Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 6 - Phần 2

Trong đoàn đầu tiên thành viên là những ai? Bằng thông tư ngày 5/12/1905, các thống sứ Hà Nội, khâm sứ Huế và Phnôm Pênh có nhiệm vụ đưa ra những đề nghị thành lập đoàn. Danh sách cuối cùng được chốt lại ngày 30/1/1906 gồm 2/3 là quan chức người Việt (mười đại biểu Bắc Kỳ, mười cho Trung Kỳ và năm cho Cao Miên). Chín đại biểu Bắc Kỳ là những quan đương chức ở địa phương như Nguyễn Năng Quốc, Trần Tán Bình, Trần Văn Tiệp, Đào Trọng Vận (con cựu tổng đốc Đào Trọng Kỳ), Nguyễn Doãn Thạc, thủ khoa thi tốt nghiệp trường hậu bổ tháng 9/1900 (cháu nội Nguyễn Tư Giản, một ông quan có tư tưởng canh tân), Lê Văn Đính, Phạm Gia Thụy, Nguyễn Kiểm, Vũ Văn San và Đào Thiện Tân[507]. Đa số bọn họ đều là cựu học sinh trường hậu bổ.

[507] ANV-RHD 135, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Năng Quốc. ANV-RST 31542, hồ sơ hành trạng của Trần Văn Tiệp. ANV-RST 35212, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Doãn Thạc. ANV-RHD 86, hồ sơ hành trạng của Lê Văn Đính. ANV-RST 39318, hồ sơ hành trạng của Phạm Gia Thụy. ANV-RST 19706, 35116, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Kiểm.

Chương trình khảo sát khiến chúng ta nghĩ rằng nhà cầm quyền Pháp muốn tạo cho các quan một cách nhìn rộng rãi hơn về xã hội Pháp tức là công nghệ, kinh tế - công nghiệp, thủ công, thương nghiệp, ngân hàng và kỹ thuật quản lý, các thiết chế chính trị, nghệ thuật thông qua các cuộc viếng thăm các công trình kỷ niệm lịch sử, giáo dục chuyên nghiệp và bảo tồn di sản văn hóa và tri thức trong các thư viện và các bảo tàng. Chúng tôi chỉ được đọc báo cáo của phái đoàn thứ nhất từ 3/3 đến 14/11/1906.

Cuộc đi thăm ngân hàng Crédit Lyonais Paris ngày 23/7/1906 của các quan Trung Kỳ đã gây nên sự chú ý đối với các vấn đề tài chính và thương nghiệp:

Để có một ý niệm về tầm quan trọng của nền tài chính Pháp, phải đi thăm các ngân hàng. Crédit Lyonnais là một trong những ngân hàng tư nhân của nước Pháp, có chi nhánh khắp các nước trên thế giới. Tại Paris ngân hàng Crédit Lyonais có ba ngàn nhân viên và mỗi ngày giải quyết sáu ngàn lệnh thu, chi. Ở dưới tầng hầm có chứa các két sắt đồ sộ đựng nhiều tỷ đồng. Tổ chức ngân hàng có thể nói là một công việc tuyệt vời. Ông thống đốc ngân hàng có cho chúng tôi biết thêm nếu chỉ sơ sểnh một tí là chìm nghỉm trong hỗn loạn. Ngân hàng là một trợ thủ hữu hiệu của thương nghiệp mà thương nghiệp có ăn nên làm ra cũng nhờ sự vận hành thường xuyên và tiến bộ của dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên nhiệt tình khảo sát của đoàn không che lấp được nỗi chua xót về sự lạc hậu về kinh tế của nước nhà:

Người Đông Dương không chịu đi buôn to, không làm công nghiệp lớn vì họ thiếu tin cậy lẫn nhau để lập ra những công ty có thể làm được việc kinh doanh lớn, cho nên ở trong nước không có ngân hàng của người bản địa. Do đó tiền bạc của Đông Dương bao giờ cũng được giấu kín không ăn nên làm ra và mỗi ngày lại giảm đi vì người ta không biết sử dụng có ích đồng tiền trong công nghiệp và làm ăn buôn bán lớn.

