12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 09

QUY LUẬT 7

THEO ĐUỔI NHỮNG ĐIỀU Ý NGHĨA (CHỨ KHÔNG PHẢI CÓ LỢl)

HÃY NẮM BẮT NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP

ĐỜI LÀ BỂ KHỔ. ĐIỀU ĐÓ QUÁ RÕ RÀNG. Chẳng có chân lý nào cơ bản và khó bác bỏ hơn thế. Đó cơ bản là điều mà Thượng Đế đã cho Adam và Eve biết ngay trước khi Ngài trục xuất họ ra khỏi Thiên Đường.

Ngài phán với người nữ rằng, Ta sẽ tăng thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sinh con; ngươi phải ở dưới trướng người chồng và hắn sẽ cai trị ngươi.

Rồi Người phán tiếp với Adam rằng, Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn thứ trái ta đã cấm chớ nên ăn, nên đất sẽ bị nguyền rủa vì tội của ngươi, ngươi sẽ phải làm việc vất vả mới có mà ăn suốt quãng đời.

Đất sẽ mọc cho ngươi đủ thứ gai góc và ngươi sẽ phải ăn rau cỏ ngoài đồng.

Ngươi phải đổ mồ hôi mới có bánh mà ăn, cho đến khi ngươi trở về với đất, vì ngươi từ đó mà ra. Ngươi là đất bụi, nên ngươi sẽ trở về đất bụi. (Sáng thế ký 3:16-19, phiên bản KJV)

VẬY THẾ GIỚI NÀY CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Câu trả lời đơn giản nhất, rõ ràng và trực tiếp nhất là gì? Chính là theo đuổi niềm vui. Hãy cuốn theo những sự thôi thúc ở bạn. Hãy sống trong từng khoảnh khắc. Hãy làm những điều có lợi. Hãy dối gian, lường gạt, trộm cắp, lừa phỉnh và thao túng - nhưng đừng để bị bắt quả tang. Thế giới vô nghĩa tột cùng này còn có thể đem lại điều gì khác cơ chứ? Thực tế về bi kịch của cuộc sống, cùng với nỗi khổ đau vốn là thành phần của cuộc đời này và từ lâu đã được sử dụng để biện minh cho việc theo đuổi sự thỏa mãn ích kỷ tức thì.

Đời ta thật u sầu, ngắn ngủi, chẳng có tiên dược nào chữa cho con người khỏi cái chết, chẳng ai biết kẻ nào thoát được cõi âm ty.

Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt. Hơi thở của ta là làn khói, tư tưởng lóe lên từ nhịp đập trái tim.

Khi tim ngừng đập, thân xác sẽ trở thành tro bụi, sinh khí biến tan như làn gió thoảng. Theo dòng thời gian, tên tuổi ta cũng chìm vào quên lãng, chẳng còn ai nhớ đến việc ta làm. Đời ta sẽ qua như một thoáng mây trôi, sẽ biến đi như màn sương sớm bị ánh nắng đẩy lùi và sức nóng mặt trời áp đảo.

Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu, đã qua rồi là không còn trở lại, ấn đã niêm, ai quay về được nữa!

Vậy, nào đến đây, hưởng lấy của đời này, tuổi còn trẻ, ta cố mà tận dụng hết những chi đang có sẵn trên trần thế.

Nào, ta say rượu quý, ta ngất hương thơm, những đóa hoa xuân, ta đừng bỏ phí.

Nụ hoa hồng, ta đem kết triều thiên trước khi hoa tàn lụi.

Đừng ai vắng mặt trong các cuộc truy hoan, dấu vết ăn chơi, ta để lại khắp nơi chốn, bởi đó chính là phần, là số ta được hưởng.

Ta hãy bức hiếp tên công chính nghèo hèn, kẻ góa bụa, ta đừng buông tha, bọn tóc bạc già nua, cũng chẳng nể.

Sức mạnh ta phải là quy luật của công lý, vì yếu đuối chẳng làm nên chuyện gì. (Sách Khôn ngoan 2:1-11, phiên bản RSV)

Niềm vui thích khi hưởng lợi có thể chỉ thoáng qua, nhưng đó là niềm vui, là điều gì đó chất chồng để chống lại nỗi kinh hoàng và đau đớn của sự tồn tại. Như câu ngạn ngữ xưa đã truyền: “Thân ai nấy lo, khôn sống mống chết.” Tại sao lại không đoạt lấy mọi thứ trong tầm khả năng mình mỗi khi cơ hội xuất hiện? Tại sao không quyết tâm sống theo cách ấy?

Hoặc liệu có một phương án thay thế nào khác hiệu quả và thuyết phục hơn không?

Ông cha ta đã đưa ra câu trả lời rất sắc sảo cho những câu hỏi như thế, nhưng chúng ta vẫn không hiểu chúng tường tận. Điều này là vì phần lớn chúng vẫn còn mang nghĩa hàm ý - chủ yếu được biểu thị trong những nghi lễ và câu những chuyện thần thoại; và đến nay vẫn chưa được diễn giải trọn vẹn. Chúng ta làm theo chúng và đại diện cho chúng trong truyện kể, nhưng chúng ta vẫn chưa đủ khôn ngoan để trình bày chúng rõ ràng. Chúng ta vẫn còn là con tinh tinh trong bầy hoặc con sói trong đàn. Chúng ta biết cách cư xử. Chúng ta biết ai là ai và lý do là gì. Chúng ta đã học được điều đó từ những kinh nghiệm. Kiến thức của chúng ta được hình thành bởi sự tương tác của mình với người khác. Chúng ta đã hình thành các thói quen và tập tính hành xử dễ đoán - nhưng không thực sự hiểu chúng hay biết chúng bắt nguồn từ đâu. Chúng đã tiến hóa trong khoảng thời gian rất dài. Không ai trình bày chúng một cách rõ ràng (chí ít cũng không đến những giới hạn mập mờ nhất trong quá khứ), mặc dù chúng ta đã nhắn nhủ với nhau phải cùng hành động ra sao. Nhưng rồi một ngày cách đây không lâu, chúng ta choàng tỉnh. Chúng ta vẫn làm việc của mình, nhưng giờ đã nhận ra mình đang làm gì. Chúng ta bắt đầu sử dụng cơ thể của mình làm những công cụ đại diện cho hành động. Chúng ta bắt đầu bắt chước và kịch tính hóa. Chúng ta phát minh ra nghi thức. Chúng ta bắt đầu thể hiện ra những trải nghiệm của chính mình. Rồi chúng ta bắt đầu kể chuyện. Chúng ta đã mã hóa những quan sát về “vở kịch” của bản thân trong những câu chuyện này. Theo đó, thông tin đầu tiên được ấn định vào hành vi của chúng ta đã mang tính đại diện trong câu chuyện đang kể. Nhưng chúng ta đã không và vẫn không hiểu ý nghĩa của nó là gì.

Câu chuyện Kinh Thánh về Thiên Đường và sự Sa đọa là một trong những câu chuyện như thế, được thêu dệt nên từ trí tưởng tượng tập thể của chúng ta và lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Nó mang đến lời giải thích sâu sắc về bản thân Hữu thể, chỉ ra cách thức mà một trạng thái khái niệm hóa và hành động ăn khớp với bản chất đó. Trong Vườn Địa đàng, trước buổi đầu của sự tự ý thức - theo mạch câu chuyện - con người không hề có tội. Phụ mẫu nguyên thủy của chúng ta, Adam và Eve, đã song hành cùng Thượng Đế. Rồi do bị con rắn cám dỗ, đôi vợ chồng đầu tiên đã ăn trái từ cây biết thiện ác, đã khám phá ra Cái Chết và sự dễ tổn thương, rồi quay lưng lại với Thượng Đế. Nhân loại đã bị trục xuất khỏi Thiên Đường và bắt đầu cuộc đời hữu hạn đầy cực nhọc của họ. Ý tưởng về sự hiến tế xuất hiện ngay sau đó, bắt đầu với câu chuyện về Cain và Abel, rồi phát triển thông qua những cuộc phiêu lưu của Abraham và sự kiện Xuất hành: Sau nhiều suy ngẫm, con người cực khổ học được rằng họ có thể giành được ân huệ của Thượng Đế và đẩy lui cơn giận của Ngài thông qua cách hiến tế thỏa đáng - và hành vi sát nhân đẫm máu ấy cũng có thể được thúc đẩy trong những kẻ không sẵn lòng hoặc không thể thành công theo cách này.

TRÌ HOÃN SỰ HÀI LÒNG

Khi dấn thân vào sự hy sinh, tổ tiên chúng ta đã bắt đầu một hành động được xem là lời xác nhận, mà nếu thể hiện ra bằng lời sẽ là: Bằng cách từ bỏ một thứ gì đó giá trị ở hiện tại, ta sẽ đạt được điều gì đó tốt đẹp hơn trong tương lai. Hãy nhớ rằng nhu cầu làm việc là một trong những lời nguyền mà Thượng Đế đặt ra cho Adam và hậu duệ của chàng, là hậu quả của Tội Tổ tông. Adam thức dậy với những kìm kẹp cơ bản của Hữu thể - sự tổn thương và cuối cùng là cái chết của chàng - để đổi lấy khao khát tìm tòi khám phá tương lai. Và tương lai: Đó là nơi bạn sẽ chết đi (hy vọng điều đó không xảy ra quá sớm). Bạn có thể trì hoãn kết cục của mình thông qua công việc; thông qua sự hy sinh hiện tại để gặt hái lợi ích mai sau. Vì lý do này, ta chẳng còn nghi ngại kiếm tìm trong số những điều khác - không phải nghi ngờ - rằng khái niệm về sự hy sinh đã được nêu ra trong một chương của Kinh Thánh ngay sau câu chuyện về sự Sa đọa. Có rất ít điểm khác biệt giữa hy sinh và công việc. Chúng đều mang nhân tính theo cách rất độc đáo. Đôi khi, động vật hành xử như thể chúng đang làm việc, nhưng thực sự chỉ là tuân theo các hiệu lệnh từ bản chất của chúng. Hải ly xây đập. Chúng làm thế vì chúng là hải ly và hải ly thì phải xây đập. Chúng không nghĩ rằng: “Phải rồi, nhưng tôi thà nằm trên bãi biển Mexico cùng với bạn gái còn hơn”, trong khi đang xây đập.

Nói một cách nôm na, sự hy sinh ấy - làm việc - nghĩa là trì hoãn sự hài lòng, nhưng đó là một cụm từ rất trần tục để mô tả điều gì đó có tầm quan trọng sâu xa đến vậy. Việc khám phá ra rằng sự hài lòng có thể bị trì hoãn đồng thời là khám phá ra thời gian và mối quan hệ nhân quả đi kèm (chí ít là ảnh hưởng nhân quả từ hành động tự nguyện của con người). Cách đây khá lâu, chẳng rõ là ở thời điểm nào, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng thực tại có kết cấu như thể ta có quyền mặc cả về nó. Chúng ta đã học được rằng việc hành xử đúng đắn ngay trong hiện tại - điều chỉnh sự thôi thúc ở bản thân, suy xét về hoàn cảnh của người khác - có thể mang lại phần thưởng trong tương lai, tại một thời điểm và địa điểm chưa xuất hiện. Chúng ta bắt đầu cấm cản, kiểm soát và thiết lập những thôi thúc tức thời, để có thể thôi làm phiền người khác lẫn bản thân mình trong tương lai. Làm như vậy không hề khác với việc tổ chức một xã hội: Khám phá ra rằng mối quan hệ nhân quả giữa nỗ lực của chúng ta hôm nay với chất lượng của ngày mai sẽ thúc đẩy việc tạo nên khế ước xã hội - cách tổ chức như thế cho phép công việc hiện tại được “lưu giữ” một cách đáng tin cậy (chủ yếu dưới hình thức lời hứa từ người khác).

Sự hiểu biết thường được thể hiện ra trước khi ta diễn giải được nó (như một đứa trẻ thể hiện ý nghĩa của việc làm “cha” hoặc “mẹ” trước khi chúng lý giải được các vai trò đó ấy bằng lời). Hành động thực hiện nghi thức hiến tế cho Thượng Đế là một sắc lệnh tinh vi thuở ban sơ, nói lên ý tưởng về sự hữu dụng của việc trì hoãn. Có một hành trình khái niệm dài giữa việc chỉ đánh chén cho thỏa cơn đói với việc học cách dành dụm thêm chút thịt hun khói cho đến cuối ngày, hoặc dành cho ai đó vắng mặt. Ta phải mất một khoảng thời gian dài để học cách giữ gìn bất kỳ thứ gì cho bản thân sau này, hoặc chia sẻ nó với người khác (và giống như ở trường hợp trước, nó cũng tương tự như bạn đang chia sẻ với bản thân trong tương lai). Điều đó dễ hơn nhiều và giống hơn với việc ngấu nghiến mọi thứ có trong tay một cách ích kỷ ngay lập tức. Có những hành trình dài tương tự như nhau giữa mỗi lần cải thiện khả năng thấu hiểu điều tinh vi, gắn với sự trì hoãn và tính khái niệm hóa của nó: Chia sẻ trong thời gian ngắn hạn, lưu giữ cho tương lai; đại diện cho sự lưu giữ ấy qua hình thức hồ sơ ghi chép và sau này là hình thức tiền tệ - và cuối cùng là tiền tiết kiệm trong ngân hàng hoặc tại một tổ chức xã hội khác. Một số cách khái niệm hóa phải đóng vai trò trung gian, nếu không, toàn bộ phạm vi các phương thức và ý tưởng vây quanh phạm trù hy sinh và công việc, cùng với hình thức đại diện của chúng, có thể sẽ không bao giờ xuất hiện được.

Tổ tiên chúng ta đã “diễn” một vở kịch, một tác phẩm hư cấu: Họ đã nhân hóa thế lực chi phối số mệnh như một linh hồn mà ta có thể thương lượng, giao dịch như thể đó là một con người khác. Và điều tuyệt vời là nó hiệu quả. Một phần vì tương lai chủ yếu được cấu thành từ những người khác - thường chính là những người đã chứng kiến, nhận định và đánh giá những chi tiết nhỏ nhất từ hành vi trong quá khứ của bạn. Nó chẳng khác mấy với “tác phẩm” về Thượng Đế, Người ngồi trên cao, theo dõi từng bước của bạn và ghi lại trong một cuốn tập dày cộm để tham khảo sau này. Sau đây là một ý tưởng biểu trưng hữu ích: Tương lai là một người cha có tính hay phán xét. Đó là một khởi đầu tốt. Nhưng lại nảy sinh thêm hai câu hỏi điển hình, cơ bản từ lần khám phá về sự hy sinh và công việc. Cả hai đều liên quan đến sự mở rộng tới cùng của tính hợp lý trong công việc - đó là hy sinh bây giờ để gặt hái sau này.

Câu hỏi đầu tiên là: Ta phải hy sinh điều gì? Những hy sinh bé nhỏ có thể đủ để giải quyết được những vấn đề vụn vặt. Tuy nhiên, rất có khả năng những hy sinh lớn hơn, toàn diện hơn giải quyết được một loạt các vấn đề to lớn và phức tạp cùng lúc. Điều đó khó hơn nhưng có lẽ tốt hơn hẳn. Ví dụ, việc thích nghi với kỷ cương cần thiết của trường y sẽ gây cản trở ghê gớm đến lối sống phóng túng của một sinh viên đại học cực kỳ mê tiệc tùng. Từ bỏ điều ấy là một sự hy sinh. Nhưng một bác sĩ có thể - xin diễn giải lại lời George W. - thực sự kiếm được miếng ăn cho gia đình. Như thế đã là bỏ qua được rất nhiều rắc rối trong một khoảng thời gian rất dài. Vì vậy, hy sinh là cần thiết để cải thiện tương lai và hy sinh càng lớn thì tương lai sẽ càng tốt đẹp.

Câu hỏi thứ hai (đây thực sự là một bộ câu hỏi liên quan đến nhau): Chúng ta đã lập ra một nguyên tắc cơ bản - hy sinh sẽ cải thiện tương lai. Một khi nguyên tắc được thiết lập, chúng phải được phát huy. Và chúng ta phải hiểu rõ phạm vi mở rộng và tầm quan trọng của nó. Vậy điều gì ngụ ý rằng sự hy sinh sẽ cải thiện được tương lai trong những trường hợp cực đoan và chung cuộc nhất? Giới hạn của nguyên tắc cơ bản này nằm ở đâu? Chúng ta phải bắt đầu bằng câu hỏi: “Đâu là kết quả to lớn nhất và hiệu quả nhất - khiến ta hài lòng nhất - từ mọi sự hy sinh khả dĩ?” và tiếp theo là: “Tương lai khả dĩ tốt đẹp nhất là gì nếu ta có thể hy sinh sao cho hiệu quả nhất?”

