Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 7 - Phần 2

Vì vậy bắt đầu từ 1910 chế độ sát hạch ấm sinh được cải tiến. Từ nay sẽ tổ chức thi ấm sinh ở Hà Nội thay vì thi ở mỗi tỉnh. Nơi thi là phủ thống sứ Bắc Kỳ trước một tiểu ban đặc biệt[590] do một công chức Pháp phụ trách các công việc dân sự làm chủ tịch. Tham gia ủy ban còn có trưởng phòng hai của Phủ thống sứ, một quan tỉnh (tổng đốc, tuần phủ hay án sát) một đốc học và hiệu trưởng trường hậu bổ. Ghi tên dự sát hạch không còn là chuyện đương nhiên nữa mà phụ thuộc vào sự kiểm tra của các quan tỉnh và sẽ gửi báo cáo cho thống sứ Bắc Kỳ một bản báo cáo về căn cước về đạo đức và dòng dõi của thí sinh[591].

[590] ANV-RST 46464, 73575, 73577.

[591] Xem trường hợp của Lê Huy Tuyên con trai trưởng của Lê Huy Phan, thí sinh dự kỳ thi sát hạch ấm sinh năm 1911. ANV-RST 73575.

Ngoài ra chương trình thi cũng xây dựng lại toàn bộ. Ba bài thi tạo thành một thỏa hiệp giữa các kinh nghĩa và tri thức mới: một bài luận bằng chữ Hán gồm hai đề, một đề về đạo lý cổ điển và một đề về lịch sử, địa lý và một đề về khoa học, một bài tùy ý không bắt buộc là dịch một bài Pháp văn ngắn sang quốc ngữ. Việc áp dụng cách cho điểm bằng chữ số đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc minh bạch trong thi cử đề ra từ 1909. Cụ thể ba bài đầu cho điểm từ 0 đến 20. Thí sinh nào đạt tối thiểu 24 điểm, không có điểm dưới 6 được coi như trúng cách[592].

Cải tiến tổ chức không phải là mục đích duy nhất của cải cách quan trường mà còn đụng đến cả các môn thi. Các đề thi từ 1911 đến 1916 thể hiện thích nghi từng bước với thực tế của thế giới đương đại: giữ lại môn thi đạo đức kèm theo việc đưa môn thi khoa học vào chương trình thi. Các đề thi lịch sử yêu cầu thí sinh phải suy nghĩ về các vấn đề trung tâm trong việc xây dựng nhà nước Việt Nam. Ngược lại việc ra đề thi dịch năm 1916 không khỏi làm mọi người suy nghĩ. Một thanh niên Việt Nam lại có thể có ý kiến bình luận gì về chủ nghĩa ái quốc của người Pháp?

[592] ANV-RST 73575.

Đề thi ấm sinh năm 1911

1. Bài thi chữ Hán

- Đạo đức cổ điển: 仕 而 優 則 學 學 而 優 則 仕 論(Quan sau khi hoàn thành chức trách còn thời gian rảnh rỗi phải chuyên cần học tập. Kẻ sĩ phải gánh việc hành chính để giúp ích xã hội).

- Lịch sử: 論 黎 聖 尊 治 教 之 得 失 (Bàn về cái được mất của triều Lê Thánh Tông về hành chính và học chính).

2. Bài thi bằng chữ quốc ngữ

- Địa lý: Nói về các sản vật xứ Bắc Kỳ.

- Đề toán: Một người thợ cày ăn công mỗi tuần chủ nhật là 6 đồng, vợ người ấy bán hàng mỗi tháng lãi được 9 đồng. Hai vợ chồng nó để dành mỗi năm được 60 đồng. Hỏi mỗi tháng chúng nó ăn tiêu hết bao nhiêu? Mỗi năm có 52 tuần chủ nhật.

