Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 6 - Phần 3

- Các trường công ở xã do dân làng tổ chức và đãi thọ gọi là cấp một, do một thầy giáo phụ trách sáu chục học sinh. Theo chương trình cải cách các trường này phải học chữ quốc ngữ bên cạnh Hán tự và các môn khoa học tự nhiên. Chương trình bắt buộc dạy chữ quốc ngữ và chữ nho đi đôi với các trường công lập là các trường tư thục do Nhà nước kiểm soát và bắt buộc dạy theo chương trình chính thức của Nhà nước ban hành. Việc quản trị trường học do các chức dịch trong làng phụ trách từ việc xây dựng trường sở, chọn thầy giáo và phải được học quan ở huyện phê chuẩn.

- Cấp hai là do các học quan, các giáo thụ và huấn đạo tổ chức do ngân sách địa phương đãi thọ. Theo chương trình cải cách môn lịch sử và địa lý được đưa vào chương trình dạy học. Chữ quốc ngữ và chữ nho là môn học bắt buộc, tiếng Pháp tùy ý không bắt buộc.

- Các trường ở cấp ba tổ chức ở tỉnh lỵ do các quan đốc học phụ trách. Quan đốc học đồng thời cũng kiểm tra và thanh tra các trường công và tư trong tỉnh. Chương trình học ở trường tỉnh gồm có các môn khoa học tự nhiên và tiếng Pháp. Cả ba phần học bằng chữ quốc ngữ, Hán tự và Pháp văn đều bắt buộc.

Các cải cách đó, các trường và chương trình hoàn toàn mới hay cải tiến đều được thừa nhận trong các kỳ thi hương và chương trình thi cũng sửa đổi theo.

Tiến hoá của chương trình thi

Việc người Pháp có mặt trong các khoa thi hương và hình ảnh thống thiết của các thí sinh dự các khoa thi đã khiến Tú Xương một nhà văn trào phúng sáng tác hai bài thơ châm biếm Giễu người thi đỗĐổi thi lấy bối cảnh là khoa thi cổ điển cuối năm 1897[527].

[527] Lữ Huy Nguyên. Tú Xương, thơ và đời (1996), tr.61, 63, 170.

Giễu người thi đỗ

… Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt

Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng

Đối nhau chan chát các từ ngữ trong câu thơ càng tăng thêm tính hài hước của bài thơ: Trên/dưới, bà đầm/ông cử, ngoi/ngẩng, đít/đầu, vịt/rồng. Đầu rồng là miêu tả mũ có trang trí đầu rồng được hoàng đế ban tặng cho những người thi đỗ. Hài hước của câu thơ đầu nhằm vào vợ của Darles, công sứ Nam Định đến dự lễ xướng danh những ông cử ông tú đỗ khoa thi hương trường Nam năm đó.

Đổi thi

Nghe nói khoa này sắp đổi thi

Các thầy đồ cổ đỗ mau đi

Dẫu không bia đá còn bia miệng

Vứt bút lông đi, giắt bút chì.

Trong bài thứ hai, tính hài hước dựa trên sự tương phản giữa hai hệ thống thi cử cũ và mới, cao quý và dung tục, được tượng trưng bằng bia đá, bút lông đối lập với bia miệng, bút chì: tính vĩnh cửu của các ông nghè được khắc tên trên bia đá đối lập với hàng tràng lời chúc tụng bằng lời nói (bia miệng) của các công chức Pháp trong các kỳ thi cải cách.

Vượt lên tiếng cười nhạo báng, chúng ta thử tìm hiểu kỹ hơn sự biến đổi dần dần của các kỳ thi hương giữa các năm 1898 và 1912. Chữ nho mai một dần nhường chỗ cho chữ quốc ngữ và đưa những kiến thức thích hợp với thực tế đương đại. Đó là những nét chủ yếu của phong trào cải cách giáo dục làm ba giai đoạn. Sáng kiến là của Paul Beau năm 1906 tiếp đến là Albert Sarraut năm 1912. Từ 1898 đã ban hành sự thay đổi đầu tiên chưa đụng đến chế độ thi cử mà chỉ thêm vào một khoa thi phụ không bắt buộc bằng quốc ngữ và có thi Pháp văn tại trường thi Nam Định[528]. Tuy nhiên biện pháp đổi mới này không tách rời việc thành lập trường hậu bổ một năm trước đó, tiếp tục cùng với trường hậu bổ tăng cường tầm vóc vị lợi và thực tiễn trong việc đào tạo các ông quan tương lai.

