12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 07
QUY LUẬT 5
ĐỪNG ĐỂ CON BẠN LÀM NHỮNG ĐIỀU KHIẾN BẠN KHÔNG ƯA CHÚNG
THỰC SỰ ĐIỀU ĐÓ KHÔNG ỔN CHÚT NÀO
MỚI ĐÂY, TÔI ĐÃ CHỨNG KIẾN MỘT CẬU BÉ BA TUỔI lẽo đẽo theo bố mẹ mình len lỏi trong một sân bay đông đúc. Cứ khoảng năm giây, cậu bé lại la hét dữ dội - và quan trọng hơn là cậu cố ý làm như thế. Nhưng đó vẫn chưa phải giới hạn của cậu. Cũng là bậc cha mẹ, tôi biết giọng điệu ấy nghĩa là gì. Cậu bé đang chọc giận bố mẹ và hàng trăm người khác để có được sự chú ý. Có lẽ cậu cần thứ gì đó. Nhưng làm thế không phải là cách để có được điều cậu muốn và cha mẹ nên cho cậu biết điều ấy. Bạn có thể bào chữa rằng “có lẽ hai vị ấy đã mệt lử vì bị lệch múi giờ sau một chuyến bay dài”. Nhưng chúng ta chỉ cần bỏ ra 30 giây để cẩn thận giải quyết thẳng vấn đề là đã chấm dứt được cảnh tượng đáng xấu hổ này. Các bậc cha mẹ chu đáo hơn sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai họ thực sự quan tâm trở thành đối tượng bị đám đông xem thường.
Tôi cũng đã chứng kiến một cặp vợ chồng nọ, vì không thể hoặc không muốn từ chối đứa con lên hai của mình mà buộc phải theo sát cậu bé mọi lúc mọi nơi, trong một chuyến đi mà lẽ ra phải là cuộc dạo chơi đầy thú vị. Đó là vì cậu bé hành xử quá hư đốn nếu không được coi sóc chi li như thế, để rồi không thể có được một giây tự do đúng nghĩa nào mà không phát sinh rủi ro. Mong ước của cha mẹ là để con mình tự do hoạt động mà không phải chỉnh đốn mỗi khi chúng nổi cơn bốc đồng nghịch phá. Nhưng chính điều này lại phản tác dụng: Họ đã tước đi của đứa trẻ mọi cơ hội được tham gia vào hoạt động độc lập. Vì họ không dám nói nói “không” với cu cậu, nên cậu bé không hề nhận thức được đâu là các giới hạn hợp lý, để rồi cho phép đứa trẻ có được quyền tự quản tối đa. Đó là ví dụ điển hình cho thấy quá nhiều hỗn loạn sẽ sinh ra quá nhiều trật tự (và chắc chắn ngược lại cũng thế). Tương tự, tôi cũng nhận thấy các bậc cha mẹ không thể tham gia vào cuộc trò chuyện của người lớn trong một bữa tiệc tối, vì những đứa con bốn, năm tuổi của họ - vốn chiếm đa số trong đời sống xã hội - đã ăn hết ruột trắng của ổ bánh mì cắt lát; chúng buộc mọi người phải chịu đựng sự ngỗ ngược con trẻ này, trong khi ông bố bà mẹ phải chứng kiến và xấu hổ, cũng như bị tước đi khả năng can thiệp.
Khi con gái lớn của tôi còn bé, có lần con bé bị một đứa khác dùng chiếc xe tải đồ chơi bằng kim loại đập vào đầu. Một năm sau, tôi thấy đứa trẻ này hung hăng đẩy em gái của mình ra sau, làm cô bé đập người lên chiếc bàn cà phê có mặt kính mỏng. Sau đó, bà mẹ liền nhấc cậu lên (chứ không phải đứa con gái đang run lên vì sợ hãi) và lí nhí nói với cậu rằng cậu không được làm thế, trong khi vẫn vỗ nhè nhẹ vào người cậu như một cử chỉ biểu thị rõ sự chấp thuận. Cô ấy đã sinh ra “Ông hoàng con” của toàn Vũ trụ. Đó là mục tiêu không nói ra của nhiều bà mẹ, bao gồm những người xem mình là người hoàn toàn ủng hộ bình đẳng giới. Những mẫu phụ nữ này sẽ phản đối kịch liệt bất cứ lời yêu cầu nào từ một người đàn ông trưởng thành, nhưng lại có thể bỏ đi trong chốc lát để làm cho cậu ấm một phần bánh kẹp bơ lạc nếu cu cậu vòi vĩnh, trong khi cậu đang mê mải đắm chìm vào trò chơi điện tử. Người tình sau này của những chàng trai ấy sẽ có mọi lý do để ghét mẹ chồng. Tôn trọng phụ nữ ư? Điều ấy chỉ dành cho những cậu bé khác, những gã trai khác - chứ không phải cho những đứa con trai yêu dấu của họ.
Một điều tương tự có thể cũng phần nào làm nền tảng cho sự ưu ái đối với bé trai, đặc biệt ở những quốc gia như Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, nơi đầy rẫy các ca phá thai do lựa chọn giới tính. Khoản mục trên Wikipedia về hiện tượng này đã lý giải sự tồn tại của nó do “các truyền thống văn hóa” vốn trọng nam khinh nữ. (Tôi dẫn chứng Wikipedia là vì đó là nơi tổng hợp và biên tập các bài viết, nên cũng là nơi thích hợp để tìm thấy kiến thức được mọi người thừa nhận.) Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy những quan điểm ấy hoàn toàn thuộc phạm vi văn hóa. Có những nguyên do hợp lý thuộc về tâm sinh lý giải thích cho sự tiến hóa của một thái độ như thế, tất nhiên là không đẹp chút nào theo quan niệm bình đẳng và hiện đại. Nếu tình thế buộc bạn phải đặt mọi quả trứng vào cùng một rổ (tức đánh cược mọi rủi ro trong một lựa chọn), thì tôi dám nói rằng đặt cược vào cậu con trai vẫn tốt hơn, do các quy chuẩn khắt khe trong logic tiến hóa mà trong đó việc nhân rộng gien di truyền của bạn là quan trọng bậc nhất. Tại sao lại như vậy?
Dễ hiểu thôi. Một cô con gái sinh nở thành công có thể mang đến cho bạn từ tám đến chín đứa trẻ. Có thể thấy một người sống sót sau cuộc thảm sát Do Thái, bà Yitta Schwartz, là ví dụ điển hình. Bà có ba thế hệ con cháu trực hệ khớp với thành tích kể trên. Yitta Schwartz chính là tổ mẫu của gần 2 nghìn người trước khi bà mất vào năm 2010. Nhưng hầu như không có giới hạn nào cho một cậu con trai trong việc truyền nòi giống thành công. Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình nữ giới là cách để anh ta sản sinh nhiều gấp bội (dựa trên giới hạn thực tế ở loài chúng ta đối với việc chỉ sinh một con). Tin đồn cho rằng diễn viên Warren Beatty và vận động viên Wilt Chamberlain đã lên giường với hàng nghìn phụ nữ (điều không hề xa lạ ở những ngôi sao nhạc rock). Họ không sinh ra đứa trẻ nào cùng với số phụ nữ ấy. Các biện pháp tránh thai đã hạn chế điều đó. Nhưng các nhân vật trứ danh thời xa xưa đã làm được. Ví dụ như vị tổ phụ của triều đại nhà Thanh, Giác Xương An (sống khoảng năm 1550), là tổ tiên dòng nam của 1 triệu rưỡi người vùng Đông Bắc Trung Quốc. Hay triều đại Uí Néill thời Trung cổ đã cho ra đời tới 3 triệu hậu duệ nam, chủ yếu tập trung ở vùng Tây Bắc Ireland và Hoa Kỳ, thông qua quá trình di cư của người Ireland. Và hoàng đế của tất cả bọn họ, Thành Cát Tư Hãn, người đã chinh phục phần lớn lãnh thổ châu Á, chính là tổ phụ của 8% nam giới Trung Á - với 16 triệu hậu duệ nam ở 34 thế hệ sau này. Vì vậy, đứng từ lập trường sinh học sâu sắc, có nhiều lý do để các bậc cha mẹ yêu chiều những cậu con trai đến mức chấp nhận loại bỏ những bào thai nữ; mặc dù tôi không khẳng định đây là mối quan hệ nhân quả trực tiếp, cũng như không đề cập đến việc thiếu vắng những lý do khác phụ thuộc nhiều hơn vào văn hóa.
Cách đối xử ưu ái dành cho bé trai trong suốt quá trình phát triển thậm chí có thể giúp chúng trở thành một người đàn ông quyến rũ, uyên bác và tự tin. Điều này đã xảy ra trong trường hợp của cha đẻ ngành phân tâm học, Sigmund Freud, thể hiện trong câu nói của ông: “Một người đàn ông được mẹ mình ưu ái tuyệt đối luôn mang tâm thế của một kẻ chinh phục, mà lòng tự tin thành công của anh ta thường mang lại thành công thực sự.” Âu cũng công bằng thôi. Nhưng “tâm thế của kẻ chinh phục” có thể dễ dàng trở thành “kẻ chinh phục đích thực”. Thành công vượt bậc của Thành Cát Tư Hãn trong việc truyền nòi giống chắc chắn phải trả giá bằng bi kịch của nhiều người khác (bao gồm hàng triệu người Trung Quốc, Ba Tư, Nga và Hungari phải chết). Việc làm hư một cậu con trai có thể hữu ích nếu đứng trên lập trường của “gien ích kỷ” (cho phép các gien của đứa con được ưu ái sao chép thành vô số gien trội khác) - theo cách nói của nhà sinh học tiến hóa lừng danh Richard Dawkins. Nhưng nó có thể tạo nên một cảnh tượng vừa đen tối vừa đau xót ngay ở đây và ngay lúc này, rồi nó biến đổi thành điều gì đó nguy hiểm không tả nổi.
Điều này không có nghĩa rằng mọi bà mẹ đều ưu ái mọi đứa con trai của họ hơn con gái (hoặc con gái đôi khi không được yêu chiều bằng con trai, hoặc người cha đôi khi không yêu chiều con trai của mình). Những yếu tố khác có thể chi phối rõ ràng. Ví dụ, đôi lúc nỗi oán giận vô thức (hoặc có lúc không hẳn là vô thức) đã khiến các bậc cha mẹ không dành sự quan tâm đến bất cứ đứa con nào của họ, bất kể giới tính, cá tính của chúng hay trong hoàn cảnh nào. Tôi từng chứng kiến một cậu bé bốn tuổi bị bỏ đói thường xuyên. Bà vú của cậu bị ốm và cậu luân phiên đến ở nhà hàng xóm để được chăm sóc tạm thời. Khi mẹ cậu đưa cậu qua nhà tôi, cô ấy nói rằng cậu bé sẽ không ăn gì cả ngày. Cô cho rằng: “Chuyện đó ổn thôi.” Nhưng nó không hề ổn chút nào (rõ ràng là như thế). Cũng chính cậu bé bốn tuổi này đã tuyệt vọng bám chặt lấy vợ tôi và hoàn toàn giao phó mình trong nhiều giờ, trong lúc vợ tôi nhẫn nại và khoan dung tìm cách bón cho cậu ăn trong cả bữa trưa, thưởng cho cậu mỗi khi cậu chịu hợp tác và nhất định không làm phụ lòng cậu. Cậu bé bắt đầu mím chặt miệng, ngồi vào bàn ăn tối cùng với tất cả chúng tôi, bao gồm vợ tôi và tôi, hai đứa nhỏ của chúng tôi cùng hai đứa bé trong khu phố mà chúng tôi nhận chăm sóc hằng ngày. Vợ tôi đưa thìa tới trước mặt cậu bé, kiên nhẫn, chờ đợi trong khi cậu bé cứ gục gặc đầu, không chịu để cô ấy đút thìa vào và vận dụng cách phòng thủ đặc trưng của một đứa trẻ hai tuổi ương bướng, không chịu hợp tác.
Nhưng vợ tôi không phụ lòng cậu bé. Nàng vỗ nhẹ lên đầu cậu mỗi khi cậu chịu ăn một thìa đầy, khen cậu một cách chân thành là “bé ngoan” mỗi khi cậu chịu ăn. Nàng thực lòng nghĩ cu cậu là một bé ngoan. Cậu là một đứa trẻ thiệt thòi nhưng dễ mến. Sau mười phút không quá khó nhọc, cậu đã ăn xong phần của mình. Tất cả chúng tôi đều chăm chú theo dõi cậu. Như thể đó là một vở kịch về sự sống và cái chết.
“Nhìn này” - vợ tôi vừa nói vừa giơ bát của cậu bé lên. “Cháu đã ăn hết rồi đấy.” Đây chính là cậu bé đứng trong góc nhà, phó mặc mọi thứ và buồn rầu lúc tôi thấy cậu lần đầu tiên; một cậu bé không chịu tiếp xúc, giao lưu với những đứa trẻ khác; một cậu bé luôn cau mày nhăn nhó, không mảy may phản ứng lại mỗi khi tôi cù vào người cậu hay dụ cậu chơi một trò chơi nào đó. Giờ đây, chính cậu bé ấy đã lập tức nở một nụ cười ngoác miệng và bừng sáng. Điều này khiến mọi người trong bàn ăn đều vui lây. Hai mươi năm sau, khi đang ngồi viết những dòng này, hình ảnh đó vẫn khiến tôi rơi nước mắt. Sau đó, cậu cứ bám riết lấy vợ tôi như một chú cún con cho đến hết ngày, không để cô ấy rời khỏi tầm mắt của mình. Khi cô ấy ngồi xuống, cu cậu liền nhảy ngay vào lòng, cuộn mình lại và tự mở lòng ra với thế giới, tìm kiếm trong tuyệt vọng thứ tình cảm yêu thương mà cậu từng liên tục bị từ chối. Cuối ngày hôm ấy, mẹ cậu bé đã xuất hiện trở lại khá sớm. Cô ta bước xuống cầu thang, vào căn phòng mà chúng tôi đang quây quần trong đó đó. “Ôi chao, người mẹ siêu nhân” - cô ta bực bội thốt lên khi thấy con trai mình đang cuộn tròn trong lòng vợ tôi. Sau đó, cô ấy rời đi với trái tim u uất, đầy sát khí mãi không thay đổi, với đứa con bất hạnh trong tay. Cô ấy là một nhà tâm lý học. Nhưng bạn đã thấy rõ rồi đấy. Chẳng có gì lạ khi mọi người thà bị mù còn hơn chứng kiến cảnh tượng ấy.
