12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 12
QUY LUẬT 10
NHẬN THỨC CHÍNH XÁC VỀ BẢN THẢN VÀ THẾ GIỚI QUANH MÌNH
TẠI SAO CHIẾC MÁY TÍNH XÁCH TAY CỦA TÔI LẠI QUÁ LỖI THỜI?
BẠN THẤY GÌ khi nhìn vào một chiếc máy tính - chính xác hơn là máy tính xách tay của mình? Bạn thấy một chiếc hộp xám đen, phẳng và mỏng. Trừu tượng hơn, bạn thấy một thứ gì đó để nhập vào và xem thông tin. Nhưng ngay cả với nhận thức thứ hai, thì thứ mà bạn nhìn thấy khó có thể là một chiếc máy tính. Chiếc hộp màu xám đen ấy đang là một chiếc máy tính, ngay tại đây và ngay lúc này, và thậm chí có thể là một chiếc máy tính đắt tiền. Nhưng nó sẽ sớm trở thành thứ gì đó không còn giống máy tính nữa, đến mức thậm chí muốn cho đi cũng khó.
Trong vòng năm năm tới, chúng ta đều sẽ vứt bỏ máy tính xách tay của mình, dù chúng có thể vẫn đang hoạt động hoàn hảo - dù màn hình, bàn phím, chuột và kết nối Internet vẫn làm tốt nhiệm vụ, không chút sai sót nào. Sau 50 năm kể từ bây giờ, các máy tính xách tay ra đời vào đầu thế kỷ XXI sẽ trở thành những vật kỳ dị như công cụ khoa học bằng đồng vào cuối thế kỷ XIX. Những công cụ ấy giờ đây được xem như những món phụ tùng bí ẩn của thuật giả kim, được thiết kế để đánh giá các hiện tương mà chúng ta giờ đây không còn nhận ra sự tồn tại của chúng. Vậy làm sao máy móc công nghệ cao - mỗi món đều có sức mạnh điện toán cao hơn toàn bộ chương trình không gian Apollo, lại mất hết giá trị chỉ trong khoảng thời gian ngắn như thế? Làm sao chúng có thể biến đổi từ những cỗ máy thú vị, hữu ích và nâng tầm đẳng cấp thành rác thải phức tạp nhanh đến như vậy? Đó là vì chính bản chất những nhận thức của chúng ta, cùng sự tương tác như vô hình giữa những nhận thức ấy với sự phức tạp căn bản của thế giới.
Máy tính xách tay của bạn là một nốt nhạc trong bản giao hưởng đang được một dàn nhạc khổng lồ đến mức không tưởng tượng nổi biểu diễn. Nó là một phần rất nhỏ của một tổng thể cực kỳ to lớn. Hầu hết năng lực mà nó có được đều trú trong lớp vỏ cứng. Nó duy trì chức năng chỉ nhờ vào một loạt những công nghệ khác đang vận hành hài hòa với nhau. Ví dụ, nó được cung cấp năng lượng từ một mạng lưới điện, với chức năng phụ thuộc vô hình vào sự ổn định của vô số những hệ thống vật lý, sinh học, kinh tế và tương tác giữa người với người vô cùng phức tạp. Các nhà máy sản xuất phụ tùng cho nó vẫn đang hoạt động. Hệ điều hành cho phép nó hoạt động dựa trên các phụ tùng ấy, chứ không phải những thứ khác chưa được tạo ra. Phần cứng hỗ trợ hình ảnh chạy thứ công nghệ đúng như kỳ vọng của những kẻ sáng tạo đang đăng nội dung của họ lên trang web. Chiếc máy tính xách tay của bạn đang giao tiếp với một hệ sinh thái cụ thể, nhất định bao gồm nhiều thiết bị và máy chủ khác.
Và cuối cùng, toàn bộ những điều này xảy ra là nhờ một yếu tố thậm chí còn vô hình hơn: khế ước xã hội của lòng tin - tức các hệ thống chính trị và kinh tế nền tảng kết nối trung thực với nhau, giúp biến mạng lưới điện đáng tin cậy thành hiện thực. Sự tương thuộc của bộ phận trong tổng thể, vốn dĩ vô hình trong những hệ thống hiệu quả, lại hiện lên rõ mồn một trong những hệ thống hỏng hóc. Các hệ thống bao quanh với trật tự cao hơn - cho phép máy tính cá nhân ra đời - lại hầu như không tồn tại ở các quốc gia tham nhũng thuộc thế giới thứ ba[54]. Thế nên các đường dây điện, công tắc điện, ổ cắm điện và mọi thiết bị đầu vào khác đều ngụ ý một cách tràn trề hy vọng và cụ thể rằng: Một lưới điện như thế hẳn là không tồn tại hoặc đã hao mòn và thực ra chẳng đóng góp được gì cho việc cung cấp điện đến các nhà dân và nhà máy. Điều này khiến ta quan niệm về các thiết bị điện tử, cũng như các thiết bị khác hoạt động nhờ điện - về mặt lý thuyết - như những thiết bị chức năng cùng lắm là đáng thất vọng và tệ nhất là không thể có trên đời. Điều này một phần là do thiếu sót kỹ thuật: Các hệ thống chỉ là không hoạt động thôi. Nhưng cũng do một phần không hề nhỏ ở sự thiếu tin tưởng, vốn là đặc trưng của các xã hội suy thoái có hệ thống.
Nói theo cách khác: Những gì bạn nhận thức về máy tính của mình, chỉ là một chiếc lá nhỏ, trên một cái cây, nằm giữa một khu rừng - hoặc chính xác hơn là giống những ngón tay của bạn thoáng cọ vào chiếc lá ấy. Ta có thể hái một chiếc lá từ nhánh cây. Tóm lại, ta có thể hiểu nó như một thực thể đơn lẻ, tách rời - nhưng nhận thức ấy lại đi chệch hướng thay vì làm rõ vấn đề. Trong một vài tuần, chiếc lá sẽ mục nát và tan biến. Nó sẽ không còn tồn tại nếu không ở trên cây. Nó sẽ không thể tiếp tục tồn tại nếu không còn cái cây. Đó cũng là vị trí của những chiếc máy tính xách tay của chúng ta trong mối liên hệ với thế giới này. Có quá nhiều thứ trong chiếc máy tính trú ngụ bên ngoài ranh giới của chúng, nên các thiết bị có màn hình mà chúng ta đặt trong lòng chỉ có thể duy trì vẻ ngoài “giống chiếc máy tính” trong vài năm ngắn ngủi.
Hầu hết mọi thứ mà chúng ta thấy và nắm giữ đều giống như thế, mặc dù chúng thường không thể hiện rõ ràng.
CÔNG CỤ, TRỞ NGẠI VÀ SỰ MỞ RỘNG RA THẾ GIỚI
Chúng ta đinh ninh rằng mình đã trông rõ những sự vật, sự việc khi nhìn vào thế giới, nhưng đó thực sự không phải cách chúng tồn tại. Các hệ thống nhận thức tiến hóa của chúng ta đã biến đổi một thế giới kết nối lẫn nhau, phức tạp trên nhiều cấp độ, mà chúng ta đang sống trong đó, thành những thứ mà tự chúng trở nên hữu ích (hoặc những thứ gây hại, cản đường). Đây là sự gia giảm cần thiết và thực tiễn của thế giới. Đây là sự biến đổi của tính phức tạp gần như vô hạn của vạn vật thông qua các chi tiết hạn hẹp chiếu theo mục đích của chúng ta. Đây là cách mà tính chính xác khiến cho thế giới biểu hiện theo hướng hợp lý. Nó hoàn toàn không giống việc nhận thức về các vật thể.
Chúng ta không nhìn thấy các thực thể vô giá trị để rồi gán cho chúng ý nghĩa nào đó. Chúng ta chỉ trực tiếp nhận thức được ý nghĩa nào đó. Chúng ta thấy sàn nhà để đi, thấy cánh cửa để ra vào và thấy chiếc ghế để ngồi lên. Chính vì lý do này mà ghế lười (beanbag) và gốc cây đều được xếp vào loại thứ hai (trực tiếp nhận thức được ý nghĩa), mặc dù theo khách quan thì chúng có rất ít điểm chung. Chúng ta thấy những hòn đá vì có thể ném chúng, trông thấy mây bởi mây có thể tạo mưa xuống chúng ta, thấy những quả táo để ăn và thấy những chiếc xe hơi của người khác cản đường rồi làm phiền ta. Chúng ta thấy những công cụ và trở ngại, chứ không phải sự vật và sự việc. Hơn nữa, chúng ta thấy các công cụ và trở ngại ở mức độ phân tích “thuận thiện”, để khiến chúng trở nên hữu ích nhất (hoặc nguy hiểm nhất) dựa trên nhu cầu, khả năng và giới hạn nhận thức của chúng ta. Thế giới hé lộ với chúng ta như điều gì đó để chúng ta tận dụng và vẽ lối vượt qua - chứ không phải là thứ gì đó đơn thuần.
Chúng ta thấy gương mặt của những người đang nói chuyện cùng mình, vì chúng ta cần giao tiếp và hợp tác với những người ấy. Chúng ta không thấy những cấu trúc hạ tầng vi mô, các tế bào, cơ quan nội bào, các phân tử và nguyên tử cấu tạo nên những tế bào của họ. Chúng ta cũng không nhìn thấy thế giới vĩ mô bao quanh họ, như người thân và bạn bè tạo nên các vòng tròn xã hội tức thì ở họ, nền kinh tế mà họ sống trong đó hay hệ sinh thái bao hàm tất cả những người này. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, không phải lúc nào ta cũng trông thấy họ. Chúng ta thấy họ sống trong một hiện tại nhỏ hẹp, tức thời và lấn át, chứ không thấy họ được vây quanh bởi quá khứ và tương lai, vốn là phần quan trọng hơn của họ so với bất kỳ điều gì đang thể hiện rõ. Và ta phải nhìn theo cách này, nếu không sẽ bị choáng ngợp.