[528] Nghị định (6/6/1898) của toàn quyền Đông Dương.

Được tổ chức vào ngày hôm sau, khi đã thi xong văn sách kinh nghĩa, khoa thi mới dành cho các thí sinh đã đỗ cử nhân và tú tài. Ai đỗ khoa thi này sẽ được ưu tiên bổ dụng vào ngạch cai trị bắt đầu từ 1900 theo một quyết định đăng trong Đại Nam đồng văn nhật báo. Ví dụ, năm đó Nguyễn Đình Trung đỗ cử nhân rồi đỗ thứ chín trong bài thi quốc ngữ, đã làm một tờ đơn xin việc được án sát tỉnh Sơn Tây ủng hộ căn cứ vào quyết định mới ban hành ngày 14/10/1900[529].

Khoa thi phụ gồm 7 bài thi[530]:

Bài thi

Hệ số

Tập viết tiếng Pháp

3

Ám tả tiếng Pháp

5

Dịch tiếng Pháp sang tiếng Việt

5

Hội thoại bằng tiếng Pháp

5

Đọc và dịch miệng bài tiếng Pháp

5

Ám tả tiếng Việt (quốc ngữ)

3

Dịch một bài chữ Hán sang quốc ngữ

4

Các bài thi cho điểm 20. Thí sinh nào đạt ít nhất 360 điểm trong tổng số 600 (tức 3/5 tổng số điểm) được ưu tiên bổ dụng làm quan. Thí sinh cử nhân được thêm 50 điểm so với thí sinh tú tài[531]. Kể từ năm 1903 trở đi chỉ có những người đỗ khoa thi chính và khoa thi phụ mới có thể được bổ đi làm quan.

[529] Quyết định (14/10/1900) đăng trong Đại Nam đồng văn nhật báo,ANV-RST 34834. Hồ sơ hành trạng của Nguyễn Đình Trung.

[530] Nghị định (7/6/1898) của Toàn quyền Đông Dương ấn định chương trình khoa thi phụ.

[531] Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam (1893), tr.273-274.

Hai bản sao bài làm sau đây nói rõ bản chất của khoa thi mới đó: bản dịch từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ của Nguyễn Ái Liên và bản ám tả quốc ngữ của Phạm Đình Bảng.

Tờ bẩm của tú tài Nguyễn Ái Liên (điểm 15/20)

Tờ bẩm của ông huyện Đan Phụng đưa lên quan Công sứ. Tôi có bắt được tên Tạ Văn Lục ở làng Đặc sở nó lấu riệu luôn. Ngày hôm mười bẩy tháng này tôi có sai hai tên lính lệ, tên Hưng và tên Tiệp đi với tránh phó Lý trưởng với Kỳ mục làng ấy để về bắt nó. Ngày hôm nay, những tên lính lệ và tên phó lý về trình với tôi rằng khi vào bắt nó thì chúng nó có thấy những cơm riệu và men riệu và riệu ở hũ nhà nó nhưng mà những thầy tớ tên Lục nó ra đông lắm làm cho mất tang những cơm riệu ấy đi. Bấy giờ đã bắt tên Lục giải về huyện. Tôi đã tra hỏi nó nhưng mà nó không chiệu nhận lỗi của nó, mà nó lại cáo rằng những tên lính lệ và kỳ mục thù nó mà đem bỏ những bã riệu vào nhà nó. Nhời cung ấy thì dối. Bẩm quan lớn tôi xin giải tên phạm ấy lên để quan lớn sét và xin quan lớn hội đồng với quan chủ nhà đoan để đem nó ra ngoài tòa án.