AI CŨNG GHÉT MÔN ĐẠI SỐ
Bệnh nhân điều trị của tôi thường đến gặp tôi để thảo luận về các vấn đề hằng ngày trong gia đình của họ. Những mối quan ngại thường nhật như thế cứ diễn ra âm ỉ. Sự việc xuất hiện thường xuyên và dễ đoán khiến chúng trở nên vặt vãnh. Nhưng bề ngoài vụn vặt ấy lại đánh lừa chúng ta: Chính những điều xảy ra ngày qua ngày mới thực sự tạo nên cuộc sống của chúng ta và thời gian mà chúng ta bỏ ra cứ thế sẽ tăng dần lên với tốc độ đáng báo động. Một người cha gần đây đã kể cho tôi nghe về rắc rối mà ông gặp phải khi dỗ con ngủ mỗi đêm[36] - một nghi thức thường tiêu tốn đến 45 phút vật lộn. Chúng ta hãy cùng tính toán. 45 phút mỗi ngày nhân với bảy ngày mỗi tuần. Tổng cộng là 300 phút hay tương đương năm giờ đồng hồ tuần. Năm giờ cho mỗi tuần trong bốn tuần của tháng - tổng cộng là 20 giờ mỗi tháng. Mất 20 giờ mỗi tháng nhân với 12 tháng là 240 giờ mỗi năm. Nó tương đương với một tháng rưỡi so với chuẩn tuần làm việc 40 giờ.
Khách hàng của tôi đã phải mất một tháng rưỡi “giờ công” mỗi năm để “chiến đấu” một cách vô ích và vất vả với cậu con trai của mình. Khỏi phải nói, đôi bên đều khốn khổ vì nó. Bất kể bạn có thiện ý ra sao, hay có tính khí dịu dàng và khoan dung đến thế nào, bạn cũng sẽ không tài nào duy trì nổi mối quan hệ tốt đẹp với người mà bạn phải dành ra một tháng rưỡi giờ công mỗi năm để chiến đấu. Sự oán giận là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí nếu không như thế, thì mọi thứ đều bị lãng phí, và khoảng thời gian khó chịu ấy đáng ra có thể được dùng cho một hoạt động năng suất hơn, hữu ích hơn, dễ chịu hơn và thú vị hơn. Ta nên hiểu những tình huống này như thế nào đây? Lỗi lầm nằm ở đâu, ở đứa bé hay phụ huynh của nó? Lỗi này do tự nhiên hay xã hội? Và ta có thể làm gì được không?
Một số người quy những vấn đề trên cho người lớn, bất kể do cha mẹ hay do xã hội rộng lớn kia. “Không có đứa trẻ nào hư” - họ nghĩ như thế, “chỉ có cha mẹ tồi mà thôi”. Khi hình ảnh đứa trẻ trong sạch lý tưởng hóa in sâu vào tâm trí, ý niệm này dường như được minh chứng một cách trọn vẹn. vẻ đẹp, sự cởi mở, niềm vui sướng, lòng tin và khả năng được yêu thương đặc trưng ở trẻ em đã khiến ta dễ dàng quy tội hoàn toàn cho người lớn trong tình huống này. Nhưng thái độ như thế viển vông đến mức ngây thơ và nguy hiểm. Nó quá một chiều khi áp dụng cho trường hợp cha mẹ có một đứa con trai hay con gái cực kỳ khó chiều. Việc quy toàn bộ sự tha hóa của con người cho xã hội mà không suy xét cũng không phải là quan điểm đúng đắn nhất. Kết luận ấy chỉ đơn thuần thay thế vấn đề tại thời điểm đó. Nó không giải thích được điều gì và cũng chẳng giải quyết được vấn đề nào. Nếu xã hội suy đồi nhưng lại không bao gồm các cá nhân trong đó, thì sự suy đồi bắt nguồn từ đâu? Nó lan truyền ra sao? Đó là một ý thức hệ hoàn toàn một chiều.
Thậm chí rắc rối hơn nữa là sự quả quyết nảy sinh một cách logic từ định kiến về sự suy đồi của xã hội, rằng mọi vấn đề cá nhân, dù cá biệt đến đâu, phải được giải quyết bằng cách tái cấu trúc văn hóa dù có triệt để thế nào chăng nữa. Xã hội chúng ta đang phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng gia tăng rằng hãy phân nhỏ các truyền thống vốn dĩ ổn định nhằm bao hàm cả một số lượng ngày càng giảm những người không - hoặc sẽ không - phù hợp với các phạm trù vốn là nền tảng cho các quan niệm của chúng ta. Điều này không tốt chút nào. Rắc rối riêng của từng người không thể được giải quyết bằng một cuộc cách mạng xã hội, vì các cuộc cách mạng đều gây ra bất ổn và nguy hiểm. Chúng ta đã học được cách sống cùng nhau và tổ chức các cộng đồng xã hội phức tạp của mình dần dần từng bước một, qua những khoảng thời gian dài đằng đẵng mà chúng ta không hiểu chính xác tại sao mình cứ luôn bận rộn với những việc mình đang làm. Do đó, việc thay đổi lối sống của xã hội một cách thiếu thận trọng, nhân danh một số khẩu hiệu mang tính ý thức hệ nào đó (sự đa dạng nảy ra trong tâm trí) có thể rất lợi bất cập hại, nếu xét đến những đau khổ mà ngay cả những cuộc cách mạng nhỏ cũng thường sinh ra.
Ví dụ, liệu luật ly hôn được phổ biến đến mức đáng kể vào thập niên 1960 có thực sự là điều tốt? Tôi không rõ cuộc sống của những đứa trẻ bị mất sự ổn định sẽ ra sao với loại tự do giả định mà nỗ lực khai phóng này mở ra. Nỗi kinh hoàng khủng khiếp lẩn khuất sau những bức tường mà tổ tiên chúng ta đã khôn ngoan xây nên. Chúng ta đã phá dỡ nó và gây nguy hiểm cho chính mình. Trong vô thức, chúng ta đang trượt trên một lớp băng mỏng, bên dưới là những dòng nước lạnh giá nơi những con quái vật không tưởng đang ẩn nấp.
Tôi nhận thấy những bậc cha mẹ ngày nay khiếp sợ con cái họ, nhất là vì họ được xem là các tác nhân trực tiếp của sự độc đoán giả định này trong xã hội, đồng thời phủi sạch công lao của họ trong vai trò những nhân tố rộng lượng, cần thiết giúp đem lại tính kỷ luật, trật tự và khuôn mẫu. Họ sống một cách bức bối và e dè trong bóng đêm quá đỗi hùng mạnh của đặc tính thanh thiếu niên thời thập niên 1960, một thập kỷ mà những kẻ sống quá quắt đã dẫn đến sự yếu kém chung ở tuổi trưởng thành, một sự hoài nghi không cần suy xét đối với sự tồn tại của thứ sức mạnh thích đáng, cũng như không thể phân biệt giữa sự hỗn loạn ấu trĩ và sự tự do có trách nhiệm. Điều này đã làm gia tăng mức độ nhạy cảm của cha mẹ đối với những đau khổ nhất thời trong cảm xúc của con cái, trong khi gia tăng nỗi sợ làm tổn hại con trẻ đến mức đau đớn và phản tác dụng. Bạn có thể phản bác rằng thế vẫn tốt hơn là ngược lại - nhưng có những thảm họa lẩn khuất trong những thái cực của từng sự mai một đạo đức.
KẺ TÀN ÁC TI TIỆN
Người ta nói rằng mỗi cá nhân đều là môn đồ có ý thức hay vô thức của một triết gia có tầm ảnh hưởng nào đó. Người ta tin rằng trẻ em có một tâm hồn vốn dĩ trong sáng, chỉ là chúng bị văn hóa và xã hội làm tổn hại. Tiêu biểu là quan điểm mà triết gia người Pháp sống tại Geneve, Jean-Jacques Rousseau, ở thế kỷ XVIII đã đưa ra. Rousseau là người tin tưởng nhiệt thành vào tầm ảnh hưởng mang tính suy đồi của xã hội loài người cũng như chế độ tư hữu. Ông tuyên bố rằng không có gì là cao quý và tuyệt vời như con người sống trong một nhà nước tiền văn minh. Đồng thời, ý thức được sự bất lực của mình với tư cách một người cha, ông đã từ bỏ cả năm đứa con của mình và gửi chúng cho sự khoan dung dịu dàng nhưng chết người của các cô nhi viện thời bấy giờ.
Tuy nhiên, kẻ tàn ác cao thượng là Rousseau lại mô tả nó như một lý tưởng - một sự trừu tượng, nguyên mẫu và ngoan đạo - chứ không phải một thực tại máu mủ mà lẽ ra phải thế. Đứa trẻ Thần thánh (Divine Child) hoàn hảo như trong thần thoại luôn ngụ trong trí tưởng tượng của chúng ta. Nó là một tiềm năng của tuổi trẻ, là người hùng mới chào đời, là kẻ vô tội bị mang tiếng xấu và là đứa con trai thất lạc của một chân vương. Đứa trẻ ấy là điềm báo về sự bất tử đi kèm với những trải nghiệm sơ khai nhất của chúng ta. Nó là Adam, người đàn ông hoàn hảo, không hề mang tội lỗi khi sánh bước cùng Thượng Đế trong Vườn Địa đàng, trước khi Sa đọa. Nhưng con người là cái ác cũng như là cái thiện và bóng tối mãi bao trùm trong tâm hồn chúng ta cũng choán lấy một phần không nhỏ ở bản thể non trẻ của mỗi người. Nhìn chung, mọi người đều phát triển theo tuổi đời, thay vì trở nên tồi tệ; họ tử tế hơn, chu đáo hơn và ổn định về mặt cảm xúc hơn khi trưởng thành. Tình trạng bắt nạt diễn ra ở trường học rất phổ biến và thường rất khủng khiếp, nhưng lại hiếm khi hiện diện ở xã hội trưởng thành. Bóng tối và tình trạng vô chính phủ trong tác phẩm Lord of the Flies của William Golding (tựa tiếng Việt: Chúa ruồi) là một lý giải kinh điển.
Thêm nữa, có rất nhiều bằng chứng trực tiếp cho thấy nỗi kinh hoàng trong hành vi của con người không thể dễ dàng bị quy cho lịch sử hay xã hội. Thay vì thế, chúng đã được nhà linh trưởng học Jane Goodall khám phá ra - theo cách đau đớn nhất - bắt đầu từ năm 1974, khi bà tìm hiểu được rằng những con tinh tinh yêu dấu của bà có khả năng và sẵn sàng giết lẫn nhau (xin được dùng từ ngữ phù hợp với loài người). Do bản chất xấu xa đến mức gây sốc và tầm quan trọng to lớn về nhân chủng học của khám phá này, bà đã bí mật quan sát chúng trong nhiều năm, sợ rằng sự tiếp xúc của bà với động vật sẽ khiến chúng thể hiện hành vi phi tự nhiên. Thậm chí sau khi bà công bố ghi chép của mình, vẫn có nhiều người không tin. Tuy nhiên, mọi người đã sớm sáng tỏ nhận ra rằng những gì bà quan sát thấy không hề hiếm gặp.
Xin được nói thẳng: Tinh tinh tiến hành chiến tranh giữa các bầy. Hơn nữa, chúng còn làm thế với sự tàn bạo hầu như không tưởng tượng nổi. Giống tinh tinh trưởng thành điển hình mạnh gấp hai lần so với con người, dù chúng có kích thước nhỏ hơn chúng ta. Goodall đã có chút kinh khiếp khi báo cáo rằng những con tinh tinh mà bà nghiên cứu có thể cắn xé dây cáp thép và những cần gạt cứng. Những con tinh tinh thực sự đã xé nhau thành từng mảnh. Và chúng đã làm thế. Ta không thể đổ lỗi cho xã hội loài người và những công nghệ tiên tiến của nó. Bà viết: “Thường mỗi khi tỉnh giấc trong đêm, những hình ảnh kinh hoàng ấy cứ thế choán lấy tâm trí tôi - Satan [tên một con tinh tinh mà bà quan sát bấy lâu] khum tay xuống dưới cằm Sniff để uống dòng máu đang trào ra từ một vết thương sâu trên mặt… Jomeo xé một mảnh da ra khỏi đùi của Dé; Figan đánh đấm liên hồi vào cơ thể dặt dẹo và run rẩy của Goliath, một trong những người hùng thuở ấu thơ của nó.” Các băng nhóm nhỏ của những con tinh tinh vị thành niên, chủ yếu là con đực, lang thang dọc ranh giới lãnh thổ của chúng. Nếu chúng bắt gặp những kẻ ngoại lai (thậm chí cả những con tinh tinh mà chúng từng biết - những kẻ từng rời khỏi một nhóm mà hiện đã quá đông) và nếu chúng đông hơn, thì băng đảng này sẽ tấn công và tiêu diệt đối phương chẳng chút thương xót. Tinh tinh hầu như không có cái “siêu bản ngã”, và thật khôn ngoan khi nhớ rằng khả năng tự chủ của con người cũng có thể bị đánh giá quá cao. Sự nghiên cứu tỉ mỉ như trong cuốn sách gây sốc và kinh hoàng The Rape of Nanking (tạm dịch: Vụ hãm hiếp Nam Kinh) của Iris Chang, trong đó mô tả hành động tàn sát tàn bạo của quân xâm lược Nhật Bản tại một thành phố Trung Quốc, sẽ thức tỉnh ngay cả một kẻ viển vông u mê nhất. Và đó là ta chưa bàn đến Đơn vị 731, một đơn vị chuyên nghiên cứu chiến tranh sinh học bí mật của Nhật Bản vào thời điểm ấy. Đừng dại mà đọc về họ. Tôi đã cảnh báo bạn rồi đấy.
