Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 7 - Phần 3
Tuy nhiên đến cuối thế kỷ XIX, những ngoại lệ đó chỉ còn ban cho các quan cao cấp. Phân tích hồ sơ các quan cấp thấp hơn cho biết việc nghỉ cư tang hãy còn được tôn trọng ở cấp thấp. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, nhà chức trách Pháp chỉ trích hình thức nghỉ cư tang này với lý do vắng mặt ở nhiệm sở quá dài sẽ gây rối loạn cho hoạt động của bộ máy hành chính bản xứ, và góp phần thêm tình trạng tắc nghẽn. Thực thế, việc trở lại quan trường của các quan sau khi hết hạn nghỉ phép, diễn ra rất chậm chạp. Bắt đầu từ 1902, thống sứ Bắc Kỳ đề nghị rút ngắn thời gian nghỉ cư tang xuống mức tối thiểu và chỉ dành cho những người nào được quan trên nhận xét tốt. Chẳng hạn như Nguyễn Duy Hàn tri phủ Thái Ninh xin nghỉ một năm về nhà để chịu tang cha là Nguyễn Ngọc Quỳnh nhưng chỉ được nghỉ ba tháng[621].
[621] ANV-RST 54068, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Bách.
Việc bảo đảm liên tục công tác không là lý do duy nhất. Nghỉ phép dài hạn bất kể lý do gì (chịu tang, chăm sóc cha mẹ già yếu, dưỡng bệnh), cũng đều đặt các quan vào tình cảnh khó khăn, vì trong thời gian nghỉ phép họ không còn được trả lương nữa[622].
[622] Nguyễn Xuân, kinh lịch tại ty niết Lạng Sơn được nghỉ dưỡng bệnh không lương (ngoại hưởng) từ tháng 6/1884 đến tháng 6/1885. ANV-KL 2515, tờ 14.
Trường hợp của Lê Văn Thúy, tri huyện Yên Mỹ không phải là riêng biệt. Ông có tám người con. Khi mẹ mất tháng 10/1901 ông làm đơn xin miễn không nghỉ chịu tang mẹ vì không có phương tiện nuôi tám người con. Đơn của ông được chấp nhận[623]. Việc có nhiều đơn xin miễn không nghỉ như thế khiến thống sứ Bắc Kỳ phản hồi. Hội đồng nhiếp chính nếu thường xuyên cho miễn không nghỉ chịu tang, như thế có gì bất tiện về phương diện lễ nghi không? Hội đồng nhiếp chính sau khi tâu lên Vua ngày 19 tháng 1 năm1909, đã đưa ra ý kiến cho rằng nếu cho miễn không nghỉ được chấp nhận tràn lan chỉ có thể đem lại hậu quả là ưu đãi tham vọng của các quan, có hại cho những người vì giữ đạo hiếu với cha mẹ và tôn trọng lễ nghi phải tuân theo quy định về nghỉ chịu tang. Báo cáo này được nhà vua phê chuẩn đi đến áp dụng triệt để các đạo dụ ban hành các năm 1850 và 1900. Vì vậy thống sứ Bắc Kỳ yêu cầu công sứ các tỉnh báo cho các quan chức biết theo hai đạo dụ năm 1850 và năm 1900, chỉ có những quan nào có chức năng riêng biệt mà có thể đặc cách được miễn không phải về nghỉ hoặc rút ngắn thời gian về nghỉ chịu tang theo một quyết định đặc biệt và có lý do được quan trên ủng hộ. Nói chung nghỉ chịu tang là bắt buộc và ấn định thời gian là một năm đối với viên chức và nhân viên có phẩm trật quan trường, và một tháng cho những người không thuộc hạng trên. Tuy nhiên những quan nào đã làm đơn xin nghỉ ba năm theo quy định về để tang cha mẹ cũng có thể xét giảm thời gian nếu có đơn xin[624].
[623] ANV-RST 3131, hồ sơ hành trạng của Lê Văn Thúy.
[624] Thông tri (4/5/1909) của thống sứ Bắc Kỳ gửi các công sứ, chỉ huy các đạo quan binh, các đốc lý Hà Nội và Hải Phòng, trong ANV-RHD 14.
