12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 08
QUY LUẬT 6
ĐẶT NGÔI NHÀ BẠN TRONG MỘT TRẬT TỰ HOÀN HẢO TRƯỚC KHI CHỈ TRÍCH THẾ GIỚI
VẤN ĐỀ TÔN GIÁO
DƯỜNG NHƯ KHÔNG HỢP LÝ khi mô tả một thanh niên từng bắn chết 20 trẻ em và sáu nhân viên tại Trường Tiểu học Sandy Hook, Newtown, bang Connecticut vào năm 2012 là một con chiên ngoan đạo. Điều này cũng giống với tay súng tại rạp chiếu phim Colorado và những kẻ sát nhân tại trường Trung học Columbine. Những kẻ giết người này có vấn đề với thực tại hiện hữu trong sâu thẳm của tín ngưỡng. Như một thành viên trong bộ đôi gây thảm sát tại Columbine đã viết:
Nhân loại không đáng để tranh đấu, mà chỉ đáng để giết chóc. Hãy để cho Trái đất quay về với động vật. Chúng tất nhiên xứng đáng với thế giới hơn so với chúng ta. Chẳng có gì ý nghĩa hơn thế.
Những người suy nghĩ như vậy thường xem bản thân Hữu thể là thiên vị và khắc nghiệt đến mức mục nát, đặc biệt xem Hữu thể con người là đáng khinh. Họ tự bổ nhiệm mình làm thẩm phán của thực tại và nhận thấy nó còn khiếm khuyết. Họ là những nhà phê phán tối thượng. “Văn sĩ” cực kỳ yếm thế nói trên viết tiếp:
Nếu các người nhớ lại lịch sử của mình, thì Đức Quốc xã đã đưa ra “giải pháp cuối cùng” cho vấn đề Do Thái… Giết hết chúng! Chà, nếu các người vẫn chưa nhận ra, thì ta sẽ nói: “GIẾT HẾT LOÀI NGƯỜI!” Không ai được sống sót.
Đối với những cá nhân như thế, thế giới trải nghiệm của họ thật thiếu sót và xấu xa - chẳng khác nào Địa Ngục vậy!
Điều gì sẽ xảy ra nếu có ai đó suy nghĩ theo hướng này? Một vở kịch nổi tiếng của Đức, Bi kịch của Faust, tác phẩm của đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe, sẽ giải quyết vấn đề ấy. Nhân vật chính của vở kịch là một học giả tên Heinrich Faust, người đã bán linh hồn bất tử của mình cho quỷ dữ Mephistopheles. Đổi lại, chàng sẽ nhận được mọi điều mình khát khao trên thế gian. Trong vở kịch của Goethe, Mephistopheles là kẻ thù đời đời của Hữu thế. Hắn có một tôn chỉ trọng tâm rõ ràng:
Ta là linh hồn đã phủ nhận
Và quả thế, với tất cả những gì đáng phải chịu diệt vong khốn khổ.
Sẽ tốt hơn biết mấy nếu chẳng có sự khởi nguồn!
Nên tất cả mọi thứ ngươi gọi là tội lỗi,
Sự phá hủy, tội ác hiện thân -
Đều là nguyên tố xứng đáng cho ta.
Goethe xem cảm xúc hận thù này rất quan trọng - là chìa khóa cho yếu tố trọng tâm của khao khát hủy diệt nhân loại đầy thù hận - đến mức ông đã để cho con quỷ Mephistopheles nhắc đến nó lần nữa, với cách diễn đạt hơi khác ở Phần II của vở kịch, được viết sau đó nhiều năm.
Mọi người thường nghĩ giống như con quỷ Mephistopheles, dù hiếm khi hành động một cách tàn nhẫn như trường hợp những kẻ giết người hàng loạt ở trường học, đại học và rạp chiếu phim. Mỗi khi chúng ta trải qua cảm giác bất công, dù có thật hay tưởng tượng; mỗi khi chúng ta đối diện với bi kịch hoặc trở thành con mồi cho âm mưu của kẻ khác; mỗi khi chúng ta trải nghiệm nỗi đau đớn và kinh hoàng từ những hạn chế dường như cảm tính của mình - sự cám dỗ để chất vấn Hữu thể và rồi khốn khổ khi nó ào ạt trỗi dậy từ bóng tối. Vì sao những người vô tội lại phải chịu đựng khốn khổ đến vậy? Sao hành tinh này lại đẫm máu và kinh hoàng đến thế?