Những kẻ săn bắt-hái lượm cũng tỏa ra nhiều sát khí hơn những láng giềng thành thị, công nghiệp hóa của họ, bất chấp đời sống cộng đồng và địa phương hóa. Tỷ lệ giết người hằng năm ở nước Anh hiện nay khoảng 1/100.000. Ở Mỹ cao hơn từ bốn đến năm lần và ở Honduras thì cao gấp 90 lần, tỷ lệ ghi nhận cao nhất trong bất kỳ quốc gia hiện đại nào. Nhưng bằng chứng thuyết phục này cho thấy con người ngày càng trở nên ôn hòa hơn chứ không phải ngược lại, bởi theo thời gian, xã hội càng lúc càng lớn mạnh và có tổ chức hơn. Những thổ dân! Kung tại châu Phi, được Elizabeth Marshall Thomas trìu mến gọi là “những người vô hại” vào thập niên 1950, có tỷ lệ giết người hằng năm là 40/100.000; tỷ lệ này đã giảm hơn 30% sau khi họ chịu sự cai quản của nhà nước. Đây là ví dụ nhằm chứng minh rằng các cấu trúc xã hội phức tạp đóng vai trò giảm thiểu chứ không làm trầm trọng thêm các xu hướng bạo lực của con người. Theo báo cáo, bộ tộc Yanomami tại Brazil vốn nổi tiếng với bản tính hiếu chiến của họ, có tỷ lệ giết người hằng năm là 300/100.000, nhưng con số này vẫn chưa phải là cao nhất. Các cư dân của bộ tộc Papua, New Guinea, giết hại lẫn nhau ở tỷ lệ từ 140/100.000 đến 1.000/100.000 mỗi năm. Tuy nhiên, kỷ lục hóa ra lại được nắm giữ bởi bộ tộc Kato, một dân tộc bản địa tại California, với 1.450/100.000 người đã chết vì bạo lực trong khoảng năm 1840.
Vì giống như bao người khác, trẻ em không chỉ biết ngoan ngoãn mà thôi; ta không thể cứ thế bỏ mặc chúng với các công cụ của chính chúng mà không bị xã hội tác động, để rồi phát triển rực rỡ thành một người hoàn hảo. Ngay cả loài chó cũng phải được cho giao lưu nếu chúng muốn được chấp nhận là thành viên trong bầy - và trẻ em thì phức tạp hơn loài chó rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc chúng có khả năng lầm đường lạc lối ở mức độ phức tạp hơn nếu không được đào tạo, đưa vào khuôn phép và động viên đúng cách. Điều này có nghĩa ta không chỉ sai khi quy mọi khuynh hướng bạo lực của con người cho những biểu hiện bệnh lý của cấu trúc xã hội. Nếu làm thế, ta sẽ sai lầm đến mức gần như tụt hậu. Quá trình xã hội hóa mang tính sống còn sẽ ngăn chặn nhiều tác nhân gây hại và nuôi dưỡng nhiều điều tốt. Trẻ em phải được định hình và uốn nắn, nếu không, chúng sẽ không thể phát triển. Thực tế này được thể hiện rõ nét trong hành vi của chúng: Mọi đứa trẻ đều mong muốn được bạn bè lẫn người lớn chú ý đến mức tuyệt vọng, vì sự chú ý đó sẽ dẫn đường cho chúng trở thành những thành viên hữu dụng, tinh tế của cộng đồng - một điều hết sức cần thiết.
Trẻ em có thể bị làm cho hư hỏng nếu chúng quá thiếu thốn sự chú ý - không kém khi chúng bị ngược đãi về tinh thần hay thể xác. Đây là sự hư hỏng do thiếu sót chứ không phải là do vi phạm, nhưng nó cũng nghiêm trọng và dai dẳng không kém. Trẻ em bị làm hư khi các bậc phụ huynh “rộng lượng” đến mức vô tâm không dạy bảo chúng trở nên nhạy bén, tinh ý và tỉnh táo, mà cứ để mặc chúng trong trạng thái vô thức và không được rèn giũa. Trẻ bị làm hư khi những người có trách nhiệm chăm sóc chúng e sợ bất kỳ sự mâu thuẫn hay khó chịu nào, đến mức không còn dám sửa sai cho chúng và bỏ mặc chúng không được chỉ bảo. Tôi có thể nhận ra những đứa trẻ như thế trên đường phố. Chúng đờ đẫn, mơ màng và lơ đãng. Chúng trông ủ dột và ngờ nghệch chứ không hề sáng láng và hạnh phúc. Chúng là những khối đá chưa được mài giũa, mắc kẹt trong trạng thái chờ đợi vĩnh viễn.
Những đứa trẻ như thế thường bị các bạn đồng trang lứa ngó lơ. Đó là vì chơi với chúng chẳng vui chút nào. Người lớn cũng thường thể hiện thái độ như thế (tuy họ sẽ chối đây đẩy nếu bị hỏi dồn). Trong khoảng thời gian mới bắt đầu sự nghiệp, tôi làm việc trong các nhà trẻ. Những đứa trẻ tương đối luộm thuộm sẽ tìm đến tôi trong nỗi tuyệt vọng, với điệu bộ lóng ngóng và ngây ngô như cỏ dại; chúng không biết giữ khoảng cách phù hợp và chẳng có tính đùa vui thân thiện nào. Chúng sẽ ngồi phịch xuống ngay bên cạnh - hoặc sà luôn vào lòng tôi, bất kể tôi đang làm gì - do bị thúc đẩy bởi khao khát mạnh mẽ được người lớn chú ý không gì lay chuyển được - một chất xúc tác cần thiết cho sự phát triển xa hơn. Rất khó để không phản ứng bằng sự bực bội, thậm chí chán ghét đối với những đứa trẻ như vậy và tính trẻ con kéo dài quá lâu của chúng - thật khó để không đẩy chúng sang một bên - mặc dù tôi cảm thấy rất buồn cho chúng và cũng hiểu rõ tình thế khó khăn của chúng. Tôi tin rằng cách đối phó ấy - tuy có thể nghiệt ngã và tồi tệ - sẽ là một tín hiệu cảnh báo từ trong tâm mà hầu như ai cũng từng trải qua, cho thấy mối nguy hiểm tương đối của việc thiết lập mối quan hệ với một đứa trẻ hòa nhập xã hội kém: Khuynh hướng phụ thuộc tức thời và không phù hợp (mà đáng ra nên là trách nhiệm của bậc cha mẹ) cùng với nhu cầu đòi hỏi về thời gian cũng như nguồn lực rất lớn để chấp nhận sự phụ thuộc như thế. Đối diện với tình huống này, những đồng bạn có vẻ thân thiện và những người lớn biết quan tâm nhiều khả năng sẽ chuyển hướng chú ý của họ sang việc tương tác với những đứa trẻ khác mà tỷ lệ giữa phí tổn và lợi ích - xin nói thẳng - thấp hơn rất nhiều.
CHA MẸ HAY BẠN BÈ
Bỏ bê và ngược đãi là một phần thiết yếu của các phương thức kỷ luật được tổ chức kém hoặc thậm chí hoàn toàn không được tổ chức và có thể là do chủ tâm - được thúc đẩy bởi động cơ rõ ràng, có ý thức (nếu đi chệch hướng) của cha mẹ. Nhưng thông thường, cha mẹ hiện đại chỉ đơn thuần chết sững trước nỗi sợ hãi rằng họ sẽ không còn được con cái của mình yêu mến hoặc thậm chí yêu thương, nếu họ trừng phạt chúng vì bất cứ lý do gì. Họ muốn có tình bạn của con cái hơn tất cả và sẵn sàng hy sinh sự tôn trọng để có được nó. Điều này không tốt. Một đứa trẻ sẽ có nhiều bạn bè, nhưng chỉ có hai phụ huynh mà thôi - nếu có - và cha mẹ quan trọng hơn hẳn bạn bè. Bạn bè sẽ bị hạn chế ở quyền chỉnh đốn. Do đó, mỗi bậc cha mẹ cần học cách dung thứ cho cơn giận nhất thời hoặc thậm chí thù hằn mà con cái trực tiếp hướng về họ sau khi đã có biện pháp sửa đổi cần thiết, bởi vì khả năng nhận thức hoặc quan tâm của đứa trẻ đối với hậu quả lâu dài vẫn còn hạn chế. Cha mẹ là những vị trọng tài trong xã hội. Họ dạy trẻ cách cư xử để người khác có thể tương tác với chúng một cách có ý nghĩa và hiệu quả.
Đó là hành động thể hiện trách nhiệm kỷ luật một đứa trẻ. Nó không phải sự tức giận đối với hành vi sai trái. Nó không phải là sự trả đũa cho một hành vi xấu. Thay vì thế, đó là sự kết hợp thận trọng giữa lòng khoan dung với sự suy xét lâu dài. Phép kỷ luật đúng đắn đòi hỏi nhiều nỗ lực - đúng hơn là đồng nghĩa với nỗ lực. Thật khó mà không chú ý cẩn thận đến trẻ em. Thật khó để phân biệt được đúng hay sai và vì sao lại thế. Thật khó để thiết lập và dung hòa các sách lược kỷ luật, cũng như bàn bạc về tính ứng dụng của chúng với người khác trong vấn đề liên quan sâu sắc đến chăm sóc trẻ em. Chính do sự kết hợp giữa trách nhiệm và khó khăn này mà bất kỳ ý kiến nào cho rằng “mọi sự kìm kẹp đối với trẻ em đều gây hại” sẽ được hoan nghênh quá lố. Một khi quan niệm này được chấp nhận, nó sẽ cho người lớn biết rõ rằng tốt hơn hết họ nên từ bỏ bổn phận phụng sự của mình như những cầu nối hòa nhập xã hội và giả vờ rằng làm thế sẽ tốt cho bọn trẻ. Đó là hành động tự lừa dối sâu sắc và nguy hại. Hành động ấy rất lười nhác, độc ác và không thể dung thứ. Và khuynh hướng hợp lý hóa của chúng ta vẫn chưa kết thúc ở đó.
Chúng ta đinh ninh rằng các quy luật sẽ không ngăn cản được trí sáng tạo vô biên tồn tại trong mỗi đứa trẻ, mặc dù các tài liệu khoa học đã chỉ ra rõ ràng rằng: Thứ nhất, trí sáng tạo vượt ngoài mức vụn vặt thông thường là rất hiếm gặp; và thứ hai, những giới hạn nghiêm khắc sẽ tạo thúc đẩy thay vì ức chế thành tựu sáng tạo. Niềm tin vào yếu tố phá hoại thuần túy của các quy luật và cấu trúc thường kết hợp với ý kiến cho rằng trẻ em tự có những lựa chọn phù hợp về thời gian ngủ nghỉ, về món ăn nếu bản chất hoàn hảo của đứa trẻ cho phép chúng tự thể hiện ra. Đây cũng là những giả định vô căn cứ không kém. Trẻ em hoàn toàn có khả năng ăn bánh kẹp xúc xích, gà rán và cả ngũ cốc ăn sáng hiệu Froot Loops để no bụng, nếu làm thế giúp chúng thu hút được sự chú ý, mang lại quyền lực hoặc bảo vệ chúng tránh phải thử bất kỳ điều gì mới mẻ. Thay vì ngoan ngoãn và thư thái đi ngủ, đứa trẻ sẽ trằn trọc suốt đêm cho đến khi lả đi vì kiệt sức. Chúng cũng rất sẵn lòng chọc tức người lớn khi khám phá ra những tình huống phức tạp trong môi trường xã hội, giống như những con tinh tinh non cứ trêu chọc các con trưởng thành trong bầy. Việc quan sát hậu quả của hành động trêu chọc và chế giễu cho phép tinh tinh lẫn trẻ em khám phá ra giới hạn của cái có thể là sự tự do quá phi cấu trúc và đáng sợ. Một khi được phát hiện ra, các giới hạn ấy sẽ mang lại sự an tâm, ngay cả khi phát hiện ấy khiến chúng thất vọng hoặc chán nản nhất thời.
Khi con gái tôi lên hai, tôi nhớ mình đã đưa con bé đến sân chơi. Khi con bé đang chơi trên các thanh xà và treo mình giữa không trung, có một đứa nhóc láu cá đặc biệt thích gây sự trạc tuổi con gái tôi, đứng ngay trên thanh xà mà con bé đang bám lấy. Tôi nhìn thấy cu cậu tiến về phía con bé. Chúng tôi nhìn nó không rời mắt. Thằng bé chầm chậm giẫm lên hai bàn tay con bé, càng lúc càng mạnh hơn hết lần này đến lần khác trong khi cứ nhìn tôi chằm chằm. Nó biết chính xác mình đang làm những gì. Nó nghĩ nó là bố thiên hạ cơ đấy! Nó tự kết luận rằng người lớn thật đáng khinh và nó có thể an tâm mà xem thường họ. (Thật đáng buồn là số mệnh đã định nó trở thành một kẻ như thế.) Quả là một tương lai vô vọng mà bố mẹ thằng bé đã an bài cho nó. Trước nỗi sửng sốt ghê gớm và có ích cho thằng bé, tôi đã nhấc cả người nó ra khỏi khuôn viên sân chơi và ném nó xuống đất từ độ cao 9 mét.