Tuy nhiên, việc nhắc lại quy định cũ, kết quả thỏa hiệp nhất thời với Triều đình, không thể làm thỏa mãn nhà chức trách thuộc địa vì ba lý do chúng tôi đã nêu ở trên. Vì thế tiểu ban cải cách quan trường sẽ xây dựng lại chế độ nghỉ phép năm 1912. Tiểu ban phân biệt bốn hình thức nghỉ phép: nghỉ phép hành chính, nghỉ dưỡng bệnh, nghỉ chịu tang và nghỉ về việc riêng. Quy định này có gì mới không? Quan chức về nghỉ được hưởng một phần lương[625]. Đó là một cải tiến quan trọng khiến các thành viên người Việt trong tiểu ban cải cách như Hoàng Trọng Phu và Phạm Văn Thụ đều lấy làm hài lòng. Quy chế mới góp phần giải tỏa bớt tình trạng ứ đọng trong các quan chức hành chính và học chính. Một quan chức được nghỉ ba tháng thôi cũng chỉ được tạm thời thay thế bằng một quan chức khác và khi hết hạn có thể được phục chức cũ, trong khi trước đây ông ta sẽ phải chuyển sang hậu bổ. Cần phải nêu lên một điểm mới: chỉ những quan chức có ít nhất mười năm làm việc liên tục mới được nghỉ phép hành chính.
[625] Các điều 63-65 trong quy chế nhân viên hành chính bản xứ năm 1912 trong ANV-RST 13655. Réglementation du statut du personnel de l’administration indigène au Tonkin (1912).
Chế độ nghỉ phép mới không hoàn toàn đoạn tuyệt với quy định cũ. Các hình thức nghỉ dưỡng bệnh, chịu tang và giải quyết việc riêng đều được quy định mới thừa nhận. Các điều khoản trong quy định năm 1912 liên quan đến thời gian tối đa nghỉ dưỡng bệnh rõ ràng là ảnh hưởng của các điều khoản trong đạo dụ năm 1821. Trong mọi trường hợp mục tiêu đề ra cũng là loại bỏ những quan chức kém khả năng không để trở lại chức cũ[626].
[626] Điều 62, phần 3.
Cải cách tiền lương
Từ giữa năm 1889 đến 1905 tiền lương danh nghĩa của các quan như đóng băng, nghĩa là không thay đổi gì, trừ một cải tiến nhỏ năm 1889, đặt phụ cấp chức vụ cho một số quan tỉnh, tri phủ và tri huyện. Thế mà từ 1892 đến 1905 giá sinh hoạt trung bình tính theo giá bằng đồng bạc Đông Dương tăng 150%. Đi đôi với tăng giá sinh hoạt, giá trị hàng hóa của đồng bạc Đông Dương giảm xuống đáng kể và tỷ giá với quan tiền thì từ tám quan bốn tiền năm 1892 đã giảm xuống bốn quan bảy tiền năm 1905[627]. Chênh lệch giữa tỷ giá áp dụng năm 1900 để quy đổi lương của các quan chức người Việt - tỷ giá cố định sáu quan ăn một đồng - và tỷ giá năm 1905 đã nêu bật phần thiệt hại cho quan chức người Việt do quy đổi từ tiền đồng sang đồng bạc Đông Dương. Ngoài ra giá cả tính theo quan tiền không hề giảm nên không giảm được hậu quả của những thiệt hại nói trên.
[627] ANV-RST 46406.
Do không có nguồn tài liệu nên không rõ giá gạo từng tỉnh tăng giảm thế nào trong thời gian từ 1899 đến 1905. Vì vậy người viết sử không thể đánh giá tình hình trả lương cho quan và lại thực tế biến chuyển ra sao trong khoảng thời gian đó. Tuy vậy phân tích hai tình huống đúng thời điểm so sánh có thể soi sáng thêm. Chúng ta hãy so sánh giá gạo tính theo tạ, chất lượng xoàng năm 1901 ở một tỉnh đồng bằng sông Hồng là Vĩnh Yên và một tỉnh trung du là Thái Nguyên. Sự chênh lệch được nói ra trong các thị giá biểu là ba đồng/tạ ở Vĩnh Yên, so với năm đồng/tạ ở Thái Nguyên đã phản ánh sự khác nhau về lượng giữa hai tỉnh và điều này ở mọi cấp của hệ thống quan lại như đồ thị dưới đây.
