - phải đến thập niên 1930 mới xuất hiện. Nó được Tiến sĩ Earle Cleveland Haas phát minh ra. Ông đã tạo ra nó bằng bông nén và thiết kế dụng cụ đẩy băng từ các ống giấy. Điều này làm dịu đi làn sóng phản đối việc sử dụng sản phẩm đến từ những người không chịu tự chạm vào cơ thể. Vào đầu thập niên 1940, 25% phụ nữ đã sử dụng chúng. Và 30 năm sau, con số này tăng lên thành 70%. Hiện nay, cứ năm người thì lại có bốn người sử dụng tampon; số còn lại vẫn dùng dạng miếng - được cải tiến đến mức siêu thấm và được giữ chặt bằng chất dính (trái với các loại băng vệ sinh khó đặt, to kềnh, phải dùng đai và trông như tã bỉm thời thập niên 1970). Vậy Muruganantham, Simpson và Haas đã đàn áp hay giải phóng phụ nữ? Thế còn Gregory Goodwin Pincus - người phát minh ra thuốc tránh thai thì sao? Làm thế nào những người đàn ông thực tế, khai sáng và kiên định này lại là một phần của chế độ gia trưởng gò bó?

Vì sao chúng ta dạy giới trẻ rằng nền văn hóa phi thường của ta là kết quả từ sự đàn áp của nam giới? Chính vì mờ mắt bởi giả định cốt lõi ấy, mà các lĩnh vực phân nhánh như giáo dục, công tác xã hội, lịch sử nghệ thuật, nghiên cứu giới tính, văn học, xã hội học và (dần dần) luật pháp đang chủ động đối xử với đàn ông như những kẻ áp bức và hành động của nam giới vốn dĩ là phá hoại. Chúng cũng trực tiếp cổ vũ động thái chính trị cấp tiến - xét trên mọi quy chuẩn xã hội mà họ đang sống trong đó - mà họ xem không khác gì giáo dục. Ví dụ, Viện nghiên cứu Phụ nữ và Giới tính Pauline Jewett tại Đại học Carleton, Ottawa đã khuyến khích chủ nghĩa tích cực như một phần nhiệm vụ của họ. Khoa Nghiên cứu Giới tính tại Đại học Queen, Kingston, Ontario đã “dạy những học thuyết và phương pháp nữ quyền, chống phân biệt chủng tộc và quái lạ như trọng tâm của chủ nghĩa tích cực nhằm thay đổi xã hội” - thể hiện sự ủng hộ dành cho giả định rằng giáo dục đại học trên hết nên cổ vũ việc tham gia chính trị dưới một hình thức cụ thể.

CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI VÀ SỰ VƯƠN DÀI CỦA CHỦ NGHĨA MARX

Các ngành học trên luận ra triết lý của riêng chúng từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng tất cả đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ chủ nghĩa nhân văn Marx. Một nhân vật như thế là Max Horkheimer, người đã phát triển lý thuyết phản biện vào thập niên 1930. Dù mọi văn bản tóm tắt các quan điểm của ông đều bị xem là giản lược quá mức, nhưng Horkheimer vẫn tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa Marx. Ông tin rằng những nguyên lý về tự do cá nhân hoặc thị trường tự do phương Tây chỉ đơn thuần đóng vai trò che đậy tình trạng thực tế tại phương Tây: bất bình đẳng, thống trị và bóc lột. Ông tin rằng hoạt động trí thức nên cống hiến để thay đổi xã hội, thay vì chỉ dừng lại ở mức diễn giải, cũng như hy vọng giải phóng loài người khỏi ách nô dịch của nó. Horkheimer và các nhà tư tưởng liên quan tại trường Frankfurt - bắt đầu tại Đức và sau là tại Mĩ - nhắm đến việc phê bình và biến đổi toàn diện nền văn minh phương Tây.

Quan trọng hơn trong những năm gần đây chính là công trình của triết gia người Pháp Jacques Derrida, lãnh tụ của của những người theo thuyết hậu hiện đại, nổi danh từ cuối thập niên 1970. Derrida mô tả những ý tưởng của riêng ông dưới hình thức “chủ nghĩa Marx cực đoan”. Theo ông, Marx đã cố gắng giảm vai trò của lịch sử và xã hội đến kinh tế, khi xem văn hóa là sự áp bức của người giàu lên người nghèo. Khi chủ nghĩa Marx đi vào thực tiễn tại một số nước, các nguồn lực kinh tế được tái phân phối một cách chặt chẽ. Tài sản tư bị xóa bỏ và người dân khu vực nông thôn phải vào hợp tác xã. Sau đó là gì? Người dân thiếu lương thực. Hệ thống kinh tế không bền vững. Thế giới đã bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài cực kỳ nguy hiểm.

Những quan điểm của chủ nghĩa Marx đã bị những trí thức tin vào xã hội không tưởng bóp méo. Một trong những kiến trúc sư chính của những nỗi kinh hoàng do chế độ Khmer Đỏ gây ra, Khieu Samphan, đã nhận học vị tiến sĩ tại Sorbonne trước khi trở thành lãnh đạo danh nghĩa của Campuchia vào giữa thập niên 1970. Trong luận văn tiến sĩ của mình, được viết vào năm 1959, ông đã lập luận rằng thành quả lao động đến từ những người không phải giai cấp nông dân tại các thành phố của Campuchia (nhân viên ngân hàng, quan chức nhà nước và doanh nhân) là vô giá trị và không mang lại ích lợi gì cho xã hội. Thay vì thế, những kẻ này sống ký sinh trên các giá trị thiết thực thông qua nông nghiệp, công nghiệp nhỏ và thủ công nghiệp. Những quan điểm của Samphan được giới trí thức Pháp tỏ ra ủng hộ và trao bằng Tiến sĩ cho ông. Trở về Campuchia, ông đã có cơ hội đưa lý thuyết của mình vào thực tế. Khmer Đỏ đã cưỡng ép toàn bộ dân cư đang sống tại các thành phố tại Campuchia về vùng nông thôn, đóng cửa các ngân hàng, cấm sử dụng tiền tệ và hủy diệt tất cả các thị trường. Hơn 1/4 dân số Campuchia phải lao động khổ sai ở vùng nông thôn, trên những cánh đồng chết.

PHÒNG KHI TA QUÊN: Ý TƯỞNG ĐI KÈM HẬU QUẢ

Khi Liên bang Xô-viết thành lập sau Thế chiến I, con người có thể được dung thứ khi hy vọng rằng những giấc mơ về xã hội tập thể không tưởng mà các tân lãnh đạo của họ mang đến sẽ trở thành hiện thực. Trật tự xã hội thối nát cuối thế kỷ XIX đã sinh ra những chiến hào và các cuộc tàn sát hàng loạt trong cuộc Đại Chiến. Khoảng cách giữa giàu và nghèo cực lớn, và hầu hết mọi người bị nô dịch trong những điều kiện còn tệ những gì Orwell mô tả sau này. Nước Nga thời ấy lâm vào thời kỳ hỗn loạn hậu phong kiến, những tin tức lan rộng về sự phát triển công nghiệp và tái phân phối tài sản cho những người mà mới đây còn là nông nô đã mang đến lý do để hy vọng. Nhằm khiến mọi thứ phức tạp hơn, Liên Xô (và Mexico) đã ủng hộ chế độ Cộng hòa dân chủ khi Nội chiến Tây Ban Nha nổ ra vào năm 1936. Họ đã chống lại phe Dân tộc chủ nghĩa mang nền móng phát- xít, những kẻ đã lật đổ chế độ dân chủ yếu ớt được thiết lập chỉ mới năm năm trước và tìm được sự ủng hộ từ phe Quốc xã cũng như phát-xít Ý.

Giới trí thức tại Hoa Kỳ, Anh Quốc và những nơi khác vô cùng nản chí bởi chính sự trung lập từ quê hương của họ. Hàng nghìn người ngoại quốc sẵn sàng đến Tây Ban Nha để đấu tranh cho phe Cộng hòa, hoạt động dưới danh Lữ đoàn Quốc tế. George Orwell là một trong số họ. Ernest Hemingway cũng đã từng phục vụ tại đây với tư cách phóng viên ủng hộ chế độ Cộng hòa. Chính trị cũng khơi dậy mối quan tâm của thế hệ trẻ người Mỹ, Canada và Anh, khiến họ cảm thấy có nghĩa vụ phải thôi ba hoa và bắt đầu đấu tranh.

Tất cả những điều này hướng sự chú ý ra khỏi các sự kiện diễn ra song song tại Liên Xô. Vào thập niên 1930, trong thời kỳ Đại Suy thoái, chính quyền Stalin đã gửi hai triệu phú nông - những nông dân giàu có nhất của họ - đến Siberia (những người sở hữu nhiều hơn nông dân bình thường vài con bò, vài người làm thuê hoặc vài mẫu ruộng). Từ quan điểm của họ, những phú nông này đã gom góp của cải bằng cách tước đoạt của những người xung quanh và đáng phải nhận lấy hậu quả. Giàu có biểu thị sự áp bức và tài sản cá nhân là đồ “tước đoạt”. Và đây chính là thời khắc cho một chút công bằng. Nhiều phú nông đã bị xử lý. Một số người phải nhận quả báo từ chính láng giềng ghen ghét, oán hận họ nhất và không hề thiết tha lao động, những kẻ đã dùng lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa tập thể cộng sản hòng che đậy ý muốn độc hại của mình.

Nhìn chung, những phú nông “ký sinh” chính là những nông dân thạo nghề và chăm chỉ nhất. Một phần thiểu số phải chịu trách nhiệm cho đa số sản lượng ở bất kỳ lình vực nào và nghề làm nông cũng không ngoại lệ. Sản lượng nông nghiệp sau đấy bị tụt dốc. Phần ít ỏi còn lại bị lấy từ vùng nông thôn để vận chuyển đến các thành phố. Người dân nông thôn phải đến các cánh đồng sau khi thu hoạch để nhặt nhạnh lúa mì còn sót lại về cho gia đình đang mòn mỏi chờ đợi.

