12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 10
QUY LUẬT 8
HÃY NÓI SỰ THẬT - HOẶC CHÍ ÍT CŨNG ĐỪNG NÓI DỐI
SỰ THẬT Ở CHỐN KHÔNG NGƯỜI
TÔI ĐƯỢC ĐÀO TẠO TRỞ THÀNH một nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học McGill, Montreal. Trong thời gian này, thỉnh thoảng tôi cũng gặp gỡ bạn bè cùng lớp tại các cơ sở của Bệnh viện Douglas, Montreal, nơi chúng tôi có những trải nghiệm trực tiếp với bệnh tâm thần. Bệnh viện chiếm diện tích hàng mẫu đất với hàng tá tòa nhà khác nhau. Nhiều tòa nhà được kết nối với nhau bằng các đường hầm dưới lòng đất để bảo vệ công nhân và bệnh nhân khỏi những mùa đông dài đằng đẵng tại Montreal. Bệnh viện này từng là nơi trú ẩn của hàng trăm bệnh nhân nội trú dài ngày. Đấy là trước khi các loại thuốc chống loạn thần và các phong trào tái hòa nhập cộng đổng trên quy mô lớn vào cuối thập niên 1960 kéo theo việc đóng cửa hàng loạt các viện tâm thần nội trú, và thường đày đọa các bệnh nhân - nay “được trả tự do” - vào cuộc sống trắc trở hơn trên đường phố. Vào đầu thập niên 1980, khi tôi đến thăm các cơ sở này lần đầu, hầu hết các bệnh nhân nội trú có tình trạng nghiêm trọng nhất đều được cho xuất viện. Những người còn lại đều cảm thấy lạ lẫm và bị tổn thương nặng nề. Họ tụ tập quanh các máy bán hàng tự động nằm rải rác khắp các đường hẩm của bệnh viện. Trông như thể họ được chụp bởi Diane Arbus[48], hay được vẽ bởi Hieronymus Bosch[49].
Một hôm, tôi cùng các bạn học xếp hàng chờ hướng dẫn chuyên sâu từ một nhà tâm lý học khắc khổ người Đức, người điều hành chương trình huấn luyện lâm sàng tại Douglas. Một bệnh nhân nội trú dài hạn, yếu ớt và dễ tổn thương đã tiếp cận một trong số các sinh viên chúng tôi - một cô gái trẻ được chăm bẵm và bảo thủ. Bệnh nhân nói chuyện với cô bằng giọng điệu thân thiện và trẻ con: “Sao các cô đều đứng đây vậy? Các cô đang làm gì thế? Tôi đi cùng cô có được không?” Bạn tôi liền quay sang tôi và hỏi: “Tôi nên nói gì với chị ta bây giờ?” Cô ấy đã sửng sốt, cũng như tôi, vì yêu cầu này đến từ một người bị cô lập và tổn thương. Không ai trong chúng tôi muốn nói bất kỳ điều gì có thể bị hiểu là từ chối hoặc quở trách.
Chúng tôi như tạm bước vào một thế giới không người, nơi xã hội không có quy tắc hay chỉ dẫn căn bản nào. Chúng tôi là những sinh viên lâm sàng non trẻ, chưa hề được chuẩn bị để đối mặt với những cơ sở của một bệnh viện tâm thần, khi một bệnh nhân tâm thần phân liệt hỏi một câu ngây thơ, thân thiện về khả năng thuộc về xã hội. Sự đối đáp qua lại tự nhiên giữa người với người, cần chú ý đến các ám hiệu tùy bối cảnh cũng không diễn ra ở đây. Chính xác thì những quy luật ứng xử trong một tình huống vượt ngoài các ranh giới tương tác xã hội thông thường sẽ là gì? Chính xác thì lựa chọn của chúng ta là gì?
Theo như tôi nhanh chóng phỏng đoán thì chỉ có hai lựa chọn. Tôi có thể bịa ra một câu chuyện để kể cho bệnh nhân nghe nhằm giữ thể diện cho tất cả mọi người, hoặc có thể trả lời thành thật. “Một nhóm chỉ có thể có tám người thôi” - đó là câu đáp thuộc kiểu đầu tiên, hoặc: “Chúng tôi sắp rời bệnh viện bây giờ.” Không câu trả lời nào trong hai câu trên vùi dập bất kỳ cảm xúc nào, chí ít nhất là ngoài mặt và sự hiện hữu của những khác biệt về vị thế giữa chúng tôi và cô ta cũng sẽ không rõ ràng. Dù vậy, cả hai câu trả lời đều không thật chính xác. Do đó, tôi không chọn câu nào cả.
Tôi bảo với bệnh nhân một cách đơn giản và thẳng thắn nhất có thể rằng chúng tôi là những sinh viên mới, đang được đào tạo để trở thành bác sĩ tâm lý, và bởi thế, cô ấy không thể tham gia cùng chúng tôi. Câu trả lời ấy đã làm bật lên sự khác biệt giữa hoàn cảnh của cô ấy và của chúng tôi, khiến cho khoảng cách giữa chúng tôi thêm xa cách và rõ rệt. Câu trả lời ấy gay gắt hơn một lời nói dối vô hại được khéo léo dàn dựng. Nhưng tôi đã nghi ngờ rằng việc nói dối, dù với ý tốt, cũng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Cô ấy tiu nghỉu và bị tổn thương, nhưng chỉ trong chốc lát. Rồi cô ấy hiểu và mọi chuyện đều ổn. Chuyện đã xảy ra như thế.
Tôi đã có những trải nghiêm khác lạ chừng vài năm trước khi bắt đầu khóa đào tạo lâm sàng. Khi ấy, tôi đang chịu một số sự cưỡng bức bạo lực (nhưng không hành động theo chúng), và hệ quả là hình thành một nhận thức tội lỗi rằng tôi hầu như chẳng biết mình là ai và sống vì lẽ gì. Nên tôi bắt đầu chú ý kỹ hơn vào hành vi và lời nói của mình. Phải nói rằng trải nghiệm này đã khiến tôi chao đảo. Tôi nhanh chóng chia bản thân mình thành hai phần: Một phần để giao tiếp, và một phần khác, tách biệt hơn, để quan sát và đánh giá. Chẳng bao lâu, tôi nhận ra rằng hầu như mọi điều tôi nói đều không thành thật. Nhưng tôi có động cơ để nói những điều ấy: Tôi muốn giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận, chiếm thế thượng phong, gây ấn tượng với mọi người và đạt được những gì mình muốn. Tôi đã sử dụng ngôn từ để bẻ cong hay bóp méo thế giới sao cho nó đem lại những gì mà tôi nghĩ là cần thiết. Nhưng tôi là một kẻ giả tạo. Khi nhận ra điều này, tôi bắt đầu luyện tập chỉ nói những điều mà giọng nói trong thâm tâm không phản bác. Bắt đầu bằng cách tập nói sự thật, hoặc chí ít là không nói dối. Tôi sớm nhận ra đó quả là một kỹ năng rất hữu dụng mỗi khi tôi không biết phải làm gì. Bạn nên làm gì khi không biết phải làm gì? Hãy nói sự thật đi nào. Và đó chính là điều tôi đã làm vào ngày đầu tiên tại Bệnh viện Douglas.
Sau đó, tôi được giao cho một bệnh nhân bị chứng hoang tưởng và nguy hiểm. Điều trị cho bệnh nhân hoang tưởng là thử thách đầy khó khăn. Họ tin rằng họ là mục tiêu của những thế lực hắc ám huyền bí, chuyên làm những trò tàn ác sau lưng. Những bệnh nhân hoang tưởng luôn trong trạng thái cảnh giác và tập trung cao độ. Họ chú ý đến các ám hiệu không lời với sự căng thẳng không bao giờ thể hiện trong các mối tương tác thông thường giữa con người. Họ phạm sai lầm trong việc diễn giải (hoang tưởng chính là thế), nhưng vẫn có khả năng phát hiện ra các động cơ, sự phán xét và lời dối trá lẫn lộn với nhau một cách phi thường. Bạn phải rất chăm chú lắng nghe và chỉ nói sự thật nếu muốn một người hoang tưởng mở lòng với mình.
Tôi luôn lắng nghe kỹ càng và luôn nói sự thật với bệnh nhân của mình. Dù lúc này hay lúc khác, anh ta luôn mô tả những ảo tưởng khiến máu huyết tôi đông cứng lại: lột da người để trả thù. Tôi sẽ quan sát xem mình phản ứng thề nào. Tôi chú ý xem những suy nghĩ và hình ảnh hiện lên trên màn chiếu của trí tưởng tượng trong tôi khi anh ta đang mô tả và tôi thuật lại với anh ta những gì mình nhìn thấy. Tôi không tìm cách kiểm soát hay dẫn dắt suy nghĩ, hành động của anh ta (hoặc của chính tôi). Tôi chỉ cố gắng để anh ta biết một cách trung thực nhất rằng những hành động của anh ta đang trực tiếp tác động đến ít nhất một người - đó là tôi. Việc tôi chú ý và phản hồi thẳng thừng hoàn toàn không có nghĩa rằng tôi vẫn cảm thấy bình thản, huống hồ là chấp nhận anh ta. Tôi bảo với anh ta rằng mỗi khi anh dọa tôi (khá thường xuyên), thì lời nói và hành vi của anh ta là sai trái và anh ta sẽ lâm vào rắc rối nghiêm trọng.
Dù vậy, anh ta vẫn nói chuyện với tôi vì tôi lắng nghe và hồi đáp một cách thành thật, ngay cả khi câu trả lời của tôi chẳng động viên anh ta chút nào. Anh ta vẫn tin tưởng tôi, mặc cho (hay đúng hơn là chính vì) những sự phản bác của tôi. Anh ta bị hoang tưởng chứ không hề ngu ngốc. Anh biết những hành vi của mình không được xã hội chấp nhận. Anh ta biết rằng bất kỳ người tử tế nào cũng đều sẽ phản ứng lại những huyễn tưởng điên rổ của anh bằng nỗi kinh sợ. Anh ta tin tưởng tôi và muốn nói chuyện với tôi vì cách tôi phản ứng lại. Sẽ không có cơ hội nào để thấu hiểu anh ta nếu không có sự tin tưởng ấy.
Nhìn chung, rắc rối đến với anh ta bắt đầu từ nạn quan liêu, điển hình là tại ngân hàng. Anh ta bước vào một cơ sở và thử làm một số thủ tục đơn giản. Anh ta tìm cách mở tài khoản, thanh toán hóa đơn hoặc đóng phạt. Đôi khi, anh ta gặp phải một kiểu người không thuận lòng trợ giúp mà ai cũng sẽ gặp ở những nơi như thế, dù lúc này hay lúc khác. Người ấy sẽ từ chối thẻ căn cước của anh, hoặc yêu cầu một số thông tin không cần thiết và khó có được. Đôi khi, tôi đồ rằng sự trì trệ của tệ quan liêu là không thể tránh khỏi - nhưng đôi lúc nó trở nên phức tạp quá mức cần thiết vì sự lạm dụng quyền lực quan liêu tủn mủn. Bệnh nhân của tôi rất nhạy cảm với những việc ấy. Anh ta bị ám ảnh với sự tôn kính. Điều đó còn quan trọng với anh hơn cả sự an toàn, tự do và tài sản. Chiếu theo logic ấy (vì những người hoang tưởng thì có logic không chê vào đâu được), anh ta không thể chấp nhận để bản thân mình bị hạ thấp, xúc phạm hay sỉ nhục bởi bất cứ ai, dù chỉ một chút. Anh ta sẽ không bao giờ bỏ qua cho những việc như vậy. Bởi thái độ khắt khe và cố chấp ấy, mà những hành động từ bệnh nhân của tôi đã “đem lại” cho anh ta kha khá lệnh cách ly. Tuy nhiên, lệnh cách ly có hiệu quả nhất chỉ với kiểu người không bao giờ cần đến chúng mà thôi.