3. Bài thi tùy ý không bắt buộc (Dịch sang quốc ngữ)

- “Un village annamite. Notre maison est située au village de Mễ Trì, dépendant de la province de Hà Đông. Ce village a six cents habitants, dont 150 inscrits et 450 non-inscrits. Il est formé de trois hameaux. Le nôtre, quy est le plus important, est un peu éloigné du chemin. À côté du chemin se trouve le marché, où les habitants viennent vendre et acheter des marchandises. Près du marché, il y a une pagode très célèbre, construite en briques et en bois dur, et couverte en tuiles. On arrive au village en suivant un sentier bordé de rizières et de mares. Le village est entouré d’une haie de gros bambous. Dans le village, plusieurs rues se croisent. Presque toutes les maisons sont entourées d’un jardin entouré d’aréquyers, de bananiers, d’orangers, d’arbres fruitiers divers, ainsi que de légumes. Devant chaque maison, le paddy sèche dans la cour de terre battue.”

Nguồn: ANV-RST 73579. Examen des ấm sinh en 1911. Devoirs en caractères et liste des candidats.

Đề thi sát hạch ấm sinh năm 1916

- Đề 1: Địa lý (bài làm bằng chữ quốc ngữ)

1. Những giáp giới xứ Đông Dương là thế nào?

2. Xứ Đông Dương chia ra làm mấy nước? Những kinh đô nước ấy là thế nào?

3. Kể tất cả những cái sông chạy qua Đông Dương, những thành phố ở tại bờ các sông ấy là thế nào?

- Đề 2. Dịch một bài Pháp văn sang quốc ngữ:

“Un jeune garçon nommé Maurice Claude reçut trois horribles blessures des Allemands quy sont entrés dans son village. Il sentait la mort venir lentement. Ma mère, disait-il! Je voudrais voir ma mère! Mais les lâches bourreaux quy ont déjà frappé cet enfant repoussent sa mère et lui refusent l’entrée de l’ambulance. Un colonel prussien se rend à l’ambulance, il s’approche du lit du petit blessé et demande en français: Allez-vous mieux mon garçon? Vos souffrances sont-elles calmées? L’enfant presque mourant se ranime un peu, reconnaît le chef des bourreaux, lui répond avec fierté: Je ne souffre pas puisque je meurs pour ma patrie, et il retombe en murmurant Vive la France!”

- Đề 3. Toán:

Một người tậu được 33 con trâu, mỗi con là 36,75 đồng rồi bán lại mỗi con 38,50 đồng. Thế thì người ta đã lãi được bao nhiêu tiền?

- Đề 4. Khoa học:

1. Nói về không khí, những chất gì làm ra không khí?

2. Nói về hô hấp, bộ máy hô hấp trong thân thể người và những bộ máy hô hấp của các loài vật có khác gì không?

3. Hô hấp cho được tốt thì phải theo những vệ sinh gì? Bộ máy hô hấp vì đâu mắc bệnh?

- Đề 5. Lịch sử (làm bằng chữ Hán):

我 南 人 抗 北 之 辰 大 年 紀 (Người Nam ta chống ngoại xâm của Trung Hoa vào những thời kỳ nào?)

- Đề 6. Đạo đức cổ điển (làm bằng chữ Hán):

玉 不 琢 不 成 器 論 (Bàn về câu ngọc không mài, không thành dụng cụ được)[593].

Nguồn: ANV-RST 73578. Examen des ấm sinh. Relevé des sujets de composition, 1912-1919.

Cuộc cải cách phản ánh việc sa sút ảnh hưởng của Triều đình Huế. Triều đình chỉ nhận danh sách cuối cùng các thí sinh có thể chấp nhận kèm theo báo cáo của các quan tỉnh và của thống sứ Bắc Kỳ, những vai trò của Triều đình chỉ thu hẹp vào việc ban danh hiệu ấm sinh[594].

Nhưng danh hiệu này ngày càng mất dần sức hấp dẫn đối với các con quan như đồ thị sau đây.

[593] Trích từ Sanzi jing (Tam Tự Kinh).

[594] Điều 7 của dự án nghị định trong báo cáo (10/11/1909) của Bouzat, trưởng phòng phòng 2 phủ thống sứ trong ANV-RST 73575.

Hình 36 - Tình hình tăng giảm số lượng thí sinh dự sát hạch ấm sinh (1915-1925)

Nguồn: ANV-73575

Các đặc quyền của ấm sinh xói mòn dần kéo theo sự thờ ơ đối với chức tước ấm sinh.