Các quan phía Bắc trong thời gian lưu lại ở Nancy cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các thiết chế tài chính tương tế và hợp tác xã: nhà cầm đồ, quỹ tiết kiệm, hội từ thiện Nancy, hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng chính là công nghiệp đã chiếm vai trò ưu thế trong chương trình khảo sát. Có nhiều loại và số lượng các nhà máy ở thành phố Nancy và ngoại ô đã được đoàn đến thăm. Những ngành công nghiệp nặng được giới thiệu với đoàn là các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nặng - lò cao, lò luyện kim Adt de Pont-à-Mousson, xưởng rèn Champigneulles, nhà máy hơi đốt và xi măng Nancy - công nghiệp chế biến - nhà máy giấy Adt de Pont-à-Mousson, nhà in Berger-Levrault, hãng Humblot Helminger chuyên in bưu ảnh, xưởng làm đồ sành Lunéville, công ty chụp ảnh vùng Lorraine, làm dây curoa Luc, xưởng đóng giày Pernot, nhà máy kéo sợi và dệt Emmanuel Lang và con trai, nhà máy nước đá miền Đông - nông sản thực phẩm - ruộng muối Saint Nicolas, nhà máy liên hợp bia Maxéville, nhà máy xay cỡ lớn Vilgrain Simon, nhà máy sản xuất sôcôla và đồ hộp thực phẩm ở Nancy. Qua những cuộc đi thăm đó các quan đã rút ra những kết luận gì? Có sự phân biệt rõ rệt giữa quan Bắc Kỳ và quan ở Trung Kỳ. Nếu các quan Bắc Kỳ biểu lộ phấn khởi, thì quan Trung Kỳ do trình độ tiếng Pháp kém hơn, nên không rút ra được những điều bổ ích qua chuyến tham quan. Họ ước ao được học lý thuyết trước khi hiểu rõ những ứng dụng, những thành tựu khoa học trong lĩnh vực kỹ nghệ.

Chuyến công cán cũng là dịp để các quan làm quen với nghiên cứu khoa học và kỹ thuật như nhóm Bắc Kỳ tỏ ra rất say mê với công trình của kỹ sư Filippi ứng dụng trong vận tải hàng không. Còn các quan Trung Kỳ thì ca ngợi công cuộc cơ khí hóa giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực.

Văn hóa và chính trị, đó là những mặt không thể thiếu trong chủ trương của người đứng ra tổ chức các chuyến du khảo đó, như việc thăm bảo tàng tiền tệ, bảo tàng Sèvres và bảo tàng thương phế binh, điện Panthéon và viện dân biểu (hạ viện). Các quan Bắc Kỳ đặc biệt quan tâm đến việc điều hành của viện dân biểu.

Thành tích của phái đoàn thường trực cần được đánh giá như thế nào? Nhà sử học có thể đánh giá thấp ảnh hưởng của các chuyến du khảo đó. Đúng là sáng kiến này tỏ ra quá rụt rè so với đòi hỏi cải cách của Đông Kinh nghĩa thục. Ngoài ra thời gian công cán ngắn (ba năm), thành phần đoàn ít ỏi khiến người ta nghi ngờ tác dụng của nó. Từ 1909, toàn quyền Đông Dương Klobukowski ban hành nghị định giải thể phái đoàn sau khi xảy ra một sự kiện do một thành viên trong đoàn liên can đến việc xúi giục hay dựng nên việc tuyên truyền chống Pháp. Biến cố này nằm trong bối cảnh chính trị mới: phong trào chống đối nhà cầm quyền thuộc địa lên cao, âm mưu đầu độc lính Pháp trong trại lính thành Hà Nội ngày 27/6/1908, phong trào chống thuế và chính sách thuộc địa trở nên cứng rắn hơn: vận động chính phủ Nhật buộc Phan Bội Châu rời khỏi nước Nhật, bắt Phan Châu Trinh, đóng cửa Đại học Đông Dương.