“Ta sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của ngươi” là câu cửa miệng của anh ta mỗi khi đối mặt với những tình huống như thế. Đã có lúc tôi rất ao ước mình có thể nói ra những lời giống như thế, khi gặp phải những trở ngại quan liêu không cẩn thiết, nhưng nhìn chung, bỏ qua là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân của tôi nghiêm túc với những gì anh nói và đôi lúc anh ta đã thực sự trở thành cơn ác mộng của ai đó. Anh ta là kẻ phản diện trong bộ phim No Country for Old Men (tựa tiếng Việt: Không chốn dung thân). Anh ta là kẻ mà bạn gặp không đúng nơi, không đúng lúc. Nếu bạn trêu tức anh ta dù chỉ vô tình, anh ta sẽ bám theo bạn, nhắc cho bạn nhớ mình đã làm gì và dọa bạn chết khiếp. Anh ta không phải kẻ mà bạn dám lừa dối đâu. Tôi luôn nói sự thật với anh ta và điều đó khiến anh ta dịu lại.
GÃ CHỦ NHÀ CỦA TÔI
Trong khoảng thời gian ấy, tôi có một người chủ nhà từng là thủ lĩnh của một băng xe mô-tô địa phương. Vợ tôi, Tammy và tôi sống cạnh gã trong căn hộ nhỏ của cha mẹ gã. Trên người cô bạn gái của gã đầy những vết thương tự gây ra, biểu hiện đặc trưng của chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Cô ấy đã tự sát trong khi chúng tôi sống ở đó.
Denis là một gã trai lai Pháp và Canada cao lớn, khỏe mạnh, có bộ râu quai nón xám và là một thợ điện tử nghiệp dư có tài. Gã cũng có khiếu nghệ thuật, nhờ đó giúp gã chế ra những tấm áp phích gỗ với đèn nê-ông tùy chỉnh. Gã cố gắng giữ tỉnh táo sau khi được thả tự do khỏi tù. Tuy nhiên, cứ tầm mỗi tháng, gã sẽ biến mất trong nhiều ngày liền. Gã là một trong đám đàn ông có khả năng uống rượu phi thường; gã có thể uống 50 hoặc 60 chai bia trong hai ngày, say bí tỉ mà vẫn có thể đứng nổi. Điều này có vẻ khó tin, nhưng đó là sự thật. Tôi đã nghiên cứu về tình trạng nghiện rượu của người trong gia đình vào thời điểm ấy, và không ít đối tượng khảo sát thuật lại rằng thói quen tiêu thụ vodka thường ngày của cha họ là khoảng 1 lít. Những bậc cha chú này sẽ mua một chai vodka vào mỗi buổi chiều, từ thứ Hai đến thứ Sáu và sau đó là hai chai vào ngày thứ Bảy để dự trữ qua Chủ Nhật, khi các tiệm rượu đóng cửa.
Denis có một chú cún nhỏ. Đôi khi, Tammy và tôi sẽ nghe tiếng Denis và chú cún ngoài sân sau vào lúc 4 giờ sáng, một trong những buổi uống rượu liền tù tì của gã; và cả chủ lẫn tớ đều nhìn trăng mà tru lên điên dại. Trong những dịp như thế, Denis sẽ dốc hết từng xu tiết kiệm được vào rượu. Sau đó, gã sẽ xuất hiện tại căn hộ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nghe thấy tiếng gõ cửa trong đêm. Denis đứng ngoài cửa, lắc lư qua lại với dáng người thẳng đứng cùng vẻ tỉnh táo diệu kỳ.
Gã sẽ đứng đó, cầm trên tay chiếc lò nướng bánh, lò vi sóng hay một tấm áp phích nào đó. Gã muốn bán cho tôi những món này để tiếp tục sự nghiệp rượu chè. Tôi đã mua một vài món như thế từ gã và tự nhủ rằng mình đang làm từ thiện. Cuối cùng, Tammy thuyết phục rằng tôi không thể làm như thế nữa. Điều đó khiến cô ấy lo lắng và khiến Denis ngày một tệ hơn, vì cô cũng quý gã. Mặc cho yêu cầu của vợ tôi là hợp lý và thậm chí cần thiết, nhưng nó vẫn đặt tôi vào tình thế trớ trêu.
Bạn sẽ nói gì với một cựu thủ lĩnh băng đảng mô-tô ưa bạo lực, đắm chìm trong men rượu cùng thứ tiếng Anh chắp vá, khi hắn đang cố bán cho bạn chiếc lò vi sóng ngay trước cửa phòng vào lúc 2 giờ sáng? Đây là một câu hỏi thậm chí khó hơn nhiều so các câu hỏi đặt ra cho bệnh nhân phải hòa nhập xã hội, hoặc một kẻ lột da người hoang tưởng. Nhưng câu trả lời vẫn thế: Sự thật. Và bạn cũng đã biết thừa sự thật ở đây nghĩa là gì.
Denis lại gõ cửa ngay sau khi vợ và tôi bàn bạc xong. Gã nhìn thẳng vào tôi bằng nửa con mắt hoài nghi đặc trưng của đám người dữ tợn, nghiện rượu nặng và không lạ gì với rắc rối. Ánh nhìn đó có nghĩa là “hãy chứng minh mày vô tội đi”. Gã lắc lư người một cách nhẹ nhàng, rồi - lịch sự - hỏi rằng tôi có muốn mua chiếc máy nướng bánh của gã không. Từ tận tâm can, tôi như trút hết mọi động lực áp chế của loài linh trưởng cùng đạo đức cao thượng. Tôi nói thẳng với gã một cách thận trọng hết sức rằng tôi không mua. Tôi đã không giở mánh lới nào. Trong thời khắc ấy, tôi không còn là một thanh niên có học vấn, giỏi tiếng Anh, may mắn hay cầu tiến nữa. Gã cũng không còn là một tay đua mô-tô kỳ cựu từ Québéc với nồng độ cồn trong máu là 0,24. Không, chúng tôi là hai con người có thiện chí đang cố gắng giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chung để làm điều đúng đắn. Tôi bảo rằng gã đã nói là gã đang cố cai rượu. Tôi bảo rằng sẽ không tốt nếu tôi cứ đưa thêm tiền cho gã. Tôi bảo rằng gã đã khiến Tammy, người mà gã tôn trọng, phải lo lắng khi gã đến gặp chúng tôi trong tình trạng say khướt vào tối muộn thế này, hòng bán cho tôi mấy món đồ.
Gã trừng mắt nhìn tôi dữ tợn mà không nói gì trong khoảng 15 giây; 15 giây là quá dài. Tôi biết gã đang quan sát xem tôi có bất kỳ biểu hiện nhỏ nhất nào lộ ra sự mỉa mai, lừa phỉnh, khinh thường hay tự ăn mừng không. Nhưng tôi đã suy nghĩ vừa thấu đáo vừa thông suốt và tôi chỉ nói những điều mình thực sự muốn nói. Tôi đã chọn lựa từ ngữ cẩn thận, băng qua một đầm lầy gian dối và tìm ra con đường đá ngập trong nước, Denis quay người bỏ đi. Không chỉ thế, gã còn nhớ rõ cuộc trò chuyện của chúng tôi, bất chấp tình trạng say xỉn ở cấp độ chuyên nghiệp của gã. Gã không còn cố gắng bán cho tôi bất cứ món gì nữa. Mối quan hệ của chúng tôi, vốn đã khá tốt bất chấp những cách biệt lớn về văn hóa giữa hai bên, lại càng trở nên mật thiết hơn.
Chọn cách dễ dàng hay nói ra sự thật - đó không đơn thuần là hai lựa chọn khác nhau. Chúng còn là những lối đi khác nhau trong cuộc đời. Chúng còn là những phương cách tồn tại hoàn toàn khác nhau.
THAO TÚNG THẾ GIỚI
Bạn có thể sử dụng ngôn từ để thao túng thế giới hòng có được những gì bạn muốn. Việc này đồng nghĩa với “hành động theo kiểu chính trị”. Đó là một vòng xoáy. Đó là chuyên môn của các nhà tiếp thị, chuyên viên bán hàng, nhà quảng cáo, nghệ sĩ ứng biến vô liêm sỉ, những kẻ thiếu thực tế sống theo khẩu hiệu và bệnh nhân tâm thần. Đó là bài diễn thuyết mà mọi người vận dụng nhằm tìm cách gây ảnh hưởng và thao túng người khác. Đó là những gì các sinh viên đại học thường làm khi viết một bài luận khiến giảng viên hài lòng, thay vì diễn giải và làm rõ các ý tưởng của chính họ. Đó là điều mọi người sẽ làm khi họ muốn thứ gì đó, rồi quyết định bóp méo bản thân cốt để làm hài lòng và nịnh bợ người khác. Đó là thủ đoạn, là trò hô hào khẩu hiệu và tuyên truyền.
Sống một cuộc sống như thế sẽ khiến ta bị một ham muốn xấu xa nào đó xâm chiếm, rồi dựng nên lời nói và hành động sao cho chúng có vẻ hợp lý nhằm đạt được mục đích. Những mục đích toan tính điển hình có thể bao gồm “áp đặt những tín niệm ý thức hệ của tôi”, “chứng minh rằng tôi luôn (hoặc đã) đúng”, “tỏ ra có năng lực”, “tự nâng mình lên cấp bậc thống trị”, “trốn tránh trách nhiệm” (hoặc “nhận vơ công lao từ hành động của người khác”) “được thăng chức”, “thu hút sự chú ý của kẻ quyền thế”, “đảm bảo rằng tất cả mọi người đều thích tôi”, “trục lợi từ sự đọa đày”, “biện minh cho sự yếm thế của tôi”, “hợp lý hóa quan điểm chống đối xã hội của tôi”, “để giảm thiểu xung đột tức thời”, “duy trì sự ngây thơ của tôi”, “tranh thủ tính dễ tổn thương của tôi”, “luôn tỏ ra mình thánh thiện” hoặc (đây mới là mục tiêu đặc biệt xấu xa) “đảm bảo đó luôn là lỗi của đứa con bị ruồng rẫy của tôi”. Đây là tất cả những ví dụ về những gì mà người đồng hương của Sigmund Freud, nhà tâm lý học người Áo ít tiếng tăm Alfred Adler, gọi là “cuộc đời dối trá”.
Kẻ sống một cuộc đời dối trá đang tìm cách thao túng thực tại bằng nhận thức, suy nghĩ và hành động, đến mức chỉ cho phép một kết quả hạn hẹp như ý muốn và định trước được tồn tại. Dù vô tình hay cố ý, cuộc sống kiểu này đều dựa trên hai tiền đề. Đầu tiên là vốn hiểu biết hiện tại đủ để xác định xem điều gì sẽ tốt mãi trong tương lai. Thứ hai là một thực tại không chịu đựng nổi nếu ta cứ để mặc nó. Giả định đầu tiên là bất hợp lý về mặt triết học. Những gì bạn đang nhắm tới có thể không đáng đạt được, cũng như những gì bạn đang làm có thể là sai lầm. Giả thuyết thứ hai còn tệ hơn. Nó chỉ xác thực nếu thực tại là không thể chấp nhận được từ bản chất, đồng thời là thứ gì đó có thể bị thao túng và xuyên tạc. Hành động và suy nghĩ như thế đòi hỏi phải có lòng kiêu căng và sự đoan chắc mà thi sĩ đại tài người Anh, John Milton[50], đã cảm thông với quỷ Satan, kẻ từng là thiên thần tối cao của Thượng Đế trước khi sa ngã hết sức trầm trọng. Khả năng duy lý có khuynh hướng nguy hiểm là dẫn đến lòng kiêu hãnh: Tất cả những gì ta biết là tất cả những gì cẩn được biết. Niềm kiêu hãnh luôn yêu mến những sáng tạo của chính nó, và cố gắng biến chúng thành tuyệt đối.