Hình 37 - Tiền lương thực tế của quan và lại ở Thái Nguyên và Vĩnh Yên (1901)
Năm 1901, tri huyện tòng lục phẩm, cấp trung gian của quan trường, lĩnh lương danh nghĩa 480 đồng bạc Đông Dương. Biết rằng ở Vĩnh Yên giá một tạ gạo chất lượng xoàng là 3 đồng/tạ, còn ở Thái Nguyên là 5 đồng/tạ, người ta suy ra ở Vĩnh Yên tri huyện được 16 tấn một năm, còn ở Thái Nguyên cũng số tiền đó mua được 9,6 tấn. Biết rằng một gia đình 4 người tiêu thụ tối thiểu bằng giá trị của 1kg gạo cho một người trong một ngày, tức 1,5 tấn gạo một năm. Như vậy trong một năm, tri huyện ở Vĩnh Yên lĩnh lương có thể nuôi sống gia đình trong 10 năm, còn ở Thái Nguyên chỉ có 6. Chênh lệch 4 năm như vậy gắn với năng lực sản xuất ở hai tỉnh khác nhau, khó mà bù đắp được vì màng lưới thương nghiệp ở mỗi tỉnh đều còn ở trong giai đoạn phôi thai.
Nhà chức trách Pháp cũng thấy được việc giảm thu nhập thực tế của các quan chức người Việt, nên chủ trương tăng lương đồng loạt cho các quan chức người Việt.
Hình 38 - Tiến triển tiền lương danh nghĩa hàng tháng (1889-1912)
Nguồn: Đồ thị được vẽ từ những hồ sơ ANV-RST 57395 và ANV-RST 46389. Soldes et suppléments mensuels alloués au personnel de l’administration indigène.
Việc tăng lương danh nghĩa như thế là nhiều: từ 1900 đến 1906 lương và phụ cấp của tổng đốc tăng 34% còn của tri huyện tăng 56%.
Nếu lương danh nghĩa đã tăng thực sự nhờ cải cách, lương thực tế chỉ tăng tương đối như trường hợp của tỉnh Hà Đông. Năm 1906-1907 tổng đốc Hà Đông chánh nhị phẩm hàng năm lĩnh 3000 đồng (kể cả phụ cấp), một tri huyện tòng lục phẩm lĩnh 560 đồng thêm 160 đồng phụ cấp, một lại mục tòng cửu phẩm lĩnh 84 đồng một năm, và một thông lại 72 đồng. Vậy mà giá gạo loại xoàng ở Hà Đông là 5 đồng bạc 1 tạ (khoảng 60 kg). Vậy một viên tổng đốc lĩnh 36 tấn/năm, một tri huyện trên 8 tấn, lại mục tòng cửu phẩm 1 tấn, và thông lại gần 900 kg. Người ta đã thấy ở trên một gia đình bốn người chi tiêu tối thiểu (giá trị tương đương) 1,5 tấn/năm. Trong một năm tổng đốc đã lĩnh đủ để nuôi gia đình trong 24 năm, tri huyện 6 năm, lại mục 7 tháng và thông lại 6 tháng[628]. Như vậy việc ước tính lương thực tế của các quan chứng tỏ cuộc cải cách quan trường không có lợi mấy cho tầng lớp bên dưới của hàng ngũ quan lại.
[628] ANV-RHD 3430. Statistiques rizicoles de la zone suburbaine de Hanoi 1907-1908.
Việc nghiên cứu đồng lương thực tế của quan và lại đã không hoàn toàn giải quyết được vấn đề đặt ra. Các yếu tố không chính thức trong thu nhập của họ cũng đáng xem xét. Chắc hẳn khó mà phân biệt giữa các “lễ vật” do tập quán chấp nhận và các thủ đoạn hối lộ. Tuy nhiên những con số hiếm hoi được nêu ra từ cuối thế kỷ XIX là không cãi được. Một tác giả như Schreiner khẳng định mà không cần nói rõ lấy tài liệu ở nguồn nào.
Không có gì đáng ngạc nhiên thấy tổng thu nhập của một tri huyện có thể tăng lên 5000 quan tiền mỗi năm (đáng lẽ chỉ 3 quan tiền và 3 thăng gạo mỗi tháng)[629].