Khi nhìn vào thế giới, chúng ta chỉ nhận thức vừa đủ để các kế hoạch và hành động của mình được hiệu quả và để mình sống tiếp. Và rồi nơi chúng ta đang sống chính là thứ “vừa đủ” ấy. Đó là sự đơn giản hóa thế giới một cách triệt để, thiết thực và vô thức - và hầu như khiến ta không thể không nhầm lẫn nó với bản thân thế giới. Tuy nhiên, những sự vật chúng ta nhìn thấy không chỉ đơn giản tồn tại ở đó, trong thế giới này chỉ vì sự nhận thức trực tiếp, đơn giản của chúng ta[55]. Chúng tồn tại trong một mối quan hệ phức tạp và đa chiều với những sự vật khác, chứ không tách biệt, giới hạn và độc lập rõ ràng. Chúng ta nhận thức tính thiết thực từ chức năng của đồ vật thay vì chính chúng. Từ đó, ta khiến chúng trở nên đủ đơn giản để đủ hiểu chúng. Chính vì lý do này mà chúng ta phải xác định chính xác mục tiêu của mình. Nếu không, ta sẽ “chết đuối” trong sự phức tạp của thế giới này.
Điều này cũng đúng với những nhận thức của chúng ta về bản thân, về con người cá thể của mình. Chúng ta đinh ninh đã dừng lại ở bề mặt làn da của mình, dựa trên cách nhận thức như thế. Nhưng ta có thể suy nghĩ sâu hơn đôi chút về bản chất tạm thời của ranh giới này. Có thể nói rằng khi bối cảnh sống của mình thay đổi, chúng ta cũng sẽ dịch chuyển những gì nằm dưới lớp da ấy. Thậm chí, khi chúng ta làm những việc tưởng như đơn giản như nhặt lên một cái tuốc-nơ-vít, não bộ cũng sẽ tự động điều chỉnh “cái” nó xem là cơ thể để bao gồm thêm công cụ này. Chúng ta có thể cảm nhận đến tận cùng chiếc tuốc-nơ-vít theo đúng nghĩa đen. Khi vươn tay ra và nắm lấy chiếc tuốc-nơ-vít, chúng ta đã tự động bổ sung thêm chiểu dài của nó. Ta có thể dò xét mọi ngóc ngách với điểm cuối mở rộng của nó và lĩnh hội những gì mình đang khám phá. Hơn thế, chúng ta ngay lập tức xem chiếc tuốc-nơ-vít đang nắm trong tay là tuốc-nơ-vít “của mình” và tự cho mình sở hữu nó. Chúng ta cũng làm điều tương tự với những công cụ phức tạp hơn mà mình sử dụng, trong những tình huống phức tạp hơn nhiều. Những chiếc xe hơi mà chúng ta điều khiển một cách tức thời và tự động cũng trở thành chính ta. Do vậy, khi ai đó đấm vào mui xe của ta khi ta ngáng lối anh ấy ở vạch băng qua đường, chúng ta sẽ xem đó là vấn đề cá nhân. Điều này không phải lúc nào cũng hợp lý. Song, nếu không có sự mở rộng bản thể gắn với máy móc ấy, chúng ta sẽ không thể nào lái nó.
Các ranh giới mở rộng của bản thân chúng ta cũng có thể bao gồm những người khác - như người thân, người yêu và bạn bè. Một người mẹ sẽ hy sinh bản thân cho những đứa con của mình. Liệu người cha, con trai hay vợ hoặc chồng của chúng ta có ít gắn liền với ta như chân tay không? Chúng ta có thể trả lời một phần bằng cách đặt câu hỏi: Chúng ta sẵn sàng mất đi điều gì hơn? Chúng ta sẵn sàng hy sinh để tránh sự mất mát nào? Chúng ta tiến hành sự mở rộng vĩnh cửu này - tức cam kết trường tồn như thế - bằng cách đồng cảm với những nhân vật hư cấu xuất hiện trong những cuốn sách và bộ phim. Mọi bi kịch và thắng lợi của họ nhanh chóng thuộc về chính ta một cách đầy thuyết phục. Dù đang ngồi yên trên ghế, nhưng chúng ta vẫn luận ra hàng loạt thực tại thay thế khác nhau, mở rộng bản thân mình qua thực nghiệm và kiểm chứng nhiều hướng đi tiềm năng trước khi xác định hướng đi mà chúng ta thực sự áp dụng. Khi đắm chìm trong một thế giới hư cấu, ta thậm chí có thể trở thành những điều không “thực sự” tồn tại. Trong chớp mắt, trong đại sảnh thần kỳ của một rạp chiếu phim, chúng ta có thể trở thành những sinh vật huyền bí. Chúng ta ngồi trong bóng tối trước những hình ảnh lướt qua thật nhanh và trở thành những phù thủy, siêu anh hùng, người ngoài hành tinh, ma cà rồng, sư tử, tiên rừng hay những con rối gỗ. Chúng ta cảm nhận được mọi thứ mà họ cảm nhận và hạnh phúc khác thường khi trả giá cho đặc quyền này, ngay cả khi chúng ta trải qua nỗi u sầu, lo sợ hay kinh hoàng.
Một điều tương tự nhưng cực đoan hơn sẽ diễn ra khi chúng ta đồng cảm không phải với một nhân vật trong bộ phim hư cấu, mà là với một nhóm người trong một cuộc đấu. Hãy nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra khi đội bóng yêu thích thắng hoặc thua một trận quan trọng trước đại kình địch. Bàn thắng quyết định chiến thắng sẽ khiến toàn bộ giới hâm mộ đồng loạt bật dậy và cùng reo hò, trước khi họ kịp suy nghĩ. Cứ như thể nhiều hệ thống thần kinh trực tiếp kết nối với trận đấu đang diễn ra trước mắt họ. Người hâm mộ xem chiến thắng hay thất bại của đội bóng họ yêu thích như là của chính họ vậy, thậm chí còn mặc áo thi đấu của những người hùng trong lòng mình, thường kỷ niệm các trận thắng và thua của họ hơn hẳn bất kỳ sự kiện nào “thực sự” diễn ra trong cuộc sống đời thường. Sự đồng cảm này thể hiện rất sâu sắc - cả về mặt sinh hóa lẫn thần kinh. Ví dụ, những trải nghiệm thắng thua gián tiếp làm tăng hoặc giảm lượng nội tiết tố nam (testosterone) của những người hâm mộ “tham gia” vào cuộc đấu. Khả năng đồng cảm của chúng ta là điều thể hiện ở mọi cấp độ của Hữu thể.
Tương tự, khi xét đến mức độ của lòng ái quốc, đất nước không chỉ quan trọng với chúng ta, mà chính là bản thân ta. Thậm chí, ta sẵn sàng hy sinh toàn bộ những sinh mạng nhỏ nhoi trong cuộc chiến để giữ gìn sự toàn vẹn của đất nước. Trong lịch sử, tinh thần sẵn sàng hy sinh được xem là điều đáng ngưỡng mộ và dũng cảm, là một phần nghĩa vụ của con người. Nghịch lý thay, đó không phải hệ quả trực tiếp của lòng hiếu chiến, mà là của tính chan hòa cao độ và sự sẵn lòng hợp tác của ta. Nếu chúng ta không chỉ là bản thân mình mà còn là gia đình, đồng đội và đất nước của mình, thì sự hợp tác sẽ đến rất dễ dàng, dựa trên những cơ chế bẩm sinh sâu xa đã khiến chúng ta (và những sinh vật khác) bảo vệ thể xác của mình.
THẾ GIỚI CHỈ ĐƠN GIẢN KHI NÓ VẬN ĐỘNG
Thật khó để hiểu được sự hỗn loạn liên kết lẫn nhau ở thực tại, nếu chỉ nhìn bằng mắt. Nó là một hành động hết sức phức tạp, và có lẽ cần đến nửa bộ não của ta. Mọi thứ đều xê dịch và thay đổi trong thế giới thực. Mỗi thứ tưởng như riêng rẽ đều được tạo thành từ những thứ tưởng như riêng rẽ nhỏ hơn và đồng thời chính nó lại là một phần của những thứ tưởng như riêng rẽ lớn hơn. Khách quan mà nói, ranh giới giữa các cấp độ - và giữa những sự vật khác nhau ở cùng cấp độ ấy - không hề rõ ràng mà cũng chẳng hiển nhiên. Chúng phải được thiết lập một cách thiết thực, thực dụng và duy trì hiệu lực chỉ trong những điều kiện rất hạn hẹp và cụ thể. Ví dụ, ảo tưởng có ý thức về nhận thức toàn diện và đầy đủ chỉ tự duy trì được - chỉ vừa đủ cho mục đích của chúng ta - khi mọi việc diễn ra theo dự tính. Trong những hoàn cảnh như thế, những gì ta thấy đã đủ chuẩn xác, nên chẳng cần phải tìm kiếm xa hơn. Để lái được xe, chúng ta chẳng cần phải hiểu hay lĩnh hội được máy móc phức tạp của xe hơi. Những sự phức tạp ẩn sau chiếc xe hơi cá nhân chỉ thâm nhập vào nhận thức của ta khi máy móc của nó trục trặc, hay bất ngờ va chạm với thứ gì đó (hoặc thứ gì đó va chạm với ta). Ngay cả trong trường hợp hỏng máy móc đơn thuần (chứ chưa nói đến tai nạn nghiêm trọng), thì ta vẫn luôn cảm thấy sự xâm phạm ấy - chí ít là ngay từ ban đầu - là một sự kích thích nỗi lo lắng. Đó là hậu quả khi sự không chắc chắn xuất hiện.