Tôi đã chứng kiến nhiều người định nghĩa nên xã hội không tưởng của mình rồi uốn cong cuộc sống của họ thành những nút thắt, cố gắng biến chúng thành hiện thực. Một sinh viên tả khuynh chọn lấy lập trường đang thịnh hành là chống nhà cầm quyền, rồi dành 20 năm tiếp theo làm việc với lòng oán giận để lật đổ các cối xay gió trong trí tưởng tượng của mình. Một cô gái 18 tuổi quyết định nông nổi rằng cô ấy muốn nghỉ hưu ở tuổi 52. Cô làm việc suốt ba thập kỷ để thực hiện điều đó, mà không nhận ra rằng mình đã quyết định điều đó khi chỉ là một đứa trẻ. Cô ấy biết gì về bản thân mình vào năm 52 tuổi khi vẫn còn là một thiếu nữ? Ngay cả bây giờ hay nhiều năm sau nữa, cô vẫn chỉ nắm giữ một ý tưởng mơ hồ nhất, mập mờ nhất về Vườn Địa đàng thời nghỉ hưu của mình. Cô không chịu nhận ra điều ấy. Cuộc sống của cô còn ý nghĩa gì nếu mục tiêu ban đầu đã sai? Cô ấy sợ phải mở nắp hộp Pandora, nơi mọi rắc rối của thế gian được cất giữ trong đó. Nhưng cô không biết rằng hy vọng cũng nằm trong hộp. Thay vì thế, cô đã uốn nắn cuộc đời mình sao cho khớp với những huyễn tưởng của một thiếu niên được bảo bọc.
Theo thời gian, mục tiêu ngây ngô hình thành từ ban đầu sẽ chuyển thành hình thái nham hiểm của cuộc sống dối trá. Một thân chủ ngoài 40 tuổi đã kể với tôi về viễn cảnh mà ông lập ra khi còn trai trẻ: “Tôi thấy mình đã nghỉ hưu, ngồi trên một bãi biển nhiệt đới, tận hưởng ly rượu margarita dưới ánh mặt trời.” Đó không phải là một kế hoạch. Đó là một tờ quảng cáo du lịch. Sau tám ly margarita, bạn chỉ vừa mới ngà ngà. Sau ba tuần lễ đắm chìm trong margarita, nếu còn chút ý thức nào, bạn sẽ phát chán và tự ghê tởm. Trong một năm hoặc chưa đến, bạn sẽ trở thành kẻ đáng thương hại. Đó không phải là một lối sống bền vững cho cuộc sống sau này. Kiểu đơn giản hóa thái quá và xuyên tạc này đặc biệt điển hình ở các lý thuyết gia. Họ chỉ chấp nhận một chân lý duy nhất: Chính phủ là xấu, nhập cư là xấu, chủ nghĩa tư bản là xấu, chế độ gia trưởng là xấu. Sau đó, họ chắt lọc, rồi rà soát kinh nghiệm của bản thân và quả quyết nông cạn hơn nữa rằng mọi thứ có thể được lý giải bằng chân lý ấy. Họ tin tưởng một cách vị kỷ rằng bên dưới thứ lý thuyết tồi tệ ấy, thế giới chỉ có thể được đặt đúng chỗ nếu họ nắm quyển kiểm soát.
Còn một vấn đề cơ bản nữa của cuộc sống dối trá, đặc biệt khi nó dựa trên sự trốn tránh. Cảm giác tội lỗi xuất hiện do khi bạn hành động mà bạn biết rằng mình đã sai. Còn tội lỗi do không hành động là khi bạn để mặc điều gì đó tồi tệ xảy ra, trong khi bạn có thể ngăn chặn nó. Tội lỗi đầu tiên luôn được xem là nghiêm trọng hơn so với tội lỗi thứ hai - sự trốn tránh. Nhưng tôi không chắc lắm.
Giờ ta hãy cùng xét đến cô gái khẳng định rằng mọi thứ diễn ra trong cuộc đời cô đều đúng đắn. Cô tránh né xung đột và luôn mỉm cười, rồi lại làm theo những điều người khác bảo cô làm. Cô tìm thấy một ngóc ngách và giấu mình trong đó. Cô không chất vấn nhà cầm quyền hay nói ra ý kiến của mình, cũng không phàn nàn khi bị ngược đãi. Cô cố gắng tàng hình như một chú cá bơi giữa một đàn cá. Nhưng có một bí mật nung nấu cứ gặm nhấm trái tim cô. Cô vẫn đau khổ vì đời là bể khổ. Cô cảm thấy cô đơn, bị cô lập và bất mãn. Song, sự tuân phục và tự diệt trong cô đã xóa tan mọi ý nghĩa trong cuộc đời cô. Cô đã trở nên không khác gì một nô lệ, một công cụ để người khác bóc lột. Cô không nhận được những gì mình muốn hoặc cần, vì làm thế sẽ nói lên ý định trong đầu cô. Vì thế, chẳng có gì đáng quý trong sự tồn tại để cô cân bằng lại những rắc rối trong cuộc sống. Và điều ấy khiến cô phát ốm.
Trước hết, có thể những kẻ gây rối ồn ào sẽ biến mất khi tổ chức bạn đang phụng sự va vấp và thụt lùi. Nhưng chính những người vô hình sẽ bị hy sinh kế tiếp. Kẻ trốn tránh không phải là người có sinh lực bền bỉ. Khả năng tồn tại bền bỉ đòi hỏi phải có sự đóng góp nguyên bản. Giấu mình cũng không cứu được người phù hợp và bình thường khỏi bệnh tật, sự điên loạn, cái chết và thuế. Và giấu mình khỏi người khác cũng đồng nghĩa với che đậy tiềm năng khỏi bản thể chưa được biết đến của nó. Và đó chính là vấn đề.
Nếu không hé lộ bản thân với người khác, bạn sẽ không thể hé lộ với chính mình. Điều đó không chỉ đồng nghĩa rằng bạn đang đè nén chính mình (mặc dù nó cũng có nghĩa như thế). Nó có nghĩa bạn sẽ không bao giờ có nhu cầu thúc đẩy mình trở thành người mà bạn có thể trở thành. Đây là một chân lý trong sinh học, cũng như trong nhận thức. Khi mạo hiểm khám phá, khi tự nguyện đối diện với cái chưa biết, là bạn đang thu thập thông tin và xây dựng một bản thể được làm mới từ những thông tin ấy. Đây là một yếu tố nhận thức. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra rằng các gien mới trong hệ thần kinh trung ương sẽ tự kích hoạt khi một cơ thể được đặt (hoặc tự đặt nó) vào một tình huống mới. Các gien mới này sẽ mã hóa nên các protein mới. Các protein này là những khối gạch xây của các cấu trúc não mới. Điều này đồng nghĩa rất nhiều phần trong cơ thể bạn vẫn đang hình thành - theo lẽ tự nhiên nhất - và sẽ không thể tồn tại nếu bị ngưng trệ. Bạn phải nói điều gì đó, đi đâu đó và hành động để kích hoạt chúng. Nếu không… bạn sẽ mãi chưa hoàn thiện, còn cuộc sống lại quá gian nan với ai chưa hoàn thiện.
Nếu bạn nói “không” với ông chủ, với bạn đời hoặc với mẹ bạn khi cần phải nói ra, thì sau đó, bạn sẽ biến mình thành một người có thể nói không mỗi khi cần. Nhưng nếu bạn nói “có” lúc chẳng cần phải nói, thì bạn sẽ biến mình thành một người chỉ có thể nói “có”, ngay cả khi rõ là phải nói “không”. Nếu bạn từng tự hỏi làm sao một người hoàn toàn bình thường, tử tế lại nhận thấy mình làm những điều khủng khiếp như các lính gác trại cải tạo lao động từng làm giờ bạn đã có câu trả lời cho mình. Vì đến lúc thực sự cẩn phải nói không thì lại chẳng nói được.
Nếu bạn phản bội chính mình, nếu bạn nói những điều không đúng sự thật, nếu bạn giả dối, thì bạn chỉ làm tổn hại nhân cách của mình mà thôi. Và nếu bạn có một nhân cách yếu kém, thì nghịch cảnh chắc chắn sẽ hạ gục bạn ngay khi nó xuất hiện. Bạn sẽ trốn tránh, nhưng rồi sẽ chẳng còn chỗ nào cho bạn trốn cả. Và rồi bạn sẽ nhận thấy mình đang làm những điều tồi tệ.
Chỉ có thứ triết lý vô vọng, yếm thế nhất mới nhấn mạnh rằng ta có thể cải thiện thực tại bằng sự xuyên tạc. Triết lý đó đánh đồng Hữu thể với thứ bạn trở thành, và đều cho rằng chúng còn thiếu sót. Nó tố cáo rằng sự thật là không đủ và người thành thật sẽ bị lừa dối. Đó là thứ triết lý vừa thể hiện, vừa bào chữa cho sự suy đồi đặc hữu của thế giới.
Nó không phải một tầm nhìn, cũng không phải một kế hoạch được vạch ra để đạt được tẩm nhìn đó, mà là lỗi lầm trong những trường hợp như thế. Một tầm nhìn trong tương lai, thứ tương lai đáng mong đợi, là điều cần thiết. Tầm nhìn đó liên kết hành động được thực hiện ngay lúc này với các giá trị quan trọng, lâu dài và căn bản. Nó mang đến cho hành động trong hiện tại ý nghĩa và tầm quan trọng. Nó mang đến một khuôn khổ làm giảm sự không chắc chắn và nỗi lo âu.
Nó không phải là một tầm nhìn, mà là sự cố ý mù quáng. Đó là sự dối trá tồi tệ nhất. Nó xảo quyệt. Nó lợi dụng những cách hợp lý hóa dễ dàng. Cố ý mù quáng nghĩa là không chịu biết đến điều gì đó mà đáng ra ta có thể biết đến. Nghĩa là không chịu thừa nhận rằng tiếng gõ cửa đồng nghĩa với việc có ai đó đang đứng trước cửa. Nghĩa là không chịu thừa nhận có một con khỉ đột 360 cân trong phòng, một con voi dưới tấm thảm hay bộ xương khô trong tủ quần áo. Nghĩa là không chịu thừa nhận sai sót khi đang theo đuổi một kế hoạch. Trò chơi nào cũng đều có quy luật. Có một số quy luật quan trọng nhất lại ngầm ẩn. Bạn chấp nhận chúng đơn giản bằng cách quyết định chơi. Quy luật đầu tiên là cuộc chơi ấy rất quan trọng. Vì nếu nó không quan trọng, bạn đã không chơi làm gì. Chơi một trò chơi chính là xác định cuộc chơi đó quan trọng. Quy luật thứ hai là: Các nước đi được thực hiện trong suốt trò chơi là hợp cách nếu chúng giúp bạn giành chiến thắng. Nếu bạn thực hiện một nước đi và nó không giúp bạn giành chiến thắng, thì chiếu theo định nghĩa, đó là một nước đi tồi. Bạn cần thử một nước khác. Bạn nhớ lại một câu đùa cũ: Điên rồ nghĩa là lặp lại một việc hết lẩn này đến lần khác nhưng lại kỳ vọng kết quả sẽ khác đi.