Câu chuyện Kinh Thánh về Cain và Abel, hai người con trai của Adam và Eve, tiếp nối câu chuyện trục xuất khỏi Thiên Đường như đã đề cập ở phần trước. Cain và Abel thực sự là những con người đầu tiên, bởi cha mẹ họ được Thượng Đế trực tiếp tạo nên chứ không được sinh ra theo lối thường. Cain và Abel sống trong lịch sử, chứ không phải vườn Địa đàng. Họ phải lao động. Họ phải hy sinh để làm hài lòng Thượng Đế và họ đã làm thế thông qua bệ thờ và nghi lễ đúng mực. Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi các lễ vật của Abel khiến Thượng Đế hài lòng trong khi của Cain lại không. Abel được tưởng thưởng nhiều lần trong khi Cain chẳng có gì. Không có lý do nào rõ ràng cho điều này (dù văn tự nhấn mạnh rằng do Cain không đặt trọn tâm mình vào các lễ vật). Có thể lễ vật mà Cain đã mang đến có chất lượng kém. Hoặc có thể anh ta hẹp lòng hẹp dạ. Hoặc cũng có thể do Thượng Đế phật ý vì lý do riêng nào đó của Ngài. Tất thảy đều là thật, bao gồm cả sự mập mờ trong cách diễn giải của thư tịch. Không phải mọi sự hy sinh đều thỏa đáng như nhau. Hơn nữa, có vẻ như một sự hy sinh tưởng là đắt giá lại không được đền đáp bằng tương lai tốt đẹp hơn - và chẳng ai hiểu rõ vì sao. Vì sao Thượng Đế lại không vui? Cần thay đổi điều gì để Ngài vui lòng? Đó là những câu hỏi hóc búa mà ai cũng luôn tự hỏi, dù chính họ cũng không nhận ra.

Việc đặt ra và nghĩ đến những câu hỏi như thế không khác gì nhau.

Ban đầu, việc nhận thức được rằng trì hoãn sự hài lòng có thể sẽ gây cho ta nhiều khó khăn. Điều này hoàn toàn đối lập với tổ tiên của chúng ta, với các bản năng động vật cơ bản là đòi hỏi sự thỏa mãn tức thời (đặc biệt khi ở trong những điều kiện thiếu thốn phổ biến và không thể tránh khỏi). Và phức tạp hơn nữa là sự trì hoãn ấy chỉ trở nên hữu ích khi nền văn minh đã được thiết lập ổn định, đủ để đảm bảo cho sự tồn tại của một phần thưởng đã bị trì hoãn trong tương lai. Nếu mọi thứ bạn dành dụm được bị phá hủy, hoặc tệ hơn là bị đánh cắp, thì dành dụm sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Chính vì lý do này mà một con sói sẽ phải tự bớt đi 9 ký thịt tươi cho một bữa ăn. Nhưng nó không hề nghĩ rằng “Trời ạ, mình chẳng việc gì phải chè chén no say cả, mình nên để dành một ít cho tuần tới.” Vậy làm thế nào để hai thành tựu bất khả thi và cần phải xảy ra cùng lúc này (sự trì hoãn và sự ổn định của xã hội trong tương lai) có thể tự biểu hiện ra?

Đây là một quá trình phát triển từ động vật thành con người. Điều này hiển nhiên là sai nếu xét kỹ chi tiết. Nhưng nó đúng vừa đủ cho mục đích của chúng ta: Thứ nhất, thực phẩm thì luôn dư thừa. Xác thú lớn, voi ma-mút hay những loài ăn cỏ cỡ lớn có thể mang lại điều đó. (Chúng ta đã ăn rất nhiều voi ma-mút. Có khi là tất cả). Sau khi giết thịt một con vật to lớn, sẽ có một số phần dư thừa để dành. Ban đầu, việc đó chỉ diễn ra ngẫu nhiên - nhưng cuối cùng, công dụng của việc “để dành về sau” bắt đầu được trân trọng. Những ý niệm tạm thời về sự hy sinh cũng hình thành cùng lúc: “Nếu mình để lại vài miếng, cho dù lúc này mình rất muốn được ăn, thì sau này mình sẽ không bị đói.” Ý niệm tạm thời này phát triển lên tầm cao hơn (“Nếu mình để dành lại vài miếng, mình sẽ không lo bị đói và cả những người mình quan tâm cũng thế”) và rồi lại nâng lên tầm cao hơn nữa (“Mình không thể ăn hết con voi ma-mút này, nhưng mình cũng không thể dự trữ phần còn lại quá lâu. Có lẽ mình nên cho những người khác cùng ăn. Họ có thể sẽ ghi nhớ điều này và sẽ cho mình ăn phần voi ma-mút của họ lúc mình chẳng may không có gì. Rồi mình sẽ có voi ma-mút để ăn bây giờ và sau này cũng thế. Đó là một việc có lợi. Những người mình chia sẻ nhìn chung sẽ tin tưởng mình hơn. Và chúng ta có thể trao đổi mãi mãi với nhau.”). Theo đó, “ma-mút hiện tại” sẽ trở thành “ma-mút tương lai” và rồi “ma-mút tương lai” sẽ trở thành “danh tiếng cá nhân”. Đó chính là sự xuất hiện của khế ước xã hội.

Chia sẻ không phải là cho đi thứ gì đó bạn trân trọng mà không được nhận lại được gì. Thay vào đó, chỉ có những đứa trẻ không chịu chia sẻ mới sợ như thế. Đúng ra, chia sẻ nghĩa là khởi đầu một quá trình giao dịch. Một đứa trẻ không thể chia sẻ - hay là không biết giao dịch - không thể có bạn bè, vì quan hệ bạn bè chính là một hình thức trao đổi (giao dịch). Benjamin Franklin đã từng khuyên một người mới chuyển đến hãy nhờ hàng xóm giúp đỡ mình việc gì đó, dẫn chứng một câu châm ngôn cổ: Một người từng giúp đỡ bạn sẽ rất sẵn lòng giúp bạn thêm lần nữa hơn là một người có nghĩa vụ làm thế. Theo quan điểm của Franklin, việc nhờ ai làm một điều gì đó (tất nhiên là đừng quá đáng) chính là lời mời tương tác xã hội tức thời hữu ích nhất. Việc một người mới đến nhờ hỗ trợ sẽ giúp hàng xóm của họ có cơ hội thể hiện mình là người tốt ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Điều đó cũng đồng nghĩa người hàng xóm ấy cũng có thể nhờ người mới đến việc gì đó đổi lại bởi sự mang ơn ân huệ sẽ gia tăng mối thân tình và lòng tin giữa đôi bên. Cách ấy sẽ giúp cả hai phía có thể vượt qua sự rụt rè tự nhiên và nỗi e ngại chung đối với người lạ.

“Có còn hơn không.” Nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn rộng lòng chia sẻ những gì mình có. Tuy nhiên, còn tốt hơn nữa khi ai cũng biết bạn là một người hào phóng. Một điều gì đó lưu lại lâu dài. Một điều gì đó đáng tin cậy. Và ở bước trừu tượng hóa này, chúng ta có thể quan sát nền tảng cơ bản của các khái niệm đáng tin cậy, thành thật và rộng lượng được hình thành. Cơ sở cho luân lý đa phương diện đã định rõ. Một người biết chia sẻ một cách hữu ích và thật lòng chính là mẫu hình của một công dân tốt, một con người tốt. Theo đó, ta có thể hiểu được làm sao một quan niệm đơn giản như “dư thừa là một ý hay” lại hình thành nên những nguyên tắc đạo đức cao vời nhất.

Những điều sau đây sẽ xảy ra khi nhân loại ngày càng phát triển. Trước tiên, hãy quay về hàng chục, hàng trăm nghìn năm đằng đẵng trước khi có sự xuất hiện của sử sách và các câu chuyện ghi chép. Trong suốt khoảng thời gian này, đã có hai phương thức trì hoãn và trao đổi bắt đầu xuất hiện một chậm rãi và đầy khó khăn. Rồi chúng trở nên tiêu biểu - theo nghĩa trừu tượng ẩn dụ - như trong các nghi lễ và câu chuyện về hiến tế, được kể theo cách như sau: “Cứ như thể có một Đấng Toàn năng trên Trời, Ngài có thể nhìn thấu mọi thứ và đang phán xét ngươi. Việc cho đi thứ gì đó mà ngươi xem trọng dường như sẽ khiến Ngài hài lòng - và ngươi quả tình muốn Ngài vui lòng, bởi nếu không cửa Địa Ngục sẽ chào đón ngươi nếu ngươi không làm thế. Cho nên, việc rèn luyện sự hy sinh và chia sẻ cho đến khi ngươi thành thục sẽ giúp mọi điều tốt đẹp đến với ngươi[40]” Không ai nói ra những điều này, ít nhất là một cách rõ ràng và trực tiếp. Nhưng nó đã ẩn chứa trong thực tiễn và tiếp đó là trong những câu chuyện như thế.

Hành động phải đến trước (và nó phải như thế, vì loài người cổ xưa là một sinh vật chỉ biết làm chứ không biết nghĩ). Giá trị ngầm ẩn mà ta chưa nhận ra sẽ đến trước (vì những hành động đến trước suy nghĩ sẽ bao hàm cả giá trị, nhưng không thể hiện rõ giá trị ấy ra). Con người đã chứng kiến thành công và thất bại suốt hàng nghìn năm. Chúng ta tưởng rằng điều đó đã kết thúc và rút ra kết luận: Thành công trì hoãn sự hài lòng trong chúng ta. Thành công mặc cả với tương lai trong chúng ta. Một ý tưởng vĩ đại bắt đầu xuất hiện với hình thức “rõ ràng hơn bao giờ hết” và trong những câu chuyện “rành mạch hơn bao giờ hết”: Đâu là sự khác biệt giữa thành công và thất bại? Kẻ thành công thường biết hy sinh. Mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi người thành công thực hiện sự hy sinh của mình. Các câu hỏi càng trở nên chính xác và đồng thời cũng khái quát hơn: Sự hy sinh nào khả dĩ là vĩ đại nhất? Vì những điều tốt đẹp nào khả dĩ cao cả nhất? Và các câu trả lời sẽ trở nên ngày càng sâu sắc và uyên thâm hơn.

Như bao vị thần khác, Thượng Đế trong truyền thống phương Tây cũng đòi hỏi sự hy sinh. Chúng ta đã xem xét nguyên do rồi. Nhưng đôi khi Ngài thậm chí còn muốn hơn thế nữa. Ngài đòi hỏi không chỉ hy sinh, mà sự hy sinh đó còn phải chính là điều mà ta trân quý nhất. Điều này được khắc họa rõ nét (và là bằng chứng dễ gây hiểu nhầm nhất) trong câu chuyện về Abraham và Isaac. Abraham, bề tôi yêu quý của Thượng Đế, hằng mong mỏi có một cậu con trai - và Thượng Đế hứa sẽ ban cho ông ta điều đó, dù qua nhiều lần trì hoãn và trong những điều kiện bất khả thi như tuổi già và một người vợ hiếm muộn lâu năm. Không lâu sau đó, bé trai Isaac đã ra đời một cách diệu kỳ. Nhưng khi Isaac còn là một đứa bé, Thượng Đế đã đổi ý, và đưa ra một yêu cầu khắc nghiệt và vô lý rằng người phụng sự trung thành của Ngài phải hiến tế đứa con trai bé nhỏ như một vật hy sinh. Câu chuyện đã kết thúc có hậu: Thượng Đế cử một thiên thần đến để ngăn hành động tuân phục của Abraham và chấp nhận một con cừu đực để làm vật thay thế cho Isaac. Đó là điều tốt, nhưng lại không thực sự giải quyết được vấn đề trước mắt: Vì sao Thượng Đế lại đi xa hơn mức cần thiết như vậy? Tại sao Ngài - hay tại sao cuộc đời - lại áp đặt lên ta những đòi hỏi như thế?

Chúng ta sẽ bắt đầu phân tích với một sự thật hiển nhiên, tuyệt đối, rõ ràng và cũng rất giản dị: Đôi khi mọi chuyện không suôn sẻ. Dường như chúng ta có nhiều điều phải làm trước bản chất khủng khiếp của thế giới, nơi đầy rẫy dịch bệnh, nạn đói, chiến tranh và sự phản bội. Nhưng khó khăn là đây: Đôi khi mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ và thế giới không phải là nguyên do. Thay vì thế, nguyên do ấy hiện là điều được xem trọng nhất về mặt chủ quan lẫn cá nhân. Vì sao? Vì thế giới đã được mặc khải ở tầm mức vô hạn, thông qua khuôn mẫu về các giá trị của chúng ta (sẽ được nhắc đến nhiều hơn ở Quy luật 10). Do đó, nếu thế giới mà bạn đang chứng kiến không phải là thế giới như bạn muốn, thì đã đến lúc đánh giá lại các giá trị của bạn. Đã đến lúc thoát khỏi những định kiến hiện tại của bạn. Đã đến lúc bỏ qua. Thậm chí đã đến lúc bạn phải hy sinh điều mình trân quý nhất để có thể trở thành người mà bạn có thể trở thành, thay vì giữ nguyên con người hiện tại.

Có một câu chuyện cổ - cũng có thể là một dị bản về cách bắt một chú khỉ - minh họa rất hay cho loạt ý tưởng này. Đầu tiên, người ta tìm một chiếc bình lớn có cổ hẹp, với đường kính miệng vừa đủ rộng để một chú khỉ thò được tay vào. Kế tiếp, họ phải đổ đá vào bình để chú khỉ không thể mang đi vì bình quá nặng. Sau đó, họ rắc ít mồi để nhử chú khỉ đến gần bình và đặt vài miếng vào trong bình. Chú khỉ sẽ tiến lại gần, thò tay vào miệng bình và nắm lấy một nắm đầy. Nhưng lúc này nó sẽ không thể rút nắm tay đầy mồi ấy ra khỏi miệng bình. Nó không thể rút ra nếu nó không thả nắm đồ ăn ra. Nó không thể rút ra nếu không từ bỏ những gì mình đang có. Và nó sẽ không làm thế. Người bắt khỉ chỉ cần tiến về phía chiếc bình và tóm lấy con vật đáng thương. Động vật sẽ không hy sinh một phần nào để bảo toàn tất cả.

Từ bỏ một điều gì đó đáng giá là để đảm bảo cho sự phồn thịnh trong tương lai. Ta phải hy sinh điều quý giá để làm hài lòng Đức Chúa. Vậy điều gì là quý giá và đáng để hy sinh nhất? - hay chí ít là điều gì mang tính biểu trưng nhất? Đó là lựa chọn cắt một phần thịt. Từ con vật ngon nhất trong đàn. Cũng là vật sở hữu có giá trị nhất. Nhưng còn gì hơn thế nữa? Một thứ gì đó mang tính cá nhân thiêng liêng và gây đau đớn cực kỳ nếu từ bỏ. Có lẽ nó đã được biểu trưng trong sự cương quyết của Abraham đối với cái lệ hiến tế, khi dâng một phần (mang tính biểu trưng) để chuộc lại toàn bộ. Còn điều gì hơn thế? Còn điều gì gắn liền với toàn bộ một con người hơn một phần của người ấy? Điều gì làm nên sự hy sinh tối thượng - để đổi lấy phần thưởng tối thượng?

Đó là mối liên hệ gần gũi giữa con cái với bản thân. Sự hy sinh của một người mẹ để mang con mình đến thế giới này được thể hiện sâu sắc qua tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp của Michelangelo, tượng Đức Mẹ Sầu bi - Pieta, được minh họa ở phần mở đầu chương này. Michelangelo đã khắc họa Đức Mẹ Maria lặng nhìn thân xác Con trai Người bị đóng đinh lên thập giá và hủy hoại. Đây là lỗi của bà. Vì bà mà Người đã đến với thế giới này và đó là tấn bi kịch vĩ đại của Hữu thể. Có đúng không khi đem một đứa trẻ đến thế giới tồi tệ này? Mỗi người phụ nữ đều tự vấn mình câu hỏi ấy. Một số người nói “không” và họ có lý do riêng của mình. Mẹ Maria trả lời “có” một cách tự nguyện. Người hoàn toàn biết rõ điều gì sắp xảy ra - giống như bao bà mẹ khác, nếu họ cho phép bản thân mình tỏ tường. Đó là một hành động can đảm tột cùng được thực hiện một cách tự nguyện.