Tuy nhiên, trở về Việt Nam, nhiều thành viên trong phái đoàn tiếp tục những hoạt động, bày tỏ sự lo lắng đối với tương lai đất nước, tổ chức các cuộc diễn thuyết đề xuất các giải pháp duy tân. Ngoài ra báo chí và tạp chí phổ biến rộng rãi các báo cáo khảo sát của các thành viên phái đoàn. Bằng chứng phong phú nhất là của quan Trần Tán Bình, thành viên chuyến du khảo thứ nhất. Báo Tribune indochinoise (Diễn đàn Đông Dương) nhân kể lại một cuộc nói chuyện có kết quả để đăng báo cáo của Trần Tán Bình, sau đó lại đăng lại trong BEFEO năm 1907[508]. Ý kiến đưa ra chung quanh các đề tài tương tự như những quan điểm của Đông Kinh nghĩa thục. Ảnh hưởng của lý thuyết Darwin về tiến hóa xã hội, tác giả (Trần Tán Bình) phàn nàn sự lạc hậu về kinh tế của đất nước và quy cho nguyên nhân là do hệ thống giáo dục lạc hậu. Ông nhắc lại phải phân biệt giữa tri thức hữu dụng và tri thức vô dụng rồi tôn vinh giá trị của chữ quốc ngữ như là công cụ phổ biến kiến thức hiện đại và nâng cao trình độ học vấn của quần chúng, nhấn mạnh công chúng Việt Nam có thể học rất nhanh chữ quốc ngữ. Ngoài ra ông kêu gọi lập các hội tương tế, các tổ chức đồng lợi, hợp tác xã nông nghiệp, không nói rõ Đông Kinh nghĩa thục mà chính ông là một thành viên, Trần Tán Bình nhận xét rằng những nhà khởi xướng phong trào duy tân ở Trung Hoa và Nhật Bản đã vay mượn những kiến thức của họ từ phương Tây. Vậy ông kêu gọi các nhà duy tân Việt Nam nên coi nước Pháp là đối tác trong cải cách, đúng là việc này không phải tự nhiên mà có[509]. Nguyễn Năng Quốc sau khi từ Pháp về cũng với một lòng nhiệt thành tương tự đã tổ chức một buổi diễn thuyết có sáu trăm người dự ở Thường Tín ngày 23/3/1907. Để kết thúc bài diễn văn ông kêu gọi dân chúng Hà Đông lập các hợp tác xã và các hội tương tế. Sau đó tỉnh Hà Đông là nơi thử nghiệm nhiều hình thức kinh tế theo kiểu mới ở Bắc Kỳ: tổng đốc Hoàng Trọng Phu là người tích cực khuyến khích trong việc xây dựng tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh[510].

[508] Xem BEFEO, 7 (1907), tr.154-165.

[509] Như David Marr đã nhấn mạnh “Điều cực kỳ có ý nghĩa là đứng trước sự lựa chọn giữa việc tiếp thu những tư tưởng phương Tây từ những ông chủ Pháp của họ và gián tiếp nhận con đường của Trung Hoa, tầng lớp sĩ phu tiên tiến đó, không trừ một ai, đã chọn con đường Trưng Hoa”, Marr, D.G.Vietnamese Anticolonialism…, sđd, tr.100.

[510] Nha môn Tổng đốc Hà Đông, Les industries familiales dans la province de Hà Dông, (1932).

Cuộc hiện đại hóa vẫn tồn tại sau việc giải thể phái đoàn thường trực ở Pháp vì đó không phải là con đường duy nhất. Trong nội bộ quan trường sự quan tâm đến canh tân đã vượt qua khuôn khổ chật hẹp của những người trong phái đoàn. Dương Lâm, Lê Đình Lục, Nghiêm Xuân Quảng đã không tham gia hoạt động Đông Kinh nghĩa thục đó sao? Nhiều người trong hàng ngũ quan lại có tư tưởng tiến bộ như Lê Đình Lục trong những năm 1910-1925 nung nấu lý tưởng canh tân đã khích lệ dân làng xóa bỏ hủ tục, tài trợ hay khuyến khích việc xây dựng các trường sơ đẳng trong các làng. Nhiều người khác dạy học trò đi thi theo phương pháp mới như Dương Lâm khi cáo quan về hưu đã mở trường dạy học theo kiểu mới ở Vân Đình (huyện Sơn Lãng) năm 1909.

Tuy chương trình bị bỏ dở nhưng không có nghĩa là nhà cầm quyền thuộc địa từ bỏ chủ trương đổi mới việc đào tạo quan trường. Các môn học trong trường hậu bổ đã thể hiện tính vĩnh cửu của chính sách này[511]. Trong cùng một tinh thần canh tân từ 1906 các giáo sư trong trường tổ chức cho học sinh năm thứ ba những chuyến viếng thăm các cơ sở công nghiệp công và tư trong thành phố Hà Nội.

[511] Xem đoạn dưới.

