Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 6 - Phần 4
Thế mà những điều khẳng định đó, ít nhất cũng là vội vàng. Chúng đã không bao giờ dựa trên sự phân tích chương trình học, hoạt động hay tính mục đích của các trường đó. Có vẻ như người ta chỉ lấy ngôn ngữ dạy và học trong trường làm cơ sở lập luận để làm mất giá trị của các trường đó. Nói một cách khác dạy và học bằng tiếng Pháp chỉ có thể kéo theo sự đảo lộn quá trình đào tạo. Thực ra vấn đề phức tạp hơn nhiều. Nếu trong chương trình thi tuyển vào cũng như thi tốt nghiệp, tiếng Pháp được coi là môn chính thì một số bài giảng ở năm thứ hai và thứ ba chứ không phải ở lớp dưới dạy kiến thức thông dụng - vật lý, hóa học, thực vật học, vệ sinh - đều dạy bằng tiếng Việt. Khẳng định rằng lấy ngôn ngữ của việc dạy và học để vội xét đoán nội dung là một vấn đề có thể tranh cãi.
Bảng 31 - Chương trình tuyển vào học trường hậu bổ và trường sĩ hoạn (1906, 1912)
Trường hậu bổ (1906) |
Trường sĩ hoạn - ban hành chính (1912) |
Hệ số (1912) |
|
Thi viết |
- Ám tả tiếng Pháp |
- Ám tả tiếng Pháp |
5 |
- Dịch ngược từ Việt sang Pháp |
- Dịch ngược từ Việt sang Pháp |
4 |
|
- Dịch xuôi từ Pháp sang Việt |
- Luận bằng chữ Hán về đề tài hành chính |
3 |
|
- Một bài toán dễ về bốn phép tính |
- Hai bài toán dễ về bốn phép tính |
2 |
|
Thi vấn đáp |
- Dịch một bài quốc ngữ sang Pháp văn |
- Dịch một bài quốc ngữ sang Pháp văn |
4 |
- Tập đọc có giải nghĩa |
- Tập đọc có giải nghĩa |
5 |
|
- Hội thoại |
- Hội thoại |
5 |
|
- Hỏi về bốn phép tính |
- Hỏi về bốn phép tính |
2 |
Nguồn: BAT, 1912, ANV-RST 46338. Ecole des hậu bổ - Programme d’enseignement.
Bảng 31 - Chương trình thi tốt nghiệp (trường hậu bổ và trường sĩ hoạn)
Trường hậu bổ (1906) |
Hệ số |
Trường sĩ hoạn - ban hành chính (1912) |
Hệ số |
|
Thi viết |
- Chính tả tiếng Pháp |
5 |
- Ám tả tiếng Pháp |
5 |
- Dịch ngược từ quốc ngữ sang Pháp văn |
4 |
- Dịch ngược từ quốc ngữ sang Pháp văn |
4 |
|
- Dịch xuôi từ Pháp văn sang quốc ngữ |
4 |
|||
- Số học |
1 |
- Hai bài toán |
2 |
|
Thi vấn đáp |
- Kiến thức hành chính |
5 |
- Kiến thức hành chính và luật Việt |
2 |
- Địa lý |
2 |
- Địa lý |
2 |
|
- Kiến thức thông dụng |
3 |
- Kiến thức thông dụng |
4 |
|
- Kiến thức nông nghiệp |
3 |
|||
- Tập đọc và hội thoại |
5 |
- Tập đọc và hội thoại |
5 |
|
Đsht[535] |
10 |
8 |
Nguồn: BAT, 1912. ANV- RST 46338.
Phân tích chương trình học của mỗi trường, và quá trình tiếp đó (thực tập) dẫn đến những kết luận tế nhị hơn. Việc cải tiến chương trình không phải là hoàn toàn cắt đứt với quá khứ mà là sự lắp ghép các kiến thức phương Tây với tri thức, thực tiễn và suy nghĩ cũ. Từ thế kỷ XVIII phái duy tân đã đề nghị đưa thực học vào chương trình thi, phổ biến sách giáo khoa về kiến thức hành chính, tầm quan trọng của thực tập. Triều đình còn yêu cầu đưa cả nông học thủy lợi vào chương trình giảng dạy. Ở đây không có gì khác biệt giữa Triều đình Việt Nam và chính quyền thuộc địa, cả hai bên đều có chung quyết tâm cải tiến hiệu quả của giới quan lại, cho rằng quan trước hết là người thực hành. Chính vì vậy mà cần phải hiểu sức phát triển tri thức kỹ thuật để nâng cao chất lượng công việc cai trị thực địa chứ không phải để hạ thấp xuống thành công việc của người thừa hành bình thường.