Trước đây họ được miễn thuế thân và phu dịch[595].

[595] DLTY, tr.169, 175.

Trong ngôi thứ, ấm sinh cùng có quyền lợi ngang với tú tài.

Ấm sinh được phép đi học trường hậu bổ (ban hành chính)[596].

Ấm sinh có thể được phong hàm hàn lâm với một số điều kiện.

Năm 1926 khi lập thành tích của thiết chế ấm sinh, người ta chỉ còn để lại đặc quyền cuối cùng (được ban hàn lâm hàm với một số điều kiện)[597]. Đa số thí sinh quá ít, việc tổ chức sát hạch để ban danh hiệu ấm sinh đề ra trong dụ 1910 đã không thực hiện từ 1920 trở đi nhưng không bao giờ chính thức bãi bỏ để không gây xúc động đối với những ai trung thành nhất với truyền thống[598].

[596] Nghị định 365 (18/4/1912) về tổ chức trường hậu bổ, điều 4, trong BAT, 1912, tr.723.

[597] ANV-RST 46464, 73575.

[598] ANV-RST 73575.

Việc tuyển dụng lại viên ở các nha môn

Do thiếu kiểm soát nên người ta đã tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng dễ dàng các nha lại, chỉ dựa vào căn cước địa lý. Thế mà các nhà cầm quyền đã không sáng suốt nhận ra mối nguy cơ này. Vai trò của các lại viên đã không được chú ý đến trong các cuộc cải cách hành chính bắt đầu từ những năm 1890. Các lại viên không có gì bảo đảm cho trình độ thành thạo của họ. Mọi hình thức đào tạo đều biến mất, cũng chỉ là đào tạo tại chỗ, không được quy định rõ trong quy chế và cũng không có kỳ thi nào để xác nhận trình độ của họ. Các quan tỉnh và huyện tuyển người vào làm lại chỉ trên cơ sở đơn xin ban đầu là các học trò coi như thực tập. Cũng không đòi hỏi điều kiện là người xin vào phải đỗ nhất, nhị trường các kỳ thi hương[599]. Sau thời kỳ thử việc các quan đệ trình nhà chức trách Pháp để xin công nhận thực thụ. Các trường hợp của Vũ Lý Tính[600] và Nguyễn Hữu Lũng là rất tiêu biểu về phương diện này. Năm 1904, Nguyễn Hữu Lũng khai:

Năm Thành Thái thứ 12 là năm Tây 1900, con có làm tập sự ở phủ Tiên Hưng cũng thuộc về tỉnh Thái Bình, con làm ở phủ ấy được hơn hai năm, thời những việc quan và việc thư-toán-án-từ, con cũng biết làm được cả[601].

[599] Trước 1884 việc qua được kỳ đệ nhất, đệ nhị các khoa thi hương là tiêu chuẩn bắt buộc cho người nào muốn xin làm thông lại ở các nha môn.

[600] ANV-RST 14561, hồ sơ hành trạng của Vũ Lý Tính.

[601] Thư (29/7/1904) của Nguyễn Hữu Lũng gửi thống sứ Bắc Kỳ trongANV-RST 14625, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Hữu Lũng.

Một số người xin đi làm lại mà chưa qua thực tập bao giờ và gửi đơn hoặc cho công sứ tỉnh hoặc gửi thẳng lên phủ thống sứ.