Đổi lại, con trai của Mẹ Maria, Chúa Giê-su đã tự hiến mình cho Thượng Đế và thế gian, cho sự phản bội, tra tấn và chết chóc - cho đỉnh điểm tuyệt vọng trên thập giá, nơi Người thốt nên những lời thảm thiết: Chúa tôi, Chúa tôi, sao Người bỏ rơi con? (Ma-thi-ơ 27:46). Đó là câu chuyện nguyên bản về một người dâng hiến mọi thứ của mình vì điều tốt đẹp hơn - người dâng hiến mạng sống của mình cho sự tiến bộ của Hữu thể - người cho phép ý chí của Thượng Đế hiển lộ hoàn toàn bên trong những giới hạn của một cuộc đời duy nhất và trần tục. Đây là hình mẫu của một con người đáng trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp Chúa Giê-su, - khi Người tự hiến thân mình - thì Thượng Đế, hay Chúa Cha, cũng đồng thời hiến dâng con trai của Ngài. Đó là lý do vì sao người Cơ Đốc giáo xem câu chuyện hy sinh Con trai và Bản thân là mẫu mực. Đó là một câu chuyện đã đi đến tận cùng, không còn có thái cực nào xa hơn để hình dung được nữa. Đó chính là khái niệm của “nguyên mẫu”, là cốt lõi của cái tạo nên “tôn giáo”.

Nỗi đau và sự chịu đựng định nghĩa nên thế giới. Đó là điều không phải nghi ngờ. Sự hy sinh có thể kìm hãm nỗi đau và sự chịu đựng ở mức độ nhiều hơn hoặc ít hơn - và sự hy sinh to lớn hơn sẽ có tác dụng hơn sự hy sinh nhỏ. Điều này cũng không phải nghi hoặc. Mọi người đều ghi khắc điều này trong tâm khảm. Như vậy, những ai mong muốn làm vơi bớt nỗi thống khổ - những ai mong muốn sửa chữa những khiếm khuyết trong Hữu thể, những ai mong muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho mọi tương lai khả dĩ, những ai muốn tạo nên Thiên Đường nơi Hạ Giới - sẽ phải thực hiện sự hy sinh cao cả nhất, tức bản thân lẫn con cái, tức mọi thứ mà anh ta yêu quý để sống một cuộc đời hướng Thiện. Anh ta sẽ bỏ qua lợi ích. Anh ta sẽ theo đuổi con đường dẫn đến ý nghĩa cao cả. Và qua đó, anh ta sẽ mang lại sự cứu rỗi cho một thế giới đầy tuyệt vọng.

Nhưng liệu một điều như thế có khả thi không? Chỉ đơn giản bằng cách không đòi hỏi quá nhiều ở một cá nhân thôi sao? Có thể người ta sẽ phản bác rằng mọi thứ đều ổn với chúa Giê-su - nhưng Người là Con trai đích thực của Thượng Đế. Ngoài ra, chúng ta còn có những ví dụ khác ít màu sắc thần thoại hóa và điển hình hơn. Ví dụ, hãy xét trường hợp của của nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại Socrates. Sau cả cuộc đời tìm kiếm chân lý và giáo huấn người dân của mình, Socrates phải đối mặt với một phiên tòa đại hình vì chống lại thành bang Athens - quê hương ông. Những kẻ buộc tội đã cho ông nhiều cơ hội để có thể dễ dàng thoát án và tránh khỏi mọi rắc rối. Nhưng vị hiền nhân vĩ đại đã cân nhắc và khước từ lối hành động này. Khi ấy, người bạn đồng hành Hermogenes đã quan sát ông bàn luận “bất kể và tất cả mọi chủ đề” ngoại trừ phiên xử và hỏi tại sao ông lại bình thản như thế. Đầu tiên, Socrates trả lời rằng ông dành cả cuộc đời để bênh vực cho chính mình, nhưng sau đó lại nói một điều quan trọng và bí ẩn hơn: Khi ông đặc biệt bỏ công xem xét các chiến lược giúp mình được tha bổng “bằng những biện pháp công bình hoặc gian trá” - hay thậm chí chỉ đơn giản cân nhắc những hành động khả dĩ của mình tại phiên tòa - ông cảm thấy bản thân bị một thế lực siêu nhiên ngăn lại: tiếng nói bên trong ông, tiếng nói của thần hộ mệnh. Socrates tự tranh biện với giọng nói ấy trong phiên xử. Ông nói rằng một trong những đặc điểm phân biệt giữa ông và người khác chính là sự tuyệt đối lắng nghe những lời răn đe của nó - ngừng nói và ngừng hành động khi giọng nói ấy phản đối. Chính những vị Thần thánh đã ban cho ông sự khôn ngoan hơn bao người khác, mà theo Lời sấm truyền Delphi[41] thì chủ yếu vì lý do này mà ông được xem là vị quan tòa đáng tin cậy cho những điều ấy.

Bởi tiếng nói nội tâm đáng tin cậy bảo ông nhất định không trốn chạy (hay thậm chí tự bào chữa cho mình), nên Socrates đã thay đổi triệt để quan điểm của ông về tầm quan trọng của phiên xử. Ông bắt đầu cho rằng đây là một phước lành hơn là sự trừng phạt. Ông nói với Hermogenes rằng ông nhận ra linh hồn mà ông luôn lắng nghe đã mang đến cho ông lối thoát khỏi cuộc đời này, theo cách “dễ dàng nhất và cũng ít gây phiền lòng bạn bè nhất”, với một “cơ thể khỏe mạnh cùng một tâm hồn thánh thiện”, cũng như thoát khỏi “nỗi thống khổ của bệnh tật” cùng sự phiền toái của tuổi già quá quắt. Quyết định chấp nhận số phận của Socrates đã giúp ông trút bỏ nỗi sợ chết khi phải tự mình đối mặt với chính cái chết, trước và trong suốt phiên xử, sau khi bản án được đưa ra và thậm chí sau đó nữa, trong suốt buổi hành hình. Ông nhận thấy cuộc đời mình đã quá sung túc và đủ đầy để giờ đây có thể buông bỏ nó. Ông được trao cơ hội để sắp xếp lại mọi chuyện. Ông nhận thấy mình có thể thoát khỏi sự suy tàn dần của những năm sắp đến. Ông bắt đầu hiểu rằng mọi chuyện xảy đến với ông chính là món quà từ thần linh. Bởi thế, ông không buộc phải biện hộ cho bản thân trước những kẻ cáo buộc - chí ít không phải với mục đích tuyên bố sự vô tội của ông và thoát khỏi số phận này. Thay vì thế, ông xoay chuyển tình thế, diễn giải trước các quan tòa sao cho cử tọa hiểu được chính xác vì sao hội đồng thành phố lại muốn kẻ là ông phải chết. Rồi ông uống chén thuốc độc như một đấng trượng phu.

Socrates đã khước từ lợi lộc và nhu cầu thao túng gắn liền với nó. Thay vì thế, trong hoàn cảnh khốc liệt nhất, ông vẫn chọn cách duy trì sự theo đuổi ý nghĩa và sự thật. Sau 2.500 năm, chúng ta vẫn nhớ đến quyết định của ông và lấy đó làm an ủi. Chúng ta có thể học được gì từ điều này? Nếu chấm dứt những điều sai trái rành rành và sống đúng theo tiếng gọi lương tâm, bạn sẽ giữ được sự thanh cao của mình, ngay cả khi phải đối mặt với mối đe dọa hung hiểm nhất. Nếu chân thành và dũng cảm tuân theo những lý tưởng cao đẹp nhất, bạn sẽ được bảo hộ và mạnh mẽ hơn so với bất kỳ sự tập trung hời hợt nào vào an toàn của chính mình. Nếu sống đúng đắn và trọn vẹn, bạn có thể khám phá được ý nghĩa sâu sắc để tự bảo vệ mình ngay cả trước nỗi sợ cái chết.

Tất cả những điều ấy liệu có đúng không?

CÁI CHẾT, CÁI KHÓ VÀ CÁI ÁC

Bi kịch của sự tự ý thức về Hữu thể sinh ra đau khổ, và chịu đựng nỗi khổ là điều không thể tránh khỏi. Sự chịu khổ này lại thúc đẩy mong muốn ích kỷ - để thỏa mãn lợi ích cá nhân tức thời. Nhưng sự hy sinh - và công việc - lại phát huy vai trò giúp tránh xa đau khổ hơn nhiều so với sự hài lòng tức thời. Tuy nhiên, bản thân bi kịch (được hiểu là tính khắc nghiệt của xã hội và tự nhiên, đối lập với sự dễ bị tổn thương của cá nhân) không phải là nguồn cơn đau khổ duy nhất - và thậm chí không phải là căn nguyên chính. Chúng ta còn phải xét đến vấn đề cái ác. Chắc chắn thế giới ngoài kia gây nhiều trở ngại cho chúng ta, nhưng sự vô nhân tính giữa người với người còn kinh khủng hơn nữa. Thế nên, vấn đề hy sinh lại càng phức tạp hơn gấp bội: Nó không chỉ là sự túng thiếu và hữu hạn của con người vốn có thể giải quyết bằng công việc - bằng cách sẵn lòng hiến dâng và từ bỏ. Đây cũng chính là vấn đề của cái ác.

Hãy xem xét lại một lần nữa câu chuyện về Adam và Eve. Cuộc sống trở nên rất khó khăn cho con cái của họ (chính là chúng ta) sau sự sa đọa rồi thức tỉnh của hai đấng phụ mẫu nguyên bản. Đầu tiên là số phận khủng khiếp chờ đợi chúng ta trong thế giới hậu Thiên Đường - trong thế giới của lịch sử. Nổi bật nhất chính là cái mà Goethe gọi là “nỗi cực nhọc sáng tạo vô hạn của chúng ta”. Con người phải làm việc, như ta đã thấy. Chúng ta làm việc vì ta đã thức tỉnh trước sự thật về bản chất dễ tổn thương của chính mình, tính khuất phục của ta trước bệnh tật và cái chết, cùng với mong muốn tự bảo vệ mình càng lâu càng tốt. Một khi đã nhìn thấy tương lai, chúng ta phải chuẩn bị cho nó, hoặc sống trong sự phủ nhận và khiếp sợ. Vì vậy, chúng ta hy sinh sự hài lòng của hôm nay vì một ngày mai tốt đẹp hơn. Nhưng việc nhận ra sự khả tử và nhu cầu làm việc không phải là mặc khải duy nhất dành cho Adam và Eve khi họ ăn trái cấm, thức tỉnh và được khai nhãn. Họ cũng được ban cho (hoặc bị nguyền rủa bởi) sự hiểu biết về Thiện và Ác.

Tôi phải mất nhiều thập kỷ để hiểu được điều ấy nghĩa là gì (thậm chí chỉ hiểu được một phần). Điều đó như sau: Một khi chủ ý nhận thức được rằng bạn, chính bản thân bạn, dễ bị tổn thương, thì bạn cũng sẽ hiểu được bản chất dễ bị tổn thương của con người nói chung. Bạn hiểu được nỗi sợ hãi, tức giận, oán giận và cay đắng là như thế nào. Bạn hiểu nỗi đau có ý nghĩa gì. Một khi thực sự hiểu được những cảm xúc ấy trong chính bản thân mình và biết chúng được tạo ra thế nào, bạn sẽ hiểu cách chúng nảy sinh trong những người khác ra sao. Theo lẽ này, những sinh vật biết tự ý thức như chúng ta có khả năng gây đau khổ người khác một cách khôn khéo và tùy ý (và tất nhiên là cả với bản thân chúng ta nữa - nhưng ngay lúc này đây ta chỉ bận tâm đến người khác). Qua câu chuyện của Cain và Abel - hai người con trai của Adam và Eve - chúng ta thấy được hậu quả của vốn hiểu biết mới này biểu hiện ra sao.

Ngay khi xuất hiện, nhân loại đã học cách hy sinh cho Thượng Đế. Trên những bệ thờ đá được thiết kế cho mục đích ấy, con người thực hiện một một nghi lễ chung: hạ sát một thứ gì đó có giá trị, một con vật được lựa chọn hay một bộ phận nào đó của nó, rồi sự chuyển hóa của nó trong làn khói và ngọn lửa (thành linh hồn) sẽ thăng lên Thiên Đường. Theo cách này, quan điểm trì hoãn đã được cải biên để tương lai có thể tốt lên. Những vật hiến tế của Abel được Thượng Đế chấp thuận và đời anh khởi sắc. Ngược lại, Ngài đã từ chối tặng vật của Cain. Anh ta trở nên ganh ghét và chất chứa cay đắng - nhưng ít ra điều đó cũng dễ hiểu. Nếu có ai đó thất bại và bị chối bỏ vì anh ta không đem lại bất kỳ sự hy sinh nào cả - thì ít ra điều này cũng dễ hiểu. Anh ta vẫn có thể cảm thấy giận dữ và oán hận; nhưng thẳm sâu trong lòng, anh ta biết phải tự đổ lỗi cho mình. Nhìn chung, kiến thức ấy đặt ra một giới hạn cho sự phẫn nộ của anh ta. Tuy nhiên, tệ hơn cả là nếu anh ta thực sự bỏ qua được sự khoái lạc ngay lúc này - nếu anh ta cố gắng phấn đấu, chịu khổ - nhưng mọi thứ vẫn bất thành, nếu anh ta lại lần nữa bị chối bỏ bất chấp mọi nỗ lực. Thì anh ta sẽ đánh mất cả hiện tại lẫn tương lai. Sau đó, công việc của anh ta - sự hy sinh của anh ta - chỉ còn là vô nghĩa. Trong những tình huống ấy, thế giới sẽ trở nên tối tám, còn tâm hồn sẽ dấy loạn.

Cain đã phẫn nộ vì bị từ chối. Anh ta đối diện với Thượng Đế, buộc tội Ngài và nguyền rủa sản phẩm tạo tác của Ngài. Điều này hóa ra là một quyết định sai lầm. Thượng Đế đáp trả một lời chắc nịch rằng tất cả lỗi lầm là của Cain - và tệ hơn nữa là Cain đã lẩn tránh tội lỗi một cách chủ tâm và man trá, nên anh ta phải nhận lấy hậu quả. Đây hoàn toàn không phải là điều Cain muốn nghe. Đây không hề là lời xin lỗi từ Thượng Đế. Thay vào đó, nó là hành động chà xát vào vết thương trong anh. Cain, sau khi gặm nhấm nỗi cay đắng tận xương tủy từ lời đáp của Thượng Đế, đã lập kế trả thù. Anh ta cả gan bất tuân Đấng Tạo hóa. Thật liều lĩnh! Cain biết cách gây tổn thương cho đối phương. Xét cho cùng, anh ta biết tự ý thức - và càng ý thức hơn nữa trong nỗi đau khổ và hổ thẹn. Vì vậy, anh ta nhẫn tâm sát hại Abel. Anh ta giết đi người em trai, hủy hoại lý tưởng của chính mình (Abel là hình mẫu của mọi thứ mà Cain muốn trở thành). Anh ta gây ra tội ác khủng khiếp cho tất thảy hòng trêu tức bản thân, cùng một lúc trêu ngươi nhân loại và cả Thượng Đế. Anh ta làm điều đó cốt để hả giận và thỏa ý trả thù của mình. Anh ta làm điều đó để biểu lộ sự phản đối căn bản của mình đối với sự tồn tại - chống lại những thất thường quá quắt của chính Hữu thể. Và hậu duệ của Cain - truyền nhân của thể xác lẫn ý định của anh ta - còn tệ hại hơn. Trong cơn thịnh nộ hiện tại, Cain đã ra tay một lần. Lamech, hậu duệ của anh ta, còn đi xa hơn thế nhiều. “Ta sát hại một kẻ vì vết thương mà ta đang mang”, Lamech nói, “và hạ thủ một người trẻ tuổi vì nỗi đau của mình. Nếu Cain được báo thù gấp bảy lần, thì với Lamech là 77 lần” (Sáng thế ký 4: 23-24). Tubulcain là người dạy cách chế ra “mọi công cụ bằng đồng và sắt” (Sáng thế ký 4:22). Tubulcain là thế hệ thứ bảy tính từ Cain - và theo truyền thuyết là người đầu tiên tạo ra vũ khí chiến tranh. Và theo mạch các câu chuyện trong Sáng thế ký, kế tiếp là cơn Đại hồng thủy. Các sự kiện được sắp xếp cạnh nhau như thế không phải là tình cờ.