Đùa thôi, tôi không làm thế đâu! Tôi đã đưa con gái của mình đến chỗ khác chơi. Nhưng sẽ tốt cho thằng bé hơn nếu tôi quật nó xuống.
Hãy hình dung một đứa trẻ mới biết đi cứ liên tục đánh vào mặt mẹ nó. Làm sao nó có thể làm vậy? Đó là một câu hỏi ngu ngốc. Ngây ngô không chấp nhận được. Câu trả lời rõ rành rành, là để đàn áp mẹ nó. Để xem thử nó có thể thoát được nếu làm thế không. Suy cho cùng, bạo lực chẳng có gì huyền bí cả. Hòa bình mới là điều bí ẩn. Bạo lực là điều nghiễm nhiên. Bạo lực rất dễ. Hòa bình mới khó: Bạn phải học hỏi, rèn luyện và giành lấy nó. (Người ta cứ hay đặt ra những câu hỏi ngược đời về tâm lý học căn bản. Tại sao người ta dùng ma túy? Chẳng có gì huyền bí cả. Nếu họ không dùng tí nào mới là khó hiểu. Tại sao người ta cứ hay âu lo? Chẳng có gì huyền bí cả. Làm sao họ có thể cứ điềm tĩnh thế mãi? Đó mới là chuyện khó hiểu. Chúng ta ai cũng mong manh dễ vỡ và đều phải chết. Hàng triệu thứ có thể đi sai hướng, theo hàng triệu cách khác nhau. Chúng ta sẽ sợ phát khiếp lên mỗi phút mỗi giây. Nhưng chúng ta không làm thế. Câu trả lời cho sự chán nản, lười biếng và phạm tội cũng tương tự.)
Nếu tôi có thể làm tổn thương và khuất phục bạn, thì bước tiếp theo, tôi có thể làm chính xác những gì tôi muốn ngay khi tôi muốn, dù cho bạn đang ở ngay đó. Tôi có thể giày vò bạn để làm nguôi sự tò mò của bản thân. Tôi có thể khiến bạn không còn được chú ý và áp chế bạn. Tôi có thể trộm đồ chơi của bạn. Đầu tiên, trẻ em đánh người là do thói hung hăng bẩm sinh ở chúng - mặc dù yếu tố này nổi trội hơn ở một số cá nhân và ít hơn ở một số khác; thứ hai là vì sự hung hăng mở đường cho khao khát. Thật ngốc khi cho rằng hành vi ấy phải học mới có được. Một con rắn không cần được dạy để mổ. Đó là bản năng của loài vật. Theo thống kê, những đứa bé hai tuổi là lớp người bạo lực nhất. Chúng đấm, đá, cắn và giật đồ chơi của bạn. Chúng làm như vậy để khám phá, để biểu lộ sự oán giận và nỗi thất vọng, để thỏa mãn những ham muốn bốc đồng của chúng. Quan trọng hơn, cụ thể trong trường hợp này, chúng làm vậy là để khám phá ra đâu là giới hạn thực sự của hành vi được cho phép. Còn cách nào khác để chúng thắc mắc xem điều gì được chấp nhận? Trẻ nhỏ cũng giống như người mù dò dẫm tìm một bức tường. Chúng phải đẩy, phải kiểm tra để xem các ranh giới thực sự nằm ở đâu (và ranh giới nào rất ít khi ở đúng nơi chúng hay được nhắc đến).
Sự chỉnh đốn nhất quán của hành động ấy sẽ chỉ ra các giới hạn hung hăng có thể chấp nhận được ở một đứa trẻ. Sự vắng mặt của nó chỉ làm gia tăng sự tò mò - đứa trẻ sẽ cứ đánh, cắn và đá nếu chúng hung dữ và chiếm ưu thế hơn, cho đến khi một điều gì đó định ra giới hạn. “Mình có thể đánh mẹ đau đến mức nào? - Cho đến khi mẹ phản đối.” Trong trường hợp này, hành động chỉnh đốn xuất hiện càng sớm càng tốt (nếu kết quả mong muốn sau cùng của cha mẹ là không để bị tấn công). Sự chỉnh đốn cũng giúp đứa trẻ biết rằng đánh người khác là hạ sách trong xã hội. Nếu không có sự chỉnh đốn ấy, sẽ chẳng có đứa trẻ nào trải qua quá trình nỗ lực thiết lập và điều chỉnh các cơn bốc đồng của nó, để những cơn bốc đồng ấy có thể cùng tồn tại mà không xung đột trong tâm hồn của nó, cũng như trong một thế giới xã hội rộng lớn hơn. Đây không chỉ đơn giản là vấn đề sắp xếp lại suy nghĩ.
Khi mới chập chững biết đi, con trai tôi cực kỳ xấu tính. Lúc con gái tôi còn nhỏ, tôi có thể làm cho con bé chết sững chỉ với một cái liếc nhìn dữ tợn. Cách răn đe này lại không có tác dụng gì với con trai tôi. Cu cậu ỷ đã có mẹ (một người quá dễ tính) chăm bẵm ở bàn ăn từ khi mới chín tháng tuổi. Thằng bé đánh cả mẹ nó để giành quyền kiểm soát chiếc thìa. Chúng tôi đã nghĩ: “Tốt thôi!” Dù sao chúng tôi cũng chẳng muốn đút cho thằng bé ăn thêm một phút giây nào nữa, trừ khi cần thiết. Nhưng thằng nhóc quấy rối này chỉ ăn được ba bốn thìa đầy. Sau đó, cu cậu sẽ chơi đùa. Cu cậu khuấy tung thức ăn của mình trong bát. Rồi cậu sẽ đặt bát lên trên mặt ghế ăn cao, thả xuống và nhìn chiếc bát rơi xuống sàn nhà. Cũng chẳng sao cả. Nó đang khám phá mà. Nhưng rồi thằng bé ăn không đủ no. Và vì không ăn đủ no nên nó cũng không ngủ đủ giấc. Đến nửa đêm, cu cậu khóc thét lên và đánh thức cha mẹ mình. Rồi họ trở nên gắt gỏng và bực tức. Thằng bé chống lại mẹ mình, và cô ấy lại đổ lên đầu tôi. Đó là chiều hướng không hay chút nào.
Sau vài ngày diễn ra tình trạng làm hư con này, tôi quyết định lấy chiếc thìa trở lại. Tôi đã sẵn sàng cho một cuộc chiến. Tôi đã dành đủ thời gian cho nó rồi. Một người trưởng thành kiên nhẫn có thể trị được một đứa nhóc lên hai, dù điều đó thật khó tin. Đúng như câu nói: “Thâm niên và mưu mẹo luôn có thể đánh bại tuổi trẻ và tài năng.” Điều này một phần là vì khi bạn hai tuổi, thời gian là vô tận. Nửa giờ của tôi bằng cả một tuần của con trai tôi. Tôi cầm chắc mình sẽ thắng lợi. Thằng bé cứng đầu kinh khủng. Nhưng tôi còn có thể tệ hơn. Chúng tôi ngồi xuống, mặt đối mặt, với chiếc bát trước mặt thằng bé. Hệt như một cảnh trong bộ phim Trưa hè nóng bỏng (High Noon). Thằng bé biết và tôi cũng biết. Thằng bé cầm chiếc thìa lên. Tôi lấy thìa từ tay nó và múc một thìa cháo ngô ngon lành. Tôi thận trọng đưa nó đến miệng thằng bé. Cu cậu nhìn tôi hệt như tôi là con quái vật bàn chân ở sân chơi vậy. Nó bặm chặt môi và cau mày, không chịu để tôi đút thìa vào. Tôi đưa thìa đuổi sát miệng thằng bé, còn nó cứ xoay tít đầu hết vòng này đến vòng khác.
Nhưng tôi đã thủ sẵn nhiều mánh lới khác. Tôi cù vào ngực thằng bé bằng tay còn rảnh, tính toán sao cho khiến nó khó chịu. Thằng bé chẳng hề nhúc nhích. Tôi lại tiếp tục làm thế, hết lần này đến lần khác. Không mạnh lắm - nhưng sao cho nó không thể phớt lờ. Sau hơn mười cù như thế, thằng bé mở miệng định la lên để thể hiện sự phẫn nộ. Ha! Cu cậu đã mắc sai lầm. Tôi nhanh tay đút thìa vào. Cu cậu liều cố dùng lưỡi đẩy hết thức ăn ra ngoài. Nhưng tôi cũng biết cách đối phó với chuyện đó. Tôi đưa ngón trỏ chặn ngang môi thằng bé. Một phần thức ăn bị rơi ra ngoài và nó phải nuốt phần còn lại. Một bàn thắng cho ông Bố! Tôi vỗ nhẹ lên đầu thằng bé và bảo rằng nó là một cậu bé ngoan. Và tôi khen thật lòng. Khi ai đó làm điều mà bạn đang cố gắng bắt họ làm, hãy tưởng thưởng cho họ. Bạn cũng đừng thù hằn sau khi chiến thắng. Sau một giờ, mọi thứ đã xong xuôi. Có sự giận dữ. Có vài tiếng than khóc. Vợ tôi phải rời khỏi phòng. Không khí đầy căng thẳng. Nhưng thằng bé đã ăn hết thức ăn. Con trai tôi kiệt sức, ngã gục trong lòng tôi. Rồi chúng tôi cùng nhau đánh một giấc. Khi thức dậy, thằng bé còn yêu mến tôi nhiều hơn trước cả khi bị rèn vào khuôn phép.
Đây là điều tôi thường quan sát thấy khi chúng tôi đối đầu - và không chỉ với thằng bé. Không lâu sau, chúng tôi trao đổi việc trông trẻ với một cặp vợ chồng khác. Mọi đứa trẻ sẽ được tập hợp tại một nhà. Sau đó, một cặp cha mẹ đi ra ngoài ăn tối hoặc xem phim và để lại những đứa trẻ chưa đến ba tuổi ấy cho cặp còn lại trông nom. Một tối nọ, một cặp cha mẹ khác đã tham gia cùng chúng tôi. Tôi không quen con trai của họ, một cậu bé cao to và mạnh mẽ.
Người bố nói rằng: “Nó không chịu ngủ đâu. Nó sẽ luôn bò ra khỏi giường và xuống cầu thang sau khi anh cho nó ngủ. Chúng tôi thường mở phim Elmo và cho nó xem.”
“Mình chẳng có cách nào khen thưởng một đứa trẻ cứng đầu với hành vi không thể chấp nhận được như thế”, tôi nghĩ, “và mình chắc chắn rằng sẽ không cho đứa nào xem phim Elmo”. Tôi luôn ghét con rối rợn người hay than vãn ấy. Nó đúng là nỗi xấu hổ trong di sản của Jim Henson. Nên sẽ không có chuyện thưởng bằng phim Elmo. Tất nhiên là tôi không nói ra như thế. Tôi sẽ không nói gì với hai vị phụ huynh này về con của họ - cho đến khi họ sẵn sàng lắng nghe.
Hai giờ sau, chúng tôi cho bọn trẻ đi ngủ. Bốn trong năm đứa nhanh chóng thiếp đi - ngoại trừ đứa nghiện xem phim con rối Muppet. Nhưng tôi đã đặt thằng bé vào một chiếc nôi để nó không trốn ra được. Nhưng nó vẫn có thể gào lên và đúng là nó đã làm thế. Thật lắm trò. Đó là sách lược hay ho của thằng bé. Nó làm ồn và đe dọa đánh thức tất cả bốn đứa còn lại, để rồi chúng sẽ bắt đầu kêu gào theo. Một bàn thắng cho chú nhóc. Thế rồi tôi bước vào phòng ngủ. “Nằm xuống ngay”, tôi nói. Nhưng vô ích. Tôi nói tiếp: “Nằm xuống, nếu không chú sẽ đè con xuống đấy.” Lý sự với trẻ em thường chẳng được tích sự gì, đặc biệt trong những tình huống như thế, nhưng tôi vẫn tin vào lời cảnh báo trước. Tất nhiên, thằng nhóc không chịu nằm xuống. Nhóc lại gào la hòng đạt mục đích của mình.
Trẻ em thường làm như thế. Còn cha mẹ lại nghĩ rằng con mình luôn luôn khóc vì buồn bã hoặc đau đớn. Điều này sai hẳn. Tức giận là một trong những lý do phổ biến để chúng khóc. Những phân tích tỉ mỉ về khuôn mẫu cơ mặt của những đứa trẻ đang khóc đã khẳng định điều này. Khóc do tức giận và khóc do buồn bã không giống nhau. Tiếng khóc nghe cũng không giống nhau và nếu chú ý kỹ, ta có thể phân biệt được. Khóc do tức giận thường là hành động thể hiện sự thống trị và cần được giải quyết bằng sự chi phối. Tôi nhấc thằng bé lên và đặt nó nằm xuống. Nhẹ nhàng. Kiên nhẫn. Nhưng kiên quyết. Thằng bé bật dậy. Tôi đặt nó nằm xuống. Nó bật dậy. Tôi lại đặt nó nằm xuống. Nó bật dậy tiếp. Lần này, tôi đặt nó xuống và giữ tay mình trên lưng thằng bé. Nó cựa quậy dữ dội nhưng không thành. Xét cho cùng, thằng bé chỉ to bằng 1/10 kích thước của tôi. Tôi có thể túm lấy cu cậu bằng một tay. Thế nên, tôi giữ yên thằng bé nằm xuống, điềm đạm nói với cu cậu rằng nó là một đứa bé ngoan và nên nghỉ ngơi đi. Rồi tôi dỗ dành và vỗ nhè nhẹ lên lưng thằng bé. Cu cậu bắt đầu thư giãn. Đôi mắt dần khép lại. Và tôi buông tay ra.