Việc đưa các bài vấn đáp vào chương trình thi, trước đây chưa từng có trong hệ thống khoa cử cũ, là một đổi mới quan trọng, như việc tính điểm tổng thể đã chỉ rõ. Năm 1906 cũng như năm 1902, các bài thi vấn đáp chiếm một nửa tổng số điểm của kỳ thi tốt nghiệp. Việc tập đọc và hội thoại trong suốt khóa học đáp ứng mối lo lắng chung về hiệu quả cũng như việc lĩnh hội tri thức kỹ thuật[536]. Thi vấn đáp nhằm đánh giá một tri huyện tương lai thành một nhà thực hành chứ không phải là một viên chức bàn giấy, việc tiếp xúc với dân chúng sở tại. Quan tri phủ tri huyện sau này không những phải tự mình xử lý các vấn đề như tu bổ đê điều, thu thuế, ngồi xử kiện mà còn có vai trò sư phạm chủ yếu nhờ các cuộc diễn thuyết phủ dụ dân chúng. Thật ra, thành công của việc phát hành trái phiếu Đông Dương, lập chế độ hộ tịch, các luật tục mới, phổ biến cách trồng trọt mới, phát triển ngành nghề thủ công mới đều tùy thuộc vào khả năng giảng giải cho dân chúng hiểu được những việc đó là có căn cứ.
[535] Điểm số của hiệu trưởng.
[536] Các giáo sư địa lý, hình học thực hành, nông nghiệp và kiến thức thông dụng được khuyến khích cho học trò tập vẽ trên bảng và trên vở nhiều hình vẽ để giúp học sinh dễ hiểu và dễ lĩnh hội được những khái niệm mới.ANV-RST 46338.
Các môn học pháp lý, khoa học và kỹ thuật trong chương trình giảng dạy ở các trường nói trên – số học, hình học, sinh vật học, hóa học, pháp chế, vật lý, nông học - chuẩn bị cho quan chức hành chính sau này có khả năng sư phạm về cải cách, thể hiện một cách rõ ràng dứt khoát trong việc dành một số từ ngữ như: “lợi ích” của hộ tịch, “lợi ích” của việc dùng phân bón, việc hiện đại hóa nông nghiệp được đặc biệt chú ý, nghiên cứu phương phán giâm cành, ghép cành cho các loại cây ăn quả, sử dụng và lợi ích của phân bón, áp dụng một kiểu trồng trọt tùy theo môi trường chung quanh, đưa việc trồng trọt cây công nghiệp, việc kinh doanh sản phẩm nông nghiệp v.v… Trong lĩnh vực y tế, cũng phải biết phòng bệnh, chống nạn nghiện rượu, phổ biến vệ sinh (nhà ở, quần áo…) đều thuộc cùng một mục tiêu sư phạm. Vả lại, học trò trường hậu bổ được khuyến khích phổ biến những điều học trong sách vở cho người chung quanh để phổ biến các khái niệm khoa học họ đã tiếp thu được[537].
[537] René Robin, trưởng phòng phòng hai trực thuộc phủ thống sứ Bắc Kỳ đã gửi thông tri (20/4/1907) cho các giáo sư trường hậu bổ. ANV-RST46338.
Việc đào tạo kỹ thuật đi đôi với việc dạy học sâu sắc hơn bao gồm việc kích thích suy nghĩ của người học sau này không phải chỉ là người thực hành, khi thi hành nhiệm vụ được giao. Ví như hoạt động y tế đòi hỏi bình thường phải biết kiến thức về thuốc, về giải phẫu và hóa học. Tương tự như vậy, cuộc đấu tranh chống dịch động vật trong chương trình đòi hỏi phải có kiến thức sinh học động vật. Cuối cùng công việc của ông quan trong lĩnh vực nông nghiệp phải được chuẩn bị bằng việc học hóa học và kiến thức sơ đẳng về vật lý. Việc chọn một loại phân bón hay một kiểu trồng trọt thích hợp với điều kiện môi trường chung quanh không tách rời việc đào tạo như thế. Nói tổng quát hơn, những bài tập thực hành của trường pháp lý hành chính ngày càng mức trừu tượng hơn, nhằm phát triển khả năng suy nghĩ cá nhân: miêu tả, tường thuật, soạn thảo một báo cáo về đề tài hành chính đều theo quan niệm như trên, trình bày sự việc rút ra kết luận, lập kiến nghị, chỉ đưa ra những chi tiết bổ ích và chính xác.
