Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 6 - Phần 1
Chương
6
ĐI TÌM
MỘT QUY TRÌNH ĐÀO TẠO MỚI
(1900 –
1915)
Anh còn muốn cái cử nhân ư?
Này, tôi bán cho anh một xu thôi.
Dương Bá Trạc
Dưới thời Paul Doumer làm toàn quyền Đông Dương,
cuộc cải cách quan trường dường như chậm lại. Tuy nhiên phong trào Đông Du và
Đông Kinh nghĩa thục bùng lên đã đem lại sức sống mới cho cuộc cải cách bắt đầu
từ những năm 1905-1906. Các nhà cải cách từ Phan Bội Châu đến Phan Châu Trinh,
Huỳnh Thúc Kháng thường lên án chế độ quan lại kìm hãm tiến bộ về kinh tế và xã
hội. Nhưng giữa hình ảnh này và thực tế có một khoảng cách lớn: quan trường mà
các nhà cải cách đó lên tiếng chỉ trích là quan trường cuối triều Tự Đức bất
lực không thể tiến hành một cuộc cách tân tương tự như thời Minh Trị duy tân ở
Nhật Bản. Có phải các quan lại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX đều tỏ ra vô cảm với
mọi ý tưởng canh tân không? Hãy bỏ qua sự đối lập theo kiểu rạch ròi thiện ác
giữa nhóm nho sĩ “yêu chuộng tiến bộ” và đám quan lại “uể oải không thoát khỏi
hủ lậu và thủ cựu”. Thực tế đám quan lại này cũng có lý tưởng canh tân với tư
cách là cùng hợp tác chứ không phải là công cụ của chính quyền thuộc địa, các
quan cấp cao tham gia cuộc cải cách dưới thời Paul Beau làm toàn quyền. Quan
trường vừa là đối tượng công cuộc cải cách, lại vừa là người tham gia công cuộc
duy tân.
Cuộc
khủng hoảng của chế độ thi cử và thách thức của phong trào cải cách
Trục trặc trong các kỳ thi
Sự gian lận trong thi cử, mối quan tâm của các nhà
cải cách vẫn tồn tại trong thời kỳ thuộc địa. Hồ sơ lưu trữ của năm 1897 đến
1906 tiết lộ nhiều vụ việc đã được tác phẩm văn học phụ họa. Từ đơn giản như
làm hộ bài thi đến đi thi hộ, không một thủ đoạn gian lận nào mà Ngô Tất Tố
không nói đến trong cuốn Lều chõng xuất bản gần hai mươi năm
sau khoa thi hương cuối cùng. Việc gà bài có thể được trả tiền hay không. Đó là
trường hợp của một sĩ tử tên là Mẫn đã được người bạn thân là Vân Hạc làm hộ
bài trong kỳ thi đệ nhất và anh của Vân Hạc còn giúp cho nhân vật này làm bài
phú trong kỳ thi đệ nhị. Trần Đức Chính mới ở trình độ trung tập đã phải trả ba
mươi đến bốn mươi quan tiền cho một sĩ tử khác làm bài hộ mình trong ba kỳ đệ
nhất đệ nhị và đệ tam trường thi hương. Ngô Tất Tố không quên nêu lên cả những
biện pháp đề phòng của những kẻ gian lận trong thi cử. Nếu họ được người làm gà
giúp đỡ trong ba kỳ đầu thì trong kỳ thứ tư họ không được gì hết. Quả thực là
những tay làm bài thuê còn muốn cống hiến hết mình cho chính bài của họ, và các
quan giám khảo cũng cảnh giác hơn[482].
[482] Ngô
Tất Tố, Lều chõng, 1939,
trong Ngô Tất Tố toàn tập,
(1996) tr.600-603. Theo Trần Huy Liệu, cụm từ “làm gà” có nghĩa là làm bài hộ
một sĩ tử trong khi thi. Trần Huy Liệu, Hồi ký…, sđd, tr.20.
Quy chế thi cử phức tạp và việc các sĩ tử ồ ạt dự
khảo thí khiến khó mà đấu tranh chống những hiện tượng gian lận trong thi cử.