Cải cách học chính

Nhà cầm quyền thuộc địa đặc biệt là dưới thời toàn quyền Paul Beau không thờ ơ trước những đòi hỏi cải cách việc dạy và học. Nhưng ở đây nữa, những sáng kiến của toàn quyền không tách rời vai trò của các quan cao cấp ở Bắc Kỳ[512]. Không phải đơn giản chỉ là những người thi hành một cuộc cải cách đã được Paul Beau đề xướng, các quan đã tích cực xây dựng và thực hiện chương trình cải cách. Việc đột ngột đem chữ quốc ngữ thay thế vị trí của chữ nho trong chương trình giáo dục như không thích hợp với các nhà chủ trương duy tân. Họ mong muốn có sự thỏa hiệp có nghĩa là đưa các trường dạy chữ nho xích lại gần các trường Pháp-Việt bằng cách hiện đại hoá việc học chữ nho và đa dạng hóa chương trình của các trường Pháp-Việt.

[512] Beau P., Situation de l’Indochine de 1902 à 1907, (1908), t.1, tr.179.

Những thiết chế nào đã được xây dựng để phục vụ cho chính sách này? Tháng 11/1905, thành lập nha học chính Đông Dương trực thuộc phủ toàn quyền để phối hợp các cuộc cải cách giữa các nước Đông Dương[513]. Nha này có hội đồng cải tiến việc học cho người bản xứ, một cơ quan giữ vai trò chủ yếu trong việc đổi mới giáo dục cũng như trong cải cách hành chính. Hội đồng này phải cải tổ lại các kỳ thi hương ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đưa tiếng Pháp và khoa học vào nội dung đề thi. Hội đồng cũng phải chú ý đến việc biên soạn sách giáo khoa, sách đọc thêm và các từ điển[514]. Ngoài ra hội đồng còn đề xuất chủ trương liên quan đến cải cách quan trường được ban hành năm 1907 nhưng sau đó bị bác bỏ do có các biến cố của năm 1908, sau này ủy ban cải cách hành chính bản xứ lại đưa ra bàn đi đến quy chế mới năm 1912. Cuối cùng hội đồng cải cách việc học cho người bản xứ cũng có vai trò gián tiếp trong việc cơ cấu lại trường hậu bổ, vì các thành viên trong hội đồng đều có trình độ cao. Ngoài các giám đốc các cơ sở khoa học của Đông Dương và đại biểu Triều đình Huế và Phnom Pênh, hội đồng còn có các thành viên người Pháp và người Đông Dương do toàn quyền Đông Dương chọn lựa trên cơ sở đề nghị của người Pháp lãnh đạo ở địa phương, tổng giám đốc nha học chính Đông Dương và viện trưởng viện viễn đông bác cổ Pháp trong số những nhân vật thành thạo nhất biết rõ nhất về giáo dục ngôn ngữ và phong tục[515].

[513] Sắc lệnh ngày 14/11/1905.

[514] Nghị định ngày 8/3/1906 quy định nhiệm vụ của Hội đồng cải tiến giáo dục bản xứ.

[515] Vô danh, “Chronique: Direction générale de l’enseignement. Conseil de Perfectionnement de l’enseignement indigène”, BEFEO, 8 (1908), tr.452-464.

Ở Bắc Kỳ, hội đồng còn có ủy ban địa phương về cải tiến việc học của người bản xứ trợ giúp. Trong ủy ban có nhiều quan chức tham gia chứng tỏ vai trò của họ trong cuộc cải cách như Đỗ Văn Tâm, tổng đốc, Thân Trọng Huề, án sát tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Văn Bảo, đốc học Hà Nam, Bùi Khắc Diên, đốc học Hưng Yên, Trần Văn Thông dạy ở trường hậu bổ[516]. Sử học lỗi thời thường cho quan trường là đối thủ kiên quyết của các sĩ phu cấp tiến hoặc đơn giản là sự bảo lãnh phía Việt Nam cho những cải cách do nhà cầm quyền thuộc địa tiến hành. Bằng chứng về sự đối lập hạn hẹp giữa sĩ phu cấp tiến và quan chức lạc hậu dựa trên lá thư công khai của Phan Châu Trinh gửi toàn quyền Beau:

Kẻ sĩ trong nước, hoặc đề xướng Âu học, hoặc xin bãi bỏ khoa cử, hoặc tổ chức hội buôn, chẳng qua là muốn một trăm phần cứu lấy một vài. Nhưng quan lại thì lại ghét cho là đối địch với mình, cho nên nếu không coi là cuồng võng, thì cũng vu là âm mưu. Những lời vu cáo ly gián hàng ngày đến tai quan lớn bảo hộ, chắc không phải một lần mà là nhiều lần[517].