Nhưng thằng bé liền bật dậy ngay, tôi ấn tượng quá. Đúng là đứa trẻ có nghị lực! Tôi nâng “ông” nhóc lên và lại đặt nó nằm xuống. “Nằm xuống nào, tiểu yêu”, tôi nói. Tôi lại vỗ vỗ lên lưng nó còn nhẹ nhàng hơn. Một số đứa trẻ thích được vỗ về như thế. Thằng bé bắt đầu mệt. Dường như cu cậu đã sẵn sàng đầu hàng. Mắt nó khép lại. Tôi đứng dậy và nhanh chóng im lặng đi thẳng ra cửa. Tôi liếc mắt nhìn lại để kiểm tra tình hình thằng bé lần cuối cùng. Nó lại đứng dậy rồi. Tôi đưa tay chỉ vào nó và nói: “Nằm xuống, đồ tiểu yêu”, và tôi có ý như vậy thật. Thằng bé nằm xuống ngay lập tức. Tôi đóng cửa. Chúng tôi rất mến nhau. Đêm hôm ấy, cả tôi lẫn vợ tôi không còn nghe thấy tiếng thằng bé nữa.
Sau khi bố thằng bé về nhà, anh ta hỏi tôi rằng: “Thằng bé thế nào hả anh?” Tôi bảo: “Tốt. Chẳng có vấn đề gì cả. Nó đang ngủ rất say.”
“Nó có tỉnh dậy không anh?”, người cha hỏi tiếp.
“Không, nó ngủ say cả đêm ấy chứ”, tôi trả lời.
Người cha nhìn tôi trân trân như muốn biết có chuyện gì. Nhưng anh ấy không hỏi. Và tôi cũng chẳng kể làm gì.
Người xưa thường nói: “Đàn gảy tai trâu.” Còn bạn có thể nghĩ rằng câu ấy cay nghiệt quá. Nhưng “huấn luyện” để con mình không ngủ ban đêm và thưởng cho nó xem mấy trò hề của một con rối rợn người ư? Như thế còn cay nghiệt hơn. Bạn có lựa chọn của bạn và tôi cũng có lựa chọn của tôi.
KỶ LUẬT VÀ TRỪNG PHẠT
Cha mẹ ngày nay rất khiếp hãi hai từ đi đôi với nhau: kỷ luật và trừng phạt. Chúng gợi lên hình ảnh của những nhà giam, binh lính và ủng nhà binh. Khoảng cách giữa người chấp hành kỷ luật với kẻ bạo chúa, hay giữa hình phạt với tra tấn thực sự rất dễ nhầm lẫn. Kỷ luật và trừng phạt phải được cân nhắc cẩn thận. Nên nếu sợ hãi cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Nhưng cả hai đều cần thiết. Chúng có thể được áp dụng một cách vô ý hoặc cố ý, xấu hoặc tốt, nhưng không có cách nào thoát được việc áp dụng chúng.
Không phải là không thể áp dụng kỷ luật bằng phần thưởng. Thực ra, việc khen thưởng dành cho hành vi tốt có thể rất hiệu quả. Nhà tâm lý hành vi nổi tiếng, B.F. Skinner, là người rất ủng hộ phương thức này. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực này. Ông đã dạy chim bồ câu chơi bóng bàn, mặc dù chúng chỉ lăn quả bóng qua lại bằng cách dùng mỏ để mổ vào quả bóng. Nhưng chúng vẫn là chim bồ câu. Nên tuy chúng chơi tệ, nhưng điều đó vẫn tốt. Skinner thậm chí còn dạy bầy chim của ông điều khiển tên lửa suốt Thế chiến II trong Dự án Chim Bồ câu (sau này gọi là Orcon). Ông đã trải qua một chặng đường dài trước khi người ta phát minh ra hệ thống dẫn đường điện tử, khiến cho thành quả của ông trở nên lỗi thời.
Skinner quan sát những con vật mà ông rèn luyện để thực hiện những hành động như thế với sự chăm sóc đặc biệt. Bất kỳ hành động nào cũng đều gần giống những gì ông nhắm đến và lập tức kèm theo một phần thưởng vừa vặn: Không quá nhỏ để trở thành vô ích và cũng không quá lớn để làm hạ thấp những phần thưởng trong tương lai. Phương thức này có thể được áp dụng cho trẻ em, và rất hiệu quả. Hãy hình dung bạn nhờ đứa con mới tập đi của mình phụ dọn bàn. Đó là một kỹ năng hữu ích. Bạn sẽ yêu mến thằng bé hơn nếu nó làm được điều ấy. Như thế sẽ tốt hơn cho lòng tự trọng của nó (thật rùng mình làm sao). Vậy nên, bạn phân nhỏ hành vi nhắm đến thành các phần nhỏ. Một khoản trong việc dọn bàn là mang đĩa từ tủ chén đến rồi đặt lên bàn. Ngay cả việc ấy cũng có thể quá phức tạp. Có thể con bạn chỉ mới đang tập đi được vài tháng. Thằng bé vẫn còn chao đảo và đi đứng không được vững cho lắm. Vì vậy, bạn bắt đầu huấn luyện bằng cách đưa cho nó một chiếc đĩa và yêu cầu nó đưa trả lại cho mình. Tiếp đến bạn có thể xoa đầu nó. Nhưng bạn cũng có thể biến đây thành một trò chơi. Hãy đưa bằng tay trái và bắt bằng tay phải. Rồi xoay một vòng quanh lưng bạn. Sau đó, bạn có thể đưa cậu bé một chiếc đĩa và đi lùi về sau vài bước để cu cậu bước theo vài bước trước khi trả nó lại cho bạn. Hãy tập luyện để cậu nhóc trở thành một nghệ sĩ dọn đĩa. Đừng để nó mắc kẹt trong sự vụng về.
Bạn có thể dạy cho hầu như bất kỳ ai với phương thức như thế. Trước tiên, hãy nghĩ xem bạn muốn gì. Sau đó, hãy quan sát mọi người xung quanh bằng đôi mắt tinh tường như “diều hâu”. Cuối cùng, mỗi khi trông thấy bất cứ điều gì giống như thứ bạn muốn, hãy chộp lấy (nhớ rằng bạn là diều hâu đấy) và tặng một phần thưởng. Con gái của bạn đã trở nên dè dặt khi bước sang tuổi thiếu niên. Bạn muốn con bé trò chuyện nhiều hơn. Đó chính là mục tiêu: một cô con gái hoạt bát hơn. Một buổi sáng nọ, con bé chia sẻ một câu chuyện ở trường trong bữa sáng. Đây là thời điểm tuyệt diệu để ta chú ý. Đó là phần thưởng. Hãy ngưng nhắn tin và lắng nghe con bé, trừ khi bạn không muốn con bé kể gì với mình nữa.
Sự can thiệp của phụ huynh có thể khiến bọn trẻ vui vẻ hơn hẳn cũng như nên được sử dụng để định hình hành vi. Điều này cũng có thể áp dụng với vợ chồng, đồng nghiệp và cha mẹ bạn. Nhưng Skinner là người thực tế. Ông lưu ý phần thưởng rất khó áp dụng: Người quan sát phải chờ đợi kiên nhẫn đến khi mục tiêu tự thể hiện hành vi đúng như mong muốn rồi mới củng cố nó. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian, rất nhiều đợi chờ và đó chính là vấn đề. Ông còn phải để những con chim của mình nhịn đói đến mức chỉ còn 3/4 trọng lượng cơ thể ban đầu, trước khi chúng thực sự dành đủ sự chú ý đến phần thưởng thức ăn. Nhưng đây không chỉ là những thiếu sót duy nhất của cách tiếp cận tích cực thuần túy.
Giống như cảm xúc tích cực, các cảm xúc tiêu cực cũng giúp chúng ta học hỏi. Chúng ta cần phải học vì chúng ta khờ dại và rất dễ sa ngã. Chúng ta có thể chết. Điều đó thì không hay và chúng ta không thoải mái khi nghĩ về nó. Nhưng nếu thoải mái, chúng ta sẽ tìm đến cái chết và rồi chúng ta sẽ chết. Chúng ta thậm chí không vui với cái chết ngay cả khi nó chỉ có thể xảy ra. Bao giờ cũng thế. Vì lẽ đó, cảm xúc tiêu cực - với mọi sự khó chịu của chúng - sẽ bảo vệ chúng ta. Chúng ta cảm thấy đau đớn, sợ hãi, xấu hổ và ghê tởm nên mới có thể tránh khỏi sa ngã. Và chúng ta nhạy cảm với những cảm xúc như thế. Thực ra, chúng ta thường cảm thấy tiêu cực hơn khi mất đi một phần nào đó so với cảm thấy tích cực khi có được một phần tương tự. Nỗi đau thường mạnh mẽ hơn niềm vui và nỗi lo lắng cũng giằng xé hơn hy vọng.
Những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực đều có hai biến thể hữu ích khác nhau. Sự hài lòng (đúng ra là thỏa mãn) cho thấy những gì chúng ta đã làm là tốt, trong khi niềm hy vọng (đúng ra là phần thưởng khích lệ) cho thấy điều gì đó dễ chịu đang đến. Nỗi đau khiến ta bị tổn thương, nên chúng ta sẽ không lặp lại hành động nào làm tổn hại bản thân hay bị xã hội cô lập (vì đúng ra cô độc cũng là một dạng nỗi đau). Nỗi lo lắng khiến chúng ta tránh xa những kẻ gây tổn thương và những nơi tệ hại, để chúng ta không phải cảm thấy đau khổ nữa. Tất cả những cảm xúc này phải cân bằng với nhau và được đánh giá kỹ dựa trên bối cảnh, nhưng chúng ta đều cần tất thảy xúc cảm ấy để tồn tại và phát triển. Do đó, chúng ta sẽ báo hại con cái mình nếu không sử dụng bất cứ điều gì sẵn có để giúp chúng học hỏi, kể cả cảm xúc tiêu cực, dù việc sử dụng này nên diễn ra theo cách khoan dung nhất có thể.
Skinner biết rằng mối đe dọa và hình phạt có thể ngăn chặn những hành vi không mong muốn, cũng giống phần thưởng dùng để củng cố cho những hành vi mong muốn. Trong một thế giới đờ đẫn trước suy nghĩ can thiệp vào con đường được cho là sự phát triển tự nhiên còn nguyên sơ nơi con trẻ, thậm chí ta sẽ khó lòng thảo luận về các cách thức xưa cũ. Tuy nhiên, trẻ em sẽ không thể có một giai đoạn phát triển tự nhiên lâu dài trước khi chúng trưởng thành, nếu hành vi của chúng không được định hình. Chúng sẽ nhảy ra khỏi ra khỏi lòng mẹ và sẵn sàng giao dịch cổ phiếu. Trẻ em cũng không thể được che chở hoàn toàn khỏi nỗi sợ hãi và nỗi đau. Chúng nhỏ bé và dễ bị tổn thương. Chúng không biết nhiều về thế giới. Thậm chí khi làm điều gì đó rất tự nhiên như học cách đi lại, chúng cũng liên tục bị thế giới vùi dập. Đó là chưa kể đến sự chán nản và chối bỏ mà chúng chắc chắn sẽ trải qua khi giao thiệp với anh chị em, các bạn đồng trang lứa hay những người lớn cứng rắn, không hợp tác. Do đó, câu hỏi đạo đức cơ bản không phải là làm sao che chở con cái hoàn toàn khỏi bất hạnh và thất bại - để chúng không bao giờ phải sợ hãi hay đau đớn - mà là làm sao tăng tối đa việc học hỏi của trẻ để chúng có thể tiếp thu được kiến thức hữu ích với cái giá thấp nhất.
Trong bộ phim Công chúa ngủ trong rừng (Sleeping Beauty) của hãng Disney, Đức vua và Hoàng hậu đã hạ sinh công chúa Aurora sau thời gian dài chờ đợi. Họ lên kế hoạch cho một buổi lễ rửa tội hoành tráng để cô công chúa nhỏ ra mắt thế giới. Họ chào đón tất cả những ai yêu thương và tôn vinh cô con gái bé nhỏ của họ. Nhưng họ lại không mời Maleficent (mụ phù thủy độc ác và hiểm độc), vốn là Nữ hoàng Hắc ám hay Bản thể của điều ác. Điều này mang nghĩa biểu tượng rằng hai vị vương hậu đã bảo vệ cô con gái yêu dấu của họ thái quá bằng cách dựng lên một thế giới không có bất kỳ điều nào tiêu cực quanh cô. Nhưng việc làm này lại không bảo vệ được cô công chúa. Nó khiến cho cô trở nên yếu đuối. Maleficent đã nguyền rủa công chúa, định rằng cô sẽ chết vào năm 16 tuổi bởi đầu nhọn của một con thoi quay sợi. Con quay sợi ở đây chính là bánh xe số phận; cú châm làm chảy máu tượng trưng cho sự thất tiết, một dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của một người phụ nữ từ hình hài của một bé gái.