Cuộc sống thật sự rất khó khăn. Mọi người đều mang số phận phải chịu đau đớn và bị công kích đến mức bị hủy hoại. Đôi khi đau khổ rõ ràng là hậu quả từ lỗi lầm cá nhân như cố tình mù quáng, quyết định sai lầm hay nuôi dưỡng ác tâm. Trong những trường hợp như thế, khi có vẻ như ta đang tự chuốc họa vào thân, thì âu đó cũng là công bằng. Bạn có thể quả quyết rằng mọi người đáng phải chịu những gì họ gánh chịu. Nhưng dù đúng chăng nữa, đó cũng chỉ là sự an ủi lạnh lùng. Đôi lúc, nếu những người đang chịu khổ thay đổi hành vi của mình, thì cuộc sống của họ sau đó sẽ bớt bi kịch hơn. Nhưng sự kiểm soát của con người vẫn còn hạn chế. Mọi người đều dễ lâm vào cảnh tuyệt vọng, bệnh tật, già lão và chết chóc. Trong bước phân tích cuối cùng, chúng ta hình như không phải là kẻ kiến tạo nên sự mong manh của chính mình. Vậy lỗi thuộc về ai?
Những người bị ốm nặng (hoặc tệ hơn là có con bị ốm) hẳn sẽ đặt ra những câu hỏi như thế, bất kể họ có tín ngưỡng tôn giáo hay không. Điều tương tự cũng đúng với những người bị kẹt tay áo trong các bánh răng của một bộ máy quan liêu khổng lồ - những người đang phải chịu kiểm toán thuế, tranh đấu trong một vụ kiện hay một vụ ly hôn không hồi kết. Và rõ ràng không phải chỉ có người chịu khổ bị giày vò bởi nhu cầu đổ lỗi cho ai đó hay điều gì đó vì tình trạng không thể chấp nhận được trong Hữu thể của họ. Ví dụ, với danh vọng, tầm ảnh hưởng và sức mạnh sáng tạo cao vời của mình, đại văn hào Leo Tolstoy đã đặt câu hỏi về giá trị tồn tại của con người. Ông lý giải như sau:
Vị thế của tôi thật tệ hại. Tôi biết rằng mình không thể tìm thấy gì từ vốn hiểu biết duy lý ngoại trừ sự chối bỏ cuộc sống; và trong đức tin, tôi cũng không thể tìm thấy gì ngoại trừ một sự chối bỏ lý lẽ và điều này thậm chí còn bất khả thi hơn chối bỏ cuộc sống. Theo hiểu biết duy lý, nếu diễn giải tiếp thì cuộc sống là tà ác và mọi người ai cũng biết điều đó. Thì họ không cần phải sống, nhưng họ đã sống và đang sống, như bản thân tối đã từng sống, mặc dù tôi đã biết từ rất lâu rằng cuộc sống là vô nghĩa và tà ác.
Tuy đã cố gắng hết sức, nhưng Tolstoy chỉ có thể xác định bốn biện pháp để thoát khỏi những suy nghĩ như thế. Một là rút lui chẳng ngó ngàng gì đến vấn đề như thể mình vẫn là trẻ con vậy. Hai là theo đuổi khoái lạc mà chẳng cần suy nghĩ. Ba là “tiếp tục kéo lê một cuộc sống xấu xa và vô nghĩa, biết trước rằng nó chẳng đem đến điều gì”. Ông xác định được một hình thức giải thoát cụ thể bằng nhược điểm: “Những người thuộc nhóm này biết rằng chết tốt hơn là sống, nhưng họ không có đủ sức mạnh để hành động theo lý trí và nhanh chóng chấm dứt ảo tưởng bằng cách tự giết mình…”
Chỉ có hình thức giải thoát thứ tư và cuối cùng mới gắn với “sức mạnh và năng lượng. Nó bao gồm cả việc hủy hoại cuộc sống, một khi đối tượng nhận ra rằng cuộc sống là xấu xa và vô nghĩa”. Tolstoy không ngừng theo đuổi dòng suy nghĩ của mình:
Chỉ những ai vững vàng đến khác thường và nhất quán một cách logic mới hành động theo cách này. Do đã nhận ra mọi sự ngu xuẩn của trò đùa đang diễn ra với chúng ta, cũng như thấy rằng phước lành dành cho người chết lớn hơn cho người đang sống và tốt hơn là không nên tồn tại, họ sẽ hành động để chấm dứt trò đùa ngu xuẩn này; họ sử dụng bất kỳ phương tiện nào để làm điều đó: Một sợi dây quấn quanh cổ, nước, một con dao găm vào tim hay một đoàn tàu.