- Những trục trặc của nhà trường trong hoạt động
Việc thành lập trường hậu bổ năm 1897 đã đặt trọng tâm vào việc chuyên nghiệp hóa không dính líu đến chính trị. Tuy nhiên xây dựng lại một chế độ quan chức nhà nước đã không bắt nguồn từ một quan niệm khoa học như các nhà cầm quyền Pháp mong muốn, phải được phân tích như một quá trình phức tạp và gián đoạn trong đó có các nhóm xã hội đã đầu tư công sức. Nhà chức trách thuộc địa, trong khi nêu lên mục tiêu trung lập, vẫn không thể bỏ qua kỳ vọng của một bộ phận quan lại mà họ vẫn phải tiếp tục dựa vào. Vì vậy chúng ta cần phải xem xét vấn đề tuyển dụng ấm sinh.
Việc chỉ trích trước hết tập trung vào trình độ của các cậu ấm con các quan có công. Mặc dù nhắc lại các quy định đặt ra cuối thế kỷ XIX hình như việc cấp danh hiệu ấm sinh đã được đặt với những điều kiện kém nghiêm ngặt hơn nhiều[538]. Danh hiệu ấm sinh đôi khi được cấp cho con quan mà không qua một hình thức soát xét nào, nhà chức trách thuộc địa muốn ban thưởng cho “nhiều tay chân”[539]. Ngoài ấm sinh, mọi dễ dàng trong việc tuyển học sinh tự do vào học trường hậu bổ đều bị chỉ trích. Một thông tri năm 1903 đã nói rõ điều đó không chút lập lờ:
Học sinh tự do đã được nhận cho vào học nhưng nói rõ cho họ biết là không bảo đảm cho họ một chỗ làm nào. Cho nên người ta tỏ ra ít khó khăn hơn khi tuyển họ vào học. Nhiều khi người ta cho phép vào những lớp bắt đầu từ lâu rồi[540].
[538] Một đạo dụ ban hành năm 1889, phục hồi đạo dụ năm 1848 về kỳ thi tuyển ấm sinh. Một đạo dụ khác ban hành năm 1890 cũng phục hồi đạo dụ năm 1851 về tiến hành nghiệp vụ của ấm sinh. DLTY, tr.68-69.
[539] ANV-RST 46464. Réformes de l’administration indigène.
[540] ANV-RST 3152, hồ sơ hành trạng của Trần Văn Kỷ.
Vì vậy thực tiễn người ta quyết định rằng những học sinh tự do sẽ được công nhận chính thức chậm hơn là học sinh được học bổng để sau này ra làm tri huyện hay huấn đạo[541]. Vả lại có một số chỗ dành cho các ấm sinh[542]. Có vài biện pháp đưa ra để việc chọn lựa chặt chẽ hơn như khi dự thi tuyển vào học trường hậu bổ kể từ 1907 thí sinh phải làm bài để kiểm tra trình độ Hán tự nhằm loại ấm sinh nào không nắm vững chữ Hán[543]. Cuối cùng năm 1906 đã lập ra một ban dự bị để luyện thi nhập trường.
[541] Như trên.
[542] ANV-RST 46464. BAT, 1912, tr.723.
[543] ANV-RST 73577. Choix des ấm sinh pour les emplois de l’administration indigène (1909). ANV-RST 14540, hồ sơ hành trạng của Phạm Quang Khiết.