May mắn thay, một nàng tiên tốt (yếu tố tích cực của Tự nhiên) đã giảm nhẹ hình phạt thành một cơn mê sâu và công chúa sẽ được cứu bằng nụ hôn đầu. Đức vua và Hoàng hậu hoảng hốt ra lệnh cấm kéo sợi trong cả vương quốc và giao đứa con gái của họ cho ba nàng tiên rất tốt bụng chăm sóc. Họ tiếp tục sách lược loại bỏ mọi thứ nguy hiểm - nhưng khi làm thế, họ đã vô tình khiến đứa con gái của mình càng trở nên ngây ngô, non trẻ và yếu đuối. Một ngày ngay trước sinh nhật lần thứ 16 của Aurora, cô đã gặp một hoàng tử trong rừng và ngay lập tức đem lòng yêu chàng trai ấy. Điều này có hơi quá dù xét theo bất kỳ chuẩn mực hợp lý nào. Sau đó, cô công chúa than khóc ầm ĩ trước thực tế là cô ấy sẽ phải lấy Hoàng tử Philip, người đã được đính ước từ khi cô còn bé, và cô suy sụp tinh thần khi được đưa về tòa lâu đài của cha mẹ để chuẩn bị cho tiệc sinh nhật của mình. Chính khi ấy, lời nguyền của Maleficent hiệu nghiệm. Một cánh cổng ở trong tòa lâu đài mở ra, một con quay sợi xuất hiện, ngón tay của Aurora bị mũi thoi đâm vào và cô rơi vào giấc ngủ dài. Cô trở thành “Công chúa ngủ trong rừng”. Khi làm thế (một lần nữa, nói theo cách tượng trưng), Aurora đã chọn cách ngủ mê trước những khủng bố của cuộc đời trưởng thành. Một điều gì đó tương tự cũng rất thường xảy ra với những trẻ em bị bảo bọc quá mức, khiến chúng trở nên yếu đuối - và mong muốn có được hạnh phúc trong vô thức - khi lần đầu thực sự tiếp xúc với thất bại, hoặc tệ hơn là mối hiểm độc thực sự, điều mà chúng không hiểu, hoặc sẽ không hiểu và chẳng có sự phòng vệ nào.
Hãy lấy trường hợp một đứa trẻ ba tuổi chưa được học cách chia sẻ. Cô bé thể hiện hành vi ích kỷ của mình khi có mặt bố mẹ, nhưng họ lại quá tử tế, không chịu can thiệp. Thành thực mà nói thì họ không chịu chú ý hay thừa nhận những gì đang xảy ra và không chịu dạy cô bé cách hành xử đúng đắn. Tất nhiên là họ khó chịu khi cô bé không biết sẻ chia với chị mình, nhưng họ vẫn giả vờ rằng mọi thứ đều ổn. Nhưng thật ra là không ổn. Sau đó, họ sẽ gắt gỏng với cô bé vì chuyện gì đó hoàn toàn không liên quan. Cô bé sẽ bị tổn thương và bối rối, nhưng lại chẳng học được gì. Tệ hơn là khi cô bé cố gắng kết bạn, kết quả sẽ chẳng tốt đẹp vì bé thiếu sự tinh tế trong giao tiếp xã hội. Bọn trẻ đồng trang lứa sẽ lảng tránh vì cô bé không có khả năng hợp tác. Chúng sẽ đánh nhau với bé hoặc bỏ đi và tìm một người khác để chơi cùng. Cha mẹ của những đứa trẻ này sẽ quan sát thấy sự vụng về lẫn cử chỉ không hay của cô bé và sẽ không mời cô bé quay lại để chơi với bọn trẻ nữa. Cô bé sẽ cô độc và bị chối bỏ. Điều ấy sẽ tạo ra nỗi lo lắng, thất vọng và bực dọc. Nó sẽ tạo ra sự chuyển biến trong cuộc sống giống hệt mong ước được hôn mê sâu.
Những cha mẹ nào không thừa nhận trách nhiệm kỷ luật con cái sẽ nghĩ rằng họ có thể rút lui khỏi những cuộc xung đột cần thiết cho việc nuôi dạy con đúng đắn. Họ tránh trở thành kẻ xấu (trong ngắn hạn). Nhưng họ không hề giải cứu hay bảo vệ con mình khỏi nỗi sợ hãi và đau đớn. Mà ngược lại: Một thế giới đầy phán xét và vô tâm của xã hội rộng lớn ngoài kia sẽ mang đến xung đột và trừng phạt nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà các bậc cha mẹ tỉnh táo đem lại. Bạn có thể kỷ luật con cái mình, hoặc có thể chuyển trách nhiệm đó cho thế giới vừa khắc nghiệt vừa vô tâm kia - và đừng bao giờ nhầm lẫn động cơ dẫn đến quyết định này với tình yêu thương.
Bạn có thể phản đối, như những bậc cha mẹ hiện đại vẫn làm: Vì sao một đứa trẻ phải trở thành đối tượng cho những mệnh lệnh độc đoán của cha mẹ? Thực tế, có một biến thể mới về tư duy chính trị đúng đắn, theo đó cho rằng một ý tưởng như vậy là “chủ nghĩa trưởng thành”: Một hình thức thành kiến và áp đặt giống như khi nói về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay phân biệt giới tính. Câu hỏi về thẩm quyền của người lớn phải được giải đáp thấu đáo. Điều này đòi hỏi một sự đánh giá tường tận đối với câu hỏi ấy. Việc chấp nhận lời phản đối đã được đưa ra, tức là chấp nhận một nửa sự hợp pháp của nó và điều đó có thể nguy hại nếu câu hỏi được giả định sai. Hãy mổ xẻ nó ra.
Thứ nhất, tại sao đối tượng lại là một đứa trẻ? Dễ hiểu thôi! Mỗi một đứa trẻ buộc phải lắng nghe và vâng lời người lớn vì chúng phụ thuộc vào sự chăm sóc mà một hoặc nhiều người trưởng thành vẫn còn khiếm khuyết sẵn sàng dành cho chúng. Vì lẽ này, tốt hơn là để trẻ em hành xử sao cho chúng mời gọi được sự chú ý và thiện chí đúng nghĩa. Một điều gì đó tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng. Đứa trẻ có thể hành xử sao cho vừa đảm bảo được sự quan tâm nhiều nhất của người lớn, vừa có lợi cho tình trạng hiện tại và sự phát triển trong tương lai của nó. Đó là một tiêu chuẩn lý tưởng, nhưng cũng là vì lợi ích cao nhất của đứa trẻ, nên ta có mọi lý do để mong đợi điều đó.
Mỗi đứa trẻ cũng nên được dạy cách tuân thủ một cách lịch sự đối với những kỳ vọng của cộng đồng dân sự. Điều này không có nghĩa là nhồi nhét sự tuân thủ mang tính ý thức hệ vào đầu chúng mà không suy xét. Thay vì thế, cha mẹ phải khen thưởng những thái độ và hành động giúp mang lại thành công cho mình trong thế giới bên ngoài gia đình mình, đồng thời áp dụng biện pháp đe dọa và trừng phạt khi cần thiết để loại bỏ các hành vi dẫn đến đau khổ và thất bại. Rất ít cơ hội để bạn đạt được điều này, nên điều quan trọng là hãy sớm hiểu đúng vấn đề. Nếu một đứa trẻ không được dạy cách cư xử đúng mực khi chúng mới lên bốn tuổi, thì chúng sẽ mãi gặp khó khăn trong việc kết bạn. Các tài liệu nghiên cứu đã làm sáng tỏ điều này. Nó quan trọng vì bạn bè là nguồn xã hội hóa chính yếu cho quãng đời sau năm bốn tuổi. Những đứa trẻ bị chối bỏ sẽ ngừng phát triển vì sẽ bị bạn bè đồng trang lứa xa lánh. Sau đó, chúng sẽ tiếp tục sa ngã trong khi những đứa trẻ khác cứ tiến bộ. Do vậy, những đứa trẻ không có bạn bè thường sẽ trở thành một thiếu niên hay người lớn cô đơn, khó gần hay trầm cảm. Điều này không hề tốt. Đa phần sự minh mẫn ở chúng ta là kết quả từ sự hòa hợp đầy may mắn vào cộng đồng xã hội - dù chúng ta ít khi nhận ra. Chúng ta phải liên tục được nhắc nhở hãy suy nghĩ và hành động đúng đắn. Khi chúng ta buông thả, chính những người quan tâm và yêu mến ta sẽ nhẹ nhàng lay tỉnh chúng ta và đưa ta quay trở lại con đường đúng đắn. Vì vậy, tốt hơn chúng ta nên có những người như thế quanh mình.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, không phải mọi mệnh lệnh của người lớn đều độc đoán. Điều đó chỉ đúng trong một nhà nước toàn trị bất toàn. Nhưng ở những xã hội cởi mở và văn minh, đa số con người sẽ tuân theo một khế ước xã hội thiết thực nhằm mục đích cải thiện lẫn nhau - hoặc chí ít là họ tồn tại kề cận nhau mà không xảy ra quá nhiều bạo lực. Thậm chí một hệ thống các quy luật vốn chỉ dành cho khế ước tối thiểu đó cũng không mang tính độc đoán, đó là nếu có các lựa chọn thay thế. Nếu một xã hội không khen thưởng xứng đáng cho hành vi có lợi cho xã hội, kiên quyết phân phối các nguồn lực một cách vô cùng độc đoán và bất công, cho phép trộm cắp và bóc lột, thì nó sẽ không còn giữ được tình trạng phi xung đột bao lâu nữa. Nếu các hệ thống phân cấp của nó chỉ dựa trên (hoặc chủ yếu dựa trên) quyền lực thay vì năng lực cần thiết để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, thì nó cũng đang trên đà sụp đổ. Điều này thậm chí vẫn đúng với các hình thái xã hội đơn giản hơn, như ở các hệ thống phân cấp của loài tinh tinh, vốn là ngụ ý về một sự thật rõ nét cơ bản, mang tính sinh học và phi độc đoán.
Trẻ em giao tiếp xã hội kém thường có cuộc sống tồi tệ. Vì vậy, trước hết chúng ta hãy giúp chúng hòa nhập xã hội một cách tốt nhất. Ta có thể tiến hành việc này một phần bằng cách khen thưởng, nhưng không phải tất cả. Vì vậy, vấn đề không phải là có nên sử dụng hình phạt hay đe dọa không, mà là phải làm điều đó một cách có ý thức và thấu đáo. Như vậy, cần đưa trẻ em vào khuôn phép như thế nào? Đây là câu hỏi rất khó, vì tính khí của trẻ em (và của cả cha mẹ) khác nhau rất nhiều. Một số đứa rất dễ đồng thuận. Chúng rất muốn làm vui lòng người khác, nhưng cái giá cho điều đó là khuynh hướng tránh xung đột và bị phụ thuộc. Những đứa khác cứng đầu hơn và độc lập hơn. Những đứa trẻ này luôn muốn làm những gì mình muốn và mỗi khi mình muốn. Chúng có thể hay thách thức, không vâng lời và bướng bỉnh. Một số đứa lại đòi hỏi những quy tắc lẫn khuôn mẫu và hài lòng ngay cả trong những môi trường khắc nghiệt. Những đứa trẻ khác, vốn khó đoán và khác với lệ thường, lại miễn nhiễm đối với những yêu cầu về trật tự cần thiết dù là nhỏ nhất. Một số trẻ em có trí tưởng tượng vô cùng phong phú và sáng tạo, số khác lại cứng nhắc và bảo thủ hơn. Trên đây là tất cả những điểm khác biệt sâu sắc, quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố sinh học và rất khó điều chỉnh về mặt xã hội. Thật may là khi đối mặt với sự đa dạng như thế, chúng ta là những người hưởng lợi từ việc nghiền ngẫm thấu đáo cách sử dụng đúng đắn phương thức kiểm soát xã hội.
VŨ LỰC LÀ ĐIỀU TỐI THIỂU CẦN THIẾT
Sau đây là một ý kiến mở màn thẳng thắn: Không nên mở rộng các quy luật quá mức cần thiết. Nói cách khác, luật lệ tồi sẽ làm mất đi sự tôn trọng dành cho luật lệ tốt. Đây là vấn đề đạo đức, thậm chí pháp lý - tương đương với thuyết “Dao cạo Occam[37]”, hay “máy chém quan niệm” của giới khoa học - cho rằng giả thuyết đơn giản nhất sẽ được ưa chuộng nhất. Vì thế, đừng đè nặng trẻ em - hoặc những người chấp hành kỷ luật ở chúng - bằng quá nhiều quy luật. Con đường đó sẽ dẫn đến sự chán nản mà thôi.
Hãy hạn chế các quy luật. Sau đó, hãy nhận ra mình phải làm gì khi một trong số chúng bị phá vỡ. Rất khó lập ra một quy định về mức độ trừng phạt chung và độc lập với bối cảnh. Tuy nhiên, một quy phạm hữu ích đã được lưu giữ trong thông luật Anh, một trong những sản phẩm vĩ đại của nền văn minh phương Tây. Bản phân tích về nó có thể giúp chúng ta thiết lập một nguyên tắc hữu ích thứ hai.
Thông luật Anh cho phép bạn bảo vệ các quyền lợi của mình, nhưng chỉ theo cách hợp lý. Nếu ai đó đột nhập vào nhà bạn, bạn có quyền lên đạn khẩu súng. Bạn có quyền tự bảo vệ, nhưng tốt hơn bạn nên làm theo từng giai đoạn. Nếu đó là gã hàng xóm say rượu vào nhầm nhà thì sao? “Hãy bắn hắn!” - bạn nghĩ thế. Nhưng điều đó không hề đơn giản. Thay vì thế, bạn nên nói rằng: “Dừng lại! Tôi có súng đấy.” Nếu đối tượng không đưa ra lời giải thích hay rút lui, bạn có thể thận trọng bắn một phát cảnh báo. Sau đó, nếu thủ phạm vẫn tiến đến, bạn có thể nhắm bắn vào chân anh ta. (Lời khuyên về mặt pháp lý là đừng mắc sai lầm. Đây chỉ là một ví dụ.) Bạn có thể vận dụng một nguyên tắc thực tiễn tuyệt vời duy nhất để tạo ra tất cả những phản ứng ngày càng gay gắt dần nói trên: Vũ lực là điều cần thiết tối thiểu. Thế nên, giờ chúng ta có hai nguyên tắc chung về kỷ luật. Thứ nhất: Giới hạn các quy luật. Thứ hai: Sử dụng vũ lực khi tối cần thiết để thực thi các quy luật đó.