Cái ác xâm nhập vào thế giới qua sự tự ý thức. Nỗi cơ cực mà Thượng Đế nguyền với Adam đã đủ tệ hại rồi. Nỗi khổ khi sinh con mà Eve phải gánh chịu và sự phụ thuộc toàn diện vào chồng cũng không phải là nhỏ. Chúng cho thấy những bi kịch ngầm ẩn, vô cùng khổ sở của sự thiếu thốn, nghèo túng, nhu cầu xác thịt và sự khuất phục trước bệnh tật lẫn cái chết đồng thời định nghĩa nên và yêu sách sự tồn tại. Thực tại đích thực của chúng đôi khi đủ để biến một kẻ dũng cảm quay sang chống lại cuộc sống. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi cho rằng con người đủ mạnh mẽ để dung thứ cho những bi kịch ngẩm ẩn của Hữu thể mà không nao núng - không phạm tội, hoặc tệ hơn là tha hóa thành xấu xa. Tôi liên tục được chứng kiến những bằng chứng này trong cuộc sống cá nhân của mình, trong sự nghiệp của một giáo sư và trong vai trò một bác sĩ lâm sàng. Động đất, lũ lụt, đói nghèo, ung thư - chúng ta đủ cứng cỏi để vượt qua được tất cả chúng. Nhưng cái ác của con người lại tạo thêm một phương diện hoàn toàn mới trên thế giới này. Đó là lý do sự trỗi dậy của tự ý thức, sự nhận thức về cái chết và hiểu biết về Thiện Ác được trình bày trong các chương đầu của Sáng thế ký (lẫn trong truyền thống rộng lớn tựu quanh nó) như một cơn hồng thủy mang tầm vóc vũ trụ.

Ác ý chủ tâm của con người có thể phá hủy tinh thần, dù bi kịch không thể khiến nó suy chuyển. Tôi nhớ đã từng cùng với một trong những khách hàng của mình khám phá ra cô ấy bị sốc sau nhiều năm chịu chứng trầm cảm vì chấn thương nghiêm trọng - cơ thể rơi vào trạng thái run sợ và khiếp đảm hằng ngày cùng chứng mất ngủ mãn tính - chỉ vì những biểu hiện đơn thuần trên khuôn mặt của gã bạn trai cuồng nộ và say sưa rượu chè. “Sắc mặt gằm ghè” của gã ta (Sáng thế ký 4:5) chỉ rõ ham muốn hãm hại cô một cách rõ ràng và có chủ tâm. Cô đã quá đỗi ngây thơ và điều đó đã khiến cô chịu chấn thương. Nhưng đó không phải là vấn đề: Cái ác mà chúng ta tự gây cho người khác có thể khiến họ bị tổn hại sâu sắc và vĩnh viễn, ngay cả với người mạnh mẽ. Vậy chính xác những động cơ thúc đẩy cái ác này là gì?

Bản thân nó không chỉ thể hiện mình là hậu quả của cuộc sống khó khăn. Nó thậm chí không chỉ xuất hiện như một thất bại, hoặc do nỗi thất vọng và cay đắng mà thất bại thường gây ra. Nhưng liệu cuộc sống quá khó khăn có trầm trọng thêm bởi hậu quả của những hy sinh liên tục bị khước từ (bất chấp sự khái niệm hóa tệ đến đâu và việc thực thi nửa vời đến đâu chăng nữa)? Điều đó sẽ bẻ gãy tinh thần và biến họ thành những kiểu người quái ác thực sự - những người sau đó bắt đầu có chủ ý làm điều ác; bắt đầu gây ra cho bản thân và người khác không gì ngoài tổn thương và đau khổ (và làm điều ấy vì chính lợi ích của những tổn thương và đau khổ ấy). Theo đó, một vòng luẩn quẩn thực sự được thiết lập: bấm bụng hy sinh, thực hiện nửa vời; bị Thượng Đế hay thực tại phủ nhận sự hy sinh ấy (tùy bạn lựa chọn); rồi oán giận vì sự phủ nhận ấy; chìm vào nỗi cay đắng và khao khát trả thù; và sự hy sinh được thực hiện sau đó thậm chí còn miễn cưỡng hơn, hoặc bị khước từ hoàn toàn. Và chính Địa Ngục là đích đến của vòng xoáy đi xuống này.

Cuộc sống này thực sự “ti tiện, tàn ác và ngắn ngủi”, như triết gia người Anh, Thomas Hobbes đã nhận xét theo cách rất đáng nhớ. Nhưng khả năng làm điều ác của con người còn khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Điều này đồng nghĩa với vấn đề trọng tâm của cuộc sống - đối diện với những thực tế tàn khốc - không đơn thuần là hy sinh điều gì hay ra sao để giảm bớt đau khổ và cái ác - căn nguyên có chủ tấm, tự nguyện và đầy thù hận của nỗi khổ đau tồi tệ nhất. Câu chuyện về Cain và Abel là sự biểu thị của một điển tích nguyên bản về huynh đệ và thù địch, anh hùng và kẻ thù: Hai thành tố trong tâm trí mỗi con người, một hướng lên cái Thiện, còn một hướng xuống cái Ác dưới tận cùng Địa Ngục. Abel là một anh hùng thực thụ: Nhưng vị anh hùng cuối cùng lại bị đánh bại bởi Cain. Abel có thể làm Thượng Đế hài lòng - một thành tựu không hề tầm thường và khó có thể thực hiện - nhưng anh lại không vượt qua được tính ác của con người. Vì lý do này, Abel hoàn toàn vẫn chưa phải một nguyên mẫu hoàn thiện. Có lẽ anh ta ngây thơ, dù người anh em của anh ta có thể bội bạc và nham hiểm không thể tưởng, giống như con rắn trong Sáng thế ký 3:1. Nhưng những lời bào chữa, thậm chí cả lý do, dù là lý do có thể thông cảm, vốn dĩ không quan trọng, và không nằm trong bước phân tích sau cùng. Vấn đề về cái ác vẫn chưa được giải quyết ngay cả với những vật tế được Đức Chúa chấp thuận của Abel. Phải mất hàng nghìn năm nữa để nhân loại hiểu ra điều gì đó để chắp nối lại thành một giải pháp. Một vấn đề tương tự lại tái hiện, với hình thức lên đến đỉnh điểm trong câu chuyện về Chúa Giê-su và sự cám dỗ của Satan. Nhưng lần này, nó được thể hiện một cách toàn diện hơn - và người anh hùng đã chiến thắng.

ĐỐI MẶT VỚI CÁI ÁC

Theo câu chuyện, Chúa Giê-su được dẫn dắt vào hoang mạc “để chịu sự cám dỗ của quỷ dữ” (Ma-thi-ơ 4:1) trước khi bị đóng đinh. Đây là câu chuyện về Cain được nhắc lại một cách trừu tượng. Cain, như chúng ta đã biết, luôn bất mãn và không hạnh phúc. Anh ta làm lụng chăm chỉ, hay chí ít là anh ta cảm thấy như thế, nhưng Thượng Đế lại chẳng hài lòng. Trong khi đó, trong mỗi lần xuất hiện, Abel lại cứ thế nhàn nhã sống qua ngày. Vụ mùa của anh ta đơm hoa kết trái. Phụ nữ yêu mến anh ta. Và hơn hết, anh thực sự là một chàng trai tử tế. Ai cũng biết điều đó. Abel xứng đáng với vận may của mình. Như thế lại càng có lý do để ghen ghét và đố kỵ với anh ta. Trái lại, mọi sự với Cain lại không suôn sẻ như thế; anh chàng thường nghiền ngẫm về nỗi bất hạnh của bản thân, giống như con kền kền ấp quả trứng. Và cứ thế, từ nỗi khốn khổ của mình, anh ta sinh ra tâm niệm xấu xa và do đó từng bước một tiến vào hoang mạc khô cằn trong tâm trí mình. Anh ta trở nên ám ảnh với vận rủi của đời mình, về sự bội tín của Thượng Đế. Anh ta dần dần nuôi dưỡng lòng oán hận. Hơn bao giờ hết, anh đâm ra nuông chiều những ảo tưởng trả thù ngày càng tinh vi hơn. Và khi làm thế, lòng kiêu ngạo của anh ta đã dâng ngang bằng quỷ Lucifer[42]. “Ta đang bị ngược đãi và áp bức”, anh ta nghĩ. “Đây là một hành tinh ngu ngốc tàn nhẫn. Ta e rằng nó rồi sẽ rơi xuống Địa Ngục thôi.” Chính điều đó đã khiến Cain đối mặt với Satan nơi hoang mạc - với mọi ý định và chủ đích - và làm mồi cho những cám dỗ của chính mình. Anh ta khiến mọi thứ trở nên tồi tệ nhất có thể, và bị thúc giục bởi (trích những lời bất hủ của John Milton):

Hận thù quá sâu, làm hủy diệt Giống loài

Của toàn Nhân loại và Thế gian cùng Địa Ngục

Hòa lẫn cùng nhau - hòng chọc giận Đấng Tạo hóa…

Cain biến thành cái Ác để đoạt lấy những thứ mà Thượng Đế từng khước từ mình và anh ta làm thế một cách tự nguyện, chủ tâm với ác ý đã định từ trước.

Song, Chúa Giê-su lại chọn một con đường khác. Sự lưu lại sa mạc của Người là đêm tối trong tâm hồn - một trải nghiệm mang tính nhân văn phổ quát và sâu sắc. Đó là hành trình tới nơi mà mỗi người trong chúng ta luôn tìm đến khi mọi thứ sụp đổ, không có bạn bè và gia đình kề cận, với nỗi thất vọng lẫn tuyệt vọng vây quanh và chủ nghĩa hư vô đen tối đang vẫy gọi ta. Và, như ta đã bàn, để minh chứng cho tính xác thực của câu chuyện này: Thời gian kéo dài 40 ngày đêm nhịn đói nơi hoang mạc sẽ đưa bạn đến nơi ấy. Theo đó, thế giới khách quan và chủ quan sẽ va chạm và hòa quyện cùng nhau. Khoảng thời gian 40 ngày có thể được hiểu là một khái niệm mang tính biểu trưng sâu sắc, phản ánh 40 năm người Do Thái phải lang thang trên sa mạc sau khi thoát khỏi ách độc tài của Pha-ra-ông và Ai Cập. Khoảng thời gian dài chìm trong âm giới của những giả định, sự hoang mang và nỗi sợ hãi đầy tăm tối - đủ lâu để du hành đến trung tâm Địa Ngục. Một cuộc hành trình để nhìn thấy những cảnh tượng mà ai cũng thực hiện được - bất kỳ ai chịu thừa nhận phần ác trong bản thân và Nhân loại với sự nghiêm túc thỏa đáng. Lịch sử cũng có sự tương đồng. Sự lưu trú trong nỗi kinh hoàng của chế độ chuyên chế suốt thế kỷ XX, với những trại tập trung, lao động khổ sai cùng những biểu hiện đàn áp tư tưởng, là một xuất phát điểm rất tốt - và cần xét đến một sự thật rằng những lính gác tồi tệ nhất ở trại tập trung đều là con người, rất con người. Tất cả những điều này phần nào khiến cho câu chuyện sa mạc hiện lên chân thật một lần nữa, và phần nào “cập nhật” nó trong suy nghĩ của người hiện đại.

Nhà nghiên cứu về chế độ độc tài Theodor Adorno từng phát biểu: “Sau thời Auschwitz, sẽ chẳng còn thơ ca.” Ông đã sai. Nhưng thơ ca nên viết về thời Auschwitz. Trong cơn thức tỉnh nghiệt ngã của thế kỷ cuối cùng thuộc thiên niên kỷ trước, sự hủy diệt khủng khiếp của con người đã trở thành vấn đề mà mức độ nghiêm trọng của nó thậm chí còn khiến vấn đề của những nỗi đau không thể bù đắp trở nên tầm thường. Và chẳng vấn đề nào trong cả hai được giải quyết nếu thiếu đi giải pháp cho vấn đề còn lại. Đây là lúc quan điểm “Chúa Giê-su nhận lấy mọi tội lỗi của nhân loại như tội lỗi của chính Người” trở thành chủ đạo, mở ra cánh cửa đến với sự thấu hiểu sâu sắc về sa mạc nơi Người tự mình đối mặt với quỷ dữ. Như kịch tác gia Térence thời La Mã cổ đại từng nói: “Homo sum, humani nihil a me alienum puto” - “Chẳng có gì thuộc về con người là xa lạ đối với ta”.

Nhà phân tâm học xuất chúng Carl Gustav Jung còn cho biết thêm: “Chẳng cây nào có thể vươn đến Thiên Đường nếu rễ của nó không bén đến Địa Ngục.” Quả là một câu nói khiến những ai đọc được phải ngỡ ngàng. Nhà phân tâm học vĩ đại này còn nhận định sâu sắc rằng ta không thể tiến lên một bước nếu không lùi lại một bước tương xứng. Vì lẽ này mà sự khai sáng mới hiếm có làm sao. Ai là người sẵn sàng làm điều ấy? Từ trong những ý nghĩ ghê sợ nhất, bạn có thực sự muốn gặp người dám đứng ra chấp nhận làm điều ấy? Eric Harris, tên giết người hàng loạt tại trường trung học Columbine, đã viết những điều không thể hiểu nổi trước khi hắn thảm sát các bạn cùng lớp của mình: Thật thú vị khi biết rằng ta thể nào cũng chết khi vẫn còn mang hình dáng con người. Mọi thứ đều có chút tầm thường trước điều đó. Ai dám giải thích một bức thư như vậy? - hoặc tệ hơn là dám bào chữa cho nó?

Ở nơi sa mạc, Chúa Giê-su đã chạm trán quỷ Satan (xem Lu-ca 4:1-13 và Ma-thi-ơ 4:1-11). Câu chuyện này có ý nghĩa tâm lý rõ ràng - hay ý nghĩa ẩn dụ - bên cạnh bất kỳ ý nghĩa hữu hình và siêu hình nào khác tương đương mà nó biểu thị. Nó đồng nghĩa Chúa Giê-su luôn là Đấng quyết tâm tự chịu trách nhiệm về sự suy đồi đến tận cùng của nhân loại. Nó có nghĩa Chúa Giê-su mãi là Đấng sẵn sàng đương đầu, trăn trở suy ngẫm và mạo hiểm trước những cám dỗ từ phần ác độc nhất trong bản chất con người. Nó đồng nghĩa Chúa Giê-su luôn là Đấng sẵn sàng đối mặt với cái ác - một cách tự giác, đủ đầy và tự nguyện - dưới hình thái cư ngụ đồng thời trong chính Người và trên thế gian. Đây không chỉ là khái niệm trừu tượng đơn thuần (mặc dù nó trừu tượng thật) và ta không thể nói đến một cách qua loa. Và nó cũng không chỉ là vấn đề trí tuệ đơn thuần.

Những người lính sau chiến tranh mắc phải hội chứng căng thẳng hậu sang chấn tâm lý (PTSD) thường khiến bệnh tình của họ nặng nề hơn, không phải vì những gì họ thấy mà vì những điều chính họ đã làm. Có thể nói, ác quỷ hiện diện đầy rẫy nơi chiến trường. Và con người mở ra cánh cửa đến Địa Ngục bằng cách tham chiến. Sẽ có thứ gì đó thoát ra và nhập vào một chàng nông dân hiền lành ở vùng Iowa không lúc này cũng lúc khác, và biến cậu thành một “con quái vật”. Cậu sẽ làm những điều kinh khủng. Cậu sẽ cưỡng đoạt, giết phụ nữ và tàn sát trẻ sơ sinh ở Mỹ Lai[43]. Và cậu chứng kiến điều mình làm. Rồi phần đen tối nào đó trong con người cậu sẽ thích thú với điều đó - và đây cũng là phần khó quên nhất. Vì sau đó, cậu không biết làm cách nào hòa hợp bản thân mình với thực tế về chính cậu, cũng như thế giới bị vạch trần kia. Chắc chắn là thế.

Trong những huyền thoại vĩ đại và sơ khai của Ai cập cổ đại, vị thần Horus - thường được xem là tiền thân của Chúa Giê-su xét về mặt lịch sử và khái niệm - cũng từng trải qua điều tương tự khi Ngài phải chiến đấu chống lại người chú độc ác Set[44], cũng là kẻ chiếm đoạt ngôi vương của Crisis, cha của Horus. Horus, vị thần chim ưng nhìn thấu mọi điều bằng cặp mắt siêu phàm, vĩnh cửu của người Ai Cập, có thừa can đảm để nhìn ra bản chất thực sự của Set và giao chiến trực tiếp với hắn. Nhưng ngay trong trận chiến với người chú đáng sợ, ý thức của thần đã bị hủy hoại cùng với việc mất một con mắt, dù cho thần có tầm vóc thánh thần và thị lực khó ai bì. Vậy một người bình thường sẽ mất đi thứ gì nếu nỗ lực làm điều tương tự? Nhưng có lẽ anh ta sẽ sở hữu được cái nhìn nội tâm và sự hiểu biết về điều gì đó tương xứng với những gì anh ta đã mất trong nhận thức về thế giới bên ngoài.