Một chiếc xe trong nhận thức của ta không phải là đồ vật, cũng không phải đối tượng. Thay vì thế, nó là thứ gì đó đưa ta đến nơi mình muốn đi. Thực ra, chỉ khi nào nó không đưa ta đi được nữa, thì ta mới nhận thức nhiều về nó. Chỉ khi nào nó dừng lại đột ngột - hoặc vướng vào một vụ tai nạn và phải tấp vào bên kia đường - thì chúng ta mới buộc phải hiểu rõ và mổ xẻ vô số bộ phận mà “chiếc xe chạy được” phụ thuộc vào chúng. Khi xe của ta bị hỏng, toàn bộ sự kém cỏi do thiếu hiểu biết về độ phức tạp của nó sẽ lập tức bị phơi bày. Điều đó gây nên những hậu quả thực tiễn (chúng ta không đến được nơi mình đang đến), cũng như hậu quả về mặt tâm lý: Sự bình yên trong tâm trí ta sẽ biến mất cùng với một phương tiện đi lại đang chạy tốt. Nhìn chung, chúng ta phải nhờ sự giúp đỡ của những chuyên gia trong ga-ra hay các xưởng sửa chữa để phục hồi lại chức năng của chiếc xe lẫn sự đơn giản trong nhận thức của chúng ta. Đó gọi là “thợ cơ khí kiêm nhà tâm lý”.
Chính xác thì sau đó chúng ta có thể thấu hiểu, dù hiếm khi cân nhắc kỹ, về khả năng kém đến kinh ngạc của tầm nhìn của mình, cũng như sự thiếu hiểu biết của ta về nó. Trong một cơn khủng hoảng, khi vật dụng của chúng ta không còn hoạt động, chúng ta sẽ quay sang những người có chuyên môn cao hơn mình để lập lại thế cân bằng giữa khát khao đáng mong đợi của bản thân với điều đang thực sự diễn ra. Toàn bộ chuyện này đồng nghĩa rằng tình trạng hỏng hóc của chiếc xe cũng có thể buộc ta phải đối mặt với sự không chắc chắn của một bối cảnh xã hội rộng lớn hơn, vốn thường vô hình trước mắt ta; mà trong đó, máy móc (và người thợ máy) cũng chỉ là những thành tố không đáng kể. Khi bị chính chiếc xe của mình phản bội, ta dần phải đối mặt với tất cả những điều mình không hề biết. Liệu đã đến lúc mua một chiếc xe mới? Liệu mình có phạm sai lầm khi mua xe từ đầu? Liệu tay thợ máy có thạo nghề, trung thực và đáng tin không? Liệu ga-ra nơi anh ta làm việc có đáng tin cậy không? Đôi khi, ta cũng phải ngẫm đến những điều tồi tệ hơn, sâu rộng hơn: Có phải đường sá giờ đây đã trở nên quá nguy hiểm? Có phải ta đã trở nên (hoặc luôn) quá kém cỏi? Quá lo âu và lơ đễnh? Hoặc quá già? Những hạn chế trong nhận thức của chúng ta về sự vật và bản thể tự lộ ra, khi những điều trong thế giới giản đơn mà ta thường phụ thuộc vào bỗng sụp đổ. Rồi một thế giới phức tạp hơn - vốn luôn tồn tại ở đó, vô hình và dễ bị phớt lờ - hiện ra. Khi ấy, khu vườn có tường bao mà chúng ta vẫn sống trong đó bỗng lộ ra những con rắn ẩn mình nhưng vô cùng hiện hữu.
BẠN VÀ TÔI CHỈ ĐƠN GIẢN KHI THẾ GIỚI NÀY VẬN HÀNH
Khi những thứ xung quanh sụp đổ, những điều mà ta từng phớt lờ liền tràn vào. Khi mọi thứ không còn chính danh và chính xác nữa, các bức tường sẽ vỡ vụn và sự hỗn loạn sẽ hiện ra để tất cả chúng ta đều nhận biết. Khi chúng ta lơ đễnh để mặc mọi thứ trôi qua, những điều chúng ta từng không chịu chú ý sẽ hội tụ lại trong một hình thái thâm hiểm và thường tấn công vào những thời điểm tồi tệ nhất có thể. Chỉ khi ấy, ta mới nhận ra ý định có trọng tâm, mục tiêu chính xác cùng với sự chú tâm thận trọng đã bảo vệ chúng ta khỏi thứ gì.
Hãy hình dung một người vợ thủy chung, thành thật đột nhiên phải đối diện với những chứng cứ về sự bội tín của chồng mình. Cô là người đầu ấp tay gối với anh ta suốt nhiều năm. Cô xem anh là con người mà cô vẫn đinh ninh: Đáng tin cậy, cần cù, biết yêu thương và có thể trông cậy. Trong cuộc hôn nhân của mình, cô tin rằng mình đứng trên một tảng đá rất vững vàng. Nhưng rồi anh ta dần ít quan tâm và hay xao nhãng. Anh ta bắt đầu làm thêm giờ một cách rập khuôn. Những chuyện nhỏ mà cô nói hay làm cũng khiến anh bực bội vô cớ. Một ngày nọ, cô thấy anh trong quán cà phê dưới phố cùng một người phụ nữ khác, rồi anh tiếp xúc với cô bằng một thái độ rất khó lý giải và hờ hững. Những giới hạn cùng sự sai lầm trong những nhận định trước đây của cô lập tức trở nên rõ ràng và khiến cô đau đớn.
Giả thuyết về người chồng trong cô sụp đổ. Hậu quả sẽ là gì? Trước hết, thứ gì đó - hoặc ai đó - sẽ xuất hiện và thế chỗ anh ta: Một điều lạ lùng phức tạp và đáng sợ. Thế là đủ tệ rồi. Nhưng đó chỉ mới là một nửa vấn đề. Giả thuyết của cô về bản thân cũng sụp đổ theo, như một hậu quả của sự phản bội. Thế nên vấn đề không chỉ nằm ở một “người lạ”: mà có đến hai. Chồng cô không phải là người mà cô vẫn nhận định - và cả chính cô cũng thế. Cô không còn là “người vợ được yêu thương, được bảo bọc và một người bạn đời đáng trân quý”. Lạ thay, bất chấp niềm tin của mình về sự không đổi của quá khứ, rất có thể cô chưa bao giờ là một người vợ như thế.
Quá khứ không nhất thiết phải như nó đã từng, kể cả khi nó vẫn như thế. Hiện tại thì vẫn là mớ hỗn độn mơ hồ. Mặt đất dưới chân cô và cả chúng ta luôn xê dịch không ngừng. Tương tự như thế, tương lai vẫn còn chưa đến và sẽ thay đổi thành điều gì đó không như dự tính. Liệu người vợ bây giờ có hợp với cái danh “kẻ ngây thơ bị lừa dối” - hay “kẻ khờ dại cả tin” không? Cô nên xem mình là nạn nhân, hay đồng phạm trong sự dối gạt chung kia? Còn về người chồng thì sao? Một người tình không được thỏa mãn? Một mục tiêu bị cám dỗ? Kẻ dối trá tâm thần? Hay chính là Quỷ dữ? Sao anh ta có thể tàn độc đến thế? Làm sao có thể? Cô đã sống trong ngôi nhà gì thế này? Sao cô lại ngây thơ đến thế? Làm sao có thể? Cô nhìn vào gương. Cô là ai? Chuyện gì đang xảy ra thế này? Liệu những mối quan hệ của cô có thật không? Chúng đã từng có thật chưa? Chuyện gì đã xảy đến với tương lai vậy? Cô sẽ nắm bắt được mọi điều, khi những thực tế sâu xa hơn của thế giới bất ngờ hiển lộ.
Mọi thứ đều rắc rối quá sức tưởng tượng. Mọi thứ đều chịu sự tác động lẫn nhau. Chúng ta chỉ nhận biết một khía cạnh rất hạn hẹp của một ma trận nhân quả liên hệ với nhau, mặc dù đã cố hết sức để tránh phải đối diện với hiểu biết về sự hạn hẹp ấy. Tuy nhiên, lớp vỏ mỏng của sự nhận thức đầy đủ sẽ vỡ ra khi điều gì đó căn bản bị sai lệch. Sự thiếu sót đáng sợ trong ý thức của chúng ta sẽ tự hé lộ. Mỗi thứ chúng ta từng trân trọng sẽ tan thành tro bụi. Chúng ta chết sững. Chúng ta hóa đá. Rồi chúng ta sẽ nhìn thấy gì? Chúng ta có thể nhìn vào đâu, khi nào thì những thứ ta thấy đích xác vẫn còn thiếu sót?
CHÚNG TA THẤY GÌ KHI CÒN KHÔNG BIẾT MÌNH ĐANG NHÌN GÌ?
Thế giới sau khi Tòa Tháp đôi sụp đổ là thế nào? Có thứ gì vẫn còn đứng đó không? Con quái vật đáng sợ nào đã trỗi dậy từ đống đổ nát, khi những trụ cột vô hình chống đỡ toàn bộ hệ thống tài chính thế giới lung lay và sụp đổ? Chúng ta thấy gì khi bị cuốn vào ngọn lửa và tấn bi kịch của một cuộc mít-tinh rực lửa, hay co rúm, đờ người ra vì sợ hãi giữa cuộc thảm sát hỗn loạn tại Rwanda? Chúng ta thấy được gì khi còn không hiểu được chuyện gì đang xảy ra với mình, không xác định được mình đang đứng đâu, không còn biết mình là ai và không còn hiểu được những chuyện quanh ta nữa? Những gì ta không thấy chính là thế giới công cụ mà ai cũng biết và giúp ta an lòng - hay những khách thể hữu ích - của các tính cách. Chúng ta thậm chí không thấy được những trở ngại quen thuộc - đủ gây rắc rối ngay cả trong những thời điểm bình thường mà ta kiểm soát được chúng - mà chúng ta có thể đơn giản bước vòng qua.