[629] Schreiner, A. Les institutions annamites en Basse Cochinchine(1900), t.1, tr.319-322.
Thật là một nhận định làm xúc động người đương thời và các sử gia. Nhưng không phải vì thế mà làm cơ sở cho một nghiên cứu khách quan về nạn tham nhũng thời bấy giờ.
Có sự đồng nhất quan điểm giữa các nhà sử học, bản án về chế độ quan lại vụ lợi ở Đại Nam và Bắc Kỳ trong thời kỳ thuộc địa chưa bao giờ được thật sự thảo luận. Nhưng việc xây dựng ý thức hệ không thể thay cho phân tích lịch sử. Người ta đã bao giờ biết hay muốn phân tích ý nghĩa của các nguồn đó, trong thực tế chỉ là một bài diễn văn giáo điều về nạn tham nhũng? Thế nào là một nền sử học của Triều đình ở Việt Nam như ở Trung Quốc, nếu không phải là một lịch sử thành văn do quan chức viết ra cho các quan chức đọc, nói theo cách của Etienne Balazs? Nền sử học đó tự đặt cho mình trước hết nhiệm vụ xây dựng các quan “thường xuyên đi tìm các trường hợp hạnh kiểm xấu của quan chức cốt chỉ để biện minh cho việc kiểm soát chính quyền”[630]. Cũng vậy, một bộ in năm 1865 như Ngự chế nhân thần cảnh tâm lục (Cảnh cáo của Hoàng đế đối với những kẻ công bộc của Quốc gia), hơn là một dấu hiệu của sự gia tăng nạn tham nhũng, thực tế chỉ là một công cụ để giáo hóa hàng ngũ quan lại. Tương tự cũng vậy, sự quy tụ các văn bản của giới thuộc địa, các nhà truyền giáo[631] và những nhà cải cách, phản ánh sự lặp lại các từ ngữ như: quan lại “lột da dân”, “hút máu dân”, “đẽo xương dân”[632], không thể xem như chứng cứ của tính vụ lợi trong hàng ngũ quan lại, nhưng như là cơ sở lý lẽ luận chiến nhằm làm mất uy tín của chế độ quan trường.
[630] Vandermeersch, L., “Pouvoir d’Etat et société civile”, trong Etudes sinologiques, (1994), tr.339.
[631] “Ai đã nhìn sát bộ máy cai trị An Nam, tất sẽ phê phán nghiêm khắc. Ở mọi cấp, chính quyền đều vụ lợi, bạo ngược”. Louvet E.L. La Cochinchine religieuse, t.1, tr.109, Nguyễn Văn Phong trích dẫn trong La société vietnamienne…, sđd, tr.125.
[632] Phan Chu Trinh đã viết “Quan lại bóc da dân, hút máu dân, đẽo xương dân (…)” trong “Lettre ouverte au Gouverneur Général Beau” (Thư gửi toàn quyền Bô), BEFEO, 7 (1907), tr.171, NCLS, 66 (1964), tr.11. Với lời lẽ gần như thế, Phan Bội Châu trong Tân Việt Nam đã viết: “Một ông quan hút máu hàng nghìn hàng vạn dân nghèo”, (1907), David Marr trích dẫn trongVietnamese Anticolonalism, sđd, tr.137.
Từ khi thành lập nền Bảo hộ, quan và lại tiếp tục bóp nặn người dân như trước và người ta có thể khẳng định họ làm việc đó còn mạnh hơn so với quá khứ[633].
[633] Thư (8/8/1884) của Đức Giám mục Puginier gửi tướng Millot, Hà Nội. Thư viện Thông tin khoa học xã hội.
Người ta có tiền, rất nhiều tiền ở Bắc Kỳ. Có những món tiền lớn không thể tính được đi vào kho bạc An Nam. Tuy nhiên thuế má cao quá đáng khiến người ta nghĩ đến những kiểu thu thuế trong tiểu nhạc kịch. Khi nhà vua lĩnh lương mười triệu đồng, thì thượng thư phải lĩnh hai mươi và giữ lại một nửa; viên kinh lược đã trích một phần, các quan bố thì tính gấp đôi số tiền phải nộp lên quan kinh lược (…). Người dân thì bị lừa đảo, bị bóp nặn để làm lợi cho một đẳng cấp (quan lại)[634].