Nhưng Tolstoy vẫn không đủ bi quan. Sự ngu xuẩn của trò đùa đang đùa giỡn với chúng ta không chỉ thúc đẩy hành động tự sát, mà nó còn thúc đẩy hành vi giết người - giết người hàng loạt và thường đi kèm với tự sát. Đó là cách chống đối sự tồn tại hiệu quả hơn rất nhiều. Vào tháng Sáu năm 2016, thật không thể tin nổi khi có đến cả nghìn vụ giết người hàng loạt (được xác định là có từ bốn người bị bắn trở lên trong một vụ việc, ngoại trừ kẻ bắn) tại Mỹ chỉ trong vòng 1.260 ngày. Cứ mỗi sáu ngày liên tiếp thì sẽ xảy ra một vụ thảm sát trong ngày thứ năm, kéo dài hơn ba năm ròng rã. Ai cũng bảo: “Chúng tôi không hiểu.” Làm thế nào mà chúng ta vẫn mãi giả vờ như thế? Vậy mà hơn một thế kỷ trước, Tolstoy đã ngẫm ra. Và hơn 20 thế kỷ trước, các tác giả cổ đại của câu chuyện Kinh Thánh về Cain và Abel cũng hiểu rõ. Họ mô tả vụ giết người như là hành động đầu tiên của lịch sử thời hậu Địa đàng: Và không chỉ là giết người, mà còn là huynh đệ tương tàn - giết người ở đây không chỉ là giết một người vô tội, mà còn là giết đi một người lý tưởng và tốt lành; hành động giết người còn được thực hiện một cách có ý thức để trêu ngươi Đấng Tạo hóa. Những kẻ giết người ngày nay cũng mách bảo với chúng ta điều tương tự theo ngôn từ riêng của họ. Ai dám nói rằng đây không phải là nhận thức về cái chết? Nhưng chúng ta sẽ không lắng nghe, bởi vì sự thật quá đau xót như cắt vào xương. Ngay cả trí óc sâu sắc như của tác giả nổi tiếng người Nga cũng chẳng tìm thấy lối thoát. Làm sao chúng ta có thể xoay sở được, trong khi một người tầm cỡ như Tolstoy còn thừa nhận thất bại? Trong nhiều năm, ông đã giấu khẩu súng khỏi chính mình và chẳng đi đâu với một sợi dây trong tay để tránh treo cổ tự sát.
Làm sao một người có thể đủ tỉnh táo để tránh oán giận thế giới này?
TRẢ THÙ HAY BIẾN ĐỔI?
Một người theo đạo có thể siết chặt nắm đấm của mình trong nỗi tuyệt vọng vì sự bất công và mù quáng rành rành của Thượng Đế. Hay như chuyện kể lại rằng ngay cả Đấng Giê-su cũng cảm thấy bị bỏ rơi trước thập giá. Một kẻ bất khả tri hay vô thần có thể đổ lỗi cho số phận, hoặc hành thiền một cách cay đắng trước sự tàn nhẫn của vận mệnh. Một kẻ khác có thể tự xé xác mình, tìm kiếm những khiếm khuyết trong tính cách bên dưới những đau khổ và suy đồi của bản thân. Đây là toàn bộ những biến thể của cùng một chủ đề. Tên của đối tượng tuy thay đổi, nhưng tính tâm lý cơ bản vẫn giữ nguyên. Vì sao? Vì sao lại có quá nhiều sự đau khổ và tàn độc như thế?
Có lẽ đó thực sự là do những việc làm của Thượng Đế - hoặc là do lỗi của định mệnh đui mù, vô nghĩa, nếu bạn cứ suy nghĩ theo hướng ấy. Và có vẻ như ta có mọi lý do để suy nghĩ như thế. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn làm vậy? Những kẻ giết người hàng loạt tin rằng những người gây ra đau khổ cho sự tồn tại của mình là bằng chứng biện minh cho sự trừng phạt và báo thù, như những đứa trẻ sát nhân trong vụ thảm sát Columbine đã nói rõ:
Ta thà chết sớm còn hơn là phản bội lại những suy nghĩ của mình. Trước khi rời khỏi nơi vô dụng này, ta sẽ giết hết những kẻ mà ta cho rằng không xứng đáng với bất kỳ điều gì, đặc biệt là cuộc sống này. Nếu các người từng làm ta điên tiết, các người sẽ phải chết nếu để ta bắt gặp. Các người có thể chọc điên người khác và cuối cùng mọi thứ sẽ qua đi, nhưng với ta thì không. Ta sẽ không quên những kẻ đối xử tệ với ta.
Một trong những tên sát nhân thù hằn nhất của thế kỷ XX, Carl Panzram tồi tệ, đã bị hãm hiếp, hành hung và bạc đãi tại trại giáo dưỡng ở bang Minneso, nơi gã có trách nhiệm phải “phục hồi” nhân cách do phạm tội ở tuổi vị thành niên. Gã ta trỗi dậy, méo mó nhân cách đến vô chừng, rồi trở thành kẻ trộm, đốt nhà, cưỡng hiếp và giết người hàng loạt. Gã nhắm đến sự phá hoại có chủ đích và không ngừng nghỉ, thậm chí còn theo dõi giá trị của những tài sản mà gã thiêu rụi bằng đồng đô-la. Gã bắt đầu căm ghét những ai đã từng làm tổn thương mình. Sự oán giận của gã lớn dần cho đến khi lòng hận thù trong gã bao trùm lên toàn bộ nhân loại, nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Sự hủy diệt của gã nhằm vào một số lối hành xử cơ bản ở chính Thượng Đế. Không có cách nào khác để diễn đạt điều đó. Panzram hãm hiếp, giết người và đốt phá để thể hiện nỗi phẫn uất của gã đối với Hữu thể. Gã ta hành động như thể “Ai đó” phải chịu trách nhiệm. Điều tương tự cũng diễn ra trong câu chuyện về Cain và Abel. Lễ vật mà Cain dâng lên cho Thượng Đế đã bị Ngài từ chối. Cain sống trong đau khổ. Anh kêu gào Thượng Đế và thách thức Hữu thể mà Người đã tạo ra. Ngài khước từ lời cầu xin của Cain. Ngài nói với Cain rằng rắc rối là do hắn tự gây ra. Trong cơn thịnh nộ của mình, Cain đã giết chết Abel, người được Thượng Đế yêu mến (và, thật sự Abel chính là thần tượng của Cain). Tất nhiên, Cain đã ghen tỵ với người em trai thành công của mình. Hắn đã hủy diệt Abel cốt để chọc tức Thượng Đế. Đây là phiên bản hiện thực nhất cho những gì sẽ xảy ra khi con người trả thù với sự cực đoan cùng cực.