Mặc dù ngày càng có nhiều tin đồn về những hành động ấy, nhưng các nhà trí thức phương Tây trước sau vẫn luôn duy trì thái độ tích cực đối với thể chế cộng sản. Họ còn có những việc khác để lo. Thế chiến II đã chứng kiến Liên Xô liên minh với các quốc gia phương Tây chống lại Hitler, Mussolini và Nhật hoàng Hirohito. Nhưng dù thế nào đi nữa, vẫn có những đôi mắt luôn mở to quan sát kỹ. Malcolm Muggeridge đã đăng một loạt bài báo trên tờ Manchester Guardian vào đầu năm 1993, miêu tả tình trạng nông dân tại Xô-viết. George Orwell hiểu chuyện gì đang diễn ra dưới chính quyền Stalin và ông đã lan truyền nó rộng rãi. Ông đã xuất bản một cuốn sách ngụ ngôn trào phúng về Liên Xô, bất chấp đối mặt với sự chống đối gay gắt khi cuốn sách ra mắt vào năm 1945. Nhiều người đáng lẽ phải hiểu chuyện hơn thì lại vẫn còn lạc quan. Không đâu mà chuyện này diễn ra “rõ như ban ngày” như ở Pháp, trong số tầng lớp trí thức.

Triết gia nổi tiếng nhất của Pháp vào giữa thế kỷ trước, Jean-Paul Sartre, là một nhà cộng sản có tiếng tăm dù không phải là đảng viên, cho đến khi ông viết về sự cố ở Hungary năm 1956, khi quân đội Xô- viết tiến vào.

Điều này không có nghĩa rằng sự hấp dẫn của tư tưởng Marx đã biến mất trong mắt giới trí thức - đặc biệt là các trí thức Pháp. Chúng chỉ biến đổi mà thôi. Sarte tố cáo Solzhenitsyn là một “phần tử nguy hiểm”. Derrida, tế nhị hơn, đã thay thế quan điểm về quyền lực bằng quan điểm về tiền bạc và tiếp tục đi trên con đường hoan hỉ của riêng ông. Ngôn từ đã giúp các nhà theo chủ nghĩa Marx ấy vẫn sống trên đỉnh cao trí thức phương Tây, và cũng là công cụ nhằm neo giữ thế giới quan của họ. Xã hội đã không còn đơn thuần là người giàu áp bức người nghèo nữa. Mà tất cả mọi người đều bị quyền lực đàn áp.

Theo Derrida, các cấu trúc cấp bậc xuất hiện chỉ để bao gồm (những bên hưởng lợi từ cấu trúc) và loại trừ (tất cả những người còn lại, do đó mà phải chịu áp bức). Nhưng thậm chí lời tuyên bố cũng không đủ triệt để. Derrida cho rằng sự chia rẽ và đàn áp được dựng nên ngay trong ngôn ngữ - ăn sâu trong các phạm trù ta dùng để đơn giản hóa và mặc cả với thế giới một cách thực dụng. “Phụ nữ” tồn tại chỉ vì đàn ông hưởng lợi khi loại trừ họ. “Đàn ông và phụ nữ” tồn tại chỉ vì những người thuộc nhóm dị tính hưởng lợi từ việc loại trừ nhóm thiểu số rất nhỏ có giới tính sinh học không xác định. Khoa học chỉ làm lợi cho các nhà khoa học. Chính trị chỉ làm lợi cho các chính trị gia. Theo quan điểm của Derrida, các hệ thống cấp bậc tồn tại vì họ sẽ hưởng lợi từ việc đàn áp những người bị loại bỏ. Chính cái lợi phi nghĩa này đã cho phép họ lớn mạnh.

Derrida nổi tiếng với câu nói (mặc dù sau đó ông phủ nhận): “Il n’y a pas de hors-texte” - thường được dịch là “there is nothing outside the text - tất cả đã có trong văn bản”. Những người ủng hộ ông cho rằng đấy là một bản dịch sai và bản tiếng Anh đáng ra nên là “there is no outside-text - không có văn bản nào bên ngoài”. Nhưng vẫn khó để đọc hiểu câu nói trên, ngoài “everything is interpretation - tất cả đều do cách diễn giải”, và đây cũng là cách diễn giải phổ biến cho công trình của Derrida.

Hầu như ta chẳng thể nói quá hơn về tính hư vô và hủy diệt của triết lý này. Nó khiến cho hành động phân loại chính nó chìm trong hồ nghi. Chúng cũng phủ định quan điểm rằng ta luôn có thể rút ra những điểm khác biệt giữa các sự vật, không chỉ vì lý do quyền lực đơn thuần. Vậy những sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam và nữ thì sao? Bất chấp sự tồn tại tràn ngập của các tài liệu khoa học đa ngành chỉ ra rằng sự khác biệt giới tính bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các yếu tố sinh học, Derrida và những môn đồ của chủ nghĩa Marx hậu hiện đại vẫn cho rằng khoa học chỉ là một trò chơi quyền lực, đưa ra những tuyên bố hòng làm lợi cho những người đứng đầu giới khoa học. Chẳng có sự thật nào cả. Vậy vị trí thứ bậc và danh tiếng có phải là hệ quả của kỹ năng và năng lực? Mọi định nghĩa về kỹ năng và năng lực chỉ đơn thuần được tạo ra bởi những ai hưởng lợi từ chúng nhằm loại bỏ những người khác, cũng như hưởng lợi một cách cá nhân và ích kỷ.

Ta có đủ bằng chứng để tin vào những tuyên bố của Derrida, một phần do chính bản chất xảo quyệt của mấy lời này. Quyền lực là một lực thúc đẩy căn bản. Mọi người tranh giành nhau để leo lên đầu và họ chỉ quan tâm đến mình đang ở đâu trong các hệ thống phân cấp thống trị. Nhưng (và đây cũng là sự khác biệt giữa một cậu nhóc và một người đàn ông, theo nghĩa triết học) dù trên thực tế thỉ quyên lực đóng vai trò là động lực của con người, nhưng không có nghĩa nó là động lực duy nhất hoặc thậm chí chính yếu. Tương tự, việc chúng ta không bao giờ biết hết mọi thứ khiến cho những quan sát và phát biểu của mình phụ thuộc vào việc tính đến một số thứ và bỏ qua những thứ còn lại (như đã bàn sâu trong Quy luật 10). Tuy nhiên, điều này cũng không bênh vực rằng mọi thứ đều là sự diễn giải, hoặc việc phân loại chỉ là hình thức loại trừ. Hãy cảnh giác những lời diễn giải từ một nguyên nhân duy nhất - và cảnh giác với những ai đưa ra chúng.

Tuy sự thật không thể tự lên tiếng (cũng như vùng đất rộng lớn trải dài trước mắt nhà thám hiểm không thể chỉ cho anh ta cách chu du qua nó) và tuy có vô số cách tương tác - thậm chí nhận thức - dù chỉ một số ít sự vật, nhưng không có nghĩa rằng mọi sự diễn giải đều xác thực như nhau. Một số sự thật sẽ làm tổn thương bạn và người khác. Một số đặt bạn vào lộ trình va chạm với xã hội. Số khác lại không bền vững với thời gian. Số khác nữa lại không đưa bạn đến nơi mình muốn. Rất nhiều trong số các hạn chế này được hình thành trong chúng ta, xuất phát từ các quá trình tiến hóa qua hàng tỉ năm. Những hạn chế khác xuất hiện khi ta hòa nhập với xã hội, nhằm hợp tác cũng như cạnh tranh một cách ôn hòa và hiệu quả với người khác, vẫn còn những cách diễn giải khác xuất hiện khi ta loại bỏ những chiến lược phản tác dụng thông qua học tập nghiên cứu. Chắc chắn là có vô số cách diễn giải: Nó cũng đồng nghĩa là có vô số vấn đề. Nhưng số lượng các giải pháp khả thi lại bị giới hạn nghiêm trọng. Nếu không thế thì cuộc sống đã rất dễ dàng. Và nó lại không như thế.

Hiện tôi đang có vài quan niệm có thể được xem là thuộc về “cánh tả”. Giả sử, tôi nghĩ khuynh hướng là hàng hóa có giá trị được phấn phối một cách bất bình đẳng rõ rệt sẽ tạo nên nguy cơ luôn hiện hữu cho sự bền vững của xã hội. Tôi nghĩ mình có đủ chứng cứ thuyết phục cho điều ấy. Nhưng không có nghĩa rằng giải pháp cho vấn đề ấy là rõ ràng. Chúng ta không biết cách tái phân phối của cải sao cho không làm phát sinh hàng mớ vấn đề khác. Các xã hội phương Tây khác nhau đã thử nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ, người Thụy Điển thúc đẩy bình đẳng đến hết mức. Người Mỹ lại chọn chiến lược trái ngược, cho rằng việc tạo ra của cải thuần “miễn phí cho mọi người”, theo kiểu tư bản chủ nghĩa, sẽ tạo thành cơn thủy triều nâng hết mọi con thuyền. Kết quả của những thí nghiệm trên không phải lúc nào cũng toàn diện và mỗi quốc gia luôn khác nhau trên nhiều phương diện. Những khác biệt về lịch sử, vùng địa lý, quy mô dân số và đa dạng sắc tộc khiến việc so sánh trực tiếp vô cùng khó khăn. Nhưng chắc chắn rằng sự tái phân phối cưỡng bách trên danh nghĩa bình đẳng lý tưởng chỉ là thuốc chữa cho căn bệnh sĩ diện.

Tôi cũng nghĩ rằng (và điều này cũng được liệt vào cánh tả) việc từng bước tái lập các phương thức quản trị trong trường đại học, sao cho giống với những tập đoàn tư nhân, là một sai lầm. Tôi cho rằng khoa học quản trị là một bộ môn giả tạo. Đôi khi, tôi tin chính phủ có thể là một lực lượng tốt, cũng như một trọng tài cần thiết cho một nhóm nhỏ những luật lệ cần thiết. Tuy vậy, tôi không hiểu tại sao xã hội chúng ta lại đang công khai trợ cấp cho các trường viện và nhà giáo dục, với mục đích nhất định, có chủ ý và rõ ràng là phá hủy chính nền văn hóa đã hỗ trợ cho họ. Những người đó hoàn toàn có quyền nói lên quan điểm và hành động nếu chúng hợp pháp. Nhưng họ lại chẳng có tuyên bố hợp lý nào cho việc huy động vốn công khai. Nếu những nhà cánh hữu cấp tiến nhận trợ cấp của nhà nước cho các hoạt động chính trị núp bóng các khóa đại học - mà rõ ràng phe cánh tả cấp tiến đang làm thế - thì tiếng ồn ào từ những kẻ tiến bộ trên khắp Bắc Mỹ có thể khiến ta điếc cả tai.