Thứ chúng ta nhận thức được khi mọi thứ sụp đổ không còn là bệ đài và bối cảnh của một trật tự dễ sống nữa. Đó chính là tohu va buhu vĩnh hằng ngập đầy nước - sự trống rỗng vô hình vô dạng - và là tehom - vực sâu tăm tối - trong Kinh Thánh; đó chính là sự hỗn loạn mãi ẩn mình dưới lớp vỏ an toàn mỏng manh của chúng ta. Ngay từ thuở sơ khai, chính từ sự hỗn loạn đó mà Thánh Ngôn của Thượng Đế đã tách trật tự ra - theo quan điểm cổ xưa nhất mà nhân loại từng thể hiện (và theo cùng quan điểm ấy, chính từ hình tượng của Thánh Ngôn này mà Thượng Đế đã tạo ra chúng ta, ra đàn ông và phụ nữ). Chính từ sự hỗn loạn ấy, bất kỳ sự yên ổn nào mà chúng ta may mắn trải nghiệm đã - khai sinh - trong thời điểm hạn chế nào đó - khi chúng ta lần đầu học cách nhận thức. Nó chính là sự hỗn loạn mà chúng ta thấy khi mọi thứ dần sụp đổ (dù chúng ta không thực sự trông thấy chúng). Toàn bộ điều này có ý nghĩa gì?
Tình trạng khẩn cấp sẽ xuất hiện. Đây là sự hiện thân bất thình lình của một hiện tượng (phenomenon) nào đó mà ta chưa biết (bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp phainesthai, nghĩa là “tỏa rạng”). Đây là sự tái xuất của loài rồng bất tử từ trong hang đá trường cửu, giờ đây tỉnh giấc giữa chừng. Đâỵ là cõi âm với những con quái vật trỗi dậy từ vực sâu. Làm sao chúng ta có thể chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp khi còn chưa biết điều gì xuất hiện và từ đâu? Làm sao chúng ta có thể chuẩn bị cho một tai ương khi còn không dự đoán được điều gì, hay phải hành động ra sao? Có thể nói rằng chúng ta đã chuyển từ tâm trí - vốn quá chậm chạp và vụng về - sang cơ thể của mình. Cơ thể chúng ta phản ứng nhanh hơn trí óc rất nhiều.
Khi mọi thứ quanh ta sụp đổ, nhận thức của chúng ta sẽ biến mất và ta phải hành động. Những phản xạ thuở sơ khai, bản năng được đưa ra và vẫn hiệu quả qua hàng trăm triệu năm, bảo vệ ta trong những thời khắc ngặt nghèo khi thất bại, không chỉ nằm ở suy nghĩ mà còn ở chính nhận thức của ta. Trong những tình cảnh như thế, cơ thể chúng ta sẽ tự chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Đầu tiên, ta sững người. Những phản xạ của cơ thể chuyển dần thành cảm xúc, cũng là giai đoạn nhận thức kế tiếp. Đây có phải chuyện đáng sợ không? Hay hữu ích? Ta có phải đấu tranh cho nó không? Hay có thể phớt lờ nó? Làm sao ta xác định được - và nếu có thì khi nào? Chúng ta không biết được. Giờ chúng ta đang ở trong trạng thái sẵn sàng rất tai hại và đòi hỏi cao. Cơ thể chúng ta cuồn cuộn hoóc-môn adrenaline[56] và cortisol[57]. Tim ta đập nhanh hơn. Nhịp thở gấp gáp hơn. Chúng ta đau đớn nhận ra rằng nhận thức về năng lực cũng như sự vẹn toàn của cơ thể đã biến mất; tất cả chỉ là giấc mơ. Chúng ta viện đến những nguồn lực thể chất và tâm lý được dành dụm cẩn thận chỉ cho thời khắc này (nếu may mắn còn có đủ). Chúng ta chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất - hoặc tuyệt vời nhất. Chúng ta điên tiết đạp hết chân ga và cả chân phanh cùng một lúc. Chúng ta thét gào hoặc cười lớn. Chúng ta chán ghét hoặc kinh hãi. Chúng ta khóc. Rồi chúng ta bắt đầu mổ xẻ sự hỗn loạn.
Và như thế, người vợ bị lừa dối ngày càng thêm rối trí, và cảm thấy thôi thúc phải thổ lộ tất cả - với chính bản thân, với chị em gái, với bạn thân, với cả người lạ trên xe buýt - hoặc cứ thu mình vào sự câm lặng và tự dằn vặt cho đến hết đời. Có điều gì sai? Cô ấy đã làm điều gì không thể tha thứ được ư? Cô đã chung sống với ai thế? Đây là thế giới gì mà lại có chuyện như thế xảy ra? Thượng Để đã tạo ra nơi quái quỷ gì đây? Cuộc trò chuyện nào có thể giúp cô hiểu rõ người đàn ông mới khiến cô giận dữ này, người sống trong lớp vỏ bọc của người chồng trước đây của cô? Kiểu trả thù nào sẽ thỏa mãn được cơn giận của cô? Cô có thể quyến rũ ai để đáp trả lại nỗi sỉ nhục này? Cô lần lượt điên loạn, hoảng sợ và gục ngã vì đau khổ, rồi lại hồ hởi vì những khả năng tìm thấy một sự tự do mới mẻ.
Nơi chốn cuối cùng trong sự an toàn nền tảng của cô thực ra không còn vững chắc hay ổn định nữa - thậm chí nó còn không phải là nền tảng. Ngôi nhà của cô được xây trên cát. Lớp băng mà cô từng trượt trên đó quá mỏng. Cô ngã xuống, rơi vào dòng nước lạnh giá bên dưới và chìm dần. Cô bị giáng một đòn quá mạnh đến nỗi cơn giận, nỗi kinh hoàng và u uất choán hết lấy cô. Cảm giác phản bội ngày càng lan rộng cho đến khi cả thế giới sụp đổ. Cô đang ở đâu? Trong cõi âm, cùng với toàn bộ nỗi kinh hoàng của nó. Làm sao cô đến đó được? Trải nghiệm này, chuyến hành trình đến cấu trúc hạ tầng của vạn vật - cũng chính là toàn bộ nhận thức ở dạng nguyên thủy nhất; sự chuẩn bị này; sự cân nhắc giữa những gì đã từng và những gì có thể vẫn thế; cảm xúc và ảo tưởng này; đó đều là nhận thức sâu sắc mà cô cần bây giờ, trước khi những thứ cô từng biết tái xuất hiện (nếu có) trong hình thái tối giản và dễ chịu. Đó là nhận thức trước khi sự hỗn loạn tiềm tàng được diễn giải một lần nữa thành những thực tại hữu ích của trật tự.
“Điều đó có thực sự bất giờ không?”, cô tự vấn - và hỏi mọi người - rồi ngẫm nghĩ lại. Giờ cô có nên cảm thấy tội lỗi vì đã bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo - vẫn tồn tại dẫu khó nhận thấy, vẫn động viên cô dẫu cô tránh né chúng? Cô nhớ lại khi mình mới cưới, cô đã hoan hỉ ân ái cùng chồng mỗi đêm. Có lẽ như thế là vượt quá mong đợi hay hơi quá sức, nhưng chí ít cũng chỉ một lần như thế. Nhưng còn sáu tháng qua thì sao? Hay chỉ một lần trong mỗi 2-3 tháng? Liệu rằng cô ấy có thể thực sự tôn trọng ai - kể cả bản thân - khi lâm vào một tình huống như thế?
Có một câu chuyện thiếu nhi mà tôi rất thích, tên là There’s No Such Thing as a Dragon (tạm dịch: Làm gì có rồng trên đời) của tác giả Jack Kent. Đó là một câu chuyện mà bề ngoài khá đơn giản. Tôi từng đọc vài trang của nó cho hội cựu sinh viên Đại học Toronto và giải thích về ý nghĩa biểu trưng của nó[58]. Truyện kể về một cậu bé tên Billy Bixbee, người đã bí mật phát hiện ra một con rồng ngồi trên giường mình vào một buổi sáng. Nó chỉ lớn bằng con mèo nhà và khá thân thiện. Cậu bé kể cho mẹ nghe, nhưng bà mẹ đáp làm gì có rồng trên đời. Rồi con rồng bắt đầu lớn dần lên. Nó ăn hết bánh kếp của Billy. Chẳng bao lâu, nó đã to bằng cả ngôi nhà. Người mẹ cố gắng hút bụi, nhưng bà phải ra vào nhà bằng cửa sổ vì con rồng ở khắp nơi. Nó cứ bám theo bà mãi. Sau đó, con rồng bỏ đi cùng với ngôi nhà. Khi bố của Billy trở về nhà, thì nơi ông từng sống chỉ còn là bãi đất trống không. Người đưa thư báo cho ông biết căn nhà đã đi mất. Ông cố gắng đuổi theo, trèo lên đầu lên cổ con rồng (lúc này nó đang nằm ườn ra bên đường) và gặp lại vợ con. Bà mẹ vẫn khăng khăng rằng con rồng không tồn tại, nhưng Billy, giờ đã khá hiểu chuyện, cậu cao giọng: “Có rồng đấy mẹ ạ.” Ngay lập tức, con rồng bắt đầu thu nhỏ lại. Bỗng chốc, nó trở về với kích thước một con mèo. Mọi người đều đồng tình rằng việc những con rồng cỡ ấy (1) tồn tại và (2) dễ mến hơn những đồng loại khổng lồ của chúng. Bà mẹ, lúc này phải miễn cưỡng mở to mắt nhìn, hỏi một câu thật ai oán rằng vì sao nó phải lớn đến vậy. Billy lặng lẽ lên tiếng: “Có thể nó chỉ muốn được chú ý thôi.”