Phản ứng của Panzram (và điều này mới thật khủng khiếp) hoàn toàn có thể hiểu được. Chi tiết của cuốn tự truyện mà gã viết cho thấy gã là đại diện cho những con người mạnh mẽ và nhất quán một cách logic mà Tolstoy đã mô tả. Gã là một diễn viên quyền năng, trước sau như một và không biết sợ hãi. Gã có lòng can đảm trước những phán quyết. Làm thế nào một người như gã lại được mong đợi người khác tha thứ và lãng quên, dựa trên những gì đã xảy ra với gã? Khi những điều khủng khiếp thực sự cứ xảy đến với mọi người. Không ngạc nhiên nếu họ hành động để trả thù. Trong những tình cảnh ấy, trả thù dường như là một nhu cầu đạo đức. Làm sao để phân biệt nó với quyền đòi hỏi công lý? Sau khi trải qua sự tàn ác khủng khiếp, chẳng phải sự tha thứ chỉ là hèn nhát và thiếu ý chí thôi sao? Những câu hỏi như thế cứ dằn vặt tôi. Nhưng con người trỗi dậy từ quá khứ kinh hoàng để làm việc thiện chứ không phải việc ác, mặc dù dường như phải là siêu nhân mới đạt được điều đó.
Tôi từng gặp những người cố gắng xoay xở làm điều đó. Tôi biết một người đàn ông, một nghệ sĩ vĩ đại, xuất thân từ một “ngôi trường” giống như Panzram mô tả - anh bị ném vào đó khi chỉ mới là một đứa trẻ năm tuổi vô tội, tươi sáng sau một quãng thời gian dài nằm bệnh viện, nơi anh đã phải chịu bệnh sởi, quai bị và thủy đậu cùng lúc. Do không có khả năng hòa nhập với văn hóa trường lớp, bị cô lập khỏi gia đình, bị ngược đãi, bị bỏ đói hoặc tra tấn một cách cố ý, anh đã trỗi dậy như một kẻ phẫn nộ với tâm hồn vụn vỡ. Anh tự làm bản thân tổn thương nặng nề bằng ma túy, rượu chè và các hình thức tự hủy hoại khác. Anh căm ghét tất cả mọi người - bao gồm cả Thượng Đế, chính bản thân mình và cả số phận mờ mịt. Nhưng anh đã chấm dứt tất cả những điều đó. Anh ngưng uống rượu. Anh ngưng thù hận (mặc dù nó lại thỉnh thoảng xuất hiện vài khoảnh khắc). Anh đã làm sống lại văn hóa nghệ thuật từ truyền thống Bản địa của mình, cũng như đào tạo những người trẻ nối bước chân anh. Anh đã làm ra một cột gỗ vật tổ cao độ 15 mét để tưởng nhớ các sự kiện đã xảy ra trong đời mình, cùng một chiếc xuồng dài 12 mét từ thanh gỗ nguyên khối, mà hiện nay rất hiếm được sản xuất. Anh kéo gia đình mình đến với nhau, tổ chức một buổi tiệc tặng quà tuyệt vời với hơn 16 giờ nhảy múa cùng hàng trăm người tham dự, để bày tỏ nỗi sầu khổ của mình cũng như làm hòa với quá khứ. Anh quyết định trở thành một người tốt và sau đó đã làm những điều thật khó tin nhưng cần thiết để được sống theo cách ấy.
Tôi có một vị khách hàng không được nuôi nấng bởi phụ huynh gương mẫu. Mẹ cô mất khi cô còn rất bé. Bà của cô - người nuôi nấng cô - là một người cay nghiệt, ngoa ngoắt và chú trọng quá mức đến ngoại hình. Bà ngược đãi cháu gái của mình, trừng phạt cô bé vì những đức tính tốt đẹp nơi cô: Trí sáng tạo, nhạy bén và thông minh - bà ta không thể ngưng trút nỗi oán giận của mình lên cuộc sống phải nói là gian nan của cô cháu gái. Cô có mối quan hệ tốt hơn với người cha, nhưng ông lại là một con nghiện đã qua đời thảm hại khi đang được cô chăm sóc. Người khách hàng này có một cậu con trai. Cô quyết tâm không để cho hoàn cảnh như mình xảy đến với cậu. Cậu bé lớn lên thành một người thật thà, độc lập, chăm chỉ và thông minh. Thay vì tiếp tục lún sâu hơn vào hố đen của thứ văn hóa mà cô thừa hưởng rồi truyền lại nó, cô đã “lấp” nó lại. Cô đã từ bỏ những tội lỗi của người đi trước. Ta có thể làm được những việc như thế.