- Chế độ thực tập
Việc đào tạo quan lại trong trường hậu bổ không tách rời khỏi thực hành hành chính mà một ông quan tương lai phải lĩnh hội được trong khi thực tập để ra trường. Huấn đạo và giáo thụ phải học cách dạy theo phương pháp mới. Việc cải cách này đòi hỏi phải chuyên môn hóa hàng ngũ quan lại tức là chia ra quan hành chính và học quan. Dự định từ 1908, năm sau chủ trương này mới được thực hiện bằng việc lập một ban sư phạm trong trường hậu bổ. Giai đoạn đầu của việc tách biệt này sẽ kết thúc vào năm 1912[544]. Cuộc cải cách học chính gián tiếp làm biến mất việc thực tập làm học quan. Chức năng dạy học sẽ không dần dần chuyển sang chức năng hành chính. Việc thực tập với tư cách là hậu bổ, sau khi bãi bỏ ngạch thực tập ở các bộ trong kinh, tiếp theo việc chia tách hành chính ở Trung Kỳ với hành chính Bắc Kỳ rồi lại tách biệt quan hành chính với học quan ở Bắc Kỳ, chỉ dành riêng cho việc đào tạo thực hành các quan chức hành chính tương lai. Vậy mà thiết chế này lại trải qua một cơn khủng hoảng gắn liền với việc không sử dụng các hậu bổ đã đưa các nhà cầm quyền trong những năm 1906-1911 đến chỗ phải cải tổ việc thực tập theo bề sâu.
[544] BAT, 1909, tr.409-491.
Việc này được nhận định là ảo tưởng. Các hậu bổ ngồi không, không được sử dụng một thời gian dài, các công sứ và quan đầu tỉnh để hậu bổ ngồi không ở các tỉnh lỵ, mặc dù cấp trên thường nhắc các quan đầu tỉnh phải giám sát cải thiện việc đào tạo thực tập[545]. Việc không sử dụng các hậu bổ bắt nguồn từ chỗ chế độ trả lương ít ỏi cho hậu bổ và mập mờ trong quy chế hậu bổ.
[545] ANV-RST 46322. Stage d’un an dans les bureaux des mandarins provinciaux que doivent faire les hậu bổ à leur sortie de l’école (1904).
Các quan tỉnh và cả công sứ Pháp do dự không cử hậu bổ đi công cán vì sợ họ lương thấp mà dễ đi đến lạm dụng. Thay đổi thật sự việc trả lương cho họ có thể khắc phục tình trạng này nhưng dù có thay cũng không đủ trong những năm 1897 và 1912.
Hình 34 - Lương danh nghĩa hàng tháng của hậu bổ (1897-1912).
Nguồn: ANV-RST 57395, 46464; BOIF, Trung Kỳ-Bắc Kỳ, tr.9, 1381; DLTY tr.240-243, 252-253. Lương của tri huyện thực thụ (năm 1906) và tri huyện hạng nhất (1912) không kể phụ cấp chức vụ.
Mặc dù chênh lệch tiền trợ cấp hàng tháng cho một học sinh ở trường với một tri huyện thu hẹp đôi chút: năm 1 898 tỷ lệ này là 1 và 3,2 trong khi năm 1897 là 1 và 5,3. Nhưng đến 1906 lại tăng lên thành 1 và 3,8. Sự khác biệt về lương giữa các hậu bổ đã học trong trường và hậu bổ không học trong trường cũng tương tự như vậy. Việc ưu tiên này được ban hành kể từ 1898 nhằm vào việc khuyến khích các hậu bổ đi học các lớp trong trường. Được tiểu ban cải cách đề nghị năm 1911, các quan thực tập được tăng lương lên gấp đôi trong năm 1912.