Quan ngoài thì (…) nhắm chạy vạy nịnh hót mà dốc hết khả năng. Chạy chọt thành thói quen, liêm sỉ của sĩ phu mất cả; bóc lột ngày càng nặng (…)[635].
[634] Mặt Giời, Le Tonkin actuel…, (1891), tr.238-239.
[635] Phan Chu Trinh, “Lettre ouverte au Gouverneur Général Beau” (Thư gửi toàn quyền Bô), BEFEO, 7 (1907), tr.166, NCLS, 66 (1964), tr.8.
Các nhà luận chiến ở thuộc địa biện hộ cho sự can thiệp của Pháp hoặc các sĩ phu cách tân thì biện hộ cho hành động chính trị của họ, những lời chỉ trích đó không thể làm cơ sở cho việc phân tích nạn tham nhũng. Ngoài ra người ta thường viết quan và tính vụ lợi của quan là một trong những mục tiêu đả kích của văn học dân gian.
Đương nhiên nguồn tài liệu khác nhau khiến cho việc tìm tòi nghiên cứu không thuận lợi. Tuy nhiên giữa giọng điệu quá đáng trong luận chiến của các giới thuộc địa, truyền giáo, hay sĩ phu cách tân và những công thức thần chú của Quốc sử quán triều Nguyễn, chúng ta hãy thử định giới hạn một cách cụ thể hơn vấn đề tham nhũng xuất phát từ những tài liệu trong thực tiễn.
Chắc chắn nạn hối lộ không hề vắng mặt trong văn học dân gian, nhưng nạn hối lộ chỉ là phụ nếu sử gia gắn hối lộ với địa vị của các quan trong các mối bận tâm lo lắng đến các vấn đề xã hội. Mới đây Vũ Minh Giang, xuất phát từ xử lý hàng loạt 4075 bài phong dao và ngạn ngữ đã chỉ ra rằng những vấn đề liên quan đến “quan hệ xã hội” chiếm tới 40,1%, trong đó gần 3% nói về đề tài “quan hệ giữa nhân dân và vua hay quan”. Chính đề tài dòng họ, gia tộc, làng xóm chiếm ưu thế (38% trong “quan hệ xã hội”)[636].
[636] Vũ Minh Giang. “Biểu hiện của truyền thống Việt Nam qua phân tích thống kê tục ngữ phong dao” trong Vũ Minh Giang, Phan Huy Lê, Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (1994), tr.72-107.
Sự phân tích các tài liệu lưu trữ, nghĩa là hồ sơ hành trạng các quan, đã lật ngược quan điểm về một chế độ quan lại vụ lợi, không phải vì vấn đề tham nhũng hoàn toàn vắng mặt, nhưng nó cách xa “hiểm họa lớn” mà một số nhà sử học đã tố giác để làm vừa lòng người đọc.
Làm sao giải thích được nguồn gốc trang trại đất đai của các quan? Không thể chối cãi rằng diện tích một vài tài sản đất đai là ít so với tiền lương mà người nghiên cứu sử có thể tự đặt câu hỏi một cách chính đáng rằng quan lấy tiền đâu mà mua những diện tích đất đai rộng lớn như thế. Xác định diện tích và số các trang trại đồn điền là một việc khó tin. Sở hữu tài sản của quan, do tính chất, không ai đăng ký thống kê. Chỉ có ngẫu nhiên mới đưa chúng ta lần đến ngọn nguồn, không thể chối cãi được rằng những cá nhân chiểu theo chức vụ đã có những điều kiện dễ dàng hơn để mua đất. Các cuộc biến loạn gắn với cuộc chinh phục và “bình định” cũng tạo thuận lợi cho việc chiếm hữu đó. Dân chúng lưu tán kéo theo tạm thời để ruộng đất trở thành hoang hóa vô chủ. Trong một số những thí dụ, chúng ta hãy kể ra bản hợp đồng ký năm 1899 giữa ba quan ở tỉnh Hải Dương - Vũ Quang Nhạ tổng đốc, Nguyễn Hữu Đắc án sát, Nguyễn Đình Chú tri phủ Nam Sách - với Gillet một người Âu. Hai năm trước người Âu này đã mua 188 hécta đất tại các làng Vạn Tải, Thiện Khê, Mạn Đê, Quan Sơn và Yên Dật ở trong huyện Nam Sách vì cuộc chiến đấu giữa “giặc cướp” và quân tảo thanh đã khiến ruộng đất bị hoang hóa[637]. Gillet định chỉ khai thác đất ruộng nhưng ông ta không đủ tiền để mua trâu và nông cụ cần thiết để khai khẩn. Ông ta nói chuyện với công sứ Hải Dương. Ông này đã yêu cầu tri phủ giúp đỡ Gillet. Sau đó Gillet liên kết với hai quan nữa. Hợp đồng quy định rằng mùa màng thu hoạch được sẽ chia theo số tiền vốn mà mỗi bên bỏ ra để khai khẩn, tức 8 phần chia ra như sau: bốn phần cho Gillet, hai phần cho Vũ Quang Nhạ, một phần cho Nguyễn Hữu Đắc và một phần cho Nguyễn Đình Chú[638].
