Ma thổi đèn (Tập 7) - Chương 21

CHƯƠNG
21

BẢN
KIM PHONG

Lão Trần thua hai trận liên tiếp, sợ rằng không phá
được Bình Sơn sẽ ảnh hưởng đến địa vị và tiếng tăm của mình trong giới lục lâm,
nay nghe Ban Sơn đạo nhân Gà Gô nói có một pho Ban Sơn Phân Giáp Thuật có thể
thi triển thì như mở cờ trong bụng, vội nói: “Không biết thuật này có thể dùng
thế nào? Tôi muốn nghe cho kĩ, nếu quả thật dùng được sẽ lập tức phong đài bái
tướng!”

Gà Gô nói: “Đào mộ bằng thuật không có nghĩa là
không cần sức, muốn đào mộ cổ trong núi Bình Sơn bắt buộc hai phái Ban Sơn Xả
Lĩnh phải cùngchung tay, còn về Ban Sơn Phân Giáp thuật…” Anh ta thoáng trầm
ngâm đoạn nói tiếp: “Thiết nghĩ, nguyên lí thiên nhân tương ứng có trong Xuân
Thu, Chu Dịch cũng ghi chép lại chuyện dư ương[24], dư khánh. Nghe nói Mô Kim
hiệu úy dùng Dịch đào mộ là do kế thừa từ đời xưa, pháp thuật của Ban Sơn đạo
nhân cũng đã có lai lịch trên ngàn năm, có điều Ban Sơn Phân Giáp thuật không
giống với bất kì phương thuật nào trên đời, tuy theo đuổi sinh khắc chế hóa,
nhưng lại không xuất phát từ nguyên lí ngũ hành sinh khắc của Dịch. Vạn sự vạn
vật trên đời dù mạnh đến đâu cũng có cái chế ngự, cường nhược sinh khắc chế ngự
lẫn nhau, đó chính là thuật của phái Ban Sơn.”

[24]
Dư ương dư khánh, trong Dịch viết: “Nhà tích điều thiện dư thừa hân hoan, nhà
không tích thiện dư thừa tai ương.”

Gà Gô cho rằng sau núi Bình Sơn có vô số loài độc vật
sinh trưởng, tu luyện nhờ vào dược tính trong núi, sớm muộn gì cũng sinh ra họa
lớn, dù không đào bới ngôi mộ cổ thì cũng phải trừ khử tận gốc mối họa này,
nhưng việc cần kíp trước tiên là phải tìm xung quanh Bình Sơn xem có vật gì
thiên tạo, khắc chế được đám độc vật trong núi kia không.

Lão Trần là người tinh nhanh, nghe xong liền bừng tỉnh,
có câu “yếu khắc mạnh, chẳng ở hình dáng to nhỏ,” giống như một con rắn lục ba
tấc có thể cắn chết một con mãng xà dài mấy trượng, chỉ cần tìm ra báu vật khắc
yêu trừ độc thì lo gì không quật được ngôi mộ cổ trong núi Bình Sơn? Lão lộ vẻ
xúc động, đập bàn đứng dậy họa theo: “Nghe lời vàng ngọc của người quân tử, thực
đúng như vén mây nhìn thấy mặt trời, thiết nghĩ loài độc vật trăm năm tuổi ẩn
mình trong lòng mộ cổ kia hấp thu được khí trong núi và âm khí của địa cung,
lăm le hại người, hậu quả thật khôn lường. Phái Xả Lĩnh chúng tôi, dẫu không
ham giành châu báu trong mộ cũng nhất định phải tiêu diệt sạch bọn chúng, việc
công đức này mà làm đến tận cùng, không chừng thì còn nhờ đó mà thành tiền nữa ấy
à…” Lão xưa nay vốn chẳng tin gì chuyện thần Phật tu tiên, lúc này nói vậy chẳng
qua muốn để Ban Sơn đạo nhân biết rằng, những tay hảo hán của Thường Thắng sơn
không phải chỉ chăm chăm đào mộ mưu cầu tài vật, mà vẫn luôn có lòng cứu giúp
muôn dân.

Hai người bàn bạc rất lâu, sau cùng cũng quyết định
cải trang thay hình đổi dạng, lại làm một chuyến tới mấy bản người Miêu quanh
núi Bình Sơn. Gà Gô tuy sát khí lộ rõ giữa hai hàng chân mày, nhưng anh ta lăn
lộn núi rừng đã lâu, lại thông thuộc phương ngữ các nơi, hiểu rõ phong tục tập
quán, nếu có cải trang thành thanh niên Băng Gia Miêu thì chỉ cần không đụng phải
cao thủ trong giới lục lâm, chắc chắn sẽ không bao giờ bại lộ.