Ngoài ra các hậu bổ không có việc là do các quan tỉnh không thể sử dụng họ vào việc gì vì họ không có kinh nghiệm hành chính ở tỉnh mà lại để các tri phủ tri huyện phải noi theo. Đó là những chuyến đi công cán mật, khi bố chính hay án sát quá bận, khi một tri phủ hay tri huyện phạm lỗi hoặc khi vụ việc không mấy quan trọng khiến quan đầu tỉnh phải về tận nơi xử lý. Sự mập mờ trong quy chế hậu bổ là ở từ hậu bổ mà ra. Từ hậu bổ dùng để chỉ hoặc một người trẻ tuổi mới tốt nghiệp ra trường sau khi kết thúc khóa học hoặc một “cộng tác viên đột xuất” của các quan đầu tỉnh, trong trường hợp đó là những quan chức thực sự. Kết thúc thời gian nghỉ việc quan, họ trở lại quan trường, tạm ngồi ở tỉnh lỵ để chờ có chỗ nào trống thì bổ gấp làm quyền nhiếp, do quan tri phủ tri huyện đương chức nghỉ, ốm, chết hay bị đình chỉ chức trách. Khác với hậu bổ sau, loại hậu bổ mới ra trường không thể có uy tín đối với quan phủ (hay quan huyện) sở tại, khi họ được phái đến làm nhiệm vụ đột xuất của quan tỉnh giao. Do thiếu kinh nghiệm thực tập nên mỗi khi được chỉ định quyền nhiếp tri phủ hay tri huyện họ thường bị các nhân viên dưới quyền như lại mục, thông lại coi thường, không phục. Vấn đề này đã được Nguyễn Đăng Tuấn nêu ra từ 1826 nhưng nay vẫn mang tính thời sự. Vì vậy các quan tỉnh do dự không dám cử các quan thực tập đi điều tra hay tiến hành công việc tại chỗ. Cuối cùng là bỏ rơi họ để họ “ngồi chơi xơi nước” không làm gì ở tỉnh lỵ. Chính vì giải quyết tình trạng này mà từ năm 1906 các học sinh tốt nghiệp trường hậu bổ không bó buộc phải thực tập và sẽ được dần dần bổ tri huyện khi nào trống chỗ trừ phi có các ứng viên khác. Chỉ có người nào tốt nghiệp với điểm kém mới bắt đầu phải đi thực tập hai năm sau khi ra trường[546]. Biện pháp này bị coi là thái quá vì nó cho phép những người còn trẻ tuổi vào những vị trí quản lý khá quan trọng, vì vậy đã không được triệt để thi hành. Có năm học sinh tốt nghiệp ra trường tháng 2/1907 chỉ được bố trí vào văn phòng tổng đốc ở các tỉnh lớn với chức danh tri huyện nhưng chỉ là thực tập, họ chỉ được giao cai quản thật sự một huyện khi cấp trên đánh giá là có khả năng[547]. Tuổi tác là vấn đề tế nhị nhất, khó xử lý. Làm sao dung hòa việc cải tạo quan trường cho rằng cần tuyển các quan trẻ tuổi mới tốt nghiệp với việc cần thiết phải có quan thực tập đứng tuổi đủ để buộc người khác phải thừa nhận và cấp dưới phục tùng? Nhằm xóa bỏ tính mập mờ này, năm 1912 người ta thay thế chức tri huyện-tập sự (hậu tuyển tri huyện) “cách gọi rõ ràng chỉ bản chất của người thực tập” vào chức danh hậu bổ[548]. Ngoài ra từ 1912 trường hậu bổ sau này đổi là trường sĩ hoạn.
[546] Nghị định (10/9/1906) của Groleau, quyền thống sứ Bắc Kỳ, điều 9-12 trong BAT, 1906, tr.873. Nghị định (6/7/1903) của Luce, quyền thống sứ Bắc Kỳ, điều 10 trong BAT, 1903, tr.509. Nghị định (13/10/1903) của Luce, quyền thống sứ Bắc Kỳ, điều khoản duy nhất trong BAT, 1903, tr.852-853. Thông tư (29/9/1904) của Fourès, thống sứ Bắc Kỳ trong BAT, 1904, tr.881.
[547] Biên bản ngày 7/2/1911 của tiểu ban cải cách. ANV-RST 46464.
[548] ANV-RST 46464.