Nỗi thống khổ, dù về mặt tinh thần, thể xác hay trí tuệ, đều không nhất thiết tạo nên chủ nghĩa hư vô (hay sự chối từ triệt để những giá trị, ý nghĩa và điều đáng khát khao). Nỗi thống khổ luôn có thể được diễn giải bằng nhiều cách khác nhau.
Triết gia Nietzsche là người đã viết nên những dòng trên. Ý của ông là: Những người đã từng trải qua điều ác chắc chắn có thể khao khát duy trì nó mãi mãi bằng cách đáp trả tiếp nối. Nhưng bạn vẫn có thể học làm người tốt từ trải nghiệm xấu. Ví dụ, một cậu bé bị bắt nạt có thể bắt chước những kẻ hành hạ mình. Nhưng cậu ta cũng có thể học hỏi từ chính sự ngược đãi đối với bản thân mình rằng thật sai trái khi xô đẩy những người xung quanh và khiến cho cuộc sống của họ trở nên khốn khổ. Một đứa trẻ bị mẹ mình hành hạ có thể học được từ những trải nghiệm khủng khiếp của mình để biết rằng việc trở thành một bậc cha mẹ tốt quan trọng đến thế nào. Nhiều người, thậm chí hầu hết những người trưởng thành, ngược đãi con cái là vì chính họ từng bị ngược đãi khi còn bé. Nhưng phần lớn những người từng bị ngược đãi khi còn bé lại không ngược đãi con cái mình. Đây là một thực tế đã có từ lâu, có thể được chứng minh đơn giản bằng số học theo cách sau: Nếu một người mẹ hành hạ ba đứa con và mỗi đứa trẻ ấy sau này lại có ba đứa con… thì sẽ có ba người ngược đãi ở thế hệ đầu tiên, chín người ngược đãi ở thế hệ thứ hai, 27 người ở thế hệ thứ ba, 81 người ở thế hệ thứ tư - và cứ thế theo cấp số nhân. Sau 20 thế hệ, sẽ có hơn 10 tỉ người bị ngược đãi từ thời thơ ấu: Nhiều hơn cả số dân hiện đang sống trên hành tinh này. Nhưng thay vào đó, sự ngược đại đã dần ít đi qua từng thế hệ. Mọi người đã hạn chế sự lây lan của nó. Đó là minh chứng cho chiến thắng đích thực của cái thiện trước cái ác trong trái tim con người.
Khao khát trả thù, dù được bênh vực đến đâu, vẫn ngăn cách ta khỏi những suy nghĩ có ích. Nhà thơ T. S. Eliot đã giải thích vì sao trong tác phẩm của ông, The Cocktail Party (tạm dịch: Bữa tiệc cocktail). Một trong những nhân vật của ông không được sống tốt. Cô ấy kể về nỗi bất hạnh sâu sắc của mình với một nhà tâm thần học. Cô nói cô hy vọng rằng mọi nỗi đau cô chịu đựng là do lỗi của chính mình. Nhà tâm thần học ngạc nhiên và hỏi tại sao. Cô đã suy nghĩ rất lung về câu hỏi này rồi đi đến kết luận sau đây: Nếu đó là lỗi của cô thì còn có thể làm điều gì đó để giải quyết nó. Nhưng nếu đó là lỗi của Thượng Đế - nếu bản thân thực tại không hoàn mỹ và nhất quyết bắt cô phải chịu khổ - thì cô sẽ phải bị hủy hoại. Cô không thể thay đổi được cấu trúc của chính thực tại. Nhưng có lẽ cô sẽ thay đổi được chính cuộc đời mình.
Aleksandr Solzhenitsyn có mọi lý do để đặt câu hỏi về cấu trúc của sự tồn tại khi ông bị lưu giữ trong trại cải tạo lao động giữa thế kỷ XX. Ông đã phụng sự với tư cách là một người tiên phong của nước Nga (nhưng thiếu sự chuẩn bị) trước cuộc xâm lược của Đức Quốc xã. Rồi ông bị bắt và ném vào tù. Sau đó, ông còn mắc bệnh ung thư. Lẽ ra ông có thể trở nên căm phẫn và cay độc. Cuộc đời của ông đầy khốn khổ. Ông sống trong điều kiện hết sức ngặt nghèo. Những khoảng thời gian dài quý báu của ông đã bị tước đoạt và lãng phí. Ông đã chứng kiến sự đau khổ cùng những cái chết của bạn bè và người quen. Sau đó, ông còn mắc phải căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng. Solzhenitsyn có đủ lý do để nguyền rủa Thượng Đế. Gánh nặng ông phải chịu thật quá đỗi khó khăn.