Chắc hẳn là từ 1900 nhiều công chức Pháp noi gương các nhà canh tân triều Tự
Đức đã đòi hạn chế số lượng sĩ tử. Nhưng năm 1903, biện pháp này không thể áp
dụng được. Ba năm sau, người ta nêu lại. Thống sứ Bắc Kỳ gọi công sứ những tỉnh
quan trọng nhất của miền đồng bằng sông Hồng như Hà Đông, Nam Định, Thái Bình,
Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh để hạn chế mỗi tỉnh chỉ lấy năm trăm đến sáu
trăm học trò đỗ các kỳ thi loại (gọi là hạch thí)[483] để
cho dự kỳ thi hương. Các con số đó có được tôn trọng không? Không ai dám chắc!
[483] Thống
sứ Bắc Kỳ nhắc lại thông tư năm 1903 vì các con số hạn chế đã không được tôn
trọng.
Năm 1906 số học trò đi thi hương có giảm, nhưng từ
1891 đến 1900 số sĩ tử tăng khá nhanh. Hãy xem các con số. Năm 1891: 7200
người, 1894: 9700 người, 1897:?, 1900: 13000 người[484].
Như vậy trong chín năm số sĩ tử đã tăng 80%. Đây là chứng cứ rõ ràng nhất về sự
hấp dẫn của các khoa thi. So sánh với số sĩ tử năm 1894 là 9700 với con số quan
tại chức năm 1896 chỉ có 418 người đủ thấy tâm trạng giới nho sĩ tinh túy hẫng
hụt như thế nào[485].
Vậy mà chắc nhà cầm quyền Pháp ở cấp cao đã không ý thức được điều này. Khi nha
kinh lược Bắc Kỳ bãi bỏ, một chiến dịch báo chí rất mạnh mẽ và các cuộc thảo
luận trong ủy ban cải cách thuế khóa đã làm cho giới quan chức và nho sĩ ở Việt
Nam sợ rằng rồi đây các nhà cầm quyền thuộc địa sẽ xóa bỏ bộ máy cai trị của
quan lại người Việt.
[484] Con
số năm 1891 và 1894 trích trong tác phẩm QTHKL, tr.528 của Cao Xuân Dục. Con số
năm 1900 là do công sứ Nam Định là Thureau cung
cấp. ANV-RST 55356.
[485] Người
ta không biết các con số của những năm sau 1896.
Đúng là những biện pháp đem thi hành ở Bắc Kỳ mấy
năm sau đó đã làm tăng lên nỗi lo sợ đó. Bắt đầu từ 1898, các chức tổng đốc,
tuần phủ đã không được bổ nhiệm thêm người mới, vì vậy những quan trẻ khó có
thể thỏa mãn được ý chí cầu tiến của họ.
Trong nhóm công chức thuộc địa có sự nhất trí chung
quanh vấn đề này không? Đọc một số báo cáo trong hồ sơ lưu trữ khiến chúng ta
đem lòng nghi ngờ. Một năm trước đó Muselier là công sứ Hưng Hóa tỏ ra lo ngại
cấp trên của ông ta không hiểu rõ tình hình này, đã khuyên họ nên hành động
thận trọng biết rằng công cuộc chiêu an bình định cũng chỉ mới hoàn thành gần
đây thôi. Muselier cho rằng “xa lánh lớp người đông đảo nhiều thủ đoạn trong
giới nho sĩ là một hiểm nguy”. Số này thực tế còn nhiều uy tín trong dân chúng
do họ là những người đã đỗ đạt. Sau khi nhận thấy số học trò dự kỳ thi hương ở
Nam Định tăng lên đều đều, Muselier gợi ý cấp trên của ông không nên cải cách hấp
tấp sẽ thu hẹp con đường làm quan của giới sĩ phu Bắc Hà hoặc ngăn không cho họ
tiến xa hơn nữa. Ông ta nói thêm rằng cứ cải cách một cách thiếu thận trọng thì
với “những nỗi bất mãn không thể dung hòa” ấy, lớp nho sĩ đó sẽ sử dụng uy tín
của họ để chỉ trích mạnh mẽ chính sách thuộc địa. Ông yêu cầu duy trì một số
chức đủ số cần thiết, tiếp tục sử dụng cả số quan lại có phẩm trật cao[486].
