Ma thổi đèn (Tập 7) - Chương 20

CHƯƠNG
20

THOÁT
CHẾT TRONG GANG TẤC

Cát chảy xưa nay vẫn là phương pháp chống trộm lấy
nhu khắc cương rất hiệu nghiệm trong mộ cổ, không giống như đào mộ tường đất nện,
cứ đào một đường hầm là giải quyết được vấn đề, cát là thứ dễ trôi dễ chảy, dân
trộm mô hễ đào tới đâu lại có cát chảy lấp đầy tới đó, trừ phi họ có thể đào sạch
hàng vạn tấn cát cùng một lúc, nếu không dòng cát chảy sẽ như một bức tường mộ
di động, kẻ trộm mộ vĩnh viễn đừng mong đào được lối ra.

Nhưng từ xưa tới nay, bẫy cát chảy tuy gặp nhiều
trong mộ cổ, song cát lại không hợp với nguyên lí phong thủy. Thuyết phong thủy
Thanh Ô đề cập đến “long, sa, huyệt, thủy, hướng,” nhưng chữ “sa” ở đây lại có
bộ “thạch,” chỉ chung các loại nham tầng thổ nhưỡng chứ không phải là “sa”
trong “lưu sa” – cát chảy.

Chẳng có chủ mộ nào muốn hài cốt mình chôn vùi trong
cát, nhưng so với hành vi đổ đấu tàn khốc của dân trộm mộ thì thà để cát hỏa phục
chôn vùi cả mộ thất lẫn những kẻ thâm nhập còn hơn.

Dựa vào những kinh nghiệm trước đây, bọn lão Trần cứ
ngỡ trong Bình Sơn không thể có cát, nào ngờ phần cốt lõi của Bình Sơn lại
chính là một ngọn núi cát hiếm có, được bao bọc bởi đá xanh nguyên khối. Bọn họ
liều chết phá giếng thủy ngân trong địch lâu, nhưng lại khơi thông dòng cát chảy
từ tầng nham thạch. Thường có câu “cuống sa loạn vũ,” đặc tính của cát vốn rất
đỗi bình thường, nhưng một khi cát cuộn lên mạnh mẽ thì còn ghê gớm hơn cả lửa
phục khói độc, người bị cát chảy truy đuổi, chỉ cần cát ngập đến ngực, chưa cần
quá đầu cũng đã tắt thở chết ngay lập tức, hơn nữa cát nhỏ trơn trượt, hễ đặt
chân xuống là loạng choạng ngả nghiêng, nói gì đến chuyện chạy thoát.

Lão Trần đứng trên mặt thành chứng kiến cảnh bão cát
vừa đổ vào trong thành đã làm lụi hết đèn đuốc, ánh sáng tứ phía đột nhiên yếu
hẳn, chỉ còn tiếng cát chảy ầm ầm trong bóng đêm. Lão Trần chớp lấy thời cơ,
không chút chậm trễ, lật thang trèo xuống chân thành, chân còn chưa chạm đất đã
cuống cuồng tháo chạy. Trước mắt bốn bể lửa rơi cát chảy, còn nấn ná trên thành
dù chỉ phút chốc cũng sẽ bị bão cát nuốt chửng. Trong địch lâu kia tuy có chút
không gian, nhưng lại chui vào nơi có một lượng lớn thủy ngân như vậy, một khi
địch lâu bị cát vùi, không chết nghẹt thì cũng bị khí thủy ngân tích tụ trong
đó đầu độc mà chết, hiện tại chỉ có cái hang nơi cổng thành là có thể trú ẩn chốc
lát.

Cát tràn vào ủng thành đều là từ tầng nham thạch bên
trên trút xuống, hang núi nơi cổng thành bị cửa đập ngàn cân chắn ngang lúc trước
giờ là nơi cách xa con rồng cát nhất, tuy sớm muộn gì cũng sẽ bị chôn vùi,
nhưng loài sâu bọ còn ham sống sợ chết huống chi con người, xuất phát từ dục vọng
cầu sinh bản năng, dù chỉ được sống thêm một chốc lát cũng phải dốc hết lực tàn
mà chạy về phía cổng thành.