Nguồn: ANV-RST 4242. Concours triennal de 1906 à Hanoi et à Nam Định. Examen facultatif supplémentaire de français et de quốc ngữ.

Chính tả quốc ngữ của tú tài Phạm Đình Bảng (điểm 8/20)

Luật thêm bớt tội lệ

Năm Minh Mệnh thứ mười chín, vua có nhời rụ rằng: nay viện Khoa đạo tâu xin gia sắc truyền cho các nha coi việc hình phải cứ luật mà xủ đoán, không được thêm bớt một trút nào, để răn sự công bình. Tâu như thế cũng là cẩn thận về việc hình nhưng mà sét các lẽ thì cũng chưa phải, vì điều lệ thì có hạn, mà tình và nhẽ không cùng phải nên trâm chước cân nhắc cho được đáng tội. Như đứa phạm phải tội này, nay chiểu mật luật này, nhưng tình và tội nó nặng hơn nên định nghĩ thêm tội lên để răn về sau. Luật lệ vẫn còn chữ thêm bật sự tội. Làm tội đứa này để cho đứa khác sợ, thì không phải làm tội đứa khác nữa là lẽ nên làm như thế.

Phạm Đình Bảng

Nguồn: ANV-RST 4242.

Các khoa thi mới đó trực tiếp liên quan đến công việc của một ông quan thực tập. Là một văn bản hành chính chính thức được trích trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, chủ đề này liên quan đến việc xét xử của quan trong tầm vóc cụ thể nhất. Báo cáo của tri huyện phân biệt rõ ba giai đoạn tố tụng: bắt một người làm rượu lậu, tranh tụng với bị cáo, chuyển sang các quan tỉnh xét.

Các cuộc cải cách năm 1906 và 1912 tiếp nối cuộc cải cách đề ra từ năm 1898. Từ nay trở đi, các môn thi bằng quốc ngữ và tiếng Pháp được coi như những môn riêng biệt. Từ năm 1906, môn kinh nghĩa trong kỳ thứ nhất được thay thế bằng năm bài giải thích khác nhau; kỳ thứ hai là hai bài luận bằng chữ Hán; kỳ thứ ba là một bài luận bằng quốc ngữ và một bài dịch Pháp văn sang quốc ngữ; kỳ cuối cùng là bài làm về văn học đại cương. Sáu năm sau chỉ còn giữ lại một kỳ thi bằng chữ Hán. Hội đồng chấm thi từ quan chánh chủ khảo và quan giám sát ngự sử do triều đình chỉ định được chọn trong số quan chức Bắc Kỳ quen thuộc với phương pháp mới hơn để làm trẻ hóa “tinh thần và quan điểm của các quan khảo thí”. Bài diễn văn khai mạc khoa thi năm 1912 của toàn quyền Albert Sarraut đã dành cho việc kết thúc quá trình đổi mới thi cử triển khai từ năm 1897 do Hoàng Cao Khải đề xuất[532] và người ta đã thấy những dấu hiệu đầu tiên từ cuối triều Tự Đức do Nguyễn Trường Tộ khởi xướng. Toàn quyền đã khẳng định sự cần thiết phải cải tổ thi hương bằng việc đưa vào học tập những kiến thức thực dụng hơn và đáp ứng được nhu cầu xã hội của cuộc sống tân thời. Nhằm tạo điều kiện cho sự tham gia của nhân lực trẻ trong chính quyền, tuổi tối đa của thí sinh bấy giờ được định là bốn mươi tuổi và giảm số trúng tuyển xuống gần một nửa để thích ứng với nhu cầu cai trị.

[532] Ở đây chúng tôi ám chỉ việc kinh lược mở một lớp dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Xem chương 5.

Hình 33 - Tiến triển của số thí sinh trường thi Nam Định (1891-1912)

Tình hình chính trị ở những nước “văn minh”, các nguyên nhân chậm tiến của Việt Nam, các tôn giáo trên thế giới, đức Giáo hoàng, khoa học phương Tây, “học sinh phải là hạt nhân trong hiện đại hóa đất nước”: nghiên cứu các bài thi và những bài luận mẫu từ năm 1906 cho thấy sự đa dạng của các chủ đề đưa ra. Mục đích cuối cùng của bài thi luận là khuyến khích suy luận thực sự về chính trị trong thí sinh: hai bài luận mẫu dưới đây dịch từ chữ Hán đã cho thấy rõ. Sự tương đồng giữa cách lý giải chủ đề thứ nhất với những tư tưởng của Phan Châu Trinh thật là đáng chú ý[533].