Thể thức thực tập được quy định lại theo hướng bắt buộc nhiều hơn. Thực thế, việc thiếu kinh nghiệm hành chính không riêng chỉ vì non tuổi khi mới ra làm quan mà cũng do ở những huyện đến làm việc có nhiều khó khăn phức tạp hơn những nơi khác. Việc thực tập ở những phủ, huyện dễ dàng quá sẽ không giúp được nhiều cho các tri huyện hay tri phủ mới ra làm quan chuẩn bị đầy đủ hành trang như trường hợp của ấm sinh Phạm Văn Triệu, tốt nghiệp trường hậu bổ năm 1913. Khi đi làm hậu tuyển tri huyện ông được nhận xét rất tốt, cho nên tại đây ông đã hai lần được bổ làm quyền nhiếp tri huyện Tùng Thiện trong hai năm 1914-1915. Ông được tiếng là làm việc mẫn cán trong việc trống nom đê điều. Nhưng sau đó ông được bổ về một huyện rất khó khăn là huyện Kim Sơn (Ninh Bình) mới thấy ba năm thực tập ở một địa bàn ít chuyện rắc rối như Sơn Tây quả không giúp được ông bao nhiêu trong việc ứng phó với công việc vô cùng phức tạp hơn nhiều tại Kim Sơn. Một phần ở đây mật độ dân số cao (huyện Kim Sơn có tới 66 làng), huyện lỵ lại rất gần giáo xứ Phát Diệm, nhà chung hay can thiệp, khi thì ngụy trang kín đáo, khi thì công khai ra mặt với tất cả mọi việc hành chính. Ông Triệu quả là “khó xoay xở giữa hai sức ép Phật giáo và Công giáo”[549]. Tương tự, Phạm Văn Thiệu khi học ở trường sĩ hoạn, là một học sinh khá giỏi, đứng thứ 4 khi thi tốt nghiệp ra trường. Tháng 9/1914 được bổ nhiệm hậu tuyển tri huyện ở Hà Nam để thay mặt cho quan tỉnh trong việc phân định ranh giới và cắm mốc giữa các làng. Ông được nhận xét “có tinh thần hòa giải nên tránh được chuyện kiện cáo giữa các xã”. Sau ba năm thực tập ông được bổ tri huyện Gia Lâm. Nhưng công sứ Pháp lại đánh giá ông là còn ít tuổi, thiếu kinh nghiệm “hiện không có đủ quyền uy đối với các tổng lý trong việc tu bổ đê điều Giang Hồ” và cho rằng “làm quan ở một huyện ít quan trọng thì tốt hơn cho ông”[550]. Nhằm khắc phục nhược điểm này của các quan thực tập, nhà chức trách mỗi khi đưa họ lên thực thụ thường đưa về gần những nơi có các quan tri phủ tri huyện già dặn kinh nghiệm và đứng đầu những phủ huyện có nhiều việc hơn nơi khác[551]. Biện pháp này cuối thế kỷ XIX đôi khi đã thực hiện[552] đến 1908-1910 thì trở thành phổ biến. Ví như các tri huyện thực tập vừa được bổ nhiệm chính thức thường được phái đi các phủ huyện gần tỉnh lỵ để được đào tạo thêm vì công việc ở đây nhiều và dễ kiểm soát hơn. Điển hình là trường hợp của Nguyễn Đức Chiêu.
Nếu Nguyễn Đức Chiêu có ý chí hơn có kinh nghiệm hành chính hơn và biết làm những người dân được cai trị nghe lời mình thì người ta có thể coi ông như một ông quan tốt. Ông ta nói và hiểu được tiếng Pháp. Là học trò của trường sĩ hoạn, ông là thành viên của phái đoàn thường trực do quan toàn quyền Beau thành lập. Ông ta đã sang Pháp nhiều tháng. Nếu ngài thống sứ chấp nhận để ông làm tri huyện Mỹ Lộc, tôi có thể khuyên răn và chỉ dẫn ông ấy nếu cần. Dù thế nào cũng phải theo dõi sát sao ông ta và dễ dàng đánh giá thực tài của ông. Cũng may là huyện đường Mỹ Lộc chỉ cách trung tâm thành phố Nam Định không đầy một kilômet[553].
[549] ANV-RST 31454, hồ sơ hành trạng của Phạm Văn Triệu.
[550] ANV-RST 31446, hồ sơ hành trạng của Phạm Văn Thiệu.
[551] ANV-RST 46464.
[552] Năm 1893, Lê Hoan, lúc đó là tổng đốc Hưng Hóa, đề nghị bổ nhiệm Nguyễn Như Duy, một quan trẻ mới về nhậm chức tri huyện Tam Nông rất gần tỉnh lỵ. Đề nghị này được phủ thống sứ phê chuẩn. ANV-RST 31431, hồ sơ hành trạng của Phạm Bá Quyển.
[553] ANV-RST 31319, hồ sơ hành trạng của Lê Văn Thúy.