Đám người may mắn sống sót đang bám trên tháp tre,
thấy thủ lĩnh từ trên thành điện cuống cuồng chạy lại, vừa chạy vừa khoát tay
ra hiệu, sau lưng lão là trận cát chảy cuộn tới như gió rít sóng gào thì lập tức
hiểu ý thủ lĩnh, nhảy khỏi tháp tre, bất chấp vết thương chảy máu đau đớn, tất
thảy lăn lê bò toài phía sau lão Trần tìm đường thoát thân.

Trận cát chảy đổ xuống như trời long đất lỡ, họ ù đặc
hai tai, chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy về phía cổng thành, không dám quay đầu
nhìn lại. Có những người bị tên bắn vào chân không đi được, phải ra sức bò bằng
hai tay, lại có những người chân bị tê liệt, hễ vấp ngã là không sao bò dậy nổi,
hơi chậm chân một chút là vĩnh viễn bị chôn vùi nơi này, những người khác giữ mạng
mình đã khó, còn đâu tâm trí mà lo cho họ.

Lão Trần đang cắm đầu chạy thì thấy La Lão Oai chui
ra từ đống xác chết, đã chột một mắt, mặt mày người ngợm máu me bê bết, bèn nắm
ngay lấy bao súng da của hắn mà kéo đi. Trận bão cát đuổi sát phía sau khiến
người ta ngạt thở, lão Trần không dám dừng bước, túm được La Lão Oai liền chạy
ngay, mới chậm mấy bước mà đã thụt lùi lại sau cùng.

Đột nhiên từ cửa động trước mặt dội lại một luồng
khí ép của một vụ nổ cực lớn, hất phăng mấy tên trộm đang chạy phía trước lên
không, lão Trần chạy sau cùng nên kịp kéo theo La Lão Oai tránh được. Định thần
nhìn lại mới biết, thì ra để cứu tính mạng thủ lĩnh và La soái, đám trộm cùng đội
công binh chờ bên ngoài mộ đạo đã dùng một lượng lớn thuốc nổ cho nổ tung cửa đập
ngàn cân, nhưng do lượng thuốc nổ quá nhiều, cả bức tường thành cũng sụp một mảng
lớn.

Lão Trần trong bụng mừng rơn, xem ra vận khí phái Xả
Lĩnh vẫn chưa đến ngày tận, lần này thoát chết trong gang tấc, quả là muôn phần
may mắn. Lão lấy hơi, guồng chân, vận hết sức chạy lại phía cổng thành tan
hoang. Đám người Xã Lĩnh ở bên ngoài cuống lên không kịp đợi cho khói thuốc tan
hết đã định xông vào địa môn tìm thủ lĩnh, chỉ thấy bên trong đen kịt cuồn cuộn
cát bụi, mấy người mặt mũi lấm lem đất cát máu me cuống cuồng lao ra, sau lưng
là bức tường cát đang ầm ầm truy đuổi.

Cả bọn thấy tình hình không ổn, vội dìu những người
vừa xông ra, gào toáng lên quay đầu rút lui, núi cát chảy ầm ầm đổ xuống sau
lưng bọn họ, trong chốc lát đã lấp kín mộ đạo.

Lão Trần liên tiếp trải qua mấy phen thập tử nhất
sinh thất kinh bát đảo, tâm thần hoảng hốt cực độ, biết có ở lại cũng không nên
cơm cháo gì, vội ra lệnh cho thuộc hạ ngay trong đêm đó quay trở lại nghĩa
trang Lão Hùng Lĩnh. Đám trộm và tiểu đoàn công binh dưới sự chỉ huy của Hồng
cô nương thu nhặt tàn binh, tinh thần người nào cũng hoang mang rệu rã, lặng lẽ
rút lui tạm thời về đóng quân trên Lão Hùng Lĩnh.