Ngoài sự giả dối trong lý thuyết và phương pháp, còn những vấn đề nghiêm trọng khác ẩn nấp trong các nguyên tắc cấp tiến, cùng với quan điểm khẳng định rằng chủ nghĩa chính trị tập thể là nghĩa vụ đạo đức bắt buộc. Không có lấy một chứng cứ thuyết phục nào cho bất kỳ tuyên bố cốt lõi nào của họ: Rằng xã hội phương Tây gia trưởng đến bệnh hoạn; rằng bài học sơ khai dạy rằng đàn ông, chứ không phải tự nhiên, mới là căn nguyên áp bức phụ nữ chính yếu (đa phần là thế, thay vì là bạn đời và người ủng hộ phụ nữ); và rằng mọi hệ thống phân cấp đều dựa trên quyền lực và sự loại trừ. Hệ thống phân cấp tồn tại vì nhiều lý do - một số được xem là hợp lý, số khác thì lại không - và cực kỳ cổ xưa xét theo tiến hóa. Những loài giáp xác đực có áp bức những con cái không? Rồi liệu ta có nên đảo lộn những hệ thống phân cấp đó không?

Trong những xã hội đang vận hành tốt - nếu không so sánh với xã hội không tưởng giả định mà đối chiếu với những nền văn hóa từng tồn tại trong lịch sử - thì năng lực mới là tác nhân chính quyết định vị thế, chứ không phải quyền lực. Là năng lực. Tài năng. Kỹ năng. Chứ không phải quyền lực. Điều này rõ ràng vừa mang tính giai thoại, vừa thực tế. Không “bệnh nhân ung thư não” nào có thể suy nghĩ bình đẳng đến mức từ chối “dịch vụ phẫu thuật” bằng sự giáo dục tốt nhất, danh tiếng tốt đẹp nhất và có thể cả thu nhập hấp dẫn nhất nữa. Hơn nữa, theo xã hội phương Tây, phẩm chất cá nhân xác thực nhất quyết định thành công lâu dài của con người chính là trí tuệ (được đo bằng khả năng nhận thức hoặc chỉ số IQ) và sự tận tâm (phẩm chất đặc trưng của đức tính siêng năng và quy củ). Nhưng cũng có những ngoại lệ. Các nhà kinh doanh và nghệ sĩ thường cởi mở hơn để trải nghiệm, một đặc điểm tính cách cốt yếu khác ngoài sự tậm tâm. Nhưng sự cởi mở cũng gắn với trí tuệ và khả năng sáng tạo trong ngôn lời, nên những ngoại lệ này vẫn hợp tình hợp lý và có thể hiểu được. Năng lực đoán biết trước của những đặc tính này, về mặt toán học hay kinh tế học, là cực kỳ cao - thuộc loại sức mạnh cao nhất trong bất cứ mục tiêu khó khăn nào đo đếm được của khoa học xã hội. Một kết quả kiểm tra tính cách/nhận thức tốt có thể tăng xác suất được thuê tuyển của một người - vốn có năng lực trên trung bình - từ 50:50 lên 85:15. Đây đều là thực tế được minh chứng như bất kỳ sự thật khác trong khoa học xã hội (và khoa học xã hội là những ngành học hiệu quả hơn bạn tưởng, và hơn cả những gì mà đám người chỉ trích yếm thế thừa nhận). Do đó, nhà nước không chỉ đang ủng hộ cho thuyết cấp tiến một chiều này, mà còn đang hỗ trợ truyền bá nó. Chúng ta không dạy con cháu mình rằng thề giới phẳng. Chúng ta cũng không nên dạy chúng những học thuyết dựa trên tư tưởng không được ủng hộ về bản chất của nam và nữ - hoặc của hệ thống phân cấp.

Quả là bất hợp lý khi cho rằng (nếu những người theo thuyết phân chiết cho là thế) khoa học có thể bị thiên lệch bởi những lợi ích quyền lực và cảnh báo chống lại điều đó - hoặc chỉ ra cho ta thấy những bằng chứng rằng những nhóm người có quyền lực, bao gồm cả các nhà khoa học, thường quyết định nó. Xét cho cùng, các nhà khoa học cũng là người, mà con người cũng ham thích quyền lực giống như tôm hùm vậy - giống như các nhà phân chiết thích được biết tiếng về những ý tưởng của họ và nhảy thẳng lên bậc cao nhất trên các hệ thống cấp bậc hàn lâm. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng khoa học - hay thậm chí chủ nghĩa phân chiết - chỉ nhắm vào quyền lực. Tại sao ta lại tin vào điều đó? Tại sao ta cứ cương quyết như thế? Có lẽ vì thế này: Nếu quyền lực là thứ duy nhất tồn tại thì việc sử dụng quyền lực là hoàn toàn chính đáng. Ở đây chẳng cần đòi hỏi bất kỳ chứng cứ, phương pháp, logic hoặc thậm chí nhu cầu mạch lạc tối thiểu nào. Sẽ không có giới hạn “ngoài văn bản” nào cả. Điều đó cho thấy quan điểm - cũng như vũ lực và việc vận dụng vũ lực ấy trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, dưới những điều kiện hoàn cảnh như thế, cũng giống như việc vận dụng nó nhằm phục vụ cho quan điểm kia là điều quá hiển nhiên. Ví dụ, sự cố chấp điên rồ và khó hiểu kiểu hậu hiện đại cho rằng khác biệt giới tính xuất phát từ cấu trúc xã hội; điều này cũng dễ hiểu khi ta nắm rõ mệnh lệnh đạo đức phía sau - để việc sử dụng vũ lực được biện minh một lần và mãi mãi: Xã hội buộc phải thay đổi hoặc loại bỏ mọi thành kiến, cho đến khi mọi kết quả đều công bằng. Nhưng nguyên tắc căn bản của những nhà kiến tạo xã hội là mong muốn sự bình đẳng, chứ không phải niềm tin vào công lý của vũ lực. Vì mọi sự bất bình đẳng phát sinh đều phải bị loại bỏ (bất bình đẳng là cội nguồn của mọi điều xấu xa), nên những khác biệt giới tính phải được xem là do xã hội dựng nên. Nếu không thì động lực hướng đến bình đẳng sẽ bị xem là quá cực đoan và giáo điều sẽ bị xem là truyền bá trắng trợn. Do vậy, trật tự logic đã bị lật ngược để có thể ngụy trang cho hệ tư tưởng. Những tuyên bố trực tiếp hướng đến những bất nhất nội tại trong tư tưởng không bao giờ được giải quyết. Giới tính được tạo thành, nhưng một cá nhân khao khát phẫu thuật chuyển giới lại bị xem là đàn ông mắc kẹt trong cơ thể phụ nữ một cách đầy tranh cãi (hoặc ngược lại). Chúng ta đơn giản phớt lờ sự thật rằng tất cả những việc này đều không đúng về mặt logic (hoặc hợp lý hóa bằng một tuyên bố hậu hiện đại kinh khủng khác: Bản thân logic - cùng với khoa học và kỹ thuật - chỉ là một phần của hệ thống gia trưởng áp bức).

Tất nhiên, đây cũng là một trường hợp mà mọi kết quả đểu không thể cào bằng. Đầu tiên, kết quả phải được đo đếm. Việc so sánh mức lương của những người cùng vị trí tương đối dễ dàng (dù phức tạp đáng kể bởi nhiều yếu tố khác như ngày được nhận việc, sự khác nhau về đòi hỏi đối với nhân viên và những khoảng thời gian khác nhau). Nhưng vẫn có những chiều hướng so sánh khác được xem là công bằng như thời gian đảm nhiệm chức vụ, tốc độ thăng tiến và tầm ảnh hưởng xã hội. Việc đưa ra lập luận “lương bình đẳng cho công việc như nhau” sẽ lập tức phức tạp hóa việc so sánh mức lương trong thực tế vì một lý do đơn giản: Ai sẽ quyết định công việc nào là bình đẳng? Chẳng ai cả. Đó là lý do thị trường tồn tại. Tệ hơn nữa là vấn đề so sánh nhóm: Phụ nữ nên kiếm được nhiều tiền như đàn ông. Được thôi! Phụ nữ da đen nên kiếm được nhiều tiền như phụ nữ da trắng. Được luôn! Vậy ta có nên điều chỉnh mức lương dựa trên mọi tham chiếu về chủng tộc không? Theo mức độ thế nào? Và loại chủng tộc nào là “có thực”?

Lấy một ví dụ quan liêu như sau: Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ công nhận các chủng Mỹ Anh-điêng, Alaska Bản địa, người châu Á, người da đen, người gốc Latin, Hawai Bản địa hoặc Dân đảo Thái Bình Dương khác và người da trắng. Nhưng có đến hơn 500 bộ lạc Mỹ Anh-điêng riêng biệt. Vậy dựa trên logic khả dĩ nào mà người “Mỹ Anh-điêng” nhân danh một nhóm đúng quy tắc? Các thành viên bộ lạc Osage có mức thu nhập trung bình hằng năm là 30 nghìn đô-la, trong khi người Tohono O’odham chỉ kiếm được 11 nghìn đô-la. Vậy họ có bị áp bức như nhau không? Còn những người khuyết tật thì sao? Người khuyết tật xứng đáng có thu nhập như người lành lặn? Được thôi! Ngoài mặt, tuyên bố này rất cao thượng, trắc ẩn và công bằng. Nhưng ai mới là người khuyết tật? Người sống với ba mẹ mắc bệnh Alzheimer ư? Nếu không thì tại sao? Hay là người có chỉ số IQ thấp? Người kém hấp dẫn thì sao? Người béo phì thì thế nào? Một số người rõ ràng phải chịu đựng quá sức những vấn đề ngoài tầm kiểm soát của họ, nhưng cũng hiếm có ai không phải trải qua phải ít nhất một tai họa nghiêm trọng vào lúc nào đó - đặc biệt nếu tính đến cả người thân. Và tại sao không nên là bạn? Giờ mới là vấn đề căn bản đây: Nhận dạng nhóm có thể được phân nhỏ đến cấp độ cá nhân. Câu sau nên được viết hoa: MỖI CÁ NHÂN LÀ DUY NHẤT - VÀ KHÔNG CHỈ THEO NGHĨA NHỎ NHẶT: MÀ THEO NGHĨA QUAN TRỌNG, ĐÁNG KỂ VÀ VÔ CÙNG Ý NGHĨA. Việc là thành viên trong nhóm không giúp ta nắm được khả năng biến đổi ấy. Chấm hết.