Tiện thể cần phải đặt lại vấn đề trong khuôn khổ rộng hơn là mối quan hệ giữa
lớp trí thức thượng lưu với chính quyền, và trong thời gian lâu dài hơn như
những suy nghĩ rất hiện đại của Gustave Le Bon trong cuốn Psychologie
des foules(1895) hoặc những nhận xét sau này của Albert Pouvourville. Le
Bon chỉ ra nguy cơ của khoảng cách giữa nguyện vọng của những người có bằng cấp
và tình trạng thiếu nơi sử dụng họ, tình hình đã xảy ra ở châu Âu, Trung Quốc
và Ấn Độ.
[486] ANV-RST 54843.
Nhà nước tạo ra hàng loạt những người có bằng cấp
nhưng chỉ sử dụng họ một số nhỏ khiến nhiều người khác không có việc làm. Vậy
phải nhẫn nhục nuôi những người có công ăn việc làm và biến những người không
có việc làm thành kẻ thù (…). Tiếp thu tri thức mà không sử dụng được là một
phương sách chắc chắn để biến con người thành kẻ nổi loạn […]. Đội quân nho sĩ
không có việc làm ngày nay ở Trung Hoa được coi như một thảm họa quốc gia[487].
Còn Albert Pouvourville thì ba mươi năm sau đã làm
rõ thất bại của nhà cầm quyền thuộc địa là không đáp ứng được nguyện vọng của
giới nho sĩ thượng lưu.
[487] Le
Bon. G, Psychologie des foules (Tâm
lý đám đông), (1981), tr.53-54.
Con người thì dư thừa mà cán bộ thì thiếu hụt, cung
vượt cầu quá xa. Đó là những con người được đào tạo để lãnh đạo các tỉnh hay
chính phủ thì nay cầm đầu các cuộc nổi loạn[488].
[488] Pouvourville,
A. de, L’Annamite, 1932,
tr.52-53.
Thách thức của xu hướng cải cách
Các nhà chủ trương canh tân ở Việt Nam đầu thế kỷ XX
đã phát triển lời chỉ trích của họ đối với xã hội, họ có vị trí đáng nể trong
sách sử học Việt Nam và phương Tây. Không có vấn đề nào được đem ra thảo luận
sôi nổi như vấn đề duy tân. Biên niên sử, động cơ của các nhà duy tân trong
phong trào Đông Kinh nghĩa thục và Đông du: đó là những vấn đề không cần nhắc
lại ở đây vì đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến. Chỉ riêng vấn đề
giáo dục khiến chúng tôi lưu ý. Đây là vấn đề chủ yếu của mọi cuộc cải cách.
Cuộc tranh luận có thể tóm tắt như sau: xuất phát từ sự phê phán gay gắt việc
đào tạo truyền thống đến chủ trương xóa bỏ các kỳ thi hương, các nhà duy tân
đòi hỏi một nền giáo dục thực hành, bổ ích, phổ cập mở cho tất cả mọi người và
dùng chữ quốc ngữ là công cụ chủ yếu để chuyển tải và tiếp thu kiến thức. Lời
buộc tội càng thêm gay gắt mang tính lật đổ khi đa số trong số nhà cải cách như
Lương Văn Can, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu đang tố giác
những khuyết tật của chính tầng lớp xuất thân của họ. Các bài thơ của Nguyễn
Thượng Hiền là những lời lên án mạnh mẽ các kỳ thi chỉ là mua danh hão:
Danh tâm vị đoạn hối điêu trùng
Túy bả ngâm biên phó chúc dung
Dịch nghĩa:
Tập thơ chạm gọt bởi ham danh
Say đốt quách đi dạ cũng đành[489]
[489] Tự phần thi cảo hữu cảm tác do
Lại Nguyên Ân trích dẫn trong “Ảnh hưởng của Tân thư trong sáng tác của Nguyễn
Thượng Hiền” trong Đinh Xuân Lâm (chủ biên) Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (1997),
tr.443. Cũng xem Thơ văn Nguyễn
Thượng Hiền, (1959), tr.97, 212.
Năm 1905 Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc
Kháng tiến hành một chuyến du hành vào Nam để cổ động dân chúng ủng hộ duy tân.
Đến Bình Định, các ông trà trộn vào đám sĩ tử dự hạch thí, dưới biệt hiệu Đào
Mộng Giác họ làm một bài thơ nhan đề Chí thành thông thánh và
một bài phú nhan đề Lương Ngọc danh sơn có tiếng vang “như sét
đánh”[490].
Bài thơ chỉ trích sự bất lực của văn chương bát cổ trước các vấn đề xã hội
đương đại đang gay gắt.