Nếu bạn may mắn thất bại rồi thử điều gì đó mới mẻ, bạn sẽ tiến về phía trước. Nếu việc đó không hiệu quả, bạn sẽ lại tiếp tục thử một cách khác. Một sự điều chỉnh nhỏ cũng là đủ trong hoàn cảnh may mắn. Vì thế, sẽ là khôn ngoan nếu ta bắt đầu với những thay đổi nhỏ rồi xem thử chúng có hữu ích hay không. Nhưng đôi khi, toàn bộ hệ thống phân cấp giá trị bị lỗi và bạn phải từ bỏ toàn bộ kiến trúc của nó. Toàn bộ cuộc chơi phải được thay đổi. Đó là một cuộc cách mạng, với tất cả sự hỗn loạn và nỗi kinh hoàng. Nó không phải là thứ gì đó để bạn nhẹ nhàng tham gia, nhưng đôi khi lại cần thiết. Sai lầm đòi hỏi sự hy sinh để sửa chữa, và sai lầm nghiêm trọng thì đòi hỏi sự hy sinh to lớn. Chấp nhận sự thật đổng nghĩa với hy sinh - và nếu bạn đã chối bỏ sự thật trong một thời gian dài, nghĩa là bạn đang tích dần một khoản nợ hy sinh lớn vô cùng nguy hại. Những trận cháy rừng đã thiêu trụi cây chết và trả lại những nguyên tố bị mắc kẹt cho đất đai. Nhưng đôi lúc các đám cháy bị sức người trấn áp. Nhưng điều đó không ngăn được cây chết cứ tích dần. Dù sớm hay muộn, ngọn lửa cũng sẽ bùng lên. Khi ấy, nó sẽ cháy nóng đến nỗi mọi thứ sẽ bị phá hủy - ngay cả mảnh đất màu nơi khu rừng mọc lên.
Một bộ óc tự phụ, duy lý, quen với sự chắc chắn và mê đắm sự xuất chúng của chính nó sẽ dễ dàng bị cám dỗ để phớt lờ lỗi sai, cũng như quét giấu bụi bẩn vào dưới thảm. Trường phái triết học văn chương hiện sinh, bắt đầu với Sơren Kierkegaard[51], đã gọi trạng thái này của Hữu thể này là “giả tạo”. Một kẻ giả tạo sẽ tiếp tục nhận định và hành động theo cách mà kinh nghiệm của anh ta đã chứng minh là sai. Anh ta không nói thật lời mình.
“Điều mình muốn có xảy ra không? Không! Như vậy mục tiêu của mình hoặc các phương pháp của mình đã sai. Tôi vẫn còn phải học hỏi thêm gì đó”, đây là giọng nói của sự chân thành.
“Điều mình muốn có xảy ra không? Không. Vậy là thế giới này không công bằng. Mọi người ghen tỵ với mình và quá ngu ngốc để hiểu được. Đây là lỗi của một điều gì đó hoặc của ai đó khác”, đó là giọng nói của sự giả tạo. Chẳng mấy chốc mà sẽ đến mức “mình phải ngăn chúng lại”, “mình phải làm chúng bị tổn thương” hoặc “mình phải tiêu diệt chúng”. Mỗi khi bạn nghe đến điều gì đó tàn bạo không thể hiểu nổi, thì những ý niệm như trên sẽ tự hiển lộ.
Ta không thể quy điều này cho sự vô thức hoặc sự đè nén. Khi một cá nhân nói dối, anh ta thừa biết điều đó. Anh ta có thể cố ý mù quáng trước những hậu quả từ hành động của mình. Có lẽ anh ta không thể phân tích và diễn giải quá khứ của mình, để rồi không hiểu nổi nó. Thậm chí anh ta có thể quên rằng mình đã nói dối và vô thức trước sự thật ấy. Nhưng ngay lúc này đây, anh ta có ý thức trong quá trình phạm từng sai sót một, cũng như trong việc rũ bỏ từng trách nhiệm. Vào thời khắc ấy, anh biết mình đang làm gì. Và tội lỗi của kẻ giả tạo này sẽ hợp lại và làm lũng đoạn cả một quốc gia.
Kẻ thèm khát quyển lực sẽ tạo ra một quy luật mới tại nơi làm việc của bạn. Việc này không cần thiết. Nó phản tác dụng. Nó khiến người khác bứt rứt. Nó loại đi niềm vui và ý nghĩa trong công việc. Nhưng bạn vẫn tự nhủ rằng mọi thứ đều ổn. Điều đó không đáng phàn nàn. Rồi chuyện ấy lại tái diễn. Nhưng bạn đã rèn luyện bản thân cho phép những điều như thế xảy ra bằng cách không phản ứng ngay ở lần đầu tiên. Bạn có chút thiếu can đảm. Đối thủ của bạn, do không bị chống đối, sẽ mạnh lên đôi chút. Tổ chức lại suy đồi thêm đôi chút. Quá trình trì trệ và chèn ép quan liêu đang diễn ra, và bạn đã dự phần vào đó bằng cách giả vờ rằng mọi thứ đều ổn. Sao bạn không khiếu nại? Sao không đứng lên? Nếu bạn làm thế thì những người khác - vốn cũng sợ lên tiếng không kém - có thể đến bảo vệ bạn. Và nếu không thì có lẽ đã đến lúc làm “cách mạng”. Có lẽ bạn nên tìm một công việc ở đâu đó khác, nơi tâm hồn bạn ít gặp nguy vì sự suy đồi hơn.
Vì người nào có được cả thiên hạ mà mất đi linh hồn mình, thì phỏng có ích gì? (Mác 8:36)
Viktor Frankl, nhà phân tâm học và cũng là người sống sót trong trại tập trung của Quốc xã, tác giả cuốn Man’s Search for Meaning (tựa tiếng Việt: Đi tìm lẽ sống), đã rút ra kết luận tương tự về mặt tâm lý xã hội: Sự tồn tại cá nhân lọc lừa và giả tạo chính là tiền thân của chủ nghĩa xã hội toàn trị. về phần mình, Sigmund Freud cũng cho rằng “sự đàn áp” đã góp phần đáng kể cho sự phát triển của bệnh tâm thần (và sự khác biệt giữa đàn áp sự thật với lời dối trá là ở mức độ, chứ không phải phải loại hình). Alfred Adler biết rằng chính những lời nói dối đã gây ra bệnh tật. C.G. Jung biết rằng chính những vấn đề đạo đức đã đày đọa bệnh nhân của ông và tất cả những vấn đề ấy đều do sự giả dối gây ra. Tất cả những nhà tư tưởng trên, tất cả những người tập trung mối quan tâm đến biểu hiện bệnh lý ở cá nhân lẫn văn hóa, đều đi đến kết luận tương tự: Những lời dối trá đã bẻ cong cấu trúc của Hữu thể. Sự giả dối làm thoái hóa tâm hồn cũng như nhà nước và hình thức tha hóa này lại nuôi dưỡng hình thức tha hóa kia.
Tôi đã liên tục quan sát thấy sự biến đổi từ nỗi khổ đau tồn tại đơn thuần thành Địa Ngục đích thực của sự phản bội và lọc lừa. Ví dụ, cuộc khủng hoảng được kiểm soát vừa vặn từ căn bệnh nan y của bậc cha mẹ có thể biên đổi thành một sự diễn tả còn kinh khiếp hơn bởi những đứa con trưởng thành của người cha, người mẹ mắc bệnh - vì họ cứ tranh cãi về những chuyên lặt vặt không đáng. Do bị ám ảnh bởi quá khứ chưa được giải quyết, họ tụ tập quanh giường bệnh như những con ma cà rồng bên giường người chết, đẩy thảm kịch đi vào một cuộc chần chừ vô nhân đạo bằng sự hèn nhát và nỗi oán giận.
Sự bất lực của cậu con trai trong việc tự lập vươn lên sẽ bị người mẹ lợi dụng, bởi bà cứ cúi mình che chắn cho con tránh khỏi mọi điều tuyệt vọng và đau đớn. Cậu bé sẽ không bao giờ rời vòng tay mẹ và người mẹ sẽ không bao giờ cô độc. Đó là một âm mưu xấu xa, được nung nấu dần dần như một biểu hiện bệnh lý lộ ra bởi hàng nghìn cái nháy mắt và gật đầu ra vẻ đã hiểu. Người mẹ sắm vai một kẻ tử vì đạo, phải nai lưng chăm lo cho đứa con trai và gom nhặt sự thương cảm từ bạn bè trợ giúp để nuôi dưỡng mình, như một con ma cà rồng. Còn cậu con trai thì cứ nhốt mình trong tầng hẩm, tưởng tượng mình đang bị áp bức. Cậu mơ mộng với niềm vui của sự tàn phá mà cậu sẽ trút lên thế giới, một thế giới đã chối bỏ cậu vì cậu hèn nhát, vụng về và bất lực. Và đôi khi cậu ta còn trút giận lên chính sự tàn phá đó. Và mọi người hỏi: “Vì sao?” Họ có thể hiểu được, nhưng họ không chịu hiểu.
Tất nhiên, ngay cả những cuộc sống tốt đẹp cũng có thể bị bẻ cong, bị tổn thương và bị bóp méo bởi bệnh tật, sự yếu đuôi và những tai ương không kiểm soát được. Giống như ung thư, bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt đều liên quan đến các yếu tố sinh học vượt ngoài sự kiểm soát tức thời của mỗi cá nhân. Nhưng khó khăn nội tại của bản thân cuộc sống cũng đủ làm suy yêu và áp chế mỗi chúng ta, đẩy chúng ta vượt quá giới hạn và bẻ gẫy chủng ta ngay khi ta yếu đuối nhất. Ngay cả cuộc sống tốt đẹp nhất cũng không mang lại sự bảo vệ tuyệt đối khỏi tính dễ tổn thương. Nhưng một gia đình gây gổ với nhau trong đống tàn tích từ tổ ấm của họ - bị tàn phá sau cơn động đất - sẽ ít có khả nàng gầy dựng lại hơn so với một gia đình được củng cố sức mạnh bởi sự tin tưởng và dâng hiến dành cho nhau. Bất kỳ sự yếu đuối tự nhiên hay thách thức nào đối với sự tồn tại, dù nhỏ bé đến đâu, cũng có thể được khuếch đại thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, với đủ sự lọc lừa trong từng cá nhân, gia đình hay cả nền văn hóa.
Tinh thần của con người chân thật có thể liên tục sa sút trong nỗ lực đưa Thiên Đường về Trần thế. Tuy nhiên, nó có thể tìm cách giảm thiểu nỗi khổ đau hiện hữu trong sự tồn tại đến ngưỡng chịu đựng được. Bi kịch của Hữu thể là hậu quả từ những hạn chế của chúng ta và tính dễ tổn thương định nghĩa nên trải nghiệm của con người. Thậm chí nó có thể là cái giá mà chúng ta phải trả cho Hữu thể - vì sự tồn tại tất yếu phải bị giới hạn.