Quỷ Satan là hiện thân cho sự từ chối hy sinh; cho thói ngạo mạn; cho lòng thù oán, lừa lọc, độc ác và thói tàn bạo chủ tâm. Hắn căm ghét Con người, Thượng Đế và Hữu thể. Hắn không bao giờ biết khiêm tốn, dù hắn biết rõ mình nên như thế. Không những vậy, hắn biết chính xác những việc mình đang làm, luôn bị ám ảnh bởi khao khát hủy diệt và thực hiện điều đó theo cách thật tinh vi, thấu đáo và hoàn chỉnh. Vì thế, chỉ có hắn - nguyên mẫu của Cái Ác - mới dám đối đầu và cám dỗ Chúa Giê-su - hiện thân cho Cái Thiện. Chỉ có hắn mới dám mời mọc Đấng Cứu Thế của Nhân loại với những điều kiện phiền toái nhất mà bất kỳ con người nào cũng nhiệt thành thèm muốn.

Trước tiên, quỷ Satan cám dỗ Chúa Giê-su hãy thỏa cơn đói trong khi Người đang đói khát, bằng cách biến những hòn đá trên sa mạc thành bánh mì. Sau đó, hắn dụ dỗ Người gieo mình xuống vách đá, kêu gọi Thượng Đế và các thiên thần ngăn Người rơi xuống. Chúa Giê-su đáp lại sự cám dỗ đầu tiên như sau: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời từ miệng Đức Chúa Cha phán ra.” Câu trả lời này có ý nghĩa gì? Nghĩa là ngay trong những hoàn cảnh tận cùng đói khổ, vẫn có nhiều thứ quan trọng hơn thức ăn. Nói cách khác: Bánh mì gần như trở nên vô dụng với một kẻ đã phản bội linh hồn mình, ngay cả khi anh ta đang chết đói[45]. Chúa Giê-su rõ ràng có thể sử dụng quyền năng gần như vô hạn của Người để có được bánh ăn như Satan gợi ý - để tạo ra bánh mì hòng thỏa cơn đói, hoặc theo nghĩa rộng hơn là tạo ra mọi của cải trên trần gian (mà theo lý thuyết sẽ giải quyết được vĩnh viễn vấn đề bánh mì). Nhưng cái giá phải trả ở đây là gì? Và để đạt được gì? Tội phàm ăn ngay trong cảnh suy đồi đạo đức ư? Quả là những bữa tiệc khốn khổ và tồi tệ nhất. Vì thế, Chúa Giê-su đã nhắm đến mục đích cao cả hơn: Theo mô tả là trạng thái Hữu thể giải quyết được vấn đề đói ăn một lần và mãi mãi. Sẽ ra sao nếu tất cả mọi người chăm chăm trục lợi cho bản thân thay vì nuốt từng Lời Chúa? Điều ấy đòi hỏi từng người phải sống, phải lao động, hy sinh, giao tiếp và chia sẻ sao cho vĩnh viễn đẩy lùi cảnh túng thiếu vì đói ăn vào dĩ vãng. Và đó là cũng chính là cách giải quyết nạn đói trong cảnh thiếu thốn nơi sa mạc sao cho thực tế và triệt để nhất.

Trong các sách Phúc âm cũng tồn tại khá nhiều ngụ ý khác với hình thức kịch tính. Chúa Giê-su luôn được khắc họa như một người có quyền năng cung cấp thức ăn vô hạn. Người khiến bánh mì và cá nhiều lên gấp bội một cách kì diệu. Ngài còn biến nước thành rượu. Điều này có ý nghĩa gì? Đó là lời kêu gọi theo đuổi mục đích cao hơn trong lối sống, sao cho vừa thực tiễn nhất, vừa có giá trị cao nhất. Đó là lời kêu gọi được khắc họa trong văn chương/kịch nghệ: Hãy sống như Đấng Cứu Thế đang sống và ngươi cùng những kẻ quanh ngươi sẽ không phải chịu đói nữa. Sự nhân đức của thế gian thể hiện qua những kẻ sống đúng mực. Nó cao cả hơn một miếng bánh mì. Nó cao cả hơn đồng tiền để mua miếng bánh mì đấy. Vì Chúa Giê-su, cá nhân hoàn thiện mang tính biểu trưng đã vượt qua cám dỗ đầu tiên. Và tiếp theo là hai cám dỗ nữa.

“Hãy gieo mình xuống vực”, Satan nói, đưa ra lời cám dỗ kế tiếp. “Nếu Thượng Đế tồn tại, Ngài chắc chắn sẽ cứu ông. Nếu ông quả là con của Ngài, Ngài chắc chắn sẽ cứu ông.” Vậy vì sao Thượng Đế không tự hiển linh để cứu đứa con duy nhất của Ngài khỏi cảnh đói nghèo, bị cô lập và sự hiện diện của quỷ dữ? Nhưng điều ấy sẽ chẳng tạo nên khuôn mẫu cho cuộc sống. Nó thậm chí cũng vô ích trong văn học. Deus ex machina - hay sự xuất hiện của thế lực thần thánh giải cứu người hùng một cách thần kỳ trong lúc hiểm nguy - là mánh lới rẻ tiền nhất trong sách tiêu khiển của lũ đạo văn. Nó chế nhạo sự độc lập, lòng dũng cảm, định mệnh, ý chí tự do và tinh thần trách nhiệm. Hơn thế, Thượng Đế không phải là người bảo hộ cho kẻ đui mù. Ngài cũng không phải là kẻ nhận lệnh thi triển phép thuật, hoặc bị buộc phải tự mặc khải - dù có bởi chính Con trai Ngài chăng nữa.

“Ngươi chớ thử thách Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi” (Ma- thi-ơ 4:7), câu trả lời này tuy ngắn gọn nhưng đã loại bỏ được cám dỗ thứ hai. Chúa Giê-su không tùy tiện ra lệnh, hay thậm chí dám cầu xin Thượng Đế can thiệp nhân danh Người. Người rũ bỏ trách nhiệm đối với những sự kiện xảy đến trong cuộc đời Người. Người từ chối yêu cầu Thượng Đế tự mặc khải. Người cũng từ chối giải quyết những vấn đề liên quan đến bản chất dễ tổn thương và khả tử theo cách cá nhân đơn thuần - bằng cách thúc ép Thượng Đế cứu giúp Người - bởi điều đó không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề cho tất cả những người khác. Còn có dư vị của sự từ chối trong những niềm an ủi điên cuồng của thứ cám dỗ bị loại bỏ này. Dễ dàng là thế, nhưng sự tự nhận biết bản thân như thể loạn thần của Đấng Messiah huyền diệu cũng chỉ là sự cám dỗ đúng nghĩa dưới những hoàn cảnh khắc nghiệt trong sa mạc của Chúa Giê-su. Thay vì thế, Người từ chối sự cứu rỗi - hay thậm chí cả sự sống sót trong ngắn hạn - nếu phải phụ thuộc vào những biểu hiện siêu phàm tự yêu lấy mình và mệnh lệnh của Thượng Đế, dù Người là con của Ngài.

Sau cùng là cám dỗ thứ ba, cũng là hấp dẫn hơn tất thảy. Chúa Giê-su thấy trước mắt mình là tất cả các vương quốc trên thế gian để Người chiếm lấy. Đó chính là lời ca dụ dỗ từ quyền năng trần thế: cơ hội kiểm soát và ra lệnh cho mọi người và mọi vật. Chúa Giê-su được mời ngồi lên đỉnh của cấp bậc thống trị, với ham muốn nhục dục của mọi loài vượn trần trụi: Được vạn vật phục tùng, sở hữu những vùng đất kỳ diệu nhất, quyền năng xây dựng và gia tăng cùng khả năng thỏa mãn nhục dục vô hạn. Đó quả là cái lợi to lớn hiển nhiên. Nhưng cũng chưa phải là tất cả. Việc mở rộng hiện trạng này cũng mang đến vô vàn cơ hội cho bóng tối tự lộ mình. Sự khát máu, dâm ô và hủy diệt chiếm phần lớn trong sức hút của quyền năng. Con người không chỉ khao khát quyền năng để thoát khỏi đau khổ, hay để vượt qua sự khuất phục trước ham muốn, bệnh tật và cái chết. Quyền năng đồng nghĩa với khả năng để trả thù, bảo đảm sự quy phục và nghiền nát kẻ thù. Nếu Cain được ban đủ sức mạnh, anh ta sẽ không chỉ giết Abel. Đầu tiên, Cain sẽ tra tấn Abel không ngừng bằng mọi cách mà ta hình dung được. Và chỉ sau đó, anh ta mới giết Abel. Tiếp đến sẽ là tất cả những người khác.

Có điều gì đó thậm chí cao cả hơn các hệ thống phân cấp thống trị cao nhất, chạm đến cả những thứ mà ta không nên hy sinh cho thành công gần đơn thuần. Đó cũng là một nơi chốn có thực, mặc dù không được hình tượng hóa theo nghĩa địa lý của một địa điểm mà chúng ta thường hướng bản thân theo. Có lần tôi hình dung ra một cảnh tượng bao la, trải dài hàng nghìn dặm đến tận chân trời ngay trước mắt mình. Tôi bay trong không trung và được ban cho tầm nhìn của một chú chim. Tôi có thể thấy các tòa kim tự tháp bằng kính được phân thành nhiều tầng, cái nhỏ, cái lớn, một số chồng lên nhau, số khác lại tách biệt - tất cả đều giống những tòa nhà chọc trời hiện đại; tất cả mọi người đều cố gắng leo lên đỉnh của từng kim tự tháp. Nhưng vẫn có thứ gì đó nằm trên cả đỉnh cao ấy, một vùng bên ngoài mỗi cái kim tự tháp, nơi tất cả đều lồng vào nhau. Đó là vị trí đặc quyền mà đôi mắt có thể, hay có lẽ đã lựa chọn để tự do bay lên trên mọi xung đột. Nghĩa là nó lựa chọn không thống trị bất kỳ nhóm riêng biệt nào hay sự nghiệp cụ thể nào, mà đồng thời bằng cách nào đó đã vượt qua tất cả. Bản thân nó đã là một sự chú tâm thuần túy không bị cản trở: Một sự chú tâm vô tư, cảnh giác và đề phòng, chờ đợi hành động đúng nơi, đúng lúc như đã định. Như Lão Tử đã viết:

Kẻ mải trù tính sẽ vuột mất mục tiêu;

và kẻ cố nắm giữ nó sẽ đánh mất nó.

Hiền nhân không có ý hơn thua, nên không bị đánh bại;

cũng không cố nắm lấy nó, nên cũng không đánh mất nó.

Có một lời kêu gọi mạnh mẽ đến Hữu thể mẫu mực trong câu chuyện cám dỗ thứ ba. Để có được phần thưởng lớn nhất có thể - lập nên Vương quốc của Thượng Đế trên Trần gian, hay phục hưng Thiên Đường - mỗi cá nhân phải sống theo cách sao cho từ bỏ sự hài lòng tức thời, những ham muốn tự nhiên và ương ngạnh tương tự, bất kể chúng có mời gọi mạnh mẽ, thuyết phục và thực tế đến đâu chăng nữa, cũng như ngó lơ mọi cám dỗ của cái ác. Cái Ác khuếch đại những tai ương trong đời, gia tăng đáng kể động cơ tìm kiếm lợi lộc trước mắt do bi kịch tất yếu của Hữu thể. Nếu hy sinh càng nhiều những điều dung tục, ta sẽ tránh khỏi bi kịch dù ít hay nhiều; nhưng ta sẽ cần một kiểu hy sinh đặc biệt để đánh bại cái ác. Chính việc mô tả sự hy sinh đặc biệt ấy đã ám ảnh trí tưởng tượng của giáo đồ Ki-tô (và không chỉ người Ki-tô giáo) suốt hàng thế kỷ. Nhưng vì sao nó không mang lại hiệu quả như mong đợi? Vì sao chúng ta lại vẫn còn hoài nghi về việc chẳng có kế hoạch nào tốt hơn nhìn thẳng về phía trước, nhắm đến cái Thiện và hy sinh mọi thứ cho hoài bão ấy? Phải chăng chúng ta chỉ đơn thuần không thấu hiểu, hay cố tình xa rời - dù có hay không - khỏi con đường đúng đắn ấy?

KI-TÔ GIÁO VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN

Carl Jung đưa ra giả thuyết rằng người châu Âu đã nhận ra trí óc họ có động lực phát triển các công nghệ khoa học nhận thức - nghiên cứu thế giới vật chất - sau khi ngầm kết luận rằng Ki-tô giáo, với sự nhấn mạnh sắc như tia laser vào sự cứu rỗi linh hồn, đã không thể giải quyết thỏa đáng vấn đề khổ đau ngay trước mắt. Nhận thức này đã trở nên sắc sảo không tưởng trong ba hoặc bốn thế kỷ trước thời Phục hưng. Kết quả là một thứ ảo tưởng kỳ lạ, sâu sắc và mang tính bù đắp đã bắt đầu xuất hiện và ăn sâu trong tâm trí của toàn thể người phương Tây. Đầu tiên, nó tự biểu hiện trong những cơn ảo tưởng kỳ lạ của thuật giả kim và chỉ phát triển sau nhiều thế kỷ thành một kiểu khoa học được diễn giải đầy đủ. Chính những nhà giả kim đã bắt đầu nghiêm túc xem xét sự biến đổi của vật chất, với hy vọng khám phá ra những bí mật của sức khỏe, sự giàu có và tuổi thọ. Những kẻ mơ mộng vĩ đại này (với Newton là người lỗi lạc nhất trong số họ) đã thể nghiệm bằng trực giác rồi hình dung ra thế giới vật chất, vốn bị Giáo hội kìm hãm, nắm giữ những bí mật về sự khải huyền có thể giải thoát nhân loại khỏi nỗi khổ đau và giới hạn nơi trần thế. Chính ảo tưởng ấy, với sự hoài nghi dẫn đường, đã mang đến sức mạnh động viên to lớn trên phương diện tập thể lẫn cá nhân, cần thiết cho khoa học phát triển với những đòi hỏi cực đoan của nó dành cho cá nhân các nhà tư tưởng: Đó là phải tập trung và trì hoãn sự hài lòng.

Điều này không có nghĩa Ki-tô giáo là một sự thất bại, ngay cả trong hình thái chưa hoàn chỉnh của nó. Ngược lại, Ki-tô giáo đã đạt được những điều được cho là không thể. Giáo lý Ki-tô đề cao linh hồn mỗi cá nhân; đặt nô lệ, chủ nô, thường dân và quý tộc trên cùng một nền tảng siêu hình, khiến họ trở nên bình đẳng trước Thượng Đế và luật pháp. Ki-tô giáo quả quyết rằng vua chúa cũng chỉ như bao người khác. Vì lẽ nào đó trái ngược với mọi bằng chứng rõ ràng giúp tìm ra nền tảng của nó, mà ý tưởng cho rằng sức mạnh trần tục và sự lỗi lạc là những yếu tố biểu thị cho đặc ân cụ thể của Thượng Đế và phải được hạ thấp triệt để. Điều này đã đạt được một phần thông qua sự kiên quyết kỳ lạ của Ki-tô giáo, cho rằng không thể có được sự cứu rỗi nhờ nỗ lực hay do xứng đáng - tức thông qua “công việc”. Bất kể những mặt hạn chế của nó, sự phát triển của giáo lý này đã ngăn vua chúa, quý tộc và thương gia giàu có “đè đầu cưỡi cổ” dân thường. Kết quả là, quan niệm siêu hình về sự siêu việt ngầm ẩn của mỗi người và mọi linh hồn tự nó đã chống lại những điều bất khả thi, như định kiến cơ bản trong luật pháp và xã hội phương Tây. Đó không phải là trường hợp của thế giới thời quá khứ, cũng không phải là trường hợp của hầu hết các địa điểm trên thế giới thời nay. Thực ra, chẳng có phép màu gì cả (và chúng ta nên giữ vững sự thật này ngay trước mắt), xã hội nô lệ theo cấp bậc của tổ tiên chúng ta đã tự tổ chức dưới ảnh hưởng của sự mặc khải về đạo đức/tôn giáo, sao cho quyền sở hữu và thống trị tuyệt đối của ai đó đều bị xem là sai trái.

Điều đó cũng sẽ giúp chúng ta nhớ rằng công dụng tức thời của chế độ nô lệ là hiển nhiên; và lập luận “kẻ mạnh nên thống trị kẻ yếu” là thuyết phục, tiện lợi và thực tế rõ ràng (chí ít là đối với kẻ mạnh). Điều này đồng nghĩa một lời chỉ trích mang tính cách mạng nhằm vào mọi thứ mà xã hội nô lệ xem trọng là điều cần thiết, trước khi thực tiễn bị đặt dấu hỏi, huống chi là ngăn chặn (bao gồm cả ý tưởng tranh thủ sức mạnh và quyền lực để giúp chủ nô trở nên cao quý, bao gồm cả ý tưởng nền tảng cho rằng thứ quyền lực mà giới chủ nô vận dụng là có cơ sở, thậm chí cao thượng). Ki-tô giáo đã làm sáng tỏ một tuyên bố đáng ngạc nhiên rằng ngay cả người thuộc tầng lớp thấp nhất cũng có các quyền chính đáng, đích thực - và nhà nước cùng quân chủ ấy phải có bổn phận đạo đức ở mức cơ bản là thừa nhận những quyền này. Ki-tô giáo đã nêu rõ một ý tưởng thậm chí còn khó lĩnh hội hơn, rằng hành động sở hữu con người đã hạ thấp kẻ buôn nô lệ (trước đây được xem là tầng lớp quyền quý) thậm chí còn hơn cả nô lệ. Chúng ta không hiểu được ý tưởng ấy khó nắm bắt đến nhường nào. Chúng ta quên rằng điều ngược lại đã được thể hiện rành rành xuyên suốt lịch sử nhân loại. Chúng ta nghĩ rằng khao khát thống trị và nô dịch cần được lý giải. Nhưng một lần nữa, chúng ta lại làm ngược lại.