Vạn gia nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương thụy mộng trung
Dịch nghĩa:
Muôn dân nô lệ cường quyền mạnh
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ.
[490] Vũ
Đình Liên, Hợp tuyển thơ văn
Việt Nam, (1963), tr.527. Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Chu Trinh, (1995),
tr.66, 72-74. Bài thơ do Nguyễn Xuân Hòa trích dẫn trong “Ảnh hưởng của tư
tưởng Khang Lương đến một số nhà văn Việt Nam” trong Tân thư và xã hội Việt Nam…, sđd, tr.416.
Noi gương các bậc tiền bối ở thế kỷ XVIII như Lê Quý
Đôn hay Ngô Thì Sĩ và ở thế kỷ XIX như Nguyễn Trường Tộ, Đặng Xuân Bảng, những
người chủ trương duy tân thế kỷ XX tố cáo tính cách hình thức chủ nghĩa của
giáo dục lúc đó: phương pháp học chỉ thiên về luyện trí nhớ, học cho thuộc mặt
chữ và lời dạy của người xưa, dùng những công thức rập khuôn, sáo rỗng trong
các kỳ thi.
Vậy nên (thí sinh) cứ cắm đầu, cắm cổ đọc những cuốn
sách trống rỗng, không thiết thực, kiến thức thiếu thốn. Học xong đi thi, hoặc
mong ở chỗ văn hay, hoặc sao chép những lời cũ rích.
Đó là các tác giả cuốn sách Quốc dân độc bản đã
viết trong chương Luận khoa cử chí hại[491].
Nhắc lại một đề tài quen thuộc của Nguyễn Trường Tộ và Đặng Xuân Bảng, họ đánh
giá rằng cái đồi bại của chế độ thi cử là làm thui chột tài năng. Mê hoặc văn
chương có hệ quả là khinh thường các nghề thủ công và buôn bán là những nghề
không cần phải học cũng biết. Làm quan là tham vọng duy nhất của đám nho sĩ
hiến dâng phần chủ yếu của đời mình vào các kỳ thi. Chỗ trong bộ máy chính
quyền thì ít mà số người muốn ra làm quan thì nhiều. Mất cân đối giữa cung và
cầu rất lớn. Phan Kế Bính phàn nàn: “Ngày nay sĩ tử vùi đầu nung kinh nấu sử
không biết làm gì khác.”[492]
Trần Tế Xương (Tú Xương) tám lần lều chõng đi thi từ 1885 đến 1906 mà vẫn không
đỗ, đó là trường hợp điển hình cho thái độ ngoan cố đó. Trong hồi ký, Trần Huy
Liệu bày tỏ lòng chán ghét chế độ thi cử mà ông anh cả tác giả là một nạn nhân.
Mười ba tuổi đã đi thi, năm ba mươi chín tuổi mới đỗ tú tài và chết ngay năm đó
vì bệnh lao, “quả báo của mười hai năm học thi quá sức!”[493]
Về điểm này Đông Kinh nghĩa thục đã báo trước chiến dịch báo chí tiến hành giữa
hai cuộc chiến tranh thế giới để tố cáo thành kiến đối với nghề buôn và kỹ
nghệ: “Có chí làm quan, có gan làm giàu.” Đây là một quan niệm hai lần sai lầm
theo con mắt những người thuộc phái cách tân dẫn cả dân tộc đến chỗ bỏ rơi nghề
khác và cho rằng chỉ cần có chí là làm được quan không cần phải qua đào tạo
thực sự. Trong tâm trí của họ tài năng không thể đánh giá theo giá trị của nghề
làm quan. Nếu không thì xã hội phải coi những người thợ thủ công và người làm
nghề buôn bán danh tiếng là hạng người thấp kém trong xã hội vì họ không cần
phải học tập đào tạo cũng làm thợ và đi buôn được. Vậy tất cả các nghề nghiệp
đều đóng góp vào lợi ích chung làm cho xã hội phát triển. Vì vậy làm nghề gì
cũng phải học đến đầu đến đũa. Đỗ Thận là một trong những người hăng hái bảo vệ
cho luận thuyết ấy. Tuy nhiên tờ báo của ông, tờ Khai hóa tiên
phong trong cuộc chiến không phải là người bảo hộ duy nhất. Nam Phong cũng
làm cho độc giả phải quan tâm suy nghĩ về vấn đề đó. Trên tờ Nam Phong Nguyễn
Bá Trác phàn nàn đồng bào của ông chỉ nhìn thấy quan trường đem lại hy vọng duy
nhất là thành đạt trong xã hội và coi khinh những nghề khác[494].