Tôi đã từng chứng kiến một người chồng chân thành và dũng cảm thích nghi với căn bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối của vợ mình. Anh từng bước thực hiện những điều chỉnh cẩn thiết. Anh sẵn sàng nhận sự giúp đỡ khi cần. Anh chấp nhận sự suy sụp u buồn của vợ mình, và từ đó đã thích nghi một cách hài hòa. Tôi đã chứng kiến gia đình của người phụ nữ này cùng tụ họp lại nhằm hỗ trợ và giúp nhau chịu đựng khi cô ấy đang hấp hối và tạo được những mối liên hệ mới mẻ với nhau - anh chị em, cháu và cha - như một phần bù đắp đúng nghĩa cho mất mát của họ. Tôi đã chứng kiến cô con gái vị thành niên của mình mạnh mẽ vượt qua nỗi đau đớn do bị hoại tử ở hông và mắt cá chân; và sống sót qua hai năm dài liên tục chịu đựng đau đớn dữ dội, nhưng tinh thần của con bé vẫn không suy chuyển. Tôi đã chứng kiến em trai của con bé tự nguyện hy sinh rất nhiều cơ hội kết bạn hay hoạt động xã hội để ở bên chị mình và chúng tôi mà không hể oán giận, khi con bé chiến đấu với cơn đau. Với tình yêu, sự động viên và bản tính kiên định, con người có thể kiên cường hơn họ có thể tưởng tượng. Nhưng thứ chúng ta không thể sinh ra chính là tàn tích đích thực của bi kịch và sự lừa dối.
Khả năng lừa gạt, thao túng, bày mưu, lươn lẹo, giả tạo, xem thường, dẫn lạc lối, phản bội, lập lờ, phủ nhận, ngó lơ, hợp lý hóa, thiên vị, phóng đại và che đậy của bộ óc duy lý là vô hạn và cực kỳ ấn tượng, đến mức hàng thế kỷ tư duy thời tiền khoa học đã xem đó là trò quỷ ám tích cực, khi chỉ tập trung làm rõ bản chất của nỗ lực đạo đức. Nguyên nhân không phải do sự duy lý - mà nó chỉ là quy trình. Quy trình ấy có thể tạo nên sự minh bạch và tiến bộ. Nguyên nhân là sự duy lý phụ thuộc vào một cám dỗ tồi tệ duy nhất - để nâng cao cái mà nó biết đến trạng thái tuyệt đối.
Một lần nữa, chúng ta quay lại với thi sĩ vĩ đại John Milton để làm rõ xem điều này có ý nghĩa gì. Qua hàng nghìn năm lịch sử, thế giới phương Tây đã ấp ủ một ảo tưởng tốt đẹp về bản chất của cái ác tồn tại quanh cốt lõi trung tâm của tôn giáo. Ảo tưởng ấy có một nhân vật chính, một tính cách đối kháng, tuyệt đối hiến thân cho sự tha hóa của Hữu thể. Milton đã tự sắp xếp, biên soạn và diễn giải đặc tính căn bản của giấc mơ chung này, rồi ban cho cho nó sự sống trong hình hài của quỷ Satan - Lucifer, “kẻ mang ánh sáng”. Ông viết về sự cám dỗ nguyên sơ của Lucifer và những hậu quả trực tiếp của nó như sau:
Hắn tin mình đã bằng với Đấng Tối cao
Nếu hắn chống trả; với mục tiêu đầy tham vọng
Chống lại Ngai vàng và Vương quyền của Thượng Đế
Dấy Chiến tranh vô đạo nơi Thiền Đường kiêu hãnh
Nhưng nỗ lực vô ích. Ngài là Đấng Toàn Năng
Phóng hắn cháy rực xuống trần từ bầu Thiên Thanh
Vôi thân tàn gớm ghiếc thiêu trong lửa đỏ
Đến cõi âm vô đáy, nơi hắn cong oằn
Giữa Gông cùm Bất diệt và Hỏa ngục nghiêm răn…
Trong mắt Milton, Lucifer - linh hồn của lý lẽ - là thiên thần vi diệu nhất được Thượng Đế tạo ra từ hư không. Ta có thể “đọc” được điều này về mặt tâm lý. Lý lẽ là một điều gì đó đang tồn tại. Nó sống trong tất cả chúng ta. Nó cổ xưa hơn bất kỳ ai. Nó được hiểu rõ như một tính cách, chứ không phải là tài năng. Nó có những mục tiêu, cám dỗ và nhược điểm riêng. Nó bay cao hơn và nhìn xa hơn bất kỳ linh hồn nào. Nhưng lý trí đã sa vào lưới tình với nó, và ngày càng trầm trọng hơn. Nó đem lòng yêu mến những thứ nó tạo ra. Nó nâng chúng lên và tôn thờ chúng như những điều tuyệt đối. Thế nên, Lucifer được xem là linh hổn của chủ nghĩa toàn trị. Hắn bị ném khỏi Thiên Đường xuống Địa Ngục vì sự trèo cao ấy, vì dám chống tại Đấng Tối cao và Bất tường tận, tạo nên Địa Ngục như một điều tất yếu.
Xin nhắc lại: Chính những cám dỗ ghê gớm nhất của khả năng duy lý nhằm tôn vinh năng lực của chính nó, cũng như những thứ nó tạo ra, và tuyên bố rằng diện mạo của các học thuyết của nó không có gì siêu việt hoặc vượt ra ngoài địa hạt của sự tồn tại. Điều này có nghĩa mọi sự kiện quan trọng đểu đã được khám phá. Điều này đồng nghĩa chẳng còn gì quan trọng mà ta chưa biết. Nhưng quan trọng nhất là nó đồng nghĩa với sự phủ nhận nhu cầu can đảm đối diện với Hữu thể của mỗi cá nhân. Điều gì sẽ cứu rỗi bạn? Về cơ bản, kẻ chuyên chế sẽ nói: “Anh phải trông cậy vào lòng tin về những gì anh đã biết.” Nhưng đó lại không phải là điều sẽ cứu rỗi bạn. Điều cứu rỗi bạn chính là sự sẵn lòng học hỏi từ những điều bạn chưa bỉết. Đó là lòng tin vào khả năng biến đổi của con người. Đó là lòng tin vào sự hy sinh bản thể hiện tại để đổi lấy bản thể mà ta có thể trở thành. Còn kẻ chuyên chế sẽ phủ nhận nhu cần đón nhận trách nhiệm cuối cùng đối với Hữu thể của cá nhân.
Sự chối bỏ ấy là ý nghĩa của cuộc nổi dậy chống lại “Đấng Tối cao”. Đó là những gì mà kẻ chuyên chế muốn nói: Mọi thứ cần khám phá đểu đã được khám phá. Mọi thứ sẽ lật mở chính xác như dự tính. Mọi vấn đề sẽ biến mất mãi mãi một khi hệ thống hoàn hảo được chấp nhận. Bài thơ tuyệt vời của Milton là một lời tiên tri. Khi tính duy lý thăng hoa từ đống tro tàn của Ki-tô giáo, thì mối đe dọa to lớn của hệ thống toàn thể sẽ đi cùng nó. Đặc biệt, chủ nghĩa cộng sản không quá hấp dẫn đối với giai cấp công nhân bị áp bức, những người hưởng lợi trên lý thuyết của nó, mà lại thu hút giai cấp trí thức - những kẻ kiêu căng tự phụ về trí tuệ của mình và luôn cho rằng mình đúng. Những người dân tại các quốc gia này bị buộc phải phản bội lại chính trải nghiệm của họ, quay lưng lại đồng bào của họ và bỏ lại đến hàng chục triệu sinh mạng.
Có một câu chuyện cười thời Xô-viết cũ. Một người Mỹ chết và xuống Địa Ngục. Quỷ Satan cho anh ta thấy mọi thứ xung quanh. Hai người đi qua một cái vạc lớn và người Mỹ nhòm vào. Nó chứa đầy những linh hồn khốn khố bị thiêu đốt trong lửa dữ. Khi họ vật lộn leo ra khỏi vạc, thì bọn quỷ lâu la ngồi trên thành vạc lại dùng chĩa ba hất họ xuống. Anh chàng người Mỹ thực sự bị sốc. Satan nói tiếp: “Đó là nơi chúng tôi dành cho những gã người Anh tội lỗi.” Cuộc hành trình tiếp tục. Chẳng mấy chốc, cả hai tiến đến chiếc vạc thứ hai. Nó lớn hơn một chút và cũng nóng hơn một chút. Người Mỹ lại nhòm vào. Nó chứa đầy những linh hồn khốn khố đội mũ nồi. Bầy quỷ cũng đang dùng chĩa ba đâm những kẻ muốn thoát khỏi vạc. “Đó là nơi chúng tôi dành cho những gã người Pháp tội lỗi”, Satan nói. Xa xa đằng kia là chiếc vạc thứ ba. Nó lớn hơn rất nhiều, nóng đến mức sáng rực. Anh chàng người Mỹ hầu như không thể đến gần. Tuy nhiên, vì Satan cứ khăng khăng, nên anh ta đã tiến đến và nhòm vào. Nó chứa đầy những linh hổn mà anh hầu như không thấy được bên dưới mặt chất lỏng đang sôi sục. Tuy nhiên, đôi lúc cũng có vài kẻ leo được ra thành và tuyệt vọng rướn lên mép vạc. Kỳ lạ thay, không có con quỷ nào ngồi trên mép chiếc vạc khổng lồ này, nhưng kẻ leo ra vẫn biến mất bên dưới mặt chất lỏng. Người Mỹ hỏi: “Tại sao không có con quỷ ngăn mọi người trốn thoát?” Satan đáp: “Đây là nơi chúng tôi dành cho lũ người Nga. Nếu có kẻ nào đó cố thoát ra, thì những kẻ khác sẽ kéo hắn xuống lại.”
Milton tin rằng sự cố chấp từ chối thay đổi khi đối mặt với sai lầm không chỉ đồng nghĩa rằng ta bị đày khỏi Thiên Đường, và tiếp đến dần sa xuống Địa Ngục sâu thẳm, mà còn đồng nghĩa với sự khước từ cứu chuộc. Satan biết rõ rằng ngay cả khi hắn sẵn lòng tìm kiếm sự hòa giải và Thượng Đế sẵn sàng chấp nhận, thì hắn cũng sẽ nổi loạn một lần nữa, vì ý chí của hắn không thay đổi. Có lẽ chính sự ngang bướng tự phụ này đã cấu thành tội lỗi huyền bí, không thể tha thứ là chống lại Thánh Linh:
… Chia tay Fields thân mến
Nơi mà Niềm vui hằng tồn tại:
Vinh danh nỗi kinh hoàng; triệu hồi chốn âm ty
Và ngươi sẽ sa chân vào Địa Ngục sâu thẳm
Để gặp chủ nhân mới của ngươi:
Kẻ mang tâm trí chẳng chuyển dời với Thời-Không.
Đây không phải là ảo tưởng về kiếp sau. Đây chốn ương ngạnh của trò tra tấn kẻ thù chính trị sau khi đã chấm dứt sự tồn tại. Đây là một ý niệm trừu tượng và sự trừu tượng thường chân thực hơn những gì chúng đại diện. Quan niệm cho rằng Địa Ngục tồn tại theo một hình thức siêu hình không chỉ có từ xưa và phổ biến; mà đó còn là sự thật. Địa Ngục là vĩnh cửu. Nó mãi luôn tồn tại. Nó tồn tại ngay lúc này. Nó là phần cằn cỗi nhất, vô vọng nhất và tàn ác nhất của thế giới ngầm hỗn loạn, nơi những kẻ tuyệt vọng và oán hận mãi trú ở đó.
Tâm ở chốn riêng của nó và trong chính nó
Có thể tạo ra Thiên Đường nơi Địa Ngục,
Cũng như Địa Ngục nơi Thiên Đường.
…
Ở đây ta có thể vững lòng cai trị
Và trong sự lựa chọn của ta, trị vì là tham vọng xứng đáng
Dẫu cho có ở Âm ty:
Thà làm vua nơi Địa phủ, còn hơn tôi tớ chốn Thiên Đường.