Lão Trần đã quen làm thủ lĩnh Thường Thắng sơn, thoạt
nhìn là biết ngay là dân giang hồ chứ dứt khoát chẳng phải hạng con buôn gì, vì
vậy chỉ có thể cải trang thành thầy bói xem tướng hoặc thầy địa lí xem phong thủy,
bằng không thì là nghệ nhân một trong bảy mươi hai nghề.

Cuối cùng Gà Gô đành giúp lão cải trang thành gã thợ
học việc. Ở Tương Tây có nhiều nhà sàn, thường có cánh thợ mộc vượt núi xuyên bản,
giúp người dân dựng nhà sửa cửa đổi lấy sơn vật mưu sinh, ở đây sơn dân gọi họ
là thợ buộc lầu. Chẳng quản núi sâu rừng rậm, chỉ cần nơi nào có làng bản sơn
dân sinh sống là nơi đó có dấu vết của thợ buộc lầu, nên có đóng giả chắc cũng
sẽ không bị nghi ngờ mảy may.

Lão Trần thân phận cao quý, đi đến đâu cũng phải kéo
theo vô số tay chân thuốc hạ, nay gã câm Ma Lặc và Hoa Ma Linh đều đã chết, đám
trộm mộ Xả Lĩnh sao có thể yên tâm để thủ lĩnh một thân một mình lên núi cùng Ban
Sơn đạo nhân. La Lão Oai thì thương tích vẫn chưa lành không thể đi theo, cuối
cùng chỉ đành để cho Hồng cô nương đi với lão và Gà Gô, ngoài ra còn có hai
mươi tay súng âm thầm theo sau tiếp ứng. Đám lính của La Lão Oai hết đào bới lại
cho nổ mìn trên núi Bình Sơn, ồn ào huyên náo kinh động tới mấy phiến quân cùng
đám sơn tặc thổ phỉ lân cận, bọn người đó không phải vây cánh Thường Thắng sơn,
nhìn thấy mộ cổ Bình Sơn cũng thèm chảy nước dãi, chỉ vì thế lực không bằng La
Lão Oai, lại thấy đám trộm Xả Lĩnh bị ăn quả đắng nên mới không dám manh động.
Dù vậy chúng vẫn cứ mật thám lân la nghe ngóng, định thừa cơ kiếm chút cơm thừa
canh cặn. Thế nên, trùm sỏ phái Xả Lĩnh lần này đích thân lên núi thăm dò quả
thật vô cùng mạo hiểm, nhất định phải chuẩn bị chu đáo, tránh xảy ra bất trắc.

Gà Gô thấy thế có vẻ xem thường, nhíu mày đợi mãi hồi
lâu, lão Trần mới bố trí xongxuôi, cùng anh ta và Hồng cô nương, ba người cải
trang thành thợ buộc lầu, lại ép tay người Miêu bị bắt theo làm hướng dẫn viên
lúc trước dẫn đường, khởi hành xuống Lão Hùng Lĩnh tiến vào vùng thâm sơn.

Quanh núi Bình Sơn dân sinh sống thưa thớt nên chỉ
lác đác có mấy bản làng, dân làng bản Nam ở gần nhất đã bị bọn công binh dọa
cho chết khiếp, đều đã bỏ của chạy lấy người. Nhờ có tay người Miêu dẫn đường,
đám người Gà Gô xuyên qua một khe sâu trong núi, tiến thẳng về bản Bắc.

Đoạn đường này càng đi càng nguy hiểm, hầu như đều
là rừng rậm nguyên sinh không có lối mòn, thông thường để miêu tả cảnh sắc nước
non người ta thường dùng từ “mĩ lệ,” nhưng với khe núi vẫn được dân bản địa gọi
là khe Sa Đao này, chỉ có thể dùng một từ “kì mĩ” để hình dung. Nhìn ra trước mặt,
kì phong san sát, quái thạch bắc ngang, sâu trong khe núi vài trăm mét có hàng
ngàn ngọn nhũ đá thẳng tắp cao vút, muôn hình vạn trạng, chĩa lên trời xanh.
Trong khe núi mây trời lồng lộng, sương trắng cuộn bay, tầng tầng lớp lớp những
mỏm đã hình thù kì quái lúc ẩn lúc hiện trong làn sương mù, khắp dọc đường đi,
đâu đâu cũng thấy những phong cảnh kì vĩ như vậy.