[491] “Luận
khoa cử chi hại” trong Quốc dân
độc bản. Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, (1997), tr.253-254.
[492] Phan
Kế Bính, Việt Nam phong tục,
N. Louis-Hénard dịch và chú giải, Mœur
et Coutumes du Vietnam, (1975), tr.127.
[493] Trần
Huy Liệu. Hồi ký…, sđd, tr.14.
[494] Đỗ
Thận. “Có chí làm quan, có gan làm giàu” Khai hoá nhật báo, 87 (25/10/1921). Đỗ Thận, “Ai có trí muốn làm
quan”, Khai hoá nhật báo,
253, (18/5/1922). “ 北
圻 官 制 改 定 問 題 ”, Nam Phong, 20 (1919/2), tr.41-48.
Việc phê phán triệt để các khoa thi dẫn đến yêu sách
phải bãi bỏ. Đặc biệt Đông Kinh nghĩa thục còn kêu gọi cải cách hoàn toàn việc
học[495].
Những người của Đông Kinh nghĩa thục đem lối học vô dụng, tức là để đi thi, đối
lập với việc học hữu dụng mở cho tất cả các tầng lớp xã hội như: ngôn ngữ, lịch
sử, địa lý, khoáng vật, thổ nhưỡng, khoa học thường thức, hóa học, tâm lý học,
đạo đức, chính trị và kinh tế học. Cuộc vận động cải cách việc học chủ trương
đa dạng hóa giáo dục phổ thông lấy chữ quốc ngữ làm nền tảng nhằm vào mọi tầng
lớp trong xã hội: nông dân, thợ thuyền, người buôn bán, chứ không phải chỉ dành
cho lớp nho sĩ. Chúng tôi nhấn mạnh tầm vóc của ý tưởng đó ở Việt Nam: đây là
lần đầu tiên đã hình thành một đòi hỏi giáo dục phổ cập[496].
Phải bỏ lối học độc quyền nghĩa là chỉ học cổ văn, phải mở nhiều trường học,
dịch và phổ biến các sách viết bằng quốc ngữ, gửi thanh niên đi học các trường
chuyên nghiệp ở nước ngoài. Một nền giáo dục như thế sẽ triệt để loại bỏ ưu thế
độc tôn của kẻ sĩ, quan lại trong xã hội, kéo theo sự đảo lộn trong việc sắp
xếp vị trí các tầng lớp trong xã hội. Trước đây chỉ có bốn hạng: sĩ - nông -
công - thương, thì nay các tầng lớp đều ngang nhau không tầng lớp nào thiêng
liêng cao quý hơn các tầng lớp khác. Trong văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, xã hội
được hiểu theo phạm trù xã hội - kinh tế. Ví như tác giả cuốn Quốc dân độc
bản dùng cụm từ nhân công sinh lợi, được ông chia làm sáu
hạng: hái lượm và săn bắn - chăn nuôi và trồng trọt - chủ xưởng - quan lại -
nhà giáo - trạng sư cũng như những người phục vụ họ. Không những tác giả khước
từ mọi uy tín xã hội của quan lại mà ông còn ngầm chỉ trích tính cách ăn bám
của họ. Ví như tác giả cho rằng số lượng của ba hạng đầu phải là vô hạn. Nhưng
để tránh lãng phí tiền của công cộng thì số các quan lại, nhà giáo và đầy tớ
phải tùy thuộc mật độ dân số và trình độ sản xuất[497].
[495] Về
phong trào này xin xem Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghĩa thục, (1968) và Marr D.G. Vietnamese Anticolonialism 1825-1925,
(1971), tr.156- 184.
[496] Trong
khi ở Trung Hoa đòi hỏi này không mới: Huang Zongxi (1610-1695) đã đưa ra từ
giữa thế kỷ XVII (xem thương 2).
[497] Trích Quốc dân độc bản trong Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục,sđd, tr.274-275.