Những người đã dối trá đủ nhiều trong lời nói và hành động giờ sẽ sống tại đó, trong Địa Ngục. Hãy dạo bước xuống bất kỳ con phố đô thị nhộn nhịp nào. Hãy mở to mắt và chú ý xung quanh. Bạn sẽ thấy những người hiện đang ở đó. Đó là những kẻ mà ta luôn tránh xa theo bản năng. Đó là những kẻ sẽ lập tức nổi đóa nếu ta liếc mắt nhìn họ, tuy đôi khi họ sẽ quay đi trong sự xấu hổ. Tôi đã trông thấy một người nghiên rượu tàn tạ thê thảm đã cư xử như thế trước sự hiện diện của cô con gái nhỏ của tôi. Trên tất thảy, anh ta không muốn nhìn thấy tình trạng thảm hại của mình được phản chiếu rành rành trong mắt con bé.
Chính sự lọc lừa đã khiến con người khốn khổ quá mức họ có thể chịu đựng. Chính sự lọc lừa đã khiến linh hồn con người chất đầy oán thán và thù hận. Chính sự lọc lừa đã tạo ra cảnh đau khổ khủng khiếp cho nhân loại: những lò thiêu của Quốc xã. Chính sự lọc lừa đã giết chết hàng trăm triệu người trong thế kỷ XX. Chính sự lọc lừa mà nền văn minh đã suýt tự hủy diệt. Sự lọc lừa vẫn còn đe dọa chúng ta, một cách ráo riết nhất trong thời buổi này.
THÀ HÃY NÓI SỰ THẬT
Ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không nói dối nữa? Điều này có ý nghĩa gì? Xét cho cùng, chúng ta vẫn bị giới hạn về vốn hiểu biết. Dù cho không bao giờ nhận biết được chắc chắn các phương tiện và mục tiêu đúng đắn nhất, ta vẫn phải đưa ra quyết định của mình, ngay tại đây và ngay lúc này. Một mục đích, một tham vọng sẽ đem đến cấu trúc cần thiết cho hành động. Mục đích mang lại điểm đến, một điểm đối lập với hiện tại, cùng một khuôn khổ để ta đánh giá mọi thứ. Mục đích định nghĩa sự tiến bộ và khiến cho sự tiến bộ ấy trở nên thú vị. Mục đích làm giảm nỗi âu lo, bởi nếu ta không nhắm đến điều gì, thì mọi thứ đều sẽ trở nên có nghĩa hoặc vô nghĩa. Và cả hai lựa chọn này đều không hợp với một tâm hồn yên bình. Do đó, chúng ta phải suy nghĩ, lên kế hoạch, tiết chế và ấn định lại để tồn tại. Vậy làm sao chúng ta hình dung ra tương lai và vạch ra định hướng cho bản thân, mà không trở thành mồi ngon cho sức cám dỗ của trạng thái chắc chắn mà độc đoán?
Sự trông cậy nào đó vào truyền thống có thể giúp ta đặt ra các mục tiêu của mình. Thật hợp lý khi làm những việc mà người khác luôn làm, trừ khi chúng ta có một lý do vô cùng thỏa đáng để không làm theo. Thật hợp lý khi trở thành người có học vấn, làm việc, tìm kiếm tình yêu và có một gia đình. Đó là cách văn hóa tự nó duy trì. Nhưng dù có theo truyền thống chăng nữa, thì bạn vẫn phải nhắm đến mục đích của mình với đôi mắt mở to. Bạn đã có định hướng, nhưng nó cũng có thể sai. Bạn có một kế hoạch, nhưng hình như nó vẫn còn mông lung. Bạn có thể đã lạc lối bởi chính sự ngờ nghệch của mình - và tệ hơn nữa là do chính sự suy đồi còn chưa hé lộ của chính bạn. Vì thế, hãy làm quen với những điều bạn chưa biết thay vì những điều đã biết. Bạn phải loại bỏ ánh sáng lóa trong mắt mình trước khi bận tâm đến hạt bụi trong mắt em trai. Bằng cách này, bạn sẽ củng cố tinh thần của mình để nó có thể chịu được gánh nặng của sự tồn tại, và bạn sẽ giữ cho trạng thái của mình luôn tươi trẻ.
Người Ai Cập cổ đại đã nhận ra điều này từ hàng nghìn năm trước, cho dù hiểu biết của họ được biểu hiện qua hình thức cường điệu. Họ tôn thờ thần Osiris, thủy tổ trong truyền thuyết và cũng là vị thần của truyền thống. Tuy vậy, thần Osiris lại quá yếu đuối nên dễ dàng bị thần Set, người em trai mưu mô, tàn ác của thần, lật đổ và đày xuống cõi âm. Người Ai Cập đã mượn câu chuyện này để diễn đạt một sự thật rằng theo thời gian, các tổ chức xã hội sẽ trở nên cứng nhắc và có khuynh hướng cố ý mù quáng. Osisris không nhận ra bản chất thật của em trai mình, dù rằng đáng ra thần có thể làm thế. Set đã đợi đến thời điểm chín muồi nhất để tấn công Orisis. Set đã chặt xác Osiris thành từng mảnh và rải khắp vương quốc. Set đày linh hồn anh trai mình xuống cõi âm, khiến cho Orisis rất khó trỗi dậy và hồi sinh.
May mắn thay, vị vua vĩ đại này không phải đơn độc chống chọi với Set. Người Ai Cập còn thờ phụng thần Horus, con trai của Osiris. Horus mang hình dạng một vị thần mình người đầu chim ưng, loài chim có tầm nhìn tinh anh nhất muôn loài, với độc nhất một con mắt tượng hình trứ danh của người Ai Cập (như đã ám chỉ trong quy luật 7). Osiris là truyền thống, già nua và cố ý mù quáng. Horus, ngược lại với cha mình, là thần thấu tỏ. Horus là vị thần của sự chú tâm. Và điều đó không giống với sự duy lý. Vì đã để tâm chú ý, nên Horus nhận thức được và giành chiến thắng trước sự độc ác của Set, chú của thần, tuy cái giá phải trả là rất đắt. Khi Horus đối đầu với Set, cả hai đã có một trận chiến khốc liệt. Trước khi Set bị đánh bại và trục xuất ra khỏi vương quốc, hắn đã kịp tước đi một con mắt của cháu mình. Nhưng cuối cùng, Horus đã lấy lại được con mắt đó trong khúc khải hoàn. Thần đã làm một điều thực sự bất ngờ: Thần thân chinh xuống cõi ấm và trao con mắt cho cha mình.
Điều này có ý nghĩa gì? Đầu tiên, chỉ cuộc chạm trán với cái ác và sự quỷ quyệt cũng đủ kinh khiếp để phá vỡ tầm nhìn của cả một vị thần; thứ hai, là sự lưu tâm của người con trai đã khôi phục được tầm nhìn của người cha. Văn hóa luôn ở trong trạng thái “sắp suy tàn”, dù cho nó đã được hình thành bởi tinh thần của những bậc vĩ nhân trong quá khứ. Nhưng hiện tại không phải là quá khứ. Nên trí tuệ uyên thâm của quá khứ bị suy mòn dần, hoặc trở nên lỗi thời, tỷ lệ thuận với những khác biệt thực sự giữa hoàn cảnh của hiện tại với quá khứ. Đó là hệ quả đơn thuần của hành trình thời gian, cùng với sự thay đổi mà hành trình ấy đem lại. Nhưng cũng có lúc văn hóa và trí tuệ uyên thâm của nó dễ bị mục nát hơn - trước sự mù quáng cố ý, tự nguyện và mưu đồ nham hiểm. Thế nên, sự suy giảm chức năng không thể tránh khỏi của những thể chế mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta cứ bị thúc đẩy bởi hành vi sai trái và lạc lối của ta - sự thiếu vắng dấu ấn của ta - trong hiện tại.
Trách nhiệm của chúng ta là can đảm nhìn rõ những gì được bày ra trước mắt, học hỏi từ nó dù cho nó có vẻ đáng sợ - hay cả khi nỗi kinh hoàng vì chứng kiến nó làm tổn hại ý thức và khiến ta mù lòa. Hành động nhìn rõ vô cùng quan trọng vì nó thách thức những gì chúng ta biết và trông cậy vào, từ đó khiến ta buồn bực và bấp bênh. Hành động nhìn rõ cung cấp thông tin cho cá nhân và cập nhật cho trạng thái. Vì lẽ đó mà Niettzsche từng nói rằng giá trị của một con người được quyết định bởi bao nhiêu sự thật mà người ấy có thể chịu được. Bạn không hẳn là những gì bạn đã biết. Bạn còn là những gì bạn có thể biết, nếu bạn muốn. Nên, tốt hơn bạn đừng bao giờ hy sinh những gì bạn có thể biết vì chính bạn ở hiện tại. Bạn đừng bao giờ từ bỏ cái tốt đẹp hơn còn ẩn sâu bên trong vì sự an toàn mà bạn đã có - và chắc chắn không phải khi bạn chỉ nhìn thoáng qua, một cái nhìn thoáng không thể phủ nhận trước điều gì đó cao xa hơn.
Trong truyền thống Ki-tô giáo, Chúa Giê-su được xác định bởi Ngôi Lời. Ngôi Lời tức là Lời Chúa. Lời ấy đã biến hỗn loạn thành trật tự ngay từ thuở sơ khai. Dưới hình dáng loài người, Người đã hy sinh bản thân vì chân lý, vì cái thiện và vì Thượng Đế. Hệ quả là Người đã chết và được tái sinh. Thánh Ngôn tạo dựng nên trật tự từ Hỗn loạn bằng cách hy sinh mọi thứ, kể cả chính nó, cho Thượng Đế. Chỉ một câu nói này, vốn uyên thâm vượt quá tầm hiểu biết, đã tóm lược Ki-tô giáo. Mỗi chút học hỏi là điều gì đó chết đi một ít. Mỗi chút thông tin mới lại thách thức quan niệm trước đó, buộc nó phải tan biến trong hỗn loạn trước khi tái sinh thành thứ gì đó tốt đẹp hơn. Đôi khi những cái chết như thế sẽ gần như tiêu diệt chúng ta. Khi ấy, chúng ta có thể sẽ không bao giờ phục hồi lại được, hoặc sẽ thay đổi rất nhiều. Có lần, một người bạn tốt của tôi phát hiện ra người vợ mà ông chung sống mấy chục năm đang ngoại tình. Ông không hề thấy điều đó xảy đến. Nó khiến ông bị trầm cảm nặng và chẳng còn thiết sống. Có lúc ông bảo tôi rằng: “Tôi luôn nghĩ rằng những người khi bị trầm cảm tốt hơn nên rũ bỏ nó đi. Khi ấy tôi chẳng biết mình đang nói gì nữa.” Cuối cùng, ông ấy cũng đứng dậy từ hố sâu. Bằng nhiêu cách mà giờ đây ông đã là một con người mới và có lẽ là một người sáng suốt hơn, tốt đẹp hơn. Ông giảm được hơn 20 cân. Ông tham gia chạy ma-ra-tông. Ông du lịch đến châu Phi và leo núi Kilimanjaro. Ông đã chọn tái sinh thay vì sa xuống Địa Ngục.