May có anh chàng người Miêu thông thuộc địa hình,
nên cả bọn cũng không sợ lạc đường giữa chốn núi non kì quái này. Tay người
Miêu vốn nhát như thỏ đế, biết bọn người lão Trần là đầu đảng phiến quân thì hầu
hạ hết mực cẩn thận, nào dám có gan bỏ trốn. Lại thêm anh ta dẫu sao cũng là một
“yên khách,” tức kẻ nghiện thuốc phiện theo cách gọi của sơn dân, đám lính dưới
trướng La Lão Oai người nào người nấy đều hai tay hai “súng,” một cái để giết
người, một cái để diệt thuốc, có lần anh ta được hưởng sái một ít cao Phúc Thọ,
thứ cao thuốc thượng đẳng mà ngày thường có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến,
chưa bao giờ được bữa sảng khoái đê mê đến vậy, cho nên đã quyết một lòng dạ
theo hầu lão Trần.

Khe Sa Đao một đầu thông với Bình Sơn, đầu còn lại
thông với bản Bắc lớn nhất trong vùng, tuy khoảng cách theo đường chim bay
không xa nhưng đường bộ hiểm trở nên ít người qua lại. Nhóm người lão Trần đi
theo anh chàng người Miêu, vượt núi xuyên rừng cả ngày lẫn đêm, tờ mờ sáng ngày
hôm sau thì nghe thấy tiếng gà gáy râm ran, rốt cuộc đã tới được bản Bắc.

Bản Bắc còn có tên gọi là bản Kim Phong, hình thành
từ vài trăm năm trước, là nơi cư trú của nhóm người Kim Miêu mưu sinh bằng nghề
đào vàng, ngày nay trong bản còn có cả người Di người Hán. Sơn dân vốn quen dậy
sớm, trời vừa sáng đã lục tục chui ra từ các căn nhà sàn, người nào người nấy bận
bịu với công việc, quang cảnh thật ồn ào náo nhiệt. Thời buổi loạn lạc, bản
làng tuy ở nơi non cao rừng thăm thẳm nhưng vẫn phải đề phòng bọn sơn tặc thổ
phỉ tới cướp bóc, trong bản lập ra một đội dân phòng, mang theo ná và giáo mác,
gác ở đầu hẻm núi kiểm tra những thương nhân từ nơi xa tới.

Lão Trần và Gà Gô đã quen hành tẩu giang hồ, bị mấy
sơn dân giữ lại xét hỏi liền đáp ứng thành thạo, dễ dàng mạo danh thợ buộc lầu
trà trộn vào bản. Bọn lão Trần phải cải trang vào bản chủ yếu do bách tính
trong núi đã căm hận phiến quân thổ phỉ đến tận xương tủy, hễ thấy bóng dáng
chúng, nếu không nhất loạt bắn ná thì cũng cuốn gói chạy tuốt vào rừng sâu, muốn
moi tin từ miệng sơn dân, nhất định phải cải trang, tránh gây hoảng loạn không
cần thiết trong đám dân bản.

Người trong bản thấy có người từ bên ngoài tới đều
tò mò quay lại, xem bọn họ là người bán rong hay thương lái. Gà Gô láu tôm láu
cá, thấy sơn dân kéo tới một lúc một đông bèn lên tiếng chào hỏi, đoạn xướng lên
bài khẩu tán nghề mộc của thợ buộc lầu. “Khẩu tán” chính là “bài tuyên truyền
quảng cáo” với khách hành khi hành nghề, chuyên dùng để khoe khoang tay nghề bản
thân, cũng là những lời có vần có điệu để kính thiên cáo thần, mong được ăn nên
làm ra, lúc thì hát khi lại đọc. Nghề nào có khẩu tán nghề ấy, gánh hát có hí
tán, thuyết thư có thư tán, nghề mối lái có hiệu tử tán, nghề mổ lợn có sinh nhục
tán, riêng nghề thợ mộc có những hơn mười loại khẩu tán, nào thương lương tán,
khai đường tán…

Gà Gô tinh thông trăm nghề, lại là kẻ tinh nhanh, giả
gì giống nấy, lúc này xướng lên bài khai đường khẩu tán, giống hệt mấy tay thợ
mộc chính hiệu vẫn hành nghề trong núi, sơn dân nghe anh ta hát xong thì đồng
thanh reo hò cổ vũ, không tiếc lời khen: “Anh thợ mộc này thật giỏi, hát khẩu
tán hay quá!” những sơn dân có mặt ở đó không ai không thích.