Vào tới bên trong “nhà khách của người chết” được
coi là sở chỉ huy lâm thời, lão Trần mới bình tĩnh lại xem xét thương thế của La
Lão Oai. Mắt trái của hắn coi như đã mất, vết thương trên bả vai sâu tới tận
xương, nhưng La Lão Oai từng trải trăm trận, thương tích đầy mình, vết thương lần
này tuy nặng song sau khi được quân y đi theo xử lí cuối cùng hắn cũng tỉnh lại,
liên tục tuôn ra những lời tục tĩu, chửi bới mộ chủ trong ngôi mộ cổ Bình Sơn
không tiếc lời nào, nào là nếu lôi được kẻ đó từ trong cái hố phân ấy lên mà
băm vằm thì mả mẹ cái họ La này của hắn sẽ đổi thành họ Cứt, nào là hắn sẽ lập
tức sai người trở về điều binh, điều mẹ nó cả sư đoàn tới, để xem có xới tung
được ngọn Bình Sơn này lên không.

Lão Trần biết La Lão Oai chỉ chửi cho sướng mồm, đừng
nói một vạn người dù mười vạn đại quân tới đây đào xới ngôi mộ cổ nằm trong
lòng một ngọn núi lớn thế này e chẳng phải dăm bữa nửa tháng mà xong cho được.
Lão đã đích thân dẫn thuộc hạ, chia làm hai cánh xâm nhập vào địa cung từ đỉnh
núi và chân núi, nhưng không những ra về tay trắng, mà đến khi đếm lại còn chết
oan hơn một trăm anh em, đa số họ đều là những kẻ tinh nhuệ trong phái Xả Lĩnh,
đáng tiếc nhất là Hoa Ma Linh và Côn Luân Ma Lặc, hai cánh tay trái phải của lão.

Lão Trần thầm nghĩ, lần này tay trắng rút lui, không
chỉ chiếc ghế thủ lĩnh ngàn vàng của lão bị lung lay, mà ngay cả đỉnh Thường Thắng
sơn e cũng có nguy cơ sụp đổ. Lão Trần là kẻ có dã tâm lớn, để hoàn thành bá
nghiệp một phương, bao năm nay lão đã lao tâm khổ tứ, dốc ra không biết bao
nhiêu tâm huyết. Lão sinh ra để làm thủ lĩnh, thân thủ không chỉ hơn người mà tấm
lòng cũng khoan dung độ lượng, xưa nay luôn dung hai chữ “nghĩa khí” để thu phục
lòng người, chỉ duy có mắc mứu trước thắng thua thành bại, tâm cao khí ngạo,
không chịu nhận thua, ở điểm này lão quả thật hơi thiếu khí lượng.

Trong lòng lão đã quyết, lão Trần liền triệu tập mọi
người tới tuyên bố: “Nhà binh thắng bại là chuyện bình thường, đấng nam nhi phải
biết nhẫn nhịn, đệ tử Giang Đông đều là những trang tuấn kiệt, biết đứng dậy
sau thất bại…Các anh em đừng nên nóng lòng sốt ruột, tạm nghỉ ngơi vài hôm, sau
đó theo Trần mỗ ta lên núi lần nữa, đào tới tận đáy ngôi mộ cổ Bình Sơn này, khỏi
phụ lòng các anh em đã ngã xuống!”

Nói xong bèn cắt máu thề độc, cất đặt đâu vào đấy lại
bày linh vị của những người chết thảm trong nghĩa trang, đốt vàng hơn theo
phong tục của người Tát gia Tương Tây, làm thật nhiều hình nhân bằng giấy, bên
trên ghi rõ tên họ và ngày sinh tháng đẻ của linh chủ rồi đem hóa trước linh vị,
để chúng đi theo xuống âm ti làm kẻ hầu người hạ cho họ, đây âu chỉ là những
chuyện vặt vãnh không cần nói kĩ.

Suốt mấy ngày liền, lão Trần để La Lão Oai nghỉ ngơi
dưỡng thương, còn mình thì đóng kín cửa phòng, một mình suy nghĩ kế sách xâm nhập
vào ngôi mộ trong núi Bình Sơn. Ngôi mộ cổ này quả là kì lạ, có một không hai,
tuy từ đỉnh núi có thể tiến thẳng vào địa cung, nhưng lại không tránh được
trùng độc ẩn nấp bên trong, hễ bị cắn một phát thì dù là thần tiên la hán cũng
khó bảo toàn được tính mạng. Nhưng nếu bắt đầu đào bới từ tiền điện hay thiên
điện ai biết liệu có sa chân vào ngôi mộ giả nào nữa không. Hơn nữa núi đá kiên
cố, lối ra vào bị chen kín đá tảng chì nung, cạm bẫy bên trong thì trùng trùng
lớp lớp, nghe nói thời nhà Tống từng có một bức sơ đồ trung tâm cạm bẫy trong
núi Bình Sơn, nhưng sau đó lọt vào tay người Nguyên, việc bịt mộ hạ tang xong
xuôi tấm bản đồ đó cũng bị tiêu hủy, đến nay muốn phá hủy tất cả các cơ quan cạm
bẫy trong núi này thật sự khó hơn lên trời.