Hãy đặt ra tham vọng cho bản thân, ngay cả khi bạn chưa chắc chắn về điều đó nên là gì. Những tham vọng đẹp đẽ hơn rất cần cho sự phát triển tính cách và năng lực, thay vì quyền lực hay địa vị. Địa vị có thể bị mất đi. Nhưng tính cách vẫn luôn đi theo bạn dù cho bất cứ đâu và nó cho phép bạn chiến thắng nghịch cảnh. Hãy nhớ lấy điều này, rồi buộc dây thừng vào tảng đá. Chọn lấy một phiến đá thật lớn và đặt nó trước mặt bạn, rồi tự kéo mình tiến về phía nó. Hãy nhìn và quan sát khi bạn đang tiến lên. Hãy diễn giải trải nghiệm của mình một cách rõ ràng và thận trọng hết sức có thể cho chính bản thân và cả người khác. Bằng cách này, bạn sẽ học được cách cố gắng hiệu quả hơn, năng suất hơn để đạt được mục tiêu của mình. Và khi đang làm điều này, hãy đừng nói dối. Đặc biệt là đừng nói dối chính bản thân mình.
Nếu như bạn chú tâm vào những điều mình làm và nói, bạn có thể học cách cảm nhận trạng thái phân ly và nhược điểm bên trong khi bạn cư xử không đúng mực và nói năng bất cẩn. Đó chỉ là cảm giác hiện thân chứ không phải suy nghĩ. Tôi trải qua cảm giác nội tâm của sự đắm chìm và phân ly hơn là sự vững chắc và mạnh mẽ, mỗi khi tôi khinh suất trong lời nói và hành động của mình. Dường như nó nằm đâu đó ngay giữa hệ thống dây thần kinh của tôi (đám rối dương), hay một nút dây thần kinh lớn. Thực ra, tôi đã học được cách nhận ra khi mình đang nói dối nhờ chú ý đến sự đắm chìm và phân ly, rồi luận ra sự hiện diện của lời nói dối. Tôi thường mất khá lâu để truy ra sự dối trá này. Đôi khi tôi nói dối về diện mạo của mình. Đôi khi tôi cố che giấu sự thiếu hiểu biết của mình về một chủ đề trước mắt. Đôi khi tôi cũng mượn lời người khác để tránh né trách nhiệm suy nghĩ của bản thân.
Nếu bạn chú tâm khi đang tìm kiếm điều gì đó, bạn sẽ tiến dần về phía mục tiêu của mình. Nhưng quan trọng hơn là bạn sẽ thu thập được những thông tin cho phép mục tiêu của bạn biến đổi. Một kẻ độc đoán không bao giờ hỏi: “Sẽ ra sao nếu như tham vọng hiện tại của mình là sai lầm?” Mà thay vào đó, anh ta xem đó là Tuyệt đối. Nó trở thành Thượng Đế của anh ta, toàn tâm toàn ý. Nó cấu thành giá trị cao nhất của anh ta. Nó điều chỉnh cảm xúc và các trạng thái động lực, cũng như quyết định mọi suy nghĩ trong anh. Ai cũng phụng sự cho khát vọng của riêng mình. Vì lẽ đó, chẳng có ai vô thần cả. Chỉ có những người biết và không biết họ đang phụng sự vị Thượng Đế nào thôi.
Nếu bạn hoàn toàn bất chấp mọi thứ một cách mù quáng và ương ngạnh để hướng tới việc đạt được mục đích, và chỉ duy nhất mục đích ấy, thì bạn chẳng bao giờ có thể khám phá ra mục đích nào khác tốt đẹp hơn cho bạn và cả thế giới. Bạn sẽ phải đánh đổi điều này nếu không nói sự thật. Ngược lại, nếu bạn nói sự thật, thì các giá trị trong bạn sẽ dần chuyển hóa theo quá trình bạn phát triển. Nếu bạn cho phép bản thân được nhận thông tin khi thực tế biểu lộ, khi bạn phải vật lộn để tiến lên, thì những khái niệm về điều quan trọng của bạn sẽ thay đổi. Bạn sẽ dần dần hoặc bất ngờ định hướng lại bản thân mình.
Hãy hình dung: Bạn vào học trường kỹ thuật vì đó là điều mà bố mẹ bạn mong muốn - nhưng lại không phải điều bạn muốn. Làm việc với mục đích trái với mong muốn của bản thân, bạn sẽ thấy mình mau nản lòng và thất bại. Bạn sẽ phải vật lộn để tập trung đưa mình vào khuôn phép, nhưng vô hiệu. Bởi tâm hồn không thuận theo sự độc đoán của ý chí (còn lời giải thích nào khác chăng?). Tại sao bạn vâng lời? Có thể vì bạn không muốn bố mẹ thất vọng. Có thể bạn không đủ dũng khí để xử lý một mâu thuẫn cần thiết nhằm giải phóng bản thân. Có lẽ bạn không muốn mất đi niềm tin ngây ngô rằng bố mẹ luôn đúng, thật lòng mong ước rằng luôn có ai đó biết rõ bạn hơn chính bạn và biết rõ toàn bộ thế giới này. Bạn muốn được chở che theo cách này khỏi cảnh cô độc khắc nghiệt của sự tồn tại khi là một Hữu thể đơn lẻ, cùng với trách nhiệm hiện hữu của nó. Điều này âu cũng phổ biến và dễ hiểu. Nhưng bạn muộn phiền vì thật lòng bạn không có ý trở thành một kỹ sư.
Một ngày nào đó, bạn sẽ chịu đựng quá đủ. Bạn bỏ học. Bạn khiến cha mẹ thất vọng. Bạn học cách sống với điều đó. Bạn chỉ tham vấn chính mình, dù cho điều đó đổng nghĩa với việc bạn phải trông cậy vào quyết định của chính mình. Bạn nhận được tấm bằng triết học. Bạn chấp nhận gánh nặng từ những sai lầm của chính mình. Bạn làm chủ chính bạn. Nhờ bác bỏ viễn cảnh của cha bạn, bạn sẽ mở ra viễn cảnh mới của riêng mình. Và rồi, khi bằng tuổi cha mẹ bạn bây giờ, bạn đã đủ chín chắn để ở bên họ khi họ bắt đầu cần đến bạn. Họ cũng chiến thắng. Nhưng cả hai chiến thắng ấy đều phải được mua bằng cái giá của mâu thuẫn sinh ra do sự thật của bạn. Ma-thi-ơ 10:34 trích dẫn lời của Chúa Giê-su - Người nhấn mạnh vai trò của Sự thật được nói ra: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo.”
Khi bạn tiếp tục sống theo sự thật mà sự thật lại tự bộc lộ ra với mình, bạn phải chấp nhận và đối diện với những mâu thuẫn mà Hữu thể sẽ tạo ra. Nếu chịu được, bạn sẽ tiếp tục trưởng thành và trở nên có trách nhiệm hơn trên những phương diện nhỏ (đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của nó) lẫn phương diện lớn. Khi đã tìm ra và khắc phục những sai sót không thể tránh khỏi, bạn sẽ tiến gần hơn bao giờ hết đến các mục tiêu mới mẻ và được thiết lập khôn ngoan hơn; thậm chí cách thiết lập chúng cũng sáng suốt hơn. Khái niệm về điều gì là quan trọng ở bạn sẽ ngày càng thỏa đáng hơn, khi bạn hợp nhất trí tuệ với kinh nghiệm của bản thân. Bạn sẽ thôi tùy tiện do dự và bước thẳng hướng hơn đến cái thiện - cái thiện mà bạn sẽ chẳng bao giờ lĩnh hội được nếu cứ cố chấp trước mọi bằng chứng cho thấy bạn đã đúng, hoàn toàn đúng ngay từ ban đầu.
Nếu sự tồn tại là tốt đẹp, thì mối quan hệ rõ ràng, trong sáng và đúng đắn nhất cũng theo đó mà trở nên tốt đẹp. Ngược lại, nếu sự tồn tại không tốt đẹp, thì bạn sẽ lạc lối. Chẳng thứ gì cứu vãn bạn được - chắc chắn cũng không phải là những cuộc nổi loạn nhỏ nhặt, suy nghĩ nhỏ nhen hay sự mù quáng ngu dân vốn cấu thành thói lọc lừa. Vậy sự tồn tại có tốt đẹp không? Bạn phải liều một phen để tìm ra câu trả lời. Dù sống chân chính hay giả tạo, bạn đều phải đối diện với kết quả rồi rút ra kết luận cho bản thân.
Đó chính là “hành động của đức tin” mà triết gia người Đan Mạch, Kierkegaard, đã quả quyết về sự cần thiết của nó. Bạn đâu thể biết trước được thời đại. Ngay một ví dụ đúng đắn cũng không đủ làm bằng chứng, xét đến những khác biệt giữa các cá nhân. Thành công của một ví dụ điển hình luôn có thế bị quy cho may mắn. Thế nên, bạn phải mạo hiểm cuộc sống cá nhân nhất định của mình để tìm ra. Người xưa đã mô tả rủi ro này như một sự hy sinh ý chí cá nhân trước ý chí của Thượng Đế. Đó không phải là hành động xin phép (chí ít thì ai cũng hiểu được ý xin phép). Mà đó là hành động can đảm. Đó là lòng tin tưởng cơn gió sẽ đưa con tàu của bạn đến một bến bờ mới tốt đẹp hơn. Đó là lòng tin tưởng Hữu thể có thể được sửa đổi. Đó chính là tinh thần khám phá.
Có lẽ tốt hơn ta nên khái niệm hóa theo cách này: Ai cũng cần một mục tiêu cụ thể và vững chắc - một khát vọng, một mục đích - nhằm hạn chế sự hỗn loạn và nâng cao nhận thức để hiểu về cuộc đời mình. Nhưng tất cả những mục tiêu vững chắc như thế có thể và nên phục vụ cho cái có thể được xem là siêu mục tiêu, mà bản thân nó cũng là cách tiếp cận và hình thành nên mục tiêu. Siêu mục tiêu này có thể là “sống theo sự thật”. Điều này nghĩa là: “Hãy kiên trì hành động để hướng đến cái kết rõ ràng, xác định và tạm thời. Hãy tạo nên những tiêu chí cho sự thành bại một cách kịp thời và rõ ràng, ít nhất là cho chính mình (thậm chí tốt hơn là để những người khác có thể hiểu bạn đang làm gì và đánh giá nó cùng với bạn). Nhưng khi làm thế, hãy cho phép thế giới và tinh thần của bạn tự do bộc lộ, trong khi bạn hành động và diễn giải sự thật.” Đây vừa là khát vọng thực dụng, vừa là những đức tin can trường nhất.
Đời là bể khổ. Đức Phật đã nói rõ như thế. Các giáo đồ Ki-tô cũng thể hiện tình cảm tương tự một cách hình tượng bằng chiếc thập tự thiêng liêng. Ký ức ấy như đã tham nhuần vào tâm tưởng của người Do Thái. Sự ngang hàng giữa cuộc sống và giới hạn là sự thật chính yếu và không thể tránh khỏi của sự tồn tại. Tính dễ tổn thương của Hữu thể khiến chúng ta đau buồn vì những phán xét và khinh thường của xã hội, và bởi sự suy tàn không thể tránh khỏi của cơ thể chúng ta. Nhưng ngay cả mọi sự thống khổ như thế, dù khủng khiếp nhường nào, cũng không đủ để tha hóa cả thế giới, hay biến thế giới thành Địa Ngục như cách mà những kẻ theo chủ nghĩa Quốc xã đã làm. Chính vì thế mà Hitler đã tuyên bố hết sức rõ ràng rằng chúng ta cần phải dối trá:
Một lời nói dối đủ lớn luôn có một sức mạnh nhất định của sự tín nhiệm; bởi quần chúng đông đảo của một quốc gia luôn dễ dàng bị tha hóa ở mức độ sâu sắc hơn trong bản chất tình cảm của họ hơn là lý trí; và do đó, trong sự đơn giản nguyên sơ của tâm trí, họ sẵn sàng trở thành nạn nhấn của lời nói dối to lớn thay vì lời nói dối nhỏ nhặt, vì chính họ cũng thường nói dối đôi chút trong vài chuyện nhỏ nhặt, nhưng lại cảm thấy hổ thẹn khi phải viện đến những lời dối trá có quy mô lớn. Họ không bao giờ thêu dệt lên được những lời trí trá với tầm vóc khổng lồ và cũng không tin rằng người khác có thể láo xược đến mức bóp méo sự thật một cách vô liêm sỉ như thế. Và dù sự thật được minh chứng rõ ràng trong tâm trí họ thế nào chăng nữa, họ vẫn sẽ hoài nghi, do dự hoặc thậm chí tiếp tục nghĩ rằng có thể vẫn còn lời giải thích khác nào đó.