Sự phức tạp này không hề được những người theo chủ nghĩa Marx hay theo chủ nghĩa hậu hiện đại bàn đến. Thay vì thế, cách tiếp cận về tư tưởng của họ cố định ở một chân lý, giống như sao Bắc Đẩu vậy và buộc mọi thứ phải xoay quanh nó. Việc tuyên bố rằng mọi sự khác biệt giới tính là hệ quả của công cuộc xã hội hóa vừa không thể chứng minh được, vừa không thể phủ nhận được - theo nghĩa nào đó - vì văn hóa có thể được dùng để chống đỡ những thế lực nhắm vào nhóm hoặc cá nhân ấy, mà mọi kết quả đều hầu như có thể đạt được nếu chúng ta chấp nhận cái giá phải trả. Ví dụ, chúng ta biết được từ những nghiên cứu về trẻ song sinh được nhận nuôi rằng: Văn hóa có thể tăng 15 điểm IQ (hoặc một độ lệch chuẩn xấp xỉ bằng mức khác biệt giữa một học sinh trung học có học lực trung bình với một sinh viên đại học công có học lực trung bình), với cái giá là sự gia tăng về của cải gấp ba lần độ lệch chuẩn. Điều này đồng nghĩa rằng hai đứa trẻ song sinh giống hệt nhau, bị chia cắt khi mới sinh sẽ hơn kém nhau đến 15 điểm IQ nếu đứa thứ nhất được nuôi lớn trong một gia đình nghèo hơn 85% các gia đình khác, còn đứa thứ hai được nuôi lớn trong một gia đình giàu hơn 95% gia đình còn lại. Ngoài sự giàu có, ta cũng vừa chứng minh được điều tương tự bằng nền tảng học vấn. Chúng ta không biết sẽ phải tốn bao nhiêu của cải hoặc nền tảng giáo dục khác biệt để tạo ra sự chuyển biến cực hạn hơn.

Những nghiên cứu trên cho thấy chúng ta thật sự có thể giảm thiểu những khác biệt bẩm sinh giữa nam và nữ, nếu sẵn sàng chịu đủ áp lực. Điều này không bao giờ đảm bảo rằng chúng ta cho phép cả hai giới tự do chọn lựa. Nhưng bức tranh hệ tư tưởng không có chỗ cho sự lựa chọn: Nếu cả nam và nữ cùng tự nguyện hành động nhằm tạo ra kết quả bất bình đẳng giới tính, thì những lựa chọn ấy đáng ra phải được quyết định bởi thiên kiến văn hóa. Hậu quả là mọi người đều là nạn nhân bị tẩy não, tại bất cứ đâu mà những khác biệt về giới tính tồn tại và các lý thuyết gia phê phán nghiêm khắc có nghĩa vụ đạo đức là hướng họ về chính đạo. Điều này đồng nghĩa những người đàn ông vốn đã có suy nghĩ bình đẳng như ở vùng Scandinavia, vốn không giỏi nghề điều dưỡng, sẽ cần được tái huấn luyện thêm nữa. Tương tự là những phụ nữ Scandinavia không giỏi nghề kỹ thuật. Việc tái đào tạo ấy sẽ trông như thế nào? Giới hạn của nó nằm đâu? Những việc như thế thường đẩy quá khứ đến một giới hạn hợp lý để chúng phải gián đoạn.

CON TRAI THÀNH CON GÁI

Điều này đã trở thành nguyên lý của một kiểu lý thuyết kiến tạo xã hội nhất định, rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu con trai cũng hòa nhập tốt như con gái. Những người ủng hộ quan điểm này tin rằng: Thứ nhất, tính hiếu chiến là hành vi học hỏi được, do đó ta có thể xử lý đơn giản bằng cách đừng dạy điều đó; và thứ hai (xin lấy ví dụ cụ thể), “con trai cần phải hòa nhập theo cách mà con gái vốn dĩ vẫn hòa nhập trong xã hội và chúng nên được khuyến khích phát triển những phẩm chất tích cực với xã hội như sự dịu dàng, nhạy cảm với cảm xúc, ân cần, hợp tác và xem trọng tính thẩm mỹ”. Trong quan điểm của các nhà tư tưởng này, sự hiếu chiến chỉ giảm khi các nam thiếu niên “tán thành cùng những chuẩn mực hành xử truyền thống vốn vẫn được khuyến khích cho nữ giới”.

Nhưng ý kiến trên lại có quá nhiều điểm không ổn, đến mức thật khó để biết bắt đầu từ đâu. Đầu tiên, thói hung hăng không chỉ đơn thuần do học hỏi. Chúng còn là bẩm sinh. Có những mạch sinh học cổ đại được cho là nền tảng của sự hiếu chiến trong phòng vệ và săn mồi. Những mạch này cơ bản đến nỗi chúng vẫn còn vận động trong những loài mà nổi tiếng là những con mèo liệt não, những động vật bị loại bỏ hoàn toàn phần não lớn nhất và tiến hóa gần đây nhất - chiếm một lần lớn đáng kể trong toàn bộ cấu trúc. Điều này không chỉ do thấy hiếu chiến là bẩm sinh, mà nó còn là hoạt động của các vùng não cực kỳ nguyên sơ và cơ bản. Nếu bộ não là một cái cây, thì thói hiếu chiến (cùng phản xạ đói, khát và ham muốn tình dục) sẽ nằm ở thân cây.

Và tiếp tục quan điểm này, có vẻ một bộ phận nhỏ những bé trai hai tuổi (khoảng 5%) có tính khí khá nóng nảy. Chúng giành đồ chơi, đá, đánh và cắn những đứa khác. Đa số chúng vẫn hòa nhập xã hội hiệu quả khi lên bốn tuổi. Nhưng không phải vì chúng được khuyến khích hành động như các bé gái. Thay vì thế, chúng được dạy hoặc tự rèn luyện từ nhỏ để dung hòa khuynh hướng hiếu chiến vào các quy tắc hành xử phức tạp hơn. Thói hiếu chiến xuất phát từ sự thôi thúc được nổi bật, không bị ngăn cản, chiến đấu và chiến thắng - mang phẩm chất tích cực, chí ít là trên một số phương diện. Những đứa trẻ hung hăng không thể thay đổi tính cách để trở nên tinh tế hơn trong giai đoạn thơ ấu sẽ ít được yêu mến, bởi bản tính chống đối nguyên thủy sẽ không giúp chúng ứng xử tốt trong xã hội về sau. Bị bạn bè chối bỏ, chúng thiếu đi những cơ hội hòa nhập với xã hội xa hơn và dần mang vị thế bị bỏ mặc. Những cá nhân này vẫn có thiên hướng chống đối xã hội và phạm tội khi lớn lên. Nhưng điều này không có nghĩa rằng động cơ hiếu chiến hoàn toàn không mang lại tác dụng hay giá trị nào. Chí ít nó vẫn cần thiết để tự bảo vệ bản thân.

LÒNG TRẮC ẨN LÀ THÓI XẤU

Có rất nhiều khách hàng nữ (thậm chí là phần lớn), mà tôi gặp khi thực hành lâm sàng, gặp rắc rối trong công việc và cuộc sống gia đình, không phải vì họ quá hiếu chiến mà vì họ không đủ hiếu chiến. Các nhà trị liệu hành vi nhận thức gọi liệu pháp dành cho những bệnh nhân này, với nét đặc trưng chung là những đặc điểm nữ tính như sự dễ đồng thuận (cư xử lịch sự và cảm thông) và loạn thần kinh (lo lắng và nỗi đau trong cảm xúc), là “huấn luyện thói hiếu chiến”. Những người phụ nữ không đủ hiếu chiến - và cả đàn ông (tuy hiếm gặp hơn) - làm quá nhiều điều cho người khác. Họ có khuynh hướng đối xử với những người xung quanh như thể họ là lũ trẻ bất hạnh. Họ ngây thơ và tin rằng hợp tác nên là nền tảng của mọi giao dịch xã hội, rồi họ thường tránh xung đột (nghĩa là tránh đối đầu với các vấn đề trong mối quan hệ cũng như công việc). Họ liên tục hy sinh cho người khác. Điều này nghe có vẻ cao thượng - và chắc chắn đây là thái độ mang đến các lợi thế nhất định trong xã hội - nhưng nó có thể và chỉ phản tác dụng theo hướng một chiều. Vì những người quá dễ đồng thuận sẽ dốc hết sức vì người khác và không lên tiếng vì bản thân một cách chính đáng. Vì nghĩ rằng mọi người đều nghĩ như mình, nên họ mong đợi - thay vì đảm bảo - vào những hành động hợp lẽ có qua có lại từ đôi phương. Khi điều ấy không xảy ra, họ cũng không lên tiếng. Họ không chịu hoặc không thể thẳng thắn đòi hỏi sự công nhận. Khi mặt tối trong tính cách của họ trỗi dậy bởi kìm nén lâu ngày, họ sẽ trở nên oán giận.

Tôi bảo những người dễ đồng thuận quá mức rằng hãy lưu ý sự xuất hiện của nỗi oán giận. Việc này vô cùng quan trọng, dù đó là thứ cảm xúc vô cùng độc hại. Chỉ có hai lý do chính sinh ra oán giận: bị lợi dụng (hoặc tự cho phép bản thân bị lợi dụng), hoặc than van từ chối nhận trách nhiệm và trưởng thành lên. Nếu bạn bực bội, hãy tìm cho ra nguyên do. Hoặc có lẽ bạn nên trao đổi vấn đề này với người nào đó mình thực sự tin tưởng. Bạn có đang cảm thấy bức bối một cách ấu trĩ không? Nếu sau khi thực lòng xét kỹ, bạn nghĩ không phải thế, thì có lẽ ai đó đang lợi dụng bạn đấy. Điều này có nghĩa giờ bạn đang đối mặt với bổn phận đạo đức là lên tiếng cho chính mình. Cũng có khả năng bạn sẽ phải đối mặt với sếp, bạn đời, con cái hoặc cha mẹ mình. Nghĩa là bạn cần thu thập một số bằng chứng chiến lược, để khi đối đầu với người ấy, bạn có thể đưa ra một vài ví dụ về hành vi không đúng mực của đối phương (ít nhất là ba), để họ không thể dễ dàng lẩn tránh những cáo buộc của bạn. Bạn cũng không thể nhận thua khi họ đưa ra những lời phản bác của mình. Mọi người hiếm khi có quá bốn lý lẽ. Nếu bạn vẫn không lay chuyển, họ sẽ tức giận, bật khóc hoặc trốn chạy. Trong trường hợp này, sẽ có ích nếu bạn cũng khóc theo, về lý thuyết, bạn có thể dùng nước mắt để khiến người đang buộc tội cảm thấy tội lỗi vì đã làm bạn tổn thương và đau đớn. Nhưng nước mắt thường rơi vì tức giận. Một khuôn mặt đỏ bừng cũng gợi ý hay. Nếu bạn có thể thúc đẩy chính kiến qua bốn lời đáp trả đầu tiên và nhanh chóng đối phó cảm xúc kéo theo, thì bạn sẽ giành được sự chú ý của đối phương và có thể cả sự tôn trọng của họ. Nhưng đây vẫn là một mâu thuẫn đúng nghĩa, nên không hể dễ dàng và thoải mái chút nào.