Các nhà đương cục còn căn cứ vào khả năng thi hành nhiệm vụ tri huyện hay tri phủ để quyết định bổ nhiệm. Nói đúng ra cách đánh giá như thế không phải là mới. Trong nửa đầu thế kỷ XIX không phải cứ là hậu bổ thì đương nhiên sẽ được bổ nhiệm làm quan[554]. Ngoài ra cách đánh giá đó đã không hoàn toàn bị bỏ xó trong nhiều năm đầu của thời kỳ thuộc địa[555] nhưng chỉ được chính thức khôi phục cách đánh giá phẩm chất năng lực của các hậu bổ trước khi bổ nhiệm thực thụ vào năm 1912[556]. Nếu không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm thì cũng không nhất thiết bị loại khỏi danh sách. Ví như ấm sinh Phạm Quang Khiết, con tổng đốc Phẩm Văn Toán được làm hậu bổ tỉnh Nam Định năm 1911, trợ tá ở huyện Trực Ninh trong tháng mười và tháng mười một năm 1915 đã được đề nghị là kinh lịch vì “tỏ ra chỉ thích hợp làm nhân viên bàn giấy thôi”[557].
[554] Ví dụ năm 1877 các quan tỉnh Hải Dương đã xem xét Nguyễn Đức Tú có đủ khả năng làm quan. ANV-KL 2520, tờ 60.
[555] Trường hợp Lê Huy Phan năm 1887, Đỗ Hoan và Trần Ý năm 1892. ANV-KL 2521, tờ 4. ANV-RST 31561, hồ sơ hành trạng của Trần Ý.
[556] ANV-RST 46464, BAT,1912, tr.724.
[557] ANV-RST 14540, hồ sơ hành trạng của Phạm Quang Khiết.
Từ trường sĩ hoạn đến trường pháp chính
Năm 1914 trường sĩ hoạn đã được cải tạo để mở rộng nguồn tuyển dụng cho những người tốt nghiệp[558]. Trường chia ra làm ba ban: ban hành chính, ban sư phạm và ban dự bị. Ban hành chính lại chia nhỏ ra hai tiểu ban. Tiểu ban A lấy những người đỗ đạt trong các khoa thi truyền thống và ấm sinh. Trong ba năm học, dành nhiều cho việc học tiếng Pháp. Tiểu ban B lấy những người tốt nghiệp các trường Pháp-Việt và học sinh học theo chương trình Pháp hoặc đã đỗ tú tài hoặc chứng chỉ cao đẳng (brevet supérieur - tương đương tú tài) hoặc chứng chỉ thường (brevet élémentaire).
[558] Nghị định ngày 8/1/1914.
Giữa những năm 1914-1917, nhiều người lên tiếng chỉ trích gay gắt trường sĩ hoạn, kể cả ban lãnh đạo nhà trường, các nhà cầm quyền, các nhân vật tiếng tăm như Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải. Các công chức Pháp và Phạm Quỳnh trong giọng điệu phê phán khác nhau nhưng đều nhất trí ngôn ngữ là trở ngại chủ yếu cho hoạt động nhà trường dù học sinh xuất xứ từ đâu. Chính ông hiệu trưởng trường sĩ hoạn cũng thừa nhận nhiệm vụ giao cho nhà trường rất khó thực hiện. Những học sinh của tiểu ban A đã trúng các khoa thi văn, đều là cử nhân, tú tài, ấm sinh con các công thần tuổi từ hai mươi mốt đến ba mươi đa số chỉ biết chữ Hán[559] thì dù tiếng Pháp chiếm vị trí hàng đầu trong các môn suốt ba năm học cũng khó mà lĩnh hội được các tri thức mới. Phạm Quỳnh còn nói rõ hơn:
Các bực cử-tú khi vào học Hậu-bổ, chữ Tây chưa biết hơn học-trò lớp nhì lớp ba trường Pháp-Việt; như thế mà theo học pháp-luật chính-trị bằng tiếng Pháp thì thể sao được? Bởi vậy nhà-trường không dám dạy các môn cao-đẳng mới ấy, chỉ bắt chuyên-trị học chữ Pháp trong suốt ba năm[560].
[559] ANV-RST 76130. Rapport annuels sur le fonctionnement de l’administration indigène au Tonkin (1915-1916).
[560] Phạm Quỳnh, “Trường hậu bổ cũ với Trường pháp chính mới", Nam Phong, 3 (1917/9), tr.153-158.