Vì vậy từ 1906 những người xin làm lại tại các nha môn đều bắt buộc phải qua một kỳ thi qua loa trước mặt các quan tỉnh[602]. Nhưng chưa bao giờ có một chương trình nào hoặc quy định cho các cuộc thi tuyển ấy và thực tế các kỳ thi sơ sài đó không đảm bảo được trình độ thành thạo như thế nào như chính quyền thuộc địa và bản thân đương sự mong muốn. Vì vậy một năm sau đó việc tuyển lại đã được cải tổ. Đương sự phải đệ đơn lên tòa sứ ở tỉnh, kèm theo đơn là xác nhận căn cước chứng nhận có đạo đức tốt do chức dịch hàng xã cấp. Hồ sơ còn phải đệ trình lên phủ thống sứ Bắc Kỳ phê duyệt lần cuối. Khi thi tuyển, thí sinh phải làm hai bài: một bài viết một công văn hành chính bằng chữ Hán, một bài trả lời bằng quốc ngữ một bộ câu hỏi về bốn môn: khoa học - bốn phép tính cộng trừ nhân chia, đo mặt phẳng, đo đạc ruộng đất, trọng lượng và đo lường, tiền tệ thông dụng ở Đông Dương; địa lý xứ Bắc Kỳ; hành chính bản xứ - quyền hạn của quan; luật Việt Nam. Việc phục hồi chế độ thi cử để tuyển lại viên, giai đoạn đầu của cuộc cải cách hành chính được bổ sung hoàn chỉnh năm 1912. Việc tuyển chọn chặt chẽ hơn, chỉ những người nào đã qua được kỳ đệ nhất trong khoa thi hương mới được nộp đơn xin thi tuyển lại viên.

[602] ANV-RST 14625.

Việc điều tiết nghề làm quan

Đánh giá năng lực, tư cách

Trong những năm đầu còn phải hoàn thành cuộc chinh phục, việc đánh giá của các quan tỉnh và công sứ về công trạng các quan phủ huyện còn qua loa đại khái. Nhưng về sau vào đầu thế kỷ XX, trong hồ sơ không thể thiếu bản đánh giá của quan trên, việc chuyên nghiệp hóa nghề làm quan trở thành mối quan tâm trọng đại. Sự cần thiết phải đánh giá kỹ lưỡng và đều đặn công việc của các quan dưới thể hiện trong hai thông tư cách nhau ba năm. Năm 1904 thống sứ Bắc Kỳ cho biết những nhận xét cuối năm âm lịch (vào dịp Tết) về công việc các quan phủ huyện còn quá ngắn và sơ sài, không đủ để đánh giá thực chất tài và đức của họ. Ông yêu cầu từ nay phải đặc biệt nói rõ về một số điểm - đạo đức và hạnh kiểm; sức khoẻ, tác phong; quan hệ với người trên, đồng cấp, kẻ dưới, năng lực, cung cách làm việc; năng lực đặc biệt (hành chính hay học chính), trình độ quốc ngữ hay tiếng Pháp. Ba năm sau nội dung nhận xét còn chi tiết và cụ thể hơn nữa: ba loại hiểu biết truyền thống - thu thuế công chính, tư pháp - chia nhỏ thành mười hai tiểu mục sau:

- Lập các sổ thuế,

- Phát hiện diện tích ruộng đất ẩn lậu và những đinh bị bỏ sót chưa đăng ký,

- Thu thuế,

- Tu bổ đê điều và làm đường,

- Chỉ ra những công trình công cộng phải tiến hành,

- Quản lý đường giao thông,

- Kênh mương dâng nước và tháo nước,

- Cảnh sát và tư pháp,

- Nhanh chóng xem xét và giải quyết các vụ việc dân sự,

- Nhanh nhẹn và chính xác trong các vụ việc hình sự,

- Các công việc đặc thù và kiến thức cá biệt,

- Trình độ phát huy sáng kiến trong công việc.

Việc chuyên nghiệp hóa nghề làm quan không phải chỉ là biết cách làm sao cho khôn khéo đạt mục đích, không thủ cựu và xu thời, yêu cầu các quan phát huy tinh thần trách nhiệm cá nhân, có thái độ rõ rệt khi giải quyết công việc như đã nhấn mạnh trong hai tiểu mục cuối cùng trên đây[603].

[603] ANV-RHD 14.

Việc quản lý nghề làm quan phải công khai minh bạch hơn

Việc chấn hưng một ngành nghề đòi hỏi có một tiến trình rõ ràng và việc thăng bậc phải dựa trên đánh giá khách quan các phẩm chất hành chính của người làm quan.