Suy đi tính lại, nếu chỉ dựa vào mình phái Xả Lĩnh
thì đại sự trong núi Bình Sơn chắc chắn khó thành, giờ đành hi vọng đám Ban Sơn
đạo nhân sớm tới hội họp. Thuật Phân Giáp của phái Ban Sơn từ xưa đã được truyền
tụng là vô cùng thần kì. Lão Trần chỉ biết phương thuật này cao minh, quỷ thần
cũng khó lòng chống đỡ, chứ cụ thể thế nào thì hoàn toàn không rõ, nếu có Ban
Sơn đạo nhân giúp sức mà vẫn không lấy được bảo vật bên trong mộ cổ núi Bình
Sơn thì thật bó tay hết cách.

Sáng ngày thứ tư, đúng như lão Trần mong đợi, ba vị
đạo nhân Ban Sơn do Gà Gô dẫn đầu đã tìm tới nơi. Thì ra chuyến đi lần này của
họ cũng không thuận lợi, công cốc chạy tới đất Kiềm một phen, ngôi cổ mộ Dạ
Lang Vương đã bị người ta vét sạch không biết tự bao triều đại trước rồi, ngay
cả một viên gạch có bích họa cũng không còn, trống trơn một cái mả hoang nhìn
mà não ruột.

Lão Trần bảo thuộc hạ dành ra một phòng sạch sẽ để
lão và bọn Gà Gô vào trong mật đàm, kể lại hai lần xâm nhập Bình Sơn đều thất bại
thê thảm, xem chừng việc lần này không phải chỉ dùng sức là được. Bên cạnh đó
lão cũng không quên dát vàng lên mặt mình, đem chuyện vật lộn thoát chết từ cửa
tử ra thuật lại li kì rùng rợn đoạn ngại ngùng tiết lộ đã mất khá nhiều huynh đệ.

Trong các hạng trộm mộ, chỉ có Mô Kinh hiệu úy, Xả
Lĩnh lực sĩ và Ban Sơn đạo nhân là có bí thuật ngàn năm, song trên thực tế, những
bí thuật ấy đều không hẳn là “thuật.”Lão Trần biết phái Xả Lĩnh dùng sức để đào
mộ, dựa vào cuốc to xẻng lớn, bình pháo thuốc nổ, cộng thêm sức người sức ngựa,
và thang rết móc núi được xưng tụng là Xả Lĩnh giáp, phương pháp đổ đấu của Xả
Lĩnh trước nay không rời xa mấy thứ khí giới này, lấy “giới” giúp sức, vậy nên
mới có cái tên Xả Lĩnh (xẻ núi).

Ngoài ra lão còn biết, Mô Kim Phát Khưu trộm mộ đều
dùng “thần,” nhưng Mô Kim hiệu úy bây giờ chẳng còn lại mấy người, hành tung
càng bí ẩn, nên không rõ họ dùng “thần” để trộm mộ như thế nào, lẽ nào cầu khấn
thần tiên bồ tát hiển linh giúp mình đổ đấu? Đó chẳng phải tà thuật vọng thiên
gieo quẻ, chiêm bốc định vị huyệt mộ hay sao? Chỉ nghe nói Mô Kim hiệu úy rất
giỏi xem xét tình hình phong thủy, có bản lĩnh phân kim định huyệt, tầm long kiếm
mạch, những thứ ấy sao có thể coi là “thần?”