Lão Trần và Hồng cô nương đứng bên nghe hát cũng phải
nhìn anh ta bằng con mắt khác. Nhìn từ góc độ này, Gà Gô giống hệt một chàng thợ
mộc trẻ trung tuấn tú, nhất cử nhất động đều không chút sơ sẩy, đâu thể nhận ra
thân phận thật sự của thủ lĩnh Ban Sơn đạo nhân sở trường Phân Giáp Thuật,
chuyên giết người phóng hỏa, đào bới biết bao mộ cổ.

Lão Trần lo bị lép vế, cũng vội họa theo: “Chẳng giấu
gì bà con, ba anh em tôi tuy tuổi đời còn trẻ nhưng tay nghề buộc lầu thì chẳng
kém ai, biết nghề từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, buộc lầu buộc ghế không gì
không tinh, ghép mộng đóng chốt đều kiêm hết thảy, việc gì liên quan đến nghề mộc
cứ gọi chúng tôi…” Lão mặt dày dạn khoác lác một tràng, chỉ còn thiếu nước nhận
mình là Lỗ Ban chuyển thế đầu thai. Người Miêu cực kì kính trọng Lỗ Ban, tương
truyền phương pháp dựng nhà của người Miêu Động chính là do Lỗ Ban truyền dạy,
nếu lão nói khoác tung giời sẽ tự lộ ra sơ hở, chẳng ai tin nổi.

Hồng cô nương kia cũng là tay mãi nghệ giang hồ xuất
thân từ Nguyệt Lương Môn, khả năng ca xướng ca khẩu tán chẳng kém gì Gà Gô và lão
Trần. Ba người họ kẻ tung người hứng ăn ý vô cùng, nhanh chóng có được lòng tin
của đám sơn dân, ai thuê việc gì to tát phức tạp thì họ lấy cớ lùi sang hôm
sau, chỉ nhận việc vặt sữa chửa linh tinh, tay dẫn đường người Miêu cũng bận bịu
chạy tới chạy lui. Cứ thế tất bật đến tận trưa thì nhờ bếp một người già trong
bản để thổi cơm ăn, lúc này mới có thời gian làm việc chính.

Bản Bắc cùng chung phong tục với bản Nam mà lão Trần
tới lần trước, tầng dưới nhà sàn nào cũng có tô tem huyền điểu làm bằng gỗ đen
bóng, xem chừng niên đại đã rất lâu. Trước đây lão Trần không hề để ý đến chuyện
này, vì từ xưa Tương Tây đã chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Vu Sở, tranh huyền
điểu vẽ trên vách đá cổ và những tô tem thế này có thể thấy ở khắp nơi, tuy thần
kì cổ quái nhưng chẳng có gì đáng lưu tâm.

Cặp mắt Gà Gô Gáy còn tinh hơn lão Trần, nhìn vật
hay người đều cực kì chuẩn xác, anh ta đặt bát cơm xuống, thi lễ với chủ nhà rồi
hỏi về ý nghĩa của các hình vẽ huyền điểu này. Ông chủ nhà hồi trẻ là môn đệ của
phái Kim Trạch Lôi Đàn, về sau lánh nạn mới đến đây định cư, cũng đã hơn hai
mươi năm rồi. Nghe Gà Gô hỏi lão lắc đầu quầy quậy: “Huyền điểu thực ra chính
là phượng hoàng đấy! Người miền núi Tương Tây đa số đều thờ huyền điểu. Tương
Tây có một thị trấn cổ ở biên thành, tên là Phượng Hoàng, mạch núi thế núi giống
như một con phượng hoàng đang dang cánh. Người Tương Tây cho rằng phượng hoàng
có thể trấn mạch bảo an nên mới mang gỗ tốt khắc thành hình huyền điểu, mấy thứ
đó quá đỗi bình thường ở chỗ chúng tao, ở đây nhà nào cũng có huyền điểu do tổ
tiên để lại, người khác đến đây sinh sống phần lớn đều nhập gia tùy tục.”