Để có thể hiểu rõ công cuộc cải tổ quan trường, trước hết phải hiểu rõ hơn mối liên quan giữa chức vụ và phẩm hàm. Một ông quan có được thăng một trật nhưng chức vụ vẫn y nguyên, có người lại có phẩm hàm bằng thậm chí cao hơn cấp trên của mình. Chính là để khắc phục những tình huống căng thẳng đó, năm 1912 ở Bắc Kỳ đã khôi phục quy tắcchỉ hàm, có nghĩa là “hạn chế hàm”, theo đó khi đã được xếp bậc theo đúng chức vụ rồi thì không được lên hàm mà không đưa lên chức vụ can hơn[604]. Trong hệ thống cũ, hàm (bậc) đứng trên chức, hàm quyết định mức lương. Còn theo quy chế ban hành năm 1912, kết thúc một quá trình cải tổ bắt đầu từ những năm 1890, thì từ nay sẽ là ngược lại: chức vụ quyết định thang bậc (hàm). Khi bổ nhiệm vào chức vụ nào thì đương nhiên sẽ được phong hàm tương ứng. Nhưng ban một phẩm hàm thông qua chức vụ hay để thưởng công thì không có nghĩa là đưa lên chức vụ cao hơn, phù hợp với hàm mới được phong. Từ nay trở đi chính là chức vụ chứ không phải hàm quyết định mức lương.

[604] ANV-RST 46464. Xem điều 48 của quy chế nhân sự hành chính bản xứ năm 1912 trong ANC-RST 13655.

Quy định tiến hóa đi đến đặt chức cao hơn hàm dẫn đến sự ứ đọng, tắc nghẽn trên con đường làm quan. Từ 1904-1905 phát hiện ra tình trạng tắc nghẽn đó, đa số các quan phủ huyện buộc phải kết thúc hoạn lộ và không thể đưa lên chức cao hơn (quan đầu tỉnh). Như đến tháng 11/1905, 35% các huấn đạo (29 người trong tổng số 83) đã làm việc trên tám năm và 36% các tri huyện (31 người trong tổng số 86) có sáu năm thâm niên mà không đưa lên được nữa.

Việc chia ra nhiều bậc từ năm 1906 trở đi cho thấy có ba cái lợi, trước hết cho các quan đã làm việc và lĩnh lương đúng với trật đã xếp, còn trước đây trong cùng một chức vụ thì lĩnh lương ngang nhau, hàm khác nhau. Vậy mà trước cuộc cải tổ năm 1906 chênh lệch về hàm rất lớn. Chẳng hạn như năm 1905 trên 108 tri huyện và tri châu, 13 người ở hạng cửu phẩm, 22 ở hạng tam phẩm, 42 ở hạng thất phẩm, và 31 ở hạng lục phẩm. Việc chia ra nhiều bậc cũng còn nhằm khuyến khích các quan làm việc tốt hơn trong khi chức vụ và lương bổng vẫn y nguyên, nhưng cho họ thấy triển vọng của mình trên con đường làm quan. Cuối cùng hệ thống thang bậc còn nhằm làm rõ hơn tôn ti trật tự. Trước đây phân biệt thực thụ với lãnh (làm nhiệm vụ của…) vàquyền (tạm thời) đã gây nhiều bối rối lẫn lộn đối với công chức người Pháp. Như vậy các chức tổng đốc, tuần phủ và án sát, mỗi chức đều chia ra hai hạng theo hàm quan trường. Các chức tri phủ và đồng tri phủ nhập làm một và xếp thành ba hạng. Các chức tri châu và tri huyện chia ra ba hạng. Còn các chức giáo thụ ở phủ và huấn đạo ở huyện cũng được xếp thành hai hạng.

Ngoài ra các thể thức thăng chức cũng được quy định lại để chống đầu óc thủ cựu của một số quan chức. Ở Việt Nam trong hệ thống cũ việc thăng lên tòng ngũ phẩm phải phụ thuộc vào thâm niên. Kể từ năm 1912 trở đi việc lên hạng (trật) của tất cả các quan hành chính và học chính, hoàn toàn theo nguyên tắc “tuyển bạt tiến cấp” nghĩa là theo đề nghị của quan trên chứ không phải cứ thâm niên là đương nhiên lên hạng (trật). Biện pháp này xác nhận việc đoạn tuyệt trên hai khía cạnh với quy chế cần được nói rõ tầm quan trọng. Quy định trước 1884 không ngăn cản việc quan trên lựa chọn đề nghị đưa một quan thực thụ dưới quyền lên một bậc giữa chánh bát phẩm và chánh ngũ phẩm những điều đó là ngoại lệ. Nói một cách khác việc lên bậc trước hết phải dựa vào thâm niên. Còn từ 1912 trở đi thì việc chọn lựa là quy tắc ở tất cả mọi cấp trong hệ thống thang bậc.