Bạn cũng cần biết rõ điều mình muốn là gì trong những tình huống thế này và sẵn sàng diễn giải rõ mong muốn của mình. Tốt hơn là nên nói với đối phương chính xác điều bạn muốn họ làm, thay vì những điều mà họ đã và đang làm. Bạn có thể nghĩ rằng: “Nếu họ thực sự yêu quý mình, thì họ sẽ biết phải làm gì.” Nhưng đây là giọng nói của sự oán giận. Hãy đinh ninh rằng sự vô tri luôn có trước ác ý. Không ai trực tiếp nắm được bạn cần và muốn gì - ngay cả bạn cũng thế. Nếu bạn cố xác định chính xác điều mình muốn, bạn có thể thấy nó khó hơn mình tưởng. Người đang áp chế bạn rất có thể không khôn ngoan hơn bạn đâu, đặc biệt là biết về bạn. Nên thay vì thế, hãy nói thẳng với họ điều bạn thích sau khi đã vạch rõ nó. Hãy khiến cho yêu cầu của bạn trở nên vừa phải và hợp lý nhất có thể - nhưng cũng hãy đảm bảo rằng việc thỏa mãn nó sẽ khiến bạn mãn nguyện. Bằng cách này, bạn sẽ mang đến giải pháp cho cuộc bàn luận thay vì thêm vấn đề.

Những người dễ đồng thuận, giàu lòng trắc ẩn, đồng cảm và tránh né xung đột (tất cả những đặc điểm trên đều cùng một nhóm), thường cho phép người khác chà đạp lên họ và nhận lại cay đắng. Đôi khi, họ hy sinh bản thân quá mức cho người khác và không hiểu được vì sao mình không được đáp lại. Những người dễ đồng thuận cũng hay chiều lòng người khác và điều này sẽ tước đi sự độc lập của họ. Nguy cơ gắn liền với nó có thể khuếch đại thành chứng loạn thần. Người dễ đồng thuận sẽ nhất trí với bất kỳ ai đưa ra gợi ý, thay vì cương quyết phản đối - thậm chí chỉ vài lần - cách của mình. Do đó, họ mất đi chính kiến, trở nên thiếu quyết đoán và rất dễ bị “quay”. Thêm nữa, nếu quá dễ bị đe dọa và tổn thương, họ sẽ thậm chí có ít lý do hơn để đấu tranh vì bản thân, vì như thế sẽ khiến họ phơi mình ra trước nguy cơ và nguy hiểm (chí ít là nhất thời). Đây đích thực là nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc. Căn bệnh này có thể được xem là đối lập với chứng rối loạn nhân cách chống lại xã hội, một nhóm đặc điểm tính cách có ở những kẻ phạm tội khi còn bé, hoặc vị thành niên và cả khi trưởng thành. Thật hay nếu đối lập với tội phạm là một vị thánh, nhưng không phải. Đối lập với kẻ phạm pháp là người mẹ mang phức cảm Oedipus[64] và đó cũng là một dạng phạm pháp.

Người mẹ mang phức cảm Oedipus (và người cha cũng có thể rơi vào trường hợp này, dù tương đối hiếm hơn) nói với con mình: “Mẹ sống chỉ vì con.” Bà làm mọi thứ vì con mình. Bà thắt dây giày cho con, xắt nhỏ thức ăn và để chúng leo vào ngủ cùng mình hoặc chồng mình quá thường xuyên. Đây cũng là phương pháp tránh xung đột tốt để giúp con bà tránh được sự quan tâm về tình dục không mong muốn.

Người mẹ mang phức cảm Oedipus lập một thỏa ước với bản thân, với đứa con và với chính ác quỷ. Thỏa ước ấy như sau: “Dù có thế nào, cũng đừng bao giờ rời bỏ mẹ. Đổi lại, mẹ sẽ làm mọi thứ vì con. Khi con lớn lên mà không trưởng thành, con sẽ trở nên vô dụng và khổ sở, nhưng con sẽ không bao giờ phải nhận bất kỳ trách nhiệm nào và mọi việc con làm sai luôn do lỗi của người khác.” Những đứa con có thể chấp nhận hoặc phản đối - và chúng cũng có lựa chọn nào đó trong vấn đề này.

Người mẹ mang phức cảm Oedipus chính là mụ phù thủy trong câu chuyện Hansel và Gretel. Hai đứa trẻ trong câu chuyện cổ tích này có một người mẹ kế mới. Bà ta ra lệnh cho chồng bỏ rơi hai đứa con trong rừng, vì đang có nạn đói và bà nghĩ chúng ăn quá nhiều. Người chồng nghe lời vợ, mang lũ trẻ vào sâu trong rừng và phó mặc chúng cho số phận. Lang thang cô độc trong cơn đói, chúng gặp được một phép màu. Một ngôi nhà. Và không phải một ngôi nhà bình thường. Một ngôi nhà bằng kẹo. Một ngôi nhà bằng bánh gừng. Một người chưa từng tỏ ra quá quan tâm, cảm thông, thương xót và hợp tác sẽ nghi ngờ và hỏi: “Chuyện này có quá tốt đẹp không?” Nhưng lũ trẻ lại quá nhỏ và tuyệt vọng để nhận ra điều đó.

Bên trong cán nhà là một bà lão “tốt bụng”, vị cứu tinh của hai đứa trẻ đang quẫn trí. Bà vỗ nhẹ đầu và lau sạch mũi cho chúng, rồi cả ngực và mông, sẵn sàng hy sinh bản thân cho mọi điều ước của chúng ngay từ khi gặp gỡ. Bà ta cho lũ trẻ ăn bất cứ thứ gì chúng muốn, vào bất cứ khi nào chúng thích. Và chúng cũng chẳng phải động tay vào việc gì. Nhưng việc mang lại sự chăm sóc tử tế đó khiến bà ta trở nên đói khát. Bà ta nhốt Hansel vào lồng để vỗ béo cậu tốt hơn. Cậu bé đã đánh lừa để bà ta nghĩ rằng cậu vẫn còn còi cọc, bằng cách đưa ra một mẩu xương cũ khi bà ta muốn kiểm tra xem chân cậu đã đủ độ mềm ngọt như bà muốn chưa. Cuối cùng, do quá tuyệt vọng vì chờ đợi, bà ta bèn nhóm bếp lò, chuẩn bị nấu và ăn thịt những đứa trẻ mà bà đã yêu thương săn sóc. Có vẻ như không bị những lời ngon ngọt dụ dỗ, Gretel đã đợi đến thời khắc bà ta mất cảnh giác và đẩy bà lão “tốt bụng” vào trong lò. Hai đứa trẻ chạy thoát và đoàn tụ với người cha, giờ đây đã ăn năn vì những hành động xấu xa của mình.

Trong một gia đình như thế, miếng ăn ngon nhất dành cho đứa con chính là trọng tâm và nó luôn được ăn trước. Sự bảo bọc quá mức sẽ tàn phá một tâm hồn đang phát triển.

Mụ phù thủy trong câu chuyện Hansel và Gretel là một người Mẹ Tồi tệ, là nửa đen tối của tính nữ biểu trưng. Thẳm sâu trong bản chất xã hội cốt lõi của mình, chúng ta thích ngắm nhìn thế giới qua một câu chuyện, với những nhân vật người mẹ, người cha và đứa con. Nữ tính - nói chung - là thứ bản chất chưa biết nằm ngoài những ranh giới của văn hóa, sự sáng tạo và hủy diệt: Cô ấy là vòng tay bảo bọc của người mẹ và cũng là yếu tố hủy diệt của thời gian, là người mẹ đồng trinh xinh đẹp và cũng là mụ phù thủy sống trong đầm lầy. Thực thể nguyên mẫu này đã gây khó hiểu cho hiện thực lịch sử khách quan vào cuối thập niên 1800, bởi một nhà nhân chủng học Thụy Sĩ có tên Johann Jakob Bachofen. Bachofen từng nói rằng nhân loại đã trải qua một loạt những giai đoạn phát triển trong lịch sử.

Giai đoạn thứ nhất, có thể diễn thô là Das Mutterrecht - “mẫu quyền” (sau một khởi đầu có chút hỗn loạn và vô lối) - một xã hội nơi nữ giới nắm các vị trí quyển lực thống trị, được tôn trọng và tôn vinh, nơi luật tạp hôn và quan hệ chung chạ vô cùng phổ biến, và quyền làm cha hầu như không có. Giai đoạn thứ hai, Dionysian (đặt theo tên một vị thần rượu nho của Hy Lạp) là thời kỳ chuyển đổi, mà trong đó những nền tảng gốc của chế độ mẫu hệ bị lật đổ và quyền lực rơi vào tay nam giới. Giai đoạn thứ ba, Apollonian (đặt theo tên thần mặt trời Hy Lạp) vẫn thống trị đến tận ngày nay. Chế độ gia trưởng lên ngôi, và mỗi phụ nữ chỉ thuộc về duy nhất một người đàn ông. Các quan điểm của Bachofen đã gây ảnh hưởng sâu sắc trong những cộng đồng nhất định, dù không có bất kỳ chứng cứ lịch sử nào ủng hộ. Ví dụ, nhà khảo cổ học Marija Gimbutas đã trở nên nổi tiếng vào thập niên 1980-1990 khi khẳng định rằng trung tâm của văn hóa thời kỳ đồ đá mới ở châu Âu là tôn thờ phụ nữ và nữ thần hòa bình. Bà khẳng định rằng nó đã bị thay thế và đàn áp bởi nền văn hóa chiến binh phân cấp xâm lăng, từ đó đặt nền móng cho xã hội hiện đại. Sử gia nghệ thuật Melin Stone cũng đồng tình với lập luận này trong cuốn When God Was a Woman (tạm dịch: Khi Chúa là phụ nữ) của ông. Toàn bộ ý tưởng cơ bản về nguyên mẫu/thần thoại này đã trở thành nguồn cảm hứng cho thuyết thần học về phong trào của phụ nữ và các nghiên cứu về mẫu quyền của thuyết nam nữ bình quyền hồi thập niên 1970 (Cynthia Eller người viết cuốn sách The Myth of Matriarchal Prehistory - tạm dịch: Chuyện hoang đường về tiền sử mẫu quyền - đã chỉ trích những ý tưởng ấy và gọi loại thần học này là “lời nói dối cao thượng”).