[637] Đất đã bán được phân bổ như sau: Vạn Tải (26 ha), Thiện Khê (32 ha), Man Đê (7 ha), Quan Sơn (18 ha) và Yên Dật (5 ha).
[638] Thư (29/6/1905) của Nguyễn Hữu Đắc, tuần phủ Hà Nam gửi công sứ Hải Dương trong ANV-RST 34674, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Hữu Đắc.
Sau các cuộc hành quân “bình định” dân làng lục tục trở về làng. Thường nổ ra những vụ tranh chấp ruộng đất nhiều khi lôi cả các quan vào cuộc. Chẳng hạn như Bùi Kiến Đẩu, tri huyện Phù Ninh trong những năm 1919-1921, đã lợi dụng những chuyện mất đoàn kết chia rẽ xóm làng bên cạnh, để xây dựng một ấp nhỏ trên lãnh thổ Thanh Thúy. Man, một trong bốn thôn của làng này, đã bị tàn phá và dân làng lưu tán khắp nơi. Thế là các thôn và làng lân cận dần dần đến mua rẻ những mảnh đất vô chủ, khai khẩn trồng trọt thành những mảnh xâm canh. Năm 1921 những đất nộp thuế hoa lợi - một trăm mười hai hecta ruộng và bốn mươi mốt hecta đất - có chỗ để hoang có chỗ đã trồng trọt. Chức dịch làng tố cáo dân thôn An Lãng đã chiếm hữu những mảnh đất lọt vào giữa, nay lại lấn sang những mảnh bỏ hoang. Vì thế tri phủ kiêm bang tá tỉnh Phú Thọ được các quan tỉnh cử về điều tra. Không đợi kết quả giải quyết vụ tranh chấp, tri huyện Phù Ninh, đứng tên người anh họ Bùi Hữu Nghiêm ký với dân làng Thanh Thúy một tờ khế ước nhượng đất nội dung như sau:
Chúng tôi là dân làng Thanh Thúy đồng ý nhường cho ông Bùi Hữu Nghiêm, tri huyện Hàm Yên nghỉ hưu, quê quán Liên Bạt, chùa Thôn, tổng Xà Kiều [Xà Cầu] huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, số ruộng đất của chúng tôi cùng địa bạ và sổ các hộ đóng thuế. Viên cựu tri huyện sẽ đưa công sức và vốn liếng ra để mộ dân đến khai khẩn những ruộng đất bỏ hoang đã bị người khác chiếm đoạt[639].
[639] ANV-RST 54310, hồ sơ hành trạng của Bùi Kiến Đẩu.
Viên quan đã chiếm đoạt ruộng đất của An Lãng lọt thỏm trong lãnh địa Thanh Thúy - trong khi thôn này vẫn đóng thuế đều - để lập ấp giao cho thuộc hạ là Ngự, phó lý trưởng Thanh Thúy trông nom việc khai khẩn. Việc lấy tên người khác để giao dịch mua bán bất động sản là cách làm thông dụng của quan lại thời bấy giờ để lẩn tránh quy định cấm các quan bản hạt mua ruộng đất tại nơi mình đang làm phận sự. Dựa vào một điều khoản trong bộ Hoàng Việt luật lệ, việc cấm đoán này đã được nhắc lại năm 1904, rồi đến năm 1922 lại nhắc một lần nữa[640]. Những quyết định đó rất dễ lẩn tránh vì chỉ nhằm vào những quan lại đương chức, chứ không cấm những người đã cáo quan về hưu được mua bán ruộng đất.