[516] Trịnh Văn Thảo, L’école française en Indochine, (1998), tr.166.

[517] Phan Chu Trinh, “Lettre ouverte au Gouverneur Général Beau” (Thư gửi Toàn quyền Bô), BEFEO, 7 (1907), tr.171, NCLS, 66 (1964), tr.11.

Thực ra một bộ phận quan trọng trong giới quan chức đã tham gia phong trào cải cách mà không thể tiếp tục coi đó là trả lời đơn giản của nhà cầm quyền thuộc địa đối với các yêu sách của sĩ phu cấp tiến đang dâng cao. Dĩ nhiên một chính sách như thế không thể tách rời khỏi bối cảnh Việt Nam và châu Á lúc đó[518]. Nhưng không thể thu hẹp cuộc cải cách vào một sự đối mặt đơn thuần giữa sĩ phu cấp tiến và chính quyền thuộc địa. Đây là một luận thuyết đã cố ý bỏ qua nguyện vọng và vai trò của các quan cao cấp mà công cuộc canh tân là mối quan tâm hàng đầu của họ. Chúng ta hãy dừng lại ở trường hợp Thân Trọng Huề, cầu nối giữa Triều đình và nhà cầm quyền thuộc địa, một khuôn mặt nổi bật của nhóm đại thần này. Ông quê ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên) xuất thân trong một dòng họ có nhiều quan danh tiếng. Cha ông nguyên là tổng đốc Bình Định, bố vợ là thị lang Thương bạc (trông coi về quan hệ đối ngoại). Ông học ở một trường cấp ba nổi tiếng ở Paris (École alsacienne), rồi học sinh nội trú tại trường thuộc địa (1889-1895). Khi trở về nước ông làm thông ngôn cho Triều đình Huế, và hàn lâm viện thị thư bên cạnh nhà vua. Sau đó được tổng trú sứ Rheinart tiến cử, ông làm tham tá ở viện cơ mật. Khi còn học ở Paris ông đã được chú ý về sự thông minh và điềm tĩnh, tổng trú sứ Rheinart muốn ông trở thành nhà sư phạm cho những cải cách “được đưa vào một cách có phương pháp, dần dần từng bước có suy nghĩ chín chắn (…)”[519] Sau khi đảm nhận nhiều chức vụ cao trong quan trường ở Triều đình và các tỉnh và ở phủ toàn quyền, ông về dạy tại trường hậu bổ tại Hà Nội từ tháng 9/1906 đến tháng 4/1907, sau đó được bổ án sát Bắc Ninh[520]. Song song với việc làm quan, Thân Trọng Huề suy nghĩ với những người khác trong giới quan lại về những điều kiện canh tân xứ sở theo hình mẫu Trung Quốc và Nhật Bản. Tháng 8/1906 ở Đà Nẵng ông gặp một người tên là Điềm, lãnh binh tỉnh Quảng Nam đến yêu cầu ông mua hộ cuốn Nga Nhựt chiến kể, một cuốn sách Trung Quốc được rao bán ở hiệu Quảng Hưng Long phố Hàng Bồ Hà Nội. Vì cuốn này đã bán sạch, Thân Trọng Huề gửi cho Điềm bốn quyển sách Trung Quốc khác: một cuốn về lịch sử châu Âu đương đại, một cuốn sách địa lý, một cuốn về lịch sử nước Nhật duy tân và cuốn Ấm băng thất văn tập (Trích tuyển của Lương Khải Siêu). Ông giải thích tại sao ông đã mua và gửi cho Điềm những cuốn sách đó: “(…) tôi tin là những cuốn sách đã mua và gửi cho ông ta là bổ ích đối với những ai không biết tiếng Pháp nhưng lại muốn biết những sự vật hiện đại.” Viên khâm sứ Trung Kỳ buộc tội ông là công cụ cho phong trào thân Nhật. Ông đã bào chữa cho việc mua cuốn Ấm băng thất văn tập như sau:

Đây là hợp tuyển các bài văn xuôi của nhà duy tân Trung Quốc Lương Khải Siêu. Tôi tin rằng chữ “nhà duy tân” do tôi thêm vào đã chỉ rõ hơn tinh thần của tác giả cuốn sách này có thể làm một số người lo ngại. Vâng! Lương Khải Siêu đúng là một nhà cải cách lớn của Trung Quốc […]. Ý tưởng chỉ đạo của ông là nước Trung Quốc phải hiện đại hóa. Tác giả còn chỉ ra những nguyên nhân về sự suy yếu của đất nước. Ông đã thẳng thắn chỉ trích những thói nhũng lạm của giới quan lại […]. Ông ca ngợi văn minh phương Tây […]. Ông tha thiết yêu mến các nhà văn Pháp như Montesquyeu, Jean-Jacques Rousseau, Voltaire và cả bà Roland. Trong các bài viết của mình tác giả còn trích dẫn những nguyên tắc của Vạn pháp tinh lý[521].

[518] Henri Gourdon, tổng giám đốc đầu tiên của nha học chính Đông Dương, người cộng tác gần gũi của toàn quyền Beau cho rằng “cần phải thâu tóm trào lưu tư tưởng hướng về văn minh phương Tây để điều khiển và khiến nó phải phục vụ ý đồ của chúng ta, tránh không để nó hoạt động bên ngoài chúng ta và có thể chống lại chúng ta”. Trích một thư mật (14-19/8/1908) của Gourdon gửi toàn quyền Đông Dương Klobukowski. Trịnh Văn Thảo trích dẫn trong L’école française…, sđd, tr.104.

[519] ANV-RST 54178, hồ sơ hành trạng của Thân Trọng Huề.

[520] Ông đã từng làm án sát Khánh Hòa (tháng 9/1901 - tháng 2/1902) biệt phái lên phủ toàn quyền (tháng 1/1902 - tháng 1/1903), thị lang bộ Lại kiêm đại thần Cơ mật viện (tháng 2/1903 - tháng 12/1903), bố chính Quảng Nam(tháng 12/1903 - tháng 9/1906).

[521] Thư ngày 2/1/1907 của Thân Trọng Huề gửi thống sứ Bắc Kỳ trongANV-RST 54178. Trần Huy Liệu nhấn mạnh ảnh hưởng của Lương Khải Siêu đối với các sĩ phu Việt Nam đầu thế kỷ XX và các sĩ phu đã phát hiện Rousseau và Voltaire qua tân thư Trung Quốc. David Marr cho rằng những trước tác của Khang Hữu Vi bắt đầu xâm nhập Việt Nam sớm nhất cũng vào khoảng 1901-1902. Hai nhà duy tân Nguyễn Thượng Hiền và Nguyễn Quyền cũng đã từng biết đến tác phẩm của Khang Hữu Vi nhưng việc phổ biến rộng rãi chỉ bắt đầu vào những năm 1903-1904. Lúc đó, cuốn Nhật Bản duy tân tam thập niên sử là bản dịch Trung văn của công trình nghiên cứu Nhật Bản nhan đề Minh Trị tam thập niên sử đã được lưu hành rộng rãi. Có lẽ đây là cuốn sách Thân Trọng Huề đã mua năm 1906. Cuối cùng những bài báo của nhà duy tân Khang Hữu Vi đã được đăng năm 1902 trên Tân dân tùng báophê phán chính phủ chuyên chế, kêu gọi nhân dân Trung Quốc thức tỉnh và đi vào thế giới hiện đại, đã được sao lục thành nhiều bản và lưu hành rộng rãi. Xem Trần Huy Liệu, Hồi ký…, sđd, tr.25-26. Marr, D.G, Vietnamese Anticolonialism…, sđd, tr.98-211.

Vụ việc này không có ảnh hưởng đến đường công danh của Thân Trọng Huề, thống sứ Bắc Kỳ đã không đáp ứng yêu cầu của khâm sứ Trung Kỳ đòi trừng trị Thân Trọng Huề.