Ai được chọn để lên chức hay lên hàm? Câu hỏi đặt ra sẽ vô lý nếu các cơ chế cũ của việc lên chức lên bậc đã không bị biến chất giữa năm 1884 và 1904. Kết quả phân tích các hồ sơ để lại cho biết trong thời kỳ này các quan thường tự đề nghị cho mình lên bậc hay lên chức[605]. Vấn đề nghiêm trọng đến mức viện cơ mật phải nhấn mạnh trong báo cáo tháng 10/1904 chuyển lên thống sứ Bắc Kỳ và ông này thông háo cho các công sứ để đề phòng[606]. Ngoài ra những việc bổ nhiệm hay thăng chức lên bậc trước 1904 thường diễn ra khiến nhiều người phản đối. Việc chuẩn bị các việc bổ nhiệm và thăng chức thăng trật đó từ 1897 thuộc thẩm quyền riêng của phòng hai thuộc phủ thống sứ chuẩn bị trước. Những người được đề nghị nhưng không được phê chuẩn có khuynh hướng nghi ngờ cơ quan này là thiên vị. Những thư riêng của công chức Pháp giới thiệu, tiến cử đã xác minh việc lên án này: ân huệ, thân quen đã len vào trong các việc bổ nhiệm.

[605] Ở nước Việt Nam thời xưa không loại trừ trường hợp có thể tự tiến cử. Năm 1448 Lê Thụ là một đại thần đã đề nghị những người trung thực và thẳng thắn có thể tự tiến cử (TT, bản kỷ thực lục, q.11, kỷ nhà Lê, tờ 69a). Tương tự năm 1683 các con em có tài của nhà tướng được phép tự tiến cử. Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp ký, sđd, tr.86.

[606] ANV-RHD 14.

Nhằm bảo đảm công khai minh bạch trong thủ tục xét duyệt, việc xem xét các đề nghị thăng bậc từ tháng 10/1904 trở đi được giao cho một tiểu ban gồm năm quan chức hành chính của nha dân chính thuộc phủ thống sứ và đến tháng 12/1906 lập một bảng công khai đối với một số chức vụ[607]. Tiểu ban này được bổ sung thêm một quan chức người Việt ở cấp tổng đốc tham gia mỗi năm xem xét một lần những danh hiệu, phẩm tước mà các quan chức có thể được hưởng và có thể được có những chức cao hơn chức vụ hiện nay của họ.

[607] Nghị định 25/10/1904 và 4/12/1906.

Chế độ kỷ luật

Chế độ kỷ luật đối với quan và lại đã tiến triển như thế nào giữa cuối thế kỷ XIX và năm 1912? Nghị định ban hành năm 1906 đã lấy lại các điều khoản trong quy định ban hành năm 1898 phân biệt bốn hình phạt tùy theo lỗi nặng hay nhẹ, nhưng cũng nói rõ thời gian chịu kỷ luật là ba năm[608]. Hết thời hạn đó, quan hay lại có thể làm đơn xin được ghi tên lại vào bảng xin được bổ nhiệm. Một hình phạt mới: thải hồi được đưa vào quy chế năm 1907 nhưng coi như hình phạt phụ với hạ hàm[609]. Thêm bốn năm sau, tiểu ban cải cách quan trường cho rằng trong một số trường hợp không giữ lại một quan chức tỏ ra không làm tròn phận sự thì có lợi hơn, nhưng không phải vì thế mà làm hình phạt nặng thêm khi phải giáng một hay nhiều trật. Vì vậy ban cải tổ cho rằng thải hồi là một hình phạt không tách biệt khỏi hình phạt hạ hàm[610].

[608] ANV-RST 31552, hồ sơ hành trạng của Trần Lưu Trác.

[609] Nghị định ngày 10/8/1907.

[610] ANV-RST 46464. Xem điều 67 của quy chế năm 1912.