Điều này không có nghĩa bản thân Ki-tô giáo không có vấn đề gì. Tuy nhiên, sẽ đúng hơn nếu lưu ý rằng chúng là kiểu vấn đề chỉ dấy lên khi những vấn đề nghiêm trọng khác đã được giải quyết hoàn toàn. Xã hội được hình thành bởi Ki-tô giáo ít man rợ hơn là xã hội ngoại giáo - kể cả người La Mã - vốn đã bị thay thế. Xã hội Ki-tô giáo chí ít cũng thừa nhận rằng việc cho những con sư tử hiếu chiến “xơi tái” dân nô lệ nhằm mục đích giải trí cho quần chúng là sai lầm, ngay cả khi hành động man rợ ấy vẫn tồn tại. Giáo hội phản đối việc giết trẻ con lẫn gái mại dâm và về mặt nguyên tắc thì điều đó có thể đúng. Nó khẳng định rằng phụ nữ cũng đáng quý như nam giới (tuy chúng ta vẫn đang nỗ lực biểu thị sự quả quyết ấy về mặt chính trị). Nó đòi hỏi ngay cả kẻ thù của xã hội cũng phải được xem là con người. Cuối cùng, giáo hội được tách riêng ra khỏi nhà nước để các vị hoàng đế không thể tiếp tục khẳng định lòng tôn kính thần linh. Tất cả những yêu cầu trên từng là không thể. Nhưng cuối cùng đã xảy ra.

Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng Ki-tô giáo phát triển, những vấn đề bất khả thi mà nó đã giải quyết liền biến mất. Đó là chuyện xảy ra với những vấn đề bị xóa sổ. Và sau khi giải pháp được thực hiện, ngay cả thực tế rằng những vấn đề từng tồn tại ấy cũng biến mất hẳn. Và chỉ sau đó, những vấn đề còn tồn đọng, ít có khả năng được giải quyết nhanh chóng bằng học giáo lý Ki-tô, mới chiếm lấy vị trí trung tâm trong ý thức của phương Tây - ví dụ, sự phát triển của khoa học là nhằm mục đích giải quyết nỗi khổ hữu hình, vật chất mà vẫn còn tồn tại đau đớn trong các xã hội Ki-tô giáo một cách thành công. Thực tế, sự ô nhiễm do xe hơi chỉ trở thành vấn đề đủ lớn để thu hút sự chú ý của công chúng khi các vấn đề tồi tệ hơn đã được động cơ đốt trong giải quyết xong và biến mất. Những người sống trong đói nghèo sẽ không quan tâm đến carbon dioxide. Nó không hẳn liên quan đến nồng độ CO2 có trong không khí. Mà rõ ràng là không liên quan khi bạn tự đẩy mình đến cái chết, cái đói, đến cảnh đào xới miếng ăn từ mảnh đất đầy sỏi đá, khô cằn với quả độc nơi “bụi gai hay bụi tật lê”. Nó chẳng liên quan mấy cho đến khi máy kéo được phát minh và hàng trăm triệu người không còn đói khát. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, khi Nietzsche đã vào cuộc ở cuối thế kỷ XIX, các vấn đề chưa giải quyết của Ki-tô giáo đã lên đến đỉnh điểm.

Nietzsche đã mô tả mình, không hề phóng đại, đang giải quyết vấn đề trên quan điểm triết học bằng một chiếc búa. Sự phê phán vùi dập của ông đối với Ki-tô giáo - đã gây suy yếu bởi chính mâu thuẫn với nền khoa học mà nó sinh ra - liên quan đến hai tuyến tấn công chính. Đầu tiên, Nietzsche cho rằng chính nhận thức về chân lý mà Ki-tô giáo từng phát triển cao nhất sau cùng quay lại đặt dấu chấm hỏi và hủy hoại những định kiến cơ bản của đức tin. Điều đó một phần là sự khác biệt giữa luân lý - hay chân lý được truyền lại - với sự thật khách quan vẫn chưa được lĩnh hội đầy đủ (và do đó mà vốn được giả định từ đầu không nhất thiết phải tồn tại) - nhưng điều đó không hề hạ thấp quan điểm này. Ví dụ, ngay cả những người theo chủ nghĩa vô thần hiện đại chống lại Ki-tô giáo cũng coi thường những ai theo trào lưu chính thống, cứ khăng khăng những gì được ghi chép về sự sáng tạo trong Sáng thế ký đều là sự thật khách quan; họ đang vận dụng ý thức của họ về sự thật, vốn đã phát triển cao qua nhiều thế kỷ của văn hóa Ki-tô giáo, để tham gia vào cuộc tranh luận này. Nhiều thập kỷ sau, Carl Jung tiếp tục phát triển các lập luận của Nietzsche, chỉ ra rằng châu Âu đã tỉnh giấc trong thời kỳ Khai sáng, như thể giấc mơ Ki-tô giáo - lưu ý rằng mọi sự đều đã định sẵn - có thể và nên được đặt vào vòng nghi vấn. “Thượng Đế đã chết,” Nietzsche nói. “Thượng Đế vẫn chết. Và chúng ta đã giết Ngài. Làm thế nào chúng ta, những kẻ giết người kinh khủng nhất trong mọi kẻ giết người, có thể an ủi bản thân mình? Điều thiêng liêng nhất và quyền năng nhất mà thế giới từng sở hữu đến nay đã đổ máu dưới lưỡi dao của chúng ta. Ai sẽ lau sạch vết máu ấy cho chúng ta đây?”

Theo Nietzsche, các giáo điều trọng tâm của đức tin Tây phương đã không còn đáng tin nữa, nếu xét theo cái mà phương Tây nay xem là chân lý. Nhưng đó là đòn tấn công thứ hai của ông - lên việc loại bỏ gánh nặng đạo đức đích thực của Ki-tô giáo trong sự phát triển của giáo hội - đó mới là điều tai hại nhất. Triết gia đã cầm búa nện thẳng vào dòng tư tưởng Ki-tô giáo được hình thành từ sớm và có ảnh hưởng lớn: Ki-tô giáo ấy có ý chấp nhận giả thuyết về sự hy sinh của Chúa Giê-su, và chỉ có sự hy sinh ấy mới cứu chuộc nhân loại. Điều này tuyệt nhiên không có nghĩa rằng một Ki-tô hữu tin việc Chúa Giê-su chết trên thập giá là để cứu rỗi loài người, vì từ đó thoát khỏi mọi nghĩa vụ đạo đức cá nhân. Nhưng nó hàm ý mạnh mẽ rằng trách nhiệm cứu chuộc chính yếu của Đấng Cứu thế đã được thực hiện và chẳng còn trách nhiệm nào quá quan trọng cho những phận người sa ngã còn lại.

Nietzsche tin rằng thánh Paul (Phao-lô) và sau đó là những tín đồ Tin Lành theo tư tưởng Luther, đã loại bỏ trách nhiệm đạo đức khỏi giáo đồ Ki-tô. Họ đã “tưới tắm” cho ý tưởng bắt chước Chúa Giê-su. Sự bắt chước này là nhiệm vụ thiêng liêng của tín đồ: Không tuân theo (hoặc chỉ đơn thuần nói miệng) một tập hợp các tuyên bố về tín niệm trừu tượng, mà thay vì thế sẽ thực sự biểu lộ tinh thần của Đấng Cứu thế trong những điều kiện đặc biệt, cụ thể trong đời sống - để nhận ra hoặc hóa thân thành nguyên mẫu, như Jung đã từng; để khoác lên người tấm khuôn vĩnh hằng bằng máu thịt. Nietzsche viết: “Các Ki-tô hữu chưa bao giờ hành động đúng theo những gì Chúa Giê-su đã định cho họ; và cuộc đối thoại ba hoa trơ tráo về ‘sự biện minh bằng đức tin’, cũng như tầm quan trọng tối cao và duy nhất của nó chỉ là hậu quả của sự thiếu can đảm lẫn ý chí của giáo hội nhằm tuyên xưng các bổn phận mà Chúa Giê-su yêu cầu.” Nietzsche thực sự là một nhà phê bình có một không hai.

Niềm tin giáo điều trong các tiên đề trọng tâm của Ki-tô giáo (sự đóng đinh Chúa Ki-tô đã cứu chuộc thế gian; sự cứu rỗi được dành cho đời sau; sự cứu rỗi không thể có được nhờ những việc ta làm) có ba hệ quả tương hỗ cho nhau: Thứ nhất là sự mất giá trị tầm quan trọng của cuộc sống trên trần thế, như thể chỉ kiếp sau mới có ý nghĩa. Điều này cũng đồng nghĩa nó chấp nhận việc lờ đi và trốn tránh trách nhiệm cho những đau khổ hiện đang tồn tại. Thứ hai là sự chấp nhận hiện trạng theo hướng thụ động, vì trong bất kỳ trường hợp nào, sự cứu rỗi cũng không thể có được thông qua nỗ lực trong đời (đây cũng là hệ quả mà Marx chế giễu, với tuyên bố rằng tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng[46]. Và thứ ba, cũng là cuối cùng, là tín đồ có quyền từ bỏ bất kỳ gánh nặng đạo đức có thực nào (tín niệm được khẳng định thông qua ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su), vì Con trai Thượng Đế đã làm hết phần việc quan trọng. Đó chính là lý do Dostoevsky, người có ảnh hưởng lớn đến Nietzsche, cũng đã chỉ trích thể chế Ki-tô giáo (mặc dù ông cũng gây tranh cãi khi chế ngự nó theo cách nhập nhằng hơn, nhưng cũng tinh vi hơn). Trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov của mình, Dostoevsky đã dựng nên một siêu nhân vô thần tên Ivan. Và Ivan đã kể một câu chuyện nhỏ nhan đề “Viên Đại Pháp quan” mà tôi xin giản lược như sau:

Ivan trò chuyện với người em trai Alyosha - người đang bị coi khinh trong vai trò tu sĩ tập sự - về việc Chúa Ki-tô giáng trần một lần nữa vào thời điểm Tòa án dị giáo Tây Ban Nha thẩm án. Việc Đấng Cứu thế trở lại đã gây náo động đúng như mong đợi. Người chữa lành cho người bệnh. Người khiến người chết sống dậy. Việc làm của Người thu hút sự chú ý của Đại Pháp quan. Vị này ngay lập tức bắt giữ và tống Người vào tù. Sau đó, ông ta ghé thăm Người. Ông thông báo với Chúa Giê-su Ki-tô rằng sự xuất hiện của Người không còn cần thiết nữa. Sự trở về của Người là mối đe dọa quá lớn đối với Giáo hội. Vị Đại Pháp quan nói với Chúa Giê-su rằng gánh nặng mà Người đặt lên loài người - tức gánh nặng về sự tồn tại trong đức tin và chân lý - đơn giản là quá cao diệu để người phàm chịu đựng nổi. Vị Đại Pháp quan cam đoan rằng Giáo hội, bằng tất cả khoan dung, đã xóa nhòa thông điệp ấy, gỡ bỏ đòi hỏi về Hữu thể hoàn hảo khỏi đôi vai của giáo hữu, và thay vào đó, đã mang đến cho họ những lối thoát đơn giản hơn đến đức tin và kiếp sau. Theo lời vị Đại Pháp quan, cách ấy đã hữu hiệu suốt hàng thế kỷ và điều cuối cùng mà Giáo hội cần đến sau mọi nỗ lực đó là sự trở lại của Người để khẳng định rằng con người phải cam chịu gánh nặng ấy ngay từ đầu. Chúa Giê-su Ki-tô im lặng lắng nghe. Sau đó, khi Viên Đại Pháp quan xoay người rời đi, Chúa Giê-su đã ôm lấy ông, rồi đặt một nụ hôn lên môi ông. Vị Pháp quan tái mặt vì sốc. Rồi ông ta bỏ đi khi vẫn để cửa mở.

Sự sâu sắc của câu chuyện này cùng sự vĩ đại của tâm hồn cần thiết để tạo ra nó không hề được phóng đại ở đây. Dostoevsky, một trong những thiên tài văn chương vĩ đại nhất mọi thời, phải đối đầu với những vấn đề tồn tại nghiêm trọng nhất trong mọi tác phẩm vĩ đại của ông, và ông đã làm điều này một cách quả cảm, không màng tới hậu quả. Tuy rõ là một Ki-tô hữu, nhưng ông vẫn cứng rắn từ chối làm một kẻ bù nhìn cho các đối thủ duy lý và vô thần của mình. Mà ngược lại: Như trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov, nhà vô thần Ivan lập luận chống lại những định kiến của Ki-tô giáo bằng lòng nhiệt huyết và sự rõ ràng khó ai sánh bằng. Alyosha, người luôn gắn bó với Giáo hội bằng tính khí lẫn quyết định của mình, đã không thể bác bỏ lập luận nào của anh mình (dù đức tin của ông không hề lay chuyển). Dostoevsky biết và thừa nhận rằng Ki-tô giáo đã bị đánh bại bởi cơ sở duy lý - thậm chí bởi trí tuệ - nhưng (và đây mới là điều quan trọng hàng đầu) ông đã không trốn tránh sự thật này. Ông đã không cố gắng bác bỏ hoặc lừa dối, hay thậm chí là châm biếm để làm suy yếu lập trường đối nghịch với những gì ông tin là đúng nhất và quý giá nhất. Thay vì nói suông, ông đã giải quyết thành công vấn đề. Ở cuối cuốn tiểu thuyết, Dostoevsky đã cho nhân cách tốt đẹp của Alyosha - sự can đảm bắt chước Chúa Giê-su của kẻ mới tu tập - giành chiến thắng ngoạn mục trước tài trí xuất chúng, vô thần của Ivan.

Giáo hội Ki-tô mà viên Pháp quan mô tả cũng là giáo hội mà Nietzsche đã bêu riếu. Với một nhà nước ấu trĩ, mộ đạo, gia trưởng và phục tùng, giáo hội ấy là mọi điều thối nát bị các nhà phê bình Ki- tô giáo hiện đại phản đối. Bằng toàn bộ tài năng của mình, Nietzsche đã cho phép bản thân nổi giận, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ với phán xét ấy. Theo đánh giá của riêng tôi, đây chính là điểm mà Dostoevsky đã thực sự vượt qua Nietzsche - nơi văn chương vĩ đại của Dostoevsky vượt qua triết lý đơn thuần của Nietzsche. Viên Đại Pháp quan của văn hào Nga là hình mẫu chân thực ở mọi khía cạnh. Ông ta là một kẻ chất vấn cơ hội, hoài nghi, thao túng và độc ác, sẵn sàng bức hại người dị giáo - thậm chí là tra tấn và giết họ. Ông ta mang đến một tín điều mà ông ta biết rõ là sai trái. Nhưng Dostoevsky đã để Chúa Giê-su, người hoàn hảo nguyên mẫu, hôn ông ta bất chấp. Quan trọng không kém là sau nụ hôn ấy, viên Đại Pháp quan đã rời đi với cánh cửa vẫn mở để Chúa Giê-su thoát khỏi màn hành hình đang chờ đợi. Dostoevsky nhận thấy cấu trúc bề thế nhưng mục ruỗng của Ki-tô giáo vẫn xoay xở dành được chỗ cho Đấng Sáng thế. Đó là lòng biết ơn của một linh hồn khôn ngoan và sâu sắc dành cho trí tuệ thường hằng của phương Tây, bất chấp những lỗi lầm của nó.

Không phải là Nietzsche không muốn có đức tin - cụ thể hơn là đức tin Công giáo. Nietzsche tin rằng truyền thống “mất tự do” lâu đời đặc trưng cho đạo Ki-tô giáo điều - nhấn mạnh rằng ta có thể giải thích mọi thứ trong giới hạn của thuyết siêu hình duy nhất và toàn diện - là điều kiện tiên quyết cần cho sự xuất hiện của trí tuệ hiện đại, khuôn phép nhưng hiện đại. Như ông khẳng định trong tác phẩm Bên kia bờ thiện ác.