Có lẽ thế! Đây là đạo lý trong rất, rất nhiều câu chuyện. Sự hỗn loạn len lỏi vào mỗi gia đình từng chút một. Nỗi bất hạnh oán giận dành cho nhau ngày càng chồng chất. Mọi thứ hỗn độn được giấu nhẹm đi dưới thảm, nơi con rồng say mê đánh chén từng mảnh vụn. Nhưng chẳng ai nói năng gì, bởi xã hội nói chung và trật tự mà họ mặc định trong gia đình đã tự cho thấy chỉ có nó là không đủ và sẽ tan tành ngay khi đối diện với những chuyện bất ngờ hay đe dọa. Thay vào đó, mọi người chỉ còn biết huýt sáo trong đêm tối. Quá trình giao tiếp nay phải chấp nhận những cảm xúc tồi tệ như: oán giận, khiếp đảm, cô đơn, tuyệt vọng, ghen tuông, thối chí, hận thù và chán nản. Dần dần, việc giữ hòa khí trở nên dễ dàng hơn. Nhưng đằng sau đó, bên trong ngôi nhà của Billy Bixbee cũng như mọi ngôi nhà khác giống vậy, luôn có một con rồng đang lớn dần. Một ngày nào đó, nó sẽ chui ra với kích thước mà không ai có thể phớt lờ. Nó sẽ nhấc bổng ngôi nhà khỏi mặt đất. Nó là một vụ ngoại tình, hoặc một cuộc tranh cãi về các vấn đề kinh tế và tâm lý vốn đã đổ vỡ suốt hàng thập kỷ. Kế tiếp, nó là phiên bản cô đọng của một sự gay gắt mà đáng ra có thể phát tiết một cách vừa phải, vấn đề nối tiếp vấn đề trong cuộc hôn nhân hàng năm trời tưởng như thiên đường ấy. Mỗi vấn đề trong số 300 nghìn vấn đề chưa được tiết lộ ấy, vốn đã bị dối gạt, tránh né, viện lý lẽ và che giấu như một đạo quân những bộ xương trong tủ quần áo kinh hoàng, rồi bật tung ra như cơn Đại hồng thủy trước mắt Noah[59], nhấn chìm tất thảy. Khốn nỗi chẳng có chiếc thuyền lớn nào, vì chẳng có ai đóng mặc dù ai cũng cảm thấy cơn bão đang đến gần.
Đừng đánh giá thấp khả năng tàn phá của những tội lỗi do sự chểnh mảng của bản thân. Một cặp vợ chồng tuy đã tan vỡ vẫn có thể có một hoặc hai, hoặc hơn 200 cuộc đối thoại về đời sống tình dục của họ. Có lẽ sự gần gũi về thể xác mà họ không ngần ngại chia sẻ đáng ra đã giúp họ hòa hợp với nhau; nhưng thường không được như thế, vì cần có cả sự gần gũi về tâm lý. Có thể đáng ra họ nên đấu tranh cho vai trò của mình. Trong những thập niên gần đây, tại nhiều hộ gia đình, sự phân chia lao động truyền thống trong nhà đã bị xóa sổ, mà không phải trên danh nghĩa khai phóng hay tự do nữa. Tuy nhiên, sự xóa sổ ấy cũng không mất đi những hạn chế vẻ vang của nó trong cơn trở mình thành nỗi hỗn loạn, mâu thuẫn và bất định. Cuộc đào thoát khỏi sự độc đoán không phải lúc nào cũng dẫn đến Thiên đường, mà còn là cảnh lưu đày nơi sa mạc, tay không tấc sắt, hoang mang và kiệt quệ. Hơn nữa, việc thiếu vắng một truyền thống đã nhất trí từ trước (và những ràng buộc - thường không dễ chịu, thậm chí còn vô lý - mà nó áp đặt) dẫn đến chỉ tồn tại một trong ba lựa chọn khó khăn: bị nô dịch, làm bạo chúa hoặc điều đình. Nô lệ chỉ làm những việc họ được sai bảo - có lẽ còn vui vẻ vì mất đi trách nhiệm - và giải quyết vấn đề của sự phức tạp theo cách này. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Linh hồn của nô lệ sẽ nổi loạn. Bạo chúa chỉ đơn thuần ra lệnh cho nô lệ phải làm gì và cũng giải quyết vấn đề của sự phức tạp bằng cách này. Nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Bạo chúa rồi sẽ khiến nô lệ kiệt quệ. Sẽ chẳng còn gì hay còn ai ở đó, ngoại trừ sự phục tùng dễ đoán và ủ dột. Ai có thể sống mãi như thế? Ngoại trừ sự điều đình - vốn đòi hỏi sự thừa nhận thẳng thắn từ cả đôi bên về sự tồn tại của con rồng. Đó là thực tại khó khăn mà ta phải đối mặt, ngay cả khi nó còn quá bé nhỏ để ngấu nghiến được vị hiệp sĩ dám đối đầu với nó.
Đáng ra những cặp đôi tan vỡ đã có thể xác định chính xác hơn lối hành xử của Hữu thể mà họ mong muốn. Đáng ra với cách hành xử ấy, họ đã có thể cùng nhau ngăn được dòng chảy của sự hỗn loạn, để nó không cứ thế đổ xuống và nhấn chìm họ. Đáng ra họ đã làm được thay vì chỉ nói một cách buông xuôi, lười nhác và hèn hạ rằng: “Ồn thôi mà. Chẳng đáng tranh cãi vì chuyện đó đâu.” Trong hôn nhân, có những chuyện quá nhỏ nhặt để phải tranh cãi. Bạn đang mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân như hai con mèo trong một cái thùng, bị ràng buộc bởi một lời thề bất diệt - về mặt lý thuyết - cho đến khi một trong hai chết đi. Lời tuyên thệ đó khiến bạn rơi vào hoàn cảnh cực kỳ tệ hại. Bạn có muốn một sự phiền phức nhỏ nhặt như thế giày vò bạn từng ngày trong suốt cuộc hôn nhân tồn tại hàng chục năm không?
“Ôi, mình chấp nhận được chuyện này”, bạn nghĩ thế. Và có lẽ nên như thế. Bạn chẳng phải kiểu người bao dung đích thực mẫu mực gì. Và có lẽ nếu bạn đề cập đến chuyện giọng cười như tiếng móng tay rít trên bảng đen nghe đến choáng của người bạn đời, thì họ chắc hẳn sẽ bảo bạn hãy chết đi. Cũng có thể lỗi là do bạn. Và bạn nên trưởng thành lên, bắt đầu sống biết điều và giữ mồm giữ miệng. Nhưng có lẽ tiếng kêu the thé như con lừa đứng giữa đám đông đang tụ tập sẽ không phản ảnh tốt về người bạn đời của bạn và chính bạn nên giữ vững lập trường của mình. Trong hoàn cảnh như thế, bạn chẳng thể làm gì khác ngoài đấu tranh - một cuộc đấu tranh vì mục đích hòa bình - để hé lộ sự thật. Nhưng bạn vẫn cứ giữ im lặng, cố thuyết phục bản thân rằng do bạn là người tốt, yêu chuộng hòa bình và nhẫn nại (và không điều gì xa rời sự thật hơn thế). Và rồi con quái vật dưới thảm lại tăng thêm vài cân.
Có lẽ một cuộc trao đổi thẳng thắn về sự không thỏa mãn tình dục là điều cần làm ngay để đỡ rách việc - dù cũng chẳng dễ dàng gì. Có khi nàng lại âm thầm cầu cho tình thân mật chết đi, vì nàng đang có cảm xúc nước đôi bí mật và sâu xa trong chuyện chăn gối. Có Thượng đế mới biết tại sao. Có lẽ vì chàng là một tình nhân tồi tệ và ích kỷ. Có lẽ là do cả đôi bên. Phải chăng cả hai nên tranh cãi cho ra nhẽ? Chẳng phải đây là một phần tất yếu của cuộc sống ư? Có lẽ việc nhận ra điều ấy (biết đâu đấy) và giải quyết vấn đề sẽ tiết kiệm cho bạn hai tháng thực sự khốn khổ chỉ để nói ra với nhau sự thật (không phải nhằm gây tổn thương hay tranh thắng, mà vì đó là sự thật: Chỉ là một cuộc chiến toàn lực mà thôi).
Có lẽ vấn đề không phải do tình dục. Có lẽ mọi cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng đã nguội lạnh thành một thói quen nhàm chán, vì chẳng có cuộc mạo hiểm chung nào truyền lửa cho cả hai. Có lẽ sự nguội lạnh ấy lại dễ dàng hơn qua từng khoảnh khắc, rồi từng ngày, hơn là chịu đựng trách nhiệm giữ cho mối quan hệ ấy còn sống. Xét cho cùng, vật sống rồi sẽ chết mà chẳng ai bận tâm. Khó mà phân biệt cuộc sống với một sự duy trì đầy nỗ lực. Chẳng ai có thể tìm được nửa kia hoàn hảo nếu việc tiếp tục cố gắng hay quan tâm không còn cần thiết nữa (chưa kể, nếu bạn tìm được một người hoàn hảo, thì anh ta hay cô ta sẽ chạy trốn khỏi “kẻ không hoàn hảo lắm” là bạn trong cơn kinh hãi chính đáng). Đúng ra, người mà bạn cần - người xứng đáng với bạn - phải là một người cũng không hoàn hảo hệt như bạn vậy.
Có thể anh chồng phản bội vợ là một kẻ bồng bột và ích kỷ đáng khinh. Có lẽ sự ích kỷ ấy đã thắng thế. Có lẽ cô vợ đã không chống lại khuynh hướng này đủ mạnh mẽ và mãnh liệt. Có lẽ cô vợ đã bất đồng quan điểm với chồng trong cách rèn giũa con, và hậu quả là cấm cửa anh ta khỏi cuộc sống của hai mẹ con. Có lẽ điều ấy đã khiến anh ta phá vỡ cái mà anh ta cho là trách nhiệm chẳng dễ chịu gì. Có lẽ nỗi oán hận đã âm ỉ trong lòng bọn trẻ khi chúng phải chứng kiến cuộc chiến ngấm ngầm của bố mẹ, bị nỗi oán trách của người mẹ giày vò và dần xa lánh người cha già nua của chúng. Có lẽ những bữa tối mà cô nấu cho anh - hay anh nấu cho cô - đã bị đón nhận một cách lạnh nhạt và cay nghiệt. Có lẽ tất cả những mâu thuẫn chưa giải quyết ấy đã khiến cả hai cùng oán trách, dù không nói thành lời nhưng vẫn biểu lộ ra hành động. Có lẽ rắc rối không được nói ra đã bắt đầu làm xói mòn những mạng lưới quan hệ vô hình đang chống đỡ cho cuộc hôn nhân. Có lẽ sự tôn trọng đã dần trở thành nỗi khinh miệt, mà không ai thèm đoái hoài. Có khi tình cảm đã dần trở thành nỗi chán ghét, mà không ai nói ra.