Các quan lại không có đủ những bảo đảm để được bảo vệ. Thật ra, quyền buộc người có lỗi phải chịu hình phạt dù nặng hay nhẹ thế nào đều thuộc quyền thống sứ Bắc Kỳ quyết định, theo quyền tự ý quyết định thừa hưởng của kinh lược. Trở lại dự án đưa ra từ năm 1897, toàn quyền Paul Beau cho thành lập năm 1906 các ủy ban điều tra để tuyên bố kỷ luật đối với các quan mắc lỗi[611]. Ba hình phạt - cách chức, hạ hàm và chờ bổ dụng - do thống sứ Bắc Kỳ tuyên bố theo đề nghị thích hợp của các ủy ban điều tra. Nhưng các lại viên thì không cần có đề nghị của ủy ban điều tra mà do thống sứ Bắc Kỳ quyết định luôn.

[611] Nghị định ngày 4/3/1906.

Đánh giá lại bước đường hoạn lộ?

Việc nghỉ phép

Quan và lại được hưởng năm hình thức nghỉ phép: nghỉ chịu tang, nghỉ để phụng dưỡng cha mẹ, nghỉ dưỡng sức, nghỉ về việc riêng và nghỉ Tết.

Các quan chức có thể nghỉ dưỡng sức (bệnh giả)[612]nhưng quy định không ấn định thời gian bao lâu. Tuy nhiên để ngăn ngừa lạm dụng và bảo đảm bộ máy cai trị hoạt động đều đặn, một số giới hạn đã đặt ra. Chẳng hạn như bắt đầu từ 1821 trở đi, một quan chức sau ba kỳ nghỉ liên tiếp vì lý do sức khoẻ không khỏi sẽ được xin về hưu. Một quan chức giả ốm để thoái thác nhiệm vụ và mưu mô giả bệnh bị quan trên tố giác thì sẽ bị cách chức. Bắt đầu từ 1895 trở đi những điều kiện để được cho phép nghỉ ngặt nghèo hơn. Thời gian được ấn định là một tháng. Hết thời gian nghỉ nếu sức khoẻ chưa phục hồi thì sẽ vĩnh viễn thay thế bằng người khác. Quan chức khỏi bệnh nếu vẫn nhanh nhẹn thì được vào danh sách hậu bổ. Trường hợp ngược lại, quan chức đó sẽ được cho về hưu, ngay cả khi chưa đủ năm mươi tuổi[613].

[612] Nguyễn Văn Tiên, tri huyện Vụ Bản năm 1893 xin nghỉ việc quan để dưỡng bệnh. ANV-KL 2516, tờ 43.

[613] Dụ 1895 trong ANV-RST 72003.

Nghỉ phép để phụng dưỡng cha mẹ già được quy định trong dụ 1812 gọi là dưỡng thân[614]. Chẳng hạn như Nguyễn Văn Đạt, án sát Lục Nam, năm 1894 đã được nghỉ dưỡng thân về chăm sóc cha mẹ già[615]. Việc được nghỉ theo hình thức này tùy thuộc hoàn cảnh gia đình đương sự và tuổi tác của cha mẹ.

[614] Dụ 1812, ANV-RST 72003, DLTY, tr.127.

[615] ANV-KL 2517, tờ 43.

Nghỉ việc quan về nhà chịu tang cha, mẹ, được gọi là đinh gian[616], cũng là do yêu cầu tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ được các quan văn võ từ cửu phẩm trở lên phải để tang và ở nhà trong thời gian ba năm năm (thực tế là hai bảy tháng) tính từ ngày cha hay mẹ mất. Chỉ những quan cao cấp hay đang giao việc hành binh thì được miễn không phải về nghỉ chịu tang do một quyết định đặc biệt của nhà vua[617]. Tuy nhiên các quan chức có hiếu nếu có đơn xin, có quyền được nghỉ dài hạn để chịu tang cha mẹ như đã quy định. Việc tôn trọng việc để tang cha mẹ là một trong những đức hạnh chủ yếu của các nho sĩ, như Phạm Đình Hổ đầu thế kỷ XIX trích dẫn Kinh Lễ: “Lễ có chép: người hiếu tử đang lúc có tang ba năm, mệnh vua không đến cửa, nghĩa là người con trong lúc để tang cha mẹ thì nhà vua không bắt ép ra làm quan.”[618] Nhưng việc tôn trọng quy tắc ấy là ngoại lệ. Chính tác giả Phạm Đình Hổ đã phê phán tình trạng không tôn trọng việc chịu tang khá phổ biến trong hàng ngũ quan lại ở Triều đình và các tỉnh thời đó[619].