Việc chỉ trích thi cử không tách rời khỏi những suy
nghĩ về tương lai của tầng lớp tinh hoa của Việt Nam. Một con đường khác mở ra
cho lớp nho sĩ vô công rồi nghề, nếu họ không còn thành kiến với các nghề thủ
công và buôn bán. Đó là nội dung những thách thức mà những người chủ trương cải
cách dự định nêu lên. Thật ra, từ hơn một thế kỷ nay sự thay đổi trong tầng lớp
tinh hoa này không ngừng được đem ra bàn cãi. Các ông quan không phải là thờ ơ
với các vấn đề kinh tế của đất nước mà họ đã từng tham dự gián tiếp trong suốt
thế kỷ XVIII. Nếu sau đó Triều đình nhà Nguyễn đã dẹp sự phát triển một tầng
lớp thương nhân thì vấn đề mở cửa cho tầng lớp này đã được các nhà duy tân như
Nguyễn Trường Tộ hay Đặng Xuân Bảng dưới triều Tự Đức bênh vực. Từ năm 1888 khi
ông về Hành Thiện dạy học, Đặng Xuân Bảng đã tiếp tục nung nấu ý tưởng canh
tân: ông cho rằng đa số các hàng làm ra chất lượng không bảo đảm, thợ thủ công
có tài khăng khăng giữ bí quyết nhà nghề, sự thao túng của người ngoại quốc vào
công việc buôn bán… đó là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp cho những thành kiến
của sĩ phu thời bấy giờ[498].
[498] Đặng
Xuân Bảng, Hi long di tặng,
một phần do Hoàng Văn Lâu dịch trong Khảo sát văn bản…, sđd,
tr.18. Phan Đại Doãn, “Les lettrés humanistes”, Études vietnamiennes, 56 (1979), tr.125-126.
Hoàng Trọng Phu, hiệu trưởng trường hậu bổ cũng có
những mối quan tâm tương tự. Từ 1898 ông mong muốn tạo một lớp dạy kế toán để
một số học sinh có thể đi vào kinh doanh:
Theo ý tôi, đưa môn kế toán, môn địa lý vào chương
trình học của trường (hậu bổ) rất có lợi. Càng theo việc kinh doanh, những ông
quan giàu có sẽ không màng đến những vị trí thấp kém mà ngạch cai trị có thể
đem đến cho họ. Do hoạt động kinh doanh họ có thể có thêm thu nhập đồng thời
góp phần xây dựng đất nước phồn vinh[499].
[499] ANV-RST 46352.
Cuối cùng nhiều quan cũng không tỏ vẻ thờ ơ với lời
kêu gọi của Đông Kinh nghĩa thục, ủng hộ việc thành lập các công ty kinh doanh
của người Việt Nam[500].
Ví như Nguyễn Quyền, nguyên là huấn đạo một huyện đã cùng với Hoàng Tăng Bí lập
công ty Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai sản xuất chè sen, các đồ trang trí bằng
lụa và bán hàng ngũ kim. Tương tự như vậy có Nghiêm Xuân Quảng, tiến sĩ, án sát
tỉnh Lạng Sơn tháng 6/1906 xin nghỉ việc quan một năm để lập công ty vốn ba
mươi ngàn đồng bạc Đông Dương. Ông định cạnh tranh với thương nhân người Hoa
trước hết là tại các tỉnh biên giới rồi đến các tỉnh đồng bằng. Sáng kiến này
được viên công sứ Pháp nhiệt liệt chấp nhận:
Sáng kiến của viên quan đỗ tiến sĩ sẽ chỉ ra cho
đông đảo các nho sĩ, tất cả chỉ mong có một chức quan, thấy rằng đi vào kinh
doanh không gì nhục nhã[501].
[500] Xem
Trần Văn Giàu. Sự phát triển của
tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng 8, (1975), t.2,
tr.56-57. Chương Thâu, Đông Kinh
nghĩa thục và phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, (1982),
tr.62-69.
[501] ANV-RST 54068,
hồ sơ hành trạng của Nguyễn Bách.
Với tư cách nhà diễn thuyết tại trường Đông Kinh
nghĩa thục, Nghiêm Xuân Quảng tuyên ngôn ủng hộ chấn hưng kinh tế nước nhà,
đăng trên Đăng Cổ tùng báo năm 1907:
Biết bao nhiêu là đèn, là dầu, là vải, là vóc, là ô,
nào giầy, nào bí tất là đồ văn minh các nước vẫn chở vào nước mình; thế mà nước
mình không có một cái gì để đổi lại. Mà lại để cho những hiệu khách buôn đi bán
lại, để thâu cho hết tiền bạc của ta (…). Chết nỗi! Cả nước không có một cửa
hàng nào lớn, xưởng thợ nào đông, người trong nước thì không có nghề nghiệp gì
mà trông cậy được. Mấy mươi triệu người nhung nhúc mà chỉ khư khư trông nom vào
một ít ruộng cũ choèn choèn, mà một người chưa làm thì mười người đã chực ăn,
nhẽ nào đến năm mất mùa mà chả chết đói?[502].