Những suy nghĩ của một viên quan khác là Đoàn Triển, tuần phủ Ninh Bình, cũng khiến chúng ta phải bỏ qua sự đối lập giữa sĩ phu cấp tiến và quan trường về công cuộc duy tân. Tờ trình năm 1906 của Đoàn Triển gửi cho thống sứ Bắc Kỳ đáng để chúng ta phân tích thêm. Đó không phải là một bản trình bày kỹ thuật khô khan mà tác giả đã luận về công cuộc duy tân bằng những lời lẽ mà Đông Kinh nghĩa thục không thể chối bỏ. Sau khi ghi nhận tác dụng tốt của việc du nhập chữ Hán từ thời Sĩ Nhiếp[522], một nhà khai hóa văn minh ở miền nam Trung Hoa và mọi người đều sùng bái học chữ nho, Đoàn Triển phàn nàn rằng người Việt Nam sau đó bắt chước một cách nô lệ hệ thống giáo dục của Trung Quốc, nguyên nhân của tình trạng lạc hậu hiện nay của đất nước. Ông vui mừng thấy đồng bào ông tỏ lòng hâm mộ phong trào canh tân của Trung Quốc. Đa số học trò đi mua Tân thư, xuất sắc nhất như Phạm Huy Hổ đã tự mình viết các công trình về đổi mới giáo dục, nhưng ông (Đoàn Triển) cho rằng một thiểu số bí mật ra nước ngoài, tức là sang Nhật là một nguy cơ chính trị. Tuy nhiên ông tin rằng nhiệt tình đối với các công trình hiện đại sẽ có lợi cho việc phát triển giáo dục và đổi mới tri thức. Đoàn Triển đề nghị lập một ủy ban giáo dục để nghiên cứu các sách Trung Quốc, phương Tây và Việt Nam và trích ra những điều bổ ích để soạn sách giáo khoa: 18 cuốn sách, trong đó một cho lớp vỡ lòng, mười ba cuốn cho bậc tiểu học và bốn cho bậc trung học. Ông nghĩ rằng mười ba cuốn cho bậc tiểu học có thể các học sinh thông minh nhất có thể tiếp thu trong hai hay ba năm, học sinh kém hơn sẽ mất năm hay sáu năm. Ông cho rằng giáo dục cổ điển chỉ là tích lũy một cách đơn giản tri thức suốt cuộc đời chưa xong mà không ai nghiên cứu sâu. Trái lại nền giáo dục mới có thể cho phép tiếp thu nhiều kiến thức trong thời gian ngắn. Con người bất kể giàu, nghèo, sang, hèn, thông minh hay ngu đần, có thể làm thay đổi căn bản tư duy, kiến thức, cung cách làm ăn nhờ phương pháp học tập mới.

Vì vậy Đoàn Triển tin rằng sau khi học xong bậc học, học sinh nhất thiết sẽ tìm được chỗ đứng, chỗ làm trong xã hội. Được “làn gió tiến bộ đưa đi”, nông dân, người buôn bán, thợ thủ công tự nhiên là phải học tập, nạn mù chữ sẽ tự nó phải biến mất. Không ai cảm thấy bắt buộc phải đi học. Sau đó ông đưa ra danh sách mười tám cuốn sách cần được biên soạn, chia ra mười ba bộ môn: một cuốn dạy chữ gồm hai phần - chữ nho (thông dụng nhất) và chữ nôm dựa vào truyện Kiều nôm của Tự Đức - một cuốn sách về câu đối lấy ở trong các bài văn Trung Quốc, một cuốn về vệ sinh soạn theo Đông y và Tây y bao gồm những kiến thức thực hành về thân thể và các phương tiện đấu tranh chống bệnh tật thông thường nhất, một sách về toán học theo mẫu của sách Pháp dùng trong các trường tiểu học, một sách về lễ hội phương Đông và phương Tây, sáu cuốn sách về lịch sử - hai cuốn sử Trung Hoa, hai cuốn sử Việt Nam và hai cuốn sử các nước phương Tây, một cuốn sách về tri thức thông dụng (khái niệm về thiên văn học, địa lý, loài người, động vật, ăn mặc, máy móc…), một cuốn sách về các văn bản hành chính, một sách về các thiết chế hành chính và chính phủ, hai cuốn sách tóm tắt các hiện tượng trên thế gian (âm học, quang học, điện, khí hậu học, nghiên cứu trọng lượng, đo lường…) những kỹ thuật đóng tàu, vũ khí, đạn dược, lý thuyết về trái đất (nhật thực, nguyệt thực, địa chấn học, họa đồ…), các anh hùng ở mỗi nước, Thiên chúa giáo, các chế độ chính trị (quân chủ, dân chủ), chủ nghĩa đại nghị, tự do và bình đẳng, các sự kiện lớn trong các nước văn minh phương Tây[523].