[616] Chẳng hạn như Đào Trọng Kỳ năm 1891, theo đơn xin được nghỉ cư tang, nghĩa là về nhà chịu tang cha vừa mất. ANV-RST 54165, hồ sơ hành trạng của Đào Trọng Kỳ.

[617] Dụ 1850 và dụ 1900. Dụ 1900 nhắc lại các thời hạn trong đạo dụ thứ nhất quy định thời gian chịu tang đến năm 1912.

[618] Thời gian chịu tang cha mẹ theo Lễ ký là ba năm. Nhưng trong thực tiễn là 27 tháng kể từ ngày đầu chịu tang như Phạm Đình Hổ nhắc lại trong Vũ trung tuỳ bút, cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, trong Trần Kinh Hòa (chủ biên), Romans et contes du Viet Nam écrits en Hán, (1992), tập II, q.5, tr.17.

[619] Như trên.

Dưới thời thuộc địa, vấn đề nghỉ chịu tang trở thành một đề tài tranh cãi. Triều đình Huế rất tôn trọng lễ nghi, phản đối việc rút ngắn thời gian cư tang. Còn quan lại và chính quyền thuộc địa Bắc Kỳ thì cho rằng nghỉ lâu sẽ có ảnh hưởng đến ổn định chính trị nên chủ trương ngược lại.

Trường hợp của Lê Bảng được bổ tuần phủ Thái Nguyên hình như là khởi đầu cuộc tranh cãi. Sau khi cha Lê Bảng là Lê Lương mất tháng 8/1890, ông về quê ở làng Kim Nãi (huyện Phong Phú, tỉnh Quảng Bình) để chịu tang. Được 10 tháng chưa hết thời hạn nghỉ ông trở lại Bắc Kỳ để lĩnh chức tham tá quân vụ trong cuộc hành quân tảo thanh dưới quyền kinh lược Bắc Kỳ, và kinh lược Bắc Kỳ đã tâu về Triều đình Huế. Tháng 5/1891 Lê Bảng được bổ bố chính Hải Dương theo đề nghị của kinh lược và tiến cử đặc biệt của thống sứ Bắc Kỳ. Bốn tháng sau ông được giao làm hộ lý tổng đốc Hải Dương. Lúc đó viện đô sát xem lại hồ sơ liên quan đến đề nghị của kinh lược Bắc Kỳ bổ nhiệm ông làm bố chính Hải Dương và liên quan đến cả việc chuẩn y của Triều đình và việc chỉ định ông làm hộ lý tổng đốc Hải Dương. Sau khi nhắc nhở Lê Bảng phải phục tùng đạo hiếu với cha mẹ, tôn trọng lễ nghĩa - “bầy tôi phải trung với vua cũng như con phải làm trọn đạo hiếu với cha mẹ” - viện đô sát bác bỏ việc bổ nhiệm trên đây. Lấy cớ rằng tình huống này không thể áp dụng ngoại lệ nói trong đạo dụ năm 1850, viện đô sát dựa vào dụ năm 1812 buộc các quan phải nghỉ đại tang hai bảy tháng. Viện cơ mật tán thành những kết luận của viện đô sát để bày tỏ bất đồng với nhà cầm quyền Pháp. Tuy nhiên, toàn quyền Đông Dương được các quan phụ chánh đại thần tán thành đã giữ Lê Bảng lại nguyên chức vụ. Thực tế công sứ Hải Dương nhạy cảm với việc góp phần vãn hồi trật tự trong tỉnh mình, đã nhấn mạnh việc miễn cho Lê Bảng phải đinh gian[620].

[620] ANV-RST 31274, hồ sơ hành trạng của Lê Bảng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3