Quả nhiên không ngoài dự liệu, huyền điểu bắt nguồn
từ nền văn hóa Vu Sở, Gà Gô và lão Trần nghe xong đều lặng lẽ gật gù, có gạn hỏi
thêm cũng chẳng moi được gì, đành lặng lẽ ăn cơm, vừa ăn vừa nghe ngóng tình
hình trong bản, tính kiếm xem có thứ gì khắc chế được đám độc vật trong núi kia
không. Bản Bắc này rất gần với Bình Sơn, vậy mà thổ dân không trúng độc bao giờ,
chắc hắn họ có bí quyết khắc độc nào đó mà chính họ cũng không hề biết. Bọn người
lão Trần đành giở thủ đoạn dỏng tai nghe ngóng, đích thân sục sạo khắp nơi.

Đúng lúc ấy chợt nghe tiếng gà gáy vang, thì ra là
con trai chủ nhà đang bắt một con gà trống trong lồng, bát to đựng tiết và đôn
gỗ để sẵn bên cạnh, con dao sống dày vứt ngay dưới đất, trông bộ dạng hình như
chuẩn bị giết gà.

Con gà trống này lông vũ sặc sỡ, đã bị trói giật
cánh khuỷu mà vẫn không mất đi dáng vẻ dũng mãnh uy phong, thần thái rất cao ngạo
khó thuần. Nó không nộ mà oai, cốt cách toát ra từ cái mào đỏ chót, cứ thế mà
gáy vang giữa ban ngày, không hề giống những con gà trống thông thường. Cái mào
của nó vừa to vừa đỏ, mỗi khi đầu nó động đậy cái mào đỏ tươi lại rung lên,
trông như ngọn lửa đang cháy. Lông trên mình nó chia làm năm màu, mỏ và móng vuốt
sắc nhọn lấp lánh vàng dưới ánh nắng ban trưa, hình dáng cũng to gấp đôi con gà
trống thông thường.

Gà Gô có con mắt hơn người, nguyên lí cơ bản của Ban
Sơn Phân Giáp thuật lưu truyền bao đời nay đều nằm trong bốn chữ “sinh khắc chế
hóa,” muốn tinh thông nguyên lí của sinh khắc, cần phải biết hết bảo vật nhân
gian. Anh ta vừa thấy con gà trống lông vũ sặc sỡ thì biết ngay không phải vật
thường, liền khen thầm: “Quả là thần vật!” Hòn đá đang đè nặng trong lòng lập tức
được hất bỏ, không ngờ đến bản Kim Phong mới có nửa ngày, chưa kịp để ý kĩ càng
đã gặp ngay việc này, xem ra thần vật phá mộ cổ Bình Sơn đích thị là đây.

Lúc này con trai chủ nhà đã xách con gà trống tới
bên cọc tre, con dao phay lăm lăm trong tay chỉ chực vung lên chặt đứt cổ con
gà trong tích tắc, Gà Gô đang đờ đẫn nhìn con gà, thấy tình thế nguy cấp vội hắng
giọng hét lớn: “Hãy khoan!”

Chủ nhà và con trai đang muốn giết gà, không ngờ lại
bị tay thợ mộc trẻ tuổi can ngăn, đều không rõ anh ta định thế nào. Nghĩ tay thợ
mộc nhiều chuyện, ông ra bèn trách: “Nhà tao giết gà liên quan gì đến người
ngoài, mày đừng xen vào.”

Gà Gô cười cầu tài nói: “Lão trượng chớ lấy làm lạ,
chỉ vì tôi thấy con gà này tốt mã, đám gia cầm bình thường sao có được tướng mạo
phi phàm như nó thế này, đang yên đang lành không biêt sao lại đem giết nó? Nếu
lão trượng buông dao phóng sinh tôi sẽ mua nó.”

Lão Trần cũng nói vào: “Có phải lão tiên sinh giết
gà đãi khách…chiêu đãi bọn tôi? Hà tất phải vậy, cánh thợ mộc chúng tôi chỉ
ngày rằm mồng một mới ăn mặn, mỗi người hai lạng thịt, mà còn phải bớt này bớt
nọ, đó là quy định lề thói từ xưa tổ sư gia đã đặt, không thể vi phạm, hẵng cứ
hạ dao thả gà…”

Chủ nhà ỷ mình vốn là môn đệ Kim Trạch Lôi Đàn, tuy
lánh nạn ở bản Miêu thâm sơn cùng cốc nhưng không xem đám thợ mộc buộc lầu ra
gì: “Chúng mày trẻ người non dạ không hiểu lệ xưa. Nhà tao giết gà không phải
đãi khách, chỉ vì không thể để nó sống qua hôm nay, dù chúng mày trả vạn tiền
mua, tao vẫn phải chặt đầu nó.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3