Về nguyên tắc đầu tiên, bạn có thể thắc mắc: “Chính xác thì giới hạn các quy luật để làm gì?” Sau đây là một số gợi ý. Đừng cắn, đá hoặc đánh người, ngoại trừ để tự vệ. Đừng hành hạ và bắt nạt những đứa trẻ khác và bạn sẽ không phải bị “bóc lịch”. Hãy ăn uống một cách văn minh và đầy biết ơn, để mọi người cảm thấy hạnh phúc khi mời bạn đến nhà và vui vẻ tiếp đãi bạn. Hãy học cách chia sẻ, để những đứa trẻ khác cùng chơi với bạn. Hãy chú ý khi người lớn bảo ban bạn để họ không ghét bạn và rồi có thể mong muốn dạy cho bạn điều gì đó. Hãy đi ngủ đúng giờ và nhẹ nhàng, để cha mẹ bạn có đời sống riêng tư và không oán trách về sự tồn tại của bạn. Hãy chăm lo cho những thứ thuộc về mình vì bạn cần phải học cách làm điều ấy và may mắn biết bao mới có được chúng. Hãy cùng chung vui khi có điều gì đó vui vẻ diễn ra để bản thân trở thành đối tượng được mời tham gia cuộc vui. Hãy hành xử sao cho người khác hạnh phúc khi có bạn ở bên, rồi mọi người đều sẽ muốn được ở bên bạn. Một đứa trẻ hiểu các quy luật này sẽ được chào đón ở bất cứ nơi đâu.
Về nguyên tắc thứ hai, vốn quan trọng không kém, câu hỏi của bạn có thể là: Sử dụng vũ lực khi thực sự cần là gì? Nguyên tắc này phải được thiết lập qua thực nghiệm, bắt đầu với sự can thiệp thấp nhất có thể. Một số đứa trẻ em sẽ “hóa đá” bởi một ánh nhìn giận dữ. Một mệnh lệnh bằng lời sẽ ngăn được một đứa khác. Một cái búng nhẹ từ ngón cái và ngón trỏ vào bàn tay nho nhỏ của con nít có thể cần thiết với vài đứa. Sách lược này đặc biệt hữu ích tại những nơi công cộng như nhà hàng. Bạn có thể thực hiện một cách dứt khoát, yên lặng và hiệu quả mà không leo thang rủi ro. Vậy còn phương án nào nữa? Một đứa trẻ đang khóc lóc giận dữ để đòi sự chú ý sẽ không khiến cho bản thân nó được yêu mến. Một đứa trẻ chạy quanh các bàn ăn, phá tan không gian yên tĩnh của mọi người chỉ mang lại sự hổ thẹn (“disgrace” - một từ cổ nhưng mang nghĩa phù hợp) cho bản thân lẫn cha mẹ nó. Những hậu quả như thế cực kỳ tệ hại và trẻ em chắc chắn sẽ còn cư xử sai trái nữa ở nơi công cộng vì chúng đang thử nghiệm xem những quy tắc cũ có áp dụng tương tự ở nơi mới không. Chúng sẽ không giải quyết chuyện đó bằng lời, nếu chúng còn chưa đến ba tuổi.
Khi con chúng tôi còn bé, chúng tôi đưa bọn trẻ đến các nhà hàng và chúng thu hút những nụ cười. Chúng ngồi chỉnh tề và ăn uống lịch sự. Chúng không giữ được tác phong ấy quá lâu, nên chúng tôi cũng không để chúng ở đó thêm nữa. Khi chúng bắt đầu cảm thấy bồn chồn - sau khi ngồi được tầm 45 phút - chúng tôi biết đã đến lúc phải đi. Đó là một phần của thỏa thuận. Những người ngồi ăn gần đó chia sẻ với chúng tôi rằng thật tuyệt biết bao khi chứng kiến một gia đình hạnh phúc. Chúng tôi không phải lúc nào cũng vui vẻ và con cái của chúng tôi không phải lúc nào cũng cư xử đúng đắn. Nhưng phần nhiều là thế và thật tuyệt vời khi thấy mọi người phản ứng tích cực với sự hiện diện của chúng. Điều đó thực sự tốt cho trẻ em. Chúng có thể thấy mọi người yêu mến chúng. Điều này còn phát huy lối hành xử tốt của chúng. Đó là phần thưởng.
Mọi người sẽ thực sự yêu mến con bạn nếu bạn cho họ cơ hội. Tôi đã học được điều này ngay khi đứa cô gái đầu lòng Mikhaila của chúng tôi chào đời. Khi chúng tôi đưa con bé xuống phố trong chiếc xe đẩy nhỏ xinh, dạo chơi trong khu phố lao động Montreal của người Pháp, những thợ buôn gỗ nghiện rượu vốn cộc cằn sẽ dừng lại giữa đường và mỉm cười với con bé. Họ sẽ kêu gù gù, cười khúc khích và làm mặt hề. Nhìn cách mọi người phản ứng với trẻ con sẽ khôi phục lòng tin của bạn đối với bản chất của con người. Lòng tin đó sẽ tăng lên gấp bội khi con cái của bạn cư xử đúng đắn ở nơi công cộng. Để đảm bảo việc này xảy ra, bạn phải rèn con cái của mình vào khuôn phép một cách cẩn thận và hiệu quả - và để làm được điều đó, bạn phải biết vài điều về cách khen thưởng và cả trừng phạt, thay vì quá ngại ngùng bổ sung hiểu biết của mình.
Một phần trong việc thiết lập mối quan hệ với con trai hoặc con gái của bạn là học xem bọn trẻ con ấy phản ứng với lối can thiệp bằng kỷ luật ra sao - rồi mới can thiệp sao cho hiệu quả. Bạn rất dễ nói ra những lời sáo rỗng từ cửa miệng như: “Không có lời bào chữa nào cho việc trừng phạt thể xác” hoặc “Đánh trẻ em đơn giản là dạy chúng cách đánh người khác”. Hãy bắt đầu với tuyên bố đầu tiên: Không có lời bào chữa nào cho việc trừng phạt thể xác. Thứ nhất, chúng ta nên lưu ý về quan niệm phổ biến cho rằng một số hình thức cư xử không đúng, đặc biệt nếu cách cư xử liên quan tới việc trộm cắp và tấn công người khác, thì cả hai tội đều sai và phải bị xử phạt. Thứ hai, chúng ta nên lưu ý rằng hầu hết mọi hình thức xử phạt đều mang tính trừng phạt với nhiều hình thức tâm lý và thể xác trực tiếp. Sự tước đoạt quyền tự do cũng gây ra nỗi đau tương tự như vết thương về mặt thể xác. Biện pháp cách ly xã hội (kể cả giờ giới nghiêm) cũng giống như thế. Chúng ta biết về điều này nhờ môn khoa học thần kinh. Các vùng não sẽ phản ứng với cả ba biện pháp này và tất cả đều được cải thiện bởi cùng một loại thuốc có tên là opiate[38]. Bỏ tù rõ ràng là hình phạt thể xác - bị giam cầm cô lập hoàn toàn - ngay cả khi chẳng có hành vi bạo lực nào xảy ra. Thứ ba, chúng ta nên lưu ý rằng một số hành vi sai trái phải được ngăn chặn tức thời, có hiệu quả để điều tồi tệ hơn không xảy ra. Sự trừng phạt thích đáng cho những đứa trẻ thọc nĩa vào ổ cắm điện là gì? Còn những đứa nhóc giỡn tại bãi đỗ xe đông đúc trong siêu thị thì sao? Câu trả lời rất đơn giản: Bất cứ biện pháp gì để chấm dứt những hành vi đó nhanh nhất, miễn là hợp lý. Vì lựa chọn khác có thể nguy hiểm chết người.
Trường hợp bãi đậu xe hay ổ cắm điện khá rõ ràng. Nhưng ta cũng có thể áp dụng cách tương tự trong xã hội và điều ấy đưa chúng ta đến điểm thứ tư liên quan đến những lời bào chữa cho hình phạt thể xác. Các hình phạt đối với hành vi sai trái (kiểu hành vi đáng lẽ đã được chấm dứt một cách hiệu quả từ thời thơ ấu) sẽ trở nên khắc nghiệt khi trẻ lớn lên. Nó sẽ duy trì ở mức độ không tương xứng với những đứa trẻ dưới bốn tuổi vẫn chưa được hòa nhập xã hội hiệu quả, cũng như với những đứa trẻ bị xã hội trừng phạt nghiêm trọng vào thời niên thiếu và ở giai đoạn dậy thì. Từ đó, những đứa trẻ bốn tuổi không bị kiềm tỏa thường là những đứa từng quá hung hăng theo đúng bản chất ở tuổi lên hai. Theo thống kê, chúng có xu hướng đấm, đá, cắn và cướp đồ chơi (về sau gọi là trộm cắp) cao hơn bạn bè đồng trang lứa. Chúng chiếm khoảng 5% ở bé trai và một tỷ lệ thấp hơn nhiều ở bé gái. Việc bắt chước câu nói “Không có lời bào chữa nào cho việc trừng phạt thể xác” mà không thèm suy nghĩ cũng nuôi dưỡng ảo tưởng rằng những thiên thần bé bỏng từng một thời ngây thơ có thể lột xác một cách thần kỳ thành lũ “nhóc quỷ” ở tuổi thiếu niên. Bạn sẽ chẳng giúp gì cho trẻ nếu cứ bỏ qua bất kỳ hành vi sai trái nào của chúng (đặc biệt nếu nó có tính khí hung hăng hơn hẳn).
Việc khăng khăng rằng không có lời bào chữa nào cho việc trừng phạt thể xác cũng (điểm thứ năm) giả định rằng từ không có thể được thốt ra sao cho hiệu quả với người khác, mà không cần đến sự đe dọa trừng phạt nào. Một người phụ nữ có thể nói không với một gã đàn ông thô bạo, chỉ biết đến mình chỉ bởi vì cô ấy có được sự ủng hộ từ chuẩn mực xã hội, luật pháp và nhà nước. Một vị phụ huynh có thể nói không với đứa con muốn ăn chiếc bánh thứ ba vì họ lớn hơn, mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn đứa trẻ đó (thêm nữa là được luật pháp và nhà nước hậu thuẫn cho quyền hạn ấy). Trong bước phân tích cuối cùng, ý nghĩa của từ không luôn là “Nếu bạn cứ tiếp tục làm thế, thì điều gì đó bạn không thích sẽ xảy đến với bạn”. Nếu không thì từ không chẳng có ý nghĩa gì cả. Hay còn tệ hơn, điều đó thậm chí có nghĩa là “đám người lớn đáng bị phớt lờ lại lầm bầm thêm một điều vô nghĩa gì nữa”. Hay tệ hơn nữa, điều đó còn có nghĩa là “tất cả đám người lớn đều yếu đuối và chẳng được tích sự gì”. Đây là một bài học cực kỳ tồi tệ, trong khi số phận của mỗi đứa trẻ là phải trở thành người lớn, trong khi hầu hết mọi thứ chúng học được đều do người lớn chỉ bảo bằng cách làm gương hay ngụ ý mà không phải thông qua sự khó nhọc quá mức ở bản thân. Một đứa trẻ cứ phớt lờ người lớn và luôn khinh thường họ sẽ mong đợi điều gì? Vì sao nó phải lớn lên? Và đó chính là câu chuyện của cậu bé Peter Pan[39], người nghĩ rằng tất cả người lớn đều là những bản sao của thuyền trưởng Hook, một kẻ độc đoán và khiếp hãi cái chết của mình (luôn nghĩ về con cá sấu với chiếc đồng hồ tích tắc trong bụng). Trường hợp duy nhất từ không đơn giản nghĩa là không, mà lại vắng bóng bạo lực là khi nó được một người văn minh thốt ra với một người văn minh khác.
Thế còn quan điểm đánh trẻ em đơn giản là dạy chúng cách đánh người khác thì sao? Trước tiên: Không phải như thế. Điều này là sai lầm. Nó quá đơn giản. Đầu tiên, “đánh” là một từ rất giản dị để mô tả hành vi kỷ luật của một bậc phụ huynh biết điều. Nếu “đánh” mô tả chính xác toàn bộ phạm vi vũ lực về thể xác, thì sẽ chẳng có sự khác biệt nào giữa những giọt mưa và bom nguyên tử. Ở đây, cường độ rất quan trọng và bối cảnh cũng thế, nếu chúng ta không cố ý mù quáng và tỏ ra ngây thơ về vấn đề này. Đứa trẻ nào cũng biết sự khác biệt giữa việc bị một con chó hung dữ vô cớ cắn mình với việc bị chú cún cưng ngoạm nhẹ khi nó đùa nghịch (nhưng lại bất cẩn) lấy đi mẩu xương của chú chó. Chúng ta khó mà bỏ qua mức độ nặng nhẹ và nguyên do của “cú đánh” khi nói về cú đánh ấy. Thời điểm, một phần của bối cảnh, cũng có tầm quan trọng then chốt. Nếu bạn cốc đứa con hai tuổi của mình bằng ngón tay ngay khi cậu nhóc dùng một khúc gỗ đánh lên đầu em bé, nó sẽ hiểu được mối liên hệ và chí ít sau này sẽ không dám đánh cô em lần nào nữa. Nghe như đó là một kết quả tốt. Cậu bé chắc chắn sẽ không dám nghĩ rằng mình nên đánh cô em nhiều hơn, khi nhớ đến hình ảnh người mẹ lấy ngón tay cốc cậu như một lời cảnh báo. Cậu ta không hề ngốc. Cậu ta chỉ ghen tỵ, bốc đồng và không quá tinh ranh. Và còn cách nào khác để bạn bảo vệ cô em gái của cậu nữa? Nếu bạn kỷ luật không hiệu quả, thì đứa bé gái sẽ phải chịu khổ. Có thể trong nhiều năm. Tình trạng bắt nạt vẫn sẽ tiếp tục vì bạn chẳng làm gì để ngăn chặn nó. Bạn sẽ tránh sự xung đột mà lẽ ra rất cần thiết chỉ để lập lại hòa bình. Bạn sẽ nhắm mắt làm ngơ. Và sau đó, khi đứa bé ít tuổi hơn đối mặt với bạn (thậm chí khi chúng trưởng thành), bạn sẽ chống chế rằng: “Cha/mẹ không bao giờ nghĩ rằng mọi chuyện lại như thế.” Bạn chỉ không muốn biết mà thôi. Thế nên bạn mới không biết. Bạn chối bỏ trách nhiệm kỷ luật và biện minh cho điều đó bằng cách tiếp tục màn diễn “tốt bụng” của mình. Nhưng mỗi ngôi nhà bánh gừng ngọt ngào luôn có một mụ phù thủy bên trong để nuốt chửng trẻ em.