Để có một lời nói dối lớn, bạn cần một lời nói dối nhỏ. Theo lối ẩn dụ thì lời nói dối nho nhỏ ấy là mồi mà Tổ phụ Dối trá dùng để “câu” những nạn nhân của hắn. Khả năng tưởng tượng của con người giúp chúng ta có thể mơ mộng và sáng tạo nên những thế giới thay thế. Đây chính là nguồn gốc tối thượng cho trí sáng tạo của chúng ta. Tuy nhiên, khả năng đặc biệt này cũng có mặt trái của nó, tức mặt trái của một đồng xu: Chúng ta có thể lừa bản thân và người khác tin tưởng và hành động như thể mọi thứ khác so với chúng ta vẫn biết.
Và vì sao không được nói dối? Vì sao ta không uốn nắn và bóp méo mọi thứ hòng đạt được lợi nhỏ, hoặc khiến mọi thứ trơn tru như ý, hoặc để giữ yên ổn và tránh cảm giác bị tổn thương? Hiện thực cũng có khía cạnh tồi tệ của nó: Liệu ta có thực sự cẩn phải đối mặt với khía cạnh nham hiểm ấy mọi lúc trong nhận thức tỉnh táo của mình và trong mỗi bước ngoặt của cuộc đời ta? Vì sao chí ít không quay mặt đi khi chỉ nhìn thôi cũng quá đau đớn rồi?
Lý do rất đơn giản. Mọi thứ rồi cũng sẽ tan biến. Những gì từng hiệu nghiệm hôm qua không nhất thiết cũng hiệu nghiệm trong hôm nay. Chúng ta kế thừa một bộ máy nhà nước và nền văn hóa vĩ đại từ cha ông, nhưng họ đã chết và không thể đối phó với những thay đổi ngày nay. Nhưng người còn sống thì có thể. Chúng ta có thể mở to mắt và điều chỉnh những gì mình có khi cần thiết và giữ cho cỗ máy vận hành suôn sẻ. Hoặc chúng ta có thể giả vờ rằng mọi thứ đểu ổn, từ đó không thể tiến hành sửa chữa khi cần rồi nguyền rủa cho số phận khi mọi thứ xảy ra không như ý.
Mọi thứ rồi sẽ tan biến: Đây là một trong những khám phá vĩ đại của nhân loại. Và chúng ta đang đẩy nhanh sự suy thoái tự nhiên của những điều tuyệt vời thông qua sự mù quáng, chây ì và lọc lừa. Nếu ta không chú tâm, văn hóa sẽ suy thoái và lụi tàn, còn cái ác sẽ thắng thế.
Những gì bạn thấy ở sự dối trá khi bạn nói dối (và đa phần sự dối trá đều được thể hiện ra bằng hành động thay vì lời nói) là rất ít so với trên thực tế. Một lời nói dối kết nối với mọi thứ khác. Nó gây ra tác động đến thế giới tương tự như một giọt nước bẩn trong bình rượu sâm-banh trong vắt như ngọc lớn nhất. Nó rất dễ được cho phép sống tiếp và lớn dần.
Khi lời nói dối đủ lớn, cả thế giới sẽ đổ nát. Nếu bạn để ý kỹ, thì những lời dối trá lớn nhất luôn được hợp thành từ những lời dối trá nhỏ hơn và chúng lại hợp thành từ những lời dối trá nhỏ hơn nữa - và lời dối trá nhỏ nhất chính là nơi lời dối trá to lớn kia khởi đầu. Nó không chỉ là một phát biểu sai về thực tại. Thay vì thế, nó là một hành động bao hàm một phương diện mưu mô nghiêm trọng chưa từng có nhằm thâu tóm nhân loại. Chính tính chất dường như vô thưởng vô phạt, tầm thường nhỏ bé cùng thói kiêu ngạo yếu đuối đã giúp nó vươn mình và nhắm đến hành động tránh né trách nhiệm tưởng như nhỏ nhặt - tất cả những điều ấy đều ngụy trang hiệu quả cho bản chất thật, cho sự nguy hiểm đúng nghĩa của nó, cũng như tương đương với những hành vi hiểm ác ghê gớm mà con người phạm phải và thường lấy làm thích thú. Dối trá tha hóa thế giới. Và tệ hơn nữa, đó chính là chủ ý của sự dối trá.
Đầu tiên là một lời nói dối nhỏ; rồi thêm vài lời nữa để chống lưng cho nó. Rồi sau đó là lối suy nghĩ bị bóp méo nhằm tránh nỗi hổ thẹn mà những lời nói dối ấy gây ra, và thêm nhiều lời nói dối nữa nhằm che đậy hậu quả của lối suy nghĩ bị bóp méo ấy. Sau đó, điều kinh khủng nhất là thông qua thực hành, những lời nói dối cần thiết sẽ biến đổi thành niềm tin và hành động “vô thức” trên phương diện thần kinh học, được tự động hóa, chuyên biệt và có kết cấu. Sau đó, chính trải nghiệm đáng khinh bỉ từ hành động phụ thuộc vào sự dối trá lại không đem đến kết quả như dự tính. Dù không tin vào những bức tường gạch, nhưng bạn vẫn sẽ bị thương khi đâm đầu vào nó. Rồi bạn sẽ nguyền rủa chính thực tại vì đã xây nên bức tường ấy.
Sau đó là đến sự kiêu ngạo và cảm giác vượt trội tất yếu đi kèm với những lời giả dối được thực hiện thành công (những lời dối trá thành công trên giả thuyết - và đó là một trong những điều nguy hiểm nhất: “Có vẻ như ai cũng bị lừa, thế nên tất cả đều ngu ngốc ngoại trừ ta. Ai cũng ngu ngốc và bị ta lừa” - nên ta có thể tự do giành được những gì ta muốn). Kết cuộc, ta tuyên bố: “Bản thân Hữu thể cũng dễ dàng bị ta thao túng. Nên nó cũng chẳng xứng được tôn trọng.”
Đó là khi mọi thứ tan thành từng mảnh, giống như Crisis vậy. Đó là khi cấu trúc một con người hay nhà nước tan rã dưới ảnh hưởng của một thế lực độc ác. Đó là khi sự hỗn loạn của Địa Ngục xuất hiện như một cơn hồng thủy, nhấn chìm mặt đất quen thuộc. Nhưng nó vẫn chưa phải Địa Ngục.
Địa Ngục sẽ đến sau đó. Địa Ngục chỉ xuất hiện khi những lời dối trá hủy hoại mối quan hệ giữa cá nhân hoặc nhà nước với thực tại. Mọi thứ sẽ tan biến. Cuộc sống suy tàn. Tất cả đều hóa thành nỗi chán nản và thất vọng. Hy vọng liên tục bị phản bội. Kẻ lọc lừa tuyệt vọng hoa chân múa tay trong màn hiến tế giống như Cain, nhưng lại không được lòng Thượng Đế. Rồi vở kịch bước vào hồi kết.
Bị hành hạ bởi thất bại triền miên, kẻ ấy lại càng chua xót hơn. Khi nỗi thất vọng và thất bại hợp làm một, chúng sẽ tạo nên một ảo tưởng rằng: Thế giới nhất quyết gây cho ta đau khổ, gây cho ta sa ngã và gây cho ta hủy diệt. Nên ta cần, ta xứng đáng và ta nhất định phải trả thù. Đó là cánh cửa dẫn đến Địa Ngục. Đó là khi cõi âm, một nơi kinh hãi và lạ lẫm, trở thành nỗi thống khổ.
Theo truyền thống của phương Tây vĩ đại, ngay từ thuở sơ khai, Lời Chúa đã biến hỗn loạn thành Hữu thể thông qua hành động của lời nói. Với truyền thống ấy, hiển nhiên là đàn ông và phụ nữ đều được tạo thành dựa trên hình ảnh của Thượng Đế. Chúng ta cũng biến hỗn loạn thành Hữu thể thông qua lời nói. Chúng ta biến các khả năng đa dạng của tương lai thành những hiện thực của quá khứ và thực tại.
Nói ra sự thật chính là đem thực tại mà ta dễ sống trong đó nhất đến với Hữu thể. Sự thật dựng xây nên những dinh thự có thể đứng vững đến nghìn năm. Sự thật mang đến cơm ăn áo mặc cho người nghèo, giúp các quốc gia được phồn vinh và thanh bình. Sự thật rút gọn sự phức tạp khủng khiếp của con người thành sự giản đơn trong lời nói, để họ trở thành đồng bạn thay vì là kẻ thù của nhau. Sự thật khiến quá khứ thực sự ngủ yên và tận dụng tối đa những khả năng trong tương lai. Sự thật chính là nguồn tài nguyên tự nhiên tối thượng và vô tận. Là ánh sáng trong đêm tối.
Hãy nhìn đúng sự thật. Hãy nói ra sự thật
Sự thật không đến dưới lớp vỏ quan điểm được chia sẻ từ người khác, vì sự thật không bao giờ là một tập hợp các khẩu hiệu hay hệ tư tưởng. Thay vì thế, nó mang tính cá nhân. Sự thật của bạn là điều mà chỉ bạn nói lên được, dựa trên những hoàn cảnh đặc thù trong cuộc đời bạn. Hãy thấu tỏ sự thật của bản thân mình. Hãy truyền đạt một cách thận trọng, rõ ràng với bản thân và người khác. Điều đó sẽ đảm bảo cho sự an toàn và cho cuộc đời bạn đầy đủ hơn hiện nay, khi bạn được sống trong cấu trúc của những niềm tin hiện tại. Nó sẽ đảm bảo cho sự nhân từ của tương lai, vốn chia thành nhiều hướng từ những điều chắc chắn trong quá khứ.
Sự thật sinh ra từ những suối nguồn sâu thẳm nhất của Hữu thể. Nó giữ cho linh hồn bạn không bị héo úa và chết mòn khi gặp phải bi kịch không thể tránh khỏi của cuộc đời. Nó giúp bạn tránh được ham muốn đáng sợ là kiếm tìm sự trả đũa bi kịch ấy - một phần tội lỗi khủng khiếp của Hữu thể, thứ mà mọi thứ phải nhẫn nhịn chịu đựng chỉ để được tồn tại.
Nếu cuộc đời của bạn diễn ra không đúng như nó có thể, hãy thử nói ra sự thật. Nếu bạn tuyệt vọng bám víu vào một ý thức hệ hay đắm chìm trong chủ nghĩa hư vô, hãy thử nói ra sự thật. Nếu bạn cảm thấy yếu đuối và bị chối bỏ, tuyệt vọng và hoang mang, hãy thử nói ra sự thật. Vì ở nơi Thiên Đường, mọi người đều nói thật. Đó mới chính là điều làm nên Thiên Đường.
Hãy nói sự thật - hoặc chí ít cũng đừng nói dối.