Nhưng nhà văn vĩ đại, người bảo vệ chân lý sâu sắc và nhiệt thành đã không để cho tâm trí của mình hướng đến sự trả thù và hủy hoại. Thay vì thế, ông đã mở rộng tầm nhìn. Trải qua nhiều thử thách gian nan, Solzhenitsyn đã có cơ hội gặp gỡ những người xử sự cao thượng dù ở trong hoàn cảnh khủng khiếp. Ông ngẫm nghĩ rất sâu xa về hành vi của họ. Sau đó, ông tự đặt ra cho mình những câu hỏi khó nhất: Phải chăng chính ông đã góp phần tạo nên tai ương trong cuộc đời mình? Nếu quả là thế thì làm thế nào? Ông đã suy xét lại cuộc đời mình. Ông đã dành biết bao năm tháng trong trại cải tạo. Làm thế nào ông lại bỏ qua một dấu ấn trong quá khứ như thế? Đã bao lần ông hành động chống lại lương tâm của mình, cuốn vào những hành động mà ông biết rõ là sai trái? Đã bao lần ông phản bội và dối lừa chính mình? Có cách nào để chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ ở nơi Địa Ngục bùn lầy của trại cải tạo lao động hay không?
Solzhenitsyn đã miệt mài nghiền ngẫm kỹ lưỡng từng chi tiết trong cuộc đời mình. Ông tự vấn mình câu hỏi thứ hai và thứ ba. Giờ mình có thể ngưng phạm những sai lầm ấy không? Giờ mình có thể sửa chữa những tổn hại vì những lầm lạc trong quá khứ không? Ông đã học cách quan sát và lắng nghe. Ông tìm thấy những người mà ông ngưỡng mộ; những con người chân thành bất chấp mọi sự. Ông tự tách mình ra thành từng mảnh một, để những phần không cần thiết hay thậm chí có hại được chết dần và rồi tự phục sinh. Sau đó, ông đã viết cuốn The Gulag Archipelago. Đó là một cuốn sách dữ dội khủng khiếp, được viết với sức mạnh luân lý áp đảo sự thật không cần tô vẽ. Cuốn sách được chuyển vào phương Tây vào thập niên 1970, rồi bùng nổ trên toàn thế giới…
KHI MỌI THỨ SỤP ĐỔ
Toàn thể dân chúng đã cương quyết phản đối việc phán xét thực tại, chỉ trích Hữu thể và đổ lỗi cho Thượng Đế. Thật thú vị khi nhắc đến Cựu Ước của người Do Thái về vấn đề này. Những nỗi cơ cực của họ diễn ra theo một khuôn mẫu nhất quán. Những câu chuyện về Adam và Eve, về Cain và Abel, về Noah và Tháp Babel thực sự cổ xưa. Nguyên bản của chúng đã biến mất vào dòng chảy bí ẩn của thời gian. Phải đến câu chuyện về cơn đại hồng thủy trong Sáng thế ký mà một điều gì đó tựa như lịch sử - thứ chúng ta hiểu rõ - mới khởi đầu. Nó đã bắt đầu với Abraham. Hậu duệ của Abraham trở thành dân Do Thái trong kinh Cựu Ước, hay còn gọi là Kinh Thánh Hebrew. Họ thực hiện một giao ước với Đấng Giê-hô-va (Yahweh) - chính là Thượng Đế - và bắt đầu những cuộc phiêu lưu mà họ ghi lại trong sử sách.
Dưới sự lãnh đạo của một người vĩ đại, dân Do Thái đã tự tổ chức thành một xã hội và sau này là một đế chế. Khi vận may xuất hiện, thành công sẽ sinh ra niềm tự hào và lòng kiêu ngạo. Và sự suy đồi cũng xuất hiện. Một nhà nước ngày càng xấc xược trở nên ám ảnh với quyền lực, bắt đầu quên đi bổn phận đối với các góa phụ và trẻ mồ côi, và dần xa rời thỏa ước xa xưa với Thượng Đế. Một nhà tiên tri nổi dậy. Ông bạo gan và công khai mắng nhiếc đức vua độc tài cùng đất nước bất tín vì họ đã phụ lòng Thượng Đế - một hành động can đảm mù quáng - khi nói với họ rằng sự phán xét khủng khiếp sẽ đến. Những lời khôn ngoan của ông không bị phớt lờ hoàn toàn, chỉ là đã đến tai họ quá muộn. Thượng Đế đã trừng phạt những con dân ương ngạnh của người, đày đọa họ trong cảnh chiến bại và đời đời bị nô dịch. Sau cùng, người Do Thái đã ăn năn và quy sự bất hạnh của họ cho việc không chịu tuân theo lời Thượng Đế. Họ quả quyết rằng đáng ra họ có thể làm tốt hơn thế. Họ xây dựng lại nhà nước của mình và một chu kỳ mới lại bắt đầu.