Carl Jung đã bắt gặp những ý tưởng về chế độ mẫu hệ nguyên thủy của Bachofen vài chục năm trước. Nhưng Jung sớm nhận ra rằng diễn biến phát triển được nhà tư tưởng người Thụy Sĩ thời kỳ đầu này mô tả thiên về đại diện cho thực tế tâm lý hơn là lịch sử. Ông thấy được tư duy của Bachofen trong cùng những quá trình phản chiếu những huyễn tưởng trong trí tưởng tượng ra thế giới bên ngoài, dẫn đến sự phổ biến của vũ trụ với các chòm sao và thần linh. Trong cuốn Nguồn gốc và lịch sử của ý thức và Người mẹ vĩ đại, Jung đã hợp tác với Erich Neumann nhằm mở rộng phân tích của đổng nghiệp. Neumann lần theo sự xuất hiện của ý thức, tính nam biểu trưng và đối chiếu nó với tính nữ biểu trưng, nguồn gốc của vật chất (người mẹ, ma trận), lồng ghép với thuyết phức cảm Oedipus trong cách làm cha mẹ của Freud và cho ra đời một hình mẫu nguyên bản bao quát hơn. Đối với Neumann và Jung, ý thức - luôn mang tính nam biểu trưng, thậm chí ở phụ nữ - luôn đấu tranh để được thừa nhận. Sự phát triển của nó rất gian khổ và khiến ta phải lo lắng, bởi nó mang theo sự thừa nhận về tính dễ tổn thương và cái chết. Nó luôn có khuynh hướng chìm sâu trong sự lệ thuộc và vô thức, đồng thời rũ bỏ gánh nặng tồn tại của chính nó. Nó còn gộp thêm ham muốn vô lý về bất gì điều gì chống lại sự khai sáng, tường minh, lý trí, quyết tâm, sức mạnh và năng lực - về bất kỳ thứ gì bảo bọc nó quá mức, để rồi bóp nghẹt và ngấu nghiến nó. Sự bảo bọc quá mức chính là cơn ác mộng gia đình trong phức cảm Oedipus của Freud, thứ mà chúng ta đang nhanh chóng biến nó thành chính sách xã hội.

Người Mẹ Tồi là một biểu tượng cổ xưa. Ví dụ, nó biểu hiện dưới hình hài Tiamat trong câu chuyện viết tay cổ xưa nhất mà chúng ta từng phục nguyên, thần thoại Enuma Elish của Lưỡng Hà. Tiamat là mẹ của chúng sinh, bao gồm cả thần và người. Bà là điều chưa biết, sự hỗn loạn và giới tự nhiên tạo nên vạn hình vạn vật. Nhưng Bà cũng là long nữ sẵn sàng tiêu diệt chính con mình khi chúng ngộ sát cha của mình và tìm cách sống trên chính di hài của cha. Người Mẹ Tồi chính là tinh thần vô thức bất cần, mang ý đồ chế ngự tinh thần cảnh giác và khai sáng, chôn chúng dưới vòng tay bảo bọc như tử cung của cõi âm. Chúng là nỗi kinh hoàng mà các chàng trai trẻ cảm nhận được trước những phụ nữ quyến rũ, vốn đại diện cho chính cõi tự nhiên, sẵn sàng từ chối họ dù ở mức độ thân mật sâu sắc nhất. Không gì thôi thúc sự tự ý thức, làm suy mòn lòng can đảm và nuôi dưỡng những cảm xúc trống rỗng, hận thù nhiều hơn thế - có lẽ chỉ trừ một cái ôm quá chặt từ một người mẹ quan tâm quá mức.

Người Mẹ Tồi cũng xuất hiện trong nhiều câu chuyện cổ tích và cả những câu chuyện dành cho người lớn. Trong Công chúa ngủ trong rừng, bà ta chính là Nữ hoàng Độc ác, là bản thể của bóng tối - Tiên Hắc ám Maleficent của phiên bản Disney. Vua cha và mẫu hậu của Công chúa Aurora đã quên mời thế lực ấy đến đêm rửa tội của cô bé. Do vậy, họ đã quá bảo bọc cô bé khỏi những hiện thực phá hoại và nguy hiểm, thà để cô bé lớn lên mà không gặp phải bất kỳ rủi ro nào từ chúng. Và phần thưởng họ nhận được là gì? Đến tuổi dậy thì, cô bé vẫn không nhận thức được gì xung quanh (mắc kẹt trong giấc ngủ trăm năm). Linh hồn của tính nam, chàng hoàng tử, cũng là người đàn ông có thể cứu cô bằng cách giải thoát cô khỏi cha mẹ và nhận thức của chính mình, lại bị nhốt trong ngục tối bởi âm mưu của mặt đen tối của tính nữ. Việc hoàng tử trốn thoát đã tạo áp lực quá lớn đến Nữ hoàng Độc ác. Mụ ta biến thành Ác Long của Hỗn loạn. Tính nam biểu trưng đã đánh bại mụ bằng công lý và niềm tin, rồi tìm thấy và đánh thức công chúa bằng một nụ hôn.

Mô-típ này có thể bị phản đối (như đã từng bị trong tác phẩm mang đậm tính tuyên truyền Frozen - Nữ hoàng băng giá gần đây của Disney) rằng một người phụ nữ không cần một người đàn ông giải cứu. Điều đó có thể đúng hoặc sai. Có thể do chỉ những phụ nữ muốn có (hoặc đã có) con mới cần một người đàn ông đến giải cứu cô ta - hoặc ít nhất là hỗ trợ và chu cấp cho cô. Trong bất kỳ trường hợp nào, chắc chắn chỉ những phụ nữ cần thức tỉnh mới được giải cứu; và như đã lưu ý ở trên, ý thức là tính nam biểu trưng và đã tồn tại từ thuở sơ khai (dưới vỏ bọc của cả trật tự lẫn Ngôi Lời, theo nguyên lý trung gian). Hoàng Tử có thể là người tình, nhưng cũng có thể là sự tỉnh táo đầy chú tâm, tầm nhìn rõ ràng và tâm lý độc lập vững vàng ở một phụ nữ. Chúng được xem là những nét đặc trưng nam tính - trong thực tế cũng như biểu tượng, vì nam giới thường ít mềm mỏng và dễ đồng thuận như phụ nữ nói chung và cũng ít lo lắng và đau đớn về mặt cảm xúc hơn phụ nữ. Và xin nhắc lại lần nữa: (1) Điều này đúng nhất ở các quốc gia Scandinavia, nơi mỗi động thái đều hướng đến bình đẳng giới - và (2) sự khác biệt là không hề nhỏ khi so với chuẩn của những tiêu chí đã được đo lường.

Mối quan hệ giữa tính nam và ý thức cũng được khắc họa một cách biểu trưng trong bộ phim hoạt hình Disney Nàng tiên cá. Nhân vật nữ chính Ariel dù khá nữ tính, nhưng cũng có tinh thần độc lập mạnh mẽ. Vì lý do này mà Arial trở thành con gái cưng của cha mình, dù cô nàng cũng gây cho ông nhiều rắc rối. Cha cô, Triton, là vua của biển cả, đại diện cho thứ đã biết, văn hóa và trật tự (gợi ý về một nhà cai trị áp bức và chuyên chế). Vì trật tự luôn đối lập với hỗn loạn, nên Triton có một kẻ thù, Ursula. Ursula là một mụ bạch tuộc - hay con mãng xà, quỷ gorgont (tóc rắn) và hydra (rắn nhiều đầu). Như vậy, Ursula cũng thuộc nhóm nhân vật nguyên mẫu như rồng/nữ hoàng Maleficent trong Người đẹp ngủ trong rừng (hoặc mụ hoàng hậu già hay ghen ghét trong Bạch Tuyết, dì ghẻ Tremaine trong Lọ Lem, Hoàng hậu Đỏ trong Alice lạc vào Xứ Thần tiên, Cruella de Vil trong 101 chú chó đốm, bà Medusa trong Đội cứu hộ và Mẹ Gothel trong Công chúa tóc mây).

Ariel muốn theo đuổi mối tình lãng mạn của mình với Eric, chàng hoàng tử được cô cứu khỏi một vụ đắm tàu. Ursula đã lừa Ariel từ bỏ giọng hát của mình để lấy đôi chân người trong vòng ba ngày. Tuy vậy, Ursula biết rõ một khi Ariel mất đi chất giọng, cô sẽ không thể tạo nên một mối quan hệ với chàng hoàng tử. Mất đi khả năng nói - tức mất đi Ngôi Lời, mất đi Thánh Ngôn - cô sẽ bị chôn vùi dưới biển sâu và mất đi ý thức mãi mãi.

Khi Ariel không thể thành đôi với Hoàng tử Eric, Ursuala đã đánh cắp linh hồn cô, đặt nó trong bộ sưu tập đồ sộ những bán sinh vật co quắp và dị dạng đầy kiêu hãnh của mụ. Khi vua Triton xuất hiện và yêu cầu mụ trả lại con gái, Ursual đã buộc ông chấp thuận một thỏa thuận kinh khủng: thế ông vào chỗ con gái Ariel. Tất nhiên, việc xóa sổ vị vua Thông thái (xin nhắc lại là người đại diện cho khía cạnh nhân từ của chế độ gia trưởng) vốn là kế hoạch bất chính của mụ ngay từ đầu. Ariel được giải thoát, nhưng Triton giờ đây lại bị teo nhỏ thành chiếc bóng thảm hại của ông khi xưa. Quan trọng hơn, Ursula giờ đã nắm trong tay chiếc đinh ba thần kỳ của Triton, cũng là nguồn sức mạnh thần thánh của ông.

May mắn cho tất cả những ai liên quan (trừ Ursula), hoàng tử Eric đã quay lại, đánh lạc hướng mụ hoàng hậu độc ác của thế giới ngầm bằng một cây lao móc. Cú đột kích này đã tạo cơ hội cho Ariel tấn công Ursula; đáp trả lại, mụ ta biến lớn thành kích thước của một con quái vật - giống như kiểu nữ hoàng độc ác Maleficent trong Công chúa ngủ trong rừng. Ursula biến ra một cơn bão lớn và triệu hồi lên cả hạm đội tàu đắm từ dưới đáy biển. Trong lúc mụ chuẩn bị giết Ariel, Eric đã lái một chiếc tàu đắm và đâm vào mụ bằng chiếc rầm neo buồm bị gãy. Triton và những linh hồn bị bắt giữ khác được giải thoát. Vua Triton khỏe lại và biến con gái mình thành người, để cô có thể ở bên Eric. Và để hoàn toàn biến thành một phụ nữ - như các câu chuyện khẳng định - cô phải hình thành một mối quan hệ với ý thức nam tính và đứng lên chống lại thế giới tồi tệ (đôi khi chủ yếu phản ánh dưới hình hài người mẹ quá thực của cô). Một người đàn ông đích thực sẽ giúp cô làm điều đó ở một chừng mực nhất định. Nhưng sẽ tốt hơn với những người trong cuộc khi không có ai quá lệ thuộc vào người khác.