Vậy chúng ta còn lại gì? - Một quyết định kỷ luật hiệu quả hoặc không hiệu quả (nhưng không bao giờ là quyết định hoàn toàn bỏ qua việc kỷ luật, bởi vì tự nhiên và xã hội sẽ trừng phạt theo cách vô cùng hà khắc đối với bất kỳ sai phạm nào từ hành vi không được chỉnh đốn từ thời thơ ấu). Sau đây là vài gợi ý thực tế: “Tạm nghỉ” có thể là hình thức xử phạt cực kỳ hiệu quả, đặc biệt khi đứa trẻ hư được hoan nghênh ngay khi chúng kiểm soát được tính khí của mình. Một đứa trẻ giận dữ cần ngồi một mình cho đến khi nó bình tĩnh lại. Sau đó, nó sẽ được cho phép trở lại cuộc sống bình thường. Điều đó nghĩa là đứa trẻ sẽ chiến thắng - thay vì cứ giận dữ. Quy tắc này là “Hãy đến với chúng ta ngay khi con biết cách cư xử”. Đây là cách đối phó cực kỳ hữu hiệu đối với một đứa trẻ, cha mẹ và cả xã hội. Bạn có thể trò chuyện với bé nếu bé đã thực sự lấy lại sự tự chủ. Bạn sẽ yêu quý nó thêm lần nữa, bất kể hành vi sai trái ban đầu của nó. Nếu bạn còn giận trong lòng, có lẽ đứa trẻ đã không hoàn toàn ăn năn - hoặc có lẽ bạn nên làm điều gì đó nếu bản thân có khuynh hướng ôm chuyện cũ.
Nếu con của bạn rõ là một đứa nhóc quái ác, cứ chạy nhảy, cười nói lung tung khi được đặt trên bậc thang hoặc bị nhốt trong phòng mình, thì sự kiềm chế về thể xác có lẽ phải được thêm vào thông lệ “tạm nghỉ”. Bạn có thể nắm lấy cánh tay đứa bé thật chặt nhưng hết sức cẩn thận, cho đến khi nó không còn vặn vẹo và chú ý đến bạn. Nếu vẫn không thành công, bạn nên chuyển sang dùng đầu gối của mình để giữ nó. Đối với đứa trẻ luôn cố đẩy bạn tới giới hạn bằng sự gắng gượng đáng kinh ngạc, thì một cú phát mạnh vào lưng có thể biểu thị mức độ nghiêm trọng cần thiết của một người lớn có trách nhiệm. Có vài tình huống mà ngay đến cách này cũng không đủ, một phần vì một số đứa trẻ rất lì lợm, hiếu động và cứng đầu, hoặc vì hành vi vi phạm thực sự nghiêm trọng. Và nếu không suy nghĩ thông suốt những điều ấy, thì bạn sẽ không hành động một cách có trách nhiệm với tư cách là bậc cha mẹ. Bạn đang rũ bỏ công việc khổ ải này cho người khác và người ấy sẽ khiến nó còn cam go hơn nữa.
TÓM LƯỢC CÁC NGUYÊN TẮC
Nguyên tắc kỷ luật 1: Giới hạn lại các quy luật.
Nguyên tắc 2: Sử dụng vũ lực tối thiểu cần thiết.
Nguyên tắc 3: Cha mẹ nên đồng hành cùng nhau.
Nuôi con nhỏ là công việc đòi hỏi cao và mỏi mệt. Vì lẽ đó, cha mẹ rất dễ mắc lỗi. Mất ngủ, nhịn đói, hậu quả sau một cuộc cãi vã, dư âm sau một cơn say, một ngày làm việc tồi tệ - bất kỳ điều nào trên đây cũng có thể khiến cho một người không còn thiết tha đến lý lẽ và nếu tất cả gộp lại sẽ khiến họ gây nguy hiểm cho người khác. Trong những tình huống này, cần phải có một ai đó kề bên quan sát, nhập cuộc và bàn luận. Điều này sẽ giúp làm giảm khả năng một đứa trẻ hay than khóc, kích động và một vị phụ huynh gắt gỏng, chán nản cùng đẩy nhau đến mức không thể vãn hồi. Cha mẹ nên đồng hành cùng nhau để ông bố của đứa trẻ mới sinh có thể trông nom người mẹ trẻ, giúp cô không kiệt sức và làm điều gì đó tuyệt vọng khi nghe tiếng đứa bé mới sinh của mình than khóc vì đau bụng suốt từ lúc 11 giờ tối hôm trước đến tận 5 giờ sáng hôm sau, liên tục trong 30 đêm liên tiếp. Tôi không nói rằng chúng ta hẹp hòi với các bà mẹ đơn thân, nhiều người trong số họ đã chiến đấu can trường đến mức không thể tin được - và một phần trong số họ đã tự thân thoát khỏi một mối quan hệ tàn nhẫn - nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên giả vờ rằng mọi hình thái gia đình đều có thể đứng vững như nhau. Không hề. Mà tùy thuộc từng giai đoạn mà thôi.
Sau đây là nguyên tắc thứ tư, một nguyên tắc tâm lý đặc biệt hơn cả: Cha mẹ nên hiểu rằng họ có khả năng hà khắc, hiềm thù, kiêu ngạo, phẫn uất, giận dữ và lừa dối. Rất ít người từ đầu đã định sẵn sẽ làm một công việc khủng khiếp như làm cha làm mẹ, nhưng lúc nào cũng có tình trạng nuôi nấng con cái tồi. Điều này là do người ta có khả năng làm việc xấu - cũng như việc tốt - rất cao và bởi họ vẫn cố tình mù quáng trước thực tế ấy. Mọi người đều hung hăng và ích kỷ, mặc dù vẫn tốt bụng và chu đáo. Vì lý do này mà không một người trưởng thành nào - không loài dã nhân săn mồi có tôn ti trật tự nào - có thể thực sự chịu nổi việc bị một đứa bé mới sinh chi phối. Sự trả đũa rồi sẽ đến. Mười phút sau khi một cặp cha mẹ “quá ân cần và kiên nhẫn” thất bại trong việc ngăn cản cơn thịnh nộ của đám đông tại siêu thị, họ sẽ đáp trả lại đứa bé mới biết đi bằng thái độ lạnh nhạt khi chúng hớn hở chạy đến kể cho bố mẹ biết về một thành tích mới nhất. Khi cảm thấy đủ bẽ mặt, đủ bị cãi lời và bị thách thức sự thống trị, thì thậm chí cả những bậc cha mẹ được cho là vị tha nhất cũng sẽ oán giận. Và rồi hình phạt thực sự sẽ bắt đầu. Sự tức giận sinh ra khao khát trả đũa. Tình yêu thương cho đi đồng thời sẽ suy giảm, hoặc thậm chí đủ sự hợp lý để nó biến mất. Ta cũng sẽ nhận thấy ít cơ hội hơn cho sự phát triển cá nhân của trẻ. Một sự chuyển hướng tinh vi sẽ bắt đầu. Và đây chỉ là khởi đầu cho con đường dẫn đến mâu thuẫn gia đình toàn diện, diễn ra ngấm ngầm là chủ yếu, ẩn dưới vẻ ngoài bình thường và yêu thương giả tạo.
Tốt hơn ta nên tránh xa con đường mà nhiều người hay đi này. Một vị phụ huynh nhận thức nghiêm túc về sự khoan dung có giới hạn và khả năng hành xử sai trái khi bị khiêu khích của mình có thể nghiêm túc vạch ra một chiến lược kỷ luật thích hợp - đặc biệt nếu được một người bạn đời tỉnh táo không kém giám sát - và đừng bao giờ để mọi thứ chuyển biến xấu đến mức sự oán giận thực sự nảy sinh. Hãy cẩn thận. Những gia đình độc hại như thế hiện diện ở khắp nơi. Họ không đặt ra quy tắc và không hạn chế hành vi sai trái nào cả. Các bậc cha mẹ chửi bới tùy hứng và không đoán được. Trẻ em sống trong sự hỗn loạn ấy sẽ bị nghiền nát nếu chúng rụt rè, hoặc làm loạn như tác dụng ngược nếu chúng cứng đầu. Điều đó không tốt. Nó có thể gây chết người.
Sau đây là nguyên tắc thứ năm và cũng là cuối cùng, phổ biến nhất. Cha mẹ có bổn phận hành động như những người chịu sự ủy thác của thế giới thực - những người được ủy nhiệm nhân từ và biết quan tâm - nhưng dù sao vẫn chỉ là những người thụ ủy. Nghĩa vụ này thế chỗ bất kỳ trách nhiệm nào để đảm bảo hạnh phúc, nuôi dưỡng sự sáng tạo hoặc thúc đẩy lòng tự trọng. Đó là trách nhiệm chính của cha mẹ để xã hội yêu quý con cái mình. Điều đó sẽ đem đến cơ hội, lòng tự trọng và sự an toàn cho đứa trẻ. Quan trọng hơn cả là việc nuôi dưỡng bản sắc cá nhân. Trong mọi trường hợp, ta chỉ có thể theo đuổi Chén Thánh sau khi lập ra được một xã hội có mức độ vi tế cao.
NHỮNG ĐỨA TRẺ NGOAN - VÀ BẬC PHỤ MẪU CÓ TRÁCH NHIỆM
Một đứa bé ba tuổi được hòa nhập xã hội đúng cách thường sẽ lịch sự và thu hút. Nó cũng chẳng dễ bị lợi dụng. Nó kích thích sự quan tâm ở những trẻ khác và được người lớn trân trọng. Nó tồn tại trong một thế giới nơi những đứa trẻ khác luôn chào đón nó và tranh nhau để có được sự chú ý của nó, còn người lớn thì vui vẻ khi trông thấy nó thay vì trốn sau những nụ cười giả tạo. Sẽ luôn có những người vui lòng giới thiệu nó với cả thế giới. Điều này sẽ giúp ích cho cá tính của nó sau này hơn bất kỳ thái độ khiếp nhược nào của các bậc cha mẹ nhằm tránh né xung đột và biện pháp kỷ luật thường ngày.
Hãy thảo luận với vợ chồng bạn, hoặc nếu không thì với một người bạn, về những điều mà bạn thích và không thích ở con cái mình. Nhưng cũng đừng e ngại nếu bạn có điều thích và không thích ở chúng. Bạn có thể đánh giá điều hay điều dở, điều tốt điều xấu. Bạn nhận ra sự khác biệt giữa thiện và ác. Hãy làm rõ lập trường của mình - tự đánh giá tính nhỏ nhen, kiêu căng và oán giận trong lòng mình - và bạn có thể thực hiện bước tiếp theo, khiến cho con mình cư xử phải phép. Bạn chịu trách nhiệm đưa chúng vào khuôn phép. Bạn chịu trách nhiệm cho những sai sót không thể tránh khỏi khi áp dụng kỷ luật. Bạn có thể xin lỗi khi bạn sai và học cách làm sao cho tốt hơn.
Xét cho cùng, bạn vẫn yêu thương con mình. Nếu hành động của con bạn khiến bạn không ưa chúng, hãy nghĩ xem chúng sẽ ảnh hưởng đến người khác ra sao, những người ít yêu thương chúng hơn bạn. Họ sẽ trừng phạt chúng rất tàn nhẫn dù bằng cách hành động hay bỏ mặc. Đừng cho phép điều ấy xảy ra. Tốt hơn hãy để những con “quái vật nhỏ” của bạn biết điều gì đáng mong đợi ở chúng và điều gì không, rồi chúng sẽ trở thành những công dân tinh tế của thế giới ngoài phạm vi gia đình.
Một đứa trẻ biết chú ý, thay vì lơ ngơ, có thể chơi đùa mà không than khóc, hài hước mà không làm phiền, cũng như rất đáng tin cậy - đứa trẻ đó sẽ luôn có bạn bè ở bất cứ nơi nào chúng đến. Các thầy cô của nó cũng sẽ yêu thích nó như cha mẹ vậy. Nếu nó tỏ ra lễ phép với người lớn, nó sẽ được họ săn sóc, cùng cười đùa và vui vẻ chỉ bảo. Nó sẽ vươn mình từ một thế giới rất dễ trở nên lạnh nhạt, hiềm khích và thù địch. Các quy tắc rõ ràng sẽ giúp cho đứa trẻ được an toàn và giúp cha mẹ bình tĩnh, biết lý lẽ. Các nguyên tắc rõ ràng về kỷ luật và trừng phạt sẽ cân bằng giữa lòng độ lượng và công lý, nhằm phát huy tối ưu sự phát triển về mặt xã hội và sự trưởng thành về tâm lý. Các quy tắc kỷ luật rõ ràng cũng giúp đứa trẻ, gia đình và xã hội có thể thiết lập, duy trì và mở rộng trật tự vốn bảo vệ tất cả chúng ta khỏi những hỗn loạn và kinh hoàng của cõi bên kia, nơi mọi thứ đều bất định, gây lo lắng, vô vọng và trầm uất. Một bậc cha mẹ tận tâm và can đảm không thể đem lại món quà nào tốt hơn thế.
Đừng để con bạn làm những điều khiến bạn không ưa chúng.