Đời là thế. Chúng ta xây dựng những cấu trúc để sống trong đó. Chúng ta xây dựng gia đình, xây dựng thành bang và các quốc gia. Chúng ta rút ra cho bản thân các nguyên tắc mà dựa trên đó, những cấu trúc này được thành lập và xây dựng thành hệ thống tín niệm. Lúc đầu, chúng ta sống trong những cấu trúc và tín niệm giống như Adam và Eve ở Vườn Địa đàng. Nhưng thành công lại khiến chúng ta tự mãn. Chúng ta quên mất phải chú tâm. Chúng ta xem thứ mình có là hiển nhiên. Chúng ta dần mù quáng. Chúng ta không nhận ra rằng mọi thứ đang thay đổi, hay sự suy đồi đang dần bắt rễ. Và rồi mọi thứ sụp đổ. Liệu đó là lỗi của thực tại - hay là của Thượng Đế? Hay mọi thứ sụp đổ là do chúng ta không đủ cảnh giác?
Khi cơn bão ập đến New Orleans, nó đã nhấn chìm thành phố dưới những con sóng dữ. Có phải đó là thiên tai? Người dân Hà Lan đã chuẩn bị trước đê đập cho những cơn bão tồi tệ suốt hàng nghìn năm qua. Nếu New Orleans học theo họ, thì hẳn đã không có bi kịch nào xảy ra. Đó không phải là điều mà không ai biết. Đạo luật Kiểm soát Lũ lụt năm 1965 đã vạch ra những bước cải tiến trong hệ thống đê điều giúp giữ nước cho hồ Pontchartrain. Hệ thống này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 1978. Nhưng rồi 40 năm sau, chỉ có 60% công việc hoàn thành. Sự mù quáng cố ý và quan liêu này đã nhấn chìm cả thành phố trong biển nước.
Một cơn bão cũng chính là hành động của Thượng Đế. Nhưng trong khi ai cũng biết khâu chuẩn bị là điều cấp thiết thì sự thiếu chuẩn bị lại là một tội ác. Đó là thất bại trong việc hoàn thành mục tiêu. Và cái giá của tội lỗi ấy là cái chết (Rô-ma 6:23). Người Do Thái cổ luôn đổ lỗi cho chính họ khi mọi thứ sụp đổ. Họ hành động như thể sự tốt lành của Thượng Đế - sự tốt lành của thực tại - là hiển nhiên và tự chịu trách nhiệm cho thất bại của mình. Đó là tinh thần trách nhiệm điên rồ. Nhưng lựa chọn còn lại là không đánh giá thực tại đầy đủ, chỉ trích bản thân Hữu thể và là để bản thân đắm chìm trong nỗi oán giận cũng như khát khao trả thù.
Nếu bạn đang đau khổ - tốt thôi, vì chuẩn mực là thế. Sức người có hạn mà cuộc sống thì lại đầy bi kịch. Nhưng nếu bạn không chịu nổi sự đau khổ ấy và đang dần trở nên hủ bại, thì đây sẽ là điều đáng suy nghĩ.
HÃY THANH TẨY CUỘC ĐỜI BẠN
Hãy xem xét hoàn cảnh của bạn. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Bạn đã tận dụng tối đa các cơ hội mình nhận được chưa? Bạn có đang làm việc chăm chỉ vì sự nghiệp của mình, hoặc thậm chí trong công việc, hay để cho nỗi cay đắng và oán giận níu giữ và kéo bạn xuống? Bạn đã làm hòa với anh trai của mình chưa? Bạn có đang đối xử với vợ chồng và con cái mình bằng phẩm giá và sự tôn trọng chưa? Bạn có đang nhiễm những thói quen làm hại sức khỏe và làm tan vỡ hạnh phúc không? Bạn có đang thực sự gánh vác trách nhiệm không? Bạn đã nói những điều cần nói với bạn bè và người thân của mình chưa? Bạn có thể làm và bạn biết mình có thể làm điều gì để giúp mọi thứ xung quanh mình tốt lên không?
Đã bao giờ bạn thanh tẩy cuộc đời mình chưa?
Nếu câu trả lời là chưa, thì đây là điều đáng để thử: Hãy ngừng làm những điều mà bạn biết rõ là sai trái. Và ngưng ngay hôm nay. Hãy thôi phí thời gian tự hỏi vì sao bạn biết mình đang làm sai, khi bạn đã chắc chắn. Việc đặt ra câu hỏi không thích hợp có thể khiến bạn rối trí mà không sáng tỏ được gì, chưa kể còn làm chệch hướng hành động. Bạn có thể biết rõ điều gì đúng hay sai mà chẳng cần biết lý do. Toàn bộ Hữu thể của bạn có thể mách với bạn điều mà bạn không thể lý giải hay chắp nối. Mỗi con người đều quá phức tạp để ta hiểu rõ họ một cách trọn vẹn và chúng đều bao hàm thứ tri thức không thể lĩnh hội.