Khi đã được làm rõ ràng sáng tỏ, mọi thứ sẽ hiện ra trước mắt; có lẽ không ai trong hai vợ chồng chịu thấu hiểu mà thôi. Có lẽ họ đã cố tình để mọi thứ mập mờ trong màn sương mù. Có lẽ chính họ đã tạo ra làn sương ấy để che giấu điều mà họ không muốn thấy. Cô vợ sẽ được gì khi cô ấy chuyển mình từ nhân tình trở thành hầu gái hoặc người mẹ? Cô ấy có nhẹ nhõm hơn không khi đời sống chăn gối không còn nữa? Việc cô ấy kêu ca với hàng xóm hay mẹ mình khi bị chồng lạnh nhạt có đem lại ích lợi gì không? Có khi như thế lại khiến cô thấy thỏa mãn một cách âm thầm, hơn là mọi điều tốt đẹp đến từ bất kỳ cuộc hôn nhân nào, dẫu có hoàn hảo đến đâu. Điều gì có thể sánh được với những niềm vui của đức hy sinh thuần thục và vi tế? “Cô ấy thánh thiện như thế mà lại vớ phải một gã rõ tệ. Cô ấy xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn.” Dù đó là lựa chọn vô thức, nhưng sống trong một điều hoang đường như thế cũng thật thỏa dạ (mặc kệ sự thật câu chuyện ra sao). Có lẽ cô chưa bao giờ thực sự yêu mến chồng mình. Có lẽ cô chưa bao giờ thực sự thích đàn ông và đến giờ vẫn thế. Có lẽ đó là do lỗi của mẹ cô - hoặc bà của cô. Có lẽ cô đã bắt chước cách hành xử của họ, nhận lấy rắc rối của họ và truyền qua các thế hệ một cách hoàn toàn vô thức. Có lẽ cô chỉ đang trả đũa anh trai hoặc cha mình, hoặc cả xã hội.
Lại nói về phần anh chồng, anh ta được gì khi đời sống chăn gối trong tổ ấm không còn nữa? Liệu anh ta có sẵn lòng đi đến cùng như một kẻ “tử vì đạo” và thở ngắn than dài với bạn bè? Anh ấy có dùng nó làm cái cớ mà anh đã đợi từ lâu để đi tìm tình nhân mới? Anh ấy có dùng nó để biện minh cho sự oán giận đối với phụ nữ nói chung, vì những lần bị từ chối mà anh liên tục phải đối mặt trước khi đi đến hôn nhân? Và liệu anh ta có nắm lấy cơ hội để dễ dàng phát tướng và lười biêng, vì dù sao cũng chẳng ai ham muốn anh ta nữa?
Có lẽ cả hai vợ chồng đều thừa cơ làm rối tung cuộc hôn nhân của mình lên nhằm trả thù Thượng Đế (có lẽ đây chính là Hữu thể duy nhất giải quyết được vụ lộn xộn này).
Đây là sự thật phũ phàng về những rắc rối trên: Mọi nguyên nhân của thất bại trong hôn nhân vốn bị bỏ xó, bị cho qua và không ai thấu hiểu sẽ tích lũy và mưu toan hủy hoại người phụ nữ phụ bạc lẫn bị phụ bạc trong suốt phần đời còn lại. Và người chồng sẽ chịu cảnh tương tự. Anh ta, cô ta, họ, hoặc chúng ta - chẳng làm gì để tránh kết cục trên cả: không để ý, không phản ứng, không tham gia, không thảo luận, không xem xét, không hòa hoãn và không chịu trách nhiệm. Đừng cố đương đầu với hỗn loạn rồi biến nó thành trật tự - hãy chờ đợi, nhưng đừng làm thế một cách ngây thơ vô tội, vì sự hỗn loạn ấy sẽ lớn mạnh và nhấn chìm bạn.
Sao phải tránh né, khi sự tránh né ấy tất yếu và chắc chắn sẽ đầu độc tương lai? Vì có khả năng một con quái vật đang ẩn nấp bên dưới tất cả những bất đồng và sai sót. Có lẽ trận cãi vã mà bạn đang tham gia (hoặc không) giữa bạn và vợ/chồng của mình đã báo hiệu khởi đầu cho sự kết thúc mối quan hệ giữa hai người. Có lẽ mối quan hệ của bạn kết thúc vì bạn là người xấu. Chí ít điều này cũng đúng một phần, phải không? Do vậy, một cuộc tranh cãi cần thiết nhằm giải quyết vấn đề thực sự đòi hỏi hai bên phải bằng lòng đối diện với cả hai dạng nguy cơ gây đau khổ và nguy hiểm cùng lúc: Hỗn loạn (sự rạn nứt tiềm tàng của một - hay tất cả - mối quan hệ, hoặc chính cuộc sống này) và Địa ngục (thực tế rằng bạn - và bạn đời của bạn - có thể đều đủ tồi tệ để hủy hoại tất cả bằng sự lười nhác và ác ý của mình). Bạn có mọi động cơ để né tránh nhưng chẳng ích gì.
Sao cứ phải mập mờ khi điều đó khiến cuộc sống này trì trệ tối tăm? Nếu không hiểu rõ bản thân, bạn có thể trốn trong sự ngờ vực. Có lẽ bạn không phải là một người xấu xa, bất cẩn và vô giá trị. Ai mà biết được? Không phải bạn đâu. Đặc biệt là khi bạn không chịu suy nghĩ về chuyện ấy - và có mọi lý do để làm vậy. Nhưng việc tránh suy nghĩ về điều gì đó không làm nó biến mất. Bạn chỉ đơn giản là đánh đổi sự hiểu biết sâu sắc, cụ thể và sắc sảo về một danh sách hữu hạn những vấn đề và lỗi lầm thực sự, để đổi lấy một danh sách dài hơn gồm những thiếu sót và bất cập tiềm ẩn mà bản thân chưa định nghĩa được.
Sao lại không chịu phân tích khi kiến thức về thực tại cho phép ta thông thạo nó (và nếu không thông thạo, thì chí ít cũng ngang tầm một kẻ nghiệp dư chân thành)? Vậy sẽ thế nào nếu thực sự có điều gì đó tệ hại ở nhà nước Đan Mạch? Rồi sao nữa? Trong hoàn cảnh như thế, chẳng phải sẽ tốt hơn nếu cố tình mù quáng mà tận hưởng niềm hạnh phúc vô minh ư? Không đâu, nếu con quái vật ấy có thật! Bạn thực sự nghĩ rằng việc rút lui, bỏ ngỏ khả năng tự trang bị để chống lại cơn sóng dữ của rắc rối, qua đó tự hạ thấp mình trong mắt chính mình là ý hay sao? Bạn thực sự nghĩ rằng để cho tai ương vươn mình trong bóng tối, trong khi bạn co rúm và sợ hãi hơn nữa là sáng suốt ư? Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu ta nai nịt, mài sắc gươm, nhìn vào bóng đêm và xông vào hang hùm bắt hổ sao? Có thể bạn sẽ bị thương. Hẳn là bạn sẽ bị thương. Xét cho cùng, đời là bể khổ. Nhưng có lẽ vết thương đó sẽ không gây chết người đâu.
Nếu bạn đợi đến khi những điều bạn không chịu tìm hiểu đến gõ cửa nhà, thì mọi chuyện chắc chắn sẽ chẳng tốt đẹp gì cho bạn. Điều bạn ít mong muốn nhất chắc chắn sẽ xảy ra - khi bạn ít có sự chuẩn bị nhất. Điều mà bạn không muốn gặp phải nhất sẽ xuất hiện và nó sẽ trở nên mạnh nhất khi bạn yếu ớt nhất. Rồi bạn sẽ bị đánh bại.
Xoay, xoay mãi trong vòng xoay rộng dần
Con chim ưng không nghe tiếng người nuôi;
Mọi thứ sụp đổ; tâm cũng không giữ nổi;
Cả thế gian vô loạn lạc hoành hành,
Thủy triều đỏ dâng tràn lên khắp chốn;
Cuộc vinh danh kẻ vô tội bị nhấn chìm
Người tốt nhất mất đi hết nhận thức
Còn kẻ xấu nhất chìm trong vọng cuồng điên.
(William Butler Yeats, “The Second Coming” - “Vòng xoáy nhì”)
Sao lại không chịu cụ thể hóa vấn đề, khi điều đó có thể giúp bạn tìm ra giải pháp? Vì chỉ cần cụ thể hóa một vấn đề nghĩa là đã thừa nhận rằng nó tồn tại. Bằng cách cụ thể hóa nó, bạn sẽ cho phép bản thân biết điều mình muốn từ bạn bè hoặc người yêu - rồi bạn sẽ biết chính xác và rõ ràng khi nào bạn không có được nó; và điều đó sẽ khiến bạn tổn thương ghê gớm. Nhưng bạn sẽ học được điều gì đó từ nó và áp dụng cho tương lai - và cái thay thế cho cơn đau dữ dội duy nhất ấy sẽ là cơn nhức nhối âm ỉ của nỗi tuyệt vọng triền miên, của thất bại chực chờ và cảm giác thời gian quý báu cứ vuột đi mất.
Sao lại không chịu cụ thể hóa vấn đề? Vì khi không định nghĩa được thành công (và do đó không thể mang lại thành công), bạn cũng đang từ chối định nghĩa thất bại cho chính mình, để khi thất bại bạn sẽ không để ý tới nó và sẽ không phải đau khổ. Nhưng thế thì cũng vô ích! Bạn không dễ bị lừa như thế được - trừ khi bạn đã đi quá xa! Thay vì thế, bạn sẽ tiếp tục mang theo mình cảm giác thất vọng thường trực về Hữu thể của mình, kèm với sự tự khinh bỉ và nỗi oán hận dần tăng với thế giới nơi tất cả những điều đó nảy sinh (hoặc diệt vong).
Vài mặc khải cận kề chắc đang đến;
Vòng Xoáy Nhì chắc cũng chẳng còn xa.