[522] Sĩ Nhiếp, thái thú Giao Chỉ từ 187 đến 226 đã du nhập kỹ thuật Trung Quốc vào Việt Nam, phát triển giáo dục truyền bá đạo Lão và đạo Khổng. Taylor, K. The Birth of Vietnam, (1983), tr.70-80.

[523] Vũ Băng Tú, “Tờ trình của tuần phủ họ Đoàn (Đoàn tuần phủ công độc), một tư liệu quý góp phần tìm hiểu lịch sử giáo dục đầu thề kỷ XX” trongThông báo Hán Nôm học năm 1998, (1999), tr.441-453.

Cuộc cải cách học chính có những công cụ gì và kết quả ra sao? Tại Hà Nội ban tu thư lo việc biên soạn sách giáo khoa dạy chữ nho và trường mẫu dạy chữ nho được thành lập để hiện đại hóa và đơn giản hóa việc dạy chữ nho. Hai cơ quan này do Đỗ Văn Tâm đứng đầu và trực thuộc phủ thống sứ Bắc Kỳ và mời được nhiều người tham gia[524]. Các sách giáo khoa được biên soạn cho các bậc học: ấu học, tiểu học, trung học, tác giả là thành viên trong ban tu thư và có cả những nhân sĩ bên ngoài. Đặc trưng của các ấn phẩm này là tiếp thu tri thức phương Tây và đổi mới tri thức cổ điển.

[524] Trong số đó có Dương Lâm và Đoàn Triển tham gia ban tu thư.

Bảng 30 - Một vài cuốn sách giáo khoa bằng chữ Hán (1907-1908)

Tác giả

Tên sách

Chú giải

Dương Lâm

Đoàn Triển

Bùi Hướng Thành

Ấu học Hán tự tân thư

Sách giáo khoa căn bản của các lớp sơ học gồm 4 tập: khoa học tự nhiên, luân lý, địa lý và lịch sử.

Phạm Huy Hổ

Tiểu học quốc sử học biên

Sách giáo khoa lịch sử từ Hồng Bàng đến Gia Long dành cho các lớp tiểu học.

Đoàn Triển

Tiểu học Tứ thư tiết lược

Hợp tuyển trích từ Tứ thư dành cho các lớp tiểu học.

Dương Lâm

Nguyễn Trung Khuyến

Trung học Ngũ kinh toát yếu

Hợp tuyển sách Ngũ kinh dành cho các lớp trung học.

Ngô Giáp Dậu

Trung học Việt sử biên niên toát yếu

Tóm tắt lịch sử Việt Nam từ Hồng Bàng đến Gia Long dành cho các lớp trung học.

Nguồn: Viện nghiên cứu Hán-Nôm Vhv.346, A.328, A.329, A.2607, A.2068/1-2.

Bên cạnh chữ Hán đơn giản hóa và hiện đại hóa, chữ quốc ngữ được đưa vào chương trình. Hình như các sách giáo khoa bằng chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi hơn là các sách giáo khoa mới bằng Hán tự. Không có số liệu thống kê về cả hai trường hợp nhưng có nhiều dấu hiệu xác minh cho giả thiết trên. Trong hồi ký Nhớ gì ghi nấy, Nguyễn Công Hoan nhớ lại thanh niên thời bấy giờ rất hâm mộ các sách dạy địa lý của Trần Văn Thông. Đó là những cuốn sách đầu tiên viết bằng Việt ngữ. Cũng như các sách về khoa học tự nhiên, toán học do người em là Trần Văn Khánh cũng dạy học ở trường hậu bổ biên soạn. Nguyên nhân thành công là ở chỗ các tác giả rất ít dùng Hán tự nên nhiều người không thông thạo chữ nho vẫn có thể hiểu được[525].

[525] Nguyễn Công Hoan, Nhớ gì ghi nấy…, sđd, tr.105, 486-487.

Cũng với việc xuất bản sách giáo khoa, việc dạy và học cũng được tổ chức lại do hội đồng và ủy ban địa phương về cải tiến việc học của người bản xứ đề xướng và cho thi hành từ tháng 11/1906[526]. Cơ cấu học đường và các chương trình học xuất phát từ cuộc cải cách như thế nào? Giáo dục bản xứ gồm ba cấp học:

[526] Nghị định ngày 16/11/1906 của thống sứ Bắc Kỳ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3