[502] Trích
bài đăng trên Đăng Cổ tùng báo (1/8/1907)
do Trần Huy Liệu dẫn trong Lịch
sử thủ đô Hà Nội, (1960), tr. 159.
Ghép
lại các sáng kiến
Phái đoàn thường trực
Hai nghị định ngày 17/10/1905 và ngày 7/11/1905 của
toàn quyền Đông Dương Paul Beau cho phép thành lập “phái đoàn thường trực của
các quan Đông Dương ở Pháp” đã tạo điều kiện cho các quan chức, công chức và sĩ
phu Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên được chỉ định hàng năm điều hành những chuyến
du khảo tại Pháp[503].
Đây không phải là lần đầu tiên có tổ chức này. Do Vũ Văn Báo và Nguyễn Trừng
cầm đầu, một phái đoàn đầu tiên lên đường đi Marseille, Lyon và Paris theo lời
khuyên của nhà cầm quyền thuộc địa trong những năm 1889-1890. Trong bài Kỷ
sửu Tây hành nhật ký Vũ Văn Báo đã ghi lại những cảm tưởng của ông,
những hoạt động “ngoại giao” và ông đặc biệt quan tâm đến các cuộc viếng thăm
các nhà máy đóng tàu và đầu máy xe lửa. Tương tự như vậy nhằm để cải thiện quan
hệ giữa hai nước, Nguyễn Trọng Hợp đã đến Paris năm 1894. Cuối cùng sáu năm sau
Vũ Quang Nhạ tuần phủ Bắc Ninh, Hoàng Trọng Phu, hiệu trưởng trường hậu bổ, Từ
Đạm tri huyện Xuân Trường và nho sĩ trẻ Đặng Văn Nhã cũng lên đường đi Pháp.
[503] Chúng
tôi dựa vào bài báo của Christiane Pasquel-Rageau, “Récits du voyage de
‘mandarins’ vietnamiens et cambodgiens en France (1906-1907)”, trong Salmon,
Cl. (chủ biên), Récits du voyage
des Asiatiques…, sđd,
tr.385-405.
Phái đoàn do Paul Beau thành lập có gì khác với các
chuyến đi Tây trước đây? Khác ở chỗ các chuyến đi trước đây tiến hành đúng thời
điểm và không nằm trong đào tạo quan lại. Hai chuyến đầu tuy không thể coi là
chuyến đi sứ, tuy nhiên do tư cách của các thành viên trong đoàn nên nó mang
tính ngoại giao[504].
Chuyện kể về chuyến đi năm 1889-1890 xét đến cùng là một bản báo cáo tâu lên
nhà vua. Ngược lại, chuyến đi thứ ba báo trước chương trình của Paul Beau vì nó
mang đầy đủ tính chất một chuyến du khảo.
[504] Hai
phái đoàn này được Tạ Trọng Hiệp nêu ra trong bài “Le Journal de l’ambassade de
Phan Thanh Giản en France (4 juillet 1863 - 18 avril 1864)” trong
Salmon, Cl. (chủ biên), Récits du
voyage des Asiatiques…, sđd,
tr.336, chú thích 6 và 8.
Phải đoàn thường trực do sáng kiến của Paul Beau nằm
trong một dự án chính trị thật sự. Không có gì là ngẫu hứng trong việc chuẩn bị
chương trình đó. Thời gian các chuyến đi, chi phí và thành phần đoàn, người cầm
đầu kể cả quá trình diễn biến của chuyến đi Pháp đều được chuẩn bị tỉ mỉ chu
đáo. Mỗi chuyến đi kéo dài một năm và chương trình được tiến hành trong ba năm
liền[505].