Vừa nói “Vòng Xoáy Nhì!” chưa dứt
Bóng Thần Nhân sừng sững hiện lên rồi
Ta mờ mắt: Đâu đấy trong sa mạc
Một hình người, đầu sư tử hiện lên,
Nhìn chòng chọc như mặt trời hung dữ,
Lê chân đi khi tất cả vây cùng
Là những bóng lũ chim rồ sa mạc.
Lại màn đêm; nhưng ta biết, không sao,
Từ giấc ngủ hai nghìn năm như đá
Do nôi đưa nên ác mộng thành hình,
Giờ đã điểm, ác quỷ nào sẽ đến
Để ra đời đổi kiếp ở Bethlehem?
Sẽ ra sao nếu như người phụ nữ bị phản bội, giờ đây bị nỗi tuyệt vọng dẫn lối, quyết tâm đối diện với sự rời rạc của quá khứ, hiện tại và tương lai? Sẽ ra sao nếu như cô ấy quyết định sắp xếp lại mớ lộn xộn mà cô ấy đã tránh né đến tận bây giờ, dù cô hoàn toàn yếu đuối và bối rối hơn xưa? Có lẽ nỗ lực ấy gần như sẽ giết chết cô (nhưng dù sao cô cũng đã bước trên con đường tồi tệ hơn cái chết rồi). Để tái xuất hiện, trốn thoát và hồi sinh, cô phải suy ngẫm thấu đáo về thực tại mà cô bỏ lại phía sau một cách bình thản nhưng đầy nguy hiểm, bị che giấu sau tấm màn của sự ngờ nghệch và thanh bình giả tạo. Cô phải tách biệt những chi tiết cụ thể trong tai họa nhất định của mình khỏi điều kiện chung đến không thể chịu nổi của Hữu thể, trong thế giới nơi mọi thứ đều đang sụp đổ. Mọi thứ - nói thế thì hơi quá. Chỉ có những thứ nhất định sụp đổ thôi chứ không phải tất cả. Những niềm tin đại đồng đã sụp đổ; những hành động cụ thể đều là gian dối và giả tạo. Chúng là gì? Làm sao sửa đổi được chúng bây giờ? Làm sao để cô ấy tốt lên trong tương lai? Cô ấy sẽ không bao giờ trở lại như cũ nếu không chịu hoặc không thể hiểu rõ mọi việc. Cô ấy có thể hàn gắn thế giới trở lại bằng sự chuẩn xác trong suy nghĩ, lời nói và sự trông cậy vào ngôn từ của chính cô, cũng như vào Ngôi Lời. Nhưng có thể sẽ tốt hơn nếu cứ để mọi thứ chìm trong màn sương. Có lẽ giờ đây hầu như chẳng còn lại gì ở cô - có lẽ quá nhiều phần của cô vẫn không được hé lộ và phát triển. Có lẽ chỉ vì cô chẳng còn chút sức lực nào…
Nếu trước đó cô ấy có biểu hiện mối quan tâm, sự thành thật và can đảm nào đó, thì có lẽ cô đã không lâm vào rắc rối. Sẽ ra sao nếu cô tâm sự về nỗi bất hạnh của mình cùng với sự xuống dốc trong đời sống tình cảm của mình, ngay khi nó bắt đầu xuống dốc? Nói chính xác thì sự xuống dốc ấy khiến cô bận lòng từ khi nào? Hoặc nếu nó không hề khiến cô bận tâm - thì sẽ ra sao nếu thay vào đó, cô tâm sự rằng nó không khiến cô bận tâm như vốn dĩ nó phải thế? Sẽ ra sao nếu cô đối diện một cách công khai và cẩn trọng về sự khinh miệt của chồng cô trước những nỗ lực của cô trong gia đình? Liệu cô có nhận ra sự oán giận đối với chính cha mình và cả xã hội không (mà hậu quả là làm vấn bẩn mối quan hệ của cô)? Nếu như cô ấy đã khắc phục tất cả rồi thì sao? Đáng ra cô sẽ trở nên mạnh mẽ như thế nào? Và kết quả là cô sẽ không phải đối diện với khó khăn nhiều đến đâu? Làm sao cô có thể phụng sự chính mình, gia đình và cả thế giới?
Nếu cô ấy đã liều lình gây mâu thuẫn một cách bền bỉ và thẳng thắn vì chân lý và sự hòa hợp lâu dài thì sao? Sẽ ra sao nếu như cô xem những rạn nứt vụn vặt trong cuộc hôn nhân của mình như là bằng chứng cho sự bất ổn tiềm ẩn và rất đáng chú ý, thay vì ngó lơ hay chịu đựng chúng với một nụ cười vui vẻ, cam chịu? Có lẽ cô sẽ khác đi và chồng cô cũng thế. Có lẽ họ vẫn sẽ bên nhau, ngoài mặt lẫn trong lòng. Có lẽ họ sẽ trẻ ra cả về thể chất lẫn tinh thần so với bây giờ. Có lẽ tổ ấm của cô ấy sẽ được xây dựng trên đá rắn chứ không phải cát lún nữa.
Khi mọi thứ sụp đổ và hỗn loạn tái xuất hiện, chúng ta có thể cơ cấu và thiết lập lại trật tự thông qua lời nói. Nếu lên tiếng cẩn trọng và chuẩn xác, ta có thể sắp xếp vấn đề và trả mọi sự về lại vị trí vốn có, rồi đặt ra mục tiêu mới và hướng đến nó - thường là cùng với đối phương, trong trường hợp ta thỏa thuận và nhất trí được. Nhưng, nếu ta nói một cách bất cẩn và thiếu chính xác, thì mọi sự vẫn sẽ cứ mù mờ. Đích đến vẫn không được khẳng định, màn sương của sự không chắc chắn cũng sẽ không tan đi và chẳng còn gì đáng bàn trên thế giới này nữa.
SỰ KIẾN TẠO LINH HỒN VÀ THẾ GIỚI
Linh hồn (tâm hồn) và thế giới đều được tổ chức ở những cấp độ cao nhất trong sự tồn tại của con người, cùng với ngôn ngữ thông qua giao tiếp. Mọi thứ sẽ không giống như vẻ ngoài khi kết quả không như dự định hay mong muốn. Hữu thể sẽ không được phân loại đúng nếu nó không vận động. Khi một điều gì đó đi sai hướng, thì ngay cả chính nhận thức cũng phải được đặt nghi vấn cùng với đánh giá, suy nghĩ và hành động. Khi lỗi sai tự lên tiếng, thì sự hỗn loạn vô định hình cũng bày ra trước mắt. Dáng hình không mấy thân thiện của nó sẽ tê liệt và bối rối. Nhưng loài rồng, vốn thực sự tồn tại (có lẽ sống động hơn bất kỳ loài nào) cũng tích trữ vàng ròng. Trong sự sụp đổ thành mớ hỗn độn tồi tệ của Hữu thể khó hiểu, vẫn tiềm ẩn một khả năng hình thành trật tự mới mẻ và nhân từ. Sự rõ ràng trong suy nghĩ - một sự rõ ràng rất can đảm - thì lại cần thiết cho điều đó.
Bản thân vấn đề phải được thừa nhận càng gần với thời điểm nó xuất hiện càng tốt. “Tôi không vui vẻ gì” là một khởi đầu tốt (chứ không phải “Tôi có quyền không vui”, vì điều đó vẫn không chắc chắn ở giai đoạn đầu của quá trình giải quyết vấn đề). Có lẽ sự không vui của bạn là hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại. Có lẽ bất kỳ ai biết điều cũng sẽ không hài lòng và khổ sở nếu ở vị trí của bạn. Nói cách khác, có lẽ bạn chỉ đang than vãn và non nớt? Chí ít hãy công bằng xem xét cả hai khả năng xảy ra tình huống tệ hại như thế. Thế chính xác thì bạn có thể non nớt đến mức nào? Có một cái hố không đáy tiềm ẩn đâu đó. Nhưng chí ít bạn có thể lấp nó lại nếu chịu thừa nhận nó.
Chúng ta phân tích sự hỗn loạn phức tạp, rối rắm và chỉ rõ bản chất của vạn vật bao gồm chính bản thân mình. Bằng cách này, sự khám phá sáng tạo, cởi mở của chúng ta sẽ tiếp tục tạo dựng và tái tạo nên thế giới. Chúng ta được định hình cũng như được truyền đạt thông tin từ những gì mình tự nguyện tiếp nhận và cũng định hình nơi mình sống trong đó từ chính sự bắt gặp này. Điều này tuy khó, nhưng khó khăn chẳng nghĩa lý gì vì nếu không sẽ còn khó hơn nữa.
Có lẽ người chồng tệ bạc của chúng ta đã bỏ qua cuộc trò chuyện trong bữa tối với người vợ tội nghiệp của mình, vì anh ta chán ghét công việc mình đang làm, mệt mỏi và phẫn uất. Có lẽ anh ta chán ghét công việc của mình vì người cha đã buộc anh lựa chọn sự nghiệp ấy, trong khi anh quá yếu đuối hoặc “hiếu thảo” để phản đối. Có lẽ cô đã chịu đựng sự vô tâm của anh ta vì cô tin rằng sự phản đối thẳng thừng là thô lỗ và vô đạo đức. Có lẽ cô chán ghét sự giận dữ của cha mình, nên từ khi còn bé, cô đã mặc định rằng mọi sự hung hăng và hiếu chiến đều là sai trái. Có lẽ cô nghĩ rằng chồng mình sẽ không yêu mình nếu cô có bất kỳ quan điểm riêng nào. Rất khó để đưa những điều như thế vào trật tự - nhưng máy móc hỏng sẽ tiếp tục trục trặc nếu các vấn đề của nó không được xem xét và sửa chữa.