[533] Hai bài thi này được trích từ Tân thức sách văn (Vhv.886): 53 bài văn sách soạn theo theo quy định mới, dùng làm mẫu cho người tập làm văn.

Cũng xin xem:

- Tân thức luận thể hợp tuyển (Vhv.912/1, Vhv.353): 53 bài luận làm theo quy định mới, dùng làm mẫu cho người tập làm văn, do Phan Như Khuê, đốc học Ninh Bình, biên tập. Đề tài lấy trong Bắc sử và Nam sử. Liễu Văn Đường in năm 1910.

- Tân thức văn sao (A.2371): thơ, phú, luận, văn sách của trường Nguyễn Thượng Hiền, Dương Lâm và trường thi Hà Nam, dùng làm mẫu cho lối văn mới: “Lá cờ Trần Quốc Toản” (phú), “Học trò là nòng cốt để duy tân đất nước” (luận), "Bàn về văn minh”, “Bàn về khoa cử” (văn sách).

Đề 1: Chính thể của muôn nước chỉ có ba sự khác biệt lớn. Một là quân chủ, hai là dân chủ, ba là quân dân (vua và dân) cùng làm chủ. Bàn về ba sự khác biệt này, nên cho sự việc nào là đúng?

Bài thi (dịch từ bản tiếng Hán)

Sống ở trên trái đất có hàng ngàn vạn nước. Tổ chức khác nhau thì pháp quyền cũng khác, không thể theo một lệ nào cả.

Một là quân chủ, vua nắm quyền cả nước, dân không được dự bàn, đó gọi là chính thể chuyên chế, giống như nước Nga.

Hai là dân chủ, không đặt ra quyền thống trị của vua, dân trong nước hợp sức cùng lo việc nước, đó gọi là chính thể cộng hòa, giống như các nước Pháp, Mỹ.

Ba là vua và dân cùng làm chủ, vua tuy tồn tại nhưng mọi việc được quyết đoán bằng công luận, không được làm trái với tiết chế của pháp luật, đó gọi là chính thể lập hiến, giống như các nước Anh, Nhật, Hà Lan.

Montesquieu đã chia các nước thành ba loại, đúng là điều quan trọng cho chính giới trên trái đất. Nhưng xét trong đó thì chính thể quân chủ đã lấy độc tài làm tôn chỉ, ngoài áp chế không có chính sách nào khác, sau phục tùng không có kỹ năng gì hơn, việc đất nước hưng thịnh hay suy thoái, yên ổn hay loạn lạc đều dồn cho một người, tuyệt nhiên không có tư tưởng yêu nước, tức gọi phái cường quyền. Chính thể dân chủ thì lấy bình đẳng làm chủ nghĩa, vua không lấn quyền tôi, cha không lấn quyền con, lợi hại xen kẽ nhau. Không sao thống nhất cai quản được nên dần trở thành phong thái không có gì là của công, tức gọi phái bình quyền. Dân chủ và quân chủ đều không tránh khỏi tệ hại nặng về một bên, sao bằng cai trị đất nước bằng cách bàn luận chung và tập trung suy nghĩ của mọi người. Vua lấy việc thương dân làm điều suy nghĩ và cùng giữ gìn lợi quyền, dân lấy yêu nước làm tâm niệm và ai nấy cùng dốc sức làm nghĩa vụ của mình. Tình của người trên thấu xuống kẻ dưới, tình của kẻ dưới thống tới người trên, không chỉ bảo vệ lẫn nhau. Tức trên dù có Kiệt, Trụ, U, Lệ cũng không thể làm điều bạo ngược, dưới có Mãng, Ôn, Tháo, Ý, cũng không thể thể thực hiện mưu gian. Dân chúng không có vua lấy ai che chở, vua không có dân chúng lấy ai giữ nước (…)

Nguồn: Tân thức sách văn (Vhv.886)

Đề 2: Mạnh tử nói: “Người có đức nhân là vô địch”, lại nói: “kẻ hiếu chiến phải trừng trị bằng hình phạt nặng”. Binh đao là việc thánh nhân không muốn. Gần đây các nước châu Âu xưng hùng khắp năm châu có đúng là toàn dựa vào sức mạnh của binh lực không?