[640] Hoàng Việt luật lệ, q.6: hộ luật, điền trạch, 5 - nhiệm sở trí điền trạch, (1994), t.2, tr.303-304. Thông tri (10/6/1904) của toàn quyền Beau.
Viên tri huyện đã cho dựng ấp trại bằng vật liệu (tre, lá cọ) thu của dân An Lãng, nơi đang có tranh chấp về quyền sở hữu mà không phải trả đồng nào. Ông ta cho chặt các cây trám trắng trong khi có quy định cấm chặt hạ các cây loại này. Cuối cùng ông còn cho mở con đường dài ba ki-lô-mét, trong đó có hai trăm mét đi qua một mảnh đất trồng cây sơn, nơi đây cũng đang có tranh chấp quyền sở hữu để nối liền lỵ sở của huyện với ấp của ông[641].
[641] ANV-RST 54310, hồ sơ hành trạng của Bùi Kiến Đẩu. ANV-Tòa sứ Hưng Hóa, 576.
Cuối cùng không thể chối cãi việc một vài viên quan cao cấp cho người nhà được hưởng lợi từ chính sách bản xứ do toàn quyền Albert Sarraut khởi xưởng. Bắt đầu từ năm 1913, người Việt Nam sống ở các vùng nhượng địa hay bảo hộ của Pháp có thể xin lập ấp mở đồn điền không mất tiền rộng tới 50 ha. Còn trên 50 ha thì phải trả tiền[642]. Năm năm sau, giới hạn xin lập ấp mở đồn điền không phải trả tiền mở rộng lên đến 300 ha. Những đất đai được cấp không này đã được đem ra mua đi bán lại để đầu cơ trục lợi. Chẳng hạn như Đỗ Phú Túc, hàm tổng đốc, năm 1921 đã được cấp không hai đồn điền trong phủ Yên Thế - 61,31 ha - và huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) - 31,31 ha. Năm 1922 ông bán đồn điền thứ hai và 51,31 ha của đồn điền thứ nhất lấy một số tiền là 5000 đồng, tương đương với 173 tấn gạo[643]. Tương tự như vậy Nghiêm Xuân Quảng, tuần phủ hưu trí năm 1934, được cấp (tạm thời không tính tiền) một đồn điền rộng 110 ha trên đất làng Quỳnh Lưu, Yên Bạt (phủ Nho Quan), Vĩnh Khương, Đoài Khê (huyện Yên Mô), ba năm sau ông ta bán cho Đỗ Đình Đạc và Vũ Đỗ Tân, điền chủ ở Hà Nội, lấy số tiền 20000 đồng Đông Dương[644]. Nhưng đất cấp cho quan không chỉ là thuần túy đối tượng đầu cơ. Chẳng hạn, như Hoàng Gia Luận, con thứ ba của Hoàng Cao Khải, năm 1922 đã được cấp một đồn điền rộng 619 ha đất thuộc các xã Trị Thủy (huyện Phú Xuyên) và Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) để khai thác theo kiểu tư bản chủ nghĩa. Trong đồn điền này có 100 ha trồng cà phê, 80 ha trồng lúa - hoa lợi hàng năm 2000 đồng Đông Dương - một đàn bò 850 con và đàn trâu 50 con. Bình thường có 100 công nhân nông nghiệp làm việc ở đây và lúc thu hoạch cà phê số công nhân thời vụ tăng lên 300 người[645].
Con số đưa ra hình như có vẻ khô khan. Nhưng ít nhất chúng cũng giúp chúng ta xác định rõ hơn quy mô chiếm hữu đất đai của một bộ phận quan chức cao cấp. Tuy nhiên một vài trường hợp quan chức cao cấp làm giàu không thể coi là đồng nghĩa với một phong trào rộng lớn chiếm đoạt ruộng đất của “giới quan lại” nói chung ở Bắc Kỳ.
[642] Chiểu nghị định ngày 27/12/1913.