Vì vậy, hãy cứ dừng lại khi bạn sợ rằng - dù mập mờ chăng nữa - mình nên dừng lại. Hãy thôi hành động theo kiểu đặc biệt đê hèn. Hãy thôi nói những điều khiến bạn trở nên yếu đuối và đáng hổ thẹn. Chỉ nên nói những điều khiến bạn mạnh mẽ. Hãy chỉ làm những điều giúp bạn lên tiếng với sự tôn nghiêm.
Bạn có thể áp dụng các tiêu chuẩn phán xét của chính mình. Bạn có thể dựa vào chính mình để tìm sự chỉ dẫn. Bạn không cần phải tuân theo răm rắp một bộ luật hành xử độc đoán từ bên ngoài (mặc dù bạn không nên bỏ qua những chỉ dẫn từ văn hóa của mình. Cuộc đời ngắn ngủi và bạn không có thời gian để tự mình luận ra được tất thảy mọi thứ. Trí tuệ trong quá khứ rất khó kiếm và những tổ tiên đã khuất sẽ mách cho bạn điều gì đó hữu ích.)
Đừng đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản, cho sự bỏ mặc hoàn toàn hoặc lòng gian ác của kẻ thù. Đừng mong tái thiết nhà nước trước khi bạn đưa những trải nghiệm của chính mình vào trật tự. Bạn nên có chút khiêm nhường. Nếu bạn không thể mang lại bình yên cho ngôi nhà của chính mình, thì làm sao bạn có thể cai quản một thành phố? Hãy lắng nghe lời chỉ dẫn của tâm hồn. Hãy xem điều gì diễn ra hằng ngày hằng tuần. Khi đắm chìm trong công việc, bạn sẽ bắt đầu nói điều mình thực sự nghĩ. Bạn sẽ bắt đầu nói với vợ chồng, con cái hoặc cha mẹ về những gì bạn thực sự muốn và cần. Khi nhận ra mình chưa hoàn thành xong một việc gì đó, bạn sẽ hành động để khắc phục thiếu sót. Đầu óc bạn sẽ bắt đầu thanh lọc khi bạn ngừng lấp đầy nó bằng những điều dối trá. Kinh nghiệm sẽ ngày càng được cải thiện khi bạn thôi bóp méo nó bằng những hành động giả tạo. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu khám phá ra những điều mới mẻ, tinh tế cho thấy bạn đang làm sai. Hãy ngừng những việc này lại. Sau nhiều tháng và nhiều năm nỗ lực cần cù, cuộc sống của bạn sẽ trở nên đơn giản, bớt phức tạp hơn. Phán đoán của bạn cũng sẽ cải thiện. Bạn sẽ gỡ rối được quá khứ. Bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và bớt cay độc. Bạn sẽ bước đi tự tin hơn đến tương lai. Bạn sẽ thôi khiến cho cuộc sống của mình trở nên khó khăn không cần thiết. Rồi bạn sẽ bị bỏ mặc giữa những bi kịch trần trụi trong đời, nhưng chúng sẽ không còn trầm trọng thêm bởi nỗi cay đắng và sự dối lừa nữa.
Có lẽ bạn sẽ khám phá ra tâm hồn mình bây giờ chẳng còn nhiều vẩn đục, mà đã mạnh mẽ hơn nhiều so với trước kia, để có thể chịu được những bi kịch cần thiết, nhỏ nhặt và không thể tránh khỏi còn sót lại. Có lẽ bạn sẽ học cách đối diện với chúng để chúng mãi là bi kịch - chỉ là bi kịch mà thôi - thay vì hóa thành cái xấu xa rành rành. Có lẽ những lo lắng, tuyệt vọng, oán hận và giận dữ trong bạn - dù ban đầu có gây chết người chăng nữa - sẽ không còn. Có lẽ tâm hồn không bị vấy bẩn của bạn sau đó sẽ nhận thấy sự tồn tại của nó như là cái thiện đích thực, một điều gì đó đáng để ăn mừng ngay cả khi đối mặt với sự dễ tổn thương của chính bạn. Có lẽ bạn sẽ trở thành một thế lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết của hòa bình và mọi điều tốt đẹp.
Có lẽ bạn sẽ thấy rằng nếu tất cả mọi người làm được điều này trong cuộc đời mình, thì thế giới sẽ không còn là một nơi tà ác. Sau đó, với nỗ lực không ngừng, có lẽ nó thậm chí không còn là một nơi đầy bi kịch. Ai mà biết sự tồn tại sẽ trông ra sao nếu tất cả chúng ta quyết định phấn đấu hết sức? Ai mà biết được Thiên Đường vĩnh cửu có được tạo ra bởi tâm hồn của chúng ta, được thanh tẩy bằng chân lý và hướng đến bầu trời xanh ngắt ngay trên cõi sa đọa này?
Hãy đặt ngôi nhà bạn trong một trật tự hoàn hảo trước khi chỉ trích thế giới.