Một ngày khi còn bé, tôi đang chơi bóng mềm với vài đứa bạn bên ngoài. Đội tôi gồm cả nam lẫn nữ. Chúng tôi đều đủ lớn để cảm thấy đôi bên bắt đầu thích thú với đối phương theo một cách lạ lẫm. Địa vị ngày càng mang tính liên quan và quan trọng hơn. Jake bạn tôi và tôi sắp xảy ra xô xát, ra sức đẩy nhau về phía ụ ném bóng; thì mẹ tôi chợt đi ngang qua. Mẹ tôi ở cách rất xa, khoảng 27 mét, nhưng tôi ngay lập tức thấy sự thay đổi trong cử chỉ của mẹ để hiểu rằng bà biết chuyện gì đang xảy ra. Tất nhiên, những đứa trẻ khác cũng thấy bà. Bà đi ngang qua. Tôi biết điều đó làm bà tổn thương. Một phần cũng vì bà lo lắng tôi sẽ về nhà với chiếc mũi đầy máu và con mắt thâm tím. Sẽ dễ dàng hơn nếu bà chỉ việc quát lên: “Này lũ nhóc, mau thôi đi!”, hoặc thậm chí đến gần và can thiệp. Nhưng bà đã không làm thế. Một vài năm sau, khi tôi đang gặp rắc rối tuổi thiếu niên với cha mình, mẹ tôi bảo. “Nếu ở nhà quá yên bình, con sẽ chẳng bao giờ đi xa được.”

Mẹ tôi là một người dịu dàng. Bà biết thông cảm, hợp tác và đồng thuận. Đôi khi, bà để mọi người xô đẩy mình. Khi quay lại làm việc sau quãng thời gian ở nhà chăm con nhỏ, bà cảm thấy thật khó khăn khi đối đầu với cánh đàn ông. Đôi khi việc ấy khiến bà oán giận - cảm xúc mà có lúc bà cũng cảm thấy trong mối quan hệ với cha tôi, người luôn khẳng định bà phải làm mọi thứ mỗi khi ông muốn. Dù vậy, bà chưa bao giờ là một người mẹ có phức cảm Oedipus. Bà thúc đẩy sự tự lập của con mình, mặc cho việc ấy luôn làm khó bà. Bà đã làm đúng, bất kể việc ấy khiến bà đau lòng.

CỨNG RẮN LÊN! ĐỒ CON CHỒN!

Tôi đã dành cả mùa hè trai trẻ làm việc trong một nhóm công nhân đường sắt, trên thảo nguyên thuộc vùng trung tâm của tỉnh bang Saskatchewan. Mỗi người trong nhóm toàn nam ấy đều được những người khác thử thách trong suốt hai tuần đầu tiên được thuê của họ. Nhiều người trong số các công nhân còn lại là người Anh- điêng vùng Bắc Cree, những anh chàng chủ yếu chỉ yên lặng, dễ chịu cho đến khi họ uống quá nhiều và những góc khuất trong lòng họ bắt đầu lộ ra. Họ từng vào tù ra tội, như đa số họ hàng của họ. Họ không quá xấu hổ vì điều đó, khi chỉ xem đó như một phần của hệ thống mà người da trắng tạo ra. Mùa đông trong tù ấm áp, thức ăn cũng có đều đặn và phong phú. Tôi từng cho một anh chàng Cree mượn 50 đô-la. Thay vì trả tiền cho tôi, anh ta đề nghị trả bằng một cặp chặn sách, cắt từ vài thanh đường ray nào đó dọc phía tây Canada và tôi vẫn giữ chúng. Nó đáng giá hơn 50 đô-la rất nhiều.

Khi có một người mới xuất hiện, những công nhân khác chắc chắn sẽ tặng cho anh ta một biệt hiệu miệt thị. Họ gọi tôi là Howdy Doody sau khi tôi được chấp nhận là một thành viên trong đội (cái tên mà tôi phải thừa nhận là hơi ngượng). Khi tôi hỏi kẻ đầu trò vì sao anh ta chọn cho tôi biệt danh này, anh ta đã trả lời một cách hóm hỉnh và lố bịch rằng: “Vì ông trông chẳng giống hắn tí nào cả.” Đàn ông thuộc tầng lớp lao động thường rất vui tính theo kiểu mỉa mai, chọc ngoáy và sỉ nhục (như đã bàn trong Quy luật 9). Họ luôn phá rối nhau, một phần để giải trí, một phần để ghi điểm trong trận chiến giành quyền thống trị không hồi kết giữa họ. Nhưng một phần cũng để xem anh chàng kia sẽ làm gì nếu bị xã hội gây áp lực. Đó là một phần của quá trình đánh giá nhân cách, cũng như tình bạn khăng khít. Khi mọi chuyện suôn sẻ (khi mọi người cho đi và nhận lại xứng đáng, và có thể cho và nhận), đó sẽ là nguyên nhân chủ yếu cho phép những gã đàn ông phải nai lưng kiếm sống biết tha thứ, thậm chí thích thú với công việc lắp đặt ống, làm việc trên giàn khoan dầu, đốn gỗ, làm việc trong nhà bếp của các nhà hàng; và tất cả những công việc nóng nực, dơ bẩn, đòi hỏi cao về thể lực cũng như nguy hiểm, mà đến nay vẫn được đàn ông hoàn toàn thực hiện.

Không lâu sau khi tôi bắt đầu làm việc trong đội đường sắt, tên tôi đã được đổi thành Howdy. Đó là một sự cải thiện lớn, vì nó mang hàm ý tốt ở miền Tây và rõ ràng chẳng liên quan gì đến con rối Howdy Doody ngu ngốc cả. Người tiếp theo được thuê vào đội lại không may mắn như thế. Cậu ta mang theo một hộp cơm trưa bóng bẩy khi đi làm. Đây quả là một sai lầm, vì những chiếc túi giấy màu nâu ngà mới là chuẩn phù hợp và không khoe khoang. Hộp cơm của cậu ta hơi quá đẹp và quá mới. Có vẻ như mẹ cậu đã mua nó (và đóng gói) cho cậu ta. Thế nên nó đã trở thành tên của cậu ta. “Hộp cơm trưa” không phải một anh chàng hài hước. Cậu ta độc miệng về mọi thứ và có thái độ rất tệ. Mọi việc đều do lỗi của người khác. Cậu ta rất dễ tự ái và chẳng vội làm hòa.

“Hộp cơm trưa” không chấp nhận cái tên này và cũng chẳng ổn định được công việc. Cậu ta tỏ thái độ trịch thượng khi ai đó gọi cậu bằng cái tên này và phản ứng với công việc cũng theo cách tương tự. Không ai thích thú khi ở cạnh cậu ta và cậu ta cũng chẳng biết đùa. Đó là mối nguy hiểm chết người trong một đội lao động. Sau khoảng ba ngày giữ khư khư khiếu hài hước tệ hại của cậu ta cùng với bầu không khí ngột ngạt chung của số đông, “Hộp cơm trưa” bắt đầu phải chịu sự quấy rối còn kéo dài hơn chính biệt danh của cậu ấy. Cậu ta làm việc một cách cáu kỉnh trên đường ray, vây quanh bởi chừng 70 người đàn ông tỏa ra trên hơn 1/4 dặm. Đột nhiên, một viên sỏi chẳng biết từ đâu bay qua không trung, nhằm vào mũ bảo hộ của cậu ta. Cú ném trực diện sẽ tạo ra tiếng “cốp” rất đanh, làm hài lòng tất cả những ai đang lặng lẽ quan sát. Nhưng ngay cả điều này cũng không cải thiện được khiếu hài hước của cậu ta. Thế nên các viên sỏi ngày càng lớn hơn. “Hộp cơm trưa” hẳn đã để tâm đến chuyện gì đó và không chú ý. Thế rồi “cốp”, một viên đá nhắm thật chuẩn phang thẳng vào đầu cậu, làm bùng nổ cơn phẫn nộ sôi máu và bất lực. Trò vui lặng lẽ lan khắp đường ray. Sau vài ngày, “Hộp cơm trưa” biến mất với một vài vết bầm mà chẳng khôn ra được tí nào.

Đàn ông áp đặt một bộ luật ứng xử lên nhau khi làm việc cùng nhau. Hãy làm việc của mình. Hãy dốc sức. Hãy tỉnh táo và chú ý. Đừng rên rỉ hoặc tự ái. Hãy đứng về phía bạn bè. Đừng nịnh bợ và mách lẻo. Đừng lệ thuộc vào những quy tắc ngu ngốc. Đừng là đồ ẻo lả - như những lời bất hủ của cựu tài tử Arnold Schwarzenegger[65]. Đừng bao giờ phụ thuộc. Thế thôi! Chấm hết! Quấy rối là bài kiểm tra và là một phần của sự chấp nhận trong một đội lao động. Bạn có đủ cứng rắn, vui vẻ, được việc và đáng tin cậy hay không? Nếu không thì hãy biến đi. Đơn giản thế thôi. Chúng tôi không cần phải tiếc cho bạn. Chúng tôi không muốn chịu đựng trò tự ái của bạn và cũng không muốn làm việc thay bạn.

Có một quảng cáo nổi tiếng dưới hình thức một tập truyện tranh, được vận động viên thể hình Charles Atlas phát hành cách đây vài thập niên. Tựa đề của nó là “Lời xúc phạm biến Mac thành đàn ông” và xuất hiện trong hầu hết mọi quyển truyện tranh, đa số được bọn con trai tìm đọc. Mac, nhân vật chính, đang ngồi trên một tấm khăn đi biển cùng với một phụ nữ trẻ hấp dẫn. Một tên bắt nạt chạy ngang qua và đá cát vào mặt họ. Mac phản kháng. Gã đàn ông kia to lớn kia tóm lấy tay cậu và nói: “Nghe đây. Tao sẽ đập nát mặt mày… Nhưng mày gầy còm như vậy, gió thổi cũng đủ sấy khô và cuốn mày đi rồi.” Gã bắt nạt bỏ đi. Mac nói với cô gái: “Tên to xác khốn khiếp! Rồi có ngày anh sẽ trả đủ.” Cô gái làm điệu bộ khiêu khích và nói: “Ôi đừng bận tâm, chàng trai bé bỏng của em.” Mac về nhà, nhìn lại hình thể thảm hại của mình và mua chương trình Atlas. Chẳng bao lâu, cậu đã có một thân hình mới. Lần tiếp theo cậu đến bãi biển, cậu đã đấm thẳng vào mũi tên bắt nạt to xác ấy. Cô bạn gái ôm lấy cánh tay cậu đầy ngưỡng mộ. “Ôi, Mac!”, cô ấy nói, “thì ra anh là một người đàn ông thực sự”.