Tinh thần bị thúc phược lâu dài… cái ý chí tinh thần bền bỉ muốn phô diễn mọi biến cố theo phác đồ của Ki-tô giáo và không ngừng tái phát hiện cũng như biện hộ cho một vị Thượng Đế Ki-tô giáo trong mọi sự ngẫu nhiên tùy tiện: Tất cả mọi sự thô bạo, võ đoán, cứng nhắc, uy hiếp, phản lý trí ấy chính là cách thức mà tinh thần châu Âu đã được đào luyện để trở thành bạo liệt, tọc mạch và cơ xảo: Phải thừa nhận rằng, qua đó rất nhiều sinh lực và tinh thần không thể thay thế được ắt phải bị áp chế, bóp nghẹt và hủy hoại.

Đối với Nietzsche cũng như Dostoevsky, tự do - ngay cả khả năng hành động tự do - đòi hỏi sự ràng buộc. Vì lý do này, cả hai đều thừa nhận sự cần thiết sống còn của giáo điều Giáo hội. Cá nhân phải bị ràng buộc, đóng khuôn - thậm chí còn cận kề sự hủy diệt - bằng một kết cấu kỷ luật chặt chẽ, cố kết trước khi anh ta có thể hành động tự do và thành thục. Dostoevsky, với sự rộng lượng bao la trong tâm hồn, đã ban cho giáo hội - dù mục ruỗng như lẽ tự nhiên - với một yếu tố khoan dung nhất định, và một chủ nghĩa thực dụng nhất định. Ông thừa nhận rằng, tinh thần của Chúa Giê-su, Ngôi lời được sinh ra trên thế giới đã và vẫn sẽ tìm được nơi an nghỉ của nó - và cả quyền lực tối cao của nó - suốt lịch sử của nó, trong cấu trúc giáo điều ấy.

Nếu một người cha kỷ luật con trai mình đúng cách, thì rõ ràng là anh ta đang can thiệp vào sự tự do của thằng bé, cụ thể là trong hiện tại. Anh ta đặt ra những giới hạn đối với biểu hiện tự nguyện ở Hữu thể của con trai mình, buộc nó phải tìm thấy vị trí của mình như một thành viên hòa nhập xã hội trên thế giới. Một người cha như thế đòi hỏi mọi tiềm năng của đứa con trẻ sẽ chảy xuống theo một dòng duy nhất. Khi đặt ra những giới hạn như thế đối với con trai của mình, anh ta có thể bị xem là một thế lực phá hoại. Hành động ấy có thể biến sự phong phú màu nhiệm thời thơ ấu thành một thực tế nhỏ hẹp đơn lẻ. Nhưng nếu không hành động như thế, anh ta sẽ khiến cho con trai mình mãi là một Peter Pan khác, một cậu bé vĩnh hằng, Vua của Đám trẻ Lạc loài, Chủ nhân của vùng đất Neverland không có thực. Đó không phải là một phương án thay thế có thể chấp nhận về mặt đạo đức.

Giáo điều của Giáo hội bị suy yếu bởi tinh thần của sự thật do chính Giáo hội phát triển mạnh mẽ. Sự suy yếu ấy lên đến cực điểm với cái chết của Thượng Đế. Thế nhưng, cấu trúc giáo điều của Giáo hội là một cấu trúc kỷ luật cần thiết. Một khoảng thời gian bó buộc kéo dài - tuân theo một cấu trúc diễn giải duy nhất - là cần thiết cho sự phát triển của một tâm trí tự do. Tín điều Ki-tô giáo mang đến sự bó buộc ấy. Nhưng giáo điều đã chết, chí ít nhất là trong suy nghĩ phương Tây hiện đại. Nó đã tàn lụi cùng với Thượng Đế. Tuy nhiên, những gì xuất hiện sau cái thây ma của nó - và đây là vấn đề trọng tâm - là thứ gì đó hơn cả cái chết; một thứ gì đó chưa từng sống kể cả trong quá khứ: chủ nghĩa hư vô, cùng với sự nhạy cảm không kém phần nguy hiểm đối với những ý tưởng mới mẻ, bao gộp và toàn mỹ. Chính hậu quả từ cái chết của Thượng Đế đã gây nên những nỗi kinh hoàng chung của Chủ nghĩa toàn trị và Chủ nghĩa Phát-xít đã xuất hiện (như Dostoevsky và Nietzsche đã từng dự đoán). Về phần Nietzsche, ông cho rằng mỗi cá nhân sẽ phải tự sáng tạo ra giá trị của riêng mình do hậu quả từ cái chết của Thượng Đế. Nhưng yếu tố này trong suy nghĩ của ông dường như quá yếu ớt về mặt tâm lý: Chúng ta không thể sáng tạo ra giá trị cho riêng mình, bởi vì chúng ta không thể đơn thuần áp đặt những gì mình tin tưởng vào tâm hồn mình. Đây là khám phá vĩ đại của Carl Jung - có được nhờ nghiên cứu sâu sắc các vấn đề mà Nietzsche nêu ra.

Chúng ta nổi dậy chống lại chủ nghĩa độc tài của chính mình cũng nhiều như của người khác. Tôi không thể cứ thể ra lệnh cho mình hành động và bạn cũng không thể. Tôi nói: “Mình sẽ thôi trì hoãn”, nhưng tôi lại không làm. Tôi nói: “Mình sẽ ăn đúng bữa”, nhưng rồi lại không. Tôi nói: “Mình sẽ chấm dứt hành động bê tha khi say xỉn”, nhưng cũng không làm. Tôi không thể đơn thuần biến bản thân thành hình ảnh mà trí tuệ của tôi dựng lên (đặc biệt nếu trí tuệ ấy bị một lý tưởng chiếm hữu). Tôi có bản chất riêng, bạn cũng thế và chúng ta đều thế. Chúng ta phải khám phá ra bản chất ấy và tranh đấu với nó trước khi làm hòa với chính mình. Nó là gì, mà chúng ta thực sự là ai? Chúng ta có thể thực sự trở thành điều gì, khi biết mình thực sự là thứ gì rõ nhất? Chúng ta phải đi đến tận cùng những điều ấy trước khi thực sự trả lời các câu hỏi trên.

NGHI NGỜ, CHỈ LÀ CHỦ NGHĨA HƯ VÔ

Hơn 300 năm trước thời Nietzsche, triết gia lỗi lạc người Pháp, René Descartes, đã đặt ra một sứ mệnh sáng suốt nhằm giải quyết mối nghi ngờ của mình một cách nghiêm túc, chia nhỏ mọi thứ để xem thứ gì là thiết yếu - xem liệu ông có thể đưa ra hay khám phá một tuyên bố đơn lẻ mà sự hoài nghi của ông không chịu tiếp thu. Ông đang tìm kiếm phiến đá móng mà trên đó có thể lập nên Hữu thể mẫu mực. Descartes đã tìm được nó đúng như những gì ông quan tâm, với chữ “Tôi” tư duy - chữ “Tôi” ý thức - như thể hiện trong câu nói nổi tiếng của ông: Cogito ergo sum (Tôi tư duy, thế nên tôi tồn tại). Nhưng chữ “tôi” ấy đã được khái niệm hóa từ lâu rồi. Hàng nghìn năm trước, “Tôi ý thức” chính là con mắt nhìn thấu vạn vật của Horus, vị thần vĩ đại của Ai Cập, đã đổi mới quốc gia bằng cách tham gia và rồi đương đầu với sự mục ruỗng không thể tránh khỏi. Trước đó lại có thần sáng tạo Marduk vùng Lưỡng Hà, với đôi mắt bao quanh đầu của mình và dùng lời nói màu nhiệm để sinh ra thế giới. Trong kỷ nguyên Ki-tô giáo, “Tôi” đã biến đổi thành “Logos” - “Ngôi Lời”, tức lời nói được lập thành Hữu thể ngay từ thuở sơ khai. Có thể nói Descartes chỉ trần tục hóa Ngôi Lời, chuyển đổi nó một cách rõ ràng hơn thành “cái biết ý thức và suy nghĩ”. Nói đơn giản thì đó là cái tôi hiện đại. Nhưng chính xác cái tôi ấy là gì?

Có thể hiểu rằng ở chừng mực nào đó, chúng ta có thể hiểu được những nỗi kinh hoàng của nó, còn sự tốt lành của nó lại khó định nghĩa hơn. Cái tôi là một diễn viên đại tài biểu trưng cho cái ác đang sải bước về phía sân khấu của Hữu thể, cũng như của Đức Quốc xã - những người đã lập ra các trại tập trung Auschwitz, Buchenwald, Dachau… Và ta phải xem xét cực kỳ nghiêm túc tất cả những điều ấy. Thế nhưng mặt trái của nó là gì? Điều tốt nào được xem là cái đối ngẫu cần thiết của cái ác; và trở nên hữu hình, dễ hiểu hơn bởi chính sự tồn tại của cái ác ấy? Và chúng ta có thể tuyên bố chắc nịch và rõ ràng rằng ngay cả trí tuệ duy trí - tức cơ sở mà những kẻ coi rẻ trí tuệ truyền thống luôn yêu quý - chí ít cũng là điều gì đó gần gũi, cần thiết giống như vị thần nguyên mẫu đã chết và tái sinh, vị cứu tinh vĩnh viễn của nhân loại - tức bản thân Ngôi Lời. Triết gia khoa học Karl Popper, người chắc chắn không có gì huyền bí, đã xem tư duy là phần mở rộng logic của học thuyết Darwin. Một sinh vật không biết suy nghĩ nhất định là hiện thân Hữu thể của nó. Nó chỉ đơn giản hành động theo bản năng một cách rập khuôn ngay lúc này. Nếu nó không thể biểu hiện qua hành vi những gì môi trường đòi hỏi trong khi đang làm thế, thì nó đơn giản sẽ chết. Nhưng điều đó không đúng với con người. Chúng ta có thể tạo ra những biểu hiện trừu tượng về các trạng thái tiềm năng của Hữu thể. Chúng ta có thể tạo ra một ý tưởng trong nhà hát của trí tưởng tượng. Chúng ta có thể thử nghiệm đối chiếu nó với những ý tưởng khác, những ý tưởng của người khác của chính thế giới. Nếu nó sai, chúng ta có thể bỏ qua. Theo phát biểu hệ thống của Popper, chúng ta có thể để những ý tưởng của chúng ta chết thay cho mình. Rồi đến phần thiết yếu: Người tạo ra các ý tưởng ấy có thể cứ thế tiếp tục so sánh, mà không bị cản trở bằng sai sót. Niềm tin vào phần con người bên trong chúng ta, cái phần tiếp tục vượt qua cái chết “ý tưởng chết” ấy là điều kiện tiên quyết để tư duy.

Ý tưởng không giống với thực tế. Thực tế là thứ gì đó đã chết trong chính nó. Nó không có ý thức, không sức mạnh ý chí, không động lực và không hành động. Có hàng tỉ những thực tế đã chết. Mạng Internet là nghĩa địa của những thực tế đã chết. Nhưng chính ý tưởng mới giữ cho một người còn sống. Nó muốn thể hiện bản thân, muốn sống trong thế giới này. Chính vì lý do này mà các nhà tâm lý học - lỗi lạc nhất là Freud và Jung - nhấn mạnh rằng tinh thần của con người là chiến trường dành cho các ý tưởng. Mỗi ý tưởng có một mục tiêu. Nó muốn điều gì đó. Nó định ra một cấu trúc giá trị. Một ý tưởng tin rằng những gì nó nhắm tới phải tốt hơn những gì nó đang có. Nó giản lược thế giới thành những điều hỗ trợ hoặc cản trở sự hiện thực hóa của nó, và hạn chế mọi thứ khác không liên quan. Ý tưởng định nghĩa nên hình ảnh trên một phông nền. Một ý tưởng là một tính cách, chứ không phải một thực tế. Khi tự biểu hiện trong một người, nó có khuynh hướng mạnh mẽ biến người ấy thành hiện thân của nó: Thúc đẩy người đó hành động. Đôi khi, sự thúc đẩy ấy (hay nói cách khác là sự chiếm hữu) có thể mạnh đến mức khiến người đó thà chết còn hơn là để ý tưởng bị hủy hoại. Nói chung, đây là một quyết định tồi khi xét rằng thường chỉ có ý tưởng cần phải chết, còn người nắm giữ ý tưởng ấy có thể thôi làm hiện thân cho nó, thay đổi lối tư duy của mình và sống tiếp.

Nói theo cách hình tượng hóa đầy kịch tính của tổ tiên chúng ta: Những điều xác tín cơ bản nhất mới phải chết - phải bị hy sinh - khi mối quan hệ với Thượng Đế bị phá vỡ (ví dụ như khi những đau khổ quá thể và thường không thể chịu nổi cứ xuất hiện thường xuyên, chúng sẽ chỉ ra điều gì đó cần thay đổi). Điều này đồng nghĩa không có gì khác ngoài một tương lai tốt đẹp đang chào đón nếu chúng ta biết hy sinh thỏa đáng ở hiện tại. Không có loài vật nào khác nhận biết được điều này, và chúng ta đã phải mất hàng trăm nghìn năm để có được điều đó. Phải mất thêm bao niên kỷ quan sát và thờ phụng anh hùng nữa, rồi thêm hàng thiên niên kỷ học hỏi để đúc kết ý tưởng ấy thành một câu chuyện. Tiếp theo, ta lại mất thêm những khoảng thời gian đằng đẵng để đánh giá câu chuyện ấy, để hợp nhất nó sao cho giờ đây ta có thể nói rằng: “Nếu có kỷ luật và đặc quyền đặt tương lai lên trên hiện tại, bạn có thể kiến thiết thực tại theo ý mình.”

Nhưng phải làm sao cho hiệu quả nhất?

Năm 1984, tôi bắt đầu bước trên con đường như của Descartes. Khi ấy, tôi không dám nghĩ rằng mình đang bước trên cùng con đường với ông và tôi cũng không dám sánh với Descartes, người được xem là một trong những triết gia vĩ đại nhất mọi thời. Nhưng tôi đã thực sự bị nỗi hoài nghi bủa vây. Khi đã hiểu hơn về thứ Ki-tô giáo nông cạn mà tôi được học khi còn trẻ, tôi liền hiểu ngay được những nguyên lý cơ bản của học thuyết Darwin. Sau đó, tôi không thể phân biệt được các yếu tố cơ bản của tín ngưỡng Ki-tô với sự không tưởng. Và rồi chủ nghĩa xã hội đã sớm hấp dẫn tôi như một sự thay thế, nhưng cũng bị chứng minh là phi thực tế không kém; theo thời gian, tôi đã hiểu ra - nhờ nhà văn George Orwell vĩ đại - rằng nhiều suy nghĩ như thế đã tìm thấy động lực trong lòng hận thù đối với người giàu có và thành công, thay vì lòng quan tâm chân thành đến người nghèo.

Bên cạnh đó, các nhà xã hội chủ nghĩa còn niềm tin mạnh mẽ vào đồng tiền. Họ chỉ nghĩ rằng nếu mọi người đều có tiền, thì những rắc rối đang hành hạ nhân loại sẽ biến mất. Điều này không hề đúng. Có rất nhiều vấn đề mà tiền không giải quyết được, mà chỉ khiến chúng tồi tệ hơn. Những người giàu vẫn ly hôn nhau, vẫn bị con cái của họ xa lánh, vẫn trăn trở trong nỗi sợ về sự tồn tại, vẫn mắc chứng ung thư và mất trí, để rồi chết trong cô độc và không được yêu thương. Những kẻ nghiện ngập đang phục hồi thì vung tiền để hút cần và nhậu nhẹt điên cuồng. Và rồi sự chán nản cứ đè nặng lên những kẻ nhàn cư vi bất thiện ấy.

Đồng thời, tôi cũng bị hành hạ bởi thực tế của Chiến tranh Lạnh. Nó ám ảnh tôi. Nó chỉ cho tôi những cơn ác mộng. Nó đẩy tôi vào sa mạc, vào trong bóng đêm của linh hồn con người. Tôi không hiểu nổi làm thế nào mà hai đối cực chính của thế giới lại nhắm vào nhau và cầm chắc sẽ hủy hoại lẫn nhau. Lẽ nào hệ thống này lại chuyên quyền và đồi bại hơn hệ thống kia? Hay đó chỉ là vấn đề quan điểm? Lẽ nào mọi cấu trúc giá trị chỉ là tấm áo của quyền lực?

Lẽ nào mọi người đều loạn trí rồi?

Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra trong thế kỷ XX? Làm sao hàng chục triệu người phải chết, phải hy sinh? Làm sao chúng ta lại phát hiện ra điều gì đó tồi tệ hơn nhiều so với tầng lớp quý tộc và những tín niệm suy đồi, rằng chủ nghĩa cộng sản và phát-xít đã tìm phương án thay thế nhau một cách hợp lý? Không ai trả lời được những câu hỏi ấy; tôi có thể khẳng định như thế. Giống như Descartes, như bị nỗi hoài nghi bủa vây. Tôi tìm kiếm chỉ một điều - bất kỳ điều gì - mà tôi có thể xem là không thể chối cãi. Tôi muốn một phiến đá nền để dựng ngôi nhà của mình trên đó. Chính nỗi hoài nghi đã cho phép tôi làm thế.

Tôi đã từng đọc một chuyện đặc biệt xảo quyệt ở trại tập trung Auschwitz. Lính gác sẽ buộc tù nhân mang một bao muối ướt nặng đến nửa tạ từ bên này sang bên kia tòa nhà rồi quay lại. Tấm biển Arbeit machtfrei được để ngay trên lối vào trại - nghĩa là “Công việc sẽ trả tự do cho các người” - và tự do chính là cái chết. Vác bao muối là một hành động giày vò vô nghĩa. Đó là một tác phẩm nghệ thuật của sự độc ác. Nó đã giúp tôi nhận ra rằng những hành động đó chắc chắn sai trái.

Aleksandr Solzhenitsyn từng viết một cách dứt khoát và thấu đáo về những nỗi khổ đau của thế kỷ XX, về nhiều người đã bị tước đi việc làm, gia đình, nhân thân và cuộc sống. Trong cuốn Quần đảo ngục tù, ở phần thứ hai của tập hai, ông đã bàn về các cuộc thử nghiệm Nuremburg[47] thứ mà ông xem là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ XX. Kết luận về những cuộc thử nghiệm ấy là gì? Có một số hành động mà tự thân chúng khủng khiếp đến mức chống lại bản chất đúng mực của Hữu thể. Về cơ bản, điều này đúng trên tất cả các nền văn hóa - xuyên thời gian và không gian. Đây là những hành động tà ác. Không có lý do gì để ta tham gia vào chúng cả. Tước đi quyền làm người của đồng loại, hạ thấp vị thế của họ xuống bằng một con ký sinh trùng, tra tấn và tàn sát mà không cần biết họ vô tội hay có tội, chỉ để tạo ra hình thái nghệ thuật của nỗi đau đớn - như thế là sai trái.

Tôi có thể không hoài nghi ư? Thực tại là bể khổ. Chẳng có gì phải bàn cãi cả. Kẻ hư vô chủ nghĩa không thể làm suy yếu nó bằng sự hoài nghi. Kẻ toàn trị chủ nghĩa cũng không thể trục xuất nó. Kẻ yếm thế không thể thoát khỏi thực tại của nó. Đau khổ là có thật và việc gây ra đau khổ cho người khác một cách xảo quyệt vì lợi ích bản thân là sai trái. Điều đó đã trở thành nền tảng trong tín niệm của tôi. Khi truy cứu những suy nghĩ và hành động thấp hèn nhất của con người, việc hiểu rằng mình có khả năng hành động như một cai ngục của Đức Quốc xã, một ủy viên trại tù chính trị hay một kẻ tra tấn trẻ em trong hầm tối, tôi đã nắm được ý nghĩa của câu nói “lấy thân chịu tội cho thế gian”. Mỗi người đều có khả năng làm việc xâu rất ghê gớm. Ngay từ đầu, mỗi người có thể không hiểu được đâu là tốt, nhưng chắc chắn hiểu đâu là xấu. Và nếu đã có điều xấu, thì hẳn sẽ có điều tốt. Nếu tội lỗi tồi tệ nhất là hành hạ người khác nhân danh chính sự giày vò ấy - thì điều tốt chính là bất cứ điều gì trái ngược với nó. Bất cứ điều gì ngăn những việc như thế xảy ra.

Ý NGHĨA LÀ CÁI THIỆN CAO ĐẸP HƠN

Chính từ đây mà tôi đã rút ra những kết luận cơ bản về đạo đức. Hướng tới mục tiêu. Tập trung chú ý. Khắc phục những gì khắc phục được. Đừng kiêu ngạo về hiểu biết của bản thân. Cố gắng luôn khiêm tốn, bởi vì niềm kiêu hãnh toàn trị tự nó biểu thị sự tàn nhẫn, đàn áp, hành hạ và chết chóc. Hãy ý thức về thiếu sót của chính mình - sự hèn nhát, ác tâm, oán giận và hận thù. Hãy suy ngẫm về ý niệm sát nhân trong chính tâm hồn mình trước khi tố cáo người khác và trước khi cố gắng vá víu lại giàn khung của thế giới. Có thể đó không phải là lỗi của thế giới. Có thể lỗi là do bạn. Bạn đã không tạo được dấu ấn. Bạn đã bỏ lỡ mục tiêu. Bạn đã không đạt đến niềm vinh quang đó của Thượng Đế. Bạn đã phạm tội. Và tất cả là những gì bạn góp phần vào sự thiếu sót và tà ác của thế giới. Và trên hết, đừng nói dối. Đừng bao giờ nói dối bất cứ điều gì. Lừa dối sẽ dẫn bạn xuống Địa Ngục. Những lời nói dối dù lớn hay nhỏ của nhà nước phát-xít đã gây ra cái chết cho hàng triệu người rồi đấy.

Sau đó, hãy ngẫm lại rằng việc giảm bớt đau đớn và khổ nhọc không cần thiết là điều tốt. Hãy lập ra một phương châm rằng: Tôi sẽ gắng hết sức hành động sao cho làm vơi bớt nỗi đau đớn và khổ nhọc không cần thiết. Ngay bây giờ, bạn đã lên đến được đỉnh cao của hệ thống cấp bậc đạo đức, một tập hợp các giả định và hành động nhằm cải thiện Hữu thể. Vì sao ư? Vì chúng ta biết phương án thay thế. Phương án này từng là thế kỷ XX. Phương án này gần sát Địa Ngục đến mức mà sự khác biệt là không đáng bàn đến. Và đối nghịch với Địa Ngục chính là Thiên Đường. Để giảm bớt đau đớn và khổ nhọc không cần thiết trên đỉnh của hệ thống phân cấp giá trị, bạn phải nỗ lực để đưa Vương quốc của Thượng Đế về với Trần thế. Đó là một hiện trạng và đồng thời cũng là não trạng.

Jung quan sát thấy rằng việc xây dựng một hệ thống luân lý như thế là điều không thể tránh khỏi - mặc dù nó vẫn được sắp xếp chưa ổn và tồn tại sự tự mâu thuẫn trong nội tại. Đối với Jung, bất kỳ điều gì nằm ở đỉnh cao hệ thống luân lý của một cá nhân đều là giá trị tối thượng của người ấy, là “Chúa” của người ấy, trong tất cả ý định và mục đích của họ. Đó là những gì người ấy thực hiện. Đó là những gì người ấy tin tưởng sâu sắc nhất. Một điều gì đó được thực hiện không phải là một sự kiện, hay thậm chí một tập hợp các sự thật. Thay vì thế, đó là một tính cách - hay chính xác hơn là lựa chọn giữa hai tính cách đối lập: Sherlock Holmes hay Moriarty; Người Dơi hay Joker; Siêu Nhân hay Lex Luthor; Charles Francis Xavier hay Magneto; và Thor hay Loki. Đó là Abel hay Cain và Chúa Giê-su hay quỷ Satan. Nếu nó nỗ lực khiến Hữu thể trở nên cao quý vì kiến lập nên Thiên Đường, thì nó là Chúa Giê-su. Nếu nó nỗ lực hủy diệt Hữu thể, khai sinh và lan truyền những đau đớn và khổ nhọc không cần thiết, thì nó chính là Quỷ Satan. Đó là thực tại nguyên mẫu không thể chối cãi.

Cái lợi trước mắt luôn thôi thúc mù quáng kéo theo sau. Đó là lợi ích ngắn ngủi. Nó hẹp hòi và ích kỷ. Nó nói dối để đạt được mục đích. Nó chẳng xem trọng điều gì cả. Đó là sự ấu trĩ và vô trách nhiệm. Ý nghĩa chính là sự thay thế đã chín muồi của nó. Ý nghĩa xuất hiện khi những thôi thúc đã được chỉnh đốn, sắp xếp và thống nhất. Ý nghĩa phát sinh từ sự giao thoa giữa các khả năng của thế giới với cấu trúc giá trị vận hành trong thế giới đó. Nếu cấu trúc giá trị nhằm khiến cho Hữu thể tốt lên, thì ý nghĩa hé lộ sẽ duy trì sự sống. Nó sẽ mang đến thuốc giải cho hỗn loạn và đau khổ. Nó khiến mọi thứ có tầm quan trọng. Nó sẽ khiến mọi thứ tốt hơn lên.

Nếu bạn hành động đúng đắn, hành động của bạn sẽ cho phép bạn hợp nhất hôm nay, ngày mai và tương lai trên phương diện tâm lý, trong khi bạn vẫn được lợi cho bản thân, gia đình và thế giới rộng lớn xung quanh. Tất cả mọi thứ sẽ xếp chồng lên nhau và nằm ngay ngắn trên một trục duy nhất. Mọi thứ sẽ đến cùng với nhau. Điều này mang lại ý nghĩa toàn diện nhất. Sự xếp chồng này là một nơi chốn trong không-thời gian, mà chúng ta chỉ có thể phát hiện ra sự tồn tại của nó bằng khả năng trải nghiệm nhiều hơn những gì được hé lộ hoàn toàn cho các giác quan của ta, vốn bị giới hạn rõ ràng trong khả năng thu thập thông tin và biểu trưng của các giác quan ấy. Ý nghĩa chiến thắng tư lợi. Ý nghĩa làm hài lòng mọi cơn bốc đồng, bây giờ và mãi mãi. Đó là lý do chúng ta có thể phát hiện ra nó.

Nếu bạn quyết định rằng sẽ không biện minh cho nỗi oán giận của mình đối với Hữu thể, bất chấp những bất công và đau khổ từ nó, bạn có thể nhận ra những điều mình có thể khắc phục để làm vơi bớt những đau đớn và thống khổ không cần thiết, dù chỉ một chút. Bạn có thể tự hỏi: “Hôm nay mình nên làm gì?” với ý nghĩa như sau: “Làm sao mình có thể sử dụng thời gian để làm mọi thứ tốt hơn thay vì tồi tệ hơn?” Những nhiệm vụ này có thể tự lên tiếng thông báo, như một đống giấy tờ bỏ dở mà bạn có thể chú tâm hoàn thành, một căn phòng mà bạn có thể tô điểm thêm vẻ hân hoan chào đón, hoặc một bữa ăn ngon hơn một chút và chứa đựng thêm sự biết ơn đến gia đình.

Bạn có thể nhận ra rằng khi tham gia vào các nghĩa vụ đạo đức trên, bạn đã đặt nhiệm vụ “khiến cho thế giới tốt lên” lên trên cùng của hệ thống phân cấp giá trị, và trải nghiệm một ý nghĩa sâu sắc hơn bao giờ hết. Đó không phải là niềm hân hoan. Đó không phải là niềm hạnh phúc. Nó là một thứ gì đó giống như sự chuộc tội cho những tội lỗi mà bạn đã gây ra và phạm phải với Hữu thể. Đó là món nợ mà bạn phải trả cho thứ phép màu điên rồ và khủng khiếp có trong sự tồn tại của bạn. Đó là cách bạn nhớ về nạn Diệt chủng Do Thái. Đó là cách bạn tạo ra sự cải thiện cho những biểu hiện bệnh lý của lịch sử. Đó là sự tiếp nhận trách nhiệm vì đã trở thành một đọa dân tiềm tàng của Địa Ngục. Đó là sự sẵn lòng phụng sự như một thiên thần chốn Thiên Đường.

Cái lợi cá nhân đang che đậy những điều xấu xa. Nó che đậy vết máu mà bạn vừa giây ra trên thảm. Nó trốn tránh trách nhiệm. Nó hèn nhát, nông cạn và sai trái. Nó sai trái vì cái lợi đơn thuần, khi được nhân lên gấp bội vì lặp lại nhiều lần, sẽ tạo ra đặc tính của loài quỷ dữ. Nó sai trái vì cái lợi chỉ chuyển lời nguyền từ bạn sang người khác, hoặc sang chính bạn trong tương lai khiến cho tương lai của bạn, và cả tương lai nói chung, tồi tệ thêm thay vì tốt hơn.

Không có đức tin, lòng can đảm và sự hy sinh trong hành động vị lợi. Không có sự chú tâm quan sát những hành động và định kiến quan trọng, hoặc nhận định rằng thế giới được cấu thành bởi những điều quan trọng. Tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống sẽ tốt hơn là có được thứ bạn mong muốn, bởi bạn vừa không biết bản thân muốn gì, vừa không biết được mình thực sự cần gì. Ý nghĩa là điều gì đó xảy đến với bạn theo ý riêng của nó. Bạn có thể lập ra các điều kiện tiên quyết, bạn có thể theo đuổi ý nghĩa khi nó tự hiện thân, nhưng bạn không thể đơn giản tạo ra nó như một hành động của ý chí. Ý nghĩa báo hiệu bạn đang đứng đúng chỗ, ở đúng thời điểm, cân bằng hợp lý giữa trật tự với hỗn loạn, nơi mọi thứ sắp thẳng hàng nhất có thể vào đúng thời khắc ấy.

Những điều vị lợi chỉ hiệu nghiệm trong khoảnh khắc. Nó nhất thời, bốc đồng và hạn chế. Trái lại, những điều có ý nghĩa là sự sắp xếp những thứ vị lợi đơn thuần vào bản giao hưởng của Hữu thể. Ý nghĩa là những lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn cả lời ca được thể hiện trong “Khúc hoan ca” (Ode to Joy) của Beethoven, một chiến thắng xuất phát từ khoảng trống của một khuôn mẫu tiếp sau một khuôn mẫu đẹp đẽ, khi mọi nhạc cụ đều chơi tròn vai, khi những giọng ca quy củ xếp trên tất cả những thứ ấy và trải rộng đến toàn bộ hơi thở cảm xúc của con người, từ sự tuyệt vọng đến niềm hân hoan.

Ý nghĩa là điều tự hiển lộ khi nhiều cấp độ của Hữu thể tự sắp xếp thành một thể hài hòa hoàn hảo, từ mô hình hạt nhân nguyên tử, tế bào, cơ quan bộ phận, cá thể, xã hội, tự nhiên rồi đến vũ trụ, để hành động ở từng cấp độ mở đường cho hành động toàn diện một cách đẹp đẽ và hoàn hảo, để quá khứ, hiện tại và tương lai bù đắp và hòa hợp với nhau cùng lúc. Ý nghĩa là những gì xuất hiện một cách đẹp đẽ và sâu sắc như một đóa hồng mới nở, thoát khỏi hư không để hòa vào ánh sáng của mặt trời và Thượng Đế. Ý nghĩa là đóa sen vươn mình lên từ đầm bùn tăm tối, sâu thẳm qua làn nước xanh trong hơn bao giờ hết, nở bừng trên mặt nước và lộ mình trước Kim Phật, rồi hoàn toàn hợp nhất với Ngài; hệt như sự mặc khải của Ý chí Thánh linh tự hiển lộ trong từng lời nói và cử chỉ.

Ý nghĩa là khi tất cả mọi thứ hội lại cùng nhau trong một vũ điệu mê ly với một mục đích duy nhất - sự tôn vinh thực tại, để dù nó bất chợt tốt đẹp thế nào, thì nó vẫn có thể trở nên tốt đẹp và tốt đẹp hơn nữa, vĩnh viễn sâu sắc hơn nữa trong tương lai. Ý nghĩa xuất hiện khi vũ điệu ấy mãnh liệt đến mức mọi điều khủng khiếp trong quá khứ, mọi sự giao tranh tệ hại kéo theo toàn bộ sự sống và toàn thể nhân loại - cho đến thời điểm ấy - đều trở thành một phần cần thiết và xứng đáng của một nỗ lực ngày càng thành công, nhằm xây dựng một điều gì đó thực sự Hùng mạnh và Tốt đẹp hơn.

Ý nghĩa là sự cân bằng tối thượng giữa một mặt là sự hỗn loạn của biến đổi và khả năng, với mặt kia là khuôn phép của trật tự nguyên sơ, với mục đích là tạo ra một trật tự mới từ sự hỗn loạn sẵn có; một trật tự thuần khiết hơn, có khả năng đem đến trật tự và hỗn loạn cân bằng hơn, hiệu quả hơn nữa. Ý nghĩa là Con đường, là lối sống sung túc hơn, là nơi ta sinh sống khi được Tình yêu và ngôn lời Chân thành dẫn lối, là khi ta chẳng muốn hoặc có thể muốn điều gì đáng được ưu tiên hơn thế.

Hãy theo đuổi những điều ý nghĩa, chứ không phải có lợi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3