[643] Tỷ giá đồng bạc Đông Dương và đồng franc Pháp lúc đó là một đồng bạc Đông Dương = 6,7 francs. Vậy một tạ gạo giá 19,28 francs. Bernard, P. Le problème économique indochinois, (1934), tr.3.
[644] ANV-M 439. Province de Ninh Bình. Concessions agricoles des indigènes (1932-1911).
[645] ANV-M 7/930. Province de Hà Đông. Concessions sises à Hà Đông accordées à Hoàng Cao Khải et Hoàng Gia Luận (1922). ANV-RST 60979. Concessions à Hoàng Gia Luận de terrains domaniaux sis à Hà Đông (1920-1924).
Triển khai cuộc cải cách: trở ngại và khó khăn
Hạ tầng của giới quan lại
Là cầu nối cần thiết với chính quyền ở các phủ huyện, nhưng bản thân họ cũng xuất thân từ các hào mục trong làng, các lại viên về mặt xã hội rất gần gũi với chức dịch hàng xã và tổng. Vị trí của họ có tính hai mặt: gần gũi về mặt xã hội học, nhân tố không thể chối cãi về tính hiệu lực hành chính, nhưng có thể là nguồn gây nhiễu loạn trong bộ máy. Cho nên ở nước Việt Nam thời thuộc địa người ta tiếp tục chính sách có từ thời các đời vua trước là giảm nhẹ số lượng các lại.
Trong những năm từ 1896 đến 1905 số lại viên đã giảm 10%, nhưng từ 1905 đến 1912 lại tăng lên 17%, và đến 1921 thì trở lại con số năm 1896. Tính ổn định nổi bật đó phản ánh có một sự đề kháng chống lại việc giảm biên chế đối với các lại viên. Các con số đưa ra che lấp sự tồn tại của hai hạng nhân viên không được nói đến trong thống kê do nhà cầm quyền Pháp lập, nhưng tồn tại trong hồ sơ lưu trữ: số dư thừa và “nhân viên bí ẩn”[646]. Công việc dựa trên những tài liệu này lại càng có kết quả nữa, vì là những văn bản những quy định đã làm ngơ trước tính đa dạng này. Trong thực tiễn, chính quyền bảo hộ thường trộn lẫn hai hạng nói trên được đánh giá là nhân viên không chính quy. Từ thế kỷ XIX cần chăm chú theo dõi lịch sử nền bảo hộ để thấy sự gia tăng số nhân viên ngoài biên chế. Nhiều người trong số họ bước vào nghề bằng chức vụ phụ biện thông lại hay ngoại ngạch thông lại. Lý do nào đã đưa đến việc gia tăng số nhân viên này? Điều kiện đi làm lại cũng tương đối linh hoạt: các quan tỉnh, huyện tuyển người nào muốn làm chỉ đơn giản căn cứ vào đơn xin, đó là các học trò họ sử dụng như nhân viên tập sự. Ngoài ra cũng không yêu cầu nhất loạt họ phải qua được kỳ thi đệ nhất hay đệ nhị ở các kỳ thi hương. Sau thời gian thử việc họ xin với quan tỉnh cho họ được coi là thực thụ. Với những công việc nhỏ mọn như thế luôn luôn có đông người đến xin. Nhưng nhà chức trách ý thức được vấn đề này rất muộn: để ngăn chặn và cải thiện tình hình, mãi đến 1907[647] mới lập lại việc thi tuyển lại viên. Tình hình chính trị cũng tạo thuận lợi cho việc đi làm trong cơ quan công quyền đối với những người đã đi theo nhà binh Pháp trong các cuộc hành quân bình định. Việc phân tích chéo các sổ sách năm 1896 và các đề nghị xin bổ dụng làm lại của các quan “bình định” cao cấp như Hoàng Cao Khải hay Lê Hoan chứng minh điều này. Rõ ràng là những người này đã tìm cách đưa tay chân của họ vào các chức vụ thư lại hay lại mục.
[646] Pierre Rosanvallon cũng đã chỉ ra những giới hạn của cách tiếp cận đó trong nghiên cứu bộ máy hành chính của nước Pháp. Rosanvallon, P.,L’État de France de 1789 à nos jours, (1996), tr.284-291.
[647] Về kỳ thi năm 1907 xem đoạn trên và DLTY, tr. 121.