Bài thi (dịch từ bản tiếng Hán)

Binh là hung khí, chiến là việc nguy cấp. Tuy đạo dựng nước, việc võ bị vốn không thể bì, nhưng thích đánh nhau, ham giết chóc đâu phải là bản tâm của người có đức nhân. Làm người chăn dân bỏ bớt hình phạt, giảm nhẹ thuế khóa, thực hành chính sách nhân đức với dân thì binh không nhất thiết phải sắc bén, giáo không nhất thiết phải bền chắc, dẫn dắt dân trung tín hiếu để mà chống lại thì có thể ngăn được Tần Sở: thiên hạ ai còn có thể đương đầu. Nếu chỉ ỷ vào sức mạnh chiến đấu, tranh đất, cướp thành thì còn nặng hơn tội lấn lát các nước chư hầu thôn tính lẫn nhau. Mạnh tử nói: “Người có đức nhân thì không ai địch nổi”, lại nói: “kẻ hiếu chiến phải trừng trị bằng hình phạt nặng.” Đúng là việc binh đao là điều thánh nhân không muốn. Thời đại có xưa và nay nhưng lý đúng không chia đông và tây, đâu phải không xuất phát từ đạo này. Hiện nay, các nước châu Âu như Anh, Nga, Đức, Pháp xưng hùng ở năm châu, vốn là nước mạnh bậc nhất trên thế giới. Những nghiên cứu sự thực, đâu phải đều ở việc binh! Chỉ có bắt nguồn từ tư tưởng yêu nước yêu dân phát triển thành phương châm lớn là tự do bình đẳng, thi hành chính sách rộng rãi, lập pháp công bằng, làm cho người người đều có quyền tự chủ, phẩm hạnh chính trực thì phong tục đẹp, vận dụng được điều đó thì việc lợi dụng súng ống khí giới mới có thể chiếm được ưu thế trên toàn cầu. Napoleon khi bàn về chiến tranh đã nói rằng: “Sức mạnh của đức hạnh lớn gấp mười lần sức mạnh của cơ thể.” (…). Nước mạnh hay yếu có liên quan đến phẩm hạnh của dân. Như vậy thì các nước châu Âu mạnh không phải chỉ ở binh lực.

Nguồn: Tân thức sách văn (Vhv.886)

Trần Huy Liệu cũng đưa ra những bằng chứng về cải tiến chương trình thi khi ông còn học ở trường huyện Ý Yên. Ông miêu tả một cách nhiệt tình tính đa dạng về tính chất đổi mới của các đề nghị luận bằng chữ Hán. Làm sao cho dân giàu nước mạnh phát triển thực nghiệp[534].

[534] Trần Huy Liệu, Hồi ký…, sđd, tr.28.

Từ trường hậu bổ đến trường sĩ hoạn

- Chương trình, ý nghĩa và tiến trình nghiệp vụ của trường

Trường hậu bổ sau này là trường pháp lý hành chính hay trường sĩ hoạn được coi như những công cụ để mạnh dạn chuyển đổi từ chế độ quan lại sang chế độ công chức kiểu phương Tây, cũng có lúc lại là công cụ để thay đổi bản chất giới quan lại từ nay phải đào tạo thành những nhà thực hành, những kỹ thuật viên cao cấp. Những trường đó tượng trưng cho sự đứt đoạn quan trọng với quá khứ. Có lẽ những trường đó đã đẩy nhanh quá trình biến đổi một tầng lớp quan lại chỉ biết chung chung thành những viên chức có trình độ chuyên môn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3