LỰA HẠT TỪ TRẤU
Tính chính xác sẽ làm sáng tỏ. Khi điều gì đó tồi tệ xảy ra, chính sự chính xác sẽ phân biệt thứ tồi tệ đặc thù đã thực sự xảy ra với phần còn lại, tức những thứ tồi tệ có thể đã xảy ra - nhưng lại không xuất hiện. Nếu bạn thức dậy trong đau đớn, có thể là bạn đang chết. Bạn có thể chết dần chết mòn trong kinh hoàng do một trong vô số những căn bệnh khủng khiếp và đau đớn gây ra. Nếu bạn không chịu kể với bác sĩ về cơn đau của mình, thì bạn sẽ không thể chỉ rõ nó: Nó có thể là bất kỳ căn bệnh nào - chắc chắn nó là thứ gì đó không diễn tả nổi (vì bạn đã né tránh cuộc trò chuyện mang tính chẩn đoán - một hành động nhằm diễn giải rõ ràng). Nhưng nếu bạn kể với bác sĩ, thì mọi căn bệnh khủng khiếp có thể sẽ tan biến; và nếu may mắn thì nó chỉ còn là một căn bệnh nghiêm trọng duy nhất (hoặc không đến nỗi nghiêm trọng), hay thậm chí không có bệnh tình gì cả. Sau đó, bạn có thể cười vào những nỗi sợ trước đó của mình; và nếu có gì thực sự không ổn, thì bạn đã sẵn sàng cho nó. Sự chính xác có thể để lại bi kịch, nhưng nó sẽ đuổi sạch mọi bóng ma và quỷ dữ.
Thứ bạn nghe được nhưng không thấy được trong rừng có thể là một con hổ. Hoặc theo thuyết âm mưu là cả một bầy hổ, con nào cũng đói khát và hung dữ hơn con bên cạnh và được một con cá sấu dẫn đầu. Nhưng cũng có thể không phải như thế. Nếu bạn quay đầu và nhìn kỹ, có lẽ bạn sẽ thấy đó chỉ là một chú sóc. (Tôi biết có người đã thực sự bị một chú sóc rượt đuổi). Có thứ gì đó trong rừng mà bạn biết chắc về nó. Nhưng thường chỉ là một con sóc mà thôi. Tuy nhiên, nếu bạn không chịu nhìn thì đó sẽ là một con rồng và bạn chắc chắn không phải hiệp sĩ: Bạn chỉ là một chú chuột đối mặt với con sư tử; một chú thỏ đang tê dại trước cái nhìn chằm chằm của con sói. Và tôi không nói rằng lúc nào nó cũng là một con sóc. Nó thường sẽ là thứ gì đó thực sự khủng khiếp. Nhưng ngay cả điều khủng khiếp trong thực tại cũng không ghê gớm bằng những gì ta tưởng tượng. Và thường thì những gì ta không thể đối mặt - vì luôn khiếp sợ nó trong tưởng tượng - thực ra vẫn có thể đối mặt được, khi nó giảm mức độ khủng khiếp đến ngưỡng chấp nhận được trong thực tế.
Nếu bạn trốn tránh trách nhiệm đối diện với những điều không mong muốn, ngay cả khi chúng diễn ra ở mức độ vừa phải, thì thực tại sẽ trở nên rối loạn và hỗn độn đến mức bất ổn. Rồi những điều ta không mong muốn sẽ lớn dần lên, nuốt chửng mọi trật tự, mọi ý thức và mọi khả năng lường trước. Thực tại bị ngó lơ sẽ tự biến đổi (quay lại) thành Nữ thần Hỗn loạn, thành con Quái vật bò sát vĩ đại của cõi Chưa biết - con quái thú ăn mồi mà loài người đã luôn chống lại ngay từ thuở hồng hoang. Nếu ta không chịu nhắc đến khoảng cách giữa ảo tưởng và thực tại, thì khoảng cách ấy sẽ bành trướng, rồi bạn sẽ rơi vào trong nó và kết quả sẽ chẳng hề đẹp đẽ chút nào. Thực tại bị ngó lơ sẽ tự hóa thành vực thẳm đầy hoang mang và khổ đau.
Hãy cẩn trọng với điều bạn nói với chính mình và những người khác về những việc bạn đã, đang và sẽ làm. Tìm kiếm những từ ngữ đúng đắn. Sắp xếp chúng thành câu hợp lý rồi xếp các câu ấy thành những đoạn văn chuẩn xác. Quá khứ có thể được cứu chuộc nếu ta tối giản nó đến tận cốt lõi bằng ngôn từ chính xác. Hiện tại có thể trôi qua mà không đánh cắp tương lai, nếu những thực tại gắn với nó được nói ra rõ ràng. Với suy nghĩ và lời nói thận trọng, ta có thể khai chiết nên vận mệnh phi thường, xuất chúng mà nó có thể chứng minh cho sự tồn tại của ta từ vô số những tương lai u tối, khó chịu vốn rất dễ tự hiển lộ ra. Đây chính là cách Thần Nhãn và Ngôi Lời lập nên trật tự mà ta có thể sống được trong đó.
Đừng giấu lũ tiểu quái vật dưới tấm thảm. Chúng sẽ phát triển. Chúng sẽ lớn mạnh hơn trong bóng tối. Và rồi vào thời điểm mà bạn không ngờ đến nhất, chúng sẽ nhảy ra và ngấu nghiến bạn. Bạn sẽ rơi xuống một địa ngục vô định và hỗn mang, thay vì bay lên một thiên đường tươi sáng và trong trẻo. Những lời nói can đảm và chân thành sẽ khiến thực tại của bạn trở nên đơn giản, rõ ràng, tinh khôi và dễ sống.
Nếu nhận định vạn vật bằng sự chú tâm và ngôn từ cẩn trọng, bạn sẽ khiến chúng được biết đến như những đối tượng có thể tồn tại và biết phục tùng, cũng như tách chúng ra khỏi mối liên kết phụ thuộc cơ bản. Bạn đơn giản hóa chúng. Bạn khiến chúng trở nên cụ thể và hữu ích, cũng như làm giảm tính phức tạp của chúng. Bạn khiến mình có thể sống cùng với chúng và sử dụng chúng mà không chết mòn trong sự phức tạp ấy, cùng với tính không chắc chắn và nỗi lo lắng hiện hữu. Nếu bỏ mặc mọi thứ trong mơ hồ, bạn sẽ không bao giờ phân biệt được thứ này thứ kia. Mọi thứ sẽ hòa lẫn vào nhau. Điều này sẽ khiến thế giới phức tạp đến mức ta không tài nào xoay xở được.
Bạn phải tỉnh táo định nghĩa nên chủ để của cuộc đối thoại, đặc biệt khi nó quá khó khăn - hoặc bao hàm mọi thứ và mọi thứ là quá thể. Đó là lý do các cặp vợ chồng thường không nói chuyện với nhau nữa. Mỗi cuộc tranh cãi đều sa lầy thành tất cả những vấn đề từng xảy ra trong quá khứ, hoặc đang tồn tại và những điều tồi tệ có khả năng xảy đến trong tương lai. Không ai có thể thảo luận về “mọi thứ”. Thay vì thế, bạn có thể nói: “Đây chính xác là điều khiến tôi không vui. Đây chính xác là điều mà tôi muốn, như một lựa chọn thay thế (mặc dù tôi luôn mở lòng với những đề xuất khác nếu chúng rõ ràng). Đây chính xác là điều mà anh có thể giãi bày, để tôi có thể thôi khiến cuộc sống của hai ta thêm đau khổ.” Nhưng để làm được điều đó, bạn phải nghĩ rằng: Chính xác thì điều gì không đúng? Chính xác thì mình muốn gì? Bạn phải nói thẳng ra và tạo nên một thế giới mà ta có thể sống được trong sự hỗn loạn. Bạn phải sử dụng lời nói chân thành và chính xác để làm điều đó. Ngược lại, nếu bạn thu mình và trốn tránh, thì thứ mà bạn đang trốn tránh sẽ hóa thành con rồng khổng lổ, ẩn dưới gầm giường bạn, trong khu rừng của bạn và trong ngóc ngách tăm tối nơi tâm trí bạn - và nó sẽ nuốt chửng bạn.
Bạn phải xác định bạn đã ở đâu trong đời để biết được mình đang ở đâu lúc này. Nếu bạn không biết chính xác mình đang ở đâu, nghĩa là bạn có thể ở bất cứ đâu. “Bất cứ đâu” bao hàm quá nhiều nơi và có một số nơi cực kỳ tồi tệ. Bạn phải xác định được nơi mình từng in dấu chân trong cuộc sống này, vì nếu không, bạn sẽ không thể đi đến nơi mình muốn. Bạn không thể đi từ điểm A đến B trừ khi bạn đã ở A rồi; và nếu bạn chỉ ở “bất kỳ đâu”, thì cơ hội để đến điểm A quả thật rất mong manh.
Bạn phải xác định mình sẽ đi về đâu trong cuộc đời này, vì bạn không thể đi đến đó nếu không di chuyển theo hướng đó. Lang thang vô định sẽ không giúp bạn tiến về phía trước. Thay vào đó, bạn sẽ thất vọng, mệt mỏi, lo lắng, buồn phiền cũng như khó hòa nhập (sau đó là phẫn uất, oán giận và còn tệ hơn thế nữa).
Hãy nói những gì bạn muốn nói, để nhận ra bạn muốn diễn giải điều gì. Hãy hành động theo những gì mình nói, để thấy được điều gì sẽ xảy đến. Sau đó hãy chú tâm quan sát. Hãy điểm lại những sai lầm. Hãy nói rõ chúng ra. Hãy cố gắng sửa chữa chúng. Đó chính là cách bạn khám phá ý nghĩa của cuộc sống. Nó sẽ bảo vệ bạn khỏi tấn bi kịch của cuộc đời. Còn cách nào khác đâu?
Hãy đương đầu với sự hỗn loạn của Hữu thể. Hãy đặt mục tiêu chống lại đại dương của bao rắc rối. Hãy định rõ điểm đến và vạch ra lộ trình cho bản thân. Hãy thừa nhận những gì mình muốn. Hãy nói với mọi người xung quanh rằng bạn là ai. Hãy thu hẹp tầm nhìn và quan sát thật chăm chú; và hãy tiến bước vững vàng.
Hãy nhận thức chính xác về bản thân và thế giới quanh mình.