Quảng cáo ấy nổi tiếng là có lý do. Nó tóm lược tâm sinh lý tình dục con người một cách thẳng thắn qua bảy tấm pa-nô. Người đàn ông trẻ quá yếu đuối cảm thấy xấu hổ và tự ý thức về điều đó, hệt như lẽ thường. Anh ta có gì hay? Anh bị xem thường bởi những gã đàn ông khác và tệ hơn là bởi cả những phụ nữ đáng khao khát. Thay vì chìm đắm trong nỗi oán giận và trốn xuống tầng hầm để chơi điện tử trong chiếc quần lót, phủ đầy người bằng bột Cheetos (một loại bánh snack), anh đã thể hiện bản thân bằng cái mà Alfred Adler, đồng nghiệp thực tế nhất của Freud, gọi là “ảo tưởng đền bù”. Mục tiêu của ảo tưởng ấy không phải là hoàn thành điều ước, mà chỉ là tia sáng soi rọi con đường đích thực phía trước. Mac nghiêm túc chú ý đến cơ thể như con bù nhìn của mình và quyết định rằng cậu nên phát triển một cơ thể khỏe mạnh hơn. Quan trọng hơn, cậu đã thực hiện kế hoạch của mình. Cậu xác định rằng một phần của bản thân có thể vượt qua trạng thái hiện tại và trở thành người hùng trong cuộc phiêu lưu của chính mình. Cậu quay lại bãi biển và đấm vào mũi gã bắt nạt. Mac đã thắng. Bạn gái cậu cũng vậy. Và tất cả mọi người cũng thế.

Lợi thế rõ ràng của phụ nữ là đàn ông không hề vui vẻ chấp nhận sự phụ thuộc lẫn nhau trong giới đàn ông. Một phần lý do mà rất nhiều phụ nữ thuộc tầng lớp lao động hiện nay không kết hôn - như chúng ta đã ám chỉ - là vì phụ nữ không muốn phải chăm sóc một người đàn ông đang cực khổ tìm kiếm việc làm cùng với con cái của họ. Cũng công bằng đấy! Một người phụ nữ nên chăm sóc con cái của mình - mặc dù đó không phải là tất cả những gì cô ta nên làm. Và một người đàn ông nên chăm sóc cả người phụ nữ lẫn con cái - mặc dù đó không phải là tất cả những gì anh ta nên làm. Nhưng một người phụ nữ không nên chăm sóc một người đàn ông, vì cô ấy phải chăm sóc con cái và người đàn ông không nên là một đứa trẻ. Điều này có nghĩa anh ta không được phép ỷ lại. Đây là một trong những lý do khiến cánh mày râu rất ít kiên nhẫn với tuýp đàn ông hay ỷ lại. Và chúng ta đừng quên rằng: Những phụ nữ xấu tính có thể sinh ra những đứa con trai ỷ lại, có thể ủng hộ và thậm chí kết hôn với những đàn ông ỷ lại. Nhưng một phụ nữ tỉnh táo và có ý thức sẽ muốn có một người bạn đời cũng tỉnh táo và có ý thức như họ.

Chính vì lý do này mà nhân vật Nelson Muntz trong phim The Simpsons (tạm dịch: Gia đình Simpson) là cần thiết với nhóm cộng đồng nhỏ xung quanh đứa con trai hay chống đối của Homer tên là Bart. Nếu không có Nelson, Trùm của lũ Bắt nạt, ngôi trường sẽ sớm bị tàn phá bởi Milhouse đầy oán giận và tự ái, Martin Princes thông minh mà ái kỷ, bọn trẻ người Đức tự phụ và nghiện sô-cô-la, cùng với Ralph Wiggums có tính trẻ con. Muntz là một đứa trẻ biết chỉnh đốn, tự lập và cứng cỏi, sử dụng khả năng của mình để quyết định những hành vi trẻ con và thảm hại nào là không nên làm. Một phần tinh túy của Gia đình Simpson là việc các tác giả đã không chấp nhận miêu tả Nelson đơn giản như một kẻ bắt nạt không thể cứu chuộc. Dù bị người cha vô dụng bỏ rơi, bị người mẹ trăng hoa và vô tâm của mình ngó lơ, nhưng Nelson vẫn sống khá tốt, nếu xét đến mọi phương diện. Cậu ta thậm chí còn có tình cảm với Lisa, cô gái có đầu óc tiến bộ, đến mức khiến cô thất thần và bối rối (nhờ cùng những lý do này mà bộ tiểu thuyết Fifty Shades of Grey - Năm mươi sắc thái đã trở thành hiện tượng trên toàn thế giới).

Khi sự mềm yếu và vô hại trở thành những đức tính được chấp nhận qua ý thức, thì sự cứng rắn và sự thống trị sẽ bắt đầu toát ra sự mê hoặc vô thức. Điều này phần nào có nghĩa rằng trong tương lai, nếu đàn ông bị thúc đẩy phải nữ tính quá nhiều, họ sẽ ngày càng hứng thú với hệ tư tưởng chính trị phát-xít khắc nghiệt trong bộ phim Fight Club (tên tiếng Việt: Sàn đấu sinh tử), có lẽ là bộ phim mang tính phát-xít nhất nhất được Hollywood thực hiện trong những năm gần đây, cùng với ngoại lệ khả dĩ từ loạt phim Iron Man - Người sắt, cung cấp một ví dụ hoàn hảo về thứ hấp lực không thể tránh khỏi ấy. Làn sóng ủng hộ Donald Trump tại Mỹ cũng là một phần của quá trình này, cũng như (với hình thức nham hiểm hơn) sự gia tăng gần đây của các đảng phái chính trị cực hữu ngay cả ở những nơi ôn hòa và khai phóng như Hà Lan, Thụy Điển và Na Uy.

Đàn ông phải cứng rắn lên. Đàn ông thì đòi hỏi điều đó, còn phụ nữ lại muốn như thế; tuy họ có thể không chấp nhận thái độ hà khắc và khinh miệt vốn là một phần tất yếu trong quá trình đòi hỏi mang tính xã hội, vốn thúc đẩy và củng cố sự cứng rắn. Một số phụ nữ không muốn mất những đứa con trai bé bỏng của mình, nên họ cứ giữ rịt chúng bên mình mãi mãi. Một số phụ nữ không thích đàn ông, nên họ thà có một người bạn đời dễ bảo ngay cả khi anh ta vô dụng. Điều này cũng khiến họ cảm thấy vô cùng hối tiếc cho chính mình. Ta không nên đánh giá thấp những khoái lạc kiểu tự thương hại như thế.

Đàn ông cứng rắn lên bằng cách tự thúc đẩy mình và thúc đẩy lẫn nhau. Khi tôi còn là thiếu niên, bọn con trai dễ bị tai nạn xe hơn con gái (và bây giờ vẫn thế). Điều này xảy ra là bởi họ tham gia những trận đua xe ban đêm trong các bãi đỗ xe đóng băng. Họ đã tăng tốc và lái xe của họ trên những ngọn đồi không có đường đi, trải dài từ con sông gần đó đến tầng đất cao đến cả trăm mét. Họ có khuynh hướng đánh nhau nhiều hơn, cũng như cúp học, nói dối giáo viên và bỏ học giữa chừng vì quá mệt mỏi với chuyện giơ tay xin phép đi vệ sinh, trong khi họ đã đủ lớn và đủ khỏe để làm việc trên những giàn khoan dầu. Họ cũng có khả năng đua xe máy trên các hồ nước đóng băng vào mùa đông nhiều hơn. Giống như bọn trẻ trượt ván, những người leo cần trục và vận động viên chạy tự do, họ đang làm những việc nguy hiểm, cố gắng khiến bản thân trở nên hữu ích. Khi quá trình này đi quá xa, các chàng trai (và đàn ông) sẽ sa vào hành vi chống đối xã hội vốn phổ biến ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng mọi biểu hiện của sự liều lĩnh và can đảm đều là phạm tội.

Khi các chàng trai đang quay cuồng với những trận đua xe, đó cũng chính là lúc họ đang kiểm tra giới hạn của xe cộ, khả năng lái xe và khả năng kiểm soát của họ trong tình huống ngoài tầm kiểm soát. Khi họ nói dối giáo viên, tức là họ đang chống lại giới cầm quyền để xem liệu có quyền lực thực sự nào không - loại quyền lực mà trên nguyên tắc, ta có thể dựa vào khi khủng hoảng. Khi bỏ học, họ làm việc ở giàn khoan lúc thời tiết âm đến 40 độ. Sự yếu đuối không phải là nguyên do đẩy nhiều người ra khỏi lớp học, nơi một tương lai được cho là tốt đẹp hơn đang chờ đợi. Mà chính là sức mạnh.

Nếu khỏe mạnh, phụ nữ sẽ không muốn lũ con trai bên cạnh. Họ muốn những người đàn ông. Họ muốn có ai đó để tranh đấu; ai đó để vật lộn. Nếu họ cứng rắn, họ còn muốn có ai đó cứng rắn hơn. Nếu họ thông minh, họ còn muốn có ai đó thông minh hơn. Họ khao khát một người có thể mang đến thứ mà họ không thể mang lại. Điều này thường gây khó khăn cho những phụ nữ cứng rắn, thông minh và hấp dẫn trong việc tìm bạn đời: Đơn giản là không có nhiều đàn ông xung quanh đủ vượt trội họ, để họ xem là đáng khao khát (như một nghiên cứu đã cho thấy, đàn ông vượt trội hơn ở đây là về “thu nhập, học vấn, lòng tự tin, trí thông minh, sự thống trị và vị thế xã hội”). Vì thế, thứ tinh thần đóng vai trò ở đây khi những chàng trai cố gắng trở thành đàn ông chính là “chẳng thể làm bạn bè gì với phụ nữ trừ khi là đàn ông”. Khi các cô gái nhỏ cố gắng đứng trên đôi chân của mình, tinh thần ấy sẽ phản đối ầm ĩ và tự cho mình là đúng (“cô không thể làm điều đó, như thế quá nguy hiểm”). Nó phủ nhận sự tự ý thức. Nó là nhân vật phản diện, thèm muốn thất bại, ghen tuông, oán giận và phá hoại. Không ai thực sự đứng về phía nhân loại lại liên minh với một thứ như thế. Không ai đặt mục tiêu tiến lên lại cho phép mình bị một thứ như thế chiếm hữu. Và nếu bạn nghĩ rằng đàn ông cứng rắn là nguy hiểm, thì hãy đợi đến khi bạn thấy những gã đàn ông yếu ớt có thể làm gì.

Đừng ngăn cản con bạn đón nhận thử thách.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3