Việc thành lập phái đoàn thường trực được quyết định ở Paris trong tháng 9/1905
trong lúc toàn quyền Beau đang về nghỉ hè tại Pháp. Một bức điện của bộ thuộc
địa yêu cầu Hà Nội dự kiến ngân khoản chi tiêu trích trong ngân sách Bắc và
Trung Kỳ và trên ngân sách toàn Đông Dương, “tức một trăm hai mươi ngàn francs
cho chuyến đi và ăn uống cho hai mươi viên quan được phái đi Pháp để nghiên cứu
văn minh của nước Pháp.” Ngoài ra nghị định ngày 17/10/1905 cũng đề ra việc chỉ
định người đứng đầu phái đoàn thường trực, gọi là một tổng giám đốc phái đoàn
sẽ cư trú thường xuyên tại Pháp. Nghị định đó cũng quy định thể thức tài trợ,
thời gian lưu trú và nói rõ thành viên sẽ chọn “trong số các quan chức, các
công chức bản xứ và những nho sĩ ít nhất ba mươi lăm tuổi và càng biết nhiều
tiếng Pháp càng tốt.”
[505] Trừ
thời gian đi tàu thủy, mỗi chuyến đi Pháp kéo dài 7 tháng.
Một nghị định bổ sung ngày 7/11/1905 chỉ rõ địa điểm
lưu trú và nói rõ phái đoàn sẽ được hướng dẫn ra sao tại Pháp, dự kiến chỉ định
những người phụ trách các trung tâm khảo sát trong các thành phố Marseille,
Nancy, Lyon và Paris[506].
Sẽ chỉ định một phó tổng giám đốc phái đoàn giống như những người phụ trách của
nhóm sẽ do toàn quyền Đông Dương đích thân lựa chọn tùy theo “trình độ hiểu
biết tiếng nói, phong tục và luật pháp bản xứ ở mỗi nước Đông Dương.”
[506] Việc
thành lập trung tâm khảo sát ở Marseille cuối cùng bị bãi bỏ.
Lãnh đạo chung của phái đoàn được giao cho Fourès,
nguyên là tổng thư ký của chính quyền bảo hộ ở Cao Miên, thống sứ Bắc Kỳ từ năm
1895 đến 1905, ông này sẽ quyết định phân phối ngân khoản cho các trung tâm
khảo sát như các chi phí về ăn ở đi lại của các thành viên đoàn khảo sát tại
Pháp. Phò tá cho Fourès có Chéon, nguyên là giám đốc nha bản xứ của phủ thống
sứ Bắc Kỳ, chính ông này trong thời gian thành lập trường hậu bổ đã phụ trách
tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh. Ngoài ra có Haas, nguyên lãnh sự Pháp ở
Miến Điện và Trung Quốc đã nghỉ hưu được chỉ định đứng đầu trung tâm khảo sát
tại Paris. Là thầy thuốc, nhà thực vật học và thị trưởng thành phố Phnôm Pênh,
Philippe Hahn phụ trách hướng dẫn thành viên trong đoàn trong thời gian lưu trú
ở Nancy. Cuối cùng là Chenieux công chức ngạch cai trị tại Đông Đương lúc này
đang về nghỉ sẽ phụ trách nhóm khảo sát ở Lyon. Trong suốt thời gian lưu trú ở
Pháp lượt đi đã có Bosc thông ngôn chính và tác giả nhiều cuốn sách cho người
bản xứ, còn lượt về đích thân Pierre Pasquyer phụ trách. Như vậy người ta có
thể nhận xét rằng những người phụ trách đoàn là những viên chức thuộc địa ở
trình độ rất cao.
Năm 1906, sinh hoạt phí cho đoàn được quyết định rất
chính xác. Lương tháng của các thành viên được để lại cho gia đình chi dùng.
Mỗi chuyến đi sẽ được phụ cấp thêm để may quần áo ấm ở Marseille. Trong thời
gian đi công cán tại Pháp mỗi thành viên được lĩnh lương tháng một trăm hai
mươi francs để chi tiêu vặt ngoài chi phí ăn ở tại gia đình hay các căn hộ cho
thuê tại các tỉnh đến thăm. Thư từ giữa Fourès và văn phòng ở Hà Nội trước khi
đoàn đến Pháp cho biết việc bố trí chỗ ăn ở bảo đảm sức khoẻ cho các thành viên
trong đoàn. Một bác sĩ được cử đến mỗi nhóm ít nhất thời gian đầu và việc giám
sát theo dõi sức khoẻ của các thành viên khá chu đáo.