Gà Gô là thủ lĩnh của phái Ban Sơn, cũng là nhân vật
hàng đầu được quần hùng trong giới lục lâm biết đến, danh tiếng lẫy lừng thiên
hạ, anh ta và lão Trần nghĩa khí tương đầu, không có chuyện gì không thể nói, đối
với chuyện Mô Kim dùng “thần” lại biết được ít nhiều. Ban Sơn đạo nhân tuy
không phải những kẻ chân tu nhưng giả dạng đạo nhân đã ngàn năm nên cũng có hiểu
biết tương đối về huyền học đạo thuật, Gà Gô thành thật giảng giải với lão Trần
rằng:

Mô Kim hiệu úy khởi nguồn từ thời Hậu Hán, có sở trường
Tầm Long quyết và Phân kim định huyệt, nói về thượng pháp của quyết “vọng,”
trong khắp thiên hạ không ai bằng bọn họ. Đám người này khi trộm mộ đều tuần
theo quy luật “Gà gáy đèn tắt không mò vàng,” rất giỏi suy diễn bát môn phương
vị, những bản lĩnh này đều xuất phát từ Kinh dịch. Nguyên lí phong thủy chính
là một phân chi của “dịch,” tương truyền chũ “thần” trong “Mô Kim dụng thần”
chính là chỉ “dịch.” Người xưa có câu “Thần vô phương, dịch vô thể, chỉ ngụ giữa
âm dương,”“gà gáy đèn tắt” chính là một phần trong thuyết âm dương biến hóa của
“dịch,” nên nói cách khác Mô Kim hiệu úy trộm mộ là dựa vào dịch lí.

Có điều Ban Sơn đạo nhân Gà Gô tuy biết được đại
khái là vậy, nhưng cũng chưa từng có dịp kết giao với Mô Kim hiệu úy, chỉ nghe
nói Liễu Trần chưởng lão trụ trì chùa Vô Khổ chính là một vị Mô Kim đã rửa tay
gác kiếm, vứt bỏ bùa Mô Kim, Gà Gô từ lâu đã mong được kết giao với ông ta,
nhưng hiềm nỗi không có ai giới thiệu, lại thêm công việc bận bịu nay đây mai
đó nên ý nguyện trước sau vẫn chưa thành, nay nhắc đến lại càng thở vắn than
dài.

Lão Trần chợt tỉnh ngộ, quả đúng là núi cao còn có
núi cao hơn, người tài trong thiên hạ thực như lá mùa thu, lão và Gà Gô tuy
quen biết đã lâu nhưng ai có việc người nấy, thường khó có cơ hội gặp gỡ hàn
huyên, càng không biết chuyện Ban Sơn dùng “thuật” trộm mộ có thực hay không.
Chỉ vì nghe nói Ban Sơn mật thuật được lưu truyền hết sức thần bí trong nội bộ Ban
Sơn đạo nhân nên người ngoài cũng không tiện đoán mò xằng bậy, nhân đây lão lên
tiếng hỏi, cũng là muốn thăm dò ngọn nguồn từ anh ta, bằng không nếu đám Ban
Sơn đạo nhân kia chỉ hữu danh vô thực cùng bọn họ vào núi Bình Sơn há chẳng phải
chết oan theo họ sao?

Gà Gô nghe lão Trần hỏi vậy liền cười nói vì chữ “Ban”
trong Ban Sơn đạo nhân mà người đời thường lầm tưởng họ cũng như Xả Lĩnh lực sĩ
chuyên dùng sức người để xẻ núi, đâu biết rằng trên đời này đào núi khoét núi
thì được, chứ lấy đâu ra sức mạnh có thể dời non? Trừ phi có “thuật” bằng không
sao dời được núi? “Phân sơn quật tử giáp” và “Ban Sơn điền hải thuật” đã lâu
không được xử dụng, họ đang ngứa ngáy khó chịu thì lại gặp ngay Bình Sơn này để
trổ tài thi triển Ban Sơn phân giáp thuật. Thì ra Gà Gô nghe Lão Trần kể lể một
hồi đã nghĩ ra cách phá núi Bình Sơn, “Phải làm thế này, thế này…Như vậy như vậy…”
Phi vụ hợp tác quật cổ mộ Bình Sơn của hai phái Ban Sơn và Xả Lĩnh đã được bắt
đầu như thế.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3