Ngược lại những học sinh từ các trường Pháp-Việt lại không thạo chữ Hán lại sợ thi chữ Hán khi thi tuyển vào tiểu ban B của trường sĩ hoạn. Chính vì vậy mà hiệu trưởng cũng tán thành bãi bỏ môn thi Hán tự khi vào tiểu ban B. Ngược lại ông lại đòi dành nhiều thời gian dạy chữ Hán trong suốt ba năm học ở tiểu ban B. Vậy rõ ràng là trong hai tiểu ban hành chính, việc thiếu trình độ tiếng Pháp hay chữ Hán đã ngăn cản học sinh không thể học tập trong các điều kiện vừa ý. Không thạo tiếng Pháp hay cả chữ Hán đều có ảnh hưởng không tốt đến kết quả các môn học khác trong nhà trường.
Việc xóa bỏ các khoa thi năm 1915 sẽ làm cạn nguồn tuyển sinh vào ban hành chính. Thật ra phân tích sĩ số dự thi tuyển vào ban hành chính năm 1904 và 1915 đã làm nổi lên sự mất cân đối rõ rệt giữa hai tiểu ban. Trong kỳ thi tuyển sinh vào tiểu ban A tháng 6 năm 1914 có ba mươi thí sinh nhưng chỉ lấy năm người đỗ. So với ban A, số thí sinh dự tuyển vào ban B cũng ít hơn nhiều: lấy năm người đỗ mà chỉ có ba thí sinh cho năm 1914 và 1915, lấy năm người đỗ mà chỉ có chín thí sinh cho năm 1916. Ngoài ra năm 1915 trong số người trúng tuyển thì hai xin thôi ngay không đến học. Cuối cùng năm 1916 thì không tuyển được người nào vì chất lượng các bài lại quá kém! Những sự việc đó có cần phải nói rõ không, chứng tỏ rằng học sinh theo học trường Pháp-Việt và theo chương trình Pháp không muốn đi vào quan trường. Viên hiệu trưởng đưa ra ba lý do giải thích thái độ thờ ơ đối với nghề làm quan. Đầu tiên người ta giải thích học sinh không biết chữ Hán nhưng đó không phải là lý do chủ yếu. Có nhiều ngành nghề thăng tiến nhanh hơn, lương hấp dẫn hơn nghề làm quan. Một thanh niên tốt nghiệp có thể dễ dàng hay nhiều nhất là trong vòng một năm kiếm được chân ký lục-thông ngôn hay giáo viên với lương tháng hai mươi hay ba mươi đồng bạc. Họ thích như thế hơn là nộp đơn xin thi vào trường dạy làm quan học thêm ba năm nữa, với học bổng mười đồng bạc/tháng và khi tốt nghiệp giỏi lắm thì hậu tuyển tri huyện cũng chỉ lĩnh ba mươi mốt đồng bạc một tháng. Nhân tố thứ ba để giải thích là các thành kiến rất mạnh về lớp học trong trường sĩ hoạn. Giới quan lại rõ ràng như một tầng lớp khép kín đối với những ai mà cha mẹ không làm quan. Từ đó trong số học trò tốt nghiệp các trường Pháp-Việt có cha mẹ đi buôn hay làm ruộng thì theo lời ông hiệu trưởng số leo lên một tầng lớp xã hội mà ở đó các bạn đồng liêu đối xử như là kẻ len lỏi táo bạo, không mời mà đến[561]. Đó là tất cả những lý do khiến họ phải lập nên một trường mới.
[561] ANV-RST 76130.
Nhà chức trách thuộc địa cũng như giới quan lại cao cấp và các triều vua trước 1884 đều suy nghĩ đến làm sao để thay đổi chế độ quan lại phù hợp với tình thế. Nói cho đúng, nhà chức trách thuộc địa đã đặt vấn đề đào tạo thích đáng giới quan lại bằng những từ ngữ rất giống với chỉ dụ của các triều vua đặc biệt là Minh Mạng. Quy định chế độ thực tập cho các quan tương lai chưa bao giờ bị lên án. Tương tự như vậy, người ta đã xem xét việc đa dạng hóa chương trình thể theo hướng vị lợi, phù hợp với thực tế công tác hành chính theo những dạng mà trước đây các nhà cải cách dưới triều Tự Đức như Nguyễn Trường Tộ hay Đặng Xuân Bảng chắc chắn là không hề chối bỏ.